Kẻ Sát Nhân

L’Assassin của Guy de Maupassant
Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ

kesatnhan

Thủ phạm được bênh vực bởi một luật sư trẻ tuổi, mới vào nghề, bằng những lời biện hộ như sau:

“Những sự kiện xẩy ra không thể chối cãi được, thưa quý Ngài trong Bồi Thẩm Ðoàn. Thân chủ của chúng tôi, một người lương thiện, một nhân viên gương mẫu, hiền lành và nhút nhát, đã giết chết ông chủ của mình trong cơn giận dữ, một hành động tựa hồ như khó hiểu. Nhưng nếu quý vị cho phép, tôi xin đề cập và phân tích khía cạnh tâm lý của vụ án, bằng cách đó, người bênh vực không còn đưa ra bất cứ lý do gì để xin giảm tội hay biện minh cho hành động sát nhân của can phạm. Sau đó, xin quý Ngài sẽ phán xét số phận thân chủ của chúng tôi.

“Bị cáo Jean-Nicolas Lougère là con trai của một gia đình đáng kính trọng, đã giáo dục đương sự trở thành một người giản dị và lễ độ.

“Chính sự lễ độ đó là nguyên nhân phạm pháp của y can! Thưa quý Ngài, đây là sự nhận thức mà thời nay hầu như chúng ta không còn để ý tới nữa, dù rằng tên gọi vẫn còn đấy nhưng, trên thực tế, tất cả uy lực của từ ngữ này đã biến mất từ lâu. Chúng ta phải tới thăm một vài gia đình còn có nếp sống cũ và mộc mạc để tìm trở lại cái truyền thống khắt khe đó, tín ngưỡng đó về cách nhìn người và sự vật, cách cảm nhận hay lòng tin mang tính cách thiêng liêng, đức tin đó không chấp nhận bất cứ sự hoài nghi, diễu cợt hay một thoáng ngờ vực nào.

“Người ta chỉ có thể trở nên người chính trực, đích thực con người chính trực, với tất cả mãnh lực của đức tính này, nếu ta là người lễ độ đối với tất cả mọi người. Vì vậy, người có thái độ đó nhắm mắt lại. Họ sống trong tin tưởng. Còn chúng ta, lúc nào cũng phải tỉnh táo mở mắt thật to nhìn thế gian này, hiện ta đang sống tại đây, trong phòng xử án của pháp đình này được coi như bộ máy thanh lọc tẩy trừ những xấu xa của tệ nạn xã hội dồn lại nơi đây. Chúng ta đã kín đáo chứng kiến những sự ô nhục, lại bênh vực hết lòng tất cả mọi hành vi đê tiện của con người, nếu không muốn nói những người ủng hộ nồng nhiệt tất cả những kẻ vô lại và đĩ điếm, từ những ông hoàng đến những tên bịp bợm ở đầu đường xó chợ. Rồi chúng ta lại còn đón tiếp ân cần, khoan dung và từ tâm tươi sáng, tất cả những kẻ phạm tội để bào chữa cho họ trước quý Ngài.

“Chúng tôi, nếu quả thực yêu nghề, lại cân nhắc thiện cảm công việc của mình tùy thuộc vào hiện kim của mỗi vụ án quan trọng được thân chủ ủy thác, như vậy không thể nào có được một tâm hồn đáng nể trọng cả. Chúng tôi nhìn thấy nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi, từ các nhà cầm quyền có thế lực đến những kẻ cùng khốn. Chúng ta đã biết quá nhiều tất cả sự việc diễn tiến ra sao, sự trao đổi và mua bán như thế nào. Chỗ làm, chức vụ, danh vọng, được trao đổi với chút vàng một cách trắng trợn, khéo léo ngụy trang dưới những chứng khoán hay cổ phần trong các xí nghiệp, hoặc giản dị hơn trao đổi với nụ hôn của người đàn bà.

“Vậy bổn phận của chúng tôi và nghề nghiệp của chúng tôi bắt buộc chúng tôi không thể bỏ quên bất cứ điều gì, nghi ngờ tất cả, bởi vì mọi người đều đáng nghi ngờ; và chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi đối diện với một người can tội sát nhân, đang ngồi trước quý Ngài, có một lòng tin tôn thờ sự lễ độ khá mãnh liệt đến độ đương sự trở thành người tử vì đạo.

“Thưa quý Ngài, chúng ta cần danh dự cũng như ta cần khuôn phép để ứng xử cho đúng mực vì ghê tởm sự thấp hèn, vì phẩm giá cá nhân và kiêu hãnh; nhưng chúng ta không mang tận cùng đáy lòng của chúng ta đức tin mù quáng, bẩm sinh, tàn bạo, như người này.

“Vậy xin quý Ngài cho phép tôi kể cuộc đời của bị can Jean-Nicolas Lougère. 

“Ðương sự được giáo dục, cũng giống như ngày xưa bao trẻ em khác được dạy bảo, phải phân biệt hai phần trong tất cả các hoạt động của con người: điều tốt và điều xấu. Người ta chỉ dẫn Lougère điều tốt với uy quyền không sao cưỡng lại được để anh ta phân biệt với điều xấu, như phân biệt ngày với đêm vậy. Thân phụ của anh không thuộc giới trí thức uyên bác để nhìn từ trên mà thấy và nhận ra tất cả nguồn gốc của các tín ngưỡng cùng sự cần thiết của xã hội đã làm nẩy sinh sự phân biệt giữa điều thiện với điều ác.

“Từ đó, Lougère lớn lên, trở nên sùng đạo, tự tín, phấn khởi và thiển cận. Anh kết hôn năm 22 tuổi. Gia đình anh quyết định cưới cho anh cô em họ, được giáo dục như anh, giản dị như anh, thanh khiết như anh. Thật hết sức may mắn cho anh có người vợ đoan chính với tấm lòng thành thực, đó là một điều hiếm có và vô cùng đáng quý trọng trên thế gian này. Anh đã tôn kính thân mẫu anh cũng giống như các bà mẹ khác trong những gia đình theo chế độ tộc trưởng, một sự tôn sùng tuyệt đối thường chỉ dành riêng cho các vị thần linh. Anh đã chuyên chở sang vợ anh một phần nào sự tôn kính đó, chỉ hơi giảm bớt đi chút ít trong mối liên hệ thân mật giữa tình vợ chồng. Và anh đã sống hoàn toàn không hay biết gì về sự xảo quyệt, sống trong một tâm trạng thẳng thắn bền bỉ và hạnh phúc êm đềm đã làm cho anh trở thành một con người ngoại lệ. Không lừa dối bất cứ ai, không nghi ngờ bất cứ người nào có thể lường gạt anh một cách dễ dàng.

“Một thời gian trước khi lấy vợ, Lougère được thâu nhận giữ chức thủ quỹ cho văn phòng của ông Langlais, người bị anh ta sát hại mới đây.

“Thưa quý Ngài Bồi Thẩm Ðoàn, chúng tôi biết rõ tất cả những lời cung khai của các nhân chứng như Bà Langlais, anh trai bà là Perthuis, người hùn vốn với chồng bà, tất cả gia đình và tất cả nhân viên cao cấp trong ngân hàng, đều xác nhận Lougère là một nhân viên gương mẫu, rất mực liêm khiết, phục tùng, hiền từ, kính trọng các cấp trên và theo đúng quy tắc. Mọi người đều đối đãi anh với sự quý trọng rất xứng đáng về phẩm hạnh mẫu mực của anh. Ðương sự đã quen được mọi người kính trọng và thường đón nhận cung cách trọng vọng bà Lougère mà ai ai cũng ngợi khen.

“Vợ anh chết trong cơn sốt thương hàn trong vòng có vài ngày. Anh cảm thấy đau đớn khôn tả, nhưng là một sự đau khổ lạnh lẽo và thầm lặng trong một tâm hồn trầm tĩnh. Nhìn nét mặt xanh xao của anh và sự biến đổi sắc diện, ai nấy đều nhận thấy vết thương quá nặng của anh biết đến bao giờ mới băng bó cho lành.

“Và từ đó, thưa quý Ngài, một sự việc đã xẩy ra một cách tự nhiên.

“Người đàn ông này đã có vợ từ 10 năm nay. Trong mười năm đó, anh đã quen có một người đàn bà luôn luôn ở bên cạnh. Anh đã quen thuộc với sự chăm sóc của nàng, tiếng nói thân mật của nàng khi anh đi làm về, lời chào buổi tối và chúc vui buổi sáng, tiếng cọ sát êm dịu và gợi cảm áo quần của phụ nữ, sự vuốt ve đó lúc thì say đắm lúc thì bao dung như tình mẫu tử làm cho cuộc sống vui tươi hơn, sự hiện diện đáng yêu đó làm cho thời giờ bớt chạy chậm. Anh ta có lẽ cũng có thói quen muốn được cưng chiều khi ăn uống, tất cả các sự chăm sóc đó ít khi ta cảm nhận thấy và dần dần trở nên không thể không có được đối với ta.

“Anh ta không thể sống một mình được nữa. Vậy muốn quên đi những buổi tối dài vô tận, anh thường thường đến ngồi một hay hai tiếng ở một quán bia gần nhà. Anh uống một ly bia và ngồi ở đó, bất động, đưa mắt theo dõi một cách lơ đãng những quả bóng bi da lăn tới lăn lui dưới màn khói thuốc ống điếu, lắng nghe mà chẳng mảy may nghĩ đến những sự ganh đua của dân chơi bi da, sự tranh luận về chính trị của những khách hàng kế cận với những trận cười vang vang và đôi khi gây ra sự giễu cợt lố bịch từ đầu phòng đối diện vọng lại. Rồi cuối cùng anh trở về nhà ngủ thiếp đi vì mệt mỏi và chán chường.

“Nhưng anh nhận thấy tự thâm tâm, tận cùng tế bào trong cơ thể, cần có một nhu cầu không thể cưỡng lại được: một trái tim và xác thịt của người đàn bà; và, không cần nghĩ ngợi gì cả, anh nhích gần lại, mỗi tối một ít, tới chỗ cô thủ quỹ ngồi giữa quầy hàng, dáng người bé nhỏ tóc vàng, anh bị cuốn hút không sao thối lui được nữa bởi vì cô bé đó chỉ là một người đàn bà.

“Chẳng bao lâu, họ trò chuyện thân mật với nhau rồi anh năng lui tới và cảm thấy rất dễ chịu ở cạnh cô ta vào mỗi buổi tối. Cô nàng tỏ ra duyên dáng và đon đả đón ý trước để chiều chuộng rất thích hợp với nghề buôn bán bằng nụ cười, và cô bé tóc vàng lấy làm thích thú tiếp tục chuốc rượu càng nhiều càng hay để cho công việc kinh doanh ngày một phát đạt. Nhưng Lougère ngày càng khăng khít với cô bé mà anh không quen và không hề biết đến lối sống ra sao, và anh chỉ yêu cô tóc vàng này bởi vì anh không trông thấy một người đàn bà nào khác.

“Cô nàng quỷ quyệt sớm nhận thấy anh chàng khờ khạo này có thể đem đến cho cô một số lợi lộc và tìm cách nào hay nhất để trục lợi anh ta. Cách hữu hiệu nhất và chắc chắn nhất là lấy anh ta.

“Cô đạt mục đích không chút gì khó khăn.

“Chúng tôi có cần phải trình bày, thưa quý Ngài, hành vi vô cùng bất chính của cô bé này với cuộc hôn nhân, đáng lẽ kìm hãm sự lầm lạc bao lâu của cô ta, thì tráí lại hình như lại làm tăng thêm sự sai trái hết sức trơ trẽn của cô bé?

 “Với hành động tự nhiên của mánh lới nữ tính, cô nàng tựa như thích thú lừa dối anh chồng chân thật này, sống chung chạ với tất cả nhân viên cùng trong văn phòng với Lougère. Tôi khẳng định: với tất cả. Chúng tôi có những bức thư, thưa quý Ngài, sự việc này chẳng mấy lúc gây ra sự tai tiếng công khai, mà luôn luôn chỉ có anh chồng là không hề mảy may hay biết. Cuối cùng, mụ đàn bà gian xảo này, để đạt được lợi ích thật dễ hiểu, đã quyến rũ ngay cả người con trai của ông chủ ngân hàng, một chàng trai mười chín tuổi, mà mụ ta, chẳng mấy chốc, có ảnh hưởng tai hại cho tâm hồn và óc suy xét của chàng trẻ tuổi. Ông Langlais, mãi cho đến nay, vẫn nhắm mắt bỏ qua mọi chuyện vì lòng tốt, vì thân tình với nhân viên, nay bỗng nổi lên cơn giận dữ khá chính đáng, trông thấy con trai mình rơi vào tay, tôi muốn nói vào vòng tay của người đàn bà nguy hiểm này.

 “Ông ta đã lầm lỗi gọi ngay tức khắc Lougère đến nói chuyện trong cơn tức giận của một ông bố.

 “Tôi chỉ còn phận sự cuối cùng, thưa quý Ngài, đọc lời kể lại vụ sát nhân, của chính người sắp chết cung khai trong cuộc thẩm vấn.

“Tôi vừa được biết con trai tôi đã đưa, hôm qua, mười ngàn quan cho người đàn bà này, và sự phẫn nộ của tôi mạnh hơn lẽ phải. Quả thật, tôi không bao giờ nghi ngờ thanh danh của Lougère cả, nhưng một số mù quáng còn nguy hiểm hơn cả những lỗi lầm. Và vì vậy, tôi cho gọi anh ta đến gặp tôi tại văn phòng và nói thẳng cho anh ta rõ là tôi bắt buộc phải cho anh ta nghỉ việc.

“Anh đứng lặng trước mặt tôi, hoảng hốt, không hiểu gì cả. Sau đó, anh ta xin cho biết những lý do với thái độ nôn nóng và khá bực dọc. Tôi từ chối, khẳng định đó là những lý do riêng tư của tôi. Anh ta tin rằng tôi nghi ngờ anh đã cư xử bất nhã, và, mặt tái mét, anh van xin và thôi thúc tôi giải thích. Bị cuốn hút theo ý nghĩ này, anh cảm thấy mạnh mẽ hẳn lên và có quyền to tiếng. Nhưng tôi vẫn nín thinh, anh mắng nhiếc, lăng mạ tôi đến mức cuồng nộ mà tôi lo sợ sẽ xảy ra cuộc bạo hành.

“Rồi bỗng nhiên, do một câu nói xúc phạm quá mạnh đến danh dự của tôi, tôi nói thẳng vào mặt anh ta sự thật.

“Anh ta đứng lặng yên một vài giây, nhìn tôi với đôi mắt hung dữ; rồi tôi thấy anh lấy cái kéo dài ở trên bàn giấy của tôi mà tôi thường dùng cắt lề cuốn sổ ghi việc, rồi thì tôi thấy anh chồm lên người tôi, tay dơ cao, và tôi cảm thấy có một vật gì đi vào cổ họng tôi, ở đỉnh ngực mà tôi không thấy đau đớn gì cả”.

 “Ðây, thưa quý Ngài Bồi Thẩm Ðoàn, là câu chuyện giản dị về vụ sát nhân này, tôi còn biết nói gì hơn nữa để bào chữa cho bị cáo? Anh ta đã nể trọng người vợ thứ hai một cách mù quáng bởi lẽ, trước đó, anh đã trọng nể người vợ thứ nhất bằng lý trí”.

Sau thủ tục nghị án ngắn ngủi, bị cáo được tha bổng.

(Trích từ trong tập tuyển Le rosier de Madame Husson:
Bài L’Assassin đăng ngày 1 tháng 11 năm 1887 ở báo Gil Blas)

_________________________________________________________

Chú thích: 

Tiểu sử và tác phẩmGuy de paupassant

Guy de Maupassant
(1850-1893)

Henri-René-Albert-Guy de Maupassant sinh ngày 5 tháng 8 năm 1850 tại Normandie gần Dieppe, và mất ngày 6 tháng 7 năm 1893 tại Ba Lê, Pháp, năm 43 tuổi về bệnh tâm thần gần giống như bệnh điên.

Năm 1869, Maupassant đậu tú tài toàn phần tại Rouen, ghi danh theo học Ðại Học Luật Khoa tại thành phố này. Ít lâu sau, bị động viên vào Vệ Binh quốc gia trong cuộc chiến năm 1870 giữa Pháp và Ðức. Chiến tranh chấm dứt, đương sự vào làm công chức ở Bộ Hải Quân và sau cùng chuyển qua Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Chán nghề công chức, Maupassant chọn con đường văn chương và thực sự bắt đầu viết văn đúng năm 30 tuổi.

Ðược nhà văn Gustave Flaubert cùng quê ở Normandie và cũng là bạn thân của thân mẫu, hướng dẫn Maupassant lúc khởi đầu, viết các bài bình luận, truyện ngắn, thơ, kịch, và về sau, theo lời khuyên của Flaubert, chuyên viết tiểu thuyết. Do sự thúc đẩy của người cha nuôi Flaubert và sau trở nên người bạn văn học, Maupassant làm việc không hề mệt mỏi từ năm 1880 đến cuối năm 1890, đã viết trên 300 truyện, sáu tác phẩm tiểu thuyết, 3 truyện hành trình nhật ký, một tập thơ, nhiều vở kịch và 30 cuốn bình luận về nhiều đề tài, tính trung bình nhà văn Maupassant, trong suốt 10 năm, viết ít nhất mỗi ngày 2 trang.

Cuốn truyện đầu tiên mang tựa đề Boule-de-Suif của Guy de Maupassant được nhà văn Flaubert chào đón coi như một tác phẩm giá trị. Sau đó, Maupassant xuất bản nhiều tác phẩm nổi tiếng tại Pháp chỉ đứng sau nhà văn Emile Zola mà thôi.

Trở nên giàu có và ưa thích xã giao rộng rãi, Maupassant phung phí sức lực khá nhiều không còn sáng tác được như trước nữa, vì đã rơi vào cuộc sống hết sức phóng túng nên mắc bệnh giang mai lại không chịu chữa chạy cho lành bệnh. Do biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này, nhà văn mất ngủ, nhức đầu, đau mắt, nhức răng, đau dạ dầy rồi dần dần bị tê liệt và điên. Biết không còn sống được bao lâu nữa, nhà văn toan tự tử nhưng được cứu sống. Maupassant sống trong cô đơn, ảo giác, lo sợ và phiền muộn vì ông thầy Flaubert đã ra đi, bà mẹ chết trong cơn bạo bệnh, người em trai mất về bệnh tâm thần, ông bố ly dị với bà mẹ từ năm Maupassant 12 tuổi, không rõ ở đâu, chỉ còn lại ba người con chưa được nhà văn nhìn nhận.

Maupassant bị giữ trong bệnh viện tâm thần suốt 20 tháng vào cuối cuộc đời, và vĩnh viễn ra đi năm 43 tuổi, an nghỉ tại nghĩa trang Montparnasse ở Paris, để lại 2 truyện tiểu thuyết đang viết dở dang và một số tác phẩm sau:

Boule-de-Suif (1880), Mademoiselle Fifi (1882), Une Vie (1883), Les Contes de la Bécasse (1883), Bel-Ami (1885), Contes du jour et de la nuit (1885), le Horla (1887), Pierre et Jean (1888), Fort comme la mort (1889), L’inutile Beauté (1890).

(Tài liệu tham khảo: Biographie de Maupassant – D’après l’Encyclopédie Hachette – Guy de Maupassant (1850-1893) – Texte de Paul Lefèvre. Biographie de Maupassant rédigée par Bernard Damien.)

Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”
Của soạn giả: TP. Nguyễn Văn Thành (1923)

NgVanThanh_9440 (Sonny edit)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *