Vụ Án Nghệ Sĩ Xiệc Tên Han

Nguyễn Văn Thành

phong dao

Phần nhiều văn bản pháp lý có những từ chuyên môn khó hiểu và đôi khi còn tối nghĩa do sự cần thiết phải dùng thuật ngữ (terminology) để diễn đạt một chủ đề nào đó và chỉ có ích lợi cho các luật gia mà thôi. Tuy nhiên, luật pháp đề cập tới mọi khía cạnh của đời sống để giải quyết những vấn đề tương tranh cá nhân và tập thể đã tạo ra một kho tàng văn học mà ít người để ý đến.

Thông thường những người không chuyên môn về luật cho rằng luật pháp như có một điều gì khó hiểu đã hoàn toàn vượt ra khỏi sự hiểu biết bình thường của con người. Như vậy, ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa chuyên gia và không chuyên gia về khoa luật học.

Ðể rút ngắn khoảng cách nói trên từ nhiều thế kỷ đã qua cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đề ra hai giải pháp:

1- Phổ biến những tác phẩm nổi tiếng liên quan tới luật pháp qua nhiều đề tài với đủ thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản, triết học, luận án, biện hộ và buộc tội, tường thuật phiên tòa, hồi ức, nhật ký, phê bình, thi ca…

Xin đơn cử một vài tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như “Vụ Cain và Abel” (trong Kinh Thánh) của David Werner Amram, “Socrates bị kết án tử hình” (Socrates is condemned to death) của Plato, “Kẻ sát nhân” (The assassin) của Guy de Maupassant, “Vụ Crainquebille” (Jérôme Crainquebille “phỉ báng một cảnh sát viên”) của Anatole France, “Ngày mai” (Tomorrow) của William Faulkner, “Hồi ức về máy chém Guillotine” (Reflections on the Guillotine) của Albert Camus, “Nhật ký phiên Tòa Nuremberg” (Nuremberg Diary) của G. M. Gilbert, “Luật pháp giống như tình yêu” (Law Like Love) trích trong thi ca pháp lý, tác giả W.H. Auden và còn nhiều nữa.

2- Những sách báo khảo luật cũng cần được phổ biến rộng rãi như tập san khảo luật (Pháp Lý Tập San) được các nhà sử luật coi không những là kho tàng vĩ đại của luật pháp mà còn là kho tàng đồ sộ của văn học vậy (The Law Reports are not only a great treasure of law but they are a great treasure of literature) (1).

Về nghệ thuật, luật pháp đã thu hút nhiều nghệ sĩ danh tiếng, qua các thời đại cho đến nay, đã đóng góp nhiều kiệt tác nằm trong chủ đề pháp lý vào kho tàng nghệ thuật như Giotti, Michelangelo, Tintoretto, Rubens, và Doré, chưa kể nhiều nghệ sĩ ẩn danh. Các tác phẩm vừa đề cập trưng bày tại Viện Bảo Tàng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt đối với những quốc gia chịu ảnh hưởng luật pháp Hồng Mao (Anglo- Saxon) và luật La-Hy (Greco-Roman), gọi chung là luật Tây Phương (Western law), trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã áp dụng Bộ Hình Luật Canh Cải, Bộ Hình Sự Tố Tụng do người Pháp du nhập vào nước ta khi Pháp cai trị Ðông Dương.

Thật là một điều thiếu sót nếu người viết không đề cập tới một bộ sách quý mang tựa đề “Luật Pháp: một Kho Tàng của Nghệ Thuật và Văn Học” (Law: A Treasure of Art and Literature edited by Sara Robbins). Cuốn sách khổ 33x 25cm, 376 trang trong đó có 198 tác phẩm của các nhà hội họa, điêu khắc. Quý vị độc giả nào thích sưu tầm và yêu nghệ thuật có thể đến Thư Viện Quốc Hội, Washington D.C. để nghiên cứu.

Qua sự trình bày các mục ở trên, ta thấy luật pháp rất gần gũi với văn học và không có sự ngăn cách nào giữa hai lãnh vực đó. Theo Lord Birkett, luật gia lỗi lạc và còn là một nhà văn đã nhận xét như sau: luật pháp và văn học đã có từ lâu và kết hợp chặt chẽ (law and literature have been long and closely associated) (2).

Ði theo chiều hướng vừa đề cập, người viết trích và phỏng dịch câu chuyện nằm trong bi kịch của luật pháp về một nghệ sĩ xiếc đã giết chết người vợ trẻ, xinh đẹp trong màn biểu diễn phóng dao.

TỘI PHẠM CỦA HAN (3)

Tác giả: SHIGA NAOYA

Shiga Naoya

Shiga Naoya

Một nghệ sĩ xiệc Trung Hoa tên là Han, trong một màn biểu diễn thông thường, đã phóng một trong những con dao lớn cắt đứt mạch máu chính ở cổ (carotid artery) của người vợ trước sự kinh ngạc của tất cả khán giả (hai mạch máu gọi là động mạch cảnh “carotid arteries“ nằm hai bên phía trước cổ dẫn máu từ tim lên nuôi não bộ). Người vợ của nghệ sĩ xiếc chết tại chỗ. Han bị bắt ngay.

Sự kiện xẩy ra tại hiện trường trước sự hiện diện của ông Giám Ðốc nhà hát, người phụ tá cho Han, người giới thiệu chương trình và hơn 300 khán giả. Ngoài ra, còn có một cảnh sát viên đứng sau sân khấu. Mặc dầu có sự chứng kiến của tất cả các nhân chứng ấy, vẫn có sự bí ẩn vì không biết có phải là vụ giết người có chủ tâm hay chỉ là một tai nạn.

Màn biểu diễn của Han diễn tiến như sau: vợ Han đứng trước một tấm gỗ kích thước như cánh cửa với khoảng cách gần 4 yards, Han phải ném những con dao lớn, mỗi con cách nhau 2 inches chung quanh thân thể người vợ. Cứ mỗi lần con dao rời khỏi tay, Han hét lên một tiếng để gây thêm phần hào hứng cho cuộc biểu diễn.

LỜI KHAI CỦA CÁC NHÂN CHỨNG.

Ông Dự Thẩm (le Juge d’instruction) hỏi cung các nhân chứng sau:

 1- Ông Giám Ðốc nhà hát.

“Nhân chứng có thấy đó là một màn trình diễn rất khó không?”

“Không, thưa Ngài Dự Thẩm, không có gì khó khăn đối với người biểu diễn có kinh nghiệm. Nhưng biểu diễn màn đó cho đúng cách, người trình diễn cần có thần kinh thật vững vàng và phải tập trung tư tưởng trọn vẹn.”

“Tôi hiểu. Nếu sự việc xảy ra như một tai nạn, loại tai nạn này thật hiếm thấy xảy ra có phải thế không?”

“Quả đúng như vậy, thưa Ngài. Nếu những tai nạn có thể xảy ra giống như vậy, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho biểu diễn màn đó trong nhà hát của tôi.”

“Vậy thì nhân chứng có coi sự việc xảy ra được thực hiện với sự cố ý?”

“Không, thưa Ngài, tôi không nghĩ như thế. Và đây là lý do: một hành động như vậy trong màn biểu diễn với khoảng cách 12 feet không những đòi hỏi tài nghệ mà còn phải có trực giác hoàn hảo. Sự thực tất cả chúng tôi đều nghĩ không có một lỗi lầm nào trong màn trình diễn này. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi phải thừa nhận lỗi lầm có thể xảy ra trong bất cứ trường hợp nào.”

“Vậy thời nhân chứng nghĩ thế nào. Ðó là lỗi lầm hay có chủ tâm?”

“Tôi không thể trả lời một cách đơn giản được, thưa Ngài.”

Ông Dự Thẩm cảm thấy khó xử. Ðây rõ ràng là một vụ cố sát (a case of homicide) dù cho đó là một kẻ sát nhân hay kẻ giết người có dự mưu đi chăng nữa cũng khó có thể nói ra cho hết mọi chuyện được. Nếu là kẻ sát nhân thì quả thật là một kẻ rất tài giỏi, ông Dự Thẩm nghĩ như vậy.

2- Người phụ tá cho Han.

Tiếp đến, ông Dự Thẩm cho đòi người phụ tá Trung Hoa đã làm việc với Han trong nhiều năm để chấp cung.

“Cách cư xử bình thường của Han ra sao?” Ông Dự Thẩm hỏi.

“Han lúc nào cũng rất chững chạc, thưa Ngài; Han không đánh bạc, không rượu chè hay chạy theo đàn bà. Ngoài ra, năm vừa qua, Han theo Ky Tô Giáo. Ðương sự học Anh Văn và những lúc rảnh rỗi dường như làm ra vẻ chăm chú đọc những sưu tầm về những bài thuyết giáo, Kinh Thánh hoặc những sách thuộc vấn đề đó.”

“Thế còn vợ Han ra sao?”

“Bà ta cũng vậy, rất đứng đắn, thưa Ngài. Như Ngài đã rõ những diễn viên xiếc sống nay đây mai đó không phải luôn luôn là những người có đức hạnh nhất. Bà Han là một phụ nữ nhỏ nhắn và xinh đẹp. Có một số đàn ông thường đưa ra những đề nghị với bà, nhưng bà không hề mảy may để ý tới các loại chuyện như thế.”

“Và tính tình của cặp vợ chồng đó ra sao?”

“Thưa Ngài, luôn luôn tử tế và hòa nhã. Họ rất tốt với tất cả bạn hữu và những người quen thuộc và không bao giờ cãi nhau với ai cả. Nhưng…” Người phụ tá bỗng ngưng và suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục.

“Thưa Ngài, tôi sợ rằng khai với Ngài điều này e có thể hại cho Han. Phải thành thật mà nói, cặp vợ chồng này hiền lành và có lòng vị tha nhưng mà lạ thay cuộc chung sống giữa hai người thật đau khổ…”

“Tại sao vậy?”

“Tôi không rõ, thưa Ngài.”

“Phải chăng nhân chứng biết tình trạng của cặp vợ chồng này mới đây?”

“Không, thưa Ngài. Cách đây khoảng hai năm, bà Han có thai. Ðứa trẻ đẻ non và khoảng chừng ba ngày thì chết. Sự việc đó đánh dấu sự thay đổi quan hệ giữa hai người. Họ bắt đầu cãi vã với nhau về những chuyện rất nhỏ nhặt, và lúc đó mặt Han thường trở nên tái mét. Han chấm dứt cuộc cãi nhau bằng cách đột ngột giữ thái độ nín lặng. Han chưa bao giờ nổi giận hoặc có cử chỉ gì thô bạo đối với vợ. Tôi cho rằng hành vi đó đi trái với những nguyên tắc của Han. Nhưng mà, thưa Ngài, khi nhìn Han, Ngài có thể thấy sự tức giận khủng khiếp trong đôi mắt của Han! Ðôi khi làm ta khiếp sợ.”

“Có một ngày, nhìn thấy sự bất hạnh giữa cặp vợ chồng đó, tôi hỏi Han tại sao không xin ly thân. Rồi Han kể cho tôi nghe Han không có lý do gì để xin ly dị cả, cho dù tình yêu đối với vợ đã chết. Thực tình, nàng cũng cảm thấy và dần dần không còn thương yêu tôi nữa. Han đã tự kể tất cả cho tôi nghe như vậy. Tôi nghĩ rằng lý do thúc đẩy Han bắt đầu đọc Kinh Thánh và những thuyết giáo sưu tầm được chỉ muốn làm dịu đi sự hung bạo trong trái tim và kìm hãm sự căm ghét vợ, mà thực ra cũng chẳng có lý do gì để ghét bỏ vợ cả. Bà Han là một người đàn bà đáng thương hại. Bà ta chung sống với Han gần ba năm và đi theo Han biểu diễn khắp mọi nơi. Nếu bà ta vì lý do gì bỏ Han và trở về nhà, tôi không nghĩ bà Han sẽ dễ dàng làm lại cuộc đời. Hỏi có người đàn ông nào có thể tin tưởng một người đàn bà sống lang thang suốt gần ba năm như vậy? Tôi đoán chừng đó là lý do tại sao bà Han phải ở lại với Han, dù hai người chung sống với nhau thật khổ sở.”

“Vậy nhân chứng thực tình nghĩ sao về vụ giết người này?”

“Ngài muốn nói, thưa ông Dự thẩm, tôi nghĩ đó là là một tai nạn hay thực hiện với chủ tâm?”

“Ðúng như vậy.”

“Ðược ạ, thưa Ngài, tôi đã từng suy nghĩ vụ đó qua mọi khía cạnh từ ngày xảy ra tại sân khấu. Tôi càng nghĩ nhiều bao nhiêu, tôi càng khó hiểu bấy nhiêu. Tôi đã kể chuyện đó với người giới thiệu chương trình và người này cũng nói là không thể hiểu được việc gì đã xẩy ra.”

“Tốt lắm. Nhưng hãy kể cho tôi điều này: ngay đúng lúc sự việc xảy ra tại sân khấu, nhân chứng có thấy điều gì làm nhân chứng thắc mắc tự hỏi không biết có phải là một tại nạn hay thực hiện với sự cố ý?”

“Thưa Ngài, có, đúng như vậy. Tôi đã nghĩ… Tôi đã nghĩ, ‘Han mất trí rồi và đã giết vợ’ ”

“Với sự cố ý, nhân chứng muốn nói như vậy?”

“Ðúng, thưa Ngài. Tuy nhiên người giới thiệu chương trình nói là ông ta đã nghĩ, ‘Han đã lỡ tuột tay’ ”

“Ðúng, nhưng người giới thiệu chương trình đã không hiểu rõ các mối quan hệ giữa cặp vợ chồng đó như nhân chứng đã kể cho tôi nghe.”

“Có thể như thế, thưa Ngài. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết có phải vì tôi hiểu rõ tất cả các mối quan hệ đó mà tôi đã nghĩ, ‘Han đã giết vợ’ ”

“Phản ứng của Han ra sao vào lúc đó?”

“Han la lên, ‘Ha!’ Vừa nghe thấy tiếng la lúc đó, tôi ngước mắt lên và nhìn thấy máu ở cổ bà Han phun ra. Bà Han còn đứng được vài giây tại chỗ, rồi hai đầu gối như muốn qụy xuống dưới sức nặng của thân thể và toàn thân bà đu đưa. Khi con dao rơi ra ngoài, bà Han ngã gục xuống sàn, co quắp, tất cả chỉ còn là một đống thịt. Dĩ nhiên không một người nào trong chúng tôi có thể làm được việc gì cả, chúng tôi ngồi đấy quá khiếp sợ, chăm chăm nhìn bà Han.

Còn về phần Han, tôi thực tình không tả được phản ứng của Han bởi vì tôi không nhìn anh ta. Chỉ khi ý nghĩ ‘Han hoàn toàn mất trí và đã giết vợ’, đập vào trí óc tôi, lúc bấy giờ tôi mới liếc nhìn Han. Mặt Han tái mét và hai mắt nhắm lại. Người quản lý sân khấu hạ màn. Mọi người xúm lại nâng cơ thể bà Han lên nhưng bà ta đã chết rồi. Han qùy xuống, và cầu nguyện trong yên lặng một lúc khá lâu.”

“Han có tỏ vẻ bối rối không?”

“Vâng, thưa Ngài, Han khá bối rối.”

“Ðược lắm. Nếu tôi cần hỏi thêm nhân chứng điều gì, tôi sẽ mời nhân chứng sau.”

LỜI KHAI CỦA BỊ CÁO

Ông Dự Thẩm cho người phụ tá về và bây giờ cho đòi bị cáo để chấp cung. Bộ mặt thông minh của Han trông xanh xao và mệt mỏi; có thể nhận thấy ngay bị cáo ở trong tình trạng suy nhược thần kinh.

“Tôi đã hỏi cung ông Giám Ðốc nhà hát và ông phụ tá.” Ông dự Thẩm nói khi Han đã ngồi ở phòng dành riêng cho nhân chứng.

“Bây giờ tôi đề nghị hỏi cung bị cáo”

Han cúi đầu.

“Hãy kể cho tôi nghe,” Ông Dự Thẩm nói, “Bất cứ lúc nào, bị cáo cũng yêu thương vợ có phải không? ”

“Từ ngày kết hôn cho đến ngày đứa bé ra đời, tôi đã yêu vợ tôi với tất cả trái tim.”

“Thế tại sao khi đứa bé ra đời thì mọi việc lại thay đổi?”

“Bởi vì tôi biết đứa bé không phải là con của tôi.”

“Vậy bị cáo có biết ai là cha của đứa bé?”

“Tôi nắm được vấn đề rất rõ ràng. Tôi nghĩ đó là anh họ của vợ tôi.”

“Bị cáo biết đích thân người đó?”

“Người đó là bạn thân của tôi. Chính người đó đầu tiên đã gợi ý cho chúng tôi lấy nhau. Chính người đó đã thuyết phục tôi cưới nàng.”

“Tôi ức đoán sự quan hệ giữa hai người xảy ra trước đám cưới của bị cáo.”

“Thưa đúng. Ðứa bé ra đời sau khi chúng tôi kết hôn được tám tháng.”

“Theo ông phụ tá, đứa bé bị đẻ non.”

“Ðó là điều mà tôi đã kể với tất cả mọi người như vậy.”

“Ðứa bé chết sau khi sanh được ít ngày, có phải vậy không? Lý do nào gây ra cái chết đó?”

“Ðứa bé chết ngạt ở vú mẹ.”

“Có phải vợ bị cáo cố ý giết đứa bé?”

“Vợ tôi nói đó là một tai nạn.”

Ông Dự Thẩm yên lặng chăm chú nhìn diện mạo của Han. Bị cáo ngửng đầu lên nhưng hai mắt nhìn xuống như đợi câu hỏi tiếp theo. Ông Dự Thẩm tiếp tục.

“Vợ bị cáo có thú nhận đã có sự quan hệ đó với người anh họ không?”

“Vợ tôi không thú nhận mà tôi cũng chẳng bao giờ hỏi vợ tôi về vấn đề đó. Cái chết của đứa bé tựa như một sự trừng phạt cho mọi điều và tôi quyết định sẽ tỏ ra cao thượng được chừng nào hay chừng ấy, nhưng…”

“Nhưng cuối cùng, bị cáo không thể tỏ ra cao thượng được, có phải vậy không?”

“Quả đúng như vậy. Tôi không thể không suy nghĩ về cái chết của đứa bé vì sự trừng phạt vẫn chưa đủ. Khi vợ tôi không ở cạnh tôi, tôi có khả năng suy xét thật bình tĩnh, nhưng vừa trông thấy vợ tôi, tựa như có một điều gì đó xảy ra trong nội tâm của tôi. Khi tôi nhìn thấy thân hình của vợ tôi, cơn giận dữ bắt đầu trổi dậy.”

“Có bao giờ bị cáo nghĩ đến chuyện li dị không?”

“Tôi thường nghĩ tôi phải xin li dị, nhưng tôi không nói cho vợ tôi biết. Vợ tôi cũng hay nói nếu tôi bỏ vợ tôi thì vợ tôi cũng chẳng còn muốn sống nữa.”

“Vợ bị cáo có yêu bị cáo không?”

“Vợ tôi không yêu tôi.”

“Tại sao bà ta lại nói những điều như vậy?”

“Tôi nghĩ vợ tôi muốn nhắc đến những phương tiện vật chất để sinh sống. Nhà cửa của vợ tôi bị người anh cả làm tan nát, và vợ tôi hiểu rất rõ không có người đàn ông đứng đắn nào lại muốn cưới một người đàn bà từng là vợ của một người biểu diễn phóng dao sống lang thang như tôi. Ngoài ra, chân của vợ tôi quá nhỏ đối với vợ tôi để làm bất cứ công việc bình thường nào.”

“Thế mối quan hệ về thể xác ra sao?”

“Tôi tưởng cũng giống như phần đông các cặp vợ chồng khác.”

“Vợ bị cáo có ưa bị cáo chút nào không?”

“Tôi nghĩ vợ tôi thực tình không ưa tôi. Sự thật, tôi nghĩ vợ tôi vô cùng đau khổ phải chung sống với tôi như người vợ. Thậm chí cam chịu sự đau đớn, chịu đựng một cách thật kiên nhẫn hầu như không có người đàn ông nào tưởng tượng nổi. Vợ tôi thường quan sát tôi với đôi mắt lạnh lùng và độc ác, lúc đó tôi tưởng cuộc đời tôi tan vỡ ra từng mảnh. Vợ tôi không bao giờ biểu lộ chút thương cảm nào khi thấy tôi vật lộn với nỗi đớn đau tột độ để thoát ra khỏi cảnh khổ cực đi tìm một cuộc sống đích thực hơn, tốt đẹp hơn.”

“Tại sao bị cáo không quyết định dứt khoát hoặc sống xa vợ hay ngay cả bỏ vợ nếu thấy cần thiết?”

“Bởi vì tâm trí tôi đầy rẫy những tư tưởng đủ loại.”

“Những tư tưởng gì vậy?”

“Tôi muốn cư xử với vợ tôi theo chiều hướng là không có một sự sai trái nào về phía tôi cả. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể thực hiện được.”

“Bị cáo không bao giờ nghĩ đến chuyện giết vợ?”

Han không trả lời và ông Dự Thẩm nhắc lại. Sau một lúc khá lâu, Han trả lời, “Trước khi ý nghĩ giết vợ nẩy ra trong đầu tôi, tôi thường nghĩ thật là một điều tốt nếu vợ tôi chết.”

“Ðược, vào trường hợp đó, nếu không có điều gì là trái luật cả, bị cáo có nghĩ phải giết vợ không?”

“Tôi không nghĩ tới những điều khoản ngăn cấm của luật pháp, thưa Ngài. Ðiều đó cũng không thể ngăn cản được tôi. Ðúng ra tôi quá yếu đuối. Vào lúc đó, tôi lại say mê mong muốn đi tìm một lối sống đích thực hơn.”

“Ấy thế mà bị cáo đã nghĩ đến giết vợ, có hay không, tôi muốn nói vào giai đoạn sau này? ”

“Tôi không bao giờ có ý nghĩ giết vợ tôi. Nhưng đúng ra, đã có một lần, tôi đã nghĩ đến vấn đề đó.”

“Ðã bao lâu, trước khi xảy ra biến cố đó?”

“Ðêm hôm trước… Hay có lẽ ngay vào buổi sáng đó.”

“Bị cáo đã cãi nhau với vợ?”

“Thưa Ngài đúng như vậy.”

“Về vấn đề gì?”

“Về chuyện quá nhỏ nhặt không đáng nói ra.”

“Hãy cố gắng kể lại việc đó.”

“Ðó là vấn đề ăn uống. Một đôi khi tôi hay cáu giận khi chưa ăn. Vâng, vào buổi tối đó, vợ tôi quá chậm chạp không sửa soạn kịp bữa ăn tối mà đáng lẽ phải làm xong rồi. Tôi rất tức giận.”

“Bị cáo có giận dữ hơn mọi lần không?”

“Thưa không, nhưng mà sau đó tôi hãy còn thấy bị kích động, đó là một điều khác thường. Tôi cho rằng vì tôi bối rối quá nhiều trong mấy tuần lễ vừa qua muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân tôi, và nhận ra rằng tôi không sao thực hiện được ý định đó. Tôi đi ngủ nhưng không sao chợp mắt được. Biết bao nỗi lo lắng và bối rối xâm nhập tâm trí tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy cho dù cố gắng xoay sở cách gì đi nữa, tôi cũng không bao giờ có thể thực hiện được những điều thực sự tôi mong muốn. Dù cố gắng vượt mọi trở ngại, tôi sẽ không bao giờ thoát được những cảnh đáng ghét trong đời sống hiện tại của tôi. Tình trạng buồn và vô vọng của những chuyện xảy ra tựa hồ như có dính dấp tới cuộc hôn nhân của tôi. Tôi tuyệt vọng đi tìm một tia sáng lọt qua kẽ hở dẫn dắt tôi ra khỏi nơi tăm tối, nhưng ngay cả điều mong ước đó cũng dần dần tiêu tan. Hy vọng trốn chạy cuộc sống đáng ghét đó hãy còn le lói và lôi cuốn tôi, và tôi hiểu rằng nếu không sao thoát ra cảnh sống đó, thực tế tôi như người đã chết. Và rồi ý nghĩ đen tối dập dờn trong đầu óc tôi, nếu mà nàng chết! Phải chi nàng chết!

Tại sao tôi không giết nàng? Hậu quả về hành động giết người như vậy chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi cả. Không còn nghi ngờ gì nữa tôi sẽ vào tù, nhưng mà đời sống trong nhà giam chắc cũng không đến nỗi tồi tệ, có thể còn khá hơn cuộc sống hiện nay của tôi. Và không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng giết vợ tôi cũng chẳng giải quyết được việc gì cả. Mà né tránh không giải quyết được vấn đề giữa hai chúng tôi cũng chẳng khác gì như cuộc tự sát. Tôi chịu đau đớn từng ngày kể từ khi đứa trẻ sơ sinh chết, tôi tự nhủ; không còn con đường nào để vượt thoát ra cảnh sống đó. Cuộc đời đích thực của tôi: cam chịu đau khổ.

Tâm trí tôi cứ chạy theo những con đường đó, tôi gần như quên hết duyên cớ của sự đau khổ trong lòng tôi. Quá kiệt sức, tôi nằm đấy nhưng không sao ngủ được. Tôi rơi vào tình trạng hoàn toàn như u mê, và tâm trí tôi bị dày vò trở nên tê liệt, ý nghĩ giết vợ tôi mờ nhạt dần. Rồi cảm giác trống rỗng buồn tẻ xâm chiếm tâm hồn tôi, đưa tôi vào cơn ác mộng. Tôi đã nghĩ tới mọi giải pháp hay nhất để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, và nhận ra rằng tôi quá nhu nhược không sao đạt được mục đích đó. Khi trời rạng đông, tôi nhìn thấy vợ tôi, cũng như tôi, không ngủ được…”

“Khi bị cáo thức dậy, hai người có cư xử với nhau một cách bình thường không?”

“Chúng tôi không nói với nhau một lời.”

“Nhưng mà tại sao bị cáo không nghĩ tới phải rời xa vợ, khi sự việc xảy ra như thế?”

“Ngài muốn nói, thưa ông Dự Thẩm, đó là cách giải quyết vấn đề của tôi? Không, không, như vậy cũng như lẩn trốn chẳng giải quyết được việc gì cả giữa chúng tôi. Như tôi đã từng thưa với Ngài là tôi đã xác định phải cư xử với vợ tôi làm sao không có một sự sai trái nào về phía tôi cả.”

Han nhìn chăm chăm ông Dự Thẩm, thấy ông gật đầu như ra hiệu cho Han tiếp tục nói.

“Hôm sau tôi kiệt lực và thần kinh tôi căng thẳng trở nên lộn xộn. Tôi cảm thấy đau đớn đến cực độ để cố giữ cho được bình thản, và vừa bận quần áo xong, tôi rời khỏi nhà rồi đi lang thang vào vùng vắng vẻ của thị trấn. Suy nghĩ liên miên đeo đuổi tôi như nhắc nhở tôi phải làm một cái gì để giải quyết cuộc đời của tôi, nhưng ý nghĩ giết vợ tôi không còn trong đầu óc tôi nữa. Sự thật có sự ngăn cách giữa ý tưởng sát nhân đêm hôm trước và bất cứ quyết định hiện tại nào để phạm trọng tội! Quả thật, tôi cũng không bao giờ nghĩ tới cuộc biểu diễn vào tối hôm đó. Nếu tôi đã nghĩ tới, tôi chắc chắn quyết định bỏ mục phóng dao. Có hàng tá mục biểu diễn khác để thay thế.

Vâng, vào buổi biểu diễn tối hôm đó, và cuối cùng đến lượt tôi xuất hiện trên sân khấu. Tôi không có một tý chút linh cảm nào báo hiệu sẽ có một sự bất bình thường xảy ra. Như thường lệ tôi chứng minh cho khán giả thấy những con dao sắc bén của tôi có thể cắt giấy ra từng mảnh vụn và phóng một vài con dao trên tấm gỗ. Ngay lúc đó, vợ tôi xuất hiện tô son trát phấn kỹ càng và bận bộ áo Trung Hoa trau chuốt; sau khi cúi đầu chào khán giả với nụ cười thật duyên dáng, vợ tôi ra đứng trước tấm bảng gỗ. Tôi rút ra một trong những con dao và đứng xa vợ tôi vào một vị trí đã định sẵn.

Ðó mới là lúc mắt chúng tôi nhìn nhau lần đầu tiên từ đêm hôm trước. Ngay lập tức tôi hiểu có một sự rủi ro khi chọn lựa tiết mục đặc biệt này trong màn biểu diễn tối nay! Rõ ràng tôi phải làm chủ bộ thần kinh, nhưng sự mệt nhọc cùng cực đã thấm vào tận xương tủy ngăn cản tôi làm việc đó. Tôi nhận thấy không còn có thể tin cậy chính cánh tay của tôi nữa. Tôi cố trấn tĩnh và nhắm mắt lại trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy toàn thân tôi run rẩy.”

Thời điểm trình diễn bắt đầu! Tôi nhắm phóng con dao đầu tiên ở trên đầu vợ tôi; con dao cắm trúng mục tiêu, cao hơn đầu đúng một inch như thường lệ. Vợ tôi giơ hai cánh tay lên và tôi sửa soạn phóng hai con dao kế tiếp, mỗi con ở dưới mỗi cánh tay. Con dao vừa rời khỏi những ngón tay của tôi, tôi có cảm giác tựa hồ như có cái gì đó như muốn giữ con dao đó lại; tôi không còn có khả năng xác định được mục tiêu chính xác nữa. Bây giờ thực ra chỉ còn là vấn đề may rủi nếu con dao trúng điểm đã định, mỗi một cử động của tôi trở nên thận trọng và ngượng ngập.

Tôi phóng một con dao phía bên trái cổ của vợ tôi và tôi sắp sửa ném con dao khác vào bên phải thì tôi nhìn thấy trong đôi mắt của vợ tôi, sự biểu lộ tình cảm kỳ lạ như bất thần sợ hãi sắp có chuyện gì xảy ra! Phải chăng vợ tôi có linh tính con dao này, chỉ trong vài giây đồng hồ nữa thôi, sẽ găm vào cổ họng của vợ tôi? Tôi cảm thấy choáng váng tựa như muốn ngất. Ráng sức phóng con dao ra khỏi tay, cố nhắm sao cho trúng đích.”

Ông Dự Thẩm yên lặng chăm chú nhìn Han.

“Ngay lúc đó, bỗng một ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi, ‘tôi đã giết nàng’” Han nói một cách đột ngột.

“Có sự cố ý, bị cáo muốn nói như vậy có phải không?”

“Thưa đúng. Bất thần tôi cảm thấy đã hành động với sự cố ý.”

“Sau đó, tôi biết bị cáo quỳ xuống bên xác vợ và cầu nguyện trong yên lặng.”

“Ðúng như vậy, thưa Ngài. Ðó chỉ là mưu mẹo chợt nảy ra trong đầu óc tôi do sự thôi thúc của tình thế lúc bấy giờ. Tôi nhận thấy mọi người biết tôi là con chiên ngoan đạo, cho nên tôi giả bộ cầu kinh, thật ra tôi đang tính toán kỹ lưỡng chọn một thái độ nào đó cho hợp lý.”

“Như vậy, bị cáo hoàn toàn tin tưởng tất cả những điều gì đã thực hiện đều có chủ tâm?”

“Thưa đúng. Nhưng tôi lại nhận thức ngay tôi có thể nêu ra chuyện đó như một tai nạn.”

“Thế tại sao bị cáo lại nghĩ đã thực hiện với chủ tâm?”

“Thưa tôi mất tất cả khả năng xét đoán.”

“Bị cáo có nghĩ rằng bị cáo đã thành công làm cho mọi người có cảm tưởng đó chỉ là một tai nạn hay không?”

“Thưa đúng, sau này mỗi khi nghĩ tới việc đó còn làm tôi rùng mình. Tôi giả bộ thuyết phục mọi người là tôi kiệt sức vì quá đau buồn nhưng nếu một người thật tinh ý có thể nhận thấy ngay tôi đang diễn xuất đó thôi. Vâng, đúng ra vào tối hôm đó, tôi đã nhận thấy không có lập luận nào vững chắc cả thì tại sao tôi lại không được tha bổng? Tôi tự nhủ thầm một cách bình tĩnh bởi vì chẳng có chút bằng chứng xác đáng nào bất lợi cho tôi cả. Chắc chắn nhiều người đều biết tôi đau khổ biết chừng nào khi tôi phải chung sống hòa thuận với vợ tôi, nhưng nếu tôi cứ khăng khăng một mực nói đó chỉ là một tai nạn, không một ai có thể chứng minh ngược lại điều đó. Nhìn lại mọi việc đã xảy ra, tôi thấy cái chết của vợ tôi có thể giải thích rất hợp lý giống như một tai nạn vậy.

Và rồi thì một câu hỏi kỳ lạ thâm nhập tâm trí tôi: Tại sao chính tôi cũng tin chuyện này không phải là một tai nạn? Ðêm hôm trước, tôi đã nghĩ tới việc giết vợ tôi, không biết có phải chính ý nghĩ đó là duyên cớ khiến tôi có hành động với chủ tâm chăng? Dần dần tôi nhận xét ra rằng chính tôi cũng không hiểu thực sự việc gì đã xảy ra? Khi đó, tôi cảm thấy thật sung sướng không thể tưởng tượng được, tôi muốn hét lên cho vỡ tung buồng phổi.”

“Bởi vì bị cáo đã xem vụ đó như một tai nạn?”

“Thưa không, tôi không thể nói như vậy được: vì tôi không còn ý tưởng nào là tôi có chủ tâm hay không. Do đó, tôi quyết tâm tìm con đường tốt nhất để được tha tội là nên thú hết mọi tội lỗi (to make a clean breast of everything). Thay vì nói đó là một tai nạn để tự lừa dối mình và những người khác thì tại sao tôi đã không thành thật nói rằng tôi đã không biết việc gì đã xảy ra. Mà sự thật, tôi có thể tự bào chữa là tôi không ‘có tội’ mà cũng chẳng ‘vô tội’.”

LỜI NÓI CUỐI CÙNG

Han ngưng nói. Ông Dự Thẩm giữ im lặng một hồi lâu, trước khi nói một cách nhẹ nhàng và cân nhắc:

“Tôi tin những điều mà bị cáo khai với tôi là sự thật. Còn một câu hỏi nữa thôi: bị cáo không cảm thấy tí chút đau buồn nào về cái chết của vợ bị cáo?”

“Không có chút nào cả! Ngay khi tôi ghét vợ tôi một cách cay đắng nhất trong quá khứ tôi cũng không bao giờ có thể tưởng tượng cảm thấy sung sướng như thế này khi nói tới cái chết của vợ tôi.”

“Thôi được,” Ông dự Thẩm nói. “Bị cáo có thể lui ra.”

Han yên lặng cúi đầu và rời khỏi phòng thẩm vấn.

Ông Dự Thẩm, xúc động một cách kỳ lạ, với tay lấy quản bút và chậm rãi hạ bút xuống tập hồ sơ để trên bàn giấy, phê, “Vô tội” (Not guilty).

Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”
Của soạn giả: TP. Nguyễn Văn Thành (1923)

___________________________

 Chú Thích:

 (1, 2)    The Law as Literature Selected and Introduced by Louis Blom-Cooper.

(3) The World of Law edited by Ephraim London I The Law in Literature.

nguyenvanthanh-image

 

Hai Lần Dù Bụng

Trần Đức Tường

nhaydu 2Đứng ngoài hành lang của tòa nhà Tiểu Đoàn Quân Y nhìn ra sân sau với dẫy nhà tiền chế dùng làm trại nội khoa cho bệnh binh Sư Đoàn, đầu óc miên man, nhớ tới những kỷ niệm xa xưa của 18 năm trước, 20 tháng 7 năm 1954, ngày mình rời miền Bắc vào Nam… Điếu thuốc lá Rugby Quân tiếp vụ cháy tàn trên tay. Tôi búng nó ra ngoài mưa, rơi xuống đất ướt át, mà còn cố tỏa lên một làn khói trắng trước khi tắt lịm. Những giọt mưa vẫn rơi từ trên mái fibrociment xuống sân sỏi, thật là buồn. Ngước mắt lên, mây thật thấp, không thấy một khoảng trời xanh nào.

– Bác sĩ đang làm thơ ạ ?

Tiếng nói của cô nữ quân nhân Mai Minh ở phía sau kéo tôi về thực tế. Cô là một trong những khuôn mặt xinh xắn và kỳ cựu nhất của binh chủng Nhẩy Dù vì đã tình nguyện nhập ngũ từ trước năm 1954. Gốc Hà Nội, từng học trường các bà phước Saint Paul danh tiếng đất Hà Thành. Gia đình nề nếp nên ăn nói rất lễ độ và vui vẻ với mọi người.

– Không ! Tôi mà thơ thẩn gì ! Trời mưa nên nhìn trời xem bao giờ tạnh để còn đi nhẩy nữa chứ. Có gì cho tôi ký hả ?

– Vâng ạ ! Vừa nói tôi vừa quay về văn phòng cách đó mấy thước.

Cô Minh để chồng giấy cần tôi duyệt ký trên bàn và quay ra :

– Thưa thiếu tá cứ thong thả, khoảng 3 giờ chiều nay mới cần ạ.

Tôi chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại trên bàn reo. Cô chào tôi và bước ra ngoài.

Lần thứ nhất

nhaydu-image-1Từ khi thi tuyển vào Trường Quân Y năm 1958, tôi đã mơ trở thành một bác sĩ nhẩy dù, mơ một nếp sống oai hùng, và chắc có nhiều dịp cứu sống đồng đội hơn ở những đơn vị tĩnh tại. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng để trở thành một bác sĩ của binh chủng oai hùng này, chắc chắn là phải nhẩy dù. Đó là vấn đề của riêng tôi vì tôi bị mắc chứng sợ chiều cao (vertigo). Lúc nhỏ đã từng té giếng. Nhưng vì quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình, kỳ nghỉ hè sau khi học hết năm thứ ba y khoa, tôi đã nộp đơn xin đi học một khóa nhẩy dù theo đúng quy định của sinh viên quân y. Qua rất nhiều phấn đấu, tự thắng bản thân, tôi đã tốt nghiệp khóa 50 Nhẩy Dù vào tháng 8 năm 1963. Chưa bao giờ tôi hãnh diện như thế. Trên ngực áo của tôi từ đó lấp lánh bằng nhẩy dù ! Nhưng khi về trình diện Sư Đoàn thì một giấc mơ nữa đã nhen nhúm trong lòng, đó là cái bằng nhẩy dù điều khiển mầu vàng với ba vòng ở vị trí ngôi sao. Thú thật, lúc đi học dù, tôi coi những người đeo cánh dù này như những vị thần vì họ là huấn luyện viên của tôi. Tôi cũng đã thấy trên ngực đàn anh Văn Văn Của cánh dù vàng này. Luôn coi anh là thần tượng, tôi nhủ lòng, một ngày kia mình cũng phải đeo cánh dù này. Về trình diện TĐ3ND, lại thấy ông tiểu đoàn trưởng Trần Quốc Lịch cũng đeo cánh dù vàng. Cánh dù này trở thành một ám ảnh đối với tôi trong suốt những năm ở tiểu đoàn tác chiến. Hết trận này đến trận khác, hành quân liên miên, mỗi năm trên 270 ngày đi lội hết Vùng, Vùng II đến Vùng III… Tôi thầm nghĩ, chắc phải chờ lúc về bệnh viện Đỗ Vinh hay Bộ Chỉ Huy TĐQY mới có thể thực hiện giấc mơ này được.

Khi về Đại Đội 1 Quân Y thì vẫn còn phải hành quân liên miên, nên tôi vẫn chưa thực hiện được giấc mơ của mình. Khi đi học ở Hoa Kỳ về, tôi đã được điều lên Bệnh Viện. Tôi vừa vui vừa buồn. Buồn vì sẽ không còn được tung hoành ngoài trận địa. Vui vì tôi có thể có thời giờ thực hiện điều mình hằng mong ước. Việc đầu tiên của tôi khi về Đỗ Vinh là làm đơn theo hệ thống quân giai xin đi học nhẩy dù điều khiển.

Ngay ngày hôm sau, tôi đã được gọi lên trình diện Y sỹ Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐQY/SĐND. Sau một hồi thuyết phục tôi bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, đại ý “Toa là bác sĩ nhẩy dù chứ không phải nhẩy dù bác sĩ” và “chef” đã tuyên bố “moa sẽ không chuyển đơn của toa”. Tôi chỉ biết tuân lệnh, đúng như truyền thống kỷ luật của Nhẩy Dù, chào kính rồi đi ra. Mắt nóng như muốn khóc.

Ít tháng sau, bác sĩ Hoàng Cơ Lân thuyên chuyển về Cục Quân Y và bàn giao TĐQY cho bác sĩ  Bùi Thiều. Từ dưới đôn lên, bác sĩ Vũ Khắc Niệm làm Tiểu Đoàn Phó và tôi đảm nhiệm chức vụ Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh. Và “nhân bên Tầu có loạn” tôi lợi dụng cơ hội, nộp lại đơn xin đi học nhẩy dù điều khiển. Và cảm ơn bác sĩ Thiều, vị tân Tiểu Đoàn Trưởng đã vui vẻ chuyển đơn với ý kiến thuận. Và Trung Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn đã chấp thuận cho tôi được toại nguyện. Trung tá Trần Văn Vinh, Chỉ Huy Trưởng TTHLND đã giao cho thượng sĩ  Thuật là người phụ trách huấn luyện tôi. Và sau những tháng vừa luyện tập ở TTHL vừa làm việc ở bệnh viện, cuối cùng thì trên ngực áo tôi đã có cánh dù vàng ! Lúc đó thì bác sĩ Thiều cũng rời TĐQY/SĐND để đi làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 Quân Y ở Đà Nẵng. Bác sĩ Niệm lên làm Tiểu Đoàn Trưởng và tôi làm Tiểu Đoàn Phó. Bác sĩ Trần Quý Nhiếp thay tôi làm Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh.

– Alô, Bác sĩ Tường tôi nghe !

Tôi nhận ra ngay tiếng nói đầu dây bên kia là của ông Thầy Vinh, ông nói về một người Pháp đã học để lấy bằng dù Việt Nam. Ông trình bầy nhanh gọn, nên tôi không rõ đầu đuôi như thế nào, nên tôi đã nói với ông là tôi xuống ngay TTHLND gặp ông.

Theo sự trình bầy của trung tá Vinh, ông trung tướng hồi hưu Paul Vanuxem của Pháp hiện đang ở Sài Gòn để làm việc gì với chính quyền. Ông là một sĩ quan chỉ huy nhẩy dù đã từng phục vu chiến trường Đông Dương thời kỳ sơ khai của binh chủng trước khi được chuyển sang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông có người con trai là Jean Vanuxem hiện sang ở với ông và anh ta đã được phép, từ những bộ phận tối cao của Việt Nam, cho được huấn luyện để lấy bằng nhẩy dù Việt Nam. Anh ta đã hoàn tất 3 sauts trên 4 sauts huấn luyện và ngày mai sẽ nhẩy saut thứ tư. Trung tá Vinh muốn nhân dịp này các huấn luyện viên nhẩy biểu diễn và mang bằng nhẩy dù và rượu champagne từ trên trời xuống gắn cho cậu ta và mở rượu uống mừng. Vì ông Thầy Vinh biết tôi không bỏ lỡ lần nhẩy biểu diễn nào, với lại tôi cũng nói tiếng Pháp thông thạo, nên ông gọi tôi để ngày mai đi nhẩy. Tôi có lưu ý ông rằng trời xấu, mây thấp thế này ở dưới làm sao nhìn thấy gi. Ông cười và nói :

– Hy vọng mai khá hơn, với lại mùa này thì thường “sớm nắng, chiều mưa mà” bác sĩ !

Tôi cũng cười vì dù ở dưới đất không thấy gì, thì mình vẫn có cơ hội nhẩy.

– Vâng, tôi cũng mong như vậy, Trung tá !

Đôi ba câu chuyện phiếm, tôi nhìn trên bàn giấy của ông thấy còn một chồng bằng dù ông đang ký dở. Tôi chào kính rồi kiếu ông ra xe.

Tôi tạt ngang nhà dù. Trung sĩ Khoái, người thường vẫn gấp và bảo quản dù cho tôi, nói ngay:

– Nghe nói ông thầy ngày mai nhẩy, em đã chuẩn bị dù cho ông thầy rồi.

– Merci cậu. Sáng mai tôi tới lấy nghe.

– Dạ bác sĩ !

Tôi lùi xe lái về Bệnh Viện, trong bụng nghĩ, anh chàng Khoái này thật dễ thương, lúc thì gọi mình là ông thầy, mà anh ta cũng là huấn luyện viên, trước cả tôi nữa, lúc thì gọi là bác sĩ, lúc thì gọi là thiếu tá… Đúng là tình huynh đệ chi binh vì anh không phải là lính của TĐQY, không là thuộc cấp của tôi, nhưng anh rất thân tình với tôi, chăm lo từng chút cho cây dù của tôi. Đúng thật là tôi đã vô hình chung tin tưởng và giao tính mạng mình vào tay anh ta. Có phải vì anh thấy được lòng tin tưởng trọn vẹn của tôi đối với anh ta mà anh đã có những cảm tình đặc biệt đó chăng, nhưng chẳng bao giờ thấy anh vượt xa hơn.

Cũng may, bác sĩ Niệm, Tiểu Đoàn Trưởng ra Hành Quân và cho tôi về coi hậu cứ, nên mới có dịp đi nhẩy… dù với các khóa sinh hoặc đi nhẩy biểu diễn để tuyển mộ.

Tuy nhà gần sát trại Hoàng Hoa Thám, nhưng tôi vẫn thường ngủ trong hậu cứ tiểu đoàn thi hành lệnh cấm trại 100%. Tôi dặn hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Bảo tài xế, là mai tôi đi nhẩy sớm, nên phải sẵn sàng lúc 7 giờ để đưa tôi qua phi trường.

Sáng sớm hôm đó, trời quả không mưa, nhưng cũng không có nắng. Mây vẫn giăng đầy trời, không thấy một khoảng xanh nào trên đầu. Tới bãi trực thăng, tôi đã thấy các ông thầy với đầy đủ trang bị. Vừa xuống xe, đang bắt tay các ông thầy thì một chiếc xe jeep trờ tới. nhẩy xuống xe là trung tá Lâm Quang Nhược. Ở SĐND không ai là không biết trung tá Nhược. Người nhỏ nhắn, gốc miền Nam, đã lớn tuổi và cũng mê nhẩy dù một cách điên cuồng. Không lần nào đi biểu diễn mà ông vắng mặt. Nhiều người có ý kiến này nọ về ông trung tá Nhược, nhưng đối với tôi, thì tôi lại thấy ông “sympa”. Chỉ phải cái, tôi với ông quen biết sơ sơ thôi mà ông vẫn rất tự nhiên xưng hô “mày, tao”. Tôi không phiền hà gì, nhưng vẫn thưa gửi với ông là trung tá hay là “ông, tôi”. Tôi bắt tay chào ông.

Tất cả bắt đầu mặc dù. Hôm đó tôi cũng mang cái combinaison (áo nhẩy) mầu đỏ mà bác sĩ Trần Quý Nhiếp đã tặng tôi. Tôi mặc dù xong thì xe chở phi hành đoàn cũng vừa tới. Với thời tiết này, trưởng toán bàn bạc với phi công, và đồng ý chỉ đi 1 passe và tất cả cùng ra ở cao độ 30 giây. Nếu plafond thấp hơn thì sẽ nhẩy ở cao độ 20 giây thôi. Sẽ nhẩy hai cửa hai bên thành tầu. Tôi nhẩy số 1 nhẩy bên trái, trung tá Nhược, số 1 cửa bên phải. Các thầy khác chia nhẩy 2 bên, tất cả có 10 người thôi.

Chiếc HU1D cất cánh và trực chỉ hướng Ấp Đồn. Điều bất ngờ là khi tới DZ thì mây lại thấp hơn ở Tân Sơn Nhất. Nhưng trưởng toán vẫn giữ cao độ và thời gian như cũ. Bay hai vòng trên mục tiêu, bỗng huấn luyện viên thả hô chuẩn bị, tôi ngồi sát sau lưng ông, nhìn xuống thấy có một khoản trống mây, một lỗ hổng, ông lùi về phía sau, vỗ vào đầu gối tôi và nói :

– OK, ông thầy !

nhaydu 5Tôi bấm đồng hồ thời gian trên dù bụng giật trái khói tím ở chân trái và bay ra khỏi con tầu. Bao nhiêu động tác đó, chưa đầy một giây.

Gió lạnh tạt vào mặt, tôi ngước đầu lên, thấy trên trực thăng khói đỏ bốc ra phía bên phải, tôi nghĩ bụng : ông Nhược nhẩy đây. Không có giờ nhìn theo trực thăng nữa, tôi ngó xuống dưới, mây trắng mỏng như khói tạt lên mặt, nhưng tôi thoáng thấy giải khói vàng ở dưới đất, gần phía đồn dân vệ. Khói bay về phía đồn. Ngay dưới tôi là trường học. Tôi nghiêng người hướng về phía đồn. Mọi sự tốt đẹp. Thế bay của tôi cũng stable, không bị quay lộn. Tóm lại là rất “êm”. Liếc nhìn đồng hồ cao độ, kim xuống khá mau. Nhìn đồng hồ chronomètre 10 giây rồi 20 giây… Vì đã nhẩy cao hơn nên cứ yên trí còn thời gian. Chợt nhìn xuống đồng hồ cao độ thấy còn có 2200 bộ. Tôi thu tay vào, cầm tay nắm và mở dù.

Có vẻ dù tôi bung ra tốt vì nó đã kéo ngược tôi lên. Nhưng ! Nhanh như một tia chớp, tôi có cảm tượng như có cái gì lướt ngang vào dù tôi. Má bên phải nóng rát, như bị một tấm giấy nhám chà qua thật nhanh. Tôi thấy mình bị đu lên rất cao vì ngước mắt lên tôi vừa thấy chóp dù vừa thấy cây cối. Tôi vừa bị đu qua, đu lại, vừa bị nhún lên nhún xuống, và thấy mình bắt đầu bị quay như xoắn dù. Nhìn lên thấy lá dù phía sau, chỗ cửa sổ lớn bên trái bị rách từ lề bắt gió lên đến chóp. Nhìn xuống thấy một gói dài mầu đỏ. Chắc có ai nhẩy vào dù mình và đang bị treo lủng lẳng dưới chân mình. Khói đỏ từ trong cái gói dài đó bay lên. Thấy người đó bị treo vào tôi bằng mấy sợi dây dù nhỏ mắc vào dù bụng của tôi. Thuộc bài, nên tôi cố gắng với tay xuống dưới dù bụng của tôi, nắm lấy mớ dây dù của người đó kéo lên và cuốn một vòng quanh dù bụng của mình. Dù tôi quay càng lúc càng nhanh, mà tốc độ xuống cũng nhanh như dù đuôi nheo.

Không nghĩ đến việc nhìn đồng hồ, tôi vội vàng mở dù bụng. Dù bụng không bung. Tôi liệng tay nắm dù bụng đi và hai tay móc lá và dây dù giải ra phía trước mặt. May quá, gió bắt vào dù mồi và cánh dù trắng nở lên như một sự cứu rỗi ! Dù bụng vừa bung thì dù lưng bị rách nên hết gió xẹp xuống. Tôi thấy, chắc hai người đáp xuống với một dù bụng thì chắc chắn, thế nào cũng bị thương.

Bỗng nghe rắc rắc, nhìn xuống dưới thấy cái gói đỏ nằm giữa hai ngôi mộ xây. Còn tôi thì không chạm đất. Đã nghĩ cách đó mấy giây là thế nào cũng bị thương, mà sao thấy mình không thấy chạm đất, cũng không thấy đau đớn, mà lại thấy mình lơ lửng thế này. Một ý nghĩ kỳ quặc hiện ra trong đầu sau khi nhìn thấy cái gói đỏ dưới đất, tôi cố ngó quanh ngó quẩn xem có thấy mình nằm ở chỗ nào gần đó không… Không thấy. Chỉ thấy mấy đứa trẻ con chạy tới nhìn dưới đất rồi nhìn lên tôi đang bị treo trên một cây tre cao bị gẫy gác qua mái nhà của dân trước Ấp Đồn.

Anh em y tá, và các HLV chạy tới kéo tôi xuống. Lúc đó, chui từ trong dù ra là ông trung tá Nhược. Lúc mới ló đầu ra, tôi chỉ thấy hai mắt ông mở lớn. Ông ấp úng :

– Đm; tao tính dỡn chụp chân mày chơi…

Không thể tưởng tượng nổi. Cũng không nghĩ đến nổi nóng hay gay gắt. Có lẽ còn bị shock. Tôi khoát tay, vừa đi vừa nói :

– Muốn gì thì hẹn trước, để tôi chờ chứ. Ông làm thế suýt chết cả hai đó.

Và tôi đi ra ngoài bãi, cảm thấy rất mệt. Miệng khô và đắng. Tôi bắt tay anh chàng Jean Vanuxem rồi lên xe ngồi, mặc cho anh em kéo dù tôi xuống.

Hú hồn ! Anh em có hỏi tôi, lúc đó có sợ không. Thú thật, lúc đó tôi đã không có thời giờ để sợ. Mà chỉ lo giải quyết vấn đề đang xẩy ra với mình để cứu người và cứu mình. Nhưng sau đó thì sợ. Giả dụ ông đâm thẳng vào người tôi với tốc độ hơn trăm cây số giờ, thi tiêu cả tôi lẫn ổng. Bây giờ kể lại hai tay vẫn còn đổ mồ hôi.

Lần thứ hai

Quả thật, cú shock này đã đeo bám theo tôi nhiều ngày sau đó. Nhưng cũng may là tình hình chiến sự và công việc bề bộn hàng ngày đã khiến cho tôi quên đi và lấy lại phần nào tinh thần. Đó là không kể bà xã tôi đang có bầu, sắp đến ngày sinh rồi. Anh em trong tiểu đoàn thì hay hỏi tôi để nghe kể lại tai nạn vừa qua. Các ông thầy của TTHL/ND thì khuyến khích tôi :

– Bác sĩ à, bị tai nạn rồi mà không nhẩy lại ngay thì sẽ sợ không dám nhẩy nữa đâu !

Và tôi cũng nghĩ như thế. Để lấy lại tinh thần, hai tuần lễ sau tôi đã đi nhẩy dù tự động cùng với khóa sinh. Lúc chiếc C119 bay vào trục thả dù, quả trong lòng có hơi nao núng. Nhưng tiếng hát của các khóa sinh đã làm tôi quên hết lo âu để hát cùng anh em. Tôi đã móc dây SOA vào dây cáp trên đầu và bung ra cửa với tư thế dang tay như nhẩy điều khiển. Ông thầy thả tôi ở cửa máy bay dơ ngón tay cái lên, tôi cười và dù bọc, thật tròn, thật đẹp, không như lá dù rách tả tơi của tôi lần trước.

Đích thân Vũ Khắc Niệm ưu ái đã để tôi ở lại coi tiếp hậu cứ chờ vợ tôi sinh. Và ngày đó đã tới, đứa con trai út của tôi đã chào đời ngày 20/8/1972, tuổi Nhâm Tý. Thế là tôi đã có đến 6 đứa con rồi. Đến lúc phải cột cái tù và lại, chứ không thì …

Bỗng ngày 25/8/1972, bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh mới đi du học Hoa Kỳ về, vào tiểu đoàn chào tôi và khoe có mua được một bộ áo combinaison mầu đen để mặc đi nhẩy. Cũng nên nhắc là sau khi tôi có bằng nhẩy dù điều khiển thì bác sĩ Trần Quý Nhiếp và bác sĩ Thịnh cũng xin đi học. Bác sĩ Trần Văn Tính cũng được tốt nghiệp trước khi đi làm TĐT/TĐ7QY ở vùng IV. Bác sĩ Thịnh rủ tôi đi nhẩy ngày chúa nhật 27/8/1972. Tôi cũng được TTHL/ND thông báo có nhẩy dù điều khiển chung với Mỹ và vì tôi là bác sĩ của Saigon Parachuting Club, nên tôi cần có mặt để phụ trách y tế. Vả lại hôm đó cũng có lễ “cúng bãi” nhân dịp rằm tháng 7 ta như thông lệ hàng năm. Thật ra, đúng ngày rằm là ngày thứ tư 23, nên có lẽ vì là ngày thường, đã rời việc cúng bãi đến cuối tuần.

Về lời mời của bác sĩ Thịnh, tôi ừ ào cho xong; nhưng lòng cứ bâng khuâng, ngại ngùng. Tuy thế, sáng sớm hôm sau, tôi cũng ghé nhà dù. Trung sĩ Khoái đon đả :

– Chào bác sĩ, hôm nay bác sĩ đi nhẩy lại sao ?

– Ừ, để lâu chắc giải nghệ luôn !

– Em mới gấp cây dù này ngon lành lắm, tốt hơn dù bác sĩ nữa.

– Ủa, thế dù tôi đâu ?

– Nó rách tùm lum, phế thải rồi. Bác sĩ nhẩy tạm cây dù này, tụi em đang làm cho bác sĩ cây dù mới thay thế.

Vừa nói, vừa thẩy lên quầy túi dù. Anh ta mở và lấy cây dù ra để trước mặt tôi.

Nhìn thấy, đai, khóa có vẻ mới và sáng loáng, tôi mở nắp đậy giàn kim mở dù, và kiểm soát không thấy cây nào cong, vẹo gì hết. Tôi đóng nắp đậy, miệng nói :

– Mở ra không đây ?

– Một trăm phần trăm, bác sĩ ơi ! Khoái cười nheo mắt và bỏ cây dù vào bao, kéo fermeture đóng lại.

Tôi bê túi dù ra xe, thẩy ra đàng sau và thầy trò chạy xe xuống Sài Gòn, ghé phở gà Hồng Hương, đường Nguyễn Thiện Thuật ăn sáng trước khi lên bãi. Buổi sáng mùa mưa Sài Gòn không khí mát mát, ăn tô phở da lòng phao câu nước béo thật là đã làm sao. Một ly cà phê sữa đá, một điếu Rugby, khói xanh tỏa lên pha lẫn mùi phở làm thành một thứ mùi khó quên, mùi kỷ niệm.

Xe lên đến Ấp đồn, đồng hồ chỉ 10 giờ hơn. Bác sĩ Thịnh đã có mặt với bộ combinaison đen mới toanh. Tôi bắt tay mọi người, trong đó có cố vấn Mỹ của Sư Đoàn. Một lúc sau các xe jeep khác chở những người Mỹ trong Club tới. Một số các thầy của TTHL/ND lo bàn thờ, heo quay và các thứ để chúng bãi. Bỗng thấy thêm một chiếc xe jeep của Nhẩy Dù đang lao tới chỗ chúng tôi. Vừa dừng lại thì từ trên xe nhẩy xuống ông trung tá Lâm Quang Nhược ! Trời đất ! Đúng là cà chớn !

Thấy tôi, ông chạy ngay tới chỗ tôi đứng với bác sĩ Thịnh, ông sổ một tràng :

– Tường ơi, hôm nay tao cũng đi nhẩy lại. Hôm trước mày cứu tao ! Tao cám ơn và cũng xin lỗi mày. Đừng giận tao nghe. Anh em nhẩy dù mà.

Tôi chào kính ông nhưng không bắt tay. Tôi chưa kịp nói thì ông lại tiếp ngay :

– Để xả xui, hôm nay tao cũng sẽ nhẩy cùng với mày, y như hôm trước. Mày nhẩy bao nhiêu giây tao nhẩy theo mày. Mày ra cửa trái, tao ra cửa mặt. OK.

Tôi thực sự bực mình :

– Thật tình tôi không muốn nhẩy với ông. Nhưng nếu ông muốn thì tôi khuyên ông đừng bám sau tôi. Quay lại mà tôi thấy ông là tôi bắn ông chết trên trời đó.

Vừa nói tôi vừa kéo fermetur trên túi áo ngực để lộ khẩu beretta 6.35 ra.

– Đm, làm gì dữ vậy, tao không bay theo mày đâu. Thôi bỏ đi, đã biểu đừng giận tao nữa mà, Tường.

Tôi không trả lời, rút điếu thuốc ra hút. Thịnh nhìn tôi cười và nói :

– Moa mới nhẩy cắt đuôi được mấy sauts thì đi Mỹ, hôm nay moa cũng nhẩy 5 giây thôi.

– Ừ, cho nó chắc. Moa lên cao hơn, 30 giây.

Mắc cái giống gì mà sao hôm nay trực thăng tới trễ quá. Trực thăng của Mỹ. Hơn 12 giờ trưa mới tới. Máy bay của Mỹ đương nhiên là nó ưu tiên cho Mỹ nhẩy trước. Có lẽ họ nhẩy thử dù chữ nhật của họ nên họ mở dù thật sớm. Dù của họ hai lớp nên bay tới bay lui, bay ngược gió cũng được. Thấy mà mê. Hồi ở bên Mỹ lúc tới Denver đã thấy bọn Golden Nights họ nhẩy biểu diễn dù này rồi. Mắc quá, ngoài khả năng của mình nên không mua được. Ngay cả dù classic paracommander cũng quá mắc rồi. Đành quay về nhẩy dù TU của pilot không quân vậy.

Trời càng về trưa, càng có gió, đưa nhiều đám mây từ đâu kếo tới, chứ từ sáng đến giờ trời nắng đẹp. Thịnh và tôi cùng lên trực thăng, và vì sẽ ra trước nên Thịnh ngồi dưới sàn tầu, tôi ngồi trên ghế, chờ lên cao hơn. Tới cao độ của Thịnh, ông thầy nói ok và Thịnh bay ra khá đẹp. thấy hoa dù của Thịnh đã nở, tôi yên trí cho Thịnh, nhưng hồi hộp cho mình. Ai nói nhẩy dù quen rồi là hết sợ, chứ tôi thì, dù lúc chưa bị tai nạn hồi tháng trước, mỗi lần vào axe là tôi hồi hộp, và chỉ được giải thoát khỏi cái sợ khi đã lao mình ra ngoài không trung. Bây giờ thì còn sợ hơn nữa.

Tôi thấy ông Nhược quỳ một gối bên cửa phải, tôi rời ghế xích lại gần cửa trái. Nghe lệnh OK, tôi bung ra và cố gắng nhìn lên trực thăng, thấy ông Nhược ra phía bên kia và nghiêng người lạng sang phải, tôi cũng nghiêng người để bay sang phía bên trái hướng bay. Có lẽ không bình tĩnh như mọi khi, nên tôi đã nhìn xuống đồng hồ bốn hay năm lần gì đó mà vẫn chưa tới lúc mở. Rồi, 2400 bộ, tôi cầm tay nắm mở dù.

nhaydu-image-2Sao vậy ? Cứng ngắc, giựt không ra. Vì có thói quen mở dù bằng tay trái, tôi dùng bàn tay phải đánh thật mạnh vào tay trái đang cầm tay nắm. Vẫn không ra. Tôi lộn một vòng. Đấm lần thứ nhì, cũng thế. Nhìn xuống đồng hồ còn khoảng 1000 bộ, tay trái tôi hất tay nắm dù lưng ra sau và tay phải giật dù bụng. Tôi thấy dù mồi nhẩy ra và một giải trắng tuôn ra kéo cong người tôi ưỡn ra phía trước. Nghĩ trong đầu, dù bụng mở rồi. Tôi nhìn lên thấy dù còn móp như một quả lê mất vài ba giây trước khi nó căng tròn. Dù thở ! Nhìn xuống dưới, gió lớn làm lá cây lật phía dưới lên một mầu bạc trắng, gió đưa tôi khá nhanh, qua rặng tre, vào một khu vườn, có một cây khá lớn, tôi co chân équerre để không vướng vào nó. Lá cây quất vào mông. Nhưng phía trước còn có một cây nhỏ hơn, không cách nào tránh. Đành gồng mình chịu trận. Lá dù vướng vào cành lá, quật tôi xuống một bờ ruộng. Khá đau, nhưng có vẻ không gẫy cái xương nào, không thấy chẩy máu ở đâu cả. Người tôi nóng ran lên….

Còn chưa hoàn hồn thì anh em nhẩy dù, cả lính mình lẫn lính người chạy tới. Câu tôi nghe thấy đầu tiên là :

– Đm, ổng ở đây này, bác sĩ Tường còn sống !

Bác sĩ Thịnh, mặt tái xanh chạy lại bên cạnh tôi :

– Tường ! Có sao không ?

Lập tức các ông thầy nhẩy dù của tôi đã tới và cẩn thận gỡ dù lưng của tôi ra để mang về điều tra. Thông lệ, trong quân đội và đặc biệt là trong SĐND, khi có trường hợp dù người nhẩy không mở được là phải điều tra xem nguyên nhân là kỹ thuật hay phá hoại.

Anh em đỡ tôi ra xe và Thịnh lái chở tôi về chỗ tập trung ở giữa bãi. Thịnh kể :

– Thấy toa rớt thấp quá mà không mở dù bụng, ông thầy Thuật la lớn “Dù Bụng : Dù Bụng…”

– Trên đó, gió như bão, mình đâu có nghe được gì.

– Lúc bị rặng cây che khuất mà vẫn chưa thấy dù trắng, nhiều người dưới bãi đã dơ tay chào rồi.

– Toa có chào moa không ? vừa nói tôi vừa cười.

– Bác sĩ ở lại ăn một miếng, cúng xong rồi. Một HLV tới nói với tôi.

Thật tình lúc đó tôi không còn thấy đói nữa mà hình như chưa hoàn hồn, nên chỉ buồn ói thôi. Tôi xin ly xá xị và uống một ngụm rồi xin phép về. Thịnh nói :

– Moa về với toa để xem có vấn đề gì không. Toa có chắc không bị đập đầu chứ ?

– Bị đập đít thì có, chứ không đập đầu. À mà Thịnh này, về nhà đừng nói gì về vụ này nghe. Lần trước bả đã cằn nhằn moa nhiều lắm rồi đó.

Xe tôi chạy trước, Thịnh theo sau. Cả hai đều về nhà tôi. Lúc đó cũng đã hai giờ trưa rồi. Bà xã mới sinh được 1 tuần còn chờ cơm tôi.

Cái anh chàng Thịnh này thật tình không biết giữ bí mật, đang ăn bỗng hắn hứng lên :

– Phụng à ! Tường nó nhẩy hôm nay suýt chết đó.

Thế là bả khóc như mưa, tay đánh tôi tay đánh Thịnh :

– Các anh ác lắm ! Em mới sinh được một tuần. Anh chết rồi, ai lo cho con ?

Thế là hai đứa lại phải uốn lưỡi Tô Tần năn nỉ, ỷ ôi đã đời, nàng mới nguôi con thịnh nộ.

Sáng hôm sau, tôi được các thầy ở TTHL/ND thông báo kết quả điều tra, có ghi bìên bản. Các thầy nói là hình như thầy Cư hay thầy Hưởng đã để nguyên dù như thế và giật tay nắm cũng không được. Sau đó chính đích thân ông thầy lớn Trần Văn Vinh mặc dù vào và nằm lên bàn, giật cũng không ra. Lúc đó mới có quyết định mở nắp kim ra xét nghiệm. Các kim đều ngay thẳng, không bị cong; bị vẹo. Nhưng sao đẩy vẫn không ra khỏi mấy cái lỗ khuyết được. Các ông đã lật dây kéo sang phía bên kia và lúc đó kéo ra dễ dàng. Lý do là vì dù quá cũ, những lỗ khuyết giữ kim không tròn nữa mà bị biến thành hình bầu dục, nên nếu dây kéo kim nằm bên này thì kéo không ra, và nếu ở bên kia thì kéo ra. Trường hợp này thật là hiếm thấy. Có lẽ là lần đầu.

Đời người lính nhẩy dù, rất ít người phải mở dù bụng. Trường hợp của tôi thì lại càng hi hữu hơn nữa vì đã phải hai lần mở cây dù secours này mà lại là hai lần liên tiếp cách nhau một tháng.

Tôi đã giải quyết được nỗi ám ảnh dù không bung. Bà xã tôi cũng đã, không những quen với đam mê của tôi, mà còn hãnh diện và đã cùng tôi lên trực thăng để nhìn tận mắt tôi nhẩy ra như thế nào.

Tôi đã chỉ cho nàng và các con tôi cây dù bụng dễ thương đã hai lần cứu mạng tôi và đã cứu mạng bao chiến binh nhẩy dù.

Chợt nhớ có ai đó kể câu chuyện tiếu lâm về dù bụng. Trong một lần đi tuyển mộ, sau khi nghe trả lời câu hỏi về an toàn nhẩy dù vì mỗi người linh khi nhẩy dù đều có 2 cây dù, dù lưng và dù secours hay dù bụng. Nếu dù lưng không mở thi mở dù bụng để đáp xuống đất an toàn. Thế mà cũng có người cắc cớ hỏi vặn lại

– “Thế còn dù bụng cũng không mở thì sao ?”

Vị sĩ quan tuyển mộ cũng hóm hỉnh trả lời ngay rằng :

“Nếu dù bụng không mở… thì về nhà đổi dù mới”

Trần Đức Tường 

Thân Cây Mọc Nghiêng

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

tree

 

 

 

 

 

 

 

 

Con người trên cõi dương gian
Nào ai tránh khỏi cái màn tử vong
Khi đời này chấm dứt xong
Thảy đều ước muốn về trong đất lành
Nơi sạch sẽ, miền tịnh thanh
Khắp vùng cực lạc, an bình mãi thôi.
Có người hỏi đức Như Lai:
“Lòng con luôn mãi hướng nơi đất lành
Hướng về ‘tịnh thổ’ tâm thành
Mong sau khi chết vãng sanh chốn này
Nhưng con e ngại lắm thay
Gặp khi đột ngột lìa ngay cõi đời
Làm sao niệm Phật kịp thời
Tâm đâu kịp hướng về nơi mong chờ
Lìa dương gian quá bất ngờ
Chẳng còn biết sẽ vật vờ về đâu?”

                            *
Phật nghe xong, khẽ gật đầu:
“Các con chớ có lo âu làm gì
Để ta kể chuyện cho nghe
Chuyện cây thông nọ bên lề rừng xanh.
Cây sinh ra, lớn lên nhanh
Nhưng không mọc thẳng, thân hình lại nghiêng
Mọc nghiêng qua mãi một bên
Có khuynh hướng ngả về miền phía Đông,
Một ngày trời nổi cơn giông
Nếu mà sét đánh cây thông đổ nhào
Cây này sẽ đổ hướng nào?”
Mọi người đều nói đổ vào hướng Đông.
Mỉm cười Phật dạy ung dung:
“Con người cũng giống cây thông vô ngần
Chúng sinh khi sống thành tâm
Hướng về cửa Phật nguyện thầm thiết tha
Hướng về ‘tịnh thổ’ thăng hoa
Thì khi mãn nghiệp lìa xa cõi trần
Dù bất chợt cũng an tâm
Sẽ đi về hướng mình thầm ước mơ
Tây phương cực lạc đón chờ!”
 
TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(phỏng theo tập truyện văn xuôi
NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY
của Lâm Thanh Huyền, Phạm Huê dịch)

Dấu Ấn Sinh Thái – Giảm thiểu Tác hại của Con người lên Trái đất

Mai Thanh Truyết

ef image

Bắt đầu từ những năm 1970, nhân loại đã làm đảo lộn hệ sinh thái toàn cầu hàng năm vì tài nguyên thiên nhiên đã bị tận dụng và vượt quá những gì trái đất có thể tái tạo mỗi năm. Theo ước tính hiện tại, trái đất cần 1,5 năm để tái tạo lại những gì con người tiêu thụ tài nguyên trong một năm.

Sự suy thoái môi trường trên thế giới ngày nay đang diễn ra dưới hai dạng, khách quan do thiên nhiên, hay chủ quan là do con người. Thiên nhiên qua thiên tai như hạn hán, lụt lội, động đất, sóng thần v.v…Tuy nhiên, những tác động trên chỉ là một sự suy thoái có tầm ngắn hạn, hoặc có tính cách nhất thời và sẽ được con người điều chỉnh lại ngay sau đó. Còn sự suy thoái có nguyên nhân là con người sẽ làm cho môi trường chung ngày càng thoái hóa và đang tiếp tục diễn ra hàng ngày, cũng như chưa có chỉ dấu nào báo hiệu cho thấy tình trạng trên sẽ chấm dứt.

ef image 2

Đó là những sự kiện xảy ra trên khắp quả địa cầu hàng ngày, có tính liên tục và ngày càng có chiều hướng xấu đi theo thời gian, mặc dù hiện tại trên thế giới có vô số cơ quan NGO và LHQ cố gắng cổ súy và kêu gọi bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.

Có thể nói, vào năm 1992, Gs William Rees là người đầu tiên nêu lên vấn đề “dấu ấn sinh thái” (ecological footprint) của trái đất. Khái niệm về dấu ấn sinh thái và phương pháp tính toán đã được khai triển trong luận án Tiến sĩ của Mathis Waskernagel, do Gs Rees đở đầu tại đại học British of Columbia, Vancouver, Canada vào năm 1994. Và đến năm 1996, quyển sách “Dấu ấn sinh thái của chúng ta: Giảm thiểu tác hại của con người lên Trái đất” (Our Ecological Footprint: Reducing Human Impact on the Earth).

Dấu ấn sinh thái gồm những thống kê và khảo sát về các biến đổi của Carbon, Thực phẩm, Nhà ở, Vật dụng cùng Dịch vụ … có nghĩa là tất cả nhu cầu của con người cần có để thích ứng với mức độ tiêu thụ và sự gia tăng dân số. Các tiếp cận trên được ví tương đương với việc phân giải chu kỳ đời sống (life-style analysis) trong việc tiêu thụ năng lượng, sinh khối (biomass), nhu cầu xây dựng, và những nguồn tài nguyên khác. Tất cả được định định lượng và đo đạt trong từng vùng đất, và có tên gọi là “hectare toàn cầu” (global hectare-gha).

Khả năng sinh học (Biocapacity) có thể được so sánh với nhu cầu của nhân loại theo tính chất của dấu ấn sinh thái của chúng ta. Dấu ấn sinh thái đại diện cho khu vực sản xuất cần thiết để cung cấp các nguồn tài nguyên tái tạo nhân loại đang sử dụng và hấp thu chất thải của chúng.

ef image 3Dấu ấn sinh thái (EF), hoặc “phân giải dấu chân sinh thái” (Ecological footprint Analysis-EFA), là một phương tiện để so sánh mức tiêu thụ và lối sống, cũng như kiểm tra lại khả năng đối nghịch với thiên nhiên của con người trong việc cung cấp cho mức tiêu thụ này.

Từ việc phá rừng đến việc khai thác quá độ đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, tất cả là cội nguồn cốt lõi cho sự suy thoái môi trường. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng góp phần vào sự suy thoái trên cần được mổ xẻ, đó là sự gia tăng dân số toàn cầu. Đây cũng là một vấn đề sống còn của nhân loại, vì hiện nay, trái đất ngày càng hẹp do sự gia tăng dân số và nhiều vấn nạn đang xảy ra như nguồn thực phẩm, nước ngọt, tài nguyên thiên nhiên v.v… sẽ không còn đủ để cung ứng cho việc dân số tăng trưởng nhanh chóng.

Quan điểm “Đóng” và “Mở”

Có quan điểm khác biệt dựa theo hai hướng suy nghĩ đối cực của con người:

1- Suy nghĩ của nhóm bảo thủ hoặc “đóng” (conservative),

2- Và suy nghĩ của những người theo khuynh hướng tự do hoặc “mở” (liberal).

Thông thường, đối với người mang định hướng “đóng” (closed-minded), một khi có một hay nhiều ý kiến khác biệt với quan điểm của mình, phần đông những người theo định hướng nầy thường bảo vệ quan điểm của mình hơn là lắng nghe và tiếp nhận cách nhìn khác nghiêm chỉnh hơn. Sự định hướng đóng đó (closed-mindedness) thường xảy ra cho người thuộc nhóm bảo thủ. Chủ nghĩa bảo thủ theo quan niệm cố hữu, đều có khuynh hướng giữ mọi sự, mọi việc tự nhiên đã có sẳn, đã xảy ra từ lâu đời. Do đó, những người theo chủ nghĩa nầy luôn bảo vệ những điều mà họ tin tưởng trên căn bản là đúng.

Ngược lại, đối với những người thuộc nhóm “mở” cho rằng sự định hướng đóng là một điều kiện không tự nhiên (un-natural) trong việc nhận định mọi sự việc xảy ra trên thế giới. Do đó, những người theo khuynh hướng mở thường dễ chấp nhận những khác biệt về ý kiến, tư tưởng, và việc chấp nhận ấy xảy ra một cách tự nhiên, không cần một cố gắng nào khác để lắng nghe những khác biệt ý kiến đó. Và, đi xa hơn nữa, những người theo khuynh hướng mở luôn cổ động và tin tưởng từ những ý kiến khác biệt trên sẽ chuyển tải những điền kiện và phương cách giải quyết tốt hơn cho cuộc sống.

Nhưng tiếc thay, quan niệm mở cho đến hôm nay, đối với đa số người tự nhận là có khuynh hướng mở nầy, lại bị gò bó trong hình thức của một loại khuynh hướng “đóng mở” hay còn gọi là “chính trị đúng đắn” (politically correct) đối với nhiều vấn đề lớn trên quả địa cầu nầy. Một trong những vấn đề lớn đó là nạn suy thoái môi trường.

Từ hai suy nghĩ trên, chúng ta thấy rõ ràng rằng, cả hai khuynh hướng đóng và mở đều có những nhược điểm và thường đi đến những cực đoan khó hàn gắn, tạm gọi là cực tả hay cực hữu trước tình trạng suy thoái môi trường toàn cầu và sự gia tăng dân số.

Thế giới đang có nạn nhân mãn hay không?

ef image 4

Thế giới hiện tại chứa khoảng trên 7 tỷ con người. Vấn đề môi trường hiện nay được đặt ra là ảnh hưởng tương tác của sự gia tăng dân số và sinh khối (biomass) toàn cầu. Trên căn bản, vấn đề cũng được suy diễn một cách khác biệt như:

– Khuynh hướng đóng vẫn luôn luôn cho rằng sinh khối toàn cầu sẽ tự nhiên điều tiết để thích ứng với sự gia tăng dân số (trời sinh voi sinh cỏ);

– Ngược laị, khuynh hướng mở qua những nhà môi trường mở quy trách nhiệm vào con người trong việc xuống cấp của môi trường chung.

Nhưng, dựa theo tiêu chuẩn nào để kết luận là địa cầu đã chứa quá đông người rồi?

Chúng ta thử hình dung một giả thiết sau đây: mời gọi tất cả dân chúng trên thế giới từ già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà, trẻ con, tổng cộng 7 tỷ người tham dự Hội nghị toàn cầu trên cùng một địa điểm. Giả sử mỗi cá nhân có được một diện tích là 35m2 dùng cho bàn làm việc và tham khảo, dụng cụ cùng tài liệu cá nhân cho Hội nghị. Kết quả là địa điểm cần thiết cần có không lớn hơn tiểu bang nhỏ bé Kansas của Hoa Kỳ cũng có thể được dùng cho Hội nghị trong điều kiện trên.

Từ đây, một câu hỏi khác biệt được đặt thêm ra là, nếu số lượng con người trên trái đất không là một vấn nạn cho sự suy thoái môi trường, thì những gì khác đã xảy ra cho quả địa cầu nầy?

Có nhiều yếu tố khác đưa ra để trả lời hay bình giảng câu hỏi trên, tựu trung có ba yếu tố chính yếu tương đối ảnh hưởng nhiều đến sự suy thoái môi trường. Đó là:

· 1- Mật độ dân chúng phân bổ trên địa cầu

· 2- Điều kiện chính trị

· 3- Sự lựa chọn cá nhân

1- Mật độ dân số và điều kiện chính trị

Nếu tính về mật độ dân số, mật độ ở Bangladesh tương đương với mật độ dân số ở Fresno, California. Tuy nhiên điều kiện sống của dân chúng ở hai nơi hoàn toàn khác biệt nhau. Như vậy vấn đề nằm ở nơi đâu? Tại sao lại có nhận định rằng con người ở Bangladesh chen nhau mà sống vì nạn nhân mãn, còn ở Fresno thì không? Chưa nói đến mật độ dân chúng ở Los Angeles và Orange County còn cao hơn ở Bangladesh nhiều.

Chính vì điều kiện thiên nhiên và không khí chính trị làm cho hai nhóm dân có đời sống khác biệt dù có cùng chung một mật độ dân số, hay diện tích đất sống trên đầu người giống nhau. Điều kiện thiên nhiên như đất đai, khí hậu không thích hợp cho người dân ở Bangladesh có một đời sống tương đương như ở Fresno. Tuy nhiên điều kiện thiên nhiên chưa phải là một yếu tố quyết định. Như điều kiện thiên nhiên ở Phoenix, Arizona, Nevada, New Mexico còn khắc nghiệt hơn nhiều, tại sao con người ở đây vẫn có đời sống thoải mái hơn? Do đó điều kiện kinh tế và chính trị mới dự phần chính và ảnh hưởng lớn lên cuộc sống của con người.

2- Sự lựa chọn cá nhân

Có thể xem yếu tố nầy là quan trọng nhất trong vấn đề suy thoái môi trường trên thế giới. Chỉ cần một ý kiến rồ dại của một người, như bật một que diêm quẹt, có thể tàn phá hàng trăm ngàn mẫu rừng trong mùa khô. Hay một sự chọn lựa lầm lẫn của một nhóm người CS Bắc Việt trong chính sách phát triển của Việt Nam đã làm băng hoại tòan cõi đất nước trong suốt trên 40 năm qua.

Do đó và sau cùng, yếu tố cá nhân có thể được nhìn dưới một nhãn quan khác và đây là nhân tố quyết định tất cả. Qua cuộc nghiên cứu về ecological footprint, xin tạm dịch là dấu ấn sinh thái của Raven và Berg vào năm 2004, giả sử mỗi người đang sống trên thế giới có cùng một nhu cầu và điều kiện sống như một người Mỹ trung bình, thì trái đất phải phình ra gấp 5 lần mới có đủ điều kiện phục vụ cho hơn 7 tỷ nhân khẩu hiện tại. Điều đó có nghĩa là dấu ấn sinh thái của từng dân tộc khác nhau trong điều kiện của mỗi quốc gia. Cũng theo sự tính toán của Raven và Berg, thì dấu ấn sinh thái của người Mỹ cao gấp 10 lần dấu ấn sinh thái của một người Ấn, dựa theo những điều kiện sống, môi trường, điều kiện khách quan và chủ quan của hai dân tộc.

Do đó để kết luận, tầm nhìn tích cực cho môi trường chung là làm thế nào để tìm một giải pháp tốt nhất cho những vấn nạn môi trường xảy ra trên thế giới. Sự quy kết theo quan điểm đóng hay mở sẽ không giải quyết vấn đề mà nhiều khi có thể làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm mà thôi. Và việc làm tốt môi trường chỉ có thể tiến hành nhuần nhuyễn và mau chóng nếu hai khuynh hướng bảo thủ và tự do chịu kết hợp và hành xử chung với nhau. Mỗi khuynh hướng riêng rẽ cần phải:

· Định danh rõ ràng những thử thách môi trường qua sự thoái hóa của hệ sinh thái cả về phẩm lẫn lượng;

· Thiết lập những biện pháp ưu tiên cho việc cải sửa và hạn chế thiệt hại;

· Và sau cùng, thực hiện những đề án thực tiễn giải quyết theo phương cách tối ưu.

Muốn làm được việc giải quyết vấn nạn môi trường toàn cầu cần phải có những khối óc “tự do chân chính” (liberal genuine) hay “thông minh mở”, đến từ hai khuynh hướng bảo thủ và tự do.

Tiến trình toàn cầu hóa hiện đang được thực hiện bằng những khối óc “thông minh mở” dựa trên phương hướng giải quyết chung có lợi cho tòan cầu, mà không dựa theo những kết luận của khuynh hướng “xanh” và cũng không chọn lựa theo cung cách hành xử qua tầm nhìn của những nhà hoặc nhóm phát triển đặt quyền lợi lên trên tất cả.

Dấu ấn sinh thái tính trên mỗi người– Ecological Footprint Per Capita – EFPC

ef Footprint_world

Với một vài trường hợp ngoại lệ (đặc biệt là New Zealand, Úc và Greenland), trên bình diện thế giới, các quốc gia ở Bắc bán cầu có dấu ấn sinh thái lớn hơn, trong khi các nước ở Nam bán cầu, nhỏ hơn, nghĩa là dân chúng ở Bắc bán cầu giàu hơn dân ở Nam bán cầu. Chỉ số EFPC trung bình của tất cả các nước là 1,47. Ecuador cao hơn một chút so với trung bình là 1,77. Hoa Kỳ có chỉ số EFPC lớn nhất thế giới 9,57, tiếp theo là United Arab Emirates 8,97, Canada 8.56, Na Uy 8.17, và New Zealand 8.01.

Điều này cho chúng ta thấy một khác biệt rất lớn giữa giá trị trung bình và EFPCs tối đa và trên thực tế chỉ số EFPC trung bình chỉ 0,85, có nghĩa là một nửa số người trên thế giới có một dấu ấn sinh thái thậm chí còn nhỏ hơn chỉ số nêu trên này. Chênh lệch lớn trong phạm vi của dấu ấn sinh thái rất có thể là một sự phản ánh lên sự phân bố không đồng đều của sự giàu có trên toàn cầu.

Trách nhiệm của các quốc gia giàu có

Trong vài năm qua, vấn đề bất bình đẳng đã được nêu lên trong nhiều chương trình nghị sự toàn cầu. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và hậu quả tiếp theo đã làm nổi bật tính cách dã man về khoảng cách giữa quốc gia giàu và nghèo. Dự đoán của NGO Oxfam rằng:”trên toàn cầu, nếu kết hợp sự giàu có của số người giàu nhất chiếm 1% tổng dân số trên thế giới, tích sản nầy sẽ vượt qua tích sản của 99% dân số còn lại vào năm 2016″.

Đây là mối liên quan thực sự giữa sự bất bình đẳng và sự thiếu bền vững của tiêu thụ. Điều này được minh họa rõ ràng nhất là những người giàu nhất là người có nhiều cơ hội để tiêu thụ thái quá (overconsumed).

Như vậy, dấu ấn sinh thái của những người giàu nhất là gì?

Người giàu nhất có thể có thêm nguồn tài nguyên để thích ứng và cách ly mình khỏi những tác động của biến đổi khí hậu, có nghĩa là họ có thể không lưu tâm đến mối liên quan giữa sự tiêu dùng thái quá của họ và khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Ngay cả khi người giàu nhận thức được về sự biến đổi khí hậu và các loài tuyệt chủng, họ ít có khả năng nhìn thấy sự tàn phá của môi trường và ô nhiễm có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Bão tố, lũ lụt, sóng thần, sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân trong số 99% còn lại và họ dễ bị tổn thương nhất vì không có phương tiện khắc phục những hậu quả kể trên.

Hiện có rất nhiều nỗ lực đang diễn ra trên thế giới nhằm mục đích cố gắng làm cho việc tiêu thụ bền vững hơn trong toàn xã hội đối với tất cả mọi người trên thế giới.

Nhưng chắc chắn những nỗ lực trên chỉ là KHÔNG TƯỞNG mà thôi!

Từ đó, chúng ta có thể đúc kết rằng:

• Sự bất bình đẳng và sự tiêu dùng thái quá của người giàu cần phải được hạn chế.

• Cố gắng giảm thiểu các dấu ấn sinh thái của những người giàu nhất (trong tổng số 1%) để làm tăng trưởng dấu ấn sinh thái của 99% dân số toàn cầu còn lại.

12 phương cách hạn chế “dấu ấn sinh thái”

Dùng phương châm Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse), Tái chế (Recycle) để bạn có thể thực hiện một phương cách bền vững đơn giản để giúp gia đình bạn ít gây ra tác động môi trường của rác thải trên trái đất.

Mỗi ngày chúng ta có những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta có ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu và các loài khác.

1. Thiết lập kế hoạch bữa ăn của bạn: Việc lập kế hoạch bữa ăn trước thời hạn không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền và còn ngăn chặn được thức ăn thừa. Lên kế hoạch cho một tuần hoặc cho xa ra như là một tháng.

2. Hãy nghĩ hai lần trước khi đi mua sắm.ef image 5

3. Mặc quần áo nhiều hơn một lần.

4. Phơi quần áo thay vì cho vào máy sấy.

5. Cố gắng hạn chế mức phế thải trong nhà (hạn chế rác).

6. Hãy tiết kiệm nước.

7. Hạn chế sử dụng xe hơi tối đa.

8. Sử dụng các loại túi “tái sử dụng”.

9. Sử dụng năng lượng tái tạo

10. Lựa chọn để có một ngôi nhà nhỏ vừa đủ tiện nghi tối thiểu cho gia đình

11. Trong mùa đông, mặc áo ấm dày để hạn chế máy sưởi.

12. Sử dụng tiếng nói và lá phiếu của bạn.

Đó là những phương cách căn bản làm thế nào bạn đã làm giảm dấu chân sinh thái của gia đình bạn!

Vấn đề Việt Nam

Còn vị trí của Việt Nam thì sao? Những người có trách nhiệm ở Việt Nam chẳng những không có não trạng của khuynh hướng đóng, hay chỉ để cho thiên nhiên tự điều tiết và giải quyết vấn đề suy thoái môi trường, cũng như không có những suy tư mở để nhìn trọn vẹn vấn đề hơn.

Làm sao họ có thể động não để giải quyết vấn đề một khi não trạng chứa một “tư duy” không thay đổi từ ngày thành lập đảng cho đến ngày nay. Đó là cơ chế chuyên chính vô sản áp dụng trong việc quản lý Đất và Nước.

Do đó, sẽ không bao giờ có thể xuất hiện được những khối óc mở thông minh như đã trình bày trên giữa hai khuynh hướng, ít nhất trong khoảng thời gian có sự áp đặt của đảng CS sau Đại hội XII. Môi trường Việt Nam ngày càng đi vào bế tắt là lẽ tất nhiên.

Mai Thanh Truyết
Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam
6/2016

_____________________________________
Nguồn: http://maithanhtruyet.blogspot.com/

A Father’s Love

Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ

 

A FATHER’S LOVE…
Fathers seldom say "I love you"
Though the feeling's always there,
But somehow those three little words
Are the hardest ones to share.
And fathers say "I love you"
In ways that words can't match -
With tender bedtime stories -
Or a friendly game of catch!
You can see the words "I love you"
In a father's boyish eyes
When he runs home, all excited,
With a poorly wrapped surprise.
A father says "I love you"
With his strong helping hands -
With a smile when you're in trouble
With the way he understands.
He says "I love you" haltingly,
With awkward tenderness -
(It's hard to help a four-year-old
into a party dress!)
He speaks his love unselfishly
By giving all he can
To make some secret dream come true,
Or follow through a plan.
A father's seldom-spoken love
Sounds clearly through the years -
Sometimes in peals of laughter,
Sometimes through happy tears.
Perhaps they have to speak their love
In a fashion all their own.
Because the love that fathers feel
Is too big for words alone!

Anonymous

happy father sday

TÌNH CỦA BỐ…
Bố thường ít nói: “Yêu con!”
Mặc dù tình cảm sẵn luôn tràn đầy
Tuy nhiên đôi chữ nhỏ này
Rất là khó nói để thay tiếng lòng.
Tâm tình Bố nói “Yêu con!”
Thường không biểu lộ ra luôn bằng lời
Mà bằng hành động của người -
Truyện ru ngủ lúc tối trời kể ra -
Hay là thân mật tham gia
Trò chơi con trẻ thăng hoa tâm hồn!
Ta nhìn mắt Bố thấy luôn
Những lời Bố nói “Yêu con!” trong này
Mắt hồn nhiên, trẻ trung thay
Nhất là khi Bố chạy bay về nhà
Trong tay cầm một món quà
Vụng về gói ghém, bất ngờ tặng con.
Ta nhìn tay Bố thấy luôn
Những lời Bố nói “Yêu con!” nồng nàn
Khi ta gặp lúc khó khăn
Bàn tay Bố khoẻ ân cần giúp ngay -
Nụ cười tươi trẻ kèm đây
Thật là thông cảm, vui vầy, thiết tha.
“Yêu con!” Bố chẳng nói ra
Thay bằng âu yếm thấy mà vụng sao
Giúp con mới bốn tuổi đầu
Mặc quần áo đẹp có đâu dễ dàng.
Tình yêu của Bố rỡ ràng
Không hề ích kỷ, không màng bản thân
Bố cho hết chẳng ngại ngần
Giúp con thực hiện ước thầm bấy lâu
Giúp con mau đạt yêu cầu
Chương trình, kế hoạch trước sau hoàn thành.
Ít khi nói, thường lặng thinh
Nhưng bao năm Bố thắm tình cùng con -
Đôi khi là chuỗi cười ròn
Đôi khi là giọt lệ tuôn vui mừng.
Bố không theo cách thông thường
Vì tình Bố tỏ theo đường lối riêng
Vừa vĩ đại lại linh thiêng
Lời nào mà nói hết liền được đây!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

Ai Về Thăm Cửu Long Giang

Trần Quốc Bảo

cuulong giang

Ai về thăm Cửu Long Giang
Mà không đau đớn hai hàng lệ rơi(!) ?
Dòng sông lưu lượng quá vơi
Không còn đủ nước cho người nông dân
Ruộng đồng cằn cỗi khô ran
Đất đai nứt nẻ hoang tàn thảm thương
Bởi Tầu lòng dạ sói muông
Đắp đê chận nước, thượng nguồn Mê-Kông
Việt Cộng thì vẫn một lòng
“Núi liền núi, sông liền sông” thờ Tầu!
Miền Nam ruộng đất phì nhiêu
Bây giờ hạn hán, tiêu điểu xác xơ
Tương lai “chết đói” đang chờ
Con Hồng cháu Lạc đợi giờ chết ư?
Dân ta có hai kẻ thù
Việt cộng là một, Tầu phù là hai
Ai người thục nữ, tài trai
Khoanh tay cúi mặt, thở dài mãi sao???
Đáp lời sông núi mau mau
Vùng lên giải cứu đồng bào Việt Nam!

Trần Quốc Bảo
Richmond,VA

Chiến Sĩ Vô Danh

Trần Quốc Bảo

19 tháng 6  Ngày Quân Lực VNCH
Nhớ tới và vinh danh Người Chiến Sĩ Vô Danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

QUANLUC19-6

Nếu em hỏi,  ai đi đầu tuyến lửa
Trên Quê Hương, nửa thế kỷ đấu tranh?
Xin trả lời:
Người Chiến Sĩ Vô Danh
Chiếc nón sắt, cây súng trường là bạn
Người kiêu hùng trước hòn tên mũi đạn
Nhưng lu mờ hình ảnh ở hậu phương
Khói lửa tạm ngưng, cuộc chiến dở dang
Những người ấy giờ đây nơi nao nhỉ?
Xin trả lời,
Đã một phần yên nghỉ
Xác tan hòa vào sông núi Việt Nam
Những kẻ còn sống, buông súng tan hàng
Ôm niềm quốc nhục chờ ngày phục hận
Sẽ một ngày, lại hàng hàng vào trận
Ào ạt xung phong, tiến chiếm mục tiêu
Dựng Cờ Vàng trên đất nước thân yêu
Đem sự sống về cho bà con lối xóm
Trải tin yêu khắp làng thôn phường khóm
Cùng toàn dân viết trang sử vàng son
Nước mất nhà tan, Tổ Quốc vẫn còn
Còn rực sáng trong tim người chiến sĩ
                            ****
Ôi Quê Hương ta, non sông hùng vĩ
Dân tộc ta, dòng máu hùng anh !
Hàng triệu người là Chiến Sĩ Vô Danh
Hồn linh hiển trên Quốc Kỳ phấp phới
Lịch sử Việt Nam ngàn năm nhớ tới
Người Anh Hùng:
Người Chiến Sĩ Vô Danh
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia