Người Cao Niên ở Hoa Kỳ

Ngọc Hạnhdt4

Sáng nay nắng vàng rực rỡ, cảnh vật vui tươi so với hôm qua âm u, mưa rỉ rả cả ngày. Chị Hồng Ngọc, Anh Thư và tôi 3 người cùng nhau đến Chung Cư Người Cao Niên vùng Arlington thăm anh chị Nguyễn. Đến nơi phải ghi tên nơi phòng tiếp tân, số phòng và tên họ người được viếng thăm. Nơi này mới được tân trang xinh đẹp rộng rãi hơn xưa. Anh chị được 2 phòng ngủ to, nhà bếp tiện nghi, phòng khách và phòng ăn chung.  Trên tường treo đầy tranh ảnh vui mắt. Anh Nguyễn, cựu Chánh án tòa án quân sự Saigon trước 1975 xem hai chị như người trong gia đình. Do quen biết các cô em, anh chị Nguyễn cũng xem tôi như chỗ thân tình. Anh thích đọc sách, viết những bài biên khảo, cộng tác với báo địa phương và  thường gởi các bài viết cho tôi xem. Các truyện anh viết hấp dẫn, mạch lạc, kết cuộc bất ngờ, có khi tưởng như bị kết án lại được tha bổng và ngược lại… Chuyện luật pháp nước nhà, chuyện ngoại quốc xưa và nay tưởng như khô khan, khó tiêu thụ nhưng được anh ghi lại với lời văn khi nghiêm trang, khi vui tươi dí dỏm nên hấp dẫn người đọc.

Trước kia chị Nguyễn cũng thường kể chuyện đời xưa với tôi. Chị có 8 con đều nuôi bằng sữa mẹ. Bốn con lớn du học ngoại quốc trước khi mất nước, một mình chị vượt biên mang theo 4 con nhỏ, nuôi các con thành tài. Khi các con có gia đình, chị trở về Viêt  Nam lo giấy tờ bảo lãnh anh sang Hoa kỳ. Chị bảo cũng vất vả nhiêu khê, mất thì giờ lắm. Chị được cấp căn nhà trong chung cư trước khi đón anh sang Hoa kỳ.  Ở Hoa kỳ dù con cái giàu có, bố mẹ muốn ở riêng vẫn có thể xin thuê một căn nơi chung cư với tiền thuê  hình như 1/3 lợi tức hàng tháng.

Tôi không rõ nguyên nhân nào anh ở lại sau 30/4/75 để bị tù 13 năm, thêm 3 năm quản chế. Khi sang Hoa kỳ anh gầy gò, nhiều bệnh tật nhưng nặng nhất là bệnh đau bụng, ăn ít ăn nhiều chi  cũng đau. Đưa đi bác sĩ khám phá ra anh bị ung thư bao tử, phải giải phẫu may ra còn hy vọng. Anh chị đồng ý để bác sĩ cắt một phần bao tử, chịu  ăn uống theo, thức ăn, giờ giấc đặc biệt như ăn ít ít và nhiều lần trong ngày. Sức khỏe anh dần dần tốt hơn. Anh có thể đi lại, cùng chị tham gia các sinh hoạt cộng đồng, dự tiệc, gặp gỡ bà con thân hữu…

Lúc anh hồi phục sức khỏe, trí nhớ chị từ từ kém đi. Chị không nhớ mình đã ăn chưa, không thể tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân được. Anh là người chăm chút từng bửa ăn, cho chị uống thuốc, giúp chị ăn mặc tử tế xinh đẹp mỗi khi ra ngoài hay dự tiệc. Chị vẫn thích làm đẹp nhưng không tự mình trang điểm được. Anh là người kẻ chân mày, bôi kem, đánh phấn cho chị, kiên nhẫn trả lời dịu dàng những câu hỏi lập đi lập lại của chị, dạy chị hát những bài hát xưa. Ban đêm anh đưa chị đi phòng tắm 3, 4 lần. Chị em chị Hồng Ngọc cho anh là người chồng tốt nhất trên cõi đời, tôi cũng đồng ý với hai chị, ít có người nào chăm sóc bạn đời tốt như anh. Anh đưa chị dự tiệc cho chị vui. Ngày thường anh lái xe đưa chị đến thương xá gần để chị đi tản bộ, xem hàng hóa và người đi lại, hay ra ngoài thưởng thức cảnh vật thiên nhiên, cỏ hoa, trời trong gió mát…

Một hôm vào mùa Đông anh vừa vào nhà trong trở ra không thấy chị đâu. Ra khỏi nhà già tìm sân trước sân sau cũng không thấy. Tuyết rơi mấy hôm trước, đường có nơi chưa tan đá. Anh lo quá gọi các con đến chia nhau tìm các con đường chung quanh cũng không kết quả nên phải nhờ cảnh sát. Sau cùng vị bạn dân này tìm thấy  chị đứng tần ngần trên đường đến thương xá cách nhà già khoảng gần 1 dặm, nơi anh thường đưa chị đi qua bằng xe nhà. Sở xã hội quận Arlington cấp cho chị người trông nom, lúc đầu 5 ngày, sau lên 7 ngày 1 tuần.

Năm vừa qua anh té và dùng tay chống đở, đầu không chạm vào đâu hết. Đưa đi nhà thương chiếu điện, thấy  xương tay bị rạn nứt. Anh phải mang cái khăn (sling) để giữ tay nằm yên một chỗ, giúp xương mau lành. Ba tháng sau ngày té, một hôm  tự nhiên anh không nói được, không phát âm thành tiếng, cảm thấy người khác lạ, không bình thường. Gia đình đưa đi phòng cứu cấp. Thì ra anh bị chảy máu não, môt bên não máu đã đông lại, môt bên còn đang chảy từ các mạch máu nhỏ. Sau khi làm thủ tục, ký giấy cam kết, anh được giải phẫu. Anh bảo các bác sĩ tài lắm. Họ lật da đầu sang một bên, chỉ cưa sọ rút máu xong đóng lại, phủ da đầu có cả tóc lên, hay chưa? Anh ở lại  bệnh viện 2 tuần xong về nhà tiếp tục vật lý trị liệu (physical therapy), giúp cơ thể thăng bằng  đi đứng vững vàng…

Anh được sở Xã hội cho người  giúp anh tuần lễ 7 ngày. Như thế mỗi ngày anh chị có 2 người giúp việc nhưng ban đêm phải tự lo lấy.

Thưa quý vị theo tôi người già ở Hoa kỳ không  phải nhờ cậy vào con cháu nhiều. Quý Cụ được chánh phủ cho thuê nhà tiện nghi, có bãi đậu xe rộng rãi với giá hạ, còn có thể được cấp phiếu mua thực phẩm. Ngân phiếu tiền già đến đều đặn mỗi tháng, dù có vị trước đó không làm việc ngày nào ở Hoa kỳ vì thiếu sức khỏe, cao tuổi, không chuyên môn… Đau ốm đi bác sĩ, mua thuốc, nằm bệnh viện hay giải phẫu  gần như miễn phí. Ngoài ra còn được nhà nước  cho người đến giúp việc nhà, nuôi bệnh như anh chị Nguyễn. Trường hợp 2 lần giải phẫu như anh, người trung lưu dù được sở làm trả giúp một phần lớn, vẫn phải bỏ tiền túi trả nợ nhà thương số tiền sai biệt. Một người bạn tôi nói  “ai định cư xứ Hoa kỳ là có tu 10 kiếp chứ không phải 1 kiếp”, cái xứ đối xử với quý cụ cao niên hay người bệnh tật như nhau, không phân biệt chủng tộc, giàu nghèo. Với tiền già, các cụ khỏe mạnh có thể dành dụm giúp con cháu ở quê nhà vì các cụ  tiêu pha không bao nhiêu nếu ở chung với con cháu. Vậy xin quý cụ hãy giữ gìn sức khỏe để hưởng  tiện nghi xứ tự do dành cho người cao niên, không phải  quốc gia nào cũng cung cấp được.

Tôi được nghe người già ở Hoa kỳ  được chăm sóc  tốt hơn nhiều quốc gia khác. Khi đọc bài tùy bút kể chuyện có người cao niên ở Cali cô đơn trong viện dưỡng lão, không con cháu thăm viếng, mọi sự nhờ nhân viên viện, thật là buồn. Hôm đến thăm anh chị Nguyễn tôi gặp giáo sư Kim và mẹ chị, bà cụ 102 tuổi ở phòng tiếp tân chung cư. Trông cụ hồng hào khỏe mạnh. Chị Kim  cho biết chị  thăm cụ hằng ngày và thường đưa Cụ dự tiệc ban đêm, ban ngày vì Cụ thích được ra ngoài. Dù tuổi cao Cụ  còn minh mẫn, vui tươi. Có lẽ nhờ Cụ hay tiếp xúc với con cháu, đồng bào chăng?

Nhân dịp Xuân sắp về tôi xin chúc anh chị Nguyễn và tất cả các vị cao niên luôn khỏe mạnh, vui tươi trong NĂM MỚI và những ngày vàng còn lại cho gia đình con cháu được hưởng phước lành .

Ngọc  Hạnh
Hội Viên Hội Người Việt Cao Niên Vùng HTĐ
Ngày 12/1/16

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *