BORIS L. PASTERNAK (1890 – 1960) Nhà Văn, Nhà Thơ Nga trong thời đại Stalin Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1958

Phạm Văn Tuấn

http://to-name.ru/

1/ Nhà Thơ kiêm Nhà Văn Boris L. Pasternak.
Boris Leonidovich Pasternak chào đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1890, là con trai của họa sĩ Leonid Pasternak, giáo sư của trường Mỹ Thuật Moscow, và bà Rosa Kaufmann, một nhạc sĩ dương cầm có tài. Boris đã trải qua thời niên thiếu trong một gia đình gốc Do Thái thấm nhuần văn hóa và nghệ thuật cao. Tài năng ban đầu của Boris thể hiện trong phạm vi Âm Nhạc. Boris đã đam mê các nhạc phẩm của Scriabine rồi vào tuổi 19, dồn thời giờ theo học bộ môn sáng tác nhạc trong 6 năm, nhưng khi bước chân vào đại học Moscow, Boris đã ưa thích môn Triết Học, đã theo học các khóa hè với giáo sư Hermann Cohen, một người theo trường phái Triết Học Kant Mới (néo-Kantien).
Boris Pasternak cũng thán phục các nhà văn biểu tượng A. Blok và A. Biely nên vào năm 1913, đã tham gia vào nhóm thi sĩ thuộc trường phái “Tương Lai” (futurism) có tên là “Ly Tâm” (Centrifuge) và do ở trong nhóm thi sĩ này, Pasternak đã cho ra đời tập thơ đầu tay có tên là “Người sinh đôi ở trong mây” (The Twin in the Clouds, 1914). Các vần thơ của Pasternak rất đặc sắc nhờ ngữ vựng phong phú, âm điệu mới mẻ, tiết điệu thay đổi, nhiều lặp âm (alliterations) và cách diễn tả các hình ảnh giống như của Maiakovski là thi sĩ mà Pasternak rất thán phục và chịu ảnh hưởng.
Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, Boris Pasternak đã làm việc trong một nhà máy hóa chất thuộc miền núi Urals, rồi sau cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917, ông phục vụ tại một thư viện của bộ Giáo Dục.
Boris Pasternak đã cho xuất bản các thi tập tiếp theo: “Vượt qua các trở ngại” (Over the Barriers, 1917), “Em tôi, cuộc đời” (My sister, Life, 1922), và “Sinh lần thứ hai” (Second Birth, 1932) qua đó thể hiện các ảnh hưởng của trường phái biểu tượng (symbolism) của thế kỷ 19 với cách chú trọng vào các tính bí ẩn, ấn tượng và thẩm mỹ, tuy nhiên cũng mang các đặc tính canh tân với cách phối hợp các hình ảnh và cách tới gần lịch sử và thiên nhiên.
Các thi phẩm của Boris Pasternak đã chứng tỏ ông là một nhà thơ xuất sắc, tuy nhiên các nhà phê bình văn học cộng sản Liên Xô đã khiển trách ông là thơ phú của ông đã không theo đúng các kiểu mẫu của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism), vì vậy sau năm 1932, chỉ có hai tập thơ của Boris Pasternak xuất hiện: “Trên chuyến tầu sớm” (On Early Trains, 1943) và “Khoảng trống địa cầu” (The Terrestrial Expanse, 1945).
Vào thập niên 1930, nhất là vào các năm 1936-38, các khủng bố của chính quyền Stalin đã hành hạ các nhà văn và nhà thơ vì họ đã không theo đúng các giáo điều nghiêm khắc của đảng Cộng Sản, đặc biệt là nhóm thi sĩ miền Georgia mà Pasternak là một thành viên vào năm 1931. Người ta cho rằng trong thời kỳ thanh trừng đỏ của Stalin, Boris Pasternak được an toàn bởi vì ông đã chuyển ngữ một số bài thơ của Stalin viết bằng tiếng địa phương Georgia. Trước các đe dọa, ông Pasternak đành phải im tiếng, không sáng tác thơ văn, dành thời giờ vào công việc dịch thuật các tác phẩm của Keats, Shelley, Verlaine, Petrofi, rồi trong khoảng thời gian từ năm 1941 tới năm 1949, ông đã chuyển dịch 6 bi kịch lớn của Shakespeare cùng tác phẩm Faust của Goethe, tác phẩm Marie Stuart của Schiller, cũng như các tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ người Đức, người Anh khác.
Chính trong bầu không khí khủng bố và nghi kỵ của thời đại Stalin, Boris Pasternak đã phác thảo một cuốn tiểu thuyết duy nhất bắt nguồn từ các suy nghĩ đã có trước cuộc Thế Chiến Thứ Hai: “Bác Sĩ Zhivago” (Dr. Zhivago, 1957). Iouri Zhivago là một y sĩ người Nga đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn và rối loạn trong thời kỳ Cách Mạng của đất nước. Ông ta là một nhà trí thức, do tấm lòng thành thực, do niềm tin tôn giáo và tinh thần độc lập, đã xung khắc với lý thuyết và cách thi hành tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Iouri Zhivago không thể chấp nhận các luật lệ nghiêm khắc của chế độ này, nên đã cố gắng đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Ioui Zhivago cũng là một nhà thơ, vì vậy các câu thơ đã chiếm một phần tác phẩm.
“Bác Sĩ Zhivago” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử và xã hội, mang tính cách trở về với truyền thống hiện thực, đã trình bày một toàn cảnh của xã hội Nga vào thời kỳ của cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917. Do chỉ trích chế độ Cộng Sản, cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak bị các nhà phê bình Xô Viết tố cáo là “đã phỉ báng cuộc Cách mạng Tháng 10, nói xấu nhân dân và cách xây dựng xã hội của Liên Xô”, đồng thời các nhà xuất bản từ chối ấn hành tác phẩm, tác giả Pasternak bị trục xuất khỏi Hội Các Nhà Văn Xô Viết (the Soviet Writers Union) nhưng tác phẩm này đã được đưa lén qua Phương Tây và chuyển dịch sang 18 ngôn ngữ khác. Cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” này trở nên một tác phẩm quốc tế bán chạy nhất (an international best-seller) nhưng chỉ được lưu hành trong bí mật trên miền đất quê hương của tác giả.
Vào năm 1958, Boris Pasternak được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương, nhưng ông đã bị các nhà văn Xô Viết khác coi là một kẻ phản bội. Sau khi đã tuyên bố công khai rằng ông không muốn đi sống lưu vong, Boris Pasternak đã viết thư cho Thủ Tướng Nikita S. Khrushchev như sau: “Rời khỏi đất mẹ cũng là cách làm cho tôi chết”, ông từ chối nhận Giải Thưởng Nobel vì áp lực của chính quyền. Ông qua đời vì bệnh ung thư và bệnh tim vào ngày 30 tháng 5 năm 1960 tại Peredelkino, một nơi gần thành phố Moscow.
Sau khi nhà lãnh tụ Liên Xô Michail Gorbachev chủ trương chính sách “Cởi Mở” (glasnost), tác phẩm “Bác Sĩ Zhivago” được chính thức xuất bản tại nước Nga vào năm 1987, 27 năm sau khi tác giả qua đời, vào thời điểm này giới văn học Nga đã phục hồi danh tiếng của nhà thơ kiêm nhà văn Boris Pasternak và căn nhà của ông tại thị trấn Peredelkino được chuyển thành một viện bảo tàng.
Các tác phẩm khác của Boris Pasternak gồm có: “Các lối đi thanh thản” (Airy Paths, 1925), cuốn tự thuật “Đối xử an toàn” (Safe Conduct, 1931), “Tôi nhớ lại” (I Remember, 1957), và một vở kịch dang dở “Vẻ Đẹp mù” (The Blind Beauty, 1969).

2/ Một Bài Thơ trong Tác Phẩm “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak.

MEETING
The snow will bury roads
And houses to the roofs
If I go to stretch my legs
I see you at my door.

In a light fall coat, alone,
Without overshoes or hat,
You try to keep your calm,
Sucking your snow-wet lips

The tree and fences draw
Far back into the gloom.
You watch the street, alone
Within the falling snow.

Your scarf hangs wet with snow,
Your collar and your sleeves,
And stars of melted flakes
Gleam dewy in your hair.

A shining wisp of hair
Lights suddenly your face,
Your figure in the cold,
In that thin overcoat.

Flakes gleam beneath your lashes
And anguish in your eyes.
You were created whole,
A seamless shape of love.

It seems as if your image
Drawn fine with pointed steel
Is now in silver lines
Cut deep within my heart.

Forever there you live
In your true humility
It does not really matter
If the world is hard as stone.

I feel I am your double
Like you outside, in dark
I cannot draw the line
Dividing you from me.

For who are we, and whence,
If their idle talk alone
Lives long in aftertime
When we no longer live?

Boris Pasternak (1890-1960)
(Translated by Eugene M. Kayden
in the Poems of Doctor Zhivago)

GẶP GỠ
Tuyết vùi chôn những lối mòn
Và rơi phủ trắng trên muôn mái nhà
Khi anh dạo bước chân qua
Thấy em bên cửa thướt tha bóng hồng.

Đơn côi manh áo thu phong
Chân trơ hài lạnh, đầu không mũ hàn,
Vẻ thản nhiên, dáng bình an
Đôi bờ môi nhấm tuyết tan ướt mềm.

Hàng cây bờ dậu im lìm
Xa, buồn, ảm đạm như chìm trong sương,
Em nhìn hiu quạnh phố phường
Bóng cô đơn giữa tuyết vương khắp trời.

Tuyết rơi làm ướt em tôi,
Ướt khăn, ướt áo, ướt người tôi thương,
Một trời hoa tuyết vấn vương
Long lanh tinh tú gieo sương mái đầu.

Tóc mây óng ánh tươi màu
Khuôn trăng xinh đẹp chợt đâu rạng ngời,
Dáng em vùng lạnh chơi vơi
Phong phanh áo khoác giữa trời giá băng.

Bờ mi tuyết đọng sáng ngần
Sáng thêm đôi mắt sầu dâng võ vàng.
Từ em sáng tạo vẹn toàn
Tình yêu hình tượng vô vàn tinh nguyên.

Dường như nếu bóng hình em
Vẽ bằng nét nhọn dễ chìm nét hoa
Thì giờ đây cũng khó nhòa
Khắc sâu nét bạc đậm đà tim anh.

Ấp e nơi đó mộng lành
Bóng em sống mãi, chân thành, khiêm cung,
Mặc cho trần thế mịt mùng
Khó khăn gian khổ chập chùng sá chi.

Trong anh tâm tưởng mãi ghi
Rằng hai ta chẳng cách ly bóng hình,
Anh đâu vạch được đường tình
Phân ranh đôi lứa chúng mình lìa xa.

Cội nguồn lai lịch chúng ta
Có chăng ai biết cũng là thế thôi,
Mai này còn mãi chuyện đời
Dù đôi ta hết rong chơi cõi trần.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

 

 

Phạm Văn Tuấn biên khảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *