Chờ Nắng

Cao Nguyên

caonguyen-cho-nang

vùng trời Bắc Mỹ mùa tàn thu 
gió cuộn mây bay sương tỏa mù 
cánh cửa vườn xưa vàng lá khép 
ngã bóng thơ buồn lên áng thư
 
còn chút nắng hanh vờn bước nhẹ
cũng chạnh lòng em gợi thắm tươi
xin trời muộn trút dòng băng tuyết
cho bướm hoa còn rong nắng chơi!
 
*
người lính già về thăm cổ mộ
gọi thằng bạn thuở máu hồng khơi
nhâm nhi bữa rượu còn dang dở
từ vội xa miền châu thổ tôi
 
đời vẫn thênh thang sầu viễn mộng
cổ lai truyền thuyết kỷ nhân hồi
tiếc nỗi lòng mình không đủ rộng
chứa cả thiên thu tiếng gọi người!
 
*
mây bạc ngàn bay guồng gió buốt
buộc trời Đông Bắc lạnh lòng se
chờ mai mùa nắng hồng tha thướt
ta trải thơ lên cánh phượng hè
 
để nghe lại tiếng ve ngày trước
còn rộn lời vui sau lũy tre
mừng em thả cánh diều bay lướt
vút thẳng lên trời xanh thắm quê!
 
*
chờ nhé bạn ơi, chờ nhé em
rồi thơ và nắng sẽ hồng lên
ta về cổ mộ thay hoa mới
và ghé em mời hương rượu quen!

Cao Nguyên

Ảo Ảnh

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

seagull

Ngày xưa, ngày xửa, ngày xưa

Có hoàng tử nọ khi vừa sinh ra

Tin lành tràn ngập quốc gia

Vua, hoàng hậu với muôn nhà mừng vui,

Rồi hoàng hậu sớm qua đời

Tiếc thay mẹ kế là người xấu xa

Muốn giành ngôi cho con bà

Âm mưu giết hại thật là bất lương

Sai người tâm phúc tìm đường

Đưa hoàng tử nhỏ vào rừng giết đi.

May thay kẻ đó từ bi

Nào đâu nỡ giết trẻ kia bao giờ

Gặp người săn bắn bất ngờ

Vội giao hoàng tử cậy nhờ trông coi,

Thợ săn sống ở ven đồi

Bên triền núi thẳm xa nơi kinh thành.

Cậu hoàng tử lớn lên nhanh

Vô tư như một cây xanh giữa trời

Đùa cùng nắng gió trùng khơi

Hoàn toàn đâu biết về đời xa xưa

Cội nguồn vương giả con vua,

Cậu vui ngày tháng êm ru dòng đời.

*

Một ngày hoàng tử lớn rồi

Tấm thân cường tráng, vóc người nở nang

Sống thong dong dưới nắng vàng

Như là thú giữa rừng hoang an lành

Như tùng vươn ngọn trời xanh

Trầm luân cuộc sống kinh thành nào hay.

Thế rồi bỗng có một ngày

Chàng theo bác thợ săn này về kinh

Nơi chàng thuở trước mới sinh

Dân bày hương án linh đình mừng vui.

Chàng trai kinh ngạc ngây người

Thấy dân phố thị khắp nơi dập dìu

Xa hoa, lộng lẫy đủ điều

Đắm chìm trong cuộc chơi nhiều tang thương

Trò đời cười khóc trăm đường

Thật là ấu trĩ, điên cuồng lắm thay!

Chàng trai nhàm chán nơi này

Rong chơi hai tháng hôm nay trở về

Theo chân bác thợ săn kia

Bụi nơi đô hội chẳng hề vương mang.

Rừng hoang vẫy gọi rộn ràng

Thầy trò rảo bước thênh thang lối về

Dừng chân nghỉ mệt bên khe

Vốc tay nước suối cận kề giải lao

Chợt nghe lối cỏ lao xao

Chàng trai ngẩng mặt xiết bao sững sờ

Mỹ nhân xuất hiện bất ngờ

Khiến chàng kinh ngạc ngẩn ngơ cõi lòng.

Cô nàng xinh đẹp vô cùng

Khuôn trăng tươi tắn, hình dung mỹ miều

Núi rừng chợt ngát hương yêu

Trong tim chàng khúc tình reo tuyệt vời

Tiếng lòng bùng dậy chơi vơi

Sau cơn mê mệt ngủ vùi ngàn năm

Thần tình ái đã ghé thăm

Mũi tên định mệnh đã găm tim người.

Thợ săn già cả lõi đời

Thấy niềm xao xuyến nơi người thanh niên

Ông bồi hồi nhớ lại liền

Cuộc đời trai trẻ cuồng điên của mình

Và ông bất giác rùng mình

Âu lo cho kẻ ái tình vương mang,

Cánh chim vương giả đại bàng

Đến thời sắp sửa ra ràng rồi đây

Hoang vu hốc đá hẹp này

Đại bàng dang cánh tung bay dễ nào,

Lòng ông đau xót biết bao

Biển tình sóng gió thét gào gian truân

Đời trai hăm hở dấn thân

Mai này bại liệt vô ngần thương đau.

Cho nên chỉ ít lâu sau

Khi chàng trai trẻ cúi đầu khẽ thưa

Xin rời rừng núi âm u

Thời ông im lặng thầm lo vô cùng.

*

Sau khi từ biệt núi rừng

Đại bàng tung cánh vào vùng trời xanh

Cô nàng bên suối đẹp xinh

Khiến chàng thức giấc an bình thuở nao

Nàng xinh đẹp nên tự hào,

Chàng trai quỳ gối biết bao nhiêu lần

Xin làm nô lệ hiến thân

Tiếc thay nàng vẫn muôn phần thờ ơ

Lạnh lùng chẳng ghé mắt qua

Chàng đâu sánh gót kiêu xa của nàng.

Song thân cô lại nhìn chàng

Thấy ra sức mạnh tiềm tàng thân trai

Cho nên chấp thuận tạm thời

Khiến chàng có dịp tới lui cận kề

Lấy lòng họ đủ mọi bề

Phá rừng, vỡ núi chẳng hề quản công

Quẩn quanh để thấy bóng hồng

Lao đầu bể khổ lòng không sóng sầu.

Thật thà, vụng dại từ lâu

Tâm hồn chất phác có đâu muộn phiền.

*

Một ngày rộn rã khắp miền

Kèn vang rừng núi, vua hiền đi săn

Tới vùng đất hứa dừng chân

Có cô gái đẹp tuyệt trần dễ thương,

Nàng tìm đến vị quân vương

Quyền uy, trai trẻ nàng thường ước mơ

Thuyền tình vừa ghé tới bờ

Vừa reo vang khúc đường tơ tuyệt vời

Tên thù đã phóng tới nơi

Quân vương ngã gục, hết đời xuân xanh

Ai ngờ chàng trẻ thất tình

Cung tên thiện xạ tài danh lâu rồi

Trong khi tuyệt vọng lứa đôi

Phóng tên cuồng nộ cho vơi hận lòng.

Đoàn săn nhốn nháo hãi hùng

Đua nhau đuổi bắt truy lùng kẻ gian

Chàng trai chạy trốn băng ngàn

Tâm hồn điên loạn hoang mang rối bời

Khi kiệt sức, lúc hết hơi

Gục bên bờ suối thân người mê man

Chập chờn hình bóng mỹ nhân

Như là một mũi tên găm ngực chàng.

Thương thay cho cánh đại bàng

Mới tung bay giữa thênh thang ít ngày

Dường như gục chết nơi này

Mộng đời theo cánh mây bay cuối trời.

*

Khi chàng tỉnh dậy, bồi hồi

Nào hay mình hiện ở nơi chốn nào

Tỉnh hay đang giấc chiêm bao

Thực hay là mộng mà sao lạ lùng,

Đệm rơm êm ấm dưới lưng

Nhìn qua bục đá sư đương ngồi thiền

Mặt sư thoáng nụ cười hiền

Đôi mày bạc trắng, da tiên hồng hào.

Cạnh bên chàng thấy vui sao

Rổ khoai chín luộc, ngại đâu đói lòng

Mãi hôm sau lúc hoàng hôn

Thiền sư xuất định mặt còn nét tươi

Sư nhìn chàng khẽ mỉm cười

Nửa như an ủi, nửa thời tiếc thương

Chàng bèn dâng nước cho ông

Như là chú tiểu mới trong cửa thiền

Hai thầy trò đều lặng yên

Dám đâu nói trước trò bèn chờ trông.

Sau khi vừa uống nước xong

Thầy thiền trở lại chứ không nói gì

Mặt thầy an lạc kể chi

Chàng trai cảm thấy những gì đớn đau

Những gì mình gánh muộn sầu

Chỉ như trò trẻ từ lâu trong đời

Từ hồi thơ ấu xa xôi

Đùa cùng trẻ nít, đến hồi lớn khôn

Đuổi theo người đẹp điên cuồng

Trò chơi chưa hết! Hãy còn hăng say

Giờ đây thân liệt chốn này

Chẳng còn sức sống! Bó tay mất rồi!

Còn sư an tịnh tuyệt vời

Chốn đây phẳng lặng như nơi mặt hồ

Phải chăng thầy lắng tâm tư

Cuộc chơi nhân thế giã từ đã lâu.

Bảy ngày ròng rã qua mau

Ngoài giờ tĩnh tọa sư đâu nói gì

Lặng im như tảng đá kia

Chàng không chịu nổi nên chi đợi chờ

Một ngày sư xả thiền ra

Chàng bèn kể lể gần xa chuyện mình

Sư nghe nhưng vẫn lặng thinh

Đến khi chàng hỏi tâm tình một câu

Sư bình thản khẽ lắc đầu

Trả lời: “Ảo ảnh!”. Sư đâu nói nhiều.

Chàng thất vọng biết bao nhiêu

Hỏi thêm gằn giọng: “Mọi điều giả sao

Thưa thầy ảo ảnh chỗ nào?”

Sư cầm bình nước vội trao cho chàng

Mỉm cười, khẽ nói nhẹ nhàng:

“Hiện ta đang khát nói năng chẳng nhiều

Có dòng suối mát chân đèo

Bình đây con hãy mang theo múc về!”

*

Chàng ôm bình vội ra đi

Khom người múc nước, đến khi ngẩng đầu

Tim chàng rộn rã đập mau

Bên kia bờ suối ai đâu đang chờ

Chao ơi người cũ trong mơ

Mỹ nhân đứng đó bất ngờ lắm thay!

Thấy chàng nàng chạy qua ngay

Ôm hôn khóc lóc tràn đầy xót xa

Lòng chàng trai chợt mềm ra

Hận tình xưa cũ nhạt nhòa trôi đi.

Rồi thêm bao chuyện ly kỳ

Hệt như cổ tích lâm ly tuyệt vời:

“Này là tin tức tới nơi

Kinh thành vua đã qua đời mới đây,

Người ta tiết lộ thêm ngay

Rằng chàng hoàng tử của ngày xa xưa

Vẫn còn sống! Thật bất ngờ!

Quần thần náo nức đón chờ tân vương,

Đón chàng về ngự ngai vàng

Quả là tốt đẹp huy hoàng biết bao,

Này ngôi hoàng hậu tối cao

Trao cho người đẹp ai nào xứng hơn,

Họ sinh ra những đứa con

Đẹp xinh, kháu khỉnh, tinh khôn, hiền lành.

Mười lăm năm thoáng trôi nhanh

Nước nhà có giặc, kinh thành lâm nguy

Chàng làm vua bị bắt đi

Giặc giam ngục đá còn chi ngai vàng,

Bầy con nằm chết thảm thương

Mỹ nhân hoàng hậu điên cuồng khóc la…

Tim chàng như nứt rạn ra

Rã rời từng mảnh xót xa vô vàn

Chao ơi số mệnh bạo tàn

Đè lên nặng trĩu nát tan tim chàng

Sa ngục tối, mất ngai vàng

Tóc phai bạc trắng, thân tàn già nua

Đời người sao mãi ganh đua

Cuộc chơi trần thế được thua, mất còn…”

Đang khi chua xót tâm hồn

Nửa mê, nửa tỉnh giữa cơn mơ màng

Chàng nghe thoảng vọng âm vang

Tiếng thiền sư nói nhẹ nhàng bên tai:

“Nước thời múc một bình thôi

Mà đi đến cả giờ rồi chưa xong

Tại sao lâu vậy hả con?”

Chàng trai choàng tỉnh, hoàn hồn nhìn quanh

Thấy thầy đang đứng cạnh mình

Còn mình đang đứng ôm bình nước không

Bên bờ suối chảy xuôi dòng

Tóc còn xanh mướt xoã trong gió rừng.

Thiền sư khẽ nói ung dung:

“Thế là ảo ảnh, vô thường đó con!”

Chàng trai sống mãi trên non

Kể từ ngày đó chẳng còn về kinh

Chẳng rời rừng núi an bình

Nên không ai rõ sự tình về sau

Đời chàng ẩn dật nơi đâu

Qua đời lặng lẽ khi nào chẳng hay!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(thi hóa phỏng theo Truyện Cổ Phật Giáo)

Alphonse de Lamartine (1790 – 1869) – Thi Sĩ Lừng Danh của Nước Pháp.

Phạm Văn Tuấn

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine (21/10/1790 – 28/2/1869) là nhà văn, nhà thơ và nhà chính trị của nước Pháp, ông là nhân vật giúp công vào nền Đệ Nhị Cộng Hòa (the Second Republic) và vào công tác bênh vực lá cờ Ba Màu (the Tricolor), tức là Quốc Kỳ của nước Pháp.

            Tập thơ trữ tình của Lamartine với tên là “Suy Tưởng Thơ Phú” (Meditations Poetiques, 1820) đã khiến cho ông trở nên một trong các thi nhân quan trọng trong Phong Trào Lãng Mạn (the Romantic Movement) của nền Văn Chương Pháp.

1/ Tiểu Sử của Lamartine.

            Alphonse de Lamartine sinh ra đời tại Macon, Burgundy vào ngày 21 tháng 10 năm 1790, trong một gia đình quý tộc Pháp, ông đã trải qua thời kỳ niên thiếu nơi trang trại của gia đình. Cha của Alphonse de Lamartine là một nhà quý phái, đã bị giam cầm vào thời đại khủng bố của cuộc Cách Mạng Pháp đang lên cao, nhưng rất may là ông Lamartine cha đã không bị đưa lên máy chém.

            Alphonse được giáo dục tại trường trung học Belley, giảng dạy do các Cha Dòng Tên (the Jesuits) dù cho vào thời gian này, các tu sĩ tại nước Pháp đều bị áp bức. Alphonse de Lamartine muốn phục vụ trong quân đội hay trong ngành ngoại giao nhưng vào thời bấy giờ, nước Pháp do Hoàng Đế Napoleon cai trị trong khi cha mẹ của ông lại là những người trung thành với chế độ Bảo Hoàng, vì vậy Lamartine đã không được chấp nhận vào các công vụ.

            Vào năm 1814, khi chế độ quân chủ Bourbon được phục hồi, Lamartine phục vụ trong đội cận vệ của Vua Louis 13. Vào năm sau khi Hoàng Đế Napoleon trở lại chính trường của nước Pháp sau khi đã bị đi đầy tại đảo Elbe, Lamartine di chuyển sang Thụy Sĩ. Sau khi Hoàng Đế Napoleon bị thua Trận Waterloo và triều đại Bourbon được phục hồi lần thứ hai, Lamartine bỏ nghề quân sự.

            Do bị hấp dẫn bởi thú văn thơ, Alphonse de Lamartine đã viết ra vài bài thơ bi ai và các bi kịch bằng thơ. Trước kia vào đầu năm 1812, Lamartine đã yêu say đắm một thiếu nữ lao động trẻ tên là Antoniella, tới năm 1815, ông được biết tin cô gái này đã qua đời nên sau này ông đã viết ra cuốn truyện “Graziella” với các giai thoại về cô gái kể trên.

            Khi sức khỏe bị yếu đi, Lamartine đã tới Aix-les-Bains là một nơi nghỉ mát có suối nước khoáng và đã gặp rồi say mê một người đẹp nhưng đang bị bệnh nặng tên là Julie Charles. Do cô Julie có quen biết nhiều nhân vật quyền thế tại thành phố Paris, cô Julie đã giúp Lamartine xin được một chức vụ trong công quyền. Lamartine đã làm nhiều bài thơ để tặng cô Julie, đặc biệt là bài thơ “Le Lac” (The Lake – Hồ Nước) qua đó nhà thơ hồi tưởng mối tình nồng ấm của đôi cặp tình nhân. Tới khi cô Julie qua đời vào tháng 12 năm 1817, Lamartine đã làm nhiều bài thơ tưởng nhớ Cô này, đáng kể là bài thơ “Le Cruxifx” (Thánh Giá). Lamartine đã trở nên một bậc thầy trong các thể thơ của Văn Chương Pháp.

            Vào năm 1820, Lamartine kết hôn với cô Maria Ann Birch, một người đàn bà trẻ gốc Anh. Cũng vào năm này, ông cho xuất bản tập thơ đầu tiên có tên là “Meditations Poetiques” (Suy Tưởng Thơ Phú), đồng thời ông cũng tham gia vào Ngoại Giao Đoàn, làm thư ký cho Tòa Đại Sứ Pháp tại Naples.

            Tập thơ “Suy Tưởng” ngay lập tức đã thành công bởi vì âm điệu lãng mạn và cảm xúc chân thành của các lời thơ. Tập thơ này đã mang lại cho nền Thơ Phú của nước Pháp một nét nhạc mới với các chủ đề thân mật và có tính cách tôn giáo. Tính ngân vang của các câu thơ, sức mạnh của nhịp thơ và sự đam mê vì cuộc sống đã tương phản với lối thơ của thế kỷ 18 trước đây.

            Tập thơ “Suy Tưởng” này đã thành công tới độ nhà thơ Lamartine đã khai triển trong hai năm về sau bằng hai tập thơ “Nouvelles Meditations Poetiques” (Suy Tưởng Thơ Phú Mới) và “Mort de Socrates” (Socrates qua đời). Trong hai tập thơ này có thêm phần siêu hình (metaphysics). Tập thơ “Le dernier chant du pelerinage d’Harold” (Câu hát cuối cùng của người hành hương Harold) xuất bản vào năm 1825, đã diễn tả được sự duyên dáng mà sau này Byron đã mô tả theo phong cách tương tự.

            Alphonse de Lamartine được phong tước Hiệp Sĩ (Chevalier of the Legion of Honour) vào năm 1825 rồi làm việc trong Tòa Đại Sứ Pháp tại nước Ý từ năm 1825 tới năm 1828. Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (the French Academy) vào năm 1829 rồi năm sau, ông cho phổ biến hai tập thơ “Harmonies Poetiques et Religieuses” (Hòa Điệu Thơ Phú và Tôn Giáo) trong đó có các lời ca ngợi Thiên Chúa (alleluia) một cách nhiệt tình.

            Cũng vào năm 1830 khi ông Louis Philippe lên làm Vua theo nền Quân Chủ Lập Hiến sau cuộc Cách Mạng Tháng 7 (the July Revolution), Lamartine đã từ bỏ ngành ngoại giao để tham gia vào chính trị, tuy nhiên ông từ chối liên hệ vào chế độ quân chủ để có thể duy trì tính cách độc lập của mình. Lamartine bắt đầu chú ý tới các vấn đề xã hội. Sau hai lần tranh cử không thành công, Lamartine đã được bầu làm Dân Biểu vào năm 1833. Dù vậy, ông vẫn còn làm thơ. Tập thơ “Les Visions” (Các Tầm Nhìn) đã được ông suy ngẫm từ năm 1821, nay được ông coi là một thiên anh hùng ca của tâm hồn (an epic of the soul). Chủ đề của tập thơ này là về một thiên thần bị đuổi ra khỏi Thiên Đường vì đã chọn yêu thương một phụ nữ và thiên thần này đã bị kết tội tái sinh nhiều lần cho đến khi nào thiên thần đó “yêu thích Thượng Đế hơn”.

            Từ năm 1832-33, Lamartine du lịch qua các xứ Lebanon, Syria và Đất Thánh (the Holy Land). Trong chuyến du lịch này và khi đang lưu tại Beirut, vào ngày 7/12/1832, Lamartine được tin người con gái duy nhất của ông tên là Julia đã qua đời.    Trong chuyến du lịch tới xứ Lebanon, Lamartine đã gặp Hoàng Tử Bashir Shihab II và Hoàng Tử Simon Karam, là hai người đam mê thơ văn. Một thung lũng của miền Lebanon ngày nay còn được gọi bằng tên “Thung Lũng Lamartine” (the Valley of Lamartine) để kỷ niệm cuộc thăm viếng này và trong rừng cây bách hương (cedar) tại Lebanon, có một cây to lớn mang danh “cây Bách Hương Lamartine” (the Lamartine Cedar) bởi vì gần 200 năm về trước, Lamartine đã ngồi làm thơ dưới gốc cây bách hương này.

            Năm 1835, Lamartine cho phổ biến cuốn sách “Voyage en Orient” (Du Lịch tới miền Trung Đông), kể lại cuộc hành trình sang trọng nhưng cũng từ nay, ông mất đi niềm tin vào Thiên Chúa.

            Vào năm 1836, Lamartine đã viết ra cuốn truyện “Jocelyn”. Đây là câu chuyện của một thanh niên trẻ trước kia đã muốn đi theo đời sống tôn giáo, nhưng đã bị cuộc Cách Mạng Pháp đuổi ra khỏi tu viện. Anh chàng này đam mê một thiếu nữ trẻ nhưng vì nhớ lại mệnh lệnh của vị giám mục già sắp qua đời, anh ta đã từ chối tình yêu để trở nên một “người con của Thiên Chúa” (a man of God), chỉ biết hy sinh đời sống của mình cho công việc phục vụ các đồng loại. Tới năm 1838, Lamartine cho phổ biến phần đầu của một tập thơ siêu hình dài với tên là “La chute d’un Ange” (the Fall of an Angel = Sự sa ngã của một Thiên Thần).

                        Sau khi tập thơ tên là “Recueillements Poetiques” (Poetic Meditation = Tuyển Tập Thơ Phú), Lamartine không còn quan tâm tới văn thơ nữa mà quay sang hoạt động chính trị một cách tích cực. Ông tin rằng các vấn đề xã hội mà ông gọi là “các câu hỏi của giai cấp vô sản” (the questions of the proletariat) phải là vấn đề chính của thời đại. Lamartine thương xót các hoàn cảnh của các công nhân, ông chối bỏ các niềm tin vào chính quyền rồi trong hai bài diễn văn vào các năm 1838 và 1846, ông cho rằng cuộc cách mạng của giới lao động sẽ không tránh khỏi.

            Vào năm 1847, Lamartine cho xuất bản cuốn sách “Histoire de Girondins” (Lịch Sử của các Nhà Cách Mạng Girondists), đây là cuốn lịch sử của đảng Girondin ôn hòa và sau cuộc Cách Mạng Pháp. Cuốn sách này đã khiến cho nhiều người biết tới danh tiếng của Lamartine, nhất là các đảng phái phe tả.

            Sau cuộc Cách Mạng xẩy ra vào ngày 24/2/1848, nền Cộng Hòa Thứ Hai (the Second Republic) được công bố tại thành phố Paris và Lamartine đã là Bộ Trưởng Ngoại Giao từ ngày 24/2/1848 tới ngày 11/5/1848. Vì cao tuổi, ông Jacques Charles Dupont de l’Eure, Chủ Tịch của Chính Phủ Lâm Thời đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của ông ta cho Lamartine. Lamartine cũng ở trong Ủy Ban Hành Pháp (the Executive Commission), đây là Bộ Chỉ Huy của nước Pháp. Lamartine cũng được ủy nhiệm việc công bố Nền Cộng Hòa trên bao lơn của Tòa Thị Chính của thành phố Paris và duy trì việc dùng lá cờ Ba Màu (the Tricolor) là Quốc Kỳ của nước Pháp. Lamartine đã nói như sau: “Đây là lá cờ của nước Pháp, lá cờ của các đạo quân chiến thắng, của vinh quang của chúng ta. Nước Pháp và lá cờ Ba Màu có chung một ý tưởng, cùng một uy tín và ngay cả nỗi sợ hãi nếu cần dành cho kẻ thù của chúng ta. Hãy cứu xét xem phải mất bao nhiêu máu đào để tạo nên một lá cờ khác… Lá cớ Ba Màu đã đi vòng quanh thế giới với nền Cộng Hòa và Đế Quốc, với sự tự do và vinh quang của quý vị…

            Trong cuộc Cách Mạng năm 1848, giai cấp tư hữu đã không chấp nhận giai cấp lao động có quyền sở hữu vũ khí để bảo vệ chính họ. Vào tháng 4/1848, Lamartine được bầu vào Quốc Hội Pháp. Những người tư sản thuộc đảng phái phe hữu cho rằng họ bầu Lamartine vô chính quyền để làm hòa giải với giai cấp vô sản trong khi lực lượng quân sự có thể duy trì được trật tự. Nhưng giới tư sản đã nổi giận khi thấy Lamartine công bố rằng ông là người phát ngôn của giới lao động. Vào ngày 24/6/1848, Lamartine bị đẩy ra khỏi chính quyền và cuộc nổi dậy của giới vô sản bị đàn áp.

            Lamartine trở nên 60 tuổi vào năm 1850 và đi vào cảnh hoàng hôn của cuộc đời với các món nợ lớn, không phải vì ông là người tiêu xải phung phí mà vì ông đã cho các người em gái của ông các món tiền để hoàn bù vào tổng số tài sản mà ông đã thừa hưởng của gia đình do ông là người con trai duy nhất.

            Trong 20 năm trường, Lamartine đã phấn đấu một cách tuyệt vọng đối với cảnh phá sản, ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách viết về nhiều đề tài: lịch sử, phê bình, tâm sự cá nhân (personal confidences), đàm thoại văn chương (literary conversations)…

            Lamartine cũng cho phổ biến tạp chí xuất bản định kỳ tên là “Cours Familiers de Litterature” (Tạp Chí Văn Chương) (1856-1869) trong đó đã xuất hiện các bài thơ của ông như “La vigne et la maison” (Cây nho và căn nhà), “Le Desert” ( Sa Mạc)…

            Alphonse de Lamartine qua đời vào ngày 28/2/1869 tại thành phố Paris, thọ 78 tuổi. Nhà Thơ người Pháp Frederic Mistral, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1904, đã nổi tiếng nhờ các lời ca ngợi Lamartine và nhờ thi phẩm dài tên là Mireio.

            Alphonse de Lamartine được coi là Nhà Thơ lãng mạn đầu tiên của nước Pháp, được nhà thơ Paul Verlaine đề cao và ông đã gây ảnh hưởng tới các nhà văn, nhà thơ biểu tượng (the Symbolists).

2/ Bài Thơ danh tiếng “Cô Đơn” của Lamartine.

                   L’ I S O L E M E N T

         Souvent sur la montagne, à l’ombre du vieux chêne,

         Au coucher du soleil, tristement je m’assieds ;

         Je promène au hasard mes regards sur la plaine,

         Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

         Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes,

         Il serpente et s’enfonce en un lointain obscur ;

         Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes

         Où l’étoile du soir se lève dans l’azur.

         Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,

         Le crépuscule encor jette un dernier rayon ;

         Et le char vaporeux de la reine des ombres,

         Monte, et blanchit déjà les bords de l’horizon.

         Cependant, s’élancant de la flèche gothique

         Un son religieux se répand dans les airs ;

         Le voyageur s’arrête,et la cloche rustique

         Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

         Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente

         N’éprouve devant eux ni charme, transports ;

         Je contemple la terre ainsi qu’une âme errante ;

         Le soleil des vivants n’échauffe plus les morts.

         De colline en colline en vain portant ma vue,

         Du Sud à l’aquillon, de l’aurore au couchant,

         Je parcours tous les points de l’immense étendue ;

         Et je dis: Nulle part le bonheur ne m’attend…

         Mais peut-être au delà des bornes de sa sphère,

         Lieu où le vrai soleil éclaire d’autres cieux,

         Si je pouvais laisser ma dépoulle à la terre,

         Ce que j’ai tant rêvé paraitrait à mes yeux.

         Là, je m’enivrerais à la source où j’aspire :

         Là, je retrouverais et l’espoir et l’amour,

         Et ce bien idéal que toute âme désire,

         Et qui n’a pas de nom au terrestre séjour.

         Que ne puis-je porter sur le char de l’aurore,

         Vague objet de mes voeux, m’élancer jusqu’à toi.

         Sur la terre d’exil pourquoi resté-je encore ?

         Il n’est rien de commun entre la terre et moi.

         Quand la feuille des bois tombe dans la prairie,

         Le vent du soir s’élève et l’arrache aux vallons

         Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie :

         Emportez-moi comme elle, orageux aquilons !

                                   Alphonse de Lamartine

                  C Ô  Đ Ơ N

(chuyển ngữ do Nhà Thơ Hoàng Song Liêm).

      Tôi thường ngồi lặng khi chiều xuống,

      Trên đỉnh non cao, dưới bóng sồi ;

      Mắt vẩn vơ nhìn đồng bát ngát,

      Cảnh đồng biến hiện dưới chân tôi.

      Đây sông gầm sóng, xô bàng bạc,

      Uốn lượn chìm trong bóng tối xa:

      Kia, hồ tĩnh mịch nằm êm ả

      Một ánh sao chiều đáy nước sa.

      Rừng nhỏ âm u vòng chóp núi,

      Hoàng hôn gieo nhẹ nắng sau cùng;

      Chị Nguyệt như xe êm nhẹ lướt

      Đỉnh trời tuôn bạc giải mênh mông.

      Rồi tự góc nhà thờ chót vót

      Thu âm đồng vọng khắp nơi xa:

      Lãng du ngừng bước nghe yên lặng

      Chuông giáo đường hòa khúc thánh ca.

      Trước cảnh êm đềm, tôi lãnh đạm

      Chẳng hề cảm xúc luyến thương qua;

      Tôi ngắm đất trời, hồn lạc lõng:

      Nắng đời chẳng ủ ấp thây ma.

      Lơ đãng mắt nhìn Nam lại Bắc,

      Núi đồi lại tiếp núi đồi xa,

      Phương kia phương nọ quanh vô tận;

      Tôi nhủ: Nào đâu hạnh phúc chờ…

      Nhưng biết đâu ngoài biên vũ trụ,

      Có trời nắng rọi khắp muôn phương,

      Nếu tôi gửi xác trong lòng đất,

      Mơ sẽ về nơi mắt mở giương.

      Tôi sẽ say sưa nguồn khát vọng:

      Nào nguồn hy vọng, suối yêu đương,

      Lý tưởng bao người hoài bão mãi,

      Không tên chi gọi ở trần gian.

      Sao chẳng cho tôi theo ánh sáng,

      Ruổi niềm mơ ước tới xa xăm

      Giữ tôi đầy ải trần gian mãi?

      Tôi vướng tình chi với thế nhân?

      Khi lá rừng rơi trên nội cỏ,

      Gió chiều lên, cuốn lá về thung.

      Còn tôi như lá khô tàn úa:

      Mang kiếp tôi cùng, hỡi Bắc-phong!

(Nhà Thơ Hoàng Song Liêm chuyển ngữ sang Thơ Việt năm 1953)

Phạm Văn Tuấn.

 

Chí Thành Thông Thánh

至  誠  通  聖
Phan Chu Trinh

phan-chu-trinh

至 誠 通 聖  (*)

世 事 迴 頭 已 一 空
江 山 無 淚 泣 英 雄
萬 家 奴 隸 強 權 下
八 股 文 章 睡 夢 中
長 此 百 年 甘 唾 罵
更 知 何 日 出 牢 籠
諸 君 未 必 無 心 血
試 向 斯 文 看 一 通
潘 珠 征

(*) Ngục trung Huyết thơ của Cụ Phan Chu Trinh, từ Côn đảo gửi lén về cho các sĩ phu ở trong Nước (1910)

Chí thành thông thánh

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thuỵ mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Cánh tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thí hướng tư văn khán nhất thông.

Phan Chu Trinh

Lời Rất Thành,  Mong Thấu Tới Thần Thánh.

Ngẫm sự đời, âu một số không

Núi sông cạn lệ khóc anh hùng

Cường quyền thì hiếp dân nô lệ

Kẻ sĩ lại văn thơ viển vông

Suốt cả trăm năm đầy xỉ nhục

Bao giờ một sớm thoát xiềng gông

Lẽ đâu bạn chẳng người tâm huyết

Liệu đọc thơ này có cảm thông?

Bài dịch của Trần Quốc Bảo (Richmond, VA)

 

Anh Hùng Hào Kiệt

phan-b-chau-phanchutrinh

Thơ:  Phan Bi Châu  (*)

英 雄 豪 傑

飄 蓬 我 輩 各 他 鄉

辛 苦 偏 君 分 外 嘗

性 命 幾 回 頻 死 地

鬚 眉 三 度 入 囹 堂

驚 人 事 業 天 陶 鑄

不 世 風 雲 帝 主 張

假 使 前 途 盡 夷 坦

英 雄 豪 傑 也 庸 常.

潘 佩 珠

Anh Hùng Hào Kit

Phiêu bồng ngã bối các tha hương

Tân khổ thiên quân phận ngoại thường

Tính mạng kỷ hồi tần tử địa

Tu mi tam độ nhập linh đường

Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú

Bất thế phong vân đế chủ trương

Giả sử tiền đồ tận di thản

Anh hùng hào kiệt dã dung thường.

 

                                                            Phan Bi Châu

(*) bài “Anh Hùng Hào Kit trích trong tp “”Ngc Trung Thư

Thơ ca c Phan Bi Châu gi c Phan Chu Trinh khi c hai đang b thc dân Pháp bt tù đy ngoài Côn đo (1907-1911)

Bn Dch ca Trn Quc Bo (Richmond, VA)

Anh Hùng Hào Kit

Bác với tôi phương trời lận đận

Riêng bác ôm thân phận đắng cay

Tử thần mấy độ ra tay

Gông cùm ba lượt tù đày oan khiên

Vì đại sự cao thiên thử thách

Bước phong vân đế thánh phò trì

Đường đời ví chẳng gian nguy (*)

Thì trang hào kiệt có gì hơn ai

(*) Còn dch: Đường đi ví th phng lì 

 

Chuyện năm nẵm về Sàigòn: Biển Trời Lai Láng

Nguyễn Văn Sâm

Cảm thức về Sàigòn ở trong tôi dù sống nơi đâu. NVS

sagon

Gần nửa đời người  lăn lóc đó đây trên nhiều khu khác biệt của đất Sài-gòn vậy  mà tôi chỉ thấy được hai mặt, hoặc tráng lệ nguy nga đè bẹp con người  dưới gông cùm kim tiền vật chất, hoặc bùn lầy nước đọng chết đuối con người bằng những thứ tầm thường nhỏ mọn như miếng ăn chỗ ở. Không có bộ  mặt nào khác hơn.  Sài-gòn đối với  tôi, như vậy trên bản chất giống bất cứ một thành phố nào trên thế giới, không thể tìm thấy tánh cách thuần túy Việt Nam. Tôi một thời lơ là với  Sài-gòn cũng vì lẽ đó. Thế nhưng có ai chơi cắc cớ hỏi tính chất Việt của một thành phố là cái gì, nằm trong địa hạt nào của muôn ngàn dáng vẻ biểu hiện từ văn minh đến văn hóa, chắc thế nào tôi cũng ậm ừ cho qua bởi không thể nào vẽ lên, tả được những nét tận tường. Ổ chuột và những căn nhà chông chênh trên mặt sông bùn lầy đen đúa thì hiện diện ở bất cứ thành  phố nào của xã hội nghèo nàn, nhất là vùng Ðông Nam Á. Xã hội tân tiến Tây phương ít xóm nghèo, ít hang cùng ngõ hẻm hơn, ít nhưng không phải là không. Nhà lầu  cao với những kiến trúc tân kỳ  càng ngạo nghễ, đẹp mắt càng không thể tượng trưng cho Việt chất. Chộp nắm được phần nào dễ thương, là  lạ trong kiến trúc, trong lối ăn nếp ở, trong cách xử thế tiếp vật, trong một nghề nghiệp đặc biệt, tôi, lòng lúc đó đương lạnh tanh, nôn  nao sung sướng như hồi nhỏ được về quê thấy lại cái lò gạch cũ, nghe được mùi thơm từ khu vườn mía Tây của người láng giềng, ngó mãn nhãn những miếng ruộng lớn đại nối tiếp nhau chạy tới mút chân trời, hay thấy con sông hiền hòa  thỉnh thoảng có vài  chiếc ghe lồng trôi  chầm chậm…

   Ðiều dễ thương đối với tôi  cũng bình thường thôi.  Thường  là những căn nhà ở vùng Bà  Chiểu, Thủ Ðức, ba gian hai chái, vách bổ kho, mái ngói âm dương, cột danh mộc tròn lên nước bóng lưỡng  dựng chững chạc trên từng tảng  đá xanh vuông vức, trong nhà đối  liễn vẫn còn treo trên những vị  trí trang trọng. Hay một cái bàn ‘ông  thiên’ giữa trời thường  thấy ở vùng Giồng Ông Tố với  hình ảnh người chủ gia đình, lúc  vừa chụp tối, bận áo bà ba hai tay chấp nắm nhang xá xá bốn phương trời.  Hoặc một cái gáo dừa gắn cán dài úp trên lu nước dựng ngoài  mái hiên bắt gặp thường xuyên  từ khoảng Cầu Hàn đổ ra đến  nửa đường đi Nhà Bè hay từ  phía Phú Lâm đổ lên Gò Ðen. Có những hình ảnh nhỏ hơn và tầm  thường hơn như tiếng võng đưa kẽo-kẹt vào lúc giữa trưa trời đứng gió. Võng phải treo phía trên  một cái giường tre khập khễnh mới đúng điệu, hòa hợp vời cảnh  trí xa xa là một bụi tre mà ngọn và tất cả lá đều đương đứng im lìm trầm ngâm ngó trời như thường thấy ở xóm Cầu  Tre trước đây thì càng tốt.

   Nhưng tôi chưa đủ thời giờ  để nhìn cho thỏa mắt, chưa đủ lớn để chíp vô ký ức cất làm kỷ niệm riêng cho đời mình thì các cảnh trí trên phần nhiều đã bị sóng thời gian tàn nhẫn phủ lấp chìm hay bóp cho biến dạng theo sự đổi thay tất nhiên của xã  hội. Chúng mất hút đi mau chóng, tới  khi tôi kịp rãnh rỗi ngó lại thì  còn chẳng thấy được bao nhiêu.

   À, hình như là Sài-gòn phát triển theo tốc độ phi mã của thời đại tân tiến nên tiêu diệt mất những vết tích nhà quê nghèo nàn nhưng  dễ thương của một sinh hoạt tiền đô thị mà trước đây tôi  tưởng lầm là nét chấm phá nào  đó của Việt tính. Nhưng không sao, tôi biết được bịnh mình. Mình thèm, mình thiếu trong máu huyết một  mảnh trời quê và đương đòi Sài-gòn cung cấp cho một chút quê mùa  đó. Ðô thị vây hãm tầm mắt bằng nhà cao, hãng xưởng và xe bụi, Sài-gòn giới hạn tâm hồn người  bằng chuyện thành phố lẩm cẩm tình -tiền -thù  không có gì đặc trưng, tôi cảm thấy thiếu một khung trời khoáng đãng,  thèm một chút hoàn cảnh thuận tiện  để buông thả tâm hồn, tôi thiếu tình người ở trạng thái sơ tâm…

   Trong tâm thái hoài cổ nao nao của nỗi thèm khát đó tôi được nghe chuyện hai vợ  chồng chú Hai Một nhưng quan, khóc đám.

    Như bao nhiêu lần trước, Chú Hai Một  khi vô tới hàng ba, dợm cẳng bước  lên ngạch cửa, thì quay về phía sau rầy dức vợ sao chậm lục còn  hơn bà già đi âm  phủ rồi xăn xáy bước ào vô nhà như con trốt, bỏ mặc kệ thím Hai còn đủng  đỉnh đánh-đồng-xa đâu đó  mút tí tè ngoài đầu ngõ.

   Nhiều người ngưng chuyện trò len lén ngước lên quan sát người khách  mới, cách quan sát có chút tò mò  đó, nhưng e dè, xa cách. Nhiều người, cử chỉ bỗng nhiên chậm rãi hơn như đương bận dồn hết giác quan  để bí mật theo dõi chuyện gì đó  xảy ra chung quanh. Có người còn liếc  liếc rồi lại giả bộ cúi xuống hớp  ly nước dở dang nãy giờ để  lơ là trước mặt. Không một câu  hỏi nào được nói lên thành lời, chỉ có những câu hỏi thầm  ngầm chứa trong thái độ và cử  chỉ. Chú Hai Một tuy vậy cũng đã  biết mình phải nói gì nên lên tiếng  trước, chú nói trống không nhưng  thật ra là nói với toàn thể những  người đương có mặt.

   ‘Ðược rồi, để đó tôi  lo liệu cho. Bà con mình không chớ ai vô đây’, chú hỏi tiếp theo sau khi dòm  sơ qua một vòng từ những người  ngồi ở cái bàn gần cửa tới  một số người trai trẻ ngồi bỏ  chưn thòng xuống đất trên bộ ngựa rồi tới những người hơi lạ  lạ ngồi tuốt trong gần chỗ cái màn  cửa ngăn với nhà trong. ‘Mà hồi  nào vậy? Hôm kia hôm kìa gì đây tôi còn thấy ảnh đi băng-xiên băng-nai, té lên té xuống trước nhà tôi, quần ống cao ống thấp, lè nhè, con nít chạy theo coi rùm trời.  Gì mà mau vậy?’

   Ba bốn tiếng giọng thanh niên, mau mắn tranh  nhau nói với khách. ‘Chị Sáu thấy xác ảnh nằm vắt  vẻo nửa trên nửa dưới ở  cái mương cá đằng nhà thằng cha  Ba Khìa hồi tưng bửng sáng….’

   ‘Chắc đâu hồi khuya….’

   ‘Trúng gió, té nước…’

   Tiếng xì xào bàn góp thêm chi tiết  như một thứ bịnh truyền nhiễm chuyền từ nhóm nầy sang nhóm kia, phá tan bầu không khí lạnh nhạt e dè từ khi chú  Hai Một bước vô. Một tay tổ nào  đó, ý chừng là bạn nhậu thân  tình với nạn nhân, chêm vô một  câu diễu vô duyên ớn. ‘Chắc đâu cũng đốn hết mấy lít rồi nên nóng nảy trong mình, về  khuya gặp nước, tắm mát rồi khoái  chí tử nằm ì ra đó không chịu lên.’

    Những cặp mắt bây giờ đổ  dồn về phía tay anh chị ăn nói bạt mạng đó. Trách móc, khinh thị, bất  bình. Biết mình nói hớ, anh ta cười  cầu tài, sửa. ‘Ậy…. mà sinh ký tử quy. Chết  trẻ khoẻ ma, chết già lụm khụm. Anh  Sáu thọ như vậy là được rồi, năm mốt bước qua năm ba bước  lợi đâu có bao nhiêu người  qua khỏi cái cầu nầy.  Ậy… mà đời  bây giờ còn sống là còn khổ.  Chính tôi đây nè, nhiều khi khổ quá  mạng, cầu trời chết cho rảnh nợ mà không  được.’

   ‘Con vợ thằng Sáu nóng ruột chồng đi cả đêm không về nên trời vừa hừng hừng sáng là lo xách đèn đi kiếm, ai dè sự thể như  vầy…’ một tiếng đàn bà nhỏ nhẹ, nói  với mọi người mà như nói với mình. ‘Í hị!’ Tiếng thở dài thương  hại thay cho cái chấm câu.

   Chú Hai Một quay qua cúi đầu chào người  đàn bà, bà vừa nói tiếp vừa  gật đầu chào lại, giọng nho nhỏ  pha một chút mủi lòng.

   ‘Tội nghiệp, cái thằng say sưa vậy  mà cũng biết lo tưởng tới vợ  con, trên bờ mương còn hai xâu thịt  heo quay với một mớ bánh bò trắng nằm lăn lóc. Tao tiếc quá lượm đem về bỏ trong gạt-măng-giê…  Cái số con vợ nó không được ăn heo quay, chồng đem về chưa tới  ngõ đã lăn đùng ra theo ông theo  bà.’

   ‘Tuần rồi ảnh với tôi còn  leo lên nóc nhà lợp lại cái mái lá dột phía trước hết một buổi  trời,’ người đàn ông hồi nãy cũng cái mửng cũ vừa nói vừa khoe. ‘Thiệt anh Sáu khỏe còn hơn tiên, hồi nào tới giờ ở  nhà quê mà sống theo kiểu dân cậu, đâu cần động tới móng tay…..’  Anh ta đổi giọng vui vui. ‘Chắc biết mình  sắp đi nên bữa đó mới  chịu khó trả nghĩa vợ lần chót.’

    Nhiều  tiếng cười tán thưởng ở phía đám thanh niên hòa chung với  vài cái hứ bất bình từ đám đàn bà.

   Chú Hai Một bây giờ mới quay về  phía người đàn ông nọ. Chú biết là ai nhưng cũng không thèm để ý tới chuyện chào hỏi, cũng  không thèm cười góp mà chỉ hất hàm một cách  trống không về phía buồng.

   ‘Ờ, ở trong đó đó,’ Bà già vừa nói hồi nãy hiểu ý trả lời hớt mọi người. ‘Tội  nghiệp, sớm tới giờ hai mẹ con  nó xà quần trong đó. Bây giờ  chắc là đương lo thay quần áo cho ‘thẳng’. Bùn đất không… Hồi mới  đem về…. ướt mèm ướt mẹp  nên tụi nó xót ruột. Nhà không có đàn ông con trai để lo mấy chuyện đó nên  tụi nó phải làm. Ðâu thằng Hai mầy vô coi coi, liệu giúp đỡ gì được  mẹ con nó thì giúp.’

   Thím Hai Một tới bây giờ mới vô tới hàng ba. Khác với chồng, thím thủng thẳng bước nhích nhích  từng bước một, đầu cúi xuống, hai đầu khăn rằn hết đầu nầy đưa lên chùi nước mắt tới  đầu kia đưa lên chùi nước miếng nước mũi. Người trong nhà chưa ai thấy mặt mày thím nhưng tiếng khóc xụt xùi hòa với tiếng hít  khịt mũi đã nghe rõ ràng, nức nở đứt ruột đứt gan, lâm  li như tiếng khóc dễ mủi lòng của bà con ruột thịt khi mất người thân  thương.

   Không mấy ai ngạc nhiên trước cảnh nầy. Chuyện thím khéo dư nước  mắt khóc người ‘thân sơ’ dân làng Bình An đâu ai lạ lùng gì. Nghề nghiệp. Nghề nghiệp ít người theo như vợ chồng thím. Hai ông bà đã từ bao lâu nay trở thành một cặp bài trùng không thể  thiếu trong mấy đám ma chẳng những quanh quẩn trong mấy cái cù lao giữa kinh Ruột Ngựa và kinh Tàu Hủ mà  nhiều khi còn có người rước  lên tới Chợ Ðệm, Bình Ðiền, Gò Ðen nữa.  Một vài người khách ngạc nhiên quan sát, sao trên đời  lại có người lạ lùng như vậy cà, mau nước mắt đã đành lại  còn không biết mắc cở khi làm chuyện  trên đời chỉ có một mình mình. Thím Hai Một khóc ngọt ngào, bất tận. Nước mắt như mưa tuông trào đầy mặt. Não can tràng hơn tiếng than của đào thương trong gánh hát. Khóc đã đời  thím cất giọng kể lể. ‘Sáu ơi  là Sáu, chú bỏ vợ yếu con thơ chú vội vàng đi đâu. Bao nhiêu người  thương chú trên đời sao không ở  lại. Âm phủ dương gian hai đàng cách  trở, từ nay vợ con chú biết trông  cậy vô ai? Sáu ơi là Sáu ơi. Ngày trước chú giúp người cô quả,  chú thân thiện xóm làng, đầu trên  chợ dưới, người dưng họ hàng, ai có chuyện gì chú không nề  hà giúp đỡ. Sao người như  chú mà trời bắt đi cho nỡ, còn những kẻ lỗi đạo vô nghì lại  sống chật trời chật đất, tốn  gạo tốn cơm… Sáu ơi là Sáu ơi.’

   Chú Hai Một quay mặt ra cửa, ngó mau  về phía vợ, nhăn mày tỏ ý không bằng lòng — quá lố rồi đó, quá  trong nước mắt thì còn chấp nhận được, quá  trong lời than thì chạm tới biết bao nhiêu người, ăn của chủ nhà bao nhiêu  mà đưa lưng mang tiếng oán. Tuy nghĩ bụng như vậy nhưng chú không  nói gì, chỉ vén màn bước thẳng  vô phòng trong.

   Bóng tối âm u của ngọn đèn  dầu phọng tim se bằng một miếng vải  trắng bỏ trong cái dĩa dầu để dưới gầm giường và cây đèn cầy nhỏ đặt phía dưới chưn người chết chập chờn leo lét, không giúp cho đôi mắt quen với ánh sáng của chú  Hai thấy gì hơn là một cụm tối dầy đặc, khổng lồ. Chú đứng định  thần một hồi hèn lâu mới quen mắt  lần. Con nhỏ Huê đương quay lưng về  phía chú, mặt quay vô vách, đương giơ cao lên  xăm xoi một cách dềnh dàng bộ đồ bà ba hàng màu hột gà của ba nó  đâu như là mới vừa được lấy từ trong tủ ra, còn đầy những  lằn xếp. Chị Sáu đương rờ rờ nắn nắn hai cánh tay co rút của  người chết mà mấy ngón tay cong lại như đương thủ thế để cào cấu ai. Gương mặt chị thểu não pha lẫn  nét chán chường. Chị biết bổn  phận mình phải làm gì nhưng không  biết bắt đầu từ đâu và bằng cách nào. Trong lòng  chị đương có một sự tương  tranh dữ dội giữa hai mặt sợ-thương. Thấy ánh sáng và đã  đoán được ai bước vô, chị ngước mắt lên chờ đợi một mệnh lịnh, mệnh lịnh dưới hình thức đề nghị thiệt bình thường nhưng giúp chị ra khỏi cảnh bối rối hiện tại không biết mình phải làm  gì mới đúng cách và trọn đạo.

   ‘Chị Sáu với con Huê ‘quá bộ’ ra ngoài nhà tiếp khách đi,’ chú Hai Một nói như ra lịnh, nói lựa chữ văn hoa một cách ăn trét. ‘Bà con lối xóm nghe tin hồi nào không biết mà đã kéo tới chia buồn coi bộ hơi bộn rồi đó. Ðầy nhà! Mà tôi thấy  có ai ở ngoài đó lo trầu cau nước nôi gì cho khách đâu,’  Chú ngừng một chút ngó vô con Huê  bây giờ mới day mặt lại phía  ánh sáng. ‘Với lại ba cái chuyện  nầy nên để tôi. Nghề nghiệp ai người  nấy làm. Chuyện nầy đâu phải ai cũng mó tay mó chưn vô được.’ Một  lần nữa chú ngó về phía con Huê. ‘Ðàn bà con gái gần hơi người mới đi không nên đâu.  Ðộc lắm. Về sau bị bịnh hậu khó  lòng.’  Mặt con Huê, nãy giờ nước  mắt đã lăn rơi, buồn lâm ly, đổi sắc liền,  mừng thấy rõ, nó bỏ bộ quần  áo xuống rồi đi vòng về phía đầu  giường của ba nó, sẵn sàng bước  ra. Chị Sáu trái lại chỉ hơi khựng lại một chút khi nghe nhắc tới mấy tiếng không nên nhưng rồi cũng tiếp  tục cố gắng tuột tay áo của chồng  ra. Cái áo đã được mở  nút cẩn thận, phơi màu da ngực xám ngắt của xác chết dưới ánh đèn.  Cánh tay cứng đơ, cà huynh cà hoang,  tay áo dính một lớp bùn mỏng thêm  phần trở ngại. Chị bậm môi hè  hụi giựt mạnh nhưng cũng không ích  lợi gì, chỉ làm rớt lộp độp lớp bùn  khô xuống giường như bánh tráng nướng bể. Bộ mặt người chết nhăn nhăn với cặp  môi đã bắt đầu rút, lòi răng ra cười ngạo cảnh tượng.  Cánh tay thây ma cứng cong, trì lại phản đối không cho thay bộ quần áo  cuối cùng trong đời mình. Chú đánh thêm một đòn tâm lý trong khi thong thả cho tay vô túi trong lục kiến gói thuốc Job đỏ lận theo từ đằng nhà.

   ‘Chết bất đắc kỳ tử linh lắm.  Ngày giờ trùng thì chuyện gì cũng  có thể xảy ra. Tránh trước thì  hơn. Trùng tang liên táng xui mấy đời  chớ không ít đâu. Chị với  con Huê làm ơn dang ra cho tôi.’

   Chú ngừng nói, đứng yên, điếu thuốc đã an vị trên môi, tay mặt cầm sẵn diêm quẹt nhưng chưa quẹt lửa, cố ý đợi hai người phụ nữ bước ra. Thân nhân nào cũng sẽ khó chịu khi thấy xác của người thân bị kéo nắn mạnh tay, mười người như một, ai cũng  năn nỉ nầy nọ, xin xỏ vầy khác.  Khó lòng. Chú thấy công việc mình làm phải mang tính cách thiêng liêng, bí mật, càng ít người biết  mình làm gì với cái xác chết  càng tốt. Chú đưa tay rờ rờ  cái mặt lạnh tanh của thây ma, rồi bằng  một cử chỉ thiệt nghề nghiệp chú  đưa hai ngón tay cái-trỏ  ra kéo kéo  hai môi người chết lại cho khít khao hơn như ngầm nói tôi đã sẵn sàng rồi, mời bà con nhường chỗ cho tôi. Tay chú đụng vô chỗ lạnh hơn mình  tưởng, chú chửi thầm trong bụng cái thằng nhậu nhẹt chết bờ chết  buội, ngâm nước cả đêm để  cho cái mặt lạnh còn hơn đá cẩm  thạch ướp nước đá. Chú đưa mắt ngó con Huê rồi  đão qua má nó. Thường thường  mời thân nhân của người quá  cố ra khỏi buồng chú chỉ cần xài  tới mấy tiếng không nên đã  là quá đủ, họa hoằn lắm mới phải xài tới mấy điều dọa dẫm  về chuyện bệnh hậu, trùng tang liên táng mà  chú học lóm,  khi đi đám đó đây, từ mấy bô lão biết chút  ít bói toán thuốc men.

    Người đàn bà bỏ cánh tay chồng  xuống với một tiếng thở thiệt dài như là bà nín hơi từ lâu lắm bây giờ mới được phép  thở. Cách bỏ xuống cũng nhẹ nhàng, ẩn chứa trong đó cả một trời thương yêu. Nhè nhẹ, chầm chậm bước  lần về phía cữa. Khoảng cách chỉ vài bước mà như xa thăm thẳm,  vừa bước đi vừa ngó ngoái lại như không muốn mất những phút giây chót với chồng.  Ra khỏi đây rồi, lúc trở vô người chồng đầu ấp tay gối — người mới  hôm qua còn gây gổ với chị —  một sự gây gổ nhẹ nhàng càm ràm, quen thuộc trong bao nhiêu năm trời, khiến  chị cảm thấy mình hiện diện và  là một thứ gì khác với những  đồ vật vô tri trong nhà — bấy giờ  sẽ thật sự trở thành một cái  xác chết đúng nghĩa, hoàn toàn là  một cái thây ma lạnh lẽo chờ tới  giờ để được bỏ vô hòm  đem chôn. Hư vô, mất tuyệt từ  đấy.  Xa cách đời đời, thật  sự, tuyệt đối từ đây. Một  xa cách mặc dầu không hình dung được,  mới chỉ lắp ló trước mặt  đã cắt đứt ruột gan, khiến chị  chưa gì đã thấy mình bơ vơ, nhỏ nhoi lạc lõng hơn. Chị bật khóc thành tiếng, nấc nghẹn, mặc dầu đã cố dằn xuống ngay từ hồi thấy xác chồng nằm úp  mặt nửa trên nửa dưới ở  bờ mương — sợ nước mắt nhểu xuống mặt ổng ổng khó đi đầu  thai. Chị bỗng nhiên thấy tức mình  tại sao bữa hổm ổng đòi uống thêm xị nữa chị tiếc tiền và sợ ổng  bịnh không cho con đi mua lại còn biểu nó dấu cái chai đi. Phải dè sớm như vậy ổng muốn uống mấy ghe tàu cũng bán nhà mua cho ổng không tiếc tiền. Chị cũng tức mình  là tại sao mấy năm trước nghe phong  thanh ổng mèo mỡ chị đã làm quá mạng, cằn nhằn cưỡi nhưỡi,  cắn xé. Phải dè… Phải dè… Chị kêu tên chồng, cách thân mến rất ít khi sử dụng từ ngày có đứa  con đầu tiên. Con Huê áy náy nắm cánh tay mẹ, chỗ con chuột, mà nó có  cảm giác là đầy xương, dẫn ra cửa. Mắt ngập nước, nó cũng  ngó ngoái lại lần chót ba nó, vẫn  còn nằm trong một vị thế lạ lùng,  một cẳng co vô bụng, một cẳng thẳng ra luôn cả bàn chưn, như người đương kiếm cách leo lên khỏi mương  nước, hai bàn tay quắp cứng ngắc hai nắm bùn bây giờ đã khô,  mấy chỗ tứ chi ló ra khỏi quần áo  bao trùm một màu xanh xám đen đen lạnh  lẽo khiến nó bắt rùng mình. Chị  vợ ngó lại lần nữa thi thể người  chồng, gật đầu chào chú Hai Một, rồi như len lén giở màn bước  ra. Những giọt nước mắt được  kềm giữ quá lâu thong thả bò trên  gương mặt chị, nhểu xuống ngực  áo khi chị bắt gặp những ánh mắt thân tình chia xẻ niềm đau xót của  bà con lối xóm bây giờ tới đã tới ngồi đứng chật nhà.

    Chú Hai Một nao nao theo dõi hai mẹ con lúp  xúp đi trong tiếng thút thít, ánh mắt  chú đậu lại trên cái lưng đầy sức sống và bộ hậu láng o  của đứa con gái — được  ôm bằng cái áo bà ba bó sát và  cái quần vải đen dầy ủi thẳng thớm.  Chú nheo mắt với mình và cười  cười…

   Ngoài kia chú nghe rõ tiếng chào của chị Sáu với bà vợ mình. Tiếng  khóc của bà ta nín bặt ngang xương. Chú nghe loáng thoáng câu trả lời của vợ: ‘…  Ừ… Kể từ trưa mai cho tới giờ hạ huyệt tôi sẽ ở đây… Ừ..  tiền bạc gì. Ðừng có lo chạy  cho mất công. Bà con mình không, ai cũng  nghèo chứ đâu có dư dả gì.. Nói nào ngay, tôi cũng đâu giàu  có gì hơn với mớ đó’. Tiếng  khóc lại nổi lên, bi thương thập bội hơn giọng tỉ tê nhè nhè của vợ người  quá cố. Dòm qua chỗ hở do tấm màn  bị vướng, chú Hai Một thấy vợ  mình đầu bù tóc rối dụi dụi  mắt khóc kể như chết cha chết mẹ.  Bà ta nhảy từ nhân vật nầy qua nhân  vật kia. Ban đầu là bà mẹ vợ. ‘…. Sáu ơi là Sáu ơi, nhà nầy một mình mầy lo từ trong ra ngoài. Vợ  con mầy giờ đây làm sao đủ sức  chống chỏi với đời.  Ði đâu  thấy món ngon vật lạ mầy cũng mua về  cho tao, bây giờ mỗi khi thấy quán thấy hàng làm sao tao không khóc được,  Sáu ơi là Sáu ơi.’ Rồi tới  vợ, tới con gái, mỗi người  thím đều sáng tác giùm một bài văn tế bình dân nôm na như vậy, kể  công đức người chết, vài phần thiệt, vài phần phóng đại những  hành trạng mà nếu nghe được chắc  người chết cũng phải hổ ngươi.  Chỉ có một điều là giọng kể  lể của thím lâm ly quá, nước  mắt của thím sụt sùi quá khiến  người nghe không còn đủ bình tỉnh tâm trí để phân biệt đâu thiệt  đâu ngoa. Một cảm giác xấu hổ mà chú thường có khi vợ khóc đám  người quen như kiểu thằng cha Sáu Say nầy len lỏi vô tim chú. Chú ngờ- ngợ như vợ mình làm điều gì  sái quấy, quá đáng, hơn sự phải  có của điều bình thường, hơn  sự bắt buộc của nghề nghiệp. Vừa lúc đó con Huê quay lại, đưa  tay kéo cái chéo tấm vải màn xuống  cho kín cửa buồng. Chú dòm lom lom bàn  tay tròn trịa của con nhỏ cho tới khi  ánh sáng trong phòng trở thành lù  mù. Chú đốt điếu thuốc, dựa  vách ngó xác chết, thong thả hít từng  ngụm khói say sưa. Mỗi khi trong người  có chuyện buồn vui lẫn lộn, những  hơi đầu tiên của điếu thuốc vẫn  là một thứ thần dược giúp  chú tỉnh táo trở về thực tại  với một tinh thần sáng suốt vô biên. Chú vạch màn dòm ra ngoài nhà trên như là tìm kiếm ai, ánh mắt chú đậu lại phía có con Huê đương đứng.  Nghĩ sao không biết chú bước hẳn  ra ngoài tới một bàn, cầm lấy chai  rượu đế rót đầy một ly lớn, mỉm cười chào mấy người ngồi  ở bàn đó rồi quày quả bước vô. Chú cẩn thận bỏ màn xuống,  kéo mí lại như ngại ánh sáng bên  ngoài có thể chui vô phòng. Tới bên xác chết, chú thiệt sự bắt  tay vô công việc: phun phun, bóp bóp sửa nắn lại cho vào vị thế bình thường bộ tứ chi trước đây đã  cứng đơ cứng còng. Chú cắt rách tay áo và ống quần của xác  chết bằng cái kéo nhỏ, vật liệu  độc nhứt chú mang theo mình như một thứ dụng cụ nghề nghiệp. Chẳng bao lâu cái công việc mà người  vợ nạn nhân loay quay hàng giờ không  thực hiện được đã được  chú hoàn thành mỹ mãn. Anh Sáu Say bây  giờ đã thiệt sự ngủ say trong một tư thế thoải mái, thanh thản. Chú Hai Một bước lùi một bước,  ngắm nghía công trình mình, chú mỉm  cười hài lòng và tự thưởng  bằng chút cặn rượu còn sót lại  trong ly…

  Tôi náo nức thiệt tình! Tôi sẽ gặp được cặp vợ chồng truyền nhân chánh của một nghề đang sắp  biến mất trong một xã hội trên đà  chuyển mình Âu hóa như cái thành  phố Sài-gòn nầy. Ðường có xa, có lạ cũng chỉ là dịp để  mở rộng nhãn quan thôi… Chúng tôi  đi qua cầu chữ U ở bến Thuyền Buồm (Quai des Jonques), một cái cầu tuy lót  cây nhưng cao chưa từng thấy. Chiếc mô-bi-lết già chạy tới đâu đà cây lót cầu rung rinh nhúc nhích  la hét ầm ầm tới đó, những  chiếc bù lon sắt khổng lồ đưa lên như hàm răng con quái vật cầu sẵn sàng cắn vô vỏ bánh xe. Cây  ván trơn chao đảo tay lái, tôi phải  kềm thật vững.

   Ðã hết đâu.  Lại còn qua một cái cầu chữ U khác y hịt như vậy ở ngay trước chợ  Bình Ðông.  Sao vùng nầy lạ lùng vậy, cầu cao không tráng xi-măng hay trãi nhựa, chỉ lót bằng  cây mà lại lót xuôi theo đường  xe cộ chạy?

   Người dẫn đường như đoán  được ý tôi, giải thích ba hoa. ‘Vùng nầy không có thế để làm  dốc nên cầu phải xây hình chữ  U, cũng không thể xây bằng vật liệu  nặng vì bờ kinh hẹp, đất hai bên  lại mềm, không có chỗ đúc móng  chưn cầu. Phải xây cao cho ghe chài qua lại  bỏ lúa vô chành hay lấy lúa từ  trong chành ra chở đi Lục tỉnh, lên  Nam Vang… Ngày trước ghe chài ra vô  khúc kinh nầy liền liền, bây giờ có thêm kho chứa ở Bến Tàu nên  ít đi đó chớ.

   Tuy không biết rõ ràng danh từ chành là gì nhưng tôi cũng mường tượng  đoán được đó là một thứ  kho chứa trữ nên mần thinh không  hỏi như mọi khi. Cảnh tượng quê nhiều hơn tỉnh của vùng nầy trở  thành một thứ loại ven biên đô thị mới ngó qua đã bắt mắt nên tôi cũng làm biếng nghe thêm. Cái thằng cha nầy có khả năng nói chuyện nầy qua chuyện kia lòng vòng ba bốn ngày không  hết, đừng nên khươi cho nó nói  không nhằm lúc.

   ‘Gần tới chưa?’ Tôi hỏi cũng  là cách dẫn anh ta vô chuyện chánh. ‘Sao chưa thấy cái đình anh nói?’

   ‘Ði đò qua bên bờ kia. Ðó là làng Bình An, đình Bình An cách bến đò chừng một cây số  ngàn,’ hắn trả lời rành rọt. ‘qua đò rồi lội một đổi nữa thì tới nhà họ. Không xa đâu.’

   Lại còn thêm chuyện đò! Ánh mặt trời chói chang trên đỉnh đầu.  Coi bộ hơi trưa. Sài-gòn lẩm rẩm  mà rộng thinh thang, đi nửa ngày từ  trung tâm chưa ra tới ven biên.

   Con đò ngang đưa khách qua bên đình do một cô gái trắng trẻo độ mười sáu mười bảy tuổi thong thả đẩy đưa mái chèo. Những nhịp đẩy-kéo căng lên căng xuống bộ ngực tròn mạnh thiếu nữ. Nàng thành thạo,  không tỏ vẻ gì tốn sức tốn công.  Tôi chợt nhớ tới chuyện thơ nàng Tiên Bửu xinh đẹp, thông minh chèo đò. Chỉ tiếc mình  không có bộ râu dài phất phơ và  tài đối đáp như ông Trượng.

   Cảnh vật hai bên bờ kinh hiền hòa.  Nhà cửa  khang trang của một vùng quê  trù phú. Mạ non xanh mởn. Sóng lụa rung rinh trên đầu lúa. Gió mát thơm mùi hạt lúa còn đương ngậm sữa. Vài căn nhà lá ẩn hiện sau những  tàn cây mít, vú sữa xum xuê. Nét thanh  bình có thể cảm thấy vương vương lãng đãng cùng khắp không khí. Trong khung cảnh như vậy mà gặp được  một cái đám ma để quan sát luôn  tài nghệ của vợ chồng Hai Một ‘ra đám’, ‘khóc đám’ thì  còn gì thích thú bằng. Một công hai  ba việc. Khỏi phải đi về chờ đợi  lôi thôi.

    Tôi mừng rỡ khi nghe tiếng kèn đám  ma văng vẳng từ xa xa khuất đâu trong xóm. Trúng mối rồi. Mấy thuở  trời chìu lòng người, cầu được  ước thấy.

    Vậy mà tôi không được chứng  kiến gì hết những điều cần chứng kiến, mặc dầu kèn đám  ma đương ò-e ngay tại nhà ông Hai  Một. Tôi không gặp một ông ‘nhưng  quan’ tài nghệ đặc biệt,  điều khiển  mọi chuyện liên quan đến động quan, di quan bằng nhạc của hai khúc tre. Tôi không  gặp một người đàn bà bán nước mắt, khóc mướn trong mấy  đám ma, ré lên từng hồi cắt dạ rồi xuống giọng tỉ tê bi thảm  đau thương, kéo dài ngày nầy qua ngày  khác từ lúc tẩn liệm cho tới  khi hạ huyệt. Những hình ảnh lạ lùng tôi có trong trí vẽ ra do người dẫn  đường khi giới thiệu về cặp  kỳ nhân nầy không thấy đâu nữa.  Còn lại chăng là một cặp vợ  chồng già héo úa từ sâu thẳm trong lòng héo ra, một thứ cây chết  rũ, một loại người bị chấn thương do Tây tà tra tấn bằng bàn tay sắt bọc  vải, bầm nát ngũ phủ lục tạng tuy  bên ngoài vẫn còn chút nào đó  dáng vẻ bình thường.

   Người đàn  ông ngồi đó, mặt co rúm nhăn nheo của một thứ trái chín héo vì quá nắng, mắt ơ hờ ngó ra con đường đất đỏ bụi mù trước mặt, bất động tới cả từng thớ thịt mặt.  Tôi biết chắc chắn cái hàng rào bông bụp đầy bông nở đỏ thắm ngoài  kia, cái hàng rào đặc biệt được  đóng cột bằng mấy cây so đũa trái lòng thòng và sợi dây kẽm giăng kế đó, nơi con gái ông phơi  quần áo hằng ngày, không lọt vào trong giác trường của ông. Kể cả  những người học trò đạo tỳ  mặc quần áo đen viền trắng lăn xăn  lít xít vì chuyện của thầy cũng vậy  thôi, không có. Thời gian và hoạt cảnh trên cõi đời nầy hình như  đối với ông không còn nữa.  Dàn  đờn trổi ò-e ngưng trổi không  biết bao nhiêu chập, tôi để ý nhưng  không thấy vợ chồng ông Hai Một  nhúc nhích cục kịt gì, ngay cả khi một người đệ tử tới trước mặt ông  cung kính xin phép cho mình được thay ông điều khiển cuộc ‘di quan’, ông  cũng không trả lời hay hạ cái màn  vô hồn trước ánh mắt mình xuống,  mặc cho đám đệ tử và ông Hòa Thượng già điều khiển việc  khiêng cái hàng ra khỏi khung cửa chật hẹp của căn nhà. Hai chung rượu  để trên nắp hàng sóng sánh rồi tràn ra vài giọt do sự điều khiển không thành thạo của người đệ tử trẻ ông cũng không thấy, không  biết. Hồn ông đương ở trong một  cảnh giới ta-bà nào đó xa xăm, chỉ cái thân xác ngủ uẫn hiện diện  mà thôi.

    Ðám ma ra tới đầu ngõ,  ông Hai Một mới choàng tỉnh khỏi cơn mộng du, đứng dậy bước chậm rãi theo vài ba người đi chót  sau khi đã ngó bà vợ và lắc đầu trong tiếng thở dài. Người  đàn bà ngồi trên cái ghế dựa, mắt vô hồn ngó tôi khi tôi tới  kế bên nói mấy lời chia buồn cho  phải phép. Không có một giọt nước mắt nào trên khóe mắt của người  đàn bà suối lệ dễ tuông này.  Không có cả một hít, khịt mũi nhỏ  nhoi. Không có cả chuyện đỏ hoe hai mắt hay tiếng kể lể phân bua. Vậy đó.  Một sự im lặng tuyệt đối của môi trường chân không. Vô  lý tới khó tin.

   Tôi ngó lại lần nữa tấm hình  người quá cố. Cô gái có nụ cười thật buồn nhưng vẻ trẻ trung  làm nao nao lòng người. Ðôi mắt sâu thăm thẳm của cô khiến ai nấy  dòm qua một lần cũng phải ngó lại  một lần nữa. Cái đẹp man dại  và lôi cuốn. Cái đẹp của một cánh đồng đầy hoa thắm bên triền núi rộng cao. Có thể hình ảnh cô  gái trẻ mới chết có sức mạnh  tạo xúc động cho người sống –và một chút bằng lòng vì sự bất hạnh giáng xuống người khác chớ không phải mình — khiến phải ngó thêm. Tôi thấy trí mình  coi bộ cải lương khi bỗng nhớ tới  câu thơ có mấy chữ ‘hồng nhan bạc mệnh.’

  ‘Vợ chồng họ làm nghề thất đức nên  bây giờ như vậy đó,’ người dẫn đường kéo tôi  về thực tế khi anh bấm tay tôi nói nhỏ. ‘Cha tẩn liệm, di quan người khác lôi thôi, nên Trời khiến tới phiên con mình thì sững sờ  muốn tự tay săn sóc cũng không làm  được. Tụi học trò đạo tỳ nó làm  đâu có đúng lễ. Hồn ma trước  đây họ về trả thù đó. Biết  bao nhiêu lần ổng bẻ tay bẻ chưn thiên hạ mạnh tay hay làm ẩu xị cho qua. Biết  bao nhiêu lần ổng thay áo thay quần hay tẩn  liệm dụt chạc, nhứt là người  nghèo… Ðể rồi coi, hồn cô ta còn  lẩn quất nhiều ngày trên trần thế  chưa xuống dưới đó liền được  đâu. Thiếu lễ đi đâu có xuôi  chèo mát mái. Nhiều khi nó về nó phá nữa là khác.’

   Không đồng ý với nhận xét nầy, nhưng tôi không cãi. Con người ta  sinh ra vốn là mục tiêu cho những tấn  kích cách nầy cách nọ của tất cả ai khác trên đời, huống gì  chú Hai Một làm một nghề thiên hạ  chỉ thấy sợ hải và xa cách.

   Không muốn khơi mào một cuộc đấu  khẩu vô ích, tôi chỉ qua thím Hai Một,  chưa kịp nói gì thì người dẫn đường  đã lên tiếng, lần này pha một chút  giọng thầy đời.

   ‘Thói thường thương vay khóc mướn  tới khi cần khóc cho mình thì hết nước mắt.’

   Phải, điều gì xài quá thì mau hết,  cái lý đó cũng đâu có gì là khó hiểu. Nói một cách trừu tượng,  cái tình thương bà ta xài cho thiên  hạ trong bao nhiêu năm trường ‘khóc đám’ khiến cho bà ta cạn tuyệt tình  thương đối với con gái mình. Suối  lệ cạn nguồn người ta thường  nói vậy hoài.

   Vâng, lý luận này có vẻ hữu  lý nếu — và nếu, và nếu — tình thương là một dạng của vật chất cụ thể. Con  người ta thường tỏ ra mình thông  thái, mình phải, mình hay như cái anh chàng  nói nhiều nầy. Mấy ai biết được  và thông cảm được với vợ chồng ông nhưng quan Hai Một. Tình thương con biển trời lai láng của họ khiến  tất cả những biểu lộ bình thường khác đã trở thành vô nghĩa, không phù hợp. Với người sơ tôi đã khóc, và đã khóc mùi mẫn, với con gái cưng  của tôi, tôi cũng khóc như vậy hay thôi sao? Tại sao tôi phải giống thiên  hạ biểu lộ tình thương bằng nước  mắt kia chứ? Có sự khác biệt  giữa con gái tôi và người thiên  hạ chứ? Nếu khóc đám làm xôm đám chớ không biểu lộ tình yêu thương  chân thật thì cái gì mới diễn  tả được lòng thương con của  tôi đây. Con ơi, con nỡ bỏ cha mẹ  già một mình ra đi sao con…

  Tôi dòm lại dáng thất thểu của  chú Hai Một sau đuôi đoàn người. Bước thấp bước cao, hụt hẫng như một hình nộm được điều  khiển vụng về. Tôi ngó lại thím Hai Một, cũng dáng ngồi đó không biết bao lâu rồi, hai tay buông xuôi trên vế, bất động của một pho tượng  đất sét, thểu não của một thứ người tuyết đương tan rã từ  từ. Thím sẽ ngã xuống. Chắc chắn  như vậy.

    Tôi bỏ ra về, không dám ngó lại  một tấm hình khác ở trên bàn thờ.  Cuộc  đời người con gái đó bình thường, cái chết cũng có thể rất bình thường  nhưng một nhân duyên đặc biệt đã  hé mở cho tôi một cánh cửa để  nhận thấy rõ ràng về tấm lòng nhỏ  nhen, ganh ghét của người đời  nói chung và nỗi đau đớn khôn  cùng của cặp vợ chồng già mất  con trẻ nói riêng.

  Trên đường về không khí bỗng  nhiên nặng nề u ám ngang. Tôi ngậm câm cho tới  lúc chia tay.

    Tại sao?

   Tôi xúc động vì lòng thương con  trời biển bao la đến nỗi mất hồn  của cặp vợ chồng nhưng quan – khóc  đám Hai Một. Mà cũng có lẽ là  do tình cảm trân trọng đối với  một cánh rừng đang chứa chấp một loài trân  cầm dị điểu kỳ hoa hiếm hoi đang trên đà  tuyệt chủng.

   Sau nầy lắm lúc ngồi ôm súng ở  một vùng đồi núi cao nguyên, đêm  về bốn bề tĩnh mịch, giữa cảnh  trùng trùng của bóng tối bao la, trí  nhớ bình bồng trôi về quá khứ,  tôi ngạc nhiên thấy kỷ niệm của  mình về Sàigòn không chỉ nằm trong  chỗ những sinh hoạt ồn ào tục tằn  ở các khu ổ bùn lầy nước đọng từng sống một thời gian  dài lúc trẻ, và những nơi có  kiến trúc nguy nga tráng lệ có dịp đặt  chơn tới sau nầy khi đã  thành nhơn, mà còn nằm ở cảnh  trí đơn giản của một buổi sáng  ven đô nơi ít người biết tới  là làng Bình An bên kinh Ruột Ngựa, chỗ căn nhà có hàng rào bông bụp, xen kẻ bằng hàng cây so đũa lòng  thòng trái…

   Không ai chịu mất thì giờ đào  sâu vào chốn tận cùng tâm hồn mình  để tìm hiểu những yếu tố cụ  thể nào khiến mình yêu đậm đà  quê hương xứ sở, thân mến  tuyệt cùng với nơi mình lớn lên  trong buổi đầu đời.

Mà cần gì  tìm hiểu nguyên nhân?

Sàigòn cũng  vậy, đối với tôi thân thiết, đáng nhớ, xa trong thực thức nhưng  tiềm thức không bao giờ xa. Bao nhiêu  đó đã là quá đủ. Một vài  chi tiết cụ thể về nơi nầy nơi nọ, người nầy người kia, nói cho cùng, cũng chỉ như một nhúm sao nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la của triệu triệu dãy Ngân  Hà.

Nguyễn Văn Sâm

(Port Arthur, Texas, 3- 1992, những ngày dạy học trầm buồn ở quê người. )

Câu Chuyện Về “Chiếc Áo Dài Truyền Thống”

Bách Việt

aodai-2Chị Hai thương,

Lại một mùa thu nữa đến với chúng ta. Mùa thu ở Bắc Mỹ đẹp quá phải không chị? Em thích ngắm cây vàng lá đỏ trong những ngày nắng nhạt,  trong khi chị phàn nàn vì phải lo hốt lá bỏ đi để chuẩn bị cho những ngày lạnh sắp tới. Em lại luôn nhớ những mùa thu đẹp lúc em còn ở Nhật với những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và các hàng cây ngân hạnh chung quanh nội trú em ở.

Đối với chị em mình, Hoa Kỳ là đất nước thứ ba. Đối với em nuớc Nhật  như là một quê hương thứ hai, sau quê Cha đất Tổ của mình. Em rời nước Nhật cũng đã lâu, nhưng  mặc dù luôn bận rộn với những sinh hoạt hàng ngày, thỉnh thoảng em cũng xem TV, các tài liệu hay các phim Nhật để khỏi quên tiếng Nhật. Mấy tuần qua em xem những phim  tài liệu về lịch sử Nhật Bản từ thời cổ đại Nara trong thế kỷ thứ 8, thời đại Heian, thời  trung cổ Kamakura, Muromachi, thời đại Edo và những cải cách của triều đại Minh Trị Thiên Hoàng, mở đầu cho những bước nhảy lớn về mặt kỹ thuật của những năm Taisho, Showa… cả đến sau khi Nhật bị bại trận trong Thế chiến thứ hai, và những sự canh tân của họ cho đến bây giờ.

Lúc theo chương trình của đại học Nhật, em đã không muốn học môn Sử học Nhật mà chọn môn khoa học nhân văn khác cho đỡ rắc rối, vả lại chuyên khoa của em cũng không phải là ban Văn chương.

Tại Hoa Kỳ em vẫn gặp những cộng đồng của họ ở khắp nơi. Em rất cảm kích khi thấy người Nhật cố gắng gìn giữ văn hóa của họ từ đời nọ đến đời kia. Ngoại trừ một số người Nhật di dân vi sinh kế trước thế chiến thứ hai, hầu hết những trẻ em Nhật sinh ra ở Hoa Kỳ đều được cho đi học và biết đọc biết viết tiếng Nhật. Dù cha hay mẹ các em thành hôn với người Mỹ hay một người  ở nước nào khác, các em được gia đình cho về Nhật hàng năm vào dịp nghỉ hè, để học hiểu thêm về văn hóa của mình.

Em không phải chỉ biết ca tụng nước Nhật mà quên đi đất nước của mình. Quê hương Việt Nam của những thập niên 60, 70, vẫn luôn ở mãi trong lòng  em, dù đã qua nhiều năm sau ngày em được gia đình cho đi du học.

kimonoChị Hai, em muốn nói với chị, em có ấn tượng rất sâu sắc về văn hóa lịch sử của nước Nhật qua các thời đại. Dù đã trải qua hơn một ngàn năm, chiếc áo Kimono của họ vẫn còn giữ tinh thần dân tộc đất nước Phù Tang. Dù là quốc phục của vua chúa, sứ quân, các vương phi, công chúa, dù là trang phục của hoàng tộc, của giới Samurai hay của dân gian, dù là phẩm phục hay áo cưới, áo tang, chiếc áo Kimono vẫn không thay đổi mấy. Em muốn nhấn mạnh đến chiếc áo Kimono của phái nữ. Dĩ nhiên theo thời gian và với sự tiến bộ của kỹ thuật, áo Kimono mang màu sắc và may bằng các loại tơ lụa khác nhau nhưng những điểm chánh vẫn còn được gìn giữ: cổ áo, tay áo, chiếc Obi và sợi dây thắt lưng buộc chặt ngoài áo, lớp áo trong và các sợi dây thắt bên trong, đôi vớ Tabi và đôi guốc gỗ Geta, hay đôi hài Zori. Tóc các phụ nữ Nhật  được búi cao kèm theo chiếc trâm cài, hay cái lược giắt. Phụ nữ Nhật ở các lứa tuổi khác nhau vẫn còn mặc y phục cổ truyền này khi tham dự các Lễ hội, ngày Tết, các dịp đặc biệt như Trà đạo, cắm hoa Ikebana, lễ tốt nghiệp, đám cưới, đám tang. Họ vẫn giữ được vẻ duyên dáng, kín đáo nhưng hoạt bát, khiêm tốn nhưng tự trọng, và họ rất hãnh diện về chiếc áo Kimono và văn hóa của họ.

Chị Hai, nói đến truyền thống của người, em không khỏi ngẫm nghĩ đến sự thay đổi của quê hương mình. Chỉ mới mấy mươi năm thôi mà hầu như đã có quá nhiều biến đổi. Bản đồ Việt Nam không còn giống như bản đồ chúng em học ở bậc tiểu học. Văn hóa của mình cũng khác xưa, mà nhất là chiếc áo dài Việt Namcủa mình. Còn nhớ ngày xưa các chị học trường Áo tím, đến khi em vào lớp Đệ thất thì màu áo đồng phục đã thành màu trắng. Chiếc áo dài trắng với phù hiệu gắn trên cổ áo là niềm tự hào và là khuôn mẫu, là nền nếp giữ gìn và nhắc nhở em luôn nhớ mình là thanh nữ Việt Nam, là con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, luôn cấp tiến để theo kịp với nền văn minh của thế giới, nhưng vẫn không quên những truyền thống của Tổ tiên mình để lai. Bây giờ mình đã là người Mỹ gốc Việt, nhưng em vẫn giữ mãi quan niệm nầy.

Em luôn ấp ủ trong lòng những ngày xưa khi còn là nữ sinh cắp sách đến trường, khi cha mẹ mình còn sống, khi mà tất cả chị em mình còn quây quần trong buổi cơm tối ở nhà. Bây giờ rất nhiều việc thay đổi. Khi về thăm quê hương, nhiều điều nghe, thấy và cảm nhận, nhiều việc thay đổi làm mình cứ ngỡ là đang ở nơi xứ lạ, mà ngỡ ngàng nhất là sự thay đổi của chiếc áo dài trong tâm tưởng của em.

Chỉ qua cách ăn mặc mà nói, phụ nữ bây giờ có nhiều chọn lựa hơn, văn minh hơn, họ có thể trông xinh đẹp hơn; nhưng cái vẻ thuy mị dễ thương, cái nét nhu mì kín đáo của phụ nữ Việt đã “phai đi ít nhiều”.

aodai-3Em còn nhớ thời chúng mình còn đi học, nết na đức hạnh là điều phụ nữ phải có trong xã hội Việt Nam. Quần áo mặc phải vừa vặn, không được chật quá, không được mỏng quá. Những cô thiếu nữ có bộ ngực nẩy nở nhiều có khi còn phải nịt cho chặt để khỏi bị người ta phê bình. Áo dài ngày nay lại được thiết kế theo Âu Mỹ, khoét trước, hở sau, vai, bên hông cũng hở, có khi cho thấy cả đồ lót và da thịt bên trong. Nhiều khi em nghĩ theo tâm lý, cái gì kín đáo càng khiến cho người ta muốn tìm hiểu thêm, chứ bày ra hết rồi, còn gì để mà khám phá? Cách tân theo các nhà thiết kế y phục Âu Tây, riết rồi cái áo dài cũng bị bầm dập tơi tả, Âu không ra Âu, Á không ra Á. Có kiểu trông như là mode của Victoria Secret. Em còn nhớ mẹ của chúng ta đã tiên đoán khi xem các show nhạc trên TV mấy năm trước khi bà qua đời: “Trong tương lai mấy cô gái chắc chỉ còn bận áo nịt ngực và cái quần bikini khi ra đường!” Lời tiên đoán này đã trở nên thật rồi.

ao-dai-cach-tanLại còn biến thành áo kiểu Tàu nữa. Có kiểu áo đi với nón hoàng hậu, nhưng bên dưới lại không giống ai; Hoàng hậu Nam Phương còn sống cũng phải giật mình! Lại có bán áo trên mạng mời gọi người ta mua “Áo dài siêu mỏng”. Em nhớ khi em ghé Sài Gòn trên đường đi công vụ ở Á châu sau hơn hai mươi năm xa quê hương, em đã ở qua đêm ở một khách sạn 5 sao. Em rất ngạc nhiên khi thấy các cô tiếp tân mặc áo dài và quần bằng vải thật mỏng. Em lại tình cờ nghe các khách ngoại quốc phê bình là “Con gái ViệtNam mặc đồ sexy quá”. Không biết có ai nhận những lời này như một lời khen không, chứ lúc đó em thật buồn cho thân phận người phụ nữ.

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Chị Hai, em chấm dứt thư này với bài thơ “Chân quê” của thi sĩ Nguyễn Bính. Nàng chỉ làm dáng khi ra tỉnh về mà thi sĩ đã van xin đừng bỏ vẻ chơn chất mà chàng yêu quý. Chiếc áo dài đã bị cắt xén và trở nên méo mó nhiều cách đã đành, chỉ mong tinh thần bên trong của người mặc áo vẫn còn nguyên vẹn, trinh trong.

Áo dài mà tự nó nói được, chắc nó sẽ yêu cầu: “Làm ơn để cho tôi yên.”

Không biết áo dài của chúng ta sẽ đi đến đâu? Tương lai chiếc áo dài trong tâm tưởng và quê hương bị lấy mất của chị em mình sẽ đi đến đâu?

Đời của ta mà tâm tưởng cũng là ta

Sao người nỡ dang tay phá bỏ?                                                                

(Trích từ “Đời qua sông”, Bách Việt)

Không biết chiếc “áo dài thời trang” sẽ còn…thời trang đến đâu? Nghĩ đến chiếc Kimono của phụ nữ Nhật lòng em thật buồn. “Chiếc Áo dài truyền thống” bị mất, người phụ nữ Việt Nam còn lại cái gì để tự hào? Biết nói ra sẽ làm nhiều người không vui, và có thể đã quá trễ, nhưng thật “chẳng đặng đừng”.

Phải chăng chuyện chiếc Áo dài chỉ là “chuyện nhỏ” trong muôn vàn chuyện lớn đang cần phải làm lại của đất nước Việt Nam?

GL Bách Việt  

Mùa Thu 2016                                                                                                                                              

Vừa bầu vừa bực

Đinh Từ Thức

h1

Cổ nhân nói “gừng càng già càng cay”, hàm ý người càng già càng khôn ngoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều thuộc vào hàng những ứng viên già nhất, tiếc thay, cả hai đều vào hàng tệ nhất. Sống tại Mỹ trên bốn thập niên, trải qua mười cuộc tổng tuyển cử, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào lạ lùng và gây bực mình như năm nay.

Vai chính bất xứng

Trong một nước dân chủ, mỗi dịp bầu cử là cơ hội để người dân được quyền chọn lựa người xứng đáng thay mình đảm đang việc nước. Trong một hệ thống bầu cử với kinh nghiệm và truyền thống lâu đời liên tục duy nhất trên thế giới từ hơn hai thế kỷ, sau nhiều lọc lựa từ sơ bộ đến chung cuộc, từ đảng cử đến dân bầu, cuối cùng cử tri thường có quyền sảng khoái chọn lựa trước một danh sách gồm những người tài đức và những người tài đức hơn. Giống như người ra đời vào ngày 29 tháng 2, cứ bốn năm vào dịp sinh nhật được tới một nhà hàng trưng bầy toàn sản phẩm chọn lọc, được quyền lựa cho mình món giá trị nhất. Người hưởng đặc quyền đó sẽ vô cùng thất vọng và bực mình, khi phải đối diện với các món hàng được bầy ra đề lựa chọn đều là thứ quá tệ, không đủ tiêu chuẩn bình thường.

Đó là cảm nghĩ chán nản của các cử tri bình thường, không thuộc phe đảng nào. Với những người có thói quen bầu theo đảng, sự chọn lựa của họ thường dễ dàng hơn: ứng viên đại diện đảng mình là nhất, những ứng viên khác là đồ bỏ. Trong cuộc bầu cử năm nay, cả hai ứng viên chính đều khó chấp nhận, khiến “phe ta” cũng phải ngập ngừng, lưỡng lự, không tránh khỏi bực mình.

Đó không phải là suy đoán chủ quan của người viết, hay dư luận tầm phào, mà dựa trên phát biểu của người có uy tín. Ví dụ tiêu biểu, trong các điện thư viết cho người thân cận vào mùa Hè vừa qua, cựu Ngoại Trưởng Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Đại  Tướng Colin Powell, một nhân vật được báo chí coi là “Người Mỹ hợp lý cuối cùng” (The Last Rationale American, The Last Reasonable Man) nhận xét rằng, ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng Hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia và là kẻ bị quốc tế khinh bỉ. Ông ta không biết xấu hổ” (national disgrace and an international pariah. He has no sense of shame). Về ứng viên đại diện đảng Dân Chủ Hillary Clinton, cựu Ngoại Trưởng Powell nhận xét vào năm 2015: Mọi sự Hillary Clinton đụng tới bà ấy đều làm hư với sự ngạo mạn (Everything HRC touches she kind of screws up with hubris). Ông còn nói bà ấy là người tham lam, lố bịch (greedy, foolish).

Dù là nhân vật uy tín, nhận xét của Tướng Powell cũng chỉ là quan điểm của một người. Cần phải căn cứ vào những sự kiện cụ thể hơn, để đánh giá từng ứng cử viên.

*

h2

Nói nhiều, tin được bao nhiêu?

Bà  Hillary Clinton có nhiều điều đáng chê trách, do tự bà nói ra. Điểm đáng ngại nhất đối với ứng viên này là sự thiếu thành thật. Không thành thật đồng nghĩa với nói sai sự thật, không tôn trọng sự thật. Hành vi “nói sai sự thực” có mức độ trầm trọng khác nhau. Trước hết là nói gian, nói sai sự thực để đổ lỗi cho người khác. Thứ nhì là nói dối, biết rõ sự thật nhưng không nhận, sợ có hại cho mình. Cuối cùng là nói ẩu, không căn cứ trên sự thật, hay chỉ dựa vào một phần sự thật, “có ít xít ra nhiều”…

Trong ba dạng không tôn trọng sự thật vừa kể, có thể liệt bà Hillary Clinton vào dạng vừa gian vừa dối. Khi bị chỉ trích về việc dùng email tư cho việc công thời làm Ngoại Trưởng, Bà đổ gian cho một người tiền nhiệm là Ngoại Trưởng Colin Powell. Bà nói đã hỏi ông Powell, và được trả lời ông cũng làm như vậy, nên bà làm theo. Sự thật ông Powell viết cho bà Hillary là khi mới làm Ngoại Trưởng, ông có sử dụng email tư, nhưng khi được các chyên viên lưu ý rằng làm thế có thể phạm luật, ông đã thôi ngay. Bà Hillary biết vậy mà cứ làm, rồi sau lại tuyên bố là làm theo ông Powell. Rõ ràng là nói gian, cố tình làm bậy rồi đến khi vỡ lở, đổ vấy cho người khác.

Có nhiều chuyện đáng chê về bà Clinton, nhưng vụ emails là chuyện đáng ngại nhất.Theo ghi nhận của FBI: “17.448 email không được bàn giao cho tổng thanh tra. Ngoài ra còn có 33.000 email đã bị xóa”. Ông Nixon đã bị mất chức vì xóa băng ghi âm, chẳng lẽ nước Mỹ nên bầu một tổng thống khác có thói quen xóa emails?

“Theo những ghi chú của FBI, bà Clinton nói bà không hề biết một số email bà nhận được chứa thông tin bảo mật bởi vì bà không biết rằng ký hiệu “C” có nghĩa là “Classified” (bảo mật)”. Ngay cả người dân vô học cũng không thể nại cớ trước tòa để chạy tội rằng mình không biết luật. Nếu làm tổng thống, bà Hillary rất có thể sẽ vô tư bấm vào cái nút hộp đựng mật hiệu bom nguyên tử, tưởng là cái nút mở hộp kẹo xúc cù là.

Không phải khi tranh cử tổng thống bà Hillary mới có những lời phát biểu không đáng tin cậy. Từ hai chục năm trước, khi còn là Đệ Nhất Phu Nhân, cố nhà báo nổi tiếng hàng đầu của tờ New York Times là William Safire đã gọi bà là người nói dối bẩm sinh (congenital liar). Một người có tật nói dối bẩm sinh, nói dối khi là vợ tổng thống, nói dối khi tranh cử tổng thống, không hy vọng người đó sẽ hết nói dối khi thành tổng thống. Không ai cộng tác, hay mượn một người giúp việc, nếu nghi ngờ rằng họ thiếu thành thật. Ai là cử tri có trách nhiệm bầu một người gian dối làm tổng thống?

Trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ làm ứng viên tranh cử tổng thống, bà Hillary chỉ trích đối thủ của mình là ông Donald Trump: “Hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Bầu Dục (Văn phòng Tổng Thống Mỹ) trước một biến động thực sự. Một người bạn có thể khiêu khích bằng một cú tweet không phải là người chúng ta có thể tin tưởng với võ khí nguyên tử” (Imagine him in the Oval Office facing a real crisis. A man you can bait with a tweet is not a man we can trust with nuclear weapons). Không cần phải tưởng tượng, sự thật là bà Hillary đã nói câu này chẳng bao lâu sau khi Giám Đốc FBI James Comey đã chính thức phê phán bà Hillary là người “cực kỳ bất cẩn” (“extremely careless”). Trao võ khí nguyên tử vào tay một người có thành tích cực kỳ bất cẩn, có đáng sợ không?

Ngoài ra, bà Hillary Clinton còn nêu cao chủ trương bảo vệ và phát huy dân chủ, trong khi bà mạ lỵ những người ủng hộ ông Trump. Bà nói: “bạn có thể bỏ một nửa những người ủng hộ Trump vào cái tôi gọi là một giỏ tồi tệ”(you can put half of Trump supporters into what I call the basket of deplorable). Bà còn nói thêm họ là những người không thể cúu vớt và không phải là Mỹ (“irredeemable” and “not America”). Đã gọi là dân chủ thì phải biết tôn trọng những ý kiến khác biệt, kể cả những người chống lại mình. Bà Hillary đã mau chóng xin lỗi, nhưng bầu tổng thống là chọn người  sáng suốt lãnh đạo đất nước, không phải chọn người chuyên nói càn rồi xin lỗi.

*

Những người theo dõi sát cuộc bầu cử chỉ ra rằng ông Trump nói sai sự thật nhiều quá gấp đôi bà Clinton. Nhưng nếu phân loại, ông Trump nói ẩu, nói càn, nói tục nhiều hơn nói gian, nói dối. Kết thúc cuộc tranh luận tay đôi lần đầu giữa hai ứng cử viên, ông Trump chê bà Clinton không đủ bản lãnh (stamina) để làm tổng thống. Nhưng về phần ông Trump, ngay giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Hòa, như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, sau khi gượng ép ủng hộ lúc đầu, cuối cùng cũng chạy dài, từ chối hậu thuẫn cho ứng viên chính thức của đảng mình. Điều này chứng tỏ ông Trump là người không xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống.

h3

Donald Trump đi với Pam Bondi (Hình: Damon Winter/NYT)

Sau khi được tin Florida “duyệt xét những cáo buộc”(reviewing the allegations) một vụ kiện tại New York chống Trump University, ông Trump dùng tiền từ quỹ từ thiện của gia đình, ủng hộ 25.000 đô la cho quỹ tranh cử của bà Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Florida. Bà này đã không có hành động nào chống lại Trump University, và ông Trump chịu nộp phạt 2.500 đô vì đã phạm luật, dùng quỹ từ thiện cho mục tiêu chính trị.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump là người không xứng đáng. Nói càn, nói ẩu, đối với ông Trump như là một thói quen, một nếp sống. Mỗi khi bị bắt quả tang nói bậy, ông thường tỉnh bơ đáp lại “who care?” (ai cần?). Chẳng ai cần bận tâm một người có thói quen nói năng bừa bãi, nếu đó là người thường. Lời nói của một tổng thống thì khác, ai cũng “care”. Nhất là Tổng Thống Mỹ, ngoài dân Mỹ, dân nước khác cũng “care” luôn. Bầu cho một người không thận trọng lời nói của mình, không chỉ riêng đương sự, cử tri cũng bị nhục lây, và liên đới trách nhiệm.

Tại Đại hội đảng Cộng Hòa, trong phần mở đầu diễn văn quan trọng nhất của mình, ông Trump tuyên bố “chúng ta sẽ đưa đất nước trở lại an ninh, thịnh vượng và hòa bình. Chúng ta sẽ là một đất nước của bao dung và nhiệt tình. Nhưng chúng ta cũng là một nước của luật pháp và trật tự” (we will lead our country back to safety, prosperity and peace. We will be a country of generosity and warmth. But we will also be a country of law and order). Chỉ với mấy chục chữ này, đủ để chứng tỏ ông Trump là một người ba xạo:

– Cùng trong bài diễn văn, ông khoe đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sớm của National Rifle Associationn (NRA) – một hội rất mạnh, cương quyết bảo vệ quyền có súng của mọi người (I received the early and strong endorsement of the National Rifle Assn). Nỗi bất an chính trong xã hội Mỹ hiện nay là quá nhiều người có súng. Làm thế nào đem lại sự bình an khi được National Rifle Association ủng hộ mạnh mẽ?

– Ông Trump hứa làm cho đất nước thịnh vượng và hòa bình, trong khi thú nhận chính mình là người đã góp phần làm cho đất nước bị nhũng loạn, đổ vỡ. Trong cuộc vận động sơ bộ, ông nói: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng chế độ của chúng ta đã đổ vỡ. Tôi đã cho rất nhiều người… Tôi cho mọi người. Khi họ gọi, tôi cho. Và bạn biết không? Vài ba năm sau, khi tôi cần điều gì từ họ, tôi gọi, và họ sẵn sàng giúp tôi” (I will tell you that our system is broken. I gave to many people, I give to everybody. When they call, I give. And do you know what? When I need something from them two years later, three years later, I call them, they are there for me). Ông còn nói rõ rằng những người nhận tiền rồi đáp lại bằng việc làm, “không nhất thiết họ làm những gì đúng cho đất nước. Họ sẽ làm những gì phù họp với quyền lợi đặc biệt của họ, của người cho tiền, của các nhà vận động… . Không tốt cho đất nước” (They won’t necessarily do what’s right for the country. They’ll do what’s right for their special interests, their donor, their lobbyists, et cetera. Not good for the country). Trong cuộc vận động tại Iowa vào đầu năm 2016, ông Trump nói thẳng: “Tôi phải cho họ, vì khi tôi cần gì, tôi sẽ đạt được. Khi tôi gọi, họ hôn đít tôi (“I’ve got to give to them, because when I want something, I get it. When I call, they kiss my ass”).

Nói vậy rồi ông Trump vỗ ngực tự khoe: “Không ai biết rõ chế độ hơn tôi, đó là điều tại sao chỉ mình tôi có thể sửa chữa nó” (Nobody knows the system better than me, which is why I alone can fix it). Một người chủ động góp phần vào việc làm cho chế độ và xã hội băng hoại, rồi tự phụ chỉ có mình sửa được những sai lầm đó, khác gì một kẻ cướp yêu cầu mọi người chọn mình làm lãnh chứa, vì chỉ có mình biết được cách đem lại an bình thịnh vượng.

– Ông Trump hứa hẹn một đất nước bao dung và nhiệt tình, trong khi ông hô hào cấm cửa dân di cư, không chỉ cấm bằng luật pháp, mà cụ thể bằng cách xây tường ngăn cách. Ngoài ra, ông tuyên chiến với nhiều thành phần, cả người cùng đảng, và dọa bỏ tù cả đối thủ của mình. Ông nói về bà Clinton: “Giam mụ ấy lại là đúng. Mụ ấy phải vào tù” (“Lock her up is right”. “She has to go to jail”). Dân chủ, bao dung và nhiệt tình không phải là nhốt đối thủ vào tù.

– Qua các phát biểu vận động, cũng như qua diễn văn chính tại Đại Hội đảng Cộng Hòa, ông Trump luôn nhắc tới luật pháp và trật tự. Ông tự xác nhận là ứng cử viên luật pháp và trật tự trong cuộc đua vào Nhà Trắng (In this race for the White House, I am the law-and-order candidate). Có nhiều người đã tố ông Trump xàm xỡ với phụ nữ, hay hàng chục năm không đóng thuế. Tuy ông Trump chưa bị xử về tội xàm xỡ với phụ nữ hay chuyện tránh thuế, đã có bằng chứng rõ ràng ông coi thường luật lệ. Riêng tại tiểu bang Florida, cũng có vàì vụ. Việc dùng quỹ từ thiện ủng hộ quỹ tranh cử của bà Pam Bondi là một. Ông làm chủ một câu lạc bộ nổi tiếng sang trọng – Mar-a-Lago Club — ở Palm Beach, Florida. Cách đây đúng 10 năm, tháng 10, 2006, ông cho dựng tại đây một cột cờ cao tới 24 mét, trong khi luật định giới hạn của vùng này chỉ có 13 mét, để treo lá cờ lớn 6.1×9.1 mét. Hội Đồng Thành Phố đã phạt ông mỗi ngày 1.250 đô la, cho đến khi nội vụ được giải quyết.

h4

Cột cờ và quốc kỳ ngoại khổ tại Mar-a-Lago

Ngoài ra, qua những tài liệu được tiết lộ gần đây mà chính ông Trump đã phải xin lỗi, ông đã có những phát biểu và cử chỉ qúa tục tỉu, không thể chấp nhận đối với một kẻ phàm phu tục tử, huống chi là một nguyên thủ quốc gia. Nhà truyền thông Billy Bush nghe ông nói bậy hơn mười năm trước mà không tỏ thái độ, đã bị cách chức. Chỉ nghe ông nói bậy đã đáng bị mất chức, còn kẻ nói bậy là ông, sẽ thành tổng thống? Trên mạng internet có lưu truyền lời kêu gọi của những người xưng là Công Giáo, hô hào bỏ phiếu cho Trump, vì bỏ phiếu cho Hillary có thể bị sa Địa Ngục. Nếu trên Thiên Đàng có mặt những người như Trump, với bàn tay bạch tuộc, thật đáng ngại cho các Thánh Nữ. Cũng trên mạng phát tán lời ca tụng Trump là người trung thành, không bao giờ bỏ ai (ngoài hai người vợ đầu). Cách đây tám năm, Trump đã ủng hộ tiền cho bà Hillary tranh cử chống lại Obama, khen bà là người rất tài năng và thông minh. Hơn nữa, nếu chỉ cần trung thành để làm tổng thống, tốt hơn, nên bầu cho một con chó.

Vai phụ chọc giận

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ngoài vai chính là cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều khó chấp nhận, những vai phụ chung quanh cuộc bầu cử cũng đóng góp vào việc khiến dư luận bực mình.

Đầu tiên là phía tư pháp, theo truyền thống phân quyền của Mỹ, tư pháp không xía vào công việc của hành pháp, trừ khi được yêu cầu phân xử như trong cuộc bầu cử năm 2000. Năm nay, gần nửa năm trước cuộc bầu cử, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Ginsburg nói với báo New York Times và hãng thông tấn AP rằng bà “rất, rất, rất không muốn thấy Donald Trump đắc cử tổng thống”. Còn nhớ, vào cuối tháng Giêng năm 2010, trong Thông Điệp Liên Bang trước Quốc Hội, Tổng Thống Obama đã chỉ trích Tối Cao Pháp Viện về một phán quyết trước đó có liên hệ tới quỹ vận động tranh cử, một trong các Thẩm Phán TCPV hiện diện là Samuel Alito đã tỏ vẻ khó chịu, miệng lẩm bẩm điều gì, không ai nghe rõ. Các hãng truyền thông ngay sau đấy đã phóng lớn hình ảnh và âm thanh, đoán rằng ông đã nói “not true”, chỉ trích Tổng Thống nói không đúng sự thật. Dư luận đã bàn tán sôi nổi vể vụ này, chỉ trích cả Tổng Thống và Thẩm Phán Tối Cao. Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch chê Tổng Thống “lỗ mãng” (rude), trong khi Nghị Sĩ Dân Chủ Russel Feingold chê Thẩm Phán TC “vô lối” (inappropriate). So với vụ này, phát biểu của bà Ginsburg phải nói là vừa lỗ mãng, vừa rất, rất, rất vô lối. Do đó, trước dư luận sôi nổi, Bà đã phải mau mắn công khai xin lỗi, thú nhận hối tiếc về phát biểu thiếu suy nghĩ của mình. Khi một TPTC thú nhận phát biểu của mình thiếu suy nghĩ chín chắn, không tránh được nhiều người tự hỏi, thế còn ý kiến của bà trong những phán quyết quan trọng hàng đầu, thì sao? Nếu trong cuộc bầu cử này có chuyện kiện tụng trước TCPV giữa hai phía Trump và Clinton, sẽ có vấn đề bà Ginsburg phải hồi tị (không tham dự xét xử), vì bà đã từng công khai bầy tỏ ác cảm với Trump, ý kiến của bà sẽ thiếu vô tư. Điều này có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.

Tổng Thống Obama cũng có lời lẽ gây bực mình. Trong diễn văn vận động cho Hillary Clinton tại Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia cuối tháng Bảy, Obama tuyên bố “Tôi có thể nói với tin tưởng rằng đã không hề có một người nam hay nữ — không phải tôi, không phải Bill, không phải bất cứ ai – có khả năng hơn Hillary Clinton để phục vụ ở địa vị tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ” (I can say with confidence there has never been a man or a woman — not me, not Bill, nobody — more qualified than Hillary Clinton to serve as president of the United States of America). Bất cứ ai khác cũng có thể tâng bốc như vậy, trừ Obama. Trong cuộc vận động tranh cử 8 năm trước, Hillary từng là đối thủ nghiêng ngửa của Obama. Chính Obama đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông ta xứng đáng làm tổng thống hơn Hillary. Bây giờ, sau khi làm tổng thống gần hết hai nhiệm kỳ, ông nói ngược lại, cả quyết rằng Hillary xứng đáng hơn ông, và bất cứ ai. Vậy, một là cử tri mù quáng đã chọn lầm người, hai là ông thuộc loại ba xạo.

Nhân vật thứ ba gây bực mình là ông chồng của bà Hillary, cựu Tổng Thống Bill Clinton. Khen vợ trong cuộc vận động tranh cử, nhất là khi vợ đóng vai chính, là điều bắt buộc. Nhưng khen phải cho đúng, hay đừng quá lộ liễu trái ngược với thực tế. Cũng tại Đại Hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia, với tài ăn nói đáng giá hàng trăm ngàn hay có khi hàng triệu đô la mỗi bài nói truyện, ông Clinton đã thu hút được rất nhiều người nghe. Trong phần sau bài ca tụng vợ vào ngày thứ nhì Đại Hội, ông nói Hillary là người phụ nữ không bao giờ thỏa mãn với bất cứ thứ gì của hiện trạng. Bà ấy luôn muốn mang trái banh về phía trước. Và ở cuối bài diễn văn, ông cả quyết: “Hillary là người duy nhất đủ khả năng để nắm lấy cơ hội và giảm thiểu những rủi ro đối diện chúng ta. Và bà ấy là người tạo thay đổi (change-maker) tốt nhất mà tôi từng biết”. Cùng lúc. Rất nhiều thành viên tham dự Đại Hội đã giơ cao tấm biển in sẵn hai chữ “Change Maker”. Không riêng nước Mỹ, cả thế giới đều biết, một thay đổi rất cần thiết mà bà không làm được, đó là thay đổi ông chồng nổi tiếng bê bối của mình. Thế mà mang danh “change-maker”. Có thể áp dụng cả cho ông bà Clinton nhận xét Tướng Powell đã dành cho Trump: No sense of shame! Không biết xấu hổ!

Tại Đại Hội đảng Cộng Hòa trước đó, cũng có nhiều vai phụ gây chuyện bực mình. Hillary Clinton đã bị đối xử như một tội phạm, với khẩu hiệu “Lock her up” (Nhốt nó lại), cùng với hình một cũi sắt, bên trong nhốt Hillary mặc áo tù.

h5

Hình bà Hillary Clinton bị giam trong cũi đặt gần Đại Hội đảng Cộng Hòa ở Cleveland, Ohio, 20 July, 2016. (Reuters/Shannon Stapleton)

Với việc lẫn lộn công tư khi xử dụng email thời làm Ngoại Trưởng, bà Hillary có thể coi là phạm luật, và đáng bị truy tố. Nhưng theo đề nghị của Giám Đốc FBI, Bộ Tư Pháp đã không truy tố. Rất có thể đã có thiên vị về phía đảng Dân Chủ đương quyền, đó là trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Theo truyền thống trọng luật của Hoa Kỳ, không thể đối xử với người chưa bị truy tố như nghi phạm, và đối xử với người chưa có án như phạm nhân.

Tệ hơn nữa, ông Chris Christie, Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang New Jersey, vốn xuất thân là một công tố, đã biến Đại Hội thành một thứ giống như tòa án nhân dân, trên diễn đàn, ông kể ra vô số tội của bà Clinton, sau mỗi tội ông hỏi “có tội hay vô tội?” và mọi người đáp lại “có tội”.

Vì đâu nên nỗi?

Lý do nào đã khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay quá tồi tệ?

Trước hết, có thể coi đây là trào lưu chung của thời đại. Không phải riêng tại Mỹ, mà phong trào bất mãn nổi dậy từ Âu tới Mỹ. Tại Anh, dân chúng bỏ phiếu rút khỏi Cộng Đồng Âu Châu (Brexit). Phong trào Quốc gia tại Pháp mạnh lên với Marine Le Pen chủ trương cực hữu. Lãnh tụ cực hữu Norbert Hofer dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống rắc rối tại Áo. Lãnh tụ cực hữu Geert Wilders, người ủng hộ Trump, có thể trở thành Thủ Tướng Hòa Lan. Phó Thủ Tướng Hungary Viktor Orban chủ trương cấm di dân, tuyên bố “Donald Trump is better for Europe” (Donald Trump tốt hơn cho châu Âu).

Trong vài ba thập niên gần đây, mọi sự thay đổi quá nhanh. Một số người may mắn nắm được cơ hội, dễ dàng trở thành triệu phú, tỉ phú. Những ai không theo kịp đà tiến, bị đào thải, cuộc sống trở thành bấp bênh. Họ quy trách cho chính phủ, đổ lỗi cho người nước ngoài, và nổi loạn, muốn thay đổi tất cả để cuộc sống khá hơn. Những thương hiệu của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vào thế kỷ trước như General Motors (GM), Ford, Sears, Kodak, RCA, Xerox… không những có thể bảo đảm công việc cả đời cho công nhân, có khi nhiều thế hệ trong một gia đình cùng làm cho một công ty. Điều này không còn nữa. Xí nghiệp xe hơi khổng lồ GM suýt phá sản mươi năm trước, nếu không được công qũy cứu vãn bằng hàng tỉ đô la. Sản phẩm phim ảnh Kodak có thể tìm thấy khắp thế giới, bây giờ còn ai cần? Sears từng bán mọi sản phẩm cần thiết cho một đời người, từ căn nhà làm sẵn tới cây kim sợi chỉ, bây giờ còn mấy ai bén mảng?

Trong lãnh vực truyền thông, việc đưa tin bằng chân người, vó ngựa, tồn tại hàng ngàn năm, rồi đưa tin nhờ máy xe, máy tầu, máy bay, cũng tồn tại được vài thế kỷ. Điện thoại, điện tín, cũng sống được hàng thế kỷ. Trên ba chục năm trước, cái máy fax thần kỳ khai tử điện tín, rồi chẳng được bao lâu, chính nó cũng bị internet thay thế. Trên hai chục năm trước, cái cell phone Nokia của Phần Lan làm bá chủ, bây giờ dễ tìm nó trong viện bảo tàng hơn là ngoài đời. Mới trên chục năm, cái Blackberry là thứ không thể thiếu đối với các viên chức từ chính quyền tới dân sự, bây giờ, nó đã bị ngừng chế tạo, nhường chỗ cho Iphone, Ipad. Ngay cả máy tính để bàn và để đùi, mới tung hoành được vài thập niên, đã bắt đầu đi xuống.

Mỗi ngành sản xuất quan trọng bị thay đổi hay đào thải, kéo theo sự bất hạnh của hàng triệu người liên hệ. Đang trong cảnh thất nghiệp hay cuộc sống khó khăn, lại gặp lúc những người quá khích Hồi Giáo gây cảnh chém giết và bất an tại nhiều nơi, bỗng có người đứng lên hô hào đem lại giầu mạnh cho đất nước, ổn định xã hội, thì nhiều người theo, bị lôi cuốn tới mức không cần biết người đó làm thế nào để thực hiện lời hứa của mình.

Cả hai chính đảng lớn của Mỹ, tại sao không cử được người khá hơn?

Về phía Dân Chủ, bà Hillary là người nhiều tham vọng. Từ một phần tư thế kỷ, cùng với ông chồng tổng thống, họ đã tạo được bệ phóng vững chãi về thanh thế, truyền thông, nhân sự và tài chánh, quyết tâm đạt thành tích là tổng thống nữ giới đầu tiên trong lịch sử. Ngay cả ông Joe Biden, Phó Tổng Thống đương nhiệm, cùng đảng, cũng đành phải nhường bước, không tranh cử với bà, nại lý do con trai mới qua đời. Bernie Sanders, đối thủ của bà ở cấp sơ bộ là người khá, nhưng không có bệ phóng vững chãi như bà, đành cay đắng chịu thua.

Về phía Cộng Hòa, lợi thế đầu tiên của ông Trump là đánh trúng tâm lý những người bất mãn. Là người nói bừa, ông hứa bừa, hấp dẫn hơn phát ngôn của hàng chục ứng viên thận trọng khác. Lợi thế thứ nhì, ông là tỉ phú, giầu vào hàng nhất so với các ứng viên trong lịch sử, không thể cầm chân ông bằng tài chánh. Nếu làm quá, ông có thể ứng cử với tư cách độc lập, diễn lại kịch bản hãi hùng cuộc bầu cử năm 1992. Năm ấy, tỉ phú Ross Perot là ứng viên độc lập đã chia phiếu Cộng Hòa, khiến ông Bush Bố thất cử, dù mới đại thắng Iraq năm trước, giúp Bill Clinton đắc cử. Cộng Hòa sợ nếu Trump ứng cử độc lập năm nay, chắc chắn ghế tổng thống vào tay một Clinton khác. Chẳng đặng đừng, Cộng Hòa đành để Trump cầm cờ Đảng trong cuộc chạy đua, với hy vọng mong manh dành lại Nhà Trắng sau tám năm trong tay da đen.

Sứ mạng và bài học

Bầu cho ai, khi cả hai ứng viên đều bất xứng?

Người viết đã được nghe nhiều phản ứng khác nhau. Có người chủ trương không đi bầu. Có người nói không thể bầu Trump nên sẽ bỏ phiếu cho Hillary. Người khác nói bầu Trump để chặn Hillary.

Thiết nghĩ, tất cả các dự tính trên đầu không nên thực hiện.

Trước hết, không đi bầu là thiếu trách nhiệm công dân. Nhất là những ai vẫn lớn tiếng đòi quyền bầu cử cho người Việt trong nước, trong khi không thực hiện quyền này có sẵn trong tay mình, là điều khó hiểu. Thứ nhì, chọn một người bất xứng để ngăn một người bất xứng tương tự, là điều nguy hiểm, vì rút cục, vẫn là chọn một người bất xứng. Ngoài ra, chỉ vì ghét người này mà bầu cho người kia, kẻ đáng ghét ít hơn sẽ đắc cử với tỷ lệ cao, họ có ảo tưởng được cử tri trao cho một sứ mệnh, tiếp tục gian dối hay làm bậy. Thay vì thế, hãy cho họ một bài học. Một trong hai người sẽ đắc cử, với tỷ lệ thấp, họ biết thân phận mình, một là sẽ không dám làm bậy, hai là hy vọng họ sẽ tự sửa mình, trở thành khá hơn.

Giải pháp nên thực hiện là, vẫn đi bầu. Nếu thấy cả hai người đứng đầu hai liên danh đều bất xứng thì quên họ đi. Hãy bầu cho liên danh nào có ứng viên phó tổng thống khá hơn, hy vọng người này sẽ có cơ hội lên thay người bất xứng, hay ít nhất, cũng ngăn người bất xứng làm bậy. Nếu ứng viên cả hai liên danh, vai chính lẫn vai phụ đều bất xứng, hãy quên tất cả họ đi, không bầu cho ai. Kế tiếp, hãy bầu cho những người xứng đáng vào các chức vụ nghị sĩ và dân biểu. Theo hiến định, những người này sẽ có quyền truất phế những kẻ bất xứng ở địa vị cao.

***

Vừa bầu vừa bực, nhưng không đến nỗi quá thất vọng. Là một nước dân chủ hàng đầu, guồng máy cai trị đã thành nền nếp, mọi cấp bậc trong guồng máy cai trị làm việc theo luật, không chỉ theo lệnh, địa vị Tổng Thống Mỹ không quá quan trọng như tại các nước độc tài. Gorbachev lên làm thay đổi hẳn Liên Bang Xô Viết, Đặng Tiểu Bình làm thay đổi nước Tầu, nhưng Truman thay Roosevelt hay Ford thay Nixon, nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Hillary Clinton hay Donald Trump vào Nhà Trắng, bực thì vẫn bực, nhưng chưa phải là ngày tận thế của nước Mỹ.

Đinh Từ Thức

 

Giọt Nước Nghiêng Mình…

Nguyễn Văn Sâm

Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Sơn Nam

mua-ve-dem-lanh-leo-co-don-nhat

1.

VA, xe chạy đường trường hơn một giờ, lòng vòng trong xóm quê thêm độ nửa giờ nữa thì rẻ vô một khu hơi nghèo vắng rồi ngừng lại trong sân một căn nhà có vẽ khang trang trên khu đất rộng. Tấm bảng sơn xanh chữ đỏ có tên ngôi chùa nằm khiêm nhường bên một cội cây cành lá xum xuê. Tên chùa cũng bình thường nhưng chữ chùa khiến già Thanh có cảm tình hơn tiếng tự thường gặp. ‘Chùa Php Vân.’ nghe gần gũi hơn ‘Pháp Vân Tự’ nhiều. Cũng không thấy những câu đối liễn màu đỏ chói chang, mệt mắt với kiểu chữ Việt viết tròn tròn giả Hán tự thường có. Già Thanh nói thầm trong bụng: ‘Chắc chắn sư trụ trì nhiều Việt tính… những chi tiết nho nhỏ như thế nầy rất đáng ngưỡng phục và nên khuếch tán.  Hẵn sẽ có nhiều điều đáng nghe, đáng học ở vị sư nầy.’

Cảnh quang khoáng đãng, vắng bóng những tượng đá trắng rườm rà phô trương tạc những nhân vật huyền thoại chẳng ai biết nghệ nhân lấy chi tiết từ đâu. Chỉ có một mình ngôi tượng mẹ Quan Âm đưa thiên nhãn hiền từ nhìn khách, như theo dõi để che chỡ những bước chân của tín chúng thập phương. Cả ba người bước tới chưn tượng xá ba xá làm lễ ra mắt rồi đến cửa, bấm chuông. Hai chiếc xe quẹo vô bãi đậu, ba cặp khách Mỹ tới dưới chân tượng, chấp tay ngang bụng, nghiêm chỉnh đứng mặc niệm.

‘Hình tượng Phật Bà dễ được kính tin vì tương tợ với hình tượng Đức Mẹ của họ.’ Già Thanh nói với con gái, mắt không rời những vị khách tóc vàng với lòng cảm phục. ‘Chùa Việt Nam nơi xứ người dựng tượng Phật Bà ngoài sân trống trải mục đích là tạo sự dễ dàng cho việc chiêm bái ngoài nghi thức. Người bản xứ chỉ cần đến cầu nguyện rồi về, không phải vào chánh điện, không phải nói chuyện với vị trụ trì, vốn trở ngại về ngôn ngữ tôn giáo.’

Người phụ nữ mỉm cười hãnh diện trao ánh mắt với chồng như thầm nói đạo Phật của mình cũng có chút nào ảnh hưởng lên người bản địa rồi áy náy nói với cha rằng mình rất ngại khi đến đây mà không thông báo trước cho ni sư. Anh chồng nói mình có lý do vì làm theo ý cha từ xa đến muốn thăm linh của cháu, nhân tiện viếng cảnh một ngôi chùa địa phương.

Vậy mà chúng không cho mình biết đây là chùa sư nữ! Già Thanh hơi ngạc nhiên rồi mạnh dạn bước lên thềm bấm chuông. Hình như lâu lắm, chừng hơn mười phút, sư cô trụ trì mới ra mở cửa. Nụ cười hiền hòa và thân thiện chiếm ngay cảm tình của khách. ‘Xin lỗi vì để quí khách đợi hơi lâu. Chùa vắng, ngày thường phải đóng cửa, tín hữu viếng chùa thì bấm chuông, ni  ở đây chỉ có mình mình, phải cẩn thận phòng ngừa những bất trắc.’

Trụ trì thân mật dẫn khách đi viếng phòng ốc. Chánh điện trang nghiêm. Gian phòng thờ các linh sạch sẽ, ấm cúng trong cách trình bày đơn giản. Hình đứa cháu gái chớm tuổi hai mươi đang nở nụ cười vui như cười chào cha mẹ và ông ngoại đến thăm. Con bé toát ra nét trẻ trung yêu đời biết bao bên cạnh hàng mấy mươi hình đồng cảnh khác. Già Thanh nhìn từng hình, từng hình. Hầu hết là những bức hình tươi trẻ. Có thể người nhà đã chọn tấm ảnh đẹp nhứt cho người nằm xuống. Già Thanh không thấy mình khác với họ bao nhiêu khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong các hình kia trước đây cũng như mình và sau nầy mình cũng như họ thôi. Người mẹ ngước nhìn hình con gái mình, thân thiết, mắt đỏ hoe, mọng ước, đưa tay len lén dụi. Người cha day mặt ra sau, cúi đầu. Không khí lắng đọng.

Già Thanh muốn đưa tay lên sờ tấm hình cháu ngoại nhưng ngại tạo thêm nỗi buồn cho cha mẹ nó nên đành thôi. Nói nhỏ: ‘Cháu ở chùa nghe kinh, mau siêu thoát.’

Tiếng ni sư phá tan sự buồn thảm đó:

‘Cũng gần giáp năm cháu rồi. Mau quá. Hai tháng nữa chứ mấy.’

Người mẹ:

‘Dạ, sư cô nhớ hay quá. Đến lúc đó cũng xin nhờ sư cô lo liệu mọi sự cho cháu. Chúng con không hiểu biết lắm những gì cần phải làm.’

Tiếng con  của người tín hữu xem chừng bằng tuổi với ni sư trụ trì khiến già Thanh thấy vui vui. Con gái mình đã phần nào đè xuống cái ngã mạn khi thốt ra trôi chảy tiếng con. Bản ngã nói cho cùng cũng là không, chỉ vì con người gán cho nó tánh cách nhập làm một với hình hài huyễn hóa hiện tại vốn bị lầm tưởng là thường trụ, nên ngại ngùng khi sử dụng với người tu hành ngang tuổi đời…

Sư nữ để tay lên vai người đàn bà như chấp nhận, như hứa hẹn…

Sang phòng kinh sách. Từng kệ, từng kệ kinh sách và đĩa kinh giảng.  Ni sư mỉm cười. ‘Khi ni về đây thì phòng nầy rất là lộn xộn, kinh sách chất đống ngổn ngang dưới thềm. Phải cho đóng kệ và xắp xếp lại để ai cần tìm hiểu thêm về đạo dễ dàng tham khảo. Xắp xếp lại, mất thời giờ vậy mà vui. Vô tình thấy được những quyển kinh hoặc vài ba bài báo mình cần đọc hay trả lời được những điều mình đương thắc mắc.’

Đưa mắt của người ham sách quan sát, già Thanh thấy có mấy quyển sách về linh hồn, về luân hồi, tái sinh của Feffrey Long và Paul Newton (Evidence After Life), của Michael Newton (Journey of Souls và Destiny of Souls) mấy quyển sách nói về linh hồn rất được ưa thích gần đây. Già đưa tay với lấy quyển sách nhỏ mỏng của tác giả trẻ Chung Mậu Sum 鍾茂森 của Đài Bắc, ‘Nhân Quả Luân Hồi Đích Khoa Học Chứng Minh’, hỏi:

‘Thưa, ni sư có thích đọc những quyển sách quí nầy?’

“Cũng muốn đọc lắm nhưng chưa đủ cơ duyên. Ni sang đây chưa lâu, trình độ Anh ngữ còn phải trau luyện nhiều.’

Già Thanh thích câu trả lời thiệt tình như vậy. Ở bên kia ni sư chịu ảnh hưởng một nền giáo dục khác nên cần có thời gian cho những cuốn sách loại nầy, không có gì phải dấu diếm…

2.

‘Ni ở trong chùa nầy một mình, tuần sáu ngày cô độc, chỉ Chúa Nhựt mới có độ chục tín hữu đến sinh hoạt. Quí khách thử tưởng tượng đêm vắng, không một tiếng động, chùa rộng hơn nhà thường, lại có phòng thờ các linh, nếu không đủ tinh tấn thì dễ buồn chán biết bao. Trước đây nhiều sư đến chỉ sau vài ba tháng trụ là từ giả. Có nhiều lý do, ngoài cảnh vắng vẻ còn có sự cực nhọc phải tự lo ẩm thực, giặt gỵa, tài chánh… Chùa vắng, Phật tử cúng dường không đủ chi trả cho tiền cơ sở nói gì tới tiền tiêu vặt và bảo hiểm y tế thuốc men…

Già Thanh dà dạ vuốt đuôi. ‘Nhờ ni sư nói chúng tôi mới biết được những điều đó. Cứ tưởng là đi tu không còn những chuyện phải lo lắng tầm thường như người ngoài đời.’

Vị trụ trì cười tươi:

‘Rồi mọi chuyện cũng đâu vô đó. Có Phật lo hết. Ông coi, khi ni về đây thì cửa chánh điện chưa mở ra phía trước như hiện giờ. Chưa có đường riêng cho người khuyết tật. Phòng khách nầy nguyên là căn phòng chỉ có một cửa sổ thôi. Nay thì khá hơn nhiều. Nhờ Phật lo hết.’

… ‘Sư coi vậy tu cũng còn dễ dàng, ni chúng tôi khó hơn chút đỉnh. Nhiều trường hợp bị thúc bách của gia đình hay cha mẹ, không thể từ chối được phải đội tóc giả đi làm nail.’

Ba người khách đồng loạt ồ ngạc nhiên và đổi thế ngồi.

Ni sư chầm chậm bưng chén nước đưa lên miệng:

‘Nữ phái dầu đã xuất gia, tình cảm với mẹ cha cũng còn nặng nề. Chữ hiếu khó lòng bị xóa bỏ hoàn toàn khi nhớ đến cha mẹ già yếu bịnh hoạn đương sống nghèo khổ nơi quê nhà.

Những cái gật đầu biểu đồng tình nhiều hơn của người nghe.

‘…Dầu sao tu bên nầy cũng êm ấm, đường tu hành cũng ít trắc trở. Bên kia, chùa thường bị đập phá, can thiệp, o ép. Nhiều sư trẻ không biết xuất thân từ đâu được gởi tới chùa nầy chùa kia, thét rồi sư chân chánh với sư bia, sư karaoke, sư có nợ phong lưu, sư sát thủ… chẳng thể nào phân biệt được.’

Ni sư trở giọng sau tiếng thở dài:

‘Xin lỗi khách. Kẻ xuất gia không nên để tâm mình trĩu nặng như vậy. Đáng lẽ không nên nói nhiều.’

Đưa tay lật lật một quyển tập nảy giờ để trước mặt, ni sư nói thêm:

‘Ngoài tụng niệm kinh kệ và chăm chút ngôi chùa, thời giờ rảnh rang, ni thích đọc chép những vần thơ liên quan tới việc tu hành của người xưa. Chẳng hạn bà Quỳnh Hoa Công Chúa nói khi tu hành thấy thời gian qua mau, bà mỗi lúc một lớn tuổi, không còn sự tinh anh như trước: Mắt phụng long lanh phai vẻ nước, Mày ngà lấp lánh nhạt màu xuân. Và bà Huyền Tùng Quận Chúa nói chăm chỉ việc tu hành khiến mình hiểu đạo hơn: Trông về cổ tích ngàn thu trước, Mở lá niệm kinh thấy rõ ràng.

Gió lạnh tạt vô phòng khách, kéo theo những giọt mưa hung hăng.. Già Thanh đứng dậy bước ra đóng cửa lại. Mọi người yên lặng ngó ra ngoài trời. Cơn mưa coi chừng hơi nặng hột. Người đàn bà kéo hai vạt áo lại che bớt hơi lạnh, cặp mắt vẫn đỏ.

Ni sư đưa tay lượm vài cánh bông rơi rụng trên bàn bỏ vô dĩa đựng tách trà, ngó thẳng vô mặt người khách nữ, nói như khuyên giải:

‘Tiểu bang nầy lắm mưa, nhiều khi một mình ngồi ngó mưa rơi, ni nghĩ rằng từng giọt mưa là từng linh hồn con người nghiêng mình rớt xuống để nhập làm một với Đại Ngã là sông, biển. Chết là giai đoạn hủy xác, hồn về lại nơi phát sinh. Chết sống chỉ là những giai đoạn du hành rong chơi của tiểu linh hồn.’

Người mẹ đưa mắt về phòng thờ linh bên kia, như cố tìm hình ảnh đứa con gái của mình…

3.

Trên đường về, người con phá tan sự yên lặng, rụt rè hỏi cha mình:

‘Con thấy ni sư thông tuệ. Nhưng sự so sánh sông biển với cái Đại Ngã ba thấy có đúng không?’

‘Mọi so sánh tỷ dụ đều khiến cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.’ Già Thanh trả lời không suy nghĩ, ngừng một lúc hèn lâu, nuốt nước miếng, ông nói thêm:  ‘Nhưng so sánh nào cũng vậy, chỉ có giá trị tương đối. Vũng nước, ao hồ, biển cả có thể ví như cái Đại Ngã của nhân loại như ni sư đã nói theo sách, mà cũng có thể ví như hồn dân tộc, như nền văn hóa của một sắc dân, như nguồn sống của một quốc gia. Điều quan trọng là mọi giọt nước đều nghiêng mình để bơi về hợp với vùng nước lớn, cách nầy hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp.’

Người con rể, vốn ít mở miệng bây giờ mới lên tiếng, thiệt chí lí:

‘Kẻ nào, nhà cầm quyền nào, bao che cho bất kỳ ai làm ô nhiễm vùng nước lớn thì đều có tội tày trời, tùy theo cách nhìn, hoặc là đã làm hư hoại cái Đại Ngã của nhơn loại, hoặc là làm tàn hại nguồn sống của một dân tộc, khiến cho dân tộc tội nghiệp đó có nguy cơ bị teo cụm lần lần rồi biến mất trên quả địa cầu.’

Già Thanh gật gật đầu biểu đồng tình.

Cơn mưa chuyển sang ồ ạt, dũng mãnh kinh hồn. Những giọt nước hai bên cửa kiếng hông xe cuống quít nghiêng mình chạy mau hơn để nhập bọn với nhau. Trong trí già Thanh, những giọt nước mắt của anh ngư phủ ‘mất cá, mất biển’ ngồi khóc trên bờ biển chết cũng tương tợ như vậy. Chúng cuống quít nghiêng mình xuống cát, len lõi ra biển lớn.

Nhưng than ôi, biển lớn bây giờ đã chết vì chất độc. Giọt nước nào, dòng sông nào nghiêng mình ra biển cũng đều thất vọng.

Trong âm thanh ồn ào của tiếng mưa rơi ngoài kia, giọng ngâm nga lạc điệu của già Thanh cất lên: ‘Giọt nước nghiêng mình khóc biển Đông.’

bien-chet

Người con gái và chàng rể của già Thanh tròn xoe mắt ngác ngơ. Trên đường về từ đó cả ba người đều đắm mình trong những suy nghĩ mông lung, man mác buồn. Bên ngoài mưa vẫn nặng hột.

Charlotteville, VA, Oct. 1- 3, 2016

Nguyễn Văn Sâm

Lời tác giả:

Mọi sự trùng hợp nếu có là ngoài ý muốn của tác giả. Bốn câu thơ được trích từ quyển sách Nôm tựa là Tẩy Tâm Chơn Kinh, khắc in năm Bảo Đại Thứ Tư (1929). Mở lá: Lật sách kinh, xưa kinh viết trên lá.