Người Quét Mộ Cụ Phan

Nguyễn Văn Sâm

Năm sáu đứa học trò coi bộ thiếu ăn, ốm nhom, chừng 12, 13 tuổi nhảy chưn sáo chung quanh đoàn du khách, nhìn ngó lom lom từng người như muốn khám phá điều gì đó. Cuối cùng một đứa coi bộ sáng láng nhứt rụt rè nói với tôi:

‘Chú có muốn đi thăm ông Sáu Hấu không vậy? Ai tới đây cũng đi thăm ông Sáu Hấu hết .’

Tôi quay lại, hỏi bằng mắt. Đứa khác chỏ miệng xía vô:

‘Giờ nầy chắc ổng có ở nhà đó.’

Đứa nầy thúc đứa kia, co ro, chùm nhum vô một đám nhưng không đứa nào tới quá gần chúng tôi.

‘Chắc chắn là có . Năm giờ rồi. Cở chừng 4 giờ thì ổng đã về rồi .’

Tiếng mà, của nó lập lại, kéo dài, dễ mến cách gì. Bỗng nhiên tôi thấy mình muốn biết nhân vật Sáu Hấu nầy.

‘Mà ông Sáu Hấu là ai vậy mấy cháu?’

‘Ổng là người quét mã Cụ Phan đó .’

Hết lại ! Tôi cười trong bụng.

‘Ủa lạ há? Vậy ai trả tiền cho ông ta?’

‘Đâu ai trả tiền cho ổng đâu . Ổng tự nhiên lấy chổi quét mình ên mỗi ngày. Ban đầu người ta còn đuổi đi nhưng thét rồi chán không ai rầy rà nữa, ổng cứ quét tự nhiên như nhà của ổng hà, họ để ổng mình ên muốn làm gì làm.’

Tôi khoái tiếng mình ên nầy, còn làm bộ ngu ngơ:

‘Bộ chủ đất hay là chủ mã ngầy ngà ổng hả?’

Mấy đứa nhỏ bỗng nhiên xô nhau chạy nhảy lung tung, cười nức nẻ:

‘Làm gì có chủ mã! Đó là Chú Tám Chinh, Chủ Tịch Xã đó.’

Mệt quá với mấy cái tên như Sáu Hấu, Tám Chinh…, nghe qua khó nhớ thấy bà nội. Tôi tò mò thêm nên quyết định đi tới nơi cho biết nhân vật Sáu Hấu.

‘Xa không vậy mấy đứa?’

‘Quẹo sau bụi chuối đằng kia, đi thẳng chừng mười phút, bỏ cái chùm cây nhum thì thấy nhà ổng dưới cây trâm bầu lớn nhứt chỗ ao cá đó.’

Một đứa liếng thoắng nhứt chỉ thằng nhỏ vừa mới nói câu vừa rồi.

‘Đó là hố bom có ông nội nó bị bắn chết hồi xưa ở đó.’

Tôi thở dài, nói nho nhỏ : ‘Chiến tranh di hại lâu dữ ha, tới bây giờ còn để lại vết tích.’

Thằng nhỏ nghe nhắc chuyện xưa có vẽ ngơ ngác, chắc nó lạ lẫm với cái từ chiến tranh di hại. Nó ngó tôi lặng thinh. Cái thằng! Chỉ đường coi bộ rành rọt nhưng làm cho tôi lờ mờ thêm vì cây trâm bầu ra làm sao tôi thiệt tình không biết, chỉ biết qua cái tên của một cuốn tiểu thuyết nào đó thời xa xưa. Cây nhum thì tôi còn mù tịt hơn.

‘Tụi con đi với chú.’ Một đứa con gái nảy giờ lặng thinh bây giờ mới lên tiếng.

Đó, tôi biết ông Sáu Hấu trong trường hợp như vậy bốn năm về trước khi thiết đặt chương trình đi thăm mộ các danh nhân trong nước. Mộ Phan Thanh Giản nằm ở cái xã nhỏ thuộc huyện Ba Tri, Bến Tre. Điều đầu tiên làm tôi thất vọng khi so sánh mộ Cụ Phan khiêm nhường ở trong một rẻo đất, chung quanh đầy nhà cửa dân chúng, cây cối mọc lan tràn lấn chiếm, trong khi đó lăng Nguyễn Đình Chiểu cách không xa bao nhiêu nằm ở một vị thế trang trọng, có đền thờ, có quá nhiều bậc thềm lên lăng, có mấy cô thuyết minh duyên dáng lịch thiệp, có nhiều người săn sóc, quét tước, tỉa cây và nhang đèn cung cấp cho khách viếng với giá tự nguyện.

Ông Sáu Hấu cười như mếu:

‘Điều vui cho Cụ Phan là Cụ có bạn láng giềng’, ông vừa nói vừa hất hàm chỉ về ngôi mộ của Võ Trường Toản ở gần đó. ‘Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chỉ có người sống đến làm lễ nầy lễ kia, còn đại thần Phan Thanh Giản có bạn cõi âm cận kề tâm sự luôn luôn. Chưa biết điều nào làm thỏa lòng người đã khuất hơn!’

Tôi buột miệng ngâm:

Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử..

Ông Sáu Hấu làm tôi ngạc nhiên khi tỏ ra hiểu rành vế đối:

‘Ừ! Cụ Võ không con mà có bao nhiêu học trò trọng nể coi như cha ruột. Cụ Phan có nhiều con cháu nay vì thời thế tản lạc tứ phương. Tôi quét mộ Cụ coi như là cháu chít tinh thần…. Mà cần gì máu thịt hả? Thương nể chân thành là được rồi. Tôi thương mến Cụ vì tập Lương Khê Thi Thảo, tôi nể phục Cụ vì chén thuốc độc ung dung bưng đưa lên môi uống cạn.’

Ngoài sân một con gà mái đương túc con, độ mười con gà con lông tơ vàng, dễ thương cách gì tít tít chạy theo mẹ. Chút nắng vàng èo uột sót lại trên tàng cây càng làm cho cảnh trí mang thêm nét tiêu điều cố hữu.

Tôi hậm hực hỏi giống như tra vấn:

‘Sao mộ Cụ Phan không được chánh quyền địa phương săn sóc trong khi ông là đại thần dính dáng đến lịch sử và đất địa nầy, ông đã sống tiết tháo và chết oai hùng với nhiệm vụ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu chỉ là nhà văn lên tiếng chống ngoại xâm thôi, không có dịp chứng tỏ sự anh dũng bằng hành động dầu rằng văn ông bốc lửa khi nước nhà ngữa nghiêng?’

‘Biết đâu ! Muốn thì người ta làm, hơi sức đâu mà giải thích. Với lại ai dám hỏi mà người ta có dịp nói ?’

Tôi thích thêm tiếng chấm câu của ông Sáu Hấu, cũng như tôi thích tiếng lúc còn học Trung Học qua miệng cô bạn cùng lớp mang dòng máu đất Thăng Long văn vật xa xưa. Nói chung tôi thích những tiếng ít người dùng như tía, chế, hia, như mình ên, như huốt, như thây nó… Thích tiếng, lắm khi tôi thích luôn người xài tiếng đó mà không biết tại sao. Trong năm đầu tiên vô Đại Học tôi quấn quít bên thằng Ngầu, nó là kho tàng tiếng địa phương mà tôi chưa có dịp khám phá. Thích tiếng lạ, tôi lại mê những vật có tên là lạ, tôi thích cầm cái ky, mân mê cái chày vồ, ưa rờ cái khạp da bò, thích ngồi mép đít trên thành cái mái vú to tổ chảng, thích lột ăn từ lớp từ lớp bánh pía ngon lành, thích thưởng thức bánh thửng, mè xửng, bánh còng, bánh khọt, bánh tai heo, thích nhìn ngắm mấy lớp bánh da lợn màu mè… Tóm lại, tôi khoái nghe những tiếng lạ lạ, chơn chất không tìm thấy trong văn học, chỉ tồn tại bằng giọng nói của người bình dân nơi thôn quê ruộng rẫy.

‘Nè ông Sáu!’ Tôi giải thích theo kiểu khiên cưỡng là đất nước mình cần anh hùng. ‘Dám chống lại giặc, đối đầu với lực lượng áp đảo của giặc là anh hùng. Giao thành cho giặc xong dầu uống thuốc độc tự vận cũng là đầu hàng giặc, đâu thể gọi là anh hùng được phải không? Hạ bệ là phải thôi.’

Ông Sáu Hấu bình thản quấn điếu thuốc sâu kèn, đốt lửa, bập bập:

‘Chuyện đời, ở bên ngoài biết hết bí ẩn bên trong được đâu ! Giao thành để cứu dân ba tỉnh hay nướng hết dân đen ba tỉnh cho súng lớn súng nhỏ cái nào hay? Nói nhón một câu, khó biết lắm ông Việt Kiều ơi? Bàng nhơn thiên hạ phê bình thì dễ, tới chừng đụng chuyện mới biết khó dàng trời mây, bứt hết tóc cũng tính không ra kế.’

Tôi nhột khi bị kêu bằng Việt Kiều. Chẳng biết tại sao nữa, nhưng mà áy náy giống như mình làm điều gì sai trái người ta biết tẩy nhưng không nói ra. Có lẽ tôi mặc cảm trước việc làm vô vị lợi của ông già gầy còm nầy trong khi mình mạnh khỏe bảnh bao thọc tay vô túi quần đứng ngó. Tôi nói đẩy đưa cho có chuyện:

‘Và ông cho rằng biết thời thế để xử trí như Cụ Phan là anh hùng. Quét lau mộ Cụ, ông chứng tỏ rằng mình theo bảng giá trị khác với người đời phải không? Nói thiệt đi ông bạn!’ Tôi dùng chữ ông bạn với giọng thân mật, cầu hòa.

Ông Sáu Hấu ngó xuống cườm tay mình, đen mốc, khét nắng, sần sùi thẹo, rải rác mấy chỗ da chai, không trả lời thẳng, chỉ nhẹ nhàng:

‘Ừ thì làm nhón vậy mà. Cực khổ gì đâu chú em. Ngồi ngó mong ra ngoài sân cũng hết ngày, hết đời. Bóng thiều quang có chờ đợi ai bao giờ đâu. Quét tướt quơ quào ba cái lá khô, mấy đống chó ị cho mát dạ tiền nhơn vậy mà! Tôi nói bậy bạ vậy mà chú em thấy phải không chớ?’

Ông đứng dậy, hai cái ống quần xà lỏn hơi rộng, đong đưa trong khoảng không giữa lớp vãi quần xám mốc và bắp chân đen đủi như khúc củi mục nhỏ xíu của ông, tay vói lấy cây chổi tào cau, tay cầm nùi giẻ bỏ vô một cái sô lưng lửng nước. Bộ tịch hơi chậm, chưn đứng lên run run. Tuổi già ở quê tới mau hơn dân thành thị.

‘Đi! Tôi phải quét mộ cụ. Mặt trời xuống chút nữa thì tụi nhỏ cặp nầy cặp kia ngồi choáng chỗ khó lau quét.’

Tôi đề nghị xách giùm ông sô nước, ông Sáu Hấu từ tốn gạt nhẹ tay tôi ra điều nói mình chưa già.

Nơi mộ danh nhân kia, bóng chiều đã xuống nhiều, gió mát lạnh. Hai ba cặp trẻ đã giành những chỗ tốt, mấy chiếc xe gắn máy dựng che nửa hở nửa kín cho chỗ tình tự, mân mơn.

Ông Sáu Hấu lui cui quét dọn, như mình không có mặt trên cõi đời nầy. Ông nói nhỏ với tôi:

‘Đừng ngó bọn trẻ. Mắc cở tội nghiệp. Tuổi mới lớn thời nào cũng vậy thôi. Hưởng, mai tính theo mai.’ Ông nheo mắt mặt như dân chơi thứ thiệt: ‘Hôm nào huỡn huỡn mình ôn lại chuyện cũ đời mình coi. Đâu thua gì chúng nó đâu nè!’

Qua Tết, tôi mượn cớ dò đọc bài văn bia trên mộ Cụ Phan, lâu rồi hứa chép tặng một cơ quan văn hóa ở bên nầy, nên xuống lại vùng mộ Cụ để có dịp nói chuyện bá vơ với ông Sáu Hấu.

Thấy gần cả chục dưa bự xộn bỏ lăn lóc trong góc nhà, tôi xuýt xoa rằng ông ăn Tết quá lớn, ông giải thích:

‘Thằng Tám Chinh cho người đem tặng đó, tôi đâu thèm nhận. Của ăn cắp nhận mang tiếng chết. Tuần trước gần ngã ba đường cái có hai xe tãi chỡ dưa, giành lấn đường sao đó mà một xe lật nhào xuống ruộng, dưa bể lăn lủ khủ, tài xế cà nhắc bỏ chạy trốn, dân chúng hè nhau tới hôi dưa mang về chưng Tết. Bậy hết chỗ nói! Đã vậy mà thằng Tám Chinh còn thị thiềng cho bà con của nó đem xe ba bánh tới chỡ ra chợ bán. Tôi la rầy phản đối, nó trám miệng bằng mấy trái dưa ế nầy, nói là để kiếng Cụ Phan. Nói kiếng Cụ Phan thì tôi phải nhận nhưng mà chỉ để đó, thủng thẳng rồi tính. Vong hồn Cụ đâu chứng giám kiểu ăn cướp có ba tăng nầy mà kiếng với cúng.’

Tôi buột miệng nói một câu lãng nhách, hớ vô cùng:

‘Thôi mình lấy một trái xẻ ăn, còn bao nhiêu trả lại tụi nó.’

Sáu Hấu đỏ bừng mặt, lớn tiếng phản đối:

‘Ông là Việt Kiều mà nói vậy nghe được sao? Muốn ăn thì tôi ra chợ mua về một cặp mình ăn cho đã luôn. Của nầy là của bá vơ, ăn nuốt làm sao trôi khỏi cổ?’

Tôi phải cười mơn, giả lả là nói chơi, ông Sáu Hấu lâu lắm mới nguôi nguôi cơn giận.

Lúc sau tôi giả bộ thiệt thân tình hỏi về vợ con, ông ngâm nga theo điệu thơ Quê Hương … Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi. Rồi ông kéo áo lên khỏi bụng:

‘Xin lỗi ông Việt Kiều nha, tôi không tính cho ông biết cái vụ nầy nhưng mà… Thôi! Cái thẹo chần vần như vầy mà vợ con gì nữa.’

‘Sao lạ vậy kìa?’

‘….Thuyền tui tới Hồng Kông sau khi ở đây đã hết hạn tiếp nhận người tỵ nạn cho nên họ nhốt hết nguyên đám vô tù. Rạc ràng chừng hơn hai năm thì có chuyện cưỡng bức hồi hương. Mẹ, mình đã đánh đố với Tử Thần để đi thoát mà bị cưỡng bức hồi hương vì là người khách đến trễ giờ thì có là ăn c. Biểu tình hoài mà họ cứ trói từng người liệng lên xe trả về, từng đợt, từng đợt. Tụi tui 9, 10 đứa xung phong rạch bụng tự tử để phản đối. Máu chảy ngập sân, nhầy nhụa đỏ gạch mà nhân loại ngủ hết, chẳng ai lên tiếng lên tăm. Mấy đứa chết thẳng cẳng, còn mấy đứa ngất ngư. Tôi tỉnh dậy thì thấy mình đương ở trên máy bay bay về nơi xuất phát, bụng còn băng mấy lớp, máu tươm ra thấm đỏ áo. Cô nhân tình bé bỏng mất liên lạc từ đó.’

Tôi thở dài:

‘Thôi thì là… số mạng hết ông Sáu à! Ở đâu cũng là do thiên định sẵn rồi. Bôn ba chẳng qua thời vận. Cần là mình sống cho phải đạo. Quét mộ Cụ Phan, ông ơi, phải đạo hơn ngàn lần làm Việt Kiều quậy phá, ăn cắp ăn gian tiền nọ tiền kia của đất nước rộng mở bao dung.’

Sáu Hấu vui hơn đôi chút, tâm sự:

‘Thời gian ở trại, những đêm mưa rỉ rã, âm thanh giọt mưa gõ lên mái tôn trong đêm vắng nghe như nhạc chết, nói lên cái tương lai đen tối của người chẳng có quê hương. Thêm buồn vì sự tranh đấu phải giữ kín, không dám lộ, tôi ngâm nga mấy câu thơ của Cụ Phan làm khi Cụ đi xa không thể ngủ:

Nằm không ngủ đêm thành dài vô tận,

Nín lặng thinh ý tưởng hóa thâm trầm.

Năm tàn hết chuyện ngày qua tồn đọng,

Trở thành xưa cổ tích của ngàn năm.

Sông trôi chảy sánh thời gian tuôn lướt,

Vầng trăng kia soi mượt đỉnh cô phong.

Mang tâm sự biết ai đâu kỳ vọng,

Khách địa buồn đau xoáy buốt thân tâm.

‘Về lại đất nước mình, sau thời gian lăn lóc kiếm ăn khó nhọc, tôi trôi dạt tới đất địa linh nầy. Thấy mộ Cụ Phan điêu tàn, gà bới, chó chạy rong ị bậy, bọn trẻ xả rác lềnh khênh, mấy đứa chăn trâu đập bể đá cẩn, khẻ khờn mép bia… nhớ lúc ở trại trong vòng rào kẻm gai, tôi nuôi sống tâm hồn mình bằng bài thơ Bất Mỵ của Cụ nhờ đó khỏi điên, khỏi nhảy lầu, tôi phát nguyện….’

Tôi đứng bật dậy, đưa hai tay bắt tay người bạn già, nâng niu như bàn tay một người trưởng thượng trong gia đình lâu ngày không gặp. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau, chẳng cần nói điều gì thêm.

Mấy năm rồi hễ có ai về tôi đều nhờ ghé tìm thăm ông Sáu Hấu của tôi. Chẳng ai cho được một chi tiết cụ thể nào. Ai cũng nói hỏi không ra, không biết ông đi đâu rồi. Cái ao cá hố bom trước nhà ông bây giờ đã lấp mất, biến vào Không như dật sử đời ông. Sau cùng có người mơ hồ cho tôi biết ông vấp miễng sành hay đạp miểng bom, đinh sét gì đó rồi bị phong đòn gánh giựt chết. Riêng tôi nghĩ rằng ông đã lìa bỏ xác phàm, xa rời cõi có không trần cảnh để đi vào Cõi Không rốt ráo. Ông hóa thân xuống ban dạy từ bi cho người đời, thức tỉnh lòng hỉ xã trong tôi lâu nay đương mê ngủ. Có thể công nghiệp đã xong, ông chọn cách tịch gây nhiều cảm xúc nhằm nhắn nhủ gì đó với đời, chẳng hạn như: Đất nước chưa thật sự an lành, nỗi rủi ro bất hạnh vẫn đương rình rập dân đen từng giờ… Biết đâu được nà! Bài học ở đời nhan nhản quanh ta, khó là tự ta phải biết tìm ra bài để học.

Ở phương trời xa xôi, đôi lúc ngồi ngắm mây trời phiêu lãng trôi, nhớ xứ sở, tôi trách thầm khi thấy mình ngày đó ngu ngơ không giải nỗi bài toán tại sao lại quét mộ Cụ Phan. Ông Sáu Hấu đã gián tiếp cho lời gợi ý: ‘Giữa người yếu không thể tự vệ là dân ba tỉnh Miền Nam và kẻ xách vũ khí đi xâm lược là thực dân Pháp ai là kẻ đáng tôn vinh, ai là người nên xếp vào hàng bất xứng?’

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA, June 1-10, 2011

Lời người viết truyện:

Ông Sáu Hấu à! Thường truyện ngắn viết hết truyện thì thôi, thậm chí tác giả cũng không có quyền giải thích về tác phẩm của mình, phải trao toàn quyền hiểu như thế nào cho từng độc giả. Xin ông Sáu Hấu bỏ qua cho vài ba điều ông không muốn nói mà tôi đã nói, nhiều đoạn tôi hơi cường điệu chút đỉnh. Ông còn sống hay đã mất quan trọng đối với một đời người nhưng không quan trọng đối với bài học người đó trao truyền cho đời, do đó tôi nói lại chuyện của ông mà sẽ không đi tìm nơi ông an nghĩ dù chỉ để thắp một nén hương. Xin ông hiểu cho.

Về các chi tiết: Lăng mộ cụ Phan và Cụ Võ ở tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, cùng huyện.

Câu đối ở mộ Cụ Võ:

Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử.

Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong.

Bài Bất Mỵ (không ngủ) của Phan Thanh Giản trong Lương Khê Thi Thảo: Bất mỵ tiêu hà vĩnh/Vô ngôn ý chuyển thâm/Chung tuế  tích xuân hạ/ Lãi vãn thành cổ câm/Giang lưu tranh nhật quỹ/ Minh nguyệt quá cô sầm/Hữu hoài phục thùy ngữ/ Đao đao du tử tâm. (Nguyễn Văn Sâm dịch.)

 

Về miền Tây

Sơn Tùng

Tháng 1 năm 1983, tôi từ Trại Tị nạn Bataan, Philippines, được người thân bảo lãnh sang Mỹ. Nơi đến: Santa Clara, miền Bắc California. Vài tháng sau, tôi di chuyển sang Orange County, miền Nam Califonia.

Orange County được người Việt tị nạn gọi là “Quận Cam”, bao gồm ba thành phố: Santa Anna, Westminster và Garden Grove nên được gọi là “khu tam tỉnh”, hay “Little Saigon”, hay oai hơn: “Thủ đô Tị nạn”.

Hai năm sau, tôi lại di chuyển sang Virginia, thuộc Vùng Hoa-Thịnh-Đốn (Washington Area), ở miền Đông nước Mỹ, cho tới ngày nay, và không có mấy dịp trở lại miền Tây. Lần chót tôi đi California cách đây sáu năm.

Ngày 9.6.2017, Nhà văn Nguyễn Quang từ miền Tây gọi điện thoại cho tôi báo tin chị Minh Đức Hoài Trinh, người bạn đời của anh, từ trần. Tôi cảm thấy như vừa mất một người thân trong gia đình.

Tôi đã đọc Minh Đức Hoài Trinh hơn 60 năm nhưng mới quen biết chị khoảng 20 năm nay, khi có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mà tôi đang là người đứng mũi chịu sào trước cơn mưa to gió lớn.

Trong cái rủi đã có cái may. Vì vài kẻ làm loạn trong Văn Bút, tôi đã có dịp gặp Minh Đức Hoài Trinh, một người cầm bút với nhân cách tuyệt vời hiếm có, khác hẳn với một số nhà văn, giáo sư, bác sĩ, luật sư…mà tôi đã biết.

Bản tính hiền hòa, nhưng trong cuộc sống, khi phải chọn lựa, chị luôn luôn dứt khoát đứng về phía lẽ phải và chân l‎ý. Không mập mờ, không ngả nghiêng, không chao đảo, không đứng giữa, không đứng ngoài, đứng bên…

Trước đây ba năm, năm 2014, cuốn “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” được xuất bản dày ngót 400 trang gồm bài viết của nhiều tác giả ở nhiều nơi, thuộc những thế hệ khác nhau, đã khẳng định một điều: Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút dấn thân và có một sứ mạng.

Chị đã dùng hai chữ Minh Đức ghép vào tên làm thành bút hiệu đã thể hiện đúng con đường mà chị đã đi trong hơn 60 năm cầm bút.

Được anh Nguyễn Quang cho biết Minh Đức Hoài Trinh đã rời khỏi trần thế  một cách nhẹ nhàng, thanh thản, với gương mặt vui tươi. Tôi nghĩ vì chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã làm những gì chị muốn làm và có thể làm, cho mình và cho mọi người, bằng tình thương yêu mọi người và cũng được mọi người yêu thương.

Khi được tin chị Minh Đức Hoài Trinh mất, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là phải sang Cali tiễn đưa chị, trong khi tôi chưa bao giờ sang miền Tây để dự tang lễ của ai, dù cũng có vài người thân và rất thân đã ra đi.

Tôi không thích những cảnh buồn, không thích nhìn những cảnh buồn, và rất ngại đi xa, nhất là trong thời buổi khám xét cực kỳ gắt gao tại phi trường vì nạn khủng bố khắp nơi trên mặt đất này.

Nhưng, cuối cùng tôi cũng lên máy bay sang Cali để tiễn đưa chị Minh Đức Hoài Trinh. Anh Nguyễn Quang cảm động lắm, anh nói: “Minh Đức luôn nhắc tới anh với một cảm tình đặc biệt.”

Tôi cũng cảm nhận điều ấy trong những lần sang “thủ đô của người Việt tị nạn” trước đây,  chị Minh Đức Hoài Trinh đều “giành quyền” thù tiếp tôi trong khi tôi có khá nhiều bạn và bà con ở miền Tây.

Sang đây lần này, không còn chị. Tôi ngủ hai đêm trong căn nhà xinh xắn ở Midway City đầy những sách và hình bóng của chị. Anh Nguyễn Quang đi quanh quẩn trong nhà như tìm kiếm một báu vật đã mất. Tôi nói chuyện bình thường, hy vọng giúp anh khuây khỏa.

Có người hỏi tôi đám tang Minh Đức Hoài Trinh có lớn không? Tôi không biết trả lời thế nào. Và thế nào là “lớn”? Có đông người tới phúng điếu? Có nhiều người nổi danh, nhiều chức tước tới đọc điếu văn tán dương công đức? Có nhiều vòng hoa? Có làm lễ phủ cờ?

Nếu như thế thì tang lễ Minh Đức Hoài Trinh không “lớn”. Chắc tang gia và chính người đã ra đi cũng không mong muốn có một tang lễ như vậy, dù tôi cũng thấy có nhiều vòng hoa đẹp, cũng có những khuôn mặt nổi danh tới viếng, kể cả Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí.

Thị trưởng Tạ Đức Trí chia buồn với tang gia

 Có nhiều điều đáng nói về sự hiện diện của ông Tạ Đức Trí. Ông thị trưởng trông rất trẻ và nhã nhặn nhưng phong thái tỏa ra cái uy của một quan chức chính quyền. Nhìn ông thị trưởng tiếp xúc với cư dân đồng hương của ông, tôi liên tưởng tới những cảnh thường ngày thời Việt Nam Cộng Hòa khi ông tỉnh, ông quận “thăm dân cho biết sự tình”, và không thể không nghĩ đến thực trạng vùng “Quận Cam” ở miền Nam California hiện nay. Dân Việt Nam tại đây đã chiếm đại đa số và có quốc tịch Mỹ, có lá phiếu đi bầu và cũng có quyền ứng cử. Vì vậy ngày nay vùng này đã có người Việt làm thị trưởng, và dân biểu, nghị viên, công chức các cấp. “Little Saigon” đã trở thành một phần của “Sài-gòn hoa lệ” năm xưa trên đất Mỹ!

Và, vì là một phần của Sài-gòn hoa lệ nên cũng có những lề thói của dân Sài-Gòn năm xưa, như ồn ào, chia rẽ, ham danh, thích khoa trương, chơi nổi, thích nhậu nhẹt…Trở về miền Tây nước Mỹ tôi nghe lòng ấm áp như được sống lại với “Sài-Gòn của tôi” năm xưa khi gặp lại bạn bè, bà con, được đón tiếp đầy thân tình.

Nói tới Sài-Gòn năm xưa trên đất Mỹ ở “Quận Cam” trong chuyến về miền Tây vừa qua, tôi không thể không nói tới Nhạc sĩ Lam Phương. Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn trong nhiều thập niên.

Thật vậy, nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của Sài-Gòn qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, hay từ các cô gánh nước mướn nơi những xóm nghèo ở ngoại ô. Đến nay, Lam Phương đã sáng tác trên 200 bản nhạc.

Thăm Nhạc sĩ Lam Phương

Sau tang lễ chị Minh Đức Hoài Trinh, còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười:

–         Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…

–         Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?

–         Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.

–         Thế chúng nó có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?

–         Có chứ! Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.

–         Chúng nó không dùng tiền mua chuộc ông à?

–         Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.

–         Ông tin không?

–         Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi thì biết ngỏ nào ra?

Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký‎ kết, chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.

Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau.Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những  lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ. Và họ đã nhận được sự phỉ nhổ của công luận.

Được biết tháng mười tới đây một nhạc hội sẽ được tổ chức tại Virginia để vinh danh Lam Phương. Đồng hương và những người ái mộ ông tại Vùng thủ đô nước Mỹ chờ đợi để được đón tiếp người nhạc sĩ quốc gia tị nạn cộng sản đích thực đến từ “thủ đô tị nạn Quận Cam” ở miền Tây.

Sau năm ngày ở California, tôi sửa soạn trở về Virginia thì được tin lại có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khi người khai sinh ra nó vừa nằm xuống.

Diễn đàn “Nhịp cầu Văn hữu” của hội viên Văn Bút trên Internet đã biến thành chiến trường để các “văn hữu” trao đổi hỏa lực với những loại văn chương bị tố giác là (nguyên văn) “ tiếp tục gắp lửa bỏ tay người, dùng loại văn chương rác rưởi đối với tập thể cầm bút; dùng danh vị luật sư để hăm doạ người khác; dùng mớ kiến thức bùi nhùi, hổ lốn đối với những ai chống đối… một con người có đầy đủ những tố chất mưu mô, quỷ quyệt, gian hùng, xảo ngôn, lật lọng, điên khùng, háo danh…”

Cuộc chiến này chưa biết sẽ đưa VBVNHN đến đâu khi cuộc bầu cử ban chấp hành mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Thưa chị Minh Đức Hoài Trinh, chị đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với gương mặt vui tươi, xin chị cũng đừng phiền muộn vì những gì đang diễn ra trong VBVNHN, cái hội mà chị đã mang nặng đẻ đau với bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cao đẹp.

Sơn Tùng

 

Tiếng Khóc Muộn Màng

Nguyễn Văn Sâm

1.

Nhiều xe Cảnh Sát Dã Chiến phóng mau tới hiện trường. Họ lục đục xuống, bắc loa kêu gọi ‘Xin anh em hãy giải tán! Xin anh em hãy giải tán….’. Một số tham dự biểu tình lật đật chạy vô đứng lẫn lộn với bạn hàng trong chợ. Vài ba thanh niên cuốn vội những tấm biểu ngữ nhét vô chỗ nào đó khuất khuất rồi trở lại nhập vô đám đông đứng dưới những tấm biểu ngữ còn chưa nghiêng ngửa. Nhóm người nầy mỗi lúc một đông, toàn là thanh niên thiếu nữ trong tuổi đôi mươi, áo quần tươm tất, sơ-mi bỏ vô quần, áo dài thướt tha, giơ tay cao la hét những khẩu hiệu cáo buộc người cầm quyền đã được viết trên biểu ngữ. Họ có xao động đôi chút khi nhân viên công lực tiến tới gần. Hai bên đứng chỉ cách nhau chừng 2 thước, bên nầy hô to khẩu hiệu bên kia kêu gọi giải tán. Những chiếc dùi cui có đưa ra nhưng với mục đích hổ trợ vài ba người muốn rời khỏi tay níu kéo của đồng bọn hơn là đánh đập hay cố ý bắt hốt. Tiếng loa phóng thanh kêu gọi ồn ào hơn. Đoàn biểu tình lần lần bị tách rời với những người hiếu kỳ. Họ, lực lượng áo trắng, tay không, lúc nầy còn không có bao nhiêu, dầu vậy tiếng la hét đả đảo, kể tội Tổng Thống tham nhũng vẫn còn vang vội, và những tấm biểu ngữ còn lại vẫn hiên ngang đứng vững.

Tiếng loa kêu gọi: ‘Chúng tôi lập lại lần chót: Anh em hãy giải tán.’ Lần nầy âm độ lớn tới điếc tai. Vòng vây khép kín hơn với sự tiếp viện của ba bốn xe đóng lưới bít bùng vừa mới tới. Những trái lựu đạn cay cùng lựu đạn khói được tung ra khi nhiều nhân viên thường phục được điều động tới xua đuổi người hiếu kỳ.

Phóng viên ngoại quốc hơn chục người, mang máy ảnh cồng kềnh chạy lăng xăng, chụp hình cho nghiệp vụ mà không ai cản ngăn hay chú ý. Những người bán hàng đem tới bánh mì, nước uống và chanh xắt sẵn, một số phân phát được cho người nhận, một số khác bị đuổi xô ra khỏi vòng, cười cười bẽn lẽn phân bua. Khói lựu đạn xịt những lằn ngoằn ngoèo sát mặt đất, lần lần phủ màu vàng lan tỏa một khu không gian rộng lớn đang có tác dụng làm thối chí những ai chưa có điều kiện che mặt, xát chanh.

Lực lượng biểu tình tan lần lần như chợ bắt đầu chiều, nhiều người cầm biểu ngữ bị kè đẩy lên xe cây. Mấy chục tấm biểu ngữ bị vung vãi dưới đất đương bị dày xéo. Một vài viên Cảnh Sát Dã Chiến nhẩn nha lượm, cuốn lại đặt lên trên xe Jeep. Họ làm việc cần mẫn, ít nói chuyện dầu rằng vẻ hằn học sắt máu không thấy trên gương mặt ai.

Nhóm bám trụ còn lại ít ỏi, chừng hơn hai chục người. Mặt trời đã lên cao. Hai bên đều mồ hôi nhuễ nhoãi, đứng ‘kênh’ nhau, một bên bằng khiên thiếc và dùi cui cây, một bên bằng biểu ngữ và lòng cương quyết…

Tuấn kéo tay Ánh Thu theo đoàn người bỏ cuộc, lách mình qua nhóm Cảnh Sát Dã Chiến  đứng làm hàng rào, băng qua đường hướng về một con hẻm. Anh nói bên tai người con gái:

‘Hẻm nầy trổ ra đườngTrương Tấn Bửu. Mình về! Cay mắt quá, với lại kéo dài lâu dễ bị hốt. Họ chỉ nhân nhượng tới lúc nào đó thôi. Lâu quá họ đổ quạu mạnh tay…’

Người con gái chạy theo sức lôi của bạn, bỗng vấp hụt chưn té xụm vì đôi guốc Dakao kiểu dáng hơi nặng, may mà gượng dậy được, lếch thếch theo.

‘Ánh Thu mà té xuống người ta đạp lên không chết cũng què tay què chưn.’ Tuấn nói bằng giọng săn sóc, lo âu, rồi thêm: ‘Lần sau nên đi giày, gót cao vừa phải.’

Thu không nói gì, cũng chẳng muốn gỡ tay Tuấn ra, lúc nầy còn giữ thế làm gì nữa! Cô, tay kia ôm gọn hai vạt áo dài, chạy theo sức kéo của Tuấn, bây giờ lại mạnh hơn, quyết liệt hơn. Hai người lách đám đông tò mò đương lố nhố đứng che gần hết con hẻm, rẽ vô trong sâu. Khói lựu đạn cay phía nầy không nhiều, nhưng cũng đủ đuổi theo làm mọi người nước mắt nước mũi ràn rụa. Vài người dân núp trong cửa nhà mình vói tay ra trao những bụm chanh cắt sẵn. Thu mau tay nhận, chia cho Tuấn chà chà vô mặt, vô mắt. Ngoài kia những người hùng còn mang biểu ngữ đương giằng giựt với cảnh sát. Nhiều khi có cuộc xô đẩy nhưng phần nhiều người có trách nhiệm rất nương tay, họ cố giải tán đám biểu tình hơn là trừng phạt đánh đấm cho sướng tay hả giận.

Tuấn nói:

‘Có thể là nhờ bóng hồng của Thu nên mình thoát ra dễ dàng, không thôi bị lùa lên xe cây, sưu tra hai ba bữa mới được về. Hổng bị đánh đập gì nhưng mất thời giờ.’

Thu đứng lại thở, lúc nầy tay Tuấn đã buông khỏi tay Thu từ lâu, anh nói:

‘Qua vòng vây của họ rồi! Mình đứng đây coi diễn tiến ra sao. Họ giàn giá như vậy nhưng không dám làm mạnh đâu. Họ sợ mang tiếng vì có báo chí và phóng viên ngoại quốc quá nhiều.’

Cả hai bây giờ làm người vô can đứng dòm qua bên chợ. Một số nhân viên mặc thường phục đẩy vài ba sinh viên ngổ ngáo còn sót lại lên xe. Tiếng hô đả đảo đã hết, chỉ còn những tiếng rè rè của những bộ đàm trao đổi giữa người có trách nhiệm giải tán đoàn biểu tình với cấp trên. Xe cộ đã được phép lưu thông trở lại. Chỗ hiện trường mấy chục phút trước ồn ào náo nhiệt giờ trở lại với cuộc sống bình thường, ‘hiền như ma sơ khi đọc kinh cầu nguyện.’….

Khu chợ trở mình, xóa tan dấu vết của một cuộc biểu tình sôi động, đông ken vừa mới xảy ra. Bên kia đường, biển vàng Viện Đại Học Vạn Hạnh vẫn đứng im như lúc nào…

2.

Tôi thích nói chuyện bâng quơ với người lối xóm. La cà nghe hóng chuyện nọ kia khi tuổi già có cái lợi thư giãn và biết được tâm tình thầm kín của nhiều người. Nghe thiệt bình thản, không luận thuyết, tiếp nhận chuyện hay dở đều cười mín chi thông cảm, làm thân. Nhờ vậy mà tôi được coi như người địa phương mặc dầu cái bộ mặt trắng trẻo của tôi lúc mới tới ai cũng ngó lom lom, dè chừng, xa cách. Thằng Hùng khùng thì khỏi nói, đi tới đầu hàng rào bông bụp nhà tôi thì mười lần như một, lúc nào tay cũng ngắt một bông, bứt ra từng cánh đỏ, phũ phàng liệng xuống đất, vừa đi vừa se se phần còn lại làm chong chóng, mắt chăm chú quan sát như nhà thực vật học yêu nghề, miệng lầm bầm những gì không ai biết. Sau cùng thế nào nó cũng lắc lắc cửa cổng réo kêu mở để nó chắp tay sau đít đi tới lui như người trên trung ương về thị sát một xóm ấp nhỏ xa xôi.Từ cây khế đầu cổng tới cái hồ sen gần cửa ra vô nhà chánh, nó ngắm hết chỗ nầy rồi nghía chỗ kia. Chán chê thì bỏ đi ra, không thèm nói gì với ai, như là việc thị sát của nó đã xong, cả nhà cứ tự nhiên làm công chuyện bỏ dở dang nãy giờ.

Còn nhiều nhơn vật khác nữa: Bảy Cu ưa cự nự với vợ nhưng thích la cà với thầy giáo để học hỏi chuyện đời. Thằng Út-Mót-thầy-chạy nổi tiếng trong xóm với câu tuyên bố xanh dờn: Ba cái c.c., chia gia tài hổng công bằng, đứa nhiều đứa ít. Vậy mà gặp tôi lúc nào nó cũng chào thân thiện bằng câu kinh điển: ‘Thầy giáo mạnh khỏe?’Rồi buông một câu tình cảm hết sức nói: ‘Bữa nào huỡn hưỡn thầy giáo qua bên tui, mình làm vài xị lai rai…’ Thấy tôi ngần ngừ thì nó thêm: ‘Không uống nhiều thì uống ít, không ai ép thầy giáo đâu mà ngại. Rượu bất khả ép mà!’

Bà Sáu Bướu với con chó trung thành thì chỉ khi nào tay cầm cái bao xốp với vài ổ bánh mì ế độ mới tới trước cửa rào, đứng lớ ngớ một chập hèn lâu, đợi tôi ra chào hỏi cho có lệ rồi nhìn nhìn xuống mấy ổ bánh mì tỏ vẻ đau khổ. Tôi lần nào cũng mua trọn gói, mua rồi thì đãi những đứa trẻ trong vùng ăn thoải mái. ‘Ông mua cho tụi bây đó, tự nhiên đi mấy cháu!’

Bữa nay bà Sáu bỗng nhiên ngồi xà xuống trước cổng khi tôi đứng đó đương quơ tay quơ chưn làm cử chỉ vận động buổi sang mong chận lại vài ba phút bước tiến lấn chiếm của tuổi già.Cách ngồi của bà trong tư thế bất cần đời.Thả mình đánh phịch đít xuống đất, bất câu cát đá, bật ngửa ra, hai tay chống về phía sau. Cái quần đen ống hơi rộng, một bên tuột lên khỏi đầu gối đưa ra bắp chuối teo cơ, nhăn nheo, cũng không được chủ nhơn để ý. Cục bướu ở dưới càm, che khuất hết đằng trước cổ như lớn nặng hơn ngày thường, kéo trì xuống đụng ngực, những lằn gân đỏ trong đó hiện hình lưới nhiều nhánh rõ hơn, phập phồng theo từng hơi thở của người mang tội nghiệp. Con chó Vàng hưởi hưởi chưn chủ rồi đi lãng vãng vô mấy buội rậm rượt đuổi đám cắc kè rắn mối với tất cả sự hăng say của mình.

‘Khỏe không bà Sáu?’

‘Chào thầy giáo! Khỏe sao được mà khỏe, bịnh nầy chắc như bắp sẽ mang nó theo về bển, cùng đi chung xuồng về Bến Giác!’

Tiếng bển của người nói trầm xuống như đánh dấu than. Bến giác, chữ nghĩa bác học đi vào quần chúng bình dân, phát ra từ người đàn bà nầy nghe còn thảm thê hơn tiếng thở dài bất lực trước số phận. Bà Sáu ở trong tư thế bất cần đời vẫn ngước mặt lên, ngó xa xăm.

Tôi không biết bắt đầu chuyện từ đâu, đành trầm ngâm ngó buội tre trước mặt đã đời rồi bâng quơ nhìn trời mây qua mấy hàng dây điện chằng chịt. Một lúc hèn lâu mới vô đề được:

‘Mấy lúc gần đây không thấy ba thằng Hùng đi ngang đây nữa ha!’

‘Ổng còn bết bát hơn tui nữa! Đi đâu? Hai tháng nay rồi bộ thầy giáo không hay sao?’

Tôi chống chế chạy tội:

‘Ờ! Thời gian qua mau quá. Mới đó mà hai tháng rồi! Lần ổng đi nhà thương bằng xe ôm, gặp, tôi có chào hỏi, ổng nói đỡ đỡ mà mặt coi bộ buồn hiu!’

‘Ổng bị chứng thống phong, uống nước nấu cải bẹ xanh chừng tháng là hết chứ gì nhưng bả ỷ mình tanh tanh tiền, đâu có chịu, cứ nghe mấy cha nội thầy Tàu xí gạt, uống thuốc lọc máu, bổ gan, mát thận…. Tới bây giờ gần như nằm bẹp luôn. Đâu có đi đâu ra khỏi nhà, lúc nào cũng than đau nhức từ tuốt trong xương.’

‘Ủa? Nghe nói chạy thuốc sáng nhà sáng cửa mà! Bộ bết bát lắm sao?’

‘Ừ! bịnh chứng thì không thấy gì đáng sợ, nhưng bịnh tình thì ghê gớm…!’

Tôi thiệt tình bối rối trước câu nói của người đàn bà nầy, một người bị đời gạc xuống tận cùng của xã hội ai cũng tưởng rằng phải sống với ngôn ngữ bình thường lè tè mặt đất, đâu ngờ có thể nói một câu sách vở như vậy. Bà cúi xuống ngó mấy cái lá mình mới tướt bứt liệng xuống đất, thêm:

‘Tâm bịnh mà, nặng hơn thì có, bớt sao được, thuốc tiên cũng chịu thôi!’

‘Tâm bịnh?’

‘Thầy giáo biết đó, sống với người không thương!’ Ngừng một chút hèn lâu: ‘Xin cho hưu non, trên đồng ý nhưng không được hưởng chế độ. Chuyện nầy kia, ba ve dồn một hũ‘tâm bịnh’ là chuyện đương nhiên.’

Người đàn bà tội nghiệp nầy đưa nhận xét làm tôi ngạc nhiên. Cách nói của bà cũng văn hoa bóng bẩy, khác xa với bộ quần áo cháo lòng đương khoác trên mình bà.

Không biết nói gì hơn tôi đứng ngu ngơ ngó chung quanh, cũng là cách tránh nhìn ánh mắt buồn thảm của bà Sáu và cục bướu nặng nợ của bà. Một con chim lẻ đàn bay vút qua bầu trời xanh thẵm xa xa.

Người đàn bà chồm tới lượm một que khô ngoài tầm tay, vẽ những hình thù vô nghĩa trên mặt đất:

‘Tôi không tiếc cho tuổi trẻ của tôi đi trật đường, cũng không tiếc mình bị đá đít bỏ rơi. Chỉ tức là không nghe cha mẹ nên mắc vô sai lầm chết người. Không lo học hành, chỉ chạy theo tranh đấu, xuống đường, xuống điết. Tin ở con tim của mình tới chừng bị quăng đi như cái bị rách thì …’

Bà Sáu không nói hết câu, trầm ngâm hèn lâu với tiếng thở dài.

‘Ờ! Mà nói thì nói vậy chứ tức giận gì cho bị tai biến khổ thân. Nghĩ tới chuyện xưa, bực mình đập tay xuống bàn rủi đứt mạch máu não thì hại mình chứ hại ai!’

Con Vàng như là thuộc lòng tình trạng nầy của chủ, quay lại đứng kế bên, ủi ủi cái mỏ ướt của nó vô chưn bà…

Tôi theo thói quen cố hữu gợi lý lịch trích ngang của bàng dân thiên hạ:

‘Nghe nói bà Sáu lúc trước học Văn Khoa, vậy sao không xin đi làm gì đó ở văn phòng, bán cháo lòng bình đân ở nhà quê nầy làm sao đủ sống?’

‘Vậy mới nói! Trước kia ghi danh cho có chưn chứ học hành bao nhiêu. Nghe lời ổng đi biểu tình, đi tuyệt thực, thét rồi không biết mặt thầy, nói gì tới biết bài học…’

‘Biểu tình hoài, có lúc nào bị bắt không?’

‘Tôi thì chỉ bị một lần, cũng hơi ớn. Ổng bị đâu ba bốn lần gì đó. Nói nào ngay, họ không đánh đập gì, chỉ sưu tra, không có gì thì vài bữa thả.’

‘Vậy sao? Sao dễ như chơi vậy?’

‘Xưa là vậy đó! Khác với bây giờ! Xưa họ không có kinh nghiệm về mặt giữ gìn chánh quyền.’

Biết bà ta bị ảnh hưởng nào đó trong lời phát biểu nầy, tôi chỉ nhỏ nhẹ để không mở ra cuộc tranh luận không cần thiết:

‘Xưa người ta tôn trọng quyền lên tiếng của đối lập.’ Thấy bà Sáu trầm ngâm một lúc hơi lâu, hình như muốn chống đối, tôi chuyển hướng đề tài:

‘Tuổi trẻ ai cũng có lý tưởng, chỉ có điều là đúng hay sai thôi.’

Người đàn bà xì tiếng thiệt lớn:

‘Theo ổng chớ theo lý tưởng gì. Tức mình là sau nầy, tin lời bày vẽ của ổng, xin về đây làm cán bộ ấp, ấp Phú Hoà, xã Phú Hòa Đông mình chứ đâu xa. Ổng nói cưới, mà cứ cù nhầy, nhùn nha nhùn nhằn hoài, khi thấy tôi nổi cục bướu nầy lên thì ổng chạy làng. Lấy bà nầy ở B về. Ổng lúc đó có quyền thế trong huyện mà làm ngơ tui. Không giúp đỡ trị bịnh, cũng không cho ơn huệ gì. Bao nhiêu tiền cha mẹ cho bỏ vô tiết kiệm Tín Nghĩa Ngân Hàng không lấy ra được một cắc…Nghèo mạt rệp luôn. Khi cục bướu lớn thì còn tệ hơn: Kiết xác ngóc đầu lên không nổi.’

Bà Sáu nói một lèo như sợ ngừng thì sẽ không đủ can đảm nói hết lòng mình. Bà chấm dứt bằng những hơi thở mệt. Con Vàng tới gần, bà vuốt đầu nó nói nho nhỏ:

‘Gia tài bây giờ chỉ còn con chó trung thành nầy thôi. Bị sa thải, cùng mạt kiếp, sống lây lất nhờ nồi cháo lòng mỗi ngày. … Mà thôi! Mình làm thì mình chịu, trách ai bây giờ đây!…’

3.

Tôi như bị trói chặt chân tay, không thể giúp Ánh Thu những gì mà tôi muốn, đành giúp bằng những ánh mắt thương cảm mỗi khi Thu đi qua ngang đây. Cục bướu Thu mang trên người tôi cho đó là nỗi uất ức một đời lỡ làng vì tin tưởng vào lời hứa. Tôi bội ước do nhiều nguyên nhân trong đó tham vọng là chánh khi quơ đại quơ đùa tính làm diều bay lên…Ai dè! Cuối cùng thì sống trong tiếng ngầy ngà liên tục suốt đời.

Ông già bịnh hoạn kể lể trong tiếng nấc nghẹn.  Ngoài đường lũ trẻ ồn ào chen lấn bên dàn kẹo kéo nghèo nàn để nghe người bán kẹo hát những bài  tình cảm mấy chục năm nay bị cấm đoán. Tiếng hát, tiếng bàn tán phê bình vọng vô tới căn phòng đóng cửa âm u chúng tôi đương ngồi.

Tôi an ủi mà coi hình như chẳng thấm thía gì đối với nỗi tình đau của bịnh nhơn đương ngồi cú sụ lọt thỏm vô cái ghế bành:

‘Đời người ai cũng có những lỗi lầm. Cái lỗi của anh với bà Sáu dầu sao cũng về mặt tình cảm, dính đáng chỉ riêng một cá nhân.’ Tôi muốn nói thêm, biết bao nhiêu người khác có lỗi với muôn người… nhưng thấy mình nên ngừng tại chỗ đáng ngừng, nói ra cũng chẳng ích lợi gì. Với lại biết đâu ông ta sẽ cho tôi là chạm điện?

Chúng tôi im lặng thiệt lâu. Không gian lắng đọng có thể người nầy nghe được tiếng thở và nhịp tim của người kia. Hình như có tiếng càu nhàu của bà vợ ông ta ngoài vườn. Tiếng càu nhàu mà những lần trước ông khôi hài với tôi rằng lại mở dàn loa phường làm khổ lỗ tay thiên hạ..

Tôi chồm tới vịn vai ông, nói nhỏ báo tin bà Sáu đã được giới thiệu đi mổ cục bướu hôm qua. Chưa biết chuyện ra sao. Hình như bà rất yếu, mổ thành công chưa chắc đời sống kéo dài thêm được bao nhiêu vì chỗ mổ dính dáng tới yết hầu. Nghe xong, ông nói như mếu:

‘Cũng cầu cho ca mổ thành công. Sống thêm được ngày nào thì mừng ngày nấy. Cắt bỏ chứ mang như bây giờ thì ngất ngư quá.’

Lại chắt lưỡi:

‘Ngày đó tôi có quyền thế mà không dám nói lời gì để yêu cầu họ giúp Ánh Thu, sợ cái của nợ kia nghe được thì làm ồn ào, lớn chuyện. Miệng lưỡi Ánh Thu làm sao qua được miệng lưỡi cái loa phường đó.  Vậy mới hèn!’

4.

Cũng gương mặt đó, gương mặt héo hắt của người bịnh hoạn thân xác và đau đớn mặc cảm đương kệ cho những giọt nước mắt muộn màng tuông rơi. Để mặc ông ta nấc nấc cho đã cơn, tôi theo dõi những giọt nước mắt lăn dài trên hai đường rãnh bên mép, rơi từng giọt lên cái gối ôm đã ngả qua màu vàng hột gà… Tiếng rơi nhẹ nhàng, mơ hồ như tiếng dộng chuông báo cho người tình bị bỏ quên lâu nay nỗi lòng bi thiết của người ân hận. Từng giọt nước tỏa rộng trên mặt gối, giống như nụ cười mãn nguyện của người tình ông thời trẻ, người tình trước khi chết đã lãng mạn năn nỉ tôi lén báo tin để coi ổng có chăng nhỏ xuống những giọt nước mắt tiếc thương.

Trên trần nhà, hai ba con thằn lằn đồng thanh chắt lưỡi, không biết đó phải chăng là tiếng báo mãn nguyện của người phụ nữ hơn nữa đời chờ đợi sự ăn năn của người tình phụ?

Và tôi thấy tội nghiệp cho bà Sáu Bướu khi nhớ lại một lần bà bẽn lẽn thú nhận:

‘Phút thần tiên ngày xưa là sau khi biểu tình xong, ổng chở tôi trên chiếc Honda dame tình tứ tới trước cửa Bưu Điện Sàigòn, ăn một bữa bò bía trừ cơm. Giờ chuyện đó bay xa như từ muôn kiếp nào trong huyền thoại…’

Bà Sáu Thu! Mong tiếng khóc muộn màng của ổng hóa giải được nỗi buồn đeo đẳng bà bao nhiêu năm nay.

 

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA. Tuần lễ Tình Nhơn 2017)

Lịch Sử Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ July 4 – U.S. Independence Day

William Hoàng

Cộng đồng Việt Nam tham dự Diễn Hành Lễ Độc Lập Hoa Kỳ tại Washington D.C.

Trong khoảng 10 năm kể từ 1775, mười ba tiểu bang đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu đã kết hợp với nhau tiến hành một cuộc chiến chống Mẫu Quốc Anh để thành lập một quốc gia mới, trẻ trung, và lấy tên là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States Of America).

Hàng năm, cứ đến Ngày 4 Tháng 7, Hoa Kỳ cử hành Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ tức Independence Day để nhớ lại rằng sau nhiều năm thương thảo chỉ gặp những áp chế càng ngày càng khắc nghiệt hơn, Quốc Hội Lục Ðịa cuối cùng đã vùng lên đồng thanh chấp thuận đưa ra Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập(Declaration of Independence) vào ngày 4 Tháng 7, 1776, hai ngày sau khi đại biểu các tiểu bang biểu quyết dứt khoát đoạn tuyệt với Mẫu Quốc. 

 Vào ngày tuyên ngôn này, Hoa Kỳ chưa chuẩn bị để có lá quốc kỳ và bài quốc ca mới.  Bài ca hồi đó là “Hail, Columbia”, lá cờ là Grand Union Flag có 13 sọc cùng hình lá cờ Anh ở góc trái, và chưa có ngôi sao nào.  Cho tới ngày 14 tháng 7 năm 1777 Quốc Hội II Lục Ðịa Mỹ Châu mới ra nghị quyết nhìn nhận lá cờ hình chữ nhật có 13 sọc trắng và đỏ với 13 ngôi sao kết thành một vòng tròn trên nền xanh dương.  
 *
Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu (CCCMMC) và Tuyên Ngôn Ðộc Lập
Nguyên nhân và những yếu tố đưa cuộc cách mạng đến thành công
 Cuộc Chiến Cách mạng Mỹ Châu năm 1775 không kéo dài và ít đổ máu nhưng sự thành công của Cuộc Chiến Cách Mạng đó cùng với Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đã có một ý nghĩa hết sức quan trọng không riêng chỉ đối với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà còn đối với cả thế giới năm châu: sự thành công đó tạo một niềm hứng khởi say mê cho những con người vốn khao khát Tự Do của thời đại Bừng Sáng (Enlightenment) và là nguồn hy vọng tuyệt vời của những con người bị  áp chế muốn vùng dậy đòi lại quyền làm người.
 
Tình hình Châu Mỹ La Tinh trước CCCMMC bùng nổ
 Nhờ Christopher Columbus tình cờ khám phá ra Châu Mỹ trong những năm 1490, dân Âu Châu đổ xô đến đây để tìm vàng và lập nghiệp.  Có hai sự kiện lịch sử:
    (1) Jamestown ở Ðông Nam Virginia là ngôi làng đầu tiên của một số dân thuộc địa (colonist) người Anh ở Bắc Mỹ định cư vĩnh viễn vào năm 1607,
    (2) Plymouth ở Ðông Nam Massachusetts là nơi những vị Tiền Bối Tị Nạn Tôn Giáo – the Pilgrim Fathers – đổ bộ từ con Tầu Mayflower vào năm 1620. 
 Từ đó, các nước cường thịnh ở Âu Châu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Bồ Ðào Nha, v.v. đã dần dần thiết lập các thuộc địa trên khắp dải đất rộng lớn và nhiều tài nguyên của Mỹ Châu với diên tích khoảng 17 triệu dặm vuông, đứng hàng thứ nhì thế giới sau Châu Á.  Hoa Kỳ có diện tích khoảng 3 triệu 6 trăm ngàn dặm vuông đứng hàng thứ nhì sau Canada với 3 triệu 8 trăm ngàn dặm vuông.  Miền Bắc Mỹ Châu lúc đó có 13 tiểu bang, mỗi bang đứng đầu là vị Thống Ðốc. 
 Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu bắt đầu bùng nổ với Trận Lexington và Concord (Tháng Tư, 1775) và với tiếng hô hào rất lớn của Patrick Henry “Cho Tôi Tự Do hay là Cho Tôi Chết” (Give Me Liberty or Give Me Death).  Thi sĩ Emerson đặt hai câu thơ:
 Hence once the embattled farmers stood
And fired the shot heard round the world
 Nhập cuộc chiến các nông gia đứng dậy
Phát súng đầu nghe thấy khắp năm châu
 
Tại sao xẩy ra Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu?
 Nguyên nhân dẫn đến Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu là sự bất mãn cao độ về chính sách thuế khóa quá cưỡng ép và không khoan nhượng, cùng với vấn đề quyền hạn của thuộc địa bị hạn chế qua sự kiện “đánh thuế mà không có sự đại diện” (taxation without representation).  Nguyên nhân sâu xa là người dân thuộc địa từ lâu vẫn hoài bão một cuộc sống tự do, bình đẳng, và độc lập đối với Mẫu Quốc Anh.
 
Cuộc cách mạng thành công nhờ những yếu tố nào?

Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu thành công nhờ 5 yếu tố chính:

  1. Lòng bất mãn cao độ của dân thuộc địa Mỹ Châu trước sự ngoan cố của Anh Hoàng và Nghị Viện Anh.
  2. Cuộc chiến được lãnh đạo bởi những nhân vật có tài và có đức, tiêu biểu là George Washington.
  3. Ảnh hưởng của tham luận “Common Sense” cổ võ cho một nền cộng hòa độc lập.
  4. Ảnh hưởng của Bản Tuyên Ngôn Ðộc lập của nhóm Thomas Jefferson.
  5. Lòng ái quốc của các bà trong Cuộc Cách Mạng Mỹ Châu.

Tính Ngoan Cố của Anh Hoàng và Nghị Viện Anh quốc

 Anh Hoàng, George III có tiếng là đần độn từ nhỏ (học dốt) và chuyên chế; các triều thần tỏ ra bảo thủ không chịu lắng nghe nguyện vọng của các thuộc địa và quyết tâm dẹp trừ phản loạn.  Hai sử gia Hoa Kỳ ghi về George III, đại ý là “Năm 1760, George III lên ngôi.  Ông vua 22 tuổi này không muốn chấp nhận ý kiến quyền hành của vua nên bị hạn chế.  Mẹ ông ta nói với ông ta: ‘George, con phải là Vua’ và ông ta đã thực hiện câu nói đó của mẹ.”   
 Anh Hoàng ban hành các điều luật mới như Sugar Act, Stamp Act, Tea Act, Declaratory Act (thuộc địa là thuộc cấp, Nghị Viện có thể ban hành luật buộc dân thuộc địa phải tuân theo.), và Thuế Quan Townshend (đánh vào hàng hóa xuất nhập cảng) nhằm tăng giá biểu các loại thuế đánh vào thuộc địa để bù đắp cho cuộc chiến với Pháp (1754-1763). 
Sự bất mãn bùng nổ qua sự kiện có tên là “Boston Tea”: Ngày 27.11.1773, Tầu Dartmouth chở 1700 thùng trà tới Boston.  Ðám dân chống không cho đem trà xuống trong khi Thống Ðốc Hutchinson buộc phải thu thuế trà.  Tới ngày 16.12, dân biểu tình giả làm những thổ dân lên tầu và đổ hết trà xuống biển. Tin này bay tới London, nhiều người ở Anh nghĩ là phải dạy thuộc địa một bài học.  Anh Hoàng George III nói: “Ta phải buộc chúng phục tùng hay bỏ mặc chúng” (We must master them or leave them to themselves). 
 Mùa xuân năm sau (1784), Nghị Viện Anh ra “Những Ðạo Luật Cưỡng Chế” (Coercive Acts) và chuẩn bị đưa binh sĩ vượt 3000 dặm sang Mỹ Châu để dẹp loạn.  Tại Mỹ Châu, Massachusetts, thủ phủ của dân thuộc địa tị nạn, kêu gọi một cuộc họp các đại biểu của tất cả các thuộc địa để nghiên cứu đưa ra hành động chung. 
 Quốc Hội Lục Ðịa Ðầu Tiên (First Continental Congress) nhóm tại Philadelphia vào tháng Chín, 1774.  Có nhiều tranh cãi về “Hòa” hay “Chiến”.  Cuối cùng đa số chấp nhận lý luận của John Adams (sau này là Tổng Thống kế TT Washington): dân chúng thuộc địa phải cầm súng để bảo vệ các quyền của họ.  Lúc đó, John Adams phát biểu: “Cuộc cách mạng đã hoàn tất trong tâm trí của dân chúng và Khối thuộc địa, trước khi cuộc chiến khởi sự.  (The revolution was complete in the minds of the people and the Union of the colonies before the war commenced.)”
*
Thân Thế và Sự Nghiệp của George Washington (1732 – 1799)
(TC: The American Nation, tr. 106)

George Washington by Gilbert Stuart, 1797

Dường như Washington sinh ra để trở thành một vị lãnh đạo có công lao lớn nhất dẫn dắt Cuộc Chiến Cách Mạng Châu Mỹ tới thành công.  Ông thực sự xứng đáng được mọi người Hoa Kỳ gọi là “Cha của Ðất Nước” – “Father of His Country”.    

 Ông sinh ngày 22.2.1732 trong một gia đình trồng trọt thuốc lá giầu có ở Westmoreland, Virginia.  Cha mẹ ông sở hữu chừng 10 ngàn mẫu và khoảng 50 nô lệ.  Ông đối xử với các nô lệ rất tử tế và lịch sự, và không bao giờ đặt vấn đề ông có quyền sở hữu nô lệ.  Ông không theo học chính thức trường lớp nhiều, nhưng có thày dạy kèm (tutors), đặc biệt dạy ông về công dân giáo dục.  Ông siêng năng và rất kỷ luật. 
Ông có một thân thể rất tráng kiện như cha ông: cao 6 feet và cân nặng 200 pounds.  Giống như các bạn đồng lứa, ông rất ngưỡng mộ các vị anh hùng của thời Cộng Hòa La Mã tỉ như Cato the Young, nổi tiếng về tính thật thà và tận tụy với công vụ.  
 Ông không thích môn Văn nhưng giỏi Toán.  Từ nhỏ đã có khiếu về khảo sát địa hình (survey).  Năm 1749, ông làm trắc địa viên (surveyor) cho Công Ty Culpeper.
  Năm 1752, ông gia nhập dân quân Virginia.  Ông được phái tới Ohio River Valley ở đông Pennsylvania để tấn công một lực lượng nhỏ của Pháp để khởi sự Cuộc Chiến Pháp và Thổ Dân (French & Indian War) và trở thành Tư Lệnh của Dân Quân Virginia (1755- 58).  Cuối 1758, ông từ nhiệm nghĩa vụ này vì: là một dân Mỹ Châu, ông sẽ không thể thăng tiến trong quân đội Anh Quốc mặc dầu ông dũng cảm và có tài quân sự. 
 Ông chuyển sang sự nghiệp chính trị bằng cách nhận một ghế trong Hạ Viện của Nhóm Burgesses (Ðại Biểu Thị Xã, 1759- 74), làm thẩm phán tòa hòa giải (1760- 74), quản lý sở đất Virginia của ông ở Mount Vernon, và cưới bà Martha Dandrid ngày 6.1.1759. 
Khi Cuộc Cách Mạng Châu Mỹ sắp bùng nổ trong giữa những năm 1770, ông đắc cử vào Quốc Hội Lục Ðịa Kỳ I (1774 – 75).  Ngày 15.6.1775, Quốc Hội Lục Ðịa Kỳ II bổ nhiệm ông là Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Lục Ðịa.  Ông nắm quyền chỉ huy vào ngày 3.7.1775.  Ông đã xây dựng từ những binh đoàn kém huấn luyện và thiếu trang bị thành những đơn vị có kỷ luật và tác chiến tốt, và bảo vệ được Boston (1776).  Tuy nhiên ông suýt bị tiêu tan sự nghiệp vì thất trận ở Long Island. 
Sau những thành công trong các trận ở Trenton và Princeton, ông gỡ được một chút tín nhiệm.  Ông tránh khỏi được một toan tính bãi nhiệm ông.  Trong các năm 1777- 78, ông rút các đơn vị về thủ ở Valley Forge.  Nhờ kết đồng minh với Pháp (1778) và Tây Ban Nha (1779), lực lượng của ông chiếm được Yorktown (1781).  Khi hòa bình ký kết (1783), ông từ chức trở về trang trại ở Mount Vernon.
 Bất bình với những Ðiều Khoản về Liên Hiệp Chế (Confederacy) 1781, ông đóng vai trò chính trong nỗ lực bảo vệ chấp nhận Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc
 Năm 1789 được Quốc Hội nhất loạt bầu làm vị Tổng Thống đầu tiên.  
Ông làm lễ nhậm chức Tổng Thống vào ngày 30 Tháng 4, 1789.   Tin tưởng mãnh liệt vào một chính quyền trung ương mạnh, ông thành lập ngành tư pháp liên bang (1789) và một ngân hàng quốc gia (1791). 
Năm 1792, ông lại được Quốc Hội nhất loạt bầu làm Tổng Thống nhiệm kỳ hai.
 Trong nhiệm kỳ hai, nhìn thấy đã có nhiều dấu hiệu chia rẽ đảng phái, TT Washington đã đưa ra lời tiên đoán rằng “đất nước sau này chắc chắn sẽ rơi vào nạn chia rẽ đảng phái rất trầm trọng” và trong bài diễn văn từ giã cuối nhiệm kỳ hai vào Tháng Chín, 1796,  ông phát biểu sẽ không nhận đề cử làm TT cho nhiệm kỳ ba và ông biện bác cho một quốc gia đoàn kết hơn là chia rẽ bởi các đảng phái, bởi các chính sách kinh tế, hay đối ngoại.   Hết nhiệm kỳ hai, ông trở lại Mount Vernon vui thú điền viên. 
Với đức tính liêm khiết, lòng kiên nhẫn, trái tim yêu công lý, và tinh thần trách nhiệm cao, ông là một vị lãnh đạo vĩ đại và rất xứng đáng với danh hiệu “Cha của Ðất Nước”.  Ông qua đời ngày 14.12.1799.
 Nhưng Cuộc Chiến Cách Mạng giành độc lập thành công hẳn nhiên còn nhờ tới những bài luận thuyết nẩy lửa của những nhân vật tài ba viết làm bùng lên khí thế đấu tranh rất mãnh liệt và kiên cường của đông đảo quần chúng.
 
Ảnh Hưởng của Bản Tham Luận “Common Sense” của Thomas Paine (1737- 1809)

Thomas Paine
Portrait by Auguste Millière (1880)

Thomas Paine sinh trưởng ở Anh và là một nhà văn cấp tiến, một khuôn mặt lãnh đạo của Cuộc cách Mạng Mỹ Châu.  Ông di cư sang Mỹ Châu năm 1774.  Hơn 150 ngàn ấn bản tham luận (pamphlet)Common Sense (Ý Thức Thông Thường) rất có ảnh hưởng của  ông được bán ra năm 1776 thúc đẩy các thuộc địa tuyên bố hoàn toàn độc lập.  Ông gọi Anh Hoàng George III là “Bạo Chúa” (Royal Brute) và nói với những người còn e ngại, sợ xệt: “Một chính quyền của chính chúng ta là quyền tự nhiên của chúng ta” (A government of our own is our natural right”). 

Ông nhấn mạnh: “Hỡi nhân loại yêu quý!  Chúng ta dám chống không phải chỉ với sự bạo ngược mà chống ngay cả tên bạo ngược nữa” (O! ye that love mankind!  Ye that dare oppose not only tyranny but the tyrant itself!).  
 Bản Common Sense ảnh hưởng mạnh trong Quốc Hội.  Tháng 3, 1776, Quốc Hội phái các tầu võ trang chống thương thuyền Anh; cho mở các cửa cảng châu Mỹ cho tầu ngoại quốc vào; thúc đẩy các đại hội tỉnh hình thành hiến pháp và chính quyền tiểu bang.  Ngày 7.6.1776, Richard Lee đưa ra bản quyết nghị của đại hội Virginia như sau:
Quyết Nghị: Rằng các thuộc địa thống nhất là và có quyền là những tiểu bang tự do và độc lập; rằng các thuộc địa xóa bỏ hết mọi liên thuộc với Vương Quốc Anh; và rằng mối liên lạc chính trị giữa các thuộc địa và Anh Quốc thì và phải là hoàn toàn giải tán.
 
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
 
Ðể chính thức tuyên bố cắt đứt mọi dính líu và lệ thuộc vào mẫu quốc, Quốc Hội Lục Ðịa thành lập một nhóm gồm năm nhân vật: Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, John Adam, Roger Sherman, và Robert Livingston với nhiệm vụ soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập. 

Thomas Jefferson (by Rembrandt Peale, 1800)

Thomas Jefferson được coi như là soạn thảo viên chính vì ông là một luật gia có văn tài và thông minh. Sau đó ông được cử làm Thống Ðốc bang VA (1779- 81) và bầu làm Tổng Thống hai nhiệm kỳ (1801 – 1809).

 Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập (Declaration of Independence) được ký ngày 4 tháng 7 năm 1776 là một văn kiện đánh dấu kỷ nguyên mới của nhân loại trong thế kỷ 18 nói lên tiếng nói đoạn tuyệt với chế độ quân chủ để xây dựng một chính thể mới gọi là chính thể cộng hòa (the republic) với nội dung quyền hành của đất nước là của toàn dân.  Ý niệm này xuất phát từ những tư tưởng trong các luận thuyết của các triết gia điển hình là Jean Jacque Rousseau (Pháp) viết cuốn “Nguồn Gốc của Sự Bất Bình Ðẳng của Con Người (Origin of Inequality of Man, 1755). 
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ vang dội khắp thế giới.  Ðặc biệt là ở Pháp, Cuộc Cách Mạng 1789 đã đưa ra bản tuyên ngôn tương tự gọi là Tuyên Ngôn của Pháp Quốc về Quyền của Con Người(French Declaration of the Rights of Man).   
 Nội dung Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ như sau:
 Chúng tôi coi những sự thật sau đây là hiển nhiên rằng mọi người sinh ra là bình đẳng, rằng Tạo Hóa ban cho họ một số quyền bất khả chuyển nhượng, rằng trong những quyền đó có quyền Sống, quyền Tự Do, và quyền theo đuổi Hạnh Phúc.  Rằng để bảo đảm những quyền này, Chính Quyền phải được xây dựng bởi luật pháp và quyền hạn chính đáng của chính quyền phải xuất phát từ sự đồng ý của những Người Dân.  Rằng bất cứ khi nào bất cứ một Hình Thức Chính Quyền trở nên phá hoại đối với những cứu cánh này thì Người Dân có Quyền thay đổi hay hủy bỏ chính quyền đó, và thiết lập Chánh Quyền mới. …
 Xin thưởng thức bài thơ:
 
Mừng Độc Lập Hoa Kỳ
-Hải Bằng.HDB
 
Quyết rời mẫu quốc tái xây đời
Dân chủ đa nguyên đạt mới thôi
Ðộc Lập châm ngôn soi vạn thế
Tự Do lý tưởng sáng muôn thời
Phát huy Bình Ðẳng trên toàn cõi
Bảo vệ Nhân Quyền tại khắp nơi
Mở rộng vòng tay ôm tị nạn
Tạ ơn Nước Mỹ bút thay lời
 
Ngoài những lực lượng kiên cường và các bài viết hùng hồn, cuộc chiến giành độc lập cho Mỹ Châu còn dựa vào sự góp sức hết lòng của phụ nữ Hoa Kỳ.  Họ đã toàn bộ đứng lên làm những công tác nâng cao tinh thần binh sĩ lúc đó đang xuống thấp và phải lui về tái bố trí ở Valley Forge. 
 
Lòng Ái Quốc của Các Bà trong Cuộc Cách Mạng Mỹ Châu
 Thật ra không phải tất cả mọi người đều hưởng ứng ngay phong trào cách mạng. 
Trái lại còn khá nhiều phân tử trung thành với mẫu quốc gọi là “bảo hoàng” (loyalists) vì tâm lý sợ hãi thế lực còn mạnh của Anh Quốc và vả lại họ chưa ý thức được thế nào là hạnh phúc, là tự do, và bình đẳng bởi vì họ đã quá quen với những nếp sống cũ: phục tùng và chịu đựng.  Ngay cả đối với mười ba tiểu bang bỏ phiếu biểu quyết cho bản Tuyên ngôn Ðộc Lập, cũng chỉ có 9 đại biểu bỏ phiếu thuận; còn hai đại biểu bỏ phiếu chống là Pennsylvania và South Carolina và hai đại biểu lưng chừng là Delaware và New York. 
 Cuộc chiến ban đầu gây nhiều tổn thất cho thuộc địa vì quân số ít và trang bị thiếu thốn.  Tin về quân Anh đã chiếm Chaleston, South Carolina, truyền tới Philadelphia trong tháng Năm, 1780, chính quyền và các thương gia lập tức tìm mọi cách gây quỹ yểm trợ cuộc chiến và nâng tinh thần của binh đội.  Bỗng có một cuộc vận động không ai ngờ được là các bà ở Phila lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đứng ra lập hội nhằm kêu gọi tất cả các thuộc địa yểm trợ cuộc chiến.  Cuộc vận động bắt đầu từ ngày 10.6.1780 và người có sáng kiến lập hội này là bà Esther de Berdt Reed 33 tuổi và là một người yêu nước kiên cường viết một bài vận động tâm lý có nhan đề là “Tâm Tình của một Phụ Nữ Mỹ” (The Sentiments of An American Woman) và trở thành chủ tịch của Hội Của Quý Bà (Ladies Association).   

Esther de Berdt Reed by Charles Peale

 Trong bản “Tâm Tình”, bà Berdt xác định rằng phụ nữ Mỹ phải cương quyết làm nhiều hơn là hứa suông (barren wishes).  Bà nêu lên sự nghiệp vĩ đại của vị Nữ Anh Hùng Joan of Arc của Pháp (1412 – 1431), người nữ nông dân nghèo đã đứng lên hô hào giải phóng nước Pháp khỏi Anh Quốc.  Bà hô hào phụ nữ Mỹ nên từ bỏ “các món trang sức tầm thường” (vain ornaments) và dành món tiền mua sắm quần áo lòe loẹt hay làm tóc kiểu để mua quà tặng cho binh sĩ gọi là “quà của Quý Bà” (the offering of the Ladies). 

 Lời kêu gọi này được đáp ứng ngay lập tức.  Ba ngày sau khi bài “Tâm Tình của Một Phụ Nữ” xuất hiện, ba mươi sáu bà ở Philadelphia hội lại để quyết định làm thế nào tiến hành những đề xuất của bà Berdt. Những quyết nghị của họ in trong một phụ chương của bài Những Tâm Tình đăng tải trên báoPennsylvania Zazette ngày 21.6.1780.  Bản kế hoạch có nhan đề “Những Ý Kiến, liên quan tới cách gửi tới Các Binh Sĩ Mỹ, các Món Quà của các Phụ Nữ Mỹ” và bản kế hoạch không đề nghị gì hơn là động viên toàn bộ nữ giới.  Những đóng góp sẽ được nhận từ bất cứ một phụ nữ nào với bất kỳ số lượng nào.  Môt “Nữ thủ quỹ” sẽ được chỉ định trong mỗi quận kiểm tra thu góp tiền bạc, ghi cẩn thận tất cả những khoản tiền thu.  Kiểm tra những công việc của những nữ thủ quỹ quận sẽ là phu nhân của Thống Ðốc trong chức vụ “Nữ Tổng Thủ Quỹ”.  Nhất loạt, tất cả các món quyên góp sẽ được gửi cho Martha Washington (phu nhân của George Washington) để tặng binh sĩ. 
Công tác quyên góp được tiến hành ngay.  Thành phố Phila chia thành mười khu, mỗi khu có hai tới năm bà phụ trách.  Từng cặp vận động viên như vậy đi đến từng nhà quyên góp không trừ một ai.  Nhóm vận động viên bao gồm đủ thành phần xã hội.  Vào đầu tháng Bẩy, số tiền lạc quyên lên tới ba trăm ngàn đô la thuộc địa ($300, 000. dollars thuộc địa).  Trong tháng Bẩy, báo chí khắp nơi tái đăng bài “Những Tâm Tình kèm theo kế hoạch chi tiết về lạc quyên. 
Các bà ở Trenton, New Jersey, là nhóm đầu tiên theo gương Philadelphia.  Họ cũng cho đăng tải bài kêu gọi lấy tên là “Tâm Tình của Các Bà ở New Jersey”.  Trung tuần tháng Bẩy, New Jersey chuyển số tiền khởi thủy $15,500. cho George Washington.  Ở Maryland, hội các bà gửi $16,000. mới chỉ quyên góp ở thành phố Annapolis thôi.  Chủ bút báo Pennsylvania Packet viết một bài đặc biệt gửi cho cư dân Matyland: “Phụ nữ ở mọi nơi trên hoàn cầu đang mắc nợ các phụ nữ ở Mỹ Châu vì họ đã tỏ ra rằng nữ giới có khả năng làm công đức chính trị cao nhất.” (the women of every part of the globe are under obligations to those of America for having shown that females are capable of the highest political virtue). 
 Số tiền quyên góp đã được dùng để làm gì?  Kế hoạch sử dụng tiền quyên góp của các bà rất khác với kế hoạch của vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, George Washington.  Ông muốn làm các áo sơ mi cho binh sĩ hơn bất cứ các món quà nào khác.  Nhưng bà Esther Reed báo cáo rằng không những vải rất khó kiếm mà hơn nữa Pennsylvania đang có kế hoạch gửi hai ngàn áo sơ mi cho binh sĩ và hàng đã được chở từ Pháp qua nhiều rồi.  Bà thêm rằng một số người đưa ý kiến là đổi hết số tiền ra dollar nặng và tặng cho binh sĩ mỗi người hai đồng để tùy nghi sử dụng.  Tuy nhiên, bà viết thêm cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, George Washington, rằng nếu binh sĩ còn cần sơ mi thì Hội Các bà sẽ dành một khoản tiền để thực hiện. 
 Washington trả lời đại ý rằng: tặng tiền có thể sẽ tạo cho binh sĩ phạm ký luật nếu họ uống rượu.  Nếu quý bà muốn sử dụng tiền tặng dữ làm phước đó tốt đẹp, thì nên mua sơ mi tặng cho binh sĩ. 
Rút cục các bà thực hiện đúng ý Washington.  Bất hạnh thay, công việc chưa thực hiện xong thì bà Esther de Berdt qua đời vì bịnh kiết lỵ (1780) và công việc điều hành hội trao cho bà Sarah Franklin Bache (con gái của Benjamin Franklin) đảm nhiệm.  Cho tới đầu tháng 12 thì đã hoàn tất hơn 2000 sơ mi có in tên của một bà đã lập gia đình hay chưa lập gia đình may tấm áo đó.  Cuối tháng 12, số sơ mi được trao cho viên Tổng Quân Nhu ở Philadelphia.   
Một người dân Philadelphia dấu tên viết: “Tôi thú nhận rằng chúng tôi đã tiến hành công việc một cách nghiêm trang và với lý do cao quý.  Chúng tôi hy sinh từng giờ phút mà chúng tôi có thể dành ra từ những công việc nhà cho công ích.  Chúng tôi quên tất cả những mệt nhọc vì sung sướng và hãnh diện là trong khi các binh sĩ chịu gian khổ và hiểm nguy trên chiến địa để bảo vệ chúng tôi thì chúng tôi ở nhà chỉ làm những lao động nhỏ thôi nhằm tạo những phút thoải mái và làm nhẹ đi những nỗi nhọc nhằn của họ.”
*
Tóm lại, Cuộc Chiến Cách Mạng Châu Mỹ mở đầu một kỷ nguyên mới của nhân loại, kỷ nguyên của Tự Do, Bình Ðẳng, và Tiến Bộ với một quốc gia mới, rất trẻ trung được khai sinh, đó là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America).  Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập minh định “Mọi người sinh ra bình đẳng” và “Quyền hạn của chính quyền phải xuất phát từ sự đồng ý của người dân”.  Ðó là những tư tưởng hoàn toàn mới mẻ và đầy hấp dẫn khi mà những hình thức và tập tục của chế độ quân chủ vẫn còn ngự trị trong tâm trí nhiều người. 
 
Pháp là nước đầu tiên noi gương Hoa Kỳ tiến hành Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 nhằm triệt hạ chế độ quân chủ của Louis XVI và nhân ngày lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ thứ 100, nước Pháp tặng Mỹ Quốc bức Tượng Nữ Thần Tự Do hiện đặt trong cảng New York. 
 
Hoa Kỳ vẫn phải tự cho mình trách nhiệm bảo vệ và phát huy những lý tưởng nêu trong bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập trên mô hình toàn cầu trong ý niệm về Một Nền Trật Tự Mới Thế Giới.

 William Hoàng

Hải Bằng HDB

Trống Một Chỗ Ngồi

Nguyễn Văn Sâm

Nhiều lần khách ghé vô địa chỉ thâm tình đó, nơi có ngôi nhà ấm cúng trên một con đường gần khu đô hội Bolsa nhưng khuất sau một ngõ cụt như lánh mình khỏi đám đông thế tục. Chủ nhơn, một người to lớn, có giọng nói vui vẻ, sau khi mời khách vào, đóng cửa lại, giới thiệu khách với vợ, quay về ngồi sau bàn viết xong xuôi mới bắt đầu câu chuyện. Phu nhân ông, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nhỏ thó thu gọn người trong cái ghế bành rộng thinh thường mỉm cười thân thiện, bắt tay khách. Khách nam thì là câu thường nghe: Lúc này khỏe không. Khách nữ là câu: Đẹp quá, đẹp quá! Chào xong, chị vẫn giữ nguyên nụ cười trẻ con cố hữu, hai tay xoa xoa nhau, chờ đợi khách nói, nói gì thì chị cũng chỉ mỉm cười, không bao giờ góp ý. Người văn sĩ lừng danh một thời bây giờ như thế đó, có mặt nhưng đứng ngoài cuộc đời, tiếp xúc nhưng xa cách với nhân gian. Thân tình trong nụ cười, trong ánh mắt, trong cái bắt tay, dầu thường là nhẹ và mềm, nhưng khách không dám quyết chắc chị nhớ mình là ai.

Chủ với khách nam nói chuyện gì chị như không cần biết, chỉ cười thân thiện với khách nữ khi người nầy nắm tay chị. Khách nhắc tới một sinh hoạt xưa của chị và ngợi khen, hỏi chị nhớ không, chị lần nào cũng trả lời rất hồn nhiên: Quên rồi. Xong, chị trở về trạng thái bình thường cố hữu, như là không muốn nghe tiếp, ánh mắt chị không chút tò mò nào để khách đủ hứng khởi kể rõ hơn về một kỷ niệm mà khách nghĩ rằng đáng nhớ.

Khách chuyển đề tài, báo với gia chủ rằng đầu thập niên 70 thường đọc và thích thú loạt bài Lá Thư Pháp Quốc của chị từ bên trời Âu gởi về cho bán nguyệt san Bách Khoa kể về những sinh hoạt văn hóa và chánh trị bên đó, những sinh hoạt bổ ích kiến thức mà bên nhà rất ít người được biết, chị cũng hồn nhiên cười : Quên rồi.

Nhân nhắc đến chuyện nầy, lần nào chủ nhân cũng than rằng phải chi có phương tiện chụp lại và đánh máy cho vào toàn tập Minh Đức Hoài Trinh lưu thế. Nghe người ta nói về mình chị đưa ánh mắt mơ hồ như họ đương nói về ai khác, về một nhân vật nào đó xa xưa trong quá khứ.

Cái ghế bành bự xộn chị ngồi lọt thỏm trong đó, tấm chăn mỏng được anh đắp che phần dưới của đôi chân gầy guộc mà anh nói sợ bả lạnh tội nghiệp. Khách chủ có thể nói bất cứ chuyện gì, chị lơ đãng ngó quanh, tới lúc nào đó chị than lạnh, khách biết là lúc phải về để chủ nhơn có thời giờ săn sóc vợ. Cáo từ, bao lần lòng khách bâng khuâng, xót xa cho một người tài hoa, đẹp xinh ngày nào bây giờ tất cả đều bay vào miên viễn hư vô. Con Tạo ‘đành hanh quá ngán’ đã dùng phép mầu thời gian xóa bỏ những gì Con Tạo muốn. Biết như vậy nhưng mấy ai chẳng ngậm ngùi cho sự biến thiên!

*

* *

Hình ảnh đầu tiên tôi gặp nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh là hình ảnh một phụ nữ đẹp, thon thả, mảnh mai nhưng rắn chắc và năng nổ. Đã tròn nửa thế kỷ qua (1967-2017) tôi vẫn nhớ như mới hôm nào. Chiếc máy bay chở phái đoàn Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến (1966-67) đi thăm chiến trường Quảng Trị và thăm dân chúng ở vùng hỏa tuyến nầy sau một thời gian hai bên giằng co ở đây. Máy bay cỡ nhỏ trên đó có chừng một chục dân biểu với vài ký giả ngoại quốc. Minh Đức Hoài Trinh là người nữ duy nhứt trên chiếc phi cơ, chị theo đoàn của một cơ quan truyền thông nào đó của Pháp.

Khi máy bay ngừng, chúng tôi mới chú ý rằng trên chuyến bay có người phóng viên đặc biệt nầy. Chị mạnh mẽ, quyết đoán, mang xách ba lô kềnh càng nặng trĩu một mình, từ chối sự giúp đỡ của bất kỳ ai.

Chị đi thoăn thoắt xuống cầu thang, ba lô trên lưng, lỉnh kỉnh dụng cụ trên hai vai. Xuống trước chị đứng đợi nơi tập họp với nụ cười của một phụ nữ lịch sự chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương. Lúc đó, máy bay nhỏ lớn gì cũng đậu gần phi đạo, rất xa phòng khách của phi trường, trong khi ai cũng mệt mỏi vì cái nắng chói chang buổi trưa hè thì nụ cười thân thiện của người nữ ký giả có dáng dấp rất Tây này lại có sức cuốn hút kỳ lạ. Lúc vị sĩ quan liên lạc của ông tướng Vùng báo với phái đoàn rằng đường bộ từ Phú Bài ra Quảng Trị tuy đã được rà soát cẩn thận từ mấy ngày trước, an ninh được bố trí đâu đó xong xuôi, nhưng không chắc rằng con đường sẽ không có nguy hiểm. Vị sĩ quan nhấn mạnh: Xin báo như thế để tùy từng vị dân biểu quyết định ở lại Huế hay ra thăm Quảng Trị.

Tôi quan sát chị, thấy chị trả lời liền bằng tiếng Việt rằng dầu nguy hiểm chị cũng sẽ đi, đã nhận công tác rồi thì sẽ đi đến nơi đến chốn. Rồi quay sang người bạn phóng viên ngoại quốc chị nói bằng tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp giọng Paris chuẩn. Anh ta gật gật đầu đồng ý. Tôi đánh giá đây là một phụ nữ cứng cỏi, biết mình sẽ làm gì. Phái đoàn dân biểu có vài ba vị cũng đồng ý tiếp tục cuộc hành trình, tất cả trước khi vô Quốc Hội đều là quân nhân cao cấp…

Bốn mươi lăm năm sau (2012) chúng tôi cùng đi chung xe với anh Quang và chị lên San Jose nhân dịp trình làng quyển sách về cuộc đời của chị. Người phụ nữ năng nổ, quyết liệt ngày xưa đã thụt lui vào dĩ vãng, còn lại nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nhỏ bé mòn mỏi với tuổi già hơn tám mươi, cách chừng năm phút là đặt câu hỏi: Mình đi đâu đây anh? Phu quân của chị lần nào cũng trả lời dịu dàng bằng câu giống nhau: Mình đi San José ra mắt sách. Tôi đọc được sự kiên nhẫn vô bờ và tình yêu thương tuyệt cùng trong câu nói của anh.

Người nữ sĩ nổi danh với nhiều bài thơ bất hủ được phổ nhạc và 24 tác phẩm được in thành sách đáng được một tình yêu như vậy, tôi nói thầm.

*

* *

Tin nhà văn Minh Đức Hoài Trinh ra đi khách tiếc thương nhưng không ngỡ ngàng, sửng sốt. Người đàn bà có thân hình nhỏ bé đó đã hoàn thành nhiều công trình lớn lao cho văn hóa, cho cộng đồng Việt ngoài nước. Với tuổi đời xấp xỉ chín mươi, chị về Trời là chuyện tính ngày tính giờ. Những người làm văn hóa nghệ thuật, đã có đóng góp giá trị trong thời sung mãn thì khi có tuổi, họ mãn nguyện và thấy mình chẳng cần phải níu kéo những ngày tàn. ‘Bà sau khi từ bịnh viện về mười ngày trước, tưởng là khỏe nhưng vài bữa sau thì bị khó thở lại, chở vô bịnh viện bả không chịu ăn uống trong mấy ngày, lịm dần rồi ra đi thiệt thanh thản.’ Chủ nhơn nói với khách, miệng cố tỏa ra nụ cười nhưng đôi mắt đỏ hoe và rướm lệ. Tiếng bả khách không thấy chút tầm thường trần tục của ngôn từ bình dân, tiếng bả ở đây thân thiết, gần gũi vô cùng để nói về người vợ vừa mới ra đi vào cõi vô cùng.

Khách nhìn lên câu đối tặng nhà thơ nhân ngày sinh nhựt đâu 4, 5 năm về trước được treo trong phòng, câu đối gợi hứng từ sách Đại học mà khách biết rằng trước đây nhà thơ có dịp thâm cứu và tâm đắc rút ra những chữ quan trọng để tạo nên một thành phần của bút danh: (Đại học chi đạo tại minh minh đức….)

Minh tâm minh tuệ, minh lý con người nhiều điểm sáng,

Đức hạnh, đức khiêm, đức độ, nữ sĩ lắm hạnh lành.’

Vâng nhà thơ đã có nhiều đức tính người đời ai cũng thán phục và yêu thương lúc sống. Chị ra đi rồi, chỗ ngồi trong cái ghế bành ở căn nhà thân thiết nầy từ nay sẽ vắng. Cái ghế nếu có hồn chắc là sẽ buồn hắt hiu. Những tiếng chào hồn nhiên ‘Khỏe không? Đẹp quá!’ rất đặc trưng sẽ không được phát ra nữa. Nhưng chỗ ngồi của chị trong lòng người mộ điệu chắc rằng khó ai thay thế được. Ai có cái dũng đi vào chỗ khó như tranh đấu để phục hoạt Văn Bút Việt Nam trong khi bên phe kia có cả một chánh quyền phía sau, và biết đâu đã có những vận động, tiêu lòn từ trước? Ai có được những vần thơ, dầu rằng được người phổ nhạc tài danh điểm xuyết, đi vào lòng người bằng những giai điệu da diết đến buốt giá con tim? Ai đủ kiên nhẫn viết lách không ngừng nghỉ từ lúc ra trường đến lúc không còn sinh lực để gõ những con chữ trên máy computer? Ai hoạt động đa dạng từ thơ văn, báo chí, đến âm nhạc dân tộc mà trong lãnh vực nào cũng nổi bật? Ai bao năm từng lê gót khắp năm châu bốn biển vừa hoạt động nghề nghiệp vừa chắt lọc những điều hữu ích để cống hiến cho kiến thức dân Việt?

“Đừng bỏ em một mình, trời lạnh lắm, trời lạnh lắm..” bài thơ phổ nhạc của chị nghe trong giờ phút này sao đau nhói trong tim người ở lại, chị đã bỏ mọi người ra đi mãi mãi…

Người nữ Việt viết văn từ dòng chính (bằng chữ Việt) tiến ra ngoài cộng đồng Việt góp mặt với thế giới mà không có sự thôi thúc của chính tác giả, không nhiều. Gần đây có nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh (Thương Về Hà nội?) in trong Elements of Literature, Holt, Rinehart & Winston, có nhà văn Nhã Ca với Giải Khăn Sô cho Huế (Mourning Headband Hue)…. Chắc chắn rằng với thời gian, những bài thơ tình cảm hay thân phận ngục tù của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh sẽ được bay ra tới đọc giả năm châu vì tính chất nhân bản của tác phẩm.

Chỗ ngồi xứng đáng dầu nhà thơ không mong đợi nhưng chuyện phải đến sẽ đến.

Trên đường về, hình ảnh cái ghế bành trống chỗ trong căn nhà thâm tình lãng đãng trong trí, khách nghĩ đến chuyện ‘oán hồng nhan’, mấy câu thơ xưa chợt tới:

Vô đoan thiên địa oán hồng nhan,

Đã đắc hoa nhan kỷ độ tàn.

Cổ kim phi tận tài hoa khách…

Vâng, trời đất ‘vô duyên’ xưa nay vẫn thế, khách tài hoa bị trù dập đến tận cùng, nhưng thưa nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, chị đã sống đúng đời mình nên trong lòng người Việt hôm nay hình ảnh chị luôn luôn hiện diện, tỏa sáng…

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA đêm 22-06-17

Vô Tình

Phạm Thành Châu

Ðây là chuyện kể về một người đàn ông chán chường với đàn bà và một cô gái lớn tuổi nhưng cô đơn. Lần đầu, gặp người đàn ông đó, từ tiểu bang khác đến, cô đã xao xuyến. Tình cảm bất chợt bao giờ cũng rất mãnh liệt và khó quên. Cô tìm mọi cách cho người vô tâm kia hiểu được cô và đáp lại tình cảm của cô. Vì mỗi năm chỉ có thể gặp một lần nên cô phải bạo dạn nhưng ông ta vẫn vô tình!

Ông Tâm, tuổi trên năm mươi, vóc dáng, gương mặt không có gì đáng để phái nữ chú ý. Ông Tâm nghỉ phép thường niên (vacation), từ miền đông Hoa Kỳ qua Texas, thăm các bạn. Ông có nhiều bạn ở các tiểu bang Texas, California. Ông đến bạn nầy vài hôm, qua bạn khác vài hôm. Ở Mỹ, nhà nào cũng có nhiều phòng cho con cái. Khi chúng lớn, như những con chim rời tổ, chúng có gia đình, ở nhà riêng. Thành thử, nhà bố mẹ có những phòng trống, dành cho bà con, bạn bè đến thăm, ở lại. Ông Tâm cũng biết, đến nhà người ta, dù bạn thân cũng làm xáo trộn nếp sống thường ngày của gia chủ, nên ông thường ở motel, bạn đến mời về nhà ăn bữa cơm gia đình hoặc đưa đi thăm viếng địa phương. Ðôi khi, bạn thật tình, khẩn khoản lắm, ông cũng chỉ ở vài ngày là tối đa. Khi người trong nhà đi làm thì ông lang thang ngoài đường một mình, ngắm cảnh hoặc vào siêu thị nhìn thiên hạ. Ở Texas và California, nhiều người Việt nên ông cảm tưởng như đang ở quê nhà thời trước. Một buổi trưa, đi mỏi chân, ông vào tiệm McDonald, sắp hàng mua bánh. Vào giờ đông khách, ông Tâm đứng cuối một dãy dài. Ðang nhìn vơ vẩn, ông thấy một cô, (ông đoán là người Việt) bước vào, đứng sau lưng ông. Ông bước lùi lại, nhường chỗ “Mời cô!” Cô bước tới, nói nhỏ “Cám ơn chú!” rồi ngước nhìn ông Tâm, nhoẻn miệng cười. Cô đứng gần đến độ hai người như muốn chạm nhau. Bỗng cô quay lại, nhìn sửng ông, ánh mắt sáng lên, như vui mừng được gặp lại bạn thân, rồi cô lại cười. Tự nhiên, ông Tâm cũng vui lây với cô. Niềm vui bất chợt và đơn giản mà ông chưa hề cảm nhận được lần nào trong đời. Hình như cô đang thở mạnh. Ông nói “Cô cho tôi được mời cô, nghe!” Cô không quay lại “Cám ơn chú!” Tuổi cô chưa đến bốn mươi nhưng cô gọi ông bằng chú, có lẽ để khỏi ngại ngùng.

Hai người ngồi ăn cùng bàn. Chuyện trò cũng chỉ mưa nắng, những nhận xét về cộng đồng người Việt, về thời sự. Cả hai, đôi khi có nói về mình như một cách tự giới thiệu. Ông Tâm cho biết. Ông làm việc ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Nghỉ vacation hai tuần. Ông cũng được biết cô tên Trang, có một tiệm buôn nhỏ ở thành phố Austin, về Houston mua hàng “Từ Austin, cháu về đây hết mấy giờ lái xe. Cháu lái xe chậm lắm. Chú có biết Austin không?” “Tôi chưa đến, có thể tôi sẽ đến đó cho biết” “Khi nào chú đến Austin, nhớ gọi cho cháu. Cháu sẽ đến thăm chú”  “Tôi sẽ gọi cô. Tôi có vài người bạn ở đó” Cô ngạc nhiên “Sao ở đâu chú cũng có bạn cả?” Ông Tâm cười “Bạn văn, thơ, báo chí với nhau. Có người chưa hề gặp mặt mà thân nhau lắm. Gặp nhau trên email, trên điện thoại thôi. Nhưng cuối tuần nầy tôi qua San Antonio rồi” “Nếu thấy tiện, khi đến San Antonio, chú gọi cháu. Cháu cũng định ít hôm nữa về đó mua một ít hàng hóa” “Tôi sẽ gọi cô trước khi đi San Antonio. Sao hôm nay cô không đi San Antonio mua hàng cho gần?” “Cháu có bạn ở đây. Về thăm bạn. Ở Austin ít người Việt, cháu chỉ có người quen chứ không có bạn ở đó” Ăn xong, ông Tâm đem giấy, ly bỏ vào thùng rác. Lúc quay lại, thấy cô Trang ngồi nhìn vào khoảng không, vẻ bồn chồn. Ðột nhiên cô gọi “Chú!” rồi cúi xuống, không nhìn ông Tâm. Ông Tâm nói “Vì chuyện trò với tôi mà cô trễ hẹn với bạn, phải không? Tôi xin lỗi” Cô ngước lên, lắc đầu “Không có đâu! Giờ cháu phải lái xe về Austin. Cháu ngại quá. Ðường xa quá!” “Sao phải vội? Ở lại với bạn vài hôm cho vui” “Cháu cũng định như vậy. Nhưng bạn cháu ngày mai phải đi làm. Cháu chỉ một mình ở đây” “Cứ ở lại với bạn. Sáng mai mát trời, chạy xe thong thả, thoải mái hơn. Sáng mai tôi mời cô với bạn cô đi ăn điểm tâm trước khi bạn cô đi làm. Ðược không?” Cô cười vui vẻ “Cho cháu mời chú. Chú định đến tiệm ăn nào?” “Tôi chẳng biết tiệm nào ăn được. Tùy cô” “Sáng mai, nếu bạn cháu phải đi làm sớm thì cháu đến đón. Chú cho cháu số điện thoại…” “Tôi cũng cần số điện thoại của cô để sau nầy còn có thể gọi hỏi thăm nhau.  Ðến nơi lạ mà có người quen cũng đỡ lẻ loi” “Chú có cần cháu đưa chú về nhà bạn chú không?” “Nhà ở gần đây. Với lại, cô cần đi gấp, không dám làm phiền cô” “Chú bảo cháu ở lại, sáng mai hãy đi nên cháu không vội” “Vậy thì mình ngồi nói chuyện một lúc nữa” Cô lại cười “Cháu cũng định nói như thế” Chuyện trò cũng chỉ quanh quẩn, linh tinh, không đầu không đuôi nhưng cả hai đã qua khỏi giây phút e ngại, trở nên thân mật. Ông nhận thấy cô Trang thông minh, dịu dàng và rất dễ mến. Cô thường lắng nghe và khuyến khích ông nói tiếp “Rồi sao nữa chú?” Ông Tâm kể về bạn bè, về thời còn đi học, về công việc  của mình. Ông thường thêm thắc vào những chuyện vui khiến cô Trang thích lắm, ngồi cười mãi “Chú kể tiếp đi!” Hai người chuyện trò đến gần hai giờ chiều mới đứng lên. Cô Trang đưa ông Tâm về. Sáng hôm sau, ông Tâm báo với bạn “Bữa nay tôi có bạn đến đón đi ăn điểm tâm” Người bạn cười đoán chừng “Bạn gái phải không? Tay nầy giỏi thiệt! Tôi ở đây bao nhiêu năm mà vẫn cô đơn. Thấy ông dậy sớm, định rủ ông đi điểm tâm. Nay có người khác mời thì thôi. Làm li cà phê nầy cho sáng suốt tâm trí mà tán tỉnh người đẹp” Vừa lúc có chiếc xe dừng lại trước nhà, ông Tâm vội vã đi ra. Ông thấy cô Trang hơi lạ và đẹp hơn hôm qua. Một chút phấn hồng, đôi mắt viền đen, chiếc áo điểm hoa trang nhã nhưng sang trọng. Cô nhìn phía trước như chăm chú lái xe vì biết ông đang ngắm cô. Ông Tâm nói “Ðến nơi lạ, tôi khó ngủ, bây giờ hơi mệt” “Cháu cũng vậy. Lạ chỗ. Cháu thức trắng đêm” Ông Tâm cười nói “Ðồng bệnh tương lân” “Nghĩa là sao, chú?” “Cùng có bêïnh giống nhau nên dễ thân nhau” “Nhưng cháu chỉ không ngủ được đêm vừa rồi thôi mà” “Thì tôi cũng vậy” Cô quay nhìn ông Tâm cười “Chú ghê thật!” Ông trả lời “Có được người bạn thông minh, thích lắm” “Cháu ngu lắm. Người thông minh bao giờ cũng biết giữ bí mật những ý nghĩ của mình” “Vậy là tôi cũng chẳng thông minh gì” Cô liếc nhìn ông Tâm “Chú… tức cười quá! Gì cũng giống cháu” Ðến tiệm ăn, hai người lại chuyện trò quên cả thời gian. Họ đã trở nên đôi bạn thân nhưng luôn giữ ý để khỏi bị hiểu lầm.

     Mấy hôm sau, ông Tâm qua San Antonio. Hai người lại gặp nhau. Cô Trang lộ vẻ mừng rỡ, nói cười tíu tít. Lúc ngồi trong tiệm ăn, cô nói “Bữa trước, cháu bị sét đánh gần chết” Ông Tâm ngạc nhiên “Cả tuần nay, trời nắng, đâu có mưa gió gì mà có sét đánh?” “Cháu không biết. Bạn cháu nói cháu bị sét đánh” “Cô làm gì đến nỗi ông trời chỉ sét đánh một mình cô? Sự việc xảy ra như thế nào? Cô có thể kể cho tôi nghe, được không?” Cô cúi xuống, không nhìn ông Tâm, giọng ngập ngừng “Buổi sáng mà cháu từ biệt chú về Austin, cháu bị mất ngủ. Cháu gọi người bạn ở Houston tâm sự linh tinh. Bạn cháu nghe giọng mệt mỏi, tưởng cháu bịnh, hỏi người thấy ra sao? Nếu cần phải đi bác sĩ ngay. Cháu bảo không sao cả, chỉ mất ngủ thôi. Bạn cháu hỏi có chuyện gì xảy ra không? Cháu kể chuyện cháu về Houston mua hàng, gặp chú, chuyện trò mấy lần. Không hiểu sao về ngủ không được! Bạn cháu nghe xong, nói với cháu rằng “Bà bị sét đánh rồi!” Cháu không hiểu, tại sao mình bị sét đánh?” Ông Tâm chỉ đoán lờ mờ nhưng cảm động “Bạn cô hiểu lầm tâm trạng của cô nên nói vậy. Ðúng ra phải nói là bị “tiếng sét ái tình” Có thể cô bất ngờ gặp anh chàng nào, bị xúc động nên không ngủ được” Cô ngẩn lên nhìn ông Tâm “Tiếng sét ái tình là sao chú? Từ bữa đó đến nay, cháu có gặp ai đâu? Cũng chẳng bị ai đánh cả!” “Người ta bảo “Mới thấy đối tượng lần đầu đã yêu ngay là bị tiếng sét ái tình” “Chú giải thích cho cháu nghe xem có phải cháu bị sét đánh không?” “Tôi phải giải thích dài dòng, nghe cho vui chứ chẳng có căn cứ khoa  học nào chứng minh cả” Cô Trang không nhìn ông Tâm “Cháu gặp chú là để nghe chú nói chuyện. Chú nói càng nhiều cháu càng cám ơn chú. Cháu thích nghe chú nói” “Có thể như thế nầy. “Tiếng sét ái tình” do chính mình tự đánh mình chứ chẳng phải ông trời hay “đối tượng” nào đánh cả. Nguyên nhân thì, có thể là. Thứ nhất là người kia có gương mặt giống mình. Ngày nào cũng soi gương, thấy mãi mặt mình, nay bất ngờ thấy đối tượng có gương mặt, đôi mắt, miệng cười… (giống mình mà không biết) thấy “quen quen, thân thiết, đâu như từ kiếp trước”. Vậy là yêu. Hai người yêu nhau lâu bền, đa số có khuôn mặt giống nhau. Một giải thích khác, đó là sự cộng hưởng của tần số giao động sinh lý. Mỗi người có một tần số sinh lý riêng. Khi hai người có cùng tần số giao động giống nhau thì cộng hưởng và tác động mạnh lên tâm sinh lý của cả hai. Giống như radio (máy thu thanh) hay TV, nếu ta điều chỉnh máy thu của ta cùng tần số với đài phát thì ta có hai tần số (giống nhau) cộng hưởng  để cho ta hình ảnh, âm thanh. Ðôi mắt không chỉ tiếp nhận ánh sáng mà còn là cửa sổ của tâm hồn. Chỉ thoáng nhìn thấy nhau mà đã rung động cả thần trí thì có thể gọi đó là “tiếng sét ái tình”. Người vợ hay chồng ở nơi xa, gặp chuyện không may, người phối ngẫu tự nhiên thấy lo lắng, bất an. Ðó gọi là linh cảm. Có những người con chết ngoài mặt trận, báo mộng cho mẹ biết ngay, là thần giao cách cảm” “Nghe chú giải thích cháu mới hiểu. Vậy là không phải cháu bị chú “sét đánh” vì chú với cháu chẳng có tần số dao động nào cả. Cháu mừng lắm. Cháu chỉ sợ thương chú thình lình… thì khổ cháu. Chú thì ở xa… lại chẳng biết gia đình chú ra sao?” “Cô yên tâm. Tôi xem cô như bạn chứ không có tình cảm gì khác. Chuyện mất ngủ, ai cũng có, ít bữa sau ngủ bù. Cũng có thể vì công việc buôn bán, làm cô suy nghĩ, tính toán nên không ngủ được” Cô gật đầu “Chú nói đúng. Mấy bữa nay, cháu cứ nôn nao, muốn về đây mua hàng. Cứ tính mình sẽ mua những gì. Nhưng lại quên. Viết vào tờ giấy rồi cũng bỏ đâu mất tiêu. Cháu lái xe mà hồn vía để đâu đâu. Khi chạy nhanh, khi chạy chậm. Cháu nghĩ, có lẽ mình có hẹn với chú nên mong được gặp chú. Nhưng khi ngồi với chú, cháu chỉ thấy vui thôi chứ không rung động, hồi hộp gì cả” “Cô đừng lo. Người đàng hoàng như cô, vì đã hẹn gặp tôi nên bồn chồn vậy thôi. Tôi hẹn đi uống cà phê với bạn cũng vậy, cứ nhìn chừng đồng hồ mãi. Mà dù cô có xao xuyến, rung động vì người nào đó cũng chẳng tội lỗi gì. Chỉ như một kỷ niệm đẹp để trang trí cuộc đời,  một chút vui, một chút buồn, một chút nhớ nhung, đau khổ… như ăn tô phở phải có chút ớt cay, chanh chua, miễn sau đó thì quên đi cho đỡ rắc rối” “Khi về bên đó, chú nhớ gọi cháu kẻo cháu trông nghe! Nếu chú không gọi thì cháu gọi chú. Có trở ngại gì không chú?” “Giờ làm việc thì hơi bận, nhưng buổi chiều hay tối, cô gọi giờ nào cũng được. Tôi sống một mình, được cô gọi để chuyện trò thì thích hơn mấy ông bạn. Giọng cô dịu dàng, đối đáp thông minh. Cám ơn cô rất nhiều” Cô cười vui “Chú khen cháu, cháu mừng lắm!”

     Thời khoa học tân tiến, chỉ với chiếc điện thoại nhỏ là có thể chuyện trò với bất cứ người nào, nơi nào. Ông Tâm về lại miền đông Hoa Kỳ, thỉnh thoảng hai người gọi hỏi thăm nhau. Cô tâm sự “Không hiểu sao, lối rày cháu thích nghe những bản tình ca. Bây giờ mới thấy hay chứ trước đây cháu ghét lắm” Ông Tâm cười “Chúc mừng cô đã yêu một người nào đó” Cô Trang bảo “Chú tài thật. Cháu đang yêu. Nhưng không phải yêu chú đâu. Chú đừng vội mừng” Cô tỉ tê “Hơn mười năm, cháu lo buôn bán, bòn mót từng đồng, gửi về cho gia đình, cha mẹ, anh chị em. Khi cuộc sống của người thân ở Việt Nam ổn định thì cháu nhìn lại mình mới biết tuổi xuân đã đi qua. Cháu già quá rồi! Lại suốt ngày lẩn quẩn trong tiệm buôn. Mà có ra đường, cũng chẳng ai thèm nhìn. Cháu buồn lắm, nhiều lúc tủi thân, nằm khóc một mình” Ông Tâm an ủi “Sống một mình cũng có cái thú của nó. Không làm phiền ai mà cũng chẳng ai làm phiền mình. Muốn ăn, ngủ, đi chơi đây đó… tự nhiên, thoải mái. Xứ Mỹ nầy, rất nhiều người thích sống độc thân, khi già thì có nhà dưỡng lão lo. Tôi định, khi mình về hưu, sẽ đến thành phố của cô xin vào viện dưỡng lão chờ đến khi cô thành bà lão thì vào ở chung với tôi” Cô cười như reo lên nhưng làm bộ cự nự “Chú đừng hi vọng. Sau nầy, cháu có vào nhà già thì mỗi người một phòng riêng, cháu sẽ không qua phòng chú. Cháu cũng không cho chú vào phòng cháu đâu. Chỉ gọi điện thoại thôi. Nam nữ thọ thọ bất thân mà chú!” “Cô đang cười, chứng tỏ cô không còn buồn nữa. Khi cô vui vẻ thì tôi cũng vui lây. Cô dễ thương lắm!” Cô yên lặng, rồi ngập ngừng như muốn nói điều gì, nhưng cô lại tắt điện thoại, không trả lời.

“A lô! Tôi đang ở thành phố của cô Trang đây” “Chú đến lúc nào vậy?” “Sáng nay đến Austin thăm một người bạn, hiện giờ ghé điểm tâm ở Round Rock. Cô biết tiệm ăn Á Ðông ở đó không? Mời cô đến điểm tâm với tụi tôi” “Cháu có biết tiệm đó. Mươi phút nữa cháu sẽ đến. Gặp chú rồi cháu phải về tiệm ngay. Chú đứng trước cửa nhà hàng đón cháu nghe”.

Cô Trang đậu xe trước tiệm ăn, mở cửa bước ra, dáo dác nhìn quanh. Ông Tâm tiến đến “Trang. Tôi đây nè!” Cô Trang quay lại, lấy tay đè lên ngực “Cháu muốn bể tim vì hồi hộp. Cháu mừng quá! Cả năm mới được gặp lại chú”. “Mời cô vào với tụi tôi” “Cám ơn chú. Cháu không vào đâu. Cháu ngại gặp nhiều người. Bây giờ cháu phải về” “Ủa, gặp nhau, nói mấy câu là hết sao?” “Cháu ước được gặp lại chú. Bây giờ gặp rồi. Chú vào với các bạn chú đi” “Nói với nhau vài câu nữa, không được sao?” Cô Trang mở cửa xe, tần ngần một lúc rồi nói “Chiều nay, lúc bảy giờ, cháu đóng cửa tiệm, sẽ gặp chú ở quán cà phê đằng kia. Một mình chú thôi. Cháu không thích đông người” “Cám ơn cô”.

Ông Tâm nhờ bạn đưa đến tiệm cà phê Starbucks,  bước vào đã thấy cô Trang ngồi trong đó “Cô chờ tôi có lâu không?” Cô lắc đầu “Cháu mới vào. Chú uống gì?” “Cho tôi ly cà phê nóng” Cô đứng lên, đi lấy hai ly cà phê “Chú uống cà phê có bị mất ngủ không?” “Tôi nằm xuống là ngủ liền, nhưng tối nay phải thức để trò chuyện với bạn bè” “Những người dễ ngủ thường vô tâm. Cháu mà được vô tâm như chú thì cháu không đến nỗi già như thế nầy. Cháu già lắm phải không chú?” “Trẻ hơn trước” “Cháu biết chú nói lấy lòng cháu. Ðố chú, cháu có gì lạ không?” “Cô vừa có bồ nên trông tươi tỉnh, vui vẻ” “Chú sai rồi. Cháu mập hơn trước” Ông Tâm tấm tắc “Hèn chi chân tay tròn vo, mặt cũng tròn như của Thúy Vân. Gương trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Cô đẹp như Thúy Vân” Cô lắc đầu, phụng phịu “Chú nói cho cháu vui. Cứ đem Thúy Vân ra so sánh là xong. Nhưng Thúy Vân đâu có đẹp!” Ông Tâm chăm chú nhìn cô rồi nhíu mày, làm như suy tư “Bây giờ cô đứng lên, xoay người để tôi so sánh cô với Thúy Vân, xem ai đẹp hơn”. Cô Trang đứng lên. Cô đánh phấn hồng, môi son nhạt, mắt viền đen. Cô mặc áo pull màu nâu hồng nhạt, bó sát thân hình thon gọn với hai đồi ngực thanh tân, nhỏ như hai quả cam. Quần jean xanh đậm. Hai đùi tròn lẳn, đôi mông tròn, đẹp tinh khiết. Cô yểu điệu quay người một vòng rồi ngồi xuống, đôi mắt long lanh ngước nhìn ông Tâm, chờ đợi. Ông Tâm gục gặc đầu “Mới gặp Thúy Vân, tôi tưởng Thúy Vân đẹp nhất trên đời. Bây giờ gặp cô thì hóa ra cô đẹp gấp đôi Thúy Vân. Thúy Vân mà đứng cạnh cô, mắc cỡ không biết để đâu cho hết”. Cô Trang làm nghiêm “Chú gặp Thúy Vân ở đâu? Lâu chưa?” “Mới đây thôi. Gặp ở quận Cam, bên Cali., Cô ta và Thúy Kiều đi ăn phở với Nguyễn Du, có cả Vương Quan với Kim Trọng nữa. Lâu ngày gặp nhau, chúng tôi mừng lắm!” “Bộ chú cũng quen với Nguyễn Du nữa à?” “Bạn thân mà! Tay bắt mặt mừng đàng hoàng” Cô Trang cố mím môi để khỏi bật cười, mắt đăm đăm nhìn ông Tâm “Chú!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô định nói gì?” “Cháu muốn xô chú ngã xuống đất quá!” “Coi bộ ghét hay giận tôi điều gì?” Cô lắc đầu “Chú làm cháu vui quá, thích quá! Cháu không biết nói thế nào cho chú biết rằng cháu chưa bao giờ được vui như lúc nầy. Cám ơn chú. Chỉ nghe giọng chú nói là cháu đã vui sướng rồi. Từ khi quen chú đến nay, chú đã cho cháu biết bao niềm vui” “Tôi lúc nào cũng cầu mong cho những người thân yêu của mình vui vẻ, hạnh phúc” Tiệm cà phê vắng khách, yên tĩnh, cả hai cảm thấy thoải mái. Cô thu ngân ngồi ở quầy tính tiền thỉnh thoảng nhìn hai người rồi tủm tỉm cười. Cô Trang hỏi chuyện đi đường, chuyện thăm viếng bạn bè của ông Tâm. Hai người mãi chuyện trò, quên cả thời gian. Rồi cô nhìn đồng hồ, thở dài, đứng lên “Cháu phải về”.

Hai người bước ra, đứng trước tiệm cà phê. Ông Tâm nói “Tôi thấy ở đây yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Ông bạn rủ tôi ở chơi đến cuối tuần hãy đi” Cô lắc đầu “Không được! Chú không được ở đây. Cháu… sợ lắm!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô sợ gì?” “Cháu không biết. Cháu sợ chú” Cô yên lặng một lúc rồi ngước nhìn ông Tâm, đôi mắt long lanh nước mắt. Cô mím môi “Mai chú đi rồi, phải không? Chúc chú đi bình an, vui vẻ” Giọng cô run run “Từ nay chú đừng gọi cháu nữa. Cháu cũng không gọi chú. Chú hứa đi! Không gọi cháu nữa” Ông Tâm bối rối “Tôi xin lỗi cô. Tôi không hiểu mình đã nói gì mà thình lình cô giận tôi? Hay là cô giận ai?” Cô cúi đầu, yên lặng. Chợt cô ngước lên “Chú ngốc lắm!” rồi cô bước nhanh ra xe. Ông Tâm đứng sửng “Tôi xin lỗi cô. Chiều mai tôi mới lên đường. Sáng mai mời cô đi ăn điểm tâm. Nhớ nghe! Tôi sẽ gọi cô”. Cô lắc đầu, vào xe, lái đi.

Cô Trang cho xe ra đường mà không biết mình đang đi đâu. Tiếng ca nhạc trong xe vang lên nho nhỏ “… Dù tình yêu đã quá xa tầm tay với. Dù mai kia bước chân nầy rã lụi. Thành tượng đá bơ vơ phương trời…”  Nước mắt cô lại ứa ra. Mùa hè, trời vẫn còn sáng nhưng nước mắt làm nhạt nhòa con đường trước mặt. Không thấy rõ đường, cô phải tấp xe vào một công viên, tắt máy, ngồi lặng người. Rồi cô khóc òa, khóc nức nở. Cô nghẹn ngào lí nhí gì đó, như nói với một người vô hình… Một lúc sau cô hết khóc. Cô ngạc nhiên thấy mình sao dễ khóc đến như vậy? Lòng cô đã yên tĩnh trở lại. Cô nhìn vào khoảng không và thở dài… Bóng tối đã tràn ngập công viên, chỉ còn lại chút ánh sáng mơ hồ trên các ngọn cây. Bỗõng nhiên, tâm trí cô lại rộn ràng niềm vui lẫn háo hức. Cô lấy điện thoại. Bấm số, áp vào tai. Nghe bên kia chuông reo, cô lại bấm tắt. Và cứ áp điện thoại vào tai, cô thì thầm “Chú ngốc quá! Chú từng viết “Hạnh phúc của anh là khi em đang rơi nước mắt” Thấy cháu khóc mà chú chẳng hiểu gì cháu cả. Sáng mai gặp chú, cháu sẽ trách chú vô tình…”. Ngước nhìn hàng cây phía xa trong công viên, cô tươi cười như đang nói với ông Tâm” Cháu cho phép chú ở đây. Ở đây với cháu. Ðến khi nào chú chán, thì… đi đâu tùy ý”.

Phạm Thành Châu

 

Thế Lực của Xã hội Dân Sự [Không Gian của Tổ Chức Cộng Đồng & Hiệp Hội Chân Chính]

TS LS Lưu Nguyễn Đạt

Chúng ta sẽ hiểu rõ thế lực của Xã hội Dân Sự [1] sau khi xác định xong hình thức tổ chức, vị trí đối chiếu và vai trò thực thi Dân Chủ của Xã Hội Dân Sự [XHDS] trong không gian và thời gian hiện đại.

Hình Thức Tổ Chức

XHDS là tổng hợp các chủ thể pháp nhân[2] nhằm đáp ứng, tương trợ và bảo trọng quyền lợi, mục tiêu và phẩm giá tập thể của công dân, của dân chúng trong nước và trong cộng đồng thế giới, theo định hướng nhân bản tự quyết, tự duy.

Muốn hữu hiệu, XHDS cần tự nguyện đoàn ngũ hoá thành “Tổ chức XHDS”, dưới hình thức tổ chức bất vụ lợi,[3] độc lập, hoặc tổ chức phi chính phủ,[4] để hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, từ thiện, giáo dục, tôn giáo, nghề nghiệp, điều nghiên, văn học, nghệ thuật, các phong trào dân vận bảo trọng nhân quyền v.v.

Khi tự nguyện thành lập đúng theo khuôn khổ “tập thể mở rộng”, căn cứ vào thủ tục pháp định liên hệ, tổ chức XHDS có dịp công khai, minh bạch hoá mục tiêu và sứ mạng theo đuổi, với kết quả đóng góp thế lực và ảnh hưởng nghĩa vụ công dân trong lĩnh vực sinh hoạt cộng đồng.

Sinh hoạt hợp pháp của tổ chức XHDS cũng cho phép lượng giá chính thể hiện hữu là dân chủ cởi mở [a] nếu tôn trọng hoạt động chính thống của XHDS; [b] còn không sẽ phải coi là chuyên chế, phản dân chủ, khi cấm đoán, kìm kẹp, kiểm soát các tổ chức tập thể này.

XHDS phải được minh thị tôn trọng như một nhu cầu chính đáng của dân, do dân, vì dân.  Mọi hình thức tổ chức XHDS khác đều có tính cách trá hình, lươn lẹo, vừa phản động ngược chiều, vừa vô hiệu, phí phạm nhân lực, tài lực.

Nếu thiếu minh bạch, thiếu sinh lực tổ chức, thiếu sở trường và mục tiêu đúng đắn, mọi sinh hoạt tạm bợ, giả tạo, nhất là loại dàn dựng cơ sở man trá theo nhu cầu phiệt “Xã Hội Chủ nghĩa”, sẽ tức khắc phản nghịch, phản tác dụng, không thực sự giúp được bất cứ ai [a] người chủ trương ma thuật, [b] giới “thừa hưởng” bánh vẽ trên thiên đường lường gạt, [c] lẫn phe đầu nậu đảng, tài, quân phiệt.

XHDS, vốn thuộc về văn hoá mở rộng của tập thể đại chúng tự duy, tự khởi, tự trọng, chỉ ích lợi nếu quy tụ chung quanh đời sống chân thực của công dân và con người làm chuẩn.  XHDS về mặt căn bản pháp định hay theo tiêu chuẩn công lý phải là một tổ chức thiện nguyện, nhân bản, đạo đức, không tư lợi.

Vị trí Đối Chiếu

Vậy XHDS nằm trong khu vực dân sự, lấy “sự việc” của “công dân” làm căn bản đo lường.  Khu vực sinh hoạt của XHDS [a] khác với khu vực cá nhân, gia đình, [b] khác với khu vực tư lợi kinh tế thị trường, và [c] cũng khác với khu vực chính quyền.

[A] Khu vực XHDS khác với khu vực cá nhân, gia đình, nhóm đảng

Ở địa vị cá nhân, gia đình, bè nhóm, người dân hành động

  • vì quyền lợi, mục tiêu riêng rẽ và chỉ gây dựng được những ảnh hưởng có lợi ích hạn hẹp cho cá nhân, gia đình, bè nhóm như sáng tạo một tác phẩm; sinh hoạt theo nội quy đảng;
  • nhưng chưa hoạt động theo tiêu chuẩn “tập thể mở rộng” của XHDS độc lập, với sứ mạng của một hội nghiên cứu văn học, khoa học; một hiệp hội từ thiện; một tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Nhưng nếu những cá nhân, tập thể gia đình lại đứng ra hô hào, đề xướng các chương trình từ thiện bảo trợ một mục tiêu, một sứ mạng bác ái, phụng sự xã hội, nghề nghiệp, văn hoá, giáo dục mở rộng, có ích lợi chung, không hạn hẹp, không trục lợi, thì cá nhân đó, gia đình đó có đủ tư cách sinh hoạt trong phạm vi của khu vực XHDS, miễn:

  • giữ thế phân định minh bạch, không mập mờ lẫn lộn về sổ sách, ngân quỹ, quyền lợi giữa hai khu vực riêng tư [cá nhân, gia đình, bè nhóm] và hiệp hội;
  • không biệt đãi, không kỳ thị.  Đó là lý do tại sao các nhân vật [có liêm sỉ] phải từ chối một chức vụ quan trọng trong tổ chức XHDS, hay bất cứ mốt chức vụ công quyền nào khác, để tránh trường hợp mập mờ, tranh chấp quyền lợi [conflict of interests] có thể xẩy ra.

Ngược lại, với tư cách đại nhiệm cơ sở XHDS, các quản trị viên, thành viên và người hỗ trợ hiệp hội sẽ được bù đắp, và nếu cần, được miễn trách, miễn hay giảm thuế, căn cứ vào mức độ tham gia, đóng góp, và tư cách công minh, không lạm quyền, lạm dụng của họ.

Kể từ những năm 1990, với sự hình thành của các Phong Trào Tân Xã Hội [New Social Movements] tại thế giới tự do, sinh hoạt XHDS đã đột phát mạnh để trở thành khối thế lực thứ ba [third sector] [5] thực thi chiến lược xây dựng trật tự toàn cầu, trong một không gian nhân bản không ranh giới,

  • thì sinh hoạt của XHDS đã chuyển hướng áp dụng những chương trình thiện nguyện thuần xã hội,
  • trong khi nhu cầu tranh đấu chính trị còn lại được tụ tập thành Xã Hội Chính Trị [Political Society] của các hội đoàn tranh đấu về ý thức hệ, chống đối các tai ương cai trị chuyên chế, các bạo hành công lực, công quyền.

Riêng tại các quốc gia mà mực độ tự do công dân còn quá thấp, với cơ cấu công quyền chuyên chế còn lấn át quá mạnh, như tại Việt Nam ngày nay, thì khía cạnh chính trị khó có thể tách ra khỏi mục tiêu sinh hoạt của các tổ chức XHDS: vừa giúp đỡ xây dựng xã hội thiếu thốn về mặt vật chất, kinh tế, giáo dục, vừa bênh vực xã hội lâm nạn, bị ngược đãi tinh thần, mất tự do, mất phẩm giá con người, bị truất quyền công dân, mất quyền sở hữu.

[B] Khu vực XHDS khác với khu vực vụ tư lợi kinh tế thị trường.[6]

Trong khi các doanh nhân, các pháp nhân xí nghiệp, công ty thương mại đều sinh hoạt mong lấy lời [tư lợi] vì đầu tư vốn liếng, máy móc [cơ sở tư bản],[7] sáng kiến, thì các hiệp hội từ thiện, nghiệp đoàn, các tổ chức khuyến học, bảo tồn văn hoá, bảo vệ tự do nhân quyền v.v. lại là những pháp nhân thiện nguyện, bất vụ lợi, sinh hoạt với mục đích cung cấp ích lợi chung cho đại chúng qua những đơn vị nhận lợi ích theo nhu cầu hơn là theo khả năng.

Do đó, trong lãnh vực XHDS, căn bản trao đổi không tùy thuộc vào yếu tố cung cầu trên thị trường mà căn cứ:

  • hoặc vào tình trạng khẩn trương và nỗ lực cứu độ nạn nhân, kẻ thất thế;
  • hoặc vào lý tưởng bảo vệ tự do, phẩm giá con người;
  • hoặc vào giá trị của tư tưởng sáng tạo, nhân bản cần bảo vệ, chu toàn, khai triển.

Vốn liếng của XHDS là “vốn xã hội” [Social Capital], vốn nhân bản, với sự đóng góp liên tục, trường kỳ về mặt nhân lực và kiến thức của người dân. Trong vị trí của XHDS, công dân

  • vừa là “đối tác” trợ lực đầu tư sáng kiến và tâm thức,
  • vừa là cứu cánh tập thể hưởng thụ phúc lợi, an sinh, quyền lợi và phẩm giá của mọi công dân, của con người nói chung trong cộng đồng toàn cầu.

Sinh hoạt bất vụ lợi cũng cần phương tiện cụ thể, tiền bạc, cơ sở sinh hoạt.  Nhưng chỉ khác là những hạ tầng cơ sở tài lực và điều hành đó không làm lợi cho thành viên các tổ chức hiệp hội, mà phải được phân minh, để riêng thành các chương mục phục vụ công ích, theo tiêu chuẩn của nội quy [By-laws] và định nghĩa căn bản của XHDS:

  • gây quỹ cứu trợ chẳng hạn, thì phải tìm cách thu xếp trao gửi tiền, tặng phẩm tới tay nạn nhân, tới thành phần cần cứu độ, trợ giúp;
  • chứ không vì lợi ích riêng tư, hay biệt đãi bè nhóm;
  • cũng không thể a tòng, dễ dãi với kẻ phạm pháp, với chính quyền địa phương bất chính, để gây ra tình trạng thất thoát, làm thiệt hại cho nạn nhân, cho dân chúng thực sự có nhu cầu.

Vậy sinh hoạt bất vụ lợi của một hiệp hội cần:

  • phân tách tiền tài thu nhập, cần có ngân khoản rõ rệt, riêng biệt; có sổ sách chứng minh kế toán khả quan;
  • để không “nhập nhằng” trở thành của cải riêng tư của các thành viên, quản trị viên.

Ngoài ra, nguồn tài lực do các chương trình gây quỹ và đóng góp của giới hảo tâm vẫn là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các sinh hoạt thuộc phạm vi XHDS.  Có ngân quỹ mới có dịch vụ cộng đồng, mới có các dự án bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền trong mọi sinh hoạt xã hội, nghề nghiệp; giúp đỡ từ thiện; cải tiến môi sinh; bảo vệ môi trường.  Có tài chính mới có dự án nghiên cứu y tế cộng cộng, mới thực hiện được những chương trình sáng tạo văn nghệ, phát huy giáo dục v.v.

Nhưng cần nhất, mọi thủ tục tài chính, thu và chi phải được thực hiện theo đúng thủ tục, đúng tiêu chuẩn công bằng, minh bạch, không lạm quyền tư lợi, không a tòng tham nhũng.

Như đã nói trước đây, những xí nghiệp, cơ sở kinh doanh nếu đứng ra hô hào, đề xướng các chương trình từ thiện phụng sự xã hội, hay thi hành trách nhiệm đạo đức xí nghiệp[8], thì các cơ sở kinh doanh liên hệ có đủ tư cách sinh hoạt theo tiêu chuẩn XHDS, miễn các chương trình “đặc nhiệm” này:

  • giữ thế phân định minh bạch, không mập mờ lẫn lộn về sổ sách, ngân quỹ, quyền lợi giữa hai khu vực kinh doanh tư lợi và hiệp hội bất vụ lợi;
  • không biệt đãi, không kỳ thị.

[C] Khu vực XHDS khác với khu vực công quyền [chính quyền, chính phủ, nhà nước],[9] vì như tại Hoa Kỳ, XHDS xây dựng căn bản dân quyền trên năm trụ lực:

  1. tự do tư tưởng, tôn giáo;
  2. tự do ngôn luận, chính kiến;
  3. tự do báo chí, thông tin;
  4. tự do hội họp, tổ chức đoàn ngũ tập thể;
  5. tự do phê phán công quyền.

Thật vậy, căn cứ vào Tu chính Thứ Nhất [10] của Hiến Pháp Hoa Kỳ,[11] nhà Lập Pháp không được biệt đãi một tôn giáo, lẫn cấm đoán tự do tín ngưỡng liên hệ; không được cản trở quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền hội họp ôn hoà và thỉnh cầu chính quyền sửa sai. [12] Rõ rệt, XHDS giữ thế đứng hiến định của “khối lực thứ ba” trong việc xây dựng & bảo trì nền tảng dân chủ tại Hoa Kỳ.

Việc đăng ký một tổ chức bất vụ lợi, với tư cách pháp nhân độc lập, rất thông thường trên thế giới tự do.  Luật lệ Hoa Kỳ tại các Tiểu Bang liên hệ tới trụ sở khai báo của tổ chức đều ấn định một số quy tắc tổ chức dưới hình thức kê khai lập hội [articles of incorporation], ghi rõ hội danh, mục đích, trụ sở, người đứng khai, thành phần sáng lập viên hay hội đồng quản trị.  Sau khi có giấy chứng nhận lập hội, việc đầu tiên cần thi hành là xin số khai báo của Hội với Cơ Quan Thuế Vụ IRS [EIN: Emplower Identification Number] để mở chương mục riêng cho Hội, và sau vài năm sinh hoạt, xin miễn-giảm Thuế Liên Bang dưới quan hệ pháp lý 501(C)(3) và kế tiếp, dành cho các hiệp hội, tổ chức bất vụ lợi có mục tiêu tôn giáo, giáo dục, từ thiện v.v.

Có lẽ sau mục tiêu “tôn giáo”, mục tiêu “từ thiện” được hưởng ứng nhiều nhất trên mọi địa bàn, quốc nội & quốc ngoại, trong thế giới tự do.  Hoa Kỳ đòi hỏi các hiệp hội, kể cả các hiệp quỹ tư [private foundation], như Rockefeller Foundation và Bill & Melinda Gates Foundation, khi sử dụng danh nghĩa “từ thiện” phải có sứ mạng đích thực phục vụ “công ích chung” [public interests],[13]  nghĩa là phải cung cấp ích lợi cho tập thể mở rộng, cho dân chúng trong nước và trên toàn cầu, chứ không dành cho tư nhân, gia đình, bè nhóm.

Riêng Anh Quốc, cắn cứ vào Đạo Luật Từ Thiện 2006, [14] ấn định quy chế/mục tiêu từ thiện một cách rất bao quát, gồm có:

  1. đề phòng và giải trừ nghèo khổ
  2. phát huy giáo dục
  3. phát huy tôn giáo
  4. phát huy y tế công cộng & giải pháp cứu sống người
  5. phát huy cộng đồng công dân
  6. phát huy nghệ thuật, văn hoá, truyền thống, khoa học
  7. phát huy thể thao không chuyên nghiệp
  8. phát huy nhân quyền, tôn giáo qua đường lối hoà giải chủng tộc, bình quyền và đa dạng hoá
  9. cải tiến & bảo vệ môi trường
  10. cứu độ nạn nhân có nhu cầu cấp cúu vì tuổi thơ ấu, bệnh tật, tàn phế, nghèo túng, thất thế về các mặt xã hội khác.
  11. phát huy bảo vệ súc vật v.v.

Cần Ghi Rõ:

Tất cả các tổ chức bất vụ lợi và hiệp quỹ tư trên đều có tính cách XHDS: của dân, do dân, phục vụ dân.  Các thành viên, từ sáng lập viên, hội viên, ban quản trị đều là dân trăm phần trăm.  Họ lập hội vì nghĩa cử, vì trách nhiệm công dân, vì quyền lợi tập thể, vì phẩm giá con người, trong nước và toàn cầu.

Các hiệp hội này sống nhờ những đóng góp thiện nguyện; gây quỹ; tặng dữ cá nhân, hội đoàn, pháp nhân kinh doanh, công ty thương mại có chương mục từ thiện.  Họ đóng góp tới đâu sẽ được giảm thuế tương xứng tới đó.  Đó là cách thức trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào sinh hoạt hiệp hội và từ thiện quảng đại. Chúng ta đã thấy nhà hảo tâm tỷ phú Warren Buffett đã trao tặng 31 tỷ Mỹ Kim cho Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation để cùng làm việc nghĩa.  Dù có nhận tiền đóng góp trên, các hiệp hội vẫn toàn quyền hành động theo đường lối của hội, căn cứ vào mục đích và sứ mạng đảm nhận.  Họ không hề bị bất cứ thế lực nào kìm kẹp, ngoài việc phải thi hành sứ mạng từ thiện theo đúng tiêu chuẩn hiệp hội, một cách công minh, hợp lệ, hợp luân lý căn bản.

Chế độ cộng sản, kể cả cái gọi là “nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [NCHXHCNVN], đã nhập nhằng bày đặt một số tổ chức tập đoàn, cũng dâng cao danh nghĩa dân chủ trá hình. Đó là hiện tượng quái dị của các “tập đoàn dân sự” [sic] lấy tên là “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” [MTTQVN] từ cấp thành phố, tỉnh, tới cấp huyện, và các “Câu Lạc Bộ” đủ thứ [liên minh, liên kết với MTTQVN], đều được thành lập bởi đảng viên cộng sản hoặc chuẩn-đảng viên-khăn-quàng-đỏ.

Tất cả các tổ chức đó là những tổ chức mạo danh “phi chính phủ” nhưng lại “do Đảng tổ chức” (tiếng Anh gọi là  GONGO/Government Organized Non-Governmental Organization ). [15]

Trên giấy trắng mực đen, họ đã xác nhận các tổ chức này chỉ là loại “dân sự” trá hình, mà đáng lẽ phải trắng trợn gọi là tổ chức “đảng sự — “của đảng ta, do đảng ta, vì đảng ta”. Cái hiện tương này rất dễ hiểu, khi họ ghi nhận rõ ràng qua Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam (1992, sửa đổi):

Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” 

Đó là lý do tại sao có nhà biên khảo theo “xã hội chủ nghĩa” lại nhận định rằng:

“XHDS ở VN cơ bản không mang tính đối kháng trong nó và với nhà nước. Tính đồng thuận và đoàn kết xã hội của XHDS khá cao, nhưng các tổ chức hoạt động còn phân tán, tính pháp lý chưa đủ và cần thiết”. [16]

Vậy, cái sắc thái  “…không mang tính đối kháng trong nó và với nhà nước… đồng thuận và đoàn kết…” của các tổ chức này là do thế kẹt “chỉ đâu ăn nấy” hoặc “chỉ đâu đánh nấy”, theo chiều dọc của “Đảng ta”, từ đỉnh cao rớt xuống, chỉ là hình thức Xã Hội Dân Sự giả. [17]

Do đó, chúng tôi đề nghị với quý biên khảo gia kể từ nay nên gạt bỏ thuật ngữ Xã Hội Dân Sự [XHDS] đối với các “hội ma” này tại Việt Nam, mà nên đặt các tổ chức “GONGO” [vào thực trạng của nó, mà chúng tôi mạn phép tạo một thuật ngữ mới là “Xã Hội Đảng Sự” [XHĐS], dịch ra tiếng Anh-Mỹ là “Nomenklatura Society”,[18] cho thuận lý, thuận cảnh, vừa “logic”[sic]/thuần lý, vừa hợp thời trang, hợp đảng, hợp cán, vì XHĐS đó, từ mấy chục năm nay chỉ là loại Xã Hội điếu đóm, nhem nhuốc, dần dà lột xác thành Xã Hội Mafia đỏ ăn chia, ăn đủ hàng họ, đất đai, vàng bạc, rác rưởi.  Không đảng viên nào dám chê. Nhất chí![sic]

Vai Trò Thực Thi Dân Chủ

Trên thực tế, các nhà cầm quyền cộng sản rất e ngại sự hình thành thực sự, đúng nghĩa của XHDS, vì coi “khối thế lực thứ ba” — độc lập, tự chủ, tự quyết — này dễ gây trở ngại cho chính sách công quyền một chiều, độc đoán, toàn trị của họ.

Ngày hôm nay, những ai có lương tri và lương tâm đều công nhận rằng XHDS, với “Vốn Xã Hội” [Social Capital] và đặc tính văn hoá tân xã hội, đã

  • một mặt tạo dựng sức mạnh liên đới phát huy và bảo trọng nền dân chủ chân chính,
  • mặt khác tiếp tục tìm phương thức giảm thiểu xung đột, va chạm, mâu thuẫn, đối kháng trong xã hội.

Cái ưu điểm của XHDS là tính cách năng động của các tổ chức dân sự tự nguyện trong việc

  • ảnh hưởng, định hướng chính sách đối nội và đối ngoại;
  • thay đổi, phát huy đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục;
  • tăng cường mức độ an ninh trong nước và ngoài nước.

Hoa Kỳ đã chứng minh sự liên hệ kết sinh mật thiết giữa năng độ đa nguyên và đa dạng của XHDS với sự bảo trọng và phát huy của nền dân chủ hữu hiệu.  Đó là sự nẩy mầm dân chủ từ hạ tầng cơ sở [XHDS, từ ý dân, sáng kiến, yêu sách, đòi hỏi, khuyến cáo] lên tới thượng tầng cơ sở của hệ thống chính quyền [Nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp] có trách nhiệm đối với dân, đối với đất nước.

Vai trò của XHDS nhấn mạnh vào việc phát huy và bảo trọng dân chủ bằng cách:

[a] thực thi giá trị của dân chủ đa nguyên, đa dạng;

[b] hội nhập bằng hoà giải giữa nhiều khía cạnh của một vấn đề, vì công ích và quyền lợi chung;

[c] bắt cầu giữa nhiều khối, nhóm, quyền lợi riêng rẽ, bằng cách nới rộng các vị thế tranh chấp, để cùng xây dựng một giải pháp ôn hoà khả chấp, khả thi chung;[19]

[d] giảm bớt mức độ quá khích của hành động và dùng lương tri để chuẩn định theo nhu cầu, quyền lợi và vị thế của dân;

[e] sử dụng tối đa các phương thức và kinh nghiệm sẵn có trong nước và trên toàn cầu về đường lối và kỹ thuật tranh đấu xây dựng dân chủ, kiến tạo hoà bình;

[f] liên kết với những thế lực song hành, cùng sứ mạng, cùng mục tiêu, mà cứu cánh là dân, là nhân loại;

[g] gây vốn xã hội bằng giải pháp hài hoà, công minh, công bằng;

[h] gây vốn điều hành và tạo niềm tin về mặt kỹ thuật của từng dự án xây dựng dân chủ.

Những thập nguyên gần đây, theo gương thế giới tự do, một số quốc gia đã vươn lên từ truyền thống chuyên chế.  Năm 1998, Indonesia đã thoát khỏi tai ách độc tài của Suharto, sau khi ông ta bị dồn vào thế phải từ chức và bị truy tố về tội tham nhũng, với số tài sản phi pháp ước lương trên dưới 30 tỷ Mỹ Kim.  Ngày hôm nay, Indonesia hưởng một chế độ cởi mở hơn, nhờ có tác động của các cơ sở XHDS, mỗi lúc mỗi phát khởi và liên kết chặt chẽ.

Nhờ có sự phát động của nhiều cơ sở XHDS tại Ethiopa, Quốc Hội trở thành đa nguyên, nên đã chuyển hướng, đòi hỏi chính phủ Mặt Trận Cách Mạnh Ethopia [Ethopian People’s Revolutionary Front] phải chấm dứt kiểm duyệt báo chí và bắt bớ nhà báo ủng hộ sinh hoạt của XHDS trong nước.  Đó cũng là thành quả của hành động dân chủ hoá, qua hiện tượng đôn đốc thay đổi từ dưới lên,[20] từ lòng dân khởi nghĩa.

Trong cùng giai đoạn từ 1998 tới 2004, chúng ta cũng đã chứng kiến vai trò năng động của XHDS tại Georgia, Ukraine, Slovakia, Croatia, Serbia trong việc thực hiện những cuộc bầu cử tự do đưa tới hiện tượng dân chủ mỗi lúc mỗi sáng tỏ tại những xứ sở này.

Và sau những cuộc bầu cử trên, XHDS vẫn phải tiếp tay với chính quyền để đa trạng hoá sự tham dự của công dân có sáng kiến xây dựng vào guồng máy quản trị đất nước chung.  Vận động thường xuyên “giữa những cuộc bầu cử” mới thực sự đo lường năng lực tất yếu của XHDS tại bất cứ chính thể nào muốn tham dự cuộc hành trình đưa tới tự do dân chủ, thịnh vượng, an sinh.

Ngay tại các quốc gia mà chế độ chuyên chế còn tồn tại dưới hình thức “dân-chủ-tiêu-cực/vô-hiệu”,[21] “dân chủ kìm kẹp”,[22] hay“dân-chủ-không-tự do”[23] như tại Việt Nam, XHDS chân chính vẫn là giải pháp cần thiết đưa tới công thức dân chủ hoá, đem lại thịnh vượng và an ninh cho xứ sở, cho toàn vùng lân cận.  Vì dân chủ chỉ có thể thực hiện toàn vẹn khi mọc mầm từ tự do, từ sáng kiến và nghị lực toàn dân làm nền tảng, vốn liếng.

Nhưng mượn vốn [xã hội] thì phải trả lại cho sòng phẳng, cho cân đối, cả vốn lẫn lời.

Nếu ngoan cố đòi tất cả “của” dân mà không hành đồng cho dân, vì dân… là thứ chính sách ăn quỵt, ăn không, ắt không lâu bền, cũng có lúc mất cả vốn [ăn cướp] lẫn liếng [ăn có], “mất cả chì lẫn chài”, để cùng xụp đổ theo đà phá sản tập thể, từ đảng tới cán.

Hãy sớm cảnh tỉnh trả lại chính nghĩa dân chủ trong không gian xã hội dân sự trên mảnh đất Việt Nam. Xin đừng để quá muộn.  Vì khi tới đường cùng, bất kham, toàn dân như dòng nước lũ sẽ phá đê, xô đập, thì không biết giới lãnh tụ bạo quyền CSVN có kịp thời bỏ thế, bỏ của chạy thoát thân?

Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Michigan State University

[1] Civil Society

[2] Entity [entities]: (1) being or existence, esp. when considered as distinct, independent, or self-contained: He conceived of society as composed of particular entities requiring special treatment. (2) Something that exists as a particular and discrete unit: Persons and corporations are equivalent entities under the law

[3] NPO [Non-Profit-Organizations]/NFPO [Not-for-Profit Organization]

[4] NGO [Non-governmental organizations]

[5] Voluntary or non-profit sector of an economy; EX.: ”intermediary space between business and government where private energy can be deployed for public good.” Also called tertiary sector

[6] Economical Market

[7] Investment capital

[8] Corporate social responsibility (CSR, also called corporate conscience, corporate citizenship, social performance, or sustainable responsible business/ Responsible Business)

[9] State

[10] Amendment I, (1791)

[11] Hiến Pháp Hoa Kỳ [1787]

[12] «Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.” [Amendment I, (1791)].

[13] Public interests.  “IRS document P557”. http://www.irs.gov/pub/irs-pdf/p557.pdf. Retrieved 2008-08-27.

[14] The Charities Act 2006 provides the following list of charitable purposes:

  1. the prevention or relief of poverty
  2. the advancement of education
  3. the advancement of religion
  4. the advancement of health or the saving of lives
  5. the advancement of citizenship or community development
  6. the advancement of the arts, culture, heritage or science
  7. the advancement of amateur sport
  8. the advancement of human rights, conflict resolution or reconciliation or the promotion of religious or racial harmony or equality and diversity
  9. the advancement of environmental protection or improvement
  10. the relief of those in need, by reason of youth, age, ill-health, disability, financial hardship or other disadvantage
  11. the advancement of animal welfare
  12. the promotion of the efficiency of the armed forces of the Crown or of the police, fire and rescue services or ambulance services
  13. other purposes currently recognised as charitable and any new charitable purposes which are similar to another charitable purpose.

[15] A government organized non-governmental organization (GONGO) is a non-governmental organization that may have been set up by a government to look like an NGO in order to qualify for outside aid or mitigate specific issues related to in-country work or international relations. Often, GONGOs are set up by undemocratic governments to maintain some level of control of the GONGO’s personnel, purpose, operation or activities. This control is often not seen in a positive light, as it filters the spirit of an NGO through a government’s intentions, leaving it open to the issues (complications, corruption, non-democratic action, etc.) that may be embedded in the host government [Wikipedia]

[16] Ts. Hồ Bá Thâm – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Tp. Hcm, Xã Hội Dân Sự, Tính ĐặcThù Và Vấn Đề ở Việt Nam

[17] Hình thức Xã Hội Dân Sự giả tạo ấy chính là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cái ô-du bán-chính-quyền, bao gồm trên 30 tổ chức khác nhau:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam
  2. Quân đội nhân dân Việt Nam
  3. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
  4. Hội nông dân Việt Nam
  5. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
  6. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
  7. Hội cựu chiến binh Việt Nam
  8. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
  9. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam
  10. Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết hữu nghị Việt Nam
  11. Hội luật gia Việt Nam
  12. Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam
  13. Hội nhà báo Việt Nam
  14. Hội chữ thập đỏ Việt Nam
  15. Tổng hội y dược học Việt Nam
  16. Hội Đông y Việt Nam
  17. Hội khoa học lịch sử Việt Nam
  18. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam
  19. Giáo hội Phật giáo Việt Nam
  20. Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam
  21. Hội người mù Việt Nam
  22. Hội làm vườn Việt Nam
  23. Hội đồng liên minh các hợp tác xã Việt Nam
  24. Hội sinh vật cảnh Việt Nam
  25. Hội dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam
  26. Hội người cao tuổi Việt Nam
  27. Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam
  28. Hội khuyến học Việt Nam
  29. Hội châm cứu Việt Nam
  30. Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài
  31. Phòng thương mại và công nghiệp
  32. Hội nạn nhân chất độc da cam – dioxin (4)

[18] The nomenklatura (Russian: номенклату́ра, Russian pronunciation: [nəmʲɪnklɐˈturə], Latin: nomenclatura) were a category of people within the Soviet Union and other Eastern Bloc countries who held various key administrative positions in all spheres of those countries’ activity: government, industry, agriculture, education, etc., whose positions were granted only with approval by the communist party of each country or region. Virtually all were members of the Communist Party.

[19] build consensus and strengthen the moderate middle ground

[20] “making change from the bottom up”

[21] “feckless democracy”

[22] “control democracy”

[23] “illiberal democracy”

 

Chiến Thắng Vũng Rô

Trần Quốc Bảo

Viết cho Ngày Quân Lực VNCH 19/6

Xin nhắc lại những dòng Quân Sử

Thật lẫy lừng “Chiến Thắng Vũng-Rô

Để Người Lính trên bước đường viễn xứ

Vẫn tự hào “Chiến sĩ dìệt Cộng nô”!

-o-

Nếu bạn đi trên Quốc lộ Số Một

Qua Khánh-Hoà, đến dãy Trường-Sơn

Gặp đèo cao nhất Nước, là Đèo-Cả

Hùng vĩ quanh năm, gió hú mây vờn

Nhìn xuống chân Đèo … Tu-Bông, Vạn-Giả

Xa xa Đại-Lãnh, xóm lá dân nghèo

Đến một vùng, vách đá cheo leo

Eo biển “Vũng-Rô” hoang vu  nằm giữa (hình: A )

Thấp thoáng sườn non, vài tiều phu chặt nứa

Dăm ba dân chài, ngoài bãi biển giăng câu

Ai ngờ … nơi đây là bí mật “bến tầu”

Cộng sản Bắc Việt chuyên chở vũ khí

Tiếp tế ngầm, cho bọn Cộng phỉ miền Nam

 

Ngày 16 tháng 2 năm 1965

Trung úy Bowers lái trực thăng dọc bờ duyên hải (1)

Thấy một tầu khả nghi tại bãi Vũng-Rô

Liền báo  Cố vấn trưởng MACV, Thiếu tá Rodgers (2)

Cùng Hải Quân Thiếu tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (3)

Tư lệnh Vùng 2 Duyên hải, tại Nha-Trang

Lập tức, phi cơ thám thính phái tới hiện trường

Quan sát thấy, sườn núi nhiều địch quân ẩn nấp

Cuộc Hành quân quy mô liền được triệu tập

Phối hợp đủ thành phần: Hải Lục Không quân

 

Khu trục AD-1 Skyraider cấp tốc thực hiện phi tuần

Oanh kích phủ đầu, nhận chìm tầu biển địch

Thiếu tá Thoại chỉ huy cuộc Hành quân xung kích (hình: B )

Quân số tham chiến rất hạn chế trong tay

Chiến trường nơi đây, sườn núi, rừng cây

Địch chiếm cao điểm,  nhiều hang  sâu ẩn trốn

Lực lượng cơ hữu của ta, có Duyên đoàn 24

Và Liên đoàn Nguời Nhái, quen hoạt động biển hồ

Được Hộ tống Hạm Tụy-Động (HQ-04) chở tới Vũng-Rô

Gặp chiến địa núi rừng, vẫn xông pha dũng  cảm

Đơn vị tiền kích, làm Cộng quân khiếp đảm

Là Lực lượng Đặc Biệt, do Trung úy Từ-Vấn chỉ huy (4)

Được trực thăng vận bốc đến Đại-Lãnh cấp kỳ

Lên Hải Vận hạm Tiền-Giang HQ.405 vào trận

 

Cuộc chiến diễn ra đã vô cùng gay cấn

Trung đoàn Cộng trên cao, xạ kích điên cuồng

Đợt xung phong đầu, hai chiến sĩ ta tử thương

Hạm đội : HQ-405, HQ-04 và Chi-Lăng II.HQ-8

Nã đại bác, liên hồi vào khu rừng rậm rạp

Khoá miệng sơn pháo ,  hỏi tội quân thù

Thung lũng hoang vu, khói lửa mịt mù

Thêm hỏa lực không quân, dội long trời lở đất

Lực lượng Đặc biệt nương theo địa hình địa vật

Bung vào trận địa, cận chiến với Cộng nô

Tình báo cho hay:  bọn địch ở Vũng-Rô

1 Trung đoàn, thuộc Quân đoàn 5 Công sản

Nhiệm vụ  tử thủ nơi đây giữ kho súng đạn

Từ Bắc chở vào cất dấu trong hang.

 

Những Chiến sĩ can trường “Lực Lượng Đặc Biệt”

Suốt 3 ngày quần thảo với lũ sài lang

Đến chiều 19 tháng 2 (1965), quân ta toàn thắng

Chiến lợi phẩm:  Gồm 1 kho vũ khí hạng nặng

Đại bác 57 ly, 2 Đại liên, 1000 trung liên,

1 hang chứa vũ khí cá nhân còn mới nguyên

Gồm 2000 Mauser, 150 Tiểu liên Trung cộng,

300  Carbin và Tiểu liên Tiệp Khắc

Trên 1 triệu đạn súng cá nhân cùng đại bác

1 kho mìn cùng chất nổ hiệu Nga sô (hình: C )

Ta đã xóa sổ gọn một Trung đoàn Cộng nô

Thắng lợi hành quân, được ghi nhận quá ư to tát

Đại Tướng Nguyễn-Khánh đã đến tận nơi thị sát.(hình: D )

Tổng Tư Lệnh khen thưởng xứng đáng tất cả chiến binh (hình E & G)

Chiến thắng này, lột trần mặt nạ Hồ-Chí-Minh

Phản bội Hiệp định Genève, chủ trương xâm lăng binh biến

Ngày hôm sau, Uỷ hội Quốc-tế Kiểm-soát Đình-chiến

Đến chiến trường, xác nhận: CSBV xâm nhập Miền Nam

-o-

“Đại thắng Vũng-Rô”, Một chiến tích vẻ vang

Chói lọi muôn đời những trang Quân Sử Việt

–  Bằng chứng hiển nhiên cho ngàn sau rõ biết

Lũ Bắc Cộng  đội lốt Giải phóng miền Nam

Gây nên cuộc chiến tranh Nam Bắc tương tàn

Đưa trọn Việt Nam vào ao tù Cộng Sản

– Người Lính VNCH, dù trên đường di tản

Vẫn luôn tự hào với  “Đại Thắng Vũng-Rô”!

Thực xứng danh:  “Chiến-Sĩ diệt Cộng nô”

 Trần Quốc Bảo

Richmond,Virginia

Ghi chú:

(x) Bài Thơ “Chiến Thắng Vũng Rô” này, là một tài liệu Quân-Sử, tác giả đã tham khảo tư liệu và được sự hiệu đính trực tiếp, của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Houston,TX) và Đại Tá Từ Vấn (Sacramento,CA)

.(1) Trong một phi vụ tản thương, Trung Úy J.S.Bowers lái trực thăng UH.1B   đã bay qua vùng Vũng Rô,cách Nha Trang khoảng 50 dặm.

.(2) Thiếu tá H.P.Rodgers, Cố vấn trưởng, Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên hải tại Nha-trang

.(3) Sau này ông Hồ-Văn-Kỳ-Thoại là Phó Đề Đốc Hải quân/QLVNCH

.(4) Ngay sau Trận Vũng Rô, Trung uý Từ Vấn được gắn lon Đại Úy (thăng cấp tại Mặt Trận) – Sau này ông Từ-Vấn là Đại Tá/Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 5.BB /QLVNCH  (Tư Lệnh SĐ 5 là Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ – đã tuẫn tiết 30/4/75)

 

Hình ảnh đính kèm: (6 hình ảnh tư liệu do PĐĐ.Hồ Văn Kỳ Thoại và ĐTá Từ Vấn  cung cấp)

.(A) Bản đồ vùng Vũng-Rô

.(B) Thiếu Tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (người thứ 1, trái) sau chiến thắng Vũng-Rô, được ân thưởng Bảo-Quốc Huân-Chương Bội Tinh kèm Anh-Dũng Bội-Tinh với nhành dương liễu, hình chụp chung cùng các Hạm trưởng Hải Quân (1965)

.(C) Vũ khí, đạn dược, mìn chất nổ … tịch thu của VC sau trận Vũng-Rô

.(D) Thiếu Tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (quân phục mầu xanh,người thứ 2 từ trái) Chỉ huy cuộc Hành quân Vũng-Rô; và – Đại Tướng Nguyễn-Khánh (tay cầm thuốc lá,ngườì thứ 2 từ phải) đến thị sát Chiến trường Vũng-Rô, đang xem chiến lợi phẩm.

.(E) Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn Đệ  Ngũ Dẳng Bảo Quốc Huân Chương với ngành Dương Liễu cho Trung Úy Từ Vấn

(G) Trung ÚY Từ Vấn (thứ 2 từ trái) và các Chiến Hữu, Trận Vũng Rô đứng trước chiến lợi phẩm

 

Thơ Father’s Day

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

MOST OF ALL

I love you, Dad, for all the things you do.
You make laugh when I am feeling blue.
You can untie the hardest knot of all,
Although I've tugged the lace until it's small.

You know the reason for 'most everything,
Like why it rains and why bees sometime sting,
Like why the sun comes up and flowers bloom,
And why a jet creates a sonic boom.

You are the closest friend I've ever had.
You share with me the times both good and bad.
You play those games I know you hate to play.
And plan a trip for me each holiday.

I love you, Dad, for all the things you do,
But most of all I love you, Dad, for you.

Anonymous

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

WHAT IS A DAD?

A Dad is a person
who is loving and kind,
And often he knows
what you have on your mind.
He's someone who listens,
suggests, and defends.
A dad can be one
of your very best friends!
He's proud of your triumphs,
but when things go wrong,
A dad can be patient
and helpful and strong
In all that you do,
a dad's love plays a part.
There's always a place for him
deep in your heart.
And each year that passes,
you're even more glad,
More grateful and proud
just to call him your dad!

Thank you, Dad...
for listening and caring,
for giving and sharing,
but, especially, for just being you!

Anonymous

ĐIỀU TRÊN HẾT

Con yêu Cha rất nồng nàn
Yêu vì những thứ Cha làm con vui.
Khi con cảm thấy buồn đời
Cha làm con nở nụ cười được ngay.
Khi con làm kẹt nút dây
Cha luôn gỡ nút, khéo tay vô cùng.

Cha còn biết rất tinh thông
Hầu như mọi chuyện lạ lùng khắp nơi.
Như sao mưa rớt ngoài trời
Sao ong đôi lúc đốt người thật đau,
Mặt trời sao mọc lên mau
Và hoa sao nở đua nhau vườn này,
Phi cơ phản lực khi bay
Sao gây tiếng nổ vang ngay trên đầu.

Cha là người bạn từ lâu
Bạn thân thiết nhất ai đâu sánh cùng.
Cha thường chia xẻ hết lòng
Bao thời tốt xấu của con trong đời.
Cùng con tham dự trò chơi
Mà con biết chắc Cha thời ưa chi.
Mỗi ngày lễ tới hạn kỳ
Vì con Cha sắp chuyến đi chu toàn.

Con yêu Cha! Yêu vô vàn!
Yêu vì những thứ Cha làm trên kia,
Nhưng điều quan trọng cần ghi
Con yêu Cha chính là vì Cha thôi.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

 

 

BỐ LÀM GÌ NHỈ?

Bố luôn luôn là một người
Dễ thương, tử tế đồng thời giỏi thay
Bố thường đoán biết ra ngay
Trong đầu ta nghĩ loay hoay những gì.
Bố là người biết lắng nghe
Đôi khi góp ý rất chi tận tình
Và luôn bảo vệ cho mình.
Bố là người bạn chân thành nhất thôi.
Khi ta thắng lợi trong đời
Bố thường kiêu hãnh thốt lời ngợi ca
Khi ta thất bại xót xa
Bố thường kiên nhẫn giúp ta tới cùng
Không hề có lúc nản lòng.
Những điều ta thực hiện trong đời này

Thời tình của Bố đẹp thay
Luôn luôn đóng góp tiếp tay dự phần.
Bố luôn ngự trị sáng ngần
Ta luôn tôn kính trong tâm khảm mình.
Mỗi năm thời khắc trôi nhanh
Ta càng vui sướng với tình Bố thôi
Càng thêm biết đến ơn người
Tự hào gọi “Bố” với lời thân thương!

Con tri ân Bố mọi đường
Ân cần tìm hiểu, dịu dàng chăm nom
Từ bi, hỉ xả luôn luôn
Nhưng điều đặc biệt con cần thưa thêm
Con trân quý Bố vô biên
Chính riêng vì Bố, đâu quên điều này!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)