Chu Lynh và “Mảnh Da Vàng”

Nguyễn Quang Dũng

Bìa “Mảnh Da Vàng”, trải rộng

Ở bài viết này, tôi sẽ là người đọc và viết về  tập sách “Mảnh Da Vàng” của Chu Lynh ở một góc cạnh không giống với một độc giả bình thường vì tôi là một trong những người bạn ở chặng đường cuối cùng với tác giả lo việc trình bày từ trong ra ngoài, kiểm lỗi đánh máy, và  giúp tay cho “đứa con tinh thần” của Chu Lynh đã “thai nghén” hơn 30 chục năm qua được “ra đời”.

Chu Lynh đến với  cơ sở ấn loát của tôi cách đây đã hơn 20 năm với công trình sưu khảo của anh trong một tập sách dầy hơn 400 trang về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Anh là một trong những người rất kính trọng Giáo Sư Huy và tôi cũng vậy. trước 1975, tôi đã là một môn sinh của GS Huy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi đã sốt sắng giúp tay Chu Lynh trong việc trình  bày và ấn loát tác phẩm sưu khảo của anh.

Và lần này, vào  cuối tháng 2 năm 2022, Chu Lynh  lại gỏ cửa “nhà in” của tôi,  nói với tôi rằng anh muốn in tập sách “Mảnh Da Vàng”. Tập sách Chu Lynh mang theo trong đời sống nổi trôi theo vận nước của anh suốt hơn ba mươi năm.

Tôi và Chu Lynh đều là những người “cầu toàn“ do vậy đã tốn nhiều thì giờ cho việc chuẩn bị cho ra đời Mảnh Da Vàng. Chúng tôi làm việc, thảo luận qua lại với nhau hơn hai tháng trường để trình bày cái bìa sách, đọc và sửa lỗi đánh máy, trình bày các trang trong của tập sách  với nhiều hình ảnh tư liệu do tác giả cung cấp và đồng ý với nhau về kế hoạch và trình tự thời gian hoàn thành.

Nhưng cả hai chúng tôi đều không biết rằng vào tháng 3/2022, tác giả Chu Lynh đã trải qua một biến cố “thập tử nhất sinh” khi đang trên đường cho những cuộc phỏng vấn làm phim tài liệu. Chu Lynh thuật lại:

“Tôi đang qua đêm ở nhà một người bạn trẻ. Buổi sáng, bất ngờ tim tôi đập mạnh, khó thở, tiếng nói ú ớ không thành lời. Người bạn gọi xe cấp cứu vào bệnh viện Fountain Valley. Áp huyết lên 221.

Qua một đêm, bác sĩ cho biết ống dẫn máu vào tim bị vỡ, …” (Mảnh Da Vàng, tr 368)  

Chu Lynh trong phòng ICU Bệnh viện Keck Medical Center of USC, Los Angeles, California. (Ảnh: Mảnh Da Vàng, Trang 369)

May mắn, Chu Lynh vượt qua cuộc giải phẩu tim ở California. Còn sống. Còn thở. Chỉ yếu sức so với trước kia. Và lên máy bay về lại được Virginia.

Do vậy chương trình làm việc với nhà in của tôi dự trù 2 tháng phải được nới dài ra, mãi cho đến tháng 8/2022 thì mới in xong tác phẩm Mảnh Da Vàng

Ở trên, tôi không nói và viết gì về Mảnh Da Vàng có lẽ là vì tôi không muốn là người thêm vào trong số những nhà văn, nhà báo đã viết nhiều lời khen tặng hay  đã trích dẫn những đoạn văn  mang nhiều tâm tình về một thời trôi nỗi thăng trầm trên quê hương Việt Nam của Chu Lynh.

Ở đây, tôi muốn nói với Chu Lynh rằng  anh đã chọn cái tựa sách rất hay và rất đúng với những gì anh chuyên chở trong  400 trang sách của Mảnh Da Vàng.

Những gì Chu Lynh viết xuống, ghi lại khi  trong trại tù cộng sản, hay khi được thả ra ngoài – trong một nhà tù lớn hơn, trong thân phận một người lính bại trận sau 1975 ở quê hương Việt Nam khốn khó, không là những điều gì mới mẻ hay lạ lùng đối với tôi.

Nhưng có một cảm giác kỳ lạ từ những mảnh tâm tình rời rạc, những mảnh ký ức lộn xộn, từ một tập sách với nhiều đoản văn, bài viết, bút ký, xen lẫn với những hình ảnh tư liệu của tác giả: Những mảnh đời sống của Chu Lynh trong Mảnh Da Vàng làm tôi liên tưởng đến những tâm tình vụn vỡ của hàng triệu người Việt miền Nam Việt Nam sau 1975, bỏ nước ra đi, tìm đến một mảnh đất tự do. Trong đó có những người lính thất trận, những người dân với thân phận “ngụy quân, ngụy quyền” …những người không còn đất sống trên chính quê hương mình. Mà tôi cũng ở trong số đó, những người Việt được thế giới gọi là “Boat People”, một phần của đội ngũ những người Việt vong quốc.

Sau những năm dài mở ra hàng triệu mảnh đời sinh tồn của người Việt trên xứ người, dường như đời sống của Chu Lynh, của tôi, hay của nhiều người Việt đồng cảnh ngộ là đời sống của nhịp đôi. Nửa Mỹ, nửa Việt. Hay nửa Úc, nửa Việt. Hay nửa Pháp, nửa Việt…là đời sống của bên này, bên nhà. Dường như có cái gì phân đoạn, ngắt quãng, không liền lạc, trong tâm thức của những người Việt lưu vong.

Đó là những cảm nhận rất thực trong  tôi khi gấp lại tập sách  Mảnh Da Vàng của Chu Lynh: Những mảnh đời vụn vỡ sau 1975. Những tâm tình của bèo dạt hoa trôi. Những mệt mỏi của ngày này, tháng nọ trên con đường tìm lại quê hương đã xa. Những thất vọng khi thấy lũ tà quyền, ác nhân, cho đến nay, vẫn toàn quyền trên xứ sở Việt Nam thân yêu. Những chua xót từ sự mất mát những nhân tài Việt Nam lưu vong như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mà không tìm thấy người kế tục.

Nhưng ít nhất Chu Lynh cũng đã “tận nhân lực” khi lao mình vào việc thực hiện những cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club hay VFC, một tổ chức do anh sáng lập cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích năm 2010. Chu Lynh “đơn thương, độc mã”, đi xuyên bang nước Mỹ, tới tận trời Âu, vượt ngàn dặm tới Úc và nhiều quốc gia khác trên  thế giới để thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn những nhân chứng lịch sử của tập thể người Việt lưu vong và cho ra mắt hàng chục tập phim tài liệu chưa ai làm được.

Và điều quan trọng là Mảnh Da Vàng (*) đã ghi lại được gần hết những nỗ lực vượt mức của Chu Lynh:

  • Để tồn sinh vượt thoát những nghiệt ngã tàn bạo nhất của cộng sản Việt Nam
  • Để đấu tranh, bằng mọi phương tiện tự lực của chính mình, nói lên tiếng nói của chính nghĩa và nhân bản Việt Nam Cộng Hòa.
  • Và để tiếp tục là Trái Tim Lửa trong tập hợp hàng vạn Trái Tim Lửa của những người Việt Nam lưu vong yêu quê hương, vẫn còn đang trên đường tìm về, với hy vọng tìm thấy lại Quê Hương Việt Nam Tự Do Dấu Yêu.

Nguyễn Quang Dũng

Focus Digital Publishing

Tháng 1/2023

 

(*) Mảnh Da Vàng, 400 trang, Tác giả tự xuất bản, phát hành tháng 9/2022. Liên lạc tác giả: CHULYNH@GMAIL.COM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *