Giới thiệu “Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo”

Nguyễn Văn Thành

vnvhslk-image

 

nước Việt Nam xưa, trước khi có văn chương bác học (loại văn thơ bằng văn tự, có niêm luật hẳn hoi), thì đã có một nền văn chương bình dân, bất thành văn, gọi là văn chương truyền khẩu.  Loại văn chương này thể hiện qua Ca dao, Tục ngữ đã lưu truyền trong dân gian từ rất lâu.

Ca dao hay còn gọi là phong dao, là những bài hát ngắn, không có chương khúc, thường mô tả tính tình, phong tục của lớp người bình dân.

Ca dao cũng như Tục ngữ, thường không rõ tác giả là ai.  Tôi cho rằng, tác giả không ai khác hơn là các Nhà Nho sống ẩn dật nơi thôn dã, hoặc là các vị quan trong triều cáo lui, xin về trí sĩ nơi vùng quê, sau lũy tre xanh, tức cảnh sinh tình mà sáng tác ra. Có người gọi là “Văn chương sau lũy tre xanh”.

Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã mê câu ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Hình ảnh cô thôn nữ tát nước đêm trăng mà được mô tả đẹp đẽ, mượt mà như vậy, thiết tưởng văn chương bác học đã chắc gì hay hơn được!

Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ hay phương ngôn (do tính cách địa phương), là những câu nói cô đọng, gọn ghẽ và có ý nghĩa, cũng được lưu hành từ ngàn xưa bằng truyền khẩu như:

Có cứng mới đứng đầu gió!

Hay:

Có thực mới vực được đạo!

Hoặc:

Tốt danh hơn lành áo!

Ca dao, Tục ngữ Việt Nam có thể sánh ngang với Kinh Thi của Trung Hoa!  Chỉ khác là Kinh Thi đã được Khổng Tử chọn lọc và san định lại, để trở thành một thứ sách giáo khoa, một trong ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) cho Nho sinh học.

Học giả Dương Quảng Hàm, tác giả Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) khẳng định:  Tục ngữ, Ca dao Việt Nam là mọi nguồn cảm hứng cho thi văn VN sau này.  Do đó khi viết VNVHSY, tác giả đã để ngay lên phần đầu (phần I) của cuốn sách.

Do bị ảnh hưởng của Dương Quảng Hàm từ hồi còn Trung học, nên khi vừa đọc cuốn Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo (VNVHSLK) của Hải Bằng-Hoàng Dân Bình, tôi vội gọi điện thoại hỏi anh Bình thì được tác giả cho biết: muốn để phần Ca dao, Tục ngữ ở phần II của cuốn sách!  Được thôi, tôi tôn trọng ý muốn của tác giả.

Đọc xong VNVHSLK của Hải Bằng, tôi có cảm tưởng như vừa đọc xong hai cuốn sách: Một Văn Học Sử VN và một cuốn Lịch Sử VN cổ đại và cận đại

Như tác giả nói ở trang đầu cuốn sách, ông đã làm một công trình biên khảo công phu, để liên kết nội dung các tác phẩm tiêu biểu trong văn học cổ điển VN, với dòng lịch sử trải dài từ thế kỷ thứ 10 tới thời cận đại, tức là thời kỳ độc lập của nước ta (Ngô Quyền 898-967) cho đến ngày nay.

Nhân vật mở đầu cho cuốn VNVHSLK của Hải Bằng là Chu Văn An (1292-1370) với Thất Trảm sớ, tuy không được Vua nghe theo nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn vào thời ấy.  Nhà sử học Lê Tung trong cuốn Việt Nam Thông Khảo Tổng Luận đã khen Thất Trảm sớ của CVA như sau: “Thất Trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn…”

Về phương diện sử học, Hải Bằng đã chọn cách viết theo lối “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, chứ không theo lối Sử Biên Niên của Ban Cố.  Tác giả đã khéo léo lồng vào phần Sử Ký những câu chuyện thần kỳ có tính cách Huyền Sử, làm cho người đọc cảm thấy thích thú.  Chẳng hạn như ở Chu Văn An, có câu chuyện “Thuồng luồng cầu mưa”;  Ở Nguyễn Trãi có câu chuyện “Thị Lộ”, gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”;  Thời nhà Lê có chuyện “Thần Cá Quả” v.v.

Phần viết về Trường Bưởi-CVA sau này, cũng như phần viết về Nostradamus, tôi đã đề nghị dời qua phần Phụ Lục, để cho phần Văn Học Sử được liên tục, tác giả đã đồng ý.

Nguyễn Trãi có hai “công cuộc” đóng góp cho đất nước, đều xuất sắc cả, đó là Chính Trị và Văn Hóa.

Về Chính Trị, có thể nói mà không ngoa, ông là Kiến trúc sư, tạo dựng nên nhà Hậu Lê:  Ông đã giúp cho Lê Lợi hoàn thành công cuộc kháng chiến trường kỳ (10 năm) và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ông cũng là một nhà Văn Hóa vĩ đại, vô tiền khoáng hậu của VN.  Cơ quan Văn Hóa, Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc đã xếp ông vào danh sách “Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới”.

“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi có thể gọi là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập số 2, sau bài thơ của Lý Thường Kiệt:

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…

Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã bị những câu văn trong Bình Ngô Đại Cáo thu hút:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân mà thay cường đạo!

Đây chẳng khác nào Kim Chỉ Nam Chính Trị cho mọi thời đại.

Nhà Hậu Lê cũng tự sản sinh được một Nhà Văn Hóa lớn, đó là Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), một ông vua tài giỏi và hiền đức, lại trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê (1460-1497). Dưới thời Lê Thánh Tôn đã cho ban hành một bộ luật rất nổi tiếng, đó là Bộ Luật Hồng Đức, hay còn gọi là Quốc Triều Hình Luật. Tuy chịu ảnh hưởng của luật Nhà Minh bên Trung Hoa nhưng là một bộ luật rất tiến bộ, văn minh hơn hẳn bộ luật nhà Mãn Thanh sau này!  Bộ luật của Nhà Mãn Thanh gọi là Đại Thanh Luật Lệ, chỉ thiên về hình phạt roi, trượng, có tính cách nhục hình (như thời Trung cổ ở Châu Âu).  Đại Thanh Luật Lệ lại ảnh hưởng đến Bộ Luật Nhà Nguyễn gọi là Hoàng Việt Luật Lệ.  Như vậy ta có thể coi đây là bước thụt lùi về phương diện luật pháp của VN.

Tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đã làm một việc nghiên cứu tường tận về Luật Hồng Đức.  Ông nhận thấy ở đấy cả tinh thần thượng tôn luật pháp qua chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tôn: “Luật Pháp là Công Pháp của Quốc Gia, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo!”.  Qua đó, ta thấy tinh thần Pháp trị cũng đã được thể hiện.

Ngoài việc khảo cứu Luật Hồng Đức, tác giả VNVHSLK còn quan tâm tới các vấn đề khác như Kinh tế, Chính trị và Xã hội dưới Triều Đại Hậu Lê nữa.  Điều này cũng hợp lý vì tác giả Hải Bằng vốn xuất thân từ Trường Luật Sài Gòn trước kia.

Vua Lê Thánh Tôn còn là một Nhà Văn Hóa nữa, nên dưới thời ông, thơ văn được phát triển rất rực rỡ.  Vua lập ra một Hội Tao Đàn và xưng mình là Tao Đàn Nguyên Soái, để khuyến khích mọi người cùng phát huy văn học.  Thơ của Lê Thánh Tôn khá xuất sắc, lại rất có khẩu khí của bậc đế vương.

Nhà văn lớn thứ tư mà tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đề cập đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một người nổi tiếng uyên bác và tính tình kín đáo.

Khi đọc VNVHSLK của Hải Bằng, chúng ta sẽ biết rõ hơn về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một học giả uyên thâm cả về Đạo Phật lẫn Đạo Lão cũng như về phương diện Lý số.  Những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chứa nhiều ẩn dụ khiến người đời sau gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Ngoài ra, tác giả lần lượt giới thiệu cho chúng ta về nhiều danh nhân khác trong lãnh vực văn học, như: Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, và Nguyễn Công Trứ v.v…

Hải Bằng có kể một giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm, tác giả câu đối: “Da trắng vỗ bì bạch”, mà ngay đến Trạng Quỳnh cũng không đối được.  Mãi về sau mới có người đưa ra câu đáp: “Rừng mát mưa lâm râm”.

Theo thiển ý, câu đáp này khá chỉnh về chữ và ý, nhưng lại không đối về âm (bằng trắc): Da “trắng” và rừng “mát” là hai âm (trắc) giống nhau chứ không đối.  Tôi đề nghị một câu đáp khác: “Rừng sâu mưa lâm thâm”. Chữ “sâu” vần bằng sẽ đối với chữ “trắng” vần trắc.  Từ xưa, tôi vẫn  nghĩ câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” là của Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ độc nhất vô nhị, làm thơ luôn bao hàm hai ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng, khiến cho các dịch giả muốn chuyển thơ của bà ra tiếng nước ngoài rất là khó khăn, có những câu hầu như không dịch nổi, chẳng hạn như:

Vành ra ba góc da còn thiếu,

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.

(Vịnh Cái quạt)

Hoặc là:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Nói về Nguyễn Công Trứ, tôi còn nhớ một giai thoại vui, xin kể thêm để quý độc giả thưởng lãm: Nguyễn Công Trứ (NCT) như chúng ta đều biết, ông mê hát cô đầu ngay từ hồi còn trai trẻ, chưa thành đạt. Muốn được nghe hát cô đầu, chàng thư sinh NCT phải tình nguyện đi theo sách đồ, dụng cụ riêng (như tráp, cỗ phách …) cho một cô đầu.  Một bữa, hai người đi ngang qua một cánh đồng vắng, cùng ngồi nghỉ dưới một tàn cây (ngô đồng).  Rồi thì chuyện phải đến đã đến giữa đôi trai gái còn rất trẻ trung này.

Sau này khi NCT thành đạt, làm quan lớn, cho vời một đoàn hát đến tư thất hát cho mình nghe.  Trong đoàn có một cô đầu nhận ra Nguyễn Công Trứ là người năm xưa, vẫn theo mình đi hát, nên lúc mở đầu bài hát, cô hát hai câu (miễu đầu) như sau:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

Trong số những tác phẩm bằng thơ mà tác giả VNVHSLK Hải Bằng đã đề cập như: Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc …, tôi đặc biệt yêu thích Truyện Kiều (TK) hơn cả, vì TK có thể coi là một áng văn thơ toàn bích nhất về phương diện văn chương.

Chính Hải Bằng tác giả VNVHSLK cũng cho rằng Nguyễn Du là một nhà ảo thuật tài ba về cách vận dụng ngôn ngữ trong TK.

Xưa kia, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) đã khen Nguyễn Du là bậc thầy về việc sử dụng Điển cố trong TK.  Tôi hoàn toàn đồng ý với cả hai vị .

Một ví dụ về cách dùng “Điển” của Nguyễn Du:

Sông Tương một giải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia

Nguyễn Du chỉ cần hai chữ “Sông Tương” trong Tình Sử:

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy

Hai chữ “Sông Tương” dùng trong TK của Nguyễn Du rất tự nhiên, tan biến trong thơ ông, khiến người đọc không nghĩ nó xuất phát từ một Điển cố. Sử dụng Điển cố mà như vậy thì thật là “tuyệt diệu hảo từ”!

Văn chương thì như vậy, còn vấn đề Triết lý trong TK thì sao?

Hải Bằng, tác giả VNVHSLK đã viện dẫn khá đầy đủ các triết thuyết trong TK như: Thuyết Tài Mệnh Tương Đố của nhà Nho; thuyết Nhân Quả, Nghiệp Báo của nhà Phật; Rồi chữ TÂM làm nền tảng đạo lý cho Truyện Kiều.

Tôi cũng đã đọc khá nhiều các tác giả nói về TK, nhưng chưa thấy ai đề cập Thuyết Vô Vi của Đạo Lão cả.  Theo thiển ý thì thuyết Vô Vi từng hiện diện trong TK qua nhân vật Thúy Vân.

Xin tóm tắt một cách đơn giản về Thuyết Vô Vi:  Không làm thì không có hậu quả, không yêu thì không thất tình, không tranh thắng thì không bị bại…

Con người, sở dĩ phải khổ sở, lo nghĩ là vì phải hành động (hữu vi).  Nguồn gốc của hành động là Dục tình, nếu dứt hết được dục tình thì không phải lo nghĩ, khổ sở.  Muốn cho lòng được thư thái, thân được an nhàn thì không hành động (vô vi).  Trong dân gian kẻ gần Đạo nhất là những đứa hài nhi; Người có nhiều Đức cũng hồn nhiên như trẻ thơ vậy.

Như đã nói ở trên, Thúy Vân là con người luôn luôn có tâm hồn vô tư và hồn nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Thúy Vân cũng xấp xỉ tuổi tác của Thúy Kiều, nhưng Thúy Kiều thì tiêu biểu cho con người “hữu vi”, gặp hoàn cảnh nào cũng động lòng trắc ẩn. Dọc đường, khi gặp mộ của Đạm Tiên, là một nấm mồ vô chủ, không ai nhang khói; Thúy Kiều liền lên tiếng hỏi:

Rằng sao trong tiết thanh minh

Mà sao hương khói vắng tanh thế mà…

Và sau khi nghe Vương Quan kể lể:

Đạm Tiên nàng ấy vốn là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xốn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh …

Nhưng rồi khi nghe Vương Quan kêt luận:

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng …

Đến đây thì Thúy Kiều đã không nén khỏi nỗi thương cảm:

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa …

Trong khi đó Thúy Vân vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, còn quay ra trách chị mình:

Vân rằng chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…

Điều này chứng tỏ Thúy Vân tiêu biểu cho con người “vô vi”, hồn nhiên, vô cảm trước mọi hoàn cảnh.

Kế đến, ba chị em gặp Kim Trọng, một chàng thư sinh đẹp trai, con nhà giầu, còn là chỗ đồng thân với Vương Quan (học cùng trường).  Kim Trọng tiến lại chào hỏi, hai Kiều thì:

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về cách tả chân của Nguyễn Du:  tả người con gái đẹp đã đành, nhưng khi tả người con trai đẹp cũng tuyệt diệu làm sao:

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao …

Cái đẹp (trai) của Kim Trọng còn lây lan ra cả một vùng quanh chàng, bảo sao mà những người con gái như Thúy Kiều, Thúy Vân không thích cho được!  Ấy vậy mà chỉ có Thúy Kiều bị Kim Trọng “hớp” mất hồn:

Người quốc sắc kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e …

Rồi sau khi chia tay, về nhà, cũng chỉ có Thúy Kiều là:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không …

Không nghe nói Thúy Vân có “suy nghĩ” gì sau khi gặp Kim Trọng.

Đến khi gia đình Kiều gặp nạn, do thằng bán tơ vu oan, giá họa cho khiến hai cha con Vương ông và Vương Quan đều bị đóng gông và bị trói chung lại với nhau, bọn sai nha nhân cớ này hành hạ và đánh đập hai cha con rất tàn nhẫn để khảo của:

Lạ gì là thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền …

Phải có tiền nhiều mới dàn xếp nổi vụ này, do đó Thúy Kiều, vì là chị lớn trong nhà, phải đi đến một quyết định quan trọng làm đảo lộn hết cuộc sống trong gia đình Kiều nói chung và cuộc đời của nàng Kiều nói riêng: nàng phải bán mình cứu lấy cha và em thoát vòng lao lý!  Trong giờ phút nghiêm trọng ấy, Kiều phải cân nhắc giữa hai bên: Tình (với Kim Trọng) và Hiếu (với cha):

Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn …

Như chúng ta đã biết, cuối cùng Kiều đã chọn chữ Hiếu.

Việc nhà coi như tạm ổn, lúc đó Kiều mới tự nghĩ đến riêng mình, làm sao trả được mối duyên nợ đã thề bồi.  Kiều chong đèn suốt đêm, sụt sùi than khóc.  Trong khi đó thì Thúy Vân, sau một giấc ngủ thật ngon (giấc xuân) chợt tỉnh dậy, thấy chị khóc, mới đến bên Thúy Kiều an ủi:

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân

Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han …

Đọc đến đây ta mới thấy rõ cái tâm tính hồn nhiên, vô tư lự của Thúy Vân, biểu lộ thật rõ nét!  Gia đình gặp nạn lớn như vậy mà nàng Vân ta vẫn cứ thản nhiên đánh một giấc ngủ ngon lành (giấc xuân).  Như thế không gọi là “vô vi” thì gọi là gì?

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa …

Trong Truyện Kiều, ta thấy Thúy Vân về sau là vợ của Kim Trọng, sinh con đẻ cái cho chàng, và trở thành một mệnh phụ phu nhân:

Một cây cù mộc, một sân quế hòe …

Và:

Một nhà phúc lộc gồm hai

Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần

Tôi đã mạo muội đưa thuyết “Vô Vi” vào Truyện Kiều, đúng hay sai tùy sự thẩm định của bạn đọc.

Trở lại với cuốn VNVHSLK của Hải Bằng, phải công nhận tác giả đã dày công sưu tầm những công trình văn học của các danh nhân trong lịch sử nước ta, mà biên soạn thành bộ VNVHSLK, là một cuốn sách về văn học rất súc tích, rất đáng để chúng ta tìm đọc và cất giữ trong tủ sách gia đình, dùng làm tài liệu văn học cho các thế hệ mai sau.

Vì thế, tôi xin trân trọng giới thiệu VNVHSLK của tác giả Hải Bằng-Hoàng Dân Bình đến tất cả độc giả bốn phương.

Nguyễn Văn Thành, Cựu Thẩm Phán

Viết xong tại VA ngày 10/07/2016

Ghi chú: 

Liên lạc tác giả Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo:

Hải Bằng Hoàng Dân Bình: Email: binhhoang684@yahoo.comTel:    (480) 330-3371

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *