Vụ Cain Giết Abel

Nguyễn Văn Thành
abel-2

(Cain và Abel mang lễ vật dâng Chúa. Khắc trên ngọc)

Có lẽ vụ sát nhân nổi tiếng nhất trong nền văn minh Tây Phương là vụ anh em giết nhau được thuật trong Sách thứ Nhất của Môi-Se (Moses), Chương 4, đoạn 1-16 (Book of Genesis, 4:1-16). Các sự kiện như duyên cớ, phiên xử và bản án gồm những câu ngắn gọn đủ giúp chúng ta có thể, không khó khăn lắm, diễn lại đủ sự việc xẩy ra tại hiện trường.

Vụ sát nhân diễn tiến như sau:

Cain và Abel là anh em, con của ông Adam và bà Ê-Va. Cain làm nghề nông, còn Abel chăn cừu. Hai anh em mang lễ vật dâng Chúa. Cain dâng trái cây và Abel dâng chiên đầu đàn và mỡ của nó. Không rõ vì lý do gì, Chúa nhận lễ vật của Abel và không đoái tới lễ vật của Cain. Cain tức giận không còn giữ được sự bình tĩnh nữa. Cain cúi gầm mặt xuống tỏ vẻ ghen tị với người em mặc dầu Chúa đã cảnh cáo y không được có thái độ như vậy đối với em. Không nghe theo tiếng gọi của lương tâm, Cain chờ cơ hội thuận tiện khi hai anh em ở cánh đồng vắng, Cain nổi giận xông tới giết chết em.

Những chi tiết ghi trong hồ sơ vụ án thật giản dị; một tội phạm nghiêm trọng thông thường luôn luôn xảy ra do sự ghen tị, căm ghét và giận dữ. Có hai sự kiện chính được coi như bằng chứng để buộc tội Cain: người ta đã trông thấy Cain và Abel cùng đi ra cánh đồng nhưng khi trở về chỉ thấy có một mình Cain thôi. Máu của người em bị giết đổ ra trên đất kêu gào sự báo thù thấu tới Chúa. Cuộc điều tra bắt đầu.

Chúa cho đòi Cain tới để phán xét. Chúa hỏi: “Em ngươi ở đâu?”. Cain trả lời: “Thưa, tôi không biết. Tôi là người giữ em tôi sao?”. Câu trả lời càng tăng thêm sự nghi ngờ. Một người vô tội bị buộc tội giết em không bao giờ trả lời như vậy. Cuối cùng Cain giữ im lặng coi như là biện pháp hay nhất để tự biện hộ vì không có một nhân chứng nào chứng kiến vụ án mạng đó. Cain đã quên có một nhân chứng, máu của người em, đã tố giác hành vi sát nhân của y trong câu hỏi sau “Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng máu của em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta.”

Theo thủ tục cổ xưa, cuộc thẩm vấn tại Tòa thật sơ sài nhưng cũng có đủ bằng chứng cho rằng Cain có tội. Bị can không bị kết án tử hình nhưng bị hình phạt lưu đầy.

Quy chế đầu tiên liên quan tới vấn đề sát nhân được quy định như sau trong Sách IX, chương 6 “Kẻ nào làm đổ máu của người khác sẽ thấy máu của mình đổ ra như thế.” (Who so sheddeth man’s blood, by man shall his blood be shed). Cain sợ chết, thưa, “Chúa đuổi tôi ra khỏi đất này, khi sống lưu lạc e có người gặp tôi, họ sẽ giết tôi.” Bởi cứ ấy, Chúa phán, “Nếu ai giết Cain thì sẽ bị báo thù bẩy lần.” Chúa đóng dấu trên mình Cain để cho mọi người biết không được giết Cain.

Phạm nhân Cain bị xua đuổi khỏi khu dân cư đông đúc, bị lưu đầy vào chốn hoang vu tại xứ Nod về phía Đông Eden, nơi đó không có gia đình, luật pháp và Thượng Đế che chở cho y.

abel

 (The Death of Abel. From La Sainte Bible 1866. Engraving. Họa Sĩ Pháp Gustave Doré tả vụ cố sát Abel. Bức tranh in từ bản khắc trong Thánh Thư. 1866)

Nhận xét về vụ án

Ðề cập vụ án Cain giết Abel, học giả David Werner Amram đã sử dụng nhiều từ chuyên môn pháp lý quen thuộc ở Tòa án như Chúa ban trát đòi Cain tới hầu Chúa, mở cuộc điều tra, Cain phải qua cuộc đối chất, bản án của Tòa đã tuyên…

Nhưng có một điểm pháp lý từ xưa cho tới nay đều áp dụng giống nhau. Ðó là động cơ thúc đẩy sự phạm pháp vì lý do nhân đạo hay ghen tị không ảnh hưởng tới sự trừng phạt.

Người viết xin tạm dịch một vài đoạn trong tác phẩm của học giả Amram để đóng góp vào sự thâm cứu vụ Cain.

“Ðề nghị, lấy ra từ trường hợp Adam và Eve, cho rằng quan niệm dân gian về sự ban phát công lý của Thượng Ðế theo cung cách tộc trưởng thời bấy giờ, cũng áp dụng cho trường hợp phạm pháp này. Truyền thuyết cũng không đưa ra một lý do nào cho biết tại sao lễ vật của Abel đã được nhận còn lễ vật của Cain bị từ chối, và cho rằng không đủ lý do chính đáng để biện giải cho sự phạm pháp. Cho dù đưa ra bất cứ lý do gì về việc Chúa không đoái hoài tới lễ vật của Cain, thật khó cho rằng sự việc đó ảnh hưởng tới khía cạnh pháp lý của vụ án cố sát. Xã hội học đối chiếu và văn hóa dân gian đề ra nhiều lý do khác nhau mà vào thời đại ngày nay chúng ta không còn quan tâm tới nữa…

Thật khó có thể nói rằng Cain đã được xét xử theo đúng tội phạm của y, bởi vì phương pháp thẩm vấn đương sự đã hoàn toàn thô sơ để có thể quan niệm một tiến trình thứ tự trong thủ tục điều tra tư pháp về sau này. Và tội phạm của y đã được xác nhận thể theo hoàn cảnh của vụ phạm pháp, và ngoài sự chối cãi đơn thuần không nhận tội, can phạm đã không hề có một toan tính nào để tự bào chữa cho mình. Bản án đã được tuyên ngay sau đó. Hình phạt dành cho bị can không phải tử hình mà là án lưu đày.”

Và tác giả Amram kết luận:

Có lẽ vụ sát nhân nổi tiếng nhất trong nền văn minh Tây Phương là vụ anh em giết nhau được thuật trong Sách Thứ Nhất của Môi-Se (Moses), Chương 4, đoạn 1-16 (Book of Genesis,4:1-16)”

 Chú thích:

-David Werner Amram – From Leading cases in The Bible- “The Murder of Babel”- “The Judgement of Solomon”.

   – The Complete Bible Handbook by John Bowker-Lightning out of Israel-The Arab-Israel Conflict by the Associated Press- Commemorative Edition)

TP. Nguyễn Văn Thành 

(Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”, Cỏ Thơm xuất bản 2016 )

nguyenvanthanh-image

Rene Francois Sully Prudhomme (1839 – 1907) Văn Hào Pháp Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương đầu tiên

Phạm Văn Tuấn

Rene Francois Armand Sully Prudhomme là nhà thơ và nhà viết bình luận người Pháp. Ông là thi nhân lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương đầu tiên vào năm 1901.

Sully Prudhomme trước tiên theo học ngành kỹ sư rồi chuyển sang bộ môn triết học và thơ phú. Ông liên hệ với trường phái Parnassus nhưng các tác phẩm của ông mang các đặc tính riêng.

1/ Cuộc đời của nhà thơ Sully Prudhomme. 

            Sully Prudhomme là con trai của một chủ tiệm tạp hóa, đã theo học trường trung học Bonaparte nhưng vì mắt kém nên ông đã bỏ dở việc học rồi làm việc trong xưởng đúc thép Schneider trong miền Creusot, sau đó lại theo học luật tại một văn phòng chưởng khế.

Sully Prudhomme là hội viên của một hội sinh viên đặc biệt có tên là “Conference La Bruyere” (hội Thảo Luận La Bruyere), hội này đã khuyến khích ông đi vào con đường văn thơ.

Tập thơ đầu tiên của Sully Prudhomme có tên là “Stances et Poems” (Stanzas and Poems, 1865 = Thơ tứ tuyệt và thơ) đã được nhà thơ Sainte-Beuve khen ngợi. Trong tập thơ này có bài thơ nổi tiếng nhất của tác giả: Le Vase brisé (Chiếc Bình rạn vỡ).

Trước khi cuộc chiến tranh Pháp Phổ bùng nổ (the Franco-Prussian War), Sully Prudhomme đã cho phổ biến nhiều bài thơ rồi ông đã thảo luận về cuộc chiến tranh qua hai tác phẩm “Impressions de la guerre” (Cảm tưởng về chiến tranh, 1872) và “La France” (Nước Pháp, 1874).

Trong thời gian làm thơ, Sully Prudhomme đã dần dần chuyển từ thể văn tình cảm sang thể văn có tính cách cá nhân hơn do phối hợp hình thức của trường phái Parnassus với sở thích về triết học và khoa học. Cảm hứng này thấy rõ khi Sully Prudhomme dịch thơ của Lucretius trong tác phẩm “De rerum natura”.

Đường lối triết học của Sully Prudhomme được diễn tả trong hai cuốn sách “La Justice” (Công Lý, 1878) và “Le Bonheur” (Hạnh Phúc, 1888).

Vào năm 1881, Sully Prudhomme được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (Academie francais) rồi qua năm 1895, ông nhận đựoc danh dự Hiệp Sĩ (Chevalier de la Légion d’honneur).

Sau tác phẩm “Le Bonheur” (Hạnh Phúc), Sully Prudhomme chuyển từ thơ phú sang các bài bình luận (essays) về thẩm mỹ học (aesthetics) và triết học (philosophy). Ông cho phổ biến hai bài bình luận quan trọng, đó là “L’Expression dans les beaux-arts” (sự diễn đạt trong nghệ thuật, 1884) và “Réflexions sur l’art des vers” (Suy nghĩ về nghệ thuật của các câu thơ, 1892). Sully Prudhomme còn viết một loạt bài báo về Blaise Pascal trong tạp chí “La Revue des deux Mondes” (Tạp chí hai thế giới, 1890) cũng như trong tạp chí “Revue de métaphysique et de morale” (Tạp chí siêu hình và đạo đức, 1906).

Vào năm 1901, Sully Prudhomme lãnh được Giải Thưởng Nobel Văn Chương, với lời ca ngợi như sau: “công nhận đặc biệt về cách bố cục thơ của ông, đây là sự hiển nhiên về lý tưởng cao cả, sự toàn hảo nghệ thuật và sự phối hợp hiếm thấy vì các phẩm chất cả về tấm lòng lẫn trí thức” (in special recognition of his poetic composition, which gives evidence of lofty idealism, artistic perfection and a rare combination of the qualities of both heart and intellect).

Sully Prudhomme đã dùng phần lớn của số tiền thưởng cao quý này để tạo nên một giải thưởng thơ do Hội Các Văn Nhân (La Societé des gens de lettres). Vào năm 1902, Sully Prudhomme cũng thành lập Hội Các Nhà Thơ Pháp (La Société des poèts francais) với Jose-Maria de Heradia và Leon Dierx.

Do sức khỏe suy kém từ năm 1870, Sully Prudhomme phải sinh sống như một người ẩn dật tại Chartenay-Malabry, rồi ông bị liệt trong khi đang viết các bài luận văn. Sully Prudhomme đột ngột qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 1907, rồi được chôn cất tại nghĩa trang Père-Lachaise trong thành phố Paris.

2/ Phần Thơ tiếng Pháp.

 LE VASE BRISÉ

Le vase où meurt cette verveine

D’un coup d’éventail fut fêlé;

Le coup dut l’effleurer à peine,

Aucun bruit ne l’a révélé.

Mais la légère meurtrissure,

Mordant le cristal chaque jour,

D’une marche invisible et sûre

En a fait lentement le tour.

Son eau fraîche a fui goutte à goutte,

Le suc des fleurs s’est épuisé;

Personne encore ne s’en doute:

N’y touchez pas, il est brisé.

Souvent aussi la main qu’on aime,

Effleurant le coeur, le meurtrit;

Puis le coeur se fend de lui-même,

La fleur de son amour périt.

Toujours intact aux yeux du monde,

Il sent croître et pleurer tout bas

Sa blessure fine et profonde;

Il est brisé, n’y touchez pas.

Sully Prudhomme.

pvt2

(Tranh Van Gogh)

 3/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Nguyễn Thị Ngọc Dung.

BÌNH HOA RẠN VỠ

Cỏ tiên héo úa trong bình,

Quạt hương thơm ngát vô tình lướt qua,

Dù không rung động cành hoa,

Mà nghe rạn nứt, xót xa tủi hờn.

Nhẹ nhàng như cánh bướm vờn,

Ngày trôi xuyên lịm tím hồn pha lê,

Trăm đường vạch cắt lê thê,

Vết thương gậm nhấm ê chề đậm sâu.

Âm thầm cạn rỉ giọt sầu,

Mật hoa khô héo vương màu phôi phai,

Hững hờ tri kỷ nào ai,

Bình hoa rạn vỡ, chớ hoài chạm thêm.

Bàn tay măng nõn nà êm,

Ơ thờ mơn chớn, rũ mềm nỗi yêu,

Tâm tư day dứt cô liêu,

Hoa lòng ngập phủ tiêu điều mộ tim.

Vẹn nguyên qua mắt thường tình,

Buồn thêm tê tái, lệ mình tuôn rơi,

Niềm đau vực thẳm rã rời,

Trái tim tan nát, xin người buông tha.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG (chuyển ngữ)

4/ Phần Thơ tiếng Pháp: Rosées.

Rosées

Je rêve, et la pâle rosée

Dans les plaines perle sans bruit,

Sur le duvet des fleurs posée

Par la main fraîche de la nuit.

D’où viennent ces tremblantes gouttes?

Il ne pleut pas, le temps est clair;

C’est qu’avant de se former, toutes,

Elles étaient déjà dans l’air.

D’où viennent mes pleurs? Toute flamme,

Ce soir, est douce au fond des cieux;

C’est que je les avais dans l’âme

Avant de les sentir aux yeux.

On a dans l’âme une tendresse

Où tremblent toutes les douleurs,

Et c’est parfois une caresse

Qui trouble, et fait germer les pleurs.

Sully Prudhomme.

pvt3   

5/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao.

NHỮNG GIỌT SƯƠNG

Ta mơ, sương giọt mong manh

Trong đồng cỏ biếc long lanh im lìm,

Đọng trên những cánh hoa hiền

Đêm vươn tay mát dịu êm đặt vào.

Nhẹ rung sương đến từ đâu?

Trời mây quang đãng, mưa nào tuôn rơi;

Trước khi giọt đọng muôn nơi

Từng không sương đã buông lơi chập chùng.

Bởi đâu lệ chợt trào dâng?

Chiều nay lửa ấm khắp vầng trời cao;

Vì hồn ta lệ sẵn trào

Trước khi cảm thấy giọt sầu hoen mi.

Hồn người êm ái xuân thì

Nơi đây xao động sầu bi cũng nhiều,

Đôi khi ve vuốt thương yêu

Vẫn gây phiền não, vẫn khêu lệ tràn.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao (chuyển ngữ, 11-2016)

Phạm Văn Tuấn biên khảo./.

 

Thanksgiving Delights

thanksgiving-cornucopia-bountiful-harvest-910x500

On Thanksgiving Day we’re thankful for
Our blessings all year through,
For family we dearly love,
For good friends, old and new.

For sun to light and warm our days,
For stars that glow at night,
For trees of green and skies of blue,
And puffy clouds of white.

We’re grateful for our eyes that see
The beauty all around,
For arms to hug, and legs to walk,
And ears to hear each sound.

The list of all we’re grateful for
Would fill a great big book;
Our thankful hearts find new delights
Everywhere we look!

By Joanna Fuchs

happy-thanksgiving

Niềm Vui Ngày Tạ ơn

Nhân vào ngày Lễ Tạ Ơn
Chúng ta cảm tạ vô vàn thành tâm
Những lời cầu nguyện quanh năm,
Tạ ơn gia cảnh muôn phần yêu thương,
Tạ ơn bạn quý muôn phương
Dù là cố cựu hay dường mới quen,

Tạ ơn tia sáng êm đềm
Vầng dương sưởi ấm áp thêm tháng ngày,
Tạ ơn tinh tú đẹp thay
Hằng đêm lấp lánh đó đây rạng ngời,
Tạ ơn cây cối xanh tươi,
Cùng bầu trời mãi tuyệt vời thẳm xanh,
Và mây từng đám xây thành
Giăng khoe sắc trắng bồng bềnh nhẹ trôi.

Chúng ta cảm tạ hết lời
Nhờ đôi mắt để nhìn đời xung quanh
Thấy bao cảnh đẹp như tranh,
Nhờ vòng tay để nhiệt tình ấp ôm,
Nhờ đôi chân dạo xa gần
Và tai nghe tiếng thì thầm thương yêu.

Tạ ơn thời có lắm điều
Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa;
Bao niềm vui mới nên thơ
Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra
Khi ta nhìn khắp gần xa
Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

“Blowin’ In The Wind”

Bob Dyland

bob-dylan-press-image-crop-480x270

How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, and how many times must the cannon balls fly
Before they’re forever banned?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind

Yes, and how many years can a mountain exist
Before it’s washed to the sea?
Yes, and how many years can some people exist
Before they’re allowed to be free?
Yes, and how many times can a man turn his head
And pretend that he just doesn’t see?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind

Yes, and how many times must a man look up
Before he can see the sky?
Yes, and how many ears must one man have
Before he can hear people cry?
Yes, and how many deaths will it take ’till he knows
That too many people have died?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind

BOB DYLAN

 

“THỔI BAY THEO GIÓ”

 Người bao nhiêu dặm đường trần phải bước
Để thiên hạ gọi là được thành nhân?
Bao biển xa bồ câu cần bay lướt
Mới về được cồn cát mượt ngủ yên?
Vâng! Đại bác bắn bao viên tàn phá
Rồi người ta mới lệnh cấm ban ra?
Câu trả lời, bạn ơi, hòa trong gió
Câu trả lời theo gió thổi bay xa!
 
Ngọn núi kia tồn tại được bao đời
Trước khi bị nước cuốn trôi ra biển?
Kiếp người phải sống thêm bao năm tháng
Rồi mới được xếp vào hàng tự do?
Vâng! Bao lần ta chỉ lo ngoảnh mặt
Và làm ngơ như mắt chẳng thấy gì?
Câu trả lời, bạn ơi, mờ trong gió
Câu trả lời, bay theo gió còn chi!
 
Biết bao lần ta phải ngước mắt lên
Mới nhìn thấy trời cao ngất phía trên?
Ta cần phải có thêm bao tai nữa
Mới nghe được ai nức nở canh trường?
Vâng! Phải thấy nhiều cái chết thảm thương
Mới nhận ra sinh mạng chỉ vô thường!
Câu trả lời, bạn ơi, vương trong gió
Câu trả lời, theo gió lượn muôn phương!

 TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(chuyển ngữ, Nov-2016)
 
 

Joseph Rudyard Kipling (1865 – 1936) Văn Hào của Nước Anh Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1907

Phạm Văn Tuấn

Rudyard Kipling

Rudyard Kipling

Joseph Rudyard Kipling là nhà văn kiêm nhà thơ người Anh, ra đời tại nước Ấn Độ, nổi tiếng về các truyện trẻ em của ông như The Jungle Book (Truyện Rừng Xanh, 1894), The Second Jungle Book (Truyện Rừng Xanh Thứ Hai, 1895), Just So Stories (Các Truyện Như Vậy, 1902), Puck of Pook’s Hill (Ngọn Đồi của Pook, 1906), cuốn tiểu thuyết Kim (1901), các bài thơ Mandalay (1890), Gunga Din (1890) và If (Nếu, 1910)…

Kipling được coi là nhà văn cải tiến về nghệ thuật của truyện ngắn, các truyện trẻ em của ông thuộc loại văn chương thiếu nhi cổ điển. Kipling là một trong các nhà văn người Anh được mọi người biết tới nhiều nhất, cả về văn xuôi lẫn thơ phú, trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhà văn danh tiếng Henry James đã nói về Kipling như sau: “Kipling gây ấn tượng tới cá nhân tôi như là một thiên tài toàn hảo nhất mà tôi đã từng biết“.

Vào năm 1907, Kipling được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương, ông là nhà văn viết tiếng Anh đầu tiên lãnh nhận Giải Thưởng cao quý này và cho tới ngày nay, là nhà văn trẻ nhất lãnh được vinh dự đó. Ngoài ra, Kipling còn được bầu là Thi Sĩ Khôi Nguyên của nước Anh (the British Poet Laureateship) và nhiều lần ông được đề nghị trao tặng tước vị Hiệp Sĩ (Knighthood) nhưng tất cả các danh vọng này đã bị ông từ chối.

Vào lúc cuối cuộc đời, Kipling được nhiều người coi là “nhà tiên tri của chủ nghĩa Đế Quốc Anh (a prophet of British imperialism), theo như lời của nhà văn George Orwell. Người ta đã tìm thấy trong các tác phẩm của ông các thành kiến và chủ nghĩa quân phiệt (militarism) và cuộc tranh luận này đã kéo dài trong thế kỷ 20. Theo nhà phê bình Douglas Derr: “Khi chủ nghĩa đế quốc của châu Âu thoái hóa thì Kipling được coi là người có một không hai, ngay cả khi gây tranh luận, đã diễn tả đế quốc đã trải qua các kinh nghiệm như thế nào“.

1/ Thời niên thiếu của Joseph Rudyard Kipling.

             Rudyard Kipling sinh vào ngày 30 tháng 12 năm 1865 tại Bombay, nước Ấn Độ thời đó còn là thuộc địa của nước Anh, là con của ông John Lockwood Kipling và bà  Alice Kipling, với tên con gái là Alice MacDonald. Bà Alice là một phụ nữ hoạt bát còn ông Lockwood là một nhà điêu khắc, nhà vẽ kiểu đồ gốm, hiệu trưởng và giáo sư về điêu khắc kiến trúc (architectural sculpture) tại ngôi trường mới được thành lập tại Bombay, có tên là Trường Nghệ Thuật và Kỹ Nghệ Jejeebhoy (The Jejeebhoy School of Art and Industry).

            Trước kia, hai ông bà Lockwood đã gặp nhau bên bờ Hồ Rudyard thuộc miền thôn dã Staffordshire, nước Anh, họ đã say sưa với phong cảnh hữu tình của hồ nước nên họ đã đặt tên của người con đầu lòng là Rudyard Kipling.

            Kipling được cha mẹ nuôi nấng tại Bombay cho tới khi lên 6 tuổi thì theo tập tục của các người Anh làm việc tại Ấn Độ, Kipling và cô em gái Alice, còn được gọi là Trix, được gửi về nước Anh, cư ngụ tại Southsea (Portsmouth), sinh sống trong một gia đình nhận nuôi giữ các trẻ con mà cha mẹ ở nước ngoài. Hai đứa trẻ này đã lưu trú trong nhà của Đại Úy và bà Holloway tại Lorne Lodge trong 6 năm. Trong cuốn sách tự thuật mà tác giả phổ biến 65 năm về sau, Kipling đã nhớ lại thời kỳ này với sự kinh hãi bởi vì ông đã gặp cảnh tàn nhẫn và thiếu chăm sóc trong cách đối xử của bà chủ nhà Holloway. Người em gái Trix của Kipling thì cảm thấy dễ chịu hơn tại Lorne Lodge bởi vì bà Holloway muốn rằng sau này Trix sẽ kết hôn với một trong các con trai của bà ta.

            Hai đứa trẻ này cũng có các người họ hàng sinh sống tại nước Anh nhờ vậy chúng được trải qua các kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh với bà dì ruột tên là Georgiana (Georgy) với ông chồng là nghệ sĩ Edward Burne-Jones tại nhà của họ tên là “The Grange” (Trang Trại) tại Fulham, London, nơi đây Kipling coi là “một thiên đường đã cứu giúp tôi”.

            Vào mùa xuân năm 1877, bà mẹ Alice Kipling từ Ấn Độ trở về nước Anh nên đã dẫn hai đứa trẻ ra khỏi miền Lorne Lodge. Tới tháng 1 năm 1878, Kipling được nhận vào trường United Services College (Đại Học Tổng Hợp Công Tác) tại Westward Ho!, Devon, đây là một ngôi trường mới được thành lập vài năm về trước để chuẩn bị cho các thiếu niên bước vào nghề quân sự.

            Đầu tiên lối sống tại ngôi trường này khá cực nhọc nhưng rồi Kipling đã có vài người bạn thân và nơi đây là khung cảnh để ông viết ra các truyện dành cho con trai có tên là Stalky & Co., xuất bản nhiều năm về sau. Trong thời gian này, Kipling đã gặp rồi say mê cô Florence Garrad, một cô bạn gái của Trix, cùng cư ngụ tại Southsea, nơi mà Trix đã trở lại. Cô Florence này là nhân vật Maisie mà Kipling mô tả trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tên là “The Light that failed” (Ánh Sáng không còn, 1891).

            Vào cuối thời kỳ theo học bán quân sự, Kipling đã thiếu điểm văn hóa để được nhận học bổng của trường Đại Học Oxford và do cha mẹ cũng không có đủ tiền để trợ cấp học hành cho con, vì vậy ông Lockwood Kipling đã xin cho con trai một việc làm tại Lahore (bây giờ thuộc nước Pakistan), tại nơi này, ông Lockwood là Viện Trưởng của trường Đại Học Nghệ Thuật Mayo (the Mayo College of Art) và cũng là Giám Đốc Quản Thủ Viện Bảo Tàng Lahore.

            Tại Lahore, Kipling là phụ tá chủ nhiệm của một tờ báo địa phương nhỏ có tên là “Báo Dân Sự và Quân Đội” (the Civil & Military Gazette). Tới ngày 20/9/1882, Kipling xuống tầu đi Bombay rồi tới nơi này vào ngày 18/10/1882.

2/ Các cuộc Du Lịch.

             Tờ “Báo Dân Sự và Quân Đội” tại Lahore được Kipling gọi là “người tình đầu tiên của tôi và là tình yêu thực sự nhất” (my first mistress and most true love). Tờ báo này xuất bản 6 ngày một tuần trong suốt năm và chỉ đóng cửa 2 ngày vào Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Kipling làm việc rất bận rộn với viên chủ nhiệm Stephen Wheeler nhưng dù thế, nhu cầu bài viết rất nhiều. Vào năm 1886, Kipling cho phổ biến tập thơ đầu tiên có tên là Departmental Ditties (các bài thơ ca ngắn cục bộ). Cũng vào năm này, tờ báo kể trên có viên chủ nhiệm mới là ông Kay Robinson, ông này đã cho phép Kipling làm việc tự do hơn và Kipling được mời đóng góp bằng các truyện ngắn cho tờ báo.

            Trước kia vào năm 1883, Kipling đã thăm viếng Simla (bây giờ là Shimla), là thủ đô Mùa Hè của Đế Quốc Anh tại Ấn Độ. Đây là trung tâm quyền lực và tiêu khiển với vị Phó Vương Ấn Độ, và chính quyền cũng di chuyển về đây trong 6 tháng. Tại Simla, ông Locwook được mời vẽ một bức tranh fresco cho nhà thờ Chúa Kitô; từ năm 1885 tới năm 1888, Kipling thường thăm viếng nơi này và đã dùng địa điểm này để viết ra 39 truyện ngăn cho tờ báo Gazette từ tháng 11 năm 1886 tới tháng 6 năm 1887. Tập truyện “Plain Tales from the Hills” (Các Truyện bình thường từ các Ngọn Đồi) được Kipling cho phổ biến tại Calcutta vào tháng 1 năm 1888, một tháng sau ngày sinh nhật thứ 22 của tác giả.

            Qua tháng 11 năm 1887, Kipling được đổi sang làm việc cho tờ báo lớn hơn tên là The Pioneer (Người Tiên Phong) tại thành phố Allahabad nhưng tác giả Kipling vẫn viết văn với tốc độ thực nhanh, nhờ vậy qua năm sau Kipling đã cho xuất bản 6 tuyển tập truyện ngắn, đó là các truyện Soldiers Three (Lính 3 Người), The Story of the Gadsbys (Truyện của Gadsbys), In the Black and White (Trong Màu Đen và Trắng), Under the Deodars, The Phantom Rickshaw (Con Ma Rickshaw) và Wee Willie Winkie, tất cả gồm 41 truyện với vài truyện khá dài.

            Ngoài ra Kipling còn làm phóng viên đặc biệt cho tờ báo The Pioneer tại miền phía tây của Raiputana, nơi đây ông đã viết ra nhiều tập phác thảo để về sau gom lại thành tập “Letters of Marque” (Các Bức Thư của Marque) rồi được phổ biến trong cuốn truyện “From Sea to Sea” (Từ Biển tới Biển) và “Letters of Travel” (Các Bức Thư Du Lịch).

            Vào đầu năm 1889, Kipling bán bản quyền của 6 bộ truyện để lấy 200 bảng Anh và bán truyện “Plain Tales” (Các Truyện Bình Thường) lấy 50 bảng, rồi tờ báo The Pioneer trả lương 6 tháng cho Kipling, dùng số tiền gom lại này, Kipling di chuyển về London bởi vì nơi đây là trung tâm văn chương của Đế Quốc Anh.

            Vào ngày 9 tháng 3 năm 1889, Kipling rời khỏi xứ Ấn Độ, đi du lịch qua Rangoon, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản rồi tới San Francisco. Trong khi đi đường, Kipling vẫn viết các bài cho tờ báo The Pioneer, tất cả được gom lại trong tuyển tập “Letters of Travel” (Các Bức Thư Du Ngoạn). Tại Hoa Kỳ, Kipling đã thăm viếng rất nhiều nơi, đã gặp nhà văn Mark Twain tại Elmira, New York. Kipling vượt qua Đại Tây Dương, tới Liverpool vào tháng 10 năm 1889.

            Trong 2 năm kế tiếp, Kipling cho phổ biến cuốn tiểu thuyết “The Light that Failed” (Ánh Sáng không còn), đã gặp một nhà văn và cũng là nhà xuất bản tên là Wolcott Balestier, với ông này Kipling cộng tác trong cuốn tiểu thuyết “The Naulakha”.

            Qua năm 1891, Kipling đã dùng đường biển đi du lịch qua các xứ Nam Phi, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ rồi ông hưởng Lễ Giáng Sinh với gia đình tại Ấn Độ. Khi nghe tin ông Balestier đột ngột qua đời vì bị bệnh sốt thương hàn, Kipling bèn trở về London nhưng trước khi đi, ông đã dùng điện tín để cầu hôn với cô em gái của ông Balestier, tên là Caroline (Carrie), đây là người thiếu nữ mà ông đã gặp 1 năm trước. Trong khi đó vào cuối năm 1891, Kipling cho xuất bản tại London truyện ngắn viết về người Anh tại Ấn Độ “Life’s Handicap” (Khuyết Tật của Đời Sống).

            Vào ngày 18/1/1892, cô Carrie Baristier (29 tuổi) và Rudyard Kipling (26 tuổi) đã thành hôn tại London, trong nhà thờ All Souls Church, Langhan Place, với Henry James là người dẫn cô dâu. Tân lang và tân giai nhân đã trải qua thời kỳ trăng mật tại Vermont, Hoa Kỳ, rồi Nhật Bản. Trong khi đang ở Yokohama, Nhật Bản, Kipling được tin ngân hàng của họ là The New Banking Corporation đã bị thất bại, vì vậy ông bà Kiping đã phải trở lại Hoa Kỳ và trong thời gian này, bà Carrie mang bầu đứa con đầu lòng, họ thuê một căn nhà nhỏ tên là Bliss Cottage, gần Brattleboro với tiền thuê một tháng là 10 đô la.

3/ Viết ra các tác phẩm danh tiếng.

             Chính tại căn nhà Bliss Cottage, đứa con gái đầu lòng Josephine ra chào đời vào ngày 29/12/1892 trong khi bên ngoài có 3 feet tuyết rơi. Cũng chính trong căn nhà nhỏ này, Kipling bắt đầu viết cuốn “The Jungle Book” (Sách Rừng Xanh).

            Bé Josephine ra đời đã làm cho căn nhà nhỏ Bliss Cottage trở nên chật hẹp, vì vậy Kipling đã mua lại của người anh vợ 10 mẫu đất nhìn xuống giòng sông Connecticut và xây cất tại nơi đây một căn nhà mà ông đặt tên là Naulakha, đây là tên của một sợi dây chuyền trong truyền thuyết của một bà hoàng hậu Ấn Độ. Căn nhà một mái này ngày nay còn tồn tại trên Đường Kipling.

            Trong cuộc sống ẩn dật tại Vermont, cùng với sức khỏe tốt, Kipling đã viết ra, ngoài cuốn truyện “The Jungle Book”, còn có tuyển tập các truyện ngắn “The Day’s Work” (Công Việc trong Ngày), cuốn tiểu thuyết “Captain Courageous” (Thuyền Trưởng Can Đảm) và rất nhiều bài thơ, gồm cả tập thơ “The Seven Seas” (Bẩy Đại Dương). Tuyển tập thơ “Barrack-Room Ballads” được xuất bản vào tháng 3 năm 1892 trong đó có hai bài thơ nổi tiếng là “Mandalay” và “Gunga Ding”.

            Trong thời gian sinh sống tại căn nhà Naulakha, Kipling đã gặp lại cha là ông Lockwood khi ông về hưu năm 1898, gặp Arthur Conan Doyle và nhà văn này đã dạy cho Kipling cách đánh golf. Nhưng Kipling ưa thích nhất là phong cảnh tuyệt vời của miền Vermont khi là vàng rực rỡ lúc mùa Thu sang. Vào tháng 2 năm 1896, đứa con gái thứ hai tên là Elsie ra đời nhưng gia đình của Kipling đã gặp cảnh bất hòa.

            Vào khoảng năm 1890, nước Anh và xứ Venezuela đã tranh chấp nhau vì miền Guiana thuộc Anh, rồi sau đó, vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ lại can thiệp vào vụ xung đột khiến cho hai nước Anh và Mỹ chuẩn bị chiến tranh. Cuộc khủng hoảng này khiến cho Kipling bị ngỡ ngàng trước các tình cảm chống Anh tại Hoa Kỳ.

            Về gia đình bên vợ, người anh Beatty bất hòa với em gái là Carrie. Tới tháng 5/1896, ông Beatty này say rượu, đã gặp Kipling ở ngoài đường phố và muốn hành hung người em rể, nên bị bắt. Tới tháng 7/1896, một tuần lễ trước khi vụ xử tiếp tục thì gia đình Kipling đã đóng hành lý, từ bỏ căn nhà Naulakha, Vermont, rồi vĩnh viễn rời Hoa Kỳ.

            Trở lại nước Anh vào tháng 9 năm 1896, gia đình Kipling cư ngụ tại Torquay trên bờ biển Devon, một nơi sườn đồi nhìn ra biển. Kipling bây giờ đã là một nhân vật danh tiếng, thường viết các bài báo mang tính cách chính trị. Hai bài thơ “Recessional” (Bài thơ cuối lễ, 1897) và “The White Man’s Burden” (Gánh Nặng của người Da Trắng, 1899) đã tạo nên cuộc tranh cãi khi phổ biến. Vài người cho rằng các bài thơ này có tính cách tuyên truyền cho chế độ đế quốc và các thái độ kỳ thị chủng tộc.

            Trong thời gian sinh sống tại Torquay, Kipling đã viết cuốn truyện “Stalky & Co.”, đây là tuyển tập các truyện về trường học gồm các kinh nghiệm của tác giả tại trường The United Services College ở Westward Ho! Theo gia đình tác giả kể lại sau này, Kipling thường đọc lại vài mẩu truyện rồi cười lớn về cách pha trò của mình.

            Vào đầu năm 1898, Kipling và gia đình thường đi du lịch qua xứ Nam Phi (South Africa), đây là thói quen đi chơi vào mùa đông kéo dài tới năm 1908. Với danh tiếng là nhà thơ của Đế Quốc (the poet of empire), Kipling được tiếp đón bởi các chính trị gia mạnh thế nhất tại Cape Colony, gồm có Cecil Rhodes, Sir Alfred Milner và Leander Starr Jameson. Ngược lại, Kipling cũng rất khâm phục 3 vị này với đường lối chính trị của họ.

            Thời kỳ 1898 – 1910 là giai đoạn lịch sử của xứ Nam Phi, kể cả cuộc chiến tranh Boer thứ hai (the Second Boer War, 1899-1902), tiếp theo là hiệp ước hòa bình và việc thành lập xứ Đoàn Kết Nam Phi (the Union of South Africa) vào năm 1910.

            Trở lại nước Anh, Kipling viết ra các bài thơ ủng hộ lý do của nước Anh trong cuộc chiến tranh Boer rồi một cuộc viếng thăm Nam Phi vào đầu năm 1900 đã khiến cho Kipling bắt đầu làm tờ báo “The Friend” (Bạn Hữu) dành cho quân đội Anh tại Bloemfontein, một thủ đô mới chiếm được của xứ Orange Free State.

            Kipling bắt đầu thu gom tài liệu để viết ra một truyện trẻ em cổ điển có tên là “Just So Stories for Little Children” (Các Truyện dành cho Trẻ Em nhỏ), tác phẩm này được phổ biến vào năm 1902, rồi tới cuốn truyện dài “Kim”.

            Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1899, Kipling và người con gái lớn Josephine đã bị sưng phổi rồi sau đó, Josephine đã qua đời.

            Về phạm vi không giả tưởng, Kipling liên quan tới cuộc tranh luận về cách nước Anh đối phó với sự tiến triển của lực lượng Hải Quân Đức. Loạt bài viết này được ông cho phổ biến vào năm 1898 bằng cuốn sách A Fleet in Being (Hạm Đội đang hình thành).

            Vào thập niên thứ nhất của Thế Kỷ 20, Kipling ở đỉnh cao của danh vọng khi ông được trao Giải Thưởng Nobel Văn Chương vào năm 1907. Ủy Ban Nobel đã dẫn chứng về tác giả như sau: “Cứu xét về năng lực quan sát, nguồn gốc của trí tưởng tượng, sức mạnh của các ý tưởng và tài năng đáng kể về kể chuyện, và đây là đặc tính sáng tạo của tác giả danh tiếng này trên thế giới” (in consideration of the power of observation, originality of imagination, virility of ideas and remarkable talent for narration which characterize the creations of this world-famous author).

            Các Giải Thưởng Nobel được thành lập vào năm 1901 và Joseph Rudyard Kipling là tác giả người Anh đầu tiên được nhận lãnh danh dự này. Vào Buổi Lễ Phát Giải tại thành phố Stockholm ngày 10/12/1907, ông Tổng Thư Ký của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã ca ngợi Tác Giả Rudyard Kipling cùng với 3 thế kỷ của nền Văn Chương Anh Quốc.

            Vào năm 1910, Kipling cho xuất bản tập thơ Rewards and Fairies (Các Phần Thưởng và các Nàng Tiên) trong dó có bài thơ “If – ” (Nếu – ). Bài thơ này được coi là nổi tiếng nhất của tác giả.

            Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Kipling đã gặp thảm cảnh là đứa con trai duy nhất của ông tên là John đã bị tử trận vào năm 1915 trong Trận Loos (the Battle of Loos). Do thảm cảnh này, Kipling đã tham gia với Sir Fabian Ware vào Ủy Ban của Các Ngôi Mộ Chiến Tranh của Đế Quốc Anh (the Imperial War Graves Commission), bây giờ được đổi tên thành “Ủy Ban của các Ngôi Mộ Chiến Tranh của Khối Thịnh Vượng Chung” (the Commonwealth War Graves Commission).

            Vào năm 1922, Kipling đã dùng các bài viết và các bài thơ phú để nói về các công trình của các kỹ sư của trường Đại Học Toronto, Canada, rồi ông trở nên Viện Trưởng của Đại Học Saint Andrew (Lord Rector of St. Andrew University) tại Tô Cách Lan (Scotland), một chức vụ tới năm 1925.

            Rudyard Kipling qua đời vì bị ung thư cuống bao tử (duodenal ulcer) vào ngày 18/1/1936, thọ 70 tuổi. Cốt tro của Kipling được chôn tại Góc của các Nhà Thơ (the Poets’ Corner) trong Tu Viện Wesminster Abbey, tại nơi này nhiều Văn Nhân danh tiếng của nước Anh được an nghỉ và tưởng niệm.

4/ Ảnh Hưởng của Nhà Văn Kipling.

            Các bài viết và các bài thơ của Rudyard Kipling thường diễn tả các quan điểm xã hội và chính trị của tác giả và nhiều người đã chỉ trích các quan điểm này là kỳ thị chủng tộc (racist), chẳng hạn trong Tập Thơ Recessional (Bài thơ cuối lễ), các người dân thuộc địa bị coi là “nửa ác quỷ và nửa trẻ con” (half-devil and half-child). Các bài viết của Kipling trước Thế Chiến Thứ Nhất bị coi là mang giọng điệu “đế quốc” (imperialist tone). Các truyện và thơ của Kipling, ngoại trừ các truyện trẻ em, đã bị cấm đoán tại nước Ấn Độ, ngoài công việc dùng để tìm hiểu chủ nghĩa đế quốc (imperialism).

            Về một phương diện khác, ông Baden-Powell, người sáng lập ra Hướng Đạo Quốc Tế (Scouting) đã dùng nhiều đề tài trong cuốn truyện “Sách Rừng Xanh” (The Jungle Book) và truyện “Kim” của Kipling để thiết lập các sói con (the wolf cubs). Ngoài ra, cuốn “Sách Rừng Xanh” còn được chuyển thành nhiều bộ phim ảnh đầu tiên bởi nhà sản xuất Alexander Korda, rồi về sau do Công Ty Walt Disney.

5/ Bài Thơ If- , Bản Tiếng Anh.

If…

If you can keep your head when all about you

    Are losing theirs and blaming it on you,

If you can trust yourself when all men doubt you,

    But make allowance for their doubting too;

If you can wait and not be tired by waiting,

    Or being lied about, don’t deal in lies,

Or being hated, don’t give way to hating,

    And yet don’t look too good, nor talk too wise:

If you can dream—and not make dreams your master;

    If you can think—and not make thoughts your aim;

If you can meet with Triumph and Disaster

    And treat those two impostors just the same;

If you can bear to hear the truth you’ve spoken

    Twisted by knaves to make a trap for fools,

Or watch the things you gave your life to, broken,

    And stoop and build ’em up with worn-out tools:

If you can make one heap of all your winnings

    And risk it on one turn of pitch-and-toss,

And lose, and start again at your beginnings

    And never breathe a word about your loss;

If you can force your heart and nerve and sinew

    To serve your turn long after they are gone,

And so hold on when there is nothing in you

    Except the Will which says to them: ‘Hold on!’

If you can talk with crowds and keep your virtue,

    Or walk with Kings—nor lose the common touch,

If neither foes nor loving friends can hurt you,

    If all men count with you, but none too much;

If you can fill the unforgiving minute

    With sixty seconds’ worth of distance run,

Yours is the Earth and everything that’s in it,

    And—which is more—you’ll be a Man, my son!

RUDYARD KIPLING (1865 -1936)‏

6/ Bài Thơ “Nếu…”, Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao.

 Nếu…

Nếu con tự tại an nhiên

Khi người chao đảo và phiền trách con;

Nếu con tin tưởng mình luôn

Mặc người nghi kỵ không buồn tin con;

Nếu con quyết chí chờ trông,

Hay người gian dối, mình không theo người,

Ai sân hận, mình thảnh thơi,

Không khoe bản ngã, không lời tự kiêu;

Nếu con mơ ước đủ điều

Không sùng bái mộng, sớm chiều buông lơi;

Nếu con suy nghĩ chuyện đời

Không dùng, lại bỏ ra ngoài mục tiêu;

Nếu con đối xử hai điều

Thành Công, Hoạn Nạn đồng đều như nhau;

Nếu con nhẫn nhục trước sau

Nghe chân lý vốn từ lâu đẹp lời

Nay phường gian xảo dong chơi

Cố tình xuyên tạc bẫy người vô minh;

Hay con nhìn sự nghiệp mình

Cả đời xây dựng, tan tành phút giây,

Và con quyết tạo lại ngay

Dù không phương tiện, trắng tay, tiêu điều;

 

Nếu thâu góp của rất nhiều

Đỏ đen nướng hết khi liều ăn thua

Rồi con khởi nghiệp như xưa

Không than tài sản mình vừa tiêu tan;

Nếu con tâm trí lỡ làng

Sức tàn, lực kiệt chẳng màng làm chi,

Rồi vươn lên tiếp bước đi

Giữ nguyên Ý Chí kiên trì: “Quyết tâm!”

 

Nếu con đạo hạnh vẹn phần,

Không phân Vua hoặc thường dân cận kề;

Nếu thù hay bạn đôi bề

Khó làm con bị não nề tổn thương,

Nếu người tính toán đủ đường

Nhưng con vẫn thấy tầm thường đáng chi;

Nếu từng phút lãng trôi đi

Con đều tận dụng không hề bỏ qua;

Thì con ơi, cõi Ta Bà

Cùng muôn sự vật: con là chủ nhân

Và hơn nữa quý bội phần

Con sẽ là kẻ Thành Nhân con à!

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO (chuyển ngữ)

Phạm Văn Tuấn biên khảo./.

Khi Tiếng Mỹ Được “Chêm” Vào Tiếng Việt

Đàm Trung Pháp

MỘT ĐIỀU KHÓ TRÁNH

Sau bốn thập kỷ tỵ nạn tại Mỹ, nhiều người Việt chúng ta sử dụng tiếng Mỹ thành thạo trong đời sống hàng ngày cũng như trong công ăn việc làm. Cũng vì vậy mà khi nói tiếng Việt với nhau tại quê hương mới này, chúng ta có khuynh hướng “chêm” khá nhiều tiếng Mỹ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trong các câu chuyện xã giao, trong báo chí, và ngay cả trong văn chương nữa, sự giao thoa giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một hiện tượng tự nhiên và khó tránh.

Các tiệm ăn mới khai trương thường không tính tiền nước uống cho thực khách và diễn đạt ý tưởng ấy bằng nhóm chữ Free nước ngọt. Kỳ diệu thay, nhóm chữ này dùng cú pháp Mỹ rất chỉnh: tĩnh từ free mô tả danh từ nước ngọt được trịnh trọng đặt trước danh từ ấy! Vài tiệm phở có sáng kiến bán phở làm sẵn cho người mua mang về nhà, và quảng cáo thứ phở đó là Phở to go. Khỏi phải nói, nhóm chữ này cũng đúng cú pháp Mỹ luôn!
Người viết được đọc trên báo chí một bài thơ vui của tác giả Nguyễn Phú Long, trong đó tiếng Mỹ thoải mái sánh vai cùng tiếng Việt. Mời quý bạn thưởng lãm bài thất ngôn tứ tuyệt “mang hai dòng ngôn ngữ” được sáng tác để mừng tân xuân buồn tẻ nơi hải ngoại:
Xe thư bưu điện đến rồi đi,
Ngoài coupons ra chả có gì.
Bạn tới chúc xuân khui nước ngọt,
Buy one ngoài chợ get one free.
HIỆN TƯỢNG ĐẠI ĐỒNG
Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ của chúng ta thực ra là một khuynh hướng đại đồng. Mọi sắc tộc di dân khác tại xứ này đều “chêm” tiếng Mỹ vào tiếng mẹ đẻ của họ, chẳng khác gì chúng ta cả. Khả năng sáng tạo của bộ óc loài người trong cách sử dụng hai ngôn ngữ thoải mái bên nhau để truyền thông hữu hiệu thực là thần kỳ.
Các ngữ học gia tại Mỹ ngày nay mệnh danh hiện tượng giao thoa ngôn ngữ ngoạn mục này là code-switching và phản bác những lời phê bình lỗi thời  lên án người sử dụng nó là cẩu thả, lai căng, hoặc hỗn loạn trí tuệ. Trái lại, họ cho rằng những người có khả năng cho hai ngôn ngữ hòa hợp với nhau một cách hữu hiệu là những người thực sự đã làm chủ được cả hai ngôn ngữ ấy, và khi cần thiết (như khi giao dịch với một cá nhân đơn ngữ) họ dư khả năng sử dụng chúng một cách “tinh tuyền” không pha trộn chút nào.
Người ta từng ví von một cá nhân “đơn ngữ” (monolingual) như một ca sĩ chỉ có thể đơn ca, một cá nhân “song ngữ” (bilingual)” như một ca sĩ có thể một mình song ca, và một cá nhân “đa ngữ” (multilingual) như nhạc trưởng một ban hợp ca!
LÝ DO CỦA CODE-SWITCHING
–  Tiếng Việt không có ngữ vựng hoặc thành ngữ thỏa đáng để diễn tả một ý niệm mà chúng ta đã quá quen trong tiếng Mỹ. Thí dụ, khi còn ở quê nhà trước 1975, lúc bị bệnh không đi làm được, chúng ta đâu có gọi điện thoại vào sở để “cáo ốm” được? Thành ra, khi diễn tả ý niệm đó trong cuộc sống hiện tại, chúng ta liền cho thành ngữ rất tiện dụng của người Mỹ là call in sickgiao duyên ngay với tiếng Việt mến yêu, để nẩy sinh ra câu “Bữa nọ mình bịnh quá, đi làm hết nổi, thành ra phải call in sick rồi nhờ người ta đưa đi bác sĩ đấy!”
Những từ ngữ chuyên môn như software, blueprint, email, workshop, những công thức ngắn gọn để chào hỏi, chúc tụng, cảm tạ, hoặc chia tay trong tiếng Mỹ như hello, good morning, sorry, congratulations, thank you, bye cũng rất được chúng ta chiếu cố và sẵn sàng chêm vào tiếng nói chúng ta một cách tự nhiên.
–  Code-switching là một cách ngăn chặn không cho người khác “nghe lóm” chuyện riêng tư của mình. Chẳng hạn, hai người Việt đang tâm sự với nhau bằng tiếng Mỹ trong thang máy mà chợt thấy một người Mỹ đứng bên cạnh có vẻ tò mò lắng nghe. Họ bèn chuyển câu chuyện buồn ấy sang tiếng Việt để được “yên tâm” hơn: “My wife has asked for a divorce since I lost my job last year, you know … Đã mất việc rồi lại sắp mất cả vợ nữa, tôi chẳng còn thiết sống, anh ạ.”
–  Yếu tố Mỹ chêm trong tiếng Việt là một cách gián tiếp nói lên một mối liên kết giữa những người “đồng hội đồng thuyền” với nhau. Người viết biết chắc nhiều Việt kiều áo gấm về làng khi gặp nhau tại quê cũ thế nào cũng “pha” ê hề tiếng Mỹ vào tiếng Việt của họ, như thể để nhắc nhở mọi người mọi giới rằng họ là những “người Mỹ gốc Việt” chính cống sáng giá lắm đấy, chứ không phải là đồ bỏ đâu: “Hey guys, are you from Little Saigon, too? Sẽ stay tại Huế bao lâu?”
Các người Mỹ gốc Việt tranh cử vào các chức vụ công quyền mà không chêm tiếng Việt vào tiếng Mỹ khi tiếp xúc với cử tri đồng hương thì khó mà lấy được phiếu bầu của họ: “When I get elected as mayor of this city, kính thưa bà con cô bác, I will do my best to serve the needs of elderly folks in our dear cộng đồng…”
–  Yếu tố Mỹ trong tiếng Việt cũng cho thấy người nói sắp chuyển sang một thái độ mới, như để cảnh giác người nghe. Này nhé, khi thấy sắp đến giờ đi học mà đứa nhỏ còn nằm dài trên giường, người mẹ song ngữ Việt-Mỹ có thể phát ngôn: “Này cu Tý, gần bảy giờ sáng rồi đấy nhá. Ngủ nhiều rồi mà. Now get up!” Nghe bà mẹ hiền đang nói tiếng Việt rồi bà bất chợt chuyển sang tiếng Mỹ ở câu cuối cùng thì cu Tý, dù có lì lợm đến mấy, chắc cũng phải nhảy ra khỏi giường tức khắc!
CHÊM TIẾNG MỸ VÀO CHỖ NÀO TRONG CÂU?
–  Các danh từ, động từ, tĩnh từ Mỹ có thể được chêm vào chỗ phù hợp trong câu: “Chị ơi, em đang depressed quá vì em và boyfriend vừa split rồi!”
–  Các số từ, giới từ, liên từ Mỹ không thể chêm vào câu Việt. Không ai nói:“Tôi nghĩ fifteen ngày nữa việc này mới xong.”  “Làm ơn dẫn con chó ấy across con đường dùm tôi!”  “Although Lan nghèo, cô ta rất hạnh phúc.”
–  Các từ ngữ thông dụng tiếng Mỹ thường được chêm vào đầu hay cuối câu: “As a matter of fact, nó vừa đến thăm tôi hôm qua mà.”  “Tay ấy thì xạo hết chỗ nói rồi, you know.”
–  Trong một câu kép (compound sentence) hoặc một phức hợp (complex sentence), tiếng Mỹ có thể chiếm nguyên một mệnh đề trong đó: “You can drink coffee, nhưng tôi sẽ uống nước trà.” || “Nếu mà anh mệt, please stay home tomorrow!”
Người viết mạn phép “chêm” tiếng Mỹ vào trong phần kết luận dưới đây. Rất mong quý bạn đọc không nghĩ là người viết ôm đồm nhiều ngoại ngữ quá cho nên đã bị “tẩu hỏa nhập ma” rồi:
Code-switching giữa hai ngôn ngữ Việt và Mỹ là một natural phenomenon, cho nên chúng ta chẳng phải worry gì cả về issue này, OK?  Vả lại, cái habit chêm tiếng Mỹ vào tiếng Việt này nó khó quit lắm! Quý bạn cứ try your best nói tiếng Việt “tinh tuyền” về politics hoặc jobs trong một bữa cơm gia đình mà coi. It will be a pain, tin tôi đi!”
 

Đàm Trung Pháp

* Sưu tầm, trình bày tranh và câu chữ minh họa: Ngọc Dung.

Giới thiệu “Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo”

Nguyễn Văn Thành

vnvhslk-image

 

nước Việt Nam xưa, trước khi có văn chương bác học (loại văn thơ bằng văn tự, có niêm luật hẳn hoi), thì đã có một nền văn chương bình dân, bất thành văn, gọi là văn chương truyền khẩu.  Loại văn chương này thể hiện qua Ca dao, Tục ngữ đã lưu truyền trong dân gian từ rất lâu.

Ca dao hay còn gọi là phong dao, là những bài hát ngắn, không có chương khúc, thường mô tả tính tình, phong tục của lớp người bình dân.

Ca dao cũng như Tục ngữ, thường không rõ tác giả là ai.  Tôi cho rằng, tác giả không ai khác hơn là các Nhà Nho sống ẩn dật nơi thôn dã, hoặc là các vị quan trong triều cáo lui, xin về trí sĩ nơi vùng quê, sau lũy tre xanh, tức cảnh sinh tình mà sáng tác ra. Có người gọi là “Văn chương sau lũy tre xanh”.

Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã mê câu ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Hình ảnh cô thôn nữ tát nước đêm trăng mà được mô tả đẹp đẽ, mượt mà như vậy, thiết tưởng văn chương bác học đã chắc gì hay hơn được!

Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ hay phương ngôn (do tính cách địa phương), là những câu nói cô đọng, gọn ghẽ và có ý nghĩa, cũng được lưu hành từ ngàn xưa bằng truyền khẩu như:

Có cứng mới đứng đầu gió!

Hay:

Có thực mới vực được đạo!

Hoặc:

Tốt danh hơn lành áo!

Ca dao, Tục ngữ Việt Nam có thể sánh ngang với Kinh Thi của Trung Hoa!  Chỉ khác là Kinh Thi đã được Khổng Tử chọn lọc và san định lại, để trở thành một thứ sách giáo khoa, một trong ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) cho Nho sinh học.

Học giả Dương Quảng Hàm, tác giả Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) khẳng định:  Tục ngữ, Ca dao Việt Nam là mọi nguồn cảm hứng cho thi văn VN sau này.  Do đó khi viết VNVHSY, tác giả đã để ngay lên phần đầu (phần I) của cuốn sách.

Do bị ảnh hưởng của Dương Quảng Hàm từ hồi còn Trung học, nên khi vừa đọc cuốn Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo (VNVHSLK) của Hải Bằng-Hoàng Dân Bình, tôi vội gọi điện thoại hỏi anh Bình thì được tác giả cho biết: muốn để phần Ca dao, Tục ngữ ở phần II của cuốn sách!  Được thôi, tôi tôn trọng ý muốn của tác giả.

Đọc xong VNVHSLK của Hải Bằng, tôi có cảm tưởng như vừa đọc xong hai cuốn sách: Một Văn Học Sử VN và một cuốn Lịch Sử VN cổ đại và cận đại

Như tác giả nói ở trang đầu cuốn sách, ông đã làm một công trình biên khảo công phu, để liên kết nội dung các tác phẩm tiêu biểu trong văn học cổ điển VN, với dòng lịch sử trải dài từ thế kỷ thứ 10 tới thời cận đại, tức là thời kỳ độc lập của nước ta (Ngô Quyền 898-967) cho đến ngày nay.

Nhân vật mở đầu cho cuốn VNVHSLK của Hải Bằng là Chu Văn An (1292-1370) với Thất Trảm sớ, tuy không được Vua nghe theo nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn vào thời ấy.  Nhà sử học Lê Tung trong cuốn Việt Nam Thông Khảo Tổng Luận đã khen Thất Trảm sớ của CVA như sau: “Thất Trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn…”

Về phương diện sử học, Hải Bằng đã chọn cách viết theo lối “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, chứ không theo lối Sử Biên Niên của Ban Cố.  Tác giả đã khéo léo lồng vào phần Sử Ký những câu chuyện thần kỳ có tính cách Huyền Sử, làm cho người đọc cảm thấy thích thú.  Chẳng hạn như ở Chu Văn An, có câu chuyện “Thuồng luồng cầu mưa”;  Ở Nguyễn Trãi có câu chuyện “Thị Lộ”, gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”;  Thời nhà Lê có chuyện “Thần Cá Quả” v.v.

Phần viết về Trường Bưởi-CVA sau này, cũng như phần viết về Nostradamus, tôi đã đề nghị dời qua phần Phụ Lục, để cho phần Văn Học Sử được liên tục, tác giả đã đồng ý.

Nguyễn Trãi có hai “công cuộc” đóng góp cho đất nước, đều xuất sắc cả, đó là Chính Trị và Văn Hóa.

Về Chính Trị, có thể nói mà không ngoa, ông là Kiến trúc sư, tạo dựng nên nhà Hậu Lê:  Ông đã giúp cho Lê Lợi hoàn thành công cuộc kháng chiến trường kỳ (10 năm) và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ông cũng là một nhà Văn Hóa vĩ đại, vô tiền khoáng hậu của VN.  Cơ quan Văn Hóa, Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc đã xếp ông vào danh sách “Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới”.

“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi có thể gọi là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập số 2, sau bài thơ của Lý Thường Kiệt:

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…

Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã bị những câu văn trong Bình Ngô Đại Cáo thu hút:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân mà thay cường đạo!

Đây chẳng khác nào Kim Chỉ Nam Chính Trị cho mọi thời đại.

Nhà Hậu Lê cũng tự sản sinh được một Nhà Văn Hóa lớn, đó là Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), một ông vua tài giỏi và hiền đức, lại trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê (1460-1497). Dưới thời Lê Thánh Tôn đã cho ban hành một bộ luật rất nổi tiếng, đó là Bộ Luật Hồng Đức, hay còn gọi là Quốc Triều Hình Luật. Tuy chịu ảnh hưởng của luật Nhà Minh bên Trung Hoa nhưng là một bộ luật rất tiến bộ, văn minh hơn hẳn bộ luật nhà Mãn Thanh sau này!  Bộ luật của Nhà Mãn Thanh gọi là Đại Thanh Luật Lệ, chỉ thiên về hình phạt roi, trượng, có tính cách nhục hình (như thời Trung cổ ở Châu Âu).  Đại Thanh Luật Lệ lại ảnh hưởng đến Bộ Luật Nhà Nguyễn gọi là Hoàng Việt Luật Lệ.  Như vậy ta có thể coi đây là bước thụt lùi về phương diện luật pháp của VN.

Tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đã làm một việc nghiên cứu tường tận về Luật Hồng Đức.  Ông nhận thấy ở đấy cả tinh thần thượng tôn luật pháp qua chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tôn: “Luật Pháp là Công Pháp của Quốc Gia, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo!”.  Qua đó, ta thấy tinh thần Pháp trị cũng đã được thể hiện.

Ngoài việc khảo cứu Luật Hồng Đức, tác giả VNVHSLK còn quan tâm tới các vấn đề khác như Kinh tế, Chính trị và Xã hội dưới Triều Đại Hậu Lê nữa.  Điều này cũng hợp lý vì tác giả Hải Bằng vốn xuất thân từ Trường Luật Sài Gòn trước kia.

Vua Lê Thánh Tôn còn là một Nhà Văn Hóa nữa, nên dưới thời ông, thơ văn được phát triển rất rực rỡ.  Vua lập ra một Hội Tao Đàn và xưng mình là Tao Đàn Nguyên Soái, để khuyến khích mọi người cùng phát huy văn học.  Thơ của Lê Thánh Tôn khá xuất sắc, lại rất có khẩu khí của bậc đế vương.

Nhà văn lớn thứ tư mà tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đề cập đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một người nổi tiếng uyên bác và tính tình kín đáo.

Khi đọc VNVHSLK của Hải Bằng, chúng ta sẽ biết rõ hơn về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một học giả uyên thâm cả về Đạo Phật lẫn Đạo Lão cũng như về phương diện Lý số.  Những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chứa nhiều ẩn dụ khiến người đời sau gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Ngoài ra, tác giả lần lượt giới thiệu cho chúng ta về nhiều danh nhân khác trong lãnh vực văn học, như: Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, và Nguyễn Công Trứ v.v…

Hải Bằng có kể một giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm, tác giả câu đối: “Da trắng vỗ bì bạch”, mà ngay đến Trạng Quỳnh cũng không đối được.  Mãi về sau mới có người đưa ra câu đáp: “Rừng mát mưa lâm râm”.

Theo thiển ý, câu đáp này khá chỉnh về chữ và ý, nhưng lại không đối về âm (bằng trắc): Da “trắng” và rừng “mát” là hai âm (trắc) giống nhau chứ không đối.  Tôi đề nghị một câu đáp khác: “Rừng sâu mưa lâm thâm”. Chữ “sâu” vần bằng sẽ đối với chữ “trắng” vần trắc.  Từ xưa, tôi vẫn  nghĩ câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” là của Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ độc nhất vô nhị, làm thơ luôn bao hàm hai ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng, khiến cho các dịch giả muốn chuyển thơ của bà ra tiếng nước ngoài rất là khó khăn, có những câu hầu như không dịch nổi, chẳng hạn như:

Vành ra ba góc da còn thiếu,

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.

(Vịnh Cái quạt)

Hoặc là:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Nói về Nguyễn Công Trứ, tôi còn nhớ một giai thoại vui, xin kể thêm để quý độc giả thưởng lãm: Nguyễn Công Trứ (NCT) như chúng ta đều biết, ông mê hát cô đầu ngay từ hồi còn trai trẻ, chưa thành đạt. Muốn được nghe hát cô đầu, chàng thư sinh NCT phải tình nguyện đi theo sách đồ, dụng cụ riêng (như tráp, cỗ phách …) cho một cô đầu.  Một bữa, hai người đi ngang qua một cánh đồng vắng, cùng ngồi nghỉ dưới một tàn cây (ngô đồng).  Rồi thì chuyện phải đến đã đến giữa đôi trai gái còn rất trẻ trung này.

Sau này khi NCT thành đạt, làm quan lớn, cho vời một đoàn hát đến tư thất hát cho mình nghe.  Trong đoàn có một cô đầu nhận ra Nguyễn Công Trứ là người năm xưa, vẫn theo mình đi hát, nên lúc mở đầu bài hát, cô hát hai câu (miễu đầu) như sau:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

Trong số những tác phẩm bằng thơ mà tác giả VNVHSLK Hải Bằng đã đề cập như: Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc …, tôi đặc biệt yêu thích Truyện Kiều (TK) hơn cả, vì TK có thể coi là một áng văn thơ toàn bích nhất về phương diện văn chương.

Chính Hải Bằng tác giả VNVHSLK cũng cho rằng Nguyễn Du là một nhà ảo thuật tài ba về cách vận dụng ngôn ngữ trong TK.

Xưa kia, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) đã khen Nguyễn Du là bậc thầy về việc sử dụng Điển cố trong TK.  Tôi hoàn toàn đồng ý với cả hai vị .

Một ví dụ về cách dùng “Điển” của Nguyễn Du:

Sông Tương một giải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia

Nguyễn Du chỉ cần hai chữ “Sông Tương” trong Tình Sử:

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy

Hai chữ “Sông Tương” dùng trong TK của Nguyễn Du rất tự nhiên, tan biến trong thơ ông, khiến người đọc không nghĩ nó xuất phát từ một Điển cố. Sử dụng Điển cố mà như vậy thì thật là “tuyệt diệu hảo từ”!

Văn chương thì như vậy, còn vấn đề Triết lý trong TK thì sao?

Hải Bằng, tác giả VNVHSLK đã viện dẫn khá đầy đủ các triết thuyết trong TK như: Thuyết Tài Mệnh Tương Đố của nhà Nho; thuyết Nhân Quả, Nghiệp Báo của nhà Phật; Rồi chữ TÂM làm nền tảng đạo lý cho Truyện Kiều.

Tôi cũng đã đọc khá nhiều các tác giả nói về TK, nhưng chưa thấy ai đề cập Thuyết Vô Vi của Đạo Lão cả.  Theo thiển ý thì thuyết Vô Vi từng hiện diện trong TK qua nhân vật Thúy Vân.

Xin tóm tắt một cách đơn giản về Thuyết Vô Vi:  Không làm thì không có hậu quả, không yêu thì không thất tình, không tranh thắng thì không bị bại…

Con người, sở dĩ phải khổ sở, lo nghĩ là vì phải hành động (hữu vi).  Nguồn gốc của hành động là Dục tình, nếu dứt hết được dục tình thì không phải lo nghĩ, khổ sở.  Muốn cho lòng được thư thái, thân được an nhàn thì không hành động (vô vi).  Trong dân gian kẻ gần Đạo nhất là những đứa hài nhi; Người có nhiều Đức cũng hồn nhiên như trẻ thơ vậy.

Như đã nói ở trên, Thúy Vân là con người luôn luôn có tâm hồn vô tư và hồn nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Thúy Vân cũng xấp xỉ tuổi tác của Thúy Kiều, nhưng Thúy Kiều thì tiêu biểu cho con người “hữu vi”, gặp hoàn cảnh nào cũng động lòng trắc ẩn. Dọc đường, khi gặp mộ của Đạm Tiên, là một nấm mồ vô chủ, không ai nhang khói; Thúy Kiều liền lên tiếng hỏi:

Rằng sao trong tiết thanh minh

Mà sao hương khói vắng tanh thế mà…

Và sau khi nghe Vương Quan kể lể:

Đạm Tiên nàng ấy vốn là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xốn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh …

Nhưng rồi khi nghe Vương Quan kêt luận:

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng …

Đến đây thì Thúy Kiều đã không nén khỏi nỗi thương cảm:

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa …

Trong khi đó Thúy Vân vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, còn quay ra trách chị mình:

Vân rằng chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…

Điều này chứng tỏ Thúy Vân tiêu biểu cho con người “vô vi”, hồn nhiên, vô cảm trước mọi hoàn cảnh.

Kế đến, ba chị em gặp Kim Trọng, một chàng thư sinh đẹp trai, con nhà giầu, còn là chỗ đồng thân với Vương Quan (học cùng trường).  Kim Trọng tiến lại chào hỏi, hai Kiều thì:

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về cách tả chân của Nguyễn Du:  tả người con gái đẹp đã đành, nhưng khi tả người con trai đẹp cũng tuyệt diệu làm sao:

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao …

Cái đẹp (trai) của Kim Trọng còn lây lan ra cả một vùng quanh chàng, bảo sao mà những người con gái như Thúy Kiều, Thúy Vân không thích cho được!  Ấy vậy mà chỉ có Thúy Kiều bị Kim Trọng “hớp” mất hồn:

Người quốc sắc kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e …

Rồi sau khi chia tay, về nhà, cũng chỉ có Thúy Kiều là:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không …

Không nghe nói Thúy Vân có “suy nghĩ” gì sau khi gặp Kim Trọng.

Đến khi gia đình Kiều gặp nạn, do thằng bán tơ vu oan, giá họa cho khiến hai cha con Vương ông và Vương Quan đều bị đóng gông và bị trói chung lại với nhau, bọn sai nha nhân cớ này hành hạ và đánh đập hai cha con rất tàn nhẫn để khảo của:

Lạ gì là thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền …

Phải có tiền nhiều mới dàn xếp nổi vụ này, do đó Thúy Kiều, vì là chị lớn trong nhà, phải đi đến một quyết định quan trọng làm đảo lộn hết cuộc sống trong gia đình Kiều nói chung và cuộc đời của nàng Kiều nói riêng: nàng phải bán mình cứu lấy cha và em thoát vòng lao lý!  Trong giờ phút nghiêm trọng ấy, Kiều phải cân nhắc giữa hai bên: Tình (với Kim Trọng) và Hiếu (với cha):

Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn …

Như chúng ta đã biết, cuối cùng Kiều đã chọn chữ Hiếu.

Việc nhà coi như tạm ổn, lúc đó Kiều mới tự nghĩ đến riêng mình, làm sao trả được mối duyên nợ đã thề bồi.  Kiều chong đèn suốt đêm, sụt sùi than khóc.  Trong khi đó thì Thúy Vân, sau một giấc ngủ thật ngon (giấc xuân) chợt tỉnh dậy, thấy chị khóc, mới đến bên Thúy Kiều an ủi:

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân

Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han …

Đọc đến đây ta mới thấy rõ cái tâm tính hồn nhiên, vô tư lự của Thúy Vân, biểu lộ thật rõ nét!  Gia đình gặp nạn lớn như vậy mà nàng Vân ta vẫn cứ thản nhiên đánh một giấc ngủ ngon lành (giấc xuân).  Như thế không gọi là “vô vi” thì gọi là gì?

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa …

Trong Truyện Kiều, ta thấy Thúy Vân về sau là vợ của Kim Trọng, sinh con đẻ cái cho chàng, và trở thành một mệnh phụ phu nhân:

Một cây cù mộc, một sân quế hòe …

Và:

Một nhà phúc lộc gồm hai

Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần

Tôi đã mạo muội đưa thuyết “Vô Vi” vào Truyện Kiều, đúng hay sai tùy sự thẩm định của bạn đọc.

Trở lại với cuốn VNVHSLK của Hải Bằng, phải công nhận tác giả đã dày công sưu tầm những công trình văn học của các danh nhân trong lịch sử nước ta, mà biên soạn thành bộ VNVHSLK, là một cuốn sách về văn học rất súc tích, rất đáng để chúng ta tìm đọc và cất giữ trong tủ sách gia đình, dùng làm tài liệu văn học cho các thế hệ mai sau.

Vì thế, tôi xin trân trọng giới thiệu VNVHSLK của tác giả Hải Bằng-Hoàng Dân Bình đến tất cả độc giả bốn phương.

Nguyễn Văn Thành, Cựu Thẩm Phán

Viết xong tại VA ngày 10/07/2016

Ghi chú: 

Liên lạc tác giả Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo:

Hải Bằng Hoàng Dân Bình: Email: binhhoang684@yahoo.comTel:    (480) 330-3371

 

BORIS L. PASTERNAK (1890 – 1960) Nhà Văn, Nhà Thơ Nga trong thời đại Stalin Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1958

Phạm Văn Tuấn

http://to-name.ru/

1/ Nhà Thơ kiêm Nhà Văn Boris L. Pasternak.
Boris Leonidovich Pasternak chào đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1890, là con trai của họa sĩ Leonid Pasternak, giáo sư của trường Mỹ Thuật Moscow, và bà Rosa Kaufmann, một nhạc sĩ dương cầm có tài. Boris đã trải qua thời niên thiếu trong một gia đình gốc Do Thái thấm nhuần văn hóa và nghệ thuật cao. Tài năng ban đầu của Boris thể hiện trong phạm vi Âm Nhạc. Boris đã đam mê các nhạc phẩm của Scriabine rồi vào tuổi 19, dồn thời giờ theo học bộ môn sáng tác nhạc trong 6 năm, nhưng khi bước chân vào đại học Moscow, Boris đã ưa thích môn Triết Học, đã theo học các khóa hè với giáo sư Hermann Cohen, một người theo trường phái Triết Học Kant Mới (néo-Kantien).
Boris Pasternak cũng thán phục các nhà văn biểu tượng A. Blok và A. Biely nên vào năm 1913, đã tham gia vào nhóm thi sĩ thuộc trường phái “Tương Lai” (futurism) có tên là “Ly Tâm” (Centrifuge) và do ở trong nhóm thi sĩ này, Pasternak đã cho ra đời tập thơ đầu tay có tên là “Người sinh đôi ở trong mây” (The Twin in the Clouds, 1914). Các vần thơ của Pasternak rất đặc sắc nhờ ngữ vựng phong phú, âm điệu mới mẻ, tiết điệu thay đổi, nhiều lặp âm (alliterations) và cách diễn tả các hình ảnh giống như của Maiakovski là thi sĩ mà Pasternak rất thán phục và chịu ảnh hưởng.
Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, Boris Pasternak đã làm việc trong một nhà máy hóa chất thuộc miền núi Urals, rồi sau cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917, ông phục vụ tại một thư viện của bộ Giáo Dục.
Boris Pasternak đã cho xuất bản các thi tập tiếp theo: “Vượt qua các trở ngại” (Over the Barriers, 1917), “Em tôi, cuộc đời” (My sister, Life, 1922), và “Sinh lần thứ hai” (Second Birth, 1932) qua đó thể hiện các ảnh hưởng của trường phái biểu tượng (symbolism) của thế kỷ 19 với cách chú trọng vào các tính bí ẩn, ấn tượng và thẩm mỹ, tuy nhiên cũng mang các đặc tính canh tân với cách phối hợp các hình ảnh và cách tới gần lịch sử và thiên nhiên.
Các thi phẩm của Boris Pasternak đã chứng tỏ ông là một nhà thơ xuất sắc, tuy nhiên các nhà phê bình văn học cộng sản Liên Xô đã khiển trách ông là thơ phú của ông đã không theo đúng các kiểu mẫu của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism), vì vậy sau năm 1932, chỉ có hai tập thơ của Boris Pasternak xuất hiện: “Trên chuyến tầu sớm” (On Early Trains, 1943) và “Khoảng trống địa cầu” (The Terrestrial Expanse, 1945).
Vào thập niên 1930, nhất là vào các năm 1936-38, các khủng bố của chính quyền Stalin đã hành hạ các nhà văn và nhà thơ vì họ đã không theo đúng các giáo điều nghiêm khắc của đảng Cộng Sản, đặc biệt là nhóm thi sĩ miền Georgia mà Pasternak là một thành viên vào năm 1931. Người ta cho rằng trong thời kỳ thanh trừng đỏ của Stalin, Boris Pasternak được an toàn bởi vì ông đã chuyển ngữ một số bài thơ của Stalin viết bằng tiếng địa phương Georgia. Trước các đe dọa, ông Pasternak đành phải im tiếng, không sáng tác thơ văn, dành thời giờ vào công việc dịch thuật các tác phẩm của Keats, Shelley, Verlaine, Petrofi, rồi trong khoảng thời gian từ năm 1941 tới năm 1949, ông đã chuyển dịch 6 bi kịch lớn của Shakespeare cùng tác phẩm Faust của Goethe, tác phẩm Marie Stuart của Schiller, cũng như các tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ người Đức, người Anh khác.
Chính trong bầu không khí khủng bố và nghi kỵ của thời đại Stalin, Boris Pasternak đã phác thảo một cuốn tiểu thuyết duy nhất bắt nguồn từ các suy nghĩ đã có trước cuộc Thế Chiến Thứ Hai: “Bác Sĩ Zhivago” (Dr. Zhivago, 1957). Iouri Zhivago là một y sĩ người Nga đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn và rối loạn trong thời kỳ Cách Mạng của đất nước. Ông ta là một nhà trí thức, do tấm lòng thành thực, do niềm tin tôn giáo và tinh thần độc lập, đã xung khắc với lý thuyết và cách thi hành tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Iouri Zhivago không thể chấp nhận các luật lệ nghiêm khắc của chế độ này, nên đã cố gắng đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Ioui Zhivago cũng là một nhà thơ, vì vậy các câu thơ đã chiếm một phần tác phẩm.
“Bác Sĩ Zhivago” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử và xã hội, mang tính cách trở về với truyền thống hiện thực, đã trình bày một toàn cảnh của xã hội Nga vào thời kỳ của cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917. Do chỉ trích chế độ Cộng Sản, cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak bị các nhà phê bình Xô Viết tố cáo là “đã phỉ báng cuộc Cách mạng Tháng 10, nói xấu nhân dân và cách xây dựng xã hội của Liên Xô”, đồng thời các nhà xuất bản từ chối ấn hành tác phẩm, tác giả Pasternak bị trục xuất khỏi Hội Các Nhà Văn Xô Viết (the Soviet Writers Union) nhưng tác phẩm này đã được đưa lén qua Phương Tây và chuyển dịch sang 18 ngôn ngữ khác. Cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” này trở nên một tác phẩm quốc tế bán chạy nhất (an international best-seller) nhưng chỉ được lưu hành trong bí mật trên miền đất quê hương của tác giả.
Vào năm 1958, Boris Pasternak được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương, nhưng ông đã bị các nhà văn Xô Viết khác coi là một kẻ phản bội. Sau khi đã tuyên bố công khai rằng ông không muốn đi sống lưu vong, Boris Pasternak đã viết thư cho Thủ Tướng Nikita S. Khrushchev như sau: “Rời khỏi đất mẹ cũng là cách làm cho tôi chết”, ông từ chối nhận Giải Thưởng Nobel vì áp lực của chính quyền. Ông qua đời vì bệnh ung thư và bệnh tim vào ngày 30 tháng 5 năm 1960 tại Peredelkino, một nơi gần thành phố Moscow.
Sau khi nhà lãnh tụ Liên Xô Michail Gorbachev chủ trương chính sách “Cởi Mở” (glasnost), tác phẩm “Bác Sĩ Zhivago” được chính thức xuất bản tại nước Nga vào năm 1987, 27 năm sau khi tác giả qua đời, vào thời điểm này giới văn học Nga đã phục hồi danh tiếng của nhà thơ kiêm nhà văn Boris Pasternak và căn nhà của ông tại thị trấn Peredelkino được chuyển thành một viện bảo tàng.
Các tác phẩm khác của Boris Pasternak gồm có: “Các lối đi thanh thản” (Airy Paths, 1925), cuốn tự thuật “Đối xử an toàn” (Safe Conduct, 1931), “Tôi nhớ lại” (I Remember, 1957), và một vở kịch dang dở “Vẻ Đẹp mù” (The Blind Beauty, 1969).

2/ Một Bài Thơ trong Tác Phẩm “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak.

MEETING
The snow will bury roads
And houses to the roofs
If I go to stretch my legs
I see you at my door.

In a light fall coat, alone,
Without overshoes or hat,
You try to keep your calm,
Sucking your snow-wet lips

The tree and fences draw
Far back into the gloom.
You watch the street, alone
Within the falling snow.

Your scarf hangs wet with snow,
Your collar and your sleeves,
And stars of melted flakes
Gleam dewy in your hair.

A shining wisp of hair
Lights suddenly your face,
Your figure in the cold,
In that thin overcoat.

Flakes gleam beneath your lashes
And anguish in your eyes.
You were created whole,
A seamless shape of love.

It seems as if your image
Drawn fine with pointed steel
Is now in silver lines
Cut deep within my heart.

Forever there you live
In your true humility
It does not really matter
If the world is hard as stone.

I feel I am your double
Like you outside, in dark
I cannot draw the line
Dividing you from me.

For who are we, and whence,
If their idle talk alone
Lives long in aftertime
When we no longer live?

Boris Pasternak (1890-1960)
(Translated by Eugene M. Kayden
in the Poems of Doctor Zhivago)

GẶP GỠ
Tuyết vùi chôn những lối mòn
Và rơi phủ trắng trên muôn mái nhà
Khi anh dạo bước chân qua
Thấy em bên cửa thướt tha bóng hồng.

Đơn côi manh áo thu phong
Chân trơ hài lạnh, đầu không mũ hàn,
Vẻ thản nhiên, dáng bình an
Đôi bờ môi nhấm tuyết tan ướt mềm.

Hàng cây bờ dậu im lìm
Xa, buồn, ảm đạm như chìm trong sương,
Em nhìn hiu quạnh phố phường
Bóng cô đơn giữa tuyết vương khắp trời.

Tuyết rơi làm ướt em tôi,
Ướt khăn, ướt áo, ướt người tôi thương,
Một trời hoa tuyết vấn vương
Long lanh tinh tú gieo sương mái đầu.

Tóc mây óng ánh tươi màu
Khuôn trăng xinh đẹp chợt đâu rạng ngời,
Dáng em vùng lạnh chơi vơi
Phong phanh áo khoác giữa trời giá băng.

Bờ mi tuyết đọng sáng ngần
Sáng thêm đôi mắt sầu dâng võ vàng.
Từ em sáng tạo vẹn toàn
Tình yêu hình tượng vô vàn tinh nguyên.

Dường như nếu bóng hình em
Vẽ bằng nét nhọn dễ chìm nét hoa
Thì giờ đây cũng khó nhòa
Khắc sâu nét bạc đậm đà tim anh.

Ấp e nơi đó mộng lành
Bóng em sống mãi, chân thành, khiêm cung,
Mặc cho trần thế mịt mùng
Khó khăn gian khổ chập chùng sá chi.

Trong anh tâm tưởng mãi ghi
Rằng hai ta chẳng cách ly bóng hình,
Anh đâu vạch được đường tình
Phân ranh đôi lứa chúng mình lìa xa.

Cội nguồn lai lịch chúng ta
Có chăng ai biết cũng là thế thôi,
Mai này còn mãi chuyện đời
Dù đôi ta hết rong chơi cõi trần.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

 

 

Phạm Văn Tuấn biên khảo

Từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, GS. Trần Quang Quyến nhìn về tương lai qua tướng pháp Ngô Hùng Diễn

Sơn Tùng & Bích Hải

tqq3

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ kéo dài hơn một năm với nhiều ồn ào, sôi nổi đã kết thúc vào ngày mồng 8 tháng 11, 2016 mà trước đó hầu hết những nhà quan sát chính trị, báo chí, truyền thông, kể cả các chiêm tinh gia trong và ngoài nước Mỹ đều tiên đoán bà Hillary sẽ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhưng kết quả đã trái ngược hẳn trước sự sững sờ ngạc nhiên của mọi người. Trong khi đó GS. Trần Quang Quyến, một người nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã thấy trước là ứng cử viên Donald Trump sẽ đắc cử.
Qua sự nghiên cứu theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn dựa trên tướng mạo và thần khí của hai ứng cử viên, ông Trần Quang Quyến đã nhìn thấy không những kết quả của bầu cử mà còn tiên đoán về những gì sẽ xảy ra trên chính trường nước Mỹ và tình hình thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump.
Những điều này đã được ông Trần Quang Quyến nghiên cứu và phát biểu với một số thân hữu, đồng thời có ghi lại trong cuốn sách của ông hai tháng trước ngày bầu cử.
Việc ông Trần Quang Quyến tiên đoán đúng kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi điện thư chúc mừng của bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Võ Thành Nhân (giám đốc đài SBTN/DC) và nhiều bạn hữu khác tới GS. Quyến ngay vào sáng sớm ngày mồng 9 tháng 11, 2016. Điều này không làm nhiều người ngạc nhiên vì GS. Trần Quang Quyến đã được biết đến như một nhà nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong hơn 60 năm nay. Ông đã xuất bản hai cuốn sách: “Tướng pháp Ngô Hùng Diễn” (*) (dày ngót 300 trang khổ lớn, bìa cứng, phát hành năm 2010, tái bản năm 2016) và cuốn tiếng Anh “Physiognomy: The Art of Reading People” (**) (ngót 600 trang, do Amazon ấn hành tháng 9 năm 2016). Qua hai tác phẩm này, tác giả đã có dịp nghiên cứu về tướng mệnh của nhiều người trong giới chính trị tại Mỹ và thế giới trong đó có Tổng thống Obama, Công chúa Diana, Tổng thống Clinton cùng phu nhân, bà Hillary Clinton, và tân Tổng thống Donald Trump. Việc này đã đưa đến lời tiên đoán về sự đắc cử của ông Donald Trump.

tqq-2-books
Chúng tôi đã đọc hai tác phẩm của GS. Quyến cũng như theo dõi và nhận định về những hoạt động của ông nên trong dịp này đã tiếp xúc với ông để được nghe giải thích thêm về áp dụng tướng pháp Ngô Hùng Diễn vào từng nhân vật.
GS. Quyến là học trò đắc ý của cụ Ngô Hùng Diễn. Ông là người đã tiên đoán rằng những việc làm và thành quả của Tổng thống Obama trong 8 năm lãnh đạo đất nước được thực hiện giống như một vở kịch mà ông Obama là người đóng vai chính. Khi màn hạ xuống là mọi việc sẽ chấm dứt, không để lại thành tích hay di sản gì đáng kể. Trước đó, GS. Quyến cũng là người đã tiên đoán công chúa Diana sẽ không bao giờ trở thành hoàng hậu ngay khi lễ cưới của công nương đang diễn ra. Và ông cũng tiên đoán vợ chồng nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Lê Uyên và Phương, sẽ ly dị trong thời gian ngắn sau khi đặt chân lên nước Mỹ tị nạn.

hillary
Về bà Hillary Clinton, trong giai đoạn tranh cử, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn (TP NHD) được thấy như sau: các bộ vị tướng của bà đều có hình tròn và thần tròn, thần khí bà suy yếu. Xét về tính cách “đi bộ”, theo quan niệm “chủ – khách”, việc tranh cử của bà không thuận lợi lắm vì chủ thì yếu, khách thì đông và hỗn tạp. Nói rõ ra, theo quan niệm “chủ – khách” trong TP NHD thì bà Hillary là chủ, những người phụ tá cho bà được coi là “khách”. Vì hình tròn và thần tròn, cho nên khi gặp những cản trở trên đường tranh cử, bà Hillary không giải quyết một cách triệt để được. Người gần gũi nhất là chồng bà thì thần khí rối loạn và suy thoái, nên không những không giúp được cho bà mà còn gây khó khăn thêm cho bà. Cũng như vậy, những phụ tá thân thiết của bà cũng gây nhiều khó khăn cho bà. Đứng về lý mà nói, sự thất bại của bà là do bà hai phần và phụ tá của bà ba phần. Thần khí suy đồi còn là một yếu tố quan trọng liên quan tới sự sáng suốt và khả năng chống cự bệnh tật của cơ thể. Điều này nhận thấy qua thái độ bơ thờ của bà và sự thiếu minh mẫn của trí óc.
Cuộc đua vào toà Bạch Ốc ví như một cuộc đua ngựa. Bất kỳ yếu tố nhỏ nào gây ra sự chậm chạp cũng dẫn đến sự thất bại. Còn một yếu tố tối quan trọng nữa theo quan niệm TP NHD là bà đã phạm một lỗi lầm trầm trọng cho dù vô tình hay hữu ý cũng do thiếu tâm tướng, khi bà đã làm ngơ hơn 600 lời cầu cứu mạng của cố Đại sứ Christopher Steven và 3 nhân viên của ông tại Benghazi, Libya, vào tháng 9, 2012.
Ngoài ra cũng nên nhắc lại một yếu tố thất bại của bà Hillary Clinton mà GS. Quyến đã tiên đoán từ mùa thu năm 2009 khi bà mới làm ngoại trưởng được 9 tháng, là nếu bà làm ngoại trưởng hơn 2 năm thì công danh của bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể tới mức độ thân bại danh liệt. Ông cũng đã nói chồng bà không giúp ích gì được cho bà.

Về phần tỷ phú Donald Trump, theo TP NHD, ông có tướng cầm thú hoà hợp giữa tướng rồng, tướng sư tử và một phần không nhỏ của chó sói. Khi ông quyết định ra khỏi “khu rừng” của ông để tranh đấu với “loài người” thì ông sẽ bị đuổi giết từ cả bốn phía. Nếu ông tiếp tục ở trong “rừng” của ông, thì ông dễ dàng sống trên 100 tuổi, tài sản sẽ kếch xù hơn, con cái thành đạt, hạnh phúc cho tới chết. Nhưng ông có trán vuông, mặt vuông, thân hình vuông, da sáng, deo dai, mắt nhỏ và ẩn sâu vào xương chân mày, vùng quyền vuông vắn, đầy đặn và rắn chắc. Người như vậy là có tướng anh hùng, gặp thời loạn không dửng dưng hưởng thụ cho cá nhân mình được. Vì hình vuông, thần vuông nên khi gặp tấn công, người này phải đứng dậy chống đỡ kịch liệt chứ không lẩn trốn được.

donald-trump-2
Trong suốt thời gian tranh cử, ông đã luôn đứng lên mãnh liệt, mặt đối mặt với đối phương. Nếu đối phương không giết được ông thì kết quả ông sẽ thắng cuộc. Tướng ông ở cuối tai, có một phần trông mọng như túi mật. Theo TP NHD, những năm sau cùng của ông, ông sẽ đạt được một thành công về sự nghiệp lớn lao nhất trong đời. Nhưng sau phần tai nổi bật đó, tai lại thu nhỏ lại, theo TP NHD là hoạ sẽ đi theo sau mỗi thành công của ông. Tóm tắt, nếu ông không bị đối phương ám hại, hay là chết do tai nạn thì ông có thể sẽ là một vị tổng thống thành công thứ nhì sau tổng thống George Washington.
Theo các nhà phân tích chính trị và các chiêm tinh gia trên thế giới thì sự đắc cử của ông Donald Trump sẽ đưa tới những rối loạn cho nước Mỹ và thế giới, sẽ làm cho vị trí của nước Mỹ sau này không còn là một cường quốc đàn anh. Nhiều người cho rằng những vấn đề ông Donald Trump muốn giải quyết trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức sẽ không đủ điều kiện để giải quyết được. Theo TP NHD, để biết những kết quả việc làm của ông trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức đòi hỏi một sự quan sát tỉ mỉ của sắc tướng, thanh tướng và thần tướng không những của ông Donald Trump mà còn của những người chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết vấn đề đó, cũng như của những người chống đối việc giải quyết vấn đề đó theo chiều hướng của ông Trump.
Dựa vào sự nghiên cứu của GS Quyến hiện nay thì những khó khăn hay những công việc có tính chất trung và dài hạn chắc chắn sẽ được giải quyết thuận lợi vì thần khí của ông Trump rất sung mãn. Vận số của một nước còn tùy thuộc vào phong thủy và phong thái các thế hệ tương lai. Phong thủy nước Mỹ còn rất tốt, chẳng hạn như vượng khí của toà Bạch ốc còn mạnh và sung mãn. Giới trẻ Mỹ phong thái càng ngày càng đẹp nói lên đất nước này còn thịnh trị trong nhiều thế kỷ. ISIS sẽ bị triệt tiêu, thế giới sẽ yên bình, cộng tác hài hoà trong tiến trình phát triển.
Trung Quốc sẽ suy thoái nếu những nhà lãnh tụ của họ dùng cường lực với lòng tham lam và độc ác để thôn tính những nước nhỏ láng giềng. Mỹ sẽ không bỏ rơi vùng biển Nam Hải và Việt Nam sẽ có cơ hội khôi phục về quân sự, chính trị và kinh tế trong một thể chế dân chủ và tiến bộ.
Tất cả những tiên đoán ở trên sẽ diễn tiến một cách thuận lợi tùy theo “THIỆN TÂM” hay “ÁC TÂM” của những nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là một thế giới tiến bộ. Tổng thống Donald Trump sẽ là người khai sáng một kỷ nguyên mới cho thế giới.
Những tiên đoán của GS Trần Quang Quyến, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã hé mở cánh cửa bí mật để nhìn vào vận mệnh của một con người, một quốc gia, và của nhân loại. Vận mệnh ấy có thể thay đổi khi con người nhận ra rằng “tướng tùy tâm”, như câu thơ bất hủ của Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Yêu ông Trump hay ghét ông Trump, không ai có thể chối cãi việc thắng cử của ông ta đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, và sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt thế giới trong nhiều năm tới. Có những thay đổi sẽ diễn ra, tốt hay xấu, có thể nhìn thấy qua hình tướng, sắc tướng, thanh tướng và thần tướng của ông cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới vào một thời điểm mà bất cứ nơi nào cũng có thể bùng nổ do sự xuẩn động của một vài người nắm quyền.

Sơn Tùng và Bích Hải
Virginia, 14.11.2016

(*): https://www.amazon.com/Tuong-Phap-Hung-Dien-Vietnamese/dp/1537636413/ref=pd_sbs_14_1?_encoding=UTF8&pd_rd_i=1537636413&pd_rd_r=N013PFSY8FF5BK3M978H&pd_rd_w=SMhkI&pd_rd_wg=zmtZ8&psc=1&refRID=N013PFSY8FF5BK3M978H

(**): https://www.amazon.com/PHYSIOGNOMY-Reading-Quyen-Quang-Tran/dp/1537570935/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1479165211&sr=1-1&keywords=physiognomy+the+art+of+reading+people

William Wordsworth (1770 – 1850), Thi Bá của Nước Anh

Phạm Văn Tuấn

william_wordsworth_at_28

William Wordsworth lúc 28 tuổi

William Wordsworth được nhiều học giả coi là thi sĩ lãng mạn quan trọng nhất của nước Anh. Vào năm 1795, Wordsworth đã gặp thi sĩ Samuel Taylor Coleridge, họ cộng tác với nhau trong tập thơ “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình, 1798), đây là tập thơ được coi là khởi đầu cho phong trào Lãng Mạn tại nước Anh và trong tập thơ này, phần lớn các bài thơ là của Wordsworth.

William Wordsworth là Thi Bá (Poet Laureate) của nước Anh từ năm 1843 cho tới khi ông qua đời vào năm 1850.

1/ Thời niên thiếu.

             William Wordsworth sinh ngày 7 tháng 4 năm 1770 trong căn nhà Wordsworth tại Cockermouth, Cumberland, là con trai thứ hai của ông John Wordsworth và bà Ann Cookson. Cumberland là khu vực có nhiều phong cảnh đẹp thuộc miền tây bắc của nước Anh, nơi đây còn được gọi là “Khu Vực Hồ Nước” (the Lake District). Năm sau 1771, ra đời là người em gái Dorothy, cùng rửa tội với William. Dorothy cũng là một nhà thơ. William có một người anh trai tên là Richard là một luật sư, một người em trai tên John sinh sau Dorothy.

Ông John Wordsworth, cha của William, là người đại diện luật pháp của ông James Lowther, Hầu Tước thứ Nhất của miền Lonsdale, nhờ chức vụ này, gia đình ông John đã cư ngụ trong một tòa nhà to lớn trong một tỉnh nhỏ, nhưng ông John thường đi công tác xa nhà, vì vậy tình cảm giữa người cha và các con không được đằm thắm cho tới khi ông John qua đời vào năm 1783, tuy nhiên ông John đã khuyến khích William phải đọc nhiều sách văn thơ, đặc biệt là của các tác giả Shakespeare và John Milton. William còn được phép dùng các sách trong thư viện của cha và cũng có thời gian sinh sống tại Penrith là nơi quê ngoại.

William Wordsworth được mẹ dạy tập đọc, theo học một trường tiểu học tại Cockermouth rồi tại một trường ở Penrith, nơi dành cho các trẻ em của các gia đình quý phái. Chính tại Penrith mà William đã gặp gia đình Hutchinsons, trong đó có cô Mary, sau này là người vợ của William Wordsworth. Sau khi bà mẹ qua đời, ông John gửi con trai theo học trường trung học Hawkshead tại Lancashire (bây giờ là Cumbria).

2/ Thời trưởng thành và sáng tác.

             William Wordsworth bắt đầu là nhà thơ vào năm 1787 khi ông cho phổ biến một bài thơ “sonnet” (thơ 14 câu) trên tờ Tạp Chí Châu Âu (the European Magazine). Cũng vào năm này, William theo học Đại Học St. John, Cambridge, đậu văn bằng Cử Nhân (BA degree) vào năm 1790.

Năm 1790, William Wordsworth đi du lịch khắp châu Âu, thăm miền Núi Alps, tới các nước Pháp, Thụy Sĩ và Ý. Vào tháng 11 năm 1791, Wordsworth tới nước Pháp khi đó đang có cuộc Cách Mạng nên ông rất say mê phong trào Cộng Hòa (the Republican movement). Tại nước Pháp, Wordsworth đã yêu thương một thiếu nữ tên là Annette Vallon, năm 1792 cô này sinh cho ông một bé gái đặt tên là Caroline. Vấn đề tài chính và sự căng thẳng chính trị giữa nước Anh và nước Pháp khiến cho Wordsworth phải trở về nước Anh một mình.

Thời kỳ khủng bố (the Reign of Terror) tại nước Pháp đã làm cho Wordsworth mất niềm tin vào cuộc Cách Mạng Pháp rồi cuộc tranh chấp giữa nước Anh và nước Pháp khiến cho ông không liên lạc được với cô Annette và đứa con gái Caroline

Vào năm 1793, Wordsworth cho xuất bản hai tập thơ có tên là “An Evening Walk” (Cuộc Đi Dạo Buổi Chiều) và “Descriptive Sketches” (Phác Họa). Qua năm 1795, ông nhận được tài sản thừa kế là 900 bảng Anh từ Raisley Calvert nên nhờ vậy, ông có đủ lợi tức để theo đuổi nghề làm thơ.

Tới năm 1795, Wordsworth đã gặp Samuel Taylor Coleridge tại Somerset, cả hai nhà thơ này trở nên đôi bạn thân và cùng nhau phổ biến tập thơ “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình, 1798), đây là một tác phẩm quan trọng trong phong trào Lãng Mạn tại nước Anh. Trong ấn bản lần thứ hai của tập thơ kể trên, Wordsworth cho rằng thơ phú có thể mô tả đời sống thường ngày và nên viết bằng ngôn ngữ bình thường, được thực sự xử dụng bởi mọi người. Ông cũng cho rằng “thơ phú” (poetry) là các hồi tưởng của cảm xúc trong cảnh tĩnh lặng và nhà thơ là một người nói với nhiều người trong cách nhậy cảm của nhà thơ. Wordsworth cũng định nghĩa Thơ Phú bằng lời nói nổi tiếng như sau: “Thơ phú là sự tuôn trào của các cảm giác quá mạnh, có nguồn gốc từ cảm xúc hồi tưởng trong tĩnh lặng“.

Từ năm 1795 tới năm 1797, Wordsworth đã viết ra một vở kịch duy nhất “The Borderers” (Người Dân Biên Giới), đây là thời đại của Vua Henry III của nước Anh khi người Anh xung đột với các kẻ cướp biển Tô Cách Lan.

Vào mùa thu năm 1798, Wordsworth, Dorothy và Coleridge đã cùng nhau đi du lịch qua nước Đức, trong dịp mùa đông của năm này, Wordsworth và Dorothy cư ngụ tại Goslar và Wordsworth băt đầu viết tập thơ “The Prelude” (Thơ Mở Đề). Wordsworth thường được ca ngợi là Thi Sĩ khéo léo mô tả thiên nhiên, riêng trong tập Thơ Mở Đề này, Wordsworth đã nói rằng “tình yêu thiên nhiên dẫn tới tình yêu nhân loại” (the love of nature leads to the love of humanity), và trí tưởng tượng đã tạo nên các giá trị tinh thần ở bên ngoài trí nhớ về các cảnh nhìn và âm thanh trong thiên nhiên. Cũng tại Goslar, Wordsworth đã viết ra nhiều bài thơ danh tiếng, kể cả bài “The Lucy poems” (Các Vần Thơ Lucy).

Qua mùa thu năm 1799, Wordsworth cùng người em gái Dorothy trở về nước Anh, họ thăm viếng gia đình Hutchinsons tại Sockburn, rồi định cư tại Dove Cottage của Grasmere trong Khu Vực Hồ Nước (the Lake District), chính vào dịp này, Wordsworth đã gặp nhà thơ Robert Southey ở gần đó. Bộ ba thi sĩ Wordsworth, Coleridge và Southey trở nên các Nhà Thơ Hồ Nước (the Lake Poets). Cũng chính trong giai đoạn này, thơ phú của Wordsworth xoay quanh các đề tài là sự chết, tính chịu đựng, sự chia ly và nỗi buồn.

Hội Nghị Hòa Bình Amiens đã cho phép Wordsworth đi du lịch qua nước Pháp vào năm 1802 với người em gái Dorothy để viếng thăm cô Annette và cháu gái Caroline tại Calais. Mục đích của cuộc viếng thăm này là để Wordsworth chuẩn bị làm lễ cưới với người vợ là Mary Hutchinson. Sau đó Wordsworth đã viết ra bài thơ sonnet “It is a beauteous evening, calm and free” (Đó là một buổi chiều đẹp, bình yên và tự do), mô tả cuộc đi bộ nơi bờ biển với đứa con gái 9 tuổi.

Vào năm 1802, người thừa kế của gia đình Lowther đã trả cho Wordsworth món nợ cũ là 4,000 bảng Anh, nhờ món tiền này, ông đã lập gia đình với người bạn gái thưở xưa là Mary Hutchinson vào ngày 4 tháng 10 năm 1802, họ có 5 người con.

Tới năm 1805, người em trai John của Wordsworth qua đời vì bị đắm tầu biển, Wordsworth đã đau buồn mà viết ra tập thơ “Elegiac Stanzas Suggested by a Picture of Peele Castle” (Các Vần Thơ bi ai bởi một hình ảnh của lâu đài Peele, 1806). Tập thơ này đánh dấu cuối giai đoạn sáng tác trẻ trung của tác giả. Có vẻ như Nhà Thơ này đã từ bỏ các niềm tin lạc quan thuở trước mà đã được tác giả xác nhận trong bài thơ ‘Tintern Abbey” với ý nghĩa rằng “Tạo Hóa không bao giờ phản bội trái tim đã yêu thương Tạo Hóa”.

Qua năm 1807, Wordsworth cho xuất bản tập thơ danh tiếng nhất trong nền Văn Chương Anh: “Ode: Intimations of Immortality” (Thơ Ca Ngợi: Các Thân Tình của sự Bất Tử). Trong tập thơ này, tác giả ca ngợi thời niên thiếu và thúc dục mọi người nên dùng trực giác (intuition).

Wordsworth dọn gia đình tới Núi Rydal, Ambleside, vào năm 1813 cùng với Dorothy rồi tại nơi này, ông sinh sống cho tới cuối đời. Wordsworth cho phổ biến tập thơ “The Excursion” (Cuộc Dạo Chơi) như là phần thứ hai của tập thơ 3 phần có tên là “The Recluse” (Người Ẩn Dật).

Vào năm 1838, Wordsworth được trao tặng danh hiệu Tiến Sĩ Danh Dự (an honorary doctorate in Civil Law) của trường Đại Học Durham rồi năm sau, cũng danh dự này của trường Đại Học Oxford. Tới năm 1842, chính quyền Anh đã tặng cho Nhà Thơ William Wordsworth món tiền hưu 300 bảng Anh mỗi năm. Qua năm 1843, Wordsworth trở nên Thi Bá (Poet Laureate) của nước Anh.

William Wordsworth qua đời vào ngày 23 tháng 4 năm 1850 tại nhà riêng khi ông cư ngụ tại Núi Rydal, vì chứng viêm màng phổi (pleurisy) và được chôn cất trong nghĩa trang của Nhà Thờ St. Oswald, Grasmere.

William Wordsworth đã sáng tác  ra các vần thơ hay nhất vào thời kỳ trước năm 1807. Qua các tập thơ, ông đã thảo luận về đức tính, giáo dục và niềm tin tôn giáo. Các tác phẩm thơ xuất sắc nhất của William Wordsworth gồm có: “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình), “The Excursion” (Cuộc Dạo Chơi), “The Prelude” (Thơ Mở Đề) và “The Daffodils” (Hoa Thủy Tiên) với câu thơ “I wandered Lonely as a Cloud” (Tôi đi lang thang cô độc như một Đám Mây).

Tổng cộng các bài thơ Sonnet của William Wordsworth là 523 bài, số lượng này khiến cho nhiều học giả so sánh ông với William Shakespeare và John Milton./.

daffodils-wallpaper-5

3/ Bài Thơ The Daffodils (Hoa Thủy Tiên) của William Wordsworth.

A/ Phần tiếng Anh.

The DAFFODILS

I wandered lonely as a cloud

That floats on high o’er vales and hills,

When all at once I saw a crowd, –

A host, of golden daffodils

Beside the lake, beneath the trees,

Fluttering and dancing in the breeze.

Continuous as the stars that shine

And twinkle on the Milky Way,

They stretched in never-ending line

Along the margin of a bay:

Ten thousand saw I, at a glance,

Tossing their heads in sprightly dance.

The waves beside them danced, but they

Outdid the sparkling waves in glee;

A poet could not but be gay

 In such a jocund company;

I gazed – and gazed – but little thought

What wealth the show to me had brought.

For oft, when on my couch I lie,

In vacant or in pensive mood,

They flash upon that inward eye

Which is the bliss of solitude;

And then my heart with pleasure fills,

And dances with the daffodils.

WILLIAM WORDSWORTH (1770-1850)

B/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao

HOA THỦY TIÊN

Lang thang như mây trời cô độc

Bồng bềnh qua lũng thấp đồi xa,

Chợt đâu ta thấy thảm hoa

Thủy tiên đồng nội thướt tha óng vàng

Bên hồ vắng dưới hàng cây mát

Theo gió ngàn phơ phất múa chào.

Hoa tươi giăng tựa ngàn sao

Long lanh chiếu sáng đường vào Sông Ngân,

Hoa trải thảm xa gần phô sắc

Dọc theo bờ xanh ngắt vịnh bên:

Muôn hoa rực rỡ một miền

Đùa vui lả ngọn trao duyên, kết tình.

Dù bờ vịnh lung linh sóng nước

Nào đẹp hơn tha thướt dáng hoa;

Nhà thơ thi hứng chan hòa,

Cùng hoa tấu khúc hoan ca tuyệt vời;

Ta mải ngắm lộc trời vui thú

Cảnh thiên nhiên lúc đó như mơ.

Sau này ngồi tựa án thư,

Thả hồn hoang vắng, trầm tư cõi lòng,

Đồng hoa cũ về trong ký ức

Nỗi đơn côi hạnh phúc thăng hoa;

Niềm vui rộn rã bao la,

Thủy tiên khiêu vũ cùng ta dập dìu.

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO chuyển ngữ.

C/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Hà Bỉnh Trung.

HOA THỦY TIÊN

Tôi bước một mình như đám mây

Vượt ghềnh vượt núi nhẹ cao bay,

Bỗng nhiên tôi thấy bên hồ biếc

Đám thủy tiên vàng, dưới khóm cây.

Hằng hà sa số là hoa đẹp

Nhẩy múa rung rinh đón gió qua

Bát ngát như sao bừng sáng tỏ

Thi nhau lấp lánh giải Ngân Hà.

Miên man vô tận hoa khoe sắc

Rải rác đầy bên vũng nước dài:

Tôi thấy muôn ngàn hoa thắm ngát

Ngả nghiêng đầu sẽ múa vui chơi.

Sóng nước, bên hoa, cùng múa hát,

Nhưng hoa hơn sóng, lúc âu ca:

Thi nhân chỉ thấy lòng vui vẻ

Trước cảnh tưng bừng sóng rỡn hoa!

Tôi trông ngơ ngẩn, thầm suy nghĩ

Cảnh đẹp làm tôi sướng tuyệt vời;

Từ đấy, nằm dài trên ghế nghỉ

Luôn luôn hoài tưởng, nghĩ xa xôi.

Hoa lại sáng ngời trong khóe mắt

Cho tôi hạnh phúc lúc cô miên;

Lòng tôi phấn khởi, đời vui vẻ,

Nhảy múa vui cùng đám thủy tiên.

HÀ BỈNH TRUNG chuyển ngữ

D/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Nguyễn Thị Ngọc Dung

HOA THỦY TIÊN
 
Lang thang như  áng mây trôi
Xưa qua thung lũng lên đồi dốc cao
Bàng hoàng chợt thấy lao xao
Thủy tiên vàng thắm đón chào khách du
Bên hồ bóng lá xanh mơ
Dập dìu khiêu vũ say sưa gió đàn.
 
Như sao chiếu sáng Ngân giang
Long lanh muôn cánh hoa vàng trinh nguyên
Bao la thảm dệt thủy tiên
Trải thêu bờ vịnh bình yên chân trời
Ngàn hoa lóng lánh tuyệt vời
Tưởng chừng luân vũ với người yêu thương
 
Rập rờn bên sóng đại dương
Thủy tiên ca múa nghê thường mừng xuân
Ngất ngây lãng đãng thi nhân
Ngỡ đâu hội ngộ tri âm bao giờ
Miên man dạo chốn mộng mơ
Rạt rào ý hứng vần thơ trữ tình.
 
Nệm dài thường vẫn ngả mình
Với niềm hoang vắng lung linh cõi lòng
Hoa vương ánh mắt bên song
Cô đơn hạnh phúc tìm trong thú buồn
Phiêu diêu đầy ắp tâm hồn
Bềnh bồng lạc giữa cánh đồng Thủy Tiên.
 
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG chuyển ngữ

Phạm Văn Tuấn biên khảo./.