Hy Vọng Khởi Đi Từ Màu Đen

Nguyễn Quang Dũng

1.

Tháng 5 1981. Tôi và vợ cùng hai đứa con, một trai một gái, quyết định vượt biển, vượt thoát khỏi quê hương Việt Nam khốn khó đang sống ngột ngạt trong cuộc đổi đời dưới chế độ kiểm soát tù tội của chính quyền cộng sản từ phương bắc.

Đây là lần vượt biên thứ tư của gia đình tôi, ba lần trước đều bị bỏ rơi, phải trở về, may mắn là không bị bắt, cũng như chưa ra biển.

2.

Lần này, chuyến vượt biên thành công. Chiếc tàu nhỏ dùng chạy đường sông được sửa mủi tàu để có thể vượt sóng biển, thoát khỏi lòng sông ở cửa Cần Giờ, Long An, trực chỉ biển lớn.

Những người tổ chức của chiếc tàu vượt biên mang theo 60 người, mãi mấy ngày sau tôi mới biết, chỉ có một kế hoạch duy nhất là chạy ra hải phận quốc tế và tìm tàu lớn để mong được cứu vớt. Chúng tôi mất đúng năm ngày đêm chỉ để thực hiện được mục tiêu này: Chạy được tới hải phận quốc tế, tìm thấy được nhiều chiếc tàu hàng hải lớn. Nhưng duy chỉ là mỗi lần xả máy lại gần để cầu cứu thì những chiếc tàu sắt lớn này im lặng lừng lững bỏ đi, không hề quan tâm đến những dấu hiệu S.O.S của chúng tôi.

Ngày thứ sáu lênh đênh giữa biển khơi trong những cuộc đuổi bắt và cầu cứu vô vọng, tôi biết được từ người tổ chức là chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đã gần cạn xăng dầu và nước uống. Sẽ phải ngưng lại việc rượt đuổi theo tàu lớn và nước uống sẽ được phân phối hết sức hạn chế .

Những mệt mỏi. lo âu và thất vọng hiện ra ở gương mặt mỗi người lớn. Những đứa nhỏ nằm la liệt trên sàn tàu, ói mửa, hốc hác…

Tối hôm đó. Biển động.

Trời đen.

Biển đen.

Những con sóng đen ngòm, với độ cao và độ nghiêng đến chóng mặt.

Lần đầu tiên trong đời, tôi ở trong lòng biển động, giữa trùng khơi sâu thẳm.

Tôi sống ở Nha Trang từ nhỏ. Biển vẫn là niềm vui và gần gủi trong đời sống của tôi. Khi lớn lên, hàng ngày trước khi đi học, tôi thường ra biển từ sáng sớm để ngụp lặn bơi lội trong làn nước xanh mặn mát ấm. Biển do vậy là những nỗi niềm thân thiết rất riêng tư của tôi. Tôi biết Biển có những lúc là Biển của hiền hòa yên tĩnh, cùng nhịp với tiếng gió thông reo hay ánh trăng đêm rằm nhẹ nhàng tỏa sáng mặt biển đêm. Tôi biết Biển có những khi gầm thét, hung dữ trong những ngày bão lớn với những con sóng xám đen cao ngất lừng lững từ xa chạy vào và đập vỡ tung bờ cát trắng.

Nhưng tôi chỉ mới biết Biển khi chân tôi đứng trên mặt đất yên ổn nhìn Biển cuồng nộ. Chưa một lần tôi cảm nhận được cái nhỏ bé mong manh đến không tưởng của chiếc tàu nhỏ  như một cọng rơm giữa biển đen sóng dậy. Không một chỗ tựa. Tôi nhìn thấy chung quanh tôi là biển nước đen ngòm hun hút đến tận trời xa đen thẳm. Biển động đang sắp sửa nhận chìm chúng tôi xuống đáy biển sâu!  Ý tưởng đó, sắc như con dao nhọn bén, đâm thẳng vào đầu tôi.

Sợ hãi ập tới. Như con sóng lớn đen ngòm kia đang ập tới, nhận chìm và chiếm ngự  tôi trọn vẹn. Không gì cản nỗi.

3.

Sợ hãi là một thứ tình tự lạ lùng và ma quái. Tôi nhận ra trong đời tôi, tôi có nhiều nỗi sợ linh tinh, thường là những dấu hiệu báo trước một loại hiểm nguy hay bất trắc nào đó tôi nhắc tôi nên tránh. Tôi gọi nó là sợ hãi nhỏ. Thường vì nhỏ nên chuyện vượt qua loại sợ này cũng là chuyện nhỏ.

Nhưng tôi cũng nhận ra sự hiện hữu của một thứ sợ hãi với mức độ và tầm cỡ kinh khủng, ảnh hưởng và tác động cùng lúc trên nhiều người. Thứ sợ hãi này liên quan đến những biến cố lớn trong đời sống mỗi người.  Và cũng thường tình, người ta dùng màu đen để diễn tả một cánh ngắn gọn nhưng đầy đủ về những biến cố mang tính phá hoại hay bi thảm này. Tháng Tư Đen chẳng hạn, tên gọi ngắn cho  biến cố 30-4-1975, nhận chìm hàng triệu người miền Nam Việt Nam trong bóng đen của sợ hãi, chết chóc và bi thảm trong thân phận những người thua trận và mất nước.

Trải qua và vượt qua biển nước mênh mông đen kịt tối hôm mưa gió đó, tôi nhận ra tại sao màu đen gắn liền với sợ hãi trong tôi bấy giờ:

Đơn giản bởi vì tôi sợ những gì tôi không hình dung, không thấy được.

Biển động ngoài trùng khơi xa thẳm hôm đó chỉ toàn là một màu đen.

Biển đen. Trời đen.

Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy được gì ngoài màu đen. Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra tôi không là gì hết khi đem cái hữu hạn của tôi đặt trước cái vô cùng của trời đất. Những gì tôi biết, tôi thấy, không là gì hết trước khoảng không của hằng hà vô số những gì tôi không thể biết và không thể thấy.

Chỉ như vậy: Tôi sợ.

 

4.

Tháng 4 năm 2020, Tháng Tư Đen của cả thế giới.

Con vi khuẩn nhỏ nhưng với khả năng phá hoại khủng khiếp đã làm cả thế giới sợ hãi.

Cho đến nay, đầu năm 2021, hàng triệu người chết. Hàng triệu người bị lây nhiễm phải nhập viện và vất vả chiến đấu tồn sinh. Đời sống và sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn đến cùng cực. Lệnh cách ly và hạn chế mọi sinh hoạt tụ họp hay sinh hoạt mang tính giao tiếp làm mọi người co rúm trong sợ hãi.

Cha mẹ con cái xa cách ông bà. Người yêu người không còn biểu hiện ở những xiết chặt của vòng tay ôm, không còn những nụ hôn gần gũi ngọt ngào, không còn những nụ cười vui. Không còn ai thấy ai. Tôi có cảm tưởng dường như những ngày tháng của Tháng Tư Đen 46 năm trước lại trở về. Người xa người trong những chia xa, ngăn cách.

Và tôi cũng nhận ra len lõi đâu đó trong tâm trí dường như là nỗi sợ hãi khi đối diện với nhiều điều tôi không biết, không thấy được và không lường trước được. Con vi khuẩn nguy hiểm lây lan trong không khí là kẻ thù độc hại và khi nhìn thấy nó thì đồng nghĩa là tôi đã gục ngã. Nỗi sợ hãi này không khác gì nỗi sợ lúc tôi ở trong lòng biển đen trong chuyến vượt biển năm nào.

Chỉ khác một điều: Vào Tháng Tư Đen 1975 tôi biết rất ít về những gì sắp sửa xảy ra trong lúc ở Tháng Tư Đen 2020 thông tin về dịch bệnh lại nhiều đến mức không tưởng. Các cơn bão thông tin này với những phương tiện truyền thông hiện đại từ những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu lan truyền đi rộng rãi, khuếch tán lớn thêm mãi về cái hữu hạn của kiến thức loài người hay những-điều-không-biết của con người đứng trước bệnh tật.

5.

Nhưng điều tôi chưa viết ở đây là tối hôm biển động trong chuyến vượt biên của tôi và gia đình, đêm tối tôi tưởng là đã vùi thây trong lòng biển như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác trên đường tìm tự do, biển lớn hay Trời Phật đã nhẹ tay không dìm chết những sinh mạng nhỏ nhoi kia, trong đó có tôi, đang loi ngoi trên làn nước mênh mông. Và còn ban phát những giọt nước cứu tinh.

Là mưa. Những giọt nước mưa lúc đó quý hơn vàng. Trong đêm tối, mưa ướt ngọt trong môi miệng tôi. Chúng tôi loay hoay hứng mưa dự trữ nước uống, cộng thêm kinh nghiệm của người lái tàu biết cách cỡi sóng và nhờ vậy cầm cự, sống sót thêm được vài ngày. Hai ngày sau, sau khi bàn thảo rút kinh nghiệm, chúng tôi đổi cách cầu cứu: Chiếc tàu nhỏ của chúng tôi sẽ ngừng máy, thả neo, đốt khói đen, giăng bản vải S.O.S và khi thấy tàu hàng hải lớn thì những người biết bơi sẽ nhảy xuống biển vẫy tay kêu cứu.

Kế hoạch này thành công một nửa: Một tàu hàng hải của Trung Cộng đã dừng lại cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết: thức ăn, nước uống, xăng dầu và quan trọng nhất là bản đồ hàng hải hướng dẫn chúng tôi đi đến Mã Lai. Họ không cứu chúng tôi âu cũng là may mắn vì dĩ nhiên là chúng tôi không muốn chạy họa cộng sản lại đến một xứ cộng sản khác.

Bốn ngày sau đó chúng tôi tấp vào thương cảng Singapore thì bị tàu tuần quốc gia này kéo ngược ra, bảo là họ không nhận người tỵ nạn từ Việt Nam, họ khuyên chúng tôi đi đến Phi Luật Tân. Không còn cách nào khác hơn, tàu chúng tôi đâm vào bờ biển Mã Lai, thả người vào bờ và đục tàu, đánh chìm chiếc tàu nhỏ. Sáu chục thuyền nhân của tàu chúng tôi sau đó cũng gia nhập đại gia đình của người Việt tỵ nạn tại đảo Pulau Bidong.

 

6.

Tôi nhận ra trong tuyệt vọng của đói khát và đối diện với tử vong trong chuyến vượt biển năm nào thì hy vọng đến cho tôi cơ hội tiếp tục tồn sinh.

Đến bây giờ có một lý lẽ rất đơn giản mà tôi trực nghiệm từ những trải nghiệm của đời sống là tôi luôn sống trong cái hữu hạn của kiếp người. Cái biết của tôi không là gì hết trong cái vô hạn của Trời Đất.

Cũng cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi: Làm sao tôi còn sống sót trong lúc hàng trăm ngàn người vượt biển tìm tự do  như tôi vùi thây trong lòng biển sâu? Có chăng Trời Phật với những sắp xếp mà loài người không biết được?

Và tôi cũng như triệu tỷ người khác trên trái đất này là những kẻ không-hiểu-gì, loay hoay cả đời trong những tất bật mang tính đối cực, nhị nguyên, cái lý lẽ hai-mặt-của một-đồng-tiền: Sáng-Tối. Vui-Buồn. Sướng-Khổ. Thăng-Trầm. Giàu-Nghèo. No-Đói. Trẻ-Già. Khóc-Cười. Sống-Chết…

Nhưng có một điều tôi hiểu rõ, một cách chắc chắn, là không khi nào tôi có thể ở mãi trong một mặt của đời sống. Tôi không thể có bình an mãi được vì đời sống vốn đầy dẫy những bất an giăng bủa chung quanh. Tôi không thể sống khỏe mãi được vì hàng triệu vi khuẩn gây đủ thứ bệnh tật tìm đủ mọi cơ hội để xâm nhâp các cơ quan chức năng của cơ thể tôi. Và không chóng thì chầy thì tôi sẽ chết vì lẽ đơn giản tôi không thể sống mãi được. Vậy thì tại sao tôi phải sống co rúm trong sợ hãi vì mãi lo bám víu một mặt nào đó của cái đồng-tiền-hai-mặt?

Cũng như trong bóng tối mênh mông của đêm trên biển động tôi tìm thấy hy vọng từ những giọt nước của Trời. Và sau đó là ánh sáng và bình lặng của Biển lớn.

Cũng như lúc này, ở đây,  trong trắng lạnh của tuyết giá một ngày cuối năm âm lịch tôi nhìn thấy con chim anh vũ đỏ từ đâu bay lượn về đáp xuống trước sân nhà bình thản  ngắm tuyết rơi.

Ơ hay! Nếu tôi không biết gì về cái lẽ chuyển vận vô hạn, vô cùng của Trời Đất, của Sống và Chết, thì không có lý do gì tôi phải sống trong lo sợ và bám víu. Buông Xả tôi sẽ Nắm Bắt được Cái Đẹp của màu đỏ con chim Anh Vũ trên màu trắng của Tuyết.

Còn gì cần thiết phải nghĩ ngợi lôi thôi?

Nguyễn Quang Dũng

tháng 2/2021

Viết Để Làm Gì? Tại Sao Viết?

Trương Anh Thụy

Câu hỏi này, hay các câu tương tự đã được hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong giới báo chí, văn học, hay ngay cả những nơi tụ họp trà dư tửu hậu của giới cầm bút. Người ta cũng trả lời dễ dàng, nhanh chóng, nhưng thử hỏi mấy ai đã thật sự hài lòng về câu trả lời cuả mình? Đa số có cớ rất chính đáng là trong một câu trả lời vắn tắt, không thể nói hết ý được. Trong bài này tôi cũng không có tham vọng làm được việc đó một cách đầy đủ hay chính xác… chỉ dám thử nhìn vào chính mình, phân tích chính lòng mình xem tại sao mình viết? Viết để làm gì?

Viết để làm gì?

Nhu cầu muôn thuở của con người là chia sẻ. Một người ích kỷ nhất trên đời cũng có nhu cầu chia sẻ, nhưng có thể trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn như chỉ ở trong gia đình, bà con, bạn bè họ… chẳng hạn.

Bill Gates và bà vợ Melinda đang và sẽ chia sẻ phần lớn gia tài của họ cho xã hội, nhân quần. Ông chủ Domino’s Pizza, Tom Monagham, tuyên bố : “I will die broke” (Tôi sẽ chết không còn đồng xu nào.) Ông Milton S. Hershey, người sáng lập hãng kẹo chocholate Hershey đã bỏ ra hàng tỷ đô-la xây trường nuôi dậy trẻ mồ côi. Có không ít các em xuất thân từ các trường này ra đời rất thành công, có địa vị cao trọng trong xã hội… cùng với bao nhiêu nhà tỷ phú khác trong nước Mỹ, trên thế giới đang làm những chuyện tương tự. Còn thiếu gì những người kiếm chỉ đủ sống mà cũng chia sẻ cho người thiếu thốn hơn mình trong khả năng của họ, mà thành phần làm việc âm thầm này lại nhiều vô kể. Sẽ có người cho rằng đây chỉ là vấn đề “nhân đạo.” Song tên gọi là gì thì cũng vẫn phải phát xuất từ tấm lòng muốn chia sẻ, muốn chia sẻ nẩy sinh hành động nhân đạo.

Từ cái nhu cầu chia sẻ bẩm sinh đó, với tâm hồn nhà văn vốn đa tình, đa cảm… thì tâm tư, tình cảm họ hẳn lúc nào cũng chan chứa trong lòng… làm sao họ có thể giữ mãi bên trong mà không bằng cách này hay cách khác chia sẻ ra với những người cảm thông được với họ. Viết là cách thông thường nhất.

Vì nhu cầu chia sẻ thôi thúc, con người đi tìm đối tượng để chia sẻ. Người trí thức đi tìm người có trình độ có thể hiểu được mình để trao đổi kiến thức đầy một bộ óc; đôi bạn gái có tâm sự đầy ắp lồng ngực tưởng như sắp muốn nổ, cần được thổ lộ ra, để cùng khóc, cười hay buồn, giận… Nếu ở đời có một Bá Nha mà lại gặp được một Tử Kỳ thì thật là quý hiếm! Những người đó người ta gọi là tri âm, tri kỷ.

Đó là các trường hợp cá nhân, nhỏ hẹp. Trong một quy mô rộng lớn hơn, ở tầm mức quốc gia, xã hội, thế giới, nhân loại… thì nhu cầu chia sẻ vẫn còn đấy. Chia sẻ cái gì? Chia sẻ niềm đau mất nước, sự bất bình trước bất công xã hội… hay sự hoang mang trước viễn ảnh địa cầu đang bị hâm nóng, sự đổi thay đến chóng mặt của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Hoặc giả chia sẻ cái cảm xúc của mình trước một nghĩa cử cao thượng nào đó, hay một cảnh thiên nhiên hùng vĩ đến lạnh người… Văn chương nẩy sinh từ đấy.

Trong quốc nạn 30 tháng Tư, cảnh xẩy đàn tan nghé, cảnh trả thù tàn bạo cuả “bên thắng cuộc”, cảnh thuyền nhân, nạn hải tặc… gây xúc động đến cả những con tim bình thản nhất, những con người ù lỳ nhất, từ đó đã khơi dậy biết bao nhiêu nghĩa cử nhân đạo… Nếu không có chuyện gì xẩy ra thì chưa chắc mấy người này đã xuất hiện. Hay chính những người đó cũng không biết, không ngờ là mình biết làm gì, mình sẽ phản ứng thế nào cho đến khi có tai họa giáng xuống đầu họ hay họ là chứng nhân, do đó ngẫu nhiên sản sinh biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ… bất đắc dĩ. Rõ ràng là một sự ngẫu nhiên, không chọn lựa, nhưng họ có nhu cầu chia sẻ và đã để lại không thiếu những tác phẩm để đời.

Tại sao viết?

Ở đầu sách của cuốn tiểu thuyết Chuyển Mùa, tôi đề tặng và cám ơn song thân, trong đó có câu: “… Người đã dạy con làm thơ, viết văn và biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực.”

Nghe lạ! Có người sẽ hỏi tại sao phải được dạy mới “biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực”? Dạ đúng vậy. Sinh ra trong một gia đình có những người luôn “phẫn nộ trước bất công và bạo lực”, một trẻ thơ không thể không bị ảnh hưởng trong cái không khí, môi trường đó. Đừng nghĩ phải có bài có vở, có các buổi thuyết trình hay trường ốc hẳn hoi, một đứa trẻ chỉ cần nhìn thấy người lớn chung quanh mình làm gì, tốt cũng như xấu, sẽ tiêm nhiễm… rồi hành động giống như vậy. Gia đình đóng vai trò giáo dục con em mình chẳng kém học đường, có khi còn quan trọng hơn. Đứa trẻ được dạy trong trường có bốn, năm tiếng đồng hồ một ngày, trong khi ở với gia đình tất cả số giờ còn lại.

Từ được chứng kiến những cảnh bạo lực, bất công đến rúng động thế giới như vụ 9.11 ở Nữu ước năm 2001, đến việc ở tầm mức quốc gia, cục bộ như chuyện nhà nước cộng sản Việt Nam cướp nhà cướp đất của dân đen khiến biết bao nhiêu dân oan không nhà không cửa, kéo nhau lên thành phố khiếu kiện năm này qua năm khác mà chẳng được giải quyết, gây uất ức đưa đến các vụ tự thiêu, tự tử… Rồi những cảnh công an, “đầy tớ cuả dân” mà lại được nhà nước nuôi dưỡng như những ông Trời con, thả cửa đánh đập tàn nhẫn những con dân yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược… Tôi thấy như tôi đang đứng trước mấy vụ cướp ngày trên quê hương tôi, mà lại thiếu vắng một Lục Vân Tiên:
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
“Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
(Trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, có nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm là không phải anh hùng.)
Và Đông (Lục Vân Tiên 1822-1888) – Tây gặp nhau ở chỗ này: “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything.” Albert Einstein (1879-1955)
(Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.)
Tôi, một khúc gậy của Lục Vân Tiên cũng không có, nói gì đến súng đạn, thì ngòi bút của tôi sẽ làm công việc không chỉ “đứng nhìn”, mà tả thật, tả chân những điều nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… Ngòi bút của tôi chạy theo cảm xúc tôi, lương tâm tôi… “Sản phẩm” cuối cùng có được việc gì hay không, có thắp sáng thiên lương những con quỷ nằm trong xác người phần nào hay không, tôi không dự kiến trước. Kết qủa ra sao thì cũng hoàn toàn tự nhiên như gieo hạt nào thì hái qủa đó.

Tôi không tự khoác lên mình một sứ mệnh. Tôi cũng sẽ không dám nhận nếu ai đó khoác lên tôi một sứ mệnh, tôi sợ nếu tôi lách ngòi bút theo một “sứ mệnh” tôi sẽ hết tự do và thành thật. Đứng trước một hoàn cảnh ngang trái, chẳng đặng đừng tôi phản ứng theo bản năng tự nhiên, không đắn đo suy nghĩ, không cân đong kết quả, hậu quả… , cho nên không ít người dựa trên tác phẩm tiểu thuyết Chuyển Mùa của tôi để bảo rằng tôi là một tác giả “can đảm, dám nhẩy vào đề tài nhậy cảm”. Chả biết thế là khen hay chê, nhưng có một điều chắc chắn là việc làm của tôi có rất ít chọn lựa.

Sống và được chiêm nghiệm biết bao chuyện chướng tai gai mắt…, người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, cầm micro (ca sĩ)… đều đã nhiều lần, vô tình hay hữu ý, làm công việc “tâm công” của cụ Nguyễn Trãi.* “Tâm công” là lấy lòng mình mà tấn công vào lòng quân địch. “Quân địch” đây không nhất thiết chỉ là “phía bên kia” trong một mặt trận, có lính tráng, tầu bay, tầu bò… mà còn là “phía bên kia” cuả cái thiện, cái đẹp, cái tự nhiên của một tâm hồn đẹp… Bạo lực luôn luôn là võ khí của kẻ yếu. “Tâm công” là võ khí của người đạo đức, tài năng, của các nghệ sĩ, của người cầm bút… Người ta trải lòng trên ngọn bút chứ không trải lòng trên họng súng!

Người ta đâu chỉ cầm bút khi có chuyện cần phải “nổi dóa”? Người ta cũng “cầm bút để làm đẹp cho đời” như nhiều người đã nói, và nhiều nhà phê bình văn học đã bảo thế. Thế nhưng tôi xin hỏi, khi người ta đặt bút xuống ca ngợi một bông hoa đang hé nở trong nắng sớm… với tất cả cảm xúc thành thật của mình, người đó có cùng một lúc nghĩ mình đang “làm đẹp cho đời” không? Hay cứ viết, cứ vẽ, cứ làm nhạc… rồi… từ một tài năng nằm trong một “tâm hồn đẹp” đã phục sẵn trong cốt tủy, nó sẽ thăng hoa thành một sản phẩm gồm đủ CHÂN, THIỆN, MỸ? Sản phẩm đó làm đẹp cho đời mà không có sự cố ý, cố nặn, “đo may” (to tailor) nào… của người nghệ sĩ. Tự nhiên, ngẫu nghiên… là ở chỗ đó.

Nhà văn Hồ Trường An viết trong một cuốn biên khảo văn học rằng “những bài thơ ngắn của Trương Anh Thụy có thiền phong thiền vị.” Khi có dịp gặp mặt tôi cãi chối chết là tôi có biết thiền là cái gì đâu! Anh lại bảo “Ấy không biết thiền là gì nhưng nếu làm thơ với tâm thiền thì cái thiền phong thiền vị nó tự tỏa ra nườm nượp. Có những bài thơ đầy những chữ trong kinh kệ mà vẫn chẳng thấy thiền ở đâu cả.” Nói vậy thì biết vậy, tôi vẫn chỉ làm thơ theo cảm hứng bất chợt. Còn như thơ, văn tôi thuộc trường phái nào thì đấy là công việc của các nhà phê bình văn học.
Sau khi phân tích lòng mình để trả lời hai câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Tại sao viết?” liệu tôi có thể từ đó rút ra cho mình một “Sứ mệnh cuả người cầm bút” hay không?
Hình như vẫn là “không”!

Sứ mệnh của người cầm bút

Thú thật, nhân được xem đám tang cuả nhà văn Jean d’ Ormesson (mùng 8 tháng 12, 2017) vừa qua trên màn ảnh, tôi mới nẩy ra ý định viết bài này. Hình ảnh trên màn hình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cúi khom người đặt một chiếc bút chì lên quan tài ông trong một buổi lễ quốc táng đã khơi dậy trí tò mò của tôi khiến tôi tìm hiểu về ông và được biết ông là giám đốc của nhật báo Le Figaro từ năm 1974 cho đến ngày ông mất, mùng 5 tháng 12, 2017. Ông cũng là viện trưởng của Viện Hàn Lâm Pháp (Académie Française), tác giả của hơn 40 tác phẩm gồm nhiều loại: tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo… Ông là một nhà văn thuộc dòng dõi quý tộc, thuộc giới trí thức hàng đầu của nước Pháp . Tuy nhiên, theo tôi, tất cả các sự kiện đó không phải là lý do để tổng thống Pháp phải làm quốc táng cho ông, mà vì ông là một nhà văn nhân bản, những gì ông viết ra là những vấn đề của đời thường, ông là người bạn tâm giao đồng cảm, xuyên xuốt nỗi thống khổ và khát vọng ngàn đời của mọi tầng lớp xã hội. Nước Pháp muốn nói lên rằng mọi thành phần dân Pháp đang để tang ông, và nước Pháp muốn chia sẻ cái tang này với cả thế giới. Sự mất mát to lớn này thuộc về cả nhân loại chớ không phải chỉ của riêng nước Pháp.

Do một bài tường thuật/biên khảo của nhà văn Từ Thức (bên Pháp), tôi được đọc những câu trích dẫn từ nhà văn D’ Ormesson như sau: ‘’Có hai cái hầu như không thể đạt được, là sự thực (la vérité) và sự công bằng, công lý (la justice). Tôi ghét hai loại người: những người nghĩ mình nắm sự thực và công lý trong tay; và những người nghĩ không nên bận tâm bởi vì sự thực và công lý sẽ không bao giờ có trên đời. Không, biết là không làm được, nhưng vẫn phải tranh đấu đi tới.‘’ Nhà văn Từ Thức thêm: Không xa tư tưởng của Scott Fitzgerald mà ông (D’ Ormesson-chữ thêm của người viết) ngưỡng mộ: ‘’Hãy ý thức rằng tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng vẫn phải hành động để thay đổi. » **

Ôi! Mục tiêu của hai nhà văn trên vĩ đại quá ! Cao thượng quá! Hèn chi các nhà phê bình văn học chẳng, bằng một cử chỉ ưu ái, khoác lên nhà văn một sứ mệnh to tát: Làm thay đổi nhãn quan, định kiến, tâm địa…vv…và vv… của con người, của cả một xã hội, rồi đến cả nhân loại… Các nhà biên khảo phê bình văn học rất có lý, vì trước mắt họ còn vô số những đầu óc vĩ đại khác như Balzac, Camus, Enxa Triôlê, Thạch lam, Nam Cao… kể sao cho hết! Những nhà văn này xứng đáng được mệnh danh là những thiên thần, là những vị thánh cứu nhân độ thế, là những sứ giả mang một sứ mệnh Trời trao…

Dù cho thế đi nữa, con đường văn mà nhà văn đi tới, theo tôi, vẫn là có nhiều ngả. Một nhà văn ngẫu nhiên “Gặp một chuyện hay, nghe một chuyện cảm động, lại thấy chuyện bất bình hay chứng kiến một cảnh dởm, trưởng giả học làm sang, người viết truyện nếu thật với mình sẽ ghi nhận, để cho câu chuyện nung nấu trong đầu, trong óc, trong tâm can, rồi một ngày nào đó, câu chuyện chín muồi đem trải ra mặt giấy… thành ‘truyện’.” (“Vào Tập” của tập truyện Ánh Mắt-1998.) Quá trình dựng truyện như thế thiết tưởng cũng nhiều nhà văn đã làm, chẳng có gì đặc biệt,đặc biệt chăng là ở mức độ tài năng của nhà văn, ở khả năng biết nhận diện cái “thiện” để mà đề cao, cái “ác” để mà tiêu diệt, và ở tâm hồn đẹp luôn hướng thiện, hướng thượng… Có được các đặc tính đó rồi thì tự nhiên sản phẩm của họ sẽ đem lại kết quả ĐẸP. Vậy thì cái gì đến trước? Cứ viết đi, rồi vì văn tài, vì những rung cảm tự nhiên, không làm dáng, không biếm họa… nhà văn sẽ tạo ra được một tác phẩm đẹp, hay, khoác lên mình một sứ mệnh rồi viết ra một tác phẩm đẹp? Tinh thần Lục Vân Tiên chắc cũng không xa quan niệm này. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.” (LVT.) Chí ít cũng phải “giữa đường thấy chuyện bất bình” (ngẫu nhiên, không chọn lựa) rồi mới “chẳng tha” (kết quả tất yếu).

Qua lối suy nghĩ rất cô đơn này, tôi ý thức được rằng tôi đang lội ngược dòng, đang xâm nhập vào một lãnh vực nhậy cảm, một thành trì kiên cố của đại đa số những người có thẩm quyền hơn tôi! Tuy nhiên tôi nghĩ không có gì buồn nản bằng điều mình nói ra được mọi người đồng ý hết, như vậy là mình chẳng học được điều gì mới lạ, hay còn tệ hơn nữa là mọi người thờ ơ với đề tài nhàm chán này.

Tôi rất mong được đón nhận những ý kiến, đồng tình hay phản biện xây dựng và tương kính của các thi, văn, nhạc, họa sĩ, các nhà biên khảo, các độc giả… hầu làm sáng tỏ một vấn đề mà vẫn còn có người cầm bút trong chúng ta đang loay hoay, trăn trở tìm câu trả lời mà chưa có./.

Trương Anh Thụy

Chú thích:

* “Tâm công” nghĩa là “đánh vào lòng người”, là một chiến lược cơ bản trong Bình Ngô Đại Cáo, cuốn sách mà cụ Nguyễn Trãi là tác giả, đệ trình lên vua Lê Lợi dùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. “Đánh vào lòng địch” là chính sách mà vua Lê Lợi và cụ Nguyễn Trãi đã xử dụng để kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao… chủ đích là dùng tâm lý, đạo lý dụ các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân về hàng. Khi thì dùng hòa đàm, tạm thời hòa hoãn với địch để đợi thời cơ, khi ưu thế thuộc về mình thì dùng lý lẽ cảm hóa, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch, làm chúng nao núng không còn ý chí chiến đấu.

** “One should be able to see things as hopeless and yet be determined to make them otherwise.”
F. Scott Fitzgerald (Mỹ) – (Nguồn:Từ Thức)

Từ Hành Trình Chữ Nghĩa đến Hành Trình Nhân Ái

Cao Nguyên

Do duyên giao ngộ với các bạn trẻ trong sinh hoạt văn hóa cùng tâm trí hướng về quê hương nguồn cội. Tôi đã gặp một số bạn trẻ, hoặc chỉ mới quen biết nhau trên sinh hoạt online từ các trang web hoặc Facebook. Nhưng tất cả các bạn đã có sự đồng cảm cùng tôi trên hành trình nhân ái, mong cầu quê hương Việt Nam thoát cơn điêu linh do cộng sản thống trị, để đồng bào cùng chung dòng máu vui hưởng cảnh thanh bình trong cuộc sống đúng nghĩa mỗi con người có quyền bình đẳng trong một chế độ dân chủ, tự do.

Với trách nhiệm dấn thân vào cuộc đấu tranh chung vì nhân quyền cùng các bạn trẻ trong và ngoài nước. Những ngày qua, tôi theo dõi các sinh hoạt trong đại hội giới trẻ vì nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức tại Australia.

Trước đó, tôi có nhận thư của luật sư Trần Kiều Ngọc, người đứng ra vận động và tổ chức đại hội, đã mời tôi tham dự đại hội. Do bận việc không tham dự được, tôi có gởi một số sách của 2 tác phẩm “Hành Trình Nhân Ái” và “Nhà Việt Nam” làm quà tặng các đại biểu tham dự đại hội.

Điều may mắn đến với tôi là sách tặng được các đại biểu, và các bạn trẻ ưu ái tiếp nhận. Hơn thế, khi được luật sư Trần Kiều Ngọc trao tặng quyển sách “Hành Trình Nhân Ái”, cháu Nancy Nguyễn nói là đã có quyển sách này do chú Cao Nguyên tặng từ lúc gặp nhau trong buổi hội luận tại Virginia. Nên cháu Nancy Nguyễn gợi ý đấu giá quyển sách với chữ ký của Nancy Nguyễn để có thêm khoản tiền góp vào quỹ của đại hội. Kết quả đạt được thật hào hứng với số tiền 3200 đô la Australia từ sự nhiệt tình của một bạn trẻ.

Tôi vô cùng xúc động với kết quả chữ nghĩa mình có chút đóng góp vào quỹ của đại hội. Chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức Đại Hội và các bạn trẻ thân mến.

Qua những dòng tâm cảm về sự kiện vừa nêu. Tôi muốn gởi theo đây nội dung Lời Dẫn vào tác phẩm “Hành Trình Nhân Ái” và bài “Người Con Gái Ngoan Cường” tôi viết tặng cháu Nancy Nguyễn có trong tác phẩm, như một minh chứng đồng hành với bài phát biểu “Vượt Qua Sợ Hãi” của Nancy Nguyễn trong đại hội.

Trân trọng,
Cao Nguyên
Washington.DC – 9/9/2017

Về miền Tây

Sơn Tùng

Tháng 1 năm 1983, tôi từ Trại Tị nạn Bataan, Philippines, được người thân bảo lãnh sang Mỹ. Nơi đến: Santa Clara, miền Bắc California. Vài tháng sau, tôi di chuyển sang Orange County, miền Nam Califonia.

Orange County được người Việt tị nạn gọi là “Quận Cam”, bao gồm ba thành phố: Santa Anna, Westminster và Garden Grove nên được gọi là “khu tam tỉnh”, hay “Little Saigon”, hay oai hơn: “Thủ đô Tị nạn”.

Hai năm sau, tôi lại di chuyển sang Virginia, thuộc Vùng Hoa-Thịnh-Đốn (Washington Area), ở miền Đông nước Mỹ, cho tới ngày nay, và không có mấy dịp trở lại miền Tây. Lần chót tôi đi California cách đây sáu năm.

Ngày 9.6.2017, Nhà văn Nguyễn Quang từ miền Tây gọi điện thoại cho tôi báo tin chị Minh Đức Hoài Trinh, người bạn đời của anh, từ trần. Tôi cảm thấy như vừa mất một người thân trong gia đình.

Tôi đã đọc Minh Đức Hoài Trinh hơn 60 năm nhưng mới quen biết chị khoảng 20 năm nay, khi có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mà tôi đang là người đứng mũi chịu sào trước cơn mưa to gió lớn.

Trong cái rủi đã có cái may. Vì vài kẻ làm loạn trong Văn Bút, tôi đã có dịp gặp Minh Đức Hoài Trinh, một người cầm bút với nhân cách tuyệt vời hiếm có, khác hẳn với một số nhà văn, giáo sư, bác sĩ, luật sư…mà tôi đã biết.

Bản tính hiền hòa, nhưng trong cuộc sống, khi phải chọn lựa, chị luôn luôn dứt khoát đứng về phía lẽ phải và chân l‎ý. Không mập mờ, không ngả nghiêng, không chao đảo, không đứng giữa, không đứng ngoài, đứng bên…

Trước đây ba năm, năm 2014, cuốn “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” được xuất bản dày ngót 400 trang gồm bài viết của nhiều tác giả ở nhiều nơi, thuộc những thế hệ khác nhau, đã khẳng định một điều: Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút dấn thân và có một sứ mạng.

Chị đã dùng hai chữ Minh Đức ghép vào tên làm thành bút hiệu đã thể hiện đúng con đường mà chị đã đi trong hơn 60 năm cầm bút.

Được anh Nguyễn Quang cho biết Minh Đức Hoài Trinh đã rời khỏi trần thế  một cách nhẹ nhàng, thanh thản, với gương mặt vui tươi. Tôi nghĩ vì chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã làm những gì chị muốn làm và có thể làm, cho mình và cho mọi người, bằng tình thương yêu mọi người và cũng được mọi người yêu thương.

Khi được tin chị Minh Đức Hoài Trinh mất, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là phải sang Cali tiễn đưa chị, trong khi tôi chưa bao giờ sang miền Tây để dự tang lễ của ai, dù cũng có vài người thân và rất thân đã ra đi.

Tôi không thích những cảnh buồn, không thích nhìn những cảnh buồn, và rất ngại đi xa, nhất là trong thời buổi khám xét cực kỳ gắt gao tại phi trường vì nạn khủng bố khắp nơi trên mặt đất này.

Nhưng, cuối cùng tôi cũng lên máy bay sang Cali để tiễn đưa chị Minh Đức Hoài Trinh. Anh Nguyễn Quang cảm động lắm, anh nói: “Minh Đức luôn nhắc tới anh với một cảm tình đặc biệt.”

Tôi cũng cảm nhận điều ấy trong những lần sang “thủ đô của người Việt tị nạn” trước đây,  chị Minh Đức Hoài Trinh đều “giành quyền” thù tiếp tôi trong khi tôi có khá nhiều bạn và bà con ở miền Tây.

Sang đây lần này, không còn chị. Tôi ngủ hai đêm trong căn nhà xinh xắn ở Midway City đầy những sách và hình bóng của chị. Anh Nguyễn Quang đi quanh quẩn trong nhà như tìm kiếm một báu vật đã mất. Tôi nói chuyện bình thường, hy vọng giúp anh khuây khỏa.

Có người hỏi tôi đám tang Minh Đức Hoài Trinh có lớn không? Tôi không biết trả lời thế nào. Và thế nào là “lớn”? Có đông người tới phúng điếu? Có nhiều người nổi danh, nhiều chức tước tới đọc điếu văn tán dương công đức? Có nhiều vòng hoa? Có làm lễ phủ cờ?

Nếu như thế thì tang lễ Minh Đức Hoài Trinh không “lớn”. Chắc tang gia và chính người đã ra đi cũng không mong muốn có một tang lễ như vậy, dù tôi cũng thấy có nhiều vòng hoa đẹp, cũng có những khuôn mặt nổi danh tới viếng, kể cả Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí.

Thị trưởng Tạ Đức Trí chia buồn với tang gia

 Có nhiều điều đáng nói về sự hiện diện của ông Tạ Đức Trí. Ông thị trưởng trông rất trẻ và nhã nhặn nhưng phong thái tỏa ra cái uy của một quan chức chính quyền. Nhìn ông thị trưởng tiếp xúc với cư dân đồng hương của ông, tôi liên tưởng tới những cảnh thường ngày thời Việt Nam Cộng Hòa khi ông tỉnh, ông quận “thăm dân cho biết sự tình”, và không thể không nghĩ đến thực trạng vùng “Quận Cam” ở miền Nam California hiện nay. Dân Việt Nam tại đây đã chiếm đại đa số và có quốc tịch Mỹ, có lá phiếu đi bầu và cũng có quyền ứng cử. Vì vậy ngày nay vùng này đã có người Việt làm thị trưởng, và dân biểu, nghị viên, công chức các cấp. “Little Saigon” đã trở thành một phần của “Sài-gòn hoa lệ” năm xưa trên đất Mỹ!

Và, vì là một phần của Sài-gòn hoa lệ nên cũng có những lề thói của dân Sài-Gòn năm xưa, như ồn ào, chia rẽ, ham danh, thích khoa trương, chơi nổi, thích nhậu nhẹt…Trở về miền Tây nước Mỹ tôi nghe lòng ấm áp như được sống lại với “Sài-Gòn của tôi” năm xưa khi gặp lại bạn bè, bà con, được đón tiếp đầy thân tình.

Nói tới Sài-Gòn năm xưa trên đất Mỹ ở “Quận Cam” trong chuyến về miền Tây vừa qua, tôi không thể không nói tới Nhạc sĩ Lam Phương. Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn trong nhiều thập niên.

Thật vậy, nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của Sài-Gòn qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, hay từ các cô gánh nước mướn nơi những xóm nghèo ở ngoại ô. Đến nay, Lam Phương đã sáng tác trên 200 bản nhạc.

Thăm Nhạc sĩ Lam Phương

Sau tang lễ chị Minh Đức Hoài Trinh, còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười:

–         Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…

–         Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?

–         Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.

–         Thế chúng nó có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?

–         Có chứ! Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.

–         Chúng nó không dùng tiền mua chuộc ông à?

–         Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.

–         Ông tin không?

–         Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi thì biết ngỏ nào ra?

Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký‎ kết, chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.

Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau.Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những  lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ. Và họ đã nhận được sự phỉ nhổ của công luận.

Được biết tháng mười tới đây một nhạc hội sẽ được tổ chức tại Virginia để vinh danh Lam Phương. Đồng hương và những người ái mộ ông tại Vùng thủ đô nước Mỹ chờ đợi để được đón tiếp người nhạc sĩ quốc gia tị nạn cộng sản đích thực đến từ “thủ đô tị nạn Quận Cam” ở miền Tây.

Sau năm ngày ở California, tôi sửa soạn trở về Virginia thì được tin lại có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khi người khai sinh ra nó vừa nằm xuống.

Diễn đàn “Nhịp cầu Văn hữu” của hội viên Văn Bút trên Internet đã biến thành chiến trường để các “văn hữu” trao đổi hỏa lực với những loại văn chương bị tố giác là (nguyên văn) “ tiếp tục gắp lửa bỏ tay người, dùng loại văn chương rác rưởi đối với tập thể cầm bút; dùng danh vị luật sư để hăm doạ người khác; dùng mớ kiến thức bùi nhùi, hổ lốn đối với những ai chống đối… một con người có đầy đủ những tố chất mưu mô, quỷ quyệt, gian hùng, xảo ngôn, lật lọng, điên khùng, háo danh…”

Cuộc chiến này chưa biết sẽ đưa VBVNHN đến đâu khi cuộc bầu cử ban chấp hành mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Thưa chị Minh Đức Hoài Trinh, chị đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với gương mặt vui tươi, xin chị cũng đừng phiền muộn vì những gì đang diễn ra trong VBVNHN, cái hội mà chị đã mang nặng đẻ đau với bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cao đẹp.

Sơn Tùng

 

Tưởng Niệm Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung

Nhân Ngày Giỗ Thứ Năm  (24/4/2012 - 24/4/2017)

 

TIỂU SỬ TÓM LƯỢC VỀ NHÀ THƠ, NHÀ VĂN HÀ BỈNH TRUNG

                             
                                                      
1/ Họ và tên: Hà Bỉnh Trung 
    Ngày tháng năm sinh: 15 tháng 9 năm 1922
    Các bút hiệu: Hà Bỉnh Trung, Hoa Nguyên, Hồng Bảo.

2/ Học vấn, nghề nghiệp và hội đoàn:

Dạy học: Anh văn và Pháp văn

Quân đội: Sĩ Quan trừ bị, Nha Báo Chí Phủ Quốc Trưởng và Phủ Tổng Thống VNCH.

Văn học: Viết văn, làm thơ, viết kịch thơ, làm việc tại vài tòa soạn nhật báo, tạp chí.
- Hội Nhà Văn Việt Nam (Société des Hommes de Lettres, Saigon 1963)
- Hội viên Văn Bút Việt Nam: P.E.N.Vietnam (Saigon, 1964)
- Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ (2 nhiệm kỳ 1997-99 và 2001-2003)
- Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (2001-2007)

- Hội trưởng Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn (2 nhiệm kỳ 2003-2005 và 2005-2007)
- Cố Vấn Sáng Lập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới

3/ Các tác phẩm đã xuất bản:

a- Truyện dài:  
- Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình (1952, Hà Nội)
- Những Ngả Đường (1972, Saigon)
- Chỉ Hồng (1998, Hoa Kỳ)
- Dốc Nửa Chừng (1998, Hoa Kỳ)
- Thuở Trời Đất Nổi Cơn Gió Bụi (Truyện Dài, 2004, Hoa Kỳ)

b- Truyện Ngắn:
- Theo Nhịp Dòng Đời (1993, Hoa Kỳ)
- Rừng Thiêng (1994, Hoa Kỳ)
- Hồn Thu Thảo (Dã Sử, 1998, Hoa Kỳ)
- Hoa Đào Năm Ngoái (2000, Hoa Kỳ)
- Hình Ảnh Cũ (2004, Hoa Kỳ)

c- Thơ:
- Khói Lửa (1987, Hoa Kỳ)
- Yêu Mãi Ngàn Năm (1991, Hoa Kỳ) 
- Dấu Chân Viễn Khách (1995, Hoa Kỳ)
- Cánh Thời Gian (1997, Hoa Kỳ)
- Ngàn Dặm Thương Yêu (1999, Hoa Kỳ)
- Vẫn Mãi Yêu Em (2000, Hoa Kỳ)
- Thuyền Trăng (2001, Hoa Kỳ)
- Một Ánh Sao Băng (2004, Hoa Kỳ)
- Thuở Ấy Yêu Nhau (2007, Hoa Kỳ)
- Tâm Sự (2007, Hoa Kỳ).

d- Kịch Thơ: - Kịch Thơ (1994, Hoa Kỳ)

e- Thơ Dịch:  
- Hoa Thơm (Pháp Việt đối chiếu, 1952, Hà Nội)
- Anh Hoa (Anh Việt đối chiếu, 1967, Saigon; tái bản 2005, VA, Hoa Kỳ)
- Thơ Lý Bạch (Thơ dịch Hán Việt đối chiếu, 2005, Hoa Kỳ)

f- Thơ Anh Ngữ: - Mars & Venus (2001, Hoa Kỳ).

4/ Các tác phẩm sau này:
- Fleurs d’Automne (Thơ Pháp Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- In Harmony (Thơ Anh Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- Nhạc Thơ Giao Cảm (2008, Hoa Kỳ).
- Tập Thơ phổ Nhạc (2008, Hoa Kỳ)
- Chuyến Bay Đêm (Truyện Ngắn)
- Những Nàng Thơ (Thơ, Tập 11)
- Tình Yêu Cuối Đời (Thơ, Tập 12)
- Văn Học Bốn Phương (Tạp Văn)
- Hồi Ký Văn Nghệ.
- Ngôn Ngữ VN. Từ Điển và Mẹo phân biệt dấu Hỏi Ngã.

5/ Các thành tích văn học hay các giải thưởng:
Tác Phẩm Anh Hoa (Thơ dịch Anh Việt đối chiếu) đoạt Giải Thưởng Văn Học, Bộ Môn Dịch Thuật, năm 1965 của Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa tại Saigon.

6/ Đã cộng tác với các báo:
Tại Hà Nội: Ngày Mai, Chính Đạo, Thời Luận, Quê Hương.
Tại Đà Lạt: Đà Lạt Tiến.
Tại Sài Gòn: Ánh Sáng, Chỉ Đạo, Thời Luận, Tự Do, Thi Văn Tao Đàn, Phụng Sự (QĐ), Tiền Tuyến (QĐ).
Tại Hoa Kỳ: Diễn Đàn Tự Do (VA), Hoa Thịnh Đốn (VA), Đời Nay (VA), Văn Nghệ (VA), Tiểu Thuyết Nguyệt San (VA), Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm (VA), Nguyệt San Văn Phong (VA), Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới (VA)

(Nhà Văn Phạm Văn Tuấn biên soạn)

 

TƯỞNG NIỆM VĂN THI SĨ HÀ BỈNH TRUNG

Kính thưa toàn thể quý vị,

Để tưởng niệm đến văn thi sĩ HÀ BỈNH TRUNG tất nhiên là chúng ta phải đề cập tới những tác phẩm của Cụ. Đây là một kho tàng rất đồ sộ. Tất cả gồm 5 tập Truyện dài, 6 tập Truyện ngắn. 12 tập Thơ sáng tác. 3 tập Thơ dịch từ tiếng Anh, Pháp, Hoa sang tiếng Việt và 2 tập thơ sáng tác bằng Anh ngữ.

Truyện dài và truyện ngắn nói chung đều mang một triết lý nhân sinh. Truyện khi thì ghi lại các biến động về chiến tranh, khi thì mô tả tình yêu đôi lứa, gia đình, lúc thì nói về quân đội, quê hương v.v… Truyện cũng bàn về luân lý và các truyền thống văn hóa cao đẹp của thời xưa cũ, đôi khi so sánh với cuộc sống tha hương hiện tại. Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không thể trình bày chi tiết hơn cho nên chỉ xin nói về thơ.

Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung gồm hầu như đủ mọi “thể loại thơ”. Tổng cộng có lẽ cả hơn ngàn bài. Không kể những bài đăng rải rác trên các báo chí và các bài chưa được xuất bản. Người ta thường xưng tụng thi sĩ là “Nhà thơ của tình yêu.” Cũng như buổi tưởng niệm hôm nay được đặt tên là “Yêu mãi ngàn năm”. Có lẽ cũng không sai. Thi sĩ từng viết:

“Yêu đến bao giờ mới hết yêu?
Ngàn năm? nào đã được bao nhiêu?
Ngàn năm chưa đủ cho dòng máu
Chảy khắp con tim suốt mọi chiều!"…

Nổi bật là Tình yêu nam nữ:

Tình Yêu khởi đầu từ tuổi học trò.
“Hai mươi, rạo rực khi đi học,
Thấy áo em bay phía cuối đường,
Nán bước chờ em, lòng hớn hở
Để cùng trao ánh mắt yêu đương”

Với tâm hồn lãng mạn tình yêu kéo dài tới hồi trai trẻ:

"Người nằm xa lạ trong mơ
Tỏa thơm mùi tóc vàng tơ gối đầu.
Môi nào tìm lại môi nhau,
Sáng ra tỉnh giấc còn đâu dáng hồng"…

Tất nhiên sẽ có men rượu, có khói thuốc, có cả lời ca, tiếng nhạc…:

“Em mời ta chén rượu cay
Để thương nhớ mãi đêm này gặp nhau.
Môi mềm nhắp chén tê đau
Mắt đen trĩu nặng ý sầu từ ly.”…   

Có chia ly nơi bến thuyền, ga vắng, phi trường:

“Tàu đi, ga vắng một người,
Mây trôi lãng đãng chân trời nhớ nhung”…                

Có hôn nhân đôi lứa kết thúc cuộc tình đẹp:

“Ngày mai, anh đón em, em nhé!
Lộng lẫy xe hoa kết pháo hồng”…

Tình yêu kéo dài cho đến tuổi già:

“Khi yêu, yêu đến bạc đầu,
Thời gian không hẹn phai màu tóc xanh”…

Thật ra Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung không chỉ giới hạn trong vòng lãng mạng nam nữ thường tình mà còn trải rộng ra nhiều lãnh vực cao cả hơn.

Chúng ta được đọc những lời thơ nói lên Tình yêu trong gia đình:

Thi sĩ từng bày tỏ lòng kính yêu với Song Thân mình:

“Thương cha mẹ đã qua đời
Lại thương ngàn dặm xa vời nước non”…

Lòng yêu thương Con Cháu:

“Con mở mắt chào đời. Thương biết mấy!
Ngọc lưu ly màu tinh khiết trắng ngần.
Trán con sáng như khoảng trời nắng dậy
Một màu xanh không gợn chút phù vân”…

Lòng thương tưởng người Vợ hiền đã xa lìa cõi tục 8 năm trước đó:

“Tôi, một bóng sống cô đơn
Sáng, chờ đợi ánh bình minh tha thiết
Trưa, chán ngán nắng vàng tăng lửa nhiệt
Chiều lặng buồn, ra tiễn bóng hoàng hôn”…

Thi sĩ còn bộc lộ  Tình yêu đối với đồng bào:

Thương sót đồng bào ruột thịt trong Nạn đói năm 1945 thi sĩ viết:

“Suối mồ hôi tràn mặt
Mắt sâu trũng niềm đau
Thân khô như bó củi
Nâng đỡ bộ xương đầu”…

Sót thương nạn nhân Chiến tranh thi sĩ viết:

 “Vợ gánh đôi con dại,
Chồng quẩy gạo, nồi niêu,
Bỏ ruộng không, nhà trống,
Như một vùng hoang liêu”…

Và lời thơ thương cảm đời Nông dân cực khổ:

“Thương thay số phận dân lành,
Rẻ hơn cỏ rác, ai đành làm ngơ?”…

Đã từng khoác chiến y, thi sĩ bộc lộ Tình yêu đồng đội khi viết những lời thơ ai điếu:

“…Thu qua, lá đổ vàng rơi
Anh đi một giấc ngủ vùi ngàn thu!”…
…Có hai người bạn ngồi canh xác
Đêm lạnh gai người lúc nửa khuya!"”…

Tất nhiên trong thơ còn có Tình yêu quý tự do. Khi viếng tượng Nữ Thần Tự Do thi sĩ viết:

“Quê ta ngập lửa chiến tranh
Nông thôn nghèo khó, thị thành tham ô.
Xin em một chút tự do,
Gửi thương gửi nhớ về cho quê nhà.”…

Có ước vọng Yêu thương hòa bình:

“Bao giờ đất nước thanh bình lại,
Chim hót, hoa ngàn nở thắm tươi?
Bao giờ cây lại thu thành trái,
Làng mạc vang vang rộn tiếng cười?”…                                                                                     

Tràn trể tình Yêu đất nước, quê hương:

“…Hôm nay trông cảnh xứ người,
Lòng dưng dưng thấy ngậm ngùi nhớ quê,”…                                            

“…Quê hương xa cách nghìn trùng
Càng xa càng thấy vô cùng nhớ thương”…

Để rồi ước mơ quê hương tươi sáng, khắp nơi phô sắc ngọn cờ vàng:

“Nhớ thuở đầu xanh vượt núi rừng
Lòng trai mơ một giấc mơ chung
Gươm mài bóng nguyệt, nghe hồn nước
Vàng ánh cờ bay đẹp núi sông.”…

Và cũng như các thi sĩ khác ai nấy đều Yêu thiên nhiên với phong cảnh hữu tình gợi ý thơ:

“Sương thu ướt lạnh trăng thanh
Chiến y nặng trĩu màu xanh lá rừng.
Người đi, chân bước ngập ngừng
Núi cao chất ngất lưng chừng sương sa”…

Nói tóm lại, Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung đã không chỉ đề cập tới Tình Yêu nam nữ đơn thuần mà còn phô ra những tình cảm da diết chân thành đối với Gia đình, Đồng bào, Đồng đội, đề cao Tự do, ước vọng Hòa bình và lòng yêu Quê hương, Tổ quốc. Lời thơ chau chuốt, điêu luyện. Ý thơ trong sáng. Cụ Hà Bỉnh Trung suốt cả một cuộc đời cầm bút, miệt mài, chân thành, chúng tôi không dám nói Vườn Văn Thơ của Cụ Hà là một cõi Thiên Thai. Nhưng có một điều chắc chắn đó là một nơi đầy kỳ hoa dị thảo và sẽ được đón nhận nồng nhiệt vì đáp ứng đúng nhịp đập con tim của người đọc. Chẳng thế mà thơ của Cụ đã được 16 nhạc sĩ tâm đắc phổ nhạc. Chúng tôi thiết nghĩ nhà văn, nhà thơ Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.

Kính thưa toàn thể quý vị,
Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc nhở tới những giòng thơ đầy ắp Đạo Vị của thi sĩ Hà Bỉnh Trung. Thi sĩ đã cảm nhận đươc rằng sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên tác hợp, không có gì là có tự thể, thường hằng nên cuộc sống con người chỉ là tạm bợ. Thi sĩ viết:

“Dù bạo chúa một ngày nào cũng chết
Ai trường sinh? Ai bất tử bao giờ?”…                                          

Trong ánh Đạo vàng rực rỡ giải thoát, thi sĩ chiêm nghiệm ra cái "sắc sắc, không không" của nhà Phật:

“…Con người là của sắc không
Đảo điên giữa chốn bụi hồng chơi vơi”…                                                          …“Đế-cung, vương điện tan tành,
Sắc không còn lại bức thành nằm trơ!”…

Trong bài “Kinh Nguyện Cầu” tưởng niệm hiền thê đã khuất núi 8 năm trước đó, thi sĩ viết:

 “Kinh cầu nguyện vang vang từ bốn cõi
Tiễn người đi về đất Phật Đại Từ
Tôi lặng lẽ cúi đầu nghe tiếng nói
Những điều hay, lẽ phải của Thiền Sư”…

Cụ Hà Bỉnh Trung đã quy y Tam Bảo với Pháp Danh “Nguyên Chí”. Vì lẽ đó để chấm dứt bài tưởng niệm này tôi xin dâng lời Cầu Nguyện cho Phật Tử NGUYÊN CHÍ HÀ BỈNH TRUNG, sau khi đã nhẹ nhàng thanh thản lìa bỏ xác tục trong có một hai ngày, Người lại sẽ thong dong tự tại ra đi vào cõi tịnh, sẽ vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

NGÔ TẰNG GIAO

(Bài đọc ở Lễ Tưởng Niệm văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung,
April 29. 2012, Virginia, USA)

 

VĂN THI HỮU VIẾT VỀ HÀ BỈNH TRUNG

     Nhận định về các hoạt động văn học và các tác phẩm Văn cũng như Thơ của cố văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhiều cây viết thân hữu của ông đã lên tiếng trong thời gian qua và được lần lượt ghi lại trong cuốn HÀ BỈNH TRUNG TUYỂN TẬP do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn xuất bản vào năm 2013 được trích dẫn như sau đây.

     Mở đầu tuyển tập luật sư NGÔ TẰNG GIAO cho rằng: “Thi sĩ Hà Bỉnh Trung thường được giới văn thơ mệnh danh là thi sĩ của tình yêu. Quả thật đúng vậy vì tình yêu trong thơ ông lúc nào cũng ‘chất ngất lên ngôi’ và trải rộng bao la trong nhiều lãnh vực. Thơ diễn tả đủ mọi trạng thái, mọi khía cạnh đời sống, cũng như mọi ý nghĩ, rung cảm sát với tình người.”… “Với một số lượng tác phẩm đồ sộ gồm cả Văn lẫn Thơ hoàn tất trong suốt cả một đời cầm bút miệt mài và chân thành chúng tôi thiết nghĩ cây bút Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.”

     Tiếp theo là biên khảo gia giáo sư PHẠM VĂN TUẤN phát biểu: “Tác giả Hà Bỉnh Trung là một nhà văn đã may mắn sống và làm nhân chứng trước các biến đổi thời cuộc trong hai thế kỷ, từ thời cực hữu phong kiến và quân chủ, qua thời cực tả cộng sản, và cũng là người được đào tạo theo căn bản quốc học cổ điển với nền triết lý đông phương, trải qua con đường đạo đức của một gia đình lớn, nho học và khoa bảng, hấp thụ nền tân học tây phương với nhiều năm sinh sống tại thủ đô Paris của nước Pháp. Cho nên những gì nhà văn Hà Bỉnh Trung viết ra, thường là những diễn tả các cảnh vật cũ, phong tục xưa mà tác giả cho là đẹp, là mang dấu ấn thời gian, mang màu sắc Phật Lão, Khổng Mạnh, lại lồng vào bên trong vài ý nghĩ phóng khoáng của phương tây.”… “Không kể tài năng về văn chương, bác Hà Bỉnh Trung còn là một văn nhân rất trầm tính, ôn hòa với mọi người, chỉ nói tốt cho người khác, đã giúp đỡ nhiều người mà không hề kể công, vì vậy tôi đã gọi Bác Hà Bỉnh Trung là ‘Người Quân Tử Cuối Cùng’, bởi vì vào thời gian này, rất khó mà kiếm ra được một ‘nhân vật’ tiếp theo.”

     Nhà văn nhà báo UYÊN THAO kế tiếp đó nói: “Thế giới văn chương Hà Bỉnh Trung là những cảnh đời của mọi thời đại, của con người dưới tác động thời gian và các biến cố lúc nào cũng có thể xảy ra, trong khi các nhân vật không dừng lại ở cảnh đời đang gặp mà tiếp tục sống với nỗ lực vươn tới”… “Hà Bỉnh Trung dấn bước vào những cảnh đời khó khăn để nhận diện nhiều trạng thái tâm tư, đồng thời để tìm câu trả lời chuẩn xác cho nỗi mong mỏi xây dựng một tương lai không còn sóng gió. Câu trả lời mà Hà Bỉnh Trung muốn đưa lại đã tạo nên màu sắc đặc thù cho nhân vật văn chương của ông…”

     Nhà thơ NHẤT TUẤN nhận định riêng về tập thơ “Khói Lửa”: “…điều đặc biệt mà tôi tìm thấy ở Hà Bỉnh Trung là thơ ông tràn đầy Tình Nhân Loại với tất cả sự rung động xót xa tột cùng của một trái tim thi sĩ mỗi khi ông đề cập đến đời sống hiền hòa của người vô tội, và Tình Yêu Của Tuổi Trẻ, những người đã bị mất mát và thiệt thòi quá nhiều trong cuộc chiến bao năm qua tại quê nhà và hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.”

     Cây viết LÊ VIẾT TRÂN, một chiến hữu, giới thiệu Hà Bỉnh Trung như một “người thơ võ bị” qua thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm”: “Về những nơi chốn mà tác giả đã đặt chân tới, thì trong suốt tập thơ, tác giả đã chứng tỏ cho người đọc là thơ đã được viết khắp cùng thiên hạ, từ trong đất nước Việt Nam đến những địa danh trên thế giới, trong cuộc hành trình của đời quân ngũ của ông. Ở đâu ông dừng chân là ở đó có thơ, đặc biệt là thơ yêu.”… “Một niên trưởng sau những quá khứ chiến chinh ngày xưa, giờ đây ngồi ôn lại những quãng đời yêu đương thơ mộng của mình để giãi bày những tâm sự chứa chan lãng mạn của một người chiến sĩ về hưu, dành lại những hăng hái ngày xưa cho thế hệ mai sau.”   

     Tiếp đó Giáo sư NGUYỄN NGỌC BÍCH khi đề cập tới thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm” cũng nói: “…ta có thể khẳng định mà không sợ nhầm lắm rằng thơ Hà Bỉnh Trung nằm trong ‘vũ trụ thơ tiền chiến’. Nhưng có lẽ vì anh may mắn nên ta ít thấy thơ của anh dày vò chung quanh những nét ‘ghen, hờn, giận’ mấy! Có lẽ nhờ vậy mà đọc thơ anh, ta không có cảm tưởng ‘ngộp thở u uất’ hay gặp một ‘loại tháp ngà lạnh buốt’ như chữ của Mai Thảo. Ta thấy nhẹ nhõm hơn vì có lẽ tình của anh, những mối tình của anh, đơn sơ hơn, bình dị hơn, không hề quằn quại, đau thương mấy.”… “Cũng giống thơ Xuân Diệu phần nào, thơ tình Hà Bỉnh Trung cũng có chất nhục tính, chất ‘sensualité’ - một khám phá lớn của thơ tình Việt Nam ở thế kỷ 20, một tính cách gần như không có trong thơ tình Việt Nam của những thế kỷ trước”… “Mặc dầu anh có, anh nhận được ra cái nhiệt tình, cái nồng độ của tình yêu trai gái, anh vẫn không dám - ít nhất trong thơ anh - đi xa hơn cái lễ nghi cho phép.”

     Nhà văn SƠN TÙNG khi đề cập tới thi phẩm “Yêu Mãi Ngàn Năm” thời cho rằng: “Có lẽ ‘tình yêu làm cho con người trẻ lâu’ thật nên nhà thơ Hà Bỉnh Trung năm nay đã 70 tuổi, mái tóc bạc trắng như tơ, nhưng dáng dấp vẫn như một người trung niên, và lái xe thể thao sang số tay.”... “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung đã làm thơ tình nửa thế kỷ trước đây, nay vẫn còn làm thơ tình và xuất bản thơ tình.”... “Tập thơ ‘Yêu Mãi Ngàn Năm’ cùa Hà Bỉnh Trung cũng chứng minh rằng trái tim thi nhân không bị già cỗi và chết ngộp trong sức ép của đời sống tôn thờ vật chất.”

     Chủ nhiệm nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là nhà văn LÊ THỊ NHỊ đưa ra những nhận xét: “Trong lúc sinh hoạt với nhà thơ Hà Bỉnh Trung, tôi nhận thấy ở ông có nhiều đức tính mà tôi rất khâm phục. Ông là một người lạc quan, hòa nhã, không bao giờ biết hờn giận ai, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác, dù người đó chỉ ở hàng con cháu của ông”... “Có thể nói, nhà thơ Hà Bỉnh Trung là một người rất có lòng với văn chương chữ nghĩa và các sinh hoạt của cộng đồng. Ông không chỉ nói suông, mà ông đã thể hiện tấm lòng đó bằng những hành động cụ thể. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung viết và làm thơ không ngừng nghỉ! Ông khuyến khích những người mới viết và coi mọi người như bạn.”… “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung cũng có cái may mắn là những việc ông làm, ông được sự yểm trợ đắc lực của hiền thê và các con của ông.”

     Nhà văn LÊ MỘNG HOÀNG cũng bộc lộ tình cảm mình và góp ý: “Tin bác từ trần như một cơn bão dữ thổi qua khu vườn Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật, ban biên tập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, đặc san Cỏ Thơm, và trong cộng đồng Việt Nam đặc biệt là các cụ Hội Cao Niên đã từng sinh hoạt với bác 4 năm liên tục lúc bác giữ chức vụ Hội Trưởng Hội Cao Niên.”… “Suốt mấy năm sinh hoạt với các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hà Bỉnh Trung, con chưa lần nào nghe bác to tiếng hoặc chỉ trích phê bình ai, lúc nào bác cũng từ tốn, nhỏ nhẹ, hoà nhã.”

     Nhà văn nhà thơ HỒNG THỦY nhận định: “Tuy bác lớn tuổi nhưng bác rất khoẻ, lưng vẫn thẳng băng, bước đi nhanh nhẹn. Dáng dấp hào hoa và quần áo lúc nào cũng đẹp đẽ chải chuốt. Tính tình bác rất trẻ trung, bác luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người”... “Tôi rất cảm phục bác vì tính bác rất rộng lượng, không hay chấp nhất. Bác luôn cho đám hậu sinh chúng tôi những lời khen thưởng khuyến khích, ít khi bác chê bai hay làm mất long ai”... “Bác là người thơ có trái tim trẻ mãi không già”... “Tình yêu thơ văn của bác gắn liền với tình yêu quê hương Việt Nam. Bác luôn luôn muốn bảo tồn văn hóa Việt. Bác đã thành lập Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn và sau đó có sáng kiến thành lập Nhà Việt Nam để làm trung tâm sinh hoạt cho người Việt Quốc gia ở vùng Thủ đô Hoa Kỳ.”

     Chủ bút nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là LINH VANG tâm sự: “Bác quý mến người cầm bút, không phân biệt già trẻ, bác ăn ở hiền hậu đúng là văn nhân thi sĩ chính hiệu. Bác đứng ra ngoài mọi phe nhóm dùng chữ nghĩa đánh phá nhau. Bác hay nói với tôi, đã bảo văn thơ là thú vui tao nhã, ai lại dùng để chửi nhau. Tôi chịu ảnh hưởng văn thơ của bác nên văn chương chữ nghĩa của tôi cũng rất hiền, hiền kiểu Đôi bạn, Hồn Bướm Mơ Tiên”... “Điều làm tôi cảm động và kính mến bác nhất là bác luôn luôn đối xử với tôi như là một bạn văn, dù tôi kém tuổi hơn bác rất nhiều, dù sự nghiệp viết lách của tôi cũng còn non trẻ, thua bác xa lắc.”

     Cuối cùng là nhà thơ ĐĂNG NGUYÊN (nay là Chủ Tịch Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ) nói: “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung rất yêu đời. Cụ có cuộc sống giản dị, thanh thản, hài hòa với mọi người, nên được nhiều người yêu mến”... “Cụ nhìn đời khá lạc quan”... “Giữa mùa Xuân hải ngoại, nhiều người nhìn đời u ám, nhìn mùa Xuân bi thương, nhìn tình yêu đầy trắc trở, bội bạc, thì cụ Hà với tuổi bát tuần vẫn yêu Xuân, yêu đời, yêu người tha thiết như tuổi đôi mươi”... “Hình ảnh Cố Chủ Tịch Hà Bỉnh Trung vẫn còn mãi mãi trong lòng hội viên Hội Cao Niên và các thi văn hữu trong vùng Hoa Thịnh Đốn.”

     Hai người cháu ruột cao niên của văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung cũng góp mặt trong cuối phần 1 Tuyển Tập. Nhà thơ ĐỖ LANG (Đỗ Hữu Tước) ghi mấy vần thơ nhân kỷ niệm sinh hoạt 60 năm của chú mình:

     ...“Thi tứ mượt mà tình với lụy

         Văn chương chải chuốt mộng cùng mơ

         Da mồi nhưng trí còn minh mẫn

         Tóc bạc mà lòng vẫn ngẩn ngơ”...

     Nhà văn ĐIỀN HƯƠNG (Đỗ Tài Trường) khi nhớ về những kỷ niệm với cậu ruột thân yêu của mình đã phát biểu: “Ở tuổi cửu tuần tuy chưa tới bách tuế nhưng nếu người còn ở lại tôi tin rằng sẽ còn nhiều thơ sáng tác có giá trị thêm nữa, nhưng dù sao cũng tự an ủi là cậu đã ra đi rất nhẹ nhàng không hề vướng bận cho con cháu và người thân.”... “...tưởng nhớ người cậu hiền hòa kiến thức rộng rãi, ôn tồn với mọi người, một con người nhân hậu đáng trân quý không còn trên thế gian.”

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, tháng 4 năm 2014)

 

THƠ HÀ BỈNH TRUNG

FAREWELL, MY LOVE!

To My Beloved Departed Wife

 

You’ve gone! The sky is dark and dreary

You’ve really gone! The snow is all over.

The wet wind’s weeping for a grey winter

Is it really weeping or taking pity on me?

 

Where are you going from your deathbed

And leaving me in deep sorrow

Life’s still intact, though winter is dead,

The sky is quite high, and the earth’s quite low.

 

My eyes are dried ‘cause my tears ran dry

Since I spend time to weep.

Although in life there are changes and a good cry

Permanent our love is still deep.

 

Why were they so fleeting the days we were lovers?

You leaned on my shoulder and read poetry.

We, on the beach, were counting over and over

Waves, clouds, stars, and even trees.

 

Time’s gone by, our love followed its way

For two centuries (*) without being distorted.

I know that our love will remain always

Noble and long although life is short.

 

You’ve really gone with a smile of bliss.

I’m weeping when looking at you.

Farewell, my love! Have a parting kiss

Go, go your way! Make your life anew.

 

February 3, 2004

 

(*) From 1944 (Twentieth Century)

to 2004 (Twenty-first Century)

Ha Binh Trung

VĨNH BIỆT, TÌNH ANH!

 Tặng Hiền Thê Đã Qua Đời

 

Em đi! Sầu thảm đất trời

Em đi, đi thật! Tuyết rơi khắp vùng

Gió mưa than vãn lạnh lùng

Khóc Đông u ám hay thương thân này?

 

Em đi về chốn nào đây

Để anh buồn tủi dâng đầy tim côi

Đông tàn, đời vẫn lặng trôi

Trời cao, cao vút, đất thời thẳm sâu.

 

Mắt anh khô cạn dòng châu

Sau bao ngày nhỏ lệ sầu chứa chan

Dù đời xáo trộn, khóc than

Tình ta vẫn mãi vô vàn thiết tha.

 

Ngày âu yếm sao sớm qua?

Đọc thơ, em khẽ dựa bờ vai anh.

Mình từng trên biển đếm quanh

Mây trôi, sao lạc, sóng xanh, cây ngàn.

 

Tình ta theo với thời gian

Qua hai thế kỷ (*) vẹn toàn yêu thương

Luôn cao quý, mãi ngát hương

Đời dù ngắn ngủi, tình trường không phai.

 

Em đi! Thanh thản nụ cười

Nhìn em anh ứa lệ nơi mắt buồn

Vĩnh biệt Em! Gửi nụ hôn

Em qua đời mới. Linh hồn thảnh thơi!

 

Tháng Hai 3, 2004

 

(*) Từ 1944 (Thế Kỷ Hai Mươi)

tới 2004 (Thế Kỷ Hai Mươi Mốt)

Ngô Tằng Giao

chuyển ngữ

 

Tôi đi mổ tim

Nguyễn Đức Trọng

Lưu ý: Bài viết chỉ nhằm chia sẻ một kinh nghiệm để đời khó mà quên, cùng góc độ nhìn chứ không nhằm chữa bệnh.

Ngày đi mổ, giờ hẹn là 7 giờ sáng nhưng bệnh viện yêu cầu đến sớm hai tiếng để làm thủ tục. Kết quả là phải để đồng hô báo thức lúc 3 giờ sáng hầu có đủ thời giờ mà tập thể dục, tắm xà phòng như bác sĩ mổ yêu cầu, không sức dầu thơm, không xoa kem dưỡng da, rồi xoa “antibiotic ointment” trên môi và trong mũi trước khi rời nhà, v.v. Nhóm bác sĩ mổ tim của bệnh viện Inova Fairfax Hospital đã viết xuống giấy, dặn dò cẩn thận mọi chuyện cũng như đưa cho một quyển cẩm nang để bệnh nhân và người nhà an tâm trong ca mổ, cũng như hiểu rõ mọi giai đoạn từ các chứng bệnh về tim, việc chữa trị, thời gian bình phục, thực đơn nên theo sau khi mổ, xác suất khỏi bệnh, xác suất tử vong, v.v.

Bệnh viện yêu cầu có ít nhất một thân nhân đi theo để có gì còn làm quyết định thay cho bệnh nhân. Phần tôi chỉ có cô hàng xóm đi theo, những bệnh nhân khác được cả ba, bốn người đi tháp tùng cho lên tinh thần. Tôi không lo lắng với kết quả vụ mổ vì đã chấp nhận, nhưng cô hàng xóm chắc chắn là lo đến mất ăn mất ngủ cả tháng qua, vì tôi từ chối không chịu đi mổ liền sau khi bác sĩ khám phá là tôi bị nghẹt 100% trên hai mạch chính (main artery) đưa máu trở về tim. Chưa kể vẫn đi du lịch, dù bác sĩ khuyên ở nhà. Mạch bên phải quả tim bị nghẹt làm thiếu máu cung cấp cho hai lá phổi và đó là lý do hay bị ho, sưng phổi, bị ách xì mổi khi khí hậu thay đổi, hơn xa một người bình thường. Bên trái mạch trước quả tim bị nghẹt khiến toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng.

Sau khi làm các thủ tục giấy tờ xác định tôi đúng là bệnh nhân của ca mổ tim, tôi được cho vào ngồi trong phòng chờ để y tá cân đo và hỏi đủ mọi chuyện liên quan đến sức khỏe. Các bác sĩ, y tá trong nhóm mổ lần lượt xuất hiện và đến bắt tay cùng tự giới thiệu. Bác sĩ trưởng nhóm mổ thông báo cho biết là với các hình chụp quang tuyến mới nhất, chụp hai ngày trước, cho thấy là ngoài chuyện hai mạch máu bị nghẹt, quả tim của tôi lại có một bọc trắng chứa nước khá to nằm che phía trước. Do đó trước khi làm câu dẫn cho hai mạch máu bị nghẹt, một bác sĩ tim khác sẽ phải cắt và lấy đi cái bọc trắng đó (heart cysts). Thời gian mất thêm cho vụ mổ có thể là 15 phút. Hỏi ra mới biết là cái bọc trắng đó là do bẩm sinh, không phải ai cũng có. Nếu không có vụ mổ tim, bác sĩ có thể chỉ châm kim vào và rút nước trong bọc ra là xong. Nay nhân ngực được mở, bác sĩ sẽ cắt bỏ cái bọc đó luôn và thử nghiệm xem có bị ung thư hay nhiểm trùng gì chăng.

Tôi chỉ nhớ đến đây với câu chuyện chờ đợi mổ vào buổi sáng. Khi mở mắt ra thì thấy cô hàng xóm đang đứng trước mặt và quơ tay qua lại hỏi tôi có biết ai đây không. Tôi tức cười quá bảo là cô chứ ai. Sau đó y tá xuất hiện cho biết là ca mổ của tôi đã xong với kết quả rất tốt, cho biết là tôi đang ở phòng hồi sinh (ICU), rồi hỏi tên tôi với ngày sinh, và có biết là tôi đang ở đâu không. Đây là họ muốn kiểm lại là trí nhớ của tôi có bị ảnh hưởng chi không với thuốc mê trong vụ mổ. Thấy tôi trã lời rõ ràng mọi câu hỏi, họ an tâm cho tôi nước uống, đắp thêm mền ấm như tôi yêu cầu. Họ cho biết là nếu tình trạng tiến triển khả quan, tôi sẽ được chuyển ra phòng bình thường nhưng rộng hơn vào tối nay.  Phòng ICU thì một y tá trông nom cho một bệnh nhân 24/24, ngoài phòng thường thì một y tá trung bình trông 6 bệnh nhân hay hơn.  Để theo dõi tình trạng bệnh nhân mới mổ, tôi sẽ phải nhịn ăn cho đến sáng mai, uống nước thì được. Vì thấy tôi đã tỉnh, không có quờ quạng chi, nên hai bàn tay của tôi được tự do, không bị buộc chặt xuống giường như vài bệnh nhân khác. Họ chỉ yêu cầu tôi nằm yên tại chổ, cần chi thì bấm nút gọi y tá, ngay cả chuyện tiêu tiểu.

Cô hàng xóm tiếp lời cho biết là tôi được đưa vào phòng mổ lúc 7 giờ hơn chút, và đến 10 giờ 30 thì cô y tá trong phòng mổ gọi ra cho biết là ca mổ thành công, chỉ mất có tổng cộng ba tiếng rưỡi, thay vì từ 4 đến 6 tiếng như dự tính. Họ sẽ đưa tôi ra phòng ICU, sau khi đóng lại vết mổ và lau chùi sạch sẽ. Hỏi tôi cảm thấy thế nào, tôi cho biết là ngực thì hơi đau nhưng không đến nổi phải la làng, chỉ có hơi khó chịu vì thấy ống cắm đầy người cùng các vết băng. Cô y tá cười và cho biết là tôi phải chịu như vậy trong những ngày ở bệnh viện chờ hồi phục. Nhưng sẽ được tháo bỏ ra từ từ trong vài ngày sắp tới.

Nhân dịp cô y tá rảnh rang và trông cô vui vẻ trã lời các câu hỏi, tôi bèn hỏi thăm về từng vết băng trên người cùng những giây ống hiện đang nối đầy người. Nhờ vậy tôi mới liên kết được việc mổ tim của tôi, cũng như ý nghĩa của của chữ “open heart surgery” là thế nào. Khi một mạch máu của tim bị nghẹt, nếu chỉ nghẹt từ 40 đến 60% thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc loảng máu và trợ tim, cùng khuyến cáo cải thiện việc ăn uống như ăn ít đi, bớt lượng thịt đỏ, dầu mở, v.v. Nếu nghẹt từ 60% đến 80%, thì khi làm soi tim thử nghiệm, bác sĩ sẽ bơm bong bóng làm thông nơi bị nghẹt và sau đó đặt vào một vòng xoắn (stent) hầu giúp mạch máu nơi đó vững chắc hơn. Còn nếu mạch máu bị nghẹt từ 80% đến 100% thì phương pháp chữa trị duy nhất hiện nay được hiệp hội y khoa chấp nhận là dùng 1 tỉnh mạch khác trong người để câu dẫn cho máu đi vòng qua chổ bị nghẹt (by-pass surgery).

Xin mở ngoặc ở đây để nói về một phương pháp mới làm thông mạch tim dù đã bị nghẹt 100%. Phương pháp mới này do trường đại học y khoa Boston đề xướng. Họ chuyền vào máu một loại thuốc làm mềm phần bị nghẹt. Sau đó dùng các dụng cụ thông tim đi đến nơi bị nghẹt và dùng một mũi khoan xuyên qua, rồi rút các chất dơ làm nghẹt ra khỏi mạch máu. Sau đó chỉ việc đặt vòng xoắn (stent) vào đó là xong.  Một bệnh viện vùng Florida đã thử nghiệm và thành công với 6 bệnh nhân, nhưng khổ cái là phương pháp này vẫn chưa được chuẩn nhận với hội y khoa Hoa Kỳ. Mà chạy đi xuống Florida xin được làm vật thí nghiệm với phương pháp này cũng quá khó khăn cho một người ớ xa, nên tôi chào thua.

Nếu nơi bị nghẹt nằm ở trên một mạch không quan trọng, ví dụ như chỉ một hoặc hai nơi ở mạch bên phải, bác sĩ giải phẩu có thế áp dụng phương pháp giải phẩu vi tiểu để câu thông mạch máu bằng nhưng dụng cụ thật nhỏ đi kèm với thâu hình. Trong trường hợp này, bác sĩ không cần cắt mở lồng ngực bệnh nhân, không cần cho tim phổi ngừng đập, mà chỉ cần soi ba hay bốn lổ nhỏ chung quanh khu vực tim bị nghẹt mà thôi. Như vậy thời gian vết mổ được lành và sức khỏe phục hồi sẽ thật nhanh.

Trường hợp của tôi vì hai nơi bị nghẹt đều năm trên mạch chính, một bên phải và một bên trái, bác sĩ cho biết là không thể nào áp dụng giải phẩu vi tiểu được mà phải áp dụng phương pháp thông thường là họ sẽ cưa xương giữa hai lồng ngực, rồi banh ra (giống như chúng ta đội chiếc xe lên lúc thay bánh xe vậy), để có thể thấy quả tim rõ ràng. Sau đó, máu sẽ được rút hết ra cho vào một bình chứa, cùng lúc các mạch máu trong người sẽ được nối vào một cái máy “heart and lung machine” sẽ bơm một dung dịch thay thế máu và khí oxy nuôi dưỡng các bộ phận khác trong người như bộ óc, thận, gan, v.v. Còn quả tim và phổi thì được cho nằm yên để bác sĩ dùng một tỉnh mạch cắt dưới chân đem lên để câu thông qua nơi bị kẹt. Nhờ có cái máy “heart and lung machine” này, cùng việc để quả tim và phổi bất động, việc câu thông mạch máu của quả tim trở nên dễ dàng, ít có tai nạn xãy ra bất ngờ đưa đến chuyện xuất huyết, kích tim, đứt mạch máu não, v.v. và đưa đến tử vong. Đó là chưa kể việc gây mê đã được dùng một liều nhẹ hơn và liên tục thẳng vào máu, thay vì một lần thật nhiều khi bắt đâu mổ rôi thôi, đã khiến nhiều bệnh nhân yếu trong người đã ngủ luôn không dậy nữa. Mặc dù bác sĩ mổ cho biết xác suất tử vong là 1%, nhưng theo thống kê thì con số đó thấp hơn nhiều. Có thể còn thấp hơn một phần ngàn.

Sau khi đã làm xong việc câu dẫn mạch máu, dung dịch nước biển cùng các ống nối trên người bệnh nhân sẽ được rút ra. Máu sẽ cho chạy vào trở lại. Tim và phổi sẽ được kích thích cho đập trở lại từ từ như bình thường. Khung xương lồng ngực được cho về lại vị trí cũ, bác sĩ sẽ dùng một sợi dây kim loại để nối sát hai khung xương lại với nhau, cùng dùng một loại keo đặc biệt giữ chặt hai khung xương và kích thích xương tăng trưởng cho mau lành. Sợi dây kim loại này (sternal wires) không có phản ứng với máy báo động nơi kiểm soát an ninh ở phi trường, vậy các bạn đừng lo nha. 🙂

Nhìn vết mổ nơi ngực dài chừng 20cm, tôi thấy cũng hơi ớn, nhưng lạ là không thấy vết may hay băng lại gì hết. Cô y tá cho biết vết may nằm ở bên trong nên không tạo thành vết sẹo lớn như trước. Ngoài ra, nhờ môi trường trong bệnh viện trong sạch, vết thương không cần băng lại và như vậy sẽ mau lành hơn. Bên dưới vết mổ, tôi thấy có ba cái ống đường kính chừng 15mm đi vào trong người, cô y tá cho biết đó là ba ống hút giúp đưa ra ngoài những huyết dịch, huyết tương chảy ra từ các vết mổ, cắt vá bên trong người. Ba cái ống này thật làm phiền tôi, vì vướng chúng bệnh nhân không thể nào hít vào cho đầy phổi, hoặc thở bụng nếu muốn. Nhìn thấy ống câu thông nước tiểu, cô y tá cho biết đó là thủ tục bình thường để tránh bệnh nhân đái văng tung tóe trong phòng mổ, trong lúc ai nấy đều bận không có thời giờ lau chùi. Ống thông nước tiểu này sẽ được rút ra vào hôm sau, bệnh nhân cần uống nước cho thật nhiều để có thể đi tiểu trở lại như bình thường trong vòng 6 tiếng, vì nếu không họ sẽ gắn trở lại và uống thuốc thông tiểu thêm vài ngày nữa.

Ngày thứ nhất sau khi mổ, tôi chỉ nằm trên giường và không được ăn gì. Qua ngày thứ hai, họ bắt đầu cho ăn nhẹ, và bắt tôi phải ra ghế ngồi,  cùng khuyến khích đi bộ chung quanh tầng lầu. Ngày thứ ba, họ chỉ cách leo thang lầu sao cho an toàn, và gia tăng số vòng đi bộ, cùng lúc ăn uống nhiều hơn. Chiều tối ngày thứ tư, y tá làm thủ tục cho tôi về lại nhà, sau khi giúp tôi tắm rửa và chỉ dẫn cách lau chùi các vết mổ khi về nhà. Tôi phải tắm và lau chùi các vết thương mỗi ngày một lần. Các khăn lau và quần áo đều phải thay mới hàng ngày. Hôm cuối, có nhân viên thể dục (physical therapist) vào chỉ dẫn tôi cách tập thể dục giới hạn khi phải nằm trên giường.

Khi đang viết bài này, tôi đã về nhà được 6 tuần, xin viết tóm tắt để chia sẻ kinh nghiệm qua thời gian hồi phục.

Sau khi mổ tim, chắc chắn là ai cũng được khuyến cáo là cần phải theo cách ăn uống cho một quả tim tốt lành (Healthy Heart Diet), và phải uống kèm vài thứ thuốc như thuốc loảng máu (Aspirin 81mg chẳng hạn), thuốc điều hòa máu, thuốc tan mở, v.v. Sau một thời gian, tùy theo tình trạng tiến triển của bệnh nhân, các loại thuốc này được giảm hoặc bỏ hẳn.

Tuân lễ đầu tiên về nhà, chắc chắn rất là khó khăn cho bệnh nhân vì cử động chi cũng đều làm đau ngực, mặc quần áo cũng khó, làm bếp cũng không xong, khiêng vật chi nặng hơn 3 pounds cũng không cho, v.v.  Cho nên việc cần người thân, hay thuê người phụ giúp, hay vào ở trong Rehab Center là điều cần thiết.

Từ tuần thứ hai trở đi là đở hơn vì đã quen dần, nhưng bệnh nhân cũng cần tránh việc khiêng nặng, các hoạt động nặng nề như cắt cỏ , làm vườn, v.v.

Sau khi mổ tim, việc tập thể dục cũng bị giới hạn, các bác sĩ tim cũng như như các chuyên viên thể dục đều khuyến cáo bệnh nhân nên đi bộ càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày từ 2 đến 3 dặm (3 đến 5km). Dĩ nhiên đi dưới trời nắng ấm thì càng tốt hơn nữa.

Đối với cá nhân tôi, việc ăn uống kiêng khem, làm việc và tập thể dục bị giới hạn cũng không có chi khó khăn. Việc duy nhất làm tôi mệt nhất là chuyện chỉ được nằm ngữa mà ngủ. Bác sĩ khuyến cáo là không nên nằm nghiêng, lý do là cần chờ cho hai khung xương sườn lành lặn trở lại. Việc trở mình, khiêng nặng có thể sẽ làm cho hai khung xương bị lệch, cần phải điều chỉnh, và làm thời gian phục hồi lâu hơn. Mà thời gian cần thiết cho hai khung xương nối liền trở lại là từ 6 đến 12 tuần. Mỗi tối nhiều khi tôi chỉ ngủ được hai hay ba tiếng rồi thức luôn, vì nằm nhiều quá nóng lưng còn khổ hơn. Để qua thời giờ, tôi quay ra tập Thiền, hay đi bộ vòng quanh trong phòng. Thật khổ cho ai phải ngủ cùng phòng. Ngoài ra, thuốc gây mê Anesthesia đôi khi làm cho bệnh nhân cảm thấy lạnh hay nóng bất thường, ngược lại với thời tiết, và việc này có thế kéo dài từ một đến hai tháng.

Do việc khung xương sườn cần ít nhất là từ 6 đến 12 tuầm mới lành lặn, bác sĩ mổ tìm khuyên bệnh nhân không nên lái xe trong vòng 6 tuần. Mỗi khi đi đâu thì chỉ nên ngồi ở băng ghế sau. Lý do là khung xương ngực còn yếu, mà lỡ có tai nạn xe cộ xảy ra cái túi hơi (airbag) bung ra có thể đập mạnh vào ngực làm cho khung xương bị lệch dễ dàng.

Việc xuống cân chắc chắn là không tránh khỏi đối với những người hơi nặng cân. Nhất là khi áp dụng cách ăn theo đề nghị Healthy Heart Diet, cùng lúc uống thuốc tiêu mở. Đến nay tôi đã sụt 20 pounds, sau 6 tuần. Còn một người giám đốc trong sở của tôi đã sụt tổng cộng là 35 pounds. Ông ta đã cảm thấy khỏe hơn thật nhiều so với trước, làm việc dai sức hơn, v.v.

Chắc các bạn cũng hiếu kỳ muốn biết phí tổn của việc mổ tim này là bao nhiêu. Ba tuần sau khi về nhà, tôi nhận được bản báo cáo của hãng bảo hiểm cho biết phí tổn mà họ đã thanh toán với nhà thương là $70,000.  Tôi và bạn hữu đều ngạc nhiên là sao rẻ quá. Vì so với vài người quen cũng mổ tim ở Cali, phí tổn đã gần gấp ba. Đây là không tính các chi phí đến việc soi tim trước đó. Dĩ nhiên phí tổn cho việc cấp cứu một người bị kích tim (heart attack) cần xe cứu cấp chở vào bệnh viện, rồi phải làm soi tim, rồi tìm một nhóm bác sĩ tim làm ca mổ khẩn cấp, tổng số tiền chắc chắn là vượt qua con số $100,000 dễ dàng. Tùy theo bảo hiểm sức khỏe mà mổi người đã chọn, bệnh nhân đôi khi chỉ phải trã 10%, 20%, hay 50% tổng số phí tổn.

Vài dòng chia sẻ tin tức về vụ mổ tim cùng các bạn, cầu mong mọi người đều dồi dào sức khỏe, không phải trãi qua một cuộc giải phẩu tim như tôi.  Mà nếu có, thì cũng không có chi quá lo.
Nguyễn Đức Trọng
Virginia, 12/12/2016

Căn bịnh … bỏ quên

Nguyễn Đức Trọng

Giong bác sĩ B. thật trong và rõ ràng “Kết quả của việc soi tim cho thấy hai trong ba mạch máu chính đưa máu về tim của ông đã bị nghẹt 100%.  Để chữa trị tình trạng này, chúng tôi đề nghị là cần giải phẫu tim để câu thông hai mạch máu này”.

Dù y tá lúc này đã chỉ cho tôi hai chổ bị nghẹt trên đó hình, tôi vẫn muốn biết thêm là nguyên nhân vì đâu tôi vẫn không cảm thấy chị sức khỏe thay đổi, ngoài chuyện bị rang ngực mỗi khi đi bộ nhanh hoặc lên dốc sau khi ăn.

Bà bác sĩ B. cho biết là do nhờ mạch máu bên trái còn lại hoạt động tốt nên tạm bơm đủ máu với oxy cho các cơ tạng.  Ngoài ra, nhờ trái tim tự động tạo vài đường nối nhỏ li ti, câu dẫn qua hai nơi bị kẹt nên tôi chưa cảm thấy khác biệt bao nhiêu.

Bác sĩ B. giải thích thêm là nếu mạch máu chỉ bị nghẹt 60% đến 80%, bà có thể dùng bong bóng làm thông nơi bị nghẹt và sau đó gắn “stent” vào giúp cho mạch máu nơi bị nghẹt vững chắc hơn.  Nhưng khi bị nghẹt trên 90% thì phải nối mạch máu để câu vòng qua nơi bị nghẹt (heart by-pass surgery).

“Với tình trạng như vậy, còn có giải pháp khác không? Trong tương lai có còn bị kẹt nữa không?”

Bác sĩ B. cười trả lời là việc câu nối mạch máu bên ngoài chỉ là cách giải quyết tình trạng hiện tại mà thôi, không bảo đảm chuyện lại có thể bị nghẹt mạch máu trong tương tương lai.  Đó là chưa kể việc tôi phải uống thuốc giúp máu lưu thông điều hoà hơn suốt đời.  Nghe câu trả lời là phải uống thuốc suốt đời làm tôi nản quá chừng.  Ráng hỏi thêm một câu nữa “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không chịu giải phẫu, và cố gắng thay đổi cách ăn, cũng như sinh hoạt”.  Bác sĩ B. kiên nhẫn trả lời “Tim của ông hiện tại vẫn hoạt động tốt, sức khỏe của ông vẫn bình thường, việc thay đổi ăn uống, sinh hoạt chỉ là giúp các mạch máu còn lại không bị nghẹt.  Dù vậy, hai mạch máu bị nghẹt vẫn không thể nào tự thông trở lại.  Trong tương lai nếu có bị kích tim (heart attack) thì đó sẽ là một trận kích tim thật nặng (major heart attack).”

Việc phải làm quyết định mổ hay không mổ, đúng là khổ cho chúng tôi.  Bác sĩ thì muốn thực hiện càng sớm càng tốt, trong vòng vài tuần.   Chúng tôi xin phép được thảo luận riêng với nhau trước khi trả lời . Để chúng tôi có thể cân nhắc kỹ hơn, bác sĩ B. cho biết là theo thông kê trước nay, sác xuất tử vong của việc mổ tim câu dẫn mạch máu là rất nhỏ, chỉ có 1%. Sác xuất người bệnh cảm thấy khoẻ và tốt hơn sau khi mổ là 95%.

Thật tội nghiệp cho cô hàng xóm phải bỏ làm đi theo tôi và ngồi nghe những tin tức không tốt lắm về sức khỏe của tôi.  Vừa mệt mỏi, nhức đầu về sức khỏe của bà già, sức khỏe của chính bản thân, nay lại phải gánh thêm viễn vọng không khá được về chữa trị, thời gian hồi phục cho trái tim không ngủ yên của tôi.

***
Chuyện bị rang ngực, làm soi tim, khám phá bị nghẹt hai mạch máu xảy ra chừng hai tháng nay, vừa làm tôi mệt với những buổi hẹn đi gặp bác sĩ, làm thử nghiệm, v.v. Đó là chưa kể tìm đọc qua Internet, sách vở về hoạt động của quả tim, cách ăn uống đểtránh mạch máu bị nghẹt có thể dẫn đến việc bị kích tim (heart attack), xuất huyết não (stroke), chân cẳng tê liệt, v.v.  Tôi cũng có dịp hồi tưởng lại suốt quá trình cuộc sống của mình đã qua, nhất là từ ngày bước vào ngưỡng cửa trung học.

Từ ngày con nhỏ, tôi ăn uống rất nhiều kẹo bánh đủ thứ hết, nhưng lại rất ít ăn rau cỏ.  Mãi đến học lớp Đệ Tam, mới nhận sự sai lầm, tôi mới bắt đầu tập ăn nhiều rau cỏ hơn.  Một phần vì hoạt động, thể dục nhiều, tôi vẫn chưa bỏ được thói quen ăn uống nhiều, thường là gấp đôi thiên hạ.

Lúc ở Đà Lạt, theo học CTKD, tôi đã cảm thấy ngực bị rang khi phải đi bộ trở về nhà, hay leo dốc từ đường Phan Đình Phùng lên đường Hàm Nghi nơi nhà thờ Tin Lành, sau những bữa cơm tháng từ quán Bà Duyên.  Đoạn đường dốc này chỉ cao chừng 15-20m, nhưng tôi phải đứng nghỉ ít ra là hai lần, nữa chừng và đầu dốc, cho tim đập lại bình thường.  Hôm nào may lắm thì gặp anh bạn Đoàn Đình Hồng và ông Trung Úy Thành làm ở Toà Tỉnh ăn chung.  Sau đó là được ông Thành cho đi ké xe Jeep về nhà.  Con chuyện đi hai đoạn đường dốc liên tục từ đường Phan Đình Phùng băng lên Hàm Nghi, rồi từ Hàm Nghi leo dốc chùa Linh Sơn lên đường Võ Tánh là tui tránh. Suốt 4 năm học, tui chỉ dám đi bộ một lần duy nhất đoạn đường này rồi thôi.

Vì thấy tôi bị rang ngực mỗi khi leo dốc sau bữa ăn, bà má nuôi liền kéo tôi đi gặp bác sĩ Cát, một chuyên gia về mắt và tim ở Saigon, để thử nghiệm “điện tâm đồ” cũng giống như làm “stress test” bây giờ ở Mỹ. Bác sĩ Cát cho biết là tôi có vấn đề với tim và chỉ khuyên là tôi cần ăn uống kỹ lưỡng hơn, cũng như cần tập thể dục thường xuyên.  Ông chẳng cho uống thuốc gì cả. Năm sau 1974, nghe tiếng bác sĩ Võ Sum, tôi đến để ông khám và cho ý kiến.  Ông bảo tôi chạy thử tại chỗ trong 5 phút, khám tim và đo áp huyết cẩn thận.  Ông cho biết là dù tim có kém hơn bình thường, nhưng nếu tôi điều độ và tập thể dục thường xuyên sẽ không có vấn đề. Nghe thế là tôi hân hoan ra về, nghĩ rằng chuyện tập thể dục là không có gì phải lo vì tôi thường tập thể dục nhiều hơn ai hết, còn chuyện ăn uống thì cố gắng ăn nhiều rau hơn là xong.

Rồi cơn bảo dữ với làn “sóng đỏ” tràn ngập miền Nam VN đã làm tôi trôi giạt nửa vòng trái đất.  Mãi lo làm việc, kiếm sống, lâu lâu rảnh thì lang thang đó đây, tôi quên bẵng và không còn nhớ đến chuyện rang ngực hay đau tim gì hết.

Bây giờ ngồi nhìn lại mình và các tài liệu, tôi mới nhận ra lý do tại sao tôi dễ thấm cái lạnh hơn người khác.  Đó là vì cái mạch tim chính bên phải bị yếu hay bị nghẹt, nó là nguồn cung cấp máu giàu khí oxy cho hai lá phổi.  Những khi vô ý, tôi thường hay bị sưng cuống phổi vào mùa thu, mùa đông và ho dai dẳng cả vài tuần mới hết. Mạch máu chính bên trái của tim, chia ra làm hai, và hai nhánh này cung cấp cho tất cả mọi nơi trong cơ thể.  Hiện tại thì nhánh bên phải chạy phía trước quả tim bị nghẹt.  Tóm lại là số lượng máu cung cấp cho quả tim hiện tại của tôi chỉ đạt tối đa là từ 40% đến 60%.  Có thể đây cũng là lý do tôi thường chậm chạp trong mọi chuyện, từ cách suy nghĩ, phản ứng, và làm việc.  Cô hàng xóm khi nghe tôi phân tích các chuyện này, nàng cười và phán “… đây là tại ông yêu nhiều quá nên tim mới ra cớ sự!”

Chuyện nghẹt mạch máu dù đa số là do việc ăn uống, các chất dơ trong máu hội tụ lại với nhau, rồi đóng lên thành vách và làm nghẽn sự lưu thông của máu. Ngày còn trẻ, sức khỏe dồi dào, chúng ta lướt qua dễ dàng. Đến khi lớn tuổi, mạch máu trở nên cứng dòn, nhỏ lại, thì việc bị nghẹt rất dễ xảy ra.  Mạch máu cũng có thể bị nghẹt do sự thay đổi về thời tiết, như từ trong nhà nóng đi ra ngoài trời lạnh, hay từ nơi có máy điều hòa đi ra và gặp cái nóng gay gắt bên ngoài.  Hoặc trong lúc tắm chẳng hạn, sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh đã làm mạch máu thắt lại bất ngờ và không có người biết mà báo động để cứu cấp. Tôi đã có vài người quen lăn đùng ra chết sau vài hiệp đánh tennis, đang làm vườn ngoài sân, hoặc trong giấc ngủ.  Ngoài ra sự thay đổi đột ngột về cảm xúc cũng có thể làm mạch máu thắt lại đưa đến kích tim, như gặp chuyện quá vui hay quá buồn. Từ ngày còn nhỏ, tôi để ý mỗi lần đọc truyện hay xem phim đến đoạn quá vui hay quá buồn là tôi nghẹn lời, không nói được, hay lạc giọng. Những lúc như vậy, tôi thường nhắm mắt, hít thở vài hơi chậm và sâu, giọng nói mới trở lại như bình thường.  Do đó tôi rất ngại khi phải tranh luận với ai về bất cứ vấn đề gì.

Theo thống kê mới nhất của Mỹ, số người chết hàng năm do những chứng bệnh liên quan đến tim là 25% trong tổng số.  Có nghĩa là cứ bốn người chết thì có một người chết vì bệnh liên quan về tim.  Đọc thấy cũng dễ sợ thiệt!

Từ nhỏ tôi đã ngại các chuyện mổ xẻ, lúc nào cũng có gắng tự chữa bệnh qua cách tập thể dục đều đặn, ăn nhiều rau cỏ, lâu lâu lại làm thanh lọc, v.v. Đã vượt qua đoạn đường dài hơn 40 năm, không ngờ này lại vướng phải cái màn nghẹt mạch máu. Trước khi làm soi tim, tôi chỉ mong là nghẹt sơ sơ để có thể đặt “stent” vào, nhưng không ngờ là đã nghẹt cứng. Cách giải quyết hiện nay tại những bệnh viện đều là đề nghị làm “heart by-pass surgery”, không còn lựa chọn nào khác.

Trong thời gian một năm gần đây, trường đại học Boston đã nghĩ đến một phương pháp uống thuốc làm mềm cục máu đông vào ngày hôm trước, ngày hôm sau sẽ cho đường giây soi tim hút bớt phần nào cục màu đông trước khi đi xuyên qua, rồi hút hết phấn màu đông còn lại, rồi đặt “stent” vào đó.  Họ đã thử nghiệm thành công vào tháng 4/2016 với 6 bệnh nhân, và hình như hiện nay chỉ có một bệnh viện vùng vịnh Mexico thuộc tiểu bang Florida được phép của FDA thực hiện các cuộc phẫu thuật loại này.

Mỗi người có một lối sống, một cách nhìn khác nhau, nên cùng sự việc mọi người lại có một ý kiến khác nhau.  Chẳng ai giống ai, và ai cũng có cái lý của mình. Tôi có mấy đứa em họ và người quen, đã ra đi lúc đang ngủ do bị kích tim và xuất huyết não, người thân còn sống kẻ thì than buồn, kẻ thì phán là sao nó sướng quá, ra đi mà chẳng phải bị đau đớn, hành hạ trên giường bệnh như nhiều người khác đã bị tê liệt cả nữa người bên dưới, sống khổ sở cả năm trời mới được chết, và làm khổ luôn cả mọi người chung quanh. Có ông bạn già sau khi mổ tim, làm 5 đường nối, làm xong thì than quá trời, đi đâu xa cũng không được và ngực lúc nào cũng đau lâm râm. Còn có tên giám đốc trong sở, nhờ đi chích ngừa trước khi qua Phi Châu leo núi, gặp người bác sĩ quen cho làm thử nghiệm thì mới hay là có 5 nhánh nhỏ bị nghẹt từ 90% trở lên.  Thế là anh chàng xin được mổ luôn, bây giờ thì phơi phới đi chơi, khoẻ hơn trước khi mổ. Còn những người được thông tim đặt “stent” hay được mổ tim làm đường câu dẫn trong lúc bị ngất xỉu được đưa vào phòng cứu cấp, chúng ta có thể xem như là họ đang trên đường đi đến “suối vàng”, nhưng vì nợ trần gian chưa dứt nên được cho phép quay về trả tiếp.

Sau khi cân nhắc mọi chuyện, từ trong ra ngoài, tôi quyết định là sẽ làm mọi chuyện như các bác sĩ đề nghị vào cuối tháng 10/2016, sau chuyến đi họp mặt với bạn học cùng trường ở miền Nam Cali. Các bạn có nghĩ đến tôi, chỉ xin vài phút nhắm mắt lại và gởi đến tôi những lời chúc lành qua tư tưởng là đủ lắm rồi. Trước giờ chúng ta cứ bị giới hạn với vật chất, hôm nay tạm dùng phương pháp “thần giao cách cảm” một chút cho vui.

Nguyễn Đức Trọng
tdnguyen97266@yahoo.com
Virginia 9/2016

Khi Tiếng Mỹ Được “Chêm” Vào Tiếng Việt

Đàm Trung Pháp

MỘT ĐIỀU KHÓ TRÁNH

Sau bốn thập kỷ tỵ nạn tại Mỹ, nhiều người Việt chúng ta sử dụng tiếng Mỹ thành thạo trong đời sống hàng ngày cũng như trong công ăn việc làm. Cũng vì vậy mà khi nói tiếng Việt với nhau tại quê hương mới này, chúng ta có khuynh hướng “chêm” khá nhiều tiếng Mỹ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trong các câu chuyện xã giao, trong báo chí, và ngay cả trong văn chương nữa, sự giao thoa giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một hiện tượng tự nhiên và khó tránh.

Các tiệm ăn mới khai trương thường không tính tiền nước uống cho thực khách và diễn đạt ý tưởng ấy bằng nhóm chữ Free nước ngọt. Kỳ diệu thay, nhóm chữ này dùng cú pháp Mỹ rất chỉnh: tĩnh từ free mô tả danh từ nước ngọt được trịnh trọng đặt trước danh từ ấy! Vài tiệm phở có sáng kiến bán phở làm sẵn cho người mua mang về nhà, và quảng cáo thứ phở đó là Phở to go. Khỏi phải nói, nhóm chữ này cũng đúng cú pháp Mỹ luôn!
Người viết được đọc trên báo chí một bài thơ vui của tác giả Nguyễn Phú Long, trong đó tiếng Mỹ thoải mái sánh vai cùng tiếng Việt. Mời quý bạn thưởng lãm bài thất ngôn tứ tuyệt “mang hai dòng ngôn ngữ” được sáng tác để mừng tân xuân buồn tẻ nơi hải ngoại:
Xe thư bưu điện đến rồi đi,
Ngoài coupons ra chả có gì.
Bạn tới chúc xuân khui nước ngọt,
Buy one ngoài chợ get one free.
HIỆN TƯỢNG ĐẠI ĐỒNG
Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ của chúng ta thực ra là một khuynh hướng đại đồng. Mọi sắc tộc di dân khác tại xứ này đều “chêm” tiếng Mỹ vào tiếng mẹ đẻ của họ, chẳng khác gì chúng ta cả. Khả năng sáng tạo của bộ óc loài người trong cách sử dụng hai ngôn ngữ thoải mái bên nhau để truyền thông hữu hiệu thực là thần kỳ.
Các ngữ học gia tại Mỹ ngày nay mệnh danh hiện tượng giao thoa ngôn ngữ ngoạn mục này là code-switching và phản bác những lời phê bình lỗi thời  lên án người sử dụng nó là cẩu thả, lai căng, hoặc hỗn loạn trí tuệ. Trái lại, họ cho rằng những người có khả năng cho hai ngôn ngữ hòa hợp với nhau một cách hữu hiệu là những người thực sự đã làm chủ được cả hai ngôn ngữ ấy, và khi cần thiết (như khi giao dịch với một cá nhân đơn ngữ) họ dư khả năng sử dụng chúng một cách “tinh tuyền” không pha trộn chút nào.
Người ta từng ví von một cá nhân “đơn ngữ” (monolingual) như một ca sĩ chỉ có thể đơn ca, một cá nhân “song ngữ” (bilingual)” như một ca sĩ có thể một mình song ca, và một cá nhân “đa ngữ” (multilingual) như nhạc trưởng một ban hợp ca!
LÝ DO CỦA CODE-SWITCHING
–  Tiếng Việt không có ngữ vựng hoặc thành ngữ thỏa đáng để diễn tả một ý niệm mà chúng ta đã quá quen trong tiếng Mỹ. Thí dụ, khi còn ở quê nhà trước 1975, lúc bị bệnh không đi làm được, chúng ta đâu có gọi điện thoại vào sở để “cáo ốm” được? Thành ra, khi diễn tả ý niệm đó trong cuộc sống hiện tại, chúng ta liền cho thành ngữ rất tiện dụng của người Mỹ là call in sickgiao duyên ngay với tiếng Việt mến yêu, để nẩy sinh ra câu “Bữa nọ mình bịnh quá, đi làm hết nổi, thành ra phải call in sick rồi nhờ người ta đưa đi bác sĩ đấy!”
Những từ ngữ chuyên môn như software, blueprint, email, workshop, những công thức ngắn gọn để chào hỏi, chúc tụng, cảm tạ, hoặc chia tay trong tiếng Mỹ như hello, good morning, sorry, congratulations, thank you, bye cũng rất được chúng ta chiếu cố và sẵn sàng chêm vào tiếng nói chúng ta một cách tự nhiên.
–  Code-switching là một cách ngăn chặn không cho người khác “nghe lóm” chuyện riêng tư của mình. Chẳng hạn, hai người Việt đang tâm sự với nhau bằng tiếng Mỹ trong thang máy mà chợt thấy một người Mỹ đứng bên cạnh có vẻ tò mò lắng nghe. Họ bèn chuyển câu chuyện buồn ấy sang tiếng Việt để được “yên tâm” hơn: “My wife has asked for a divorce since I lost my job last year, you know … Đã mất việc rồi lại sắp mất cả vợ nữa, tôi chẳng còn thiết sống, anh ạ.”
–  Yếu tố Mỹ chêm trong tiếng Việt là một cách gián tiếp nói lên một mối liên kết giữa những người “đồng hội đồng thuyền” với nhau. Người viết biết chắc nhiều Việt kiều áo gấm về làng khi gặp nhau tại quê cũ thế nào cũng “pha” ê hề tiếng Mỹ vào tiếng Việt của họ, như thể để nhắc nhở mọi người mọi giới rằng họ là những “người Mỹ gốc Việt” chính cống sáng giá lắm đấy, chứ không phải là đồ bỏ đâu: “Hey guys, are you from Little Saigon, too? Sẽ stay tại Huế bao lâu?”
Các người Mỹ gốc Việt tranh cử vào các chức vụ công quyền mà không chêm tiếng Việt vào tiếng Mỹ khi tiếp xúc với cử tri đồng hương thì khó mà lấy được phiếu bầu của họ: “When I get elected as mayor of this city, kính thưa bà con cô bác, I will do my best to serve the needs of elderly folks in our dear cộng đồng…”
–  Yếu tố Mỹ trong tiếng Việt cũng cho thấy người nói sắp chuyển sang một thái độ mới, như để cảnh giác người nghe. Này nhé, khi thấy sắp đến giờ đi học mà đứa nhỏ còn nằm dài trên giường, người mẹ song ngữ Việt-Mỹ có thể phát ngôn: “Này cu Tý, gần bảy giờ sáng rồi đấy nhá. Ngủ nhiều rồi mà. Now get up!” Nghe bà mẹ hiền đang nói tiếng Việt rồi bà bất chợt chuyển sang tiếng Mỹ ở câu cuối cùng thì cu Tý, dù có lì lợm đến mấy, chắc cũng phải nhảy ra khỏi giường tức khắc!
CHÊM TIẾNG MỸ VÀO CHỖ NÀO TRONG CÂU?
–  Các danh từ, động từ, tĩnh từ Mỹ có thể được chêm vào chỗ phù hợp trong câu: “Chị ơi, em đang depressed quá vì em và boyfriend vừa split rồi!”
–  Các số từ, giới từ, liên từ Mỹ không thể chêm vào câu Việt. Không ai nói:“Tôi nghĩ fifteen ngày nữa việc này mới xong.”  “Làm ơn dẫn con chó ấy across con đường dùm tôi!”  “Although Lan nghèo, cô ta rất hạnh phúc.”
–  Các từ ngữ thông dụng tiếng Mỹ thường được chêm vào đầu hay cuối câu: “As a matter of fact, nó vừa đến thăm tôi hôm qua mà.”  “Tay ấy thì xạo hết chỗ nói rồi, you know.”
–  Trong một câu kép (compound sentence) hoặc một phức hợp (complex sentence), tiếng Mỹ có thể chiếm nguyên một mệnh đề trong đó: “You can drink coffee, nhưng tôi sẽ uống nước trà.” || “Nếu mà anh mệt, please stay home tomorrow!”
Người viết mạn phép “chêm” tiếng Mỹ vào trong phần kết luận dưới đây. Rất mong quý bạn đọc không nghĩ là người viết ôm đồm nhiều ngoại ngữ quá cho nên đã bị “tẩu hỏa nhập ma” rồi:
Code-switching giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một natural phenomenon, cho nên chúng ta chẳng phải worry gì cả về issue này, OK?  Vả lại, cái habit chêm tiếng Mỹ vào tiếng Việt này nó khó quit lắm! Quý bạn cứ try your best nói tiếng Việt “tinh tuyền” về politics hoặc jobs trong một bữa cơm gia đình mà coi. It will be a pain, tin tôi đi!”
 

Đàm Trung Pháp

* Sưu tầm, trình bày tranh và câu chữ minh họa: Ngọc Dung.

Giọt Nước Nghiêng Mình…

Nguyễn Văn Sâm

Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Sơn Nam

mua-ve-dem-lanh-leo-co-don-nhat

1.

VA, xe chạy đường trường hơn một giờ, lòng vòng trong xóm quê thêm độ nửa giờ nữa thì rẻ vô một khu hơi nghèo vắng rồi ngừng lại trong sân một căn nhà có vẽ khang trang trên khu đất rộng. Tấm bảng sơn xanh chữ đỏ có tên ngôi chùa nằm khiêm nhường bên một cội cây cành lá xum xuê. Tên chùa cũng bình thường nhưng chữ chùa khiến già Thanh có cảm tình hơn tiếng tự thường gặp. ‘Chùa Php Vân.’ nghe gần gũi hơn ‘Pháp Vân Tự’ nhiều. Cũng không thấy những câu đối liễn màu đỏ chói chang, mệt mắt với kiểu chữ Việt viết tròn tròn giả Hán tự thường có. Già Thanh nói thầm trong bụng: ‘Chắc chắn sư trụ trì nhiều Việt tính… những chi tiết nho nhỏ như thế nầy rất đáng ngưỡng phục và nên khuếch tán.  Hẵn sẽ có nhiều điều đáng nghe, đáng học ở vị sư nầy.’

Cảnh quang khoáng đãng, vắng bóng những tượng đá trắng rườm rà phô trương tạc những nhân vật huyền thoại chẳng ai biết nghệ nhân lấy chi tiết từ đâu. Chỉ có một mình ngôi tượng mẹ Quan Âm đưa thiên nhãn hiền từ nhìn khách, như theo dõi để che chỡ những bước chân của tín chúng thập phương. Cả ba người bước tới chưn tượng xá ba xá làm lễ ra mắt rồi đến cửa, bấm chuông. Hai chiếc xe quẹo vô bãi đậu, ba cặp khách Mỹ tới dưới chân tượng, chấp tay ngang bụng, nghiêm chỉnh đứng mặc niệm.

‘Hình tượng Phật Bà dễ được kính tin vì tương tợ với hình tượng Đức Mẹ của họ.’ Già Thanh nói với con gái, mắt không rời những vị khách tóc vàng với lòng cảm phục. ‘Chùa Việt Nam nơi xứ người dựng tượng Phật Bà ngoài sân trống trải mục đích là tạo sự dễ dàng cho việc chiêm bái ngoài nghi thức. Người bản xứ chỉ cần đến cầu nguyện rồi về, không phải vào chánh điện, không phải nói chuyện với vị trụ trì, vốn trở ngại về ngôn ngữ tôn giáo.’

Người phụ nữ mỉm cười hãnh diện trao ánh mắt với chồng như thầm nói đạo Phật của mình cũng có chút nào ảnh hưởng lên người bản địa rồi áy náy nói với cha rằng mình rất ngại khi đến đây mà không thông báo trước cho ni sư. Anh chồng nói mình có lý do vì làm theo ý cha từ xa đến muốn thăm linh của cháu, nhân tiện viếng cảnh một ngôi chùa địa phương.

Vậy mà chúng không cho mình biết đây là chùa sư nữ! Già Thanh hơi ngạc nhiên rồi mạnh dạn bước lên thềm bấm chuông. Hình như lâu lắm, chừng hơn mười phút, sư cô trụ trì mới ra mở cửa. Nụ cười hiền hòa và thân thiện chiếm ngay cảm tình của khách. ‘Xin lỗi vì để quí khách đợi hơi lâu. Chùa vắng, ngày thường phải đóng cửa, tín hữu viếng chùa thì bấm chuông, ni  ở đây chỉ có mình mình, phải cẩn thận phòng ngừa những bất trắc.’

Trụ trì thân mật dẫn khách đi viếng phòng ốc. Chánh điện trang nghiêm. Gian phòng thờ các linh sạch sẽ, ấm cúng trong cách trình bày đơn giản. Hình đứa cháu gái chớm tuổi hai mươi đang nở nụ cười vui như cười chào cha mẹ và ông ngoại đến thăm. Con bé toát ra nét trẻ trung yêu đời biết bao bên cạnh hàng mấy mươi hình đồng cảnh khác. Già Thanh nhìn từng hình, từng hình. Hầu hết là những bức hình tươi trẻ. Có thể người nhà đã chọn tấm ảnh đẹp nhứt cho người nằm xuống. Già Thanh không thấy mình khác với họ bao nhiêu khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong các hình kia trước đây cũng như mình và sau nầy mình cũng như họ thôi. Người mẹ ngước nhìn hình con gái mình, thân thiết, mắt đỏ hoe, mọng ước, đưa tay len lén dụi. Người cha day mặt ra sau, cúi đầu. Không khí lắng đọng.

Già Thanh muốn đưa tay lên sờ tấm hình cháu ngoại nhưng ngại tạo thêm nỗi buồn cho cha mẹ nó nên đành thôi. Nói nhỏ: ‘Cháu ở chùa nghe kinh, mau siêu thoát.’

Tiếng ni sư phá tan sự buồn thảm đó:

‘Cũng gần giáp năm cháu rồi. Mau quá. Hai tháng nữa chứ mấy.’

Người mẹ:

‘Dạ, sư cô nhớ hay quá. Đến lúc đó cũng xin nhờ sư cô lo liệu mọi sự cho cháu. Chúng con không hiểu biết lắm những gì cần phải làm.’

Tiếng con  của người tín hữu xem chừng bằng tuổi với ni sư trụ trì khiến già Thanh thấy vui vui. Con gái mình đã phần nào đè xuống cái ngã mạn khi thốt ra trôi chảy tiếng con. Bản ngã nói cho cùng cũng là không, chỉ vì con người gán cho nó tánh cách nhập làm một với hình hài huyễn hóa hiện tại vốn bị lầm tưởng là thường trụ, nên ngại ngùng khi sử dụng với người tu hành ngang tuổi đời…

Sư nữ để tay lên vai người đàn bà như chấp nhận, như hứa hẹn…

Sang phòng kinh sách. Từng kệ, từng kệ kinh sách và đĩa kinh giảng.  Ni sư mỉm cười. ‘Khi ni về đây thì phòng nầy rất là lộn xộn, kinh sách chất đống ngổn ngang dưới thềm. Phải cho đóng kệ và xắp xếp lại để ai cần tìm hiểu thêm về đạo dễ dàng tham khảo. Xắp xếp lại, mất thời giờ vậy mà vui. Vô tình thấy được những quyển kinh hoặc vài ba bài báo mình cần đọc hay trả lời được những điều mình đương thắc mắc.’

Đưa mắt của người ham sách quan sát, già Thanh thấy có mấy quyển sách về linh hồn, về luân hồi, tái sinh của Feffrey Long và Paul Newton (Evidence After Life), của Michael Newton (Journey of Souls và Destiny of Souls) mấy quyển sách nói về linh hồn rất được ưa thích gần đây. Già đưa tay với lấy quyển sách nhỏ mỏng của tác giả trẻ Chung Mậu Sum 鍾茂森 của Đài Bắc, ‘Nhân Quả Luân Hồi Đích Khoa Học Chứng Minh’, hỏi:

‘Thưa, ni sư có thích đọc những quyển sách quí nầy?’

“Cũng muốn đọc lắm nhưng chưa đủ cơ duyên. Ni sang đây chưa lâu, trình độ Anh ngữ còn phải trau luyện nhiều.’

Già Thanh thích câu trả lời thiệt tình như vậy. Ở bên kia ni sư chịu ảnh hưởng một nền giáo dục khác nên cần có thời gian cho những cuốn sách loại nầy, không có gì phải dấu diếm…

2.

‘Ni ở trong chùa nầy một mình, tuần sáu ngày cô độc, chỉ Chúa Nhựt mới có độ chục tín hữu đến sinh hoạt. Quí khách thử tưởng tượng đêm vắng, không một tiếng động, chùa rộng hơn nhà thường, lại có phòng thờ các linh, nếu không đủ tinh tấn thì dễ buồn chán biết bao. Trước đây nhiều sư đến chỉ sau vài ba tháng trụ là từ giả. Có nhiều lý do, ngoài cảnh vắng vẻ còn có sự cực nhọc phải tự lo ẩm thực, giặt gỵa, tài chánh… Chùa vắng, Phật tử cúng dường không đủ chi trả cho tiền cơ sở nói gì tới tiền tiêu vặt và bảo hiểm y tế thuốc men…

Già Thanh dà dạ vuốt đuôi. ‘Nhờ ni sư nói chúng tôi mới biết được những điều đó. Cứ tưởng là đi tu không còn những chuyện phải lo lắng tầm thường như người ngoài đời.’

Vị trụ trì cười tươi:

‘Rồi mọi chuyện cũng đâu vô đó. Có Phật lo hết. Ông coi, khi ni về đây thì cửa chánh điện chưa mở ra phía trước như hiện giờ. Chưa có đường riêng cho người khuyết tật. Phòng khách nầy nguyên là căn phòng chỉ có một cửa sổ thôi. Nay thì khá hơn nhiều. Nhờ Phật lo hết.’

… ‘Sư coi vậy tu cũng còn dễ dàng, ni chúng tôi khó hơn chút đỉnh. Nhiều trường hợp bị thúc bách của gia đình hay cha mẹ, không thể từ chối được phải đội tóc giả đi làm nail.’

Ba người khách đồng loạt ồ ngạc nhiên và đổi thế ngồi.

Ni sư chầm chậm bưng chén nước đưa lên miệng:

‘Nữ phái dầu đã xuất gia, tình cảm với mẹ cha cũng còn nặng nề. Chữ hiếu khó lòng bị xóa bỏ hoàn toàn khi nhớ đến cha mẹ già yếu bịnh hoạn đương sống nghèo khổ nơi quê nhà.

Những cái gật đầu biểu đồng tình nhiều hơn của người nghe.

‘…Dầu sao tu bên nầy cũng êm ấm, đường tu hành cũng ít trắc trở. Bên kia, chùa thường bị đập phá, can thiệp, o ép. Nhiều sư trẻ không biết xuất thân từ đâu được gởi tới chùa nầy chùa kia, thét rồi sư chân chánh với sư bia, sư karaoke, sư có nợ phong lưu, sư sát thủ… chẳng thể nào phân biệt được.’

Ni sư trở giọng sau tiếng thở dài:

‘Xin lỗi khách. Kẻ xuất gia không nên để tâm mình trĩu nặng như vậy. Đáng lẽ không nên nói nhiều.’

Đưa tay lật lật một quyển tập nảy giờ để trước mặt, ni sư nói thêm:

‘Ngoài tụng niệm kinh kệ và chăm chút ngôi chùa, thời giờ rảnh rang, ni thích đọc chép những vần thơ liên quan tới việc tu hành của người xưa. Chẳng hạn bà Quỳnh Hoa Công Chúa nói khi tu hành thấy thời gian qua mau, bà mỗi lúc một lớn tuổi, không còn sự tinh anh như trước: Mắt phụng long lanh phai vẻ nước, Mày ngà lấp lánh nhạt màu xuân. Và bà Huyền Tùng Quận Chúa nói chăm chỉ việc tu hành khiến mình hiểu đạo hơn: Trông về cổ tích ngàn thu trước, Mở lá niệm kinh thấy rõ ràng.

Gió lạnh tạt vô phòng khách, kéo theo những giọt mưa hung hăng.. Già Thanh đứng dậy bước ra đóng cửa lại. Mọi người yên lặng ngó ra ngoài trời. Cơn mưa coi chừng hơi nặng hột. Người đàn bà kéo hai vạt áo lại che bớt hơi lạnh, cặp mắt vẫn đỏ.

Ni sư đưa tay lượm vài cánh bông rơi rụng trên bàn bỏ vô dĩa đựng tách trà, ngó thẳng vô mặt người khách nữ, nói như khuyên giải:

‘Tiểu bang nầy lắm mưa, nhiều khi một mình ngồi ngó mưa rơi, ni nghĩ rằng từng giọt mưa là từng linh hồn con người nghiêng mình rớt xuống để nhập làm một với Đại Ngã là sông, biển. Chết là giai đoạn hủy xác, hồn về lại nơi phát sinh. Chết sống chỉ là những giai đoạn du hành rong chơi của tiểu linh hồn.’

Người mẹ đưa mắt về phòng thờ linh bên kia, như cố tìm hình ảnh đứa con gái của mình…

3.

Trên đường về, người con phá tan sự yên lặng, rụt rè hỏi cha mình:

‘Con thấy ni sư thông tuệ. Nhưng sự so sánh sông biển với cái Đại Ngã ba thấy có đúng không?’

‘Mọi so sánh tỷ dụ đều khiến cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.’ Già Thanh trả lời không suy nghĩ, ngừng một lúc hèn lâu, nuốt nước miếng, ông nói thêm:  ‘Nhưng so sánh nào cũng vậy, chỉ có giá trị tương đối. Vũng nước, ao hồ, biển cả có thể ví như cái Đại Ngã của nhân loại như ni sư đã nói theo sách, mà cũng có thể ví như hồn dân tộc, như nền văn hóa của một sắc dân, như nguồn sống của một quốc gia. Điều quan trọng là mọi giọt nước đều nghiêng mình để bơi về hợp với vùng nước lớn, cách nầy hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp.’

Người con rể, vốn ít mở miệng bây giờ mới lên tiếng, thiệt chí lí:

‘Kẻ nào, nhà cầm quyền nào, bao che cho bất kỳ ai làm ô nhiễm vùng nước lớn thì đều có tội tày trời, tùy theo cách nhìn, hoặc là đã làm hư hoại cái Đại Ngã của nhơn loại, hoặc là làm tàn hại nguồn sống của một dân tộc, khiến cho dân tộc tội nghiệp đó có nguy cơ bị teo cụm lần lần rồi biến mất trên quả địa cầu.’

Già Thanh gật gật đầu biểu đồng tình.

Cơn mưa chuyển sang ồ ạt, dũng mãnh kinh hồn. Những giọt nước hai bên cửa kiếng hông xe cuống quít nghiêng mình chạy mau hơn để nhập bọn với nhau. Trong trí già Thanh, những giọt nước mắt của anh ngư phủ ‘mất cá, mất biển’ ngồi khóc trên bờ biển chết cũng tương tợ như vậy. Chúng cuống quít nghiêng mình xuống cát, len lõi ra biển lớn.

Nhưng than ôi, biển lớn bây giờ đã chết vì chất độc. Giọt nước nào, dòng sông nào nghiêng mình ra biển cũng đều thất vọng.

Trong âm thanh ồn ào của tiếng mưa rơi ngoài kia, giọng ngâm nga lạc điệu của già Thanh cất lên: ‘Giọt nước nghiêng mình khóc biển Đông.’

bien-chet

Người con gái và chàng rể của già Thanh tròn xoe mắt ngác ngơ. Trên đường về từ đó cả ba người đều đắm mình trong những suy nghĩ mông lung, man mác buồn. Bên ngoài mưa vẫn nặng hột.

Charlotteville, VA, Oct. 1- 3, 2016

Nguyễn Văn Sâm

Lời tác giả:

Mọi sự trùng hợp nếu có là ngoài ý muốn của tác giả. Bốn câu thơ được trích từ quyển sách Nôm tựa là Tẩy Tâm Chơn Kinh, khắc in năm Bảo Đại Thứ Tư (1929). Mở lá: Lật sách kinh, xưa kinh viết trên lá.