Nhắn Kẻ Trở Cờ

Trần Văn Lương

thangtudenHỡi người bạn trở cờ theo lũ giặc
Đang nắm quyền sinh sát ở quê tôi,
Đừng chỉ vì chút canh cặn cơm ôi,
Mà thay chúng nói rặt lời dối trá.

Chúng luôn mồm ra rả,
Đánh lừa thiên hạ khắp nơi.
Và chẳng may, đâu đâu cũng có người,
Vẫn nhẹ dạ tin trò chơi bịp bợm.

Này bạn hỡi, đừng đem lời chúng mớm,
Để qua đây luôn sớm tối kêu gào.
Bạn giết người mà chẳng dụng gươm dao,
Khi theo chúng rêu rao điều gian dối.

Đừng dẫn chứng đám cò mồi múa rối,
Bọn thầy tu giả mạo mới ra lò,
Rồi phùng mang trợn mắt hót líu lo,
Rằng đất nước có tự do tôn giáo.

Chúng tóm kẻ chức quyền cao trong đạo,
Cho xênh xang áo mão để reo hò,
Để thổi phồng chiếc bánh vẽ “xin cho”,
Hoặc trình diễn lắm trò hề tương tự.

Chúng bắt chẹt tình cảm người xa xứ,
Dụ họ về bằng hai chữ “quê hương”,
Bằng những câu giả dối ngọt như đường,
Bằng hình ảnh của “vườn” kia “trái” nọ.

Rồi hốt trọn bầy “cá hồi” vô rọ,
Vắt cạn tiền, xong vất bỏ thẳng tay.
Chuyện sờ sờ trước mắt chẳng chịu hay,
Sao bạn vẫn luôn cối chày ngụy biện?

Đừng núp bóng dưới chiêu bài “từ thiện”,
Miệng oang oang toàn nói chuyện thương người,
Nhưng thực ra là về để ăn chơi,
Cùng đóng kịch mong được đời ca ngợi.

Đừng lợi dụng chuyện thiên tai lụt lội,
Để làm giàu trên nỗi khổ của dân.
Thiên hạ ai cũng biết rõ trăm phần,
Mà sao bạn vẫn trần thân lải nhải?

Đừng ong óng toàn những câu nhai lại,
Nào ” giao lưu”, nào “hòa giải”, “thứ tha”.
Sao bạn không dám bảo bọn tà ma,
Ngưng bách hại người sa cơ thất thế?

Đừng trâng tráo nói “không làm chính trị”,
Khi chính mình xin tỵ nạn nơi đây,
Khóc sụt sùi khai với Mỹ, với Tây,
Vì sao phải đắng cay rời quê cũ.

*****

Thân nhược tiểu, mong manh quyền tự chủ,
Bị “đồng minh” bán cho lũ sài lang.
Nên chúng tôi phải đau đớn tan hàng,
Chua xót đứng nhìn giang san tơi tả.

Vì lương thiện, chúng tôi đà trả giá,
Bằng khăn tang của cả triệu người thân,
Bằng những dòng lệ ngập mắt cá chân,
Bằng sinh mạng ngàn quân dân cán chính.

Vì tưởng chúng còn mảy may nhân tính,
Nên bao người đã dính phải tai ương,
Kẻ bỏ mình trong núi thẳm mù sương,
Kẻ giũ kiếp giữa trùng dương sóng gió.

Cũng vì bởi những người như bạn đó,
Mà quê ta, giặc đỏ vẫn cầm quyền,
Sống giàu sang, phung phí những đồng tiền
Từ xa trút liên miên về chốn cũ.

Bạn hỡi bạn, sao đang tâm hưởng thụ,
Trên vết thương đầy máu mủ dân mình,
A tòng theo bọn bán nước cầu vinh,
Để tiếp tục làm điêu linh đất tổ.

Dân tộc Việt chỉ hoàn toàn hết khổ,
Khi lũ này không còn chỗ dung thân,
Khi Cờ Vàng phất phới giữa trời xuân
Theo nhịp bước đoàn quân Nam anh dũng.

*****

Bốn mươi mấy năm từ khi buông súng,
Quá khứ buồn giờ chắc cũng phôi pha.
Bao triệu người, còn mấy kẻ xót xa,
Khi nhớ đến một quê nhà đã mất.

Trần Văn Lương 
Cali, đầu mùa Quốc Hận,
4/2016

thang tu den 3

Đưa Anh Vào Cuộc Viễn Du

(Kính dâng hương linh giáo sư Nguyễn Ngọc Bích) 

Cao Nguyên

nnb-2
Hôm nay mười hai tháng ba
đưa Anh Ngọc Bích đến nhà vĩnh an
nguyện lời theo khói hương trầm
cầu mong Tâm Việt thỏa lòng viễn du
 
Đời Anh vì Nước ưu tư
Tình Anh vì Đất vẫn cười thản nhiên:
đấu tranh mưu cuộc nhân quyền
phải như cây sống trên miền hạn khô
 
Vòng Tay Anh là bến bờ
sẵn lòng đón kẻ ơ hờ thế nhân
Trí Tâm Anh là tấm lòng
vị tha nhân ái khơi hồng lửa tin
 
Đời Anh rạng ánh bình minh
rọi trên biển đảo gọi nhân sinh về
với tình tổ quốc hương quê
nối liền mạch chảy sơn khê Lạc Hồng
 
Tim dừng đập trên Biển Đông
để luân chuyển nhịp vào trong đất liền
hòa cùng sông núi hồn thiêng
phục sinh hào khí Rồng Tiên anh hùng
 
Hợp lòng dân Bắc Nam Trung
cùng nhau khởi sự phục hưng sơn hà
lời tim nồng nhiệt thiết tha
Anh đi nhắn lại chung hòa yêu thương
 
Giữ gìn đạo đức kỷ cương
phát triển Hồn Việt muôn phương thấm truyền
Tự Do – Dân Chủ – Nhân Quyền
hành trình Anh mở còn nguyên lời mời!
 
Đưa anh vào cuộc rong chơi
tám mươi năm đã vì đời dựng xây
Anh đi nhưng mãi nơi này
Ân Tình Anh vẫn hằng ngày khắc ghi!

Cao Nguyên
Washington D.C. – March 12, 2016 

———————————–
Tâm Việt là bút hiệu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích

Chẳng Lẽ

Cao Nguyên

chang-le

Vào mỗi Tháng Tư, tôi lại dựng lên cột mốc thời gian 1975 và cộng thêm vào từng khoảng đời lưu vong đáng nhớ. Đánh dấu chuỗi dài bi thảm của Việt Nam, quê hương tôi.

Cả bi và thảm đều chứa nhiều nước mắt của hằng triệu người Việt sống lưu vong, hay đang sống tại quê nhà!
Tháng Tư 2016, cột mốc thời gian khắc dấu ấn 41 năm. Nhìn về trước và sau dấu ấn này, trên tầng tầng lớp lớp máu xương của sự hy sinh vì tự do dân chủ của một quốc gia, vẫn chổi lên mầm đau thương do nước mắt tưới vào. Nghiệt ngã thân phận của đời người, của đất nước chạy buốt theo tiếng thở dài gần như chỉ để mặc niệm từ hồi tưởng.

Mặc niệm với những anh hùng đã vì nước hy sinh! Hồi tưởng những đắng cay và tức tưởi của một đoàn quân quyết chiến mà thất bại. Một thất bại nhục nhã bởi sự phản bội của đồng minh và nội thù dân tộc.
Chẳng lẽ đây là thời kỳ nhiễu nhương nhất của dòng lịch sử cận đại do nội thù khuynh đảo trong hàng ngủ nhân thân? Chủ nghĩa cá nhân nẩy lòng phản trắc, mài sắt ngôn từ để triệt hạ nhau, bất chấp chân lý và công đạo! Lừa bịp cả thế nhân bằng những chiếc áo ngụy tạo hữu thần. Lợi dụng đức tin để lập đền tôn sùng lãnh tụ! Tệ hại hơn là vinh danh chính mình trên bản ngã tự tôn, tự mãn!!

Chẳng lẽ những ngọn bút tiên phong đã chùn tâm ráo mực? Chỉ phóng lên trời những dấu chấm than! Mặc thế gian hứng những dòng lệ đỏ bi thương trên màu da vàng chủng tộc? Cái cơ hội dùng bút thay súng để chiến đấu vì độc lập tự do và dân chủ cho quê hương, cũng vuột mất khỏi tầm tay của những người lính già đã từng thề vì nước hy sinh? Chẳng lẽ lời thề vệ quốc đã bị màu danh lợi phủ chụp lên cái thân phận vốn quen trò đón gió, trở cờ?

Chẳng lẽ chữ nghĩa và trí tuệ chỉ để dùng cho những dằng vặt lòng nhau, khơi niềm đau từ những đố kỵ để thỏa mãn sự riêng tư danh phận một đời người? Bất chấp lương tri của người cầm bút vì nghĩa diệt thân, chỉ vì lẽ phải khuất lấp dưới tầm nhìn, chỉ thấy cái “tôi” sáng lên trong niềm thù hận. Hả hê đập phá lẽ phải bằng ngôn từ bất xứng với đại từ Văn Hóa. Làm dấy lên lớp bụi mù che lấp con đường chân thiện mỹ được tiền nhân xây đắp suốt mấy nghìn năm!

Còn bao điều chẳng lẽ đóng vào tâm trí và tự mình rịt lại những thương đau bằng niềm tin vào lương tri của những cây bút vẫn miệt mài viết tiếp những trang sử dẫu bi hay tráng cũng mang hồn dân tộc và tổ quốc mình đã cưu mang. Lịch sử vẫn còn đó, lương tâm đồng chủng sẽ minh bạch mọi điều.

Thế hệ tiếp sau sẽ đi vào chính sử với ánh sáng chân lý được dẫn soi bởi hồn thiêng dân tộc. Lướt qua sự hỗn tạp của hiện cảnh quê hương ảm đạm, để vạch lên con đường hướng tới tương lai tươi sáng thật không dễ. Nhưng chẳng lẽ mãi lặng lẽ ngồi nghe những niệm khúc u buồn cho tới lúc tàn hơi?

Chẳng lẽ chữ nghĩa cứ bị dồn nén trong khung cửa ký ức, mỗi khi thời gian chạm vào, những giọt nghĩ mới vỡ ra chảy theo dòng trầm mặc?

Không! Phải dựng chữ nghĩa đứng lên, vượt bóng đêm, xuyên qua đố kỵ và nghi hoặc, phóng vào vách thời gian những dấu ấn đẹp của văn hóa dấn thân vì sự sinh tồn của chính mình với lương tri của một người cầm bút. Để còn thấy tự hào khi nắm tay những người bạn trẻ trên hành trình hướng tới ngày mai. Để khỏi thẹn với chính mình từ lời tim ghi khắc và nhắc nhớ: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Cao Nguyên 
Washington D.C. – 1/4/ 2016

Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần II)

Đinh Từ Thức

(tiếp theo từ phần I)

Francis trong chuyến đi lịch sử

Chính trong chuyến đi Mỹ, được gọi là chuyến đi lịch sử vào cuối tháng 9, 2015, dư luận đã thấy rõ chiều hướng Phúc Âm hoá của Giáo Hoàng Francis, mà theo Ngài, đó là lý do tồn tại của Giáo Hội. Từ những lời phát biểu và cách cư xử của Ngài trong chuyến đi, không phản ảnh hào quang của các Giáo Hoàng trong quá khứ, mà rất gần với tinh thần Phúc Âm, tiêu biểu là thái độ của Ngài đối với trẻ em, với người nghèo, với các nạn nhân, những người tù tội, với những tôn giáo khác, và cả với những người làm chính trị.

h9

Với trẻ em: Theo dõi những cuộc tiếp xúc với dân chúng của Giáo Hoàng Francis, ai cũng thấy, từ khi lên ngôi, tại bất cứ đâu, Ngài cũng rất gần gũi với trẻ em. Trong chuyến thăm nước Mỹ, từ Washington, New York và Philadelphia, ở đâu Ngài cũng ân cần, ôm hôn, xoa đầu hàng chục trẻ em. Điều này, đúng như Phúc Âm kể lại thái độ của Đức Giê Su từ hai ngàn năm trước: “Rồi người ta mang những trẻ nhỏ đến để Người đặt tay lên chúng mà cầu nguyện; và các tông đồ ngăn cản chúng. Nhưng Đức Giê Su nói, hãy để chúng đến với ta, đừng ngăn cấm, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay lên chúng, rồi đi khỏi (Mt19, 13-15; Mc10, 13-16; Lc18, 15-17). Trong một dịp khác, khi các tông đồ thắc mắc về ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Đức Giê Su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, rồi nói: “Ta bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. (Mt18, 1-4; Mc9, 33-37; Lc9, 46-48).

Với người nghèo và tù nhân: Cùng với nếp sống giản dị, Giáo Hoàng Francis đã đặc biệt gần gũi với người nghèo. Điều này cũng theo sát tinh thần Phúc Âm, qua đó, Đức Giê Su dậy rằng bất cứ ai làm điều gì dù nhỏ nhặt để giúp đỡ người nghèo, tù đầy, bệnh tật hay không nơi nương tựa là đã giúp chính Người và đáng được hưởng phúc trên Nước Trời (Mt25, 40).

h10

Sau khi đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội sáng 24 tháng 9, Giáo Hoàng đã từ chối dùng bữa trưa với các nhà lập pháp Mỹ, thay vào đó, Ngài tới nhà ăn miễn phí của một tổ chức từ thiện dành cho người nghèo, đi tới từng bàn, thăm hỏi trò truyện với nhiều người.

Khi xưa, Đức Giê Su tới nhà và ăn uống với những người tội lỗi. Những người đạo đức giả hỏi các môn đệ của Người: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”. Người nghe thấy, bèn trả lời: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” ((Mt9, 10-13; Mc2, 15-17; Lc5, 29-32). Cũng trong tinh thần này, Giáo Hoàng Francis đã tới thăm các tù nhân tại trại giam Curran-Fromhold ở Philadelphia hôm 27 tháng 9. Ngài đã nói với các tù nhân về ý nghĩa việc Đức Giê Su rửa chân cho các tông đồ: “Cuộc đời là một chuyến đi, theo những con đường khác nhau, lối đi khác nhau, để lại dấu vết trên chúng ta. Tất cả chúng ta đều có chút gì đó cần phải gột rửa, thanh tẩy”. Và Ngài nói thêm, “Tôi là người đầu tiên trong số đó”.

Vào Mùa Phục Sinh đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo Hoàng tháng Ba năm 2013, Giáo Hoàng Francis nói về biểu tượng lễ rửa chân theo một ý hướng khác. Ngài nói: Chúa quan trọng nhất và Chúa rửa chân cho người khác, vì ai là người có địa vị cao nhất trong chúng ta phải là người phục vụ những người khác. Rửa chân cho người khác là nói rằng “Tôi là kẻ phục vụ”.

Tuy nhiên, mỗi người phục vụ một cách khác. Giáo Hoàng Benedict XVI cũng rửa chân, nhưng người được rửa chân là các đấng nam nhi, mặc áo giám mục hay linh mục, ngồi trên bệ cao như loại ghế đánh giầy ở nhà ga hay phi trường, rồi Giáo Hoàng đứng mà rửa, như hình sau đây vào tháng 04, 2012.

h11

 (Hình St. Peter’s List: 2012-04-05  • http://spl.link/6epr5)

Trong khi ấy, Giáo Hoàng Francis rửa chân cho các tù nhân, cho di dân, đàn ông và đàn bà, thuộc về những tôn giáo khác nhau, cả người nghèo ăn mặc rách rưới. Ngài không đứng, mà quỳ xuống đất, rửa và hôn chân từng người, cẩn trọng như người giúp việc trung thành phục vụ chủ nhân, như hình dưới đây:

h12

Vào Thứ Năm Tuần Thánh 24 tháng Ba 2016, Giáo Hoàng Francis đã quỳ xuống, rửa và hôn chân tám người nam và bốn người nữ là di dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau: Ba người theo Hồi giáo, ba người theo Thiên Chúa giáo Coptic, một người theo Ấn giáo. Ngài nói: “Chúng ta có văn hoá và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta là anh em, và chúng ta muốn sống trong hoà bình” (Hình AP)

 (Không thể tránh liên tưởng tới Đảng Cộng Sản Việt Nam: Ra đời từ bảy tám chục năm trước, lê lết từ Cải Cách Ruộng Đất ở đồng bằng tới vượt Trường Sơn vô Nam, chân bê bết bùn đất, dính cả máu đồng chí và máu đồng bào, nhưng cương quyết không chịu nhìn nhận chân mình dơ bẩn, cần rửa. Hãy tưởng tượng, một người từ lúc sinh ra đến khi 80 tuổi, chỉ quen đi đất và dép râu mà chưa bao giờ chịu rửa chân. Kỷ lục dể sợ!)

– Có thể nói lời phát biểu đáng ghi nhất của Giáo Hoàng Francis là tại Bảo Tàng Tưởng Niệm 11 tháng Chín (Sept. 11 Memorial Museum) ở New York. Phần chính Đài Tưởng Niệm là hồ nước chảy vào nền toà tháp đôi đã bị phá huỷ ngày 11 tháng 9, 2001, gây thiệt mạng gần ba ngàn người. Mấy đoạn trích dịch lời của Ngài vào sáng 25 tháng 9:

Làn nước chảy này cũng còn là biểu tượng của nước mắt chúng ta, nước mắt tại nơi quá nhiều tàn phá huỷ hoại, quá khứ và hiện tại. Đây là nơi chúng ta chảy nước mắt, chúng ta khóc cho sự bất lực đối diện với bất công, giết hại và sự thất bại của dàn xếp qua đối thoại. Tại đây chúng ta để tang cho sự mất mát sai lầm và vô lý tính mạng của những người vô tội vì không tìm được giải pháp cho sự tôn trọng giá trị tốt đẹp chung. Làn nước chảy này nhắc nhở chúng ta nước mắt của hôm qua, nhưng cũng là tất cả nước mắt còn chảy hôm nay.

 Ít phút trước đây tôi đã gặp một số người là thành viên gia đình của những người cấp cứu đầu tiên đã thiệt mạng. Gặp họ khiến tôi thấy một lần nữa là những hành động phá hoại không bao giờ vô danh, trừu tượng, hay chỉ là vật chất. Chúng luôn có diện mạo, một câu truyện cụ thể, tên tuổi. Qua những thành phần gia đình này, chúng ta nhìn thấy bộ mặt của đau khổ, một sự đau khổ vẫn còn khiến chúng ta xúc động và kêu thấu trời cao. Cùng lúc ấy, những thành viên gia đình này cho chúng ta thấy bộ mặt khác của cuộc tấn công, bộ mặt khác sự tang tóc của họ: Sức mạnh của tình thương và niềm nhớ. Một niềm nhớ không để chúng ta trống vắng và co cụm. Tên của rất nhiều người yêu dấu đã được khắc nơi trước đây là các chân tháp. Chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta có thể sờ được, và chúng ta không bao giờ quên chúng…

 Nơi tử địa này cũng đã trở thành một sinh địa, một nơi đã cứu được nhiều mạng sống, một thánh ca cho khải hoàn của sự sống trên những tiên tri của huỷ hoại và sự chết, cho sự tốt lành trên ma quỷ, cho hoà giải và đoàn kết trên thù hận và chia rẽ.

(Lại không thể tránh liên tưởng tới thác nước mắt khác, khóc cho những người khác, ở nơi khác: Oriana Falaci, nữ ký giả người Ý đã phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào tháng Hai 1969, theo đó, tại trận Điện Biên Phủ, Pháp thiệt hại 12 ngàn binh sĩ, trong khi thiệt hại về phía Việt Minh là 45 ngàn. Tướng Giáp đã nói tới chuyện này như một người ngoài cuộc, hoàn toàn không ưu tư, trắc ẩn. Ông nhận xét: “Mỗi hai phút, có ba trăm ngàn người chết trên trái đất này. Bốn mươi lăm ngàn cho một trận đánh là cái gì? Chết không kể trong chiến tranh”. Nước mắt cũng chảy cho cả người chỉ biết tới con số, không biết tới nước mắt.)

– Nhiều người đã nói về tự do tôn giáo, nhưng được nghe một Giáo Hoàng nói về tự do tôn giáo, là cơ hội đáng chú ý. Trong bài giảng trước các Giám Mục và giáo sĩ tại Vương Cung Thánh Đường Phê Rô Phao Lồ ở Philadelphia trong thánh lễ trưa 26 tháng 9, Giáo Hoàng Francis mở đầu: “Sáng nay tôi đã được biết vài điều về lịch sử của ngôi Thánh Đường đẹp đẽ này: Câu truyện đằng sau những bức tường cao và cửa sổ. Tuy nhiên, tôi muốn nghĩ rằng, lịch sử của Giáo Hội tại thành phố và tiểu bang này thật ra không phải là việc xây cất những bức tường, mà về sự phá đổ chúng. Đó là câu truyện về thế hệ này sang thế hệ khác của những người Công Giáo tận tâm đã đi tới những vùng ngoại vi, và xây dựng những cộng đồng thờ phụng, giáo dục, bác ái và phục vụ cho xã hội lớn hơn”.

Cathedral Basilica of Saints Peter and Paul là nhà thờ hàng đầu ở Phila, được xây cất trong 18 năm theo kiểu mẫu Roma, hoàn tất năm 1864. Giáo Hoàng nói tới những bức tường và cửa sổ cao, vì nhà thờ bắt đầu xây hai năm sau cuộc nổi loạn của người bản địa (Nativist Riots), là những người di dân theo đạo Tin Lành, chống lại những di dân tới sau theo Công Giáo. Vì sợ bị phá, kiến trúc sư đã phải cho người ném đá lên cao, để định vị trí các cửa sổ ở mức cao hơn tầm có thể bị ném. Ý của Giáo Hoàng đã rõ, khi Ngài nghĩ rằng, việc xây những bức tường cao để bảo vệ Giáo Hội không quan trọng bằng việc phá bỏ những bức tường ngăn cách để xây dựng những cơ sở giáo dục, bác ái, phục vụ mọi người trong xã hội.

Sau đó, vào buổi chiều 26 tháng 9, tại Independence Hall, nơi đã khai sinh ra nước Mỹ, Giáo Hoàng Francis nói:

“Tại nơi chốn biểu tượng cho lối sống Mỹ này, tôi muốn cùng các bạn suy nghĩ về quyền tự do tín ngưỡng. Đó là một quyền căn bản định hình cho cách thức chúng ta cư xử với nhau trong xã hội, hay riêng cá nhân với những láng giềng; dẫu cái nhìn về tôn giáo có khác biệt với nhau.

 … Do đó tôn giáo có quyền và có bổn phận phải làm sáng tỏ rằng có thể xây dựng một xã hội đa tôn giáo lành mạnh trong đó các tôn giáo tôn trọng khác biệt và giá trị của nhau, và là một đồng minh quý giá trong sự cam kết bảo vệ phẩm giá con người… và một lối đi đến hoà bình trong thế giới bất ổn của chúng ta”.

So với chủ trương Giáo Hội độc tôn thời Trung Cổ, quan điểm về tự do tôn giáo của Giáo Hoàng Francis đã khác xa.

Thời Trung Cổ, các Giáo Hoàng đã dùng thế quyền để phục vụ thần quyền. Bây giờ, nhà cầm quyền cộng sản làm ngược lại, dùng thần quyền như công cụ để phục vụ thế quyền. Ngày xưa, vua chúa tùng phục Giáo Hội và được Giáo Hoàng tấn phong. Bây giờ, trong hệ thống Đảng và Nhà Nước, từ trung ương tới địa phương, đều có ban tôn giáo, hoạt động bằng ngân sách quốc gia; tôn giáo phải đăng ký và được chấp thuận mới có thể hoạt động hợp pháp. Bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền. Dùng thế quyền phục vụ thần quyền, tuy không hay như lịch sử đã chứng minh, nhưng ít nhất, vẫn có hướng đi lên. Trong khi ấy, dùng thần quyền phục vụ thế quyền, là theo hướng đi xuống, làm hư hỏng những giá trị tinh thần.

– Mặc dầu lần đầu tiên trong lịch sử, một vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo có cơ hội đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ là do lời mời từ Chủ Tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hoà, nhưng thông điệp của Giáo Hoàng Francis không thiên về đảng nào. Ngài kêu gọi cả hai đảng, đôi khi chống nhau kịch liệt về ngân sách, về dùng súng, về phá thai, về hôn nhân đồng tính…cần hợp tác với nhau: “Chúng ta phải cùng nhau tiến tới, như một, trong sự làm mới tinh thần thân hữu và đoàn kết, rộng lượng hợp tác vì lợi ích chung… Những thử thách chúng ta phải đối diện hôm nay gồm có việc làm mới tinh thần hợp tác, điều này đã đạt được rất nhiều tốt đẹp trải qua lịch sử của Hoa Kỳ”.

Giáo Hoàng cũng nhắc nhở các nhà lập pháp Mỹ rằng đất nước này vốn là nơi tập hợp của những di dân, “Nên chúng ta hãy nhớ tới một khuôn vàng thước ngọc. ‘Hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình’” (Mt7, 12). Sau khi trích Phúc Âm, Ngài còn diễn đạt thêm: “Cái thước để ta đo người khác, sẽ là cái thước có lúc sẽ dùng cho chính mình”.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đã lau nước mắt trước lời lẽ của Giáo Hoàng. Có lẽ, ông thấy Ngài nói đúng, nhưng biết mình không thể thực hiện được, nên đã quyết định từ chức trong cùng ngày.

Chính thống và ngụy Giáo Hoàng

Trong hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội Công Giáo La Mã đã có ít nhất 40 ngụy giáo hoàng (antipope). Gọi là “ít nhất”, vì con số này vẫn còn tranh cãi, ví dụ Nguỵ Giáo Hoàng đầu tiên là Hyppolitus (217-235), tuy không được bầu chọn theo đúng thủ tục Giáo luật, nhưng sau vẫn được phong thánh. Ngay cả người lên ngôi đúng theo Giáo luật, như Giáo Hoàng Paul VI năm 1963, cũng bị một nguồn dư luận chống đối gọi là “nguỵ giáo hoàng”, vì Ngài đã thực hiện những thay đổi mà phe bảo thủ không thích. Ví dụ, chưa đầy hai tháng sau khi khai mạc khoá thứ nhì Công Đồng Vatican II, trong một thánh lễ vào tháng 11, 1963 tại Đền Thánh Phê Rô, Ngài đã bỏ triều thiên ba tầng (triregnum) trên bàn thờ chính, như cử chỉ khiêm nhường, từ bỏ biểu tượng quyền bính trên thế quyền, và không bao giờ đội lại triều thiên này nữa. Phe bảo thủ cho rằng triều thiên ba tầng là biểu tượng quyền uy chính thống của Giáo Hoàng từ hàng ngàn năm. Giáo hoàng từ bỏ biểu tượng chính thống, là phi chính thống, là “nguỵ giáo hoàng”.

Từ bỏ triều thiên ba tầng chỉ là việc làm có tính biểu tượng của Giáo Hoàng Paul VI. Thực tế, Ngài đã có những thay đổi quan trọng hơn nhiều, như là giáo hoàng đầu tiên du hành tới khắp châu lục trên thế giới, đối thoại với các tôn giáo khác; tháo gỡ thù hận với Do Thái và thân thiện với những anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa Giáo. Quan trọng hơn cả là những thay đổi trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, như tăng thêm sự quan trọng của giám mục; từ vai trò viên chức cao cấp chỉ hành động theo lệnh Toà Thánh, tới địa vị đại diện địa phương mình tham gia vào việc hoạch định đường lối chung của Giáo Hội; và đổi mới về phụng vụ, “địa phương hoá” về ngôn ngữ, bỏ kiêng thịt ngày Thứ Sáu hàng tuần, cho tín hữu kết hôn với người theo tôn giáo khác…

Nhưng tất cả những thay đổi ngoạn mục của hai đời Giáo Hoàng John XXIII và Paul VI trong 20 năm đều đứng lại trong gần 40 năm dưới hai đời Giáo Hoàng John Paul II và Benedict XVI. Không phải hai Giáo Hoàng trước đã thay đổi đủ rồi, các Giáo Hoàng sau không cần thay đổi thêm nữa, mà vì người sau đã chận lại đà tiến của Giáo Hội.

Gần 40 năm “dậm chân tại chỗ” là khoảng thời gian vô cùng quý báu bị đánh mất, khiến Giáo Hội lâm vào tình trạng lạc hậu, bị hụt hơi trước đà tiến chóng mặt của xã hội. Giáo Hoàng John Paul II là một nhân vật xuất chúng. Về đạo đức, Ngài đã được phong thánh năm 2014. Về chính trị, Ngài đã đóng góp đáng kể vào tiến trình kết liễu Chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng với Giáo Hội, Ngài chỉ giữ nguyên trạng, trong khi Giáo Hội cần thay đổi.

Thay vì mở rộng, thay vì lắng nghe, Giáo Hội vẫn khép kín như thời Trung Cổ, khiến tiếng than của những đứa trẻ và gia đình nạn nhân ấu dâm không thấu tai Giáo Hội, làm cho Giáo Hội mang tiếng bao che tội phạm kinh tởm. Uy tín quá lớn của Giáo Hoàng John Paul II đủ khả năng chặn đứng mọi than phiền hay mầm mống chống đối, nhất là từ hàng giáo sĩ và giáo dân. Đến nỗi, người ta kính sợ Ngài, thế giới lắng nghe mỗi khi Ngài lên tiếng, nhưng chẳng mấy ai làm theo lời Ngài. Thí dụ rõ ràng nhất là lệnh cấm ngừa thai của Toà Thánh. Trước khi thành Giáo Hoàng John Paul II, từ hậu trường, chính Ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lệnh cấm ngừa thai. Chuyện này đã gây khó khăn cho Giáo Hoàng Paul VI từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trái với sự mong đợi của dư luận, qua sứ điệp Humanae Vitae (Về đời sống con người) ngày 24 tháng 7, 1968, Giáo Hoàng Paul VI đã không theo đề nghị của một uỷ ban do Giáo Hoàng tiền nhiệm John XXIII thành lập, Ngài vẫn cấm ngừa thai nhân tạo. Biện pháp này làm hài lòng những người theo khuynh hướng bảo thủ, vì bảo vệ được tính thánh thiện trong sự truyền giống. Nhưng với những người khác, nó chứng tỏ Giáo Hội chỉ khăng khăng giữ vững những nguyên tắc cứng nhắc thiếu thực tế của mình, không cần biết tới nhu cầu và hạnh phúc lứa đôi, cũng như nạn nhân mãn tại những xã hội quá nghèo nàn. Kết quả là giáo dân bất chấp những điều cấm kỵ của Giáo Hội. Bằng chứng là vào thời người Việt tị nạn tới Mỹ, có gia đình Công Giáo đông con được Giáo Xứ bảo trợ, trong món quà cứu trợ đầu tiên, ngoài gạo và nước mắm, còn cả “bao cao su”.

Ngay từ khi còn trẻ ở tuổi 40, Giám Mục Karol Wojtyla (sau là Giáo Hoàng John Paul II) đã viết một cuốn sách về “Tình yêu và Trách nhiệm” (Love & Responsibility), qua đó, Ngài khẳng định tình yêu đích thực phải nhằm mục tiêu sáng tạo, là tạo ra đứa con. Yêu đương chỉ để thoả mãn thôi thúc của dục vọng là không phải tình yêu đích thực. Ngừa thai nhân tạo là hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, là biến phụ nữ thành phương tiện để thoả mãn đòi hỏi của nam giới. Tuy công nhận Ngài là một người cực kỳ khôn ngoan lanh lợi mới có thể làm Hồng Y dưới chế độ Cộng Sản Ba Lan, nhưng một người bạn phái nữ chí thân của ngài, Tiến sĩ Giáo Sư triết Anna-Teresa Tymieniecka nhận xét Ngài là một người rất ngây thơ về phương diện tình dục, cả trong cách cư xử cũng như trong nội dung cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Theo Carl Bernstein và Marco Politi ghi lại trong cuốn “His Holiness” (trang 135), Tiến sĩ Tymieniecka nhận xét rằng “Tôi thật ngạc nhiên khi đọc cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Tôi nghĩ rõ ràng là ngài không biết ngài đang nói về cái gì. Làm thế nào ngài có thể viết những chuyện như thế? Câu trả lời là ngài không có kinh nghiệm về chuyện ấy”. Không cần biết rõ về tình dục để được phong thánh, nhưng ở cương vị Giáo Hoàng, có thể ban hành chỉ thị hướng dẫn hay cấm cản những việc liên hệ tới tình dục, mà không biết rõ về lãnh vực này, là điều vô cùng hệ trọng, vì có liên hệ tới hạnh phúc hay đau khổ của hàng tỉ người. Một điều hầu như Ngài không biết, nhưng có lẽ ai cũng biết: Nam giới mua “bao cao su” cho mình, nhưng khách hàng mua những viên thuốc mầu hồng, một phát minh kỳ diệu vào giữa thế kỷ 20, là nữ giới. Theo Thánh Kinh, cơ thể họ cũng do Chúa tạo ra, như nam giới. Nếu Chúa đã cho nam giới được có chút thú vui trong sứ mạng truyền gống, tất nhiên, Chúa cũng không hẹp hòi chuyện này với nữ giới. Chẳng lẽ Chúa chỉ tạo ra người nữ như cái máy đẻ?

h13

Thánh Giáo Hoàng John Paul II và người bạn phái nữ của Ngài, TS Anna-Teresa Tymieniecka. (Hình Bill & Jadwiga Smith, New York Times 16/02/2016)

Khói Satan trong Đền Thánh

Sự khó khăn trong giai đoạn chuyển mùa của Giáo Hội không phải bây giờ mới lộ diện. Chính Giáo Hoàng Paul VI đã thấy từ trên 40 năm trước.

Qua bài giảng quan trọng vào ngày 29 tháng 6 năm 1972, nhân lễ kính các thánh Phê Rô và Phao Lồ, cũng là kỷ niệm chín năm lên ngôi và bắt đầu năm thứ mười triều đại của mình, trước những người hiện diện gồm Chức sắc Toà Thánh, trên ba chục vị trong Hồng Y Đoàn và nhiều đại diện ngoại giao từ các nước trên thế giới, Giáo Hoàng Paul VI nói về tình trạng đáng lo ngại của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II. Không có nguyên văn toàn thể bài giảng của Ngài. Theo bản ghi lại nội dung bài giảng này do văn phòng Toà Thánh công bố, có những chỗ đáng chú ý như sau:

Nói về tình hình Giáo Hội hôm nay, Đức Thánh Cha xác nhận ngài đã cảm thấy rằng “từ một vài chỗ nứt, khói của Satan đã lọt vào đền thờ Chúa”. Có sự nghi ngờ, lưỡng lự, mơ hồ, băn khoăn, bất mãn, đương đầu. Đã không còn sự tin tưởng vào Giáo Hội; họ tin tưởng vào nhà tiên tri trần tục đầu tiên phát biểu trên vài tờ báo hay vài phong trào xã hội, và họ chạy theo anh ta và hỏi xem anh ta có cách thức nào cho cuộc sống thực sự. Và chúng ta không tỉnh táo trước sự kiện rằng chúng ta đã có và biết cách làm gì cho cuộc sống thực sự. Nghi ngờ đã đột nhập lương tâm của chúng ta, và nó đã vào qua cửa sổ đáng lẽ mở ra cho ánh sáng. Khoa học tồn tại để cho chúng ta những sự thật không phải để tách khỏi Thiên Chúa, nhưng để chúng ta tìm kiếm người nhiều hơn và ca ngợi người mãnh liệt hơn; thay vào đó, khoa học cho chúng ta chỉ trích và nghi ngờ. Khoa học gia là những người suy tư nhiều hơn và cực khổ nhiều trong việc sử dụng trí óc của họ. Nhưng cuối cùng họ dậy chúng ta: “Tôi không biết, chúng tôi không biết, chúng tôi không thể biết”. Trường học trở thành vận động trường của sự hỗn tạp và nhiều khi của sự mâu thuẫn vô lý. Tiến bộ được ca ngợi, rồi chỉ để phá đi bằng những cuộc cách mạng cấp tiến hơn và lạ lùng hơn, cũng như phủ nhận tất cả những gì đã được hoàn thành và bỏ đi như thuở ban sơ sau khi đã đề cao những tiến bộ của thế giới tân tiến.

Tình trạng bất ổn này gây lay chuyển ngay cả trong Giáo Hội. Chúng ta đã tưởng rằng sau Công Đồng sẽ là một ngày tràn ngập ánh sáng trong lịch sử Giáo Hội. Nhưng thay vào đó đã là sự xuất hiện của một ngày mây mù, bão táp, tăm tối, tìm kiếm, bất định. Chúng ta rao giảng toàn cầu nhưng chúng ta luôn luôn tự tách biệt chúng ta với người khác. Chúng ta tìm cách đào vực sâu thay vì lấp đầy chúng (1)

h14

 Giáo Hoàng Paul VI trước khi từ bỏ đi kiệu và đội mũ ba tầng

 Thật lạ lùng, một người có đầu óc tiến bộ, và từng dấn thân theo chiều hướng thay đổi của vị tiền nhiệm là John XXIII như Giáo Hoàng Paul VI đã tỏ ra thiếu bình tĩnh trước những phản ứng không thuận lợi phát sinh từ sự thay đổi. Lạ lùng nữa, Giáo Hội Công Giáo là sức mạnh chống Cộng hàng đầu, nhưng về phương diện đối phó với những nguồn dư luận chống đối, nhà lãnh đạo Giáo Hội và lãnh đạo Đảng có thái độ giống nhau. Giáo Hội cho là bị ma quỷ (Satan) quấy phá, trong khi Đảng đổ tội cho “thế lực thù địch”.

Dù bị đặt tên khác nhau, dù bị coi là “khói Satan” hay “lực phản động”, chống đối thật ra chỉ phát sinh từ những cọ sát là lực đẩy cần thiết để tiến bộ. Và cũng lạ khi một nhà thông thái như Giáo Hoàng Paul VI, vào hậu bán thế kỷ 20 mà vẫn còn tầm nhìn hẹp hòi về vai trò của khoa học. Đúng ra, khoa học đã phục vụ nhiều cho tôn giáo. Từ chỗ Lời Chúa đến với con người qua một bụi gai bên lề đường, hay từ một đám mây, khoa học đã có thể đưa Lời Chúa tức thì đến với mọi người tại khắp nơi trên thế giới chỉ bằng một cái nhấn chuột. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giê Su sai tông đồ đi mượn tạm một con lừa của nông dân làm phương tiện di chuyển tiến vào thành Jerusalem, giữa thập niên 60 thế kỷ trước, Giáo Hoàng Paul VI cưỡi máy bay tới nói chuyện với các nhà lãnh đạo khăp thế giới tại Liên Hiệp Quốc. Đó là sự phục vụ cụ thể của khoa học cho Giáo Hội. Còn việc củng cố đức tin, là nhiệm vụ của các nhà truyền giáo, không phải của các nhà khoa học. Nếu có những khám phá khoa học khiến đức tin bị lung lay, như chứng minh được trái đất quay quanh mặt trời, thay vì ngược lại, đó không phải lỗi của khoa học.

Hơn nữa, đời sống tinh thần của con người cũng thay đổi. Khi còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, dễ tin vào chuyện thần tiên, như Ông Già Noel chui lò sưởi mang đồ chơi tới vào dịp Giáng Sinh, con cò bay qua nhà để rơi cái bọc có em bé trước cửa… Nhưng một thiếu niên tới tuổi lái xe viết thư cho Ông Già Noel xin một cái xe, hay một thiếu nữ 17 tuổi tối tối quỳ gối cầu xin thần tiên sai khiến con cò mang tới cho một em bé để bế, đó không phải là chuyện bình thường, mà là dấu hiệu đáng lo, có vấn đề.

Hình ảnh nổi bật xưa nay diễn tả mối tương quan giữa tín hữu và người lãnh đạo là đàn cừu với người chăn cừu. Thay vì nhìn mối tương quan này đề định rõ trách nhiệm của người chăn cừu, lại thường được hiểu như tín hữu có bổn phận tuân phục người chăn như một đàn cừu. Phúc Âm dậy rằng, mọi việc dù nhỏ như cái tóc trên đầu, cũng đều do Chúa định. Nếu chỉ muốn có loài cừu, hà tất Chúa mất công tạo ra loài người và cho nó bộ óc thông minh hơn loài cừu. Chúa ban cho bộ óc người, mà chỉ xử dụng nó như bộ óc cừu, là làm hư một công trình sáng tạo của Chúa. Vận hành nó đúng theo khả năng Chúa đã tạo ra, chẳng lẽ là do quỷ Satan xui khiến?

Sức nặng của Thánh Giá

Những gì tồn đọng trong thời kỳ dậm chân tại chỗ bây giờ là sức nặng của Thánh Giá do Giáo Hoàng Francis gánh vác. Liệu Ngài có đủ sức, và còn đủ thời gian? Chỉ có Thiên Chúa biết rõ.

Điều người thường có thể thấy được là về mặt nổi, Ngài được dư luận khắp nơi ca tụng. Nhưng bên trong, Ngài đang, và sẽ còn bị chống đối từ nhiều phía, cả tả lẫn hữu. Phe hữu cho rằng Ngài theo chủ trương quá cấp tiến, từ bỏ hết những truyền thống và giá trị cao đẹp của Giáo Hội gìn giữ từ hàng ngàn năm. Có người đã gọi Ngài là “Nguỵ Giáo Hoàng”, hoặc “Giáo Hoàng Cộng Sản”, vì Ngài chỉ trích sự bất công của nền kinh tế tư bản, và bênh vực người nghèo. Trong khi ấy, phe tả cho rằng Ngài vẫn còn quá bảo thủ, vẫn chưa dám mạnh tay làm những thay đổi cần phải có. Cấm phá thai, có thể hiểu được, vì giết một bào thai, cũng như giết một mạng người. Cấm linh mục lấy vợ, cũng có thể hiểu được. Bốn tông đồ đầu tiên đã bỏ gia đình đi theo Chúa, nếu cho linh mục lập gia đình, chẳng hoá ra đi ngược lại chủ trương ban đầu của người lập ra Giáo Hội. Hơn nữa, nhiệm vụ người cha trong gia đình và cha linh hồn quan trọng ngang nhau, một sứ mạng cần toàn thời gian phục vụ. Một người kiêm hai việc, sẽ không đầy đủ bổn phận đối với cả hai; chỉ có thể phục vụ bán thời gian cho một nhiệm vụ cần toàn thời gian.

Nhưng, bây giờ còn cấm ngừa thai, không thể hiểu được. Ngoài ra, nữ nhà báo nổi tiếng từng được giải Pulitzer của New York Times là Maureen Dowd viết rằng Francis là Giáo Hoàng hoàn hảo cho Thế Kỷ 19, vì khi được hỏi về vấn đề phụ nữ làm linh mục, Ngài nói “Giáo Hội đã lên tiếng về chuyện này và nói không”, và thêm “Cánh cửa này đã đóng rồi”. Cùng với những vấn đề nổi cộm như cấm ngừa thai và không cho phụ nữ làm linh mục, cấm ly dị cũng là một vấn đề gai góc.

Thật ra, con đường Giáo Hoàng Francis theo đuổi còn cũ hơn Thế Kỷ 19 ít nhất 1500 năm, là con đường do Phúc Âm chỉ dẫn. Bởi vì, từ Thế Kỷ thứ Bốn, Giáo Hội không còn theo sát Phúc Âm nữa. Hoàng Đế Constantine, sau khi nhập đạo, đã trộn lẫn thế quyền với thần quyền, trong khi theo Phúc Âm, trả lời câu hỏi của Tổng Trấn Phi-la-tô về việc làm của mình, Đức Giê Su nói rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga18, 36). Nếu Nước của Đức Giê Su là Nước Trời, “không thuộc chốn này”, tại sao Giáo Hội của Người can thiệp quá sâu đậm vào sinh hoạt trần thế của loài người, từ khi thụ thai đến khi nằm sâu dưới lòng đất? Ở một chỗ khác trong Phúc Âm, Đức Giê Su nói rằng “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc20, 34-35). Như vậy, rõ ràng trên Nước Trời không có chuyện hôn nhân, vợ chồng. Đó là chuyện của cõi thế, do luật pháp thế gian quy định. Giáo Hội áp đặt thêm luật lệ nghiêm ngặt về hôn nhân, về thụ thai, về sự chết… Phải chăng là một sự lạm dụng quyền bính, trái tinh thần Phúc Âm? Nếu chỉ lo những gì có liên hệ tới “Nước Trời”, còn những gì thuộc về xã hội trần thế như kết hôn, sinh con… hãy để cho cõi thế lo, Giáo Hội sẽ nhẹ gánh hơn nhiều, và cuộc sống con người cũng thảnh thơi hơn.

***

Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu chuyển mùa từ năm 1958 khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi, và cuộc chuyển đổi đã gặp khó khăn ngay từ thời Giáo Hoàng Paul VI, vào thập niên 60-70. Trước những chống đối, chính Ngài đã nói tới chuyện từ chức, nhưng do bản tính thiếu dứt khoát, Ngài đã ở lại đến khi từ trần. Giáo Hoàng Benedict XVI, không nói trước chuyện từ chức, nhưng khi gặp chống đối ngay trong giới thân cận, Ngài đã bất ngờ từ chức, khi tự biết mình không thể vượt qua được những khó khăn. Trong dịp kỷ niệm hai năm nhậm chức vào Mùa Xuân 2015, đương kim Giáo Hoàng Francis cũng đã nói tới chuyện từ chức, mặc dầu Ngài tỏ ra là một người can đảm. Nhưng can đảm chỉ giúp vượt qua sợ hãi. Chưa nghe nói có ai kéo dài được tuổi thọ nhờ can đảm. Tháng 12, 2015, Ngài đã ở tuổi 79. Cuối năm 2016, Ngài sẽ vượt qua tuổi có thể bầu giáo hoàng. Không còn khả năng bầu giáo hoàng mà vẫn làm giáo hoàng, liệu Ngài có đủ sức vượt qua những khó khăn để hoàn tất cuộc chuyển mùa của Giáo Hội? Trong những ngày tháng còn lại, liệu Ngài có chọn đủ một Hồng Y Đoàn chắc chắn sẽ bầu ra vị Giáo Hoàng kế tiếp sẽ theo bước đi của Ngài? Hay một lần nữa lại trải qua một thời kỳ “gió chướng” hoặc dậm chân tại chỗ?

Qua diễn từ đọc trước các giám mục tham dự Đại hội Thế giới về Gia đình (World Meeting of Families) nhân chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín 2015, Giáo Hoàng Francis nói: “Tín hữu Thiên Chúa Giáo không được miễn trừ trước các thay đổi trong thời đại của mình. Cho dẫu thế giới thực thể này có vô vàn những vấn nạn và tiềm năng, nó vẫn chính là nơi chúng ta đang phải sống, phải giữ niềm tin và tuyên xưng đức tin” (2). Không được miễn trừ trước các thay đổi của thời đại, nghĩa là Giáo Hội cũng phải thay đổi cho hợp thời. Không thay đổi kịp, sẽ lâm vào tình trạng lạc hậu, trước khi bị đào thải.

Đinh Từ Thức

—————

1- http://www.catholicstand.com/109/

2-  “Christians are not immune to the changes of their times,” Francis said. “This concrete world, with all its many problems and possibilities, is where we must live, believe, and proclaim.”

Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần I)

Đinh Từ Thức

h1
Giáo Hoàng Francis, hình vẽ trên tường (graffiti image) tại Saint-Romain-au-Mont-d’Or, France.
h2

Chuyến thăm nước Mỹ của Giáo Hoàng Francis vào cuối tháng 9, 2015, đã được coi là chuyến đi lịch sử. Tuy lãnh đạo hơn một tỉ giáo dân, còn kém số dân Tầu dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi của nhà lãnh đạo thần quyền đã che lấp chuyến đi của nhà lãnh đạo thế quyền, cùng đến Mỹ trong một tuần. Truyền thông Mỹ và thế giới đã bình luận sôi nổi, loan tin và theo dõi sát từng bước đi, từng cử chỉ và lời nói của Giáo Hoàng. Người ta đã gọi Ngài là Giáo Hoàng Nhân Dân, Giáo Hoàng Cách Mạng, Giáo Hoàng Cấp Tiến, thậm chí, có người còn chụp cho Ngài cái mũ là Giáo Hoàng Cộng Sản.

Thật ra, nếu theo dõi kỹ, sẽ thấy Giáo Hoàng Francis không phù hợp với bất cứ nhãn hiệu nào vừa kể. Ngài là Giáo Hoàng trở về nguồn, “phúc âm hoá” (evangelization). Ngài là vị Giáo Hoàng Thứ Sáu vào thời kỳ Giáo Hội đang chuyển mùa. Chuyển từ thời đại xa rời Phúc Âm, trở lại con đường Phúc Âm.

Những ai sống ở miền ôn đới, khí hậu mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, đều thấy vào thời gian từ mùa nọ sang mùa kia, gọi là chuyển mùa, nhiệt độ trồi sụt bất thường. Ví dụ từ Hạ sang Thu năm 2015, ngày chính thức đổi mùa là 23 tháng 9, nhưng không phải chỉ qua một đêm, cái nóng nực mùa Hạ bỗng chuyển qua mát mẻ của mùa Thu. Kinh nghiệm cho thấy, nhiệt độ thường thay đổi từ từ, mát dần, có khi đột biến nóng trở lại trong vài ngày, rồi lại mát, lên xuống nhiều lần, trước khi ổn định. Thời gian chuyển mùa này thường kéo dài nhiều ngày, có khi vài ba tuần.

Một năm có bốn mùa, mỗi mùa dài ba tháng, nếu chuyển mùa trung bình lâu ba tuần, là thời gian chuyển mùa chiếm khoảng 25 phần trăm thời gian toàn mùa. Giáo Hội Công Giáo đã tồn tại hai ngàn năm, thời gian mỗi mùa không bằng nhau, mỗi lần chuyển mùa ắt phải kéo dài trong nhiều thập kỷ, hay hàng thế kỷ. Nếu mùa Xuân của Giáo Hội xây dựng trên Phúc Âm là lời dậy của Đức Giê Su vào Thế Kỷ thứ 1, mùa Hạ từ thời Constanstine ở Thế Kỷ thứ 4 mở Nước Chúa bằng binh đao, mùa Thu từ Thế Kỷ 19 thoả hiệp với thế quyền để sống còn, thì Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển từ Thu sang Đông, bắt đầu từ khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi vào tháng 10, 1958.

Từ John XXIII tới Benedict XVI

Sau mấy thế kỷ bị bách hại ban đầu, tiếp theo là nhiều thế kỷ Giáo Hội phát triển và tự bảo vệ bằng binh đao và toà án, quyền bính bao trùm cả thần và thế quyền, từ cuối thế kỷ 18 Giáo Hội bắt đầu gặp khó khăn từ các phong trào giải phóng, thế quyền nổi dậy ngay từ các vùng vốn là con cưng của Giáo Hội như Pháp và Ý, khiến lãnh thổ và quyền bính của Giáo Hội bị thu hẹp dần. Tuy số tín hữu thần phục Giáo Hội trên thế giới vẫn tăng, đạt con số hàng tỉ người vào cuối Thiên niên kỷ thứ Hai, nhưng sau Đại chiến thứ Nhất vào đầu thế kỷ 20, lãnh thổ mênh mông dưới quyền của Giáo Hoàng (Papal states) trước kia chỉ còn lại một khu rộng chưa tới một nửa cây số vuông, với “dân số” chưa tới một ngàn người, hầu hết thuộc nam giới, là Vatican City ngày nay.

Trước những điều kiện thực tế thay đổi khiến Giáo Hội phải thay đổi. Giáo Hoàng John XXIII kế vị Giáo Hoàng Pius XII vào tháng 10, 1958. Lên ngôi ở tuổi 77, dư luận không trông đợi tân Giáo Hoàng có những thay đổi lớn, nhưng chính Ngài đã mở đầu giai đoạn chuyển mùa bằng nhiều quyết định quan trọng. Tuy bề ngoài, Ngài vẫn giữ những hình thức cũ, vẫn đội vương miện ba tầng (triregnum) và đi kiệu (Sedia Gestatoria) vào ngày lễ đăng quang, mặc lễ phục rực rỡ như các Giáo Hoàng từ hàng nghìn năm trước. Nhưng sau khi lên ngôi, Ngài đã có nhiều thay đổi táo bạo, đáng kể hàng đầu là việc triệu tập Công Đồng Vatican II vào tháng 10, 1962. Tuy thời gian trị vì của Ngài chỉ có 5 năm, Công Đồng Vatican II chưa kết thúc, nhưng nhờ người kế vị Ngài vào năm 1963 là Giáo Hoàng Paul VI, thay vì những dự án riêng, đã tiếp tục hoàn tất công việc của người đi trước.

h3
Giáo Hoàng John XXIII được phong thánh cùng với Giáo Hoàng John Paul II vào tháng 4/2014

Với thời gian trị vì lâu gấp ba lần người tiền nhiệm, Giáo Hoàng Paul VI, mặc dầu trước nhiều chống đối ngay trong nội bộ Giáo Hội từ những người không muốn thay đổi, đã can đảm làm nốt những gì Giáo Hoàng John XXIII đã khởi sự. Ngoài ra, Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, đã mở những cuộc du hành xa tới 6 lục địa, tới Thánh Địa và Ấn Độ vào năm 1964, tới Liên Hiệp Quốc vào năm 1965, đồng thời, mở đối thoại với Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Phương Đông, và Anh Giáo. Về hình thức, Ngài vẫn giữ lễ đăng quang, đi kiệu và đội mũ ba tầng, nhưng chỉ một thời gian sau, qua cử chỉ bầy tỏ sự khiêm nhường để phù hợp với tinh thần thay đổi của Công đồng Vatican II, Ngài đã chính thức từ bỏ việc đội mũ ba tầng, mang ý nghĩa “cha của các hoàng tử và hoàng đế; người cai trị thế giới; và đại diện Chúa Giê Su dưới thế” (patrem principum et regum, rectorem orbis in terra vicarium Salvatoris nostri Jesu Christi).

Hồng Y Albino Luciani, tuy ít được biết tới ngoài nước Ý, nhưng Ngài đắc cử ngay vòng bỏ phiếu thứ ba vào ngày đầu mật nghị bầu người kế vị Giáo Hoàng Paul VI vào tháng 8, 1978. Ngài đột ngột từ trần vào cuối tháng 9, ở ngôi vị Giáo Hoàng có 33 ngày, chưa làm được điều gì cụ thể. Tuy nhiên, là người đầu tiên chọn danh hiệu Giáo Hoàng gồm tên của hai vị tiền nhiệm ghép lại, John Paul I, điều này chứng tỏ Ngài muốn tiếp tục công cuộc thay đổi của hai vị đi trước. Ngài cũng bỏ lễ đăng quang theo truyền thống, thay bằng lễ nhậm chức giản dị hơn.

Một trong những thay đổi có ảnh hưởng nhiều sau này của Giáo Hoàng Paul VI là vào năm 1970, Ngài định tuổi hưu trí của linh mục và giám mục là 75, và đến tuổi 80, Hồng Y không còn tham dự vào công việc của giáo triều nữa. Khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, tổng số Hồng Y chỉ có 80, nhưng đến năm 1976, Hồng y đoàn lên tới 138, gồm nhiều người được chọn từ thế giới thứ ba, khiến số Hồng Y người Ý chỉ còn là thiểu số. Tuy vậy, Giáo Hoàng John Paul I được bầu mau lẹ, vì ngài từng là một trong hai Hồng Y được cố Giáo Hoàng Paul VI đặc biệt chú ý như những người sẽ kế vị Ngài. Người kia là Hồng Y trẻ Wojtyla, người Ba Lan, mới nổi nhờ những đóng góp cho Công Đồng Vatican II.

Ở mật nghị bầu giáo hoàng vào tháng 10, 1978, sau vài vòng phiếu đầu, vài ba Hồng Y người Ý nổi bật đã chia phiếu, không ai có hy vọng chiếm đủ đa số đắc cử. Trong khi ấy, Hồng Y trẻ người Ba Lan, Karol Wojtyla 58 tuổi, như ngôi sao đang lên, đã mau chóng được các Hồng Y cử tri không phải người Ý dồn phiếu cho, đắc cử ở vòng bầu thứ tám, với tỷ lệ tuyệt đối 103 trên 109 phiếu (có tài liệu ghi là 99 trên 108 phiếu), nối tiếp danh hiệu của vị tiền nhiệm đoản mệnh: John Paul II.

h4

Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1991 – Hình L’Osservatore Romano

Là Giáo Hoàng đầu tiên ngoài nước Ý từ trên 400 năm, và cũng là Giáo Hoàng đầu tiên từ một nước cộng sản, ưu tiên của tân Giáo Hoàng là giải thoát Giáo Hội khỏi sự bức hại của cộng sản vô thần, đồng thời cũng góp phần giải phóng quê hương mình. Tuy còn trẻ, Ngài theo khuynh hướng bảo thủ; sống dưới chế động Cộng Sản, bị tấn công liên tục, bám vào những giá trị cổ truyền để bảo vệ Giáo Hội, đó là chọn lựa tự nhiên. Hơn nữa, xuất thân từ Ba Lan và với những kinh nghiệm sống từ Ba Lan, có lẽ, đối với Ngài, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cũng giống như một phóng ảnh của Giáo Hội Ba Lan. Do đó, trong suốt hơn 26 năm trị vì, Giáo Hoàng John Paul II lo củng cố, hơn là thay đổi Giáo Hội. Về hình thức, Ngài cũng theo đường lối giản dị của vị tiền nhiệm, bỏ lễ đăng quang rườm rà, tất nhiên cũng bỏ luôn việc đội vương miện ba tầng và đi kiệu. Nhưng về nội dung, Ngài vẫn theo đường lối bảo thủ. Trong khi Ngài bôn ba, du hành khắp các lục địa trên thế giới, công việc giữ gìn kỷ cương của Giáo Hội được trao cho Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger, một nhà thông thái về thần học và giáo sử có khuynh hướng bảo thủ giống ngài, đứng đầu Thánh bộ Giáo lý và Đức tin.

Trong gần ba thập niên thời đại John Paul II, Giáo Hội chẳng những không có thay đổi quan trọng nào có thể sánh với thời John XXIII và Paul VI, mà còn có chiều hướng muốn sửa lại những thay đổi từ Công Đồng Vatican II.

Sau thời gian đứng đầu Giáo Hội lâu gần đạt kỷ lục, và những thành quả vang dội liên hệ tới chính trị và ngoại giao thế giới của Giáo Hoàng John Paul II, không ai nổi bật là người có thể kế vị Ngài bằng chính cánh tay mặt của Ngài trong gần một phần tư thế kỷ, là Hồng Y Ratzinger. Tuy đã 78 tuổi, vị Hồng Y bảo thủ này đã được bầu làm Giáo Hoàng, với danh hiệu Benedict XVI, ở vòng phiếu thứ 5, mật nghị 2005. Tuy Giáo Hoàng là người ngoài nước Ý, nhưng cũng như vị tiền nhiệm, vẫn là người châu Âu.

Thoát khỏi bóng cả của Giáo Hoàng tiền nhiệm, tân Giáo Hoàng có toàn quyền theo đường lối bảo thủ của mình. Về hình thức, tuy Ngài cũng bỏ lễ đăng quang, không đội vương miện ba tầng do Công giáo Đức tặng, nhưng ngay từ đầu, Ngài đã chọn y phục, từ mũ áo đến giầy, chỉ dành riêng cho Giáo Hoàng từ hàng chục thế kỷ trước. Ngài làm sống lại nhiều trang phục rực rỡ từ lâu vắng bóng, đến nỗi tạp chí Esquire đã tặng Ngài danh hiệu “Accessorizer of the year” năm 2007. Trong khi ấy, dưới triều đại của Ngài, có những dấu hiệu chuẩn bị phục hồi những thay đổi sau Công Đồng Vatican II. Ví dụ, về phụng vụ, khuyến khích việc cử hành trở lại thánh lễ bằng tiếng Latin.

Cũng như với thiên nhiên, nếu có những người dị ứng với khí hậu chuyển mùa, thì cũng có nhiều người muốn thời gian thay đổi sớm hoàn tất để dễ thở hơn. Nếu uy tín lớn của Giáo Hoàng John Paul II có thể chặn được những chống đối công khai hay ngấm ngầm thì người kế vị là Giáo Hoàng Benedict không có may mắn này. Những thay đổi cần thiết được mong đợi, chẳng những không sẩy ra, còn có cơ nguy bị lật ngược. Sự chia rẽ đã thành hình, ngay trong nội bộ giáo triều, bao gồm cả âm mưu chống đối. Cụ thể là những tin tức thuộc loại thâm cung bí sử được tiết lộ cho báo chí bên ngoài, kể cả vụ trộm tài liệu mật ngay từ văn phòng Giáo Hoàng. Cảm thấy không thể tiếp tục sứ mạng cao cả, Giáo Hoàng Benedict XVI đã bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 11 tháng 2, 2013, một việc chưa hề diễn ra trong hơn 800 năm, từ thời Giáo Hoàng Celestine V, từ nhiệm ngày 13 tháng 12, 1294.

h5-6

          Giáo Hoàng từ nhiệm Benedict XVI…..  và Giáo Hoàng kế nhiệm Francis

Francis, mục tử khó nghèo

“Từ khi Ngài bước vào ban công sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, sự việc đã khác. Mặc chiếc áo trắng giản dị, Ngài yêu cầu những người hành hương cầu nguyện cho mình và tự tới khách sạn trả tiền phòng. Sự khiêm nhường và thân thiện của Giáo Hoàng Francis đã chiếm được trái tim của hàng triệu người”. Đó là nhận xét của bà Meghan J. Clark, một học giả và tác giả viết về Đức Giáo Hoàng Francis trên New York Times, trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Ngài.

Thật ra, không phải chỉ có thế, và không cần đợi tới khi Ngài bước lên ban công ra mắt và ban phép lành đầu tiên theo truyền thống, người ta mới thấy sự khác biệt giữa vị Giáo Hoàng mới và các bậc tiền nhiệm. Sự khác biệt đã diễn ra ngay trong mật nghị (conclave) ở nhà nguyện Sistine, nơi 115 Hồng Y họp mật bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 12 tháng 3, 2013, và kết thúc vào hôm sau.

Bắt đầu mật nghị, các Hồng Y phải đặt tay vào Kinh Thánh thề không được tiết lộ bí mật, nhưng có một cặp vợ chồng ký giả, Elisabetta Piqué và chồng là Gerry, nhờ làm việc lâu năm tại Roma, và quen biết hầu hết các Hồng Y, đã biết được nhiều chuyện mật trong mật nghị. Elisabetta là ký giả duy nhất trên thế giới đã viết trên báo La Nación ở Buenos Aires vào hôm trước ngày mật nghị kết thúc là Jorge Bergoglio, một Hồng Y người Argentina gốc Ý dư luận ít biết tới, có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Cuốn tiểu sử Life and revolution FRANCIS của Elisabetta Piqué cho biết rõ về cuộc đời và hướng đi của Giáo Hoàng.

Trước mật nghị 2013, không có ai nổi bật như Hồng Y Ratzinger năm 2005. Bầu cử Giáo Hoàng không có ứng cử, không có vận động tranh cử. Trên lý thuyết, cử tri bầu chọn theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, sau buổi lễ cầu nguyện chung mấy ngày trước khi mật nghị khai mạc, các Hồng Y cũng có ít phút trình bầy quan điểm của mình. Ngày 7 tháng 3, năm ngày trước mật nghị, chỉ trong hơn ba phút, Tổng Giám Mục Buenos Aires đã được nhiều bạn đồng liêu, cả bảo thủ và cấp tiến, chú ý và khen ngợi về quan điểm rõ ràng của mình đối với tương lai Giáo Hội. Elisabetta ghi lại lời kể của Hồng Y nổi tiếng người Cuba là Jaime Ortega, rằng: Hồng Y Jorge Bergoglio đã nói về phúc âm hoá, là lý do tồn tại của Giáo Hội. Theo Ngài, Giáo Hội phải tự lột xác, ra khỏi vỏ bọc của mình để đến với tầng lớp ngoại vi, những người thuộc thành phần tội lỗi, đau khổ, chịu bất công, thiếu hiểu biết, thiếu đức tin, nghèo khó dưới mọi hình thức. Ngài chỉ trích một Giáo Hội chỉ biết có mình, tự ái, làm nẩy sinh những tư tưởng thế tục xấu xa và sống để ca tụng lẫn nhau. Theo Ngài, “Có hai hình ảnh của Giáo Hội: Giáo Hội phúc âm hoá, tự ra khỏi mình, Giáo Hội của lời Chúa, trung thành nghe và rao giảng lời Chúa; và Giáo Hội thế tục, sống cho mình, bởi mình và vì mình. Nhận thức này nên soi sáng cho những thay đổi và cải tổ để hoàn thành việc cứu rỗi các linh hồn”.

Cần 77 trên 115 phiếu để đắc cử. Tại vòng bỏ phiếu thứ sáu – cũng có thể gọi là thứ năm, vì vòng thứ năm bị huỷ, do một phiếu không hợp lệ — Hồng Y Bergoglio được gần 90 phiếu, trở thành Giáo Hoàng thứ 266, nối ngôi Thánh Phê Rô.

Khác với các Giáo Hoàng trước, phần đông chọn danh hiệu là tên các vị tiền nhiệm danh tiếng, như Pius, Paul, John, Benedict… , tân Giáo Hoàng khiến nhiều người ngạc nhiên khi Ngài chọn Francis. Khởi đầu, người ta tưởng Ngài chọn Francis Xavier, là nhà truyền giáo nổi tiếng, đồng sáng lập Dòng Jesuit, là dòng tu của Ngài. Nhưng Ngài chọn Francis của vùng Assisi, một vị thánh người Ý con nhà giầu, bỏ hết của cải, chỉ trích sự giầu có, chuyên giúp người nghèo, hoà mình với thiên nhiên, làm bạn với chim muông, cầm thú; yêu sự nghèo hèn đến nỗi mong được chết không một mảnh vải che thân, để giống với hình ảnh Chúa trên thập giá.

Hình ảnh tương phản giữa hai Giáo Hội đã thể hiện qua bề ngoài của hai người ngay sau khi vừa được chọn làm chủ chăn: Benedict XVI mặc bộ phẩm phục vương giả, rực rỡ, dành cho Giáo Hoàng theo truyền thống từ hàng ngàn năm trước; ngay cả những bộ phận không còn dùng nữa hay đã cải tiến giản dị từ thời Giáo Hoàng Paul VI, như áo khoác ngắn đến khửu tay bằng nhung đỏ viền lông chồn trắng (mozzetta), dải biểu tượng quyền bính (pallium) to bản và dài đến chân theo mẫu từ thế kỷ 11, đôi giầy đặc biệt bằng da đỏ…Ngược lại, Francis chỉ mặc bộ đồ giản dị toàn trắng, không thêu thùa mầu sắc rực rỡ, từ chối đeo giây, tượng, và nhẫn vàng dành cho Giáo Hoàng, vẫn dùng giây đeo thánh giá và nhẫn bạc, cả đôi giầy đen cũ của mình. Tại ban công Đền Thánh Phê Rô, Benedict rạng rỡ mở đầu thời đại của mình bằng Phép Lành Toà Thánh ban cho mọi người, Francis khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho mình.

Người con xa tìm về nguồn

Trên nguyên tắc, Giáo Hội được xây dựng và mở mang dựa trên lời dậy của Đức Giê Su, được gọi là Tin Mừng, hay Phúc Âm. Như vậy, sao lại có chuyện “Phúc Âm hoá”? Có thể dùng ngay ví dụ trong lịch sử gần đây của Việt Nam để hiểu điều này. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam, đã có “Việt Nam hoá”. Bởi vì, do thời cuộc đưa đẩy, từ năm 1965, cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ VNCH đã bị “Mỹ hoá” thời Tổng Thống Johnson. Rồi lại do thời cuộc đưa đẩy, đến khi không thể tiếp tục đường lối Mỹ hoá, Tổng Thống Nixon đành phải Việt Nam hoá cuộc chiến, bắt đầu từ năm 1969.

Giáo Hội Thiên Chúa cố gắng lớn lên theo Phúc Âm trong ba thế kỷ đầu. Cuối thế kỷ thứ ba, Giáo Hội đang trong hoàn cảnh bị bách hại, bỗng có biến cố lớn vào đầu thế kỷ thứ bốn: Năm 312, trong nỗ lực thống nhất sơn hà, Hoàng Đế La Mã Constantine cho biết, trước trận đánh quan trọng tại cầu Milvian trên sông Tiber ở Roma, ông đã thấy biểu tượng đạo Chúa là cây Thánh Giá hiện ra trước ánh mặt trời sáng chói, điều này khiến ông tin tưởng và quân sĩ nức lòng. Ông tiến về hướng hình ảnh Thánh Giá và đánh tan kẻ thù. Thay vì cấm đạo như các Hoàng Đế tiền nhiệm, ông quyết định theo đạo. Giáo Hội, đang trong tư thế bị bách hại, bỗng nhiên trở thành thế lực tinh thần, là đồng minh của bên chiến thắng.

Hoàng Đế tân tòng, tuy chưa rửa tội cho tới ít lâu trước khi qua đời vào năm 337, Constantine dành cho Giáo Hội nhiều ưu đãi. Giáo hữu được miễn dịch, phục vụ tôn giáo cũng được kể như phục vụ tổ quốc. Giáo Hội được cấp đất, cấp tiền xây những nhà thờ đồ sộ, làm chứng cho sự phát triển của tôn giáo, và sự thịnh vượng của triều đại. Đền Thánh Phê Rô đầu tiên được xây cất thời kỳ này. Việc đạo và việc nước pha trộn với nhau. Sau khi Constantine mất, chiến tranh, xáo trộn kéo dài một phần tư thế kỷ. Năm 361, cháu Constantine là Julian lên ngôi, phủ nhận đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ cai trị được hai năm, không ngăn nổi sức phát triển đã có đà của tôn giáo này. Đây cũng có thể coi như thời kỳ chuyển mùa đầu tiên, từ mùa Xuân của Giáo Hội theo Phúc Âm, sang mùa Hạ của Giáo Hội Đế Chế hoá, xa rời Phúc Âm, phát triển và tổ chức như một đế quốc.

Trong hơn mười thế kỷ, Phúc Âm vẫn được rao giảng, nhưng không được thể hiện hoàn toàn đúng trên thực tế. Có rất nhiều thí dụ về việc này:

h7

Đức Giê Su cưỡi lừa vào Thành Jerusalem

– Vào một ngày quan trọng hàng đầu trong cuộc đời giảng đạo, Đức Giê Su và các môn đệ tiến vào thành Jerusalem, trước sự tung hô của dân chúng (được kỷ niệm bằng Chủ Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh, mùa Phục Sinh). Dịp này, Ngài cưỡi một con lừa mượn tạm của dân làng (Mt 21, 1-10; Mc 11, 1-11; Lc 19, 28-38; Ga 12, 12-16). Đây là dịp duy nhất Ngài không di chuyển bằng đôi chân của mình.

Nhưng qua hàng ngàn năm, mãi đến 1978, trong những dịp trọng thể, các vị Giáo Hoàng vẫn ngồi trên kiệu (sedia gestoria) như vua chúa, do 12 người khiêng. Cho đến Giáo Hoàng Benedict XVI, con lừa của các vị thay mặt Thiên Chúa ở thế gian là những chiếc xe Mercedes sang trọng hàng đầu và đắt tiền. Mãi đến Giáo Hoàng Francis, con lừa của Ngài mới là chiếc xe con cóc Fiat 500 nhỏ xíu, rẻ tiền.

h8

Một Giáo Hoàng trên kiệu giống như Hoàng Đế Ai Cập

Về trang phục, Đức Giê Su bảo: “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, ta bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon trong vinh quang tột bậc cũng không đẹp đẽ được như một trong những bông hoa ấy. Bởi đó, với những bông hoa nay còn mai huỷ mà Chúa còn cho mặc đẹp như vậy, chẳng lẽ Ngài không lo cho anh em nhiều hơn về chuyện mặc. Sao yếu đức tin thế? (Mt 6, 28-30; LC 12, 27-28). Phúc Âm đã nói rõ như vậy, nhưng từ khi Giáo Hoàng, chẳng những được coi ngang Hoàng Đế, mà còn trở thành “Siêu Hoàng Đế”, vua của các Hoàng Tử và Hoàng Đế, phẩm phục của các ngài còn rực rỡ hơn cả cẩm bào của Hoàng Đế. Hãy so sánh phẩm phục của Giáo Hoàng Benedict XVI với bộ áo của Giáo Hoàng Francis, sẽ thấy rõ Ngài Phúc Âm hoá như thế nào.

– Khi sai các tông đồ đi giảng đạo, Đức Giê Su chỉ thị cho các ông, ngoài cây gậy, đôi dép và bộ quần áo trên người, không được mang theo lương thực, tiền nong (Mt 10, 5-15; Mc 6, 8-9; Lc 9, 1-6). Đến đâu, ai cho ăn thì ăn, cho ở thì ở. Khi người ta không cho ăn ở nữa, thì đi chỗ khác. Người lập ra Giáo Hội dậy như thế, nhưng khi Giáo Hội giầu mạnh, các đấng thay mặt Chúa ở thế gian cư ngụ trong những cung điện nguy nga tráng lệ. Mới cách đây hơn hai năm, vào cuối năm 2013, một trong những việc bận tâm của tân Giáo Hoàng Francis là cách chức Giám Mục Franz Peter Tebartz van Elst thuộc Địa Phận Limburg (Đức), vì ông này đã chi trên 40 triệu đô la để tân trang tư dinh của mình, trong đó trên một triệu dành cho vườn cảnh, và riêng chiếc bồn tắm giá 20 ngàn đô la.

– Ham mê tiền của cũng là một thứ nô lệ tai hại như nô lệ ma quỷ. Cho nên, Phúc Âm ghi lại lời Chúa dậy rằng “anh em không thể vừa là tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được ((Mt 6, 24; Lc 16, 13), và “anh em đừng tích trữ kho tàng dưới đất (Mt 6, 19-20; Lc 12, 33-34). Ngài còn nói rõ hơn: “người giầu vào nước Thiên Đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (Mt 19, 23-26; Mc 10, 23-25; Lc 18, 24-27). Nhưng trong hàng chục thế kỷ, Giáo Hội đã rất giầu có. Của nổi của chìm mỗi địa phận ít “đại gia” nào sánh bằng, và người giầu đã từng có địa vị đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Bao nhiêu Giáo Hoàng từng xuất thân từ những dòng họ giầu sang như Borgia, Medici, hoặc từ những vùng giầu có như Florence, Venice và Milan.

Chiều tối Chủ Nhật 27 tháng 9, 2015, trong Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Francis cử hành ở Philadelphia trước khi Ngài về lại Roma, bài Thánh Thư thứ nhì do nữ tu Hồng Quế đến từ Việt Nam đọc, không phải là bài đọc đặc biệt riêng cho Thánh Lễ này, đó là lời trong thư của Thánh Gia Cô Bê Tông Đồ (St. James), đã được đọc trên khắp thế giới vào cùng ngày, và từng được đọc đi đọc lại từ hai ngàn năm. Bài đọc không dài, có thể ghi lại đầy đủ như sau:

Giờ đây, những kẻ giầu có, các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã bị hư hại, quần áo của các người đã bị mối xông. Vàng bạc của các người đã bị han rỉ, và chính rỉ sét ấy là bằng chứng chống lại các người, và sẽ thiêu huỷ xác thịt các người như lửa đốt. Các người đã thu góp tài sản cho những ngày cuối cùng. Các người đã gian lận ăn bớt tiền lương của những người thợ gặt khiến họ kêu khóc, và những tiếng kêu đã thấu tai Thiên Chúa. Các người đã sống khoái lạc và buông thả trên mặt đất này, các người đã được hả dạ trong ngày sát sinh. Các người đã kết án và giết hại người công chính; và họ đã chẳng hề cưỡng lại.

Từ các bậc trưởng thượng trong Giáo Hội đến hàng tỉ giáo dân, vẫn đọc, vẫn nghe nhắc đi nhắc lại như trên từ hai ngàn năm nay, nhưng đã có bao nhiêu người xa lánh sự giầu có? Ngay trong thánh lễ đọc Thánh Thư trên, rất có thể, vẫn có người cầu xin cho mình trúng số, buôn bán phát tài, làm ăn trúng mối, một vốn mười lời. Năm 1963, đang khi đất nước trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục nâng lễ Ngân Khánh của mình ngang tầm quốc lễ, để Chủ Tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ làm trưởng ban tổ chức, cử hành lưu động khắp Trung Nam. Có người bênh vực: “Đức Tổng làm vậy để lấy tiền giúp Địa Phận, cho Đại Học Đà Lạt, đâu phải cho cá nhân Ngài”. Cho việc riêng hay cho việc chung, cũng là mù quáng chạy theo tiền tài. Mà, một khi chạy theo của cải, như Thánh Gia Cô Bê đã nói, “các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người”.

– Theo tinh thần Phúc Âm, việc Nước và việc Đạo tách rời nhau. Khi có người hỏi có phải đóng thuế cho Caesar không, Chúa trả lời: “Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa ((Mt 22, 15-22; Mc 12, 17; LC 20, 20-26). Từ thời Constantine, việc nước đã nhập chung với việc đạo, rồi quyền bính giữa đạo và đời gắn bó với nhau. Thời Giáo Hoàng Gregory I (590-604), người đứng đầu Giáo Hội kiêm cả việc trị nước; tự mình thương thảo về hiệp ước, chọn tướng lãnh và trả lương cho binh sĩ.

Sự lạm dụng quyền bính của Giáo Hoàng đã lên tới cao độ, tạo tì vết trong lịch sử Giáo Hội, mang nhiều tiếng xấu khiến các Giáo Hoàng ngày nay vẫn còn phải xin lỗi, ví dụ những việc làm thời Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216). Nhiều vương quốc thời này như Bulgaria, Poland, Portugal… đã phải quy phục Giáo Hoàng, trở thành lãnh địa của Toà Thánh. Văn kiện nhân quyền đầu tiên của thế giới Magna Carta do vua John nước Anh ban hành năm 1215 bị huỷ bỏ, với lý do các bá tước áp lực nhà vua ký mà không có sự chấp thuận của Giáo Hoàng.

Vạ tuyệt thông (Excommunication) và Toà án dị giáo (Inquisition) cũng được thiết lập thời kỳ này, dưới quyền Giáo Hoàng Gregory IX (1227-1241) để trừng phạt những kẻ không tuân lệnh Giáo Hội, kể cả Hoàng Đế từng là bạn và được Giáo Hoàng gửi vương miện tấn phong, như Frederick II. Điều đặc biệt, chính Giáo Hoàng Gregory IX từng là bạn của Francis ở Assisi (Thánh danh của Giáo Hoàng hiện tại) và phong thánh cho Ngài năm 1228, chỉ hai năm sau khi Ngài qua đời, nhanh kỷ lục.

Đáng nói hơn nữa, mặc dầu theo Phúc Âm, Chúa đã cấm việc xử dụng vũ khí, “kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52; Mc 14, 43-50; Lc 22, 47-53; Ga 18, 3-11), Giáo Hoàng Urban II (1088-1099), đã khởi sự cuộc Thánh Chiến Thứ Nhất (First Crusade – 1096), coi bạo lực là việc làm thiêng liêng để bảo vệ nước Chúa; quân sĩ đeo Thánh Giá, được gọi là “Thập Tự quân”. Và đúng như lời Chúa, sau hai thế kỷ, – từ 11 đến 13 – và chín cuộc Thánh Chiến lớn, lãnh thổ của Giáo Hội ngày càng thu hẹp. Tuy không còn Thánh Chiến, tinh thần hiếu chiến trong đạo, được biểu lộ dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại đến thời hiện đại. Trẻ con các xứ đạo được tổ chức thành đoàn ngũ gọi là “Nghĩa binh Thánh Thể”, những giáo hữu nam nữ họp lại chỉ để cầu nguyện và làm việc thiện, được gọi là “Đạo binh Đức Mẹ”, quý vị nam giới đã trưởng thành được mời tham gia các tổ chức “Hiệp Sĩ”, mặc y phục như các hiệp sĩ đời xưa, tuốt gươm sáng ngời trong nhà thờ vào các dịp lễ trọng.

Thời Trung cổ, dù các cuộc Thánh Chiến lớn đã chấm dứt, Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303) vẫn mặc phẩm phục như Hoàng Đế, tự cho mình vừa là Giáo Hoàng, vừa là Hoàng Đế, công bố giáo chỉ (bull) “Unam sanctam” khẳng định mọi tạo vật cần phải quy phục Giáo Hoàng La Mã là điều cần thiết cho công trình cứu chuộc. Và, cũng chính vị Giáo Hoàng này phán rằng “Chúa đã đặt chúng tôi trên các vua chúa và các vương quốc”.

Chỉ qua một số dẫn chứng trên cũng đủ thấy Giáo Hội, trong hơn một ngàn năm, đã đi xa tinh thần Phúc Âm như thế nào.

Giáo Hoàng Benedict XVI, tựa như một Hồng Y sống vào thế kỷ 13, được Thánh Nicholas, (Santa Claus – Ông Già Noel) cõng về Bắc Cực, làm đông lạnh, rồi gần một ngàn năm sau cho ấm lại, mang về Roma lên ngôi Giáo Hoàng năm 2005. Nhờ trí tuệ còn tốt, và nhờ Thánh Thần soi sáng, Ngài biết cơ thể mình từng đông lại ở mùa Hạ, không thể thích hợp với mùa Đông, bèn từ chức. (Nhà lãnh đạo thần quyền, dầu sao cũng sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo thế quyền, thường bị mù quáng bởi tiền của và địa vị, dù trần truồng tồng ngồng trước mắt thiên hạ mà vẫn tưởng mình được che phủ bởi vương phục rực rỡ, chỉ biết tại chức hay thăng chức, không bao giờ biết từ chức).

Trong khi ấy, vào cùng thời kỳ cuối thế kỷ 12, đầu 13, chán cảnh Giáo Hoàng và Giám Mục chỉ lo bảo vệ quyền lực và của cải trần thế, tại vùng Assisi nước Ý, một người con nhà giầu mang tên Francis, đi ngược trào lưu thời đại, bỏ hết của cải, lập dòng tu, phục vụ người nghèo, chăm lo cho tạo vật, sống đời khó nghèo theo gương Chúa, được Chúa cho mang năm Dấu Thánh, và cũng là người đã viết ra “Kinh Hoà bình” rất gần với tinh thần “Bài giảng trên núi” của Chúa. Linh hồn Francis thoát xác năm 1226. Là tinh thần, linh hồn không bị đông lạnh hay bốc hơi, vẫn còn nguyên vẹn những đức tính khó khăn, khiêm nhường, yêu người, yêu vật, chu du khắp nơi trong gần mười thế kỷ, đã nhập vào một Giám Mục có lối sống gần với mình, coi thường địa vị và của cải, ở chung cư, đi xe buýt, từng xin về hưu khi được 75 tuổi ở tận Nam bán cầu, trở thành Giáo Hoàng Francis, nối ngôi Benedict XVI, cố đem Giáo Hội trở lại với tinh thần Phúc Âm.

(Xem tiếp phần II)

Bài Nói Chuyện Của Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh: Tại Sao Phải Học Việt Ngữ?

Lời BBT: Chúng tôi được phép trích đăng dưới đây, với sự chấp thuận của GS Nguyễn Lâm Kim Oanh, bài nói chuyện của GS tại Đêm Xuân Quảng Đà được tổ chức tại Falls Church Virginia vào ngày 19 tháng 3 năm 2016.  

Nguồn: https://vietbao.com/p112a251071/bai-noi-chuyen-cua-giao-su-nguyen-lam-kim-oanh-tai-sao-phai-hoc-viet-ngu-

nguyen-lam-kim-oanh newerBà Mộng Hoa giới thiệu về tiến sĩ giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, bà là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ cao cấp trong Bộ Giáo Dục của chính phủ Obama. Từ 2014 đến nay tiến sĩ Kim Oanh là “cố vấn cao cấp về chương trình và chính sách cho vị phụ tá Bộ trưởng Bộ Giáo Dục (undersecretary of education) ” . Thêm vào đó bà là giám đốc chương trình ngoại ngữ cho Bộ Giáo Dục Liên Bang Hoa Kỳ. Trước đây 2011-2014, bà tòng sự tại Tổng Nha Đại Học -Office of Post-Secondary Education – IFLE (International and Foreign Language Education) – Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế

________________________________________________________________________

Kính thưa Quý Vị

1. Ai là những người đang học Việt ngữ trên đất Mỹ?

Ngoài các em học sinh Mỹ gốc Việt đang theo học tại các trường/trung tâm Việt Ngữ, con có một số học sinh tại các trường Trung Học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, các trường cao đẳng cộng đồng (community colleges) và một số đại học. Đặc biệt là một số các đại học danh tiếng như Berkeley, Harvard, Cornell, Yale đều có chương trình Việt Ngữ không những là đầy đủ cấp lớp mà họ dạy lên tới trình độ chuyên môn để sinh viên có thể đọc sách tiếng Việt và làm các nghiên cứu về các đề tài liên quan tới Việt Nam. Tôi biết điều này vì chính văn phòng tôi làm việc trong Bộ Giáo Dục HK là nơi cung cấp ngân khoản cho những đại học này. (Grants) các tài trợ cho những đại học hàng năm từ vài trăm ngàn lên tới vài triệu để phát triển các chương trình ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Ngoài ra có những chương trình trang trải chi phí cho sinh viên làm (research studies) các công trình nghiên cứu tại Việt Nam từ những người nghiên cứu về môi sinh, mực nước ở sông Cửu Long, mức độ phù sa tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, …đến các học giả, nghiên cứu về đền đài lăng tẩm ở VN để so sánh với các nền văn minh khác, có người thì tìm hiểu về văn thơ Việt Nam, không những chỉ thông dịch chuyển ngữ mà còn giảng giải bình luận các bài thơ của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được thông dịch chuyển ngữ và giảng giải bình luận.

Trở lại các trường và trung tâm dạy Việt Ngữ – đa số do hoàn cảnh khó khăn thời gian eo hẹp, nên không thể nào tạo cho các em một nền tảng Việt Ngữ đủ để đọc báo đọc sách tiếng Việt. Chính vì vậy các em, nhất là khi biết tự suy nghĩ, thường cưỡng lại việc đến trường Việt Ngữ – các em có khi hỏi ngược lại cha mẹ:
Tại sao phải học Việt Ngữ? Để làm gì? Lợi ích gì trong khi các em có quá nhiều bài vở.
Lý do để duy trì văn hóa thì quá mơ hồ.
Lý do để giữ liên lạc với gia đình thì không còn chính xác –
Đa số cha mẹ các em lứa tuổi đến trường như con cái quý vị hiện diện ở đây, đa số là những người đã sống trên đất Mỹ nhiều năm, thuộc giới chuyên gia, đi làm, hòa đồng vào đời sống và xã hội HK, hoàn toàn không còn trở ngại nên Cha Mẹ nhiều khi cũng xuôi tay.

2. Học Việt văn để làm gì?

Học tiếng Việt có lợi điểm gì? – Vậy thì hôm nay, chúng tôi xin được hỏi quý ông bà anh chị cũng hai câu này – Học Việt Văn để làm gì? Học Việt ngữ thì lợi ích gì?

Tôi xin chia sẽ vài mẩu chuyện về các em Mỹ gốc Việt mà tôi đã gặp trong các trường lớp ở HK.

– Có một thời kỳ, tôi làm công việc đi giám sát các sinh viên đang thực tập dạy học (student teachers supervisor) tại các trường trong các học khu ở California.
Một hôm nọ, tôi vào lớp một cô giáo thực tập tạo khả năng song ngữ –Anh Việt – cô giáo Theresa Thảo Ly.
Trong thời gian đầu thực tập thì khô khan lắm vì bà giáo chính giao việc gì thì làm việc đó và đa số là công việc như chấm bài, kèm học sinh kém, canh học sinh giờ ra chơi – ít khi nào được làm việc trực tiếp với các học sinh – vậy mà hồi ấy, tôi thấy cô giáo này đang ngồi tại một bàn tròn và một số học sinh bao quanh, nói cười tíu tít rất vui nhộn. Trường học này trong quận Cam (Orange County) nên có một vài học sinh gốc Việt. Hôm ấy là gần ngày Lễ Mothers Day – ngày Từ Mẫu – các em làm các tấm thiếp thật đẹp và viết những lời chúc văn vẻ – có em thì làm các bài thơ ngắn, lời lẽ dễ thương. Khi biết cô Theresa Thao biết tiếng Việt, các em học sinh gốc Việt đem thiệp tới nhờ cô giáo giúp các em viết những lời thơ này qua tiếng Việt và tập cho các em đọc để các em có thể tặng cho mẹ các em

*** Thế thì đối với các em lớp 3 này – mới khoảng chừng 10 tuổi, các em ý thức được rằng có những khi sự biểu lộ tình cảm đậm đà sâu sắc ân tình nhất là qua các ngôn từ mẹ đẻ của mình – Các em phân biệt được khi các em nói, “I love you Mom with all my heart and all my soul” – có thể là mẹ các em sẽ không cảm động bằng khi em nói lên được bằng tiếng Việt: “Mẹ ơi con yêu Mẹ bằng cả trái tim con, Mẹ ơi con yêu Mẹ bằng cả tấm lòng son”……

– Ngoài việc diễn tả tình cảm trọn vẹn, tiếng Việt còn phản ảnh văn hóa Á Đông – kính trên, nhường dưới – lớp lang –Khi đứa bé nói với ông mà gọi ông là “you” và xưng là “me” ( ví dụ như là “Ong Noi, can you read me a story?” thì ông cháu đều ngang nhau hết – Ngược lại khi đứa bé nói, “Ông Nội ơi, ông đọc truyện này cho cháu nghe đi ông? “ thì không những văn hóa VN được duy trì, mà tình cảm liên hệ giữa ông và cháu được liên kết mạnh hơn.. Khi đứa bé biết xưng cháu hoặc con và biết dạ biết thưa “gọi dạ bảo vâng” khi nói chuyện với người trên, hoặc khi biết phân biệt lúc nào thì gọi bác, chú, cậu, dượng, dì, cô, thím vv thì đứa bé hiểu vị trí trong đại gia đình của nó và ngôn ngữ giúp cho nó thể hiện đuoc lễ, nghĩa. Mà trong xã hội bây giờ, khi mình biết xác định vị trí của mình trong việc giao tiếp với xã hội và hành xử đúng với sự lễ phép là chìa khóa mở cửa cho sự thành công.

– Một lần khác tôi đến thăm một trường trung học ở San Jose Eastside Union HS District trường nầy vừa xin được ngân khoản của Bộ Giáo Dục HK để mở chương trình Việt Ngữ cho các học sinh trung học vào khoảng 15 năm trước – chương trình rất khả quan vì có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, có đại học San Jose State University tạo điều kiện giúp một số các cựu giáo chức VN lấy bằng chính thức dạy học tại HK mà không phải học lại từ đầu. Các thầy cô giáo này vững vàng tiếng Việt lại hấp thụ phương pháp dạy ngôn ngữ mới nên lớp học rất sống động và hứng thú. Khi đi thăm lớp, tôi tới từng bàn học và lắng nghe các em đọc tiếng Việt hoặc xem những gì các em đang viết trong tập. Tôi thấy một em đang lẩm nhấm đọc vài câu thơ mà mắt có về đăm chiêu, tôi hỏi em đang làm gì thì em nói em đang học thuộc lòng hai câu thơ mà thầy mới dạy để chiều nầy em gặp cô bạn gái em sẽ đọc cho cô ta nghe. Em cho tôi xem tấm thiệp em làm, có hình trái tim bị nứt ( a broken heart) – và hai câu thơ em chép nắn nót bằng tiếng Việt. Tôi nói, “bây giờ em thực tập đi, đọc cho cô nghe thử xem cô có hiểu không để chiều nay gặp bạn gái đọc cho hay. Em nói ” cô bạn gái này gia đình sắp dọn đi tiểu bang khác nên em rất buồn”. Lúc đó chưa có email, tex, facebook như bây giờ. Gia đình dọn đi thì khó giữ liên lạc với nhau – chắc vì vậy em này sợ cô bạn gái sẽ “Xa Mặt, Cách Lòng” cho nên em mới chuẩn bị nói những lời từ giã ướt át như thế. Em cầm tấm thiệp đứng lên trao cho tôi mở ra và em đọc với một giọng chậm và buồn:

Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Xong em chớp chớp mắt muốn khóc làm tôi cũng cảm động hết sức. Quý vị có thấy không? Đối với em trung học mới 16-17 tuổi này, em đã hiểu được cái phong phú của tiếng Việt – em biết câu tiếng Anh em đã viết – My heart is broken when you leave – làm sao diễn tả hết cái tình cảm sâu đậm của em, trích ra trong bài thơ Những Giọt Lệ – thi sĩ Hàn Mặc Tử –

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

(có từ 15-20 trường trung học HK có môn Việt Ngữ trong chương trình Foreign Languages của trường.)

– Một câu truyện khác – Mới gần đây nhất, khoảng năm ngoái, tôi tham dự một buổi Federal International Job Fair, đại diện cho văn phòng tôi để tìm hiểu về tình hình và nhu cầu ngoại ngữ của các cơ quan khác trong chính phủ liên bang (federal agencies & departments). Tôi thấy một em mang bảng tên Jonathan Tran – tôi hỏi em có tìm được công việc nào thích hợp không. Em buồn bã nhìn tôi nói – Có một cái job đúng như em mơ tưởng – được ra nước ngoài làm việc nghiên cứu về môi trường – đó là ngành học của em – Environmental Studies – khi em đưa resume ra thì họ rất thích vì em đủ khả năng chuyên môn. Rồi họ hỏi em có khả năng ngoại ngữ không – em trả lời là có – em thông thạo tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Họ nói họ cần một người biết ngôn ngữ của một xứ Đông Nam Á – Họ nhìn bảng tên em và hỏi em có biết tiếng Việt không? Em nói em hiểu nhưng không nói, đọc và viết được. Họ giải thích là họ đang tuyển người nghiên cứu về môi trường Sông Cửu Long và họ cần nhân viên có thể làm survey với dân địa phương dọc sông Mekong. Em nói với tôi là phải chi em nghe lời cha mẹ tiếp tục học tiếng Việt lúc nhỏ.

– Điều này làm tôi cho nhớ cô con gái của cô bạn tôi ở Cali – cháu học rất giỏi, ra trường Berkeley magna cum laude về ngành báo chí và truyền thống – journalism and broadcasting – cháu được công việc tại một đài TV local. Sau hai năm có thành tích khá, cháu có cơ hội đi interview cho một chức vụ cao hơn tại một đài truyền hinh lớn – CBS – Mẹ cháu nói cháu rất háo hức vì xét thấy đủ kinh nghiệm và khả năng như trong cái job description miêu tả. Trước khi ra khỏi nhà đi đến chỗ phỏng vấn, cháu còn hôn mẹ và nói tối này sẽ đãi mẹ đi ăn mừng job mới. Hai tiếng đồng hồ sau, Mẹ cháu nhận được cái phone của cháu, cháu nghẹn ngào hỏi Mẹ:
–” Mẹ, Tại sao hồi đó Mẹ không bắt con học tiếng Việt!?” –

Mẹ cháu ngơ ngác không hiểu chuyện gì cho tới khi cháu về nhà, ngồi bịch xuống và nói với Mẹ là đài truyền hình chọn một cô Á Châu, bằng cấp và kinh nghiệm cũng ngang ngửa nhưng có đặc điểm hơn là cô ta nói được tiếng Hàn rất trôi chảy, còn khi họ hỏi cháu có biết tiếng Việt không thì cháu nói là thông thạo ở mực độ trung bình Tuy là đài truyền hình HK nhưng họ nói mỗi khi có tai biến lớn thì họ muốn có những người có khả năng interview để lấy ý kiến và quan điểm của những người từ nhiều nhóm dân và sắc tộc khác nhau. Họ nói bình thường ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng khi có tai biến thì đa số các người lớn vì xúc động nên chỉ trả lời được bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà thôi. Và có những người không trả lời khi một người lạ mặt hỏi nhưng sẵn sàng phát biểu khi thấy người phỏng vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình. Thế là vì không biết tiếng Việt mà tương lai sự nghiệp của cô bé phóng viên truyền hình Chritina Lê đang trên đà đi lên bị chận đứng.

– Ai trong chúng ta mà không muốn con cháu và các thế hệ sau duy trì được tiếng Việt. Nhưng khi con cháu đặt vấn đề, “tại sao phải học tiếng Việt?” “tai sao không bỏ thời gian học một ngôn ngữ nào hoặc một bộ môn nào mà có giá trị thực tế ngay?” tôi mong quý vị có đủ dữ kiện và lập trường phân tích cho các em thấy rõ 3 điều:

o Điểm Thứ Nhất: Tiếng Việt phong phú, súc tích và chứa đựng một kho tàng văn hóa; văn chương chữ nghĩa mà khi các em khám phá, đời sống các em sẽ có ý nghĩa thêm rất nhiều. Tiếng Việt là chiếc cầu nối giúp các em nối kết với nguồn gốc gia đình và tạo cho các em một sự tự hào và lòng biết ơn sâu xa. Cá em sẽ có cơ hội trao đổi và chia sẻ với bộ mẹ, ông bà, quyến thuộc những gì em học và em sẽ đủ khả năng hấp thụ những gì mà ông bà cha mẹ cô dì chú bác trao truyền cho các em trong các câu truyện mà lời nói yêu thương chỉ diễn tả đầy đủ súc tích nhất bằng tiếng Việt.

o Điểm Thứ Hai: Thông thạo thêm một ngôn ngữ là một yếu tố để cạnh tranh thi đua và tiến thân trong nền kinh tế toàn cầu. Tiếng Việt là một sinh ngữ gần 100 triệu dân sinh sống không những tai VN mà còn trong nhiều quốc gia khác. Khả năng Việt Ngữ là một chìa khóa mở nhiều cánh cửa nghề nghiệp cho con em chúng ta khi ra đời. Khi biết hai ngôn ngữ, việc học và hấp thụ thêm các ngoại ngữ kế tiếp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và điều nay đã được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng.

o Điểm Thứ Ba, học ngoại ngữ làm cho bộ óc con người mở mang hơn và thông minh hơn. Thật vậy, hiện tại có rất nhiều các nghiên cứu về sự phát triển của óc não – họ đã chụp hình theo dõi và chứng mình được là khi một đứa bé bắt đầu hấp thụ hai ngôn ngữ từ nhỏ thì óc nó có sự phát triển nhạy bén hơn các em lớn lên trong gia đình chỉ sinh hoạt qua một ngôn ngữ. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy các em học sinh trung học có điểm SAT cao hơn khi thông thạo một ngoại ngữ mặc dầu trên phương diện khác, các em có sức học tương tự với nhau. Và hiện tại, các nhà khoa học vẫn khuyến khích các bậc cao niên hoc âm nhạc hoặc một ngoại ngữ mới vì điều nầy chống bộ óc bị lão hóa. Các điều nầy nói lên lợi điểm của việc học ngoại ngữ nói chung và Việt Ngữ nói riêng.

– Nói tóm lại, nếu học ngoại ngữ giúp các em thông minh hơn, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thì tại sao không học Việt Ngữ như một ngoại ngữ? Các em học sinh gốc Việt học Việt Ngữ trong các trường trung học HK sẽ có điểm khá hơn vì các em sẽ được dịp thực tập nghe, nói, đọc, viết, trong gia đình hàng ngày!

Vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đặt ra là một khi chúng ta xác định lợi ích của việc các em học sinh Mỹ gốc Việt, con cháu chúng ta khi học tiếng Việt, làm sao để thực hiện việc nầy?

Như đã nói trên, môi trường học Việt Ngữ tại các trường và trung tâm Việt Ngữ là một động lực giúp các gia đình VN khuyến khích con em duy trì tiếng Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn xa hơn và làm việc khôn khéo hơn. Việc học có kết quả nhất vẫn là phải đưa môn Việt Ngữ vào dòng chính. Một số các học khu tại các tiểu bang khác đã làm và đã thành công. Tại vùng này, mùa khai trường năm ngoái, tiếng Việt đã được đưa vào Fairfax County Public School District tại Falls Church HS. Thành quả này do nhiều quý vị trong cộng đồng người Việt vùng HTĐ, VA, MD vận động mà người năng nổ nhất là cô Ngoc Giao.

Là một người luôn luôn hỗ trợ các trường và trung tâm Việt Ngữ – đã lập ra chương trình tu nghiệp sư phạm hàng năm ở CA hội tụ trên 300 giáo viên Việt ngữ về từ nhiều vùng và tiểu bang, là người đem phương pháp dạy Việt Ngữ theo lối sư phạm HK vào các trường Việt Ngữ và là người soạn thảo các bộ sách dạy Việt Ngữ cho các trung tâm và trường, tôi vẫn chủ trương việc đưa Việt Ngữ vào dòng chánh là cách tốt nhất để đem đến kết quả thật sự trong việc học Việt Ngữ.

Quý vị hãy tiếp tục đẩy mạnh Việt Ngữ vào các trường trung học trong vùng mình ở. Tiếng Việt không chỉ cho các học sinh gốc Việt mà cho tất cả học sinh muốn được chuẩn bị vào ” the global market or diverse America” – thị trường kinh tế toàn cầu hoặc một quốc gia Hoa Kỳ đa sắc và đa văn hoá – Có một phong trào đã thực hiện ở nhiều tiểu bang là khi học sinh ra trường trung học, nếu chứng minh được là các em thông thạo Anh Ngữ và bất kỳ một ngoại ngữ nào khác, bằng trung học các em sẽ có thêm một dấu ấn Song Ngữ – Seal of Biliteracy – và em được đeo vào một cái mề đay chứng nhận em có khả năng song ngữ. Khi lên đại học, các em được credit cho các trình độ học sơ khởi (beginning level) của ngôn ngữ này và có thể vào các cấp intermediate hoặc advanced level nếu đủ sức.

Quý vị cần vận động để tiếng Việt không những được dạy ở cấp Trung Học mà còn được dạy ở cấp tiểu học. Hiện tại, một số các trường trong các vùng có mức lợi tức cao có các chương trình song ngữ hai chiều – Dual Immersion Language- Học sinh học các môn toán, khoa học, và thể thao bằng một ngoại ngữ và các môn như Văn Chương, Sử, và tập đọc tập viết bằng Tiếng Anh. Các gia đình này ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ. Họ sẵn sàng có mặt tại các buổi họp của Ban Quản Trị Học Khu – (School Board meetings) để phát biểu ý kiến, yêu cầu, chia sẻ, liên kết với các phụ huynh khác cùng đồng quan điểm để vận động cho các chương trình này thành hình. Hiện tại một số các học khu tiểu học vùng HTD/VA/MD có các chương trình song ngữ hai chiều tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Hoa.

Tôi mong trong tương lai gần đây sẽ có chương trình song ngữ -Dual Immersion bằng Tiếng Việt-. Tất cả tuỳ thuộc vào sự quan tâm và nỗ lực của quý vị. Tôi sẵn sàng tư vấn và hổ trợ trong tất cả các phuơng diện chuyên môn như tôi đã từng làm với các học khu ở California, Oregon và Washington State là nơi đã có các chương trình này rồi.

Xin chân thành cảm ơn quý vi đã cho tôi được dip chia sẻ một vấn đề mà rất gần với trái tim tôi – Tôi xin cảm ơn Cô Lê Tống Mộng Hoa và quý vị trong ban Tổ Chức Quảng Đả – và xin kính chúc toàn thể quý vị một buổi tiệc thật là đầm ấm với tình đồng hương và bằng hữu trong dịp đầu Xuân.

Xin kính chào.

 GS Nguyễn Lâm Kim Oanh

Tô Cháo Rắn

tù cải tạo

(Nguyên bản Anh ngữ “The Bowl of Snake Soup” của LS. NGUYỄN HỮU HIỆU)

Nguyễn Hữu Hiệu làm luật sư tại Saigon và dân biểu Quốc Hội. Sau năm 1975 bị bắt giam tại các “trại cải tạo” từ 1975 đến 1985. Sau khi ra trại tù, vượt biên. Có ở tại các trại tỵ nạn Thái Lan và Phi Luật Tân. Đến Mỹ tháng giêng 1990. Học lại ở Mỹ từ đầu. Tốt nghiệp A.A. in Philosophy hạng danh dự tại Chaffey College (1993), B.A. in English Writing hạng ưu tại University of Redlands (1995). Qua đời năm 2008 tại California (USA).

Tôi cảm thấy rất chóng mặt và mệt mỏi. Cái sân vuông vức của trại “học tập cải tạo” hôm nay hình như lại to hơn. Tôi tránh không nhìn vào chấn song các cửa sổ ở hai dãy nhà tù. “Những cái chấn song chết tiệt” tôi rủa thầm, chúng làm tôi quay cuồng như một con quay. Dựa trên một cây gậy chống để đi tôi cố gắng kéo lê đôi chân nhưng chúng chẳng còn đủ sức để lết nổi nữa.

“Nguyễn, bạn yếu quá vậy sao? Sao bạn không vào nằm trong trạm xá y tế?” Trương từ nhà đối diện chạy lại cầm tay tôi và hỏi một cách lo ngại.

“Đừng lo lắng gì, bạn ơi. Chỉ choáng váng thôi”, tôi mỉm cười và tiếp tục lết đi, nói chậm rãi: “Ngày hôm nay trạm xá y tế làm tổng vệ sinh. Hơn nữa thuốc men chẳng còn gì gần năm ngày nay rồi. Bác sỹ nói tôi trở lại phòng giam mà nghỉ ngơi.”

“Phải, tôi biết. Vào nằm nghỉ ở trong phòng bạn thì yên tĩnh hơn. Mọi người đều đi ra ngoài lao động suốt ngày. Thôi được, hãy bám vào vai tôi, bạn Nguyễn, tôi dìu bạn tới đó.”

“Cám ơn bạn Trương rất nhiều. Tôi có thể tự đi đến đó với cây gậy này mà.” Tôi ngừng nói, thở nặng nhọc, rồi nói đùa: “Bạn nên trở lại cái bếp của bạn đi nếu bạn không muốn nhận giấy để viết tờ kiểm điểm.”

Trong các trại học tập cải tạo thường thường chúng tôi tìm cách đùa rỡn thật nhiều để quên đi thực trạng đời sống. Trương trẻ hơn tôi vài tuổi, là bạn đồng viện của tôi ở trong Quốc Hội miền Nam Việt Nam, và giờ đây anh ấy làm việc trong nhóm lao động tại nhà bếp trại.

Anh ấy rút tay ra khỏi nách tôi và nói rỡn lại: “Bệnh thực sự của bạn chỉ là thiếu dinh dưỡng thôi. Tôi chắc rằng bạn chỉ cần có một tô cháo rắn, chỉ một tô thôi, là khỏi bệnh ngay đấy mà. Ăn xong là bạn có thể chạy được ngay đấy thôi. Tháng trước nhóm lao động làm việc ở lò gạch có bắt được một con rắn, cả ký thịt đấy! Tôi đã được dịp thưởng thức vài thìa cháo rắn rồi. Thật ngon tuyệt!” Anh ấy ngừng lại, nuốt nước miếng, rồi nói nhanh:

“Nhưng bây giờ chúng ta phải làm gì để kiếm ra rắn đây? Tôi luôn luôn trữ sẵn một ít đậu xanh để nấu cháo rắn đấy.”

“Ồ! Tối qua tôi trông thấy một con rắn…”

“Ở đâu vậy?” Trương ngắt lời tôi và hỏi một cách háo hức.

“Nằm mơ ấy mà”. Cả hai chúng tôi đều cùng phá ra cười.

“Cười là một liều thuốc bổ. Nghe bạn cười tôi thấy dễ chịu quá. Thôi được rồi, nên ngủ một chút đi, bạn Nguyễn ạ. Khi nhà bếp có cháo tôi sẽ mang cho bạn. Bây giờ cứ việc mà nằm mơ tiếp về chú rắn của bạn đi nhé!” anh ấy lại cười nữa. “Cố mà bắt cho được chú rắn đó mà đưa tôi để tôi nấu cháo ngon lành cho bạn ăn.”

Trương nhìn tôi một cách suy tư và nồng nhiệt trước khi đi. Với cây gậy chống tôi tiếp tục lê đôi chân đi chậm chạp. Đầu óc tôi mải suy tư về giấc mơ của mình.

“Nếu tôi giết được con rắn đó rồi, giả dụ như giấc mơ của tôi trở thành hiện thực, đã nấu nó, thì tô cháo rắn bây giờ đã xong xuôi và sẵn sàng cả rồi.

Đói vẫn hoàn đói. Nếu tôi chặt con rắn ra, một con rắn trắng, như Lưu Bang, người sáng lập ra nhà Hán trong nước Trung Hoa cổ xưa, rồi trở thành một ông Vua; vương quốc của tôi cũng sẽ tan biến đi khi tôi tỉnh giấc.” Tôi giật mình thức giấc. Tôi lập tức nhắm mắt lại. Mặt đất quay cuồng và rung động dữ dội. Tôi bật nói: “Không! Không! Tôi chẳng bao giờ muốn làm Vua cả; Tôi không muốn làm Lưu Bang; Tôi chẳng thể giết các bạn tôi và gây chiến với các lân bang như vị anh hùng này.”

Thời gian gần đây tôi cảm thấy cái gọi là “nhân quả” đã chi phối một cách chặt chẽ mọi hành động và ý chí của tôi. Tôi sẽ chết dễ dàng. “Ít nhất tôi đã làm một việc thiện. Tôi đã tha không giết con rắn trắng. Nhân quả sẽ thay đổi.” Tôi mỉm cười và nhớ lại rõ ràng giấc mơ của tôi tối hôm qua.

Tôi đang cuốc đất gần hàng rào ở cuối trại, một nơi hoang vu và xa xôi. Chỉ có mình tôi lao động tại đây. Một cái gì giống như một mẩu vải trắng lòng thòng dưới hàng rào kẽm gai làm tôi chú ý. Tới gần để coi. Đó không phải là một mẩu vải mà là một da rắn vừa lột ra, mới tinh. “Chắc chắn là con rắn còn đang ẩn núp quanh đâu đây, nó vừa mới lột da ra đây thôi!”

Tôi tự hỏi và giơ cao cây cuốc trong tư thế sẵn sàng đánh rắn, mắt thì liếc quanh để tìm con mồi. Tôi thấy ra ngay chú rắn trong một bụi cây ở cọc kẽm gai cuối hàng rào. Đó là một con rắn trắng, cuộn tròn lại như một vòng tròn màu bạc cỡ bằng cái nia. Tôi nhắm kỹ ngay đầu rắn để lấy cuốc đập nhưng bất chợt tôi nhìn thấy đôi mắt rắn. Đôi mắt bất động và u ám.

“Tại sao lại ngừng tay lại như thế? Tại sao lại không đập nữa?” Tôi như văng vẳng nghe thấy những lời này vọng về từ một nơi xa thẳm nhưng rất rõ ràng. Tôi bỏ cuốc xuống và nhìn lại con rắn. Toàn thân con rắn mang một màu trắng bạc, nhưng cặp mắt nó lại nâu sậm. Con rắn bất động như một xác chết ngoại trừ lưỡi nó thỉnh thoảng thè ra ngoài để thở, tuy nhiên không có dấu hiệu gì có thể cho là tiếng nói đó từ trong miệng đó phát ra.

“Bạn nghĩ gì thế? Bạn không thấy đói à? Bạn không muốn một tô cháo rắn à?”

“Tôi đang đói muốn chết đây. Tôi muốn một tô cháo, bất cứ cháo gì cũng được. Nhưng tôi không thể giết con rắn này. Nó chẳng làm hại ai cả và lại chẳng có thể tự vệ được. Cặp mắt nó rất giống cặp mắt của những bạn bè tôi đã từng nhìn chúng tôi, những tên tù còn sống sót. Nhìn một lần chót trước khi chết trong các trại học tập cải tạo.”

“Bạn có biết khi chém một con bạch xà là điềm tốt báo hiệu có thể xưng Vương như trường hợp của Lưu Bang không? Đừng bỏ lỡ cái cơ hội quý báu vô giá này chứ.”

“Không, không”, tôi cương quyết trả lời cái tiếng nói vọng từ nơi xa thẳm đó, “Tôi chẳng tin vào cái điềm này. Giết một sinh vật vô tội có tri giác để khởi đầu cho một giấc mộng lớn, con người ta có thể dễ dàng tàn sát nhân dân mình khi nắm quyền!”

“Bạn không từng chứng kiến hoặc hay biết những trường hợp của những nhân vật lịch sử nổi danh trong chế độ Cộng Sản mới đây hay sao?”

Tôi mỉm cười. Nhờ ở tiếng “tù và” đi săn đột nhiên vang lên đã đánh thức tôi dậy kịp thời và như thế tránh khỏi phải bàn cãi về những bàn tay vấy máu nhân loại này.

Với chiếc gậy chống tôi lê đôi chân tê bại đi. Cuối cùng tôi cũng trở lại tới nơi của tôi. Tôi đứng dựa vào bức vách bằng tre để thở trước khi vào trong phòng. Chẳng có một ai. Chẳng có tiếng động. Tôi đặt chiếc gậy xuống sàn tre và nằm xuống chỗ tôi. Tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng với sự yên tĩnh này. Trong vài năm ở trại học tập cải tạo tôi đã luôn luôn ước muốn cái giây phút yên lặng này.

Tôi mở mắt để tận hưởng cái sự thích thú đó, nhưng những chấn song cửa sổ song song trước mắt tôi hình như đang quay cuồng một điệu luân vũ.

“Nếu có ai lấy cái chăn mà che những chấn song này đi thì thú vị quá”, tôi nhủ thầm, nhưng tôi cũng dư biết rằng vào giờ này tất cả các bạn bè của tôi đang làm việc cực nhọc ngoài đồng.

Tôi thử xoay người. Nằm đè lên phía tay phải tôi thấy dễ chịu hơn. Tôi đếm hơi thở. Tôi tập du già (yoga) mỗi ngày. Hơi thở của tôi dần dần trở nên dài hơn và nhẹ hơn.

Thình lình tôi nghe thấy một tiếng huýt gió nhẹ. Tôi lắng nghe, lại thêm tiếng nữa, tiếng động rất nhẹ này. Có thể có người đang đi vào phòng tôi. Tôi sẽ nhờ và những cái chấn song chết tiệt kia sẽ bị che phủ đi. Tôi sẽ lại nằm ngửa ra và hưởng cái sự yên tĩnh hiếm hoi này. Thật là hy vọng biết mấy! Tôi nghĩ thế.

Tiếng huýt gió bây giờ có vẻ tới gần hơn. Tôi nghe thấy rõ hơn. Thật là lạ. Đó không phải là tiếng huýt gió nữa. Đó không phải là tiếng người. Đó là tiếng rít. Tôi liếc nhìn về phía phát ra tiếng rít đó. Tôi hoảng kinh. Cả người tôi bỗng mềm nhũn như một bị bông. Mồ hôi đọng lại trên chán tôi. Mồ hôi tháo ra ngoài châu thân. Trước mặt tôi, cách khoảng hai thước rưỡi tây là một con rắn lớn đang nhìn trừng trừng vào tôi.

Tôi muốn kêu cứu nhưng tôi chẳng còn đủ sức để làm chuyện đó nữa. Tôi nhận ngay ra rằng dù có kêu cứu cũng vô ích, chẳng có ai nghe được tiếng kêu này.

Con rắn vẫn ngừng bò trên đường đi của nó và nhìn chăm chú vào tôi. Thỉnh thoảng lưỡi nó, một cái lưỡi màu đỏ và đen, thè ra thụt vào như đe dọa. Tôi liếc nhìn quanh thử tìm một đồ vật chi để tự vệ. Chỉ có cái sàn trơ trụi. Chẳng có gì có thể dùng làm vũ khí để chống cự được. Tôi hối hận đã không giữ cây gậy chống dưới gầm giường.

Tôi chợt nhớ đến cái hộp đựng nước (cái hộp sữa bột Guigoz quen thuộc trong các trại học tập cải tạo) mà tôi để ở đầu giường. Tôi thu hết tàn lực để với lấy nó. Tay phải tôi đã với tới hộp, sờ được vào hộp, nhưng chẳng còn một chút sức lực nào nữa. Tôi đã thử nhiều lần để nhấc cái hộp đựng nước lên thủ thế nhưng tôi không làm nổi. Tôi biết rồi. Tôi lâm vào một tình trạng hoàn toàn vô vọng.

Tôi nằm bất động quay nghiêng về phía bên phải và nhìn vào con rắn.

Bây giờ con rắn chỉ còn cách tôi một thước. Thân nó rất đen và bóng láng. Nó dài cỡ hai thước tây. Đầu nó hình tam giác. Rắn loại này rất độc. Cặp mắt nó lạnh như thép. Cái lưỡi màu đỏ và đen đầy nọc độc thò ra thụt vào.

“Hãy giết tao đi! Hãy giết tao đi hắc xà! Đã bao năm tù trong những trại học tập cải tạo tao chán ngấy cái cảnh nửa sống nửa chết này rồi. Tao biết mày thù ghét con người. Loài người thì độc ác, xảo quyệt và hay ăn sống nuốt tươi. Chỉ có nhân loại mới có hiện tượng những kẻ độc ác hành hạ người lương thiện…” tôi nói như đang trong một giấc mơ. Tôi muốn nói thêm nữa nhưng chẳng còn sức mà thốt lời ra được.

Con rắn đen hình như điếc. Nó lặng yên một cách lãnh đạm. Một sự yên lặng tràn ngập căn phòng và trong khắp không gian.

Thật quả là một sự lặng gió trước khi bùng ra bão tố. Cả người và rắn đều nhìn nhau bất động. Tôi chẳng còn nghe thấy tiếng gì khác ngoài tiếng mạch đập trong thái dương tôi. Tôi chẳng còn nhìn thấy gì khác ngoài cái ánh sáng lạnh như thép loé ra từ cặp mắt chết chóc của rắn. Thời gian hình như bất tận… Nhưng số mệnh là số mệnh.

Sau khi ngừng lại và nhìn trừng trừng vào con mồi bất động của nó, con rắn đen huýt gió, rít lên một âm thanh tang tóc kéo dài rồi tiếp tục bò tới.

Một lần nữa tôi lại hoảng kinh lên. Tôi vội nhắm mắt lại. Tôi cảm thấy toàn thân như hụt hẫng, như bị rơi vào một nơi trống rỗng. Tất cả đều trống rỗng và tối đen, rồi tôi quên tất cả.

Untitled-1

Tôi không biết tôi đã ngất đi bao lâu nữa. Khi tôi mở mắt ra tôi đã thấy anh ấy ngồi ngay cạnh tay tôi, và tôi nghe thấy tiếng anh ấy kêu tôi một cách lo lắng:

“Nguyễn! Nguyễn! Tỉnh lại đi Nguyễn! Tỉnh lại đi!”

Tôi mở to mắt, liếc nhìn xung quanh, nhưng không nhận ra được gì cả.

“Đây là nơi nào thế? Anh là ai? Anh nói gì vậy? Tôi còn sống không?” tôi hỏi anh ta liên tiếp như thế.

“Đừng nói rỡn chứ ông bạn”, anh ấy cười, nhấn mạnh: “Đây là trại học tập cải tạo Thanh Phong. Tôi là Trương, bạn anh đây. Bạn và tôi cùng đang sống trong trại này nhận ra tôi chưa? Bạn ra mồ hôi nhiều quá.”

“Anh thật tử tế với tôi quá anh Trương ạ”, tôi cười. Tôi đã nhận ra anh ấy. Rồi tôi thở một hơi thật dài và ngồi dậy.

Trương đưa một tô cháo lớn cho tôi thân mật nói: “Đây là tô cháo mà chúng ta mong ước. Sau khi ăn xong bạn có thể chạy được ngay. Tôi bảo đảm vậy đó.”

Tôi cảm thấy vui vẻ với lời của bạn tôi. Tôi cảm thấy rất dễ chịu. Sức khoẻ tôi hình như bình phục lại nhiều. Bây giờ tôi hoàn toàn tỉnh trí lại. Tôi nhìn bạn tôi với vẻ cám ơn và hai tay bưng lấy tô cháo lớn.

“Ồ! Cháo ngon quá!” Tôi cười hỏi một cách sung sướng: “Làm sao anh có được tô cháo này vậy?”

Trương, hình như chỉ chờ hỏi có thế, trả lời một cách hăng hái và kiêu hãnh: “Khi tôi lấy đòn gánh để gánh đôi thùng nước tôi trông thấy một con rắn đen lớn, dài đến hai thước, bò ngang qua sân bếp.” Anh ta phá ra cười, nói: “Con rắn hình như muốn dâng hiến cuộc đời cho chúng ta vậy. Nó bò rất chậm. Chỉ cần đập một cú là tôi đã giã ngay đầu nó. Nghĩ đến bạn tôi vội nấu tô cháo này. Đậu xanh và thịt rắn thật là hợp với nhau nhất là về phương diện dinh dưỡng. Anh nên ăn ngay bây giờ đi. Cháo hãy còn nóng đó.”

Tôi tự nhiên cúi đầu và nhắm nghiền mắt lại. Tôi tránh né chẳng muốn nhìn gì. Tôi phải thú nhận, tôi muốn ăn cháo để cho bạn tôi vui lòng, nhưng tôi quên thế nào được con rắn đen. Con rắn đen đã tha mạng cho tôi rồi nó còn bò rất chậm chạp như muốn hy sinh thân nó trong bàn tay của Trương để cung cấp cho tôi một tô cháo đầy dinh dưỡng hầu cứu mạng tôi.

Tôi mở mắt ra và không cầm được tiếng thở dài. Tôi nhìn Trương và đưa lại cho anh ta tô cháo.

“Đây chẳng phải là một điều bí mật gì, anh Trương ạ. Đây quả thật là một sự thực diệu kỳ. Cuộc đời này không vô nghĩa lý đâu.”

Trong tận cùng tâm khảm tôi cảm thấy dễ chịu.Thật sự thoải mái. Tôi nhìn vào cặp mắt mở lớn của bạn tôi, mỉm cười rồi tiếp tục nói: “Để tôi thay quần áo, bộ đồ này ướt đẫm mồ hôi rồi, tôi sẽ kể cho anh nghe về chuyện con rắn đen.”

Tôi đứng dậy và chẳng cần nhờ đến cây gậy để đi nữa, tôi bước vững vàng về phía mấy cái kệ để quần áo ở cuối căn phòng rộng trước cặp mắt ngạc nhiên của bạn tôi, anh thích thú bưng tô cháo rắn còn đang bốc khói.

LS Ngô Tằng Giao

(chuyển ngữ)

Còn Gì Để Lại

Nguyễn Quang Dũng

congidelai-nnb-image

 

1.  Những tấm hình gần nhất trước ngày D…

Ngày chủ nhật 7 tháng 2, 2016 tôi gặp Thầy Nguyễn Ngọc Bích và Cô Đào Thị Hợi tại Chợ Tết Cộng Đồng Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn. (Tôi gọi GS Nguyễn Ngọc Bích là Thầy vì Thầy Bích có thời gian giảng dạy ở Đại Học George Mason, Virginia:  Thầy phụ trách giảng dạy  lớp  Truyện Kiều, bằng tiếng Việt, tiếng của người mình).  Thầy Bích đang lui hui bày những cuốn sách của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ trên bàn. Tôi đến chào Thầy và lấy xuống xem một cuốn sách sử ký của sử gia Lê Mạnh Hùng mà Thầy trưng bày ở chổ cao nhất trên giá đựng sách. Chắc Thầy nghĩ tôi chỉ đến xem cho vui, hay mua một cuốn “ủng hộ” gian hàng sách của  Thầy. Nhưng khi tôi thưa với thầy là tôi muốn mua trọn bộ 5 quyển “Nhìn Lại Sử Việt”  thì Thầy vui lắm. Thầy nói với tôi: “Lẽ ra trọn bộ giá $133, nhưng tôi sẽ “discount” cho anh và chỉ lấy $100”. Thầy cho 5 cuốn sách vào túi nylon xong thì tôi xin chụp Thầy và Cô một tấm hình kỷ niệm dưới đây:

DSC01095

Ngày thứ hai 8 tháng hai, 2016, mồng một Tết Bính Thân, tôi gặp lại Thầy Bích trong bộ quốc phục cổ truyền , áo dài, khăn đóng, với khăn quàng cổ màu vàng  ba sọc đỏ. Thầy cười vui trong buổi lễ Chào Cờ đầu năm mới  Bính Thân 2016 do Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức. Tôi đang đứng cạnh anh Nguyễn Kim Hương Hỏa, Hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông nên mời Thầy chụp chung một tấm hình với anh Hương Hỏa.  Thầy và Hội Hành Chánh vốn thân thiết với nhau đã lâu, năm nào Thầy Bích và Cô Hợi cũng là khách mời danh dự của buổi tiệc Hội Ngộ Tân Niên Quốc Gia Hành Chánh  đầu năm dương lịch.

DSC01309

Trong tấm hình tôi chụp hôm đó, Thầy Bích cười, tươi tắn.  Và sau này tôi nhận ra trên nhiều tấm hình chụp, Thầy lúc nào cũng có nụ cười hiền hòa cố hữu đó.

Ngày thứ bảy 20 tháng hai, 2016. Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức Lễ Tổ tiên và Chúc Thọ năm Bính Thân 2016. Buổi tối thứ sáu, tôi lo trình bày, in và chuẩn bị nhiều khung hình chúc thọ cho các vị Hội viên cao niên với tuổi thọ từ 70, 80, 90 đến 100. Ở xứ Hoa Kỳ này, tôi thấy các “cụ” 70 hay 80 của Hội Cao Niên vùng này rất mạnh khỏe và năng động. Bảy mươi như anh chị phóng viên Đào Hiếu Thảo thì không thể gọi là người “già” mà phải gọi là người trẻ của Hội Cao Niên. Tôi biết rất nhiều vị trên 70 từ chối gia nhập Hội “Cao Niên” chỉ vì họ nghĩ là họ chưa …già. Cho nên trên bản tin Cao niên tháng hai, 2016 tôi không “dám “ gọi các cụ 80 mà dùng chữ “quý vị 80”. Quả vậy, trong số các “cụ” 80  Hội Cao Niên chúc thọ năm nay, có GS Kim Oanh,  Bà Tuyết Ngọc…những vị cao niên năng động  này không thể gọi là người già được. Tôi  có thấy tên GS Nguyễn Ngọc  Bích trong số các “cụ” 80 (tính theo tuổi ta). Tôi nghĩ đến  Thầy Bích và nụ cười của Thầy trong Lễ Chúc Thọ vào ngày mai.congidelai-nnb-chuctho80

Tiếc thay thứ bảy hôm sau đó, Thầy và Cô Hợi bận lễ chùa nên đến trễ;  Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ đã xong, Nhưng Thầy cũng tham dự Lễ mừng sinh nhật chung, Thầy tham gia sinh hoạt văn nghệ. Anh Nguyễn Văn Đặng chụp tấm hình dưới đây, lúc Thầy Bích đang hát:

DSC01310

Ngày 2 tháng 3, 2016, giờ Hoa Thịnh Đốn,  sáng vào mở email từ anh Bùi Mạnh Hùng, tôi biết tin Thầy Nguyễn Ngọc Bích mất trên chuyến bay đến Manila, Phi Luật Tân dự Hội nghị về Biển Đông.  Trên vùng trời cách không xa lắm quê hương Việt Nam yêu dấu, lúc đó là ngày 3 tháng 3,  Thầy Bích bị nghẽn mạch máu cơ tim.  Theo lời Cô Hợi kể lại: Thầy nói với Cô Hợi là Thầy mệt lắm chưa bao giờ mệt như vậy. Và chỉ như vậy, Thầy đi.

Tin Thầy Bích mất làm tôi lặng người.  Mới vừa đây, hai tuần trước, Thầy còn đó.

Sống và Chết, quả tình chỉ cách nhau một hơi thở – tôi còn nhớ nhiều Phật tử thường hay nhắc nhau câu nói này. Từ lâu,  tôi cũng như nhiều người khác thường hay nghĩ rằng đời sống của mình hãy còn ngày rộng tháng dài. Rằng  mình – mới 60, 70 hay dầu đã 80- vẫn còn khỏe. Cái chết  là chuyện xa vời, không ai màng nghĩ  đến. Trong lúc,  thực ra, nỗi chết rình rập mọi lúc, mọi nơi và không kể trẻ hay già.

Sáng nay, tôi phải tự nhắc để tôi nhớ,  đừng quên, không được quên điều này: Chuyện gì làm được,  đừng chờ đến ngày D. vì đến lúc đó có hối tiếc thì mọi sự đã muộn màng.

Ngày Đi hay viết tắt là ngày D, chữ tôi dùng cho ngày chết, hay nói cho có vẻ văn chương chữ nghĩa hơn – ngày vĩnh biệt cõi đời, là cái ngày mà tôi và vài ông bạn già rất thân thiết – như  Cụ Hà Bỉnh Trung (đã đi) hay anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao (đã trên 70, vẫn còn nhất định chưa chịu nhận là mình già) -vẫn thường cười cười nói với nhau khi có dịp gặp mặt: “ Đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng, khi nào có “vé” là lập tức  lên đường “. Anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao còn chu đáo hơn nữa, anh sáng tác rất nhiều thơ lục bát về Phật giáo, in thành sách hơn mấy chục tập và biếu không đến người đọc. Anh nói, ” Tôi làm vậy là để có “quỹ” mua vé trước nên tôi biết tôi sẽ “đi” về đâu.”

2. Cơ Hội Không Còn…

Tôi vẫn tự trách tôi hoài, về cái tính lần lửa không kết thúc nhiều việc, nhiều chuyện có thể kết thúc được. Việc tôi tự trách tôi lần này khi biết tin Thầy Bích vĩnh viễn vắng bóng liên quan đến công việc tôi đang góp tay với Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh miền Đông Hoa Kỳ. Tôi thiết kế hay nói nôm na là “dựng lên” hai cái website ( tiếng Việt mình chưa có nhiều chữ diễn tả cho đúng quá nhiều thuật ngữ kỹ thuật của thế kỷ 21 nên tạm thời có nhiều chỗ tôi phải để nguyên chữ tiếng Anh ở đây.) Ở hai website này, ban chủ trương vẫn mong thực hiện được việc chia sẻ đến người đọc khắp nơi những tin tức, kiến thức, kinh nghiệm hay sáng tác từ những người viết tài tử hay chuyên nghiệp với điều kiện là những bài viết này là những bài viết nguyên thủy từ những người viết mà ban biên tập website biết được tác giả là ai. Nói khác đi, những người trong ban chủ trương muốn thực hiện một  website không cóp nhặt, sao chép tùy tiện.

Tháng trước, tôi có đọc mấy bài viết của Thầy Nguyễn Ngọc Bích, ký tên dưới bút hiệu Tâm Việt.  Và tôi vẫn thường hay gặp Thầy trong những buổi hội hàng tháng của Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn, mà Thầy Bích là Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ của Hội. Tôi tự nhủ không có cơ hội nào tốt hơn nữa là gặp Thầy vào phiên hội đầu tháng tới; mời Thầy tham gia, giúp tay, và sau đó được phép chuyển tải các bài viết của Thầy lên  website caoniendc.com hay website quocgiahanhchanhmd.com và thử bàn với thầy về một hướng hợp tác giữa  nhà in của tôi và  Tổ hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ do Thầy chủ trương, nhất là tìm một giải pháp mới cho tình trạng bế tắc về việc phát hành sách báo tiếng Việt tại hải ngoại.

Vậy mà tất cả các dự trù, cơ hội và cái “lợi thế” thiên thời, địa lợi và nhân hòa để có sự hợp tác và giúp tay của Thầy Bích với Hội Cao Niên và Hội Hành Chánh về mặt báo chí và website bỗng nhiên tan biến trong chớp mắt.

Lúc đọc lại  tiểu sử của Thầy Bích về những trách vụ Thầy từng đảm trách lúc sinh tiền, tôi chợt nhớ ra rằng tôi đang đứng trước một  Thái Sơn của làng thông tin báo chí.

Từ 1971 đến 1975, Thầy Nguyễn Ngọc Bích từng là Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi, Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, sáng lập viên Viện Đại Học Cửu Long và là sứ giả đặc trách của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu trong cuộc vận động sau cùng với Quốc Hội Hoa Kỳ về viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam.

Năm 1975, Thầy Bích trở lại Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của Thầy, từ đó mở ra  chuỗi dài của những hoạt động không ngưng nghỉ trong đủ mọi lĩnh vực  xã hội, chính trị, giáo dục, nhân quyền, dịch thuật, biên khảo, bảo tồn văn hóa Việt ở xứ người. Thầy Bích đã từng nắm giữ những trách vụ cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ như Phó và sau đó Quyền Giám đốc Office of Bilingual Education and Minority Languages Affairs thuộc Bộ Giáo Dục Liên Bang dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Giám Đốc Ban Việt Ngữ  Đài Á Châu Tự Do (RFA)  từ  năm 1997 đến 2003.

3. Còn Gì Để Lại …

Quan trọng hơn hết là tinh thần dấn thân của Thầy Nguyễn Ngọc Bích trong rất nhiều công việc liên quan đến cộng đồng Người Việt hải ngoại và những công cuộc đấu tranh hướng về một nước Việt Nam tự do,  dân chủ và tiến bộ.  Người khen, kẻ chê Thầy cũng nhiều, nhưng không ai có thể phủ nhận được tấm lòng và tinh thần làm việc hướng về lợi ích chung cho cộng đồng người Việt của Thầy.

Dấn thân và phục vụ là hai nhân tố căn bản và trọng yếu nhất thể hiện trong đời sống của Thầy Bích. Cũng có thể vì cái gì Thầy cũng muốn làm, chỗ nào Thầy cũng tình nguyện, cho nên những công việc và mục tiêu Thầy theo đuổi cũng trải rộng và do vậy khó lòng nhìn thấy hay lượng định hết những thành tựu hay kết quả đạt tới. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong cộng đồng người Việt Hải ngoại đến tuổi 80 còn có được khả năng, sức làm việc và tinh thần hoạt động không ngừng nghỉ cho cộng đồng người Việt như Thầy Bích?

Đối với tôi, Thầy Bích lúc nào vẫn là một người Việt Nam khả kính, đa năng  và đáng quý. Thầy Bích dạy tôi được một bài học căn bản xuyên suốt qua đời sống phục vụ của Thầy cho đến hơi thở cuối cùng  là: Hãy sống bằng trái tim Việt Nam với tất cả tấm lòng dâng hiến.

Xin cảm ơn và vĩnh biệt Thầy Nguyễn Ngọc Bích.

Nguyễn Quang Dũng
Ban Thông Tin và Báo Chí Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn
VA Tháng 3/2016

(Xin bấm vào hình để xem hình ảnh tang lễ GS Nguyễn Ngọc Bích do Phóng Viên Quân Đội Trần Bửu Khánh ghi lại)

nnb-phuco-web

Khía Cạnh Pháp Lý Của Phỉ Báng và Vu Khống

LS Ngô Tằng Giao 

phibang va vu khong image
1.  Hiện tượng phỉ báng mạ lỵ trong lịch sử Anh-Mỹ

Vào năm 1637, một cây viết người Anh tên là William Prynne đã phạm một lỗi lầm rất lớn khi viết một cuốn sách trong đó chỉ trích Nữ Hoàng.  Bị đưa ra xét xử trước tòa án anh chàng Prynne xui xẻo đó bị đoàn thẩm phán kết cho tội phỉ báng (libel) với bản án tù chung thân.  Ngoài ra, bị cáo còn bị thêm một hình phạt phụ nữa là bị xẻo tai trước khi bị tống vào nhà giam.

Thời thuộc địa, cho tới năm 1734, việc phỉ báng quan chức, dù nội dung có đúng hay không, đều bị coi là phạm tội. Nếu cây viết Prynne này mà sống trong thế giới tân tiến Hoa Kỳ vào thời buổi này thì có thể phóng bút thật là thỏa chí, tự do mà viết lách, muốn phê bình ai cũng được, dù là Nữ Hoàng hay là Tổng Thống mà chẳng sợ bị xẻo tai hay ở tù.

Nhưng từ năm 1734, khi Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh, đã có một vụ án lịch sử, đó là vụ Zenger. John Peter Zenger là một chủ nhiệm báo tại tiểu bang New York, ông đã đăng tin trên tờ New York Weekly Journal của mình chỉ trích vị thống đốc hoàng gia Anh tiểu bang này là bất tài và nhận hối lộ. Ông bị kiện ra tòa và đã phải vào tù về tội phỉ báng và mạ lỵ. Nhưng luật sư Andrew Hamilton bào chữa cho Zenger đã tạo nên một bước ngoặt về pháp lý. Luật sư đã thắng kiện (1735) khi nêu ra được sự thật rằng những điều chỉ trích là đúng và do đó làm chứng cứ miễn trách hoàn toàn cho Zenger về tội trên. Tòa án tuyên bố Zenger vô tội.

Tại Hoa Kỳ trước năm 1964, các tiểu bang thường quyết định rằng phỉ báng và mạ lỵ không được Tu Chính Án Số Một (First Amendment) của Hiến Pháp bảo vệ. Các nhà báo tuyệt đối chịu trách nhiệm về bài viết của mình, cứ chỉ trích là bị tội, dù đó là sự thật. Toà án không phân biệt nội dung của sự phỉ báng mạ lỵ là đúng hay sai.

Phải đợi tới khi Tối Cao Pháp Viện, vào năm 1964, trong vụ án “New York Times vs Sullivan” mới thẩm định rằng các nhân vật được xếp vào thành phần “chính khách, viên chức” (public official), nếu muốn thắng kiện phải chứng minh rằng tin tức phổ biến là thất thiệt, có tính cách phỉ báng, mạ lỵ và bị đơn (người phổ biến) có manh tâm ác ý, biết rõ đó là tin thất thiệt mà vẫn phổ biến gây phương hại cho nguyên đơn.

Vụ án “New York Times vs Sullivan” xuất phát từ một trang quảng cáo đăng trên tờ New York Times của một số mục sư nhằm quyên tiền để bào chữa cho mục sư Martin Luther King là nhà hoạt động nhân quyền lừng danh nước Mỹ, sau khi ông mục sư này bị bắt giam. L.B Sullivan, người phụ trách sở cảnh sát thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama, cho rằng nội dung quảng cáo đã nói không đúng về các hành vi của lực lượng cảnh sát và phỉ báng mình, nên đã kiện New York Times và các mục sư ra tòa án. Xét thấy nội dung quảng cáo có một số thông tin không đúng, tòa án đã quyết định cho Sullivan thắng kiện, buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông này 500 ngàn USD.

New York Times và các mục sư đã kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện. Tòa tối cao cho rằng không thể áp đặt hình phạt đối với việc phê phán hành vi ứng xử của các công chức. Tòa cho rằng, những công chức Nhà nước muốn thắng kiện trong trường hợp này không những phải chứng minh những nội dung được đăng tải là sai mà còn phải chứng minh những người đăng tải nội dung này là “có ác ý”. Trong vụ kiện trên tòa nhận thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ tờ New York Times và các mục sư đã “có ác ý” khi đăng nội dung đó vì vậy, tòa phán quyết New York Times và các mục sư thắng kiện.

Từ thời điểm này án lệ trên được áp dụng cho tất cả các vụ kiện về tội phỉ báng: một nguyên đơn là quan chức Nhà nước muốn thắng kiện nhất thiết phải chứng minh rằng những lời phỉ báng của bị đơn là sai, đồng thời phải chứng minh được cái sai đó là “có ác ý”.

 Tối Cao Pháp Viện còn mở rộng tầm ảnh hưởng của án lệ “Sullivan” nói trên không chỉ dành cho các quan chức nhà nước mà và áp dụng cả với thành phần những “người của công chúng” (public figure), đó là những người “thường xuyên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông”, các nhân vật có tiếng tăm như nhà kinh doanh, nhà tài phiệt hoặc các cây viết nổi tiếng, các nhà thể thao và ngôi sao giải trí, tài tử màn bạc được ưa chuộng v.v…. hoặc một người nổi danh, giữ địa vị quan trọng trong cộng đồng. Khi nguyên đơn là người của công chúng, nếu muốn thắng kiện thì chính nguyên đơn không những phải chứng minh những lời phỉ báng sai sự thật, mà còn phải chứng minh là bị đơn có ác ý, vì biết là sai mà vẫn nói, lại thiếu thận trọng không phân biệt được thế nào là giả, thế nào là thật, kết quả của sự “cẩu thả, coi thường sự thật” (reckless disregard of the truth).

Còn nguyên đơn, nếu là “dân thường”, là “tư nhân” (private figure), để thắng kiện, chỉ cần chứng minh trước tòa án là lời phỉ báng do chính bị đơn loan truyền và bị đơn không chứng minh được lời đó đúng sự thật mà chỉ có tính cách vu khống, thất thiệt là đủ yếu tố tội phạm của tội phỉ báng và mạ lỵ. Nguyên đơn không cần chứng minh thêm sự manh tâm ác ý của người đã loan tin đó. Nguyên đơn cũng không có trách nhiệm phải chứng minh ngược lại những điều bị đơn nói về mình.

2.  Tu Chính Án Thứ Nhất

Hoa Kỳ không có đạo luật nào về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Quyền này chỉ được ghi cùng với các quyền khác trong một điều khoản đó là “Tu Chính Án Thứ Nhất” của Hiến Pháp (The First Amendment to the United States Constitution). Toàn văn của Tu Chính Án này như sau: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances” (Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình).

Lời văn trong điều khoản này cho thấy không có sự quy định là người dân có quyền tự do ngôn luận hay báo chí, nó chỉ ngăn chặn nhà nước ra các đạo luật làm hạn chế quyền này mà thôi. Đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai đủ tư cách ban phát, Hiến Pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy. Tu Chính Án Thứ Nhất được ban hành có vẻ là để nhắm tới chính quyền, chứ không phải nhắm vào người dân hay báo chí.

Tự do ngôn luận là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Thuật ngữ đồng nghĩa với tự do diễn đạt hoặc tự do thể hiện, biểu lộ (freedom of expression) Tuy nhiên luật pháp Hoa Kỳ cũng bảo vệ mạnh mẽ chống lại những sự vu khống làm thiệt hại đến thanh danh của người khác. Tại Hoa Kỳ, tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm, và cũng là niềm hãnh diện của người dân ở đất nước có tự do dân chủ. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể nói bất cứ điều gì họ muốn. Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một lời vu khống, một lời tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và cuộc sống của một công dân.

Quyền tự do ngôn luận cũng được thừa nhận như là một quyền con người trong Điều 19 Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền và được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR).

3.  Tinh thần “McCarthy”

Thời đại McCarthy là tên gọi thời thập niên 1950, khi Joe McCarthy thúc đẩy một loạt các cuộc điều trần tại Quốc Hội, tố cáo người này người kia là cộng sản, là tay sai Liên Xô, làm cả nước Mỹ nóng lên với cơn sốt chống cộng, chỉ để dẫn tới nhiều người bị chụp mũ và cũng nhiều người khác chán nản bỏ nước Mỹ mà đi.

Joseph Raymond “Joe” McCarthy (1908-1957) là một chính trị gia người Mỹ, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa tiểu bang Wisconsin từ 1947 cho đến khi qua đời năm 1957. Từ 1950, McCarthy đã trở thành gương mặt công chúng tiêu biểu nhất ở giai đoạn mà những căng thẳng của chiến tranh lạnh càng khiến gia tăng nỗi sợ về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ nghĩa cộng sản. Ông nổi tiếng vì đưa ra những lời tuyên bố rằng đang có khá đông người cộng sản và các điệp viên Xô Viết cũng như những người có cảm tình với Liên Xô bên trong chính quyền liên bang Mỹ và những nơi khác. Rốt cuộc, thượng viện Hoa Kỳ đã chỉ trích những sách lược của ông cũng như sự bất lực của ông trong việc chứng minh những tuyên bố của mình.

Thuật ngữ chủ nghĩa McCarthy ra đời năm 1950 thoạt tiên đã sớm được áp dụng cho những hoạt động chống cộng. Ngày nay, thuật ngữ này được dùng theo nghĩa rộng hơn liên quan đến những lời buộc tội mị dân, thiếu suy nghĩ và vô căn cứ, cũng như công kích công khai nhằm vào tính cách hoặc lòng yêu nước của các đối thủ chính trị.

4.  Tội phỉ báng và vu khống

     Trong tiếng Anh phỉ báng là “defamation”. Trong tiếng Pháp là “diffamation” và trong Tự Điển Pháp Luật Pháp Việt giáo sư Vũ Văn Mẫu dịch là “phỉ báng, hủy báng”.

     Về phương diện pháp luật thời “phỉ báng” muốn cấu thành một tội phạm thì phải được hội đủ những yếu tố sau:

     1- Phỉ báng là hành động phổ biến những tin tức, nói ra những điều không đúng sự thật và giả dối về một người khác (the act of making untrue, false statements about another).

     2- Lời nói xuyên tạc sự thật đó làm tổn hại thanh danh, uy tín người khác (which damages his/her reputation).

     3- Đặc biệt là những hành động và lời nói bịa đặt đó được loan truyền, được phổ biến ra công chúng một cách công khai khiến người thứ ba nghe được (particularly when the false statement is published).

     Hành động phổ biến có hai hình thức, hoặc là bằng lời nói (slander) hay là bằng chữ viết (libel):

     1- Sự phỉ báng, mạ lỵ (slander): Phỉ báng, mạ lỵ là việc thể hiện hành vi thường là bằng lời nói với những người khác về một nhân vật nào đó nhưng không đúng sự thật (making false statements in a non-print format, usually statements that are spoken to others).

    2- Sự vu khống, vu cáo (libel): Vu khống, vu cáo là lời phát biểu sai quấy được viết ra trên giấy, chẳng hạn viết trên những nhật báo và tạp chí, viết trên trang báo mạng (Internet online), media, hoặc bản in, hoặc tranh ảnh, hình vẽ hoặc bằng hình thức nào đó mà người ta có thể nhìn thấy được, đọc được (the issuance of false statements in print, like newspapers and magazines, even in their online formats).

     Nói chung các hành vi phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo là bày tỏ công khai bằng lời nói, hay bằng cách viết, hoặc bản in, tranh vẽ nhằm ý đồ triệt hạ người khác một cách bất chính, nhằm làm tổn hại thanh danh, danh dự (reputation), uy tín (credibility) của người khác hoặc tổn hại cho công việc, công tác của người ta dưới bất cứ khía cạnh nào đó.

     Nhưng xét kỹ ra thì vào thời buổi này cái khái niệm pháp lý về sự khác biệt giữa phỉ báng và vu cáo, giữa “slander và libel” hầu như đã không còn tồn tại nữa vì sự phát triển lớn lao của các hệ thống truyền thông thời buổi điện tử. Thí dụ như các mạng lưới truyền hình Hoa Kỳ đôi khi bị kiện cáo về tội “libel” mặc dù chẳng có lời lẽ nào được viết ra trên giấy trắng mực đen. Trái lại những phóng viên, nhà báo, bình luận gia, chủ bút, cơ sở truyền thông… đã chỉ “nói”, chỉ “phát ngôn” những lời lẽ của họ cho các khán thính giả ngồi nhà vừa “nghe” vừa “nhìn” chứ không ngồi “đọc” chi cả.

5.  Một số vụ án về phỉ báng và vu khống trong cộng đồng người Việt

Xin liệt kê một số vụ đã bị toà án xử phạt về tội phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ:

     1- Năm 2003, bồi thẩm đoàn thuộc tòa án quận Denver, tiểu bang Colorado kết tội nhà sư Lê Kim Cương và ban quản trị chùa Như Lai tại Colorado là đã mạ lỵ, phỉ báng và vu khống hai chị em cô Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là cộng sản sau khi họ tố cáo một nhà sư của chùa này có hành vi tình dục bất chánh. Hai cô này thắng kiện và tòa xử cho được bồi thường $4.8 triệu.

     2- Năm 2006, tại Saint Paul, Minnesota, ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và là chủ nhân ngôi chợ Capital Market, thắng kiện và được bồi thường $693,000 thiệt hại vì một số người Việt ở đây đã chụp mũ ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và vi phạm 18 tội mà họ liệt kê ra. Nhưng các người này không chứng minh được tội nào cả. Sự vu cáo này gây nhiều tổn thất về cả tinh thần và kinh tế cho ông và gia đình.

     3- Năm 2009, ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, cựu trung úy QLVNCH bị chụp mũ là cộng sản. Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang Washington phán quyết năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông.

      4- Năm 2011, ông Hoài Thanh dựa trên chứng cớ cho rằng bà Ngô Thị Hiền (thuộc Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam) và người em là Ngô Ngọc Hùng (đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại Vietnamese Public Radio) ở Maryland, đã dùng hệ thống truyền thông của mình để chụp mũ ông là cộng sản. Tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Maryland đã ra lệnh cho bà Ngô Thị Hiền và ông Ngô Ngọc Hùng phải bồi thường $1 triệu đô la cho ông Hoài Thanh (cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland).            

      5- Năm 2011, ông Michael Do, tức Đỗ Văn Phúc (một doanh nhân ở vùng Austin) đã phổ biến những bài viết có tính cách “phỉ báng, mạ lỵ, vu khống, gây tổn hại tinh thần và vật chất” cho Bà Nancy Bui (hội trưởng của Vietnamese American Heritage Foundation). Bà Nancy Bui (tức ký giả Triều Giang) bị vu là cộng sản hay thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt cộng. Tòa án của quận Travis thuộc tiểu bang Texas đã phán quyết ông Phúc phải bồi thường cho bà Nancy $1.9 triệu. Trong đó $800,000 là  tiền bồi thường thiệt hại, và $1,100,000 là tiền phạt để làm gương, gọi là “exemplary damages”.

     6- Năm 2013 thì chấm dứt một vụ kiện khởi sự từ năm 2003. Trong vụ này ba ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Đạt Hồ và hai bà Nhàn Trần và Nga Phạm đã bị ông Tân Thục Đức, hiệu trưởng Trường Việt Ngữ ở Thurston County, kiện về tội họ đã chụp mũ cho ông là cộng sản. Họ công khai tố cáo ông Đức là một nhân viên bí mật của Việt cộng (undercover Viet Cong agent). Vụ kiện kéo dài đến tháng 4 năm 2009 thì Tòa Superior Court ở Thurston County, Washington State, mới xử và tuyên phạt những người này phải bồi thường cho ông Đức một số tiền là $310.000. Các bên tranh tụng đã kháng cáo bản án lên Tòa Phúc Thẩm rồi sau đó thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Washington State. Kết quả là vào ngày 9.5.2013 Tối Cao Pháp Viện đã y án Tòa Thurston County.

     7- Năm 2014 trong một bài báo bà Hoàng Dược Thảo, bút hiệu Ðào Nương, viết rằng cộng sản Việt Nam đã mua nhật báo Người Việt và để cho ông Phan Huy Ðạt đứng tên làm chủ nhân (The Vietnamese communistes bought the Nguoi Viet Daily News and asked Dat Huy Phan act as owner for them) và ông Phan Huy Đạt đã dối trá khi nộp đơn xin giấy phép hành nghề. Cũng trong bài viết ấy, bà loan tin đồn về đời tư của bà Vĩnh Hoàng (phụ tá tổng giám đốc, phụ trách thương vụ), rằng bà này không có khả năng trí tuệ, đã có chồng mà có nhiều tai tiếng xấu về tình ái, một phụ nữ thiếu trong trắng (an unchaste woman who is unqualified for her profession and known to have many scandalous affairs).

Tại Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, Quận Cam, ba nguyên đơn gồm công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Vĩnh Hoàng, thắng vụ kiện hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhân hệ thống này về các tội phỉ báng và vu khống. Bồi thẩm đoàn 12 người cùng bỏ phiếu thuận, xác định mức bồi thường cho các nguyên đơn $3,000,000, để đền bù các tổn hại về danh dự, uy tín, và tinh thần. Thêm vào đó, 10 bồi thẩm viên cũng bỏ phiếu xác định mức phạt thêm bị cáo $1,500,000 để làm gương (punitive damage), vì hành xử bị cho là có ác ý. Tổng số tiền bồi thường và phạt là $4.5 triệu.  Ngoài ra bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu tuần báo Saigon Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn.

Trong các vụ điển hình vừa thuật lại ở trên, chúng ta thấy chỉ có vụ thứ 6 (vụ ba ông và hai bà bị ông Tân Thục Đức kiện về tội chụp nón cối) là vừa kháng cáo sau đó lại thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện tiểu bang. Nhưng trong phán quyết ngày 9.5.2013. Tối Cao Pháp Viện đã quyết định với tỉ số 6-1, y án tòa nguyên thẩm và minh định: “Không có sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất đối với những hình thức tuyên bố sai sự thật và gây thiệt hại; quả thật, mục đích của luật về phỉ báng chính là để trừng phạt những lời phát biểu như thế” (There is no First Amendment protection for the type of false, damaging statements; indeed, the purpose of the law of defamation is to punish such statements).

6. Bồi thường thiệt hại

Sau khi đã chứng minh được là bị đơn phỉ báng và vu khống cho mình, nguyên đơn thắng kiện có thể được bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại đó gồm có các loại sau:

     1- Loại thứ nhất là “thiệt hại đặc biệt” (special damage), còn gọi là thiệt hại kinh tế, nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể mà nguyên đơn đã phải chi ra, thí dụ như tiền chi trả cho luật sư của mình, tiền khám bệnh trả cho bác sĩ, tiền mua thuốc men, tiền lương bị khấu trừ trong thời gian phải tạm nghỉ làm việc v.v…

     2- Loại thứ nhì là “thiệt hại hiện thực” (actual damage) nhưng có tính cách “tổng quát” (general damage), chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại tới uy tín, tới cương vị của nguyên đơn trong cộng đồng… Tuy không nhất thiết phải đưa ra một con số thiệt hại cụ thể nhưng các nguyên đơn vẫn phải chứng minh là mình đã chịu những thiệt hại này.

     3- Loại thiệt hại thứ ba là “thiệt hại phỏng đoán” (presumed damage). Theo luật hiện hành, mọi lời phỉ báng được phỏng đoán là đương nhiên gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dù rằng nguyên đơn có thể không có chứng cớ gì cụ thể hoặc không biết là đã  phải gánh chịu những thiệt hại đó. Bồi thẩm đoàn có toàn quyền ấn định số thiệt hại này.

     4- Loại thiệt hại thứ tư là “thiệt hại trừng phạt” (punitive damage) hay “thiệt hại làm gương” (exemplary damage) trong trường hợp nguyên đơn có thể chứng minh được ác ý của bị đơn. Chứng minh rằng bị đơn, dù biết hành động của mình là sai trái, là sai sự thật mà vẫn nhất định cố tình làm để gây tổn hại cho nguyên đơn. Theo luật pháp Hoa Kỳ, khoản tiền phạt này đồng thời nhắm mục đích làm gương, ngăn ngừa người khác phạm những vi phạm tương tự. Tiền phạt làm gương có khi cao hơn tiền bồi thường thiệt hại. Mặc dù mục đích của tiền phạt làm gương không phải là bồi thường cho nguyên đơn, nhưng trên thực tế, nguyên đơn sẽ nhận được toàn phần hay một phần của tiền phạt này.

7.  Ý kiến hay sự kiện

Trong những vụ kiện về phỉ báng, mạ lỵ, và vu khống, tòa án phân biệt lời phát biểu của bị đơn khi nói về người khác thuộc dạng lời nói “bày tỏ ý kiến” (statements of opinion) hay “phát biểu về sự kiện” (statements of fact). Quyền tự do ngôn luận cho phép người ta tự do bày tỏ ý kiến mà không phạm tội phỉ báng. Ý kiến là một câu nói không thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người “thiếu thông minh” thì đó là một “ý kiến” (opinion). Ngược lại, “sự kiện” (fact) là điều có thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người là “cộng sản” tức là đang nói về “sự kiện.” Tuy thế sự phân biệt giữa “ý kiến” và “sự kiện” không luôn luôn rõ ràng. Thông thường một từ ngữ miêu tả (descriptive word) ám chỉ dữ kiện và một từ ngữ thẩm định (evaluative word) ám chỉ quan điểm.

     1- Opinion: Khi bạn đưa ra cái nhận xét, cái đánh giá của bạn về một sự vật, về một con người, hay một hành động thì đó được gọi là “opinion”. Thí dụ một nhân vật trong cộng đồng được nhiều người biết đến. Có người ca tụng ông ta là một nhân vật giỏi giang và khiêm tốn. Nhưng lại có người nói rằng ông ta là người tầm thường và hám danh. Rõ ràng, cảm nhận hay lời bày tỏ ý kiến của hai người trên hoàn toàn khác nhau. Hay nói cách khác opinion đối lập tùy từng người. Tự do ngôn luận cho phép người ta phát biểu “ý kiến” mà không bị kết tội phỉ báng. Ý kiến là một điều không dễ chứng minh được là đúng hoặc sai.

     Hoặc khi một người nói “Cô ấy là ca sĩ có giọng ca hay nhất” thì câu này thuộc dạng bày tỏ ý kiến (statement of opinion). Câu nói thuộc loại này thường gây tranh luận, người thì thấy cô ta hát hay thật, người khác thì lại thấy cô ta hát không hay, chỉ chuyên ăn mặc hở hang uốn éo khêu gợi mà thôi. Khó phán đoán ai đúng ai sai.

     Ý kiến dù không đúng hay quá đáng cũng có thể được miễn trách, nếu không nêu lên các sự kiện thất thiệt khác. Như thí dụ ở trên, nói cô ca sĩ ăn mặc hở hang có vẻ “khiêu dâm” thì tạm được miễn trách nếu không có ác ý. Nhưng nếu nói thêm là đương sự đã từng bị bắt về tội “bán dâm” thì câu này mang tính chất bôi nhọ (defamation) và dâm tục (obscenity) tất nhiên người phát biểu câu đó có thể bị coi là đã phạm tội phỉ báng, vu cáo nếu không có bằng chứng cụ thể.

     2- Fact: là khái niệm về một sự thật, một điều có thật và có thể chứng mình được. Thí dụ một người đi kiếm việc làm tự giới thiệu là có bằng tốt nghiệp ở một trường Đại Học và đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc cho một công ty nào trước đó. Đây là một câu nói thuộc dạng “statement of fact”, một lời phát biểu về sự kiện. Cả hai thông tin này đều có thể kiểm chứng được nhờ vào việc xuất trình bằng cấp và hợp đồng lao động với công ty cũ đó. Tuy câu nói thuộc dạng này có thể đúng và cũng có thể không đúng, nhưng đó là loại câu nói mà tòa án có thể tìm hiểu một cách dễ dàng để xác định đúng hay sai, căn cứ vào những dữ kiện (fact) là bằng cấp (của trường Đại Học) và  hợp đồng (với công ty cũ).

8.  Tin đồn

Một lời tuyên bố sai sự thật được tòa án coi là phỉ báng, dù lời tuyên bố này là sự lập lại của tin đồn đãi, truyền miệng, rỉ tai…. Nói cách khác, người lập lại và loan truyền tin đồn thất thiệt có tính phỉ báng mạ lỵ cũng phải chịu trách nhiệm về tội phỉ báng mạ lỵ, y như người đầu tiên tung ra tin đồn này.

Án lệ toà án Hoa Kỳ từng tuyên phán: “Một người lặp đi lặp lại lời mạ lỵ phỉ báng của một người khác vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc tái phổ biến đó, ngay cả nếu người tái phổ biến quy lời tuyên bố phỉ báng cho người phổ biến gốc.” (Vụ Moritz v. Kansas City Star Co., 258 S.W.2d 583 tuyên ngày June 8, 1953 bởi Supreme Court of Missouri).

Đây cũng là trường hợp bà Hoàng Vĩnh kiện bà Hoàng Dược Thảo trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ. Bà Hoàng Dược Thảo trong một bài báo viết rằng “Bà (Hoàng Vĩnh) lại là một người nhiều tai tiếng về tình ái”. Bà kết luận như vậy vì bà khai trước tòa rằng “bà phỏng vấn nhiều người trong cộng đồng, nhiều người trong nhà thờ, và trong nhiều tổ chức từ thiện, những người này xác nhận rằng những lời đồn này là sự thật”. Rất tiếc vì toàn là những tin đồn nên Bà Hoàng Dược Thảo sau khi lặp lại mà không đưa ra được một bằng chứng nào cả và do đó đích thân chịu trách nhiệm về lời tuyên bố công khai này.

9.  Phỉ báng và vu khống có là một tội hình sự hay không?

Tội phỉ báng hay vu cáo theo luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là một tội hình sự. Một người bị truy tố về tội phỉ báng hay vu cáo, nếu bị tòa xử có tội, có thể bị phạt vạ (tiền) hay phạt tù. Nhưng về bồi thường thiệt hại thì người đi kiện thường chỉ được bồi thường $1 danh dự (tượng trưng) mà thôi.

Tại Hoa Kỳ kể từ khi có án lệ Zenger (1735) với tài hùng biện của luật sư Andrew Hamilton (như đã tường thuật ở phần đầu bài viết này), phỉ báng và vu khống không còn là một tội về hình sự (criminal) nữa, mà được thụ lý như một vụ hộ (civil case). Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định về nội vụ và cấp bồi thường thiệt hại dân sự, dưới sự hướng dẫn về mặt pháp lý của thẩm phán chủ tọa xét xử.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, ở cấp Liên Bang, phỉ báng và vu khống không phải là tội hình sự. Nhưng tính tới nay hơn một nửa con số tiểu bang lại xếp tội này vào loại hình sự. Nếu vi phạm luật phỉ báng và vu khống sẽ bị xếp vào tội hình sự và hình phạt sẽ nặng hơn, ngoài việc phải nộp tiền phạt, bị can có thể đi tù (imprisonment) hoặc bị làm việc nặng (hard labor).

Một tài liệu ghi rằng tại Hoa Kỳ từ năm 1992 tới tháng 8 năm 2005 đã có 41 vụ án hình sự về tội nhục mạ được tòa thụ lý, trong đó 6 bị cáo đã bị kết tội. Từ 1965 tới 2004 có 16 vụ đã bị xét xử chung thẩm, trong đó có 9 vụ bị tuyên phán tù ở (jail sentences), trung bình là 173 ngày tù. Tổng cộng những vụ hình sự khác còn lại thời đi tới kết quả là bị phạt tiền (fines) trung bình là $1,700, bị phạt hình phạt thử thách (probation) trung bình là 547 ngày, bị phạt phải làm công tác cộng đồng (community service) trung bình là 120 giờ, hay phải viết thư xin lỗi.

California và Texas không xem vi phạm luật vu khống và phỉ báng là tội hình sự. District of Columbia bãi bỏ luật hình về vu khống và phỉ báng vào năm 2001. Virginia vẫn duy trì luật này. Điều § 18.2-209 của Bộ Luật Virginia nói như sau: “Bất cứ ai hiểu biết và cố ý tuyên bố, phân phát hay loan truyền bằng bất cứ phương tiện nào đến bất cứ một nhà xuất bản hay nhân viên của nhà xuất bản, bất cứ tờ báo, tạp chí, hay ấn phẩm, hay bất cứ chủ nhân hay nhân viên của một đài phát thanh, một đài truyền hình, hãng tin hay dịch vụ truyền thông dây cáp, bất cứ lời tuyên bố sai trái và không đúng sự thật, biết rõ rằng điều này sai trái và không đúng sự thật, liên quan đến bất cứ người nào hay một đoàn thể nào, với mục đích rằng lời tuyên bố này sẽ được phổ biến, phát thanh, hay loan truyền, sẽ bị coi là phạm tội cấp 3 (class 3 misdemeanor)”.

Tại Hoa Kỳ, “misdemeanor” là một tội phải gánh chịu hình phạt tù giam tối đa tới 1 năm (a misdemeanor is a crime that is punishable with jail time of up to 1 year). Có 3 loại misdemeanor: Loại 1 là nghiêm trọng nhất. Loại 3 thời ít nghiêm trọng hơn và hình phạt tối đa cho Loại 3 này là phạt tiền tới $500 và 30 ngày nằm nhà đá (the maximum punishment for Class 3 misdemeanor is fine of up to $500 and 30 days in jail).

10. Gọi một người là cộng sản có phạm tội phỉ báng và vu khống hay không?

Nếu trong một đám đông ai đó gọi một người Mỹ là “cộng sản” thì điều này rất bình thường. Lý do là ngoài hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại nước Mỹ này còn có cả đảng Cộng Sản nữa. Nếu người được gọi tên đó là ông John Bachtell thì chắc ông ta vui lắm và sẽ “welcome” ngay vì ông ta chính là Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ.

     Được biết Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ (tiếng Anh là Communist Party of the United States of AmericaCommunist Party USA, viết tắt là CPUSA) là một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx-Lenin ở Hoa Kỳ. Trong nửa đầu thế kỷ 20, đây đã là đảng cộng sản lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Hoa Kỳ và có một vai trò nổi bật trong phong trào lao động từ thập niên 1920 đến 1940, thành lập phần lớn các nghiệp đoàn công nghiệp chính của Hoa Kỳ. Đến thập niên 1950, ảnh hưởng của đảng này bị giảm đi đáng kể và từ đó không còn là một thế lực hoạt động đáng kể trong chính trường Hoa Kỳ.

Trái lại nếu trong đám đông đó ta gọi một người Việt Nam là “cộng sản” thì chắc sẽ gặp nhiều rắc rối. Chúng ta là người “tỵ nạn cộng sản” trên đất nước này. Hai chữ cộng sản gợi lại bao cảnh xấu xa đầy thương đau: người chết chóc, kẻ bị hành hạ tù đày, người mất nhà mất tài sản, kẻ mất mạng trên biển Đông, rồi thảm sát Mậu Thân ở Huế, pháo kích bừa bãi trong thành phố v.v… Bên trong nước Việt hiện nay mấy từ ngữ “độc lập, tự do, hạnh phúc” chỉ là một cái bánh vẽ lừa bịp người dân. Gọi ai là “cộng sản” tức là chụp mũ xấu xa cho họ, chụp cái nón cối lên đầu họ khiến mọi người chung quanh khinh ghét, căm thù! Nếu lời nói đó vừa không đúng sự thật lại hàm chứa nhiều ác ý thì đã đủ yếu tố cấu thành một tội hình sự rồi, đó là tội “phỉ báng và vu khống”!

Nên hiểu rằng các từ ngữ như: cộng sản, Việt cộng, Việt gian, thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt cộng v.v… đều bị coi như lời “phỉ báng”. Lại thêm từ ngữ “quốc doanh” cũng vậy. Từ điển Việt cộng định nghĩa “quốc doanh” là “do nhà nước đứng ra kinh doanh” (state-run; state-managed). Nhà nước đây tức là cộng sản Việt Nam. Vậy phải được hiều rằng từ ngữ này tương đồng với từ ngữ “cộng sản”. Viết báo, viết sách, phổ biến e-mail, đăng trên facebook, tuyên bố nơi công cộng v.v… để chụp mũ ai là “cộng sản” hay “quốc doanh” mà không có bằng cớ rõ rệt để minh chứng điều đó là sự thật đều có thể bị kết vào tội phỉ báng và vu khống! Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ 7 vụ án đã bị toà án xử phạt về tội phỉ báng và vu khống như được tường thuật ở phần trên bài này chắc đã đủ để minh chứng điều đó!:

Cũng cần lưu ý thêm là kẻ xấu muốn “ném đá giấu tay” mà chỉ nói rằng mình “nghe nói” điều đó thì người nhắc lại “tin đồn” có tính cách phỉ báng, mạ ly, vu cáo với ác ý này cũng vẫn phải chịu trách nhiệm như “chính danh thủ phạm”. Các vụ án “Moritz v. Kansas City Star Co.,” và vụ “Người Việt v. Saigon Nhỏ” như đã đề cập ở phần trên bài này cũng đã minh chứng điều đó!.

Bà Nancy Bui (tức ký giả Triều Giang) nói trong vụ kiện Đỗ Văn Phúc: “Mạo danh lý tưởng chống cộng cao đẹp để chụp mũ người quốc gia là cộng sản là một trọng tội đối với đất nước, dân tộc. Vì việc làm này gây chia rẽ, hoang mang, nghi kỵ trong cộng đồng. Từ đó, nó làm giảm tiềm năng đấu tranh của người Việt tự do của chúng ta, và nó làm người trẻ chán ngán, xa lánh sinh hoạt cộng đồng.”

Một người bên ngoài cộng đồng, cũng nghĩ vậy, và so sánh nạn chụp mũ trong cộng đồng với thời đại “McCarthy” của nước Mỹ thập niên 1950, khi nhiều người Mỹ cũng bị chụp mũ cộng sản. Người đó là bà Toalson, chủ tọa bồi thẩm đoàn. Bà nói với báo Người Việt: “Hai cộng đồng chúng ta (Mỹ và Việt) thật ra có nhiều điểm giống nhau hơn là khác nhau. Trong suốt thời gian tham dự phiên tòa, tôi không khỏi liên tưởng tới những gì mà người Mỹ chúng tôi đã trải qua trong thời đại McCarthy.”

***

Vượt ra ngoài phạm vi pháp lý có lẽ tôn giáo nào cũng dạy con người phải nói lời chân thật, tránh dối trá. Những lời nói dịu dàng làm đẹp lòng người nghe là những điều rất cần thiết để tô hồng cuộc sống trong cái cõi ta bà này.

Trong Phật giáo các từ ngữ như “chánh ngữ” và “ái ngữ” luôn luôn được đề cập tới để khuyên dạy các Phật tử. Chánh ngữ (Samma vaca) là: “1. Không dối trá; 2. không nói lời mắng nhiếc mạ lỵ khiến người khác đau lòng hay tổn thương; 3. không thêu dệt thêm bớt để chia rẽ hay đả phá; 4. không nói lời nhảm nhí vô ích”. Chúng ta cũng cần lưu ý lời nói khủng bố tinh thần (abusive speech, terrorist words) thì được gọi là “ác ngữ” cách nói mà người con Phật chân chánh cũng nên tránh.

phibang end image

ÁI HỮU LUẬT KHOA CALIFORNIA
LS NGÔ TẰNG GIAO
(Virginia Feb. 2016)