Tết Tha Hương

(Thơ hoài hương ngày Tết của một số nhà thơ
vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.)

tethanoi

Khi ngày Tết tới, trong kiếp sống tha hương người Việt chúng ta ai cũng có ḷòng tưởng vọng về quê cũ. Riêng đối với các nhà thơ, tình hoài hương lai láng đó được giàn trải bàng bạc thành những vần thơ dâng đầy sầu cảm.

Tết đến rồi kìa! Dù nơi cửa Thiền hay ngoài cõi tục trần vẫn luôn thoang thoảng mùi hương thơm của hoa Xuân:

“Hiên chùa trăng sáng bao la
Mùa Xuân của Đạo nở hoa nhiệm mầu
Hương thiền hàn gắn khổ đau
Ngõ tu phúc huệ, đường vào Chân như”
(Bùi Thanh Tiên)

“Đông đến và mùa khơi tháng giêng
Xuân gieo đêm chuyển mộng an hiền
Bừng vui môi mắt cười xanh quá
Mộng bỗng vàng ươm thơm cúc hoa.”
(Ý Anh)

Mỗi độ vào ngày Tết lại là một lần nhẩm đếm để ghi dấu thêm một năm nữa xa quê và lòng vẫn trĩu nặng hình ảnh dĩ vãng:

“Năm năm mỗi độ Xuân về
Nước non nhắc nhở niềm quê bồi hồi.”
(Kim Y)

“Nắng  vàng  như  mật  ong
Gió  xanh  màu  cỏ  biếc
Lòng  ta  đầy  tưởng  tiếc
Một  thời  Xuân  xa  xưa…”
(Hoàng Song Liêm)

Ngày Tết dù có đua nở khoe sắc thắm tươi với vạn vật nhưng nhiều lúc có lẽ đã tắt ngấm trong lòng người ly hương:

“Vui xuân đón Tết nhường thiên hạ
Riêng khách lưu vong vạn cổ sầu”
(Kim Y)

“Quê hương mình đẹp đâu bằng
Xuân xa quê chẳng nghĩ rằng là xuân”
(Hà Bỉnh Trung)

“Quê người đất khách Xuân sang
Trời đông giá lạnh lòng hoang vắng sầu
Cảnh đời sao lắm biển dâu
Tuổi thơ cho đến bạc đầu phong sương”
(Hoàng Trùng Dương)

Lòng nhớ quê hương lại càng nung nấu hơn nữa khi xuân cũng phải đổi màu vì tuyết trắng rơi phủ lạnh lẽo nơi xứ người:

“Xuân xanh, xuân đỏ rồi xuân trắng
Ta biết tìm đâu bóng dáng quê?
Ta biết tìm đâu thêm chút nắng
Khi trời đang lạnh, tuyết lê thê”
(Hà Bỉnh Trung)

Đêm nay thức đợi Giao Thừa
Vườn sau vi vút gió lùa rặng thông
Một trời tuyết trắng mênh mông
Nhớ về quê mẹ cõi lòng quặn đau
(Lê Thị Ý)

Quê nhà cách xa cả nửa vòng trái đất, trông vời chỉ thấy núi cùng sông, thấy biển cả mênh mông, thấy dáng chiều buồn vời vợi dưới ánh trăng suông:

“Xuân về đây – không hoa không lá
Vạn vật thờ ơ
Xuân xa lạ
Khách phong sương chợt thấy dạ bồi hồi
Xuân ơi! Xuân!
Từ lâu đã mất xuân rồi
Bao giờ xuân thắm quê tôi trở về”
(Trần Quốc Bảo)

“Rau răm trụi hết lá già
Mùa Xuân gửi ngọn bạc hà xa xăm
Chiều nghiêng dáng núi đêm rằm
Lũng trăng cũng giục âm thầm nhớ quê”
(Giang Hữu Tuyên)

“Dụng tửu phá thành sầu”, một chén rượu đưa tiễn năm cũ và đón chờ năm mới cũng vẫn chẳng làm ấm lòng người xa xứ, không mang lại chút vui nào:

“Năm châu lạc bước, vùi mưa tuyết
Nhìn đâu chẳng thấy bóng quê hương
Rượu đêm trừ tịch, xuân đất khách
Vẫn không cạn nổi, chén chán chường!”
(Vũ Hối)

 “Ta rót mừng ta ly rượu đỏ
Chào Xuân đất khách, Tết tha hương
Hỡi ơi quê mẹ xa ngàn dặm
Se sắt lòng ta nỗi nhớ thương!”
(Hoàng Song Liêm)

“Xuân à! Những tưởng Xuân đi.
Nào hay Xuân lại tức thì đến ngay.
Đời say, Xuân cũng say say.
Hoa vàng, bướm trắng, ngất ngây một trời.
Xuân à! Những tưởng Xuân tươi.
Ngờ đâu Xuân cũng biết cười gió đông
Bên kia Xuân đẹp, Xuân nồng.
Bên này Xuân quá lạnh lùng, hỡi Xuân!”
(Đăng Nguyên)

Dù đầy nhung nhớ nhưng chỉ cần nghĩ đến hình ảnh quê nhà là tâm hồn người ly hương lại đã bừng lên niềm hoan hỉ chen lẫn mối hận lòng:

“Quê hương khuất nẻo chân trời
Bỗng dưng chớp rạng sáng ngời quê hương”
(Vi Khuê)

“ngỡ là xuân đến sau đông
Hoa đào xinh xắn tô hồng môi duyên
chỉ vì quốc hận chưa quên
hồn thơ u uẩn giữa mênh mông đời”
(Cao Nguyên)

Thời xưa thi sĩ Lamenais viết: “Kẻ tha hương ở đâu cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng” (L’exilé partout est seul). Thời nay các nhà thơ xa xứ cũng có tâm trạng đồng điệu, cõi lòng cũng lạnh lẽo khi nhớ tới tiếng pháo nổ ròn, nhớ về bóng mai vàng chào đón Tết trong ánh nắng quê xưa:

 “Đâu còn đón Tết, mai vàng
Ngậm ngùi nuốt lệ, trái ngang nghẹn ngào”
(Vũ Hối)

“Xin gửi qua giùm chút nắng Xuân
Bên này đã lạnh thuở Thu phân
Bây giờ trời đất tràn băng giá
Không biết làm sao để ấm lòng”
(Lãm Thúy)

Dù khi có hoa đào nở, có hoa mai vàng hé nụ nhưng ngày xuân vẫn có vẻ gượng gạo, chẳng mang lại niềm vui:

“Ngỡ ngàng viễn xứ xa xôi
Bồng bềnh mây trắng nổi trôi quê người
Rộn ràng đào thắm khoe tươi
Mai vàng hé nụ gượng cười đón xuân”
(Quỳnh Anh)

tet que nha

Trong cuộc sống xa xứ bà Mẹ hiền cao niên luôn nhớ đến quê cũ khi xuân về.

“Làm sao em quên được
khi lúc nào Mẹ cũng âu lo.
Nghĩ đến những người thân còn kẹt lại.
Tối ngày, Mẹ cứ thở ngắn than dài…
Hỏi mãi, hỏi hoài
“Bao giờ mình mới được
về sống ở Việt Nam?”
(Hồng Thủy)

Khi chính bà Mẹ mình còn kẹt lại quê nhà thời nhà thơ đâu còn thiết đến đón Tết vì vắng hình ảnh kính yêu trong tâm khảm:

“Mẹ mất vào cuối năm
Hỏi chi hoa mai nở
Chờ gì én phất phơ
Ngàn đời xuân biệt tăm”
(Nguyễn Thị Thanh Bình)

Nhà thơ nhớ lại ngày nào còn viết những vần thơ đón Tết thành khẩn cầu chúc cho Cha Mẹ kéo dài tuổi thọ với đầy ân phước:

“Năm nay Xuân nữa, viết thơ xuân
Cầu cha mẹ thọ, đủ vui mừng
Tài lộc không màng, xin chỉ vậy
Phước là vui sống với song thân”
(Lãm Thúy)

Hình ảnh song thân trong gia đình Việt Nam quả thật mãi đẹp trong tâm hồn các nhà thơ:

“về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng 

đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa”
(Cao Nguyên)

Nhưng rồi theo quy luật “vô thường” Mẹ yêu cũng khuất bóng khiến lòng nhà thơ ngậm ngùi hơn khi năm cùng tháng tận:

“Xuân về chạnh nhớ Mẹ yêu
Nghĩa trang hoang vắng buồn hiu mộ phần
Mẹ đi giã biệt dương trần
Không còn mong đợi mỗi lần xuân qua”
(Hoàng Trùng Dương)

“Nhớ ngày năm ngoái con còn Mẹ
Cùng đón Xuân về, vui biết bao.
Mẹ khuất. Năm nay Xuân quạnh quẽ
Tha hương nghe lạnh gió đông sầu.”
(Lãm Thúy)

Giây phút linh thiêng đón Năm Mới cũng là lúc nhớ đến song thân, đến “Nguồn Cội”:

“Giao thừa kinh nguyện ngát trầm hương
Giây phút thanh tân thắm nụ hường
Bóng Mẹ hiền lương am Tịnh Độ
Dáng Cha phúc hậu mái Xuân Đường.”
(Phan Khâm)

“Thắp nén nhang trầm đón Tết ta
Mâm đầy ngũ quả lại bày ra
Chè sen thơm ngát dâng tiên tổ
Hương khói chân thành khấn Mẹ Cha”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

Sợ thế hệ con cháu trong tương lai bị vẩn đục bởi bụi bặm cõi trần gian mà quên nếp cũ, nhà thơ nhắc nhở:

“Tân niên khai bút đề thơ
Nhang trầm thơm ngát bàn thờ tổ tiên
Rể, dâu, con, cháu đoàn viên
Cả nhà sum họp ấm êm vui vầy…”
(Hoàng Trùng Dương)

“Tết nay nội ngoại về trời,
Mẹ cha khuất núi, xa vời người thân,
Phong tình cổ tục quên dần,
Gắng công gìn giữ được ngần ấy thôi”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

Nhà thơ cũng lại nhớ thêm đến cả người con thân yêu đã yểu số xa lìa dương thế:

“Cây đào cũ hết ra hoa.
Con về thiên cổ, Hoa là cành không.
Xuân còn sót lạnh tàn đông
Mẹ còn nguyên, nỗi nhớ nhung đọa đày.”
(Lãm Thúy)

Đôi khi cõi lòng tưởng nhớ đến hình ảnh một bóng hồng năm cũ với nụ cười như hoa nở, nhớ lúc cận kề tình tứ trong buổi gặp gỡ hôm nao, hình ảnh dấu yêu vẫn mãi vương mang trong tiềm thức:

“Tôi vô tình nhớ năm qua
Vào xuân em mát lụa là tháng giêng
Em cười nở nụ thủy tiên
Đời tôi hóa kiếp truân chiên mất rồi”
(Phan Khâm)

“Xuân về chợt thấy thiếu em
Yêu đương nồng thắm êm đềm ngày xưa
Bên nhau biển lặng rừng thưa
Có em quên hết nắng mưa, ưu phiền…”
(Bùi Thanh Tiên)

Thơ hoài hương day dứt nỗi buồn xa xứ, lai láng tình tự dân tộc. Những vần thơ không chỉ còn là những dòng mực trải trên trang giấy vô tri vô giác nữa mà đã thật sự gần gũi với dòng máu chảy trong huyết quản khách ly hương. Bao hình ảnh thân thương xa xưa lại được dịp hồi tưởng lại khi đón Tết xa quê:

 “Tha hương Tết lắm ngậm ngùi…
Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay
Giao thừa quê mẹ, phương này tuyết rơi.”
(Vũ Hối)

“Xuân đến rồi ư người bạn nhỏ
đầy thềm tuyết đọng suốt đêm qua
ngẩn ngơ tự hỏi mùa xuân đến
xuân ở ngoài đời hay trong ta…
Nghĩ lại năm xưa xuân hớn hở
bạn bè nhộn nhịp lòng như hoa…
 Xuân này ngó lại đầy bông tuyết
tóc trắng bay theo những mộng đời
bạn cũ, quê xưa nào đâu thấy
chỉ thấy quanh nhà tuyết lại rơi.”
(Nguyễn Tường Giang)

Vào cuối năm, khi nhìn tuyết rơi trắng nơi nơi ở khắp đất khách lòng nhà thơ lại gợn lên bao nỗi sầu nhất là khi cô đơn đón Tết:

“Người bạn bên hàng xóm
ngừng đào tuyết, hỏi tôi
man, you looked so sad
what’s your problem?
Vâng, lòng tôi buồn lắm
Hôm nay ngày cuối năm
Bao nhiêu người đón Tết
Tôi ở đây một mình”
(Nguyễn Tường Giang)

    Đôi khi bão tuyết mịt mùng, chôn lấp cảnh vật, chôn sâu thêm nỗi niềm nhung nhớ của nhà thơ. Trong màn sương tuyết đó bóng người sao mà mờ ảo, như thực, như hư, chập chờn vì sương tuyết hay vì làn nước mắt, vì giấc mộng mơ:

“Lại một Xuân về trên đất khách
Tết buồn, Tết nhớ, Tết tha hương!
Ngày xanh như lá thu vàng rụng,
Trở giấc đêm về mộng viễn phương.”
(Hoàng Song Liêm)

 Nhà thơ đôi lúc cảm thấy không còn thi hứng để sáng tác, khi nghĩ đến cảnh khổ đau của người dân trong nước:

 “Tân niên gác bút không khai bút
Thơ xuân ngượng ngập ở đầu môi”
 (Trần Quốc Bảo)  

Hoặc khi nghĩ đến cảnh xưa tang tóc vì chiến tranh lẫn cảnh đọa đày ngày nay của dân Việt trong nước:

“mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thấm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang”

(Cao Nguyên)

“Anh hỏi em
Mỗi độ Xuân về trên đất Mỹ
Em có bao giờ…
Nghĩ đến Việt Nam không?
Có chứ anh
Em vẫn thường tự hỏi
Những cội mai vàng có còn nở đầy bông?
Chợ Tết Saigon có còn đông như trước?
Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ
Tài tử giai nhân
Có còn dập dìu chen chân bước?
Như những ngày…
Đất nước mình còn hai chữ Tự do?”
(Hồng Thủy)

Nhưng đôi khi khung cảnh mùa xuân được lòng hoài hương gợi hứng nhà thơ vẫn đem cả tâm tình gửi vào những vần điệu với nỗi lòng nhung nhớ quê hương:

“Cố hương xa mấy trường đình
Xin đem gởi trọn tâm tình vào thơ”
(Anh Độ)

“Em về quê cũ xin cho gởi
Trắng một cành hoa đến muôn nơi
Sông sẽ cùng hoa đi khắp nẻo
Thì thầm tình tự đất mình ơi.”
(Ý Anh)

Dù vắng tiếng chuông chùa, thiếu mùi trầm hương, thiếu tiếng pháo reo vui, vắng bóng hoa mai vàng rực rỡ lời thơ vẫn vang lên những lời cầu chúc tốt đẹp cho thân nhân và bằng hữu trong cảnh tha hương:

“Thiên nhiên khởi sắc đón mùa sang
Lòng kẻ tha hương bỗng rộn ràng
Đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ
Quê người dù thiếu bóng mai vàng
Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”
(Tâm Minh)

Trong tận cùng tâm khảm, lời ước đầu năm của các nhà thơ thường là điều mơ ước được trở về lại chốn quê cha đất tổ vào một ngày nào đó trong tương lai:

“Quay đi quay lại đã già
Bước run trên tuyết, thoáng qua nửa đời
Còn bao xuân nữa quê người
Và hôm nào sẽ pháo vui quê nhà”
(Lê Thị Ý)

“Xuân qua lặng lẽ, cành trơ lá
Đất khách quê người nỗi nhớ xa
Giấc mộng muôn trùng sao chưa đến
Bao giờ ta lại gặp quê ta?”
(Bùi Thanh Tiên)

“Xôn xao tiếng gió đêm trừ tịch
Lả ngọn đào xuân lay giấc Xuân.
Lửa ấm sao nghe lòng buốt giá
Giao thừa năm cũ vẫn bâng khuâng…
 Bao giờ trở lại quê xưa nhỉ?
Chợt lắng tâm tư sầu gợi sầu
Đất khách, quê người Xuân lữ thứ
Se lòng trăn trở giấc chiêm bao.”
(Hoàng Song Liêm)

Trong tận cùng nỗi nhớ, người dân Việt thầm cầu chúc cho đất nước một ngày nào đó được thật sự độc lập, tự do và hạnh phúc, toàn dân Việt được thật sự giải phóng khỏi mọi khổ đau để những ngày đón Tết năm mới sẽ rộn nở mãi mãi trên đất Việt trong một mùa Xuân dân tộc:

“Trước thềm Năm Mới ta cùng chúc
Quê cũ mai này hết xót xa.”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

“Ta cứ ngỡ chết rồi mi sẽ khép
Mùa xuân đâu sao chim én chưa về
Mi sẽ khép lúc xuân về tươi đẹp
Anh hãy về cho én lượn trên quê”
 (Nguyễn Thị Thanh Bình) 

“Mùa Xuân Tổ Quốc không xa nữa
Đồng lúa miền Nam óng ánh vàng
Rừng núi miền Trung hoa rộ nở
Mừng ngày giải phóng được giang san”
(Giang Hữu Tuyên)

Ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lại tung bay rực rỡ trong mùa mới, màu cờ chính nghĩa của toàn dân Việt, niềm mơ ước của người xa xứ trong cuộc đời tỵ nạn cộng sản:

“Chúa Xuân phất ngọn cờ vàng
Trên đỉnh cao cổ thụ
Thời gian chín ngọt mênh mang
Chở tin yêu về đầy vũ trụ
Sông núi chuyển mình
Đón chào Chân Thiện Mỹ
Xuân giáng sinh và ngự trị vĩnh hằng”
(Trần Quốc Bảo)

“Ngày mai, vui Xuân chiến thắng
Mai vàng nở rộ, đón Xuân sang!
Khải hoàn ca, ầm vang khắp phố
Cả non sông, rợp bóng cờ vàng!”
(Vũ Hối)

“Chúc tụng Xuân nào đầy mãn nguyện,
Ngày về rực rỡ đất Thăng Long”
(Nguyễn Thị Ngọc Dung)

hoa dao ngay tet
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, USA, tháng 1 năm 2016
Trước Thềm Xuân Bính Tuất)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *