Cao Niên, Tháng Hai – Mùa Lễ Tết

Ban Báo Chí tường trình

Mồng một Tết Bính Thân ở Hoa Kỳ nhằm ngày thứ hai, 8 tháng 2 năm 2016.

Đón Tết trong cái không khí lạnh lẽo của mùa Đông ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm nhiều người bỗng nhớ cái khung cảnh ấm áp và chộn rộn lo mua sắm Tết vào dịp cuối năm ở quê nhà Việt Nam giờ đã xa tít mù xa. Trong truyền thống đó,  năm nào cũng vậy, Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn  tổ chức một ngày Hội chợ Tết cuối năm để bà con người mình đến mua sắm hàng tết, hoa quả, bánh chưng, bánh tét, cây mai cành đào… và có dịp gặp gỡ người quen đón Tết tha hương. Và  nhân dịp đầu năm mới, Hội cũng tổ chức ngày Lễ Tổ Tiên và mừng thọ quý vị cao niên 70, 80, 90 và 100 tuổi. Các sinh hoạt trong dịp đầu năm mới này vẫn luôn được duy trì trong suốt hơn 30 năm hoạt động của  Hội Người  Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn. Xin mời theo dõi bài tường trình  Cao Niên, tháng hai –  mùa Lễ Tết:

new slide 1

Chợ Tết Cao Niên:

Năm nay Chợ Tết Cao Niên được tổ chức vào ngày thứ bảy 6 tháng 2 tại trường Trung Học Jeb Stuart, ở Falls Church, Virginia, gần trung tâm thương mãi Eden. Và năm nào cũng vậy, ban tổ chức thường căng thẳng theo dõi tin tức  tiên đoán thời tiết cho  ngày chợ tết . Trước đó hai tuần, cơn bão Jonas đã trút xuống vùng thủ đô hơn một mét tuyết, có ai biết trước được mưa bão của mùa đông sẽ không rơi vào ngày chợ Tết?  Năm nào tuyết rơi trắng xóa, phải hủy bỏ chợ Tết thì người tổ chức ôm đầu than thở…”người tính không bằng trời tính” hay nếu là một ngày đẹp trời, tuy lạnh nhưng không đến nỗi cắt da, như ngày chợ Tết Bính Thân năm nay thì Ban tổ chức bèn phấn khởi …tuyên bố: “Trời thương!”. Vậy mới biết người Việt mình vốn tin và  kính trọng “ông Trời”, sống sao cho “ông Trời” thương là được. Vậy thì năm nay, Trời “thương” Hội Cao Niên nên đã ban cho một ngày trời xanh mây trắng để làm Chợ  Tết.

Từ 7 giờ sáng người bán hàng đã tấp nập đưa hàng hóa vào địa điểm chợ tết. Ai cũng có phận sự phải lo. Người trong ban tổ chức thì lo treo biểu ngữ “chào mừng quan khách” ngoài cổng vào trường học. Bên trong chợ là một  khung cảnh rộn rịp của ban tổ chức đang lo treo biểu ngữ, lập bàn thờ tổ tiên và của người bán hàng đang chuẩn bị treo bảng hiệu, bày hàng bán tết.

Đến 9 giờ sáng thì mọi gian hàng đã bắt đầu tương đối ổn định, tươm tất, chuẩn bị sẵn sàng đón chào  đồng hương ghé thăm mua sắm Tết. Tết năm nay, chợ Tết Cao Niên có rất nhiều gian hàng tham dự. Theo con số của Ban Tổ Chức có hơn 60 bàn được sắp xếp trong khuôn vi của hội trường Trung Học Jeb Stuart. Ngoài đủ loại các gian hàng bày bán các mặt hàng mùa tết, người ta còn thấy các gian hàng văn hóa phẩm của Hội Văn Hóa Bắc Mỹ, các tác phẩm nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh VNPS, tranh sơn mài và ngay cả các bàn của Hội Thánh Báp tít Phục Hưng, Hội Thánh Báp tít Hy Vọng, đó là chưa kể các gian hàng của nhiều hội đoàn mà tên tuổi rất quen thuộc với cộng đồng người Việt Thủ đô như Hội Gia Long, Hội Trưng Vương, Hội Võ Trường Toản, Liên Đoàn Hướng Đạo Hùng Vương, Nhà Việt Nam vv… Thêm vào đó, năm nay Hội Y Tế Miền Đông Bắc Hoa Kỳ còn cung cấp dịch vụ khám sức khỏe miễn phí cho quý đồng hương tham dự chợ Tết.

chotet2016 1

Từ 10:30 sáng đến 11:30 sáng đã có tấp nập người vào ghé thăm chợ Tết Cao Niên. Đến 12 giờ thì chợ Tết tạm ngưng cho nghi lễ chào cờ và khai mạc. Liên Đoàn Hướng Đạo Thăng Long đã  nghiêm chỉnh rước cờ Hoa Kỳ và cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Quốc Gia vào trước bàn thờ tổ tiên. Quốc Ca Hoa Kỳ được trỗi lên qua giọng ca của Cựu Hoa Hậu Cao Niên Debbi Miller và tiếp theo đó  mọi người trong hội trường cùng hát bài quốc ca VNCH. Sau phút mặc niệm, ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh đã đôi lời khai mạc chợ Tết Cao Niên. Cũng trong dịp này, ông Chủ Tịch Cộng đồng Người Việt vùng Thủ đô Đoàn Hữu Định cũng gởi lời chúc Tết đến quý đồng hương trong vùng.

Ban tổ chức còn có hoạt cảnh Sớ Táo Quân do ông Phó Hội trưởng Nguyễn Văn Đặng thủ vai Ông Táo, Bà Kiều Nga trong vai  Bà Táo, Nghệ sĩ  Trường Tương Tư trong vai Ngọc Hoàng, Bà  Tuyết Ngọc là người soạn Sớ Táo Quân cùng GS Kim Oanh đánh trống và gõ phách phụ diễn rất điệu nghệ.

Không khí sau đó  bỗng trở nên vui nhộn với tiếng trống, phèn la khi đội múa lân mừng Tết nhập cuộc. Hội trường chợ Tết trở lại náo nhiệt như cũ. Càng lúc số người tham dự càng đông. Tính đến cuối ngày con số người tham dự (với giá “vé vào cửa ủng hộ ” là $3)  lên tới gần 1400 người. Có nhiều lúc hội trường không còn chỗ chen chân. Nhiều đồng hương và người bán hàng đề nghị với Ban tổ chức có lẽ năm sau cần tìm một chỗ rộng rãi hơn để tổ chức chợ tết, vì như vậy sẽ có khu vực để trình diễn các tiết mục mang tính văn hóa đặc thù  của người Việt đón Tết như cách trang hoàng nhà cửa, lì xì và chúc tết, áo dài ngày Tết vv..

IMG_0193

Chợ Tết Cao Niên đã bế mạc vào lúc 4 giờ chiều như chương trình dự trù.

Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ

Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ Bính Thân  được Hội Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức tại trụ sở Hội vào ngày 20 tháng 2 năm 2016 cùng với phiên Họp Hội Đồng Cao Niên tháng 2. Một lần nữa Trời “ thương”,  ban cho một ngày mùa đông “ấm áp” nhất. Có rất đông đảo  hội viên, quan khách,  thân hữu đến tham dự, chật cả phòng hội.

letotien 1

Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng nghiêm chỉnh và trang trọng với hàng chữ lớn  Lễ Tổ Tiên. Trên bàn thờ là lư hương  đèn, các lễ vật xôi trái cây hoa quả vv…và có cả một con heo quay do chủ nhân nhà hàng XO tặng Hội Cao Niên trong dịp lễ Tổ Tiên đầu năm nay. Hai bên bàn thờ là ba vị cao niên phụ tế với áo dài khăn đóng cổ truyền. Sau nghi thức chào cờ mặc niệm, cụ Chủ tế Nguyễn Đình Kỳ trong áo dài khăn đóng màu đỏ cùng với ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Cộng Đồng và ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh đã tiến lên dâng hương trước bàn thờ Tổ Tiên. Sau nghi lễ dâng hương, ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh và Chủ Tịch Đoàn Hữu Định phát biểu vắn tắt về ý nghĩa Lễ Tỗ Tiên và tán dương truyền thống chúc thọ cao niên đầu năm mới.

mung tho 100 newest

mung tho 90 newmung tho 80Năm nay trong lễ mừng thọ, Hội Cao Niên chúc mừng hai cụ Bà trên 100 tuổi là cụ bà Phùng Thị Nhật và cụ Bà Nguyễn Thị Vân.  Hội cũng chúc mừng 8 Cụ Hội  viên 90 tuổi và 11 vị 80 tuổi. Có 5 vị tuổi đã thất tuần, theo người xưa thường hay nói “thất thập cổ lai hy”, nhưng bây giờ ở hội trường này thì những vị thất tuần này không có vẻ “cổ lai hy” chút nào mà trái lại được xem là những người “trẻ tuổi” rất năng động của Hội Cao Niên.  Điển hình là anh chị Đào Hiếu Thảo và Vũ Thuận, hai khuôn mặt quen thuộc trong giới Truyền thông vùng thủ đô và chị Trúc Nương Brown, một thành viên Hội đồng quản trị Hội Cao Niên. Mỗi hội viên khi được chúc mừng thọ đều nhận một khuôn hình với tên họ và lời chúc thọ của Hội cùng với một món quà đặc biệt từ Ông Bà Phó Hội Trưởng Dương Hòa Hiệp, đó là một cái khăn len choàng cổ màu vàng với ba sọc đỏ, do chính tay bà Hiệp thực hiện, rất đẹp và tinh xảo. (Rất tiếc là ông bà Hiệp bận tiệc cưới cháu ngoại không đến dự Lễ Tỗ Tiên năm nay.)

mung tho 70

Sau buổi lễ, mọi người tham dự cùng thọ lộc đầu năm, ăn trưa trò chuyện và sau đó Hội cũng tổ chức văn nghệ, cắt bánh mừng sinh nhật chung cho quý vị hội viên có ngày sinh trong tháng 2.

Lễ Tổ tiên và Chúc thọ đã chấm dứt vào 1:30 trưa  trong không khí vui vẻ thoải mái đầu năm mới.

Ghi nhận:

Ban Báo chí Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn chân thành cảm ơn quý cơ quan truyền thông SBTN, VIETV, Truyền Hình Việt Nam Vùng HTĐ đã đến tham dự và thực hiện các phóng sự truyền hình để phổ biến các hoạt động của Hội Người Việt Cao Niên vùng HTĐ đến với đồng hương khắp nơi.

Xin đặc biệt cảm ơn Anh Đào Hiếu Thảo và Ban Quản Trị VIETV đã cho phép chúng tôi sử dụng các phóng sự truyền hình trong bài tường trình này cũng như trên Trang Nhà của Hội Cao Niên.

Cũng xin chân thành cảm ơn Nhiếp ảnh gia Nhất Hùng đã cho phép chúng tôi sử dụng các hình ảnh sinh hoạt của Hội Người Việt Cao Niên nói riêng và của cộng đồng người Việt Thủ Đô nói chung, do anh đã  tốn rất nhiều công sức để ghi nhận lại qua ống kính chuyên nghiệp của anh trong nhiều năm qua.

Ban Báo Chí 
Tháng 2/2016

Người Cao Niên ở Hoa Kỳ

Ngọc Hạnhdt4

Sáng nay nắng vàng rực rỡ, cảnh vật vui tươi so với hôm qua âm u, mưa rỉ rả cả ngày. Chị Hồng Ngọc, Anh Thư và tôi 3 người cùng nhau đến Chung Cư Người Cao Niên vùng Arlington thăm anh chị Nguyễn. Đến nơi phải ghi tên nơi phòng tiếp tân, số phòng và tên họ người được viếng thăm. Nơi này mới được tân trang xinh đẹp rộng rãi hơn xưa. Anh chị được 2 phòng ngủ to, nhà bếp tiện nghi, phòng khách và phòng ăn chung.  Trên tường treo đầy tranh ảnh vui mắt. Anh Nguyễn, cựu Chánh án tòa án quân sự Saigon trước 1975 xem hai chị như người trong gia đình. Do quen biết các cô em, anh chị Nguyễn cũng xem tôi như chỗ thân tình. Anh thích đọc sách, viết những bài biên khảo, cộng tác với báo địa phương và  thường gởi các bài viết cho tôi xem. Các truyện anh viết hấp dẫn, mạch lạc, kết cuộc bất ngờ, có khi tưởng như bị kết án lại được tha bổng và ngược lại… Chuyện luật pháp nước nhà, chuyện ngoại quốc xưa và nay tưởng như khô khan, khó tiêu thụ nhưng được anh ghi lại với lời văn khi nghiêm trang, khi vui tươi dí dỏm nên hấp dẫn người đọc.

Trước kia chị Nguyễn cũng thường kể chuyện đời xưa với tôi. Chị có 8 con đều nuôi bằng sữa mẹ. Bốn con lớn du học ngoại quốc trước khi mất nước, một mình chị vượt biên mang theo 4 con nhỏ, nuôi các con thành tài. Khi các con có gia đình, chị trở về Viêt  Nam lo giấy tờ bảo lãnh anh sang Hoa kỳ. Chị bảo cũng vất vả nhiêu khê, mất thì giờ lắm. Chị được cấp căn nhà trong chung cư trước khi đón anh sang Hoa kỳ.  Ở Hoa kỳ dù con cái giàu có, bố mẹ muốn ở riêng vẫn có thể xin thuê một căn nơi chung cư với tiền thuê  hình như 1/3 lợi tức hàng tháng.

Tôi không rõ nguyên nhân nào anh ở lại sau 30/4/75 để bị tù 13 năm, thêm 3 năm quản chế. Khi sang Hoa kỳ anh gầy gò, nhiều bệnh tật nhưng nặng nhất là bệnh đau bụng, ăn ít ăn nhiều chi  cũng đau. Đưa đi bác sĩ khám phá ra anh bị ung thư bao tử, phải giải phẫu may ra còn hy vọng. Anh chị đồng ý để bác sĩ cắt một phần bao tử, chịu  ăn uống theo, thức ăn, giờ giấc đặc biệt như ăn ít ít và nhiều lần trong ngày. Sức khỏe anh dần dần tốt hơn. Anh có thể đi lại, cùng chị tham gia các sinh hoạt cộng đồng, dự tiệc, gặp gỡ bà con thân hữu…

Lúc anh hồi phục sức khỏe, trí nhớ chị từ từ kém đi. Chị không nhớ mình đã ăn chưa, không thể tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân được. Anh là người chăm chút từng bửa ăn, cho chị uống thuốc, giúp chị ăn mặc tử tế xinh đẹp mỗi khi ra ngoài hay dự tiệc. Chị vẫn thích làm đẹp nhưng không tự mình trang điểm được. Anh là người kẻ chân mày, bôi kem, đánh phấn cho chị, kiên nhẫn trả lời dịu dàng những câu hỏi lập đi lập lại của chị, dạy chị hát những bài hát xưa. Ban đêm anh đưa chị đi phòng tắm 3, 4 lần. Chị em chị Hồng Ngọc cho anh là người chồng tốt nhất trên cõi đời, tôi cũng đồng ý với hai chị, ít có người nào chăm sóc bạn đời tốt như anh. Anh đưa chị dự tiệc cho chị vui. Ngày thường anh lái xe đưa chị đến thương xá gần để chị đi tản bộ, xem hàng hóa và người đi lại, hay ra ngoài thưởng thức cảnh vật thiên nhiên, cỏ hoa, trời trong gió mát…

Một hôm vào mùa Đông anh vừa vào nhà trong trở ra không thấy chị đâu. Ra khỏi nhà già tìm sân trước sân sau cũng không thấy. Tuyết rơi mấy hôm trước, đường có nơi chưa tan đá. Anh lo quá gọi các con đến chia nhau tìm các con đường chung quanh cũng không kết quả nên phải nhờ cảnh sát. Sau cùng vị bạn dân này tìm thấy  chị đứng tần ngần trên đường đến thương xá cách nhà già khoảng gần 1 dặm, nơi anh thường đưa chị đi qua bằng xe nhà. Sở xã hội quận Arlington cấp cho chị người trông nom, lúc đầu 5 ngày, sau lên 7 ngày 1 tuần.

Năm vừa qua anh té và dùng tay chống đở, đầu không chạm vào đâu hết. Đưa đi nhà thương chiếu điện, thấy  xương tay bị rạn nứt. Anh phải mang cái khăn (sling) để giữ tay nằm yên một chỗ, giúp xương mau lành. Ba tháng sau ngày té, một hôm  tự nhiên anh không nói được, không phát âm thành tiếng, cảm thấy người khác lạ, không bình thường. Gia đình đưa đi phòng cứu cấp. Thì ra anh bị chảy máu não, môt bên não máu đã đông lại, môt bên còn đang chảy từ các mạch máu nhỏ. Sau khi làm thủ tục, ký giấy cam kết, anh được giải phẫu. Anh bảo các bác sĩ tài lắm. Họ lật da đầu sang một bên, chỉ cưa sọ rút máu xong đóng lại, phủ da đầu có cả tóc lên, hay chưa? Anh ở lại  bệnh viện 2 tuần xong về nhà tiếp tục vật lý trị liệu (physical therapy), giúp cơ thể thăng bằng  đi đứng vững vàng…

Anh được sở Xã hội cho người  giúp anh tuần lễ 7 ngày. Như thế mỗi ngày anh chị có 2 người giúp việc nhưng ban đêm phải tự lo lấy.

Thưa quý vị theo tôi người già ở Hoa kỳ không  phải nhờ cậy vào con cháu nhiều. Quý Cụ được chánh phủ cho thuê nhà tiện nghi, có bãi đậu xe rộng rãi với giá hạ, còn có thể được cấp phiếu mua thực phẩm. Ngân phiếu tiền già đến đều đặn mỗi tháng, dù có vị trước đó không làm việc ngày nào ở Hoa kỳ vì thiếu sức khỏe, cao tuổi, không chuyên môn… Đau ốm đi bác sĩ, mua thuốc, nằm bệnh viện hay giải phẫu  gần như miễn phí. Ngoài ra còn được nhà nước  cho người đến giúp việc nhà, nuôi bệnh như anh chị Nguyễn. Trường hợp 2 lần giải phẫu như anh, người trung lưu dù được sở làm trả giúp một phần lớn, vẫn phải bỏ tiền túi trả nợ nhà thương số tiền sai biệt. Một người bạn tôi nói  “ai định cư xứ Hoa kỳ là có tu 10 kiếp chứ không phải 1 kiếp”, cái xứ đối xử với quý cụ cao niên hay người bệnh tật như nhau, không phân biệt chủng tộc, giàu nghèo. Với tiền già, các cụ khỏe mạnh có thể dành dụm giúp con cháu ở quê nhà vì các cụ  tiêu pha không bao nhiêu nếu ở chung với con cháu. Vậy xin quý cụ hãy giữ gìn sức khỏe để hưởng  tiện nghi xứ tự do dành cho người cao niên, không phải  quốc gia nào cũng cung cấp được.

Tôi được nghe người già ở Hoa kỳ  được chăm sóc  tốt hơn nhiều quốc gia khác. Khi đọc bài tùy bút kể chuyện có người cao niên ở Cali cô đơn trong viện dưỡng lão, không con cháu thăm viếng, mọi sự nhờ nhân viên viện, thật là buồn. Hôm đến thăm anh chị Nguyễn tôi gặp giáo sư Kim và mẹ chị, bà cụ 102 tuổi ở phòng tiếp tân chung cư. Trông cụ hồng hào khỏe mạnh. Chị Kim  cho biết chị  thăm cụ hằng ngày và thường đưa Cụ dự tiệc ban đêm, ban ngày vì Cụ thích được ra ngoài. Dù tuổi cao Cụ  còn minh mẫn, vui tươi. Có lẽ nhờ Cụ hay tiếp xúc với con cháu, đồng bào chăng?

Nhân dịp Xuân sắp về tôi xin chúc anh chị Nguyễn và tất cả các vị cao niên luôn khỏe mạnh, vui tươi trong NĂM MỚI và những ngày vàng còn lại cho gia đình con cháu được hưởng phước lành .

Ngọc  Hạnh
Hội Viên Hội Người Việt Cao Niên Vùng HTĐ
Ngày 12/1/16

Vẳng Tiếng Chuông Chùa

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

  Bell in Morning Fog. New Hamlet, Plum Village Monastery, France

Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không. Thời gian lắng đọng cùng hồn người. Cảnh vật như cộng hưởng cùng tiếng chuông. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh ra biết bao cảm hứng về âm nhạc và thơ văn, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương. Tiếng chuông chùa quả thật có một năng lực hồi sinh rất lớn.

Vì sự nhiệm mầu đó nên xưa nay đã có biết bao người phát nguyện đúc chuông, từ vua, quan cho đến muôn dân:

“Đúc chuông tạo tượng xây chùa
Trong ba phước ấy dân – vua đều làm
.”

CHUÔNG VANG TRONG ÂM NHẠC

     Tiếng chuông chùa đến trong dòng nhạc Việt khơi lại tâm tình riêng tư của con người. Nguyễn Văn Đông miêu tả quang cảnh hiu quạnh, cô đơn của lữ khách trong những “đêm đông” lạnh lẽo:

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
Cùng mây xám về ngang lưng trời…”

Hoàng Trọng thời tìm lại giây phút êm đềm lúc về lại mái nhà xưa khi đã “dừng bước giang hồ” sau một đời rong ruổi:

“Chiều nay sương gió
lữ khách dừng bên quán xưa.
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều
vương về bên quán tiêu điều…”

Tiếng chuông chùa vang vọng trong khúc “nhạc chiều” khiến Doãn Mẫn như quên hết đi đám bụi trần vương mắc:

…“Chuông chùa vương tiếng ngân.
Âm thầm trong chiều vắng.
Đường tơ lắng buông trong huy hoàng.
Ru hồn quên hết nỗi chứa chan niềm cay đắng…”
…“Vương sầu làm chi cho ngày thắm phai.
Mỗi khi tiếng chuông vẫn ngân dài…”

     Còn Y Vân và Nguyễn Hiền cảm nhận thấy mùa xuân đầy hương sắc và muốn trai gái trong làng cùng trao nhau câu ân tình “anh cho em mùa xuân” khi nghe tiếng chuông chùa vẳng trong ánh trăng thanh:

“Ngoài đê diều căng gió.
Thoảng câu hò đôi lứa.
Trong xóm vang chuông chùa.

Trăng sáng soi liếp dừa…”

     Tô Vũ nhờ “tiếng chuông chiều thu” mà nhớ lại bao kỷ niệm của thời niên thiếu:

…“Từ miền xa tiếng chuông ngân.
Hồi buông lớp lớp theo gió vàng”

…“Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời.
Hồi chuông ngân nga trong chiều thu ngợp gió”

 … “Hồi chuông ngân nga ru hồn mơ.”
…”Ngày nào khi chiến chinh xong.
Hồi chuông vui reo như tiếng đồng.
Chuông ran lời ước cũ.

Tình ta đẹp bao nhiêu.
Hồn anh thầm lắng tiếng chuông ban chiều”

      Riêng với Hoàng Giác tiếng chuông gợi niềm nhung nhớ một bóng hình người đẹp trong giấc “mơ hoa” xa xưa với lời tâm sự: “tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường tôi đi học… Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”:

“Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa.
Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa…”

     Trong khói sương buổi chiều cao nguyên Đà Lạt thời âm giai tiếng chuông chùa Linh Sơn khiến ưu phiền trầm lắng và tình thương lên ngôi. Minh Kỳ nở nụ cười khi lòng chợt dâng niềm nhớ “thương về miền đất lạnh” dấu yêu:

“Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều.
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào.
Cho thế nhân thôi, ru hết u sầu.
Để lòng quay về bến yêu…”

CHUÔNG THỨC TỈNH LÒNG NGƯỜI

     Âm hưởng của tiếng chuông chùa cũng đã đi vào thi ca tạo nên một nét đẹp nhân văn rất đáng quý. Tiếng chuông là phương tiện thiện xảo của cửa thiền để mở đường nhập vào đời sống tâm linh, là âm thanh trầm hùng kêu gọi thế nhân quay về trong thực tại. Chuông ngân như một cuộc hành hương từ chốn phong ba về vùng tĩnh lặng an nhiên.

     Tiếng chuông thức tỉnh cả âm cảnh lẫn dương trần, thức tỉnh bao tâm hồn còn mãi đắm chìm trong cõi mộng, tuy sống trong cõi vô thường mà không ý thức về sự thật vô thường của vạn thể. Cuộc đời là một hơi thở rất nhẹ và mong manh, chỉ cần ngừng lại nửa phút là giũ bỏ tất cả.

     Tiếng chuông chùa như một thông điệp của trí tuệ và từ bi, như lời nhắn nhủ của Đức Phật: “tất cả những gì theo duyên khởi cũng đều theo duyên diệt.”

     Trong “Nghi thức thỉnh đại hồng chung” mà các chùa thường đọc và thường được khắc lên chuông, có mấy câu đại ý rằng: “Xin nguyện tiếng chuông này lan toả trong pháp giới. Địa ngục dù có tối tăm, tất cả đều được nghe. Nghe âm thanh này tâm được thanh tịnh. Hết thảy chúng sinh thành bậc chánh giác.” Sư Trí Hải dịch:

Giờ con xin đánh chuông này
Tiếng vang thấu khắp mọi nơi xa gần
Ai nghe thấy lòng trần nhẹ bỗng
Đạo Bồ-Đề được chứng lên ngay.”

     Đỗ Phủ khi đến “chơi thăm chùa Phụng Tiên ở núi Long Môn”, trên núi cao ngửa mặt trông lên bầu trời sao, thân mình tưởng như nằm ngủ trong mây, gần sáng cảm tác rằng: “nghe tiếng chuông chùa khiến cho lòng người phải tỉnh ngộ sâu sắc”:

“Dục giác văn thần chung
Linh nhân phát thâm tỉnh.”

     Với người dân Việt thì tiếng “chày kình” gõ lên chuông chùa đã âm vang từ mấy nghìn năm lịch sử dân tộc vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn, cả ngày nay tới mãi mãi ngàn sau.

        Chày kình là chiếc dùi thỉnh chuông có chạm hình con cá Kình. Tiếng chuông luôn dóng lên để thức tỉnh lòng người. Trong “truyện Kiều” khi tới đoạn miêu tả sự hạ thủ công phu của Thúy Kiều sau những năm lưu lạc với những chán chường đau khổ, phải tìm về nương náu nơi cửa Phật để mong thoát kiếp trần duyên, Nguyễn Du cũng đã có hai câu thơ:

“Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương”

     Cũng nghe tiếng chày kình, nhưng giữa “Hương Sơn phong cảnh” Chu Mạnh Trinh không chỉ say sưa với cảnh đẹp mà đã giật mình tỉnh thức vì tiếng chuông. Tỉnh thức để thấy cho rõ sự thật vô thường của cuộc đời. Nhờ như vậy mà con người sống có ý thức hơn, minh triết hơn. Tiếng chuông ở đây vừa dẫn dắt con người hòa nhập với cảnh vừa thức tỉnh đưa con người rời cõi mộng ảo quay về với thực tại:

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.”

 “Muôn hồng nghìn tía tưng bừng
Suối khe hát nhạc, thông rừng dạo sênh
Chim cúng quả, cá nghe kinh
Then hoa cài nguyệt, chày kình nện sương.

     Sư Huyền Không khi “nhớ chùa” luôn nhớ đến mái ngói rêu phong ẩn mình trong hoa lá, hương hoa hòa quyện lan toả. Trong cảnh tịch mịch đó âm ba của tiếng chuông lại vang lên dịu dàng như lời vỗ về an ủi những cuộc đời hiền lành lam lũ:

Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh.”

     Tiếng chuông chùa đối với Quách Tấn như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền hay mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến:

…“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,
Đầm Ô sen nở gió thơm tho.”
…“Mây nước nhuốm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân.”

     Quách Tấn tâm sự: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục”… “Nếu không có tiếng chuông lay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh”:

…“Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầu non”.
…“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.”
…“Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hồ liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.”

     Còn với Tuệ Nga thì “tiếng vọng hồng chung” quả thật đã khiến cho người cõi trần được tỉnh thức và riêng người tu thời thêm tinh tấn vô ngần:

…“Âm vang tiếng vọng hồng chung
Gọi người thức tỉnh thoát vòng u mê
Hồng chung ngát ý Bồ Ðề
Chuông ngân thanh thoát đường về bến hoa”…
…“Đại Hồng Chung xóa sương mù
Giúp người tinh tiến đường tu viên thành”…

     Quả thật tiếng chuông chùa là pháp âm vi diệu, làm thức tỉnh khách hồng trần, quay về bờ giác ngộ, bỏ ác làm lành, hồi tâm hướng thiện.

CHUÔNG TIÊU TRỪ PHIỀN NÃO

     Trong “Nghi thức thỉnh đại hồng chung” cũng ghi mấy câu ngụ ý rằng: “Nghe tiếng chuông, phiền não vơi nhẹ, trí tuệ tăng trưởng, tâm bồ đề sinh, lìa chốn địa ngục, ra khỏi hầm lửa, nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh.”

     Bao khổ đau, ách nạn, chướng duyên phải đối diện trong đời chính là địa ngục, là hầm lửa, đốt bùng lên bao nhiêu muộn sầu. Tiếng chuông chùa chính là nhân duyên xúc tác để làm khởi sinh tâm bồ đề, hóa giải những xung đột, trái ngang, những dằn vặt khổ đau của con người trần tục, tiêu trừ các phiền não, vơi bớt đi bao nhiêu là ham hố dương trần, gieo thiết tha tình người vào lòng cuộc sống.

      Chính vì nghe tiếng chuông ngân mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như Chu Mạnh Trinh đã tả:

“Lạ cho vừa bén mùi thiền
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không”.

     Sư Nhất Hạnh khi “nghe chuông” cũng đã cảm nhận thông điệp của chuông:

“Nghe chuông phiền não tan mây khói,
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”.

 TIẾNG CHUÔNG CỦA LÀNG QUÊ NON NƯỚC

     Mái chùa và tiếng chuông là hình ảnh và hồn thiêng của đất nước đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc Việt Nam và trở thành một bộ phận hữu cơ gắn liền với sinh hoạt làng xã, không thể tách rời. Cha ông ta có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa đã trở thành trái tim của làng quê và tiếng chuông là biểu tượng của tỉnh thức.

     Nhà nông nghe chuông công phu khuya mà trở dậy, nhóm bếp thổi cơm rồi chuẩn bị lùa trâu ra đồng. Buổi chiều họ nghe tiếng chuông thu không mà lùa trâu quay trở về chuồng. Đêm về tiếng chuông là tiếng canh gà nhẹ nhàng đánh thức dân làng trong những lúc ngủ say. Chuông chùa quả là cái “đồng hồ báo giờ” của làng xóm:

“Tiếng chuông vượt núi len sông
Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng.
Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi
Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn
Tiếng của chuông là bản thể xa xăm
Đây vọng lại mấy ngàn năm âm hưởng.”

      Chúng sinh hãy lắng nghe tiếng chuông của Vương Duy đời Ðường khi ông về vui thú cỏ cây ở Võng Xuyên (Cốc khẩu sơ chung động, Ngư tiều sảo dục hi):

“Nhẹ nhàng chuông ngân thung lũng
Ngư tiều lác đác dời chân”

     Với Sư Huyền Không, tiếng chuông và mái chùa đã sớm tối đồng hành với người dân quê Việt Nam, từng nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ, để cùng nhau xây dựng quê hương xứ sở:

“Vì vậy, làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình”.

     Với Nguyễn Bính thì trong khung cảnh thiên nhiên với nhịp sống hài hòa tinh tế, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện hữu và gắn liền với con người, với quê hương dân tộc. Tiếng chuông hiện hữu trong tâm thức mỗi người dân như những hiện tượng thiên nhiên bình thường nhất:

“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa”.

     Nguyễn Bính đã phác họa nên một bức tranh thủy mặc làng quê thật đẹp đẽ nên đi xa ai cũng nhớ cũng thương về chốn cũ:

“Mấy chiều vắng bặt hơi chuông
Sư bà khuyên giáo thập phương chửa về”.

 NHỚ TIẾNG CHUÔNG CHÙA

     Vua Trần Nhân Tông trong cảnh “chiều thu làng Vũ Lâm” với suối khe lồng bóng cầu treo, với ngấn nước long lanh cùng nắng chiều nghiêng soi đã để tiếng chuông ngân vang trong chốn thâm sơn tĩnh mịch đó lại trong tâm hồn và thi ca:

“Núi non quạnh quẽ lá rơi,
Phôi pha sương khói mây trôi chuông rền”. 

     Và trong “cảnh chiều Lạng Châu” thời:

“Mây thu lạnh lẽo chùa xưa
Thuyền ngư xao xác thoảng đưa chuông chiều” 

      Nguyễn Trãi trong thời gian lui về trí sĩ ở Côn Sơn, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương khi “nghe mưa” (“thính vũ”) cảm thấy tiếng chuông đi vào giấc mơ thật nhẹ nhàng. Ngâm thơ rồi nhưng vẫn không ngủ được. Chập chờn mãi đến lúc sáng trời:

“Cửa ngoài tre sột soạt
Nhập mộng chuông khua hoài
Thơ ngâm rồi khó ngủ
Dứt nối đến trời mai”.

     Sư Huyền Không với tâm hồn sâu nặng tình quê nên khi nghe tiếng chuông ngân lại “nhớ chùa”, mái chùa của dân tộc:

“Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

      Hồ Dzếnh nhớ lại khi cùng chị nuôi đi lễ chùa đầy hớn hở vui tươi. Nhớ lại thời tuổi trẻ với nỗi u hoài. Nhớ cái tình, cái hồn tốt đẹp của thuần phong mỹ tục Việt Nam cái không khí vui tươi dân dã của tục đi lễ hội chùa “Rằm tháng Giêng” ngày xa xưa:

“Hàng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chị tôi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngày thơ
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về”. 

     Còn tiếng chuông chùa của Quách Tấn như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non, bóng tịch dương đổ xuống, chùa chiền từ đâu trong tiềm thức trỗi dậy, cảnh thiên nhiên gợi nhớ:

…“Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng
Đầm Ô sen nở gió thơm tho”.
…“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu”.

     Dù cho mỗi khi Quách Tấn tỉnh giấc nồng tiếng chuông cũng vẫn vọng đến:

“Mây nước nhuốm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân”.

    Với Phạm Thiên Thư thời hình ảnh cái chuông chùa treo trên gác chuông gợi nhớ lại kỷ niệm hò hẹn tình cảm cũ:

“Ngày xưa anh đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ anh qua đó
Còn thấy chữ trong chuông”…

     Trước “động hoa vàng” tiếng chuông chùa đôi khi ngân vọng theo sóng nước đêm trăng rồi tan loãng vào nhau cùng hình ảnh một chiếc thuyền con buông lái:

“Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào” 

     Nghe tiếng chuông vang vọng chơi vơi dần dần thấm đẫm vào từng hạt bụi của thế giới này và có khả năng làm đảo lộn diện mục của vũ trụ, Phạm Thiên Thư tâm sự:

 “Chuông ngân chiều lặng trầm tư
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng”…

      Riêng với Tâm Minh, kẻ tha hương, thời cõi lòng vẫn rộn ràng dù Xuân đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ và thiếu cả bóng mai vàng. Giữa cái ồn ào náo nhiệt nơi xứ người, tiếng chuông êm ả thanh thoát của ngôi chùa xưa quê cũ hình như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn như một kỷ niệm khó quên:

 “Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”

 TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ VÀ HÀN SƠN TỰ

     Và sau cùng, nói đến âm ba của những hồi chuông kim cổ cần phải nhắc tới tiếng chuông chùa Thiên Mụ và Hàn Sơn Tự.

     Lần đầu ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký “Mười ngày ở Huế” Phạm Quỳnh không cố ý “biên tập” thơ tiền nhân. Ông chỉ mượn nửa bài thơ cũ, thêm bớt đôi chỗ, nhằm “tức cảnh” khác. Có người lại cho rằng ông chỉ ghi lại nguyên văn mà thôi. Hai câu thơ đó như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà, 
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

     Phạm Quỳnh viết thêm: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca”.

     Có người phân tích kỹ cho rằng tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo của Phường Đúc-Huế, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên. Bên dòng Hương lững lờ thơ mộng, tiếng chuông cứ ngân dài lan tỏa trong không gian. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Chỉ một tiếng chuông nhưng đã đọng bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Tiếng chuông sẽ tùy hạnh nguyện đánh chuông của thiền tăng mà âm sắc vang vọng thanh thoát và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn nhau.

     Hàn Sơn Tự về sau được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường chùa lại được đổi tên là Hàn San Tự. Chùa nổi tiếng nhờ có bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Trương Kế đã vẽ ra cái hình ảnh kẻ lữ thứ, đêm dài nằm trên thuyền bên bờ sông nghe quạ kêu sóng vỗ, ngắm đèn chài leo lét về khuya đắm chìm trong trăng tà sương lạnh với tiếng chuông chùa đang ngân nga. Quả là hình ảnh của sự thức tỉnh, giải thoát, bỏ lại thuyền ở bến mơ để vượt lên bờ giác.

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

     Bản dịch của Tản Đà:

“Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”

     Tiếng chuông chùa quả thật đã làm nảy sinh ra nhạc và thơ, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với tình tự đất nước quê hương, nhất là những kẻ phải sống kiếp tha phương!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, tháng 2 năm 2016
Mùa Xuân Bính Thân)

Bính Thân nói chuyện Mậu Thân ở Sài Gòn (phần II)

Đinh Từ Thức

(Tiếp theo từ phần I)

Trận đánh tại toà đại sứ theo ký giả ABC và NBC

 Theo Hugh Lunn, VC đã vào trong toà nhà chính của Đại Sứ Quán, và đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng. Nhưng theo hai ký giả khác, một người là Don North làm cho ABC và NBC, và người kia là Peter Arnett làm cho AP, cũng có mặt tại chỗ, đã nghe Quân Cảnh Mỹ nói với nhau qua radio là VC đã chỉ vào được tầng dưới cùng. Sau đây là lời kể của Don North (1)

Là một ký giả của ABC và NBC News ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến Tết và phần lớn những trận đánh, từ Khe Sanh ngày 30 tháng 1 đến Huế ngày 25 tháng 2 khi Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ cửa đông nam vào Thành nội, chấm dứt cuộc bao vây Huế. Nhưng chính trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ sáng sớm 31 tháng 1 là vụ quan trọng nhất đã sẩy ra trong toàn cuộc chiến.

Tại một tiệm sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 Phan Thanh Giản, ngay trước khi VC tấn công Sài Gòn, 19 công binh VC lên một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ hiệu Peugeot và một xe taxi bắt đầu một chuyến đi ngắn tới địa điểm là Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Mặc quần áo mầu đen, đeo băng đỏ, họ là một phần của thành phần chọn lọc gồm 250 người thuộc tiểu đoàn công binh C-10. Hầu hết họ sinh ra tại Sài Gòn và biết rõ đường phố của một thành phố đông dân.

Hai ngày trước, những xà-cạp nặng, thường dùng đựng cà chua, cũng như những thúng đựng gạo, đã được đem đến căn nhà cạnh tiệm sửa xe. Chúng chứa đầy AK-47, B-40 hoả tiễn phóng lựu và mìn bộc phá để 19 người sẽ dùng vào chiều hôm đó. Sau nửa đêm, các chiến binh được cho biết lần đầu mục tiêu của họ là Toà Đại Sứ Mỹ. Không có mô hình mẫu địa điểm, không có chỉ thị sẽ làm gì sau khi đột nhập cơ sở, không nói gì tới cứu viện hay đường tháo lui, cũng không xác nhận đây có phải là một vụ cảm tử.

(Phần chữ nghiêng trên đây, Don North viết trong bài có tựa đề “An American Reporter Witnessed the VC Assault on the U.S. Embassy During the Vietnam War” – Một phóng viên Mỹ chứng kiến VC tấn công vào Đại Sứ Quán Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam – vào tháng Hai năm 2001, cho Vietnam eContent Feature, đăng trên Vietnam magazine. Bảy năm sau, trong một bài mang tựa đề “Tet Plus 40: US-Vietnam Turning Point” – Tết cộng 40: Khúc quanh Mỹ-Việt Nam – viết cho consortiumnews.com, đăng ngày 30 tháng 01 năm 2008 như một tường trình đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm vụ tấn công Tết Mậu Thân, tác giả vẫn giữ nguyên cả bài như cũ, nhưng phần trên đây được thay đổi như sau):

Vào nửa đêm, tiến tới ngày định mệnh 31 tháng 01, 1968, 15 Việt Cộng tụ tập tại một gara sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn.

Mặc pydama đen và đeo băng tay đỏ, họ là một phần của nhóm 250 người khoẻ mạnh chọn lọc của Đơn vị Biệt động J-9, trước kia được biết như là tiểu đoàn công binh C-10. Phần lớn họ sinh ra tại Sài Gòn và biết đường lối trong môt thành phố đông đúc.

Chỉ có tám trong số được huấn luyện về công binh, chuyên viên đặt và gỡ mìn và chất nổ. Bảy người khác là thư ký hay đầu bếp đã gia nhập một sứ mạng nguy hiểm chỉ vì muốn thoát khỏi sự khổ cực của cuộc sống trong rừng.

Họ sẽ được giúp bởi bốn người Việt khác, là nhân viên dân sự tại toà đại sứ, kể cả một trong những tài xế của Đại Sứ Ellsworth Bunker.

Nguyen Van Giang, được gọi là Đại Uý Ba Den, là sĩ quan chỉ huy của đơn vị J-9, đã được chỉ định hướng dẫn toán đặc công. Vào buổi sáng hôm trước cuộc tấn công, Ba Den gặp Nguyen Van De, tài xế của ông đại sứ, người này chở Ba Den trên một xe Hoa Kỳ loại station wagon đi qua toà đại sứ, chỉ cho biết đó là mục tiêu bí mật cho cuộc tấn công Tết.

Biết rõ mục tiêu, Đại Uý Ba Den bị tràn ngập bởi nhận thức là hầu như chắc chắn anh ta sẽ không thoát chết vào hôm sau.

Suy nghĩ về cái chết của mình – và vì đó là chiều ba mươi Tết – Ba Den đã uống vài chai Bia 33 tại Chợ Sài Gòn và mua một tràng pháo, như anh ta đã làm mỗi dịp Tết từ khi còn nhỏ.

Rồi Ba Den đi qua đường Trần Quý Cáp, tìm căn nhà nơi anh ta đã sống với vợ và các con sáu năm trước.

Khuya đêm ấy, anh ta nhập với đồng bọn tấn công khác tại đường Phan Thanh Giản.

Đại Uý niên trưởng Bay Tuyen trình bầy cho họ về sứ mạng và phân phát võ khí. Các công binh được chỉ thị giết bất cứ ai chống cự nhưng bắt làm tù binh bất cứ ai đầu hàng. Điềm gở là họ đã không được cho biết đường thối lui (2).

Vụ tấn công toà đại sứ có thể chỉ là một phần của tiểu đoàn công binh được chỉ định mở đầu cuộc tấn công Sài Gòn, được hậu thuẫn bởi 11 tiểu đoàn khác, tổng cộng khoàng 4.000 người. Đã có ít thời gian để thực tập. Những gì họ thiếu sót trong kế hoạch sẽ được bù đắp bởi sự khẩn trương, mục đích và sự liều mạng của cuộc tấn công.

Nhiệm vụ của tiểu đoàn sáng hôm đó là chiếm sáu mục tiêu: Đại Sứ Quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh quôc gia, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Liên Quân VNCH tại Tân Sơn Nhất, và Toà Đại Sứ Phi Luật Tân. Quân tấn công sẽ giữ các mục tiêu này trong 48 giờ cho đến khi các tiểu đoàn VC vào thành phố thay thế. Những người thoát chết được thăng thưởng ngay.

Trong tất cả các mục tiêu, sự quan trọng hàng đầu của Toà Đại Sứ Mỹ là điều hiển nhiên. Mới hoàn thành ba tháng trước với phí tổn 2.6 triệu đô la, và toà nhà sáu tầng sừng sững ở Sài Gòn như một pháo đài bất khả nhập. Nó nhắc nhở sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ, uy tín và sức mạnh. Không cần để ý tới Nha Trang, Ban Mê Thuật hay Biên Hoà cũng bị tấn công sáng hôm đó. Hầu hết người Mỹ đọc tên những nơi này còn chưa được, nói chi đến sự quan trọng của chúng. Nhưng Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn? Với nhiều người Mỹ, đây là trận đánh đầu tiên của chiến tranh Việt Nam mà họ biết.

Trên đường tới toà đại sứ Mỹ, một cảnh sát dân sự người Việt nhìn thấy đám công binh này đi xe không bật đèn. Nhân viên cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Nam Việt Nam này, vốn được gọi là chuột bạch, đã tránh phiền phức bằng cách lui vào bóng tối khi chiếc xe vận tải và taxi đi qua. Các lính công binh này cũng gặp may mắn tương tự khi đương đầu hàng phòng thủ đầu tiên tại toà đại sứ. Khi nghẹo vào Đại Lộ Thống Nhất họ chạm trán bốn cảnh sát, nhưng các vị này đã bỏ chạy không bắn một phát.

Lúc 2:45 sáng, đám lính công binh đến trước cổng chính Toà Đại Sứ, bắn súng liên thanh AK-47 và phóng lưu B-40. Bên ngoài lối vào toà đại sứ, hai Quân Cảnh Mỹ thuộc Tiểu Đoàn 716 — Spc. 4 Charles Daniel, 23 tuổi, ở Durham, N.C., và Pfc Bill Sebast, 20, ở Albany, N.Y. — bắn trả trong khi lui vào bên trong cửa thép nặng nề và khoá lại. Lúc 2:47, qua radio, họ phát đi tín hiệu 300 – mật hiệu của Quân Cảnh báo khi địch tấn công. Một tiếng nổ rung chuyển cả khu nhà khi lính công bình dùng mìn phá một lỗ khoảng một mét ở chân tường rào. Daniel nói vào radio Quân Cảnh, Tụi nó đang tới – giúp tôi! Rồi radio im bặt.

Hai lính công binh đầu tiên của Tiểu Đoàn C-10 chui qua lỗ được coi là hai thành viên cao cấp, Bay Tuyen và Ut Nho. Họ và hai Quân Cảnh Mỹ đều thiệt mạng trong cuộc cận chiến. Đám công binh còn lại có tới 40 pounds chất nổ plastic C-4, thừa đủ để phá đường vào toà nhà chính. Thiếu chỉ thị rõ ràng từ cấp chỉ huy đã bị giết, họ chốt tại các vị trí đằng sau những bồn hoa lớn hình tròn ở vườn cỏ toà đại sứ và bắn lại các lực lượng ngày càng đông bắn vào họ từ các nóc nhà bên ngoài toà đại sứ…

Lúc 3:30 sáng 31 tháng 1, chúng tôi ra khỏi Hotel Caravelle trên chiếc xe Jeep của ABC News. Mới ra khỏi đường Tự Do, cách toà đại sứ ba khu phố, ai đó, VC, quân VNCH, cảnh sát hay Quân Cảnh Mỹ, chúng tôi không rõ – đã nã một tràng liên thanh vào chúng tôi. Một vài viên đạn xuyên qua mui xe Jeep. Tôi vội tắt đèn quay xe lại khỏi tầm bắn, trở về văn phòng ABC chờ sáng.

Khi trời sáng khoảng 6 giờ, chúng tôi đi bộ tới toà đại sứ. Khi gần tới, chúng tôi có thể nghe tiếng súng liên hồi, với những vệt đạn xanh hay đỏ vẽ trên nền trời hồng.

Gần toà đại sứ, chúng tôi nhập bọn với một nhóm Quân Cảnh Mỹ đang đi về hướng cổng chính toà đại sứ. Tôi mở máy thu âm cho ABC radio trong khi Quân Cảnh chửi thề là đáng lẽ quân đội VNCH phải bảo đảm an ninh cho toà đại sứ. Quân Cảnh nói rằng phía Việt Nam đã bỏ chạy ngay sau phát súng đầu tiên.

Vệt đạn mầu xanh của VC đi ra từ khu toà đại sứ và từ tầng trên của những toà nhà bên kia đường. Vệt đạn đỏ bắn lại từ bên kia đường. Chúng tôi ở giữa hai làn đạn…

Nằm sát với các Quân Cảnh dưới máng xối sáng hôm đó, Arnett (hãng AP) và tôi đã không biết đám VC tấn công đóng ở đâu hay bắn ra từ đâu. Nhưng chúng tôi biết đó là chuyện lớn…

Nhiều Quân Cảnh chạy qua, một trong số họ cõng một tên VC. Tên này bị thương và đang chảy máu. Hắn ta mặc pydama mầu đen, và lạ thay, đeo một nhẫn hồng ngọc cỡ bự. Tôi phỏng vấn các Quân Cảnh và thu cuộc nói truyện qua radio của họ với đồng đội bên trong cổng toà đại sứ. Các Quân Cảnh nghĩ rằng VC đã đột nhập vào trong toà nhà chính, một cảm nhận sau này chứng tỏ là sai. Peter Arnett bò đi kiếm điện thoại gọi về văn phòng báo tin về nội dung cuộc đối thoại của Quân Cảnh. Lúc 7:25, căn cứ vào tin Arnett gọi về từ hiện trường, hãng AP đầu tiên phát đi bản tin nói rằng VC đã ở trong toà nhà chính. Bản tin nói rằng: “Việt Cộng tấn công Sài Gòn hôm Thứ Tư và đã chiếm một phần Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. Quân Cảnh Mỹ tại chỗ nói họ tin rằng khoảng 20 Việt Cộng trong đội cảm tử đã ở trong Đại Sứ Quán và giữ một phần tầng một Toà Đại Sứ”.

Vấn đề liệu Việt Cộng đã ở trong toà nhà chính (chancery building) hay mới chỉ ở khuôn viên (compound) đóng vai quan trọng về biểu tượng. Tôi cho chạy lại cuốn băng hôm ấy vào năm 1968, và chắc chắn Quân Cảnh tin là VC đã trong toà nhà chính.

Một trực thăng đáp trên nóc toà đại sứ, và quân sĩ bắt đầu xuống các tầng dưới. Quân Cảnh Dave Lamborn nhận chỉ thị qua radio từ một sĩ quan trong khuôn viên: Đây là Waco. Bạn có thể vào cổng bây giờ không? Mang một lực lượng vào đó và thanh toán toà đại sứ, bây giờ. Sẽ có trực thăng trên nóc nhà và binh sĩ kéo xuống. Cẩn thận đừng bắn người nhà…

Tôi dẵm lên tấm huy hiệu Hoa Kỳ, đã bị bắn tung khỏi tường toà đại sứ gần lối vào bên cạnh. Chúng tôi chạy qua cửa chính vào trong vườn, nơi đã diễn ra một trận đẫm máu.

Trong khi các trực thăng tiếp tục đổ quân trên nóc nhà, chúng tôi ngồi với một nhóm Quân Cảnh trên bãi cỏ. Họ bắn về phía một biệt thự nhỏ trong khuôn viên toà đại sứ nơi họ nói là ổ VC cầm cự cuối cùng. Những bình hơi cay được ném qua cửa sổ nhưng hơi ga dội lại ra vườn. Đại Tá George Jacobson, phối hợp viên của phái bộ, cư ngụ ở biệt thự đó, và bất thình lình xuất hiện nơi cửa sổ ở lầu nhì. Một Quân Cảnh tung lên cho ông mặt nạ tránh ga, và một khẩu súng ngắn .45. Ba VC được cho là đang ở tầng một và sẽ phóng lên lầu để tránh hơi cay.

Tôi tiếp tục mô tả mọi sự chứng kiến vào trong máy thu âm, thỉnh thoảng khựng lại vì hơi cay. Tôi có thể đọc thẻ ID do toà đại sứ cấp trong ví của Nguyen Van De mà xác hắn nằm xõng xoài ngay cạnh tôi trên bãi cỏ. Nguyen sau này đã được nhận diện là một tài xế của toà đại sứ, thỉnh thoảng lái xe cho Đại Sứ Mỹ và từng làm tài xế tới 16 năm. Quân Cảnh nói với tôi là Nguyen Van De đã bắn họ lúc khởi đầu trận đánh và có thể hắn ta là nội tuyến cho đám tấn công.

Giữa lúc căng thẳng, tôi đã bị chia trí bởi một con cóc to, nhảy qua và làm tung toé những vũng máu đặc trên cỏ. Đó là một trong những hình ảnh không bao giờ đi khỏi và cứ trở lại bất ngờ.

Một tràng súng liên thanh khiến tôi bừng tỉnh. Tên VC cuối cùng còn hoạt động phóng lên lầu, nã súng vào Đại Tá Jacobson, nhưng bắn trật.

Sau này vị đại tá nói với tôi: Cả hai chúng tôi nhìn thấy nhau cùng lúc. Hắn bắn trật, tôi bắn thẳng vào hắn bằng một phát .45. Sau này Jacobson thú nhận rằng cô bạn gái Sài Gòn đã ở cạnh ông, và chứng kiến mọi chuyện từ đầu dưới tấm khăn trải gường.

Số thiệt mạng trong trận đánh toà đại sứ gồm có năm quân nhân Mỹ cùng với 17 trong số 19 công binh VC. Hai công binh thoát chết nhưng bị thương về sau được thẩm vấn và chuyển giao cho quân đội VNCH.

Trận đánh toà đại sứ Mỹ kể từ bên trong

Theo ký giả Reuter Hugh Lunn, vào sáng sớm Mùng Hai Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng toà nhà chính (chancery building) Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn. Theo ký giả Don North của ABC và NBC News, và Peter Arnett của AP, nghe qua đối thoại của Quân Cảnh trong lúc đang đánh nhau, họ nghĩ rằng VC đã vào được tầng dưới cùng của toà nhà chính. Trong khi ấy, theo báo cáo của một viên chức ngoại giao trực đêm trong toà nhà chính, VC đã không hề có mặt bên trong toà nhà này (3).

Báo cáo của ông E. Allan Wendt, một viên chức ngoại giao (Foreign Service officer) đã được viết rất chi tiết ngay sau vụ tấn công, nhưng bị xếp vào loại tài liệu mật, mãi đến ngày 04 tháng 03 năm 1981 mới được công bố lần đầu tiên bởi báo The Wall Street Journal. Sau đây là những điểm đáng chú ý trích dịch từ báo cáo của ông E. Allan Wendt:

Tôi đã ngủ trong phòng 433, khu dành cho viên chức trực, khi toà nhà rung chuyển vì một tiếng nổ lớn ngay trước 3 giờ sáng. Tôi lăn khỏi giường và chộp  điện thoại. Tiếng súng máy rền vang. Tôi gọi ông Calhoun tại nhà ổng. [John A. Calhoun là giới chức phụ trách chính trị của toà đại sứ]. Trong khi tôi đang nói, một tiếng nổ khác bung vào toà nhà. Nhớ ra cần phải núp để tránh mảnh vụn trong trường hợp có bom nổ, tôi bò vào dưới gầm giường trong khi nói với ông Calhoun.

Tôi chui ra khỏi gầm gường giữa lúc [James A.] Griffin, người trực về truyền tin, đi vào và hỏi chuyện gì đang sẩy ra. Tôi nói không biết chắc, nhưng tôi nghĩ rằng toà đại sứ đang bị tấn công. Tôi vội mặc quần áo, thu góp vài vật dụng cá nhân của tôi, rồi rút lui vào phòng truyền tin bên cạnh, nơi đó an toàn hơn phòng trực và có nhiều điện thoại hơn. Chẳng ai trong chúng tôi biết rõ về cuộc tấn công hay Việt Cộng đã vào trong toà nhà chưa. Vì thế, một trong những phản ứng đầu tiên của chúng tôi là đóng cánh cửa vòm vào phòng truyền tin.

Tôi gọi nhà ông Calhoun, và đến giờ đó ông [David J.] Carpenter thuộc khối chính trị và ông [Gilbert H.] Sheinbaum, phụ tá ông Đại Sứ đã tới đấy và thiết lập bộ chỉ huy. Tôi báo cáo rằng tôi đã chuyển sang phòng truyền tin và có thể gọi tôi qua các số phụ 321 hay 322…

Súng tự động tiếp tục bắn, thỉnh thoảng xen kẽ bởi những tiếng nổ lớn mà chúng tôi nghĩ là hoả tiễn hay moọc chê. Tất cả tiếng súng và tiếng nổ có vẻ như rất gần, đến nỗi chúng tôi sợ rằng chẳng những không tránh được chuyện toà đại sứ bị đột nhập mà ngay tính mạng của chúng tôi cũng rất nguy hiểm. Thật vậy, chúng tôi nghĩ hy vọng duy nhất của chúng tôi là đóng chặt cửa vòm vào phòng mật mã rồi ở trong đó. Chúng tôi biết rằng phải có sức công phá mạnh để phá bung cửa đó, nhưng chúng tôi không loại bỏ khả thể là Việt Cộng có thể làm chuyện đó.

Sau đó chúng tôi gọi cho Thuỷ Quân Lục Chiến gác dưới tầng trệt bên trong toà đại sứ. Chính tôi nghĩ rằng có thể anh đã chết. Tôi ngạc nhiên khi anh trả lời, và rõ ràng trong tình trạng rất bối rối, anh nói rất mạch lạc. Đây là lần đầu trong rất nhiều lần đối thoại với Trung Sĩ [Ronald W.] Harper, người mà trong tình trạng khó khăn, vẫn tồn tại như là nguồn tin duy nhất của chúng tôi về những gì đang sẩy ra trong khuôn viên.

Harper nói với chúng tôi là VC đã ở trong khuôn viên nhưng không ở trong toà nhà chính của toà đại sứ. Ảnh nói anh có thể nghe chúng nói chuyện bên ngoài toà nhà. Anh không biết chúng có bao nhiêu người. Vài phút sau, Harper nói với chúng tôi anh có một Thuỷ Quân Lục Chiến bị thương ở dưới tầng trệt. Ảnh yêu cầu chúng tôi xuống mang anh thương binh lên.

Chúng tôi thận trọng xuống tầng trệt bằng thang máy. Với sự giúp sức của Trung Sĩ Harper, tôi mang anh thương binh TQLC vào thang máy. Rồi Griffin xuống giúp tôi mang anh lên tầng bốn. (Và rồi sau đó, chúng tôi luôn khoá thang máy tại chỗ, để nếu VC có vào trong toà nhà, thì không thể bấm nút cho xuống được). Một thoáng nhìn với sợ hãi vào tầng trệt, thấy rõ nhiều thiệt hại đáng kể đã sẩy ra. Tình trạng với chỉ một TQLC còn lại có vẻ hoang vắng. Chúng tôi khiêng anh thương binh vào lầu bốn. Chân anh có vẻ bị gẫy, và rõ ràng anh đang bị sốc…

Đến giờ này, theo sự hiểu biết của tôi, sau đây là những người có mặt trong toà nhà: Tôi, Griffin, Trung sĩ Harper, Fisher [một nhân viên truyền tin của Bộ Binh] và ba nhân viên truyền tin của OSA – Office of Special Assistant, tên của CIA ở Việt Nam, tất cả là 7 người, không kể anh thương binh TQLC…

Vào 4 giờ sáng, Thiếu tá Hudson gọi. Chúng tôi cho ông biết về những gì chúng tôi đã thấy. Ông đã được biết về một TQLC bị thương và nói một trực thăng tải thương sẽ đến chở anh đi.Chúng tôi phải mang anh lên mái nhà để chờ trực thăng. Tuy nhiên, chỉ có anh TQLC gác dưới trầng trệt có chìa khoá mở hai cửa để từ tầng sáu lên nóc nhà. Chúng tôi gọi Harper là chúng tôi cần chìa khoá. Anh bảo ai đó dùng thang máy xuống, đứng ở góc để tránh đường bắn, anh sẽ ném chìa khoá vào cho. Fisher đã làm chuyện này trong vài phút…

Thiếu tá Hudson nói trực thăng sẽ đến trong 15 phút. Sau nửa giờ, chúng tôi gọi Hudson, ổng nói trực thăng tới nhưng đã phải bỏ đi, vì trúng đạn địch. Chuyện này sẩy ra vào lúc 5:30 sáng, và đó là lần đầu trực thăng định đáp…

Một trong nhiều chuyến lên mái nhà – vào khoảng 6:15 – tôi thấy một TQLC võ trang gác ở tầng lầu dưới mái nhà, bò quanh với một khẩu súng trường. Tôi hỏi làm cách nào anh tới đây được, vì tôi tưởng chỉ có một TQLC gác trong toà nhà, là người dưới tầng trệt. Ảnh nói anh vẫn ở đó… Nửa giờ sau, trở lại mái nhà, tôi được biết trực thăng đã tới, tiếp tế đạn M6, và mang anh thương binh đi… Tôi vô cùng kinh ngạc khi được biết anh TQLC và anh lính Bộ Binh đã lên trực thăng ra đi…

Trong thời gian này đã có nhiều người gọi tới toà đại sứ. Ông Philip Habib [lúc ấy là phụ tá Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ] gọi hai lần từ Phòng Tình Hình toà Bạch Ốc. Một người từ cảnh sát Việt Nam muốn nói truyện với một trong các nhân viên OSA…

Một nhân viên người Việt bị bỏ lại ở phòng truyền tin không mật dưới tầng trệt gọi và xin phép được về nhà. Ông nói đã làm việc trong nhiều giờ và mệt. Tôi nói với ông ta là tôi rất buồn nhưng ông phải ở lại tại chỗ cho đến khi ngừng bắn.

Giữa khoảng 6:30 và 7 giờ. Thiếu tá Hudson gọi để nói rằng không có hạ cánh trước khi trời sáng, vì không nhìn rõ, mặc dầu có đèn trên mái nhà.

Cuối cùng, rạng đông ló dạng. Thiếu tá Hudson nói tình trạng đã trở thành nguy kịch. Chúng tôi đồng ý. Ông ấy nói kế hoạch cuối cùng là xịt hơi cay vào Việt Cộng trong khuôn viên rồi hạ binh sĩ từ mái nhà xuống. Trực thăng chở hơi cay sẽ bay đi ngay. Chúng tôi gọi ngay Trung Sĩ Harper nói cho anh biết kế hoạch này. Anh nói hãy ngừng ngay việc dùng hơi cay, vì bây giờ (khoảng 7:30) Quân Cảnh Mỹ đang đánh mở đường tiến vào khuôn viên. Có thể chúng ta sẽ xịt ga vào người của mình. Tôi gọi ngay lại cho Thiếu Tá Hudson. Sau 15 phút chậm trễ, ông ấy nói có thể vẫn dùng hơi ga. Có một lúc, ông ấy nói đừng lo vì kỵ binh đang tới. Tôi đã từng nghe nhiều về không kỵ làm tôi nghĩ rằng ông ấy nói chuyện nghiêm chỉnh.

Thiếu tá Hudson, có lẽ căn cứ vào những cuộc nói truyện với Trung Sĩ Harper, đã thảo một kế hoạch cho trận đánh mà ông ấy nói chúng tôi phải gặp người chỉ huy trung đội ngay sau khi binh sĩ tới nóc nhà.

Theo kế hoạch, binh sĩ sẽ kéo xuống bằng cầu thang ở hai bên toà nhà, thay vì xuống bằng thang máy, vì ngay trong đường bắn. Khi tới tầng trệt, họ sẽ dùng các lối đi bên hông để vào khuôn viên. Những cửa này khoá đối với bên ngoài, nhưng có thể đẩy mở ra từ bên trong.

Không khí tại phòng mật mã nói chung rất nghẹt thở, pha trộn với bực bội và thất vọng. Thỉnh thoảng, mức căng thẳng giảm bớt, nhưng đôi khi, một hoả tiễn nữa lại đụng tường, khiến chúng tôi trở lại với cảnh ngộ của mình. Thỉnh thoảng tiếng súng cũng thưa thớt, nhưng chẳng bao giờ được lâu.

Sau khi trời đã sáng bảnh, những chuyến lên mái nhà cho thấy nhiều trực thăng bay lượn, tuy nhiên, chẳng thấy cái nào định đáp xuống. Chúng tôi chờ đợi, luôn thắc mắc tại sao không có cái nào đáp. Khoảng 8:15, tôi trở lại mái nhà. Nhân viên truyền tin của OSA đã trở lại phòng mật mã, khiến trên mái nhà không có ai. Khi bước ra khỏi thang máy ở tầng sáu, tôi đối diện một khung cảnh lạ. Trước mặt tôi là năm binh sĩ nhảy dù trong binh phục dã chiến, thuộc sư đoàn dù 101. Họ mang súng M-16, M-79 phóng lựu, lựu đạn và dao găm. Tôi hỏi vị chỉ huy trung đội. Thiếu tá [Hillel] Schwartz tiến lên, tự giới thiệu với ông tôi là viên chức trực. Ông đưa tôi một trái lựu đạn, tôi từ chối. Ông nói có thêm 30 người nữa sẽ đáp xuống trong chốc lát. Tôi giải thích là tôi biết không có VC trong toà nhà. Trong khi vị thiếu tá ghi chép, tôi vắn tắt mô tả toà nhà, nhắc lại chỉ thị dàn quân của MACV, và nói cho ông biết về tình trạng của Đại Tá Jacobson ở phía sau khuôn viên. Tôi cũng lưu ý ông trông chừng cho một nhân viên người Việt ở tầng trệt. Thiếu tá Schwartz sợ rằng thực sự có VC trong toà nhà, đã dàn quân của ông kiểm soát từng tầng một, bắt đầu từ lầu sáu.

Tôi đưa Schwartz tới tầng bốn để ông có thể gọi TQLC gác ở tầng trệt để có những tin tức mới nhất. Sau đó, ông nhập bọn với người của ông…

Rồi tôi lên mái nhà nhiều lần để đón thêm binh sĩ nhảy dù. Khoảng 45 phút sau khi Thiếu tá Schwartz tới, tôi xuống tầng trệt. Lúc ấy tiếng súng đã ngừng được một lúc.

Tôi được cho biết có 19 VC đã chết. Tôi lên lầu chuyển tin này cho Carpenter. Rồi tôi xuống nhà trở lại.

Trong khi tôi đang quan sát những tổn thất ở tầng trệt, ai đó nói Tướng [William C.] Westmoreland  [Tư Lệnh quân đội Mỹ ở VN] muốn gặp tôi ở phòng gác TQLC. Tôi tới đó, và Tướng Westmoreland nói ý kiến của ông là dọn sạch toà đại sứ càng sớm càng tốt, và nhân viên trở lại làm việc vào buổi trưa. Rồi cho biết ông muốn nói chuyện với ông Habib…

Đồng nghề, dị mộng

 Trở lại với câu truyện của Hugh Lunn và Phạm Ngọc Đình, theo lời kể của Hugh trong VIETNAM: A Reporter’s War. Vụ tấn công Tết Mậu Thân sẩy ra chỉ ba ngày trước khi Hugh hết hạn một năm làm việc ở Việt Nam. Vụ này khiến ngày rời Sài Gòn của anh bị trễ. Anh vui vẻ, như thoát nạn ra đi hai tuần sau Tết, trở về quê hương của mình là nước Úc, trước khi trở lại làm cho Reuters ở Singapore.

Đình ở lại, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên sau Tết. Nhờ quen nhiều, được việc tốt. Trong thư gửi cho Hugh Lunn, dĩ nhiên viết bằng Dinglish, đề ngày 10 tháng 7 năm 1968, anh mở đầu:

Dear Gunsmoke.

           Private Dinh say helo gunsmoke, I hope you are ok. After you left saigon office one month, 1 has draft military service by our government. Three months in training near Saigon 1 work secretary for battalion headquarter. every weekend returning Saigon with 24 hour holiday. Mr. Pringle and Bruce Pigott worry when 1 left office. James go to defense ministry with his application spy war. Propaganda for 1 and he very to request 1 get job defense ministry.

          You know what my job. Defense ministry reporter political and war stories. 1 would like sent letter to say thanks James but 1 d’ont know where he address now, If you know, please write to me letter…

“Thân chào Gunsmoke,

Binh nhì Đình có lời thăm Gunsmoke, hy vọng anh vẫn bằng an. Một tháng sau khi anh rời Sài Gòn, tôi đã nhập ngũ theo lệnh động viên của chính phủ. Ba tháng huấn luyện gần Sài Gòn tôi làm thư ký tại bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mỗi cuối tuần đều về Sài Gòn với 24 giờ nghỉ. Ông Pringle và Bruce Pigott lo ngại khi tôi rời văn phòng. James tới Bộ Quốc Phòng với đơn xin việc tâm lý chiến. Vận động cho tôi và cố yêu cầu cho tôi được việc tại Bộ Quốc Phòng.

Anh biết công việc của tôi là gì không? Phóng viên chính trị và phóng sự chiến trường của Bộ Quốc Phòng. Tôi muốn gửi thư để cảm ơn James nhưng tôi không biết địa chỉ ông ấy bây giờ ở đâu, nếu anh biết, làm ơn viết thư cho tôi…”baiong thuc h7

Lá thư Đình viết cho Hugh Lunn bằng Dinglish, chụp lại từ Vietnam: A Reporter’s War

Trong vụ Việt Cộng tấn công đợt hai vào tháng Năm, 1968, Đình thoát chết. Đáng lẽ đi với đám ký giả Anh, Mỹ và Úc vào Chợ Lớn săn tin, nhưng phút chót, trưởng phòng Reuters Tony Baker muốn anh đi cùng lên phía xa lộ Biên Hoà. Khi trở về, anh được tin bốn trong năm ký giả trên chiếc xe của báo TIME bị VC bắn chết ở Chợ Lớn, trong đó có hai người làm cho Reuters, bạn anh. Bất chấp nguy hiểm, qua mặt cả Việt Cộng, Đình tìm tới tận chiếc xe bị bắn, tự tay sờ ngực các nạn nhân, xem nếu họ chưa chết, chỉ bị thương, thì tìm cách cấp cứu. Ban quản trị Reuters đã ca tụng Đình về hành động can đảm này.

Trước tình hình cực kỳ đen tối vào tháng Tư 1975, Reuters đề nghị đưa ký giả yêu quý này rời khỏi Việt Nam. Chỉ đồng ý cho vợ con ra đi, Đình quyết định ở lại, vì theo anh “If a journalist see the beginning he must see the end”, nếu một nhà báo nhìn thấy khởi đầu, cũng phải nhìn thấy kết thúc.

Ngày 30 tháng Tư, Việt Cộng tới cửa ngõ Sài Gòn, Đình quyết định “Time go, war finished”, Đến lúc đi, chiến tranh đã chấm dứt. Tại JUSPAO, sáu xe buýt chở người Mỹ và những người Việt được Mỹ cho đi ra phi trường. Đình cố lên chiếc xe thứ nhì, nhưng Quân Cảnh Mỹ đẩy anh xuống chiếc thứ bốn. Không may là chỉ có hai chiếc đầu vào được bên trong phi trường. Theo Đình, tài xế bốn chiếc xe phía sau là Việt Cộng, cố tình làm cho hành khách lỡ chuyến đi. Anh mắc kẹt ở Sài Gòn.

Hôm sau ngày Sài Gòn đầu hàng, Đình trở lại văn phòng, thấy VC đặt súng trấn giữ trước cửa, Đình nói “Đây là văn phòng Reuter”, họ nói “Không, đây là văn phòng CIA”. Đình phải trải qua một tháng cải tạo, và tiếp tục tư cách phóng viên Reuter, nhưng mọi điều anh viết đều phải nộp để kiểm duyệt. Năm 1976, VN chính thức thống nhất, văn phòng Reuter phải ở Hà Nội, Đình được chỉ định ra Hà Nội, nhưng nhà cầm quyền cộng sản từ chối. Sau, Reuters lại chỉ định anh sang Singapore, rồi Bangkok, cũng đều bị từ chối.

Trong bốn năm, từ 1975 đến 1979, ngoài việc vẫn gửi tiền, Reuters tìm đủ cách để giúp Đình, nhưng cuộc sống của anh ngày càng khó khăn. Năm 1979, Bộ Trưởng Di Trú Úc viết cho Reuters, nói đã chấp thuận cho Đình sang Úc, như một trường hợp đặc biệt, vì anh đã làm một việc phi thường đối vói các ký giả Úc trong vụ tấn công 1968 ở Sài Gòn. Trước khi được rời Sài Gòn đi Bangkok vào tháng Năm 1980, anh còn bị công an vặn hỏi “Đã làm gì cho Úc, tại sao được đối xử đặc biệt?” Từ Bangkok đến Sydney, Đình đã được sứ quán Úc và các đồng nghiệp cũ ở Reuters đón tiếp và giúp đỡ tận tình, kể cả kiếm việc cho anh ở Úc. Anh ghi nhận: “Dinh and family born again second time by Reuter in Australia”, Đình và gia đình đã tái sinh lần thứ nhì bởi Reuter tại Úc.

Hugh Lunn viết trong VIETNAM: A Reporter’s War: Khi tôi gặp Đình ở Sydney, có một câu mà tôi muốn hỏi anh đến chết được: Làm thế nào anh đã biết vụ tấn công Tết sẽ khởi sự vào đêm tháng Giêng đó năm 1968? Anh trả lời rằng nguồn tin đó từ một nhà báo Việt Nam làm cho một tuần báo lớn nhất của Mỹ. Ông ta và Đình thường hay nói truyện trên lối đi bên ngoài Reuters.

Đình nhớ lại là đã được biết chỉ mấy giờ trước khi vụ tấn công bắt đầu. “Ông ta nhìn thấy tôi lúc 7 giờ chiều trên đường phố và nói: ‘Này Đình, có chuyện cho tin lớn sẩy ra đêm nay. Anh sẵn sàng chưa? Và tôi tin ông ta vì tôi biết ông ta có nguồn VC tốt. Ổng nói sẩy ra sau nửa đêm và chỉ có Việt Cộng đánh ở Sài Gòn. Tôi nói: ‘Khủng bố, bom, hoả tiễn?’ và ổng nói: ‘Không, hơn thế nữa’, rồi bước đi.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình biết được tại sao bạn anh biết nhiều thế, và tại sao đã biết chính xác như thế. Ông ta sinh ra ở miền nam và sống ở đó, mặc dầu cha ông ta đã chọn tập kết ra Bắc khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954 thành hai vùng cộng sản và không cộng sản; một chỉ dấu đáng lẽ CIA phải biết. Người bạn của Đình khởi đầu làm cho cơ quan thông tấn nhà nước VTX, ở đấy ông ta làm việc rất khá nên được gửi sang Mỹ học đại học về báo chí. Năm 1960 trở về làm phóng viên cho Reuters, rồi chẳng bao lâu được tiếng là người rất có khả năng. Chính ông ta đã dậy Đình nghề làm báo, bấy giờ, Đình khởi sự công việc ở văn phòng như một người đưa thư.

Năm 1965, trong khi Đình trở thành một nhà báo giỏi, một trưởng phòng Reuter cho người bạn của anh nghỉ việc, nói rằng bài viết của ông ta đọc rất giống Radio Hà Nội. Dầu sao, nhờ tiếng tốt, người ký giả này vẫn làm ăn khá như một phóng viên tự do, cho đến khi kiếm được việc tại tạp chí Mỹ. Ông ta nổi tiếng vì những hiểu biết về chính trị và quân sự, và có nguồn tốt. Đình thường than phiền, có lẽ với một chút ganh tị, là những ký giả ghé qua thường tạt vào văn phòng Reuter hỏi anh xem có biết người ký giả kia ở đâu không. Họ nói: “Tôi muốn ăn tối với ông ta”. “Hầu hết ký giả lớn của Mỹ phụ trách về chiến tranh trong thập niên 1960 biết rõ về ông ta”, theo Đình.

Ký giả này còn rất thân thiết với Tướng Ngô Du, tổng quản trị hành quân của Bộ Tham Mưu Liên Quân và là bạn thân của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, cơ quan tình bào trung ương Việt Nam.

“Tất cả tướng lãnh quân lực VNCH đều là bạn ông ta”, Đình nói, giận dữ đập tay lên bàn. “Tất cả các tư lệnh quân đoàn, tổng tham mưu liên quân, ông ta biết mọi chuyện. Ngay cả toà đại sứ Mỹ. Ông ta có thể tới đó rất nhanh nếu muốn, bất cứ lúc nào. Ông ta gặp các tướng bất cứ giờ nào ông muốn. Và một số tướng lãnh Việt Nam, kể cả tư lệnh hành quân cấp cao, có thể gọi ông ta để hỏi ý kiến: ‘Quân ta di chuyển theo hướng này, bản đồ này, cái này và cái này’. Và ông ta có thể tới tổng tham mưu liên quân”.

Đình nói sĩ quan quân lực VNCH muốn giúp ký giả này vì họ làm việc cho Hoa Kỳ và muốn “vận động tốt” ở phía Hoa Kỳ.

Khoảng một năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình gặp người bạn này trong một tiệm uống cà phê ở Sài Gòn. Đình ngạc nhiên gặp ông ta vì một tháng trước đó, vợ và bốn con ông ta đã được tờ báo ông ta làm việc cho di tản sang Mỹ. Tuy nhiên, họ đã trở lại Sài Gòn trong vòng sáu tháng. Ông ta nói với Đình là ông đã cho gia đình sang Mỹ vì “lo trúng đạn pháo kích ở Sài Gòn”, nhưng Đình cảm thấy là ông ta đã “chơi game” với CIA. Anh nói, họ đã trở về qua ngả Moscow, Bắc Kinh, và Hà Nội. Hỏi tại sao đã cho vợ con trở về trong khi rất nhiều người muốn ra đi, ông đã trả lời: “Tôi không muốn bọn trẻ trở thành Mỹ Con”.

Rồi Đình hỏi thẳng có phải ông ta là Việt Cộng trong thời gian chiến tranh. Ông đã không trả lời trực tiếp, nói rằng: “À, vài người cũng nói với tôi như thế, anh nghĩ thế nào?” và Đình nói, “Đương nhiên anh là một Việt Cộng”. Và bạn anh cười.

Sau đó, ông ta mời Đình tới nhà ông ở Sài Gòn, và Đình ngạc nhiên được biết đó là một căn nhà sang trọng từng là nhà của toà đại sứ Anh. Bây giờ Đình biết rằng anh đang cùng với một nhân vật rất quan trọng.

Ông ta nói với Đình: “Rất nhiều tin đồn nói tôi là Việt Cộng. Tôi không bao giờ chối hay nhận điều đó. Bây giờ tôi cho anh xem một tạp chí”. Rồi ông ta mở két bằng một chìa khoá, khiến Đình không bao giờ hết ngạc nhiên, đưa ra một tấm hình ông ta trong một tạp chí miền Bắc – chụp với Hồ Chí Minh. Chú thích viết: “Đồng chí [tên ông ta] với Bác Hồ”. Thời gian là 1969, năm sau cuộc tấn công Tết, trong khi ông ta vẫn làm việc như một phóng viên ở Sài Gòn.

“Vậy là ông ta đã xác nhận ông là Việt Cộng với quân hàm đại tá”, Đình nói. “Tôi ngạc nhiên. Và cũng ngạc nhiên là người phụ nữ nhiều lần tới kiếm ông ta tại văn phòng là thiếu tá Việt Cộng, ổng nói “sĩ quan liên lạc” của ông.

Với ánh mắt bỗng nhiên bốc lửa, Đình nói: “Làm thế nào Mỹ có thể thắng trận? Làm thế nào quân lực VNCH thắng trận? CIA đã làm gì? Một vài chuyện tham nhũng, chợ đen? Ông ta là người vô cùng quan trọng trong chiến tranh cho VC. Bất cứ chuyện gì ông ta có, tất cả thông tin ông ta đều có thể cho VC, nhưng, quan trọng hơn, ông ta có thể cung cấp thông tin cho những ký giả Mỹ chống chiến tranh Việt Nam”.

Đình nói rằng chắc chắn ông ta đã cung cấp tin tức cho Đại Sứ Quán Mỹ, “và không phải là tin tốt”.

Chỉ có một lý do khả dĩ tại sao người bạn của Đình đã đồng ý cho vợ con di tản sang Mỹ trước khi Sài Gòn sụp đổ là “để bỉ mặt (bullshit) CIA – ngoài ra tại sao Việt Cộng muốn đi Mỹ?”

Có lẽ điều nói nhiều về sự nhiêu khê của chiến tranh Việt Nam là, cuối cùng, không phải chính quyền Úc hay ảnh hưởng của Reuters đã đem người ký giả trung thành tên Đình ra khỏi Việt Nam mà là đại tá Việt Cộng này, người đã “bảo đảm” cho bạn và cũng là một học trò báo chí của ông ta, và dùng ảnh hưởng của mình để kiếm cho anh được hộ chiếu. Đình nhận định, Vì ông ta làm việc với tôi đã lâu, ông biết tôi không thân Mỹ, không thân cộng. Tôi chỉ tường trình. Tôi không làm gì trong chiến tranh”. Vì sự giúp đỡ này, Đình muốn không nêu rõ tên của ký giả này cũng như tạp chí của ông ta.

Gần ba chục năm sau, trong Website chính thức của mình, Hugh Lunn tiết lộ như dưới đây:

Bí mật về điệp viên Việt Nam từ 1980 bây giờ được tiết lộ năm 2014

 Cuốn sách của tôi Vietnam: A Reporter’s War (xuất bản lần đầu năm 1985 và vẫn còn đang được ấn hành) kể một câu truyện về tôi và người bạn Phạm Ngọc Đình. Trong cuốn sách Đình tiết lộ rằng người bạn nhà báo tại Sài Gòn của anh là Phạm Xuân Ẩn, một thông tín viên cho Tạp chí TIME từ 1966 đến hết Chiến Tranh năm 1975, toàn thời gian này là một Đại Tá Việt Cộng (sau chiến tranh ông ta đã được thăng Tướng). Ẩn đã tự tiết lộ cho Đình biết ông ta là một điệp viên vào hôm trước ngày Đình rời khỏi Việt Nam (với sự giúp đỡ của Ẩn) vào năm 1980 – và Đình đã nói tất cả với tôi để tôi viết sách. Nhưng anh đã yêu cầu tôi giữ lại một phần bí mật của cuộc phỏng vấn cho đến sau cái chết của anh và của Đại Tá Ẩn. Vì thế, đây là điều không có trong sách của tôi:

Đình nói Đại Tá Ẩn đã mời Đình tới nhà của ông vào một hôm năm 1980 (năm năm sau khi Chiến Tranh chấm dứt) để xin giúp đỡ. Ẩn nói với Đình: “Khi ra khỏi nước anh cố gắng liên lạc với Robert Shaplen của báo New Yorker; Beverly Deepe của Newsweek; Anthony Lawrence của BBC, và nhà báo Mỹ Neil Sheehan và yêu cầu họ tìm ra một cách để mang tôi và gia đình ra đi”. Đình hỏi làm cách nào họ có thể làm điều đó và Ẩn trả lời: “Gặp tôi trên biển”.

** FILE ** Pham Xuan An holds up his press card from 1965 at his home in Ho Chi Minh City, Vietnam, in this April 26, 2000 file photo. Pham Xuan An, a Vietnamese who led a remarkable and perilous double life as a communist spy and a respected reporter for western news organizations during the Vietnam War, has died at a military hospital Wednesday, Sept. 20, 2006 in Ho Chi Minh City, his son said. An, 79, suffered from emphysema. (AP Photo/Charles Dharapak, File)

Nhà báo – Gián điệp Việt cộng Phạm Xuân Ẩn, ảnh chụp tại nhà riêng của Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn năm 2000, do  Charles Dharapak — Associated Press) 

Đình nói anh suy đoán rằng Ẩn đã đau khổ vì thiếu thực phẩm và trường học cho các con ông ta “và ông ta cảm thấy có lỗi vì đã mang trở về vợ và bốn con đã được tạp chí TIME lo cho di tản từ Sài Gòn sang New York năm tháng trước”. Đình nói: “Ẩn là người đã bảo đảm cho tôi rời Việt Nam. Ông ta chứng tỏ ông có thể bảo đảm cho tôi đi và bây giờ ông ấy chờ đợi tôi trả ơn”. Nhưng Đình quyết định không hành động như một tay sai của Đại Tá Ẩn và nói anh không bao giờ liên lạc với các ký giả đó trong khi anh và hai con trai nhỏ muốn bắt đầu trở lại ở Úc. Anh ta lo “từ cả hai phía” – “Cộng Sản Việt Nam hay CIA” (4).

baiong thuc h8  ***

Từ những gì đã trình bầy trong cả phần I và phần II, có thể đi tới vài ba nhận xét  thú vị:

Trước hết, tìm bắt sự thật là điều rất khó. Ngay cả nhân chứng có mặt khi sự việc sẩy ra, cũng không biết tất cả sự thật. Hugh Lunn nói Việt Cộng chiếm năm trong sáu tầng toà đại sứ. Don North và Peter Arnett nói VC chiếm tầng dưới cùng. E. Allan Wendt ở bên trong toà nhà từ đầu đến cuối, nói VC chỉ ở ngoài khuôn viên, không tên nào vào được toà nhà chính. Người mù sờ voi, dĩ nhiên chỉ biết được một phần. Người sáng xem voi cũng chưa chắc đã nhìn thấy tất cả.

Thứ nhì là cuộc đời hai người họ Phạm: Hai người cùng họ, cùng là công dân VNCH, cùng làm với ký giả ngoại quốc, cùng được đồng nghiệp quý mến, cùng một thời làm cho Reuters, cùng quen biết nhiều trong chính quyền, cùng rất yêu nghề làm báo, cùng cho vợ con đi trước vào tháng Tư 1975. Khác biệt rõ ràng: Một người ít học, kém ngoại ngữ, “number one anti-communist”, thi hành nhiệm vụ quân dịch với cấp bậc binh nhì; một người học cao hơn, giỏi ngoại ngữ, làm gián điệp cho cộng sản, mang quân hàm đại tá rồi lên tướng. Đầu đời, người ít học học người học cao. Cả đời người học cao làm tay sai cho cộng sản, luôn sống thấp thỏm sợ bị bắt, hành động theo chỉ thị trên, chấp hành cả những quyết định đưa tới thiệt hại nhân mạng và tài sản cho dân, trong khi người ít học sống thẳng thắn, không sợ hiểm nguy, hành động theo lương tâm mình. Cuối đời người học cao cầu cứu người ít học; đã một lần phản bội miền Nam theo miền Bắc, giờ lại định phản bội miền Bắc ra đi, nhưng người ít học không chịu làm trái lương tâm. Giữa hai cách lựa chọn lối sống của mình, ai sáng dạ hơn ai?

Thứ ba, năm Mậu Thân, 17 trong số 19 đặc công VC tấn công Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã thiệt mạng, 2 người bị bắt làm tù bình. Trước Tết Bính Thân, Tổng Bí Thư mới được tái cử Nguyễn Phú Trọng, sinh năm Giáp Thân (1944), trong dịp gặp các nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ dịp tất niên, đã khoe thành tích lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN, khoe ông được Tổng Thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng. Đồng thời, tiệm ăn nhanh McDonald của Mỹ mở thêm nhà hàng thứ tám tại Sài Gòn. Trong khi ấy, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sắm Tết và chúc Tết bằng tiếng Việt, tuyên bố ăn Tết tại quê hương thứ nhì của ông là Hà Nội. Thân nhân của những người hy sinh năm Mậu Thân nghĩ gì về những cái chết này?

baiong thuc h11VC hy sinh trong vụ tấn công Đại Sứ Quán Mỹ – TBT Trọng được tiếp tại Bạch Ốc

 Đinh Từ Thức

———————-

  1. http://www.historynet.com/don-north-an-american-reporter-witnessed-the-vc-assault-on-the-us-embassy-during-the-vietnam-war.htm
  2. https://consortiumnews.com/Print/2008/012908a.html
  3. http://adst.org/2013/07/viet-cong-invade-american-embassy-the-1968-tet-offensive/
  4. http://www.hughlunn.com.au/general/vietnam-spy-secret-from-1980-told-now-in-2014/

Bính Thân nói chuyện Mậu Thân ở Sài Gòn (phần I)

Đinh Từ Thức

baiong thuc h1

Toà Đại Sứ Mỹ nhìn từ góc đườngThống Nhất và Mạc Đĩnh Chi, thấy rõ ba vết thủng do hoả tiễn bắn vào, và dưới chân tường rào phía ngoài, (chỗ người đứng), một lỗ thủng cỡ một mét do Việt Cộng dùng B-40 gây ra, làm lối vào bên trong. Hình của Viện Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ.

Từ bốn mươi tám năm qua, cứ mỗi dịp Tết, lại có nhiều bài viết về vụ Mậu Thân. Nhưng phần lớn, những bài này đều nói về chuyện sẩy ra ở Huế. Có lẽ vì đó là trận địa đẫm máu nhất, tàn ác nhất. Trong khi ấy, mặt trận tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi có hai địa điểm tiêu biểu cho chính quyền VNCH là Phủ Tổng Thống, và tiêu biểu cho Hoa Kỳ là Đại Sứ Quán Mỹ đều bị Việt Cộng tấn công, đã ít được nói tới. Đến nỗi, có nhiều người sống tại Sài Gòn thời đó, cũng không biết rõ cuộc chiến đã thực sự diễn ra như thế nào, hoặc chỉ biết với những chi tiết lờ mờ, hay sai lầm.

Thật ra, điều này cũng không lạ. Ngày Tết, mọi người đều lo ăn Tết, mấy ai để ý tới thời sự. Đến khi có tấn công, súng nổ, thiết quân luật, mọi người đều lo bảo vệ mạng sống của mình và của người thân, làm sao biết rõ nội vụ diễn ra như thế nào. Chỉ có báo chí quốc tế, vì nhiệm vụ nghề nghiệp, và có phương tiện theo dõi cùng ghi lại những gì sẩy ra. Tại sao chỉ có báo chí quốc tế, mà không có báo chí Việt Nam? Trước hết, theo truyền thống, báo chí Việt Nam thường nghỉ Tết, ít nhất bốn ngày. Thứ đến, khi nổ ra cuộc tấn công, hoạt động báo chí Việt cũng bị tê liệt như mọi ngành sinh hoạt dân sự khác. Trong khi ấy, vụ tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân là cơ hội hiếm có để ký giả quốc tế gửi tin nóng đi khắp thế giới. Tuy vậy, tại một đất nước xa lạ, ký giả ngoại quốc không thể hành nghề suông sẻ, nếu không được sự giúp sức đắc lực của nhà báo địa phương. Ai may mắn được sự cộng tác của người địa phương tận tâm, nhanh nhẹn, có khiếu về lãnh vực truyền thông, có cơ may thành công hơn các đồng nghiệp khác.

Trong vụ tấn công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, nhiều trận đánh sẩy ra cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau. Bài này chỉ chú trọng tới trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ. Đây không phải là trận đánh lớn nhất, nhưng tiêu biểu nhất, vì nó có vai trò làm thay đổi cục diện toàn bộ cuộc chiến Việt Nam.

Người Việt làm báo Anh bằng Dinglish

Một trong số ký giả quốc tế may mắn có sự giúp sức đắc lực của ký giả địa phương là Hugh Lunn, người Úc, quê Brisbane, tới London thử thời vận, được hãng thông tấn Reuters mướn, gửi đi Việt Nam vào cuối tháng Hai năm 1967, với thời hạn một năm. Vụ Mậu Thân sẩy ra chỉ vài tuần trước khi Hugh Lunn rời Việt Nam, sau khi đã hoàn tất thời gian phục vụ tại đây. Những gì chứng kiến tận mắt về cuộc chiến Việt Nam, kể cả trận Mậu Thân ở Sài Gòn, đã được ông kể lại trong cuốn VIETNAM: A Reporter’s War, xuất bản năm 1985. Cuốn này đã đoạt giải văn chương của Melbourne Age Book năm 1985, đã trở thành tác phẩm cổ điển, được trích giảng trong chương trình học các lớp 11 và 12. Hugh Lunn còn là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị khác, và năm 2009, ông đã được chọn là biểu tượng của Queensland (Queensland Icon) vào dịp kỷ niệm 150 năm lịch sử của Tiểu Bang này.

Tới Sài Gòn năm 26 tuổi, chẳng biết gì nhiều về Việt Nam. Ra đón anh tại phi trường là một người Việt Nam, còn trẻ, hoạt bát, luôn nói cười, nhưng tiếng Anh của anh rất khó hiểu; chẳng những sai giọng, “lawyer” phát âm như “louser” mà cách dùng chữ và đặt câu không giống ai. Nếu một người tỏ ra sợ sệt, anh nói “He care”. Nếu nghĩ một chuyện gì đó không thể làm được, anh nói dản dị “Cannot”. Nếu cho là một việc thuộc trách nhiệm người khác, anh nói “Not my problem”. Sau này, kể với Hugh Lunn về may mắn thoát chết trong vụ VC tấn công đợt nhì, anh viết: “Very lacky to me, because if mr Backer not stop 1 go with Bruce to cholon, 1 think no more dinh today” (Rất may cho tôi, bởi vì nếu Ông Backer không ngăn tôi đi với Bruce vào Chợ Lớn, tôi nghĩ hôm nay không còn Đình). Ký giả ngoại quốc gọi tiếng Anh của anh là Dinglish.

Tên Việt đầy đủ của anh là Phạm Ngọc Đình, nhưng các ký giả Reuter đã làm việc từ trước ở Việt Nam đều rất quý anh, cho rằng anh là nhà báo giỏi hơn tất cả bọn họ, nên gọi anh là Gungadinh. Thật ra, “gunga” có nghĩa xấu, chỉ những thứ dơ dáy cặn bã. Nhờ nhà thơ Rudyard Kipling có bài thơ nổi tiếng Gunga Din, sau trở thành cốt truyện của một cuốn phim cùng tên do Sammy Davis jr. đóng vai Gunga Din, ca tụng một người Ấn Độ tận tâm và can đảm làm đủ thứ để phục vụ người Anh, khiến biệt danh Gungadinh thành một lời khen. Ngược lại, Gungadinh đặt tên cho Hugh Lunn là Gunsmoke, vì anh này giống một vai chính trong bộ phim chiếu trên TV Mỹ ở VN hồi đó là Gunsmoke.

Khởi đầu, Phạm Ngọc Đình chỉ là một nhân viên chạy việc vặt (messenger) cho văn phòng hãng Reuter tại Sài Gòn, anh giúp các ký giả xin hay gia hạn visa cư trú, hướng dẫn về những giao dịch với nhà cầm quyền Việt Nam, đưa ký giả mới tới khu chợ trời Dân Sinh mua quần áo nhà binh mặc để ra trận, đi cùng các ký giả tới những cuộc họp báo hàng ngày để lấy tin tức, hay ôm sẵn điện thoại để gọi về văn phòng khi có tin quan trọng, mà không ký giả nào có thể tranh với anh một trong số những điện thoại hiếm có tại nơi họp báo.

baiong thuc h5 new

Gunsmoke và Gungadinh. Hình từ VIETNAM: A Reporter’s War

Đình không có cơ hội học cao, nhưng thông minh, nhanh trí, và quen thuộc rất nhiều về phía nhà cầm quyền Việt Nam, từ Tổng Thống Thiệu đến các tướng lãnh và viên chức cao cấp. Nhờ đó, công việc lo giấy tờ cho các ký giả anh làm rất lẹ, và không tốn tiền hối lộ. Anh mang cả thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới của TT Thiệu tới văn phòng. Không phải để loè thiên hạ, anh quen lớn thật. Một hôm, tại phi trường Tân Sơn Nhất trong dịp ông Thiệu về nước sau một chuyến công du, ông đã rẽ đám ký giả, tiến lại phía Đình đang đứng với Hugh, gọi “Đình, Lại đây!”

Tại văn phòng Reuter có thông dịch viên giỏi tiếng Anh, nhưng không có khiếu làm báo. Đem một bản tin hay tuyên bố tiếng Việt về, liền được dịch sang tiếng Anh rất đúng văn phạm. Nhưng dịch xong, người dịch không có ý kiến gì về nội dung. Trong khi ấy, nếu đi với Đình tại một cuộc họp báo, có khi chỉ cần nghe nửa chừng, Đình đã quay sang bảo: “Story now”, có chuyện rồi, thế là phần đáng chú ý nhất của lời tuyên bố đã nắm được, có thể viết thành tin gửi đi ngay. Ngoài thông minh và nhanh trí, Đình còn là người tận tâm. Tuy có vợ và ba con, trừ những giờ ngủ ở nhà, bất cứ ngày đêm, Đình đều có mặt tại văn phòng, kể cả ngày Tết.

Trước Tết Mậu Thân (1968), như thông lệ, đã có thoả thuận đình chiến giữa đôi bên; thường là một tuần. Năm ấy, phía VC cũng muốn như vậy, bắt đầu từ 27 tháng 1. Nhưng phía Hoa Kỳ và VNCH không muốn phía Cộng Sản có thời gian dài như vậy để tập trung lực lượng, đã phản đề nghị, rút thời gian ngưng chiến xuống còn có 48, và cuối cùng là 36 giờ, bắt đầu từ 6 giờ chiều Thứ Hai ngày Tất Niên (29-1), đến 6 giờ sáng Thứ Tư, mùng Hai Tết (31-1).

Chiều mùng Một Tết (30-1), tuy có tin đánh nhau ở Huế và Đà Nẵng, nhưng cũng tưởng đó chỉ là chuyện vi phạm ngừng chiến thường sảy ra mỗi năm. Sài Gòn vẫn hoàn toàn yên tĩnh, ăn Tết như thường lệ. Tại văn phòng Reuter ở đường Hàn Thuyên, ngay trước Dinh Độc Lập ở phía trái, nhìn sang nhà thờ Đức Bà phía tay mặt, Hugh Lunn ngồi viết nốt bản tin về mấy vụ vi phạm ngừng chiến, trong khi bạn gái ngồi đợi, trước khi hai người đi “dung dăng dung dẻ” chung vui ngày Tết.

Đình cũng có mặt trong văn phòng, dù là chiều Mùng Một Tết, nhưng anh có vẻ đăm chiêu, không cười nói như mọi ngày. Rồi bỗng nhiên, tiến tới cạnh Hugh, nghiêm trang nói “Gunsmoke, you tell Miss go home” (Gunsmoke, hãy bảo cô ta về nhà). Hugh thường hay đùa dỡn với Đình, nhưng hôm nay cũng lịch sự hỏi lại, tại sao anh nghĩ là anh có quyền can thiệp vào sinh hoạt riêng tư của mình. Anh tới sát, nghiêm nghị nói: “Tonight the VC attack Saigon. She go home” (Tối nay VC đánh Sài Gòn. Cô về nhà). Bạn gái của Hugh là thư ký tại toà đại sứ Anh, mà Anh vẫn tin ở Mỹ là cuộc chiến sắp thắng lợi, ánh sáng đã le lói cuối đường hầm. Cô nghĩ rằng những gì Đình nói chỉ là cớ để xua đuổi, không muốn cô ngồi đợi, nên vùng vằng bỏ đi, về nhà ở cư xá dành cho người Anh.

Hugh và cả trưởng phòng Reuter là Jim Pringle rất hoang mang, không biết nguồn tin của Đình đúng hay sai. Đình không cho biết lấy tin từ đâu, nhưng nói chắc cuộc tấn công sẽ diễn ra vào lúc 1 giờ sáng. Quá đặc biệt tới mức khó tin, như chuyện đùa. Ngay thời chống Pháp, cộng sản chưa bao giờ dám, hay có khả năng mở mặt trận ngay tại Sài Gòn, làm sao có thể sẩy ra bây giờ. Nhưng Đình đã từng có những tin rất đặc biệt, và chính xác. Mới hơn năm trước, dịp Tổng Thống Johnson tới Việt Nam sau khi dự đám tang Thủ Tướng Úc Harold Holt năm 1966 là vô cùng đặc biệt. Trước đó, chưa tổng thống Mỹ nào tới mặt trận ngoài nước Mỹ. Chuyến đi đã được giữ kín tới phút chót. Trong khi tất cả ký giả quốc tế ở VN chưa biết ông Johnson có ghé đây không, khoan nói là ghé nơi nào. Nhưng vào nửa đêm 25 tháng 10, Đình gọi Hugh, cho biết Johnson sẽ tới Cam Ranh. Sau đó, JUSPAO mới điện thoại hỏi liệu Reuters có muốn cử người theo một chuyến đi sáng mai? Vẫn không cho biết đi đâu, và với mục đích gì. Sáng sớm hôm sau, khoảng 50 nhà báo gặp nhau ở phi trường, máy bay cất cánh rồi mới được cho biết là đi gặp Johnson, và máy bay hạ cánh mới biết là đến Cam Ranh.

Cho nên, nguồn tin của Đình không thể coi thường. Đình nói tạt về nhà một chút rồi sẽ quay lại. Thay vì về nhà làm hoà với bạn gái, Hugh và Jim ra ngoài, đi dọc đường Tự Do xuống phía bờ sông xem xét tình hình. Mọi chuyện vẫn bình thường, yên tĩnh. Cuối cùng, hai người ghé văn phòng New York Times xem các đồng nghiệp có biết tin gì đặc biệt không? Chẳng ai tin sẽ có chuyện động trời sắp sẩy ra. Uống bia, chuyện gẫu đến sau nửa đêm, Jim và Hugh tản bộ trở lại văn phòng Reuter. Cho rằng tin của Đình là tin vịt, Hugh gọi Đình nói anh khỏi bận tâm trở lại văn phòng, trừ trường hợp có chuyện đặc biệt. Tuy vậy, hai người vẫn ngồi đợi cho đến 1 giờ. Đến 2 giờ, vẫn không có chuyện gì, Jim chở Hugh tới nơi ở của cô bạn gái, rồi trở lại văn phòng Reuter.

Hugh vừa tắm rửa xong, định lên gường làm hoà với bạn gái thì bỗng ánh sáng ngoài cửa sổ loé lên như sét đánh, cùng với một tiếng nổ lớn và những tràng súng nhỏ. Cô bạn nhỏm dậy, như đã tin vào lời Đình từ đầu: “Bắt đầu rồi, phải không?” Hugh bị kẹt tới sáng sớm hôm sau mới trở lại văn phòng Reuter. Đang không biết ăn nói thế nào với Jim vì anh phải trải qua đêm kinh hoàng một mình, vừa nhận tin, viết tin, và tự mình gửi tin, Hugh cảm thấy thoát nạn khi Jim bảo: “Hugh tới ngay toà đại sứ Mỹ. Việt Cộng đã chiếm rồi”. Hugh phóng ra cửa, Jim nói theo: “Coi chừng bọn bắn sẻ bên kia đường”.

Trận đánh tại toà đại sứ Mỹ theo ký giả Reuter

Sau đây là lời kể của Hugh Lunn, dịch từ VIETNAM: A Reporter’s War từ trang 205 đến 210:

Tôi tạt ngang công viên đối diện Reuters để đi về phía tay mặt của con đường (Đường Thống Nhất – trước Dinh Độc Lập – chú thích của người dịch). Giống như tôi đang đi dạo vào một buổi sáng nắng ấm dưới bầu trời trong xanh, trừ âm vang của những tiếng nổ và những tràng súng máy bộc phát. Khi tôi vòng qua Thánh Đường cũ kỹ bằng gạch mầu đỏ, con đường bên ngoài Toà Đại Sứ [Mỹ] giống như một cảnh ở phim trường.

Một chiếc xe Citroen cổ lỗ đậu ngay bên ngoài, với hàng loạt lỗ đạn bắn gần chạy xéo hai bên giống như một sản phẩm của Eliot Ness: Một người Việt chết gục trên tay lái. (Eliot Ness, giới chức Mỹ nổi tiếng chống tội phạm có tổ chức như Al Capone. Mặc đầu Al Capone đã cố gắng mua chuộc nhưng không được, nhóm người của Eliot Ness được tiếng là “The Untouchables” – chú thích của người dịch). Có một chiếc xe nữa bị bắn xa hơn phía dưới, và cũng có cả một xe jeep của Quân Cảnh Mỹ, các cửa kính bị bắn vỡ tan.

baiong thuc h2

Xác một VC đang được mang ra từ chiếc xe Citroen. Theo ghi nhận của Michael A. Rovedo căn cứ một phần vào “Duty Staff Log” của Tiểu Đoàn 716 Quân Cảnh Mỹ: 2:40 sáng 31 tháng 01(mùng Hai Tết Mậu Thân), Nguyễn Văn Mười lái một xe du lịch Citroen mầu đen đi qua tòa nhà sáu tầng Đại Sứ Quán Mỹ trên Đại Lộ Thống Nhất. Anh ta mang cả một thanh kiếm Nhật để ở băng sau để lấy hên. 2:45 sáng, Đạn súng lớn bắt đầu rơi xuống thành phố. Mười lái qua lần nữa. Lần này anh hô “Tiến”! Một xe vận tải Peugeot và một xe taxi đi về phía Tây trên Đại Lộ Thống Nhất, theo bức tường phía Nam của khuôn viên rộng bốn mẫu và ngừng lại. Các công binh bắt đầu mang khí giới và khí cụ xuống, trong khi những người khác bước ra khỏi bóng tối.

————

Một bên bức tường trắng cao bọc quanh toà đại sứ sáu tầng đã bị bung ra một lỗ nhỏ làm lối vào pháo đài cho đến giờ vẫn tưởng là bất khả xâm nhập. Không thấy dấu vết của những lính gác người Việt – chòi canh nhỏ của họ ở bên ngoài trống không. Phía đường bên kia toà đại sứ có nhiều cây lớn – đàng sau mỗi cây có một người Mỹ. Nhiều người mặc quần áo ngủ, nhiều khi áo ngủ lòi ra dưới áo giáp. Họ nhắm súng M-16 về hướng toà đại sứ của mình. Phía tường trắng trước toà nhà có ba nơi bị bể bởi các loại đạn phóng.

baiong thuc h3

(Hình của Viện Lịch Sử Bộ Binh Mỹ – US Army Military History Institute)

Trừ một tay bắn sẻ người ta nghĩ là đang ẩn náu trong toà nhà xây dựng dở dang phía xa tay mặt tôi, ở phía bên toà đại sứ của con đường là nơi an toàn nhất: Tất cả các toà nhà đều có tường gạch cao hay được xây sát lối đi nên không ai ở toà đại sứ có thể bắn vào điểm này. Và những lính Mỹ đang canh chừng phía đường bên kia, kể cả những người mai phục dưới những chiếc xe bị bắn, có thể chặn bất cứ ai xuống đất để bắn.

Tôi thận trọng theo tường rào xuống phía dưới, qua một Quân Cảnh Mỹ trên lề đường đang lắp thêm đạn vào súng. Gần đó hai người trong số họ nằm chết, sấp mặt trên đường. Họ đã bị bắn khi có một người Việt chặn lại, người này là Việt Cộng.

Mặc dầu có đầy lính tráng và súng ống, con đường này bây giờ rất yên lặng, giống như một người chiếu phim đã tắt phần âm thanh. Tôi không chắc đi bao xa nhưng tôi phải tới càng gần càng tốt, để cảm nhận được điều gì đang sẩy ra, và trở lại văn phòng để viết một bản tin. Sát tường ngay cạnh lối xe vào toà đại sứ, một nhóm người Mỹ đang nhòm quanh phía góc, súng trên cánh tay sẵn sàng nhả đạn. Một trong số họ quay sang nói với tôi là phải ra khỏi đây vì Việt Cộng ở khắp nơi, và bọn bắn sẻ, cùng với mìn. Một vài sĩ quan tôi nói truyện với cho biết Việt Cộng ở ngay trong toà nhà, nhưng không biết bao nhiêu.

Việt Cộng đã gây bất ngờ cho những người gác bằng cách đến trong những chiếc xe dân sự. Một người lính nói với tôi rằng một Việt Cộng đã bắn hai Quân Cảnh Mỹ bằng cách chặn họ lại sau giờ giới nghiêm và xin lửa hút thuốc. Tôi tới sát bức tường nhìn thẳng ra chiếc xe Citroen có đầy vết đạn thì nghe tiếng súng lại bắt đầu từ cả hai phía. Một trong nhóm binh sĩ Mỹ cùng với tôi ở gần lối vào, người bự nhất trong số họ, ghì một khẩu súng máy M-60 vào ngang hông, vừa chạy vừa bắn qua lối vào, miệng la “Tôi sẽ vào thanh toán bọn khốn kiếp này – I’m going in to get those mother-fuckers”. Nhưng anh ta chỉ chạy được chừng hai mét trên đất toà đại sứ. Sau khi anh ngã xuống, tôi vẫn còn nhìn thấy đôi bốt của anh về phía tôi ở cửa lối vào – nhưng tôi không nhìn quanh cột trụ. Tập trung hoả lực không sẩy ra vì người Mỹ không có mục tiêu để bắn. Thật mỉa mai, đại sứ quán của họ đã được thiết kế quá tốt như một pháo đài đề có thể dễ dàng chiếm lại. Chẳng ai biết bốn Cảnh Sát Việt Nam có nhiệm vụ canh gác toà nhà đang ở đâu, nhưng hai trong số ba Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ canh gác đã bị thương, và họ đã chiến đấu trong khi rút lui vào tầng trên cùng. Nhiều binh sĩ mở đường vào và chẳng bao lâu kéo được người bạn tử sĩ ra ngoài. Nằm khoảng một giờ trong khi trận đánh sẩy ra chung quanh.

Việt Cộng đánh nhau trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tại toà đại sứ, lần đầu tiên từ khi có chiến tranh. Quân Cảnh bảo các nhà báo gần cổng tránh ra. “Có nhiều mìn ở quanh đây”, một người nói. Binh sĩ nói Việt Cộng đang giữ năm tầng dưới của toà nhà.

Tôi lẻn về văn phòng, đi sát tường, để bắt đầu giúp Pringle cạnh tranh với các hãng thông tấn khác: Việt Cộng đang trong Đại Sứ Quấn Mỹ; người Mỹ đang từ sau mọi gốc cây, chiến đấu dành lại pháo đài của mình; vẫn có một số người Mỹ còn sống bên trong; một binh sĩ cố gắng đột nhập toà đại sứ của mình bằng một khẩu súng máy. Và vẫn chưa tới giờ ăn sáng.

Bây giờ Đình đã tới được văn phòng – một chuyện thật nguy hiểm đối với một người Việt Nam trong khi trận đánh vẫn còn đang tiếp diễn khắp thành phố và người Mỹ sẵn sàng bắn bất cứ người Việt nào không mặc binh phục VNCH. May mắn cho tôi là Pringle vẫn còn bực mình vì tôi đã không trở lại đêm qua. Đình cười với anh, lắc đầu và nói: “No. No, Jim, he cannot to do” Không. Không được đâu Jim, anh ta không thể làm được. Đình đã phải đi qua khu cư xá của người Anh để tới văn phòng, nhờ đó anh có thể nói với Jim về những xác chết bên ngoài chung cư.

Sau khi viết bản tin Đình và tôi cả hai cùng trở lại mặt trận toà đại sứ. Nhưng khi chúng tôi vừa tới nơi, một lính Mỹ la to trước Đình, “OK Charlie”, rồi chĩa súng vào anh. Tôi đã chờ đợi nguy hiểm từ phía Việt Cộng, và sự bất ngờ từ phía Mỹ làm tôi cứng họng. Chỉ còn Đình đã nhanh trí la to, “I not Viet Cong, I number one anti-communist”. Tôi không phải Việt Cộng, tôi chống cộng số một. Người Mỹ hạ súng xuống, nhưng sau đó Đình nói rằng anh đã có thể nhìn thấy vẻ bối rối trên mặt anh lính Mỹ. “Vì làm sao anh ta có thể biết được? Không thể” (For how he really know? Cannot).

baiong thuc h4.jpg

Hai Quân Cảnh Mỹ áp giải một Việt Cộng từ khuôn viên Toà Đại Sứ. Hình của Don Hirst, người chụp hình của Bộ Binh Mỹ.

 Chúng tôi luồn lỏi sau từng gốc cây rồi dọc theo bức tường và, vừa lúc tới toà đại sứ, một số trong những người lính Mỹ quả cảm đã chiến đấu mở đường vào khuôn viên toà đại sứ đang mang ra một du kích quân bị bắt. Bốn lính Mỹ hùng hổ chĩa mũi súng vào lưng hắn. Khi đi qua mặt tôi, hai tay hắn giơ lên, tôi nhìn thấy vẻ mặt thách thức của hắn, rồi nhìn tới vẻ đanh lại trên nét mặt của bốn lính Mỹ. Một sĩ quan nhìn họ la lên không được bắn, giữ hắn làm tù binh. Tôi cũng đã lo một trong số họ có thể thể lẩy cò. Những bộ mặt giận dữ cho thấy họ cảm nhận thế nào khi chẳng những thấy Việt Cộng lần đầu tiên, mà còn là kẻ đầu tiên trong đám Việt Cộng đã chiếm một phần lãnh thổ Hoa Kỳ.

Sau đó ít lâu một trực thăng đáp xuống trên nóc toà đại sứ và binh sĩ bắt đầu chiến đấu mở đường xuống toà nhà, tới chỗ những người khác đang chiến đấu mở đường ra cửa trước. Chiếc trực thăng đã phải bay đi vì bị bắn lần đầu nhưng trong cố gắng thứ nhì, sức kháng cự của Việt Cộng có vẻ không còn bao nhiêu – có thể đến lúc này họ chỉ còn ít đạn, và bị mất tinh thần vì sự kiện ba thuỷ quân lục chiến đã có thể giữ vững tầng trên cùng.

Đình và tôi vội trở lại văn phòng nơi tôi đánh máy kể lại tất cả những gì chúng tôi đã nhìn thấy cho một thế giới chúng tôi tưởng tượng là đang đói tin về cuộc tấn công gây sốc. Khi chúng tôi trở lại toà đại sứ, mười chín Việt Cộng thuộc đội cảm tử bên trong đã bị giết hay bị bắt.

Lúc đó là giữa buổi sáng. Đình kéo tôi sang một bên và chỉ vào hai xác Việt Cộng nằm gần. Anh nhận xét rằng dưới bộ quần áo đen của họ là sơ mi trắng thông thường, và cả hai có đeo đồ trang sức. “Không phải Việt Cộng nông dân, mà là người Sài Gòn nằm vùng” (Not Viet Cong peasants. Saigon underground man). Đình tin rằng hai Việt Cộng này là người địa phương đã chờ đợi được gọi đi để chiến đấu cho Việt Cộng trong cuộc tấn công. “Not communist Viet Cong man, communist underground man show way”. Không phải là Việt Cộng của cộng sản, đây là cộng sản nằm vùng chỉ đường, Đình nói. Mọi người khác ở Sài Gòn bấy giờ tin rằng tất cả Việt Cộng đều từ trong rừng ra, nhưng Đình không tin như vậy. Và bây giờ tôi tin anh – cũng như đáng lẽ tôi đã phải tin anh từ đêm trước.

Nhiều nhà báo đã tới và đi trong trận này nhưng bây giờ chỉ còn vài người gần toà đại sứ. Huy hiệu của Đại Sứ Quán đã bị Việt Cộng bắn tung và nằm dưới chân lối vào. Những cánh cửa gỗ dầy mười phân bị thủng lỗ bởi hoả tiễn chống xe tăng, và bên trong, sàn nhà phủ đầy máu và mảnh vụn. Những ký giả đứng quanh quẩn, hoài nghi hơn bao giờ, không hiểu phía quân sự Mỹ sẽ nói gì bây giờ. Rõ ràng là ánh sáng đã không còn tại cuối đường hầm.

Trên toàn quốc, hầu như tại tất cả các thành phố và thị trấn tại Nam Việt nam, rất nhiều trận đánh đang diễn ra. Nơi nào đó trong Sài Gòn, Việt Cộng tại một nhà máy, tại một nghĩa trang, tại một toà nhà công sở ở Chợ Lớn, và tại trường đua. Nhưng trận đánh tại toà đại sứ là cú đấm thục mạng vào nỗ lực chiến tranh đã hao mòn của Mỹ. Ngay cà Đình cũng nói, hầu như không thể tin được, “The VC capture Pentagon East”, Việt Cộng đã chiếm Ngũ Giác Đài phía Đông.

Thật ra, vụ thất bại về tâm lý cỡ đó đã khiến bộ máy vận động quần chúng của Mỹ hoạt động ngay. Họ gọi văn phòng Reuter phủ nhận tin tức của chúng tôi nói rằng Việt Cộng đã ở bên trong toà đại sứ của họ. Tôi nói rằng chính tôi đã ở đó. Tôi mô tả cho người phát ngôn rằng Việt Cộng đã bắn ra từ trong toà nhà như thế nào và rằng toà đại sứ đã bị chính người Mỹ bắn vào vì họ không thể vào bằng cửa chính. Ông ta có vẻ nhượng bộ. Sau đó họ thay đổi câu truyện để nói rằng Việt Cộng đã vào trong nhà “nhưng không phải khu vực thực sự là toà đại sứ”, lập trường của họ suy thoái thành sự chính xác của ngữ cảnh. Nhưng người dân trên toàn thế giới, và đặc biệt là dân Mỹ, đã nhìn thấy hình ảnh, và đọc tin về Việt Cộng đã ở trong pháo đài toà đại sứ như thế nào và họ sốc, kinh hoàng: trong nhiều năm, họ đã được nghe rằng tình hình quân sự vẫn tiến triển và khá hơn mỗi tháng. Cuối cùng, thế giới đã được biết nước Mỹ đang thua cuộc chiến đầu tiên.

Việt Cộng cũng tấn công Phủ Tổng Thống đêm đó, họ gọi: “Mở cổng, chúng tôi tới giải phóng nơi này”. Tuy nhiên, họ đã không phá nổi cổng, và bị đẩy lui vào một khách sạn đang xây dở và cầm cự tại đó trong ba ngày, chống trả xe tăng và hàng trăm binh sĩ.

Võ khí đã được tàng trữ tại những chỗ như hãng làm bia tại ngoại ô Chợ Lớn, trường đua ngựa, và khu nhà máy mới xây gần phi trường từng được coi như một thành tích công nghệ hoá được kịp thời hoàn thành tại Nam Việt Nam. Cơ sở này, một nơi Việt Cộng lẩn trốn, đã bị chiến đấu cơ của chính quyền bỏ bom vài ngày sau.

baiong thuc h6Trường đua Phú Thọ ở Chợ Lớn biến thành chiến trường.

(Xin đọc tiếp phần II)

Đinh Từ Thức

Tết Tha Hương

(Thơ hoài hương ngày Tết của một số nhà thơ
vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.)

tethanoi

Khi ngày Tết tới, trong kiếp sống tha hương người Việt chúng ta ai cũng có ḷòng tưởng vọng về quê cũ. Riêng đối với các nhà thơ, tình hoài hương lai láng đó được giàn trải bàng bạc thành những vần thơ dâng đầy sầu cảm.

Tết đến rồi kìa! Dù nơi cửa Thiền hay ngoài cõi tục trần vẫn luôn thoang thoảng mùi hương thơm của hoa Xuân:

“Hiên chùa trăng sáng bao la
Mùa Xuân của Đạo nở hoa nhiệm mầu
Hương thiền hàn gắn khổ đau
Ngõ tu phúc huệ, đường vào Chân như”
(Bùi Thanh Tiên)

“Đông đến và mùa khơi tháng giêng
Xuân gieo đêm chuyển mộng an hiền
Bừng vui môi mắt cười xanh quá
Mộng bỗng vàng ươm thơm cúc hoa.”
(Ý Anh)

Mỗi độ vào ngày Tết lại là một lần nhẩm đếm để ghi dấu thêm một năm nữa xa quê và lòng vẫn trĩu nặng hình ảnh dĩ vãng:

“Năm năm mỗi độ Xuân về
Nước non nhắc nhở niềm quê bồi hồi.”
(Kim Y)

“Nắng  vàng  như  mật  ong
Gió  xanh  màu  cỏ  biếc
Lòng  ta  đầy  tưởng  tiếc
Một  thời  Xuân  xa  xưa…”
(Hoàng Song Liêm)

Ngày Tết dù có đua nở khoe sắc thắm tươi với vạn vật nhưng nhiều lúc có lẽ đã tắt ngấm trong lòng người ly hương:

“Vui xuân đón Tết nhường thiên hạ
Riêng khách lưu vong vạn cổ sầu”
(Kim Y)

“Quê hương mình đẹp đâu bằng
Xuân xa quê chẳng nghĩ rằng là xuân”
(Hà Bỉnh Trung)

“Quê người đất khách Xuân sang
Trời đông giá lạnh lòng hoang vắng sầu
Cảnh đời sao lắm biển dâu
Tuổi thơ cho đến bạc đầu phong sương”
(Hoàng Trùng Dương)

Lòng nhớ quê hương lại càng nung nấu hơn nữa khi xuân cũng phải đổi màu vì tuyết trắng rơi phủ lạnh lẽo nơi xứ người:

“Xuân xanh, xuân đỏ rồi xuân trắng
Ta biết tìm đâu bóng dáng quê?
Ta biết tìm đâu thêm chút nắng
Khi trời đang lạnh, tuyết lê thê”
(Hà Bỉnh Trung)

Đêm nay thức đợi Giao Thừa
Vườn sau vi vút gió lùa rặng thông
Một trời tuyết trắng mênh mông
Nhớ về quê mẹ cõi lòng quặn đau
(Lê Thị Ý)

Quê nhà cách xa cả nửa vòng trái đất, trông vời chỉ thấy núi cùng sông, thấy biển cả mênh mông, thấy dáng chiều buồn vời vợi dưới ánh trăng suông:

“Xuân về đây – không hoa không lá
Vạn vật thờ ơ
Xuân xa lạ
Khách phong sương chợt thấy dạ bồi hồi
Xuân ơi! Xuân!
Từ lâu đã mất xuân rồi
Bao giờ xuân thắm quê tôi trở về”
(Trần Quốc Bảo)

“Rau răm trụi hết lá già
Mùa Xuân gửi ngọn bạc hà xa xăm
Chiều nghiêng dáng núi đêm rằm
Lũng trăng cũng giục âm thầm nhớ quê”
(Giang Hữu Tuyên)

“Dụng tửu phá thành sầu”, một chén rượu đưa tiễn năm cũ và đón chờ năm mới cũng vẫn chẳng làm ấm lòng người xa xứ, không mang lại chút vui nào:

“Năm châu lạc bước, vùi mưa tuyết
Nhìn đâu chẳng thấy bóng quê hương
Rượu đêm trừ tịch, xuân đất khách
Vẫn không cạn nổi, chén chán chường!”
(Vũ Hối)

 “Ta rót mừng ta ly rượu đỏ
Chào Xuân đất khách, Tết tha hương
Hỡi ơi quê mẹ xa ngàn dặm
Se sắt lòng ta nỗi nhớ thương!”
(Hoàng Song Liêm)

“Xuân à! Những tưởng Xuân đi.
Nào hay Xuân lại tức thì đến ngay.
Đời say, Xuân cũng say say.
Hoa vàng, bướm trắng, ngất ngây một trời.
Xuân à! Những tưởng Xuân tươi.
Ngờ đâu Xuân cũng biết cười gió đông
Bên kia Xuân đẹp, Xuân nồng.
Bên này Xuân quá lạnh lùng, hỡi Xuân!”
(Đăng Nguyên)

Dù đầy nhung nhớ nhưng chỉ cần nghĩ đến hình ảnh quê nhà là tâm hồn người ly hương lại đã bừng lên niềm hoan hỉ chen lẫn mối hận lòng:

“Quê hương khuất nẻo chân trời
Bỗng dưng chớp rạng sáng ngời quê hương”
(Vi Khuê)

“ngỡ là xuân đến sau đông
Hoa đào xinh xắn tô hồng môi duyên
chỉ vì quốc hận chưa quên
hồn thơ u uẩn giữa mênh mông đời”
(Cao Nguyên)

Thời xưa thi sĩ Lamenais viết: “Kẻ tha hương ở đâu cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng” (L’exilé partout est seul). Thời nay các nhà thơ xa xứ cũng có tâm trạng đồng điệu, cõi lòng cũng lạnh lẽo khi nhớ tới tiếng pháo nổ ròn, nhớ về bóng mai vàng chào đón Tết trong ánh nắng quê xưa:

 “Đâu còn đón Tết, mai vàng
Ngậm ngùi nuốt lệ, trái ngang nghẹn ngào”
(Vũ Hối)

“Xin gửi qua giùm chút nắng Xuân
Bên này đã lạnh thuở Thu phân
Bây giờ trời đất tràn băng giá
Không biết làm sao để ấm lòng”
(Lãm Thúy)

Dù khi có hoa đào nở, có hoa mai vàng hé nụ nhưng ngày xuân vẫn có vẻ gượng gạo, chẳng mang lại niềm vui:

“Ngỡ ngàng viễn xứ xa xôi
Bồng bềnh mây trắng nổi trôi quê người
Rộn ràng đào thắm khoe tươi
Mai vàng hé nụ gượng cười đón xuân”
(Quỳnh Anh)

tet que nha

Trong cuộc sống xa xứ bà Mẹ hiền cao niên luôn nhớ đến quê cũ khi xuân về.

“Làm sao em quên được
khi lúc nào Mẹ cũng âu lo.
Nghĩ đến những người thân còn kẹt lại.
Tối ngày, Mẹ cứ thở ngắn than dài…
Hỏi mãi, hỏi hoài
“Bao giờ mình mới được
về sống ở Việt Nam?”
(Hồng Thủy)

Khi chính bà Mẹ mình còn kẹt lại quê nhà thời nhà thơ đâu còn thiết đến đón Tết vì vắng hình ảnh kính yêu trong tâm khảm:

“Mẹ mất vào cuối năm
Hỏi chi hoa mai nở
Chờ gì én phất phơ
Ngàn đời xuân biệt tăm”
(Nguyễn Thị Thanh Bình)

Nhà thơ nhớ lại ngày nào còn viết những vần thơ đón Tết thành khẩn cầu chúc cho Cha Mẹ kéo dài tuổi thọ với đầy ân phước:

“Năm nay Xuân nữa, viết thơ xuân
Cầu cha mẹ thọ, đủ vui mừng
Tài lộc không màng, xin chỉ vậy
Phước là vui sống với song thân”
(Lãm Thúy)

Hình ảnh song thân trong gia đình Việt Nam quả thật mãi đẹp trong tâm hồn các nhà thơ:

“về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng 

đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa”
(Cao Nguyên)

Nhưng rồi theo quy luật “vô thường” Mẹ yêu cũng khuất bóng khiến lòng nhà thơ ngậm ngùi hơn khi năm cùng tháng tận:

“Xuân về chạnh nhớ Mẹ yêu
Nghĩa trang hoang vắng buồn hiu mộ phần
Mẹ đi giã biệt dương trần
Không còn mong đợi mỗi lần xuân qua”
(Hoàng Trùng Dương)

“Nhớ ngày năm ngoái con còn Mẹ
Cùng đón Xuân về, vui biết bao.
Mẹ khuất. Năm nay Xuân quạnh quẽ
Tha hương nghe lạnh gió đông sầu.”
(Lãm Thúy)

Giây phút linh thiêng đón Năm Mới cũng là lúc nhớ đến song thân, đến “Nguồn Cội”:

“Giao thừa kinh nguyện ngát trầm hương
Giây phút thanh tân thắm nụ hường
Bóng Mẹ hiền lương am Tịnh Độ
Dáng Cha phúc hậu mái Xuân Đường.”
(Phan Khâm)

“Thắp nén nhang trầm đón Tết ta
Mâm đầy ngũ quả lại bày ra
Chè sen thơm ngát dâng tiên tổ
Hương khói chân thành khấn Mẹ Cha”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

Sợ thế hệ con cháu trong tương lai bị vẩn đục bởi bụi bặm cõi trần gian mà quên nếp cũ, nhà thơ nhắc nhở:

“Tân niên khai bút đề thơ
Nhang trầm thơm ngát bàn thờ tổ tiên
Rể, dâu, con, cháu đoàn viên
Cả nhà sum họp ấm êm vui vầy…”
(Hoàng Trùng Dương)

“Tết nay nội ngoại về trời,
Mẹ cha khuất núi, xa vời người thân,
Phong tình cổ tục quên dần,
Gắng công gìn giữ được ngần ấy thôi”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

Nhà thơ cũng lại nhớ thêm đến cả người con thân yêu đã yểu số xa lìa dương thế:

“Cây đào cũ hết ra hoa.
Con về thiên cổ, Hoa là cành không.
Xuân còn sót lạnh tàn đông
Mẹ còn nguyên, nỗi nhớ nhung đọa đày.”
(Lãm Thúy)

Đôi khi cõi lòng tưởng nhớ đến hình ảnh một bóng hồng năm cũ với nụ cười như hoa nở, nhớ lúc cận kề tình tứ trong buổi gặp gỡ hôm nao, hình ảnh dấu yêu vẫn mãi vương mang trong tiềm thức:

“Tôi vô tình nhớ năm qua
Vào xuân em mát lụa là tháng giêng
Em cười nở nụ thủy tiên
Đời tôi hóa kiếp truân chiên mất rồi”
(Phan Khâm)

“Xuân về chợt thấy thiếu em
Yêu đương nồng thắm êm đềm ngày xưa
Bên nhau biển lặng rừng thưa
Có em quên hết nắng mưa, ưu phiền…”
(Bùi Thanh Tiên)

Thơ hoài hương day dứt nỗi buồn xa xứ, lai láng tình tự dân tộc. Những vần thơ không chỉ còn là những dòng mực trải trên trang giấy vô tri vô giác nữa mà đã thật sự gần gũi với dòng máu chảy trong huyết quản khách ly hương. Bao hình ảnh thân thương xa xưa lại được dịp hồi tưởng lại khi đón Tết xa quê:

 “Tha hương Tết lắm ngậm ngùi…
Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay
Giao thừa quê mẹ, phương này tuyết rơi.”
(Vũ Hối)

“Xuân đến rồi ư người bạn nhỏ
đầy thềm tuyết đọng suốt đêm qua
ngẩn ngơ tự hỏi mùa xuân đến
xuân ở ngoài đời hay trong ta…
Nghĩ lại năm xưa xuân hớn hở
bạn bè nhộn nhịp lòng như hoa…
 Xuân này ngó lại đầy bông tuyết
tóc trắng bay theo những mộng đời
bạn cũ, quê xưa nào đâu thấy
chỉ thấy quanh nhà tuyết lại rơi.”
(Nguyễn Tường Giang)

Vào cuối năm, khi nhìn tuyết rơi trắng nơi nơi ở khắp đất khách lòng nhà thơ lại gợn lên bao nỗi sầu nhất là khi cô đơn đón Tết:

“Người bạn bên hàng xóm
ngừng đào tuyết, hỏi tôi
man, you looked so sad
what’s your problem?
Vâng, lòng tôi buồn lắm
Hôm nay ngày cuối năm
Bao nhiêu người đón Tết
Tôi ở đây một mình”
(Nguyễn Tường Giang)

    Đôi khi bão tuyết mịt mùng, chôn lấp cảnh vật, chôn sâu thêm nỗi niềm nhung nhớ của nhà thơ. Trong màn sương tuyết đó bóng người sao mà mờ ảo, như thực, như hư, chập chờn vì sương tuyết hay vì làn nước mắt, vì giấc mộng mơ:

“Lại một Xuân về trên đất khách
Tết buồn, Tết nhớ, Tết tha hương!
Ngày xanh như lá thu vàng rụng,
Trở giấc đêm về mộng viễn phương.”
(Hoàng Song Liêm)

 Nhà thơ đôi lúc cảm thấy không còn thi hứng để sáng tác, khi nghĩ đến cảnh khổ đau của người dân trong nước:

 “Tân niên gác bút không khai bút
Thơ xuân ngượng ngập ở đầu môi”
 (Trần Quốc Bảo)  

Hoặc khi nghĩ đến cảnh xưa tang tóc vì chiến tranh lẫn cảnh đọa đày ngày nay của dân Việt trong nước:

“mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thấm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang”

(Cao Nguyên)

“Anh hỏi em
Mỗi độ Xuân về trên đất Mỹ
Em có bao giờ…
Nghĩ đến Việt Nam không?
Có chứ anh
Em vẫn thường tự hỏi
Những cội mai vàng có còn nở đầy bông?
Chợ Tết Saigon có còn đông như trước?
Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ
Tài tử giai nhân
Có còn dập dìu chen chân bước?
Như những ngày…
Đất nước mình còn hai chữ Tự do?”
(Hồng Thủy)

Nhưng đôi khi khung cảnh mùa xuân được lòng hoài hương gợi hứng nhà thơ vẫn đem cả tâm tình gửi vào những vần điệu với nỗi lòng nhung nhớ quê hương:

“Cố hương xa mấy trường đình
Xin đem gởi trọn tâm tình vào thơ”
(Anh Độ)

“Em về quê cũ xin cho gởi
Trắng một cành hoa đến muôn nơi
Sông sẽ cùng hoa đi khắp nẻo
Thì thầm tình tự đất mình ơi.”
(Ý Anh)

Dù vắng tiếng chuông chùa, thiếu mùi trầm hương, thiếu tiếng pháo reo vui, vắng bóng hoa mai vàng rực rỡ lời thơ vẫn vang lên những lời cầu chúc tốt đẹp cho thân nhân và bằng hữu trong cảnh tha hương:

“Thiên nhiên khởi sắc đón mùa sang
Lòng kẻ tha hương bỗng rộn ràng
Đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ
Quê người dù thiếu bóng mai vàng
Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”
(Tâm Minh)

Trong tận cùng tâm khảm, lời ước đầu năm của các nhà thơ thường là điều mơ ước được trở về lại chốn quê cha đất tổ vào một ngày nào đó trong tương lai:

“Quay đi quay lại đã già
Bước run trên tuyết, thoáng qua nửa đời
Còn bao xuân nữa quê người
Và hôm nào sẽ pháo vui quê nhà”
(Lê Thị Ý)

“Xuân qua lặng lẽ, cành trơ lá
Đất khách quê người nỗi nhớ xa
Giấc mộng muôn trùng sao chưa đến
Bao giờ ta lại gặp quê ta?”
(Bùi Thanh Tiên)

“Xôn xao tiếng gió đêm trừ tịch
Lả ngọn đào xuân lay giấc Xuân.
Lửa ấm sao nghe lòng buốt giá
Giao thừa năm cũ vẫn bâng khuâng…
 Bao giờ trở lại quê xưa nhỉ?
Chợt lắng tâm tư sầu gợi sầu
Đất khách, quê người Xuân lữ thứ
Se lòng trăn trở giấc chiêm bao.”
(Hoàng Song Liêm)

Trong tận cùng nỗi nhớ, người dân Việt thầm cầu chúc cho đất nước một ngày nào đó được thật sự độc lập, tự do và hạnh phúc, toàn dân Việt được thật sự giải phóng khỏi mọi khổ đau để những ngày đón Tết năm mới sẽ rộn nở mãi mãi trên đất Việt trong một mùa Xuân dân tộc:

“Trước thềm Năm Mới ta cùng chúc
Quê cũ mai này hết xót xa.”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

“Ta cứ ngỡ chết rồi mi sẽ khép
Mùa xuân đâu sao chim én chưa về
Mi sẽ khép lúc xuân về tươi đẹp
Anh hãy về cho én lượn trên quê”
 (Nguyễn Thị Thanh Bình) 

“Mùa Xuân Tổ Quốc không xa nữa
Đồng lúa miền Nam óng ánh vàng
Rừng núi miền Trung hoa rộ nở
Mừng ngày giải phóng được giang san”
(Giang Hữu Tuyên)

Ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lại tung bay rực rỡ trong mùa mới, màu cờ chính nghĩa của toàn dân Việt, niềm mơ ước của người xa xứ trong cuộc đời tỵ nạn cộng sản:

“Chúa Xuân phất ngọn cờ vàng
Trên đỉnh cao cổ thụ
Thời gian chín ngọt mênh mang
Chở tin yêu về đầy vũ trụ
Sông núi chuyển mình
Đón chào Chân Thiện Mỹ
Xuân giáng sinh và ngự trị vĩnh hằng”
(Trần Quốc Bảo)

“Ngày mai, vui Xuân chiến thắng
Mai vàng nở rộ, đón Xuân sang!
Khải hoàn ca, ầm vang khắp phố
Cả non sông, rợp bóng cờ vàng!”
(Vũ Hối)

“Chúc tụng Xuân nào đầy mãn nguyện,
Ngày về rực rỡ đất Thăng Long”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

hoa dao ngay tet
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, USA, tháng 1 năm 2016
Trước Thềm Xuân Bính Tuất)

Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt và Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ Năm 2016

 Đỗ Quang Tỏa

cong hoa hay dan chu new

Trong những năm gần đây, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt (CĐNV) đã bắt đầu chú ý rất nhiều đến tiến trình vận động chính trị tại Hoa Kỳ, nhất là những cuộc bầu cử Tổng Thống. CĐNV đã nhận thấy rằng sau 40 năm, chúng ta phải có tiếng nói trong chính trường Hoa Kỳ để đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài nhận định này, chúng tôi xin được chia ra làm hai phần. Phần một là quá trình tham gia vận động chính trị của CĐNV  trong những cuộc bầu cử Tổng Thống và phần hai là những đề nghị cho cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Tiến Trình Vận Động Chính Trị của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt

Cho đến cuối thập niên 1980, người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ  mới bắt đầu vô quốc tịch và bắt đầu đi bỏ phiếu, nhất là tại các cuộc bầu cử Tổng Thống. Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1980 và 1984, ứng cử viên Cộng Hoà Ronald Reagan đã đánh bại hai đối thủ đảng  Dân Chủ  là Carter (1980) và Walter Mondale (1984). Số người Việt đi bầu những năm 1984 và 1988 giữa ứng cử viên George Bush và Michael Dukakis (Dân Chủ) đã đa số bầu cho đảng Cộng Hòa vì cho là Đảng Cộng Hòa là chống Cộng và có một nền ngoại giao cứng rắn đối với các nước Cộng sản. Điển hình là vai trò của Tổng Thống Reagan đã đưa đến nền dân chủ ở Đông Âu và phá bỏ bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh.

Thập niên 1980 cũng cho thấy việc hình thành các tổ chức Người Việt với mục đích vận động chính trị tại Hoa Kỳ như Liên Đoàn Cử Tri người Mỹ gốc Việt, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (thành lập năm 1986) và một số tổ chức cộng đồng (TCCĐ) tại nhiều tiểu bang như Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Washington D.C., MD & VA.  Tất cả các tổ chức này đều có mục đích khuyến khích người Mỹ gốc Việt ghi danh cử tri (voter registration) và đi bầu.  Dưới thời Tổng Thống George Bush (1988-1992) CĐNV vẫn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng Hoà và chỉ có một số ít ủng hộ Liên Danh Clinton-Gore trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1992.  Tuy nhiên những năm sau đó dưới thời Tổng Thống Clinton, chương trình HO đưa các cựu tù nhân chính trị và gia đình qua định cư tại Hoa Kỳ, bỏ cấm vận (1994) và bình thường hóa bang giao với Việt Nam (1995) đã gây ra sự chú ý rất nhiều của CĐNV trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1986 giữa ông Bill Clinton và Thượng Nghị Sĩ  Bob Dole.

Phải cho đến cuộc bầu cử năm 2000 giữa  ứng cử viên Al Gore và George W. Bush, chúng ta mới thấy có sự thay đổi trong suy luận chính trị của CĐNV. Thay vì chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa vì chủ trương cứng rắn đối với các nước Cộng sản, CĐNV đã thấy cần phải suy xét thêm về các phúc lợi cho cộng đồng của mỗi đảng.  Thêm vào đó, nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam cũng đã được tung ra cho thấy trên phương diện đối ngoại, nước Mỹ luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.  Những lá thơ cam kết của Tổng Thống Richard Nixon gởi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều không có giá trị gì nữa khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã thỏa hiệp  với Chu Ân Lai mở cửa  cho thương gia Mỹ vào thị trường Trung Cộng.  Ông Al Gore  đã thắng số phiếu phổ thông (Gore: 51,003,926 phiếu – Bush: 50,460,110 phiếu) nhưng đã thua số phiếu cử tri đoàn (Gore : 266 – Bush: 271).

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2004, CĐNV cũng đã không mạnh mẽ  ủng hộ ứng cử viên John Kerry vì cho là ông ta đã phản bội Việt Nam qua các hành động phản chiến của ông sau khi phục vụ tại Việt Nam.

Cuộc bầu cử năm 2008 lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của CĐNV.  Tuy nhiên các cuộc nghiên cứu sau bầu cử (Exit Poll Survey) cho thấy  Cộng Đồng Người Mỹ gốc Á Châu đã bỏ phiếu cho Ông Barack Obama (76%), trong đó CĐNV có số phiếu thấp nhất cho Ông Obama.  Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa số thành phần trẻ (thế hệ thứ hai) trong CĐNV đã bầu cho Ông Obama, trong khi đó số người Việt lớn tuổi thì bỏ cho Ông John McCain như một lá phiếu “biết ơn” thời gian ông đã bị Cộng sản cầm tù tại Việt Nam.  Cuộc bầu cử năm 2012 lần đầu tiên tất cả các cuộc nghiên cứu  cho thấy CĐNV đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng Dân Chủ (61%) và lý do chính là những chương trình phúc lợi cho người có lợi tức thấp và người lớn tuổi.  Trong cuộc bầu cử Thống Đốc Tiểu Bang Virginia vào ngày 5 tháng 11, 2013, 71%  người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương đã bầu cho ứng cử viên Dân Chủ Terry McAuliffe, trong đó có 69% người Mỹ gốc Việt, 70% gốc Tàu và 83% gốc Ấn Độ.

Vài Nhận Xét và Đề Nghị về Bầu Cử Tổng Thống Năm 2016

Cộng Đồng Người Việt đã tiến những bước rất dài trong việc hội nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ qua việc đi bỏ phiếu, đóng góp tài chính, qua các tổ chức khác nhau.  Tuy nhiên kết quả còn rất khiêm nhường.  Số người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền rất ít hoặc không có so với các cộng đồng Á Châu  khác.  Thỉnh nguyện thư cho Tòa  Bạch Ốc vào tháng 3, 2012 với trên 150 ngàn chữ ký, tuy gây tiếng vang trong CĐNV nhưng cũng đã không đưa đến một thay đổi quan trọng nào trong quan hệ Mỹ Việt, nhứt là không có sự cải thiện nào  về nhân quyền cho Việt Nam.

Nhận Xét 1: Tiền

CĐNV vẫn chưa có tổ chức để đóng góp một cách đáng kể  vào các vận động chính trị.  Hầu hết các cộng đồng gốc Á Châu đều có các Ủy Ban Vận Động Chính Trị hay còn gọi là  PAC (Political Action Committees) ở cấp liên bang (Federal PAC).  Các Ủy Ban này có quyền đi quyên góp tài chánh và sau đó sẽ ủng hộ các ứng cử viên nào ủng hộ đường lối  và chủ trương của họ. Năm 2012, CĐNV có một Federal PAC  gọi là Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền cho Việt Nam (Human Rights For Viet Nam PAC) do luật sư Nguyễn Đỗ Phú tại Orange County thành lập. Theo báo cáo nộp cho cơ quan Bầu Cử Liên Bang, trong năm 2012, Human Rights For Viet Nam PAC thu được $110,720.00 và đã chi ra $26,683.00.  Tiền còn lại là $91,201.00 tính đến ngày 30 tháng 6, 2013.  Ủy ban Vận Động cho Obama của người Mỹ gốc Việt – Vietnamese Americans for Obama (VAFO) đã gây quỹ được hơn $200,000.00 trong cuộc bầu cử năm 2012.  Tuy nhiên so với quỹ tranh cử lên đến 1 tỉ đô la, những số tiền này quá nhỏ để gây sự quan tâm của ứng cử viên.  Trong khi đó , CĐNV có hơn 200.000 người làm thương mại và đã đóng góp hàng năm 28 tỉ đô vào nền kinh tế  Hoa Kỳ (Thống kê của Nha Thống kê 2007), số tiền CĐNV gởi về Việt Nam hàng năm cũng cả tỉ đô la, nhưng việc đóng góp cho các cuộc vận động chính trị còn rất thấp vì nhiều lý do, đứng đầu là sự thiếu tín nhiệm vào các tổ chức vận động chính trị, cũng như ý tưởng là các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không có ảnh hưởng trực tiếp (dù có lợi hay hại) đến cá nhân hay gia đình.  Do đó, vấn đề thiết lập các PAC (cho cả hai đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa) với những mục tiêu trong sáng, thành phần lãnh đạo trẻ trung và mở rộng là điều cần thiết để gây quỹ trong CĐNV.

MultilingualballotsNhận Xét 2: Lá Phiếu

Thống kê dân số năm 2010 ước định dân số người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, đứng thứ ba của người Mỹ gốc Á ( Trung Hoa 3,347,229 người, Ấn Độ: 2,843,291 và Phi Luật Tân: 2,555,923).  Người Mỹ gốc Việt ở đông nhứt tại 10 tiểu bang: Cali (581,000), Texas (210,000), Washington (67,000), Florida (58,000), Virginia (54,000), Georgia (45,000), Massachusetts (43,000), Pennsylvania (39,000), New York (29,0000) và Louisiana (28,000). Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á thì có khoảng 48% ghi tên đi bầu  và từ 55% đến 71% cử tri đi bầu nhất là các cuộc bầu cử Tổng Thống. Do đó, với khoảng 300,000 đến 350,000 cử tri ở rải rác  trong 10 tiểu bang, CĐNV không đủ  số phiếu để làm thay đổi kết quả  bầu cử Tổng Thống. Tuy nhiên, qua cuộc bầu cử năm 2000 (tiểu bang Florida đã là yếu tố quyết định thắng bại giữa Gore và Bush) và cuộc bầu cử năm 2008 (một số tiểu bang quyết định như Virginia và Florida), chúng ta phải biết cách vận động các tiểu bang “xôi đậu” (swing states) và dồn nổ lực cũng như tài chánh vào những tiểu bang đó. Một điểm quan trọng nữa là CĐNV phải tham gia thiệt sớm, ví dụ ngay từ bây giờ, cho cuộc bầu cử năm 2016.  Bước đầu tiên là sửa soạn tham gia vào các cuộc bầu sơ bộ (Primary) nhất là các cử tri gốc Việt sinh sống tại tiểu bang Iowa hay New Hamshire, nơi đã đưa ra các ứng cử viên Tổng Thống cho cả hai Đảng.  Số người tham dự các cuộc bầu cử sơ bộ thường rất nhỏ, nếu tham gia đông đảo vào các cuộc bầu sơ bộ, do đó dù có số ít cử tri, CĐNV vẫn có thể gây được nhiều sự chú ý.

Nhận Xét 3: Tổ Chức

Các ủy ban vận động của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa  chỉ chú ý đến các tổ chức có tính cách toàn quốc (National Organizations), do đó tập thể CĐNV phải có những tổ chức toàn quốc để làm việc vận động cử tri và gây quỹ mới có thể gây chú ý, tiếng vang và hy vọng các Ủy ban Vận Động của cả hai đảng sẽ chú ý đến.  Để đo lường mức độ thành công của các tổ chức CĐNV này, chúng ta có thể coi cả hai đảng có bỏ tiền vào quỹ vận động truyền thông của CĐNV hay không ? Quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha đã trở thành một điều kiện quan trọng trong tiến trình vận động của cả hai đảng. Một điều quan trọng nữa là  những tổ chức CĐNV vận động chính trị phải có các  thành phần trẻ tuổi tham dự và nắm vai trò trọng yếu. Thành phần trẻ (25-50 tuổi)  thường có ba yếu tố quan trọng để thành công: (1) địa vị xã hội và khả năng tài chính, (2) các liên hệ cá nhân với các đoàn thể khác qua trường học, việc làm hay các tổ chức xã hội khác (social media network) và (3) khả năng sinh ngữ để có thể truyền đạt mục đích qua các giới truyền thông hay chính quyền Hoa Kỳ.  Cả hai tổ chức VAFO và Human Rights For Vietnam PAC đều có thành phần trẻ này trong Hội Đồng Quản Trị .

Nhận Xét 4: Mục Đích

Có phiếu, có tiền và có tổ chức, chúng ta cần phải có một hay nhiều mục đích rõ rệt là chúng ta đòi hỏi điều gì? Sự đòi hỏi này có thiết thực và khả thi không? Và đây có phải là sự đòi hỏi của đa số tập thể CĐNV hay không? Thiếu một mục đích chung hay một mục đích được đa số chấp nhận sẽ lại dẫn đến sự chia rẽ, lủng củng nôi bộ và thất bại trong việc gây quỹ.  Thêm vào đó, khi đã có mục đích, chúng ta phải biết cách đưa những thông tin này vào đúng chổ, thuyết phục đúng người và đúng lúc.

Có được như vậy, công cuộc vận động chính trị của CĐNV tại Hoa Kỳ  sẽ sớm được thành công.  Năm 2016 sẽ là một năm  của thế hệ thứ hai trong CĐNV và họ sẽ nắm một vai trò quan trọng trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Phụ lục: Hỏi – Đáp về Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016

Hỏi: Tôi nghe nói người dân Hoa Kỳ KHÔNG trực tiếp bỏ phiếu bầu cho Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Có đúng không?

Đáp: Đúng, vì  Tổng Thống và Phó Tổng Thống được bầu chọn bởi một Cử Tri Đoàn (Electoral College). Số cử tri đoàn và sự lựa chọn do luật lệ của mỗi tiểu bang quy định. Số cử tri đoàn trong mỗi tiểu bang sẽ bằng số đại diện dân cử (Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ).

Ví dụ, tiểu bang Virginia có 11 Dân Biểu Quốc Hội và 2 Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, tổng cộng là 13 người. Do đó, số cử tri đoàn của Virginia sẽ là 13 người. Tổng số Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là 435 người, 100 Thượng Nghị Sĩ và Thủ Đô Washington, D.C. được quy định có 3 cử tri đoàn (dù là không có Dân Biểu Quốc Hội hay Thượng Nghị Sĩ nào). Do đó, tổng số cử tri đoàn trên toàn quốc sẽ là 538 người. Muốn trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ứng cử viên phải có ít nhất là 270 cử tri đoàn. Con số 270 này được gọi là “magic number”.

2016-Projections-7001

Hỏi: Vậy cử tri đoàn có phải là “người” thực sự không hay chỉ là một con số điển hình? Tại sao tôi không thấy tên của cử tri đoàn trên lá phiếu lúc tôi đi bầu?

Đáp: Cử tri (electors) trong Cử Tri Đoàn (Electoral College) là người thực sự. Họ thường được đề cử lên trong các đại hội Đảng ở cấp tiểu bang và sau đó do các vị lãnh đạo của các đảng có ứng cử viên ra tranh cử sẽ đề bạt lên Ủy Ban Bầu Cử Tiểu Bang (State Board of Election). Số cử tri (electors) được đề cử sẽ bằng số cử tri đoàn do luật tiểu bang ấn định. Xin xem thêm về phần lựa chọn cử tri đoàn vì rất phức tạp và tùy theo luật của mỗi tiểu bang.

Hỏi: Như vậy lá phiếu của tôi khi đi bầu Tổng Thống có giá trị gì không?

Đáp: Rất có giá trị vì số cử tri đoàn bầu cho một ứng cử viên nào sẽ tùy thuộc vào số phiếu bầu cho ứng cử viên đó trong tiểu bang. Đây là quy luật “Winner Takes All” hay “ Được Ăn Cả, Ngã Về Không”.

Ví dụ, ứng cử viên Obama đã thắng số phiếu bầu ở Tiểu Bang Virginia năm 2012, do đó toàn bộ 13 cử tri đoàn (electors) của Tiểu Bang Virginia đều về tay Obama. Nên nhớ dù chỉ thắng có 1 phiếu, ứng cử viên cũng sẽ lấy hết số cử tri đoàn (ngoại  trừ trường hợp hai tiểu bang Maine và Nebraska là cho phép phân chia số cử tri đoàn theo số phiếu phổ thông). Do đó trên thực tế, chúng ta có thể coi là chúng ta được trực tiếp chọn lựa Tổng Thống và Phó Tổng Thống.

Hỏi: Nếu cử tri đoàn quyết định chính thức ai sẽ là Tổng Thống và Phó Tổng Thống, tại sao ngay sau khi bầu cử, họ đã tuyên bố ai đắc cử mà không chờ cử tri đoàn tuyên bố?

Đáp: Như đã nói ở trên, ai thắng số phiếu qua cuộc phổ thông đầu phiếu sẽ thắng tất cả cử tri đoàn của tiểu bang đó. Do đó sau khi số phiếu đã kiểm xong, ứng cử viên có thể tiên đoán là mình đắc cử dựa trên số phiếu tiểu bang. Ngoại trừ trường hợp năm 2000, giữa ứng cử viên Al Gore và George Bush. Ứng cử viên Gore đã thắng hơn 500 ngàn phiếu trên toàn quốc, nhưng lại thua số cử tri đoàn  (Gore 267 electors – Bush 271) sau khi thua Florida nên G. Bush đã trở thành Tổng Thống.

Cử tri đoàn thường sẽ họp vào tuần lễ thứ nhất của tháng 1 sau ngày bầu cử vào tháng 11 năm trước. Dựa vào số phiếu trong tiểu bang, ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất sẽ được toàn thể cử tri đoàn dồn phiếu cho (trừ Maine và Nebraska). Sau khi kết quả cuộc bầu phiếu của cử tri đoàn được chứng nhận với tất cả chữ ký của cử tri đoàn, bản chính sẽ được Thống Đốc tiểu bang ký tên và chuyển cho Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ. Vị Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ sau đó sẽ triệu tập một phiên họp khoáng đại lưỡng viện để chứng nhận kết quả bầu cử. Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện sẽ là người nhận lời tuyên thệ của vị Tân Tổng Thống, năm nay sẽ vào ngày 27 tháng 1 năm 2017. Do đó, thủ tục bỏ phiếu của cử tri đoàn để lựa chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống thực ra cũng chỉ là hình thức thôi vì kết quả thực sự là dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu.

Hỏi: Năm 2016 tôi thấy Đảng Dân Chủ có 3 ứng cử viên và Đảng Cộng Hòa có hơn 10 người, vậy ai sẽ là ứng cử viên chính thức, dựa vào đâu và khi nào chúng ta sẽ biết?

Đáp: Sau cuộc bầu cử sơ khởi (primary election) tại các tiểu bang Iowa, New Hamsphire, South Carolina vào đầu tháng 2 và các tiểu bang khác sau đó (Virginia sẽ vào tháng 3), chúng ta sẽ có một ý niệm ai sẽ được Đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa đề cử.

Thông thường muốn trở thành ứng cử viên (nominee) của đảng, các ứng cử viên (candidate) phải thắng trong số mấy tiểu bang bầu thử trước này, vì dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử sơ khởi ở các tiểu bang này, số người ủng hộ tiền sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ có các cuộc họp (convention) ở cấp tiểu bang để lựa chọn đại biểu (delegate) và các đại biểu này sẽ lựa chọn ứng cử viên chính thức của Đảng tại đại hội đảng toàn quốc.

Năm nay Đại Hội Đảng Cộng Hòa sẽ họp vào trung tuần tháng 7 tại Cleveland, Ohio và Đảng Dân Chủ vào cuối tháng 7 tại Philadelphia, Pennsylvania. Thông thường vào khoảng tháng 6 của năm bầu cử, ai là ứng cử viên sẽ được biết trước ngày đại hội đảng cấp tiểu bang để ứng cử viên này có thì giờ đi vận động. Ví dụ, năm 2008, trước đại hội đảng Dân Chủ ở tiểu bang Virginia, có hai ứng cử viên là Bà Hillary Clinton và Ông Barack Obama. Trước đại hội Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Virginia vào tháng 6, 2008, tất cả các đại diện của Bà Hillary đã “được yêu cầu” chuyển qua cho Ông Obama. Do đó, tại Đại Hội Đảng Dân Chủ, ứng cử viên Obama đã được toàn thể đại biểu bầu lên để có sự thống nhất trong đảng.  Năm nay, Bà Hillary có chiều hướng sẽ được đề cử. Ngược lại Đảng Cộng Hòa có thể sẽ không biết được ai là ứng cử viên, cho đến ngày Đại hội Đảng Cộng Hòa tại Cleveland. Lúc đó, các đại biểu mới tham dự cuộc bỏ phiếu và người nào nhiều phiếu nhất sẽ là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Sự lo ngại của Đảng Cộng Hòa là nếu ứng cử viên của Đảng được lựa chọn quá trễ, số tài nguyên và thì giờ đã bỏ phí vào chuyện nội bộ và có thể có sự chia rẽ nên khó thắng ở cuộc phổ thông đầu phiếu vào tháng 11. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ biết ai là ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa vào tháng 6  năm 2016.

Hỏi: Tôi nghe nói có tiểu bang được coi là sẽ nghiêng hẵn về một đảng -Dân Chủ hay Cộng Hòa, và có một số tiểu bang có thể bầu cho đảng này hay đảng kia tùy theo ứng cử viên, những tiểu bang này được gọi là “swing states” có đúng không?

Đáp: Đúng như vậy. Danh từ “swing states” để chỉ những tiểu bang có thể bầu cho đảng này hoặc đảng kia và chữ này được các vận động viên hay các chiến lược gia của đảng phái chính trị  xử dụng để họ có thể biết nên tập trung công cuộc vận động bầu cử vào tiểu bang nào.

Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2012 cho thấy các tiểu bang Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania, Colorado Nevada được coi như “swing states”, do đó rất nhiều sự đầu tư đã được dồn vào những tiểu bang này. Đây cũng là một điểm quan trọng CĐNV cần để ý đến vì chúng ta có nhiều phiếu nhất ở hai tiểu bang: California và Texas nhưng hai tiểu bang này được coi là “one-party state” nghĩa là California sẽ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ và Texas thì bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Do đó,  số phiếu vài trăm ngàn của chúng ta ít được chú ý đến. Ngược lại, nếu CĐNV biết cách vận động, với số phiếu chỉ là hai ba ngàn nhưng ở tiểu bang “swing states” như Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania và Colorado thì rất là quan trọng. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đòi hỏi các ứng cử viên Tổng Thống phải chú ý đến các yêu cầu của chúng ta.

toi da bo phieu

Kết luận: Chúng ta phải ghi danh đi bầu (registration), đi bầu (vote) và chọn lựa những ứng cử viên xứng đáng đại diện cho quyền lợi của chúng ta tại Hoa Kỳ.

Đỗ Quang Tỏa

Virginia, January 2016

Lời Ban Biên Tập:

Ông Đỗ Quang Tỏa tốt nghiệp Cao Học khóa 8, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn Việt Nam (trước 1975), hiện nay là Giám Đốc Business Development Assistance Group (BDAG) tại Virginia.

Bài viết này được đăng tải trên Website của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông (qghcmiendong.com) và chúng tôi được phép tác giả để phổ biến trên trang nhà của Hội Cao Niên Vùng HTĐ