Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa – Chuông gọi hồn ai?

Sơn Tùng

ntbh-cover

Trước khi qua đời năm 2000 tại California, Học giả Phạm Kim Vinh đã viết 37 cuốn sách (Việt ngữ và Anh ngữ) để đề cao chính nghĩa của người Việt Quốc Gia trong cuộc chiến đấu kéo dài 30 năm (1945-1975) chống lại chủ nghĩa cộng sản do Hồ Chí Minh và đồng đảng đem từ Nga về núp dưới chiêu bài kháng chiến, giải phóng, gây ra hai cuộc chiến tranh khốc liệt gieo rắc bao đau thương, đổ vỡ cho dân tộc Việt Nam.

Trong 37 cuốn sách đã xuất bản tại hải ngoại (1976-1999), ông Phạm Kim Vinh đã dành hai cuốn để viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa: cuốn “Thiên Anh Hùng Ca Viết Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” (1984) và cuốn “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh Của Quân Lực VNCH (1999).

Trong hai cuốn sách này, tác giả Phạm Kim Vinh, với bản thân mình cũng từng là một người lính, đã gửi gắm tâm huyết trên hơn 500 trang giấy mà ông muốn người đọc cùng ông đi lại con đường “người lính” VNCH đã đi như những dòng bi phẫn được ông viết trên bìa sau cuốn sách thứ nhất: “Mời độc giả làm một cuộc hành hương để đi lại con đường dài mà Quân lực VNCH đã bình thản đi trong hơn hai chục năm, – con đường  mà kể về sự khắc khổ và chịu đựng còn vượt xa con đường Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông, và về tính cách thiêng liêng, vị tha và cao quý còn vượt xa các cuộc Thánh Chiến thời Trung Cổ. Cuộc hành hương ấy sẽ giúp chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về Quân lực VNCH, và sẽ cung cấp cho chúng ta chứng liệu cần thiết để đòi thế giới bên ngoài phải trả lại cho quân lực ấy cái danh dự mà thế giới ấy đã đánh cắp mất, rồi lại còn dám trơ trẽn buộc tội cho quân lực ấy là ‘không chịu chiến đấu’.”

Từ lúc ông Phạm Kim Vinh viết những dòng trên đây đến nay (1984-2016), 32 năm đã trôi qua. Biết bao đổi thay đã diễn ra, bao nhiêu sự thật đã được đưa ra ánh sáng, trong đó có những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam đã hết còn “mật”. Những sự thật ấy đã được “thế giới bên ngoài” nói lên qua những bài báo, những cuốn sách, những cuộc hội thảo, và những cuốn phim. Những sự thật ấy đã phần nào trả lại danh dự cho Quân lực VNCH.

Dựa trên những sự thật ấy, gần đây nhất, một cuốn phim tài liệu về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và Quân Lực VNCH đã được thực hiện, không phải do “thế giới bên ngoài”, mà do chính người Việt ở Mỹ làm.

Cuốn phim này tựa đề là “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”, do Vietnam Film Club thực hiện, song ngữ (nói tiếng Việt, phụ đề Anh ngữ), dài một giờ chiếu.

Cuốn phim 60 phút cho một cuộc chiến dài 30 năm và những gì xảy ra trong hơn 40 năm sau đó cho một nghĩa trang với 16 ngàn ngôi mộ của quân đội bên bại trận sẽ nói được gì?

Dĩ nhiên là không nhiều lắm. Nhưng, nó như một tiếng chuông gọi hồn, không phải chỉ cho 16 ngàn chiến sĩ nằm trong một nghĩa trang điêu tàn thảm đạm mà còn cho hàng triệu người đã ngã xuống trong hơn 30 năm trên mọi miền đất nước vì không muốn sống cuộc đời của những con “thú người” mất tự do, nhân quyền, nhân phẩm.

Cuộc chiến đấu bằng súng đạn đã chấm dứt vào ngày 30.4.1975, nhưng chưa chấm dứt trong lòng người, trong tư tưởng và vẫn còn đang diễn ra hàng ngày, không tiếng súng, trên một đất nước được cho là đã “hòa bình” nhưng là “hòa bình của nấm mồ”, là cái chết của Tự Do cho cả một dân tộc.

Thực trạng của “nền hòa bình” ấy người ta có thể nhìn thấy qua hình ảnh trên cuốn phim những ngôi mộ hoang phế, bị đập phá, hương tàn khói lạnh trong một khu đất trước đây được gọi là “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” (NTQĐBH). Cảnh hoang tàn nơi đây tương phản hẳn với những nghĩa trang dành cho tử sĩ phe thắng trận – huy hoàng, tráng lệ.

Một phần của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngày nay

Một phần của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngày nay

Sự kiện trái ngược này cho thấy không thể so sánh cuộc Chiến tranh Việt Nam (1945-1975) với cuộc Thế Chiến I (1914-1918) và cuộc Thế Chiến II (1939-1945), càng không thể so sánh với cuộc Nội Chiến tại Hoa Kỳ (1861-1865) vì có một khác biệt căn bản không thể bỏ qua: Những cuộc chiến tranh này đã thực sự chấm dứt khi im tiếng súng với sự toàn thắng của chính nghĩa.

Trái lại, cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm giữa Thế kỷ 20 đã kết thúc với sự thua bại của chính nghĩa. Vì vậy cuộc chiến ấy chưa chấm dứt và đã chuyển sang một hình thái khác, không có tiếng súng.

Đó là lý‎ do vì sao những kẻ chiến thắng bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu chưa hết sợ sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Họ sợ những người lính phe địch đã buông súng, và sợ cả những kẻ thù đã chết. Họ cần phải xóa bỏ NTQĐBH, dấu tích của một quân đội hùng mạnh đã chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ chính nghĩa Tự Do mà hàng chục triệu dân miền Nam VN vẫn không thôi tưởng nhớ. Chính điều này đã khiến CSVN chưa dám thẳng tay phá hủy NTQĐBH nhưng đã từng bước thực hiện kế hoạch thâm độc mà bước đầu tiên là đổi tên thành “Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An” và giao cho địa phương quyền quản trị và sử dụng khu đất ấy.

Bước thứ hai là để cho dân địa phương lấn đất nghĩa trang, hủy hoại dần những ngôi mộ, đồng thời cho trồng những loại cây lớn xen kẽ ngay bên cạnh những ngôi mộ. Những hàng cây này nay đã cao hơn đầu người, năm bảy năm nữa NTQĐBH sẽ biến thành một khu rừng và những nấm mồ sẽ không còn nữa, xương thịt bên dưới sau nửa thế kỷ sẽ tan biến vào lòng đất.

Phải là người vô tâm lắm, không dám nói “ngây thơ”, mới không nhìn thấy dã tâm của người cộng sản. Nhưng từ mấy năm gần đây, người ta đã nghe nói nhiều, và tranh cãi nhiều về việc “trùng tu” NTQĐBH dù chưa ai thấy có văn kiện nào cho biết UBND Xã Bình An đã đồng ý ‎ cho ai “trùng tu” Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An.

Trong khi đó đã diễn ra những cuộc thăm viếng của các phái đoàn người Việt từ hải ngoại về, kể cả vài viên chức ngoại giao Mỹ và VC, kể cả những cuộc gây quỹ nhân danh “trùng tu NTQĐBH”, dù trên giấy tờ nghĩa trang ấy không còn nữa.

Những hiện tượng ấy đã tạo ra ảo tưởng rằng CSVN đã “thay đổi”, đã “cởi trói” và đồng ‎ý, cho phép “trùng tu NTQĐBH”. Cần phải cảnh giác về ảo tưởng này, vì nó chỉ là… ảo tưởng trong lúc CSVN  muốn mọi người nghĩ như thế, và vì đó là một xảo thuật lừa gạt dư luận mà CSVN quen dùng.

Nhóm làm phim "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa"

Nhóm làm phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”

Cuốn phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” là một tài liệu “giải ảo”, một tài liệu lịch sử rút ngắn về Quân đội VNCH và về NTQĐBH (xưa và nay) để nhắc nhở mọi người không thể lãng quên, nhất là những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, để – như lời Học giả Phạm Kim Vinh – “giúp chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về Quân lực VNCH” và ghi ơn những chiến sĩ của quân lực ấy, nhất là những người đã ngã xuống trong khi chiến đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc và nhân loại, kẻ thù của Tự Do và Tình Người.

Ngay ở đầu cuốn phim, Thiếu tá Richard Botkin, tác giả cuốn Ride the Thunder, đã nói “người cộng sản không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ” (the communists never forget and never forgive). CSVN đã phải trả giá rất đắt trong cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam VN vì sự chiến đấu dũng cảm trong suốt 20 năm của Quân lực VNCH. Cộng sản không bao giờ quên điều ấy và không bao giờ tha thứ.

Nhưng người CSVN cũng không nên quên rằng cái gọi là “Đại thắng mùa xuân” năm 1975 không phải là chiến thắng cuối cùng. Cái thắng bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu trước một quân đội đã bị trói tay chưa trả lời dứt khoát câu hỏi “ai thắng ai”. Khối Cộng sản Đông Âu và Liên-sô, cái nôi của CSVN, đã mồ yên mả đẹp từ một phần tư thế kỷ trước. CSVN không thể tồn tại mãi để trả thù những người đã chết.

Muốn được nhẹ tội khi ngày phán xét cuối cùng đến để trả lời câu thách thức “ai thắng ai”, CSVN nên bắt đầu sám hối là vừa, trước tiên là tạ tội với những người đã chết, ngưng ngay kế hoạch xóa bỏ NTQĐBH. Bằng không, ngày luận tội sẽ không tránh khỏi những bản án nặng nề, mà cuốn phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa có thể được dùng như một bằng chứng buộc tội. (*)

Virginia, ngày 8.9.2016

Sơn Tùng

(*) Phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, sẽ được chiếu ra mắt (giới thiệu và phát hành) tại Nhà Hàng Harvest Moon, Falls Church, Virginia, ngày Chủ Nhật 16.10.2016 (https://caoniendc.com/event/gioi-thieu-va-phat-hanh-phim-tai-lieu-hon-tu-si-nghia-trang-quan-doi-bien-hoa/)

Vết Thương Lòng Của Một Thế Hệ

Phan Thanh Tâm

tho-linh-new-home-pageTuyển tập Thơ Lính Chiến Miền Nam (ARVN Soldiers Poetry) tập hợp 125 bài thơ của hơn 50 tác giả là tuyển tập có nhiều hình ảnh sống động của thuở tao loạn trước 1975, được vẽ lên bằng chữ về người đi đánh trận với balô, nón sắt, súng dài, súng ngắn, bản đồ, địa bàn; ở một tiền đồn xa xôi, hay trong một cuộc hành quân trên kinh rạch vào một đêm đen kịt, hoặc đang nằm kích ở  một khu rừng vào một buổi chiều tà lúc trăng vừa ló lên ở bên kia đồi. Tuyển tập còn vang vang tiếng  bom, tiếng đạn, tiếng ca, tiếng khóc, tiếng gió, tiếng lá khô xào xạc, cùng tiếng chửi thề và cả tiếng sóng trong lòng của những người trong cuộc; và dường như có phảng phất cả  mùi tử khí của nhiều xác chết đủ kiểu.

Hầu hết các bài thơ đều có âm điệu và màu sắc đáng nhớ vọng lên nỗi niềm của người chiến binh. Các bài thơ chẳng những đã thể hiện những chấn thương trong tâm hồn của tác giả; mà còn ghi dấu một địa danh, một nẻo đường nào đó trên khắp bốn vùng chiến thuật. Tuyển tập “đầy chất lính trận”. Người sưu tập và chuyển ngữ tuyển tập là cựu sinh viên sĩ quan khóa 3/73 Trường Bộ Binh Thủ Đức  Nguyễn Hữu Thời (NHT), sinh năm 1953, hiện sống ở  Saigon. Trong lời giới thiệu, tác giả cho biết, các bài thơ này là của lính tác chiến thứ thiệt. Một số đã chết trận, nhiều người mất đi một phần thân thể; sau chiến tranh họ phải ở tù, bị hành hạ, bị giết hại. Một số khác, may mắn hơn thì lưu lạc xứ người trong lứa tuổi về chiều.

Tôi không phải là người sính thơ nhưng khi đọc tuyển tập tôi thấy nó hay vì nó chân thật.  Trong những câu thơ bàng bạc nỗi ”thống hận” không đối với địch quân mà chỉ đối với chiến tranh và vận rủi của đất nước. Đúng như tác giả NHT nhận xét, chữ nghĩa trong thơ không cường điệu, không làm dáng. Họ không nói thành, nói tướng  mà đầy vẻ hào hiệp. Họ ngang tàng mà không  ngang ngược, phách lối; không bi thảm hóa hoàn cảnh sống và chết của mình và đồng đội. Hồn thơ toát ra một phong cách khai phóng và còn cho thấy họ đã sống trong một không khí tự do, cởi mở. Câu thơ rất đơn giản, khi thì mạnh mẽ, cứng cỏi; khi thì đầy tình cảm, đầy những ham muốn rất người.

Ôi năm năm dài ta tới lui cuồng nhiệt

Ta được ngủ bờ  ngủ bụi giữa sình lầy

Ta được chuyện trò cùng muỗi mòng điã vắt

Ta được ăn gạo hẩm cơm thiu

Ta được uống nước đià un rửa

Ta được trực thăng vận kích đêm

Ta được thủ dâm từng đêm ham muốn

Ta được ngửi xác thối máu tanh

Ta được nhớ em tận cùng nổi nhớ

 Hà Nghiêu Bích ( Thơ Viết Từ Một KBC)

Tôi cũng có nhận xét như tác giả tuyển tập NHT là những dòng thơ sẽ  “cho ta cảm thấy dường như những người lính này đã linh cảm – mặc dù đã nhập cuộc, đã góp phần vào công cuộc chung nhằm giúp mau kết thúc thời kỳ đen tối – niềm mơ ước chung của họ về một quê hương thanh bình, tươi sáng… có lẽ rồi cũng sẽ không thành! Họ không chủ bại nhưng quả thật khá bi quan. Nó như một dự cảm cho thân phận của họ, của đất nước”.  Tuy vậy, không thấy có dòng thơ nào nói lên lòng căm thù người lính bên kia chiến tuyến “Chúng ta đều bình đẳng trước thương đau” (Ý Yên). Dù rằng họ phải “xếp bút, treo nghiên, bỏ mái trường”(Phạm Quang Ngọc)  để “Rừng thưa dạt gió Hạ Lào; đêm nằm phục kích nhìn sao nhớ nhà.( Trần Vạn Giả)

Tác giả các bài thơ gốc gác từ đâu và là ai? Theo lời giới thiệu trong tuyển tập, họ đã đáp lời sông núi, “đi chiến đấu để đổ  máu và chết”. Họ có thể là một sinh viên đã tốt nghiệp đại học hay dở dang đại học, một thầy giáo, một kỹ sư hay một giáo sư khoa bảng, một học sinh vừa xong trung học..”Dù độc thân hay đã lập gia đình, họ đều rất trẻ, đang tuổi thanh xuân với nhiều mộng tưởng”. Họ cùng được đào tạo ở Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức hay Trường Bộ Binh hoặc trường Hạ Sĩ  Quan Đồng Đế. Họ chỉ mơ ước thanh bình, để có thể  trở về và sống lại lối sống của họ. Nhập ngũ, họ không phải lính thành phố. Họ đều có những trải nghiệm phong phú và tàn bạo vì hoàn cảnh sống chết của họ quá đặc biệt.

Hãy ngủ ngon đừng kinh hoàng nghe con

Dù đêm nay thật nhiều súng nổ

Hãy ngủ ngon đừng đợi chờ nghe em

Dù đêm nay anh đi ra trận

Dù đêm nay anh đi không về

 Tô Nhược Châu  (Lời Cho Vợ Con Trước Giờ Hành Quân)

 Vẫn theo lời của tác giả tuyển tập NHT, nếu không được hấp thụ một nền giáo dục đề cao nhân bản, họ khó lòng viết ra được những dòng thơ của đời lính trận hay như vầy.Tác giả NHT cho biết tuyển tập không gom đủ thơ chiến đấu của những tác giả nổi tiếng hoặc vô danh trong quân đội miền Nam. Đây chỉ  là một sưu tầm nhỏ của một độc giả bình thường, một người lính đọc thơ của lính. Sự chọn lựa những tác giả đưa vào tập thơ hoàn toàn chủ quan và không chuyên nghiệp; nhiều nhà thơ quân đội nổi tiếng ở miền Nam đã không có mặt. Lý  do? Người sưu tầm không có cơ hội đọc thơ của các vị đó hoặc có khi chỉ vì vài tác giả nào đó, dù là quân nhân, nhưng không phải lính chiến, nên những bài thơ của họ không được đưa vào.

 Mưa đổ quanh mặt trận đầy thây người chết

Xác vắt trên kẽm gai, xác vắt cạnh hào

Xác cúi khom khô cứng, xác gầy như bệnh

Mưa trên xác chết trời chẳng chút nghẹn ngào

Có mẹ già bỏ nhà chạy mang cháu nhỏ

Những đoàn người ngơ ngác chạy trốn chiến tranh

Đạn vẫn rơi và thêm nhiều người ngã xuống

Còn nỗi chết nào hơn nỗi chết quanh đây

 Nguyễn Tiến Cung (Mưa Và Nỗi Chết ở An Lộc)

Mấy tháng rồi tao chưa thấy Saigon

Mấy tháng rồi tao không được hôn em

Tao thèm làm tình như tao thèm sống

Tao thèm hôn em hôn liên miên

Lê Công Sinh ( Người Về)

Trong lời mở đầu tuyển tập, tác giả NHT cho biết, ông thực hiện tuyển tập với bản dịch các bài thơ sang tiếng Anh, nhằm hướng đến độc giả mà tiếng Anh là bản ngữ, nhất là các độc giả từ những nước ít nhiều đã dính líu đến cuộc chiến, để phần nào giúp họ hiểu được tâm tình cũng như xúc cảm của người lính miền Nam. Theo tác giả  tuyển tập, ông tự thấy có trách nhiệm ghi lại, giữ lại những gì đã là tim óc, máu huyết của những đồng đội đàn anh, những người đã dùng thơ nói lên thay cho mình và cả thế hệ của mình những điều mình đã trải qua và cảm nhận nhưng đã không thể nói. Vẫn theo tác giả NHT, “nếu không được gìn giữ, biết đâu rồi sẽ mai một, sẽ bị quên lãng, sẽ biến mất.. thì quả là đáng tiếc cho cho tất cả chúng ta, nhất là với những nhà nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam”  về “Người lính miền Nam đi đánh giặc ; ba lô mang theo hồn thơ văn (Nguyện Phúc Sông Hương)”   

 Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người hiệu đính tuyển tập, trong lời bạt viết, “những binh sĩ nhà thơ này không những đã đền ơn xã hội sinh thành ra họ mà còn lưu lại một di sản không xóa nhòa được cho các thế hệ mai hậu  để con em chúng ta có thể chiêm ngưỡng bất kể họ ở đâu trên khắp địa cầu”. Cố Giáo sư còn tỏ ý mong tập thơ sẽ giúp độc giả  có khái niệm tốt về người lính VNCH, những người suốt 20 năm đã xả thân bảo vệ hoà bình và an ninh cho miền Nam. Cố Giáo sư trong lời dẫn nhập còn viết,  tuyển tập là sản phẩm của lính chiến đấu trong một cuộc chiến cam go, đứng trước một kẻ thù đầy mưu mẹo, nhưng lòng họ vẫn có chỗ cho người yêu, cho tình đồng đội, không trừ cả tình lân mẫn dành cho đối phương. Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương cho biết cố Giáo sư ngoài viết Anh-Việt lời dẫn nhập và lời bạt cũng đã giúp layout cuốn sách.

Ba làm sao quên được

Rồi ngày mai ngày mốt và những ngày sau đó

Ba sẽ ở một tiền đn xa xôi nào đó

Thật ngòai tầm nhìn của con , của mẹ, của nội ngoại

Con không bao giờ biết

Không ai có thể biết được

Một đời làm lính thú như ba

Cho tôi ngủ nhà một đêm

Để nghe hơi thở của vợ, của con mùi nước tiểu

                    thương yêu đã từ lâu tôi thèm muốn

Âu yếm nào trên môi

Hãy cho tôi lời xin thật nhỏ

Một lần rồi thôi

Đã từ lâu ba hằng nhớ các con

Như đã khóc một mình

Trần Yên Hòa (Lời Xin)

Trong tuyển tập có bài thơ Kỷ Vật. Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Ông đã chắp cánh cho nó bay xa cùng khắp đất nước từ năm 1970; khiến bản nhạc trở thành một hiện tượng.. Tuyển tập in bài thơ là của Chuẩn Nghị với ghi chú: Chuẩn Nghị, tên thật là Nguyễn Đức Nghị, người Phan Rang, nhập ngũ khóa 26 SQTB Thủ Đức, về tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, hy sinh tại mật khu Bời Lời, Tây Ninh tháng 4/1969; đã viết nhiều thơ đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Bản nhạc của Phạm Duy thì ghi lời là của Linh Phương. Nhà văn Uyên Thao, chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương (TQH), nơi phát hành tuyển tập cho biết, tác giả tuyển tập NHT đã khẳng định, bài thơ là của Chuẩn Nghị vì Chuẩn Nghị là bạn của ông làm từ đầu năm 1969.

Tựa bản nhạc của Phạm Duy là  Kỷ Vật Cho Em. Tựa của Linh Phương: Để Trả Lời Một Câu Hỏi.  Bản gốc của hai bài thơ  Linh Phương, Chuẩn Nghị đều có hai câu đầu:” Em hỏi anh bao giờ trở lại; Xin trả lời mai mốt anh về”. Bài của Chuẩn Nghị làm bằng thể thơ tự do còn của Linh Phương bằng thể thơ thất ngôn. Cả hai bài cùng viết về sự mất mát của chiến tranh và có  nhiều ý tưởng trùng nhau nên khiến gây ra nghi vấn.

Tủ sách TQH là nhà xuất bản hay giới thiệu các tác phẩm giá trị của các tác giả đang sống tại quê nhà và các tác giả trẻ. Mọi giao dịch qua địa chỉ: P.O Box 4653- Fall Church, VA 22044 – USA hay qua điện thư: uyenthao174@yahoo.com.

 Kỷ Vật. – Chuẩn Nghị

Em hỏi anh bao giờ trở lại ?

Xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,

Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.

Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,

Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.

Anh trở về nằm giữa vòng hoa,

Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt. 

Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,

Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.

Nó đã từng che nắng che mưa,

Đã từng hứng cho anh giọt nước.

Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,

Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.

Anh gởi cho em một tấm poncho,

Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.

Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,

Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.

Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,

Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.

Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,

Nhận không em chút tình lính này đây ?

Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,

Nhưng tình lính chỉ lạt phai

Khi hình-hài và con tim biến-thể.

———————————————-

Phan Thanh Tâm

Saint Paul, 8/16.

Tản Mạn Chuyện Chữ Hán-Việt

Trịnh Bình An

hanviet tu dien

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích và giỏi chữ Hán-Việt.

Tôi gọi người không thích là “Anti-HV”, còn người thích là “Pro-HV”.

Anti-HV không thích chữ Hán-Việt tới mức hễ cứ đụng tới chữ Hán-Việt là anh lại loay hoay dịch nó ra chữ thuần Việt cho bằng được.

Như có một lần tôi dùng chữ “thậm chí” trong câu “Công an lấy đất của dân, thậm chí người có công với ‘cách mạng’…” Thế là Anti-HV gạch đánh xoẹt chữ thậm chí, bảo tại sao không viết cho dễ hiểu hơn như: “Công an lấy đất của dân, ngay cả người có công với ‘cách mạng’…”.

Tôi trả lời rằng “ngay cả” không sai nhưng nghe không mạnh bằng “thậm chí”. Chữ “thậm” dấu nặng nên nghe như cái búa của ông quan tòa giáng xuống một cái đùng, nghe đanh thép hơn chứ.

Anti-HV nhất định không chịu thua, bảo mình có tiếng mình thì dùng, mắc gì dùng chữ người. Tôi cười xòa, không cãi nữa nhưng tự nhủ cái bệnh dị ứng chữ Hán-Việt của gã này đã đến độ “thậm chí … nguy”.

Mà cái sự ở đời nó lạ lắm, khi mình ghét cái gì thì mình sẽ lại chú ý tới cái đó hơn, hơn cả những cái mình ưa thích nữa, nên Anti-HV từ khi treo bảng “Nói Không với chữ Hán-Việt” thì đâm ra phải tìm hiểu chữ Hán-Việt tỉ mỉ hơn để hòng cãi lại người thường dùng chữ Hán-Việt là tôi.

Lần khác, tôi viết chữ “bao tử”, Anti-HV không chịu, bảo phải gọi là “dạ dày” vì chữ “bao tử” có chữ “bao” nghĩa là “bọc” và chử “tử” nghĩa là “con”, vậy “bao tử” nghĩa là “bọc lấy con”. Anti-HV còn bảo rằng chữ “bao tử” vẫn được dùng để chỉ động vật còn là thai trong bụng mẹ như “heo bao tử” hoặc trái cây còn rất non như “mướp bao tử”. Kết luận, “bao tử” đúng ra phải là “dạ con”.

Tôi bèn vào tự điển tìm, chỉ thấy chữ “vị” là chữ Hán-Việt chỉ dạ dày, như trong câu “ăn cháo nấm hương để bổ tỳ vị” (lá lách, dạ dày) mà thôi, không thấy chữ “bao tử”.

Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát, cãi rằng người mình quen dùng chữ “bao tử” rồi, dù có sai cũng rất khó sửa lại, như chữ “cải lương” trước kia vẫn được dùng với nghĩa tốt là “thay đổi [cải] cho tốt hơn [lương]”, thế nên mới có bộ môn nghệ thuật hát Cải Lương,

Nhưng bây giờ thì ai cũng dùng chữ “cải lương” với ý chê bai là “(ăn mặc) lòe loẹt sặc sỡ (như đào kép hát Cải Lương)”. Bây giờ có ai dám dùng chữ “cải lương” theo nghĩa ban đầu nữa đâu? Cũng thế, “dạ dày” là “bao tử”, còn “dạ con” là “tử cung”, xài lẫn lộn thiên hạ lại bảo rằng mình hâm.

Gần đây nhất, tôi dùng chữ “vô song” trong câu “sức mạnh vô song”, thế là người yêng hùng chống (giặc) Hán hùng dũng diệt ngay chữ “vô song” tội nghiệp của tôi và sửa thành… “sức mạnh không hai”.

Tôi đọc lại, cười muốn té ghế. Vừa phải thôi, “vô song” mà đổi thành “không hai” thì nghe có khác gì “máy bay trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”. Nhưng Anti-HV cứ cãi, cho rằng “vô” là không, “song” là hai (như “song sinh” là hai đứa bé cùng sinh ra), vậy “vô song” là “không hai” chứ gì nữa.

Tôi thuộc loại chữ Việt chưa đầy lá mít, chữ Hán-Việt chưa đủ lá me nhưng nhất định không chấp nhận cái “zero two” này, bởi lẽ, “vô song” đi kèm với chữ “sức mạnh” chỉ có nghĩa bóng là “mạnh ghê lắm” chứ không theo nghĩa đen là “không ai sánh bằng”.

Ngoài ra người ta thường nói “Có một–Không hai” để dịch câu “Độc nhất–Vô nhị”, nếu như dùng chữ “không hai” cụt ngủn thì thế nào người đọc cũng bảo người viết dốt thành ngữ.

Kể ra lỳ lợm như Anti-HV cũng là “có một, không hai”. Thôi, một cũng đủ chết cha người ta.

May sao anh bạn kia, Pro-HV, là kẻ “cùng phe” với tôi.

Pro-HV vốn là dân Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975 với cử nhân Việt Hán hẳn hoi. Chính vì rành chữ Hán hơn người bình thường nên Pro-HV cứ phom phom viết những chữ Hán-Việt lạ hoắc như “thống hợp”, “ố kỵ”, “xung tranh”,… rồi tưởng ai đọc cũng hiểu như mình..

Nói của đáng tội, có được người bạn biết chữ Tàu là may cho tôi, ví như có cuốn tự điển Hán Nôm biết nói, lại biết tra cứu giùm mình, thật tiện lợi trăm bề. Ví dụ những cái tên Trung Hoa, Pro-HV có thể phiên âm chớp nhoáng. Gì chứ tôi không thể nghe vô mấy chữ phiên âm tiếng Tàu pinyin (1).

Nghĩ mà xem, khi trong bài viết có một đống tên Tàu mà nếu cứ để y sì chữ pinyin thì đọc lên sẽ ra thế nào? Thay vì Lưu Hiểu Ba thì là Liu Xiaobo, Mao Trạch Đông thì là Mao Tse-tung (hay Mao Zedong), còn Lý Bạch sẽ ra Li Po (hay Li Bai), v.v. Vậy là thay vào những âm thanh mềm mại dễ thương của tiếng Hán Việt sẽ là một mớ tiếng động loảng xoảng chát chúa “tchùng, tchéng, tchỏng”, “xằng, xáo, xẻng”, “pạch, pỉn, páo”… Ôi thôi, nghe điếc cái lỗ tai!

Nhờ có Pro-HV, tôi còn hiểu thêm nhiều điều thú vị về chữ Hán-Việt mà chỉ có dân “pro” mới biết. Như ba chữ Hán-Việt “vô”, “phi” và “bất” đều mang nghĩa Việt là “không” (như  trong “không có, không còn”).

Pro-HV nói:

– Còn điều này nên biết thêm. Theo văn phạm tiếng Tàu, đi sau chữ “VÔ” và chữ “PHI” phải là Danh Từ, như trong “vô lý, vô danh, vô đạo đức” và trong “phi nhân, phi pháp, phi chính phủ” ; nhưng sau chữ “BẤT” lại phải là Động Từ, như trong “bất bạo động, bất tòng tâm, bất biến, bất thành nhân dạng”, v.v.

– Thật không, tôi vẫn thấy chữ “bất” đi chung với danh từ nhiều lắm, như câu “Vô độc bất trượng phu”?

– Câu “Không độc địa không là đàn ông”? Tôi nghĩ động tự “là” (“thị” trong chữ Hán-Việt) có thể đã được bỏ ra ngoài, được hiểu ngầm, giống như ta vẫn bỏ qua những chữ “thì, là, mà, rằng” để câu văn bớt nặng nề. (4)

– Vậy “bất lực” thì sao? “Bất lực” nghĩa là “không đủ sức”, như “Nhà cầm quyền bất lực trước nạn tham nhũng”. Chữ “lực” là danh từ kia mà?

– Trong tiếng Tàu làm gì có chữ “bất lực”, chỉ có chữ “vô năng” thôi. “Năng” là danh từ nên đi kèm với “vô”.

– “Vô năng”? Chữ gì lạ hoắc, chưa nghe qua.

– À, thì mình là người Việt chứ có phải người Tàu đâu mà chữ nào của Tàu mình cũng xài.

Câu chuyện của hai chúng tôi dừng tại đây. Bẵng đi mấy ngày, bỗng tôi nhận được email của Pro-HV, anh cho biết:

– Tôi đi tìm lại chữ “bất lực”, tình cờ tìm ra website này “Trung Hoa Tự Điển Từ Điển” (http://dict.zwbk.org/index.aspx) để tra song song với “Hán Việt Từ Điển” của cụ Đào Duy Anh. Kết quả, thấy rằng cái nguyên tắc “chữ ‘bất’ không đi trước danh từ” mình vẫn tưởng là đúng, nhưng thật ra có nhiều ngoại lệ quá: “bất nghĩa”, “bất nhã”, “bất nhân”, “bất nhất” (tiền hậu bất nhất)…

  • Ngay cả “bất lực” 不力 cũng có trong từ điển Tàu, với nghĩa “ineffective”. Trong Trung Hoa Tự Điển cũng còn ghi luôn cả thành ngữ “lãnh đạo bất lực” 領導不力 (ineffective leadership) nữa chứ. Đồng thời cũng có cả chữ “vô năng” 無能 được dùng để dịch nghĩa “powerless”; những người không ưa ông Tổng Thống Mã Anh Cửu của Đài Loan đang xài chữ này để chỉ trích ổng trên Net.

– Nhưng tôi dám cá, người mình chỉ nói “đàn ông bất lực”, chả ai nói “đàn ông vô năng” đâu.

– Ấy, không, không, cái này lại khác nữa.  Nói chữ “bất lực” ở đây là ý gì? Là “công không ngủ” đó hả? Không được, vì cả từ điển Tàu và từ điển Hán-Việt đều không ghi “bất lực” với nghĩa “sexually impotent”, không hiểu tại sao lại thành như thế . Nhưng theo tôi nghĩ đây có lẽ là một hình thức biến thể của chữ Hán-Việt : mượn nghĩa trừu tượng của chữ “bất lực” để mô tả một trạng thái cụ thể về sinh lý, rồi vì được dùng quen lâu ngày trở thành một nghĩa mới chăng? Nhưng người Tàu dùng chữ khác cơ …

– Vậy à, chữ gì?

– “Liệt dương”, “tánh vô năng” hay “dương nuy”. Nhưng về cái vụ “này” thì phải dùng chữ của Yên Tử Cư Sỹ mới tuyệt chính xác.

– Yên Tử Cư Sỹ – Trần Đại Sỹ phải không? Ổng nói cái gì?

– “Dương bất cử – Cử bất kiên”

– Hà, để đoán thử coi: “dương bất cử” thì “cử” nghĩa là “đưa lên”, như trong “cử tạ”. Vậy “dương bất cử” nghĩa là cái “dương” nó không đưa lên được. Còn “cử bất kiên” thì chịu, không đoán được.

– “Kiên” là “giữ được lâu” như trong “kiên trì” ấy mà.

– Hahaha, thì ra là vậy, “cử bất kiên” nghĩa là “ngóc lên nổi nhưng dek giữ được lâu”.

– Chính thế. Thành ra nếu muốn nói đến chứng “bất lực” thì phải gồm đủ cả hai trạng thái nguy nan là “không lên và không lâu”, tức là anh nhỏ không chịu ngỏng lên cho, mà dù ảnh có ngỏng lên thì cũng không chịu bền cho.

– Ầy, cái vụ “bất cử-bất kiên” này đúng là “bất trị” đấy!

– Đừng có “bất mãn” chứ. Báo tin vui, có bài thuốc hay, uống vào sẽ “bất tri lao”.

– Vậy sao? Tiên dược nào đây?

– Thì cứ hỏi tiên sinh Trần Đại Sỹ khắc rõ.

Bạn đọc muốn biết thêm về “Dương bất cử – Cử bất kiên”, xin mời đọc “Điều Trị Chứng Bất Lực Sinh Lý” của bác sĩ Trần Đại Sỹ .

http://text.123doc.org/document/2357998-dieu-tri-chung-bat-luc-sinh-ly-bac-sy-tran-dai-sy.htm

Công bằng mà nói hai anh bạn của tôi đều giúp tôi rất nhiều, một người giúp tôi hiểu thêm cái hay của chữ Hán-Việt, còn một người giúp tôi tìm ra cái hay của chữ thuần Việt, đàng nào cũng cần nếu muốn viết đúng tiếng Việt.

Tôi vào Net tìm đọc những bài viết về chữ Hán-Việt và tóm tắt một số ý kiến như sau:

Nên dùng chữ Hán-Việt trong các trường hợp dưới đây:

1 – Để tỏ lòng kính trọng, như trong các danh xưng ta gọi “người quá cố” thay cho “người đã chết”, “nhạc phụ (mẫu)” thay cho “cha (mẹ) vợ” khi ta nói trước đám đông.

2 – Để tránh những hình ảnh sống sượng hay ghê tởm: giao hoan (làm tình), xuất huyết (chảy máu), hoại thư (thịt thối), đại tiện (đi ỉa), v.v.

3 – Làm ngắn gọn một câu dài: vô song (không ai sánh được), khả thi (có thể làm được), tòng phạm (kẻ hùa theo cùng làm ác), tư cách (cách cư xử của một người), v.v.

4 – Dùng cho trong chuyên môn để không lẫn lộn với đời thường, như trong ngành xây dựng gọi “trắc địa” thay vì “đo đất”; trong vật lý “quán tính” chỉ “sức ỳ” của vật, “mã lực” là đơn vị đo lực chứ không là “sức ngựa”; trong báo chí “tốc ký” là một phương pháp “viết nhanh”; trong ngoại giao, hai quốc gia “đối thoại” với nhau chứ không “nói chuyện”, trong tôn giáo “tịnh xá” của tu sĩ không thể gọi là “nhà yên (lặng)”, v.v…

5 – Cách xưng hô của những nhân vật thời cổ. Dù ta không biết những người thời xưa gọi nhau như thế nào, nhưng để tạo không khí cổ kính cho câu chuyện, ta cần dùng những danh xưng Hán-Việt như: huynh đài, các hạ, tiểu thư, hàn sĩ, phu nhân, v.v.

Một nhận xét cũng đáng để ý là chữ Hán-Việt thường ít cụ thể hơn chữ Nôm, nhưng chính nhờ tính ít cụ thể đó mà chữ Hán-Việt mang cho ta một cảm giác lãng đãng, mênh mang; ví dụ những chữ “thuyền viễn xứ”, “khách tha phương”, người “đồng hương”, lời “ly biệt”, cho ta cái cảm giác bàng bạc dạt dào mà sẽ không thể có được nếu dùng chữ thuần Việt tương đương là “thuyền xa bến”, “khách xa nhà”, người “cùng quê”, lời “chia tay”.

Tức nhiên tiếng Việt (và tiếng Hán-Việt) không đơn giản như thế, nhưng ít ra, từ nay tôi có một cái khung khá rõ ràng để phân biệt. Mỗi lần tôi tính dùng một chữ Hán-Việt tôi sẽ xét xem nó có rơi vào một trong sáu trường hợp kể trên hay không, nếu không thì tôi sẽ cố tìm ra chữ thuần Việt tương đương. Như bây giờ, khi muốn viết chữ “thậm chí” tôi sẽ dừng lại, tìm chữ Nôm thay thế, như câu “thậm chí  bạn bè thân cũng ghét” nếu viết “đến nỗi cả bạn bè thân cũng ghét” sẽ nghe dễ hiểu hơn chứ?

Điều cần tránh nhất là dùng chữ Hán-Việt bừa bãi như nhiều quan chức trong nước. Như khi nói về việc đường sắt Việt Nam lúc gần đây có nhiều tai nạn hơn, câu trả lời của ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia) được phóng viên đài Á Châu Tự Do ghi lại như sau (2):

“Theo nhận định của ông Hiệp thì đây là một điều bất thường và ông cho rằng tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông.”

Tại sao phải dùng đám chữ cồng kềnh “người tham gia giao thông” trong khi từ trước tới nay ta vẫn gọi đó là “người đi đường”. Hẳn ông Phó Hiệp muốn chứng tỏ mình là người lịch sự nên phải dùng chữ Hán- Việt cho nó sang, cho ra vẻ quan cách. Cứ cái đà này thì tới khi cần nói “thiến heo” chắc ông Phó nhà ta sẽ trịnh trọng bảo rằng đấy là “tham gia giải phẫu heo”!

Cái này không được gọi là chữ Hán-Việt.

Cái này phải gọi là chữ “Hán-Vẹm”!

Trịnh Bình An

Ghi Chú:

  • Pinyin – bính âm: Phương án phát âm tiếng Hán; Hán Việt: Hán ngữ bính âm phương án; bính âm là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc. Bính âm được phê chuẩn năm 1958 và được thi hành năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống phiên âm Bưu điện, và thay thế hệ thống Chú âm trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Hoa lục địa. (Wikipedia.org)
  • “Vì sao tai nạn đường sắt gia tăng?” Hòa Ái, RFA, 02/16/2012
  • Có người giải thích câu “Vô Độc Bất Trượng Phu” là “Không biết sống một mình (mà lúc nào cũng cần có đàn bà bên cạnh) thì không thành đàn ông thật sự” – với chữ “Độc” có nghĩa “Cô Độc”. Xin tùy “độc” giả suy xét.
  • Bài viết này đã được đăng năm 2012 dưới một bút hiệu khác.

 

Cho Tròn Chữ Hiếu Mới Là Đạo Con

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Vu Lan: ngày báo hiếu

02.017

Ngày lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày “Phật Hoan Hỷ”, ngày “Tự Tứ”. Tăng, Ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những bậc trưởng thượng chỉ dạy mọi lỗi lầm để mình thành tâm sám hối.

Ngày Vu Lan cũng là ngày “Báo Hiếu”, gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật. Nhân dịp này Phật tử nhớ lại công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng cực khổ mà nhờ đến sức chú nguyện của chư tăng, ni để phụ lực mà độ cho cha mẹ.

Cha mẹ quá vãng dù đã qua bảy đời thì nếu có sa vào đường khổ cũng nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi, được siêu thăng. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được tăng trưởng thiện căn. Nếu cha mẹ còn sống, chưa qua đời, thời nhờ phúc đức đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm Bồ Đề.

Hiếu thảo thường được hiểu là lo đầy đủ mọi thứ về vật chất cho cha mẹ. Nhưng cha mẹ sẽ qua đời một ngày nào đó. Theo Đạo Phật, chúng ta không chỉ có mặt ở một đời này mà còn có mặt ở vô số kiếp về trước và sau nữa, mất thân này sẽ mang thân khác. Bởi vậy người con hiếu còn phải lo cho cha mẹ cả về tinh thần, làm sao thức tỉnh cha mẹ hướng về đường thiện, tin vào nhân quả tội phước, quy y tam Bảo, niệm Phật làm lành để trong đời hiện tại cha mẹ được yên vui và khi mất đi sẽ được hạnh phúc, an lành trong đời sau.

 “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Với truyền thống người Việt ta, hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết, rất thiêng liêng và cao cả. Có hiếu trong gia đình thì mới có thể là một công dân tốt ngoài xã hội. Hiếu là bước đầu để xây dựng một gia đình tốt đẹp, một xã hội văn minh và tiến lên thành một quốc gia cường thịnh.

 Trong dân gian từ bao đời nay đã có câu:

“Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Rõ ràng chữ “hiếu” được xác lập bằng “đạo con”, tức là đạo làm con, bằng sự thể hiện của tâm hiếu rất cụ thể mà cha ông ta từng nhấn mạnh:

“Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.

Đạo Phật là đạo Hiếu, nên trong kinh Đại Tập có câu: “Sanh đời không có Phật, khéo thờ Cha Mẹ là thờ Phật”. Cũng như kinh Nhẫn Nhục cũng có câu: “Cùng tột điều Thiện không gì hơn Hiếu. Cùng tột điều Ác không gì hơn Bất Hiếu.”

Trong kinh Bổn Sự có dạy: “Giả sử có một người một vai cõng Cha, một vai cõng Mẹ, suốt đời như vậy, không có dừng nghỉ, lại cung cấp cho Cha Mẹ đồ ăn đồ mặc thuốc thang, hết thảy các món Cha Mẹ cần dùng. Như vậy cũng chưa đủ báo đáp ân sâu của Cha Mẹ. Vì sao? Vì Cha Mẹ đối với con ân đức cao nặng sâu dày: ân đức sanh sản, từ tâm cho bú mớm, ân đức tắm giặt, nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha Mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao lãng nhớ con thương con như bóng theo hình”.

Thử điểm qua một vài chuyện đời thực tế về chữ Hiếu: từ cô Hoa Hậu xinh đẹp, đến chàng Cử Nhân Đại Học và cậu trai tốt nghiệp Trung Học.

Hoa hậu Thái Lan quỳ gối trước người mẹ nhặt rác

ntg1Mint Kanistha, 17 tuổi, đăng quang Miss Uncensored News Thailand 2015. Đây là cuộc thi không phân biệt giới tính, dành cho các người nữ và các người chuyển giới nam sang nữ (ladyboy) tranh tài cùng nhau để tìm ra người vừa xinh đẹp vừa giỏi giang.

Cô Mint sinh ra trong gia đình nghèo, từ nhỏ đã theo mẹ đi nhặt đồ nhôm, đồng sắt, nhựa vụn vặt ở các bãi rác để kiếm sống. Sau khi giành ngôi vị ở cuộc thi sắc đẹp, cô về quê, quỳ dưới chân người mẹ, bày tỏ lòng biết ơn công dưỡng dục. (Mint did not hesitate to kneel down to thank her mother in front of a row of dirty trash cans). Đây thật quả là một hình ảnh đẹp về lòng hiếu thảo và hành động đáng tự hào của cô Hoa hậu.

Câu chuyện và hình ảnh của Mint sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trả lời phỏng vấn Thairath, Mint cho biết cô tốt nghiệp cấp ba. Mẹ của Mint kiếm sống bằng nghề nhặt rác và bán sắt vụn cùng quần áo cũ để có tiền cho cô học hết trung học. Vì nghèo khó nên cô không có điều kiện, không có tiền để thi và học tiếp lên đại học. Trước đây, mỗi khi rảnh rỗi cô đều đi nhặt sắt vụn, phân loại rác giúp mẹ.

ntg2

Cô hoa hậu nói: “Nếu ai đó hỏi tôi có xấu hổ vì công việc của mẹ không, tôi sẽ trả lời là không. Tôi có ngày hôm nay chính là nhờ công việc này. Tôi làm việc chính đáng và kiếm tiền trong sạch, tại sao lại thấy xấu hổ?“. Hoa hậu nói thêm chính vì công việc nhặt rác của mẹ mà nhờ đó, cô mới được học hành và có ngày chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp này. Hiện tại, mặc dù đã là người nổi tiếng nhưng Mint và gia đình vẫn sống trong căn nhà tồi tàn, đơn sơ chứa đầy ve chai, phế thải. Mint còn thường xuyên giúp mẹ phân loại và dọn dẹp đống rác của bà.

Cử nhân đại học quỳ gối trước xe chở rác của Cha

ntg3Câu chuyện của Mint gợi nhớ tới Kalangnalong, chàng trai người Thái, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan. Chàng mặc nguyên cả bộ đồ tốt nghiệp cử nhân và chạy tới trước xe rác của cha, quỳ gối xuống bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của ông. Hình ảnh này lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội khiến cộng đồng xúc động.

Đại học Chulalongkorn ở Bangkok là trường Đại học cổ nhất và từ lâu nay vẫn được xem là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất, tốt nhất và tuyển chọn nhất Thái Lan. Trường Đại học gồm có 20 khoa và là nơi thu hút các học sinh giỏi hàng đầu Thái Lan.

Cha của Kalangnalong, mới chỉ học hết lớp 4, là một người lái xe chở rác. Ông làm công nhân vệ sinh môi trường đã nhiều năm, công việc của ông tiêu hao nhiều thể lực, lại phải tiếp xúc với những thứ ô uế, độc hại hàng ngày. Tuy nhiên, ông chưa từng than vãn. Ông luôn nỗ lưc chăm chỉ kiếm tiền để chăm sóc gia đình và nuôi con ăn học đầy đủ, để con không bị thua kém bạn bè. Ông luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Ông đã nuôi nấng người con trai giỏi giang tốt nghiệp đại học hạng ưu.

Khi còn nhỏ, đã có lúc tôi cảm thy xu h khi có mt ngưi cha làm ngh ch rác. Tôi đã từng tự hỏi bao nhiêu lần rằng tại sao cha tôi không thể được đàng hoàng như cha người khác. Kalangnalong bồi hồi nhớ lại. Anh cũng tiết lộ rằng anh đã từng có ý định gia nhập quân đội để giảm bớt gánh nặng cho gia đình nhưng không thể vượt qua bài kiểm tra thể lực. Lúc đó cha anh đã buồn đến rơi nước mắt vi quyết định của anh.

ntg4Biết được nguyện vọng lớn nhất của cha là thấy con trai thi đỗ Đại học, Kalangnalong tự nhủ phải không ngừng phấn đấu và chàng trai đã thi đỗ vào trường Đại học. Khi nhận được tin báo anh trúng tuyển vào trường Chulalongkorn, cha của anh đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Sau đó, người cha già lại càng cố gắng hơn nữa để kiếm đủ tiền nuôi con suốt 4 năm Đại học.

Anh chàng đã viết lên Facebook những lời cảm ơn cha mình: “Cảm ơn cha vì đã là cha của con. Cảm ơn những giọt m hôi lẫn nước mắt mà cha đã rơi xuống vì con. Con là con của một người lái xe chở rác và sẽ luôn như vậy. Cha không cần phải tự ti, cha là người cha tuyệt vời nhất thế giới và con muốn cha tự hào về điều đó“.

Con trai mời Mẹ làm partner dạ vũ ‘prom’

Theo tập quán ở Mỹ, lễ “prom” được tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học, và trong đêm dạ vũ đó người nam sinh chọn người nữ mà họ hãnh diện nhất để cùng đi cặp.

Tại Twin Falls, Idaho (NV) với đêm dạ vũ “prom” nhân lễ tốt nghiệp trung học, Dylan Huffaker, 17 tuổi, biết rõ chỉ có một “cô gái” duy nhất xứng đáng để cậu mời làm “partner” và quàng tay sánh bước với cậu trong đêm ấy không ai khác hơn chính là mẹ mình, bà Kerry. Bà mẹ bị ung thư não ở vào thời kỳ cuối (stage 4 brain cancer) và cuộc sống sẽ không kéo dài.

Dylan đi thẳng đến bệnh viện, nơi bà Kerry đang được điều trị bệnh và đang trong thời gian chịu xạ trị. Trước mặt mẹ, Dylan mở hộp bánh doughnut trên mỗi bánh có ghi chữ bằng kem, nội dung viết: “Mẹ có bằng lòng cùng dự lễ prom với con không?” (“Will you go to prom with me?”)

ntg 5

Trước hành động bất ngờ như vậy của đứa con trai, bà Kerry có hỏi là: “Con muốn đi prom với một bà mẹ vừa già vừa rụng hết tóc mà không thấy mắc cỡ hay sao?”. Cậu con trai nói: “Con chẳng ngại gì vì con sẽ có một cái date đẹp nhất ở nơi đó” (I’ll have the prettiest date there). Bà Kerry chỉ biết cảm động chấp nhận và cám ơn sự ngọt ngào của con trai.

Thế là ngay sau khi hay tin về lời thỉnh cầu của cậu con trai bà Kerry, cả cộng đồng thị trấn Twin Falls bắt đầu chuyển động. Dylan quay sang bà cán sự xã hội Melissa Rowe của Viện Ung Bướu Mountain States nhờ giúp đỡ. Bà Rowe liên lạc với đại lý bán xe tại địa phương, Middlekauff Ford Lincoln. Chủ nhân hãng xe không những đồng ý cung cấp một chiếc xe mà còn bỏ tiền trả cho bà Kerry mua chiếc áo dài, kể cả buổi ăn tối.

Kế đó tiệm móng tay Lovely Nails ở Twin Falls đề nghị làm miễn phí và cô Jeni Boisvert ở tiệm ảnh Brink Studio đồng ý chụp ảnh cho cặp đôi. Vào đêm 30 Tháng Tư, sau khi chụp hình xong, hai mẹ con được ông Mike Fenello, tổng giám đốc ST Luke’s Magic Valley Hospital, đích thân chở đến buổi dạ vũ prom ở trường Canyon Ridge High School. Trong đêm prom, sàn nhảy đặc biệt dành trống để riêng hai mẹ con khiêu vũ, trong khi người hoạt náo viên cho chạy bản “The Dance” của Garth Brooks.

***

Nhân dịp được nghe những chuyện trên người ta nhớ lại một bài thơ của một tác giả “vô danh” có tiêu đề là “The time is now” trong đó ghi:

If you ever going to love me,

Love me now while I can know

The sweet and tender feelings

Which from true affection flow.

Love me now

While I am living.

Do not wait until I’m gone

And then have it chiseled in marble,

Sweet words on ice-cold stone.

If you wait until I am sleeping

Never to awaken,

There will be death between us

And I won’t hear you then.

So, if you love me, even a little bit,

Let me know while I am living

So I can treasure it.

Bài thơ này đã được chuyển ngữ thành bài “Lúc này đây” bởi Tâm Minh:

Nếu con yêu Mẹ con ơi

Hãy yêu khi Mẹ còn nơi cõi trần

Mẹ còn cảm nhận tình chân

Ngọt ngào, êm dịu con dâng tràn đầy.

Hãy yêu Mẹ lúc này đây

Khi mình chung sống vui vầy một nơi

Đừng chờ khi Mẹ qua đời

Rồi con mới tỏ những lời yêu thương

Khắc vào nền đá hoa cương

Mộ bia lạnh lẽo khó vương tình người.

Nếu chờ khi Mẹ ngủ vùi

Nghìn thu an giấc dưới nơi suối vàng

Âm dương chia cách đôi đàng

Mẹ nào nghe được con than khóc gì.

Tình con dù ít sá chi

Hãy trao cho Mẹ ngay đi con à!

Khi mà Mẹ chửa lìa xa

Để ta trân quý, thăng hoa cõi lòng!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Mùa Vu Lan 8-2016)

 

 

Gởi Con Yêu Quý

Tâm Minh Ngô Tằng Giao  chuyển ngữ

white-and-red-rose-image

 

To our dear child:
On the day
when you see us
old, weak and weary…
Have patience
and try to understand us…
If we get dirty when eating…
If we cannot dress on our own…
Please bear with us
and remember the times we spent
feeding you
and dressing you up.
If, when we speak to you,
we repeat the same things
over and over again...
do not interrupt us…
listen to us.
When you were small,
we had to read to you
the same story
a thousand and one times
until you went to sleep.
When we do not want to have a shower,
neither shame nor scold us…
Remember
when we had to chase you
with your thousand excuses
to get you to the shower?
When you see our ignorance
on new technologies…
help us navigate our way
through those worldwide webs.

We taught you
how to do so many things…
To eat the right foods,
To dress appropriately,
To fight for your rights
When at some moments
we lose the memory or
the thread of our conversation…
let us have the necessary time to
remember…
and if we cannot,
do not become nervous…
as the most important thing
is not our conversation
but surely to be with you
and have you listening to us…
If ever we do not feel like eating,
do not force us.
We know well when we need to
and when not to eat.
When our tired legs give way
and do not allow us
to walk without a cane.
Lend us your hand.
the same way we did when
you tried your first faltering steps.
And when someday
we say to you
that we do not want to live anymore,
that we want to die.
Do not get angry.
Some day
you will understand.
Try to understand that our age
is not just lived but survived.

Some day
you will realize that,
despite our mistakes,
We always wanted the best for you
And we tried to prepare the way for you.
You must not feel sad, angry
nor ashamed
for having us near you.
Instead, try to understand us
and help us
like we did
when you were young.
Help us to walk…
Help us to live the rest of our live
with love and dignity.
We will pay you with a smile
and by the immense love
We have always had for you
in our hearts.
We love you, child.

Mom and Dad

Anonymous

Gửi con yêu quý:
Một ngày nào đó con ơi
Cả hai cha mẹ con thời già đi
Chán chường, yếu đuối còn chi…
Mong con kiên nhẫn nghĩ suy tỏ tường
Để rồi bộc lộ tình thương
Cảm thông cha mẹ nay đương nhọc nhằn…
Nếu mà cha mẹ khi ăn
Lỡ gây dơ bẩn và làm phiền con…
Áo quần không mặc được luôn…
Mong con chịu đựng và không buồn lòng
Nhớ xưa cha mẹ nuôi con
Lo ăn lo mặc chẳng còn thảnh thơi.
Nếu khi cha mẹ thốt lời
Nói với con cứ nhắc hoài một câu…
Con đừng vội vã chặn đầu…
Khi con còn nhỏ quá mà,
Một câu truyện bắt mẹ cha kể hoài
Cả ngàn lần một truyện thôi
Đến khi con ngủ yên rồi mới ngưng.
Mẹ cha nếu tắm chẳng ưng
Con đừng gắt gỏng cũng đừng chê bai…
Xưa con không tắm, ham chơi
Nêu ngàn lý lẽ để rồi chạy xa
Bao lần làm khổ mẹ cha
Phải lo rượt đuổi để mà cầm chân?
Thời nay kỹ thuật tối tân
Mẹ cha nào biết, vô ngần hoang mang…
Mong con giúp vượt dễ dàng
Mạng tin quốc tế thông thường hiểu ngay.

Con làm được nhiều việc thay
Mẹ cha dạy dỗ trước đây lâu rồi…
Chỉ ăn thực phẩm tốt tươi,
Mặc thời tươm tất trên người chớ quên,
Đấu tranh giành lại nhiều quyền
Quyền con được hưởng, chớ nên lơ là…
Con ơi đôi lúc mẹ cha
Hầu như trí nhớ nhạt nhòa buông trôi,
Ngập ngừng nói chuyện chẳng xuôi…
Hãy cho cha mẹ một thời tĩnh tâm
Để mà nhớ lại dần dần…
Nếu cha mẹ vẫn đôi phần lãng quên
Mong con đừng bực bội thêm…
Chuyện trò nào quan trọng trên cõi đời,
Chỉ cần con lắng nghe thôi
Và mong con cứ mãi ngồi gần bên…
Khi nào cha mẹ chẳng thèm
Bỏ ăn, bỏ uống, đừng phiền muộn chi
Con đừng nên ép làm gì
Mẹ cha biết rõ ăn khi nào cần.
Nếu khi cha mẹ đau chân
Phải dùng cây gậy để lần bước đi
Mong tay con giúp tức thì
Giống như thuở trước có gì khác đâu
Khi con chập chững bước đầu
Mẹ cha dẫn dắt xiết bao nhọc nhằn.
Nếu ngày nào đó bất thần
Mẹ cha ngỏ ý chẳng cần sống thêm
Muốn lìa đời thật êm đềm.
Mong con đừng giận, đừng nên bực mình.
Một ngày nào hết vô minh
Con rồi sẽ hiểu tâm tình mẹ cha
Rằng người sống tới tuổi già
Chỉ còn lây lất chờ xa cõi đời.

Một ngày nào sắp tới nơi
Chắc con cũng sẽ tức thời nhận chân
Dù cha mẹ có lỗi lầm
Nhưng luôn chuẩn bị người thân của mình
Muốn con tiếp bước đăng trình
Đường đời vạn nẻo an bình tương lai.
Con đừng sầu thảm u hoài
Đừng hờn, đừng thẹn vì nơi gia đình
Vì cha mẹ ở gần mình.
Mà nên thông cảm tỏ tình thiết tha
Giúp cha mẹ lúc tuổi già
Như cha mẹ giúp con qua một thời.
Giúp cha mẹ lúc già rồi
Để khi đi lại thảnh thơi chẳng phiền…
Giúp cho cha mẹ sống thêm
Quãng đời còn lại được yên thân già
Với thương yêu mãi thăng hoa
Vẹn toàn nhân cách, nếp nhà trang nghiêm.
Tình con cha mẹ nào quên
Nụ cười đáp lại nở trên môi này
Cùng tình yêu vĩ đại thay
Mẹ cha ấp ủ lâu nay trong lòng.
Yêu con thắm thiết vô cùng.

Mẹ và Cha

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyễn ngữ)

Kẻ Sát Nhân

L’Assassin của Guy de Maupassant
Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ

kesatnhan

Thủ phạm được bênh vực bởi một luật sư trẻ tuổi, mới vào nghề, bằng những lời biện hộ như sau:

“Những sự kiện xẩy ra không thể chối cãi được, thưa quý Ngài trong Bồi Thẩm Ðoàn. Thân chủ của chúng tôi, một người lương thiện, một nhân viên gương mẫu, hiền lành và nhút nhát, đã giết chết ông chủ của mình trong cơn giận dữ, một hành động tựa hồ như khó hiểu. Nhưng nếu quý vị cho phép, tôi xin đề cập và phân tích khía cạnh tâm lý của vụ án, bằng cách đó, người bênh vực không còn đưa ra bất cứ lý do gì để xin giảm tội hay biện minh cho hành động sát nhân của can phạm. Sau đó, xin quý Ngài sẽ phán xét số phận thân chủ của chúng tôi.

“Bị cáo Jean-Nicolas Lougère là con trai của một gia đình đáng kính trọng, đã giáo dục đương sự trở thành một người giản dị và lễ độ.

“Chính sự lễ độ đó là nguyên nhân phạm pháp của y can! Thưa quý Ngài, đây là sự nhận thức mà thời nay hầu như chúng ta không còn để ý tới nữa, dù rằng tên gọi vẫn còn đấy nhưng, trên thực tế, tất cả uy lực của từ ngữ này đã biến mất từ lâu. Chúng ta phải tới thăm một vài gia đình còn có nếp sống cũ và mộc mạc để tìm trở lại cái truyền thống khắt khe đó, tín ngưỡng đó về cách nhìn người và sự vật, cách cảm nhận hay lòng tin mang tính cách thiêng liêng, đức tin đó không chấp nhận bất cứ sự hoài nghi, diễu cợt hay một thoáng ngờ vực nào.

“Người ta chỉ có thể trở nên người chính trực, đích thực con người chính trực, với tất cả mãnh lực của đức tính này, nếu ta là người lễ độ đối với tất cả mọi người. Vì vậy, người có thái độ đó nhắm mắt lại. Họ sống trong tin tưởng. Còn chúng ta, lúc nào cũng phải tỉnh táo mở mắt thật to nhìn thế gian này, hiện ta đang sống tại đây, trong phòng xử án của pháp đình này được coi như bộ máy thanh lọc tẩy trừ những xấu xa của tệ nạn xã hội dồn lại nơi đây. Chúng ta đã kín đáo chứng kiến những sự ô nhục, lại bênh vực hết lòng tất cả mọi hành vi đê tiện của con người, nếu không muốn nói những người ủng hộ nồng nhiệt tất cả những kẻ vô lại và đĩ điếm, từ những ông hoàng đến những tên bịp bợm ở đầu đường xó chợ. Rồi chúng ta lại còn đón tiếp ân cần, khoan dung và từ tâm tươi sáng, tất cả những kẻ phạm tội để bào chữa cho họ trước quý Ngài.

“Chúng tôi, nếu quả thực yêu nghề, lại cân nhắc thiện cảm công việc của mình tùy thuộc vào hiện kim của mỗi vụ án quan trọng được thân chủ ủy thác, như vậy không thể nào có được một tâm hồn đáng nể trọng cả. Chúng tôi nhìn thấy nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi, từ các nhà cầm quyền có thế lực đến những kẻ cùng khốn. Chúng ta đã biết quá nhiều tất cả sự việc diễn tiến ra sao, sự trao đổi và mua bán như thế nào. Chỗ làm, chức vụ, danh vọng, được trao đổi với chút vàng một cách trắng trợn, khéo léo ngụy trang dưới những chứng khoán hay cổ phần trong các xí nghiệp, hoặc giản dị hơn trao đổi với nụ hôn của người đàn bà.

“Vậy bổn phận của chúng tôi và nghề nghiệp của chúng tôi bắt buộc chúng tôi không thể bỏ quên bất cứ điều gì, nghi ngờ tất cả, bởi vì mọi người đều đáng nghi ngờ; và chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi đối diện với một người can tội sát nhân, đang ngồi trước quý Ngài, có một lòng tin tôn thờ sự lễ độ khá mãnh liệt đến độ đương sự trở thành người tử vì đạo.

“Thưa quý Ngài, chúng ta cần danh dự cũng như ta cần khuôn phép để ứng xử cho đúng mực vì ghê tởm sự thấp hèn, vì phẩm giá cá nhân và kiêu hãnh; nhưng chúng ta không mang tận cùng đáy lòng của chúng ta đức tin mù quáng, bẩm sinh, tàn bạo, như người này.

“Vậy xin quý Ngài cho phép tôi kể cuộc đời của bị can Jean-Nicolas Lougère. 

“Ðương sự được giáo dục, cũng giống như ngày xưa bao trẻ em khác được dạy bảo, phải phân biệt hai phần trong tất cả các hoạt động của con người: điều tốt và điều xấu. Người ta chỉ dẫn Lougère điều tốt với uy quyền không sao cưỡng lại được để anh ta phân biệt với điều xấu, như phân biệt ngày với đêm vậy. Thân phụ của anh không thuộc giới trí thức uyên bác để nhìn từ trên mà thấy và nhận ra tất cả nguồn gốc của các tín ngưỡng cùng sự cần thiết của xã hội đã làm nẩy sinh sự phân biệt giữa điều thiện với điều ác.

“Từ đó, Lougère lớn lên, trở nên sùng đạo, tự tín, phấn khởi và thiển cận. Anh kết hôn năm 22 tuổi. Gia đình anh quyết định cưới cho anh cô em họ, được giáo dục như anh, giản dị như anh, thanh khiết như anh. Thật hết sức may mắn cho anh có người vợ đoan chính với tấm lòng thành thực, đó là một điều hiếm có và vô cùng đáng quý trọng trên thế gian này. Anh đã tôn kính thân mẫu anh cũng giống như các bà mẹ khác trong những gia đình theo chế độ tộc trưởng, một sự tôn sùng tuyệt đối thường chỉ dành riêng cho các vị thần linh. Anh đã chuyên chở sang vợ anh một phần nào sự tôn kính đó, chỉ hơi giảm bớt đi chút ít trong mối liên hệ thân mật giữa tình vợ chồng. Và anh đã sống hoàn toàn không hay biết gì về sự xảo quyệt, sống trong một tâm trạng thẳng thắn bền bỉ và hạnh phúc êm đềm đã làm cho anh trở thành một con người ngoại lệ. Không lừa dối bất cứ ai, không nghi ngờ bất cứ người nào có thể lường gạt anh một cách dễ dàng.

“Một thời gian trước khi lấy vợ, Lougère được thâu nhận giữ chức thủ quỹ cho văn phòng của ông Langlais, người bị anh ta sát hại mới đây.

“Thưa quý Ngài Bồi Thẩm Ðoàn, chúng tôi biết rõ tất cả những lời cung khai của các nhân chứng như Bà Langlais, anh trai bà là Perthuis, người hùn vốn với chồng bà, tất cả gia đình và tất cả nhân viên cao cấp trong ngân hàng, đều xác nhận Lougère là một nhân viên gương mẫu, rất mực liêm khiết, phục tùng, hiền từ, kính trọng các cấp trên và theo đúng quy tắc. Mọi người đều đối đãi anh với sự quý trọng rất xứng đáng về phẩm hạnh mẫu mực của anh. Ðương sự đã quen được mọi người kính trọng và thường đón nhận cung cách trọng vọng bà Lougère mà ai ai cũng ngợi khen.

“Vợ anh chết trong cơn sốt thương hàn trong vòng có vài ngày. Anh cảm thấy đau đớn khôn tả, nhưng là một sự đau khổ lạnh lẽo và thầm lặng trong một tâm hồn trầm tĩnh. Nhìn nét mặt xanh xao của anh và sự biến đổi sắc diện, ai nấy đều nhận thấy vết thương quá nặng của anh biết đến bao giờ mới băng bó cho lành.

“Và từ đó, thưa quý Ngài, một sự việc đã xẩy ra một cách tự nhiên.

“Người đàn ông này đã có vợ từ 10 năm nay. Trong mười năm đó, anh đã quen có một người đàn bà luôn luôn ở bên cạnh. Anh đã quen thuộc với sự chăm sóc của nàng, tiếng nói thân mật của nàng khi anh đi làm về, lời chào buổi tối và chúc vui buổi sáng, tiếng cọ sát êm dịu và gợi cảm áo quần của phụ nữ, sự vuốt ve đó lúc thì say đắm lúc thì bao dung như tình mẫu tử làm cho cuộc sống vui tươi hơn, sự hiện diện đáng yêu đó làm cho thời giờ bớt chạy chậm. Anh ta có lẽ cũng có thói quen muốn được cưng chiều khi ăn uống, tất cả các sự chăm sóc đó ít khi ta cảm nhận thấy và dần dần trở nên không thể không có được đối với ta.

“Anh ta không thể sống một mình được nữa. Vậy muốn quên đi những buổi tối dài vô tận, anh thường thường đến ngồi một hay hai tiếng ở một quán bia gần nhà. Anh uống một ly bia và ngồi ở đó, bất động, đưa mắt theo dõi một cách lơ đãng những quả bóng bi da lăn tới lăn lui dưới màn khói thuốc ống điếu, lắng nghe mà chẳng mảy may nghĩ đến những sự ganh đua của dân chơi bi da, sự tranh luận về chính trị của những khách hàng kế cận với những trận cười vang vang và đôi khi gây ra sự giễu cợt lố bịch từ đầu phòng đối diện vọng lại. Rồi cuối cùng anh trở về nhà ngủ thiếp đi vì mệt mỏi và chán chường.

“Nhưng anh nhận thấy tự thâm tâm, tận cùng tế bào trong cơ thể, cần có một nhu cầu không thể cưỡng lại được: một trái tim và xác thịt của người đàn bà; và, không cần nghĩ ngợi gì cả, anh nhích gần lại, mỗi tối một ít, tới chỗ cô thủ quỹ ngồi giữa quầy hàng, dáng người bé nhỏ tóc vàng, anh bị cuốn hút không sao thối lui được nữa bởi vì cô bé đó chỉ là một người đàn bà.

“Chẳng bao lâu, họ trò chuyện thân mật với nhau rồi anh năng lui tới và cảm thấy rất dễ chịu ở cạnh cô ta vào mỗi buổi tối. Cô nàng tỏ ra duyên dáng và đon đả đón ý trước để chiều chuộng rất thích hợp với nghề buôn bán bằng nụ cười, và cô bé tóc vàng lấy làm thích thú tiếp tục chuốc rượu càng nhiều càng hay để cho công việc kinh doanh ngày một phát đạt. Nhưng Lougère ngày càng khăng khít với cô bé mà anh không quen và không hề biết đến lối sống ra sao, và anh chỉ yêu cô tóc vàng này bởi vì anh không trông thấy một người đàn bà nào khác.

“Cô nàng quỷ quyệt sớm nhận thấy anh chàng khờ khạo này có thể đem đến cho cô một số lợi lộc và tìm cách nào hay nhất để trục lợi anh ta. Cách hữu hiệu nhất và chắc chắn nhất là lấy anh ta.

“Cô đạt mục đích không chút gì khó khăn.

“Chúng tôi có cần phải trình bày, thưa quý Ngài, hành vi vô cùng bất chính của cô bé này với cuộc hôn nhân, đáng lẽ kìm hãm sự lầm lạc bao lâu của cô ta, thì tráí lại hình như lại làm tăng thêm sự sai trái hết sức trơ trẽn của cô bé?

 “Với hành động tự nhiên của mánh lới nữ tính, cô nàng tựa như thích thú lừa dối anh chồng chân thật này, sống chung chạ với tất cả nhân viên cùng trong văn phòng với Lougère. Tôi khẳng định: với tất cả. Chúng tôi có những bức thư, thưa quý Ngài, sự việc này chẳng mấy lúc gây ra sự tai tiếng công khai, mà luôn luôn chỉ có anh chồng là không hề mảy may hay biết. Cuối cùng, mụ đàn bà gian xảo này, để đạt được lợi ích thật dễ hiểu, đã quyến rũ ngay cả người con trai của ông chủ ngân hàng, một chàng trai mười chín tuổi, mà mụ ta, chẳng mấy chốc, có ảnh hưởng tai hại cho tâm hồn và óc suy xét của chàng trẻ tuổi. Ông Langlais, mãi cho đến nay, vẫn nhắm mắt bỏ qua mọi chuyện vì lòng tốt, vì thân tình với nhân viên, nay bỗng nổi lên cơn giận dữ khá chính đáng, trông thấy con trai mình rơi vào tay, tôi muốn nói vào vòng tay của người đàn bà nguy hiểm này.

 “Ông ta đã lầm lỗi gọi ngay tức khắc Lougère đến nói chuyện trong cơn tức giận của một ông bố.

 “Tôi chỉ còn phận sự cuối cùng, thưa quý Ngài, đọc lời kể lại vụ sát nhân, của chính người sắp chết cung khai trong cuộc thẩm vấn.

“Tôi vừa được biết con trai tôi đã đưa, hôm qua, mười ngàn quan cho người đàn bà này, và sự phẫn nộ của tôi mạnh hơn lẽ phải. Quả thật, tôi không bao giờ nghi ngờ thanh danh của Lougère cả, nhưng một số mù quáng còn nguy hiểm hơn cả những lỗi lầm. Và vì vậy, tôi cho gọi anh ta đến gặp tôi tại văn phòng và nói thẳng cho anh ta rõ là tôi bắt buộc phải cho anh ta nghỉ việc.

“Anh đứng lặng trước mặt tôi, hoảng hốt, không hiểu gì cả. Sau đó, anh ta xin cho biết những lý do với thái độ nôn nóng và khá bực dọc. Tôi từ chối, khẳng định đó là những lý do riêng tư của tôi. Anh ta tin rằng tôi nghi ngờ anh đã cư xử bất nhã, và, mặt tái mét, anh van xin và thôi thúc tôi giải thích. Bị cuốn hút theo ý nghĩ này, anh cảm thấy mạnh mẽ hẳn lên và có quyền to tiếng. Nhưng tôi vẫn nín thinh, anh mắng nhiếc, lăng mạ tôi đến mức cuồng nộ mà tôi lo sợ sẽ xảy ra cuộc bạo hành.

“Rồi bỗng nhiên, do một câu nói xúc phạm quá mạnh đến danh dự của tôi, tôi nói thẳng vào mặt anh ta sự thật.

“Anh ta đứng lặng yên một vài giây, nhìn tôi với đôi mắt hung dữ; rồi tôi thấy anh lấy cái kéo dài ở trên bàn giấy của tôi mà tôi thường dùng cắt lề cuốn sổ ghi việc, rồi thì tôi thấy anh chồm lên người tôi, tay dơ cao, và tôi cảm thấy có một vật gì đi vào cổ họng tôi, ở đỉnh ngực mà tôi không thấy đau đớn gì cả”.

 “Ðây, thưa quý Ngài Bồi Thẩm Ðoàn, là câu chuyện giản dị về vụ sát nhân này, tôi còn biết nói gì hơn nữa để bào chữa cho bị cáo? Anh ta đã nể trọng người vợ thứ hai một cách mù quáng bởi lẽ, trước đó, anh đã trọng nể người vợ thứ nhất bằng lý trí”.

Sau thủ tục nghị án ngắn ngủi, bị cáo được tha bổng.

(Trích từ trong tập tuyển Le rosier de Madame Husson:
Bài L’Assassin đăng ngày 1 tháng 11 năm 1887 ở báo Gil Blas)

_________________________________________________________

Chú thích: 

Tiểu sử và tác phẩmGuy de paupassant

Guy de Maupassant
(1850-1893)

Henri-René-Albert-Guy de Maupassant sinh ngày 5 tháng 8 năm 1850 tại Normandie gần Dieppe, và mất ngày 6 tháng 7 năm 1893 tại Ba Lê, Pháp, năm 43 tuổi về bệnh tâm thần gần giống như bệnh điên.

Năm 1869, Maupassant đậu tú tài toàn phần tại Rouen, ghi danh theo học Ðại Học Luật Khoa tại thành phố này. Ít lâu sau, bị động viên vào Vệ Binh quốc gia trong cuộc chiến năm 1870 giữa Pháp và Ðức. Chiến tranh chấm dứt, đương sự vào làm công chức ở Bộ Hải Quân và sau cùng chuyển qua Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Chán nghề công chức, Maupassant chọn con đường văn chương và thực sự bắt đầu viết văn đúng năm 30 tuổi.

Ðược nhà văn Gustave Flaubert cùng quê ở Normandie và cũng là bạn thân của thân mẫu, hướng dẫn Maupassant lúc khởi đầu, viết các bài bình luận, truyện ngắn, thơ, kịch, và về sau, theo lời khuyên của Flaubert, chuyên viết tiểu thuyết. Do sự thúc đẩy của người cha nuôi Flaubert và sau trở nên người bạn văn học, Maupassant làm việc không hề mệt mỏi từ năm 1880 đến cuối năm 1890, đã viết trên 300 truyện, sáu tác phẩm tiểu thuyết, 3 truyện hành trình nhật ký, một tập thơ, nhiều vở kịch và 30 cuốn bình luận về nhiều đề tài, tính trung bình nhà văn Maupassant, trong suốt 10 năm, viết ít nhất mỗi ngày 2 trang.

Cuốn truyện đầu tiên mang tựa đề Boule-de-Suif của Guy de Maupassant được nhà văn Flaubert chào đón coi như một tác phẩm giá trị. Sau đó, Maupassant xuất bản nhiều tác phẩm nổi tiếng tại Pháp chỉ đứng sau nhà văn Emile Zola mà thôi.

Trở nên giàu có và ưa thích xã giao rộng rãi, Maupassant phung phí sức lực khá nhiều không còn sáng tác được như trước nữa, vì đã rơi vào cuộc sống hết sức phóng túng nên mắc bệnh giang mai lại không chịu chữa chạy cho lành bệnh. Do biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này, nhà văn mất ngủ, nhức đầu, đau mắt, nhức răng, đau dạ dầy rồi dần dần bị tê liệt và điên. Biết không còn sống được bao lâu nữa, nhà văn toan tự tử nhưng được cứu sống. Maupassant sống trong cô đơn, ảo giác, lo sợ và phiền muộn vì ông thầy Flaubert đã ra đi, bà mẹ chết trong cơn bạo bệnh, người em trai mất về bệnh tâm thần, ông bố ly dị với bà mẹ từ năm Maupassant 12 tuổi, không rõ ở đâu, chỉ còn lại ba người con chưa được nhà văn nhìn nhận.

Maupassant bị giữ trong bệnh viện tâm thần suốt 20 tháng vào cuối cuộc đời, và vĩnh viễn ra đi năm 43 tuổi, an nghỉ tại nghĩa trang Montparnasse ở Paris, để lại 2 truyện tiểu thuyết đang viết dở dang và một số tác phẩm sau:

Boule-de-Suif (1880), Mademoiselle Fifi (1882), Une Vie (1883), Les Contes de la Bécasse (1883), Bel-Ami (1885), Contes du jour et de la nuit (1885), le Horla (1887), Pierre et Jean (1888), Fort comme la mort (1889), L’inutile Beauté (1890).

(Tài liệu tham khảo: Biographie de Maupassant – D’après l’Encyclopédie Hachette – Guy de Maupassant (1850-1893) – Texte de Paul Lefèvre. Biographie de Maupassant rédigée par Bernard Damien.)

Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”
Của soạn giả: TP. Nguyễn Văn Thành (1923)

NgVanThanh_9440 (Sonny edit)