Hoàng Trường Sa

(Tưởng niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa 
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 
 19/01/1974 – 19/01/2016)

Cao Nguyên

hq4haichienhoangsaƠi Hoàng Sa! Hỡi Trường sa!
Bi thương tiếng gọi sơn hà Việt Nam
Đang còn bị giặc xâm lăng
Nước trào rỉ máu, Đất oằn xót đau!

Ơi Tổ Quốc! Hỡi Đồng Bào
Yêu thương tiếng gọi thắm màu quê hương
Âm vang trống giục sa trường
Bạch Đằng dậy sóng quật cường oai nghiêm!

Giơ tay cao thét lời nguyền
Hận thù Bắc Thuộc hịch truyền xuất quân
Đánh cho giặc Hán kinh hồn
Muôn đời khiếp sợ tinh thần Văn Lang!

Hoàng Trường Sa của Việt Nam
Đã trong sử sách ngàn năm lưu truyền
Trống đồng hào khí linh thiêng
Hãy vang lên khắp mọi miền núi sông!

Triệu con tim một tấm lòng
Quyết tâm tiêu diệt thù trong giặc ngoài
Việt Nam ơi! Tổ Quốc ơi!
Triệu con dân Việt sẽ khơi sử hồng!

Từ Trường Sơn tới Biển Đông
Thịt da xương máu con Rồng cháu Tiên
Núi Sông là một mạch liền
Không ai có thể đảo điên sơn hà!

Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ – Jan 17, 2015

Paracel-Spratly Islands

In remembrance of The 42-year
Paracel Islands Sea Battle of The Republic of Vietnam Military Forces
(Jan. 19, 1974 – Jan. 19, 2016)

O Paracel Islands! Spratly Islands!
What a moan it was, the call of Vietnam’s Mountains and Rivers
For still being invaded by enemies
Waters overflowed with blood; lands bent down with pain

O Spratly Islands! O Paracel Islands! O Homeland! O Countrymen!
Love, the call deeply painted with homeland’s color
Resounding, the battle field drums called to forward
Bạch Đằng River rising up solemnly unyielding waves!

Holding up hands high with the roaring vows
Hostility against China’s domination, proclamation launched for soldiers to go forth
Fighting the Hans made them scared to their soul
For thousands of years in fear of Van Lang’ spirit

Paracel and Spratly Islands are of Vietnam
Already inscribed in History for thousand years to pass on
The bronze drums of sacred heroics
Let them resound all over the mountains and rivers

Million hearts but only one will
Determined to destroy outer and inner foes
O Vietnam! O Father Land!
Millions of citizens will make Hồng’s History to start

From the Long Mountain to the East Sea
All are the flesh and skin of Dragon’s and Fairy’s descendants
Mountains and rivers are one continual vein
Nobody can make any topsy-turvy reverse to Mountains and Rivers

Cao Nguyen
(Translator: William Hoàng)

Năm Thân Nói Chuyện Khỉ

Phạm Thành Châu

 

nam con khi newTôi viết tào lao về Con Khỉ để quí vị đọc cho vui trong mấy ngày Tết. Phê bình tôi viết thế nầy, thế kia chỉ uổng công quí vị.

Xưa nay, báo chí Việt Nam có một lệ đáng yêu là: Năm Mới, cầm tinh con vật nào thì có một bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp của con vật đó. Đồng bào ta, ở Âu, Mỹ vẫn giữ truyền thống sinh hoạt dân gian theo âm lịch. Không ai giỗ chạp theo dương lịch bao giờ. Vong linh những người quá cố chỉ căn cứ vào âm lịch để về với con cháu. Quan trọng nhất là ngày Tết âm lịch, là dịp để mọi người thân đoàn tụ, cúng lễ tổ tiên, lì xì mừng tuổi cho bọn trẻ, ăn uống, vui đùa.

Ở Mỹ, chỉ những tiểu bang đông người Việt, trên tờ “dương lịch” (lịch tây) mới có thêm phần “âm lịch” (lịch ta). Nhưng người bán lịch lại đặt in bên Đài Loan, bên Tàu nên phần âm lịch ghi chữ Tàu. Người Việt sống rải rác các tiểu bang khác chỉ biết có dương lịch, thế nên mới có chuyện vui như sau: “A lô! Chị Loan đó hả? Chúc mừng năm mới!”  “Năm mới gì? Bữa nay đã tháng hai rồi, còn mới mẻ gì nữa?” “Tôi chúc tết Âm lịch đó bà ơi!” “Ủa tết hồi nào vậy? Tôi đi làm, tối tăm mặt mũi. Thôi chết! Lát nữa, đi làm về, tôi phải vất mấy trái quít vô thùng rác. Năm mới xui lắm! ” “Sao vất đi, phí của. Quít có tội tình gì mà kiêng cử?” “Số là thế nầy. Để tôi kể cho bà nghe. Ông xã tôi đi làm mà than cực, than buồn, sợ ổng bỏ việc thì nguy. Không phải chuyện tiền bạc, mà mấy ông về hưu, không biết làm gì, ở không sinh bịnh. Bên Cali. của bà, cứ ra tiệm cà phê thì thiếu khối gì bạn bè để trò chuyện, lại có mấy em bưng cà phê, đưa đùi đưa ngực.”  “Các ông ngắm giải trí thì có liên hệ gì đến mấy trái quít mà đi vất thùng rác.”  “Thôi đi bà ơi! Bộ bà không biết quit là quit job à? Để quít trong nhà là báo điềm ông xã tôi quit job. Thôi! Tôi gọi lại sau nghe.Thằng xếp tới!”

Đồng bào miền Nam chúng ta, tính tình xuề xòa, sinh hoạt cũng xuề xòa. Để mấy trái mãn cầu, dừa, đu đủ, xoài trên bàn thờ thành điều ước cho năm mới. Cầu vừa đủ xài. Họ không cầu mong sức khỏe dồi dào, tiền vô như nước, vạn sự như ý. Tiền nhiều để làm gì mà phải bon chen, giành giật, gian dối? Chỉ cần có chút đỉnh đủ xài mỗi ngày là “an nhiên tự tại”. Về sức khỏe thì khỏi nói. Sống được ngày nào thì nhậu ngày đó. Trời kêu ai nấy dạ. Cũng chẳng thấy ai đứt gân máu, nằm một đống báo hại vợ con. Chỉ thỉnh thoảng có ông, nhậu xỉn, về nhà, giữa đường lủi vô bụi cây rồi khiêng về chôn. Đám ma bao giờ cũng có ca vọng cổ và nhậu. Đó là nói về thời trước 1975. Từ khi đảng và nhà nước Việt Cộng từ miền Bắc tràn vào chiếm miền Nam thì dân miền Nam te tua. Đất ruộng bị cướp, nhà bị chiếm, cơ sở sản xuất, tiệm buôn bị tịch thu. Rồi thêm mấy đợt đổi tiền, dân miền Nam trắng tay. Hàng trăm nghìn gia đình bị tống lên vùng núi rừng cao nguyên, gọi là Kinh Tế Mới, chết dần vì bịnh tật, đói khát. Thêm hàng mấy trăm nghìn quân, cán, chính, thầy tu, nhà buôn miền Nam bị đày ra Bắc, chết liệt địa.

Kể chuyện tết nhất ở miền Nam sau 1975 thì bi thảm lắm. Bi thảm nhất là người dân ở thôn quê, đặc biệt là vùng kinh tế mới. Xin được mấy giòng về xã hội kinh tế mới nghĩ gì, làm gì trong mấy ngày tết? (Tôi đi tù Cộng Sản, không đi kinh tế mới chỉ nhờ đọc báo mà kể lại cho quí vị nghe) Ngày tết, nhà tranh vách lá, trống trước trống sau, gạo không có, nhang tàn, khói lạnh, lấy gì làm lễ vật dâng cúng ông bà, tổ tiên? Họ ước gì? Thời “cầu vừa đủ xài”qua rồi. Ở kinh tế mới, họ tự chúc mình “ác liệt” hơn nhiều. Họ “phát huy sáng kiến”! Một ông tha về một trái xoài, ra chỗ sửa xe đạp lượm cái líp xe (ổ trục sên xe đạp), thêm cái bọt ba ga” (giá chở đồ sau xe đạp) người ta vất đi, đem về để trên bàn thờ, thành câu (tự chúc): “Xài líp ba ga”(xài thoải mái). Một ông thể hiện ý nghĩ tuyệt vọng của mình bằng cách chưng trên bàn thờ một gói tiêu, một tán đường,  thành “Tiêu tán đường.” Một ông khác trình bày tiếng thở dài của mình rất “ấn tượng.” Ông ta để trên bàn thờ một trái đu đủ, một trái điều, một trái bí đao, một trái khổ qua, thành: “Đủ điều đau khổ”. Cha mẹ sinh con thường đặt tên theo ước vọng ở tương lai. Con trai thì Hùng, Dũng, Anh Tài, con gái thì Hoa, Hồng, Ngọc, Ngà, Tuyết. Nhưng những gia đình trên kinh tế mới thì nhìn thấy tương lai đen tối của các con. Một ông sinh được ba đứa con, mỗi đứa có một tên, Tên Xui, tên Tận, tên Mạng. Một ông y tá ”ngụy”đặt tên con. Một đứa tên Hết, một đứa tên Thuốc, một đứa tên Chữa. Thật “Hết thuốc chữa!” Những ngày lễ lớn của đảng ta, dân kinh tế mới được tập họp lại để học tập Mừng đảng, ơn bác. Lại được ca hát cho thêm hồ hởi, phấn khởi (chới dới, bứt gân!). Có câu hát “Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác.” Dân ngồi dưới (đất) thì thầm với nhau: Con đường bác đi là con đường bi đát”

Bây giờ nói về năm Thân, tức là năm Con Khỉ. Tôi có kể cho bạn nghe một chuyện vui, bây giờ nhắc lại. Có một ông có bồ, kiểu sáng chở cơm đi ăn phở, trưa chở phở đi ăn cơm” (cơm là vợ, phở là bồ). Phải dấu kỹ! Vậy mà một sáng chủ nhật, cô bồ mò đến nhà ông ta. Thấy từ xa, ông ta hoảng kinh, chạy ra chận lại. Đi ngay.Trong nhà có con khỉ già ngồi trong đó! Con khỉ già là mụ dzợ ! Một chuyện khác, thuộc loại phản động, chỉ có người Bắc, thâm thúy và cay đắng mới nghĩ ra: Một cậu bé hỏi cô giáo: Thưa cô, Bác Hồ nóiTổ tiên ta là loài khỉ. Có đúng không ạ? “Đúng rồi! Tổ tiên bác Hồ là loài khỉ.” Và cô hỏi cả lớp: Có em nào trông giống bác Hồ không? Dạ không!

Trở lại với con khỉ. Các nhà sinh vật học chia các loài động vật thành nhiều chủng loại để dễ nghiên cứu. Loài gặm nhấm có chuột, thỏ.Loài có móng như trâu, bò. Có loài được gọi là thượng đẳng” (primates) gồm ba giống là khỉ (monkeys), giả nhân (apes) và loài người. Charles Darwins, người Anh, cho rằng: Khỉ tiến hóa thành người. Chỉ mấy ông bà vô thần cộng sản mới tin chứ chẳng ai tin. Vì trong các hóa thạch, chẳng thấy sinh vật trung gian nào giữa khỉ và người, chứng minh rằng khỉ tiến hóa thành người. Vả lại, bộ óc khỉ rất nhỏ so với óc người, không có hóa thạch khỉ trung gian”nào có bộ óc lớn gần với bộ óc người. Mà cũng chẳng thấy con khỉ nào trong rừng hay trong sở thú tiến hóa dần để thành con người. Chỉ có trong truyện Chiêu Quân Cống Hồ”của mấy chú chệt, vua phịa, rằng: Có ông Tô Vũ, làm quan nhà Hán (đầu Công Nguyên), đi sứ vào nước Hung Nô (rợ phương bắc nước Tàu) bị vua Hung Nô cho bốn “lịnh” (mỗi lịnh ba năm) tập trung cải tạo lên vùng sa mạc hoang vu, chăn mấy trăm con dê. Đến mùa đông tuyết phủ, vì đói và lạnh, Tô Vũ ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy có con khỉ cái đang đốt lửa cho ông ta sưởi, còn cho ăn, săn sóc tận tình. Thế là họ có với nhau bốn người con. Mười năm sau, xét thấy đương sự học tập tốt, lao động tốt, yên tâm cải tạo,vua Hung Nô tha về sum họp với gia đình, trở thành công dân chân chính, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng. Thời đó không có cell phone, không có camera nên không thể chụp hình bốn đứa nhỏ, con của Tô Vũ hình dáng, mặt mũi ra sao? Ở miền Nam ta, trước 1975, báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà có đăng chuyện Người Lấy Khỉ”, rất hấp dẫn, báo in ra bao nhiêu, người ta xúm nhau mua đọc. Các báo khác ế nhè, bán không được tờ nào. Giận quá, các báo làm phóng sự, phịa lai lịch bà Bút Trà, bảo rằng Bà Bút Trà là con của ông người”với bà khỉ”đó.

Có Mấy Loài Khỉ? Nhiều vô số. Từ con khỉ nhỏ cỡ ngón chân cái đến con giả nhân, khỉ đột, cao to, nặng hàng trăm ký lô. Tôi thấy có hai loại khỉ. Loại có đuôi và loại không đuôi. Loại không đuôi thì quí vị có thấy rồi. Lúc nhỏ tôi nghe mấy ông kể chuyện Trong rừng có con đười ươi, người đi rừng bị đười ươi bắt được thì nó cầm hai tay người đó cứng ngắt rồi ngửa mặt lên trời, nhắm mắt, nhe răng cười suốt ngày cho đến khi mặt trời lặn thì moi ruột người đó ăn. Vì thế, người đi rừng phải thủ sẵn hai ống tre. Thấy đười ươi thì xỏ tay vô ống tre, đưa cho nó nắm, chờ khi nó nhe răng, nhắm mắt cười thì rút tay ra khỏi ống tre, bỏ chạy. Đó là chuyện xưa. Bây giờ ở Việt Nam, vô phước cho con đười ươi nào gặp mấy ông đi rừng thì chính mấy ông đi rừng đó nhe răng, nhắm mắt cười với nhau rồi móc ruột đười ươi ra nấu lẩu, đưa cay cũng được mấy xị. (Thế nên, vừa rồi, báo chí ở Việt Nam có đăng tấm hình một con đười ươi đưa hai tay có xỏ ống tre cho mấy ông đi rừng cầm, chờ mấy ông đó nhe răng, nhắm mắt cười là rút tay của nó ra, bỏ chạy). Tôi có thấy mấy tấm hình chụp một con khỉ bị người ta giết, cạo lông, để nằm chờ xẻ thịt, trông giống hệt đứa bé chết nằm đó.

Ở Châu Phi, vẫn còn những phiên chợ bán thịt rừng phơi khô, có bán khỉ khô, là khỉ nguyên con, phơi khô. Con khỉ khô nhe răng, tứ chi co rút lại như xác ướp. Người mua chỉ việc lột da, xé ăn, khỏi nấu nướng. Người Việt mình chưa hề thấy con khỉ khô xấu xí cỡ nào, nhưng có lẽ quí vị từng nghe đối đáp giữa cậu và cô như sau: Em yêu anh không?”Yêu cái con khỉ khô!” (Thà yêu con khỉ khô còn hơn yêu ông”). Vì ăn khỉ khô kiểu đó mà người châu Phi bị bịnh Ếch nhái”AIDS. Virus HIV (bịnh liệt kháng) tìm thấy trong khỉ đuôi xồm và khỉ mũi đốm. Virus Ebola (sốt xuất huyết không chữa được) và bệnh đậu khỉ (monkey pox) cũng do mấy ông bà ăn khỉ khô mà các bịnh đó lan tràn ra khắp thế gian. Ở Việt Nam, thời còn phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô nghiên cứu vũ khí hóa học hay chiến tranh vi trùng”gì đó phải dùng khỉ làm mẫu (vật thí nghiệm). Có lẽ là chất kịch độc, sợ thí nghiệm ở bên Liên Xô, rủi có chuyện gì xảy ra thì dân Nga lãnh đủ, nên các khoa học gia Liên Xô đem qua Việt Nam thực hiện thí nghiệm, có nguy hiểm, chết chóc do vi trùng hay chất độc thoát ra ngoài thì dân Việt chết, ráng chịu. Hiện nay mấy con khỉ làm vật thí nghiệm đó tồn tại” trên một hòn đảo ở Nha Trang, gọi là đảo Khỉ.

Đừng khinh loài vật sống theo bản năng, không suy nghĩ. Năm 1990, Christophe Boersch quan sát một bầy hắc tinh tinh ở rừng Tai, thuộc xứ biển Ngà. Chúng thường đập những trái cây có vỏ cứng bằng một hòn đá trên gốc cây. Một con khỉ con đập mãi không được, mẹ nó đến, xoay cạnh hòn đá thì đập được, lấy ruột của quả cho con ăn. Năm 1953, tại đảo Koshima (Nhật), ông Masao Kawai thấy một con khỉ cầm củ khoai dính đầy đất bẩn đem ra một dòng nước rửa sạch mới ăn. Sau bốn năm, phân nửa bầy khỉ đem khoai đi rửa trước khi ăn. Quí vị xem TV thường thấy cảnh mấy con khỉ dùng một cọng cỏ, đút vào lỗ của ổ kiến hoặc ổ mối rồi kéo ra. Kiến, mối bu vào, khỉ bỏ cọng cỏ vào mồm, ăn chúng. Con rái cá, mò mấy con sò dưới sông, nằm ngửa trên mặt nước, để con sò trên bụng, dùng con sò nầy đập lên con sò kia cho bể vỏ sò, lấy thịt ăn. Thú vật thường đùa giỡn nhau là thường. Có một con quạ có trò chơi rất lý thú. Mùa đông, tuyết phủ mái nhà, nó lấy cái lá hay gì đó, để trên nóc nhà rồi đứng lên trên. Cái lá (có con quạ trên đó) trượt trên tuyết xuống phần thấp của mái nhà. Con quạ chơi trò trượt tuyết như người. Chưa hết. Nó ngậm cái lá đó, đem lên nóc nhà, lại đứng lên lá và trượt tuyết tiếp. Con quạ, tuy vậy không khôn bằng con vẹt. Nó biết nói, biết suy diễn theo Tam đoạn luận”đàng hoàng. Chuyện như thế này. Có cô gái nuôi một con vẹt. Nhà không có ai, cô tắm xong, chả mặc áo quần, cứ thế thổn thệnh đi khắp nhà. Con vẹt nghiêng đầu nhìn và kêu lên:Thấy hết rồi nghe!” Lần nào cũng lải nhải câu đó khiến cô gái bực mình vặt trụi lông đầu con vẹt. Từ đó con vẹt chỉ ngắm mà không dám nói. (Tam Đoạn Luận tập 3, trang 50 chỉ rõ: Thấy thì làm thinh mà ngắm. Ngắm thì đừng nói. Nói thì bị vặt lông” ?!). Một lần có nhà sư vào nhà cô gái. Thấy đầu nhà sư không có tóc, con vẹt ngạc nhiên, hỏi Ủa! Thầy cũng thấy hết rồi sao?” Tôi ước được làm con vẹt đó. Nhưng miệng, lưỡi dùng vào việc khác. Dại gì nói để bị vặt lông.

Năm Khỉ, nhiều vị kể chuyện Tôn Ngộ Không, một con khỉ có tài thần thông biến hóa, theo phò Tam Tạng qua Ấn Độ thỉnh kinh Phật về Tàu. Có vị kể chuyện bà Từ Hi thái hậu đãi sứ thần tám nước Âu Mỹ, có món óc khỉ. Mấy chuyện bên Tàu đó, xưa rồi, ai cũng biết.

Tôi xin kể chuyện bên Ấn Độ, ít người biết. Người Ấn thờ hàng trăm,hàng nghìn thần. Thờ từ vật vô tri đến súc vật. Họ thờ thần bò. Mấy con bò đi nghênh ngang có khi nằm nghỉ ở ngã ba, ngã tư, người phải tránh ngài”. Ngài bò có đến các sạp rau quả xơi hết cũng phải kính cẩn đứng nhìn, không được xua đuổi. Tôi xem phóng sự thấy có đền thờ chuột. Chuột bò đầy trong đền, trên bàn thờ, trên cột đền trông thật dơ dáy. Tôi xem mà ghê người, tưởng như ngửi được mùi hôi thối của phân chuột. Người giữ đền có bổn phận nuôi chúng. Buổi sáng, ông ta bưng một khay sữa vào cho quí ngài chuột điểm tâm… Tại sao phải thờ súc vật? Người Ấn tin rằng. Mỗi con vật có thể là hiện thân của ông thần nầy hoặc bà thánh kia. Họ còn tin rằng có thể đó là tổ tiên, ông bà của họ, chết đi, đầu thai thành súc vật.

Vì là bài viết về con khỉ nên tôi xin mấy dòng về tục thờ khỉ ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, tại xứ Kishkinda, một vương quốc khỉ bên Ấn Độ, có một tướng khỉ, tên Hanuman, rất tài giỏi và nhiều phép thần thông. Có lần, Hanuman chơi nghịch, ngậm  cả mặt trời khiến khắp nơi tối thui, người ta phải năn nỉ Hanuman mới nhả mặt trời ra. Hanuman có thể biến thành to lớn, khổng lồ hoặc tự thu nhỏ bằng ngón tay. Về võ thuật, Hanuman có thể phóng lên mây, nhảy một cái xa ngàn dặm. Hanuman, chỉ với một tay, bưng nguyên một quả núi với đầy đủ cây cối trên đó. (Trong Tây Du Ký, tác giả đã chế biến thần Hanuman của Ấn Độ thành con khỉ Tôn Ngộ Không của Tàu. Thì ra, làm hàng giả, ăn cắp bản quyền của người ta (không chỉ hàng hóa mà cả trong văn hóa, nghệ thuật!) đã là bản chất chệt, có tự ngàn xưa rồi!) Vì tin chuyện thần thoại đó là có thật nên dân Ấn Độ làm tượng thờ khắp nơi. Quí vị du lịch Ấn Độ ắt thấy nhiều tượng thần khỉ Hanuman ở các công viên, nơi công cộng. Ở đâu tượng thần khỉ Hanuman cũng cao lớn, có đuôi dài, tay phải cầm cây trùy, tay trái bê quả núi. Dân Ấn tin rằng, khỉ là hiện thân của thần Hanuman nên lập nhiều đền thờ và nuôi khỉ. Ở New Delhi, khỉ có mặt khắp nơi, nhất là khu đồi Raisina. Khỉ nhảy nhót, leo trèo, phá phách trên đường phố, cướp giật hàng hóa, lục giỏ xách người đi chợ. Có con leo cột đèn, bị điện giật chết, người ta phải tổ chức lễ an táng ngài” thật long trọng. Có đánh trống, thổi kèn như đám ma của người Tàu ở Chợ Lớn (nhưng không thổi bài Love Story như đám ma của mấy chú thiếm Chợ Lớn). Đạo quân (Tam phủ) khỉ phá quá! Chịu hết nỗi, tòa án ra lịnh dời đền khỉ vào rừng, cấm không cho khỉ ăn nhưng chẳng ai dám động đến quí ngài khỉ, và vẫn cung phụng ngày ba bữa, tắm rửa thoải mái cho quí ngài. Đúng là trò khỉ!

Ở Việt Nam ta có tương truyền rằng mẹ ông Mạc Đỉnh Chi vào rừng bị khỉ hiếp, sinh ra ông, người nhỏ, tướng xấu xí, chân tay dài thòng, mắt láo liên như con khỉ nhưng rất thông minh. Ông thi đậu tiến sĩ, được nhà vua cử đi sứ sang Tàu. Nhân khi công chúa (Tàu) chết, vua Tàu muốn thử tài sứ Mạc Đỉnh Chi nên đề nghị ông làm một bài văn tế về cái chết của công chúa với chỉ một chữ Nhất. Trạng Mạc Đỉnh Chi hạ bút ngay:

Thiên hương nhất đóa vân.

Hồng lô nhất điểm tuyết.

Thượng uyển nhất chi hoa.

Giao trì nhất phiến nguyệt.

Ô hô!

Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết

(Trên trời một áng mây/ Lò hồng một giọt tuyết/ Thượng uyển một cành hoa/ Giao trì một vầng nguyệt/ Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết).

Quá hay!

Để chấm dứt bài nầy, tôi xin kể chuyện đức Phật, trong một lần thuyết pháp, có nhắc đến con khỉ để nêu một ẩn dụ: Trong kinh A Hàm có chép, Phật kể đại ý rằng: Có người thợ săn lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Có con khỉ đến bốc thức ăn, ngờ đâu dính nhựa cây, không gỡ ra được. Khỉ lấy tay kia gỡ ra, lại bị dính vào, khỉ lấy hai chân gỡ ra, cũng bị dính nốt. Khỉ dùng đuôi gỡ ra, cũng bị dính. Sau cùng khỉ dùng miệng cạp, cũng dính luôn. Thợ săn chỉ việc đến bắt khỉ. Đức Phật dạy: Này các tì kheo. Nhựa cây kia ví như lục dục, sáu bộ phận bị dính vào nhựa ví như lục căn. Như chú khỉ kia, khi lục căn bị dính vào lục dục thì sẽ bị ma quỉ tùy ý dẫn đi”.

Tuoi-Than

Phạm Thành Châu

Có Quê Hương Trong Giọng Nói Người Mình

Nguyễn Quang Dũng

qtri image 2

Tôi rời quê nhà, vượt biển với vợ con tìm tự do, năm 1981. Lúc đó tôi 27 tuổi. Đến nay như vậy đã hơn 30 năm xa xứ. Và Tết vẫn là khoảng thời gian nhắc nhớ nhiều nhất trong tôi về quê hương khốn khó Việt Nam.

Năm đầu tiên xa nhà, tôi ăn Tết ở trại tỵ nạn Bataan.
Tối giao thừa, tôi nghe bà con trong trại tỵ nạn xách nồi niêu, soong chảo, thùng thiếc lên mái nhà khua gõ ầm ĩ… thay cho tiếng pháo mừng xuân. Trong bóng đêm của trại tỵ nạn không có khung cảnh quen thuộc, ấm cúng mà trang nghiêm, của Ba tôi thắp đèn cầy, đốt nén nhang trên bàn thờ tổ tiên đã chưng đầy hoa quả, khấn vái cầu nguyện cho một năm mới bình yên, tôi bỗng thấy nhớ nhà vô hạn.
Nhớ nhà và buồn muốn khóc.

Tới Mỹ năm 1982, vất vả với những lo toan cho đời sống mới trước mặt, tất bật với ngày đêm và công việc mưu sinh, nhiều khi quên bẵng đi chuyện nhớ nhà, thì vẫn là ngày Tết nhắc nhớ trong tôi đến Ông-Bà-Cha-Mẹ-Anh-Em. Vậy mới biết những gì tôi lớn-lên-và-sống-với từ thuở nhỏ ở quê nhà đã ăn sâu trong tiềm thức tôi.

Tôi và vợ tôi lui hui dựng lại cái bàn thờ Tổ Tiên trong căn nhà mình ở Mỹ theo trí nhớ.
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm thì bọn tôi xin được từ lúc đi lau chùi nhà bếp và cắt cỏ ở nhà một Ông Tướng người Mỹ từng chỉ huy lực lượng quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Bức tượng Phật Bà bằng đá Non Nước Đà Nẵng rất đẹp nhưng bị đặt nằm dưới đất trong một góc vườn của vợ chồng ông tướng. Với mớ tiếng Anh rất còn lơ mơ của tôi lúc đó, tôi hỏi bà Tướng là tại sao bà lại để lăn lóc tượng Phật Bà như thế này? Bà ấy rất ngạc nhiên, nhưng cuối cùng thì cũng hiểu ra và giải thích với tôi là bà ấy không hiểu về Phật giáo và không biết bức tượng là một biểu tượng thiêng liêng đối với chúng tôi như vậy. Và bà bèn tặng vợ chồng tôi tượng ấy. Tôi không bao giờ quên ông bà Tướng người Mỹ rất tốt bụng này.
Những thứ còn lại là chân đèn cầy, bình thắp hương, bình cắm hoa, dĩa chưng hoa quả và hình ảnh những người thân đã khuất. Vậy là tạm đủ cho Bàn Thờ Ông Bà, theo những gì bọn tôi còn nhớ.

Giao Thừa những năm đó, khoảng thập niên 90, chỉ có tôi và vợ tôi loay hoay chưng hoa quả nhang đèn trên bàn thờ Tổ Tiên. Đúng giao thừa, tôi đốt nén nhang khấn vái Ông Bà – cũng giống như Ba tôi vẫn khấn vái như vậy vào Lễ Giao Thừa.
Trong giây phút cuối năm ấy, trước bàn thờ Tổ Tiên, hình như tôi vẫn muốn được trở về, sống lại cái khung cảnh quay quần với Ba Má anh em tôi trong phút Giao Thừa.
Tôi vẫn thấy nhớ nhà và nghèn nghẹn muốn khóc.

Ở những khoảnh khắc chuyển giao của cũ và mới, của kết thúc và bắt đầu, của năm cũ và năm mới tôi nhận ra quê hương không phải là những gì trừu tượng, xa vời trong trí tưởng mà đó là những tình cảm rất rõ nét tự lúc nào đã bám chặt trong tôi. Là Ba tôi. Là Má tôi. Là Anh Em tôi. Là Nơi Chốn tôi sinh ra và lớn lên.

Dần dà, tôi tiếp xúc và tham gia sinh hoạt với những người đồng hương trong vùng tôi ở và quen dần với những cái tết xa quê.
Sinh sống giữa nơi chốn của người Mỹ và những người nói tiếng Mỹ, tôi vẫn khựng lại khi nghe tiếng người đàn ông hay đàn bà la rầy con bằng tiếng Việt, tiếng người mình, ở những siêu thị hay ở những nơi mà tôi không nghĩ là nghe được tiếng Việt.
Thì ra tự trong giọng nói người Việt mình tôi nhận ra trong tôi một sợi dây liền lạc, một nỗi gắn bó với quê nhà giờ đã xa tít nửa vòng trái đất.

Tôi nhận ra ở cộng đồng người Việt ở đây có rất nhiều Hội Ái Hữu mang tên những vùng đất ở Việt Nam. Hội Gò Công. Hội Long Xuyên. Hội Nha Trang. Hội Huế. Hội Quảng Đà. Hội Đà Lạt. Hội Quảng Trị….
Tôi nhận ra sợi dây liên lạc với quê hương giữa những người đồng hương nằm ngay trong giọng nói quê nhà. Gần gũi và thân tình nảy sinh một cách tự nhiên khi người mình gặp nhau, nghe lại được những giọng nói rất đặc thù Việt Nam – rất “Quảng Nam”, rất “Huế”, rất “Sàigòn”, rất “Nha Trang”, rất “Quảng Trị”…

Ba Má tôi gốc Quảng Trị – chánh quán làng An Du Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trước 1975, An Du Nam nằm bên kia vĩ tuyến 17, bên kia sông Bến Hải, thuộc miền Bắc.
Ba tôi, một công chức trung cấp của chính quyền miền Nam, trôi nổi theo vận nước từ Quảng Trị xuôi về miệt miền Nam. Cư sở cuối cùng của ông là Sài Gòn. Tôi dĩ nhiên
cũng đi theo ông. Từ Phan Rang ra Nha Trang, rồi Kontum, về lại Nha Trang, và trước 1972, tới ở Sàigòn cho đến ngày mất nước. Vì di chuyển theo Ba tôi đó đây như vậy nên tôi dường như không gắn bó với vùng đất nào của quê nhà.
Nhưng có một điều theo tôi suốt từ nhỏ tới lớn, không rời: Đó là giọng nói Quảng Trị của Ba Má tôi. Tôi nghe và rất quen thuộc giọng Quảng Trị của Ba Má tôi từ nhỏ, nhưng không nói được giọng Quảng Trị, có lẽ là do tôi sinh tại Phan Rang và lớn lên trong Nam.
Tôi gặp lại các anh Lê Quyền, Phan Khâm, Nguyễn Bồng trong Hội Quảng Trị vùng Hoa Thịnh Đốn trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt vùng Thủ Đô. Tôi được nghe lại giọng nói quê mình.
Giọng nói của các anh giống như giọng nói của Ba tôi. Rất Quảng Trị. Không lầm lẫn đâu được. Đó là giọng nói của nằng-nặng-triũ-buồn-trong-âm-hưởng. Tôi nhớ Má tôi nói với tôi là – “ngoài quê mình sống cực lắm con ơi.” Có phải chăng là cuộc sống kham khổ trên mảnh đất Quảng Trị quê nhà làm giọng nói người Quảng Trị mình cũng bị trĩu nặng vì những lo toan?

Tết lại gần tới, khi viết những dòng này, tôi lại thấy nhớ quê nhà. Và nhớ hình ảnh Ba tôi lui hui khấn vái trước bàn thờ tổ tiên đêm Giao Thừa.
Ba tôi mất tháng 8 năm 2010, tại Sàigòn.

Tôi đang rất nhớ giọng nói Quảng Trị của Ba tôi. Hình như quê nhà đang vương vương trong ánh mắt.
Tôi lại thấy lòng buồn. Muốn khóc.

Nguyễn Quang Dũng
VA, những ngày gần Tết

Cô Gái Huế với Tranh Thiếu Nữ của họa sĩ Ðinh Cường

Phạm Thành Châu

dinh cuongthieunutrong thanhnoi-1984

Trí nhớ, khoảng năm 1970, sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh, tôi được bổ về Thừa thiên, Huế, làm việc.  Nhiệm sở là quận Quảng Ðiền, với chức vụ Phó Quận Hành chánh. Quảng Ðiền cách Huế vài chục cây số, có cái địa danh rất nhiều người biết là phá Tam Giang với hai câu thơ “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Phá Tam Giang cách quận lỵ, là chợ Ngũ Xã, chừng một cây số.

Thỉnh thoảng tôi ra đứng nhìn cái đầm nước rộng mông mênh đó mà chẳng thấy một chút xúc động, mơ mộng nào. Phía bên kia mờ mịt bờ dương liễu xanh thẫm, xa đến nỗi thành một vạch dài, chia cắt nước với trời. Sau lưng tôi là bờ đất với những cây dại rải rác. Làng xóm ở tít đằng xa. Sau lũy tre xơ xác là những ngôi nhà tre lụp xụp bên cạnh những thửa ruộng, những con đường quê vắng vẻ. Chiến tranh đã tiêu diệt một số người, một số khác tìm về thành phố sống lây lất, chỉ còn lại những người liều chết, sống bám ruộng đồng để săn sóc mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ …

Không rõ thời phát sinh hai câu thơ trên, phá Tam Giang nguy hiểm ra làm sao, chứ lúc đứng nhìn mặt nước yên tĩnh, bao la, tôi chẳng thấy sóng gió gì cả. Vậy mà cái anh chàng bạc tình nào đó nỡ ngâm nga hai câu thơ trên để nại lý do không thể vào Huế gặp “em”. Hay là anh ta cũng có cố gắng vượt truông nhà Hồ vào đến phá Tam Giang, thấy cảnh vật quá đìu hiu, anh ta cụt hứng, tặc lưỡi một cái và quay về với cô hàng xóm?

Ðã vậy có người còn bày đặt, thêm hai câu “Phá Tam Giang giờ này đã cạn. Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”. Cô nào mà thèm nói như thế ? Thứ con trai hèn nhát, “thiếu tư cách” cỡ đó mà người đẹp phải năn nỉ ? Cô gái Huế, từ bao đời nay, là tiểu thư khuê các, vương tôn công tử thiếu điều quỳ lạy, chắc gì được để mắt đến, chưa nói đến gia pháp nghiêm minh, kín cổng cao tường, làm sao có chuyện liên hệ nam nữ, dù là quen biết, với một người con trai ở xa đến độ phải vượt truông nhà Hồ, vượt phá Tam Giang?…

Ủa? Thế còn tranh thiếu nữ của hoạ sĩ Ðinh Cường đâu, sao không nói đến? Xin thưa, vì yêu cô gái Huế quá nên tôi lạc đề. Mà cái tình yêu đó có nguyên nhân sâu xa nên tôi xin được phép dài dòng thêm chút nữa.

Năm đó tôi khoảng 15 tuổi, ở Hội An. Nhân dịp nghỉ hè, tôi rủ thằng bạn hàng xóm (đó là thằng Ðỗ Ðình Tân), hiện nay ở Philadelphia, làm một chuyến phiêu lưu ra Huế. Hai đứa tôi chưa biết Huế bao giờ, không có bà con nào ở Huế, vậy mà cứ đón xe đi bừa. Trong túi chẳng có nhiều, chỉ đủ trả tiền xe đò, còn thừa chút đỉnh thì ăn bánh mì không (không có nhân), uống nước máy bên đường. Chúng tôi xuống xe ở bến An Cựu, bắt đầu lang thang khắp nơi. Ðến giốc Nam Giao, qua nhà ga, thăm trường Ðồng Khánh, trường Quốc Học, qua cầu trường Tiền, đến chợ Ðông  Ba, vào thăm Ðại Nội…  Nghĩa là đọc sách, rồi hỏi người ta nơi nào nổi tiếng ở Huế là đến. Buổi chiều, sau khi rã cẳng, hai đứa tôi đến bãi cỏ trên bờ sông Hương, ngay trước  nhà sách Ưng Hạ  nằm dài ra, vừa chuyện trò vừa đón gió mát… Khi đèn đường sáng lên thì trời cũng chạng vạng. Hai đứa tôi chợt thấy bên kia đường, một cô bé đi qua, tay ôm chiếc chiếu. Cô lớn hơn tụi tôi khoảng vài tuổi, người mảnh khảnh, tóc ngang vai, mặt trái xoan dài trông vừa yểu điệu vừa ngây thơ. Có lẽ cô xem hai đứa tôi như em nên cử chỉ, lời nói rất tự nhiên tuy trong lúc đối đáp cô không xưng chị mà cũng không gọi tụi tôi bằng em. Giọng vui mà dịu dàng, cô nói là cho tụi tôi mượn chiếc chiếu để ngủ, sáng mai đem trả lại. Cô chỉ nhà cô, bên kia đường. Có lẽ ba mẹ cô đứng trên lầu thấy hai thằng nhỏ vô gia cư nên sai con gái đem qua cho mượn chiếu. Chúng tôi rất cảm động, lí nhí cám ơn. Ðã tử tế cho mượn chiếu, cô còn ân cần hỏi thăm mấy câu “Nhà ở mô?” “Ở Hội An” “Hội An là ở mô?” “Ði vô Ðà Nẵng rồi đi vô Hội An, xa lắm” “Có đi học không?” “Có, học trường Trần Quý Cáp”. Cô cười, miệng rất đẹp, mắt cũng rất đẹp. “Con trai đi chơi sướng hỉ”. Cô đi qua đường, vô nhà rồi mà hai đứa vẫn còn ngẩn ngơ. Ðược người đẹp nói chuyện thân mật như thế, là lần đầu trong đời nên tôi cứ tưởng cô là cô tiên trong truyện cổ tích vậy. Và hình ảnh cô, lời cô nói, đôi mắt, miệng cười của cô, tôi nhớ mãi đến bây giờ … Buồn ngủ lại gặp chiếu hoa, lại là chiếu do người đẹp đưa, chúng tôi trải lên cỏ, êm như nằm nệm. Hai đứa tôi ngủ thẳng một giấc đến sáng. Tỉnh dậy mới biết là bị mất giày sandale (giày có quai) và cả mũ hướng đạo (mũ rộng vành) nữa. Thời đó, giày có quai và mũ rộng vành là thời trang của học trò. Ðành mua một đôi giép rẻ tiền đi tạm.

dinhcuong theo em ve hue

Chừng đó tuổi mà tôi đã biết mê gái, nên tôi giành phần đi trả chiếu. Lần này tôi thấy cô đẹp hơn hôm qua, nhưng không biết làm thế nào để kéo dài thời gian gặp gỡ, tôi đành hỏi “Xuống sông tắm có được không?” Cô nhìn tôi, mắt sáng trưng vẻ như ngạc nhiên và cô cười “Ðược.” Ðoán chừng cô sẽ lên lầu xem hai đứa tôi làm gì nên tôi nổi máu anh hùng, cởi đồ nhảy xuống sông biểu diễn bơi lội. Cái bờ sông Hương rất cao, đứng nhìn qua bên kia, thấy gần nhưng xuống nước tôi bơi hoài, mỏi nhừ cả chân tay mà vẫn chưa đến bờ. Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp thì sông Hương đâu phải hẹp. Khi đến bờ bên kia, tôi sợ quá không dám bơi trở lại nữa. Thế là tôi cứ mình trần, mặc chiếc quần đùi ướt mem, chạy dọc bờ sông, lên cầu Trường Tiền, chạy vòng về chỗ cũ. Xứ Huế, bấy giờ, các bà gánh hàng bán ngoài chợ còn mặc áo dài, thì cảnh một thằng nhỏ cứ trần trùng trục chạy ngờ ngờ qua cầu trên đường phố là một chuyện lạ. Có lẽ họ tưởng tôi điên. Khi về đến  nơi, tôi nhìn qua bên kia đường, thấy cô bé đứng trên lầu, tựa lan can, nhìn tôi cười. Tôi không nhớ mình có mắc cỡ không, nhưng tôi cũng nhìn cô cười. Và tôi yêu cô ta từ đấy. Tự nhiên mà yêu chứ chẳng có nguyên nhân nào cả. Vì yêu cô bé đó mà tôi yêu lây tất cả các cô gái Huế. Tôi yêu lòng tốt của cha mẹ cô và yêu thương luôn người dân Huế .

Thời đó còn nghỉ hè, trường học đóng cửa, nhưng tôi cũng có gặp được nhiều người đẹp trên các đường phố. Cô nào cũng đẹp dịu dàng và làm điệu khi được con trai nhìn. Dĩ nhiên hai thằng nhà quê, ngơ  ngáo như tụi tôi thì cô nào mà thèm làm điệu.

Sau này, khi vào Sài Gòn học, xem triển lãm tranh của họa sĩ Ðinh Cường, thấy tranh thiếu nữ của ông ta, tôi biết ngay là ông vẽ các cô gái Huế. Ðúng hơn, ông vẽ cô bé mà tôi yêu. Nếu Từ Bi Hồng của Trung Hoa ngày xưa nổi tiếng vẽ về ngựa thì họa sĩ Ðinh Cường vẽ tranh thiếu nữ là tuyệt vời. Vị nào đã sống ở Huế một thời gian, đã thấm được cái hồn của Huế, đã cảm nhận được những gì giấu kín sau gương mặt bình thản như lạnh lùng của cô gái Huế thì mới thấy tranh ông đã thể hiện được cái nội tâm bí ẩn đó Dòng sông Hương lặng lờ, những con đường yên tĩnh. Ðại nội, lăng tẩm, đền đài lúc nào cũng như ngủ say với thời gian, ngay cả con người trên đường phố, cũng di chuyển từ tốn, thong thả … Nhưng không ai biết rằng, trong những khu vườn tưởng chừng vắng vẻ, trong những ngôi nhà cổ kính im lìm, ngay cả trong những cửa hàng buôn bán, những cuộc gặp gỡ quen biết, bao giờ cũng xôn xao những tin đồn, những lời đàm tiếu khắt khe, có khi đến cay độc của những người đàn bà, những cô gái thì thầm về những người đàn bà, những cô gái khác. Và thế là, như một truyền thống tất cả đều được giấu kín. Các cô, từ bé, đã được dặn dò là phải đề phòng một thứ gió độc, vô hình nhưng nguy hiểm, đó là dư luận. Người lớn tuổi làm gương cho lớp trẻ thấy cách thức che giấu những ý nghĩ, những tình cảm của mình. Nhưng khổ nỗi, tuổi mới lớn nào mà không mơ mộng. Tâm hồn cô nào cũng như sợi tơ trước gió, chỉ một chút giao động là đã ngân lên biết bao âm điệu ngọt ngào, thánh thót. Nhưng biết làm sao? Chỉ có họa sĩ Ðinh Cường mới “vẽ ” được những bâng khuâng, những mơ mộng vẩn vơ đó ẩn dưới cái vẻ yểu điệu thục nữ, dưới gương mặt dịu dàng nhưng làm như vô tình  của các cô gái Huế.

Thời còn đi học ở Sài Gòn trước 75, xem tranh Ðinh Cường, bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ hầu  hết các tranh thiếu nữ của ông, chân tay khẳng khiu, cổ cao, ngực chưa phát triển. Ðó là những cô bé điển hình trong những gia đình nền nếp ở Huế. Các cô được nuông chiều quá nên thành nhõng nhẽo, khó tính. Các bà mẹ thường kêu lên “Nó không chịu  ăn. Có ngon bao nhiêu, dỗ dành bao nhiêu, cũng chỉ ăn có chút xíu. Không biết tại sao nữa?” Thì tại sao! Tuổi đó phải ăn quà rong mới lớn được. Tuổi đó phải nô đùa, cười nói, chạy nhảy mới phát triển. Mà các bà mẹ Huế thì cấm tiệt. Thỉnh thoảng lắm, các cô mới lén rủ nhau đi ăn chè Cồn, ăn bánh bèo Vỹ Dạ. Bún mụ Rớt thì chỉ nghe người khác khen ngon hoặc họa hoằn lắm mới liều đi ăn thử, để biết với bạn bè . Ở nhà cũng có bún, có chè, nhưng các cô không thấy ngon vì không có bạn bè cùng sì sụp với nhau. Các cô không thấy ngon vì thiếu cái khung cảnh chộn rộn của quán ăn, thiếu làn gió mát sông Hương, thiếu cây cỏ, đường đất khó khăn khi chở nhau trên chiếc xe đạp và nhất là thiếu bóng dáng mấy cậu học trò cứ lởn vởn, lượn lờ chung quanh với những lời chọc ghẹo vu vơ, bóng gió …

Tôi nhớ mãi bức tranh ông vẽ một cô, giống cô bé đã cho hai đứa chúng tôi mượn chiếc chiếu. Cô choàng khăn nhiều màu rực rỡ. Có lẽ vào mùa thu, gió thổi tung chiếc khăn, thổi tung cả mái tóc, thổi tung cả tâm hồn mới lớn, yêu người, yêu đời của cô… Và những cành lá của hàng cây bên đường cũng lao xao, rung động. Nền là bầu trời xám nhưng vẫn còn sáng lên những tia nắng rực rỡ … Vẻ mặt cô điềm tĩnh, nhưng người xem vẫn cảm nhận được những xao xuyến trong lòng cô. Một bức khác, vẽ những cô gái đi chơi xuân. Hoa nở khắp nơi, hoa nở chung quanh các cô. Hàng cây bên đường cũng sáng lên như nở hoa. Vẫn những cô gái mới lớn nhưng trông các cô vui và bối rối, như đang túm tụm, quýnh quýu với nhau. Người xem tranh cứ tưởng vì mình ngắm các cô trong tranh khiến các cô mắc cỡ nhưng vui thích. Một bức khác vẽ một cô đi học, mắt nhìn thẳng, vẻ tự tin và “xem thường bọn con trai”. Bạn có khi nào ra Huế và đứng ngắm các cô nữ sinh Ðồng Khánh đi học về chưa? Nếu bạn gặp các cô về trên con đường nhỏ trong Thành Nội thì càng thú vị. Nên thơ vô cùng. Nhưng dù gặp bất cứ đâu, cũng chẳng có cô nào thèm nhìn bạn. Có điều bạn không ngờ, chỉ một cái liếc mắt, dáng người, vẻ mặt cử chỉ bạn đã được các cô nhận biết rất rõ ràng, tỉ mỉ. Các cô còn biết bạn nhìn cô nào nhiều nhất nữa. Nhưng tuyệt đối, không có cách nào bạn gợi chuyện mà các cô trả lời. Vì hễ trả lời là các cô bị dư luận đàm tiếu ngay. Ở Huế, hàng cây bên lối đi, ghế đá công viên, đèn đường buổi tối, bờ sông lộng gió … Chúng như có mắt có tai. Cô nào gặp ai ở đó, nói gì, làm gì, tức khắc, chúng kêu lên và cả thành phố đều biết. Các cô uất ức lắm, chỉ muốn phá vỡ, đạp tung ra, nhưng không được. Vậy là các cô làm cách mạng trong văn, thơ. Những chuyện tình nóng bỏng, những giao tiếp nam nữ nồng nàn, cuồng nhiệt… Các cô tung hê, rên rỉ, chửi rủa. Và chửi rủa thẳng vào cái nề nếp cổ hủ, khắt khe, lạc hậu của dư luận xứ Huế. Ða số các nữ sĩ nổi tiếng đều là người Huế. Có một cách giải thoát nữa là các cô theo gia đình ra khỏi Huế.  Lúc đó các cô như chim sổ lồng. Các cô vui tươi, thảnh thơi, thoải mái. Các cô cùng bạn bè thả rễu trên đường phố, liếng thoắng cười nói, cãi vã, sà vào hàng quà rong, chép miệng, hít hà vì cay, vì ngon, chẳng thèm nhìn chừng chung quanh như lúc còn ở Huế. Trong sân trường, các cô chạy nhảy, đuổi bắt nhau, rồi đốp chát, cả đến chọc ghẹo các bạn trai.

Thời còn trung học, ở trong Nam, lớp bạn có cô nào người Huế không? Thật tuyệt vời. Cả lớp như hân hạnh có được cô bạn tiểu thư đến học chung. Bạn vào lớp mà lòng cứ háo hức, muốn nổi bật trước người đẹp, nhất là khi được cô ta chuyện trò với bạn bằng thứ tiếng Huế pha giọng miền Nam, thì tim cứ mềm nhũn ra! Giọng cô vừ thánh thót  vừa ngập ngừng như nũng nịu .. Nũng nịu vì biết bạn bè, cả bạn gái nữa, thương yêu, nuông chìu.

Làm việc ở Huế, tôi thường lảng vảng trước nhà cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, trên đường Trần Hưng Ðạo, nhưng hình như nhà đã đổi chủ. Không thấy cô nhưng hễ đi ngang qua là tôi vẫn dòm chừng, vừa hy vọng vừa buồn vẩn vơ. Tôi  được biết họa sĩ Ðinh Cường cũng ở Huế, ông dạy Hội họa ở trường Mỹ thuật,  và các trường Ðồng Khánh, Quốc Học, Thành Nội (Hèn chi ông vẽ các cô nữ sinh Ðồng Khánh hay quá!), nhưng tôi không quan tâm đến ông, chỉ chờ ông triển lãm tranh để đi xem mà thôi. Vả lại, mình không phải văn nghệ sĩ, tiếp xúc với họ, mình thành lạc lõng ngay. Chuyện gặp gỡ sau đây, bạn sẽ thấy các ông văn nghệ sĩ, càng tài hoa càng không giống “người phàm” chút nào.

dinhcuong de nho hue

Một buổi tối, có người bạn đánh xe đến rủ tôi vào Ðại nội thăm họa sĩ Ðinh Cường. Xe chạy qua cửa Hiển Nhơn, vào các con đường hẹp, lát đá, hai bên là tường cao, cây cối um tùm, đèn đường tù mù, vàng vọt. Ðại Nội, tức hoàng cung là nơi gia đình nhà vua ở và làm việc, nay bỏ hoang. Ban ngày, vào Ðại Nội, đã thấy vắng vẻ, ban đêm lại càng âm u như cảnh liêu trai, người lẫn lộn với hồn ma, bóng quế. Nhà hoạ sĩ Ðinh Cường ở cạnh trường Mỹ Thuật Huế, trước đây là văn phòng của hoàng đế Bảo Ðại khi ngài còn làm Quốc trưởng. Khi chúng tôi xuống xe, đã thấy trước nhà ông mấy vị ngồi quanh một cái bàn nhỏ, tay cầm một ly rượu, im lặng như mấy pho tượng. Bạn tôi giới thiệu tôi với họ, chỉ thấy họ gục gặc đầu thay lời chào. Tôi cũng làm như vậy cho hợp cách. Tôi được biết đó là những họa sĩ Văn Ðen, Mai Chửng, Hiếu Ðệ, Bửu Chỉ, Trịnh Cung… và một số nhà văn nổi tiếng từ Sài Gòn ra. Rồi ông Ðinh Cường từ trong nhà đi ra. Ông rót cho chúng tôi ly rượu, tôi cũng cầm và ngồi xuống như họ. Ngồi một lát, tôi chán, đòi về. Lúc đó ông Ðinh Cường mới nhờ tôi sáng mai, chủ nhật, đưa dùm mấy người bạn từ Sài Gòn ra, đi xem lăng tẩm, chùa chiền. Tôi nhận lời nhưng báo trước là xe tôi tệ lắm, sợ mất uy tín mấy ông mà thôi. Nguyên nhân, là khi về nhận nhiệm sở thì không có phương tiện cho ông phó (là tôi) đi công tác. Tay Quận trưởng mới lôi chiếc xe Jeep phế thải từ thời Thế chiến thứ hai ra, kêu mấy tay thợ sử máy cày đến, đục đục, gõ gõ, lui cui mấ ngày thì xe nổ máy, nhưng cái trần thì mục rã, thành một lỗ trống hoác phía trên. Sáng hôm sau, khi tôi đưa chiếc xe cà tàng đó đến thì các ông đứng sẵn ở đấy cứ trố mắt ra mà trầm trồ, suýt soa, coi bộ khoái chí lắm. Khi xe chạy, các ông chen nhau đứng lên, thò đầu qua cái trần xe thủng, nhìn phố xá, nói cười hí hửng như trẻ con. Thiên hạ đi đường nhìn các ông mà kinh ngạc. Cả đến ông cảnh sát chỉ đường trước ty Thông tin cũng đứng nhìn sững, quên cả nhiệm vụ. Nhưng khi xe ra ngoại ô, đến chùa Từ Hiếu thì các ông trở lại yên lặng. Mỗi ông đứng riêng một góc. Ông thì nhì vô chùa, ông thì ngóng ra đồi thông, ông lại quay ra mấy cái mả … Chẳng biết các ông suy nghĩ gì mà không nói với nhau tiếng nào? Tôi chán nhưng cũng đành ngồi ngáp gió, chờ các ông chứ không bỏ về được. Xem thế đủ biết các ông văn nghệ sĩ không giống ai. Nhưng cũng có nhiều người lại thích giao thiệp với họ, kiểu dựa hơi để kiếm chút thơm lây. Giống như tên đánh xe cho quan Tể tướng ngày xưa bên Tàu vậy. Người ta chào quan Tể tướng mà tên đánh xe tưởng người ta chào hắn, mặt cứ vênh lên. Thì chính tôi cũng là tên đánh xe, đang khoe nhặng lên đây nè !

Nữa, lại lạc đề rồi! Xin lỗi, tôi xin trở lại chuyện tranh thiếu nữ của họa sĩ Ðinh Cường. Năm 75, sập tiệm. Tôi đi tù rồi đi HO qua Mỹ. Xui khiến sao tôi và hoạ sĩ Ðinh Cường ở cùng tiểu bang Virginia, nhà cũng gần nhau. Ông không nhớ ra tôi nhưng tôi thì nhận ra ông vì ông trông giống hình ông Tổng thống Mỹ trong tờ trăm Ðô la.

Tôi xin phép được đến nhà ông để xem tranh.  Tranh ông bây giờ tuyệt vời hơn trước, từ bố cục, đường nét đến màu sắc. Nhất là màu sắc, ông đi màu như ông đã “ngộ ” với màu, chìm đắm, hòa nhập với màu vào tranh. Ông vẽ tranh bằng cái tâm, cái hồn của ông chứ không bằng tay, bằng cọ … khiến người xem rung động, hạnh phúc… Nhiều nhà văn, nhà thơ hải ngoại ra sách đều nhờ ông cái tranh bìa. Thơ, truyện có hay có dở, nhưng rủi mua nhằm sách dở thì cái tranh bìa Ðinh Cường cũng an ủi rất nhiều. Cái bìa lộng lẫy, sang trọng đã đáng tiền rồi.

Có lần nghe đài RFI (Pháp) phỏng vấn, ông bảo có chịu ảnh hưởng của họa sĩ Modigliani, nhất là về tranh thiếu nữ, nhưng tôi vẫn thấy tranh ông có những nét độc đáo, rất Việt Nam, rất Huế.  Hình như ông đang mở ra một hướng mới cho tranh ông. Có những bức tranh, phải vừa thưởng thức vừa suy tư để tìm xem nhân vật trong tranh đang nghĩ gì, và sẽ làm gì ?… Tuyệt vời nhất là tranh khỏa thân. Chỉ vài đường cọ, tất cả hiện nguyên một cô gái. Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Nhưng trông cô ngây thơ, hoang dã và thánh thiện đến độ người xem không thấy ham muốn gì hơn là ao ước được ôm hôn cô và cảm thấy mình cũng thánh thiện như cô. Tôi nhớ cô bé ngày xưa, nhớ tranh thiếu nữ của ông quá. Tôi đến để tìm xem, nhưng ông không còn vẽ các cô  gái mới lớn nữa mà ông vẽ các cô đã trưởng thành, nẩy nở toàn vẹn, giống như tranh phụ nữ vài thế kỷ trước. Nhưng tranh cổ điển quá khêu gợi, quá dung tục. Tranh ông kín đáo hơn. Chỉ để lộ một phần quần trắng ở chỗ mông tròn lẳn, thơm tho, như mời gọi, mà tà áo dài không che hết được. Vẻ mặt cô gái như trầm ngâm, suy tư…

Tôi nghĩ đến cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, bây giờ có lẽ cô cũng đã lớn như thế Nhưng hiện nay cô ta ra sao? Cô ta ở đâu? Cô đâu có ngờ rằng, một lần cô vô tình nhìn tôi cười mà tôi nhớ đến cô mãi.

Họa sĩ Ðinh Cường không còn vẽ tranh thiếu nữ tuổi mới lớn nữa. Ông đã để những cô bé mới lớn đó và cả những mơ mộng, nhớ nhung vẩn vơ của tôi ở lại bên kia bờ đại dương xa xôi.

Phạm Thành Châu

Trong Trí Nhớ Giòng Sông

Phan Khâm
(Cảm đề bức tranh  "River in memories HUE " của Họa sĩ Đinh Cường)

dinhcuong de nho hue

Trong trí nhớ dòng sông
Tóc em bay phiêu bồng
Giữa hai hàng phượng đỏ
Thương thương mùa hạ hồng

Trong trí nhớ dòng sông
Em chọn màu rêu rong
Áo dài đi qua phố
Ai biết đời long đong

Trong trí nhớ dòng sông
Mươn mướt hàng mi cong
Lối em về Thôn Vỹ
Vườn cau vừa trổ bông

Trong trí nhớ dòng sông
Chín đợi đến mười mong
Qua cầu nghe nức nở
Tiếng ve chiều Kim Long

Trong trí nhớ dòng sông
Em đan suốt mùa dông
Ai đó về An Cựu
Có nắng đục mưa trong

Trong trí nhớ dòng sông
Ôi xa vắng mênh mông
Lối xưa thành quách cũ
Còn rải vàng phấn thông

Trong trí nhớ dòng sông
Đưa em xuống thuyền rồng
Bao cuộc đời nhung lụa
Có có rồi không không

Trong trí nhớ dòng sông
Mờ mịt sắc cầu vòng
Mưa Huế nhiều chi lạ
Nước phân chia trăm dòng.

Phan Khâm

Trận Tuyết Mùa Xuân Bất Ngờ

Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

snow_0

– 1 –

Trong suốt hai mươi năm Osugi làm chủ một trà thất, chưa bao giờ xảy ra một việc như vậy trước đây.

Hoàng hôn đang xuống. Những cơn gió lạnh mùa đông không ngừng thổi, bứt đi và tung rải ra những chiếc lá vàng cháy cuối cùng của cây zelkova ở bên hông trà thất. Người đàn bà đến từ hướng Futatsuya trên xa lộ Tôkaiđô, trông giống như đang bị cơn gió săn đuổi. Bà ta ngồi sụp xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất.

– Chào bà. Mừng bà chiếu cố trà thất của chúng tôi.

Osugi đang nghĩ đến việc đóng cửa, nhưng bây giờ nàng sẵn sàng rời chỗ ngồi bên lò sưởi và hối hả bước ra cửa.

Vào khoảng thời gian này hàng năm, dòng người hành hương đến Enoshima và Ôyama đột ngột ngưng lại, và khung cảnh trở nên yên tĩnh cho đến cuối năm. Vào mùa bận rộn, những người có sức khỏe đều rời Edo vào sáng sớm, đến các quán trọ ởFujisawa trên xa lộ Tôkaiđô trước khi trời tối và nghỉ đêm ở đó. Sáng hôm sau, họ đi lễ tại đền thờ thần tài – Banzai-ten – trên Enoshima, và đi ngang Fujisawa lần nữa trước khi trực chỉ Ôyama.

Tương đối ít người chọn phía lề đường đi ngang Tsujiđô, nơi trà thất tọa lạc. Dầu sao thì trà thất chỉ cách Enoshima có nửa dặm, vì vậy những người đi từ Enoshima để hành lễ tại Ôyama có thói quen đi gấp mà không dừng lại. Những người dừng chân nghỉ là những người già yếu đến từ hướng khác, từ Ôyama đến Enoshima, họ hưởng vội đôi phút nghỉ ngơi trước khi rảo bước trên bờ Vịnh Sagami để sang Enoshima ở phía bên kia.

Cái quán trà nhỏ không có nhiều khách hàng, nhưng Osuji đã cai quản nó từ khi mười chín tuổi và kết hôn với Kumazô, một người vác kiệu tại những quán trọ ở Fujisawa. Trước kia còn có bà mẹ chồng phụ giúp, bây giờ chỉ còn một mình.

– Hôm nay gió quá. Trời lạnh thật bất ngờ. Hẳn là bà phải mệt lắm.

Nói với giọng ấm áp, Osugi bước tới gần người khách hàng và nhận ra người đàn bà gập mình khó chịu, bám lấy một cây gậy tre với hai vai nhô lên. Người đàn bà ăn vận theo cách đi đường xa: một chiếc khăn tay được cột quanh đầu để chống gió, một chiếc giỏ tre bọc trong một miếng vải buộc ở lưng, cuốn xà-cạp, và bọc kín cổ tay và cánh tay. Nhưng trông bà không có vẻ là một người đi hành hương đền thờ ở Enoshima. Osugi liếc nhìn khuôn mặt và thân hình gầy còm của người đàn bà, và nghĩ rằng bà ta trẻ hơn mình, có lẽ là một thiếu phụ ở giữa lứa tuổi ba mươi. Bà ta có vẻ hoàn toàn suy kiệt.

– Tôi sẽ bưng trà nóng mời bà ngay. Bà sẽ bị lạnh ở ngoài ấy, xin mời bà vào bên trong.

Osugi nói qua vai người đàn bà trong khi quay vào trong để rót nước trà đậm và bưng nhanh ra ngoài cho người khách lạ.

Người thiếu phụ vẫn ngồi trên chiếc ghế dưới mái hiên trà thất, ngửa mặt nhìn Osugi để cảm ơn. Mái tóc rối ướt đẫm mồ hôi, và xõa xuống mặt với hai xương gò má nhô lên. Mặt bà đỏ bừng và vẫn còn thở một cách khó khăn. Osugi đặt tách trà bên trong quán và bước ra để nắm tay thiếu phụ và giúp bà đứng dậy.

Osugi kêu lên trong nỗi ngạc nhiên.

– Trời, bà sốt thế này!

Dưới bàn tay của Osugi, vai người thiếu phụ nóng bỏng và xương bả vai sắc nhọn dưới lớp áo kimono bằng vải phủ bụi đường.

Người thiếu phụ chống chế, nói rằng sẽ lại sức sau một lúc nghỉ ngơi, và tỏ ra không muốn làm phiền Osugi. Nhưng, Osugi trải một chiếc nệm trong căn phòng nhỏ bên cạnh phòng chứa đồ, giúp thiếuphụ cởi đôi dép rơm và đặt bà nằm lên giường. Nàng làm mát trán người thiếu phụ với một chiếc khăn ướt.

– Tên tôi là Okiku. Tôi đến từ Gotemba và đang trên đường tới thủ đô. Tôi rất tiếc đã làm phiền bà như thế này.

– Không có gì phiền cả, bạn thân mến. Sao bà không nghỉ lại đây đêm nay?

– Nhưng tôi không thể…

– Hãy ngủ yên một đêm, và cơn sốt của bà sẽ hạ xuống. Sáng mai bà sẽ khoẻ lại. Chỉ có tôi và chồng tôi ở đây, vì vậy bà không cần phải bận tâm về bất cứ điều gì.

Okiku, như bà tự gọi, cảm ơn Osugi lần nữa. Đôi mắt bà không chỉ đẫm lệ, mà còn sưng lên vì cơn sốt. Bà có vẻ thư dãn và nhắm đôi mắt lại. Bà không đẹp, nhưng có khuôn mặt tươi tắn phúc hậu, giờ đây trở nên xanh xao đáng thương với hai quầng đen bên dưới cặp mắt. Okuki không có vẻ là bị đau ốm bất ngờ, và đã quyết định đi Edo mặc dù sức khỏe yếu kém.

Đàn bà không đi xa một mình, và Osugi thắc mắc về lý do cuộc hành trình của Okiku.

Osugi đóng những tấm cửa gỗ của trà thất, rồi bắt đầu sửa soạn bữa ăn tối cho chồng và một ít cháo cho Okiku. Khi trời tối, gió thổi mạnh hơn bao giờ. Căn phòng của Okiku yên lặng giữa tiếng lay chuyển của cây zelkova to lớn và tiếng rung đập từng hồi của những tấm cửa gỗ. Osugi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa đỏ trong lò sưởi, băn khoăn về người đàn bà đau yếu. Nàng vẫn thường nhìn sâu vào những ngọn lửa, thả hồn trong suy tư, nhưng bây giờ ngọn lửa có vẻ thật qúy và bình yên đến nỗi nước mắt Osugi ứa ra vì xúc động với vận may của chính mình.

Osugi có thể đã mất ba đứa con vì bệnh tật khi chúng còn nhỏ, nhưng nay con trai đầu lòng của nàng đã mười chín tuổi và làm việc tại một lữ quán ở Enoshima, đứa con gái mười lăm tuổi đang học việc tại một tiệm làm bánh đậu ở Fujisawa. Nàng thực sự không có gì để phải lo âu. Cho đến hai năm trước trước đây, Osugi vẫn còn săn sóc bà mẹ chồng khi bà phải nằm một chỗ vì bại liệt. Mẹ già Ofuku được đưa đến cho Osugi, và vui lòng có một nàng dâu để được chăm sóc. Bà là loại người không làm hại bất cứ cái gì, ngay cả khi bắt được một con rận bà cũng chỉ thích thả nó vào một thùng nước. Ngay trước khi chết, bà chắp hai tay co quắp trước ngực như thể đang cầu nguyện, và cảm ơn Osugi. Mùa xuân này là giỗ thứ hai của bà. Chồng của Osugi, Kumazô, lớn hơn nàng bảy tuổi. Anh thích uống rượu, và vẫn còn hay đấm nhau với những người vác kiệu khác. Nhưng, anh là một người tốt có cá tính mạnh, và chăm lo cho Osugi. Họ nghèo, nhưng cái quán bán nước trà đủ bảo đảm cuộc sống cho họ.

Mùa xuân tới đây, Osugi sẽ được bốn mươi tuổi. Nàng chưa bao giờ đi cúng chùa ở Ôyama, chưa tới Edo, nhưng thỉnh thoảng nàng cố thu xếp để đi viếng ngôi đền ở Enoshima. Như vậy là đủ cho Osugi, và nàng không bao giờ cảm thấy thôi thúc phải đi xa.

– Phải chăng tôi là một người đàn bà không ham muốn? – Nàng thắc mắc, tự hỏi.

Nàng mỉm cười với hình ảnh hài hước của mình trong khi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa bập bùng.

Khi cháo chín, Osugi bưng vào cho Okiku. Nhưng, Okiku không muốn ăn, và chỉ cố đưa đôi đũa lên môi một hay hai lần. Cơn sốt của bà còn cao. Osugi ăn tối một mình. Mãi khuya Kumazô mới trở về nhà trong cơn say rượu.

Nghe Osugi báo tin về người khách lạ, Kumazô liếc vào căn phòng nhỏ qua chỗ rách trên tấm cửa giấy. Mặt đỏ gay vì rượu, anh tặc lưỡi.

– Bà định làm gì đây, vác lấy một phế nhân à?

– Hạ cái giọng ông xuống!

Osugi kéo tay áo chồng và rít giọng.

– Tôi định hỏi, tôi có thể làm gì nữa?

– Ờ, tôi nghĩ là tốt hơn bà nên làm cái gì bà cảm thấy thích hợp. Còn tôi, tôi đi lên giường ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Kumazô rời nhà đi làm như thường lệ. Cơn gió đã ngưng thổi trong đêm, và một lớp sương giá trắng đã bám trên tấm thảm lá rải rác bên ngoài. Suốt đêm qua, Osugi đã thức dậy không biết bao nhiêu lần để chăm sóc Okiku, đem thuốc bắc sắc cho bà, thay nước trong chậu, làm mát trán bà với một chiếc khăn ướt. Nhưng, cho đến sáng cơn sốt không hạ giảm, và Okiku nằm liệt trên giường, suy kiệt. Xế trưa, Osugi mời một bác sĩ tới khám cho Okiku, nhưng ông ta chỉ lắc đầu. Trước khi ra về, ông ta bảo Osugi báo tin cho các viên chức trong tỉnh, hoặc tỉnh nhà của người bệnh. Quán trà có nhiều khách nên phải tới xế chiều Osugi mới lại quỳ một lần nữa bên chiếc gối của Okiku.

Okiku nhướng đôi mắt nửa nhắm nửa mở, với một tay tới cái giỏ tre nhỏ bọc vải bên cạnh chiếc gối và cố ngồi thẳng dậy trong khi thì thào những lời nói sảng:

– Tôi phải đi gặp Isuke.

– Không thể được đâu, bạn ạ, với tình trạng như thế này của bà.

– Osugi cúi mặt bên tai Okiku để hỏi – Isuke là một chàng trai ở Edo ư?

Okiku mở hai mắt và níu hai tay Osugi:

– Tôi biết tôi đang đau, nhưng tôi vẫn đi được! Tôi phải gặp Isuke khi tôi còn sống.

Okiku mỉm cười yếu ớt.

Bà khởi đầu kể về câu chuyện của mình, với giọng khỏe như đang vắt hết những giọt sức lực cuối cùng trong người. Và đây, nói một cách nôm na, những gì Okiku đã kể.

Tại Gotemba, một tỉnh nổi tiếng về nghề thủ công làm giỏ đan bằng tre, Okiku đã gắn bó sâu xa với Isuke, một thợ thủ công làm đồ bằng tre, khi anh ta hai mươi mốt tuổi và Okiku mười bảy. Họ thề thốt với nhau rằng một ngày kia họ sẽ trở thành vợ chồng, nhưng khi Okiku mười chín tuổi Isuke bỏ đi Edo, hứa hẹn sẽ lập gia đình với nàng một khi anh ta đạt tới đẳng cấp bậc thầy thủ công nghệ chuyên ngành về những giỏ tre hay những hộp sơn mài. Sau đó, họ viết thư cho nhau trong ba năm, nhưng rồi suốt mười lăm năm nàng không được tin gì về chàng. Dù vậy, Okiku vẫn tiếp tục chờ đợi.

Thế rồi, mới mười ngày trước đây, Okiku nghe tin đồn rằng Isuke vẫn còn ở Edo, làm việc trong một cửa hàng bán những hộp sơn mài tên là Yashuya tại Kyôbashi Yazaemonchô. Okiku quyết định làm một cuộc hành trình đơn độc dù đang đau yếu, và gạt sang một bên tất cả sự chống đối của những người chung quanh.

Một lần nữa Okiku xê dịch bàn tay gầy guộc về phía chiếc hộp bên cạnh gối. Osugi giúp gỡ bỏ lớp vải bọc bên ngoài.

– Chiếc giỏ tre nhỏ này – Okiku nói, mấy ngón tay vuốt ve cái giỏ – là của Isuke để lại cho tôi khi anh đi Edo. Anh tự làm nó đấy.

Khi nói như vậy, người đàn bà ở giữa lứa tuổi ba mươi mỉm cười như một cô gái nhỏ.

– Tôi là một con già khờ dại. Nhưng không sao. Bà quá tử tế với tôi, và nếu tôi phải chết trên đường đi, ít nhất tôi cũng có chiếc giỏ của anh ấy bên mình.

– Okiku, đừng nói dại.

– Tôi rất tiếc đã gây quá nhiều phiền nhiễu cho bà…

Okiku nhắm mắt lại, và một khoảnh khắc sau thở hơi cuối cùng. Bàn tay đặt trên chiếc giỏ tre buông lỏng xuống sàn, và bà nằm bất động.

Những tia nắng sớm của mặt trời vào đầu mùa đông chiếu sáng những tấm cửa lùa bằng giấy, nhuộm chúng thành màu đỏ như máu, và chói lọi trên gương mặt chết tái nhợt của người đàn bà.

– 2 –

Trong chiếc giỏ tre nhỏ có chiếc kimono may bằng tay cho đàn ông còn mới nguyên và bằng vải có nền sọc theo kiểu Komochijima. Trong chiếc giỏ cũng có vài món đồ trang sức và những đồ dùng cho chuyến đi xa của Okiku. Có lẽ Okiku đã may vội chiếc kimono cho Isuke mặc dù đang đau. Những đường kim mũi chỉ của chiếc kimono là những tình cảm của người đàn bà trong mười tám năm chờ đợi.

Người đàn bà quá vãng mang theo mình tờ giấy phép đi đường của một ngôi đền tại Gotemba nên Osugi quyết định giao trả mọi thứ cho vị trưởng giáo tại Honryuji, một ngôi đền kế cận. Khi một lữ khách chết trên đường đi, ngôi đền địa phương sẽ nhận lãnh thi thể, làm lễ cầu siêu, và báo tin cho giáo khu nơi cư trú của người chết. Osugi cũng yêu cầu gửi trả những vật tùy thân của Okiku, nhưng quyết định giữ lại chiếc giỏ tre và cái áo kimono của người đàn ông. Nàng cảm thấy muốn tự tay trao những di vật này cho Isuke, kẻ đang làm công tại một tiệm bán hộp sơn mài ở Edo, dựa theo tin tức đã được cung cấp.

Chiếc giỏ tre được nói là do Isuke làm là một món đồ đan bằng tre tầm thường. Nó không có vẻ gì là một tác phẩm xuất sắc, dù là dưới mắt Osugi. Nhưng, hình như Okiku đã dùng chiếc giỏ này rất cẩn thận trong nhiều năm, vì những góc cạnh vẫn còn nguyên không bị hư hại, và mặt tre lên nước do chất béo từ những ngón tay làm cho nó thành màu vàng hổ phách bóng láng như tình yêu của Okiku. Ít nhất một lần mỗi ngày, Isugi sờ vào chiếc giỏ tre một cách nhẹ nhàng, vuốt ve nó như chính nàng là Okiku đã mơn trớn nó mỗi ngày khi còn sống.

– Hồn vía bà hồi này có vẻ như ở đâu đâu. Quên người đàn bà ấy đi cho rồi. Bà đã đối xử tốt với bà ta. Không ai như bà, bận tâm đến một chuyện không đâu quá lâu như thế.

Kumazô nói như vậy. Nhưng vào lúc đêm khuya, trước khi Kumazô trở về nhà vào những lần công việc vác kiệu bắt phải đi xa, Osugi tự nhận ra mình đang lắng nghe ngọn gió bắc, tay vuốt ve cái giỏ tre và thì thầm trong lòng. “Chưa bao giờ trong suốt cuộc đời ta chỉ nghĩ đến một người đàn ông quá lâu như Okiku đã làm.”

Hình như Osugi có một mối ưu phiền lớn không nguôi – không phải vì nàng thiếu hạnh phúc với Kumazô về bất cứ phương diện nào.

“Tôi băn khoăn không hiểu Isuke là loại người như thế nào…Nhưng, đây là điều kỳ lạ đặc biệt. Tôi, sắp sửa bốn mươi tuổi, và đang có những ý nghĩ như vậy!” Osugi tự nhủ.

Những ngày mùa đông qua đi. Quán trà bận rộn vào cuối năm và đầu năm mới, với những lữ khách trên đường lui tới các ngôi đền ở Enoshima hay Ôyama. Công việc chỉ ổn định lại sau tuần lễ đầu tiên của năm mới.

Năm mới này cũng là sinh nhật thứ bốn mươi của Osugi, và nàng nói với Kumazô rằng nàng muốn đi Edo. Nàng bảo muốn ngắm cảnh thành phố và thăm đền Asakusa ít nhất một lần trong đời, và trong khi đó muốn giao trả cái giỏ tre và chiếc kimono. Kumazô đáp rằng nếu việc ấy đem lại sự bình ổn cho tâm trí nàng thì có thể đi một mình. Đây không phải là một cuộc hành trình thơ mộng. Nếu đi nhanh, nàng có thể tới đó và trở về trong đôi ngày, nghỉ đêm tại Edo.

Osugi ra khỏi nhà trước bình minh, với Kumazô tiễn chân vợ lên đường. Ăn vận thích hợp, Osugi đi dọc theo xa lộ Tôkaidô trong ánh nắng dịu dàng đầu xuân, băng qua những tỉnh lẻ Totsuka, Hodogaya và Kanagawa, và nhận ra đang vui hưởng chuyến du hành một mình đầu tiên chưa bao giờ trải qua trong đời. Nàng đã để chiếc kimono sọc do Okiku may vào trong cái giỏ tre do Ikuse đan, bọc bên ngoài bằng một tấm vải vuông và buộc vào lưng giống như Okiku đã làm. Điều đó khiến Osugi khích động, giống như chính nàng thay vì Okiku đang đi tới gặp một người đàn ông. Nhưng Isuke là một con người không tim đã bỏ rơi Okiku trong mười lăm năm dài. Có thể anh ta đã kết hôn với người đàn bà nào khác, và đang nuôi dưỡng một gia đình.

“Ta có nên nhân danh Okiku, nói cho anh ta biết cảm nghĩ của một phụ nữ bị bỏ rơi và thêm vài ý nghĩ của chính mình…”, Osugi tự hỏi.

Osugi ăn trưa với đồ hộp ở Kawasaki, và bầu trời trở nên u ám từ khi nàng đi trên cầu Rôkugô. Vào lúc nàng đi ngang Shinagawa, một trận tuyết nhẹ bắt đầu rơi. Phản ảnh sự thay đổi của thời tiết, tâm trí Osugi mang đầy nỗi oán hận Isuke. Nàng tiếp tục bứơc đi vào ngay khu vực thị tứ của Edo, không cả cảm thấy mệt mỏi, và bây giờ đang vui thích với chuyến đi một mình của nàng.

Trời đầy gió bụi, và tuyết bắt đầu rơi xuống thật sự khi Osugi tới Yashuya ở Yazaemonchô. Yashuya là một cửa hàng lớn, với nhiều rương hộp sơn mài, cả lớn lẫn nhỏ, được trưng bày bên trong. Có những hộp bằng tre lớn và dài, những hộp đan có ngăn kéo. Có rương và một cặp hộp bằng tre để buộc một đầu và khoác trên vai.

Có những hộp tre để vác. Có những chiếc hộp để ở góc nhà, loại hộp lớn để đựng quần áo, thùng đựng sách, và nhiều loại nữa.

Được một người học việc ra tiếp, Osugi cho biết lý do cuộc thăm viếng, một người đàn ông lớn tuổi trong đám thợ đan giỏ trong căn phòng lớn có sàn gỗ nhìn lên và nói:

– Nếu bà đi tìm Isuke, anh ta không có ở đây lúc này.

– Ơ…

– Anh ta là một thợ thủ công giang hồ. Hắn ở tiệm này một dạo vào mùa thu, nhưng không bao giờ tính chuyện ổn định. Thằng cha ấy là một tay thợ vụng, nhưng điều kỳ cục là dường như hắn lại có đầu óc của một bậc thầy.

– Vậy anh ấy không làm ở đây nữa à?

– Thỉnh thoảng hắn tới đây với những rương hộp do hắn làm.

– Bây giờ anh ấy ở đâu?

– Có thể ở dãy nhà trong con đường hẻm ở Shamisen Bori.

Chắc vì tội nghiệp Osugi đã tới cửa hàng trong cơn tuyết đổ, người thợ thủ công già bước ra cửa tiệm và chỉ dẫn đường đi tới Shamisen Bori.

Sau tám giờ tối Osugi mới tìm ra chỗ ở của Isuke trong con đường hẻm, chân nàng lội ngập trong tuyết giờ đã dày tới mười phân tây. Nàng có ý tới gặp Isuke và định sẽ đi tìm chỗ nghỉ đêm sau cuộc gặp mặt.

Nơi Isuke ở là một chỗ trọ hai phòng trong một dãy nhà hư hỏng, với ánh sáng chiếu qua những cánh cửa lùa ở lối vào.

– Xin lỗi, – Osugi gọi to, hạ chiếc nón tre phủ tuyết trên đầu.

Nàng khó nhận ra giọng nói của mình, nó như thật căng và sắc. Nàng bất chợt tự thấy hối tiếc đã đến đây đường đột như thế này. Và, đồng thời cũng cảm thấy sự hiện diện của nàng ở đây có thể an ủi linh hồn Okiku, và có thể giúp nàng xếp lại ký ức về người đàn bà ấy.

– Ai đấy? Ai thì cũng xin mời vào. – Một người đàn ông trả lời sau một thoáng yên lặng.

Osugi phủi tuyết bám trên chiếc kimono và bước vào cửa tiền bẩn thỉu chật hẹp, cúi gập mình và nói:

– Tôi từ Tsujimo đến, và tên là Osugi. Hẳn ông là Isuke.

– Ờ, vâng, chính tôi…

Isuke ngồi trên một chiếc chiếu rơm trải trên sàn gỗ. Hình như anh ta đang uống rượu, và một chai sakê rẻ tiền đang nằm trong tay khi anh nhìn Osugi một cách nghi ngại. Anh ta gầy như một cái gắp than, và hình như vào khoảng bốn mươi tuổi.

“Vậy ra đây là Isuke…Anh ta đang rung động!” – Osugi tự nhủ.

Anh ta có vẻ không giống một người đàn ông chải chuốt, hay vô tình, hoặc là cái gì khác như Osugi đã tưởng tượng. Tim nàng đập mạnh và nàng sợ Isuke, những cảm giác khiến nàng ngạc nhiên về chính mình. Qua tấm màn rách treo bên giường, nàng có thể nhìn thấy chiếc giường ngủ đã được xếp lại và một cái hộp đan dở dang bên cạnh ngọn đèn dầu. Có rất nhiều miếng tre róc và gỗ mỏng bỏ rải rác khắp phòng khiến Osugi khó mà tìm được một chỗ để đặt chân, và cũng nhận ra mùi sơn mài. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì không thấy dấu vết của sự hiện diện của một phụ nữ.

“Anh ta ở một mình trong căn nhà này và làm giỏ tre.” – Osugi tự nhủ thầm.

– Bà muốn gì đây, người đàn bà xa lạ này? – Isuke hỏi với nụ cười méo mó, trong lúc Osugi nhìn quanh mà chưa nói ngay nàng đến đây làm gì.

– Ồ, xin lỗi.

Osugi cũng mỉm cười để che giấu sự bối rối. Họ cười và nhìn vào mắt nhau.

“Anh ta có đôi mắt thật đẹp!” Osugi kêu thầm.

Trước đây, chưa bao giờ nàng thấy cặp mắt đẹp như vậy nơi một người đàn ông. Thân hình xương xảu của anh ta có vẻ suy yếu, nhưng nụ cười hóm hỉnh giống như của một thằng con trai vừa bắt được một con côn trùng và không biết có nên thả ra hay không.

Osugi thu góp sức lực và bắt đầu nói về Okiku. Isuke trông xúc động, và nói:

– Mời bà bước vào trong phòng. Xin lỗi vì tôi không đốt lửa sưởi.

Anh ta bước tới cái lò trong bếp, và đứng đó như sẵn sàng châm lửa. Osugi ngăn cản anh ta bằng cách nói nàng sẽ đi ngay, rồi đi vào câu chuyện của nàng trong lúc ngồi xuống bực cửa giữa lối vào và căn phòng. Isuke ngồi xuống sàn lần nữa với hai tay đặt trên đầu gối, lắng nghe trong yên lặng. Nhưng, khi Osugi đẩy tới trước cái giỏ tre đựng chiếc kimono bằng vải, Isuke liếc nhìn rồi quay đi chỗ khác và nói:

– Tôi hiểu rồi. Okiku là…

Anh nhắm mắt yên lặng một lúc rồi nói:

– Cảm ơn bà đã tới đây trong cơn tuyết đổ chỉ để đưa cho tôi vật này. Nhưng, bà phải tự nhìn nhận…là con người hơi đa sự một chút, phải không?

Anh ta phun ra phần cuối cùng của những lời thì thầm, hầu như đang nói với chính mình. Osugi cảm thấy bị xúc phạm. Vậy là cuối cùng anh ta đã để lộ nguyên hình. Máu dâng lên trong huyết quản, nàng cố dằn nén để đừng buông ra những lời buộc tội người đàn ông không trung thành. Nhưng, trong khi nhìn anh ta với sự phản đối trong mắt, nàng nhận ra người đàn ông này đã nói đúng: điều nàng đã làm quả là táo bạo, là hành động của một phụ nữ trung niên đã đi quá xa.

– Vâng, tôi cho rằng đã đến lúc phải đi…

Osugi nói với giọng dằn nén và nghe một cảm giác trống rỗng không diễn tả được. Và cũng khó mà chịu được cái nhìn thương hại của người đàn ông với một bên vai nhô cao và cái đầu treo lơ lửng một cách buồn thảm.

Nàng quay lưng lại người đàn ông và mở cánh cửa lùa. Trong bóng tối của con đường hẻm, những bông tuyết đang rơi xoáy xuống mạnh hơn trước.

– Xin bà đợi một chút.

Osugi nghe giọng Isuke khản đục.

– Trong cơn tuyết nặng như vầy, bà sẽ không kiếm được bất cứ chỗ nào để nghỉ đêm đâu. Mọi quán trọ giờ này đều đã đóng cửa hết rồi.

– Nhưng, tôi phải đi.

Isuke lại nói trong lúc Osugi vẫn quay lưng về phía anh ta:

– Tên bà là Osugi, phải không? Tôi không buộc bà phải ở lại nếu bà không muốn, nhưng xin nói cho tôi thêm một chút nữa về Okiku.

– 3 –

Isuke đốt lửa sưởi cho Osugi, xếp những lát tre vào chiếc thùng sắt rỗng. Osugi không có nhiều lắm để nói về Okiku. Isuke không uống thêm rượu sakê, và gần như hoàn toàn bật động trong yên lặng.

Nhưng rồi anh ta nói:

– Tôi sẽ thức suốt đêm nay để làm cho xong cái hộp đan này, vì vậy bà khỏi bận tâm về tôi và xin cứ vào giường nghỉ.

Isuke nhanh nhẹn dọn chiếc giường duy nhất, kéo tấm màn che quanh giường, rồi đi tới ngồi nơi một góc phòng quay lưng lại Osugi.

Âm thanh từ những phần khác của dãy nhà dài thỉnh thoảng có thể nghe được, nhưng đã trở nên yên lặng từ lâu. Trận tuyết mùa xuân tiếp tục rơi một cách ồ ạt không ngừng.

Osugi quyết định nằm xuống với tất cả quần áo trên người. Nàng không ăn tối và bắt đầu cảm thấy đói nhiều đến nỗi nghĩ chắc không thể ngủ được, nhưng định bụng sẽ nằm cho đến khi trời sáng.

– Thật tội nghiệp cho Okiku, nhưng tôi đã say mê tre như bà thấy đó.

Isuke nói, như đang chuyện trò với chính mình, phá vỡ sự im lặng với cái lưng vẫn quay về Osugi. Rồi, từng chút một, anh ta bắt đầu nói về chuyện của mình.

– Không phải không có những người đàn bà khác sau Okiku. Và đúng là tôi đã bỏ rơi nàng, không có gì thay đổi được điều đó. Nhưng, tôi lang thang từ nơi này tới nơi nọ, nhìn ngắm tre, sờ mó nó, và trở nên đam mê…Và càng đam mê bao nhiêu, nó càng trở nên khó hiểu cho tôi bấy nhiêu…Một khúc tre hay gỗ có một mặt hướng về mặt trời và một mặt ở trong bóng tối, bà biết chứ. Tôi biết điều đó từ khi còn là một đứa bé để mũi thò lò. Vậy mà khi đến Edo như một thợ thủ công, tôi khám phá ra là đã không biết một điều. Osugi, khi so sánh cái mặt có ánh nắng và mặt trong bóng tối, mặt nào bà nghĩ là mềm dẻo và mạnh?

Lời nói thật bất ngờ. Osugi cảm thấy cơ thể căng lên trong bóng tối vì Isuke nói với mình và đáp:

– Vâng, bây giờ tôi không rõ.

Giọng Osugi thật trẻ như của một cô gái khiến nàng ngạc nhiên. Sau một thoáng suy nghĩ, nàng nói:

– Mặt mạnh chắc là mặt trong bóng tối hướng về gió bắc. Và mặt mềm là mặt quay ra ánh mặt trời, phải không?

Thật ra, trước đây chưa bao giờ nàng nghĩ tới cái mặt hướng bắc và mặt hướng nam của cùng một khúc tre lại có những đặc tính khác nhau.

– Tại sao bà nghĩ như vậy?

– Ơ, lạnh và sự bất lợi trong bóng tối làm cho mặt tối cứng mạnh. Và mặt tiếp nhận ánh nắng phát triển dễ dàng. Có phải vậy không?

– Bà nói đúng đấy, Osugi.

– Một nửa.

– Mặt có ánh mặt trời mạnh và cũng mềm dẻo. Mặt tối trở nên cứng và dòn. Con người cũng vậy. Sống trong bóng tốt không tốt. Nó làm cho ta thành cứng khô và méo mó. Hãy nhìn tôi đây, đang ở tuổi bốn mươi và như thế này đây.

Isuke cười thành tiếng như một cách tự chứng minh.

Osugi chân thật nói:

– Không hẳn như vậy. Luồng gió bắc khắc nghiệt làm cho anh mạnh mẽ. Những người chỉ đi trong ánh mặt trời trở thành khô kiệt và kiêu căng, và tôi không thích họ.

– Điều ấy có thể đúng với loài người. Nhưng không đúng với tre hay gỗ. Đó là điều tôi thích ở chúng. Chúng có thể ở trong ánh mặt trời mà không trở thành kênh kiệu với sự quan trọng của chúng. Chúng tiếp nhận những tia nắng và lớn mạnh. Cây lớn lên đầy những cành và ngạnh làm cho chúng vững mạnh. Ta cần đối xử với cả tre và gỗ giống như khi chúng ở trong thiên nhiên. Nếu ta hạ một cái cây đã sống trên núi một ngàn năm và chỉ dùng để làm một cái cột nhà, cái nhà ấy cũng sẽ đứng vững trong một ngàn năm.

Mặc dù cai quản một trà thất có nghĩa là được nghe về đủ thứ chuyện, nhưng đây là lần đầu tiên Osugi được nghe về những điều này.

– Và tre cũng như vậy à?

– Với những cây tre già ba năm hay năm năm, vấn đề là ta đừng xáo trộn mặt có ánh nắng và mặt tối của những lát tre, một hộp sơn mài hay một giỏ đan có thể tồn tại hai trăm hay ngay cả ba trăm năm.

Isuke quay lại đối diện với Osugi và lần đầu tiên mỉm cười sung sướng. Anh ta có vẻ như là một người khác.

– Nhưng, Osugi ạ, để có thể cầm một lát tre lên và qua cảm giác mà nói được nó thuộc phiá mặt trời hay phía bóng tối, phải mất ít nhất là mười năm học hỏi. Rồi dựa vào cảm nhận ấy, ta phải làm nhiều phán định trong việc đan tre. Không ai có thể dạy ta điều đó, và ngay cả nếu ta có thể làm được điều đó cũng không phải như vậy là đã trở thành một tay thủ công bậc sư đâu. Sau khi được luyện nghề khoảng mươi năm, người ta sẽ ba hoa như là một tay thợ thủ công có đẳng cấp, nhưng mà không có bao nhiêu người có thể

đan tre như cách nó lớn lên. Và trong trường hợp những hộp sơn mài, ta che phủ tre bằng giấy và sơn mài làm cho nó khó thở. Điều đó mới lại càng khó khăn hơn.

– Anh đang nói rằng những giỏ tre và hộp sơn mài hít thở à?

– Đúng vậy, Osugi. Người ta nói một cây tre mềm không bị gãy dưới sức nặng của tuyết. Nhưng, ngay cả một thanh tre thoạt trông có vẻ tốt, đừng bị đánh lừa. Tre là vật sống động, và nó đặt loài người chúng ta vào cuộc xét nghiệm. Một thợ thủ công với hai bàn tay đẹp là điều ngu ngốc. Không có gã nào với bàn tay sạch sẽ lại là một thợ thủ công thật sự.

“Với phụ nữ cũng vậy. Một ngưoi đàn bà với hai bàn tay đẹp không bao giờ biết đến sự khó nhọc.” Osugi thầm nghĩ.

Isuke tiếp tục nói với vách tường:

– Một khi bà cầm lên một thanh tre, và sau khi biết nó được trồng ở đồng bằng hay trên sườn một ngọn núi, rồi bà đan nó giống như bà là ánh mặt trời chiếu xuống nó hay là ngọn gió thổi qua nó. Một thợ thủ công kiên trì sẽ đan nó theo cách kiên trì, và một kẻ xốc nổi sẽ đan nó theo kiểu xốc nổi. Tại Yashuya có một thợ thủ công già tên là Matsu-san. Lão khởi sự làm việc trước khi mặt trời mọc, và lúc những người khác trong tiệm thức dậy, lão đã hoàn tất phần lớn công việc, đi tắm, hớp nhanh ly rượu, và ăn điểm tâm. Lão ăn vội vã, và trở lại làm việc ngay. Kiểu cách của ông già ấy trông có vẻ là một tay thợ cần mẫn, được coi là xuất sắc. Nhưng, nếu bà hỏi tôi, cho dù bà có thể làm xong công việc của ba người khi mặt trời còn cao, đó chỉ là sự mau lẹ và làm xong công việc. Đó không phải là một tay thủ công bậc thầy.

Osugi cảm thấy vui thích nhìn Isuke trở nên phấn chấn và nói năng lưu loát như một chuyên gia.

– Ồ, tôi thắc mắc không biết có phải là ông già ấy không. Chính ông ta đã nói anh là một người vụng về và giả vờ như là một tay thủ công bậc sư đấy. – Nàng nói và cười, liếc nhìn Isuke qua chỗ rách trên tấm màn che giường ngủ.

– Vụng về và giả vờ như một thủ công bậc sư không phải là tôi.

– Isuke đáp một cách nghiêm chỉnh – Tôi đã bốn mươi tuổi, và vẫn chưa đan được một món đồ tôi thích. Tôi không thể kiếm được việc làm tại bất cứ tiệm nào, vì vậy phải trôi nổi hết nơi này tới nơi khác như một ngọn gió khô, làm việc như một thợ thủ công lang thang có chút tay nghề. Đó là cái loại người bất hạnh vô giá trị mà tôi tự nhận là mình.

Isuke có vẻ khích động vì những lời tự bôi đen chính mình và chợt im lặng. Rồi nói:

– Nhưng, bà nên ngủ đi một chút.

Bỗng, Isuke chạy ra con đường hẻm.

Trong tiếng tuyết rơi không ngừng, có tiếng người xối nước tắm từ phía cái giếng. Một lát sau, Isuke trở lại, làm như đã quên sự có mặt của Osugi, ngồi thẳng lưng trước cái hộp sơn mài đang làm dở, với cái khăn vắt chéo vòng quanh đầu. Chiếc hộp này dài khoảng một thước và rộng độ sáu mươi phân tây, được dùng như một cái rương để đựng quần áo.

Đã quá nửa đêm từ lâu, và căn phòng trở lại yên tĩnh. Cơn gió có vẻ đã ngưng thổi, tất cả những gì có thể nghe thấy là tiếng động nhẹ của những bông tuyết dày đập vào tấm cửa lùa phía trước. Rồi, từ chỗ Isuke ngồi, có tiếng động khác nữa.

Soạch soạch, soạch soạch…

Nó giống như tiếng một người nào đó thở ra thật mạnh, được tạo ra một cách vô tình khi Isuke đan cái hộp. Qua chỗ rách trên tấm màn che giường, Osugi có thể trông thấy cái lưng người đàn ông.

Hình như Isuke dùng tay phải lấy những lát tre để bên phải và đan nhanh chúng bằng cả hai tay. Phía sau chiếc áo khoác ngắn của anh ta ướt mồ hôi và di động với những rung chuyển nhỏ, rõ ràng phản ảnh sự vận động của những bắp thịt nhỏ, xăn chắc.

Soạch soạch, soạch soạch…

Tấm lưng của người đàn ông trong khi làm việc đã xâm chiếm một cách hoàn toàn vô thức tâm trí người đàn bà tới thăm viếng anh ta vào cái đêm tuyết đổ này và đang nằm ngay bên cạnh anh ta. Dường như nó còn làm phát sinh một sự căng thẳng cao độ như sức mạnh của một ngọn dáo, đồng thời cũng tạo ra trong tâm tưởng ánh sáng mặt trời êm dịu và một cơn gió nhẹ.

Osugi thầm nhủ: “Người đàn ông này đã dâng hiến cuộc đời để làm những chiếc hộp sơn mài kia. Đây không phải là một cơn gió khô, đây là một luồng gió êm ái thổi qua một khóm tre.”

Osugi nghe một cảm giác ấm áp kỳ lạ phát tỏa trong đáy lòng.

Nàng cố nhắm mắt. Trong khoảng đen sau đôi mí mắt, nàng vẫn có thể nhìn thấy cái lưng của Isuke. Soạch soạch, soạch soạch… Sâu trong hai tai, nàng vẫn có thể nghe thấy hơi thở dũng mãnh của người đàn ông. Thân thể nàng dường như trở nên ẩm ướt. Nàng chống cự lại, và cùng một lúc lại ôm giữ lấy nó. Nhưng, nàng mau chóng rơi vào giấc ngủ.

Và nằm mơ.

Chìm sâu giữa những bông tuyết dày mùa xuân đang lặng lẽ tuôn rơi không ngừng, nàng và Isuke, hai kẻ gặp nhau lần đầu tiên trong đời, ôm nhau trong vòng tay. Osugi cầm bàn tay Isuke lên và ép nhẹ vào trước ngực nàng. Có những cục chai thô kệch trên ngón tay anh và vô số sẹo nhỏ, vậy mà lòng bàn tay lại dịu như bột, và những ngón tay cũng mềm mại. “Mi không được, mi không được,” giọng nàng réo gọi từ đâu đó, “chồng của mi cũng có cục chai trên vai vì vác kiệu.” Nhưng, Osugi cảm thấy như cả thân thể và linh hồn nàng tan chảy, và nhìn lên một cách mơ mộng từng bông tuyết đang nhảy múa trong khi rơi xuống từ trời cao đen thẳm. Chỉ có hai người, Isuke và nàng, tràn đầy hoan lạc trong vòng tay của nhau…

Khi nàng thức giấc, mặt trời buổi sáng chiếu chói lọi trên những tấm cửa bằng giấy. Trận tuyết suốt đêm qua đã chấm dứt, và bầu trời trong xanh của buổi sáng đầu xuân làm thành một vòng cầu ở trên.

Có mùi thơm của cơm vừa chín trong không khí. Hơi đang bay ra từ chỗ hở giữa cái nắp và mép chiếc nồi đặt trên bếp lò. Không thấy Isuke đâu cả, nhưng chiếc rương sơn mài đã làm xong được đặt ngay ngắn gần đó, và ngọn đèn dầu vẫn còn sáng trên cái kệ nhỏ gắn nơi vách tường.

– A, bà thức dậy rồi à. Bà ngủ ngon chứ?

Isuke nói với một nụ cười tươi vui. Một bó củ cải trắng vừa rửa xong chĩu nặng trên tay cho thấy Isuke vừa mới ra giếng trở về.

– Tôi rất tiếc đã ngủ quá giấc. Bây giờ tôi sẽ làm việc này.- Osugi nói một cách e thẹn, nhưng gần như giựt mớ củ cải trên tay Isuke.

Nàng khởi sự nấu món xúp misô.

–   Bà là người mà tôi phải cảm ơn về việc đã làm điều tôi ưa thích đêm hôm qua.- Isuke nói trong lúc hút thuốc lá với vẻ vui tươi hiển hiện.

Isuke chăm chú ngắm chiếc rương sơn mài vừa làm xong. Nhưng anh ta lắc đầu nhè nhẹ như thể còn có vài chỗ chưa được hoàn toàn ưng ý.

Dưới mắt Osugi, đây có vẻ như là một tác phẩm tuyệt vời và hoàn toàn độc đáo. Nàng sẽ yêu thích nếu có cái rương sau khi nó được phủ giấy và tráng sơn mài.

Một lát sau, ngồi đối diện nhau trong khi ăn sáng, Osugi bật ra nói với giọng rụt rè:

– Isuke, anh không thể cho tôi coi bàn tay anh, phải không?

– Cái gì đây, một điều hoàn toàn bất ngờ hả?

Isuke đặt đôi đũa xuống với một cái nhìn bối rối, rồi e thẹn xòe cả hai bàn tay. Có những cục chai trên đầu những ngón tay, và những sẹo nhỏ, nhưng trông bàn tay mềm dịu, đen thâm như đã được ngâm trong dầu tre thấm vào những nếp nhăn nhỏ nhất.

– Hai bàn tay dơ bẩn, phải không? Nhưng, nếu tôi rửa sạch tay, chúng sẽ bị tre làm cho xước hay đứt. Bà không thể đan tre nếu không có dầu trên bàn tay. Ngay cả khi bị đứt tay, bà cũng không nên dùng bất cứ loại thuốc mỡ nào. Chỉ việc liếm ít cái và rồi nó sẽ tự lành.

– Vâng, chúng giống như tay của một vị Phật. Cảm ơn anh đã cho tôi xem những ngón tay của anh.

Đã đến lúc phải chia tay. Osugi quá thích cái rương đan sơn mài mà Isuke đã làm xong trong một đêm tuyết đổ. Nhưng, nàng chỉ xin Isuke một khúc tre mỏng và tròn để dùng làm gậy chống đi đường.

Những người ở trong dãy nhà dài đang xúc dọn tuyết đã ngập trong con đường hẻm đến ba mươi phân tây. Isuke đưa nàng tới đầu ngõ Shamisen Bori và nói:

– Đây là một trận tuyết lớn, nhưng tuyết mùa xuân sẽ mau tan. Bà nên cẩn thận trên đường về nhà.

– Tôi sẽ cẩn thận.

– Tôi lại sắp sửa ra đi nữa. Một ngày gần đây, tôi sẽ đi viếng ngôi đền ở Enoshima và chắc chắn sẽ thăm trà thất của bà. Và khi tôi đi, – Isuke nhìn vào mắt nàng và đặt hai bàn tay lên hai vai nàng một cách dịu dàng như cử chỉ của một thanh niên trai trẻ – tôi hứa sẽ đem tặng chiếc hộp sơn mài độc nhất trong đời, chiếc đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ làm được.

Kể từ ngày ấy, năm này sang năm khác, không biết bao nhiêu trận tuyết đã đổ xuống Tsujidô trên Tôkaidô, dù chúng có nhẹ hơn trận tuyết ở Edo.

Con trai của Osugi đã lấy vợ và nàng đã có cháu nội, con gái nàng cũng đã có chồng, Kumazô đã qua đời năm năm trước đây, và Osugi giờ đây đã ở tuổi sáu mươi.

Nhưng, trong suốt hai mươi năm qua, nàng không bao giờ quên Isuke, người đàn ông đã cùng nàng trải qua một đêm tuyết đổ. Đó không phải chỉ là một giấc mơ. Chiếc gậy tre nàng xin của Isuke giờ đây đã lên nước màu vàng hổ phách, được làm bóng bằng chất dầu từ bàn tay già nua của Osugi.

Vào lúc hoàng hôn một ngày tháng Chạp, khi trận tuyết đầu mùa nhẹ rơi lất phất, một ngưoi đàn ông ở lứa tuổi sáu mươi không biết từ đâu tới, ngồi xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất. Osugi với mái tóc bạc bưng cho người lữ khách một tách nước trà đậm.

– Osugi đây, phải không? Cái này là của bà.

Người đàn ông có một cặp giỏ đan nối với nhau bằng một chiếc đai, một cái đeo phía trước và một cái ở đằng sau. Ông ta lấy từ trong một cái giỏ ra một chiếc hộp tre đan sơn mài để đựng sách và trao cho Osugi, nói:

– Một tháng trước đây, Isuke đã chết trên đường đi. Mấy năm sau này, anh ta không thể sử dụng tay một cách bình thường. Anh ta luôn luôn lăn một cặp hột bồ đào trong lòng bàn tay để làm mềm những ngón tay. Nhưng chiếc hộp sơn mài này…

Osugi không nghe gì nữa. Ép chiếc hộp sơn mài bóng láng vào ngực, nàng ngửi thấy mùi cơn gió nhẹ thổi qua bụi tre, và nghe tiếng động của hai hột bồ đào lúc lắc bên trong, va chạm vào nhau với những âm thanh sắc nhỏ. Có lẽ cùng những tiếng động phát ra khi chúng ở trong tay Isuke.

(Hết)

 Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

Ngày Xuân nói chuyện Thơ, Rượu và Trà.

Phạm Doanh

Vào đầu thế kỉ thứ 20, Trần tế Xương 1870-1907, nhà Thơ nước Việt ta đã có bài tứ tuyệt:

Một trà, một rượu,một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.

Nay chỉ xin đề cấp tới hai thứ mà nhà thơ Trần tế Xương muốn chừa. Thiết nghĩ cái mà Trần tế Xương không muốn chừa hay không thể chừa thì nói cùng hội Cao Niên có vẻ như là thừa thãi vì hai lẽ : hiện tại trên truyền hình quảng cáo cho Viagra lẫn Cialis đầy hấp dẫn rồi và thứ nhì do vì “ lực bất tòng tâm”. Vậy chỉ xin bàn về rượu và trà trong thơ .. Tàu.

I. Về Rượu

Li-Bai

Xin khởi đầu với Thi tiên Lí Bạch.

Nhà Thơ hô : hãy nghiêng chén trong bài:

Tương tiến tửu. Lí Bạch

卷162_8 《將進酒》. 李白

Quân bất kiến:

君不見

Hoàng-hà chi thủy thiên thượng lai,

黃河之水天上來,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

奔流到海不復回。

Hựu bất kiến:

又不見

Cao đường minh kính bi bạch phát,

高堂明鏡悲白髮,

Triêu như thanh ti, mộ như tuyết.

朝如青絲暮成雪。
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

人生得意須盡歡,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.

莫使金樽空對月。

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

天生我材必有用,

Thiên kim tán tận hoàn phục lai.

千金散盡還複來。

Phanh dương, tể ngưu thả vi lạc,

烹羊宰牛且為樂,

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

會須一飲三百杯。

Sầm phu-tử, Đan Khâu sinh.

岑夫子,丹丘生,

Tương tiến tửu, Quân mạc đình.

將進酒,君莫停。

Dữ quân ca nhất khúc,

與君歌一曲,

Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thinh!

請君為我側耳聽。

Chung cổ, soạn ngọc bất đắc quí,

鐘鼓饌玉不足貴,

Đãn nguyện trường túy bất nguyện tinh.

但願長醉不願醒。

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,

古來聖賢皆寂寞,

Duy hữu ẩm giả lưu kì danh.

惟有飲者留其名。

Trần Vương tích thời yến Bình-lạc,

陳王昔時宴平樂,

Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.

鬥酒十千恣歡謔。

Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,

主人何為言少錢,

Kính tu cô thủ đối quân chước.

徑須沽取對君酌。

Ngũ hoa mã,  Thiên kim cừu.

五花馬,千金裘,

Hô nhi tương xuất hoán mĩ tửu.

呼兒將出換美酒,

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu!

與爾同銷萬古愁。

Giải xuôi:       Hãy chuốc rượu!

Anh không thấy sao : nước sông Hoàng từ trên trời rơi xuống, tuôn ra bể không hề trở lại, lại chẳng thấy kia : gương sáng, lầu cao soi rõ nỗi buồn vì tóc sớm bạc. Sáng còn như tơ xanh mà chiều đã như tuyết. Đời người khi đắc ý nên tận hưởng niềm vui, đừng để chén vàng cạn trơ dưới ánh trăng. Trời sinh ta ắt có chỗ dùng, nghìn vàng tiêu hết rồi lại có. Mổ dê, giết trâu để mà chè chén vui vẻ, phải uống một lần tới ba trăm chén mới đủ. Hỡi cụ Sầm [* Sầm trưng quân 岑征君*], này anh [* Nguyên 元丹丘* ] Đan Khâu [* Sầm và Nguyên là hai người bạn cùng thời với Lí Bạch *],  rượu sắp đưa ra rồi, các người đừng ngừng chén! Vì bạn ta sẽ hát lên một bài, vì ta xin các bạn hãy nghiêng tai lắng nghe. Buổi tiệc lớn có tiếng chiêng, tiếng trống cũng không quí bằng. Ta không muốn tỉnh, chỉ muốn say khướt! Từ xưa thánh hiền đâu có được nghe nói đến, chỉ có kẻ say mới được nhắc đến tên mà thôi. Ngày xưa Trần Vương [* 陳王 hay  Trần tư Vương 陳思王 tước của Tào Thực 曹植 , 192 – 232, tự Tử Kiến 子建, thời Tam quốc 三國 là con thứ ba của Ngụy vũ Đế 魏武帝 Tào Tháo, em của Văn Đế 文帝. Giỏi về văn chương  *] mở tiệc nơi cung Bình-lạc [* Bình-lạc 平樂  : tên quán đời Hán . Có hai quán mang cùng tên . Cái thứ nhất xây vào thời Tây Hán 西漢, triều vua Cao Tổ 高祖, tại Trường-an 長安, trong vườn Thượng-lâm 上林苑, phía bắc cung Vị-ương 未央. Toà thứ hai dựng vào thời Đông Hán東漢 đời vua Minh-đế 明帝, tại phía ngoài cửa tây thành Lạc-dương 洛陽. Tào Thực 曹植 trong bài thơ “ Danh đô thiên 名都篇 “ có câu :”  Ngã qui yến Bình-lạc, Mĩ tửu đẩu thập thiên 我歸宴平樂,美酒斗十千 ( Tiệc Bình-lạc ta về, Rượu ngon cả nghìn chén ) “ *], rượu quí vạn đồng một đấu, mặc sức ăn uống vui say, chủ nhân cớ sao lại nói thiếu tiền. Hãy mua rượu ngay để ta cùng bạn chuốc chén. Này là ngựa quí năm sắc, áo cừu trị giá cả ngàn vàng, hãy sai con đem ra mà đổi lấy rượu ngon, cùng nhau ta phá tan cơn sầu muôn thuở!

Dịch vần:

Thấy chăng ai:

Nước sông Hoàng từ trời trút đổ,

Tuôn ra khơi có trở lại đâu.

Lại chẳng thấy :

Sầu tóc bạc, lầu cao gương sáng,

Sớm tơ xanh, tối trắng tuyết pha!

Đời vừa ý hưởng đi mà,

Chớ để chén với trăng già trơ trơ.

Trời cho ta của tất phải dùng,

Ngàn vàng tiêu hết lại đầy vung.

Giết trâu, mổ dê vui cho đã,

Xúm nhau chè chén đủ ngàn chung!

Hỡi cụ  Sầm,

Ới anh Nguyên.

Hãy chuốc rượu,

Chén cho tràn!

Vì người ta hát khúc ca,

Xin người hãy lắng nghe ta dạt dào!

Cỗ bàn chuông trống quí đâu,

Say vùi chớ để lúc nào tỉnh queo!

Xưa nay hiền thánh buồn teo,

Chỉ chàng say khướt danh lưu cõi đời.

Tiệc Trần Vương xưa nơi Bình-lạc,

Ngàn vạn li thù tạc liên miên.

Chủ nhân chớ ngại thiếu tiền,

Miễn sao có rượu chuốc liền với ai.

Giắt ngựa câu,

Lấy áo cừu.

Sai con đem đổi rượu mau,

Cùng người ta giết cái sầu ngàn xưa!

Nhìn quanh không thấy ai , nên Nhà Thơ phải:

 Độc chước.

卷182_28 《獨酌》李白

Xuân thảo như hữu ý, La sinh ngọc đường âm.

春草如有意,羅生玉堂陰。

Đông phong xuy sầu lai, Bạch phát tọa tương xâm.

東風吹愁來,白髮坐相侵。

Độc chước khuyến cô ảnh, Nhàn ca diện phương lâm.

獨酌勸孤影,閑歌面芳林。

Trường tùng nhĩ hà tri, Tiêu sắt vị thùy ngâm?

長松爾何知,蕭瑟為誰吟。

Thủ vũ thạch thượng nguyệt, Tất hoành hoa gian cầm.

手舞石上月,膝橫花間琴。

Quá thử nhất hồ ngoại, Du du phi ngã tâm.

過此一壺外,悠悠非我心

Dịch vần :

Cỏ xuân như cố ý,

Mọc lan phía nam nhà.

Gió đông mang sầu tới,

Thấm vào mái tóc hoa.

Chuốc rượu cùng với bóng,

Ca vang trước rừng già.

Thông cao liệu có biết,

Trẩm bổng vì ai mà ?

Tay múa, trăng trên đá,

Gối duỗi, đàn dưới hoa.

Tới đó một bầu rượu,

Nào lo gì đời ta!

Rồi ban đêm dưới trăng :

Nguyệt hạ độc chước, tứ thủ.

Trích bài 1

卷182_22 《月下獨酌四首》李白

Kì nhất

其一

Hoa gian nhất hồ tửu, Độc chước vô tương thân.

花間一壺酒,獨酌無相親。

Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân.

舉杯邀明月,對影成三人。

Nguyệt kí bất giải ẩm, Ảnh đồ tuỳ ngã thân.

月既不解飲,影徒隨我身。

Tạm bạn nguyệt tương ảnh, Hành lạc tu cập xuân.

暫伴月將影,行樂須及春。

Ngã ca nguyệt bồi hồi, Ngã vũ ảnh linh loạn.

我歌月裴回,我舞影零亂。

Tỉnh thời đồng giao hoan, Túy hậu các phân tán.

醒時同交歡,醉後各分散。

Vĩnh kết vô tình du, Tương kì diểu Vân-hán.

永結無情遊,相期邈雲漢。

Giải xuôi : Dưới trăng uống rượu một mình, bốn bài.

Trích bài đầu

Dưới hoa một bình rượu, một mình rót uống, không có ai là thân cả. Nâng chén mời trăng sáng, cùng với bóng mình là ba người. Trăng đã không biết uống rượu, mà bóng chỉ biết theo ta. Tạm làm bạn với trăng cùng bóng mình, hưởng vui cho kịp ngày xuân. Ta hát, trăng ngây ngất không rời, ta múa bóng quay cuồng tả tơi. Khi say thì cùng vui đùa như thế đó, đến khi hết say rồi thì mỗi người một nơi. Muốn được tình chơi vu vơ thắt chặt mãi mãi thì chỉ có cùng hẹn nhau trên giải Ngân hà !

Dịch vần :

Dưới hoa một bầu rượu,

Cạn li chỉ có ta.

Cất chén mời chị nguyệt,

Với bóng nữa là ba.

Trăng kia không biết uống,

Bóng này chẳng rời xa.

Bạn cùng trăng với bóng,

Vui chơi kẻo nữa già.

Ta hát trăng ngây ngất,

Ta múa bóng sa đà !

Khi say cùng vui vẻ,

Lúc tỉnh lại phôi pha.

Gắn bó kiếp bèo nổi,

Hẹn nhau giải Ngân-hà !

Và :

Xuân nhật độc chước nhị thủ.

Trích bài đầu

卷182_30 《春日獨酌二首》李白

其一.

Đông phong phiến thục khí, Thủy mộc vinh xuân huy.

東風扇淑氣,水木榮春暉。

Bạch nhật chiếu lục thảo, Lạc hoa tán thả phi.

白日照綠草,落花散且飛。

Cô vân hoàn không sơn, Chúng điểu các dĩ qui.

孤雲還空山,眾鳥各已歸。

Bỉ vật giai hữu thác, Ngô sinh độc vô y.

彼物皆有托,吾生獨無依。

Đối thử thạch thượng nguyệt, Trường tuý ca phương phi.

對此石上月,長醉歌芳菲。

Giải xuôi :       Ngày Xuân một mình chuốc rượu, hai bài.

Trích bài đầu

Bài một.

Gió xuân thổi hơi ấm tới, cây cỏ, nước non rạng rỡ dưới ánh xuân. Mặt trời chiếu đám cỏ xanh, cánh hoa rơi bay tứ tung. Mây trời lờ lững trong núi vắng, và chim đâu đó đều đã về tổ. Những loài đó đều có chỗ nương tựa, duy đời ta chẳng có chỗ nào nương nhờ ! Thấy như thế nên ngồi trên đá ngắm trăng, uống say rồi ca cho thoả.

Dịch vần :

Gió xuân mang hơi ấm,

Cây nước rạng xuân tươi.

Nắng soi cỏ xanh mượt,

Cánh hoa rụng bời bời.

Mây lẻ nơi đầu núi,

Chim đàn về tổ rồi.

Vạn vật đều có chỗ,

Riêng ta không một nơi.

Đành trên đá ngắm nguyệt,

Say nhừ  ca hát vui.

Phải giải thích sao mình cần rượu đến thế :

Xuân nhật túy, khởi ngôn chí.

卷182_37 《春日醉起言志》李白

Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kì sinh.

處世若大夢,胡為勞其生。

Sở dĩ chung nhật túy, Đồi nhiên ngoạ tiền doanh.

所以終日醉,頹然臥前楹。

Giác lai miện đình tiền, Nhất điểu hoa gian minh.

覺來盼庭前,一鳥花間鳴。

Tá vấn thử hà nhật, Xuân phong ngữ lưu oanh.

借問此何時,春風語流鶯。

Cảm chi dục thán tức, Đối tửu hoàn tự khuynh.

感之欲歎息,對酒還自傾。

Hạo ca đãi minh nguyệt, Khúc tận dĩ vong tình.

浩歌待明月,曲盡已忘情

Giải xuôi :       Ngày xuân say rượu, tỉnh rồi nói ý chí mình.

Cuộc đời như một giấc mộng dài, tội chi mà phải vất vả đời mình. Chỉ nên suốt ngày hãy say sưa, nằm lăn quay cạnh cột trước hiên nhà. Tỉnh dậy nhìn ra sân, một con chim trong bụi hoa đang hót. Thử hỏi hôm nay là ngày nào mà chim oanh lại học nói trong gió xuân như vậy. Lòng cảm xúc, muốn thở than, nhưng rồi lại nghiêng bầu rượu. Cất tiếng ca vang chờ trăng sáng, ca hết khúc quên cả nỗi lòng mình.

Dịch vần :

Cuộc đời giấc mộng lớn,

Làm chi cho nhọc mình.

Suốt ngày hãy say tít,

Trước hiên cứ lăn kềnh.

Tỉnh rồi nhìn trước cửa,

Dưới hoa chim liệng quanh.

Hôm nay là mấy nhỉ,

Gió xuân hoà tiếng oanh.

Xúc cảm lòng muốn nói,

Rượu kia lại nghiêng bình.

Hát ngao chờ trăng sáng.

Khúc dứt lòng nhẹ tênh.

Tiếp theo là Thi thánh Đỗ Phủ.

amtrungbattienca

Nhà Thơ từng ham rượu, nhưng rồi vì bệnh tật nên “ chừa” bớt. Tuy nhiên ông ca tụng các vị tiên trong làng say:

Ẩm trung bát tiên ca.

卷216_25 《飲中八仙歌》杜甫

知章騎馬似乘船,

Tri Chương kị mã tự thừa thuyền,

眼花落井水底眠.

Khán hoa lạc tỉnh thủy để miên.

汝陽三鬥始朝天,

Nhữ Dương tam đẩu thủy triều thiên.

道逢麹車口流涎.

Đạo phùng khúc xa khẩu lưu diên.

恨不移封向酒泉,

Hận bất di phong hướng tửu tuyền.

左相日興費萬錢.

Tả tướng nhật hứng phí vạn tiền,

飲如長鯨吸百川,

Ẩm như trường kình hấp bách xuyên.

銜杯樂聖稱世賢.

Hàm bôi lạc thánh xưng tị hiền.

宗之瀟灑美少年,

Tông Chi tiêu sái mỹ thiếu niên,

舉觴白眼望青天.

Cử trường bạch nhãn vọng thanh thiên.

皎如玉樹臨風前,

Hiệu như ngọc thụ lâm phong tiền,

蘇晉長齋繡佛前.

Tô Phổ trường trai tú phật tiền,

醉中往往愛逃禪,

Túy trung vãng vãng ái đào thiền.

李白一鬥詩百篇.

Lí Bạch nhất đẩu thi bách thiên,

長安市上酒家眠,

Trường-an thị thượng tửu gia miên.

天子呼來不上船.

Thiên tử hô lai bất thượng thuyền.

自稱臣是酒中仙,

Tự xưng thần thị tửu trung tiên.

張旭三杯草聖傳.

Trương Húc tam bôi thảo thánh truyền,

脫帽露頂王公前,

Thoát mạo lộ đỉnh vương công tiền.

揮毫落紙如雲煙.

Huy hào lạc chỉ như vân yên.

焦遂五斗方卓然,

Tiêu Toại ngũ đẩu phương trác nhiên,

高談雄辨驚四筵.

Cao đàm hùng biện kinh tứ diên .

Giải xuôi :     Bài ca về tám vị tiên trong giới uống rượu.

Tri Chương [* Hạ tri Chương 知章 , 659 – 744 tự là Quí Chân 季真 , tự xưng là Tứ minh cuồng khách 四明狂客, người vùng Vĩnh-hưng 永興, Việt châu 越州 , là một nhà thư pháp nổi tiếng. Tiến sĩ đời Vũ tắc Thiên 武則天 cầm quyền ( 684 – 701 ), làm quan tới Thái tử tân khách 太子賓客, bí thư giám 祕書監, nên có tên gọi Hạ Giám 賀監. Năm thứ ba đời Thiên-bảo thiên bảo 天寶 ( 744 ), dâng sớ từ quan nguyện làm đạo sĩ, về quê vùng Cối-kê 會稽. *] cưỡi ngựa mà giống như ngồi thuyền  [* Vùng Ngô quê của Hạ Tri Chương, dân chúng thạo thuyền bè, nên Nhà Thơ dùng để so sánh cưỡi ngựa và chèo thuyền. Theo Việt tuyệt thư 越絕書 : “ Phu việt thủy hành nhi sơn xứ , dĩ thuyền vi xa , dĩ tiếp vi mã 夫越水行而山處, 以船為車, 以楫 為馬  ( Vượt sông mà qua vùng núi như lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa  ) “ *] , mải coi hoa nên sa chân xuống giếng nước, ông ngủ luôn dưới đáy giếng. Nhữ-dương [* Nhữ dương vương Lí Tiến 汝陽王 李璡 là con đầu của Ninh vương 寧王 Lí Hiến 李憲 Ninh vương 寧王, tên Hiến tự là Thành Khí qua  đời, có tên thụy là Nhượng hoàng đế 讓皇帝. Mới đầu được lập làm thái tử, sau vì Lí Long Cơ ( Đường Minh hoàng ) có công diệt được họ Vi ( thái hậu ), nên được nhường ngôi kế vị này. Hiến có mười con trai, mà Tiến là con trai đầu. Lí Tiến ? – 750, được phong vương quận Nhữ-dương, từng giữ chức thái-bộc khanh, giao tình thơ, rượu với Hạ-tri Chương 賀知章 và Chử đình Hối 褚庭誨. Năm đầu đời Thiên-bảo 天寶 ( 742 ), sau khi an táng cha, được phong thêm Đặc tiến 特进, tặng thái-tử thiếu sư 赠太子少师.*] phải uống ba chén [* Tam đấu  三斗:  Ba chung. Cát Hồng 葛洪 , 284 – 363, nhà văn đời Đông Tấn東晉 trong sách Bão phác tử 抱朴子, chương Tửu giới 酒誡 : “ Vu công dẫn mãn nhất hộc, nhi đoạn ngục ích minh; Quản Lộ khuynh ngưỡng tam đẩu , nhi thanh biện khỉ xán 於公 引滿一斛, 而斷獄益明; 管輅傾仰 三鬥,而清辯綺粲 ( Với ngài nhâm nhi một chén mà sử án nghiêm minh,  Quản Lộ uống tràn ba chung mà ăn nói vanh vách ) “ *] trước khi vào cung chầu vua. Trên đường trông thấy xe chở men rượu mà nước miếng chảy rào rào, giận rằng mình không được phong ở đất Suối Rượu [* Tửu-tuyền 酒泉 : tên một ấp xưa . Theo Tả truyện 左傳, chương Trang công nhị thập nhất niên 莊公二十一年: “ Vương dữ chi Tửu-tuyền 王與之 酒泉 ( Nhà vua cấp cho ấp Tửu-tuyền ) “. Đỗ Dự 杜預 chú : “ Tửu-tuyền , Chu ấp 酒泉, 周邑 ( Tửu-tuyền, ấp thuộc nhà Chu ) “. Có người chú giải : tân quận , có huyện Tửu-tuyền, tỉnh Cam-túc 甘肅. Theo truyền thuyết, dưới chân thành có suối vàng ( kim tuyền 金泉 ) , nước suối có hơi rượu. Theo Thập di kí 拾遺記 : Diêu Phức 姚馥, người Khương vốn ham rượu, bạn bè đặt tên là Lực khát Khương 力渴羌, vua Vũ đế 武帝 nhà Tấn , cử giữ chức tể vùng Triều-ca 朝歌, ông ta đáp : “ Xin từ chối tới huyện Triều-ca, hạ thần thường giữ chức nuôi ngựa đã lâu, luôn luôn được ban rượu được vui tới trọn đời”. Vua phán : “ Triều-ca , kinh đô cũ của vua Trụ , có Tửu trì 酒池 ( thuộc tỉnh Hà-nam 河南省 ), khiến già Khương không bi khô héo vì khát.” Ông đáp : “ Lão Khương này đã dần tiêm nhiễm văn minh, nếu vui lòng với thứ nước tại Tửu-trì thì biến thành dân thời vua Trụ nhà Ân mất. Nhà vua vui mừng cho đổi đi giữ chức thái thú vùng Tửu tuyền 酒泉太守 *]. Tả Tướng [* Lí thích Chi 李適之,694 -747, người vùng Thành-kỉ 成紀, Lũng-tây 隴西. Ông là cháu nội Lí thừa Kiền 李承乾, làm tới chức thứ sử Thông-châu 通州刺史, hình bộ thượng thư 通州刺史. Năm đầu đời Thiên-bảo 天寶 ( 742 ) , giữ chức tả tướng , nhưng vì tranh quyền với Lí lâm Phủ 李林甫, thất bại nên bị bãi tướng. Sau đo làm thái tử thiếu bảo 太子少保, chức vị không có quyền hành. Năm thứ sáu đời Thiên-bảo 天寶 ( 747 ) bị biếm đi Viên-châu 袁州 và qua đời nơi này. *] trong ngày hứng lên tiêu tiền rượu đến vạn đồng. Uống như con cá kình lớn hút luôn tới cả trăm con sông [* trường kình hấp bách xuyên 長鯨吸百川 : cá kình dài hớp nước trăm sông. Tả Tư 左思, 250 – 305, nhà văn học thời Tây Tấn 西晋 trong Ngô đô phú 吳都賦: “ Trường kình thôn hàng , Tu nghê thổ lãng 長鯨吞航, 修鯢吐浪 ( Kình dài nuốt thuyền, Giải lớn nhà sóng ) “. Mộc Hoa 木華, 290 –  ??,  nhà văn thời Tây Tấn 西晋 trong Hải phú 海賦  : “ Ngư tắc hoành hải chi kình , đột ngột cô du , hấp ba tắc hồng địch súc, xuy lạo tắc bách xuyên đảo lưu 魚則橫海之鯨, 突兀孤游, 噏波則洪踧蹜, 吹潦則 百川 Cá ắt có Kình nằm dài trên biển, bỗng dưng bơi đi, hút sóng khiến nước dồn, phun vòi làm trăm sông ngập. ) “ *] , Nâng chén [* hàm bôi 銜杯 : nâng li , cụng chén. Lưu Linh 劉伶, 221 – 300, nhà văn thời Tây Tấn 西晋 trong Tửu đức tụng 酒德頌 : “ Phủng anh thừa tào,  hàm bôi sấu lao 捧甖承槽, 銜杯漱醪 ( Đỡ chén hứng vò, Nâng li xúc rượu ) “ *] tự xưng là thánh yêu đời, người hiền đi ở ẩn [* Lạc thánh xưng thế hiền 樂聖稱世賢 : thánh khoái xưng là người hiền trên đời. Theo Tam quốc chí 三國志 , tập Ngụy chí 魏志 , chương Từ Mạc truyện 徐邈傳: “ Bình nhật túy khách vị tửu thanh giả vi thánh nhân , trọc giả vi hiền nhân 平日醉客謂酒清者為 聖人,濁者為賢人 ( Thường ngày các bợm nhậu dùng tiếng lóng gọi người trơ rượu là bậc thánh, người nát rượu là người hiền ) “ . Cụm từ trích trong  bài thơ của ông, sau khi bị Lí lâm Phủ bãi chức tả  tướngTị hiền sơ bãi tướng, Lạc-thánh thả hàm bôi. Vị vấn môn tiền khách, Kim triêu kỉ cá lai? 避賢初罷相, 樂聖且銜杯. 為問門前客, 今朝幾個來 ( Tị hiền vừa mất chức, Thánh Khoái lại nghiêng chai. Xin hỏi khách trước cửa, Chiều nay có tới chơi? ) *]. Tông Chi [*Thôi tông Chi 崔宗之 ?? – ?? , tên là Thành Phụ 成輔. Là con của Thôi nhật Dụng 崔日用, nhờ thế tập mà được phong là Tề quốc công 齊國公. Trải qua các chức tả ti lang trung 左司郎中, thị ngự sử 侍禦史 , sau bị đổi đi Kim-lăng 金陵 *] thời nhỏ rất thanh thoát [* tiêu sái 瀟灑 : cũng viết là 瀟洒, lâng lâng thoát tục,  không bị ràng buộc , an nhiên tự tại. *], trẻ đẹp  [* Mĩ thiếu niên  美少年 : trẻ tuổi xinh tươi. Nguyễn Tịch 阮籍, nhà thơ nước Ngụy thời Tam quốc 三國 , trong Vịnh hoài thi bát thập nhị thủ 詠懷詩八 十二首, bài 4 : “ Ngưng sương triêm dã thảo, Triêu vi mị thiếu niên 凝霜沾野草, 媚少年 ( Sương đọng ướt cỏ nội, Sớm là gái kiều mị ) “ *], Nâng li lên là trên đời không thấy ai là tri kỉ, chỉ thấy trời cao xanh [* bạch nhãn vọng thanh thiên 白眼望青天 : chỉ đưa mắt trắng lên nhìn trời xanh : thái độ làm cao, khinh người đời. Theo Tấn thư 晉書 quyển 49, chương Nguyễn Tịch truyện 阮籍傳: “ Nhậm tình bất ki, kiến lễ tục chi sĩ , dĩ bạch nhãn đối chi 任情不羈,見禮俗之士, 以白眼對之 ( Đối xử không câu nệ, gặp người mà cứ giữ gìn theo lề thói, thiô lấy cặp mắt trắng mà đối xử )” . Theo Liệt tử 列子, chương Hoàng đế thiên 黃帝篇 : “ Phù chí nhân giả , thượng hám thanh thiên 夫至人者,上闚青天 ( Hễ là người nhân thì cứ hay nhìn lên trời  ) “ *],  trắng đẹp như cây ngọc trước làn gió [* ngọc thụ lâm phong 玉樹臨風 : cây ngọc trong gió. Thái độ lâng lâng sau khi uống rượu. Dương Hùng 揚雄 , 53 BC – 18 BC , nhà văn học thời Tây Hán 西漢 trong Cam tuyền phú 甘泉赋: “ Thúy ngọc thụ chi thanh thông hề, bích mã tê chi lân phiên 翠玉树之青葱兮, 璧馬犀之瞵 ( Cây ngọc xanh có mầu đậm chừ, mã tê ( ngọc mã não và sừng tê giác ) biếc nổi vằn ) “. Theo Thế thuyết 世說 : “ Mao Tằng dữ Hạ hầu Huyền cộng tọa, thì nhân vị kiêm gia ỷ ngọc thụ 毛曾與夏 侯玄 共坐, 時人謂兼 倚玉樹 ( Mao Tằng cùng ngồi với Hạ hầu Huyền , người đương thời nói là cây sậy dựa vào cây ngọc )  “ *]. Tô Tấn [* Tô Tấn 蘇晉 biết làm văn khi mới lên ba. Có sáng tác Bát quái luận 八卦論. Giữ chức lại bộ thị lang 吏部侍郎, bí thư thiếu giám 秘書少監 cho Vương Thiệu 王紹. Ứng thi tiến sĩ , sau lại dự khoa thi đại lễ đều trúng tuyển. Trong thời Tiên-thiên 先天 ( 712 ) chuyển làm trung thư xá nhân 纍遷中書舍人, sùng văn quán học sĩ 崇文館學士. Khi Đường minh Hoàng trị vì, các văn thư đều do Tô Tấn soạn trước. Sau vì bị gièm pha, lấy cớ có cha già, xin về hưu. Năm thứ mười bốn đời Khai-nguyên 開元 ( 726 ) lại ra làm lại bộ thị lang , giữ việc tuyển người, biết đề bạt, chức vị cuối cùng là thái tử tả thứ tử 太子左庶子 *], người trai giới thờ Phật [* trường trai : 長齋 : ăn chay. chỉ các người theo Phật giáo , nhất quyết không ăn sau giờ trưa. Sau này dùng chỉ người chỉ ăn rau, kiêng thịt. Từ Lăng 徐陵 , 507 – 583, nhà thơ nước Trần thời Nam Bắc triều 南北朝, trong Đông-dương, Song-lâm tự Phó đại sĩ bi 東陽雙 林寺傅大士碑 : “ Tự tu thiền viễn hác, tuyệt lạp trường trai 自修 禪遠 , 絶粒長齋 ( Tự tu thiền hang sâu,  nhịn ăn chay dài ) “ *], Khi say lại thường thường ưa ngồi thiền [* ái đào thiền 愛逃禪 : ưa ngồi niệm Phật. Khi say, nhưng thường hối lỗi nên ngồi thiền cảnh tỉnh *]. Lí Bạch [* Lí Bạch 李白 sinh ngày 28 tháng 2 năm 701,  qua đời năm 762, tự Thái Bạch 太白 , tự nhận là cùng chung ông tổ với dòng vua Đường, gốc vùng Thành-kỉ 成紀 , Lũng-tây 隴西 ( nay là Thiên-thủy 天水, Cam-túc 甘肅 ). Thời nhỏ sống trong vùng Thục, đọc sách theo đạo giáo. Năm hai mươi lăm tuổi sang vùng Lỗ quận 魯郡. Trong quãng thời gian này có tới Trường-an 長安 định mưu tìm công danh, nhưng không ưng ý nên quay lại phía đông. Quãng những năm đầu đời Thiên-bảo 天寶, vì có lời tiến cử của công chúa Ngọc Chân 玉真公主, nên ông theo chiếu vua mà về kinh, làm việc trong hàn lâm. Không lâu vỉ bị gièm pha, nên lại rời Trường-an, đi chu du các nơi. Khi có loạn An Sử , vì tình thế chưa yên, nên gia nhập chiến khu của Vĩnh-vương 永王 . Sau đó Vĩnh-vương bị Túc Tông 肅宗 giết, ông cũng bị trách phạt, phải đi đày vùng Dạ-lang 夜郎. Sau đó được đại xá, trở về miền đông, sống nhờ ông chú họ tại Đông-đồ 當塗 ( nay thuộc tỉnh An-huy 安徽 ) , không bao lâu, ông qua đời nơi đây. *] chỉ cần một li thôi là hàng trăm bài thơ ra, Nơi phố chợ Trường-an, tại quán rượu [* tửu gia 酒家: cửa hàng bán rượu, tiệm ăn Tư-mã Thiên 司馬遷, 145 BC – 86 BC, trong Sử kí 史記  chương Loan Bố Quí Bố liệt truyện 欒布季 列傳 : “ Cùng khốn, Nhẫm dong vu Tề , vi tửu nhân bảo 窮困, 賃傭於 ,為酒人保 ( Cùng khốn, được trở về Tề, do chủ nhà hàng bảo lãnh )”. Bùi Nhân 裴駰 trong Tập giải 集解 , viện dẫn Hán thư âm nghĩa 漢書音 : “ Tửu gia tác bảo dong dã 酒家作保傭也 ( Hàng rượu đứng ra bảo lãnh ) “ *] say ngủ khì. Nhà vua cho thuyền tới đón, vì say quá mà lóng cóng hồi lâu mới bước lên được thuyền, [* Còn có nhiều giải thích khác. Cổ áo gọi là thuyền, Lí Bạch được đón về cung mà không kịp mặc áo cho đàng hoàng, đúng như câu chuyện dật sử về nhà thơ này. Vì được Ngô Quân , một đạo sĩ tiến cử cho vua Đường minh Hoàng, và nhà vua đang cần người viết lời để phổ nhạc cho phi Dương ngọc Hoàn 楊玉環, tại Trầm hương đình 沉香亭 hát , nên đã vội và tìm Lí Bạch gấp về làm công tác này. Tới cung vua, Lí Bạch hơi  tỉnh rượu, khiến viên hoạn quan đầy thế lực là Cao lực sĩ 髙力士 phải cởi giày, mài mực, trải giấy  và Lí Bạch vung bút viết nên ba bài Thanh bình điệu 清平調. Trong Chính tự thông正字通 , bình dân gọi thuyền là  khâm xuyên 襟穿 ( mặc áo, choàng áo). Người xứ Thục gọi giải áo là  xuyên 穿, người dân quê gọi trại ra là thuyền *], Thường nói rằng mình là vị tiên say rượu. Trương Húc [* Trương Húc 張旭 658 -747, tự Bá Cao 伯高, là một nhà thư pháp nổi danh. Sinh quán tại huyện Ngô 吳縣 thuộc quận Ngô 吳郡 ( nay là Tô-châu thị 蘇州市 tỉnh Giang-tô 江蘇省 ) . Ông được tôn xưng là Thảo thánh 草聖 vì tài thư pháp. Quãng thời Khai-nguyên làm quan tới chức thường thục úy 常熟尉, sau làm kim ngô trưởng sử金吾長史, nên người đời gọi ông là Trương trưởng sử 張長史 *] uống ba chén rượu là [* viết chữ rất đẹp *] người đời tôn là vị thánh viết chữ, tụt khăn  [* thoát mạo 脫帽 : rũ khăn bịt đầu : tỏ ý hào phóng, mê mải vì nghệ thuật. Trong Nhạc phủ thi tập 樂府詩集, chương Tương hòa ca từ tam 相和歌辭三, bài Mạch thượng tang 陌上桑: “ Thiếu niên kiến la phu, thoát mạo trứ tiếu đầu 少年見羅敷,脫帽著帩頭 ( Thuở bé thấy cô hái dâu, Tụt khăn để lộ cái đầu tóc trơ ) “*], để đầu trần trước mặt các quan lớn, Vung bút trên giấy [*huy hào lạc chỉ 揮毫落紙: vung bút lông trên giấy. Cao Doãn 高允, 390 – 487, nhà văn học nước Ngụy thời Nam Bắc triều 南北朝 trong Chinh sĩ tụng 徵士頌 : “ Tĩnh ngôn tư chi, Trung tâm cửu tồi, Huy hào tụng đức, San nhĩ tăng ai 靜言思之, 中心九摧, 揮毫頌 , 潸爾增哀 ( Ngưng nói mà suy, Chín đoạn ruột đứt. Vung bút ngợi ca , Khóc ông não nuột ) “ . Tông Khâm 宗钦, ??- 450, nhà văn học nước Ngụy thời Nam Bắc triều 南北朝 trong Tặng Cao Doãn 贈高允: “ Đạn hào châu linh, Lạc chỉ cẩm xán 彈毫珠零, 落紙錦粲 ( Bút đưa ngọc sáng, Giấy trải gấm loáng ) “. Phan Nhạc 潘岳, 247 – 300, nhà văn học thời Tây Tấn 西晋 trong Dương Kinh-hâu lỗi 楊荊州誄 : “ Hàn động nhược phi, lạc chỉ như vân 翰動若 , 落紙如雲 ( Bút vung như bay, Giấy cuốn tưởng mây ) “*] như mây khói vờn [* vân yên 雲煙  : mây và khói , chỉ vết mực  như mây khói *]. Tiêu Toại [* Tiêu Toại 焦遂  ?? – ??.  là người trong giới bình dân, nên không thấy kinh điển nói đến. Tuy nhiên có Viên Giao 袁郊 ??? – ???, nhà văn thời Đường, đời Hàm-thông咸通 ( 860 – 874 ) trong Cam trạch dao 甘澤謠  có thuật : “ Đào Hiện 陶峴, trong đời Khai-nguyên 開元  ( 713 –  742 ) , có nhà trong núi Côn Sơn, tự đóng thuyền, có khách là tiền tiến sĩ Mạnh ngạn Thâm 前進士孟彥深, tiến sĩ Mạnh vân Khanh 進士孟雲卿, kẻ áo vải Tiêu Toại ( bố y Tiêu Toại 布衣焦遂 ), đều bỏ vợ con lại, cùng lên thuyền đi ngao du vùng sông núi *] vừa mới làm độ năm sáu chai [* ngũ lục 五六: năm sáu  Tư-mã Thiên 司馬遷, 145 BC – 86 BC, trong Sử kí 史記  chương Hoạt kê liệt truyện 滑稽列 : “ (Thuần vu Khôn viết) …nhược bằng hữu giao du, cửu bất tương kiến, tốt nhiên tương đổ, hoan nhiên đạo cố, tư tình tương ngữ, ẩm khả ngũ lục đẩu kính túy hĩ ( 淳于髡 ) 若朋友交遊, 久不相見, 卒然相睹, 歡然道故, 私情 , 五六 斗徑 醉矣 ( (Thuần vu Khôn nói).. như bạn bè đàn đúm,  lâu không gặp nhau, bỗng chợt được thấy mặt, mừng vui nói chuyện xưa, lòng riêng cởi mở, làm chừng năm sáu sị là đã sỉn rồi ) “ *] là quá mức [* trác nhiên  卓然: cao vút, xuất quần, vượt bực . Lưu Hướng 劉向, 77 BC – 6 BC,  nhà văn học thời Hán , trong Thuyết uyển 說苑 , chương  Kiến bổn 建本 : “ Trần ai chi ngoại , trác nhiên độc lập, siêu nhiên tuyệt thế,, thử thượng thánh chi sở du thần dã 塵埃之外, 卓然獨立, 超然絶世, 此上聖之所 游神也 ( Ngoài cõi đời này, riêng nó cao vút, thật là cao nhất đời, đó là nơi bậc thánh lớn rong chơi ) “. Đào Tiềm 陶潛, 365 – 427,  nhà thơ đời Đông Tấn 東晉 trong Ẩm tửu nhị thập thủ 飲酒, bài 8, : “ Ngưng sương điễn dị loại, Trác nhiên kiến cao chi 凝霜殄異類, 卓然見高枝 ( Sương đọng hại loài khác, Sừng sững thấy cành cao ) “ *], Nói thao thao và không dứt [*Cao đàm, hùng biện 高谈 : nói chuyện to tiếng, bàn luận ồn ào. Dữu Tín 庾信, 513 – 581,  nhà thơ nước Bắc Chu 北周 thời Nam Bắc triều 南北朝 trong Dự lân chỉ điện hiệu thư hòa lưu nghi đồng 預麟趾殿 校書 和劉儀同: “ Cao đàm biến bạch mã , Hùng biện tắc phi hồ 高譚 變白馬, 雄辯塞飛狐 ( Nói cao đuổi ngựa trắng, Bàn lớn chặn cáo bay ) “*] khiến bốn bên trong bàn tiệc [*Tứ diên 四筵 : bốn phía : trước, sau, phải, trái so với người phát biểu trong bữa tiệc. Tạ Chiêm 謝瞻, ??? – ???, nhà thơ nước Tống thời Nam Bắc triều 南北朝 trong Cửu nhật tòng Tống công hí mã đài tập tống Khổng lệnh 九日從宋公戲馬台集送孔令 : “ Tứ diên triêm phương lễ , Trung đường khởi ti đồng 四筵沾芳醴, 中堂 起絲 ( Bốn bề thấm rượu thơm, Giữa phòng vang tiếng nhạc ) “ *] phải kinh nể.

Dịch vần :

A.

Tri-chương cưỡi ngựa như ngồi thuyền,

Mắt mờ, rớt đáy giếng, ngủ liền.

Nhữ-dương, sớm chầu : say mới lên,

Dỏ dãi : đi đường gặp xe men,

Suối Rượu giận chẳng ở kề bên.

Tả Tướng ngày uống tốn hàng nghìn,

Kình hút trăm sông, sánh cũng nên,

Thánh vui làng nhậu : ấy người hiền.

Tông-chi đẹp mã từ thiếu niên,

Nâng li, mắt trắng cứ nhìn lên,

Trước gió cây ngọc đẹp như tiên.

Tô Phổ niệm Phật, chay kinh niên,

Khi gặp cơn say : trốn ngồi thiền.

Lí Bạch một chén, thơ trăm thiên,

Ngủ lì quán rượu chợ Trường-yên,

Vua cho gọi tới, chẳng lên thuyền,

Còn nói : ” Làng say, ta là tiên

Trương Húc ba chén tay vẫy liền,

Tụt mũ, đầu trần trước quan trên,

Bút vung mặt giấy : mây khói chen.

Tiêu Toại năm chén là láu liên,

Nói năng hoạt bát nể bốn bên.

B.

Tri-chương cưỡi ngựa như thuyền,

Mắt mờ, rớt giếng ngủ liền đáy sâu.

Nhữ-dương ba chén mới chầu,

Xe men vừa thấy rào rào dãi ra.

Hận Tửu Tuyền chẳng bổ về,

Tả Tướng ngày hứng dám chi ngàn đồng.

Như cá voi hút trăm sông,

Nâng li thánh khoái, tự xưng người hiền.

Tông-chi đẹp tự thiếu niên,

Chén nâng, mắt trắng chỉ nhìn trời trong.

Trắng như cây ngọc gió rung,

Tô Phổ thờ Phật một lòng giới trai.

Thích trốn thiền, khi cạn chai,

Lí Bạch một đấu, trăm bài thơ ra.

Trường-an quán rượu la cà,

Thuyền vua tới đón, cứ lờ không lên.

Tự xưng mình là trích tiên,

Trương Húc ba chén, tay biên nét thần.

Trước quan, khăn tụt đầu trần,

Bút lông lướt giấy, mây vần khói lan.

Tiêu Toại năm chén nóng ran,

Ăn thông nói thạo cả bàn đều kinh.

Với người bạn thân là Trịnh Kiền :

Túy thì ca.

卷216_17 《醉時歌》杜甫

Nguyên chú : Tặng Quảng Văn bác sĩ Trịnh Kiền

[*原注 :  贈廣文館博士鄭虔 *]

Chư công cổn cổn đăng đài tỉnh,

諸公袞袞登臺省,

Quảng-văn tiên sinh quan độc lãnh.

廣文先生官獨冷.

Giáp đệ phân phân yếm lương nhục,

甲第紛紛厭粱肉,

Quảng-văn tiên sinh phạn bất túc.

廣文先生飯不足.

Tiên sinh hữu đạo xuất Hi hoàng,

先生有道出羲皇,

Tiên sinh hữu tài quá Khuất, Tống.

先生有才過屈宋.

Đức tôn nhất đại thường khảm kha,

德尊一代常轗軻,

Danh thùy vạn cổ tri hà dụng.

名垂萬古知何用.

Đỗ-lăng dã khách nhân cánh suy,

杜陵野客人更嗤,

Bi cát đoản trách mấn như ti.

被褐短窄鬢如絲.

Nhật đích thái thương ngũ thăng mễ,

日糴太倉五升米,

Thì phó Trịnh lão đồng khâm kì.

時赴鄭老同襟期.

Đắc tiền tức tương mịch,

得錢即相覓,

Cô tửu bất phục nghi.

沽酒不復疑.

Vong hình đáo nhĩ nhữ,

忘形到爾汝,

Thống ẩm chân ngô sư.

痛飲真吾師.

Thanh dạ trầm trầm động xuân chước,

清夜沈沈動春酌,

Đăng tiền tế vũ thiềm hoa lạc.

燈前細雨簷花落.

Đãn giác cao ca hữu quỉ thần.

但覺高歌有鬼神,

Yên tri ngã tử điền câu hác.

焉知餓死填溝壑.

Tương Như dật tài thân địch khí,

相如逸才親滌器,

Tử Vân thức tự chung đầu các.

子雲識字終投閣.

Tiên sinh tảo phú ” Qui khứ lai “,

先生早賦歸去來,

Thạch điền mao ốc hoang thương đài.

石田茅屋荒蒼苔.

Nho thuật ư ngã hà hữu tai,

儒術於我何有哉,

Khổng Khâu, Đạo Chích câu trần ai.

孔丘盜跖俱塵埃.

Bất tu văn thử ý thảm thảng,

不須聞此意慘愴,

Sinh tiền tương ngộ thả hàm bôi.

生前相遇且銜杯.

Giải xuôi :       Bài hát lúc say rượu.

Các ngài ngất ngưởng nơi đài, tỉnh [* Đài , tỉnh : tên các tổ chức của các cơ quan trung ương  ( thời Hán ) đài lập ra, trong  Tam đài三臺 . Coi việc dâng thư lên vua  ( thượng thư尚書 ) là Trung đài 中臺, Xét đoán việc ( ngự sử 御史 ) là Hiến đài 憲臺, Để gặp vua ( Yết giả 謁者 ) là Ngoại đài 外臺 . ( thời Đường ) dùng Tỉnh  : Trung thư tỉnh 中書省 và Môn hạ tỉnh門下省 ( lưỡng viện ), nhân viên làm việc trong đó được gọi là Các lão 閣老. Bao quát lên trên có thượng thư tỉnh尚書省. Cả cái khối này nói chung là Tam tỉnh三省. Thời trước, thượng thư tỉnh thường được đặt ngay trước cửa bắc cung vua, nên còn có tên gọi Bắc tỉnh北省 . Quán là cơ quan cho những người nằm chờ bổ nhiệm, được hưởng ít trợ cấp, như Nhà Thơ lúc đó *], Riêng thày Quảng văn một viên quan tép riu. Dinh các ngài thì tấp nập, thịt rượu ê hề, Nhà thầy Quảng văn thì bữa ăn cũng chẳng no. Đạo thày gốc từ thời Phục Hi [* Hi hoàng 羲皇 chỉ  họ Phục Hi 伏羲氏 : một vị hoàng đế thời cổ, tương truyền dạy dân làm ruộng, đánh cá, nuôi súc vật, sáng tạo ra bát quái, tạo chữ viết.*], Tài của thày vượt cả Khuất Tống [* Khuất Tống 屈宋  nói gộp cúa Khuất Nguyên 屈原 và Tống Ngọc 宋玉, hai nhà văn nổi tiếng thời Sở. Lưu Hiệp 劉勰 , 465 – 520, nhà văn học nước Lương thời Nam Bắc triều 南北朝, trong Văn tâm điêu long 文心雕龍, chương Biện tao 辨騷 : “ Tự Cửu Hoài dĩ hạ, cự niếp kì tích, nhi Khuất Tống dật bộ, mạc chi năng truy 自九懷以, 遽躡其 , 而屈 宋逸步, 莫之能追 ( Từ chương Cửu hoài  [*( Cửu hoài 九懷 : tên một chương, chương thứ 15  của  Vương Bao 王褒 trong tập Sở Từ 楚辭, kế tục dòng văn chương Khuất Nguyên mà viết ra. ) trở xuống, tiếp theo vết chân  chủ họ, hai ông Khuất Nguyên, Tống Ngọc đã ngưng nghỉ, không thể theo kịp được. ) “ . Khuất Nguyên 屈原, 343 BC – ??BC, tên Bình , còn có tên là Chính Tắc正則 tự Linh Quân 靈鈞, người nước Sở , cuối thời Chiến quốc. Sinh quán vùng Đan-dương 丹陽 ( nay là huyện Tỉ-qui 秭歸縣, Hồ-bắc. ). Từng giữ chức Tam lư đại phu 三閭大夫. Thời vua Hoài Vương 懷王 mắc lỗi và bị phóng trục lên vùng bắc Hán, bi phẫn viết ra thiên Li tao 離騷 để tỏ lòng trung trinh. Sau đó lại gọi về. Ít lâu sau lại mắc lỗi ‘ nói bừa ‘, lần này phóng trục xuống vùng nam Sở ( Giang Nam 江南 ) Quá bi phẫn nên nhảy xuống sông Mịch la 汩羅 chết chìm. Thêm các chương Thiên Vấn 天問, Cửu Chương九章, gom chung lại là Sở Từ 楚辭  Tống Ngọc  宋玉  298 BC – 222 BC , người thời Chiến quốc 戰國, nước Sở 楚國, là một nhà từ phú nổi danh. Người vùng Yên-thành 鄢城 ( nay là thị xã Nghi-thành 宜城市, tỉnh Hồ-bắc 湖北省 ). Viết nhiều bài phú có tiếng như  Cao-đường ( mô tả chuyện thần núi Vu sơn cùng Sở Tương-vương ) , Cửu biện : mô tả cảnh thu bi thiết, biện minh cho thày của mình là Khuất Nguyên . Tài nghệ cao với, tiếp tục đường truyển thống “ Sở từ “ khởi đầu từ Khuất Nguyên , nên người đời sau hay dùng cụm từ Khuất Tống 屈宋  để chỉ chung hai người và cũng hàm ý nỗi u uất của “ lời nước Sở “ *]. Đạo đức nhất đời mà luôn luôn lận đận, Chẳng biết lưu danh cho ngàn đời để làm gì. Ông nhà quê ở làng Đỗ-lăng kia [* Nhà Thơ tự ám chỉ. Đỗ-lăng 杜陵 : tên đất tại phía đông nam thành Trường-an, vào thời Tần có tên Đỗ-huyện, sau nhân vì có lăng mộ vua Hán tuyên đế nên mang tên Đỗ-lăng. Về phía đông nam Đỗ-lăng có Thiếu-lăng, đó là lăng của Hứa hậu, vợ cả nhà vua. Nhà Thơ thuộc chi nhánh họ Đỗ phòng Tương-dương 襄陽 , là hậu duệ xa cúa Đỗ Dự 杜預, gốc người vùng kinh triệu Đỗ-lăng. Nhà Thơ tự xưng là Đỗ-lăng dã lão, hay Đỗ Thiếu-lăng cũng vì theo tổ tịch. *], Trông điệu bộ lại thảm hại hơn. Áo vải vừa ngắn vừa chật, đầu bạc như tơ, Ngày ngày được hưởng năm thăng gạo từ kho Thái-thương [* Thái thương ngũ thăng mễ 太倉 升米 : năm thùng gạo của nhà nước. Tháng tám năm 753, tại Trường-an mưa nhiều gạo trở nên thiếu hụt, nhà vua phải cho xuất năm vạn thùng gạo từ kho thái thương để bán giá rẻ cho người nghèo. *], thường hay đến nhà lão Trịnh để cùng tâm sự [* khâm kì 襟期 cùng nghĩa với tâm kì 心期, khâm hoài 襟懷 : có cùng chí hướng , hoài bão, ý thích, chí thú 志趣 *]. Hễ có tiền là tìm nhau, Mua rượu chứ còn làm gì nữa. Quên cả hình hài, đến nỗi xưng mày tao với nhau, Say như chúng tôi đây thật đáng bậc thày. Đêm xuân âm thầm, lặng lẽ chuốc chén, Trước đèn mưa phùn, ngoài hiên hoa rụng. Hãy cứ hát nghêu ngao cho quỉ thần nghe, Biết đâu sau này mình cũng chết vất ngoài mương rãnh! [* câu hác 溝壑 :cũng viết là 沟壑 khe lạch trong núi, chỉ chết nơi gò hang hiểm hóc hay gặp cảnh ngộ̣ khó khăn.  Theo Tả truyện 左傳, chương Chiêu công thập tam niên 昭公十三年 : “ Tiểu nhân lão nhi vô tử, tri tễ vu câu hác hĩ 小人老而無子,知擠於溝壑矣 ( Kẻ thường dân mà không có con, hiểu rằng mình sẽ bị bỏ vào nơi hang hốc ) “ . Theo Mạnh tử 孟子, chương Đằng văn công hạ 滕文公下 :Chí sĩ bất vong tại câu hác, dũng sĩ bất vong tang kì nguyên 志士不忘在溝壑, 勇士不忘喪其元 ( Bậc chí sĩ không nề hà chết nơi gò hang, dũng sĩ không nề hà chết không còn đầu ) “ . Triệu Kì 趙岐 chú  giải : “ Quân tử cố cùng, cố thường niệm tử vô quan quách một câu hác nhi bất hận dã 君子固窮, 故常念死無棺槨沒溝壑而不恨也 ( Bậc quân tử chập nhận cảnh khó, cho nên thường nghĩ rằng dù chết không có quan quách để chôn nơi gò hang mà cũng không ân hận ) *], Kìa tài cao như [* Tư-mã *] Tương Như [* Tư-mã Tương Như 司馬 相如: ( 179  BC – 117 BC ) hiệu Trường Khanh. Gốc người đất Thục ( Thành-đô, Tứ Xuyên ), người viết phú tài ba,  đời Tây Hán. Đời vua Hán Cảnh Đế giữ chức Vũ Kị Thường Thị, sau cáo bệnh từ quan. Sau nhờ bài ‘Tử Hư phú’ mà Hán Vũ Đế ưa thích, sau dâng bài ‘ Thượng Lâm’ lại được vua mời ra làm quan , khi đi cầu công danh, có đề ở một cây cầu ‘ nếu không cưỡi xe bốn ngựa, không lại qua cầu này’. Ý nói có thành công mới qua lại cầu Là một tài tử, dùng tiếng đàn ( Khúc Phượng cầu hoàng ) mà quyến rũ được người đàn bà goá là Trác văn Quân. Sau này khi dưỡng bệnh ( bệnh tiết niệu ) Tư-mã Tương Như định cưới cô gái xóm Mậu-lăng ở Hưng-bình, Thiểm-tây, nhưng Trác văn quân ghen, Tương Như bỏ ý định đó và  cả hai về Thành-đô mở quán rượu Có 4 bài phú nổi tiếng : Tử hư phú, Thượng lâm phú, Đại nhân phú, Ai Nhị thế phú. Hai bài Trường môn phú và Mĩ nhân phú bị nghi ngờ không phải là do ông sáng tác*], còn có lúc phải đi rửa chén bát [* sau khi thành hôn với Trác văn quân, hai người mở quán rượu tại Lâm-cùng 臨邛, Thục quận 蜀郡, Văn Quân ngồi quầy coi lò hâm rượu, Tương Như rửa chén. Địch khí 滌器 : rửa sạch đồ dùng, hay chỉ chậu dùng để rửa. Theo Hán thư 漢書, chương Tư-mã tương như truyện thượng 司馬相如傳上 : “ Tương Như thân tự trứ độc tị côn , dữ dong bảo tạp tác, địch khí vu thị trung 相如 身自著犢鼻褌, 與庸保雜 , 滌器於市中 ( Tương Như trên người quấn cái khố hình mũi trâu, làm công việc vặt vãnh , rửa chén bát trong quán ) . Lưu Hiệp 劉勰 , thời Nam triều, nước Lương trong Văn tâm điêu long 文心雕龍 , chương Thì tự 時序 : “ Mãi Thần phụ tân nhi y cẩm, Tương Như địch khí nhi bị tú 買臣負薪而衣錦, 滌器而被綉 ( Mãi Thần vác củi mà sau này mặc áo gấm, Tương Như trước rửa chén mà sau có áo thêu. ) *], Nọ học thức rộng như Tử Vân [* Tử Vân 子雲 tên tự của Dương Hùng 揚雄, 53 BC – 18 BC , nhà văn học thời Tây Hán 西漢, người gốc Thành-đô. Thời trai trẻ ham làm phú, học theo Tư-mã Tương-như. Sau đổi hướng, viết Thái Huyền太玄 ( mô phỏng kinh dịch ), Pháp ngôn 法言để sánh với Luận ngữ ( sách do các học trò Khổng tử ghi chép lời thày dạy ), theo Thương Hiệt倉頡 mà soạn ra  Huấn toản 訓纂, theo Nghiêu châm 虞箴 mà soạn ra Châu châm州箴. Tham khảo Hán thư 漢書 , quyển 87, phần sau, chương Dương Hùng liệt truyện tán 揚雄列傳贊 : Vào năm Hùng hơn 40 tuổi, rời Thục lên kinh đô, Vương Âm 王音 là quan đại tư mã xa kị tương quân 司馬車騎將軍 thấy văn của Hùng có phong cách, bèn cử làm nhân viên trong văn phòng, chờ chiếu vua bổ nhiệm. Hơn măm sau dâng bài phú Vũ liệp 羽獵賦, bổ làm quan, chức cấp sự hoàng môn 給事黃門 , sánh cùng Vương Mãng 王莽 Lưu Hâm 劉歆 . Đầu đời vua Ai đế  哀帝 cùng làm quan với Đổng Hiền 董賢. Vào những năm trong triều vua Thành đế 成帝 ( 32 BC – 7 BC ) , Ai đế 哀帝 ( 6 BC – 2 BC ), Bình đế 平帝 ( 1 BC – 4 AD ) cùng giữ chức tam công 三公 với Vương Mãng và Đổng Hiền, quyền khuynh át cả vua, hanh thông không ngưng, nên suốt trong ba đời vua, Hùng không rời chức quan. Kịp tới khi Vương Mãng chiếm ngôi vua, nhiều người dùng giấy khen để khoe mong được bổ vào chức vị cao, Hùng không làm thố, cùng các kì cựu giữ nguyên chực đại phu, dửng dưng với danh lợi.  Hùng ham cái học thời cổ, vui với đạo, ý chỉ mong có tác phẩm để lại đời sau. Hùng cho trong các kinh, kinh Dịch 易經 là quan trọng, nên viết Thái huyền 太玄, trong các truyện , Luận ngữ 論語 là quan trọng, nên viết Pháp ngôn  法言, sách về lịch sử ( sử thiên 史篇), có Thương hiệt 倉頡 là chân thành, nên viết Huấn toán 訓纂, về châm không có cái nào hay hơn Ngu châm 虞箴 , nên viết Châu châm 州箴 . Phú không bài nào thâm  thúy hơn Li tao 離騷, nên quay  về mà phổ biến, Văn  ( từ  ) không bài nào chải chuốt như của Tương Như 相如, nên viết bốn bài phú : dùng bản gốc cúa Tương Như mà châm chước,  dùng cái đó làm đà mà tiến lên. Cần nội dung bản văn, không cần văn vẻ, nên người đương thời không mấy chú ý, nhưng được hai vị là Lưu Hâm 劉歆 và Phạm Thuân 範逡 kính trọng, mà Hoàn Đàm 桓譚 cho là tuyệt luân *], rút cục cũng nhảy lầu [* đầu các 投閣 : nhảy lầu . Theo Hán thư 漢書, Dương Hùng truyện tán 揚雄傳贊:  Dương Hùng khi đang soạn sách tại gác Thiên-lộc 天祿, thì Lưu Phân 劉棻 người từng tới nhờ Dương Hùng giải thích chữ viết thời cổ. Lúc đó Lưu Phân bị Vương Mãng 王莽 ngờ có tội. Khi viên cai ngục tới bắt, Dương Hùng sợ không thoát, nên nhảy từ trên lầu xuống và chết. Vương Mãng nghe tin Dương Hùng nhảy lầu chết, mới hỏi : “ Hùng không liên quan, sao lại tới chỗ đó? ( Hùng tố bất dữ sự , hà cố tại thử ? 雄素不與 ,何故 在此)”. Sau có chiếu bãi án, khiến dân nơi thủ đô phân vân truyền nhau lời than : “ Duy tịch mịch, tự đầu các. Viên thanh tĩnh, tác phù mệnh 惟寂寞,自投 . 爰清靜,作符命 ( vốn vô can, tự nhảy lầu. Giữ thanh tĩnh, theo mệnh trời ) “. Nhan sư Cổ 顏師古, người đời Đường giái thích câu đó như sau : “ Câu này lấy gốc trong tập “ Giải trào “ của Dương Hùng, giống như câu sấm vậy. Sau này cụm từ chỉ việc không may bất ngờ sảy ra. *]. Thầy đã sớm học bài phú ” Về đi thôi ” [* Qui khứ lai 歸去來 chỉ bài Qui khứ lại từ 歸去來辭 của Đào Tiềm 陶潛 tự Uyên-minh 淵明) 365 –  427, người đời Đông Tấn, quê ở Sài-tang 柴桑, Tầm-dương 潯陽. Trong bài có câu “ Qui khứ lai hề, điền viên tương vu hồ bất qui? Kí tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi 歸去來兮, 田園將蕪胡不歸?既自以心為形役, 奚惆悵而獨悲 ( Về đi thôi, sao chẳng về, Ruộng vườn hoang vắng làm lơ sao đành. Hại lòng chính bởi thân mình, Sao còn bứt rứt thêm tình sầu bi ) *], Ruộng đá lều tranh siêu vẹo, rêu xanh nham nhở. Thôi đạo nho có ích gì cho ta đâu, Khổng Khâu [* Khổng Khâu 孔丘 được tôn làm thánh, ông thày muôn đời, mà sau này gọi là Nho học  *] hay Đạo Chích [* Đạo Chích 盜跖 , người thời Xuân thu, chuyên nghề trộm cắp, lại là em của Liễu hạ Huệ柳下惠 , một người hiền được Khổng Khâu ca ngợi. *] cũng chết thành tro bụi cả rồi. Đừng nên nói chuyện ấy cho thêm đau lòng, Còn sống còn gặp nhau đây thì cứ say đi !

Dịch vần:

Đài tỉnh vênh vang các vị ngồi,

Thày Quảng-văn kia chức quan ôi.

Người ta ê hề xôi với thịt,

Quảng-văn may ra đủ bữa thôi.

 

Đạo thày truyền giữ từ Phục Hi,

Khuất, Tống hai người còn thua tài.

Đạo đức thế sao mà lận đận,

Lưu danh thiên cổ để cho ai.

 

Đỗ-lăng quê kệch đáng cười hơn,

Tóc bạc áo thô ngắn cũn cỡn.

Kho vua cho ngày gạo năm thăng,

Tới nhà Quảng-văn để nói dỡn.

 

Có tiền là gặp nhau,

Mua rượu chứ còn đâu.

Bọn mình nhậu, tay tổ,

Quên đời xưng mày tao.

 

Đêm xuân âm thầm chuốc rượu say,

Đèn mờ mưa bụi, cánh hoa bay.

Hãy cứ hát vang cùng ma quỉ,

Chết rấp ngoài đường nào ai hay.

 

Tài cỡ Tương Như còn rửa chén,

Giỏi sánh Tử Vân, lầu lăn quay.

Thày sớm ngâm bài “ Qui khứ lai”,

Ruộng sỏi nhà tranh rêu bám đầy.

 

Đạo Nho giúp gì cho ta thay,

Khổng, Chích rồi ra cũng bụi bay.

Chuyện ấy nói chi cho đau đớn,

Còn sống gặp đây hãy cứ say.

II. Và Trà.

茶王

tra 2

Tẩu bút tạ Mạnh gián-nghị kí tân trà.

卷388_10 《走筆謝孟諫議寄新茶》盧仝

Nhật cao trượng ngũ thụy chính nùng,

日高丈五睡正濃,

Quân tương đả môn kinh Chu công.

軍將打門驚周公。

Khẩu ngôn gián-nghị kí thư tín,

口雲諫議送書信,

Bạch quyến tà phong tao đạo ấn.

白絹斜封三道印。

Khai giam uyển kiến gián-nghị diện,

開緘宛見諫議面,

Thủ duyệt nguyệt đoàn tam bách phiến.

手閱月團三百片。

Văn đạo tân niên nhập sơn lí,

聞道新年入山裏,

Trập trùng kinh đông xuân phong khỉ.

蟄蟲驚動春風起。

Thiên tử tứ thường Dương-tiện trà,

天子須嘗陽羨茶,

Bách thảo bất cảm tiên khai hoa.

百草不敢先開花。

Nhân phong ám kết châu bài lỗi,

仁風暗結珠琲瓃,

Tiên xuân tụ xuất hoàng kim nha.

先春抽出黃金芽。

Trích tiên bồi phương toàn phong lí,

摘鮮焙芳旋封裹,

Chí tinh chí hảo thả bất xa.

至精至好且不奢。

Chí tôn chi dư hợp vương công,

至尊之餘合王公,

Hà sự tiện đáo sơn nhân gia.

何事便到山人家。

Sài môn phản quan vô tục khách,

柴門反關無俗客,

Sa mạo lung đầu tự tiên khiết.

紗帽籠頭自煎吃。

Bích vân dẫn phong xuy bất đoạn,

碧雲引風吹不斷,

Bạch hoa phù quang ngưng uyển diện.

白花浮光凝碗面。

Nhất uyển, hầu vẫn nhuận,

一碗喉吻潤,

Lưỡng uyển phá cô muộn.

兩碗破孤悶。

Tam uyển sưu khô trường,

三碗搜枯腸,

Duy hữu văn tự ngũ thiên quyển.

唯有文字五千卷。

Tứ uyển phát thanh hãn,

四碗發輕汗,

Bình sinh bất bình sự,

平生不平事,

Tận hướng mao khổng tán.

盡向毛孔散。

Ngũ uyển cơ cốt thanh,

五碗肌骨清,

Lục uyển thông tiên linh.

六碗通仙靈。

Thất uyển khiết bất đắc.

七碗吃不得也,

Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh,

唯覺兩腋習習清風生。

Bồng-lai sơn tại hà xứ?

蓬萊山,在何處。

Ngọc-xuyên tử thừa thử thanh phong dục qui khứ.

玉川子,乘此清風欲歸去。

Sơn thượng quần tiên tư hạ thổ,

山上群仙司下土,

Địa vị thanh tao cách phong vũ.

地位清高隔風雨。

An đắc tri bách vạn ức thương  sinh mệnh,

安得知百萬億蒼生命,

Trụy tại điên nhai thụ tân khổ.

墮在巔崖受辛苦。

Tiện vị gián-nghị vấn thương sinh,

便為諫議問蒼生,

Đáo đầu hoàn đắc tô tức phủ?

到頭還得蘇息否。

Giải xuôi: Viết vội để cám ơn quan gián-nghị họ Mạnh đã cho trà mới.

Mặt trời lên cao đến trượng rưỡi rồi mà còn ngủ say, lính đập cửa làm tỉnh mộng [* như Khổng tử đang nằm mộng thấy Chu công  *]. Hắn thưa có thơ của quan gián nghị gửi đến, gói bằng lụa trắng có ba dấu niêm khằn. Mở gói ra tưởng như có quan gián-nghị ngay trước mắt, tay nâng niu ba trăm bánh trà tròn như mặt trăng. Nghe nói đầu năm mới vào trong núi, đó là lúc sâu đất ngọ ngoạy, gió xuân nổi lên. Nay vua ban thưởng cho trà Dương-tiện, [* trà này quí  *] vì trăm loài cây không dám ra hoa trước nó, gió lành ngầm kết hai trăm hạt ngọc. Trước khi xuân về, mầm nó nẩy tươi như nạm vàng. Hái lúc còn tươi, ướp giữ lấy hương thơm và đem gói kĩ lại. Rất tinh khiết, ngon mà không cầu kì, ơn thừa của nhà vua chỉ dành cho các người trong tôn thất thôi, cớ sao nay nó lại đến nhà người ở xó núi [* là tôi đây  *]? Đóng cổng tre lại để không tiếp khách tục, lấy khăn xếp ra đội, tự đun nước để pha trà. [* Trong tách trà  *] Như có mây biếc được gió đưa đi không dứt, ánh sáng lung linh, màu hoa trắng tụ lại trên miệng tách. Uống một chén, môi cổ trơn tru, uống hai chén nổi buồn cô đơn tan biến. Uống ba chén trút hết nỗi lòng, chỉ có chữ nghĩa nơi năm ngàn quyển sách. Uống chén thứ tư thì mồ hôi toát ra, nỗi bất bình trong đời theo lỗ chân lông mà tiêu tán. Uống chén thứ năm, da xương trong sạch, tới chén thứ sáu như được lên tiên. Đến chén thứ bảy hết nhắp nổi, chỉ cảm thấy từ hai bên nách luồng gió phần phật toả ra. Núi Bồng-lai ở nơi nào, để Ngọc-xuyên-tử [*  hiệu của Nhà Thơ  *] cưỡi làn gió mát kia đi tới đó. Các tiên trên núi xa cõi trần ai, địa vị thanh cao, xa vời mưa gió. Làm sao mà biết được số phận cũa trăm ngàn vạn con người, đang rơi xuống vực thẳm với muôn ngàn đau khổ. Xin vì quan gián nghị mà hỏi rằng dân chúng cuối cùng có được sống đầy đủ hay không?

Dịch vần :

Trời lên cao mình vẫn còn ngáy,

Lính tới đập cửa kêu ông dậy.

Thưa : Gián-nghị có gửi một bao,

Ba dấu niêm khằn, lụa trắng phau.

Mở gói, tưởng như người ngay bên,

Tay nâng ba trăm miếng trà tròn.

Nghe nói năm mới vào trong núi,

Côn trùng xao động, gió xuân nổi.

Trà Dương-tiên, nhà vua ban lộc,

Trăm cây chẳng dám ra hoa trước.

Gió lành ngầm kết thành ngọc châu,

Trước xuân, mầm non mới bắt đầu.

Hái về, hương thơm cố ủ kĩ,

Rất nhẹ rất khéo công chẳng nề.

Đồ vua ăn thừa dành quan lớn,

Có đâu lại tới kẻ nhà quê!

Cổng tre đóng lại ngăn khách tục,

Khăn the trùm đầu, tự đun nước.

Mây biếc gió lùa phun không ngừng,

Hoa trắng nổi sáng, miệng chén ngưng.

Một chén : môi họng trơn,

Hai chén : buồn tan cơn.

Ba chén : thông đường ruột,

Chỉ thấy quyển văn đến năm ngàn.

Bốn chén : mồ hôi toát,

Chuyện đời bực tức theo lỗ chân lông mà thoát.

Năm chén : da xương trong,

Sáu chén : thần tiên thông.

Bảy chén nuốt hết xuống,

Chỉ thấy hai nách phần phật nổi cơn giông.

Bồng-lai chốn núi ở đâu,

Để Ngọc-xuyên-tử cưỡi gió đi vào cõi tiên.

Các tiên trên núi hãy xuống đất,

Ở nơi cao gió mưa không hắt.

Làm sao biết được trăm vạn ức con người,

Gục dưới hố sâu, khổ chồng chất.

Nay thay gián-nghị hỏi về dân,

Chừng nào mới no cơm ấm cật?

Nhân ngày xuân, xin chúc thành viên hội Cao Niên: Niên càng Cao.

Phạm Doanh

Cuối Năm Nhớ Quê Xưa

Những vần thơ nhung nhớ quê hương
của một số nhà thơ vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
anh-hoa-mai-ngay-tet-14

Sống xa quê hương ai cũng có ḷòng tưởng vọng về chốn cũ. Riêng đối với các nhà thơ, nỗi lòng nhung nhớ đó được giàn trải thành những vần thơ dâng đầy sầu cảm:

       “Xót xa thân phận ly hương
        Tạm dung đất khách chán chường người ơi!
        Sầu nghiêng cuối nét lệ rơi
        Năm châu lê bước! Chơi vơi nỗi buồn”
       (Vũ Hối)

      “Ta từ lưu lạc quê người
        Thân nương đất khách gượng cười tháng năm
        Quê ta muôn dậm xa xăm…”
       (Quỳnh Anh)

Quê nhà cách xa cách mịt mù, sóng trùng dương mãi vỗ điệu thảm sầu như gợi thêm lòng nhung nhớ cho thân phận kẻ lạc lõng nơi quê người:

       “Như loài cá mỗi năm về cội cũ
        Ta cũng mỗi năm quê cũ kêu thầm
        Sóng vẫn vỗ theo nhịp hồn ủ rũ
        Đời vẫn mơ sao trời chẳng hồi âm”
        (Nguyễn Thị Thanh Bình)

       “Nơi đây đất nước quê người,
        Xót thân lạc lõng, ngậm ngùi quạnh hiu”
       (Anh Độ)        

       “Nhớ thương biết gửi về đâu
        Hoàng hôn ngả bóng một màu hoang vu
        Quê ta xa cách mịt mù
        Trùng dương sóng vỗ phù du bập bềnh”
       (Quỳnh Anh)

Hình bóng quê hương ám ảnh trong tâm tư đến nỗi nhà thơ đặt chân tới đâu cũng phảng phất thấy phong cảnh quê người giống quê mình:

      “Cảnh đâu lại giống quê mình nhỉ?
        Dễ gợi buồn thương với ước mong”
      (Hà Bỉnh Trung)

Những con sông quanh co uốn khúc của miền Nam nước Việt cuồn cuộn dâng trào kỷ niệm thơ ấu vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm tư:

      “Những nhánh sông tôi nhớ
        Đày ắp màu tuổi thơ
        Theo tôi vòng thế giới
        Nuôi lớn hồn nước non.”
      (Nghiêu Minh)

Những cây trái vườn xưa quá thân thương in đậm hình ảnh trong tâm hồn kẻ ly hương, vào sâu trong tiềm thức:

       “Mẹ ơi! mấy mùa bông bí nở,
        Là đã mấy mùa con tái tê!
        Chẳng tròn giấc ngủ, nghìn đêm nhớ
        Tình con thắm thiết mãi hương quê!”
       (Vũ Hối)

       “Ở phương xa nhớ về vườn mía
        Lóng mía mật vàng ngọt sắt son
        Ôi nhớ quá hương trời cố xứ
        Mía vườn nuôi ngọt cả hồn con!”
       (Giang Hữu Tuyên)

Hương thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi và ướp mãi trong trái tim người xa xứ:

       “Lưu lạc bao năm đất nước người
        Hướng về quê mẹ vạn trùng khơi
        Nhớ sao những buổi chiều êm vắng
        Ngào ngạt hương ngâu tỏa khắp trời”
       (Trương Anh Thụy)    

Trong xã hội đầy tiện nghi vật chất của nền văn minh tân tiến nước người nhà thơ vẫn khó quên được những âm thanh quê nghèo cũ:

       “Tiếng thầm
        có phải mưa không?
        nửa đêm
        thèm bếp lửa hồng quê hương!
        để nghe tiếng củi
        reo giòn
        để nghe mưa giọt giọt buồn hiên tranh”
       (Vi Khuê)

Tuy đã biết “gió mưa là bệnh của trời” nhưng sao tiếng mưa gió tại quê người vẫn có vẻ buồn hơn thế nhỉ?:

       “Tí tách… trạnh lòng người viễn xứ
        Rì rào… thêm gợi mối tình quê
        Lao xao gió, lá, mưa hòa điệu
        Nhạc khúc ly hương dạo não nề”
       (Trương Anh Thụy)  

       “Nơi đây mưa nắng thất thường
        Cúi đầu mơ bóng cố hương ngút ngàn”
        (Anh Độ)

Đại dương mênh mông chia cách đất khách với quê xưa, vẳng trong tiếng sóng biển dào dạt bản tình ca bất tận giữa đất trời nhà thơ tưởng như biển cũng có thể chuyên chở được chút hơi hướng về quê mẹ:

       “Mỗi khi nhớ đến quê hương cũ
        Xuống biển tìm hơi hướng đất xưa
        Sông núi hỡi ơi! Tình ấp ủ
        Còn dâng con sóng đến bao giờ?”
        (Hà Bỉnh Trung)

Nhà thơ đôi khi thoáng chút e ngại. Sợ rằng khi có dịp trở về thăm nơi cũ thời chắc mái tóc đã bị nhuộm trắng vì thời gian, vì suy tư và mình bị ngỡ ngàng trước cảnh xưa:

      “Mai về tóc bạc đìu hiu
        lạ quê lạ cảnh nắng chiều cũng quên
        hồn ta phong rủ miếu đền
        Vườn hoang trái dại lộn tên đổi hình”
      (Nghiêu Minh) 

Trong tình hoài hương không phải chỉ nhớ “cảnh” mà còn cả nỗi nhớ “người” nữa, nhất là nhớ những người còn ở lại, những bà con thân nhân ruột thịt:

       “Thâm tình cốt nhục chia đôi ngả
       Tin nhạn luôn luôn mỏi mắt chờ”
      (Kim Y)

        “Tôi nhớ quê, và tôi nhớ người
       Mênh mang trời biển cách xa xôi
       Đâu đây còn chút hơi trong sóng
       Hơi của non sông, của giống nòi”
       (Hà Bỉnh Trung)   

Người đây có thể chỉ là những bạn cũ, những kẻ tri âm đồng điệu:

        “Bạn bè phía bển đông vui nhỉ
       Miệt này chóc ngóc một mình tôi”
      (Trần Quốc Bảo)

        “Tôi vẫn biết quê nhà còn bạn cũ
       Tình cố nhân ngùn ngụt ấm tâm can”
(Hà Bỉnh Trung)

Trong cái ồn ào náo nhiệt của đời sống đô hội xô bồ tại nước ngoài lòng nhà thơ có lúc trùng xuống, nhớ lại những buổi trưa hè êm ả tại quê xưa nơi vẳng lên âm thanh tha thiết thân thương và bình dị, tiếng Bà ru cháu:

       “Trên cánh thời gian chợt trở về
       Tiếng bà ru cháu… tưởng vừa nghe
       Tình quê thành đỉnh trầm thao thức
       Luôn ngát dù hương gió cuốn đi”
      (Nguyễn Đức Vinh)

Đôi khi tri kỷ hầu vắng bóng, nhà thơ đành kết bạn với vầng trăng viễn xứ:

       “Vời tổ quốc, ngẩng đầu vướng núi,
        Mở mắt rồi lại cúi nhìn sông
        Trăng cao bóng nước mây lồng,
        Mang sầu vong quốc thả dòng nước trôi”
       (Anh Độ)

Nhà thơ như muốn nhờ mặt trăng trên cao làm trạm chuyển tiếp đưa lòng nhung nhớ về chốn cũ:

       “Sông dài, trời rộng, núi cao
       Trăng khuya vời vợi dạt dào tình quê”
       (Vũ Hối)

        “Lặng nhìn trăng biển về Tây,
        Nhớ quê cách nửa vòng quay địa cầu”
       (Hà Bỉnh Trung)

Lòng hoang vắng, kẻ ly hương thấy trăng cũng có vẻ đồng điệu, đôi lúc cũng đi hoang như người:

       “Hồn ta lạc lõng nơi đây
       Nhìn trăng trăng cũng đếm ngày đi hoang”
      (Nghiêu Minh)

Cuộc sống xa xứ cũng đã đủ khiến lòng người lạnh lẽo, nhà thơ lại thấm lạnh thêm vì ngoại cảnh. Tuy thế tuyết lạnh bên ngoài có lẽ cũng không so sánh được với cái buốt giá trong tâm hồn con người:

      “Bao la đất khách một trời sương
       Tuyết trắng phau phau lạnh nẻo đường”
      (Anh Độ)

        “Tuyết trắng ngoài kia, trời đất não nùng,
       Và băng giá trong lòng người xa xứ”
       (Lê Thị Ý)

Đôi khi bão tuyết mịt mùng, chôn lấp cảnh vật, chôn sâu thêm nỗi niềm nhung nhớ. Trong cái màn sương tuyết phủ trắng đất trời đó bóng người chập chờn mờ mờ, ảo ảo, như thực, như hư:

      “Ngoài kia tuyết trắng ngập đầy
       Vùi sâu nỗi nhớ những ngày ly hương”
      (Hà Bỉnh Trung)

      “Tuyết rơi phủ trắng nẻo đường,
        Bóng người như thể chập chờn bóng mây”
       (Anh Độ)

Khi cả một bàu trời tuyết bay trắng xóa lòng người cũng lạnh trắng vì kỷ niệm xưa. Trong nhung nhớ nhà lại mượn ruợu giải sầu:

       “Uống đi rượu đã rót rồi
       Cạn ly để nhớ một thời ly hương”
       (Lê thị Ý)

      “Những khi tuyết rụng tơi bời
       Rượu năm bảy chén chưa nguôi dạ sầu”

     (Anh Độ)

Sầu vì nhớ quê, sầu vì nhớ bạn. Vắng bóng kẻ tâm đầu, ý hợp nhà thơ đành uống rượu một mình. Hình bóng tri kỷ hầu như thấp thoáng ẩn hiện dưới đáy ly:

       “Mơ nhìn tri kỷ trong ly rượu
       Lúc này: mưa tuyết: một mình ta”
       (Anh Độ)

Dưới đáy ly đọng muôn vàn nỗi nhớ! Hãy cạn ly để vơi đi nỗi sầu:

      “Quê hương bỏ lại từ lâu
       Người ơi xin cạn chén sầu cùng ta
       Chiều nay chợt thấy nhớ nhà
       Vườn sau cỏ cháy, lệ sa giọt dài”
      (Lê Thị Ý)

Hãy cạn ly! Hãy say đi để khỏi suy tư thêm nữa:

      “Thà say ngủ tít quên đời
       Còn hơn khi tỉnh nhớ người quê xa”
                                                           (Hà Bỉnh Trung)                                                     

Được lòng hoài hương gợi hứng nhà thơ đem cả tâm tình gửi vào những vần điệu. Những vần thơ đầy cảm xúc, đầy nhạc tính, nghe thân thương âm hưởng ca dao đất Mẹ:

       “Cố hương xa mấy trường đình
        Xin đem gởi trọn tâm tình vào thơ”…
      “Thơ vần lục bát đôi câu
        Cùng ngâm cho nhẹ nỗi sầu ly hương”…
                                                           (Anh Độ)                                                      

Dù nơi đất khách phong cảnh có đẹp đến thế nào chăng nữa cũng không làm nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà:

      “Trời Hoa Thịnh Đốn giăng hoa
       Lòng người tỵ nạn vẫn da diết sầu”
      (Lê Thị Ý)

       “Này quê hương mới, quê hương tạm
        Ta chỉ dừng chân quên nỗi đau
        Em kiêu sa quá làm ta nhớ
        Vườn cũ quê nhà ngát hương cau”
      (Quỳnh Anh)

       “Mỗi buổi sáng
       Thức dậy ngỡ ngàng với sự hiện diện của mình
       ở miền đất tạm dung
       Thủ đô xứ người, kiến trúc đồ sộ, ánh sáng chói chang,
       âm thanh xa lạ
       Tất cả không quen thuộc, không luyến thương
       Chỉ thấy thờ ơ lạnh nhạt”
       (Trần Quốc Bảo)

Saigon, thủ đô miền Nam cũ, nơi biểu tượng của đất nước, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm vui buồn. Thành phố nay tuy mang tên lạ nhưng vẫn gây nỗi nhớ chập chờn trong lòng người:

       “Anh ôm hôn cả Saigon
        Nghiêng vai nghe thoáng chiều thơm Thị Nghè
        Hôn ngàn khơi cánh chim xa
        Cho nguôi phút nhớ quê nhà Á Châu”
       (Nguyễn Đức Vinh)    

        “Saigon ta đã mất người
        Saigon nay đã đổi đời thay da
        Ngẩn ngơ giữa xứ cờ hoa
        Xé tờ lịch biết đã qua một tuần”
       (Lê Thị Ý)

Nhớ thương chồng chất, tuy “xa mặt nhưng chẳng cách lòng”, ngàn đời những nơi cũ, những địa danh một thời biểu tượng cho quê hương đất nước vẫn tồn tại trong tâm hồn ly khách:

       “Ngàn năm Gia Định vẫn còn
        Ngàn năm không mất Saigon người ơi
        Tánh danh là tánh danh rồi
        Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh”
                                                                 (Nguyễn Đức Liêm)                                                        

      Đồng đất nước người với tình trạng kinh tế khắp nơi nói chung tạm coi là khá giả sung túc, nhà thơ chạnh lòng nghĩ đến bao nỗi khốn khó tại quê nhà:

       “Mỗi lần nhớ đến quê nghèo khó
        Là mỗi lần nghe tiếng thở dài”
       (Hà Bỉnh Trung)

      “Thương về quê mẹ dạ nao nao
       Tuởng tượng tình dân khổ biết bao”
       (Kim Y)

Mường tượng ra cuộc sống người dân Việt trên quê hương phải đổ mồ hôi pha lẫn nước mắt nhiều khi loang thắm thêm cả máu hồng:

       “Kìa Anh! Sao chửa hết mơ màng?
       Nhìn sắc thu hồng ngờ máu loang
       Của cả toàn dân trên đất Việt
       Đang dần nhuộm thắm khắp giang san”
                                                                  (Trương Anh Thụy)                                                       

Tuy phải bỏ xứ ra đi nhà thơ vẫn luôn luôn coi mình là dân Việt. Thân xác này và cả tâm hồn này vẫn có nguồn gốc Việt, gió bụi cuộc đời khó vùi dập:

       “Tôi đi như thể tôi còn sống
        Về đến nơi nào hỏi nắng mưa
        Rằng xác thân tôi thì đã Việt
        Hồn tôi mấy gió bụi cho vừa”
       (Nguyễn Đức Liêm)

Dù phải hội nhập với xã hội mới nhà thơ vẫn hoài niệm đến những gì thuộc về quá khứ, nặng dân tộc tính:

       “Tôi từ thay vạt áo dài
        Tôi là tôi rất quái thai khó nhìn”…
       “Một sớm nào đây thành công dân Mỹ
        Vẫn da vàng, rau muống mẹ Việt Nam”…
       (Lê Thị Ý)

Nhà thơ khuyên các thế hệ con cháu đừng quên đi nguồn gốc của mình và vững tin ở một tương lai rực ánh vừng dương:

       “Đừng cúi mặt tủi phận màu da
       Một mai chim rồi quen tiếng hót
       Ở nơi nào cũng đánh thức bình minh
       Hót đi con giọng điệu thanh bình”
                                                             (Nguyễn Thị Thanh Bình)                                                      

Kẻ ly hương tự cảm như bèo trôi bồng bềnh trên sóng nước và mong có dịp được trở về bến cũ, hay như cánh chim lạc đàn mong có ngày về tổ ấm nơi quê mẹ:

       “Bèo trôi trôi mãi có ai ngờ
        Chớp mắt qua rồi mấy chục thu!
        Nước có bao giờ xoay ngược hướng
        Đưa bèo trở lại bến đò xưa?”
       (Kim Y)

       “Bao giờ chim lạc bay về tổ
        Dưới mái tranh xưa ngẫm chuyện đời”
       (Trương Anh Thụy)

       “Xa tít nơi kia cõi khác đời
        Tận chân trời mộng vắng mây tôi
        Bao giờ mọc cánh bay về được
        Cho hết bây giờ tê-tái-tôi”
       (Nguyễn Đức Liêm)      

Tình hoài hương ấp ủ trong tim, vương vấn trong lòng người và càng mãnh liệt hơn với tuổi tác thêm cao, với tháng ngày chồng chất:

       “Tuổi hạc hằng mong được trở về
        Bên bờ Tô Lịch viếng thăm quê
        Từ đường chùa miếu, lăng tiên tổ
        Ngắm lại đồng xanh, ngắm lũy tre”
       (Tô Giang Tử)

Mai đây con người phải trở về với cát bụi mất rồi, sợ thời gian chẳng dừng cánh đợi chờ, ly khách đành gửi cả tâm sự mình vào trong sách với niềm hy vọng bừng lên rực rỡ tin vào sự đổi thay khắp nơi:

       “Quê hương ừ đã rất xa
        Một mai tro bụi trải ra xứ người”…
        Một buổi nào đây thế giới chuyển mình
       Về quê cũ vòng tay đầy hạnh phúc”…
       (Lê Thị Ý)

       “Gởi hồn theo sách về thăm nước
        Cát bụi thân mình lại xót xa
        Giá có hồn thiêng sông núi thực
        Ngày nào ta trở lại quê nhà”
       (Vi Khuê)

Nhà thơ mường tượng ra ngày về, cảnh ngoài rực rỡ, tình trong đậm đà, lòng người thêm phấn khởi:

      “Saigon, tôi thú thương đau
       Saigon tôi thích cái màu tươi xưa
       Tôi về lặng lẽ hơn mơ
       Tôi về vang dội trên bờ Đồng Nai
       Tôi đem giấy ngắn, tình dài     
       Tôi đem bĩ cực, thái lai Saigon”
       (Nguyễn Đức Liêm)

Chỉ cần tưởng tượng ra cái cảnh hồi hương cũng đã đủ làm nhà thơ dâng hoài cảm, xúc động:

       “Bỗng liên tưởng đứng kề bến cũ
        Bắc, Trung, Nam nhớ đủ biển, khơi.
        Hồn thiêng sông núi vẫy mời,
        Đàn con di tản khắp nơi sớm về”
       (Tô Giang Tử)

Trong khi chờ đợi một ngày về nguồn đầy vinh quang sáng lạn, nhà thơ nhắc nhở đồng bào:

       “Đừng quên nguồn gốc Việt nam
        Giữ thơm nòi giống, bảo toàn quê hương
        Mai này lịch sử sang trương
        Chen vai sát cánh Nam phương tiến về”
       (Trương Anh Thụy)

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Virginia, USA, tháng 12 năm 2015

Cái Tai Hại Của Chế Độ Cộng Sản Độc Tài Gây Ra Cho Nòi Giống Việt

Bs. Nguyễn Hy Vọng

bs nnhvongCách đây 32 năm, bọn Việt cộng gỡ hết máy móc của kỹ nghệ miền Nam đem về Bắc nhưng không biết dùng vì dốt nát quá nên đã để cho sét rỉ cả.

Bọn đầu sỏ của chúng nó bắt đi tù cả mấy trăm ngàn quân nhân cán bộ và trí thức miền Nam trên 10 năm trong một ý đồ ngu xuẩn là muốn tiêu diệt hết cái sinh lực của miền Nam để chúng nó “một mình một chợ”.

Chúng nó nói láo là từ 1957 chúng nó đã có 21 trường đại học và 54 ngàn sinh viên đại học, trời đất ! vậy mà một tên bác sĩ ngoài đó khi vào chiếm và làm việc cho bịnh viện miền Nam của tôi đã ngu dốt đến nỗi viết toa cho  bịnh là: Unicef , uống ngày ba lần mỗi lần một viên ! [sic]  Unicef là cơ quan Nhi đồng quốc tế, chẳng qua là nó có bao giờ nghe nói đến cái cơ quan này đâu nên tưởng đâu là tên một vị thuốc !

Suy một mà ra mười ta đủ biết cái đỉnh cao trí tuệ của bọn chúng như thế nào ?!

Cách đây 6 năm, tờ báo Tuổi trẻ đã đăng 1 bài về thi trung học toàn quốc bên đó; trong số 12 học sinh chiếm giải, chỉ có một học sinh người Thượng còn lại đều là học trò của miển Nam và họ thắc mắc, tại sao ? Không lẽ học trò miền Bắc lại dốt hơn học trò miền Nam đến thế ? Cũng là người Việt cả mà?

Gần đây theo Rockefeller Institute nhánh Úc châu (tài liệu báo Nguồn ở San Jose) thì 30 năm qua người Việt bỏ nước ra đi, chưa tới 3 triệu, đã có đuợc 15,500 bằng sáng chế tại khắp thế giới (so với Thái Lan 70 triệu người chỉ có 6500 bằng, và Singapore 5 triệu người với 7500 bằng)… trong khi đó thì thảm thay, cả Bắc lẫn Nam của VN dưới ách đô hộ của bọn Việt cộng chỉ có 258 bằng sáng chế trong suốt ba mươi năm trời.! Nghe mà muốn ói máu vì bọn đầu sỏ dốt nát đang đàn áp người dân miền Nam sẽ đem cả một dân tộc đi vào cái họa diệt vong trí thức.

Hiện nay Việt nam tràn ngập bằng tiến sĩ giả cả triệu cái, mà khi đối đầu với các thách đố trí tuệ với ngoại quốc thì như một bầy “mán xá về thành”.

Học hành thì mua bán đề thi, muốn mua bằng gì cũng có suốt 32 năm qua.

Bọn nhân viên của công ty chất đốt ở Sàigòn lấy công quỹ đi du lịch Tàu chơi, lại còn khoe với tôi là chúng nó có bằng siêu kế toán năm năm của cấp trên chúng nó cấp cho, không cần học, bao nhiêu việc giấy tờ và tiếp xúc với ngoại quốc thì  đã có một bầy kế toán (con cháu của Ngụy) có học kế toán đàng hoàng làm việc cho.  Nó nói với tôi : “anh biết không, tụi tui muốn đi Tàu tham quan và giải trí luôn thể thì chỉ cần bảo bọn kế toán tay em “làm” giấy tờ cho được 40 triệu để đi, đứa nào khóc lóc không dám làm thì allez, cứ việc sa thải. Con mẹ “siêu kế toán” nói với tôi, nó chỉ là du kích Củ chi nhưng có công với cách mạng… dù một chữ kế toán cũng không biết, cách mạng chỉ việc cấp cho nó cái bằng giả 5 năm kế toán cao cấp !

Một tên dạy Văn khoa đại học bên đó đã  khoe khoang với một Việt kiều trí thức từ Pháp về là “chúng tôi có thầy dạy đủ mọi thứ tiếng, tiếng Nga, Tàu, Pháp, Anh …”  Khi được hỏi “xách mé” là “có thầy dạy tiếng Việt không?” nó như rơi từ cung trăng xuống, nói trân tráo là “làm gì có, tiếng Việt ai chả biết, dạy mà làm gì !”

Đó, cái đỉnh cao trí tuệ của chúng nó là thế!

Một tên đại văn nô khác, thì đã phát biểu một câu xanh rờn : “… sở dĩ có từ ngữ tiếng mẹ đẻ là vì bọn Tàu qua sinh con đẻ cháu nhưng lại bỏ về Tàu không chịu nuôi nên phải nói tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ” (sic).  Nghe cứ như là chuyện Congo! Mà đó là sự thật 100%.

Chúng nó thật ra không xứng đáng làm con cháu của Congo là cái chắc. Congo chắc chắn còn văn minh hơn chúng nó nhiều. Thật là tủi nhục!

Đủ biết cái cách cai trị ngu dân của bọn Cộng sản Việt đã làm cho đầu óc của người Việt, nói chung, thụt lùi cả một thế kỷ so với Thái Lan và Singapore, chứ đừng nói gi so với cái thông minh tuyệt vời của đám người trẻ Việt hải ngoại.  Mà cũng là người Việt cả đấy!  Mà chúng nó có thực sự biết cách cai trị hay không?

Hay là chỉ là một bầy man rợ tràn vào miền Nam ăn bám và rúc rỉa người miền Nam, sau khi đã diệt chủng người dân khốn khổ miền Bắc năm 1956, 1957;  tàn sát chính 42 ngàn người dân đất Bắc vô tội bị chúng gán cho là cường hào địa chủ để rồi bị một phát súng vào đầu, một lát cuốc vào cổ hay bị chôn sống mà không cho thân nhân đến khóc và chôn. Mười một năm sau, chúng đã tàn sát dã man chưa từng thấy 5000 người dân Huế vô tội vào cái Tết Mậu Thân 1968 chỉ vì dân Huế có cái tội là dân của một đế đô miền Nam đã vẫn luôn luôn kiên cường chống Cộng.

Năm 2000, một tài xế xe đò Long xuyên-Sàigòn đã nói bô bô rằng:  “Mày coi, thống nhất cái con … gì mà thống nhất, Đ m chúng nó! mày kiếm cho tao một thằng nam nào mà ra bắc sống cho thoải mái đuợc không?  Hai mươi lăm năm rồi, một thằng cũng không…còn bọn chúng nó vào cả triệu thằng, chúng nó ăn đường ăn sá, ăn rừng ăn núi, ăn đất ăn đá, ăn nhà ăn cửa của vợ con mình, chúng nó còn hạch xách vợ con mình nữa, …Đ.. m, đ.. m, đ …m …”.  Cả chiếc xe đò 42 người cười ồ đồng ý với người lái xe, một nét văn hoá người miền Nam mà bọn Việt cộng ngoài Bắc không bao giờ có được vì trong cái xã hội chủ nghĩa, cả bọn nó phải thủ thân nhìn quanh nhìn quất cả đời chúng nó mà không hề biết cười cho ra cái cười tự nhiên của con người biết sống với người cùng giống cùng nòi.

Miền Nam (Đàng Trong) oai hùng cách đây năm thế kỷ đã từng là một nước lớn mạnh ở Đông Nam Á, buôn bán phồn thịnh với cả thế giới bên ngoài và được kính nể từ ông cha đạo Bồ đào nha cho đến vị thuyền trưởng của bất cứ tàu buôn ngoại quốc nào.

Dưới sự cai trị khoan hoà và  khuyến khích, người dân tay cuốc tay cày mở mang đất nước, triều đại nhà Nguyễn suốt ba thế kỷ trước đã đem lại cho Việt nam gấp đôi đất đai, để ngày nay bọn chúng tha hồ rúc rỉa. và đem một phần đất nước đi dâng không cho bọn Tàu “khựa” để cầu đuợc bảo vệ cho kiếp sống thừa nhục nhã của chúng nó.

baiviet BS Hyvong 2Hiện nay cũng vậy, sau ba mươi năm bị bọn Việt cộng rúc rỉa và đè ép, sức sống dân miền Nam vẫn còn quá mạnh, cả vùng Sàigòn và chung quanh,  chừng 10 triệu người mà một năm xuất cảng được 4 ngàn triệu đô la, trong khi đó vùng châu thổ quanh Hà nội cũng chừng 10 triệu người chỉ sản xuất  đuợc nửa tỉ đô la, mỗi đầu người làm việc đầu tắt mặt tối quanh năm mà chỉ được 50 đô la một người ! (nguồn tài liệu báo Nam Cali)

Không thể nào mà người dân miền Bắc hèn kém đến như thế, nhưng chẳng qua là …ngày nào cái bọn khốn nạn đó còn đè đầu đè cổ người miền Nam thì cái nhục mất nước và lạc hậu của cả một dân tộc, từ Bắc đến Nam, sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

Gần đây, một ông trong Viện Ngôn Ngữ Học Hànội xin tôi gởi cho CD Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt để nghiên cứu [sic]; tôi gởi cho ngay, và yêu cầu họ có thấy gì đáng thảo luận trong đó thì input cho tôi hay nhé!  Ông ấy bảo: “Tôi đã copy 10 cái CD của ông cho 10 đồng nghiệp trong Viện để “nghiên cứu”, nhưng sau đó lại email cho tôi: “Thưa ông, input là cái gì vậy thưa ông ?!”

Trời đất,  input, mà một Viện ngôn ngữ Hà nội của năm 2006 cũng chẳng hiểu là cái quái gì … thì  làm sao mà trí “thức” cho nổi, cái bọn trí “ngủ” đó đã nhận  chìm  cả một dân tộc xuống vũng lầy ngu dốt của chúng nó suốt 50 năm nay.

Bs Nguyễn Hy Vọng