“Việt Nam Tôi Đâu?” Ca khúc của Việt Khang trong UNSONGS

Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như “Anh là ai ?” và “Việt Nam tôi đâu ?”.

Nhạc sỹ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, 37 tuổi, sinh tại Tiền Giang, được biết đến với hai ca khúc ‘Anh là ai’ và ‘Việt Nam tôi đâu’ sáng tác năm 2011. Hai bài hát này có ca từ cảnh báo hiểm họa mất nước, thể hiện cảm xúc của tác giả trước việc chính quyền đàn áp những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam.

Ngày 30/10/2012, ông bị Tòa tại TP Hồ Chí Minh tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Ngày 14/12/2015, Việt Khang ra tù . Một đoàn gồm hơn 40 đã có mặt từ sớm tại Mỹ Tho để đón mừng ông.

Vừa ra khỏi tù, Việt Khang đã trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do (RFA)

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-khang-freed-kh-12142015083406.html

Kính Hòa (RFA): Bây giờ nhìn lại các nhạc phẩm anh sáng tác, mà vì những nhạc phẩm đó anh bị tù đày, anh có cảm thấy một sự hối tiếc hay không?

Nhạc sĩ Việt Khang: Chắc chắn là tôi không hối tiếc. Tất cả những gì tôi làm cũng góp một phần chứ không phải là vô nghĩa đối với tôi. Tôi góp một phần để nói lên tiếng nói của trái tim của người Việt nam.

Tôi là một người nghệ sĩ thì yêu nước theo cái cách của một nghệ sĩ, có gì đâu mà hối tiếc. Tôi được sự cảm thông của rất nhiều người, cảm thông cho nỗi niềm trong bài hát của tôi. Bao nhiêu đó thôi là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

 Lời giới thiệu trên trang web http://www.unsongs.com cho biết nhạc sĩ Moddi và nhiếp ảnh gia Jogen Nordby đã theo gót những bản nhạc đã bị cấm hát, cấm lưu hành, kiểm duyệt hay bị xóa sổ. Lặn lội đến những quốc gia thật xa như Mexico và Việt Nam, nhạc sĩ Moddi đã gặp gỡ những nhạc sĩ tuy không có cùng hoàn cảnh lịch sử đang sống nhưng có cùng một ngọn lửa đấu tranh thật mãnh liệt cho quyền được hát những sáng tác của chính mình.

12 nhạc phẩm bị cấm ở 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã được chính nhạc sĩ Moddi hát bằng tiếng Anh trong album Unsongs. Ca khúc của Việt Khang có tên “Where Is My Vietnam” trong album nhạc này .

Xin vào:

https://www.amazon.com/Unsongs-Moddi/dp/B01LEGEYQ4/ref=sr_1_1_twi_mus_1?ie=UTF8&qid=1485097998&sr=8-1&keywords=unsongs mời mua TOÀN BỘ ALBUM NHẠC hay chỉ mua  bản “Where is My Vietnam”  dưới dạng mp3 (với giá $0.99 )  để ủng hộ cuộc tranh đấu cho Tự Do hay có thể xem Youtube video dưới đây:

WHERE IS MY VIETNAM?

My Vietnam, I have known you for so long.

Lately I’ve become aware of all your sorrow.

People are hungry and afraid, while hundred miles away,

their leaders pig on pork chops and champagne.

My Vietnam, there is rust upon your star,

and your wealth is with those who are in power.

They have betrayed your mountains and your rivers.

They have all failed you and sold your land away.

Where are you now, my Vietnam?

Where are your daughters and sons?

You must wake up and raise your voice as one.

And though we deal but little strokes, in time we will fell great oaks.

Who’s with me now? Ask “Where is my, where’s my Vietnam?”

My Vietnam, how many young and brave

must sleep beneath the waves, must fall before the cannons?

On Paracel and Spratly’s bloody shores our name will stand or fall,

a thousand years of darkness still remain.

Our own have invited China in,

they are cowards and lackeys of Beijing.

Where are the heirs to your mountains and your rivers?

They will be here when they hear your call to arms!

So where are you now, my Vietnam?

Where are your daughters and sons?

You must wake up and raise your voice as one.

And though we deal but little strokes, in time we will fell great oaks.

Hold your fist high, together we’ll fight for a new Vietnam.

Những bài học gà

Đinh Từ Thức

 Trong mười hai con giáp, hay mười hai con vật biểu tượng cho địa chi, gà với chó là hai con vật gần gũi nhất với người. Tuy nhiên, có thể nói, gà chiếm địa vị độc tôn, cao hơn chó, vì gà được dùng làm biểu tượng của quốc gia, hay tôn giáo, trong khi chó chỉ là hình ảnh của một con vật trung thành.

Gà được nói tới trong Thánh Kinh Tân Ước. Tiếng gà gáy đã nhắc Thánh Phê Rô nhớ tới tội chối Chúa của mình. Gà được coi như hình ảnh nhắc nhở tội lỗi và ăn năn. Nước Pháp từng được coi là con cả của Hội Thánh, với biểu tượng là con gà trống. Tất nhiên không phải gà trống thiến, các vị nguyên thủ quốc gia Pháp thường bị tai tiếng về tình ái lăng nhăng. Thành phố Đà Lạt của Việt Nam cũng có ngôi nhà thờ nổi tiếng với con gà trên nóc, được gọi Nhà thờ Con gà.

Con gà trống chiếm địa vị cao nhất tại cổng Điện Elysée, Paris. Tháng 9, 2015 (Hình Winfried R)

Gà đẻ trứng vàng

Nổi tiếng thế giới là bài học gà đẻ trứng vàng, hầu như ai cũng biết, răn dậy người đời trước những hành động ngu xuẩn vì lòng tham làm mờ mắt. Đi tìm tông tích, được biết đây là câu truyện đã ra đời từ hai ngàn năm trăm năm trước, tác giả được cho là một người Hy Lạp, tên Aesop (Aisopos), sống vào thế kỷ thứ Sáu trước Thiên Chúa Giáng Sinh (Công nguyên). Aesop được coi là tác giả của hàng trăm truyện ngụ ngôn, nhằm mục đích răn dậy người đời về luân lý. Như mọi loại truyện cổ khác, ngụ ngôn của Aesop lúc đầu là truyện kể, và thường bị thay đổi, thêm bớt mỗi khi kể lại. Rất lâu sau khi tác giả qua đời, người sau mới góp nhặt lại. Khởi đầu là chép tay, phổ biến bằng tiếng Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ bốn trước Công Nguyên, rồi được dịch sang tiếng Latin, phổ biến rộng thời cực thịnh của Đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Khi máy in được phát minh thời Trung Cổ, kho tàng truyện cổ tích của Aesop lan rộng khắp châu Âu. Sau đó, các truyện này theo chân các nhà truyền giáo du nhập vào châu Á, như Nhật Bản, Trung Hoa.

Câu truyện ngày nay nhiều người biết qua tên “Gà đẻ trứng vàng” còn mang tên “Ngỗng đẻ trứng vàng”, và có rất nhiều phiên bản khác nhau về tiểu tiết. Câu truyện được kể đi kể lại ở rất nhiều nước. “Con gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam, “La Poule aux oeufs d’or” được nhà thơ nổi tiếng Jean de la Fontaine kể bằng thơ ngụ ngôn ở Pháp, và “The Golden Egg” ở Anh, Mỹ… . Ngày nay có thể dễ dàng xem trên YouTube những phiên bản hoạt hoạ về truyện này nói đủ thứ tiếng, kể cả tiếng Tầu và tiếng Việt.

Trong số hàng trăm truyện ngụ ngôn của Aesop, mà vai chính có cả người và đủ thứ con vật, phần nhiều là con vật, không phải chỉ có một truyện liên hệ tới gà. Theo danh sách lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ và Đại Học Harvard, chỉ có phiên bản “Ngỗng để trứng vàng” (The Goose With the Golden Egg).

The Goose That Laid the Golden Eggs (Con Ngỗng Đẻ Trứng Vàng) Hình minh hoạ của Milo Winter cho lần xuất bản năm 1919.

Trong Thư Khố cổ điển về giáo dục tại MIT (classics.mit.edu/Aesop/fab), do George Fyler Townsend dịch, trong số các truyện ngụ ngôn của Aesop, có tới mười truyện liên hệ tới gà. Truyện “Con Gà đẻ Trứng Vàng” bằng tiếng Anh như sau:

 The Hen and the Golden Eggs

A cottager and his wife had a Hen that laid a golden egg every day. They supposed that the Hen must contain a great lump of gold in its inside, and in order to get the gold they killed it. Having done so, they found to their surprise that the Hen differed in no respect from their other hens. The foolish pair, thus hoping to become rich all at once, deprived themselves of the gain of which they were assured day by day.

 Tạm dịch: Cặp vợ chồng ở nông thôn có một con gà mái mỗi ngày nó đẻ một trứng vàng. Họ cho rằng trong bụng con gà phải có cả mớ vàng, và để lấy vàng, họ đã giết nó. Làm vậy rồi, họ ngạc nhiên thấy con gà này chẳng có gì khác những con gà khác. Cặp vợ chồng khùng này, vì hy vọng trở thành giầu ngay, đã tự làm mất những gì chắc chắn có được hàng ngày.

Trong những truyện về gà của Aesop, có truyện rất ý nghĩa, như Những Kẻ Trộm và con Gà Trống  (The Thieves and the Cock). Truyện kể vài tên trộm đột nhập một căn nhà, chẳng kiếm được gì, ngoài một con gà trống, bèn mang về làm thịt. Trước khi chết, con gà van xin; “Hãy tha mạng tôi, vì tôi rất ích lợi cho loài người. Hàng đêm, tôi đánh thức họ dậy để đi làm”. “Đó chính là lý do tụi tao càng cần phải giết mày”, bọn trộm nói; “mày đánh thức người ta dậy thì tụi tao hết đường làm ăn”. Giá trị luân lý ở đây là, những việc làm tốt, đáng quý với người tốt, nhưng tối kỵ với bọn xấu. Tuy là câu truyện từ hai mươi lăm thế kỷ trước, vẫn còn đúng với ngày nay. Nhiều bạn trẻ, cất tiếng như những con gà trống, làm công việc chính đáng và hữu ích, đánh thức người dân về ý niệm tự do dân chủ và nhân quyền, nhưng bị bọn xấu tìm mọi cách để tiêu diệt.

Con gà trên đỉnh tháp tại First Presbyterian Church ở 125 S. Third Street, Wilmington, North Carolina (Hình: StarNews). Theo Mục Sư Chánh xứ (pastor), Tiến Sĩ Ernest Thompson: Tại châu Âu, các nhà thờ Tin Lành thường có con gà trên đỉnh tháp, đề phân biệt với nhà thờ Công Giáo thường có thánh giá. Theo ông, con gà, ngoài sự tích liên hệ tới Thánh Phê Rô, còn báo hiệu bình minh của một ngày mới.

Truyện hay như thế, nhưng không được biết tới nhiều. Ngụ ngôn Gà đẻ Trứng Vàng, mới đọc qua, các tình tiết có vẻ vô lý. Trộm bắt gà, không hiếm trong đời thường, nhưng gà đẻ trứng vàng, không bao giờ có trong thực tế. Rồi người dân nông thôn, ai cũng biết, khi giết gà, dù trong thời kỳ đẻ trứng, trong bụng nó cũng chỉ có một chùm trứng non, không cái nào lớn bằng trứng đã đẻ ra. Truyện gà đẻ trứng vàng nổi hơn các ngụ ngôn gà khác, có lẽ chính nhờ những chi tiết có vẻ vô lý này. Nó nhấn mạnh vào điểm lòng tham làm cho người ta mù quáng, bất chấp phải trái và đạo lý.

“Trứng vàng” ở đây là kết qủa đem lại từ công trình của một cá nhân, hay một tập thể, ở mức vượt trội về giá trị so với bình thường. Vào thập kỷ đầu sau “Cách Mạng Mùa Thu”, bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) là con gà đẻ trứng vàng đầu tiên đã bị chủ nông trại họ Hồ ra lệnh giết. Ngoài mục đích lấy ngay được tất cả số vàng thuộc về gà, còn hy vọng nhận được sự giúp đỡ quý hơn vàng của đại huynh phương Bắc.

Gần đây hơn, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, được huyện Tiên Lãng trao cho hơn 40 ha đất bồi ở bờ biển để khai thác. Sau hàng chục năm cực nhọc trả bằng giá đắt, gồm cả mạng sống của đứa con gái đầu lòng, anh đã tạo dựng được một cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đồ sộ. Nếu mọi chuyện êm đẹp, với tiền thuế từ số hoa lợi thu hoạch hàng ngày, đối với công quỹ, chẳng khác gì gà đẻ trứng vàng. Thay vì tạo điều kiện thuận lợi đề con gà ĐVV tiếp tục đẻ trứng vàng, do lòng tham làm mờ mắt, nhà cầm quyền địa phương đã giết cơ sở làm ăn của anh Vươn, với hy vọng nắm trong tay mớ vàng lớn hơn quả trứng mỗi ngày. Kết quả ra sao, mọi người đã biết.

Với cà phê, trà, hồ tiêu… ngày càng được xuất cảng nhiều đi khắp thế giới, đất đai mầu mỡ miền Tây Nguyên Việt Nam không phải chỉ là con gà, mà là con ngỗng đẻ trứng vàng. Lòng tham của tập đoàn cầm quyền đã khiến con ngỗng bị mổ bụng thê thảm, để lại bùn đỏ loang lổ, như những vũng máu khổng lồ.

Còn nữa. Hà Tĩnh, thoát đi từ ngư nghiệp với phương tiện thô sơ, nhờ kỹ thuật hiện đại như điện thoại di động, GPS, tiên đoán chính xác về thời tiết cũng như địa điểm cá tập trung, kết quả thu hoạch của ngư dân hàng ngày từ biển cả, cộng với dịch vụ du lịch của những người không đi biển, lợi tức đem lại từ vùng này quý như những quả trứng vàng. Nhưng lợi tức bảo đảm của người dân không hấp dẫn bằng triển vọng ngoại quốc bỏ ra hàng chục tỉ đô la xây nhà máy thép. Gà đẻ trứng vàng là mấy trăm cây số bờ biển đã chết, vì lòng tham làm mờ mắt băng đảng cầm quyền.

Câu truyện ngụ ngôn từ hơn hai chục thế kỷ trước, ngày nay vẫn có người chưa chịu học.

Gà Nguyễn Mạnh Tường

Luật sư, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, như nhiều người từng biết, là một nhân vật nổi tiếng vào thế kỷ trước. Ông nổi tiếng tuổi trẻ tài cao, đậu hai bằng tiến sĩ văn chương và luật tại Pháp ở tuổi 22. Ông nổi tiếng là một luật sư có tài hùng biện. Ông nổi tiếng là người yêu nước đã tặng tài sản cho nhà nước và theo Kháng Chiến lên Việt Bắc chống Pháp. Ông nổi tiếng tại Đại Hội Luật gia Dân chủ ở Bỉ năm 1956, nhờ vận động thành công sự ủng hộ của quốc tế đối với chủ trương thống nhất đất nước bẳng quân sự. Ông nổi tiếng qua việc nhà cầm quyền Cộng Sản đền ơn bằng cách trao cho ông hàng chục chức vụ quan trọng,  chức nào cũng đứng đầu bằng chữ “phó”. Ông tiếp tục nổi tiếng qua việc công khai chỉ ra những sai trái về phương diện luật pháp của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Và khi bị trừng phạt, ông nổi tiếng qua thành tích sợ hãi quá mức, đến nỗi không chu toàn được nhiệm vụ đối với vợ con và bản thân mình.

Cộng Sản đã không bỏ tù ông, mà trừng phạt gia đình ông một cách dã man, quỷ quyệt hơn, là cắt hộ khẩu. Trong một chế độ mọi người sống nhờ hộ khẩu, mà bị cắt hộ khẩu, sống cũng như chết. Chết dã man, chết từ từ. Cuối cùng, gia đình ông đã thoát chết, một phần, nhờ một con gà. Con gà đẻ trứng thường, nhưng với gia đình ông, trong hoàn cảnh khốn cùng, mỗi cái trứng của nó, đúng là trứng vàng.

Tuy không có bằng tiến sĩ chăn nuôi, ông Nguyễn Mạnh Tường đã biết nuôi gà  đúng nguyên tắc. Trong cuốn hồi ký Un Excommunié do QM xuất bản năm 1992, chỉ trong vỏn vẹn nửa trang sách (trang 256), ông đã mô tả đầy đủ về con gà cứu tinh của gia đình mình. Qua đó, có thể rút được vài bài học quý.

Trước hết, muốn cho gà đẻ trứng, phải cho nó ăn. Người không có gạo ăn, lấy gì cho gà ăn? Mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Mạnh Tường làm như nhàn du tản bộ ra chợ, lén nhặt những lá rau rơi rụng, kín đáo mang về cho gà. Nhờ thế, gà đẻ trứng đều đặn, đẻ hoài.

Trên hai chục năm trước, vào thời Việt Nam mới mở cửa, người viết biết một vài viên chức làm cho xí nghệp lớn của Mỹ, đi VN thăm dò cơ hội đem vốn tới đầu tư. Sau một vài chuyến đi về, hỏi thăm triển vọng làm ăn, được trả lời: “Họ ngu quá, không làm ăn được”. Hỏi tại sao, tham nhũng hả? Đáp: Tham nhũng ở đâu chả có. Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương… đều có tham nhũng. Nguyên tắc cơ bản người cầm quyền ở VN không biết, là muốn tham nhũng, trước hết, phải cho xí nghiệp cơ hội sống. Không cho gà ăn mà chỉ đòi trứng, kiếm đâu ra trứng?

Thứ nhì, con gà chỉ có thể làm những gì theo khả năng bẩm sinh. Gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường gồm ba người, hai ông bà và cô con gái. Con gà cứu tinh chỉ có thể đẻ mỗi ngày một trứng. Hoặc trứng dầm nước mắm cả nhà ăn chung với rau luộc, hoặc luân phiên, cứ ba ngày một người được nguyên quả trứng. Không thể ép gà đẻ mỗi ngày hai hay ba trứng, để ai cũng có phần. Dù Mẹ Âu Cơ, có khả năng đẻ trăm trứng, nhưng hàng ngàn cán bộ, ai cũng đòi phần trứng của mình, Mẹ cũng đành chạy ra biển thoát thân.

Nếu ví toàn dân như con gà đẻ trứng, Gà Việt Nam đã và đang bị cưỡng bách đẻ mỗi ngày ít nhất hai trứng, một trứng nuôi Đảng, một trứng nuôi Nhà Nước; hai hệ thống cầm quyền song hành, cùng được cung phụng bằng tiền thuế của dân đóng cho ngân quỹ quốc gia.

Gà Key West

Tranh gà rất thịnh hành tại Key West

  Trong một dịp đi chơi với con cháu tại Key West, hòn đảo tận cùng của tiểu bang Florida, cũng là điểm tận cùng cuả nước Mỹ, được nối với đất liền bằng chiếc cầu —  một trong những kỳ công của thế giới — và đường xe hơi, người viết đã có cơ hội biết thêm về gà. Ngụ tại hotel Hyatt ngay bờ biển, sáng dậy xem mặt trời mọc. Nghe tiếng gà gáy vang, tưởng khách sạn phát tiếng gà để đánh thức khách. Bèn tìm hiểu, hoá ra tiếng gà gáy thật. Key West có rất nhiều gà, không phải gà nuôi trong chuồng, hay trại gà, mà sống chung với người. Dân số Key West cỡ ba chục ngàn, tổng số gà ở đây khoảng một ngàn rưởi.

Key West chỉ cách Cuba 90 dặm. Vào thế kỷ 19, gà là nghiệp vụ quan trọng tại Cuba. Các nhà gây giống mua gà gốc Philippines từ Spain, đem về pha giống với gà gốc châu Âu, tạo ra một giống gà rất hung hãn, để làm gà chọi, đặt tên là Cubalaya. (Thử tưởng tượng ngày nay, có ai pha giống Duterte với Trump, sẽ tạo ra dòng nguyên thủ quốc gia như thế nào. Mang danh Philusa?).

Sau Thập Niên Chiến tranh (Ten Year’s War: 1868-1878), nhiều người Cuba bỏ nước tới Key West, mang theo cả gà chọi lẫn gà thường. Rồi người nọ theo người kia, vào thập niên cuối thế kỷ 19, quá nửa dân Key West là người Cuba. Chọi gà trở thành môn “thể thao” phổ thông hàng đầu. Ngay cả giới thượng lưu cũng đầu tư vào trò chơi này. Tiếc cho Tướng Kỳ tới Mỹ trễ khoảng một vài thập niên, nếu không, ông đã tìm thấy thiên đàng, đúng như tên gọi ngày nay của Key West, là Đảo Thiên Đàng (Paradise Island).

Vào thập niên 70 thế kỷ trước, trò chơi chọi gà bị luật cấm. Cùng lúc, gà công nghiệp cùng với trứng rẻ rề, nuôi gà ăn thịt hay để lấy trứng không bõ công. Thế là gà được phóng sinh, tự do lang thang kiếm ăn trên đường phố. Những chàng Cubalaya phong độ, được mặc tình giao du với những nàng gà tơ óng mượt, thế là những gia đình nho nhỏ tự nhiên thành hình, cùng nhau tự lực cánh sinh. Chúng lai vãng tới bất cứ chỗ nào có cái ăn, từ thực phẩm rơi rụng của người, đến sâu bọ tại bụi cây, vườn tược. Nhiều vườn rau organic đem chúng về bắt sâu, thay cho thuốc sát trùng. Từ gà chuồng, bỗng chuyển sang gà hoang, được luật pháp bảo vệ, xã hội gà phát triển nhanh chóng.

Cùng với tự do kiếm ăn, chúng cũng tự do phóng uế, khiến người dân phải quan tâm, và gây tranh cãi. Khách du lịch từ phương xa tới, thấy những con gà trống sặc sỡ thỉnh thoảng gân cổ gáy, hay gà mẹ dẫn một đàn con xinh xắn lang thang trên lối đi hay qua đường, khiến xe cộ ngừng lại nhường lối, trông thật dễ thương. Một cơ hội hiếm có để chụp hình. Nhường bước trước gà, cũng còn là cơ hội tỏ ra mình là người văn minh. Nhưng với cư dân sống thường trực tại đây, nạn phân gà và nước bị ô nhiễm, khiến họ muốn tiêu diệt xã hội gà đi bộ này. Trên lối đi vào những căn biệt thự hàng triệu đô, thỉnh thoảng điểm một vài đống phân gà, hay hai ba giờ sáng bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, thật bất tiện.

“Vấn đề gà” đã trở thành sôi nổi tại Key West, chẳng kém gì vấn để di dân trên toàn nước Mỹ trước Năm Con Gà. Một nửa dân muốn gà ở lại, nửa kia muốn gà biến đi. Phát sinh “Cuộc chiến gà” tại Key West (The Key West “Chicken War”).

Một “sử gia” tại Key West là Whitfield Jack đã mô tả một cảnh khá sống động cuộc chiến gà này:

“Ôi! Không thể tưởng tượng được. Thật là ngoài sức tưởng tượng!” một nữ du khách từ New York kêu lên trong ngày đầu tiên tới Key West. Bà mới nhìn thấy một con gà đi qua phố chính. Đúng ra, đó là cả một gia đình gà: một gà mẹ với bộ lông lốm đốm, một gà cha khệnh khạng, và ba gà con yên lành đi trên vỉa hè Đường Duval, dọc theo bức tường gạch phía trước toà nhà băng cổ kính nhất Key West.

 Một ông có xe bán hot dog bên lề đường nhún vai, than: “Chắc lần đầu tiên nhìn thấy gà, phải không?” Ông ta nói với bà, vẫn tỏ ra thân thiện, nhưng không giấu được vẻ bực tức. “Chúng chưa bị tuyệt chủng đâu”.

 “Nhưng người ta không thấy chúng đi trên đường phố. Chắc chắn ông không thể thấy cảnh này trên Đại lộ Số Năm”, bà ta nói với vẻ phấn khởi, trong lúc giơ máy ảnh lên chụp đàn gà.

Gia đình gà tại Key West. Hình của Marc Averette

  Gữa lúc bà bấm máy, ông nhảy ra từ phía sau xe hot dog, úp chụp xuống trọn gia đình gà bằng chiếc vợt khổng lồ. Cảnh đàn gà hỗn loạn, dẫy dụa, chân đạp, cánh vẫy, lông lá tơi bời, được thu hết qua ống kính.

 “Đồ dã man!” Bà la lên. “Tội nghiệp những con gà!”

 “Con trống này chuyên phóng uế trên cái dù của tôi”, ông bán hot dog với cây vợt trong tay, vừa lẩm bẩm, vừa chỉ vào cây dù che xe hot dog đầy vết bẩn, vừa chỉ lên cành cây phía trên xe hot dog, nơi con gà trống vẫn ngự trị canh giữ giang sơn của mình.

 “Ông sẽ làm gì với chúng”, bà du khách hỏi, đau khổ như sắp khóc. Ông bán hot dog liếc nhìn về phía con chó lớn mầu đen đang nằm dài dưới xe hot dog. Với cái lưỡi dài thoòng, nó liếm qua liếm lại quanh mép, ánh mắt nhìn về phía cái vợt với nhiều hứa hẹn.

“Đưa cái vợt cho tôi”, bà nói như ra lệnh, và cảm xúc làm mất tự chủ, bà giằng cái vợt khỏi tay ông hot dog. Rồi lật ngửa nó lên, lắc mạnh.

Gia đình gà phóng ra tứ phía, lông lá tả tơi, bụi mù, tản mát trong nháy mắt. Con trống phóng ngay lên cành cây, xù lông, lấy hơi, gáy một tràng muốn thủng lỗ nhĩ. Gà mẹ và các con chạy vào cái cửa mở của một quán rượu bên cạnh, chẳng ai thèm để ý.

 Con gà trống trên cành cây nhìn xuống, vỗ cánh, (như cử chỉ dũ áo phủi bụi để tỏ sự bất bình Chúa khuyên các thánh tông đồ khi xưa nên làm, mỗi khi không được dành cho nơi tạm trú). Một cái lông đỏ rớt xuống, chao qua đảo lại trong không khí, trước khi đáp nhẹ xuống vệ đường. Bà du khách, mắt lưng tròng, nhặt lấy như một chiến tích. Từ vị trí ngay trên đầu ông hot dog, con gà trống lấy thế, cong đuôi, rướn người, nhắm mắt. “Ôi, bọn trời đánh”, ông nhìn lên. Nhưng quá muộn. Một trái bom loãng đã rơi trúng đầu ông, tung toé, chảy xuống cả mớ tóc đuôi ngựa buộc sau gáy.

 Bà du khách thích thú, nhắm máy hình vào đầu ông, bấm lia lịa.

 “Tôi sẽ kiện bà”, ông gầm lên, cùng lúc dứ nắm tay đe doạ, trong khi bà chạy về phía cuối phố, một tay cầm máy ảnh, tay kia cầm chiếc lông đỏ thắm. Tối hôm đó, bà trông tuyệt vời với kỷ vật cuộc chiến giắt trên đai mũ, ngồi nhâm nhi một ly Margarita tại quán rượu trên bờ biển, hãnh diện kể lại câu truyện cho một đám đông bạn bè.

 Truyện chưa chấm dứt ở đây. Whitfield Jack kể thêm:

Với tất cả sự kính trọng dành cho ông bán hot dog, tưởng cũng nên ghi nhận rằng, vài tuần sau, ông đã có một quyết định rất sáng suốt về mặt kinh doanh. Ông đã di chuyển xe hot dog chừng vài mét xuống phía cuối phố, để tránh tầm oanh tạc của con gà trống từ cành cây. Và cũng khám phá ra rằng, sự hiện diện của gia đình gà đã giúp doanh nghiệp của ông phát triển đáng kể. Người ta thường nhìn thấy ông xé bánh kẹp hot dog cũ ném cho mẹ con nhà gà. Và (giống trường hợp Tướng Khánh đã cạo nhẵn bộ râu dê), để đánh dấu việc đoạn tuyệt với quá khứ, ông cắt bỏ chòm tóc đuôi ngựa của mình.

 Về phần con chó mực khổng lồ, nó cảm thấy sung sướng như trên chín tầng mây, từ khi khám phá ra rằng, cứ nằm bất động một lúc, những con gà nhỏ xíu sẽ nhảy lên lưng nó, chân bới, mỏ mổ, vừa gãi ngứa, vừa nhặt từng con bọ ẩn náu trong bộ lông dầy của nó. Nhìn cặp mắt lim dim mơ màng, và cái đuôi thỉnh thoảng nhẹ đong đưa, đủ biết nó tận hưởng hạnh phúc như thế nào.

Ai được ai thua trong cuộc chiến gà, hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Có những tình huống tưởng kẻ trong cuộc không thể đội trời chung, nhưng chỉ thay đổi một chút, trong ý nghĩ hay cuộc sống, mọi việc thành tốt đẹp lạ thường. Cũng nên ghi nhận thêm, những con gà theo chân người Cuba tới Key West, chỉ là công cụ giải trí, hay một thứ thực phẩm tươi dự trữ. Nhờ sống trong một xã hội có kỷ cương, luật pháp được tôn trọng, gà Cuba tại đất mới đã được giải phóng trước người Cuba ở quê nhà.

Sau hết, nhiều người vẫn tưởng gà chỉ gáy khi trời gần sáng, là sai lầm. Gà Key West gáy bất cứ lúc nào, khi có ánh đèn xe, khi có tiếng chó xủa, nhất là khi có ai dại dột bào nó câm miệng. Có lẽ, vì sống chung với người, chúng bị lây bệnh từ người, nhất là giới mới tập tễnh làm chính trị. Hễ thấy ánh đèn truyền thông là cất tiếng gáy. Và nếu có ai bảo “shut up”, lại càng gáy to.

***

Trước thềm năm Gà, mấy trăm triệu dân Mỹ đã bị đặt trước một quyết định vô cùng khó khăn. Làm giám khảo cho một trận thư hùng chưa từng có trong lịch sử: Chọn bên thắng trong trận đấu giữa hai con gà, một mái, một trống. Cuối cùng, con trống đã hơn điểm, gây cảnh phản đối ồn ào.

Trận đấu gây chấn động dư luận, vì cả hai con gà đều thuộc loại bất thường, nổi đình đám vì tiếng gáy inh tai nhức óc. Gà trống gáy là chuyện thường. Nhưng con này có tật gáy bừa, gáy nhảm, gáy thô tục, vô nguyên tắc, thuộc loại “gáy càn”. Thiến, là biện pháp thông thường dân gian đối phó với loại gà này. Gà mái gáy là chuyện lạ, thỉnh thoảng mới xuất hiện trên giang hồ. Người đời gọi là “gáy gở”, thường báo hiệu một điềm không hay, khiến người mê tín lo sợ, tìm cách loại bỏ hầu tránh tai hoạ.

Gáy gở hay gáy càn, đều mất vệ sinh. Hy vọng đó là chuyện năm cũ, và mọi sự sẽ tốt đẹp bằng năm bằng mười trong năm mới.

Đinh Từ Thức

“Tự sướng” trên lịch sử

Đinh Từ Thức

Chỉ còn mấy ngày nữa, Donald Trump sẽ tuyên thệ chính thức trở thành Tồng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Tuy là một nước dân chủ liên tục có truyền thống lâu đời và sự chuyển quyền giữa các tổng thống diễn ra trật tự nhịp nhàng nhất thế giới, đôi khi cũng không tránh khỏi những trục trặc nhỏ giữa kẻ mới, người cũ.

Tổng Thống tân cử Donald Trump (trái), Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-GA)

 Tổng Thống thứ nhì John Adams đã một mình lên xe ngựa, âm thầm rời Nhà Trắng lúc 4 giờ sáng, tránh gặp mặt Tổng Thống tân cử Thomas Jefferson, cũng là Phó Tổng Thống và đối thủ của mình, vào ngày Lễ Tuyên Thệ của ông, mùng 4 tháng Ba năm 1801. Tổng Thống tân cử thứ 34, Dwight Eisenhower (Cộng Hòa) đã khinh thường Tổng Thống mãn nhiệm Harry Truman (Dân Chủ), vốn là cấp trên của mình, qua hành động không vào Nhà Trắng, ngồi trong xe đậu ngoài cửa, đợi Tổng Thống Truman ra rồi cùng lên Quốc Hội dự lễ tuyên thệ, ngày 20 tháng 01, 1953.

Năm nay, không đến nỗi như thế. Tuy Tổng Thống Obama từng nói thẳng ông Donald Trump không thích hợp cho chức vụ tổng thống, nhưng đó là chuyện khi tranh cử. Ba trong bốn cựu tổng thống, cả ông bà Clinton, cùng với ông bà Obama, chắc không vui trong lòng, ít ra cũng dành cho tân Tổng Thống Donald Trump cách đối xử lịch sự tối thiểu.

Tuy nhiên, Dân Biểu John Lewis từ tiểu bang Georgia, nhân vật nổi tiếng từng đồng hành với Mục Sư Martin Luther King trong cuộc tranh đấu nhân quyền từ thập niên 60 thế kỷ trước đã khơi mào cuộc tẩy chay một tuần trước Lễ Tuyên Thệ. Ông nói với NBC rằng ông Trump không phải là tổng thống hợp pháp, và ông sẽ không tham dự Lễ Tuyên Thệ. Trong khi Phó Tổng Thống tân cử Mike Pence đề nghị ông Lewis nghĩ lại, ông Trump đả kích trên Twitter rằng ông Lewis chỉ nói mà chẳng làm gì cả, nên giúp đỡ đơn vị mình hơn là than phiền về vai trò của nước Nga. Cho đến ngày 15 tháng 01, ít nhất 25 dân biểu đã theo chân ông Lewis, tẩy chay Lễ Tuyên Thệ của ông Trump.

Người viết từng trực tiếp theo dõi mười cuộc bầu cử và lễ tuyên thệ tổng thống Mỹ, không thấy lần nào có những chuyện khác thường như lần thứ mười một này.

Thông thường, dư luận nhắc nhở người mới đắc cử sớm thực nhiện những lời hứa của mình khi tranh cử. Với ông Trump, dư luận có vẻ nhẹ nhõm thấy ông từ bỏ một số lời hứa trước bầu cử. Trong cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 11 với hãng tin AP, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ lạc quan nhận xét rằng ông Trump “đang có những dấu hiệu thay đổi so với những gì ông đã tuyên bố”. Ông Obama cũng hy vọng khi chính thức làm tổng thống, ông Trump sẽ làm khác những gì đã nói khi tranh cử. Điều này mang ý nghĩa ông Trump thắng cử nhờ những tuyên bố không nên thực hiện, hoặc nếu cố thực hiện, sẽ là nỗi thất vọng của nhiều người.

Kết quả bầu cử vào sáng 09 tháng 11 nổi lên như một làn ranh chia đôi nước Mỹ. Kết quả chính thức cuộc bầu cử được Quốc Hội phê chuẩn ngày 19 tháng 12, 2016, cho biết ông Trump bỏ xa bà Clinton về phiếu cử tri đoàn, 304 trên 227, nhưng bà Clinton hơn ông Trump gần ba triệu phiếu cử tri đại chúng. Ông Trump nói mà không nêu bằng chứng rằng, đáng lẽ ông cũng hơn bà Clinton cả về phiếu đại chúng, nếu trừ đi hàng triệu phiếu bất hợp lệ đã bỏ cho bà. Cùng trong một cuộc bầu cử, nếu hàng triệu phiếu bầu cho bà Clinton bị coi là không hợp lệ, những phiếu bầu cho ông Trump giá trị thế nào? Không thể chối cãi ông Trump đã đắc cử theo hiến pháp liên bang. Cũng không thể chối cãi, số người chấp nhận ông ít hơn số người ủng hộ bà Clinton. Nói khác đi, người chống ông đông hơn người ủng hộ ông. Khó thực hiện ý muốn làm tổng thống của mọi người, khi chỉ được sự ủng hộ của thiểu số. Ngoài ra, ông Trump còn ở vị trí giữa hai làn đạn. Không thực hiện được những lời hứa khi tranh cử, sẽ bị những người bỏ phiếu cho ông chống đối vì thất hứa. Cố gắng thực hiện những lời hứa, sẽ bị phía chống đối coi ông như kẻ thù.

Người dân Mỹ ở nhiều nơi xuống đường phản đối ông Donald Trump như cuộc biểu tình này ở Florida hôm 16/11 (Hình Reuters. Trên BBC Nov. 17, 2016)

Trong diễn từ ngay sau khi biết kết quả đắc cử, ông Trump tuyên bố “tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ”. Ước vọng của ông đã được trả lời bằng những cuộc biểu tình của những người chống đối diễn ra tại nhiều nơi, trong cả tuần lễ. Chiều Thứ Năm, 10 tháng 11, lúc 6:19 phút, trên Twitter, ông gọi những người biểu tình là bọn chống đối chuyên nghiệp, bị truyền thông xúi bẩy (professional protesters, incited by the media, are protesting). Chỉ sau một đêm, sáng Thứ Sáu, lúc 6:14 phút, ông đổi giọng, nói ông yêu sự kiện có một nhóm nhỏ người chống đối đã có tình yêu nồng nàn đối với đất nước vĩ đại của chúng ta (Love the fact that the small groups of protesters last night have passion for our great country). Sự thay đổi cái nhìn của ông về những người biểu tình không làm họ thay đổi. Họ vẫn thế, vẫn chống ông, dù ông có cái nhìn khác về họ.

Chưa cần biết ông Trump làm gì hay sẽ làm được gì, nửa nước bỏ phiếu cho ông đã có thể thoả mãn. Thái độ bất mãn của những người phản kháng đã gây được tiếng vang, và bà Clinton đã bị chặn. Nửa nước tin tưởng bà Clinton, hay muốn dùng bà để chặn ông Trump, bị thất vọng ê chề. Họ không thù hằn gì ông Trump, nếu ông không ứng cử và đắc cử. Vì ông nên họ bị thất vọng. Họ sẽ chống ông, chừng nào ông vẫn là tổng thống.

Ông Trump là một nhà kinh doanh giầu nhất so với những người đắc cử tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ. Hiến pháp và luật pháp không bắt buộc tổng thống từ bỏ công việc kinh doanh của mình trong thời gian tại chức. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn theo lệ tạm thời bỏ việc kinh doanh riêng để có thể dành toàn thời gian và khả năng của mình cho việc công, đồng thời, tránh việc xung đột lợi ích giữa công và tư. Ba tuần sau khi đắc cử, ông Trump cho biết ông sẽ cùng lúc điều hành cả việc tư lẫn việc công, vì ông có thể làm tốt cả hai việc. Chỉ mấy ngày sau, ông lại thay đổi, nói ông sẽ từ bỏ hết việc riêng để chỉ lo việc công. Một lời nói, một việc làm của Tổng Thống Mỹ, không chỉ có ảnh hưởng toàn nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng trên thế giới. Một người lái tầu đổi hướng từng ngày, sẽ đưa con tầu đi tới đâu?

Việc chọn lựa thành phần chính phủ mới của ông Trump cũng gây nhiều tranh cãi, ngay cả trong số những người thân cận của ông, ví dụ sự lựa chọn người vào ghế Ngoại Trưởng. Đến khi danh sách chọn lựa của ông được gửi cho Thượng Viện phê chuẩn, qua các cuộc điều trần, nhiều nhân vật do ông chọn đã phát biểu không giống hay trái ngược hẳn những gì ông từng tuyên bố. Khi có người thắc mắc, ông trả lời trên Twitter rằng họ đều là những người tốt, họ nói ra suy nghĩ của họ, không phải suy nghĩ của ông. Nếu họ được chấp nhận là thành viên của chính phủ mới, ý kiến của họ hay của ông sẽ được thi hành?

Ngoài những xung khắc quyền lợi về tài chánh, ông Trump còn chính thức chọn con rể Jared Kushner, 35 tuổi, làm cố vấn đặc biệt của Tổng Thống. Khi Tổng Thống thứ 35 John Kennedy chọn em ruột mình là Robert Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp, dư luận đã bất bình, tuy rằng chức vụ này được Thượng Viện Quốc Hội chấp thuận. Chức Cố Vấn của Kushner không cần Quốc Hội chấp thuận, lại càng dễ gây dị nghị về gia đình trị.

Bên cạnh những chống đối về đường lối chia rẽ, về xung khắc quyền lợi gia đình, nếp sống cá nhân của ông Trump còn bị nhiều dị nghị hơn nữa. Nhiều người, kể cả những nhân vật nổi tiếng đạo đức, có một hay nhiều bộ xương trong tủ áo của mình (skeleton in the closet). Nếu chỉ là người thường, chẳng ai biết trong tủ áo của họ có gì. Nhưng khi thành tổng thống, dưới ánh sáng của những ngọn đèn truyền thông và tình báo của cả bạn lẫn thù, mọi sự thật trần trụi đều không thể che dấu. Tiền bán thế kỷ 20,Tổng Thống thứ 32, Franklin Roosevelt giấu được hình ảnh tê liệt của mình trước mắt công chúng trong hàng chục năm, nhờ được báo chí và cơ quan an ninh hợp tác, không phổ biến những hình ảnh Tổng Thống ngồi xe lăn. Thời đại Internet đã khác xa. Những phủ nhận tức thời trên Twitter đều vô dụng nếu quả thật có những bộ xương trong tủ áo, nhất là khi ông Trump đẩy giới truyển thông và tình báo vào hàng ngũ kẻ thù.

Thành công của ông Trump không do kinh nghiệm chính trị, tài năng chuyên môn hay đạo đức nổi bật. Ông thành công nhờ huy động được sức mạnh nhất thời, như lực sĩ cử tạ nâng được một khối nặng kỷ lục trước sự kinh ngạc của mọi người. Nhưng thành công này không phải ở chỗ có thể giữ mãi khối nặng đó trong tay, mà chỉ giữ một thời gian ngắn vừa đủ, trước khi buông nó một cách an toàn. Đắc cử, ông Trump đã đạt thành tích kỳ diệu, nâng được nỗi bất mãn của trên sáu chục triệu cử tri lên trước công luận. Phần tiếp theo, ông cần buông khối nặng của mình đúng lúc, nếu không, chính cái khối đó sẽ làm ông bị thương tổn. Nhất là khi lực sĩ bị tai tiếng thành công nhờ thuốc tăng lực từ nước ngoài.

Càng gần Lễ Tuyên Thệ nhậm chức của ông Trump, người viết càng cố nghĩ ra một lối thoát có thể tạo đoàn kết, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, mọi phía:

Trưa ngày 20 tháng 01, 2017. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng Thống, rồi Tổng Thống, diễn ra như thường lệ. Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên sau khi tuyên thệ, Tổng Thống Donald Trump nói với toàn dân Mỹ tất cả những sai trái cần sửa chữa, như sự ích kỷ và quá tham lam của những người giầu có, chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng… , chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình mà bỏ rơi tầng lớp lao động, công nhân viên thuộc thành phần thấp của giai cấp trung lưu. Ông cũng nói cho thế giới biết rằng, trong tình trạng kỹ thuật tiến nhanh chóng mặt như hiện nay, toàn cầu hoá là điều không thể tránh. Nhưng điều này không có nghĩa các nước mặc sức áp dụng những mưu mô không ngay thẳng, như ép công nhân làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt, hay trợ cấp xuất cảng hoặc định giá hối xuất thấp, gây thiệt hại cho các nước khác. Đồng thời, cũng nói với các tôn giáo lớn phải chịu trách nhiệm về những phe nhóm quá khích, cực đoan. Không thể làm ngơ trước các chủ trương hay hành vi dã man, bạo ngược của họ. Nhất là những quốc gia nhận một tôn giáo là quốc giáo, càng cần phải có trách nhiệm diệt trừ tận gốc những chủ trương và hành vi tàn ác, vô nhân đạo, núp dưới vỏ bọc tôn giáo.

Cuối diễn văn, ông có thể kết luận, đại ý:

Lịch sử đã chứng minh, chúng ta có thể phục vụ đất nước bằng nhiều cách. Có khi chiến đấu ngoài mặt trận, có khi dấn thân trên chính trường, hay cả khi từ chối một địa vị cao cả, cũng là một cách phục vụ hữu hiệu. George Washington đã phục vụ bằng cả ba cách vừa kể. Sau khi lãnh đạo thành công cuộc chiến dành độc lập, ông đã không quản ngại dấn thân trên chính trường. Cuối cùng, nếu muốn, ông có thể làm vua, hay tổng thống mãn đời. Nhưng ông đã không làm như vậy. Quyết định cuối cùng này đã giúp nước Mỹ trẻ trung trở thành quốc gia già nhất về truyền thống dân chủ trên thế giới. Tôi kính cẩn biết ơn các thế hệ nối tiếp nhau đã và đang chiến đấu dưới quốc kỳ Sao Sọc để bảo vệ lãnh thổ, quyền lợi và các giá trị tinh thần của nước Mỹ tại khắp nơi trên thế giới, tuy tôi chưa hề có cơ hội làm công việc vinh dự này. Ở tuổi đáng lẽ nên nghỉ hưu, trước những nghịch cảnh, bất công và sa sút của xã hội, tôi đã quyết định dấn thân về chính trị, cương quyết làm cho nước Mỹ giầu mạnh trở lại. Với sự giúp sức của hàng triệu, hàng chục triệu người, kết quả là hôm nay, như mọi người đang chứng kiến. Tôi cũng đã chọn xong thành phần cho tân chính phủ, để bắt đầu thực hiện những cam kết mới.

 Tuy nhiên, như đã nói tại Cleveland hồi tháng Bảy, “chỉ mình tôi” có thể giải quyết nổi những vấn nạn của đất nước hôm nay. Sau khi ý thức được toàn thể gánh nặng trên vai, sau khi nhận biết một tình trạng chia rẽ đang manh nha có thể nguy hại cho quyền lợi quốc gia, sau khi cân nhắc giữa quyền lợi chung và lợi ích riêng, để tạo đoàn kết thực sự trong toàn dân, tôi quyết định từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ, từ bỏ một chức vụ cao quý và quan trọng nhất hành tinh mà tôi vừa hân hạnh tuyên thệ nhậm chức. Người đồng hành với tôi là Phó Tổng Thống Pence sẽ thay tôi thực hiện các cam kết mới. Tôi đề nghị người kế vị tôi sớm chọn một phụ nữ để Quốc Hội chấp thuận đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thống theo quy định của Tu Chính Hiến Pháp thứ 25. Quyết định từ chức của tôi có hiệu lực tức thì.

 Xin mời Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên thệ nhậm chức Tồng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

 Xin Chúa phù hộ nước Mỹ, phù hộ Tân Tổng Thống Pence, và tất cả chúng ta.

Quyết định từ chức của ông Trump, nếu đạt được, sẽ là một thắng lợi vô cùng to lớn cho cả nước Mỹ, cá nhân và gia đình ông.

Trước hết, cả thế giới, bạn cũng như thù, sẽ kính phục nước Mỹ đã tạo cơ hội cho người dân thực sự thi hành quyền làm chủ của mình, cơ hội thực sự quyết định vận mạng của đất nước, và người dấn thân làm việc nước, không phải do yếu tố quyền lợi hay địa vị cá nhân, mà hoàn toàn vì lợi ích quốc gia; sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho triển vọng đoàn kết quốc gia. Một đất nước như thế, không có loại võ khí hay sức mạnh nào có thể chống lại được. Sự kiện này sẽ hữu hiệu hơn bất cứ tài liệu tuyên truyền nào nước Mỹ có thể làm được, dù tốn kém tới đâu, để chinh phục dư luận thế giới.

Khi ông Trump thắng cử, nửa nước thoả mãn, nửa nước thất vọng. Khi ông Trump từ chức, cả nước thoả mãn. Những người bầu bà Clinton đề chặn ông sẽ  thoả mãn, vì ông không còn là tổng thống. Những người muốn có một nữ tổng thống, sẽ sớm có một nữ phó tổng thống, bước đầu để hoàn thành ước mong.

Về cá nhân, là tổng thống giầu nhất, quyền lợi vật chất do chức tổng thống đem lại không đáng kể. Ông đã từ chối lương tổng thống 400.000 USD một năm, khu gia cư ở Nhà Trắng không sang bằng cư sở hiện tại của ông. Hơn nữa, chỉ có 6% dân Thủ Đô Washington bỏ phiếu cho ông, trong khi 93% bầu cho Bà Clinton. Sống giữa một nơi hầu hết mọi người không ưa mình, Bạch Ốc, thay vì là “Ngôi Nhà của Dân” (People House), có khác gì nhà tù giữa nhân dân? Từ chức, ông Trump và gia đình thoát được cảnh tù túng này. Không là tổng thống của mọi người, ông trở thành cựu tổng thống của cả nước. Tuy chỉ giữ chức vụ trong thời gian đọc diễn văn nhậm chức, ông vẫn là Tổng Thống thứ 45 trong lịch sử, vẫn được gọi là tổng thống đến hết đời, và được kính trọng như bậc trưởng thượng của quốc gia ở địa vị cựu tổng thống, một địa vị mà tám tổng thống trong lịch sử, kể cả các tổng thống nổi tiếng như Lincoln, Roosevelt, và Kennedy đã không đạt được. Ngoài ra, ông có toàn thời gian cho việc kinh doanh cá nhân, và tweets vô giới hạn. Chủ trương và chính sách ông đã đề ra cho tân chính phủ thực hiện, nếu thành công, là do ông. Nếu thất bại, ông không chịu trách nhiệm.

Học sinh trung học ở thủ đô Washington D.C. biểu tình chống tổng thống đắc cử Donald Trump, cuộc tuần hành bắt đầu từ khách sạn Trump International đến Tòa án Tối cao ngày 15/11/2016 (Hình trên VOA Nov. 16, 2016).

Trên đây là kịch bản tối ưu. Nếu không đủ bản lãnh thực hiện, ông Trump vẫn còn cơ hội với kịch bản thứ nhì: Sau Lễ Tuyên Thệ, theo đúng truyền thống, ông Trump vào Nhà Trắng, bắt đầu thực hiện những điều đã cam kết sẽ làm trong một trăm ngày đầu nhiệm kỳ. Sau ba tháng, qua Thông Điệp về Tình Trạng Liên Bang đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội, ông thẳng thắn cho quốc dân biết ông đã hứa những gì, đã làm được những gì, đã gặp những khó khăn nào, và chủ trương sẽ làm gì trong tương lai. Không còn là những tuyên bố huyênh hoang, bốc đồng, hay khích động của những ngày vận động tranh cử, mà là chủ trương và chính sách khả thi, có thể tạo đồng thuận để cùng nhau thực hiện. Đồng thời, ông cũng nói cho toàn dân biết rằng, ông chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ, nếu thực sự được chấp thuận của đa số. Để biết rõ lòng dân, Chính Phủ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý qua Internet (mở đầu một kỷ nguyên mới), kéo dài một tuần lễ cuối cùng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Tất cả mọi người dân đủ tuổi đi bầu đều có thể trả lời “YES” hay “NO”, để bầy tỏ ý kiến chấp thuận hay phủ nhận chủ trương và chính sách của ông. Mỗi người có thể dùng computer tại nhà mình, hay tới thư viện hoặc trường học để trả lời, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Nếu đa số YES, ông tiếp tục cầm quyền với tư thế mới, thực sự là tổng thống được đa số dân chúng uỷ nhiệm cho một sứ mạng. Nếu đa số NO, ông từ chức ngay, như Charles de Gaulle đã làm năm 1969. Làm được như vậy, trong cả hai trường hợp, đều có lợi cho nước Mỹ, nhờ tạo được đoàn kết trong toàn dân, trong khi ông Trump được kính trọng hơn, và chẳng mất gì.

Từ sau khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần khoe ông thắng lớn, và thắng dễ dàng. Nhưng từ chức ngay sau khi nhậm chức là điều khó hơn, vì đắc cử là thắng ngừơi khác, từ chức là thắng chính mình.Thắng mình khó hơn thắng người.

Nếu kịch bản một và hai không thực hiện được, kịch bản ba có thể cứu đảng Cộng Hoà, nhưng không tốt cho ông Trump. Một người thiếu kinh nghiệm về chính trị, không có thói quen tôn trọng các nguyên tắc đạo lý và luật pháp, không theo quy tắc của kinh tế tự do; ông Trump còn là người hay thay đổi ý định, rất dễ phạm những sai lầm nghiêm trọng. Khi đó, đảng Cộng Hoà, nếu không muốn trôi theo cùng với ông Trump, sẽ phải ra tay tự cứu mình. Thích đánh bóng tên tuổi cá nhân như ông Trump, là người thuộc loại “da mỏng” (thin skin), dễ giận dữ nóng nảy, nhưng cũng dễ nhượng bộ. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, nếu ông Trump có sai lầm nghiêm trọng, đảng Cộng Hoà, không nên ỷ thế đa số tại cả hai viện, làm ngơ hay bao che cho ông. Ngược lại, cần làm áp lực để ông từ chức, và nếu cần, tiến hảnh thủ tục bãi nhiệm (impeachment). Hãy áp dụng câu nói cửa miệng của ông Trump trong “The Apprentice” cho chính ông: “You’re Fired!” Nếu không, đảng Dân Chủ sẽ có cơ hội chiếm đa số trong kỳ bầu cử năm 2018, làm cho triển vọng phục hưng đảng Cộng Hoà thêm xa vời.

***

Những biến chuyển thời cuộc bất thường bỗng nhiên biến Donald Trump thành một khách lữ hành dạo chơi trên khu vườn lịch sử. Với chiếc cell phone trong tay, cùng với thói quen tweets liên hồi, ông, và chỉ mình ông có thể chọn cho mình một vị trí, chụp hình “tự sướng” (selfies) với George Washington (kịch bản một), với Charles de Gaulle (kịch bản hai), hay với Richard Nixon (kịch bản ba).

Đinh Từ Thức

 

Lord Byron (1788 – 1824) Nhà Thơ lãng mạn nhất của nước Anh

Phạm Văn Tuấn

            Lord Byron được nhiều người coi là nhà thơ người Anh lãng mạn nhất. Cuộc đời mạo hiểm và các bài thơ đặc sắc là những điều hấp dẫn của nhà thơ này. Thi sĩ Byron thường hay dùng các dòng thơ để mô tả tình cảm khi ông đang sinh sống tại châu Âu hay miền Cận Đông (the Near East) và các lời thơ của Byron đã phản ánh các kinh nghiệm và các niềm tin của tác giả. Thơ phú của Byron thi đôi khi mãnh liệt, đôi khi dịu dàng, đôi khi kỳ lạ nhưng trong nội dung của các bài thơ, thi sĩ Byron đã nhấn mạnh rằng mọi người được tự do chọn lựa lối sống riêng tư của mình.

1/ Cuộc đời của Lord Byron.

            George Gordon Byron chào đời vào ngày 22/1/1788 trong thành phố London nhưng trong 10 năm đầu, hầu như cậu Byron sinh sống với người mẹ tại Tô Cách Lan (Scotland). Cha của Byron là Đại Úy John “Mad Jack” Byron đã bỏ bê vợ con rồi ông ta qua đời khi cậu bé Byron lên 3 tuổi. Byron thừa hưởng danh hiệu “Lord” khi lên 10 tuổi sau khi ông chú qua đời. Sau đó Byron trở lại nước Anh, theo học tại Harrow School rồi Đại Học Cambridge, là hai trong vài ngôi trường danh tiếng nhất của nước Anh.

            Tập thơ đầu tiên của Byron có tên là “Hours of Idleness” (Các Giờ Nhàn Rỗi, 1807) đã bị tạp chí Edinburgh phê bình nặng nề, đây là một tạp chí văn chương của miền Tô Cách Lan. Đế tấn công hầu như mọi nhân vật văn chương của thời kỳ đó, Byron đã đáp lại bằng các lời thơ châm biếm trong tập thơ “English Bards and Scotch Reviewers” (Các Nhà Thơ Anh và các Nhà Phê Bình Tô Cách Lan, 1809).

            Từ năm 1809 tới năm 1811, Byron đã du lịch qua miền nam của châu Âu và một phần của miền Cận Đông (the Near East). Vào năm 1812, Byron cho phổ biến 2 tập thơ ngắn (2 cantos) của Quyển Thơ Childe Harold’s Pilgrimage (cuộc Hành Hương của Childe Harold). Các tập thơ này được viết tại các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Albania và Hy Lạp, ngay sau đó đã khiến cho tác giả nổi danh.

            Các tập thơ kể chuyện về miền đất phía đông như “The Bride of Abydos” (Cô Dâu của Abydos, 1813) và “The Corsair” (Người Corsair, 1814), đều làm cho mọi người phải chú ý.

            Vào năm 1815, Byron kết hôn với cô Anne Isabella Milbanke, họ có một con gái tên là Ada nhưng gia đình này không được hòa thuận bởi vì có tin đồn rằng Byron đã phạm tội vô luân khi kết hôn với người em gái cùng cha khác mẹ tên là Augusta Leigh. Byron rời nước Anh vĩnh viễn vào năm 1816.

            Byron đã trải qua nhiều tháng trường tại Thụy Sĩ, nơi đây ông gặp nhà thơ Percy Bysshe Shelley. Byron sau đó định cư tại nước Ý và đã có mối tình với bà Bá Tước Teresa Guiccioli, rồi về sau cũng tham gia vào cuộc cách mạng của nước Ý.

            Byron cũng viết ra các kịch thơ như “Manfred” (1817) và “Cain” (1821). Công trình thơ văn cuối cùng của Byron là tập thơ dài anh hùng ca chưa hoàn thành “Don Juan”. Vào năm 1823, khi đang viết dở dang tập thơ Don Juan, Byron tham gia vào chiến tranh giành độc lập của người Hy Lạp chống lại các người Thổ Nhĩ Kỳ (Turks), nhưng sau một thời gian ngắn mắc bệnh, Byron qua đời vào ngày 19/4/1824 tại Missolonghi, nước Hy Lạp.

2/ Các Thơ Phú của Lord Byron.

            Tập thơ đầu tiên có tên là “Hours of Idleness” (Các Giờ  Nhàn Rỗi, 1807) bao gồm các lời thơ lãng mạn và trí thức của nhà thơ trẻ tuổi, nhưng trong tập thơ “English Bards and Scotch Reviewers” (Các Thi Sĩ Anh và các Nhà Phê Bình Tô Cách Lan, 1809), Byron đã dùng thể văn châm biếm, chỉ trích, của nhà thơ Alexander Pope trong tập thơ “Dunciad”.

            Hai tập thơ ngắn đầu tiên của Quyển Thơ “Childe Harold’s Pilgrimage” (Cuộc Hành Hương của Childe Harold, 1812) gồm các lời thơ ẩn dụ, giả tưởng, dùng tới các đoạn thơ và các nét văn chương của nhà thơ Edmund Spencer trong thời đại Elizabeth.

            Tác phẩm “Turkish Tales” (Các Truyện Thổ Nhĩ Kỳ, 1813-16) mang đặc tính được gọi là “nét anh hùng Byron” (the Byronic hero). Các đặc tính của loại anh hùng này là u sầu, thách đố, tự tin một cách hãnh diện. Trong hai tập thơ ngắn số III (Canto III, 1816) và số IV (Canto IV, 1818), Byron đã nhận mình là Harold qua đó trình bày sự mất mát và thách thức mà nhà thơ đã cảm thấy khi sinh sống ở nước ngoài.

            Trong các năm về cuối, Byron đã viết ra nhiều loại văn thơ, chẳng hạn như các bi kịch lịch sử và dựa theo Thánh Kinh, như “Sardanapalus” (1821) và “Cain”. Nhưng tác phẩm chính của thời kỳ sinh sống tại nước Ý là tập thơ dài “Don Juan”, trong đó người kể truyện có tinh thần tự do, tự mâu thuẫn, với giọng văn thay đổi vừa tình cảm, vừa châm chọc, vừa tự tin… , rồi trong thơ phú của Byron, sự khinh thường (scorn) là sức mạnh chính được mô tả từ lúc khởi đầu tới thời kỳ cuối cùng của nhà thơ Byron./.

3/ Bài Thơ “Love” của Lord Byron và phần chuyển ngữ của Nhà Thơ Hà Bỉnh Trung.

 A/ Phần tiếng Anh.

 LOVE

Yes, love indeed is light from heaven

A spark of that immortal fire

With angels shared, by Alla given,

To lift from earth our low desire.

Devotion wafts the mind above

But heaven itself descends in love;

A feeling from the Godhead caught,

To ear from self each sordid thought;

A ray of Him who formed the whole

A glory circling round the soul!

Lord Byron.

(Tranh của Họa Sĩ P. Nedsinov)

 

B/ Phần Chuyển Ngữ.

 Tình Yêu.

Vâng, thưa đúng thế thưa người

Tình yêu là ánh sáng trời anh linh,

Một tia lửa tự lửa tình

Muôn đời bất diệt trời dành vẹn nguyên,

Những cơn mê vọng thấp hèn

Thiên thần chia sẻ vượt trên cõi trần.

Lòng tin hướng thượng tin thần

Nhưng Trời lại tự xuống gần nhân duyên;

Cảm thông ý Chúa Bề Trên

Xin từ bỏ những cuồng điên tục trần;

Xin nhờ ánh sáng hồng ân

Hào quang vinh dự sáng ngần hồn ta!

Hà Bỉnh Trung (chuyển ngữ)

4/ Bài thơ “So We’ll Go No More A Roving” của Lord Byron và phần thơ chuyển ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao.

 A/ Phần Tiếng Anh.

 So We’ll Go No More A Roving.

 So we’ll go no more a roving

So late into the night,

Though the heart be still as loving

And the moon be still as bright.

For the sword outwears its sheath,

And the soul wears out the breast,

And the heart must pause to breathe,

And Love itself have rest.

Though the night was made for loving

And the day returns too soon,

Yet we’ll go no more a roving

By the light of the moon.

Lord Byron.

(Tranh của Họa Sĩ P. Nedsinov)

B/ Phần Thơ Chuyển Ngữ.

Rong Chơi Chi Nữa Đôi Ta.

Rong chơi chi nữa đôi ta

Dưới trời khuya khuắt nhạt nhòa bóng đêm,

Dù tình vẫn rộn con tim,

Và trăng còn sáng êm đềm trên cao.

Bởi vì kiếm đã mòn bao,

Và tâm hồn đã hanh hao lòng người,

Tim cần đôi lúc thảnh thơi,

Ngày thuyền tình cũng có thời thả neo.

Dù đêm dành để thương yêu,

Và ngày vội vã về gieo ánh hồng,

Đôi ta tuy vẫn mặn nồng

Lang thang chi nữa dưới vầng trăng treo.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao  (chuyển ngữ)

 

Phạm Văn Tuấn biên khảo.

(Dec. 2016)

 

 

 

Xuân Xa Lạ

Trần Quốc Bảo
Tôi đi lang thang
Trên đường phố lạ
Ở đây xuân về
Tuyết rơi trắng xóa
Đất trời che mặt ngủ yên
Nét chì xám hai hàng cây trụi lá
Vẽ đường vào công viên
Những hạt mưa bụi và những giọt sương
Đọng trên giây điện
Lấp lánh đèn vàng như xâu chuỗi kim cương
Miệng cống bốc hơi
Mái nhà quyện khói
Hàng xe phủ tuyết nằm bên đường
Riêng có con chim cardinal đỏ chói
Đậu trên vai tượng đá
Chia lạnh xẻ buồn với kẻ tha hương
Gió hun hút từng cơn buốt giá
Đem xuân đi khắp nẻo đường
Trải rét mướt trên mặt hồ đông đá
Ẩn mơ hồ trong tơ khói vấn vương
Xuân về đây – không hoa không lá
Vạn vật thờ ơ
Xuân xa lạ
Khách phong sương chợt thấy dạ bồi hồi
Xuân ơi ! xuân
Từ lâu đã mất xuân rồi
Bao giờ xuân thắm quê tôi trở về?
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Về tác phẩm của PHẠM VĂN THUYẾT: “VIỆT NAM, MÃNH HỔ hay MÈO RỪNG” – lời nhắn gửi bi thiết từ một chuyên gia tới lớp trẻ Việt Nam còn nặng tình đất nước.

Uyên Thao

pvthuyet-3

Phạm văn Thuyết

Phạm Văn Thuyết có thể là cái tên xa lạ với nhiều người Việt Nam ngay lúc này. Nhưng cái tên Phạm Văn Thuyết chắc chắn rất gần gũi với nhiều thế hệ sinh viên Luật Khoa tại Sài Gòn từ thập niên 1960 và cũng quen thuộc với không ít người ngoại quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Nam Mỹ qua Đông Âu tới Phi Châu và Á Châu từ sau năm 1975.

Lý do là từ thập niên 1960, Phạm Văn Thuyết là một giảng sư tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và từ 1975 tới 2007, Phạm Văn Thuyết là một chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới – World Bank, từng nhận lãnh công tác tại 25 quốc gia  Âu – Á – Phi – Mỹ.

Phạm Văn Thuyết sinh năm 1934 tại Nam Định, đầu thập niên 1950 là học sinh trung học đệ nhị cấp tại trường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Năm 1954 di cư vào Nam, Phạm Văn Thuyết làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn đồng thời tiếp tục học tại Đại Học Luật Khoa, tốt nghiệp Cử Nhân Luật và Cao Học Kinh Tế năm 1959. Đầu thập niên 1960, Phạm Văn Thuyết trở thành giảng sư Đại Học Luật Khoa tới 1964 được học bổng du học Hoa Kỳ. Tại đại học Wharton, University of Pennsylvania, Hoa Kỳ, Phạm Văn Thuyết theo học Kinh Tế, chuyên ngành Kinh Toán Học — Econometrics, một ngành tương đối mới vào thời đó và tốt nghiệp Master Degree rồi Ph.D năm 1967.

pvthuyet-4

Phạm Văn Thuyết – Tại quân trường , Khóa 26/SQTB Thủ Đức

Về nước ở độ tuổi 33, theo quy định của luật tổng động viên, Phạm Văn Thuyết đã có mặt trong khóa 26 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Đây là một khóa khá đặc biệt của trường võ bị Thủ Đức, vì các sinh viên sĩ quan phải tham gia cuộc chiến ngay khi vừa làm quen với súng đạn do cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 của Cộng Sản Bắc Việt. Khi lực lượng Cộng Sản xâm nhập Sài Gòn, Phạm Văn Thuyết đã gánh chung nhiệm vụ tác chiến với các chiến binh bảo vệ trụ sở Bộ Quốc Phòng.

Tuy nhiên, do chủ trương ưu tiên cho ngành giáo dục nên sau khi mãn khóa, Phạm Văn Thuyết được biệt phái về lại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn để tiếp tục vai trò giáo sư trường này cho đến ngày phải di tản qua Hoa Kỳ tháng Tư 1975.

Tại Hoa Kỳ, Phạm Văn Thuyết trở thành chuyên viên phát triển kinh tế — industrial economist của Ngân Hàng Thế Giới — World Bank từ 1975 tới 1996. Sau đó, dù về hưu, Phạm Văn Thuyết vẫn tiếp tục nhận lãnh vai trò tư vấn — consultant cho các dự án công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Là chuyên viên World Bank, Phạm Văn Thuyết đã có nhiều dịp về Việt Nam công tác trong các lãnh vực thương mại quốc tế, WTO, ngân hàng và khung luật pháp kể từ đầu thập niên 1990 tới năm 2007.

Kinh nghiệm lãnh hội do phần hành trách nhiệm bản thân cùng những tình huống thực tế trực tiếp ghi nhận ngay tại chỗ đã giúp Phạm Văn Thuyết hình thành một căn bản vững chắc cho ý hướng xây dựng và phát triển đời sống kinh tế Việt Nam là chủ điểm của tác phẩm Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng. Tác phẩm được nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại…đón nhận và đánh giá cao về tác động hữu hiệu cho tiến trình nâng cao mức độ phát triển đời sống kinh tế Việt Nam như phản ảnh sau:

pvthuyet1Cuốn sách của giáo sư Phạm Văn Thuyết… đã nêu ra nhiều vấn đề của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới. Tác giả cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng hiện thời nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Ông chỉ ra một số hạn chế, đó là khung luật pháp cần hoàn chỉnh nhiều để phù hợp với kinh tế thị trường, tham nhũng cần được đẩy lùi, bất công về thu nhập trong xã hội cần được thu hẹp, tư duy phát triển cần thay đổi…”

Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh từng một thời thành đạt trong lãnh vực kinh doanh trước 1975 tại Sài Gòn diễn tả bao quát về tác phẩm  qua nhận định:

“Tác phẩm này không những phân tích tình trạng kinh tế Việt Nam mà còn chẩn bệnh hiểm nghèo rồi lại biên toa thuốc để chữa cái ung thư đang hoành hành trong cơ thể con bệnh.”

Trong khi đó, chuyên viên dầu khí và điện lực Phạm Lương Tấn, một Việt kiều New Zealand đang làm việc tại Sài Gòn phát biểu:

“Cuốn sách dựa trên kinh nghiệm dày dạn của một người đã hoạt động và chứng kiến, không những là sách vở mà thực tế của các quốc gia đang phát triển. Cuốn sách này sẽ đóng góp rất nhiều vào những tranh luận về phát triển kinh tế và tương lai của Việt Nam trong giới trí thức cũng như người dân bình thường…”

Bạn đọc Hạ Long Lưu Văn Vịnh viết một bài dài về các chủ điểm trong nội dung Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng dẫn đến kết luận:

Tác giả — giáo sư Phạm Văn Thuyết Ph.D.— trong cuốn sách loại kinh tế xã hội hiếm hoi này, đã vạch ra những nét chính yếu trong hành trình phát triển kinh tế Việt Nam, từ thập kỷ 1960, qua 70, 80 cho tới hiện tại, với những nhận xét chuyên môn, khách quan, điềm tĩnh, chỉ lối ra, lối thoát, cho một nước chậm tiến, đưa kế sách xây dựng…khiến người đọc thấy được tổng thể và chi tiết, thấy được VN trong bối cảnh Đông Á …

Cuốn sách quý hiếm của giáo sư Phạm Văn Thuyết giúp người trong nước nhìn ra vị trí và mức độ của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Đông Á, giúp người Việt hải ngoại nhìn ra mấu chốt vấn đề thực tế của Việt Nam, tránh được những diễn giải hàm hồ. Trong và ngoài đều hiểu Việt Nam với 90 triệu dân thông minh, trí thức sắc sảo, có thể trở thành mãnh hổ chứ không phải mèo rừng, nếu không bị xích sắt kìm hãm…”

Gần như chia xẻ hoàn toàn với nhận thức kể trên từ Lưu Văn Vịnh là ý kiến của Trần Quỳnh:

Theo nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, đặc điểm nhận biết một quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình thường là mức đầu tư sẽ giảm, tăng trưởng công nghiệp giảm, công nghiệp không đa dạng và thị trường lao động không năng động. Thật không may đây chính là kịch bản mà Việt Nam có thể sẽ đối mặt trong thời gian tới.Với Việt Nam, sách lược thích hợp để có thể vượt lên mức tăng trưởng trung bình là tăng năng suất, tiến sâu vào “chuỗi giá trị” sản xuất công nghiệp. Để thực hiện sách lược này cần làm tốt ít nhất ba việc đó là tăng cường chính sách giáo dục và nhân lực chuyên môn, điều chỉnh gấp chính sách đầu tư nước ngoài và đồng thời xây dựng công nghiệp phụ trợ.

Cần thấy việc ưu tiên cấp bách nhất là phải đổi mới tư duy, đổi mới nền giáo dục đã bị trì trệ mấy chục năm. Ông Thuyết lý luận, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài nhưng sẽ mãi là nước có thu nhập trung bình như phần lớn các nước Đông Nam Á khác. Và nếu không triệt để thay đổi và áp dụng các biện pháp cần thiết thì lộ trình mà kinh tế Việt Nam đề ra và muốn thực hiện được là điều xa vời…”

Ngoài các nhận định tích cực kể trên của một số chuyên gia đương thời, Việt Nam Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng đã được chuyên gia lão thành Vũ Quốc Thúc coi như một biểu tượng đặc biệt với giá trị tinh thần rất cao. Giáo sư thạc sĩ Vũ Quốc Thúc là chuyên gia Luật Pháp và Kinh Tế Tài Chánh lỗi lạc của Việt Nam từ giữa thập niên 1940, giám đốc Trường Luật Hà Nội trước 1954, khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn sau 1954, từng lãnh nhiều vai trò như bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia, phó chủ tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, quốc vụ khanh đặc trách Tái Thiết Và Phát Triển …

Trong thư riêng gửi tác giả Phạm Văn Thuyết, giáo sư Vũ Quốc Thúc đặt tác phẩm Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng vào vị thế một sách lược cứu nguy có thể đưa Việt Nam thoát khỏi ngõ bí lạc hậu nghèo đói kéo dài từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay:

…. Cuốn sách của Anh đối với tôi, có một giá trị tinh thần rất cao và đặc biệt biểu tượng. Anh đã làm một việc khiến cho tôi thành thực hãnh diện vì chúng ta cùng xuất thân từ Trường Luật Hà Nội và cùng là giáo sư Trường Luật Sài Gòn. Hơn thế nữa lại cùng một ngành chuyên môn Kinh Tế Tài Chánh.

Tôi thành khẩn cầu nguyện là những nhận định cũng như đề nghị của Anh sẽ được kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế ở nước ta chấp nhận rồi thực thi; có như vậy thì tổ quốc thân yêu của chúng ta mới ra thoát ngõ bí “THU NHẬP TRUNG BÌNH” hiện thời và sẽ biến thể như dụ ngôn CÁ CHÉP HÓA RỒNG.

Tôi không mong nước ta thành mãnh hổ thay vì mãi mãi là mèo hoang … chỉ mong biến thành con Rồng phương Nam mà thôi!” 

Ước vọng của giáo sư Vũ Quốc Thúc chính là ước vọng chung của mọi người Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ mãi mãi là ảo vọng nếu chỉ trông chờ sự tự nguyện tự giác đáp ứng từ riêng những “kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế” tức tập thể thủ đắc quyền lực hiện nay tại Việt Nam. Bởi như Phạm Văn Thuyết phân tích, 4 trở lực đang vây hãm mọi ý hướng phát triển và tăng trưởng đời sống Việt Nam là :

1- Hạ tầng cơ sở quá tồi tệ.

2- Chính sách bất cập từ vi mô tới vĩ mô do đặt nặng vai trò chỉ đạo của Nhà Nước.

3- Cơ cấu tổ chức và định chế pháp luật thiếu minh bạch, bị khai thác dễ dàng cho các mưu đồ bất chính.

4- Vấn đề phát triển nhân lực hoàn toàn bị bỏ rơi do chủ trương độc tôn ý thức hệ.

Để vượt khỏi các trở lực này, không thể chỉ bằng những biện pháp cải cách thu gọn riêng trong phạm vi một lãnh vực hoạt động nào mà đòi hỏi nỗ lực thực hiện cải cách đồng loạt trên mọi lãnh vực từ xã hội, giáo dục, kinh tế, pháp luật tới chính trị. Phạm Văn Thuyết nêu ra hàng loạt trở lực mà trong đó chỉ riêng tính luật pháp mập mờ về quyền tư hữu đất đai của người dân theo các khẩu hiệu là thuộc “quyền làm chủ tập thể của nhân dân” đã là một trở lực đáng kể:

“Hiện nay “nhân dân được quyền xử dụng đất đai” và trong một vài trường hợp có thể chuyển nhượng quyền này cho người khác. Đối với đất dành cho ngành nông nghiệp thì các nhà nông có “quyền xử dụng” đất trong 15 năm, và quyền có thể chuyển nhượng cho các người thừa kế. Trong thành phố, người ta có quyền sở hữu căn nhà chứ không có quyền sở hữu miếng đất.

Thật là một hệ thống rất mập mờ phản ánh thái độ chưa dứt khoát của chính phủ hãy còn vương vấn với ý thức hệ. Các tài liệu chính thức như hiến pháp vẫn còn tuyên bố rằng tất cả đất đai, đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước.”

Theo Phạm Văn Thuyết, “phạm vi rộng lớn của quốc doanh áp đảo và sự không công nhận quyền tư hữu bất động sản đã thu hẹp tính cách thị trường của kinh tế Việt Nam.

Hơn 200 trang sách nêu bật đủ loại tệ nạn trong đời sống Việt Nam từ tham nhũng, áp bức, bất công… tới vây hãm bóp nghẹt nhu cầu khai triển dân trí… đẩy mọi lãnh vực sinh hoạt chung vào ngõ cụt tối tăm vì không thể hội đủ điều kiện định hướng đối đầu hữu hiệu với những thách thức ngày một thêm chồng chất. Trước thực trạng này, từ thế đứng của một chuyên gia kinh tế, Phạm Văn Thuyết khẳng định đòi hỏi cấp thiết để cứu nguy cho Việt Nam là phải thực hiện cải cách toàn diện về chính trị, vì “Không thể có một chính sách kinh tế tốt nếu không có một khuôn khổ chính sách cai trị hay quản lý đất nước tốt. Nói cách khác, nếu tổ chức chính trị không tốt thì kinh tế không tốt.”

Bởi :

Xưa nay kinh tế bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị. Những thể chế có “tính dung hợp — inclusive institution” như thể chế dân chủ là tốt cho sự phát triển vì nó có khả năng tạo nên sự thay đổi chính sách khi chính sách không thích hợp.

Nhận xét trên về nhu cầu cứu nguy cho đất nước Việt Nam đang lao dốc rõ ràng đơn sơ và thiết thực. Nhưng thực tế Việt Nam mà Phạm Văn Thuyết trực tiếp đối diện hơn mười năm trong vai trò tư vấn Work Bank cho nhiều chính sách phát triển kinh tế đã giúp tác giả ý thức đó là một tiếng bom kinh hoàng đối với những “kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế” mà giáo sư Vũ Quốc Thúc hy vọng sẽ tự nguyện tự giác đổi thay. Cho nên Phạm Văn Thuyết không có ý trông chờ như giáo sư Vũ Quốc Thúc mà chỉ mong truyền đạt suy tư tới mọi giới quần chúng Việt Nam như đã biểu lộ qua lời mở đầu sách:

“Tác giả muốn hướng tập sách này tới độc giả mọi giới nên cố gắng viết giản dị với hy vọng ai đọc cũng thấy dễ hiểu và vì thế người viết đã tránh tối đa việc trình bày các con số khô khan hay những điểm lý thuyết kinh điển.”

Cùng trong Lời Nói Đầu, Phạm Văn Thuyết còn ghi một lời nhắn hàm chứa nhiều ẩn ý: “Những ý kiến trong sách không nhất thiết là khả thi trong thời gian gần vì những trói buộc của thực tế chính trị và cơ chế, nhưng hy vọng có thể có ích cho sự suy ngẫm để làm chính sách trong trách nhiệm của những người trẻ sẽ kế thừa đất nước và lãnh đạo mai sau.”

Chắc chắn đây là lời nhắn thiết tha gửi tới mọi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ để gợi nhắc và thúc đẩy một suy ngẫm cần thiết về trách nhiệm công dân trước “những trói buộc của thực tế chính trị và cơ chế” đang đẩy đất nước xuống hố thẳm.

Ngày 15/1/2015, Phạm Văn Thuyết đã vĩnh viễn giã từ cuộc sống.

Nhưng lời nhắn thiết tha trên vẫn đang vang vọng và chắc chắn sẽ còn vang vọng cho đến ngày những xích xiềng chính trị đang trói buộc đất nước Việt Nam thực sự bị đập tan.

Virginia  Sept. 04.2016

UYÊN THAO

pvthuyet-5

Tắm Ao

Nguyễn Phú Long

Lời giới thiệu:  Vào thời thanh bình của Miền Nam Tự Do, chàng là dân Biên Hòa, vào một buổi trưa hè nóng nực, bèn trèo lên cây bưởi để hái hoa, bất ngờ nhìn xuống cái ao phía dưới, thấy một thiểu nữ thật đẹp, da trắng, bỏ xiêm y, tắm ao, nàng đâu ngờ rằng có chàng thi sĩ đang ở trên cây bưởi nhìn xuống. Lỗi tại ai?

Xin mời đọc các dòng thơ diễn tả tấm lòng "rộn ràng" của nhà thơ, bởi vì chàng đã nhìn thấy "dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên", và kết quả là "bèo trôi, cá lặn, ra vào phân vân", giống như tác giả.

(PVT)

 

Tắm Ao

"Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà..." lòng dạ xôn xao!

Ô kìa! Thiếu nữ má đào

Bỏ xiêm y lội dưới ao rất tình

Nước trong leo lẻo lung linh

Giữa trời cô lấy tay mình rửa tay.

Nhẹ nhàng vuốt sợi lông mày

Bèo trôi, cá lặn, bên này ngẩn ngơ.

 

Trèo lên cây bưởi thẫn thờ

Dưới ao phẳng lặng trên bờ vắng hoe

Đang vui sao vội bỏ đi

Áo xiêm chẳng để chút gì cho nhau.

Hỡi cô thiếu nữ má đào

Bèo trôi, cá lặn, ra vào phân vân

Nụ tầm xuân, nụ tầm xuân

Mai sau còn biết có lần nữa chăng?

 Nguyễn Phú Long.

 

 

 

tam-ao

(tranh Renoir)

(Trích trong: Tuyển Tập Thơ Văn, (trang 108) của Ba Nhà Thơ: Hoa Văn, Nguyễn Phú Long và Trần Quốc Bảo (2016)).