Sài Gòn ơi !

Trần Quốc Bảo

Sàigòn ơi!
Người yêu ơi!
Đêm hằng đêm tương tư lưu luyến
Từng giờ, từng phút ray rứt nhớ thương
Sàigòn chân tình thoải mái
Sàigòn rực rỡ yêu đương
Sàigòn bừng bừng sức sống
Sàigòn đầy ắp kỷ niệm của năm tháng xa xưa mãi mãi sinh động trong tôi
 
Xa Sàigòn một khoảng cách khá lớn, cả không gian lẫn thời gian
Nhưng vẫn thường thấy Sàigòn ẩn hiện thấp thoáng đâu đây
Trong vạt nắng hồng
Làn gió mát
Và những đám mây chiều lang thang trên đỉnh núi
Khi mộng mị
Lúc say sưa
Hoặc phút giây thần trí lạc khỏi vùng thể xác
Từng thoáng bất chợt
Tôi đã trở về Sàigòn
Gặp lại người em sầu mộng
Gặp lại phố phường quen thuộc
Những cột đèn
Nhà thờ Đức Bà, khu Bàn Cờ, viện Hóa Đạo
cầu Thị Nghè, Dòng Chúa Cứu Thế, chợ Bến thành
Bến tàu
Và trường học thân yêu
Và công viên kỷ niệm
Muôn mầu muôn vẻ huy hoàng kiều diễm của Sàigòn thuở xưa hiện rõ rệt nơi tiềm thức
Tôi chìm vào Sàigòn
Giấc mơ Sàigòn quấn quyện trong ký ức
Sàigòn tràn ngập hồn tôi
 
Mỗi buổi sáng
Thức dậy ngỡ ngàng với sự hiện diện của mình ở miền đất tạm dung
Nơi đây … Thủ đô xứ người, kiến trúc đồ sộ, ánh sáng chói chang, âm thanh xa lạ
Tất cả không quen thuộc, không luyến thương
Chỉ thấy thờ ơ lạnh nhạt
Biết tìm đâu chút ấm áp cho tâm hồn viễn xứ
Tôi như người nghèo hèn lạc vào cung điện xa hoa
Như kẻ mồ côi ăn nhờ ở đậu trong gia đình hạnh phúc
Nỗi buồn mênh mông dâng lên
Dìm tôi xuống vực thẳm
Cô đơn
Với mối sầu bất tận dưới đáy đại dương
 
Mỗi khi màn đêm buông xuống
Trút bỏ thực tại phiền toái
Nhắm mắt lại
Thì dần dần Sàigòn hiện ra
Tôi nhìn Quê Hương tôi:
– Con đường Nhà Thờ Chí Hòa
Cây Thánh Giá cẩm thạch ở nghĩa trang Thánh Minh, nấm mộ cha mẹ, nơi tụ họp đông đảo của gia đình, họ hàng quyến thuộc
Chiếc bình bông cuối mộ sứt mẻ chưa thay mới
Cỏ đầu mộ quá cao chưa cắt xén.
Tôi không mất mát một chút hình ảnh nhỏ bé nào của Sàigòn
Chắt chiu cất giữ từng kỷ niệm vàng son
Tựa kẻ thất tình ủ ấp tôn thờ bóng dáng người yêu
Tôi mang tâm trạng lữ hành đói khát giữa sa mạc
bỗng nhìn thấy ảo ảnh dòng suối ngọt ngào
 
Sàigòn ơi!
Người yêu ơi!
Tháng năm dài sống đời lưu vong
Qua từng giấc mơ thảng thốt
Chợt mê chợt tỉnh
Đã bao lần được về bên người
Người em tóc dài
Sáng chủ nhật, giọng em cao vút lời Thánh ca trong Vương Cung Thánh đường
Chiều mưa Sàigòn xám đục
Em đi học về
Gió thổi tà áo trắng bay bay
 
Đã bao lần với ác mộng kinh hoàng
Sài gòn rực lửa
Thiếu phụ chờ đón trực thăng, gục xuống bên xác chồng đẫm máu
Bà mẹ già vuốt mắt con yêu
Em bé mồ côi trong đống rác,
và từng đoàn dân lành tả tơi chạy giặc ồ ạt tràn về Thủ đô
 
Đã bao lần gặp hồn mình trong mộng
Dựng lại ước vọng lớn của người chiến binh thuở nào
Với vũ khí
Với nhung y
Sừng sững đứng trấn ngoài biên ải
Dương cao lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa nơi biên thành
Giữ thanh bình cho Quê Hương
Đem yên vui cho dân tộc
.   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .
Hỡi Ngọc Trân Châu
Người em nghìn trùng xa cách
Thương em biết mấy cho vừa
Sàigòn yêu ơi!
Mệnh trời oan nghiệt. Vận nước điêu linh
Tháng Tư đen
Đất Nước Quê Hương lọt vào tay giặc thù
Biết nói sao nên lời
Mộng lớn không thành rồi
Chỉ mơ tới em thôi!
 
Giờ này đây
Việt Nam chìm trong hỏa ngục
Sàigòn đổi tên
Người yêu tôi không còn đi trên Công lý, Tự do
Lời ca tiếng nhạc im lìm, nụ cười đã tắt, ánh mắt âu lo
Qủy đỏ xâm phạm Thánh thất, đào xới nghĩa trang
Biến Quê Hương thành nhà tù vĩ đại
Toàn dân đói khổ nhục nhằn
 
Sàigòn ơi!
Giờ phút em hấp hối
Trang lịch sử đen tối khởi đầu
Tôi ôm niềm đắng cay bi phẫn ra đi
Giã biệt em với hành trang là nỗi đau qúa lớn
Hôm nào như mới hôm qua
Tầu đến sông Nhà Bè, nhìn lại Sàigòn
Pháo kích liên hồi hướng Phi trường Tân Sơn Nhứt
Tia lửa vọt lên nền mây u ám
Kho đạn Thành tuy hạ phát nổ dữ dội. Rúng động Thủ đô
Ánh lửa hồng bao phủ em yêu
Tôi ôm uất hận lặng đi như người mất trí
Con tầu đi xa
Đi xa dần
Đến hải phận quốc tế, mưa rơi tầm tã
Thượng Đế cũng nhỏ lệ cho Quê Hương Việt Nam khổ nạn
Đứng trên boong tôi nhìn mãi về em
Tất cả Sàigòn chỉ còn là đốm sáng nhỏ
Lẫn vào sóng nước, mưa đêm
 
Em yêu ơi!
Bây giờ em ở đâu
Có phải trên từng xanh bát ngát kia
Em đang gửi từ Sàigòn đến cho tôi những làn khói mây màu xám.
Sàigòn yêu dấu ơi!
Có phải mây trời lang thang đó in đẫm hình ảnh em tôi.
 
                           ***
 
Trong thăm thẳm đêm đen . tôi vẫn niềm tin tha thiết
Trời cao che chở, Hồn thiêng sông núi phù trì
Một ngày rất gần, toàn dân vùng lên mãnh liệt, dành lại sự sống cho Quê hương
tôi sẽ trở về với em
Saigòn yêu dấu ơi!
 
                                         Trần Quốc Bảo
                                             Richmond,VA

Đọc “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần

Nguyễn Hiền

 Người Việt chúng ta tự hào về điểm mà ta thường được nghe trong các bài diễn thuyết về văn hóa, thường đọc trong sách… Việt: chúng ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Nhưng bản tính người Việt hiện nay, sau khi trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, như thế nào thì ta phải xét kỹ.

Bàn về tính tình của người Việt, hơn 100 năm trước, cụ Phan Bội Châu đã viết:

“(…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi.” (Việt Nam Quốc sử khảo, chương thứ năm – xuất bản năm 1909)

Mười năm sau (1919), trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim cũng đã ghi khá rõ rệt:

Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.

Hay gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học, đã tóm tắt:

Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.

Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.” (Trích blog Nguyễn Hưng Quốc).

Nhưng ta không thể mãi tự mãn với “Người Việt Đáng Yêu” (Doãn Quốc Sỹ) hay “Người Việt Cao Quý” (A. Pazzi, tức Vũ Hạnh) mà phải luôn sửa mình bằng cách bỏ dần tật xấu còn tồn tại và tập những nết tốt học được từ người cho đồng bộ với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Do đó mới có phương pháp tu thân là “Thuốc đắng giã tật”, người ta thường nói. Trong tác phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản vào hậu bán thế kỷ trước, Bá Dương đã thẳng thừng vạch ra nhiều nét xấu của dân Trung Quốc. Tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách bán chạy. Chẳng biết thực tế tác dụng của những bài tham luận mà Bá Dương đã đọc có cải biến người Trung Quốc được mấy phần?

Còn với người Việt thì sao? Không cần phải tìm tòi đâu xa, người Việt hiện nay khá mang tiếng xấu trên thế giới với những tổ chức băng đảng quốc tế khai thác dịch vụ cần sa ma túy, tật ăn cắp vặt, tải hàng lậu, khai gian thuế, hối lộ, bằng giả bằng dỏm và chiếm ngôi vị đầu của cuộc tranh giải xì phé thế giới (poker)… Nói tóm lại, hơn bốn ngàn năm văn hiến để có một di sản là người Việt như thế này hay sao? Có cần một “liều thuốc đắng” cấp kỳ không?

Trong chiều hướng đó, tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần có thể coi là một bước đầu trong chuỗi: nhận biết bịnh, tìm nguyên nhân gây bịnh, trị bịnh và phòng bịnh.

Tương tự như Bá Dương, trong “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Lâm Nhược Trần đã khai triển những tật xấu của người Việt, bằng cách liệt kê ra những chi tiết, gồm ít nhất 63 thói tật sau đây: dân trí thấp kém, giáo dục bất cập, văn hóa lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, bảo thủ, thiếu trung thực (hay gian dối), xảo trá, lật lọng, thiếu uy tín, vô cảm, thiếu tự trọng, vô trách nhiệm, thiếu ý thức (quan hệ cá nhân và cộng đồng), tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, xuề xòa, thiếu nguyên tắc, mơ hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ, tính thực dụng, cảm tính, nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan, khôn vặt, ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật chỉ thấy cái lợi trước mắt, tham lam, nhiều chuyện, hay ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc, hay bắt chước, a dua, học đòi, vọng ngoại, xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn, thích ăn nhậu bài bạc, lưu manh, thích bạo lực, hay nổ, háo danh, hay khoe khoang, tự cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài, cậy thần cậy thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm…

Đọc một danh sách dài với gần như tất cả tĩnh từ chỉ thói hư tật xấu của con người, ai không sợ.

Khác hơn Bá Dương, một nhà văn kiêm nhà báo dùng lối văn châm biếm điểm chút hài hước để chuyển tải ý tưởng, Lâm Nhược Trần (một bác sĩ Tâm lý đã sống ở Hòa Lan hơn 20 năm) đã dùng kinh nghiệm ông có được qua hơn 10 năm làm việc chung với người Việt trong nước cộng thêm những dữ kiện thu thập qua báo chí để khai triển đề tài này theo phương pháp thống kê khoa học.

Tác phẩm là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về văn hóa và điều tra về xã hội, như đã ghi trong tiểu tựa. Trong 18 bài tiểu luận, ông đã phân những tật xấu của người Việt thành từng nhóm. Những trích dẫn từ báo chí, trang mạng là từ những tờ báo, trang mạng có uy tín trong nước, và phần lớn được dẫn nguồn. Đại đa số những dữ kiện này được ông thu thập trong hai năm 2015 – 2016, chứng tỏ sự cập nhật của tác phẩm.

Để tránh hiểu lầm, tác giả cũng minh định là “…đối tượng tôi muốn đề cập là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này…” (tr. 30). Người gốc Việt sống ở hải ngoại thoát nạn. Hú vía.

Với tựa đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”, những điểm son của người Việt hay của xã hội Việt Nam trong tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như tác giả chỉ muốn nêu những điểm này ra cho thấy có một chút xíu khía cạnh tích cực của xã hội Việt Nam mà thôi. Bởi vì luận đề của tác phẩm là “tồi tệ”, không phải một cuộc nghiên cứu hai chiều. Nhưng mà phải vậy thôi, nếu muốn trị bịnh bằng thuốc đắng.

Từ những dữ kiện trích dẫn, ông đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân đưa đến những tính xấu này, mà có cội nguồn sâu xa là vì do hấp thụ một nền giáo dục truyền thống, và có gốc từ một xã hội thuần nông:

“… Đó là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà thật ra nó phải có” (tr. 82).

Và cũng chính vì tính đặc thù của gia đình họ hàng Việt Nam làm cho con người khó có thể theo được sự tiến hóa của xã hội: “…do nhận thức thấp kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến những khó khăn sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc.” (tr. 49).

Và do “…nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao…” (tr. 174).

Tóm lại, lỗi phần lớn, theo Lâm Nhược Trần, nằm ở một số khía cạnh đặc thù của bản sắc dân Việt. Nhưng vì sao đến nông nỗi này, trong khi nếp sống gia đình làng xã của Việt Nam khá giống xã hội nơi một số nước tiến bộ khác trong vùng Đông Nam Á?

Tuy tác giả không nói trắng ra vì sao đất nước, con người Việt trở nên tệ hại như thế nhưng người ta có thể đọc giữa những hàng chữ là trách nhiệm lớn nằm ở bộ máy cầm quyền, đã dung túng cho thuộc hạ các cấp từ cao tới thấp mặc tình thao túng theo một chính sách tùy tiện, chắp vá. Chính sách này, cộng thêm một số thói tật đã tạo nên một “…tư duy mang ơn, cảm ơn theo cái cách quỳ lụy, xin xỏ cũng rất phổ biến… Nghĩ cũng lạ, mà người dân có hiểu gì đâu, dân đóng thuế để nuôi cán bộ, cán bộ có trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân, nhưng họ vẫn có thói quen một cách rất quan liêu, ban ơn và hành dân.” (tr. 142). “Thực tế là như vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị trường… Sai phạm xảy ra, nếu chi với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không giải quyết được vấn đề.” (tr. 173).

Và còn nhiều nữa…, như “chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực trầm trọng” (tr. 42), là điều bất cứ người nào khi nhìn vào những công trình hoành tráng kiểu đồ hàng mã đầy dẫy ở Việt Nam đều thấy rõ và ngán ngẩm trò đời lẫn ngán sợ tai nạn chưa biết sẽ xảy ra lúc nào do tắc trách.

Đọc hết 360 trang với đầy dẫy lời kết tội, khi gấp sách lại, người đọc sẽ bàng hoàng tự hỏi: có thật vậy chăng? Nếu quả tình 90% dân Việt mang nhiều tính xấu như vậy thì đất nước sẽ ra sao? Bởi vì, ngay chính bản thân họ (có lẽ cũng do cảm tính chăng?), họ thấy những tật xấu này không nằm trong họ và có lẽ những thành viên trong gia đình họ đâu có xấu xa như thế.

Một câu hỏi nhức nhối đã được tác giả đưa ra cho mọi người, bất kể ở đâu, tự suy ngẫm: “Bạn muốn con mình trờ thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc? Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống?…” (tr. 104).

Nhưng thực tế có lẽ đây là bài toán không lời giải, bởi vì: “…Một số người bạn của tôi làm việc trong giới khoa học và nghệ thuật… trong lúc bàn luận chuyện thế sự, nhìn thấy tình hình đất nước, xã hội, con người ngày nay, họ cảm thấy ‘bó tay toàn tập’, không làm gì được chỉ biết nhìn nhau mà chửi thề…” (tr. 112).

Đương nhiên, vì đúng như trong nhận định của Nguyễn Hưng Quốc nêu ở phần đầu về tâm tính của người Việt, là “khi ra ngoài quan hệ cá nhân thì mọi chuyện sẽ khác ngay”. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là một cuộc nghiên cứu dựa trên tài liệu từ báo hàng ngày hay báo mạng bằng cách rút tỉa chọn lọc không có được sự trung thực đúng mức. Báo chí đưa nhiều tin “giựt gân”, tai nạn cướp bóc, chuyện gây sốc… để câu độc giả, điều đó ai cũng biết. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của những tờ báo đại chúng ngày nay, bất kể ở nước nào. Đó là chưa nói tới chuyện ở Việt Nam, sự lèo lái quần chúng để họ chỉ chăm chăm bàn tán về những tệ nạn xã hội, về cuộc sống xa hoa của đại gia với siêu sao chân dài… theo kiểu những bài trên báo sẽ làm cho dân chúng bớt quan tâm tìm hiểu thêm về những vấn nạn gốc rễ của xã hội, nhìn theo mặt chính trị, văn hóa chính thống.

Vì thế, nếu chúng ta đọc những trang mạng hay blog của các tổ chức tranh đấu chẳng hạn, thì ta sẽ có cảm giác phần lớn người dân trong nước hằng ngày quan tâm đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ. Nếu chúng ta đọc những thông tin từ những cơ sở tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy người dân nhường cơm xẻ áo cho nhau trong cơn hoạn nạn…

Người đọc tinh ý có thể thấy những dữ kiện tác giả dẫn chứng phần lớn là những trường hợp cá biệt. Sự giải quyết (hay không giải quyết) của chính phủ Việt Nam trước những tệ nạn này không thấy tác giả đề cập. Hơn nữa, có những chuyện không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, như chuyện các quan chức đổ lỗi cho nhau khi có sai phạm, như chuyện ăn tô phở 25.000 VND vừa phải chịu đựng một cung cách phục vụ bất lịch sự, vừa bị nghe chửi khi đưa tờ 500.000 (bằng 20 lần giá tô phở hay 1/10 của tháng lương của dân trung bình) để trả tiền, hoặc như trường hợp của chính tác giả “…sau khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng đặt điều kiện để anh ấy viết một bài quảng bá cho ấn phẩm.” (tr. 177-178). Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói là còn có rất nhiều “chuyện lạ bốn phương” động trời được tác giả nêu ra, mà nếu tác phẩm được dịch ra ngoại ngữ và phổ biến thì chắc lượng du khách tới Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.

Do đó, nhận xét tác giả đưa ra trong Lời Mở Đầu là “…dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc dể điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết thuốc chữa rồi’!” (tr. 28) tôi cho là có phần nào tiêu cực. Dù sao, không thể chối cãi được là những tệ nạn ở Việt Nam đã lan tràn quá mức, đến nỗi Việt Nam hiện đang đứng ngang hàng với nhiều nước ở Phi châu hay Nam Mỹ châu. Đó là cái nhục chung của người Việt chúng ta, nhưng lời giải thì không đơn giản. Đúng như tác giả nhận định: mọi người đã trở nên vô cảm.

Tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ”, xét cho cùng, sẽ tìm được hai đối tượng. Thứ nhất là tuyệt đại đa số những người tị nạn trên khắp thế giới thuộc thế hệ thứ nhất, họ mang theo những nét văn hóa đẹp của một xã hội Việt Nam hơn 40 năm về trước để rồi chỉ thấy những chuyện trái tai gai mắt họ gặp trên internet hay qua lời kêu rêu của thân nhân từ trong nước, thì tác phẩm này là một sưu tầm khá đầy đủ những gì họ đã biết và đang muốn biết. Thứ hai là những người trong nước còn đang trăn trở tìm một giải pháp khả thi để có thể cùng nhau cứu vãn sự tuột dốc của văn hóa Việt một khi nước nhà tới vận hội chuyển đổi, thì có thể coi tác phẩm này là một phân tích khá có hệ thống những thói tật của đa số người Việt trong nước.

Nguyễn Hiền

_________

Người Việt Nam Tồi Tệ – Nghiên cứu văn hóa – Điều tra xã hội

Lâm Nhược Trần

360 trang, bìa mềm

Người Việt  Books xuất bản (2016)

Giá US $20,-

Bài nói chuyện của LS Ngô Tằng Giao nhân Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 2017

Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương hay gọi là Lễ Hội Đền Hùng từ xa xưa đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam nên đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của nước Việt ta. Đây là một ngày hội truyền thống để nhớ về nguồn, để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Tổ Tiên có công dựng nước thì gọi là Quốc Tổ chứ không phải là niên hiệu của một triều đại nào cả vì thế Giỗ Tổ mang bản sắc của dân tộc Việt chứ tuyệt nhiên không mang tính chất thiên về tôn giáo hay mê tín dị đoan.

Nghi lễ truyền thống Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh ở Lâm Thao, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ðền Hùng Vương được coi là cội nguồn, là biểu tượng tôn kính của dân tộc. Từ thời xa xưa, việc quản lý, cúng bái và làm Giỗ Tổ tại Đền Hùng được giao thẳng cho người dân tại địa phương đảm trách. Đổi lại dân tại đây được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và khỏi phải sung vào lính.

Sang thế kỷ 20, vào năm 1917 dưới triều vua Khải Định, theo lệnh của Bộ Lễ thời chính thức quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ phải cử hành quốc lễ này. Các quan phải mặc phẩm phục, lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế, làm lễ dâng hương. Đúng như tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại đền Hùng:

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà,
Non nước vẫn quy về đất Tổ,
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc,
Giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.”

Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng Hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975. Ngày lễ này được long trọng tổ chức không phải chỉ là một buổi lễ để thể hiện lòng thành kính tri ân công lao tạo dựng nước của các vua Hùng, mà còn để tri ân các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, ghi ơn tất cả những anh hùng liệt sĩ đã xả thân chống ngoại xâm, bảo vệ non sông trong suốt chiều dài lịch sử VN. Ngày lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con dân người Việt.

Ca dao trong dân gian Việt Nam có nhưng câu lưu truyền từ xa xưa:

Như câu:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Dù ai đi gần về xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười.”

 Hoặc câu:

“Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ ngày Giỗ Tổ rủ nhau ta về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Ba tế Tổ ta về cho đông.”

Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của dân tộc Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, là di sản văn hoá thế giới. Sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá cao, sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại. đồng thời thừa nhận đời sống tâm linh vốn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.

Trong nhiều thập niên, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã bị nhà nước cộng sản VN bỏ bê. Mãi đến tháng 4 năm 2007, quốc hội của cộng sản VN mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nhưng trong thực tế cộng sản VN có bản chất “hèn với giặc” khi phản bội những sự hy sinh của tiền nhân, đã tốn biết bao nhiêu xương máu, để giữ gìn và bảo vệ bờ cõi. CSVN đang từ từ bán rẻ đất nước cho Tầu cộng, từ đất liền cho đến biển và đảo thân yêu:

Ở vùng biên giới, Tầu cộng đã chiếm cứ hàng ngàn cây số nào là Ải Nam Quan, nào là Thác Bản Giốc v.v… Các quần đảo và biển của VN như Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn Biển Đông đều bị Tầu cộng chiếm lấy hoặc tuyên bố chủ quyền rồi xây dựng thêm đảo nhân tạo cùng thiết đặt khí cụ quân sự.

Người Tầu đã có mặt trên toàn cõi VN. Chúng chiếm đóng các vị trí chiến lược. Các đặc khu Tầu mọc lên như nấm. Nào là khu phố Tầu Bình Dương mang tên Trung Tâm Thương Mại Đông Đô mà nhân viên công lực VN không được vào kiểm tra; nào là một nghĩa trang dành riêng cho người Tầu ở tỉnh này với khoảng 20 ngàn ngôi mộ được gọi là “Lãnh sự quán âm phủ” của Trung cộng. Và còn nhiều nơi khác nữa ở rải rác trên đất Việt… Dân Tầu vào VN không cần Visa nhập cảnh và hầu như tự do đi lại trên khắp đất nước.

Việt Nam thời nay còn lệ thuộc về kinh tế, chính trị và văn hoá Trung cộng. Về đầu tư xây dựng nhà thầu Trung cộng hầu như thắng thầu hầu hết những công trình quan trọng. Trung cộng chiếm lĩnh thị trường VN.

Đảng cộng sản VN vẫn không dám nhắc đến và không dám làm lễ tưởng niệm 2  cuộc chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa vào các năm 1974 và 1988, nơi người quân nhân VN tuy của hai miền khác nhau, đã phải hy sinh thân xác trong sứ mạng thiêng liêng chung là phục vụ quốc gia dân tộc, bảo quốc an dân.
Lại còn chuyện về lá “cờ sáu ngôi sao”. Cờ sáu ngôi sao xuất hiện công khai ở Trung cộng trong khi cờ chính thức Trung cộng là cờ 5 ngôi sao. Đó là kết quả của việc cộng sản VN xin gia nhập vào làm một khu tự trị của Trung cộng. Cờ 6 sao xuất hiện công khai ba lần ở VN: Lần 1 năm 2010, tại Lễ hội Ẩm thực Quốc tế tại Vũng Tàu. Lần 2 năm 2011, trên đài truyền hình VN. Lần 3 năm 2011, các em bé VN phải vẫy cờ 6 sao để chào mừng Tập Cận Bình.

     Cộng sản VN còn là một ngụy quyền với bản chất “ác với dân”. Đáng lẽ phải tập trung tổng lực dân tộc để đối phó với ngoại bang theo truyền thống Phù Đổng thời Hùng Vương, nhà nước lại quay qua đàn áp dã man các nhà tranh đấu dân chủ trong nước, bắt giam và khủng bố những người yêu nước dù người dân chỉ biểu tình ôn hòa, không bạo động. Cộng sản VN trấn áp các cuộc biểu tình yêu nước của sinh viên. Cấm người dân bày tỏ phản đối chống lại những hành động xâm lăng của Trung cộng. Cấm những bài viết kêu gọi chống ngoại xâm. Cộng sản VN đã làm tê liệt sức đối kháng, làm thui chột lòng yêu nước của toàn dân ở trong nước.

Thật đáng buồn vì khi thành lập đảng cộng sản VN năm 1930, Hồ Chí Minh xác định: ”Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một nền văn hóa. Một phong tục…” Sau này văn nô Tố Hữu cũng đã thêm hai câu thơ: “Bên này biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương”. Nguyễn Văn Linh cũng từng nổi tiếng với câu nói để đời: ”Tôi biết rằng đi với Trung Quốc là mất nước nhưng thà mất nước còn hơn mất Đảng!”

Đất nước Việt Nam ta đã từng bị trải qua “1000 năm nô lệ giặc Tầu” trong 4 thời kỳ Bắc thuộc. Thế kỷ 21 này Việt Nam không thể nào để tái diễn nạn “Bắc thuộc” một lần thứ năm như thế nữa. Đó là bổn phận của toàn dân

Sau 30.4.1975 người Việt chúng ta ra đi ở rải rác khắp năm châu không chỉ mang theo niềm nhung nhớ quê hương mà còn mang theo cả truyền thống sinh tồn của dân tộc và sinh hoạt của người Việt vẫn giữ những nét đặc thù. Chúng ta cùng đồng bào ở trong nước đều kỷ niệm Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương coi như một ngày lễ lớn, một quốc lễ trọng đại vì bao hàm cả Tổ Quốc và luôn cả Tổ Tiên. Mong ước tiếp nối truyền thống cho các thế hệ mai sau:

“Vạn nẻo giòng Nam tìm đến gốc

Ngàn phương giống Việt trở về nguồn.”

Đối với người Việt tha hương nói chung thì tất cả các ngày Lễ Dân Tộc ở nước ngoài còn quan trọng hơn khi còn ở quê nhà. Trong những ngày đại lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta mới có cơ hội nhắc nhở con cháu và đồng hương nhớ về cội nguồn, chớ quên phong tục tập quán của người Việt. Dân tộc Việt đã trải qua bao thời kỳ hưng vong, nhưng vẫn tồn tại chính là nhờ ở truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.

Chúng ta còn tạo ra cơ hội cho giới trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người biết dù ở phương trời nào mình cũng vẫn là người Việt, “con Rồng cháu Tiên”, biết về niềm tự hào văn hóa của dân tộc Việt, học hỏi về phong tục cổ truyền của dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước rất anh hùng của cha ông mà nhận lãnh sứ mạng tiếp nối những truyền thống cao đẹp do ông cha để lại, tương lai sẽ là những người kế thừa các bậc cha anh.

Các nước ở Đông Nam Á thường thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ. Việc thờ Quốc Tổ làm cho tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua. Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại có bổn phận thiêng liêng cùng với đồng bào cả nước, góp phần đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Việt Nam, và khỏi hổ thẹn với những vị Vua Hùng, những tiền nhân đã sáng lập ra đất nước Việt, để không phụ ơn vong linh người xưa. Luôn nêu cao tình thần đoàn kết của người Việt trong cộng đồng thế giới.
Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương chúng ta cùng cầu nguyện mong đảng cộng sản bán nước phải bị giải thể, cho đêm đen đọa đầy ở quê nhà sớm trôi qua. Chúng ta kính cẩn dâng nén tâm hương lên bàn thờ Tổ, xin Quốc Tổ Anh Linh Phù Trợ Cho Quốc Gia Việt Nam được toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, người dân Việt được thật sự hòa bình và độc lập, tự do, hạnh phúc!

(Bài nói chuyện của LS. Ngô Tằng Giao trong Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương
tại Luther Jackson Middle School, Falls Church, VA, ngày 1 tháng 4 năm 2017)

Trầm Luân

Nguyễn Hiền

Dằng dai đến tháng thứ sáu thì vợ chồng Thuận đã mất kiên nhẫn và cùng đi đến quyết định là phải chỉnh đốn lại bàn thờ. Chỉnh đốn hiểu theo nghĩa của hai vợ chồng là thay pho tượng Phật trên bàn thờ bằng một pho tượng khác hợp thời trang hơn. Chỉ khổ cho pho tượng, nếu gỗ đá cũng có linh hồn thì hẳn nó cũng đang lo cho số phận mình, chẳng biết sẽ đi về đâu.

Nếu nói là cả hai cùng đi đến quyết định thì cũng không đúng lắm. Thực ra là vợ Thuận quyết định, như đã từng quyết định những chuyện quan trọng hàng ngày. Thuận chỉ có một việc là chiều theo. Quyết định quan trọng độc nhất trong đời Thuận có lẽ là quyết định lấy Diễm làm vợ. Ðây có lẽ cũng là quyết định quan trọng cuối cùng, bởi theo như miệng lưỡi người đời là vợ con chỉ làm hèn đi chí nam nhi. Có lẽ cũng vì cớ ấy, cho đến bây giờ, mọi chuyện trong nhà nhất nhất đều trông cậy vào hai tay và một miệng Diễm.

Nói đúng ra, việc ‘chỉnh đốn’ lại bàn thờ không phải hoàn toàn không có ý kiến của Thuận. Thực ra anh cũng thấy có cái gì đó không ổn, không hài hòa ở đám đồ vật chung quanh anh, theo ngày tháng, đã dần trở thành thân quen. Hôm đám cưới, dì Ba của Diễm mang từ trong nước ra cho hai người một pho tượng Phật làm quà. Pho tượng là nguyên một khối gỗ nâu sậm, được thợ khéo ra công chuốt, đánh bằng lá mít đến nhẵn bóng (dì bảo vậy), lại còn đính thêm một vòng hào quang có những bóng điện tí hon vàng và đỏ thay phiên nhau chớp tắt. ‘Ðồ này hiện đang mốt ở Việt Nam đó, dì cho hai cháu để bàn thờ, chưng vừa đẹp, vừa có Phật phù hộ hai cháu làm ăn phát đạt. Dì đã lên chùa thỉnh thầy Trí Huệ xin Phật gia ân rồi, tượng bán ngoài chợ có khi ma quỉ ám vô không tốt đâu cháu.’ Có lẽ Phật phù hộ hai vợ chồng mới cưới thực, nên chỉ vài tháng sau Thuận đã xin được chỗ làm tốt hơn. Diễm cũng ra được cửa hàng bán đồ ăn dặm. Hai vợ chồng tậu xe, mua nhà, chỉ trong vòng bốn năm nhìn lại đã thấy bạn bè mình ở tuốt dưới xa ngước lên thèm thuồng.

*

Nhưng cũng chính vì vậy mà mới đâm ra cớ sự. Một tối, sau khi đã bật nhang và đèn cầy điện trên bàn thờ, đặt lên đó một dĩa trái cây mới mua ngoài chợ theo thói quen, Diễm bỗng buột miệng:

‘Anh à! Mình để hoài bức tượng đó coi quê quá đi.’

Khi người ta buột miệng nói một điều gì, thì điều ấy luôn từ tiềm thức trồi lên, không gạn lọc, không sửa chữa. Nhưng vì vậy, thường làm người khác mích lòng.

Thuận cũng không thoát khỏi những qui luật trần tục như thế. Anh đỏ mặt nạt ngang:

‘Bậy nào! Tượng để bàn thờ đâu có phải muốn thay là thay như thay áo được đâu.’

‘Hôm qua con Hồng nó sang đây chơi, nó nói với em: trong nhà mày cái gì cũng xịn, chỉ có cái bàn thờ là đồ mã.’

‘Em mà nghe nó có ngày bán lúa giống mà ăn. Con quỉ ấy lúc nào cũng muốn kê mỏ vô chuyện người khác.’

‘Thì em đã nói với nó là thời này ai cũng chơi nhang điện, đèn cầy điện hết. Bên nhà con Bé Tư chồng nó còn mua thêm cái timer có vô chương trình sẵn, tới mồng một và rằm là tự động bật đúng từ sáu giờ sáng đến chín giờ khuya, em thấy nó cũng tiện. Hay là mình mua một cái để khỏi mất công coi ngày…’

‘Anh thì anh để nhang đèn tối ngày sáng đêm hoài, khỏi mất công tắt.’

‘Ðể như vậy nó giống nhà Tàu lắm. Mà coi nó u ám làm sao ấy. Nhưng thôi. Con Hồng nó nói với em là mày có cái nhà đẹp, đồ chưng toàn thứ xịn, chỉ có cái bàn Phật chớp đèn xanh đỏ là không giống ai.’

Cũng bằng chừng đó ý, nhưng lời nói được thêm mắm dặm muối đã trôi được một nửa. Thuận buông xuôi:

‘Vậy em tính làm sao?’

‘Em đã nói với con Hồng thấy có tiệm nào bán tượng lớn mà đẹp thì kêu mình đi coi. Không chừng để hè này mình về nhờ dì Ba dỉ coi mua giùm cho mình, bằng không mình ghé Hồng Kông hay Ðài Loan gì đó mua một cái. Tượng Phật mà mua tận gốc chắc chắn phải đẹp hơn đồ nhái lại anh há.’…

*

Thế là một ngày kia, sau khi bức tượng Phật mới đã được thỉnh lên bàn thờ cùng một bữa cỗ chay mời bạn bè, vợ chồng Thuận và Diễm trịnh trọng mang bức tượng có phần số hẩm hiu đến gặp thầy trụ trì ngôi chùa hai người thỉnh thoảng vẫn đến thăm vào những ngày rằm chính.

Diễm bàn với chồng:

‘Ðể lần này em cúng trước một trăm đồng thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, đầu xuôi rồi thì đuôi lọt được ngay.’

Thuận tiếp bằng bản nhạc ruột:

‘Ừ thì em muốn làm gì đó thì làm.’

‘Nhưng anh phải cất cái bản mặt hâm của anh đi, ra đường họ thấy họ lại nói em ăn hiếp chồng.’

‘Ừ thì em tính làm sao đó thì tính, miễn là đừng để mình phải mang cái tượng về thì không ra cái gì cả.’

Anh chàng bồi thêm một phát: ‘Sao em không xem bạn bè ai cần thì cho họ, khỏi phải mất công tính tới tính lui xem cúng một trăm hay cúng năm chục như mọi lần.’

‘Em đã hỏi mấy con bạn rồi. Nhưng đứa nào cũng có bàn thờ, không thờ Phật thì thờ Chúa. Ai mà vượt biên lọt cũng phải vội vàng lập bàn thờ tạ ơn. Còn mấy gia đình bên Tiệp mới chạy sang tị nạn thì em không biết, nhưng anh đừng có láng cháng qua bên đó, mấy đứa bạn anh họ thấy họ đồn tùm lum lên thì tiệm mình có nước dẹp.’

Vợ chồng anh tiếp tục lái xe, không nhìn lại phía sau. Trên băng nệm pho tượng nằm lăn lóc. Nếu tình cờ ngoái lại, may ra họ chỉ thấy pho tượng tủi thân chảy nước mắt. Ðọc tới đây có lẽ bạn sẽ nghĩ như vậy, nhưng từ xưa tới nay người ta chỉ thấy tượng Mẹ Maria chảy nước mắt. Bằng nước mắt, nỗi đau của con người được cất đi. Nhưng nỗi đau trần thế cũng giảm khi con người biết mang nụ cười vào đời. Pho tượng Phật tắt hào quang néon thấm tư tưởng này, đã mỉm cười ở yên trong tư thế tòa sen trên suốt khoảng đường dài, mặc cho xe dằn, bỏ ngoài tai những lời toan tính trần tục.

*

Cũng may mọi sự xảy ra dễ dàng hơn hai vợ chồng đã nghĩ. Thầy trụ trì nhìn hai vợ chồng trẻ rón rén đặt pho tượng lên bàn, nhỏ nhẹ nói:

‘Con đừng nên câu nệ tượng lớn tượng nhỏ. Phật ở trong tâm. Tượng chỉ là phương tiện, là một phần nhỏ trong Tam Bảo…’

‘Nhưng thầy nghĩ coi. Chúng con ở căn nhà rộng rinh, tượng nầy nhỏ quá để trên bàn thờ huốt trong một góc không ai thấy hết. Thầy tính coi,’ chị van nài. ‘Nếu thầy để bức tượng nhỏ chút xíu trên bàn thờ trong chánh điện thì nó chướng mắt lắm, mà người ta thấy tượng nhỏ họ lại nói tới nói lui…’

Phải nói miệng lưỡi đàn bà… Chỉ một câu từ tốn đã dồn vị tăng mười mấy năm tu luyện đến một tình thế khó xử. Hoặc giả trên con đường tu tập không có những khóa học dậy cách đối phó với những mánh khóe điên đảo ngoài đời. Thầy ngần ngừ trước một tình thế nan giải, trước một nan đề chưa ai đặt ra với thầy. Bởi vì, khi mới nghe ban trị sự bắn tin khởi công khơi mở lại cảnh chùa lớn hơn và có ngăn nắp hơn, một Phật tử mộ đạo đã khẩn khoản xin thỉnh cả một bộ ba tượng cũ của chùa, Phật Thích Ca, Quan Âm và Địa Tạng, để mang về giữ làm kỷ niệm. Ðổi lại, gia đình đó đã chịu một nửa kinh phí mua và chở bộ tượng mới, thếp kim nhũ, đặt thợ làm từ Hồng Kông, chưa kể một mâm sen Bạch Ngọc đem thả xuống hồ.

Tội nghiệp cho Thuận và Diễm. Họ chưa có gì để nổi tiếng ngoài mấy món đồ ăn vặt bán cho một dúm khách bụng bự quen ăn quà chợ. Bức tượng của họ, vì thế, giá cũng chẳng hơn được lũ tượng đất nung sờn sứt bày ngoài chợ đồ cũ bao nhiêu.

Cũng may bác Thọ, ông già lụm cụm, người giữ việc coi sóc ngôi chùa, làm những chuyện lặt vặt tình nguyện như nhổ cỏ, thổi cơm… đang ngồi tiếp nước, đã nhanh trí đỡ lời:
‘Thôi nếu hai cháu đã thỉnh tượng mới rồi thì cứ để Phật ở đây,’ bác nói một cách thành kính như sợ phạm thượng. ‘Ðể bác hỏi những người mới đến quy y, thế nào cũng có người cần.’

Vợ chồng mừng rỡ cám ơn, ríu rít dắt nhau ra về. Xe chưa khuất, thầy trụ trì đã cau mặt nhìn bác quản chùa:

‘Bác nhận như vậy rồi cất chỗ nào đây?’

Thầy đang nghĩ đến chuyện trong tương lai không khéo Phật tử khi nghe chuyện này đồn ra, họ sẽ dùng ngôi chùa làm chỗ tống khứ đồ tế tự thì thật phiền. Bác Thọ đoán được ý thầy, thưa:

‘Chuyện đó để con tính. Thầy khỏi lo. Con cất nó dưới nhà hậu, chừng có dịp tuần chay thế nào cũng có người hỏi…’

*

Tuy thế bức tượng để trong nhà kho chùa đã trải qua mấy mùa Phật Ðản, Vu Lan, rồi mấy bận rằm tháng giêng, tháng mười trôi qua không ai thăm nom đến. Cho tới một hôm, tình cờ trong câu chuyện sau buổi lễ cầu siêu, các bà từ chuyện đạo nhảy sang chuyện đời, so sánh đạo Phật với đạo Thiên Chúa. Một bà hỏi bác Thọ vì sao thầy không làm phép hôn phối như cha sở nhà thờ. Nghe bác hỏi tới, bà kể:

‘Tôi mới làm đám hỏi cho con bé nhà tôi, bên đàng trai họ tính năm tới thì rước dâu. Tôi chỉ muốn chúng nó cưới sớm chừng nào hay chừng nấy. Nếu bên Phật mà mấy thầy cũng chịu đi làm phép cưới, tụng kinh cho bọn trẻ thì nói gì nó chẳng nghe. Tôi chỉ sợ chúng nó hư, thời này mới nứt mắt chưa gì đã ngủ với nhau.’

‘Nhưng còn hơn để thằng rể tương lai của bà đi ngủ lang rồi sau này đổ bệnh cho con vợ nó,’ bà bạn ngắt lời.

Bác Thọ bỗng trực nhớ ra pho tượng Phật bỏ lăn trong hậu liêu. Ðược dịp, bác nói:

‘Trong chùa có cái tượng Phật của một Phật tử để lại cho chùa giữ. Chị có muốn thỉnh thì nói với thầy một tiếng.’

Bác dắt bà tín chủ xuống gian nhà ngang cất bên hông chùa, bên trong lỉnh kỉnh đồ làm vườn chung lộn với đồ nấu tiệc. Chiếc hộp carton được mang xuống, nét chữ bằng mực bút nỉ bên ngoài còn nguyên như mới: ‘Tượng Phật.’ Bác mở hộp, kính cẩn lấy pho tượng ra, se sẽ thổi bụi và đưa cho bà nọ:

‘Bà về lấy nước chùi lại là nó sạch bóng như mới liền. Của hai vợ chồng ông đó, nhờ có bức tượng mà họ ăn nên làm ra…’

‘Sao họ không giữ mà lại cho đi?’ bà kia ngần ngại hỏi.

‘Họ không ở đây nữa,’ bác Thọ nói, dường như vì thấy kết quả sắp tới bác đã quên cả giới thứ tư. ‘Mà thường thì khi người ta thành công rồi lại hay quên ơn người đã giúp. Ðời mà chị.’

*

Thế là pho tượng đã có chủ mới. Thùng phước sương cũng được lót thêm ít tờ bạc. Bác Thọ mừng rỡ. Chiều đó bác định làm một món gì ngon dâng thầy, nhưng cả đời bác chỉ quay trong vòng dăm bảy món: hết đậu hũ kho tương chung với cà rốt, mì căn xào măng thì tới canh trái su bắp cải. Ðồ chay khó làm tiệc hơn đồ mặn. Thế là bác đành quay lại bản cũ: một đĩa gỏi chay, một tô canh cà rốt củ cải và một ơ nhỏ dăm miếng tàu hũ chiên, kho với đu đủ xanh xắt quân cờ. Hai thầy trò im lặng ăn, mùi hương phảng phất từ chánh điện đưa xuống dẫn cả hai tâm hồn theo ngõ của ý. Bác Thọ tưởng đến nét hớn hở của bà khách khi mang bức tượng đến nhà cậu con rể tương lai, như một thứ bùa trấn yểm, để những chuyện bậy bạ ngoài ý muốn của bà sẽ không xảy ra. Còn vị đại đức. Ông đang suy tư về những hệ lụy giữa đạo và đời, hai phạm trù cần nương tựa vào nhau, không thể tách lìa. Cũng như ông và bác Thọ. Cả hai đều cần đến nhau. Không có ông, chắc bác Thọ giờ này đang quay cuồng theo những toan tính người trần. Không có bác Thọ, chắc giờ ông cũng vẫn còn tiếp tục ngồi thiền trên căn gác nhỏ, cả chuông lẫn mõ đều phải ngậm giẻ tránh làm phiền hàng xóm. Chân lý mầu nhiệm nhưng đơn giản ấy, giờ như mới thấm vào tâm của vị sư già.

Chỉ riêng pho tượng trên đường về chỗ mới vẫn nguyên vẻ hồn nhiên, nụ cười muôn thuở vẫn như dạo nào, không thay đổi, dù chỉ một nét nhỏ.

Nguyễn Hiền

Bài diễn văn của Nữ sĩ Trương Anh Thụy nhân ngày Lễ Tưởng Niệm Nhị Vị Trưng Vương

Kính thưa quý trưởng thượng

Kính thưa quý quan khách

Kính thưa các chị em phụ nữ,

Năm nay là năm thứ 42 kể từ cuộc di tản 1975. Riêng ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tôi được biết chính xác là cộng đồng chúng ta đã tổ chức lễ tưởng niệm Nhị Vị Trưng Vương tới 40 lần, tức là kể từ năm 1978 khi người Việt tỵ nạn còn chưa hẳn đã an cư lạc nghiệp.

Buổi lễ kỷ niệm Hai Bà lần đầu tiên tại vùng Hoa Thịnh Ðốn đã được tổ chức trọng thể tại Trung Tâm Cộng Ðồng Việt Nam, lúc bấy giờ tọa lạc nơi khuôn viên trường tiểu học Page thuộc quận Arlington do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sáng lập. Thấy người Việt quần áo chỉnh tề, nhất là các phụ nữ thướt tha trong áo dài muôn sắc, hớn hở rủ nhau về dự lễ, báo chí Mỹ trong vùng không khỏi lấy làm lạ là cộng đồng chúng ta thời ấy còn phải vật lộn với hoàn cảnh khó khăn trên vùng đất mới, mà đã nghĩ ngay đến việc bảo tồn những mỹ tục như ngày Tết, lễ Hai Bà… Ngày hôm sau buổi Lễ Hai Bà năm đó, đã có ngay một bài dài trên báo Washington Post hết mức ca tụng một sinh hoạt văn hóa phong phú của người Việt.

Ký giả bài báo ngạc nhiên được biết là chuyện Hai Bà đã xẩy ra cách đấy gần 2000 năm, mà những ông già bà cả hãy còn giảng dạy cho con cháu mình nghe như chuyện mới xảy ra và đã có tập tục này tự hàng bao thế kỷ, có lẽ cũng từ ngày chúng ta lấy lại được độc lập từ tay người Tầu. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cũng lấy ngày lễ đó làm “Ngày Phụ Nữ Việt Nam.” Một ngày lễ dành riêng cho phụ nữ như thế đã không có trong nước Trung Hoa phong kiến khi họ còn đặt nặng vấn đề trọng nam khinh nữ. Về phương diện này, không những ta đi trước Trung Hoa, mà nếu tôi không lầm, ta còn đi trước cả các nước Tây phương hàng thế kỷ. “Women’s Day” ở Mỹ mới có từ năm 1909, và Hội nghị Thế Giới Phụ Nữ lần thứ năm mới chỉ xẩy ra vào mùa thu năm 1995 ở Bắc Kinh.

Người Mỹ đã học được ở buổi Lễ tưởng niện Hai Bà những gì?

– Thứ nhất là địa vị rõ ràng bình đẳng của phụ nữ trong truyền thống Việt Nam.

– Thứ hai là việc duy trì truyền thống tôn vinh các vị anh thư, anh hùng của chúng ta đã giúp cho dân tộc Việt Nam là một dân tộc sống có ơn có nghĩa, biết ngọn, biết nguồn, để còn truyền dòng máu đó từ thế hệ này đến thế hệ khác, tự ngàn xưa cho đến ngàn sau.

Riêng chúng ta nhớ được gì về Hai Bà?

Nhiều người và cũng có một số sử gia, nghĩ là công trạng hai Bà chỉ có mỗi điều đáng nhớ, đó là đuổi được quân nhà Hán ra khỏi bờ cõi nước ta để dựng một cơ đồ kéo dài không đầy ba năm trời. Song nếu một cuộc kháng chiến kéo dài có ba năm mà không để lại một dấu ấn hào hùng làm gương sáng cho hậu thế thì chưa chắc đã dài lâu đủ để có thể ghi vào tâm khảm của người dân, so với những cuộc kháng chiến bền bỉ hơn thế nhiều, như các cuộc kháng chiến chống Tầu thời Nhà Lê hay ngay như của Hoàng Hoa Thám–Con Hùm Xám Yên Thế–chống Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 chẳng hạn…

Thực vậy, trường hợp Hai Bà đặc biệt ở chỗ là chỉ trong vòng không đầy nửa năm mà Hai Bà đã thu phục được 65 thành trì trên toàn cõi đất nước thu cả giang sơn về một mối, gieo khiếp đảm vào trong lòng những binh lính chuyên nghiệp, hung hãn của nhà Hán. Điều đó chứng tỏ rằng, người Việt thời bấy giờ đã nhìn ra rất rõ bản sắc dân tộc của chính mình để mà vùng lên lấy lại chủ quyền quốc gia dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà. Lịch sử đã chứng minh được rằng trong những người theo về với Hai Bà không những chỉ có đàn ông dũng tướng mà còn không thiếu những gương phụ nữ sau này lừng danh cho đến nghìn năm sau để giờ đây còn được thờ phượng không những ở các vùng đồng bằng miền Bắc mà còn ở các miền Trung du. Theo nhà văn Trần Ðại Sỹ, người đã từng đi khảo sát trên thực địa ở miền Nam Trung Hoa thì Hai Bà còn được thờ tận gần Ðộng Ðình Hồ, bên Tầu. (Xin xem bộ Anh Hùng Lĩnh Nam của Yên Tử Cư Sĩ.)

Sau khi đuổi được quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, Hai Bà đã dựng lên một triều đình ở Mê Linh, mà cái lạ lùng nhất, có lẽ không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, là chị em đã cùng lên ngôi Nữ Vương, đồng trị vì đất nước.

Sở dĩ Hai Bà đạt được những kết quả to lớn trên, là do Hai Bà có được một nhân cách lớn, một tâm hồn dũng liệt của bậc cân quắc anh hùng. Hai Bà đã vượt được lên trên cái “Nữ nhi thường tình”, không chỉ trau dồi “Công, dung, ngôn, hạnh” mà còn lo toan mưu đồ việc lớn vì quan niệm việc cứu dân cứu nước ra khỏi ách cai trị của ngoại bang là việc chung, trai cũng như gái. Ở đây tôi phải xin mở một dấu ngoặc: “Các câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các nữ tướng khác được một số sử gia trích dẫn để làm bằng chứng cho luận điểm rằng xã hội Việt Nam trước khi bị Hán hóa là một xã hội mẫu hệ (hay còn gọi là chế độ mẫu hệ), trong đó phụ nữ có thể giữ vai trò lãnh đạo một cách rất tự nhiên mà không gặp một trở ngại nào.

Chúng ta sẽ đừng bao giờ để bất cứ ai, kể cả các sử gia, nhà văn, nhà thơ, nhà báo nhà giáo… nói rằng Hai Bà nổi lên đánh đuổi quân Tầu là để trả thù cho chồng bà Trưng Trắc là ông Thi Sách bị Tô Ðịnh, tên thái thú Tầu gian ác giết đi. Hãy đừng bị choáng ngợp bởi các sử gia tiền bối như sử gia Lê Ngô Cát từ thời vua Tự Đức (cuối thế kỷ18) viết về Hai Bà trong cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca với những câu như:

“Hồ Tây đua sức vẫy vùng,

Nữ nhi chống với anh hùng được nao.”

Thật là sặc mùi trọng nam khinh nữ đến độ coi cả giặc là anh hùng, coi Hai Bà chỉ là “nữ nhi.”

Chúng ta đừng quên Hai Bà là con gái quan Lạc Tướng. Từ thuở nhỏ, nào đã biết ông Thi Sách là ai, Hai Bà đã được thân phụ huấn luyện binh khí để nối dõi binh nghiệp của cha. Nếu không phải vì lòng yêu nước, nếu không phải vì ôm ấp lý tưởng sẽ có một ngày đánh đuổi quân Tầu xâm lược để giải cứu quê hương thì tại sao Hai Bà lại chịu khó tập luyện để rồi khi có biến là Hai Bà đã sẵn sàng nổi dậy trong chớp nhoáng. Rõ ràng là việc ông Thi Sách bị giết chỉ là một cái cớ, một cao điểm, khiến Hai Bà không còn phải chần chờ gì nữa mà quyết định dấy binh vào ngay lúc đó.

Bài học cho chúng ta ngày hôm nay là gì?

Nhìn lại 42 năm về trước, sau “cơn sóng thần” năm 1975 trên đất nước chúng ta, tất cả mọi sự đều đảo lộn ập xuống đầu mọi người con dân Việt, khiến cho người ra đi, kẻ ở lại đều xếch vếnh sang vang như nhau, mà trong đó giới phụ nữ vốn chân yếu tay mềm bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Kẻ ở lại thì trực diện cảnh trả thù đê tiện của “bên thắng cuộc”, lặn lội núi cao rừng sâu đi tìm chồng tù tội, nuôi mẹ già, con dại trong cảnh kỳ thị o ép…  Kẻ ra đi đến được thế giới tự do thì cũng phải trải qua bao nhiêu thử thách, cấp tốc thích nghi với đời sống mới, văn hóa mới, ngôn ngữ mới… cố gắng học được một tay nghề, dù có nhiều trường hợp chẳng cả hợp với khả năng của mình, miễn sao có tiền nuôi con cho ăn học. Có khi còn làm ngày làm đêm để có thêm tiền gửi về bên nhà nuôi chồng, nếu còn ở trong tù, nuôi mẹ, anh chị em nếu còn bị kẹt ở lại!

Vậy mà chỉ chưa đầy 5 năm, 10 năm, 20 năm… cho đến nay là hơn 40 năm nhìn lại, chúng ta thấy gì? Thế giới thấy gì? Không còn nghi ngờ gì nữa, các mầm non mà chúng ta mang ra với thế giới bên ngoài đại đa số là những phần tử ưu tú. Có biết bao nhiêu con em chúng ta nổi bật giữa giới trẻ bản xứ ở mọi ngành nghề, văn chương, nghệ thuật, y khoa, dược khoa, luật khoa, kinh tế, chính trị…  thậm chí đến cả thể thao, quân sự, khoa học…  Hai mươi, ba mươi năm trước khi có dịp nói đến tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại tôi còn kê ra được một danh sách dài, tới nay thì vô phương, không nhẽ tôi đứng đây suốt buổi để nêu danh các cô cậu Việt Nam xuất sắc, mà vẫn lo rằng còn có thể thiếu sót!

Nói đến phụ nữ Việt Nam mà không nói gì đến phụ nữ Việt Nam bên nhà thì thật là một thiếu sót lớn. Nhưng nếu phụ nữ hải ngoại tạo được những thành tựu lẫy lừng làm vẻ vang dân Việt thì ở bên nhà sau hơn 40 năm cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, đã đưa cả nước vào cảnh bần cùng khốn khó thì phụ nữ bên nhà trong cái guồng máy khổng lồ đó gánh chịu hậu quả thê thảm hơn so với nam giới nhiều lắm, thế mà trong cái tình trạng tuột dốc chóng mặt đó, vẫn có những phụ nữ, những em gái, cháu gái ở cả lứa tuổi rất trẻ đã ý thức được trách nhiệm của một công dân trong cơn “sơn hà nguy biến”, đã can trường đứng lên ngay giữa lòng địch, bất chấp sự đàn áp dã man, vô nhân tính của cộng sản để mà kịch liệt phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc và sự bán nước của tập đoàn lãnh đạo. Người bị tù đầy với những bản án rất nặng, người bị đánh đập dã man trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Cũng có những bà mẹ tự thiêu để phản đối việc con gái bà bị tù đầy oan khuất. Có những phụ nữ kiên trì hết năm này đến năm khác, làm dân oan khiếu kiện đòi đất, đòi nhà…  Có các nữ công nhân quả cảm tổ chức và tham gia biểu tình, đình công… phản đối sự bất công, bóc lột của chủ ngoại quốc và sự đồng lõa bao che của chính quyền mình. Cái danh sách của các vị anh thư này cũng lại quá dài khiến tôi không thể kê hết ra ở đây được.

Tất cả những tinh thần cầu tiến, những tinh thần bất khuất đó ở đâu mà ra nếu không phải là do tinh thần Hai Bà tác động lên mỗi người con dân Việt? Nếu có dịp thử DNA tôi tin dám có thể mỗi chúng ta đều có DNA của Hai Bà!

Kính thưa quý vị,

Hôm nay là ngày mùng 4 tháng 2 tại đây, nhưng là mùng 5 tháng 2 tại quê nhà. Ngày hôm nay, cùng giờ này, tại quốc nội đang có cuộc biểu tình ôn hòa, đồng khởi từ Nam ra Bắc của những người con dân Việt yêu nước, của các nhà dân chủ tranh đấu phản đối quân tham tàn Trung Cộng đang manh tâm dần dần thôn tính nước ta, với sự đồng lõa, hèn với giặc ác với dân, của đảng cộng sản Việt Nam bán nước, đang tâm đàn áp dân mình để tiếp tay cho các hành vi bất chính của giặc.

Cuộc chiến không cân sức, lấy trứng trọi đá này của đồng bào quốc nội thật là cam go, thật là nguy khốn, nhưng với lòng yêu nước sôi sục, với ý chí quật cường được hun đúc bởi các anh hùng liệt nữ như Hai Bà Trưng, bà Triệu, như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, như Cô Giang, Cô Bắc thời nay…v…v… thì chúng ta hãy tin là cuộc chiến này cũng sẽ phải đem đến thành công.

Hôm nay nhân ngày Lễ Hai Bà, xin quý vị hãy cùng chúng tôi hướng về Quê Hương Việt Nam yêu dấu, thành tâm cầu nguyện Hai Bà phù hộ cho các Con Cháu chân cứng đá mềm để cuộc chiến trường kỳ này và đặc biệt cuộc biểu tình toàn quốc đang diễn ra tại đây mang được cái tinh thần, cái hào khí của một Hội Nghị Diên Hồng, một vùng Mê Linh ngời sáng, một Trận Đống Đa, một trận Bạch Đằng…vv…  để giải thể được đảng cộng sản bán nước, và đuổi được bọn Trung Cộng tham tàn độc ác ra khỏi lãnh thổ của Tổ Tiên để lại, hầu cứu được toàn dân thoát khỏi ách Bắc thuộc một lần nữa./.

TRƯƠNG ANH THỤY

Tiểu sử Trương Anh Thụy:

Sinh tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, học trường nữ trung học Trưng Vương 54-56, du học tại Hoa Kỳ 1961, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ với chồng và con. Có một thời gian dài được sống với thân phụ là họa gia thủy mạc Tá Chi Trương Cam Khải và thân mẫu, nữ sĩ Kim Y Phạm Lệ Oanh. Cả hai cụ đã khuất núi từ cuối thế kỷ XX.

Được huấn luyện trong ngành sư phạm, bà đã theo đuổi trong nghề dạy học cho đến ngày về hưu. Bên cạnh đó, bà đã đóng góp, từ trước 1975, vào các công tác từ thiện, xã hội trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Đồng sáng lập hội từ thiện Vietnam Refugee Fund, Inc. (1975). Chủ tịch chi nhánh vùng Hoa Thịnh Đốn của Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat Poeple S.O.S. Committee), trụ sở chính ở San Diego (California); tiếp nối là một trong những người sáng lập Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS, Inc., Virginia), tại đây bà làm Chủ tịch Ban Quản Trị đầu tiên trong nhiều năm.

Trương Anh Thụy lập ra nhà xuất bản Cành Nam năm 1984. Năm sau cùng với Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ và Nhóm Xác Định lập Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ. Cơ sở xb này còn hoạt động cho đến ngày hôm nay (2014).

Bà cộng tác với nhiều báo chí ở hải ngoại và đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhiệm kỳ 1991-1993, thời nhà văn/nhà thơ Trang Châu làm Chủ tịch.

Thơ của Trương Anh Thụy đã được dịch sang tiếng Anh do GS. Nguyễn Ngọc Bích (trong War & Exile, A Vietnamese Anthology, Vietnamese P.E.N., East Coast U.S.A., 1989; Trường Ca Lời Mẹ Ru – A Mother’s Lullaby, Cành Nam, 1989) và GS. Huỳnh Sanh Thông (An Anthology of Vietnamese Poem, New Haven: Yale University Press, 1996). Bà được giới thiệu trong tuyển tập “20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” (Đại Nam xb 1995), cũng như trong từ điển Tác Giả Việt Nam / Vietnamese Authors do Lê Bảo Hoàng sưu tập (Sóng Văn, 2005). GS. Nguyễn Đình Hòa cũng đã điểm sách cuốn “Trạm Nghỉ Chân” trong World Literature Today của Đại Học Oklahoma (1994).

Nhiều bài thơ của Trương Anh Thụy đã được Nguyễn Ngọc Bích phổ nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành cũng đã phổ bài “Đêm mơ thấy Hai Bà mắng” và “Hình ai” trong <danchuca.org>.

Sự nghiệp văn học của Trương Anh Thụy được nhắc đến trong The Oxford Companion to Women’s Writing in the United States (Oxford University Press, 1995), và được giới thiệu trên những diễn đàn như tạp chí Indochina Chronology (tháng 7-9, 1990) cũng như tại hội nghị quốc tế hằng niên của Hội Á Đông Học (Association of Asian Studies, 25-28 tháng 3, 1993).  

Tác phẩm đã xuất bản:

Của Mưa Gửi Nắng (Thơ, 1984), Trường Ca Lời Mẹ Ru (Kèm theo bản dịch Anh ngữ của Nguyễn Ngọc Bích và 30 bức minh họa của hoạ sĩ Võ Đình, 1989), Trạm Nghỉ Chân (tập 1 trong trường giang Chuyển Mùa, 2004), Ánh Mắt (tập truyện, 1998), Chuyển Mùa (bộ trường giang tiểu thuyết) đã đoạt Giải Văn Học 2004 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do

 

Nằm Mơ Thấy Hai Bà Mắng

Trương Anh Thụy

Mây vần vũ…
Từng mảnh trời tan tác
Đất chuyển mình, cây vật vã ngả nghiêng
Cả thành phố trôi theo nước lũ
Người mơ màng trong giấc thụy miên…

Giữa đêm tối…
bỗng hào quang sáng tỏa
xé màn đen chói lóa… lan tràn…
Ngước nhìn lên…
Ô kìa! Trưng Nữ!
Tuốt gươm trần chỉ xuống nhân gian…

Tôi quỳ lạy cầu xin ân sủng:
Xin ban cho quốc thái dân an
Xin cho được dân giầu nước mạnh
Xin cho con cháu hết cơ hàn…

Vẳng trong gió vang rền ngàn dặm
Lệnh Hai Bà rành rẽ, uy nghi:
“Đừng van vái, đừng chờ phép lạ
Đừng ù lì, yếu đuối, sầu bi…

Đừng dựng miếu, trầm hương nghi ngút…
Đừng năm năm tế lễ linh đình
Mở mắt nhìn cảnh nước điêu linh!
Triệu triệu dân lành oan khiên đói khổ…
Dân khiếu kiện dài hàng cây số
Tiếng kêu than lên tận cổng Trời
Cụ già, trẻ thơ giữa màn trời chiếu đất,
lửa tự thiêu… vẫn lạnh giá tim người!

Phải can đảm nhìn vào quốc nhục!
Có nước nào như nước ta không?
Người yêu nước bị trói tay bịt miệng
Kẻ hại dân tạo tác thong dong
Cấp lãnh đạo giả câm giả điếc
tiếp tay, bao che, kéo bè, cấu kết
bọn cướp ngày vơ vét, tham ô…

Kẻ vô thần cậy quyền cậy thế
Vây chùa, giam hãm, trù rập thầy tu
Chiếm đất nhà thờ, đánh con chiên tàn tệ…
Đạp giống Rồng Tiên xuống loài giun dế,
đem gái Lạc Hồng rao bán khắp năm châu
cho ngoại nhân làm đĩ điếm, nàng hầu…
Mặc sức bạo hành, ép o, ngược đãi…

Kẻ nào chê thời xưa phong kiến,
đẩy nàng Kiều vào chốn lầu xanh?
Nay chế độ “triệu lần tốt đẹp,”
bọn buôn người gặp đất nẩy sinh!
Kẻ nào nói thương dân, xót nước?
Kẻ nào rao “hạnh phúc,” “ấm no?”
Lại kiên định giữ độc tài, độc đảng,
triệt tiêu mầm dân chủ tự do?

Xén đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp
bọn quân Tầu bành trướng tham lam…
Họa mất nước, họa san bằng, diệt chủng…,
đeo đuổi ta hoài… ác mộng không tan

Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!
Giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt, giặc ngu…
Giặc ngoại xâm, giặc nội thù gian ác
đầy đọa toàn dân trong giếng thẳm, ao tù…

Noi gương sáng bao đời xưa nữ kiệt
rửa phấn son đi gìn giữ non sông
Và thời nay bao tấm lòng son sắt
gánh gạo nuôi chồng khi vận nước suy vong
đã chứng minh hùng hồn cho thế gian đều biết
rằng cánh tay mềm chống nổi trận cuồng phong.

Tuổi trẻ ơi!
Lắng nghe non nước gọi!
Hãy ngẩng cao đầu, gánh nợ nước đi thôi!
Một chiếc đũa rời, dễ dàng bẻ gẫy
Một bó nguyên hình, sức mạnh tất lui

Đưa bàn tay từ năm châu bốn bể
Tìm bàn tay từ tổ quốc xa xăm
Triệu triệu con tim đập theo một nhịp
Nhịp kiêu hùng, nhịp hải triều âm

Đem sở học chung lưng xây đắp
Đem lòng nhân cứu lấy giang san
Cho thế giới nhìn vào nể trọng
một Việt Nam, cường quốc ngang hàng

Ghi ơn Quốc Tổ có công dựng nước,
Đền đáp hy sinh để lại nghìn sau
của hàng triệu anh hùng liệt nữ
trên biển, trên sông, trên đường đi viễn xứ…
trên sa trường xương rãi trắng phau.

Đứng dậy đi!”
Tôi lại nghe tên gọi.
“Đừng kêu nài, kể khổ, than van…
Đừng hoài nghi, nặng đầu bao dấu hỏi
Đừng ươn hèn, ích kỷ, cầu an…

Đừng khiếp nhược trước gian tham tàn bạo
Đừng chùn chân sợ chó xủa bên đường
vì bước chông gai dù kéo dài vạn lý
có tám mươi triệu người từ khắp nẻo quê hương…
Bỗng có người lay vai réo gọi
Tỉnh cơn mê, tiếc nuối, bồi hồi…
Mặt trời lên tưng bừng chói lọi
Dáng Hai Bà còn đậm nét trong tôi…

Trương Anh Thụy

Bài Học “Thoát Nga” của Lithuania

Trần Trung Đạo

(Nhân ngày giỗ đầu của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, 3-3-2017)

Cách mạng dân chủ được viết bằng xương máu của những người đã đổ xuống trong thời điểm lịch sử nhưng giữ được lâu dài nhờ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa vào tương lai đất nước.

Người viết đã có dịp giới thiệu tầm nhìn của một số chính khách như Nelson Mandela, Mustafa Kemal Atatürk v…v… Lần này xin giới thiệu Tiến sĩ Vytautas Landsbergis, giáo sư âm nhạc và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Cộng Hòa Lithuania sau Cộng Sản.

Vytautas Landsbergis là một tấm gương soi, một bài học quý giá về tầm nhìn đất nước, nhất là các nước nhỏ phải tồn tại và vươn lên bên cạnh một nước lớn đầy tham vọng. Người dân Lithuania gọi Vytautas Landsbergis là con người định hướng đi cho đất nước.

Vytautas Landsbergis và phong trào Sajudis

Giáo sư Vytautas Landsbergis sinh ngày 18 tháng 10, 1932 tại Kaunas, Lithuania. Ông tốt nghiệp Học Viện Âm Nhạc Lithuania năm 1955 và năm 1969 ông trình luận án Tiến sĩ Âm Nhạc. Từ năm 1978 đến năm 1990 ông là giáo sư âm nhạc tại Học Viện Âm Nhạc Lithuania và Đại học Vilnius Pedagogical. Giáo sư Vytautas Landsbergis là một trí thức nổi bật trong Phong trào Sajudis được thành lập năm 1988 với mục đích tối hậu là đưa Lithuania ra khỏi xích xiềng Cộng Sản Liên Xô. Ông được bầu làm chủ tịch của phong trào.

Phong trào bắt đầu bằng những hoạt động phi chính trị như yêu cầu ngưng xây dựng nhà máy hạt nhân, ủng hộ các cải cách văn hóa, xã hội, kinh tế của Mikhail Gorbachev. Nhóm bắt đầu chỉ với 35 thành viên, phần đông là văn nghệ sĩ, một số trong nhóm từng là đảng viên đảng Cộng Sản Lithuania. Phong trào Sajudis tổ chức nhiều cuộc tập hợp lớn, trong đó có buổi tập hợp với hàng trăm ngàn người tham dự đánh dấu ngày Hitler và Stalin ký kết Hiệp ước Molotov-Ribbentrop Pact cưỡng chiếm ba nước nhỏ vùng Baltic trong đó có Lithuania.

Phong trào Sajudis mỗi ngày thêm lớn mạnh và được sự ủng hộ của dân chúng. Đảng CS Lithuania bị cô lập dần và cuối cùng đồng ý từ bỏ độc quyền cai trị. Cuộc bầu cử quốc hội tự do được tiến hành vào tháng 2, 1990 và Phong trào Sajudis chiếm được 101 trong số 141 ghế đại biểu quốc hội. Thời kỳ đó Lithuania chưa bầu tổng thống hay đề cử thủ tướng. Vytautas Landsbergis được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội và theo hiến pháp tạm thời, ông là Chủ tịch của Hội Đồng Tối Cao và được xem như Quốc trưởng của Cộng Hòa Lithuania vừa được hồi sinh.

Professor Vytautas Landsbergis

 Tháng 3, 1990, Lithuania tuyên bố độc lập. Nhiệm vụ lịch sử của Phong trào Sajudis được xem như hoàn thành. Các thành viên của phong trào, có người ở lại, có người ra đi, có người thành lập các đảng phái tổ chức riêng.

Năm 1993, Vytautas Landsbergis và một số thành viên Phong trào Sajudis thành lập đảng chính trị Homeland Union (Tėvynes Sąjunga). Đảng Homeland Union thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ hai và Giáo sư Vytautas Landsbergis lần nữa là Chủ tịch Quốc Hội nhiệm kỳ 1996-2000. Khi Lithuania gia nhập Cộng đồng Âu Châu năm 2004, ông được bầu vào Quốc hội Âu Châu và được tái đắc cử năm 2009.

Cộng Hòa Lithuania

Sau thời gian nhiều thế kỷ dưới chế độ bộ lạc và phong kiến, Lithuania đoàn kết dưới thời vua Mindaugas năm 1251. Thông qua hôn nhân, một trong những vua sau đó cũng là vua của Ba Lan. Lithuania kết hợp với Ba Lan thành Cộng đồng Ba Lan- Lithuania (Polish–Lithuanian Commonwealth) năm 1569.

Sau hơn hai thế kỷ tồn tại, Cộng đồng Ba Lan-Lithuania tan rã năm 1795 và phần lớn lãnh thổ Lithuania rơi vào tay Nga. Sau Thế Chiến thứ Nhất, Lithuania tuyên bố độc lập và nước Cộng Hòa Lithuania chính thức ra đời ngày 16 tháng 2, 1918. Năm 1922, Hoa Kỳ công nhận Lithuania.

Tháng 6, 1940, sau khi gởi một tối hậu thư ngắn, Liên Xô tiến chiếm Lithuania. Năm 1941, Hitler đánh bật Liên Xô và chiếm đóng Lithuania. Vào giai đoạn cuối của Thế Chiến thứ Hai, Liên Xô phản công Đức và tái chiếm đóng Lithuania, sau đó sáp nhập vào Liên Xô cho đến khi Lithuania được phục hưng vào tháng 2, 1990.

Dân số hiện nay của Lithuania là 2.9 triệu người. Lithuania là hội viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Hội Đồng Châu Âu (CoE) và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng sản lượng nội địa (GDP):  82.4 tỉ Mỹ kim, GDP theo đầu người: 28,359.00 Mỹ kim.

Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về lãnh thổ  

Hôm đó là ngày 29 tháng 7, 1991, hai phái đoàn đại diện hai nước cộng hòa vừa được tái lập, Cộng Hòa Lithuania do Quốc trưởng Vytautas Landsbergis cầm đầu và Cộng Hòa Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Boris Yeltsin, gặp nhau để ký thỏa hiệp công nhận và hợp tác giữa hai nước.

Khi hai bên sắp ký, Boris Yeltsin bỗng chỉ thị các nhân viên phái đoàn Nga rút một câu ra khỏi bản văn của thỏa hiệp trong đó thừa nhận Liên Xô vào tháng 6, 1940 đã sáp nhập Lithuania vào Liên Xô một cách phi pháp.

Vytautas Landsbergis đứng dậy nhìn thẳng Boris Yeltsin và nói “Boris Nikolayevich, ông là một người đứng đắn, chúng ta đã đồng ý với nhau điều đó rồi.” Boris Yeltsin đáp “Vâng, chúng ta đã đồng ý, vấn đề này không bàn nữa.”

Với một người bình thường, sự kiện Lithuania từng bị Liên Xô sáp nhập có thể không còn đáng để bàn. Trước mắt mọi người lịch sử đang bước sang một chương mới, Liên Xô tan rã, cả phong trào CS Đông Âu đang sụp đổ, cộng hòa Lithuania hồi sinh và được hàng trăm quốc gia công nhận. Cả hai dân tộc nên nhìn về tương lai thay vì nhìn lại quá khứ. Nhắc lại chuyện cũ để làm gì.

Nhưng không. Vytautas Landsbergis phản đối Boris Yelstin bởi vì ông là một lãnh đạo nhìn xa trông rộng. Boris Yeltsin, một phần có cảm tình với phong trào độc lập của Lithuania nhưng phần lớn hơn muốn dùng Lithuania để chống Mikhail Gorbachev nên đã đồng ý thừa nhận Liên Xô cưỡng chiếm Lithuania trong lần gặp Vytautas Landsbergis trước đó ở Moscow. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa miệng, không có gì để bảo đảm các nhà lãnh đạo Nga sau này cũng cam kết giống như Yeltsin nếu không có một văn bản được lãnh đạo hai quốc gia cùng ký.

Về mặt quốc tế, Nga cũng thừa hưởng mọi vị trí của Liên Xô đã giữ trước khi sụp đổ như vai trò trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các hiệp ước quốc tế Liên Xô đã ký và chủ quyền lãnh thổ mà Liên Xô đang tranh chấp với các nước láng giềng. Do đó, nếu không có chữ ký của Yeltsin, Lithuania đã vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ và do đó không đủ tiêu chuẩn để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hay NATO. Trong văn khố của Nga vẫn còn các văn bản, dù bất bình đẳng, trong đó chính phủ Lithuania vào năm 1940 đã chấp nhận lệ thuộc vào Liên Xô. Xa hơn, Vladimir Putin có thể cho rằng Lithuania chưa bao giờ chính thức là một nước độc lập mà vẫn là một phần của Đế Quốc Nga như trước Thế Chiến thứ Nhất.

Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về xu hướng chính trị

Hôm đó là ngày 25 tháng 12, 1991. Aleksandr Ivanovich, sĩ quan phụ trách trạm canh Điện Kremlin rời trạm canh đi ăn cơm tối. Khi anh đi lá cờ đỏ sao vàng với hình búa liềm vẫn còn bay trong gió chiều của mùa đông Moscow, nhưng khi anh trở lại và ngạc nhiên khi thấy lá cờ đã bị hạ xuống và thay vào đó lá quốc kỳ Cộng Hòa Nga ba màu trắng, xanh, đỏ vừa được ai đó kéo lên.

Anh Aleksandr không xem TV nên không biết Liên Xô chính thức cáo chung vào lúc 7 giờ 12 phút tối ngày 25 tháng 12, 1991 sau khi Mikhail Gorbachev chấm dứt diễn văn từ chức và quốc kỳ Cộng Hòa Nga được treo trước tòa nhà Hội Đồng Bộ Trưởng lúc 7 giờ 45 phút tối. Không chỉ riêng anh Aleksandr mà nhiều triệu dân Moscow cũng không quan tâm nhiều đến những gì đang diễn ra trên đất nước họ. Ngoài trừ tiếng chuông trên tháp Spassky Tower của Điện Kremlin vang lên báo hiệu một thay đổi lớn, phần đông người dân Nga bàng quan với giờ phút lịch sử của đất nước mình. Không ai hoan hô và cũng không ai đả đảo.

Ngày 25 tháng 12, thật ra, chỉ là ngày trên danh nghĩa, trên giấy tờ và thực tế Liên Xô đã chấm dứt tồn tại ba tuần trước đó tại nhà nghỉ trong khu rừng Białowieża ở Belarussia. Tại đó, đại diện ba nước cộng hòa Nga, Ukraine và Belarus ký hiệp ước tuyên bố giải thể chế độ CS Liên Xô và thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States, gọi tắt là CIS).

Hiệp ước CIS bắt đầu bằng câu khẳng địmh “Liên Xô trên bình diện luật quốc tế cũng như thực tế địa lý chính trị đã ngừng tồn tại.” Các nước Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Gruzia sau đó cũng đã ký vào hiệp ước này, nâng tổng số lên 12 nước thành viên.

Thời điểm khi Liên Xô tan rã là thời điểm vô cùng quan trọng cho 15 nước thuộc Liên Xô để chọn một hướng đi. Họ chỉ có hai con đường để chọn. Gia nhập CIS có nghĩa là chọn đi về hướng Đông hay hướng Nga và từ chối CIS tức chọn đi về hướng Tây hay hướng thế giới tự do.

Vytautas Landsbergis và hai nhà lãnh đạo của Latvia và Estonia từ chối lời mời của Boris Yeltstin để tham gia hội nghị thành lập CIS. Ba quốc gia Latvia, Lithuania và Estonia ngay từ đầu đã không muốn liên hệ trực tiếp hay gián tiếp gì đến Nga và CIS. Thái độ của Vytautas Landsbergis trong thời gian giành độc lập 1990 đã dứt khoát với quá khứ Cộng Sản và lệ thuộc vào Nga dưới bất cứ hình thức nào. Ông chọn hướng đi dân chủ tây phương cho nền cộng hòa non trẻ Lithuania.

Vytautas Landsbergis về cá nhân không có nhiều cảm tình với Anh, Mỹ, Pháp. Trong lịch sử cận đại các cường quốc phương Tây đã hơn một lần bỏ rơi họ. Trong suốt 50 năm, các cường quốc Tây Phương cũng chưa hề công khai lên tiếng tố cáo Liên Xô đã chiếm đóng Lithuania. Sự thật cay đắng đó đến nay vẫn còn được nhắc. Tuy nhiên, cảm tình thương ghét là chuyện của cá nhân, còn hướng đi của dân tộc và thời đại là chuyện của đất nước. Ông đã chọn đi cùng đất nước.

Những bài học đau thương của các thế hệ Lithuania trong thời gian dài lệ thuộc dưới ách cai trị của Đế Quốc Nga là những lời khuyên dành cho Vytautas Landsbergis và các lãnh đạo Baltics biết nên tránh Nga càng xa càng tốt và càng sớm càng tốt. Các điều khoản về bình đẳng quyền hạn và trách nhiệm trong hiệp ước thành lập CIS chỉ có trên giấy tờ. Gia nhập CIS là rơi vào chiếc bẫy bành trướng truyền thống của Nga.

Vytautas Landsbergis và chủ trương “thoát Nga”

Trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28 tháng 9, 1992 Vytautas Landsbergis tố cáo những khái niệm mà các lãnh đạo Nga hay dùng như “biên giới gần” hay “xung đột trong các quốc gia vùng Baltic” vẫn còn trong suy nghĩ của các lãnh đạo Nga sau CS.  Đó là những lý do giới lãnh đạo Nga viện dẫn để can thiệp vào nội bộ Latvia, Lithuania và Estonia. Chủ trương bành trướng truyền thống đã có từ thời các Nga Hoàng, sang Cộng Sản và sau Cộng Sản.

Phương pháp “thoát Nga” duy nhất là dân chủ hóa đất nước nhanh chóng để qua đó hội nhập vào dòng phát triển của kinh tế Châu Âu. Ngay sau khi độc lập một hiến pháp dân chủ được công bố vào tháng 10, 1992 và các chính sách tư hữu hóa nền kinh tế được thực hiện sau đó để mong đuổi kịp các quốc gia phát triển.

Ngày 2 tháng 6, 1993, ba nhà lãnh đạo Baltics gặp nhau tại Jurmala, Latvia để soạn thảo chung một thỉnh nguyện thư gởi EU để được tham gia với tư cách thành viên phụ (Associate Members). Các nước Baltics phát hành tiền tệ riêng, đòi hỏi dân các quốc gia CIS phải có visa mới được nhập cảnh và chi tiết đến mức thay đổi số điện thoại vùng để tránh nhầm lẫn với CIS.

Vấn đề khó khăn nhất phải đàm phán với Nga là sự hiện diện của nhiều sư đoàn quân Nga trên lãnh thổ Baltics. Không giống trường hợp Đông Đức hay các nước Đông Âu, quân đội Nga có mặt trên lãnh thổ Baltics là kết quả của hiệp ước 1940. Dù bất bình đẳng, các quốc gia này đã chấp nhận để quân đội Liên Xô đồn trú trên lãnh thổ quốc gia họ. Vytautas Landsbergis nhắc lại và nhấn mạnh với phái đoàn Nga chính Boris Yeltsin đã thừa nhận trong hiệp ước 1991 rằng Liên Xô đã cưỡng chiếm vùng Baltics một cách phi pháp, do đó, quân đội Nga phải rút ra khỏi ba nước Baltic. Nga buộc phải rút quân.

Chọn lựa đi về hướng Tây của Lithuania là một chọn lựa khôn ngoan, đúng lúc.  Không giống như trường hợp Georgia phải trải qua nhiều xung đột với Nga cho tới 2009 mới rút chân ra khỏi CIS với nhiều thương tích.

Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về an ninh chiến lược

Lúc 1 giờ chiều ngày 29 tháng 3, 2004 tại Washington DC, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell thay mặt Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận bảy quốc gia hội viên mới gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia. Đây là lần thứ năm NATO mở rộng và nâng tổng số hội viên lên đến 26 quốc gia.

Vytautas Landsbergis luôn nhấn mạnh Lithuania là một phần của Châu Âu và hội nhập vào dòng sống của Châu Âu là một định hướng căn bản trong nhận thức chính trị của ông. Vytautas Landsbergis phát biểu tại Bỉ năm 1997 “Khi đứng bên bờ biển Baltic, người dân Lithuania luôn nhìn về hướng Tây.” Hai tổ chức mà Vytautas Landsbergis luôn nhắm tới để trở thành hội viên ngay từ đầu là Cộng đồng Châu Âu và NATO. Năm 2004, Lithuania hoàn thành cả hai mục đích.

Khối quân sự Warsaw chết không kèn, không trống vào ngày 25 tháng 2, 1991 tại Budapest, Hungary khi chỉ còn 5 quốc gia thành viên. Từ đó, Nga không có một liên minh quân sự nào đủ khả năng làm đối trọng với NATO.  Các nhà chiến lược Nga tiên đoán sau Hungary, Ba Lan và Tiệp, sớm hay muộn các nước Đông Âu còn lại cũng sẽ trở thành hội viên của NATO. Tuy nhiên, các quốc gia vùng Baltic thì khác. Sự kiện ba nước Baltics gia nhập NATO đã làm Nga giận dữ và công khai chống đối. Không giống các nước Đông Âu, các quốc gia Baltics vốn là một phần của Nga và sau đó là Liên Xô và chưa có quốc gia nào vốn thuộc Liên Xô tham gia NATO. Nga còn viện dẫn mặc dù đã rút quân nhưng các căn cứ quân sự của Liên Xô và sau đó Nga xây dựng vẫn còn trên lãnh thổ Lithuania. Chính phủ Lithuania cho Nga biết những căn cứ đó quá lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn NATO.

Các lãnh đạo Nga từ Yeltsin và về sau, dĩ nhiên, muốn Lithuania là một nước trung lập nhưng lịch sử đã cho Vytautas Landsbergis thấy trung lập chỉ có trên danh nghĩa chứ không phải trên thực tế. Tháng 9, 1939, khi Hitler phát động Thế Chiến thứ Hai, Lithuania tức khắc tuyên bố trung lập nhưng kết quả đã bị hai chế độ độc tài Stalin và Hitler thay phiên nhau dày xéo trên mảnh đất chỉ 25 ngàn cây số vuông và kết quả khoảng một phần ba dân số bị giết, bị đày ải hay thất lạc trong suốt thời gian bị ngoại xâm chiếm đóng.

Việc Lithuania gia nhập NATO cũng gây nên rất nhiều tranh luận cho chính giới của quốc gia này nhưng Lithuania cần sự bảo vệ dưới một hàng rào an ninh tập thể Châu Âu. Đó là ý do chính yếu và là một chọn lựa sống còn. Thủ tướng Ba Lan Alexandre Kwasnewski trả lời báo chí rằng quốc gia ông gia nhập NATO có cùng lý do như các nước khác không muốn rời NATO. Chủ quyền của Lithuania không thể được bảo vệ nếu chỉ đứng nhìn Châu Âu như một người khách lạ.

Bốn thành quả hội nhập và thăng tiến của Lithuania

Phân tích tiến trình phát triển của Lithuania cho thấy có bốn thành quả giúp quốc gia này để giành độc lập, hội nhập và thăng tiến gồm:

  1. Dân chủ hóa đất nước,
  2. Đoàn kết dân tộc,
  3. Chiến lược hóa vị trí của quốc gia
  4. Tham gia các liên minh quân sự đáng tin cậy.

Bốn điều kiện tiền đề đó của Lithuania hoàn toàn thích hợp với trường hợp Việt Nam khi đương đầu với Trung Cộng mà người viết đã trình bày trong chính luận Để thắng được Trung Cộng(*).

  • Dân chủ. Ngay trong ngày tuyên bố độc lập 11 tháng 3, 1990, quốc hội vừa được bầu với phong trào độc lập Sajudis chiếm đa số đã công bố một hiến pháp tạm thời để điều hành guồng máy quốc gia. Vytautas Landsbergis, chủ tịch quốc hội và lãnh đạo tối cao của quốc gia thời đó công bố hàng loạt cải cách chính trị để dân chủ hóa Lithuania bởi vì đối với các quốc gia dân chủ tiên tiến Châu Âu, dân chủ là tiền đề để đối thoại và là điều kiện tiên quyết để hội nhập. Một hiến pháp khác phối hợp các đặc điểm dân chủ từ các hiến pháp Mỹ, Pháp với truyền thống văn hóa Lithuania ra đời 25, tháng 10, 1992. Mặc dù có nhiều tranh chấp chính trị nội bộ, các mục tiêu cải cách dân chủ và độc lập từ Nga không thay đổi trong nhận thức của các nhà lãnh đạo Lithuania.

 

  • Đoàn kết dân tộc. Như đã viết ở trên, Phong trào Sajudis bắt đầu chỉ với 35 người nhưng tập hợp được nhiều trăm ngàn người dân Lithuania bởi vì họ theo đuổi một mục đích chung, cụ thể, và khả thi, đó là giành độc lập.  Sau thời kỳ độc lập, phong trào Sajudis tự nguyện phân chia thành nhiều tổ chức khác nhau nhưng trong giai đoạn hai năm từ 1989 đến 1991, Sajudis chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là tháo xích xiềng CS Liên Xô. Niềm khao khát lớn nhất của người dân Lithuania trong giai đoạn này là “thoát Cộng” và vì thế họ đã đoàn kết sau lưng phong trào Sajudis. Con đường “thoát Cộng” rất gian nan và những thay đổi kinh tế chính trị cũng đã rất khó khăn nhưng chỉ trong vòng hơn mười năm Lithuania đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn của EU và NATO đề ra để trở thành hội viên của cả hai tổ chức uy thế nhất Châu Âu.

 

  • Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia. Ba quốc gia Baltics giữ một vị trí chiến lược sườn phía tây của Châu Âu trên bờ biển Baltic. Tuy nhiên, cũng vì vị trí chiến lược này mà ba nước đã luôn là chiến trường của các đế quốc. Trong suốt hàng trăm năm, Nga và Thụy Điển tranh nhau kiểm soát đường ra biển Baltic đã sử dụng các quốc gia Baltics như một bãi chiến trường. Vị trí chiến lược, vì thế, chưa đủ nhưng phải đặt đúng vị trí trong tương quan chính trị và quân sự trong vùng. Lithuania ngày nay là một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược của NATO. Không giống như thời trước hai cuộc thế chiến, Lithuania ngày nay đóng một vai trò quan trọng và hỗ tương trong việc bảo vệ an ninh và ổn định của Châu Âu.

 

  •  Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh đáng tin cậy: Trong khi nhiều nước Châu Âu còn do dự, TT George Bush đã công khai ủng hộ quan điểm cứng rắn của Lithiunia đối với Nga và sau này cũng chính TT George Bush đã ủng hộ ba quốc gia Baltics gia nhập NATO. Đáp lại, các quốc gia Baltics đã nhiệt thành ủng hộ và đóng góp quân sự vào các cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ phát động, cụ thể qua chiến tranh Iraq ngay cả trước khi các nước này gia nhập NATO. Các lãnh đạo Lithuania ý thức liên minh đáng tin cậy đã trở thành lá chắn vô cùng cần thiết để bảo vệ quốc gia họ và những hy sinh mà họ cần phải đáp lại.

Không giống như Belarus còn chìm trong độc tài lệ thuộc vào Nga hay Georgia, Ukraine quá chậm nên trễ chuyến tàu, Lithiunia đã “thoát Cộng” và có những chỗ dựa quốc tế vững vàng để “thoát Nga.” Thành quả đó trước hết nhờ tài lãnh đạo của Giáo sư Vytautas Landsbergis. Ông không thuộc đảng phái nào trước cả và cũng chưa hề làm chính trị nhưng ông có tầm nhìn xa rộng. Tuy nhiên chỉ có tầm nhìn của riêng cá nhân ông thôi chưa đủ mà còn cần phải có tầm nhìn chung của cả dân tộc. Trong giờ phút khó khăn và thử thách, đa số dân Lithuania đã bỏ phiếu cho ông, đã chọn ông làm người lãnh đạo và đã đứng sau ông.

Tầm nhìn vô cùng quan trọng vì đã giúp nâng một con người lên cao hơn và một dân tộc lên cao hơn.

 Trần Trung Đạo                                                                                                                             

Chú thích: 

(*):  http://www.trantrungdao.com/?p=2719

Tham khảo:

  • The End Of The Soviet Union: Stanislau Shushkevich’s. Eyewitness Account For  The  First  Time  In  English,  This  Issue  Of  Demokratizatsiya Publishes. The George Washington University Archives.
  • On Moscow’s Streets, Worry And Regret, By James F. Clarity, The New York Times, Published December 26, 1991.
  • From Soviet Federalism To The Creation Of The Commonwealth Of Independent States (CIS). CVCE.eu 2016
  • The International Politics Of Eurasia: V. 1: The Influence Of History By S. Frederick Starr, Karen Dawisha.
  • Lithuania, The Move Toward Independence, 1987-91.The Baltic States In U.S. — Soviet Relations, 1939 – 1942. Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And Sciences. Volume 12, No.1 – Spring 1966.
  • The Baltic States In U.S.-Soviet Relations, The Years Of Doubt, 1943-1946. Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And Sciences. Volume 12, No.4 – Winter 1966. Editor Of This Issue: Thomas Remeikis.
  • The Baltic States In U.S.—Soviet Relations From Truman To Johnson, Richard A. Schnorf, Cmdr, Us Navy, Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And Sciences. Volume 14, No.3 – Fall 1968.
  • Identifies and Solidarity In Forein Policy: East Central Europe and the Eastern Neighbourhood, Edited by Elsa Tumets, Published by Institute of International Relatiosn, Prague 2012 PP 94-112.
  • Why, How, Who, and When: A Lithuanian Perspective on NATO Membership, Oskaras Jusys and Ksadauska. Fordham International Law Journal, Volume 20, Issue 5,
  • 2017 Index Economic Freedom http://www.heritage.org/index/country/lithuania
  • James S. Corum, The Security Concerns Of The Baltic States As Nato Allies, Strategic Studies Institute And U.S. Army War College Press 2013.
  • Interview Interviews : Vytautas Landsbergis, “Breaking with Moscow”, “The Restoration of Lithuanian Independence “,  “Promoting Democracy”. The Freedoom Collection.
  • The Polish-Lithuanian Commonwealth (1569-1795) By H. Kozlowski
    http://www.conflicts.rem33.com/images/Poland/PLCommonwealth%202.htm

 

Đến Hẹn Lại Lên

Nguyễn Hiền

Cuối cùng thì vợ chồng ông Lân cũng về tới nhà. Đã quá nửa đêm. Sự căng thẳng suốt hơn tiếng đồng hồ giúp ông tỉnh ngủ trên khúc đường về, nhưng bây giờ, khi chiếc xe đã nằm yên chỗ, ông bỗng cảm thấy rời rã. Tuy thế, ông biết, nếu có đặt lưng xuống giường ông lại mở mắt trao tráo. Vài năm nay ông bị chứng mất ngủ vô thời khắc. Giờ người ta ngủ, ông thức. Giờ thiên hạ thức, ông chập chờn. Bác sĩ khuyên ông không nên xem computer giấc khuya, nhưng vô hiệu. Thói quen xem phim bộ như có một người tình thủ thỉ bên tai tới khi ngủ thiếp đã thấm vào tận những mao quản li ti trong người ông. Bên cạnh, vợ ông giật mình, dụi mắt. Ông khẽ nói:

“Đến nhà rồi. Em vô thay đồ, đi ngủ đi, để anh mang đồ đạc vô.”

Vợ ông bước xuống xe, nói không quay lại:

“Mệt quá đi. Em nói rồi đó. Lần sau có đi thì anh đi một mình thôi đấy nghe.”

Ông không biết câu nói lần này là thực hay do giận lẫy, vì đã bao lần vợ ông nói như vậy, rồi cuối cùng vẫn lại ngồi lên xe cùng ông đến nơi họp mặt. Như một chứng tỏ cho mọi người thấy có chồng có vợ cạnh nhau. Hay để kiểm soát lời ăn tiếng nói của ông giữa chốn bạn bè, có trời mới biết. Lần này có hơi khác, ông linh cảm vậy. Đúng hơn, tai ông dường như bắt được những cảm nhận của người mấy chục năm đầu gối tay ấp. Trên đường về nhà, bà than hai ba bận:

“Đám bạn anh tụ họp lần nào cũng bằng ấy chuyện, nói tới nói lui hoài. Chán thấy mồ.”

Ông chặc lưỡi, tuồng đồng ý, và tự bào chữa là tật nói đi nói lại dằng dai một chuyện một là tật cố hữu của nhiều người khi đã vào tuổi mặt trời xế bóng trong cuộc đời. Bởi họ không có cơ hội gặp cái mới, và cũng chẳng có nhu cầu tìm biết thêm. Còn riêng trong đầu, ông cũng nghĩ đến chuyện chắc phải chấm dứt tham dự những cuộc họp như thế này thôi. Càng ngày, dường như chúng càng trở nên nhạt nhẽo. Đó là chưa kể tới những xui xẻo. Như tối này.

Ông đang nghĩ tới quãng đường về và cố tìm lời giải đáp. Chục phút sau khi ông bà rời trạm xăng, chiếc xe cà tàng chợt dở chứng, khục khặc ho hen… Ông vội tấp vào lề. Hai bên đường chỉ có đồng cỏ trống trơn, không nhà cửa, cũng chẳng có ngọn đèn đường. Bà vợ choàng tỉnh, hỏi dồn:

“Gì vậy anh?”

“Không biết, sao nó không chịu chạy nữa.”

“Kỳ vậy, mình mới đổ xăng mà. Hay hồi nãy anh đổ lộn dầu rồi đó?”

Ông thấy nhói trong tim, nhưng may còn nhớ ra:

“Đổ đúng xăng mà, anh nhớ là anh còn coi cái giá mỗi lít trước khi bơm mà em.”

Ông vặn chìa khóa. Máy xe khục khặc giận dỗi. Nghĩ máy ngộp, ngồi định thần một lát, ông tiếp tục đề. Chẳng khá hơn. Ông bắt đầu run. Bà cũng quýnh, khi chợt thấy bó bông đã héo úa nằm dọc lề đường bên kia, cách đó không xa:

“Anh xuống coi sao…”

Ông khoác áo, bước xuống, mở nắp ca-bô lục lọi bới tìm. Mọi thứ đều có vẻ bình thường. Bình điện, nước nôi… Bà hỏi với ra:

“Có thấy gì không anh?”

“Không thấy có gì trục trặc hết.”

Ông lên xe, mở công tắc, trên bảng báo chẳng có dấu hiệu gì khác lạ, xăng đầy, nước ấm vừa đủ. Ngộp xăng thì chắc chắn là không, bởi xe đang chạy ngon trớn trên con đường liên tỉnh. Nhưng giờ thì cỗ máy vẫn đình công, kêu ặc ặc, dấu hiệu sắp hết bình vì bị đề liên tục.

“Điệu này chắc chỉ còn cách kêu họ tới sửa. Mà khuya quá rồi, không biết chừng nào họ mới tới đây.”

“Hồi nãy kêu anh về sớm mà anh cứ ngồi chết đó, nói chuyện gì đâu không”, bà bắt đầu nổi quạu. “Hồi đó anh sửa xe hay lắm mà, giờ cái xe mới chết máy mà đã đầu hàng.”

Mặc bà khích, ông dịu giọng:

“Hồi xưa ở Việt Nam khác. Xe cộ bây giờ toàn đồ điện tử không, hư là chỉ có nước kêu hãng bảo trì họ tới, có máy đo. Mình đâu có mấy cái đồ nghề đó.”

Bà chịu thua, hối ông kêu cho hãng bảo hiểm. Hai vợ chồng ngồi chết trân trên xe. Ông toát mồ hôi cùng mình mặc dầu trong xe khí lạnh bắt đầu thấm, còn bà liên tục bắt ấn, niệm Phật và ngó chằm chằm bó bông, sợ mắc chứng nó nhỏm dậy. Hơn nửa tiếng sau, chiếc xe vàng cứu tinh xịch đến. Ông lắp bắp giải thích – thực ra chẳng cần dài dòng, xe không chạy là không chạy, chỉ có việc coi lại ba thứ: xăng, nước, điện, ông rành sáu câu. Ông vốn dân Quân Vận, nhờ tài sửa xe Honda cho cả gia đình nhà vợ mà ông bà đã nên đôi. Chuyện dễ như ăn cơm sườn mà giờ đây ông đành bó tay, làm ông cũng bực, coi như mất điểm thêm qua cú này. Người thợ rê đèn soi một lượt, bàn tay thành thạo lắc chỗ này, móc chỗ nọ. Ông đứng cạnh dòm theo nhưng chẳng học lóm được thêm gì.

Vậy là anh ta chui vào xe. Mở công tắc, liếc qua dãy đồng hồ và đèn báo, vặn chìa. Máy phát nổ ròn tan như chế nhạo sự kinh ngạc của ông già. Anh ngó ông Lân, có vẻ hơi bực. Hai vợ chồng tròn mắt ngó lại.

“Ủa! Có gì trục trặc đâu!”

“Nãy giờ tôi… tôi đề… đề cả chục lần…”, ông lắp bắp, trời tối không ai thấy mặt ông đỏ cỡ nào. May là mấy ly rượu đã tan gần hết, không thì… Ông cố vớt vát:

“Nếu không có chuyện gì thì tôi đâu mắc công kêu anh…”

Nhưng anh thợ không để ý chuyện này. Móc điện thoại báo về tổng đài, ngoáy mấy chữ vào tờ tường trình công việc đưa cho ông ký, xong anh ta nhảy phóc lên xe phóng đi, sau khi dặn dò:

“Ông chạy cẩn thận, có ngừng xe dọc đường nhớ đừng tắt máy. Tốt hơn là mai ông mang xe ra ga-ra cho họ rà lại toàn bộ một lần cho chắc. Chúc ông bà may mắn.”

Dĩ nhiên là sau đó ông lái xe rất chậm rãi, hồi hộp vì sợ xe dở chứng nữa thì ít, mà nghĩ về một “oan hồn” nào đó có thể đang luẩn quẩn nơi khúc đường gặp nạn thì nhiều. Ngồi cạnh, bà Lân chốc chốc niệm Phật. Chẳng ai dám nói ra ý nghĩ của mình về chuyện vừa xảy ra, có lẽ chúng cũng giống nhau thôi. Bất giác ông liếc nhanh vô kiếng chiếu hậu, biết đâu “nó” đang ngồi trên băng sau thì chắc cả người cả xe xuống ruộng…

Và cho tới bây giờ ông vẫn chưa hoàn hồn. Vợ ông đã lên lầu từ lâu, chỉ còn ông dưới nhà, căn nhà lạnh ngắt. Nhưng ông không vội. Thời giờ với ông như tiền của đại gia. Hai vợ chồng từ lâu đã ngủ riêng. Nếu người ngoài thắc mắc, ông nói vì ông có tật ngáy ồn ào sợ phá giấc ngủ của bà. Bà bảo là ông ghiền coi sách truyện, phim bộ cho nên ngủ riêng để coi cho mãn nhãn. Sự thực không hẳn thế. Cái giao ước sẽ nằm bên nhau tới mãn đời mà họ thủ thỉ với nhau trong chuỗi ngày thần tiên sau tiệc cưới là một giao ước hoàn toàn dựa trên tin cậy, không có những điều kiện “phải” hay “không được”. Dần dà, cả hai cùng nhận ra có những lần mình không tuân thủ những điều kiện “bất thành văn” này, và không biết tự khi nào – hình như từ khi căn nhà đã trở nên quá rộng và im vắng sau khi đứa con cuối cùng đã ra ở riêng vài năm – hai người đã tự nguyện chọn cuộc sống chung mà riêng này. Những tháng đầu, nhiều đêm ông còn nằm trăn trở lắng nghe tiếng động từ phòng bên, thỉnh thoảng nghe tiếng bà ngáy ro ro, ho hen, tiếng dép lê loạt soạt từ phòng ngủ ra phòng tắm hay xuống nhà dưới… thì đoán bà đang làm gì, còn bà thì mỗi lần đi ngang phòng ông, thấy ánh sáng lọt qua ngạch cửa và tiếng léo nhéo thì nghĩ là ông còn thức, vậy thôi. Có lần ông vào phòng bà, và hoàn toàn cảm thấy lạc lõng trước khung cảnh lạ lẫm khác hẳn trước đây khi hai người còn ngủ chung. Gần như mọi thứ đều thay đổi vị trí, trừ mấy cái tủ quần áo. Ông nhận thấy rõ ràng đây là giang sơn của riêng một người nào đó, không có ông trong đó. Rồi ông trở về phòng, để cũng nhận ra nơi này cũng là một lãnh địa riêng. Mọi thứ ông cần đều nằm trong tầm tay với. Sách và băng đĩa nằm theo một trật tự chỉ có mình ông biết. Dường như bà cũng chẳng thèm bước vô nơi đây, bởi dưới sàn đóng bụi còn thấy mấy mảnh giấy vụn vương vãi tự thuở nào ông chẳng nhớ. Ông thấy nhói trong tim một chút, nhưng rồi cuối cùng nhận ra là con đường một khi đã dẫn tới nơi này rồi thì khó mà quay lại…

“Mình phải pha một bình trà…”, ông tự nhủ, phải ngẫm lại xem coi có mối liên lạc nào giữa những sự kiện ngày hôm nay. Chẳng lẽ một điềm gở?

Nhóm bạn tụ họp tán dóc của ông thời cực thịnh có sáu gia đình, nhà họ không quá cách xa nhau. Mỗi tháng họ tụ nhau một lần, xoay tua. Lần lần, con số tụt xuống. Người này thoái thác bận coi nhiều cháu. Người kia bịnh. Người nọ dọn nhà. Người khác nằm xuống… Những cuộc họp mặt theo năm tháng cũng dần thưa đi, và chuyển đổi, rồi lại phải có lý do, không có hú suông như trước. Hồi đó… hồi đó còn ăn nhậu tưng bừng, bia khui không kịp, Tết ngủ lại bài bạc. Mấy bà động dao động thớt, chiên món này xào món nọ, nói chuyện rân trời. Rồi tới thời gian chuyển từ bia sang rượu, ngồi khề khà nhâm nhi và hát karaoke, thì lượng đồ ăn đã giảm xuống. Tới chừng có một số lâm bịnh mãn tính, hơn nửa số đã bỏ thuốc và rồi rượu uống có cữ, những thú vật chất đã dần vơi, thì chỉ còn ngồi tán dóc với nhau là chính. Chuyện vui buồn trong công việc làm ít còn nhắc. Chỉ còn những chuyện than thở bệnh tật, con cháu, để rồi trước sau cũng lại quay về những chuyện thời quá khứ vàng son, rồi chuyện tù tội cải tạo, chuyện lập nghiệp nơi đất mới… Ông thích ngồi nghe họ tán tụng nhau, nhất là nghe những chuyện vui ông Sinh mang ra kể cho đám tiệc. Ông Sinh trước kia ở cùng xóm, bốn năm trước, khi bà mất, ông dọn về nhà đứa con gái, để có người khuây khỏa, coi mấy đứa cháu cho hai vợ chồng nó đi làm… và sướng nhất – ông cười hì hì – đỡ khoản tiền mướn nhà.

Nhưng lần họp mặt cuối cùng, trong dịp nghỉ cuối năm ngoái, ông Sinh mời cả đám tới để thông báo chính thức là vài tháng nữa sẽ ăn cái Tết cuối cùng ở đây, và sau đó về Việt Nam ở luôn, coi như đây là buổi tiệc chia tay. Thằng em bên đó nài nỉ ông hoài, còn ông càng ngày càng thấm sự dằn vặt của nỗi nhớ quê, khi ông nhận ra vốn tiếng ngoại quốc của ông, vốn đã ít ỏi, nay lại bay dần. Mà ở tuổi ông, một khi chữ tây chữ u đã bay thì nó sẽ bay luôn, không bao giờ trở lại.

Vì thế, lần này ông Lân có cảm giác thật lẻ loi, mất đi người bạn thân. Và cũng vì thế mà câu chuyện trong buổi họp mặt đi ngay vào vấn đề xoay 180 độ của ông Sinh, một người ngang tàng nhiều năm hăng hái hoạt động nay bỗng dưng xếp giáp quy hàng. “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”, đúng vậy, nhưng có một nhà văn nào đó đã viết là “lòng hoài hương có sức mạnh đốn quỵ cả những người gai góc nhất”. Chắc chắn phải có lý do nào đó khiến ông Sinh một sớm một chiều bỏ cả mọi chuyện để nắm lấy lưỡi dao. Vì thế cả đám xoay qua truy ông Lân về chuyện này và hỏi thăm ông về tin tức người bỏ cuộc, đúng hơn là phản bội, từ cờ vàng nhảy sang cờ đỏ. Ông ừ à nói vẫn thế thôi, thằng Sinh nó khoe nuôi mấy con gà đá, chim chóc, phân gà phân chim thì đem bón vườn rau sạch cho cả nhà ăn trên sân thượng… Còn chuyện thiên hạ thắc mắc “có bà này bà kia hay không”, ông nói chắc nịch:

“Làm gì có chuyện đó. ‘Chị Năm’ còn chê nó, trâu này rụng hết răng rồi, cỏ non có dâng tận miệng mấy cũng chẳng cạp được.”

Dĩ nhiên người ta không tin, nhất là mấy bà, đang nháy nhó nhau và liếc mấy ông. Nhưng không thể tra hỏi thêm, chỉ để bụng. Quả thực, chỉ có mình ông Lân là biết rành rẽ ngọn nguồn. Thằng con rể của ông Sinh hai năm trước mất việc, vợ chồng nó xoay qua mở tiệm ăn, và thế là dần dần nó cần chỗ chứa đồ và nấu nướng những thứ có thể làm trước. Con gái ông đề nghị xây cho ông căn nhà chòi bằng cây phía sau, còn gian nhà phụ kế bên bếp nó sẽ dùng làm nhà kho. Nói là đề nghị, nhưng chúng nó đã đặt mua vật liệu từ lúc nào ông chẳng biết. Ông càm ràm, than căn nhà chòi lạnh lẽo, và cằn nhằn là nếu muốn nấu ấm nước cũng phải bước qua khoảng sân rộng, tức là lại phải trùm áo lạnh. Hai đứa làm luôn cho ông cái bếp đơn sơ trong đó, đúng ra là một cái lò điện gắn dính vô chiếc bàn có bánh xe đẩy tới đẩy lui, chỉ đủ chỗ nấu trà và làm mì gói. Ông tủi thân, thấy mình vừa mới bị đẩy ra ngoài xã hội, giờ như từ từ bị đuổi khỏi gia đình. Chỉ vì hiện giờ chúng nó ở nhà suốt, con cái lớn rồi, không cần người coi trẻ thường trực nữa nên mới nên chuyện. Những ấm ức đó đương nhiên ông trải lòng với ông Lân, người bạn tâm đầu, qua điện thoại. Một hôm quá bực ông buột miệng:

“Đm. Con với cái. Mình chắt bóp để dành được mấy chục ngàn cho tụi nó để chúng sang cửa tiệm mà giờ nó chơi kiểu này thì anh nói không ức sao được.”

Ông Lân phì cười:

“Anh đụ mẹ nó cả mấy ngàn lần rồi mà giờ còn chửi thề…”

Tưởng là hạ hỏa, ai dè lửa có thêm dầu:

“Đm. nó chứ, giận ơi là giận, không ói máu là may. Tui bỏ luôn xứ này về Việt Nam chết mẹ nó cho rồi. Nuôi chúng nó bao nhiêu năm mà giờ chúng nó trả ơn như vậy hả?”

Vì thế ông Lân mới biết là ông em của ông bạn rủ ông anh về cùng vui tuổi già. Và ông đã làm thật. Lại làm quá nhanh như cố trốn chạy sự thực phũ phàng. Nhưng giữa bàn tiệc hôm nay thì ông không nói, vì ông nghĩ tới hoàn cảnh của ông. Thật là trái ngược. Mấy năm trước ông đã có ý định chân trong chân ngoài, mùa hè ở bên nây, mùa đông ở bên nớ. Kỳ về thăm nhà mới đây nhân dịp đám cưới đứa cháu gái, ông ướm lời người em dành căn phòng trống đó cho ông. Vợ chồng nó đẩy đưa lấy cớ này cớ nọ. Ông mượn rượu để nổi sùng và bảo thẳng:

“Hồi đó vợ chồng tao bỏ tiền cho tụi bây sửa nhà sửa cửa giờ vợ chồng tụi bây chơi vậy đâu có đẹp.”

“Anh đâu biết, kỳ anh đi vượt biên đó, tụi em ở nhà xất bất xang bang với mấy thằng công an, hết phường tới quận đến nhà tra hỏi. Kế tới xin đi làm không ai dám mướn, mấy đứa con đi học cũng bị làm khó dễ,” thằng em đốp lại.

Hai vợ chồng nó mặt xưng mày xỉa, ông biết đã thua đậm keo này, và biết từ giờ có về thăm quê hương cũng khó ở trọ nhà chúng nó. Ông chôn nỗi buồn và sự căm giận xuống đáy lòng, sống để bụng chết mang theo. Với mọi người, ngay cả với bà vợ, ông tuyên bố ngon ơ:

“Giờ về bên đó nắng nôi bụi bậm quá, đồ ăn thì dơ dáy, chỗ nào cũng thấy bất công. Ngoài đường thì không có an ninh, xe cán chết người hà rầm. Tui hổng thèm về nữa. Chết bên này cho rồi.”

Ông không ngờ câu tuyên bố đó của ông đã nhanh chóng chuyển đổi đề tài tranh luận trong bàn nhậu trưa nay thành cuộc tranh cãi về chuyện hồi hương và đương nhiên kèm theo đó là lập trường chính trị. Dĩ nhiên, có sự giống nhau giữa những bạn nhậu trên bàn tiệc và các chính trị gia trong chính trường, là những cuộc tranh luận lúc nào cũng nẹt lửa để rồi rốt cục lại chẳng đưa ra một kết luận gì ra hồn. Còn đằng sau, rất có thể ẩn náu những động lực khác. Như giờ đây, những người đã chắt mót mua được một miếng đất hay một căn chung cư ở quê nhà đứng về một phe. Còn lại phe kia là những người đương nhiên chống lại. Nhất là họ vừa nói với nhau về một ông nào đó sau chuyến về thăm nhà đã phải vô ngay bệnh viện vì họ phát hiện ung thư bao tử. “Hóa chất tụi Trung Cộng đầu độc dân mình chứ còn ai vào đây nữa.”. Mọi người xô vào phê phán, người kết tội, kẻ chống chế, ngoại trừ ông, bất đắc dĩ phải đứng về phe chống vì đã lỡ cương bậy, giờ chỉ đành ngồi nghe và nuốt hận. Ông chợt nghiệm ra nhân tình thế thái. Người nào cũng cố bảo vệ con đường mình theo với viện dẫn một cách rất ruồi bu. Người có học thầm khinh miệt hạng có tiền là không có danh giá, lừa lọc mánh mung. Người trọng kim tiền vênh váo đã có được cuộc sống vật chất sung túc, và khi mũ áo vào thì danh vọng nào có kém ai.

Thời may, cuộc đấu khẩu hùng hổ chợt chuyển hướng khi có ai đó bỗng dưng nhảy sang chuyện trong trại cải tạo, và cũng như mọi lần, mọi người tìm được sự đồng thuận trong việc nhắc lại những kỷ niệm vui buồn khoảng thời gian đó. Những chuyện họ trao đổi với nhau ông Sinh đã nghe đầy lỗ tai, vì thực ra cũng chỉ mấy chuyện đó thôi. Không còn tù nữa thì làm sao có chuyện mới để kể. Mà chuyện cải tạo với ông như chuyện ở thế giới khác. Ông chẳng bị tù tội ngày nào. Ba ngày học tập cho ông thấy được số may mắn của mình. May mắn chưa đụng trận lớn ngày nào, nhờ tài sửa xe thần sầu lúc nào ông cũng loanh quanh luẩn quẩn trong bộ tư lịnh. May mắn có nghề mọn nuôi thân và nuôi được cả gia đình sau cuộc đổi đời. Nhưng những lúc như bây giờ ông cảm thấy cô đơn lạ kỳ, vì không góp được gì cho những cuộc vui sau bữa tiệc. Chẳng lẽ lại đem những chuyện khuất tất trong quân đội ông đã làm ra kể cho chúng khi dễ, mặc dầu trong những năm khoác bộ treillis ông đã thấy thiếu gì những tên lon lá cùng mình mà cũng tệ hại chẳng kém gì ông. Bởi thế, ông chỉ ngồi nghe và thấy nhớ ông Sinh vô hạn. Chắc phải về thăm nó một chuyến, ông tự nhủ. Nhưng biết đâu chừng ông bạn Sinh này cũng đổi khác, ông sợ vậy. Thú thực nghe ông Sinh nói chuyện mà phát nản, chim chóc gà qué vườn tược không làm ông phấn khởi chút nào.

Cảm giác xa lạ trước đám bạn nhậu làm ông Lân thấy như mình bị vây quanh bởi những bức tường vô hình, và khổ thay, mỗi ngày chúng như xiết chặt hơn. Người ngồi đối diện ông bỗng nhắc lại một chuyện khôi hài mà ông đã từng nghe nhiều lần:

“Mẹ bà nó. Đi lao động cả ngày mệt thấy mồ mà buổi tối nó còn kêu lên hội trường coi phim. Nghe cái tựa thì hấp dẫn. “Mười Một Niềm Hy Vọng”, tưởng là phim tình cảm gì đó cho mình nuôi chút hy vọng có ngày về chớ, ai dè chỉ có chuyện đá banh. Rồi “Đến Hẹn Lại Lên” chẳng thấy hẹn hò gì hết, chỉ có mấy thằng mấy con bộ đội hát quan họ với nhau…”

“Anh nói vậy chớ bây giờ coi lại và xét về mặt nghệ thuật thì nó cũng hay lắm chứ,” người khác cãi. “Nhất là Như Quỳnh đóng hay không tưởng…”

“Lại một tên ăn phải bả,” – bây giờ đúng là rượu nói rồi.

Cảm thấy không khí sẽ trở nên gay cấn sau lời nhận xét này, ông Lân vội bấm bà vợ cáo từ ra về. Họ được chủ nhân dúi cho một túi mấy món đồ ăn còn dư. “Hẹn lần sau gặp,” ông nói, trong khi thầm nghĩ sẽ chẳng có lần nào nữa đâu. Vả lại thâm tâm ông cũng muốn chạy ngay về nhà để xem Như Quỳnh đóng phim ra sao.

Nhớ tới đây, ngó lại ấm trà đã cạn, ông lên phòng, chui vào trong chăn và mở computer kiếm tìm. Đây rồi. Chưa được mười phút, ông chợt nhớ ra: “Chẳng phải con Như Quỳnh ca sĩ…” Nhưng ông không tắt máy mà nằm suy tư. “Đến Hẹn Lại Lên”, ông mỉm cười. Cái tựa hay đấy chứ. Lần sau đám bạn ông có hú nhau tới nhậu nhẹt chắc mình cũng đi thôi. Cho nó bớt buồn. Bà có đi theo hay không cũng mặc. Ở nhà điệu này hoài chắc khùng luôn…

Mãi miên man chạy theo mạch suy tưởng, ông đi vào giấc ngủ khi nào không biết, với màn hình còn sáng.

Nguyễn Hiền