Anh Hùng Vô Danh

Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc Việt Nam

linh vnch
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước
Họ là kẻ tự nghìn muôn thủa trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một sơn hà gấm vóc
Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc
Không ngại xa hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc
Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp  nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lạc lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời  trong bóng tối
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

Ngâm Thơ: Nguyễn Xuân Thưởng
Đàn tranh: Giáo sư Kim Oanh
Sáo: Vũ Phương
Trong buổi TƯỞNG NIỆM 49 NGÀY TANG
Giáo Sư NGUYỄN NGỌC BÍCH (1937-2016)
Tại Providence Center, Falls Church, VA – Ngày 14 Tháng 5 Năm 2016
Video: Toan Thien Vo

Sài Gòn, Hòn Ngọc Bị Đập Nát

Ngô Thị Kim Cúc

Lời BBT: Xin mạn phép được đăng lại và phổ biến rộng rãi bài viết rất quan trọng này của Ngô Thị Kim Cúc, một người Việt Nam ở Sài Gòn. Rất quan trọng vì những gì cô chia sẻ trên trang mạng Facebook của cô  là tiếng nói của lương tâm, nước mắt và niềm-tin-không-lay-chuyển-được của nhiều người Việt Nam trong nước, không phân biệt giới tính hay tuổi tác; đó là: Không một bạo quyền nào có thể ngăn cản được tiếng nói của những người dân Việt yêu quê hương, đang đứng lên đòi được quyền sống trong một đất nước Việt Nam dân chủ,  tự do, công lý, nhân nghĩa và hòa bình.

kimcuc 1

Hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên bị công an đàn áp thô bạo

Sáng chủ nhật 8 tháng 5…

Sài Gòn trung tâm giống như thiết quân luật. Từ khu vực quảng trường Quách Thị Trang đã dày đặc đồng phục các loại. Góc đường nào cũng có một toán người nhà nước đứng cạnh những rào cản sắt gắn kẽm gai, sẵn sàng để bao vây, bịt kín… Không khi căng thẳng này chứa đựng điều gì đó rất không bình thường trong một ngày lẽ ra bình thường.

Đoạn Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến nhà hát Thành Phố khá vắng. Đường Pasteur một chiều qua các ngả tư cũng tràn ngập đồng phục. Những chiếc gậy trên tay họ chỉ ra một hướng di chuyển duy nhứt. Rất đông người ngồi trên xe bốn bánh và xe hai bánh nhìn quanh quất, để chỉ thấy hai bên đường toàn những bộ đồng phục các màu, các kiểu giống nhau… Có một số người không mặc đồng phục nhưng rõ ràng họ không phải là dân.

Từ ngả tư Pasteur- Nguyễn Du tới ngả tư Nguyễn Du- Trương Định vẫn chỉ một chiều di chuyển. Sang Nguyễn Thị Minh Khai đã hai chiều nhưng không khí vẫn chẳng giống ngày thường. Từ phía đường Hai Bà Trưng nhìn vào Đường Sách thấy vắng tanh. Tất cả hàng quán trên khu vực bị phong tỏa đều không hoạt động.

Sài Gòn trung tâm thiết quân luật vào sáng chủ nhật. Thiết quân luật dành cho người biểu tình.

Công viên 30 tháng tư đã bị cắt khỏi tầm nhìn và mọi liên kết với phần còn lại của thành phố. Nghĩa là, sẽ không có nhà báo, không có đông người dân chứng kiến những gì xảy ra ở công viên 30 tháng Tư sáng nay. Không ai thấy được cả người biểu tình lẫn người nhà nước đối mặt nhau thế nào trong buổi sáng 8 tháng 5 nắng nóng nứt cả da đầu này…

Nếu Không Có Facebook…

Nếu không có Facebook thì mọi chuyện có thể sẽ xảy ra như vậy.

Nhưng từ những tường thuật bằng hình ảnh và clip tự quay của người biểu tình, sự ngăn cắt của nhà nước đã không còn tác dụng. Những người Sài Gòn ngoài công viên 30 tháng Tư vẫn nhìn thấy những gì xảy ra. Và tất cả người Việt trên khắp hành tinh đang nối kết qua mạng internet đế ngóng về Việt Nam cũng đã thấy…

kimcuc 2

Sáng 8 tháng 5, những cảnh đánh/bắt người tàn khốc hơn hẳn lần biểu tình ngày 1 tháng 5. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt/hốt về sân vận động Hoa Lư quận I. Nhiều người đã bị đánh với thương tích nặng nề. Nhưng chạm vào trái tim người xem khiến nó đau đớn nhứt chính là hình ảnh hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên: người mẹ trẻ với gương mặt bầm dập đang hoảng hốt ôm chặt con gái trong đôi tay gầy, với sự che đỡ của những người biểu tình khác chung quanh.

Hoàng Mỹ Uyên sau đó đã kể lại sự việc trong một clip. Chị cho biết khi việc đàn áp xảy ra, những người biểu tình đã ngồi xuống để khẳng định thái độ bất bạo động. Thế nhưng nhân viên an ninh thường phục đã chen vào giữa đoàn biểu tình, chỉ vài người biểu tình đã có một an ninh. Chị đã bị xô đẩy về phía trước và bị ngã, bị những người mặc đồng phục xanh đạp vào đầu vào mặt, cố dứt chị ra khỏi con gái. Nhờ người biểu tình dồn đến và lập thành một vòng rào che chở nên mẹ con chị đã thoát được. Tuy nhiên, những vết thương ở mặt và tay chân cho thấy chị đã bị đánh khá đau. Hoàng Mỹ Uyên cũng cho biết con gái chị đã tự mình đọc tin tức về vụ Formosa trên điện thoại và từng hỏi mẹ, nếu ở trường (bữa ăn) có cá, mực… thì nên làm thế nào. Cô con gái nhỏ đã muốn được đi cùng với mẹ, và hẳn cả hai mẹ con đều nghĩ rằng, việc tuần hành ôn hòa với mong muốn bảo vệ môi trường chẳng có lý do gì để bị đàn áp, đánh đập thô bạo.

Đào Nguyên Anh đang được những người biểu tình khác giúp rửa mắt sau khi bị xịt hơi cay.

Đào Nguyên Anh đang được những người biểu tình khác giúp rửa mắt sau khi bị xịt hơi cay.

Một khác biệt nữa trong đàn áp biểu tình ngày 8 tháng 5: xịt hơi cay vào mắt. Nạn nhân có hình ảnh đưa lên FB là một học sinh mười sáu tuổi: Đào Nguyên Anh, cháu nội Phó Giáo sư Đào Công Tiến (người đã có các bài viết về dân chủ). Nguyên Anh đã được những người biểu tình khác chăm sóc, rửa mắt bằng những chai nước uống mang theo. Sau đó em đã bị công an bắt đi khiến gia đình phải đi tìm để bảo lãnh.

Lúc trở về nhà, cậu học trò mười sáu tuổi đã viết một statut ngắn gọn nhưng cũng đủ để nói lên tất cả những gì cậu đã suy nghĩ và gởi gắm cho mọi người:

Chào mẹ, gia đình và bạn bè gần xa đã lo lắng cho con (mình).
Nghe tiếng mẹ khóc, con thấy mình khốn nạn quá, con cũng trách mình k ở bên mẹ nhiều hơn, k làm mẹ vui hơn, trước mẹ con yếu đuối và bé nhỏ.
Giờ con đã hiểu cảm giác đó, cảm giác của A Lầu bị bắt rồi bị đánh. Con hiểu cảm giác của anh Trương Minh Tam, của bác Điếu Cày, và những người đã sẵn sàng hy sinh, Chúa ơi, quá nhiều thứ vì mong muốn.
Ngày hôm nay, con thấy họ lôi đồng bào ra, 10 người đánh một, con thành người Việt Nam.
Ngày hôm nay, con thấy nước mắt mẹ chảy và lòng gia đình bạn bè con lo, cũng thành kẻ có tội.
Ngày hôm nay, con thấy những gương mặt đau đớn, và vẻ mặt hả hê của đầy tớ nhân dân, và tiếng xúc phạm danh dự nhân phẩm của các anh trị an, con thành người Việt Nam.
Con tự hào biết bao, và cũng đớn đau biết bao khi biết cái giá con phải trả không chỉ là mạng sống và tương lai con, mà còn là trái tim mẹ và gia đình.
Một bên con bất hiếu không chăm lo cho mẹ được hết, một bên con khao khát hòa chung với ước ao của dân tộc, lạy Chúa, là chúng con được nhìn nhau cười vui, quên đi những cú đánh căm hận đó.
Sáng danh Chúa, những lúc bần cùng, là lúc tỏ mọi sự, con, một thân phận yếu hèn hòa chung vào bản hòa ca của đời này, cho những gì đáng để tin và đáng để hy sinh, có phải đó là hy sinh?
Con đang cố gắng đánh đổi, vi một xã hội yên ấm hơn, con cũng nghĩ tới mọi người gia đình, bạn bè anh chị em, mà cũng như con đang mất tất cả.
Con đã không đổ một giọt nước mắt trước những cây gậy, trước những người vô cảm sẵn sàng làm đủ thứ, nhưng con sẽ đau khổ vì những gì con phải trả giá”.

Những người đã xịt hơi cay vào mắt cậu học trò chỉ bằng tuổi con em mình, hẳn họ đã nghĩ rằng sẽ khiến cậu phải đau đớn và khiếp sợ. Nhưng thực tế đã trả lời. Hành động độc ác phi nhân văn của họ chỉ tạo ra tác dụng ngược.

Sài Gòn, Hòn Ngọc Bị Đập Nát

Bí thư Đinh La Thăng từng nói rằng ông mong sẽ sống lại một Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông ở thành phố mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng thật ra ông Thăng vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động kinh tế, về phần trăm đóng góp cho trung ương của thành phố Sài Gòn.

Ông quên mất phần quan trọng mà nhờ đó Sài Gòn ngày trước đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông: Văn hóa.

Để có thể là một đại đô thị thứ thiệt, ngoài những công trình xây dựng lớn, những hoạt động kinh tế quy mô lớn, còn rất cần một thứ tạo nên hồn vía thật sự cho một nơi để sống của con người: Văn hóa- tinh thần. Sài Gòn ngày xưa được mặc nhiên thừa nhận là đại đô thị, bởi trong phần hồn của Sài Gòn đã sẵn có một tinh thần dung nạp rộng mở. Sài Gòn cho phép những người có tài năng sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình. Sài Gòn khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Tôi từng nghe chủ nhiệm- chủ bút tạp chí Bách Khoa, bác Lê Ngộ Châu vui vẻ kể rằng, hai nhà văn Võ Phiến và Vũ Hạnh ngược nhau như nước với lửa trong thái độ chính trị, nhưng khi bước vào tòa soạn Bách Khoa thì hai ông vẫn xử sự hòa nhã như với tất cả đồng nghiệp khác. Khi bị chủ bút buộc phải ngồi tại chỗ viết bài cho kịp lịch xếp chữ, hai ông lại mỗi người một ghế ngồi cạnh nhau trong cái tòa soạn chật cứng, để hí hoáy viết những bài mà có thể nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.

Sau tháng tư năm 1975, rất nhiều các thầy tôi ở Đại học Khoa Học Sài Gòn, những giáo sư- tiến sĩ được đào tạo ở Âu Mỹ, đã chọn việc ở lại, với hy vọng là làm khoa học tự nhiên, họ sẽ được tiếp tục dạy học và cống hiến cho đất nước- dân tộc trong hòa bình, như họ từng mơ ước suốt mấy chục năm chiến tranh. Nhưng sự thật phũ phàng sau đó đã cho thấy họ không được tin cậy, không được sử dụng chuyên môn đúng như mong muốn, và cuối cùng nhiều người đã phải ra đi…

Sài Gòn cho đến nay vẫn là lựa chọn ngay cả của những người dân Hà Nội đã không còn muốn tiếp tục sống ở thủ đô. Còn với dân các tỉnh nhỏ cả nước thì, Sài Gòn đúng là miền đất hứa. Rất nhiều sinh viên tỉnh nhỏ tốt nghiệp đại học đã không về quê mà ở lại Sài Gòn, chấp nhận những công việc lương thấp không đúng với chuyên môn được học, chỉ bởi hy vọng một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ cho mình một cơ hội.

Sài Gòn đủ rộng và đủ cả sự độ lượng cho những khác biệt về mọi mặt. có đủ chỗ cho cả người giàu hưởng thụ lẫn người nghèo nhặt nhạnh. Thành phần nghèo đói nhứt, những người buôn gánh bán bưng mỗi ngày bỏ ra 20.000 đồng cho một chỗ ngả lưng ban đêm vẫn thấy Sài Gòn đã mở rộng vòng tay với họ, cho họ một thu nhập dù tối thiểu nhưng vẫn có cái để họ gởi về quê nghèo nuôi cha mẹ, vợ/chồng con.

Nhưng Sài Gòn trong các cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8 tháng 5 đã thật sự bị chà đạp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

kimcuc 4

“Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai? “

Khi nhìn thấy hình ảnh cô gái trẻ Lê Vi đầu tóc dã dượi gương mặt uất ức đang khóc một cách đau đớn trong chiếc áo dài trắng lấm lem nhàu nát sau khi bị đánh, người xem FB cảm thấy nghẹt thở, như chính mình bị đánh. Càng không thể chịu đựng khi biết cô đã bị những gã đàn ông đá đạp vào bụng, cho đến khi những người biểu tình khác phải (nghĩ ra cách để) la lên là cô đang có mang thì những kẻ kia mới chịu buông tha cô.

kimcuc 9

Cũng như vậy, gương mặt thất thần kinh hoảng của Hoàng Mỹ Uyên và những vết thương cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục đã hành hung chị bằng tất cả sự thù hận có thật. Sự thù hận đó tới từ đâu? Nếu người đàn ông đạp vào đầu vào mặt Mỹ Uyên biết chị là người đã cho đặt trước nhà mình thùng bánh mì miễn phí dành cho những người nghèo đỡ bữa, anh ta có đánh chị như đánh kẻ tử thù? Khi đánh một người phụ nữ với sự tàn bạo như vậy, anh ta đã nghĩ gì? Thù hận trong đầu anh ta bắt nguồn từ cái gì?

Sài Gòn sáng ngày 8 tháng 5 thật sự là một hòn ngọc bị đập nát. Sự đàn áp thô bạo dành cho người biểu tình là điều mà những con người bình thường còn đủ lương tri không bao giờ hiểu nổi, không bao giờ chấp nhận.

kimcuc 8

Vì sao người dân lại bị đối xử như vậy? Việc bày tỏ ý muốn được sống trong một môi trường trong lành với thực phẩm sạch có gì sai trái? Đó là một cái tội đáng bị trừng phạt thật sao?

Biển Chết Năm 2016 – Bố Đã Làm Gì?

Tôi yêu những khẩu hiệu rất phong phú mà người biểu tình đã cầm nó trên tay, chúng là những phát biểu cực kỳ sát sườn và hiểu biết. “Biển chết năm 2016- Bố đã làm gì?”. Đó là câu cật vấn mà năm, mười năm nữa, những đứa con hôm nay còn bé bỏng sẽ buộc người cha thờ ơ vô trách nhiệm của chúng phải trả lời. Nếu anh ta không có được giải đáp hợp lý, anh ta sẽ mất những đứa con. Tôi nghĩ đây là một trong những khẩu hiệu hay nhứt trong cuộc biểu tình của người Sài Gòn sáng 8 tháng 5.

Những khẩu hiệu rất hay của người dân Sài Gòn sáng 8 tháng 5

Những khẩu hiệu rất hay của người dân Sài Gòn sáng 8 tháng 5

“Minh bạch thông tin- Bảo vệ môi trường- Cứu dân miền Trung”. Người dân Sài Gòn đã không vô cảm trước hoạn nạn của ngư dân miền trung, mà thật ra cũng là của chính mình, của tất cả những người Việt Nam có lương tri khác. “Con tôi cần nước Sạch- Không khí Sạch- Thực phẩm Sạch- Chính quyền Sạch”. Đó là lời giải thích cho việc có mặt trong đoàn biểu tình của một trong hàng ngàn hàng triệu những người mẹ yêu con một cách có trách nhiệm…

“Stand up for our survival”. “Biển chết thì con người cũng chết”. “Stop Formosa- Stop killing nature”. “SOS, Our sea has died”. “Việt Nam khủng hoảng môi trường sống”. “Polluters are Criminals”. “Save Our Seas”.. “Vì môi trường trong sạch cho Việt Nam”. “Môi trường là lẽ sống”. “Bảo vệ biển và ngư dân”. “Biển sẽ xanh khi chúng ta sạch”. “Bảo vệ môi trường- Bảo vệ sự sống”…

kimcuc 6

Ai đã cam tâm đui điếc để tung tin người dân đi biểu tình là do được thuê tiền? Đó là một sự xúc phạm sâu sắc và vô liêm sỉ.

Ai dám nói là người dân không am hiểu điều họ đang làm, không biết vì sao họ phải ra đường để đối đầu với các hiểm nguy đang chờ chực. Họ thông thái hơn rất nhiều những “nhà khoa học” hư danh, những chức danh bằng cấp hợm hĩnh in đầy trên danh thiếp để tự sướng, những chức vị dài thượt bắt dân nghe đến nhàm tai những khi có các loại lễ lạc dông dài đến vô tận…

Sao có thể thẳng tay đàn áp những công dân ưu tú như vậy? Chính quyền phải tự giáo dục lại nhân viên của mình chớ không phải cứ quen miệng đòi “giáo dục nhân dân” một cách hết sức vô nghĩa và hỗn xược.

Các nhà chính trị hãy cố thực thi tài kinh bang tế thế của mình nhưng hãy để yên nhân dân sống bên nhau không bị lừa dối và đầu độc. Hãy bắt những kẻ hủy diệt môi trường phải trả giá bằng pháp luật, bằng bản án kinh tế để không chỉ một Formosa Vũng Áng mà những Formosa dự bị của tương lai, trước khi hành động phi nhân vì lòng tham, sẽ e ngại sự trừng phạt mà kịp thời ngưng lại.

Hãy để Sài Gòn và những thành phố, làng xã khác khắp cả nước không tái diễn cảnh đánh đập, xúc phạm những trái tim đầy yêu thương người dân dành cho nhau… Hãy trả lại cho Sài Gòn sức mạnh mà Hòn Ngọc Viễn Đông từng có được.

Đó là lòng tin vào điều lành, cái tốt, có được nhờ những giá trị tâm linh sâu sắc, khiến người dân luôn làm việc lành một cách bản năng chớ không phải làm việc ác một cách mù quáng như những gì đang thấy.

Đó là, tinh thần dung nạp rộng mở, để những người có tài năng được sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình, khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Đó là, để người dân được nói đúng tiếng nói của mình, được tôn trọng và tin cậy dù điều họ nghĩ và nói khác với những gì nhà cầm quyền mong muốn. Hãy biết lắng nghe dân, để tạo nên những thay đổi không chỉ tốt cho người dân mà chính là tốt hơn cho cho những người đang có trách nhiệm cầm quyền.

Chỉ như thế thì Hòn Ngọc Viễn Đông mới có hy vọng tái sinh…

Ngô Thị Kim Cúc
https://www.facebook.com/kim.ngo.7739/posts/1190036931008130

Công dân ơi! Đứng Lên Đáp Lời Sông Núi

Trần Quốc Bảo

Ru con, Canh 1

À ơi!
Hạ hời ơi!
Canh một con ngủ cho say
Để mẹ ra chợ ăn mày nuôi con
Xót xa mấy chục năm tròn
Quỉ ma ngự trị trên non sông này
Sống trong tủi nhục đắng cay
Mất tự do, mất luống cầy nương khoai
Mất hiện tại, mất tương lai
Như câm điếc, dưới gót giầy Cộng nô
Toàn dân uất hận giặc Hồ
Tôn thờ Cộng sản dày mồ Việt Nam
Dòng lịch sử bốn ngàn năm
Ai ngờ nay lại tối tăm thảm sầu
Mười nước mạt nhất hoàn cầu
Việt Nam giờ đứng hàng đầu con ơi!

Ru con, Canh 2

À ơi!
Hạ hời ơi!
Canh hai con ngủ cho vùi
Để mẹ ra chợ buôn chui, bán lòn
Mánh mung chằng đủ nuôi con
Đồ nhà chôm hết, đâu còn thứ chi
Hết cơm, hết cả khoai mì
Bo bo sống sượng, lấy gì con ăn
Gườm gườm mũi súng công an
Lao tù cải tạo gian nan chất chồng
Cột điện mà nó biết rông
Thì nó đã bỏ, nó dông tám đời!
Một năm ba mét vải sồi
Ăn lông ở lỗ như thời sơ khai
Vậy mà nói láo thiệt tài
Tự do, hạnh phúc, vượt ngoài chỉ tiêu! (?) ”

Ru con, Canh 3

À ơi!
Hạ hời ơi!
Canh ba con ngủ cho yên
Đừng nghe Việt Cộng tuyên truyền ba hoa
Tối ngày ông ổng qua loa
Hòa bình, độc nập, rân ta phú cường! ”
Người dân đội đất nằm sương
Những câu bịp bợm dễ thường ai tin
Thiên đường Các-mác Lê-nin
Là nơi đầy đọa ăn xin ngủ đường
Việt Nam mình thật đáng thương
Dưới tay Đảng trị, tai ương dập dồn
Với Tầu Cộng, Đảng cúi luồn
Với dân, đàn áp đến muôn kinh hoàng
Núi sông phủ một mầu tang
Mẹ nhìn con ngủ hai hàng lệ rơi!

Ru con, Canh 4

À ơi!
Hạ hời ơi!
Canh tư con ngủ cho ngoan
Ru con lòng mẹ nát tan thảm sầu
Đắng cay nhìn khắp năm châu
Việt Nam mình có phải đâu ngu hèn
Vốn dòng Hồng-Lạc Rồng-Tiên
Giang sơn như gấm hoa miền Á Đông
Biết bao liệt nữ anh hùng
Biết bao tuấn kiệt, kiếm cung văn đàn
Thế mà Nước mất nhà tan
Quốc dân gánh chịu muôn vàn khổ đau
Sĩ phu … sao chịu …cúi đầu ???
Anh thư, hào kiệt … lánh đâu hết rồi ???
Da vàng máu đỏ con ơi!
Có nghe lời mẹ ru hời năm canh ???

Ru con, Canh 5

À ơi!
Hạ hời ơi!
Canh năm con ngủ đã lâu
Niềm đau sông núi con đâu biết gì
Hỡi ơi! … Tổ Quốc lâm nguy !!!
Tầu-Cộng xâm lấn biên thùy Nước ta
Nam Quan lùi mốc thiệt xa
Ngoài khơi, Quần đảo Hoàng sa mất rồi!
Nội địa, Đảng dâng núi đồi
Đảng dâng Vũng Áng cho người ngoại bang
Chúng làm nhà máy thép gang
Làm chim, cá chết, tàn hoang xứ mình
Than ôi! vận Nước điêu linh
Ai người cứu Nước hi sinh anh hùng ?
Qua đêm tăm tối mịt mùng
Con ơi! Tỉnh dậy rạng đông rồi kìa !

                         ***
Ru con nước mắt đầm đià
“Con ơi! Nước Việt mai kia mất còn
Tương lai Tổ Quốc tay con
Mau mau vùng dậy cứu non sông nhà !!!”

Trần  Quốc Bảo
Richmond, VA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

naycongdanoi

Nhìn Việt Nam nhớ Doãn Quốc Sỹ

Trịnh Bình An

doanquocsyTôi không biết nhiều về Doãn Quốc Sỹ.

Nhưng tôi thường nghĩ về ông qua truyện cổ tích Hồ Thùy Dương.

Đó là năm tôi lên 10. Trong nhà, có thấy vài cuốn tạp chí Sáng Tạo không biết của ba hay các anh chị mua về. Tiếng Việt dễ học quá nên con nít cũng có thể đọc ké sách người lớn. Nhưng dĩ nhiên, đọc mà không hiểu gì hết.

Tôi nhớ mình cũng đọc truyện kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền. Cũng không hiểu, chỉ cảm thấy một không khí rờn rợn âm u khá… hấp dẫn.

Nhưng Hồ Thùy Dương thì nhớ khá kỹ.

Chỉ vì đó là truyện cổ tích, mà đứa con nít nào lại chẳng mê truyện cổ tích.

Tôi đọc truyện, biết ngay con cáo trong truyện là Hồ Chí Minh.

Con nít gì mà lanh dữ vậy?

Dạ, có gì quá khó đâu, chữ “hồ” nghĩa là “con cáo”. Đó có lẽ là một trong những chữ Hán Việt mà con nít miền Nam học được sớm nhất.

Tôi nhớ những cuốn tập viết thời đó, trang bìa sau có in những câu truyện bằng tranh. Những bức tranh bé xíu chỉ bằng bao quẹt, mực in xanh đỏ có khi lem nhem, vậy mà đã khắc vào trí não tôi thật rõ. Một trong những truyện tranh ấy là mối tình Tô Đắc Kỷ – Bá Ấp Khảo. Hai người yêu nhau nhưng Đắc Kỷ bị tiến cung cho Trụ Vương. Chính nhờ Tô Đắc Kỷ lén giúp đỡ nên Bá Ấp Khảo và cha là Chu Văn Vương mới trốn thoát được để về sau đem quân chinh phạt vua Trụ.

Nhưng trong truyện Phong Thần thì Đắc Kỷ lại là một con cáo thành tinh có chín cái đuôi, nên còn được gọi là Cửu Vỹ Hồ Ly.

Truyện Đắc Kỷ hồ ly độc ác lóc thịt Bá Ấp Khảo có lẽ hấp dẫn hơn truyện Đắc Kỷ tiểu thư hiền lành cứu thoát người yêu, nên cải lương, hát bội đều khai thác sự tích hồ ly tinh. Và đứa nhỏ mê coi hát tuồng như tôi, vì thế, không thể không biết con cáo chính là con “hồ”.

Vào những năm 1970 thì mấy ai có họ “Hồ” ngoài… Hồ Chí Minh?

doanquocsy 2Con cáo trong Hồ Thùy Dương chắc phải là nam, bởi vì mấy lần biến dạng thành người nó đều đội lốt ông đạo sĩ. Thế nhưng, dù tu luyện cỡ nào nó cũng không thể làm biến mất cái đuôi cáo lùm xùm, nên nó phải mặc áo rộng lụng thụng để che đi cái đuôi.

Con cáo biết được nơi ẩn dấu một cây đũa thần. Nhưng nó không thể đụng tới nếu không có chín giọt máu người. Và nó nghĩ ra một âm mưu tàn ác. Nó hiện thành đạo sĩ, dụ dỗ ba người đàn ông ra tay sát hại người thân của họ với lời hứa họ sẽ làm chủ được đũa thần, sẽ dùng đũa thần cứu sống người thân trở lại và rồi sẽ đạt được mọi điều mong muốn khác.

Than ôi!

 Ba con người mê muội ấy sau khi đã nhẫn tâm hạ sát người thân thì hăm hở đưa tay định cầm lấy đũa thần. Nhưng cây đũa đang tỏa sáng hào quang bỗng vụt trở nên xám xịt, lạnh ngắt. Chẳng có quyền năng huyền diệu nào bằng lòng phục vụ cho những kẻ tham lam và ngu si. Cả ba tuyệt vọng và tự sát.

Chỉ có con cáo giảo quyệt, cuối cùng, đạt được tham vọng. Sau khi uống chín giọt máu người, nó vận công khiến cái đuôi cáo thụt hẳn vào trong, tan biến… Nhưng, nó không ngờ rằng cái đuôi tan vào máu lại khiến cho hơi thở trở nên vô cùng tanh hôi. Và mỗi khi nó thở ra thì khí độc tàn phá hết mọi loài cây cỏ, khiến cho chung quanh nó chỉ còn là một vùng đất chết.

 Giờ đây, khi thấy không còn cách gì sở hữu đũa thần huyền nhiệm lại còn bị gạt ra khỏi sự sống, con cáo càng trở nên độc ác, nó trút hết thù hận lên loài người. Nó tìm cách bắt loài người phải trở thành nô lệ của nó.

Với tà thuật, con cáo nhìn thấu mọi tâm tư và dục vọng của con người. Ai muốn quyền chức, nó cho họ quyền chức; Ai muốn bạc tiền, nó cho bạc tiền; Ai muốn nữ sắc, nó cho nữ sắc. Vì vậy, chẳng mấy chốc nó tạo ra cả một triều đình với đám quân thần bu quanh, sẵn sàng làm tất cả những điều hồ ly sai bảo.

Chưa thỏa lòng tham, con cáo còn nghĩ ra cách đoạt lấy những đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng từ khi vừa mới lọt lòng. Đám nhi đồng này được nuôi dưỡng ở nơi riêng biệt và không biết tới ai ngoài con cáo là vị “cha già” độc nhất.

Mãi về sau, tôi mới nhìn ra sự thật trong những giòng chữ cổ tích. Sự thật làm rùng mình ớn lạnh.

Cho đến ngày nay, thủ đoạn nham hiểm của cáo “Hồ” vẫn còn được đồng bọn áp dụng triệt để: mọi ham muốn tục tằn nhất của con người đều được thỏa mãn miễn họ đừng lên tiếng đòi đa nguyên, đa đảng, tự do, nhân quyền, và chống Tàu.

Nhà thơ Lý Đợi gọi đó là “luộc”.

Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mỹ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…

 Còn đám con nít, thiếu nhi Khăn Quàng Đỏ, thì học được cái gì?

Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta“. Vậy mà giờ đây các em cứ lơ mơ không rõ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai cha con hay là hai anh em!

Tôi thật phục Doãn Quốc Sĩ, viết một câu chuyện ảo mà lại thành quá thực. Thế nhưng, những mưu mô hung hiểm của cộng sản không chỉ có thế…

Hãy nhìn về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Sau khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã phá hủy tất cả các nghĩa trang quân đội, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vì có quy mô quá to lớn nên cộng sản không làm gì được. Trải qua hàng chục năm, các công trình trong Nghĩa Trang như Cổng Tam Quan, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài cùng với 16.000 ngôi mộ vẫn còn đó.

Nhưng, với dã tâm thâm độc, cộng sản đã thi hành một thủ đoạn hết sức tinh vi và tàn ác, đó là chúng cho trồng những loại cây to lớn ngay sát cạnh các mộ phần của người lính Cộng Hòa.

doanquocsy 3Sau hơn 13 năm (từ 2003 đến 2016) cây mọc ngày càng cao. Những cái cây lừng lững ấy thoạt nhìn ngỡ đem lại bóng mát êm đềm cho nghĩa trang, nhưng càng nghĩ thêm càng thấy rùng mình ghê sợ. Thử hỏi đám rễ cái rễ con của chúng đang… ăn vào đâu?

Trong quan niệm phong thủy mồ mả của người Á Đông, ngôi mộ còn được gọi là Âm Trạch, nghĩa là nhà ở dưới âm phủ, là nơi an nghỉ của những người đã khuất. Phong thủy trong mồ mả có liên hệ mật thiết với những người đang sống. Một gia đình có thể bị xào xáo, thậm chí lụn bại khi mồ mả của cha ông bị “động”.

Đứng hàng đầu trong các trường hợp xấu nhất về “động mồ”, “động mả” là “Mộ chôn gần cây cổ thụ, để rễ cây đâm vào hài cốt thì con cháu bị mổ xẻ, bại liệt, đui mù, câm điếc, giảm thọ.

Và như thế, thân nhân chỉ còn có một cách duy nhất là đút lót để cải táng hài cốt. Dần dà, mọi ngôi mộ đều phải “ra đi”. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, và rồi trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu thương mại hay du lịch nào đó.

Câu chuyện Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ tuy có thực, có rùng rợn cách mấy cũng không thực, không rùng rợn bằng câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Con cáo trong Hồ Thùy Dương tuy tàn nhẫn nhưng ít ra nó chỉ làm hại người sống.  Còn những con cáo “thành Hồ” ngày nay, táng tận lương tâm đến mức người chết chúng cũng không tha.

Nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ Doãn Quốc Sỹ, vì ông đã nghĩ ra một đoạn kết thật tuyệt vời cho câu chuyện tưởng chừng vô vọng.

Có một vị vua rất nhân từ đã tìm cách trừ khử con cáo tinh. Ông biết không thể xử dụng người lớn trong chiến đấu vì họ đều bị con cáo dùng tà thuật mê hoặc. Nhà vua bèn nảy ra sáng kiến lập một đội chiến sĩ tí hon. Đó là những em nhỏ mà vũ khí của các em chỉ là sự hồn nhiên, trong sáng và nhiệt tâm. Đúng như vị vua tiên đoán, con cáo vì không mua chuộc được các em nên cuối cùng đã phải thảm bại.

Ngày nay, tuy những bộ mặt thô bỉ của bọn quan tham vẫn phủ trùm ma quái trên đất nước, nhưng đây đó đã lóe lên những khuôn mặt khả ái, tươi sáng của những khuôn mặt đấu tranh thật trẻ – các em chính là đạo quân thiên thần mà hơn 50 năm trước Doãn Quốc Sỹ đã từng nghĩ tới với tất cả hy vọng.

Xin được mượn lời của nhà văn Hoàng Khởi Phong:

Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc. (trích “Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ” – Hoàng Khởi Phong).

Xin cảm tạ nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã cho ra đời Hồ Thùy Dương để nói lên những nỗi đau mà dân tộc đang phải gánh chịu, nhưng đồng thời mở lối một tương lai mới cho con người và đất nước Việt Nam.

Trịnh Bình An

Ngày Của Mẹ

Cao Nguyên

ngay cua me

Ngày Của Mẹ hằng năm, tôi thường gởi email đến các con của tôi bài thơ “Nhớ Đông Xưa”, như một lần nhắc lại các con phải luôn ghi nhớ về người Mẹ của mình trên hành trình đi bên cạnh người Cha suốt quãng đời chồng chất những khó khăn gian khổ.
Có thể đây cũng là một điển hình của một người đàn bà Việt Nam có chồng là một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời kỳ chiến tranh, người vợ thường sống bên chồng trên những vùng đất tiếp cận với chiến trường đầy những nỗi lo khi người chồng đang trực tiếp hành quân chống quân phương Bắc xâm chiếm miền Nam.
Những nỗi lo càng tăng lên sau chiến tranh, khi người chiến binh trở thành người tù binh, có những khoảng thời gian biệt tích trong các trại tù cộng sản. Khi nhận được tin chồng đang sống trong một trại tù nào đó, ngoài nỗi lo về sinh mạng người chồng trước sự ngược đãi khắc nghiệt của kẻ thù hung bạo. Người vợ còn phải lo làm việc vượt sức của mình, mong gom góp được chút tiền mua lương thực và vật dụng, thuốc chữa bệnh cần thiết để đi thăm nuôi chồng.
Mỗi lần vợ tôi đi thăm tôi ở những trại tù từ miền Nam ra miền Bắc, đều dẫn theo 2 đứa con gái, vừa để các con được gặp lại người cha, vừa để mẹ con chăm sóc lẫn nhau.
Bài thơ “Nhớ Đông Xưa” tôi viết trong mùa Đông 1978, sau khi vợ con đến thăm tôi tại trại tù Lào Cai sát biên giới Trung Quốc.
“gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau”
Trong thời điểm mọi người dân Việt Nam phải sống trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, ăn đủ no mặc đủ ấm đã là hạnh phúc. Thì việc phải chia sự ấm no đó cho người chồng ở trong tù, người vợ nào không cùng tâm trạng gian nan và tủi nhục đó.
“hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục”
Sự thăm nuôi, tiếp tế thức ăn, thuốc uống là sự duy trì cần thiết cho sự sống của người chồng. Bởi trong hoàn cảnh thù hận và khắc nghiệt của bọn cai tù, người chồng có thể gục chết bất cứ lúc nào. Người vợ đến thăm nuôi như một cứu tinh, đập vỡ quan tài để đưa chồng từ hỏa ngục trở về với cuộc sống.
Các con tôi, các con của những người tù binh như tôi trong những hoàn cảnh ấy, cần phải nhớ ơn người Mẹ của mình . Người Mẹ đã suốt đời vào sinh ra tử cùng chồng.
Tôi cũng muốn các con tôi hiểu thấu ý nghĩa của bài thơ, để thấm từng dòng tâm tư của Cha gởi cho Mẹ, mà cùng tri ân Mẹ của mình đã sống vì chồng con dẫu phải vượt qua bao đắng cay chua xót của một người đàn bà Việt Nam hiện hữu trong một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam sau khi bị cộng sản phương Bắc cưỡng chiếm miền Nam.
Nhân Ngày Của Mẹ, tôi xin chia xẻ cùng các bạn tâm trạng của tôi về một mùa Đông xưa.
“thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!”
Tôi cũng không quên chúc các bà vợ của các chiến hữu luôn được an vui sau những tháng năm tủi buồn và đau khổ cả tâm trí và thân xác.
Thân mến,
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ – May 10, 2016

Nhớ Đông Xưa

đang ở giữa những ngày Đông lướt qua
trời buốt lạnh lại nhớ mùa cơ cực
mắt muốn ngủ mà trái tim vẫn thức
canh chừng em trên bờ vực lầm than
gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!
thắp sáng tin yêu trong huyệt sầu hun hút
hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục
hăm hở đi, quên tiếng nấc bi ai!
nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!
em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con – Thế gới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
*
Xuân lại đến, cuộc đời đi cũng vội
mừng tuổi mình, tóc bạc lại trao nhau
nụ hôn quen sao mãi còn bối rối
như thuở anh vừa dạm hỏi trầu cau!

Cao Nguyên

To My Mom – Gửi Mẹ Của Con

Nguyên tác: Cryssy Gambrill
Chuyển Ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao

roseflower-316621

 

 

TO MY MOM

To My Mom
who’s a listener and a friend,
To My Mom whose love never ends.
To My Mom whose heart is sore broken,
To My Mom whose love
is unspoken.

To My Mom
who never really ages,
To My Mom I could fill up pages.
To My Mom who unwraps my emotions,
To My Mom,
I’d swim over oceans.

To My Mom
I’m proud to express,
“You’re the greatest and the best.”
To My Mom who sacrificed much,
To My Mom
I love your sweet touch.

To My Mom
I’m still her sweet little baby,
To My Mom who loves me
though sometimes I’m lazy.
To My Mom I can be the most honest,
To My Mom who keeps her promise.

To My Mom
who prays from her heart.
To My Mom who has had a great part,
In shaping and making me into the child
who once was confused and
often too wild.

To My Mom,
there’s only one you,
To miss Mother’s Day
I’d feel real blue.
I love to hold you and
express my thanks
For loving me
in spite of my pranks.
And to share all our stories
though wild and far-fetched,

Your beautiful smile
will always remain etched
In My memory
of people I love.
You’re surely a gift
sent from above.
To My Mother,
a queen in my eyes,
My special love for you
never dies!

So Happy Mother’s Day
to the dearest of ladies,
I’m so thankful I could be
one of your babies.
May this year bring you
your heart’s hidden desires,
And never quench the love
that inspires
Your children
to walk in the path of real love.
You’re truly
a treasure
sent from above!

Cryssy Gambrill

GỬI MẸ CỦA CON

Vài hàng kính gửi Mẹ yêu
Mỗi khi con nói Mẹ chiều Mẹ nghe
Mẹ là người bạn cận kề,
Suối nguồn tình Mẹ không hề cạn vơi.
Đôi khi lòng Mẹ tơi bời,
Thâm trầm tình Mẹ không lời thốt ra.

Mẹ thời trẻ mãi không già,
Tình con dâng Mẹ chan hòa ngàn trang.
Trong con tình cảm thênh thang
Mẹ thời khai mở nhẹ nhàng cảm thông,
Cho dù biển rộng mênh mông
Con bơi tìm Mẹ mà không ngại ngùng.

Con yêu Mẹ, yêu vô cùng
Con luôn kiêu hãnh nói sung sướng rằng:
“Mẹ vĩ đại không ai bằng
Mẹ thời tuyệt hảo, vĩnh hằng, Mẹ ơi!”
Mẹ hy sinh cả một đời,
Bàn tay xoa dịu con thời khó quên.

Mẹ coi con ở cạnh bên
Mãi còn bé bỏng lành hiền thơ ngây,
Con dù lười biếng đôi ngày
Mẹ luôn thương mến la rầy gì đâu.
Con luôn thành thật hàng đầu,
Noi gương Mẹ quý trước sau giữ lời.

Mẹ thường cầu nguyện đất trời
Thiết tha, nồng thắm, muôn đời thành tâm.
Chính bàn tay Mẹ dự phần
Nuôi con lớn dậy khôn ngoan nên người
Dù con Mẹ đã có thời
Bước chân lầm lạc rong chơi lỡ làng.

Mẹ ơi con muốn thưa rằng
Khó ai mà lại sánh ngang Mẹ hiền,
Con ân hận, con muộn phiền
Nếu “Ngày Hiền Mẫu” lại quên năm này.
Con mong ôm Mẹ trong tay
Thốt lời âu yếm giọng đầy tri ân
Vì rằng Mẹ đã bao lần
Yêu con, không chấp lỡ lầm của con.
Và lòng mẹ đã chẳng buồn
Cảm thông chia xẻ chuyện con hoang đàng,

Nụ cười Mẹ mãi rỡ ràng
Phô ra nét đẹp huy hoàng khắc sâu
Trong con ấp ủ dài lâu
Tận cùng tâm khảm rạng màu thương yêu.
Mẹ là tặng phẩm mỹ miều
Trời cao ban phát với nhiều hồng ân.
Mẹ là tiên nữ giáng trần
Nữ hoàng lộng lẫy trong tầm mắt con,
Con yêu Mẹ, yêu thật lòng
Tình con dâng Mẹ mãi không phai tàn!

Con yêu Mẹ nhất trần gian
Nhân “Ngày Hiền Mẫu” ngập tràn niềm vui
Con ghi ơn Mẹ suốt đời
Được làm con Mẹ tuyệt vời biết bao.
Những điều Mẹ ước từ lâu
Bao ngày chất chứa thầm sâu trong lòng
Con cầu chúc, con ước mong
Năm nay Mẹ sẽ đạt xong vẹn toàn,
Tình gây cảm hứng dâng tràn
Không bao giờ tắt, ngày càng đẹp thêm
Hướng đàn con nối gót liền
Theo đường rực rỡ dấu in chân tình.
Mẹ là kho báu thiên đình
Trời cao ban xuống cho mình con thôi!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ / Mother’s Day 2016)

rose-19

Những Ngày Tháng Không Quên

Cao Nguyên

image1

41 năm về trước: Ngày 23 tháng 4 năm 1975 khoảng 7 giờ chiều, chiếc chinook cấp cứu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bốc gia đình tôi từ một đỉnh đồi tranh bên tả ngạn sông Ba đưa về Tuy Hòa / Phú Yên. Nơi tập trung sơ khởi để các đơn vị quân nhân và gia đình kiểm điểm quân số và người thân trong cuộc triệt thoái từ Tây Nguyên về Duyên Hải, xuyên qua tỉnh lộ số 7 thuộc tỉnh Phú Bổn.

Đoạn đường từ Pleiku đến tả ngạn sông Ba không dài lắm, thế mà chúng tôi đã đi suốt một tuần lễ, bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng 4 theo lệnh triệt thoái của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một cuộc triệt thoái không có báo trước, dù quân dân trên khắp miền Tây Nguyên đang hoang mang bởi áp lực của Cộng quân dọc biên giới, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.

Sáng hôm nay, ngày 23 tháng 4 năm 2016, tôi đã đến Eden Center / Virgnia để cùng các thân hữu thuộc cộng đồng người Việt và các chiến hữu thuộc Liên Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, làm lễ kéo cờ rũ để tưởng niệm 41 năm ngày Quốc Hận: 30/4/1975 – 30/4/2016.

Bốn mươi năm – hơn mười nghìn đêm mất ngủ 
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta 
những người đã sống hơn bốn, năm thập kỷ 
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài! 
(Trường Ca Bi Tráng)

Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.

Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?

Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân quen!

Thưở mình đi ngược gió 
Quê Hương ở đằng sau! 
(tình khúc Sơn Hà)

Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tộc. Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.

Dường như có giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ đang được kéo xuống của một lễ tang quốc gia.
Khi lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!

image2

Cao Nguyên 
Washington D.C. – 23/4/2016

Trong Đêm Khuya

* Truyện của: VARLAM SHALAMOV
* Chuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Varlam Shalamov sinh vào khoảng năm 1907 và mất ngày 17 tháng 1 năm 1982. Tác giả thường viết những truyện ngắn mô tả về cuộc sống trong các trại tù. Truyện được bí mật lưu truyền ở Liên Bang Sô Viết và sau đó được phổ biến rộng rãi tại phương Tây. Truyện sau đây được chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của John Glad với nhan đề “In The Night”.

dem khuya

Bữa ăn tối vừa xong. Glebov chậm rãi liếm sạch cái chén rồi vét những mẩu bánh vụn trên bàn vào trong lòng bàn tay trái một cách lành nghề. Hắn không nuốt ngay. Hắn ngậm những mẩu bánh nhỏ xíu đó trong miệng lẫn với bao nhiêu nước miếng để rồi cảm nhận bánh một cách thèm thuồng. Glebov cũng chẳng có thể nói là bánh ngon hay không nữa. Vị giác là cái quái gì, đâu đáng được mang ra để mà so sánh với cái khoái cảm của hắn lúc này. Glebov không vội vã nuốt bánh xuống làm chi, để yên đấy, bánh sẽ chầm chậm tan dần trong miệng và lẹ làng biến mất đi mà!

Cặp mắt sâu hoắm của Bagretsov sáng lên và nhìn trừng trừng mãi vào miệng Glebov. Chẳng anh chàng nào có đủ nghị lực quay đầu đi mà không ngó chằm chằm vào miệng bạn mình khi cái miệng đó đang ăn. Glebov nuốt nước miếng xuống và Bagretsov lúc đó mới chịu lập tức quay nhìn ra phía khác, ra phía chân trời nơi mặt trăng vàng lớn đang lừng lững mọc lên.

“Tới giờ rồi!”, Bagretsov nói. Họ chậm rãi đi dọc theo lối mòn dẫn tới một tảng đá lớn và trèo lên khoảng đất trống nhỏ ven đồi. Mặc dù mặt trời vừa mới lặn đây thế mà mấy tảng đá đã lạnh ngắt rồi, chính mấy cái tảng đá này ban ngày nóng bỏng đến cháy cả gót chân trơ trụi của họ đi trong đôi dép cao su. Glebov cài nút áo khoác dày. Đi như vậy mà người cũng chẳng ấm lên được. Hắn hỏi khẽ: “Còn xa nữa không?” “Chút nữa thôi!”, Bagretsov thì thào trả lời. Họ ngồi xuống nghỉ. Họ chẳng có chuyện quái gì để nói hay để suy nghĩ cả. Mọi việc đều đã rõ ràng và đơn giản. Trong một chỗ đất phẳng phiu ở cuối cái bãi trống này là những đống đá mà người ta đã đào từ dưới đất lên để lẫn với rêu đã tróc ra khô queo.

“Tớ làm chuyện này một mình cũng dư sức mà!”, Bagretsov nở một nụ cười nhăn nhúm. “Nhưng hai đứa mình cùng làm thì vui hơn. Hơn nữa tớ lúc nào cũng coi cậu là bồ tèo…” Cả hai anh chàng đồng hội đồng thuyền này cùng được chuyển vào nơi đây mới năm ngoái thôi.

Bagretsov ngừng lại: “Cúi xuống không tụi nó trông thấy chúng mình đấy!”. Họ nằm xuống và bắt đầu liệng những cục đá sang một bên. Chẳng có cục đá nào quá to để đến nỗi phải cần hai người xúm lại khiêng vì những kẻ chất đá sáng nay cũng không khỏe gì hơn Glebov.

Bagretsov khẽ chửi thề. Hắn bị đứt tay và chảy máu. Hắn đắp chút cát vào vết thương, xé một miếng giẻ trên áo khoác và buộc vào chỗ bị thương nhưng máu vẫn cứ rỉ ra. “Máu loãng, khó đông!”, Glebov nói tỉnh khô. “Này! Bồ là bác sỹ đấy à?” Bagretsov hỏi, miệng mút vết thương.

Glebov lặng thinh. Cái thời mà hắn còn làm bác sỹ có vẻ như xa xôi lắm rồi, dường như không phải là chuyện có thực nữa? Luôn cả cái thế giới ở phía bên kia núi đồi, bên kia biển cả hầu như cũng không có thực nữa, nó mờ mờ mịt mịt như trong giấc mộng vậy. Chỉ còn những ngày giờ, những giây phút từ lúc ngóc đầu dậy bởi tiếng kẻng báo thức buổi sáng cho tới khi hùng hục “lao động” xong công việc hàng ngày mới là có thực mà thôi. Hắn chẳng muốn nghĩ ngợi gì thêm, chẳng còn hơi sức đâu để nghĩ. Mà cũng chẳng còn ma nào muốn nghĩ ngợi gì thêm nữa.

Hắn không biết được quá khứ của những người xung quanh, mà cũng chẳng muốn biết làm gì! Bởi thế nếu ngày mai đây cái anh chàng Bagretsov này mà có tự tiết lộ rằng y là một ông tiến sỹ hay một ông tướng tàu bay gì đi nữa thì Glebov cũng tin ngay, chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Chính Glebov có thực sự từng là thày thuốc không nhỉ? Chẳng phải hắn chỉ mất tiêu đi cái thói quen suy xét sự việc mà còn mất luôn ngay cả cái thói quen quan sát sự việc nữa. Glebov nhìn Bagretsov mút máu ở đầu ngón tay nhưng không nói gì. Mọi việc thoáng qua, hắn nhận thức thấy nhưng không thể tìm ra và cũng chẳng muốn tìm ra lời giải đáp. Cái ý  thức còn sót lại trong hắn -có lẽ không còn là cái ý thức của con người nữa- nó rất phiến diện và giờ đây chỉ nhắm vào một mục tiêu mà thôi, đó là làm sao khuân những tảng đá ra càng nhanh càng tốt.

“Có sâu không?”, Glebov hỏi khi họ tạm nghỉ tay. “Sâu thế quái nào được?” Bagretsov trả lời. Và Glebov nhận thấy câu hỏi của mình thật là vớ vẩn, cái hố này tất nhiên chẳng thể sâu được. “Nó đây rồi!”, Bagretsov nói. Y vươn tới và đụng vào một ngón chân người. Một ngón chân cái thòi ra từ phía dưới những tảng đá, nhìn rõ mồn một dưới ánh trăng. Cái ngón chân khác hẳn các ngón chân của Glebov và Bagretsov, không phải chỉ khác vì nó cứng ngắc và hết sinh khí; về cái khoản này thì ngón chân người chết cũng chẳng khác ngón chân người sống bao nhiêu. Nó khác vì móng chân của cái ngón chân người chết đó đã được cắt gọn ghẽ, và ngay chính cái ngón chân đó thì đầy đặn và mềm mại hơn ngón chân Glebov. Họ vội vã vứt những tảng đá còn chất đống ở trên xác chết qua một bên.

“Tên này còn trẻ mà!”, Bagretsov nói. Cả hai kéo lê cái xác chết ra khỏi huyệt. “Tên này to con và phốp pháp quá!”, Glebov vừa nói vừa thở hổn hển. “Nếu tên này không mập ú như vậy thì tụi nó đã chôn hắn theo cái kiểu tụi nó thường chôn anh em mình rồi và chúng mình đâu còn lý do gì mà tới đây hôm nay nữa”, Bagretsov nói.

Họ kéo cho cái xác chết nằm dài dưới đất rồi lột chiếc áo ra. “Bồ thấy không, cái quần đùi này gần như mới tinh đấy!”, Bagretsov nói một cách mãn nguyện. Glebov dấu cái quần lót vào trong áo khoác. “Tớ nghĩ bồ mặc nó vào thì hơn!”, Bagretsov nói. “Không! Tớ không thích mặc đâu!”, Glebov lầm bầm.

Họ khiêng cái xác chết đặt lại vào trong mộ huyệt và khuân đá chất kín lên trên. Mặt trăng đang mọc. Ánh trăng xanh tỏa sáng phủ lên những tảng đá và lên cả khu rừng thưa khiến đá và cây cối có một vẻ đặc biệt nhìn không giống lúc ban ngày. Mọi vật đều tỏ ra hiện hữu, có thật, nhưng khác  hẳn lúc ban ngày. Dường như vũ trụ đeo vào một bộ mặt thứ hai, một bộ mặt về đêm. Glebov cảm thấy cái quần lót của người chết nhét trong áo khoác của hắn giờ đây ấm áp, không còn lạ lẫm nữa.

“Tớ thèm rít tí khói quá!”, Glebov mơ màng nói. “Ngày mai sẽ hút!”. Bagretsov mỉm cười. Ngày mai họ sẽ bán cái quần lót đi, đổi lấy bánh, và có lẽ ngay cả kiếm được chút thuốc lá nữa không chừng…  ./.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ.

Phóng Sự – Hình ảnh Tưởng Niệm Cố GS Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016)