Ngày Của Mẹ

Cao Nguyên

ngay cua me

Ngày Của Mẹ hằng năm, tôi thường gởi email đến các con của tôi bài thơ “Nhớ Đông Xưa”, như một lần nhắc lại các con phải luôn ghi nhớ về người Mẹ của mình trên hành trình đi bên cạnh người Cha suốt quãng đời chồng chất những khó khăn gian khổ.
Có thể đây cũng là một điển hình của một người đàn bà Việt Nam có chồng là một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời kỳ chiến tranh, người vợ thường sống bên chồng trên những vùng đất tiếp cận với chiến trường đầy những nỗi lo khi người chồng đang trực tiếp hành quân chống quân phương Bắc xâm chiếm miền Nam.
Những nỗi lo càng tăng lên sau chiến tranh, khi người chiến binh trở thành người tù binh, có những khoảng thời gian biệt tích trong các trại tù cộng sản. Khi nhận được tin chồng đang sống trong một trại tù nào đó, ngoài nỗi lo về sinh mạng người chồng trước sự ngược đãi khắc nghiệt của kẻ thù hung bạo. Người vợ còn phải lo làm việc vượt sức của mình, mong gom góp được chút tiền mua lương thực và vật dụng, thuốc chữa bệnh cần thiết để đi thăm nuôi chồng.
Mỗi lần vợ tôi đi thăm tôi ở những trại tù từ miền Nam ra miền Bắc, đều dẫn theo 2 đứa con gái, vừa để các con được gặp lại người cha, vừa để mẹ con chăm sóc lẫn nhau.
Bài thơ “Nhớ Đông Xưa” tôi viết trong mùa Đông 1978, sau khi vợ con đến thăm tôi tại trại tù Lào Cai sát biên giới Trung Quốc.
“gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau”
Trong thời điểm mọi người dân Việt Nam phải sống trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, ăn đủ no mặc đủ ấm đã là hạnh phúc. Thì việc phải chia sự ấm no đó cho người chồng ở trong tù, người vợ nào không cùng tâm trạng gian nan và tủi nhục đó.
“hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục”
Sự thăm nuôi, tiếp tế thức ăn, thuốc uống là sự duy trì cần thiết cho sự sống của người chồng. Bởi trong hoàn cảnh thù hận và khắc nghiệt của bọn cai tù, người chồng có thể gục chết bất cứ lúc nào. Người vợ đến thăm nuôi như một cứu tinh, đập vỡ quan tài để đưa chồng từ hỏa ngục trở về với cuộc sống.
Các con tôi, các con của những người tù binh như tôi trong những hoàn cảnh ấy, cần phải nhớ ơn người Mẹ của mình . Người Mẹ đã suốt đời vào sinh ra tử cùng chồng.
Tôi cũng muốn các con tôi hiểu thấu ý nghĩa của bài thơ, để thấm từng dòng tâm tư của Cha gởi cho Mẹ, mà cùng tri ân Mẹ của mình đã sống vì chồng con dẫu phải vượt qua bao đắng cay chua xót của một người đàn bà Việt Nam hiện hữu trong một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam sau khi bị cộng sản phương Bắc cưỡng chiếm miền Nam.
Nhân Ngày Của Mẹ, tôi xin chia xẻ cùng các bạn tâm trạng của tôi về một mùa Đông xưa.
“thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!”
Tôi cũng không quên chúc các bà vợ của các chiến hữu luôn được an vui sau những tháng năm tủi buồn và đau khổ cả tâm trí và thân xác.
Thân mến,
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ – May 10, 2016

Nhớ Đông Xưa

đang ở giữa những ngày Đông lướt qua
trời buốt lạnh lại nhớ mùa cơ cực
mắt muốn ngủ mà trái tim vẫn thức
canh chừng em trên bờ vực lầm than
gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!
thắp sáng tin yêu trong huyệt sầu hun hút
hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục
hăm hở đi, quên tiếng nấc bi ai!
nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!
em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con – Thế gới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
*
Xuân lại đến, cuộc đời đi cũng vội
mừng tuổi mình, tóc bạc lại trao nhau
nụ hôn quen sao mãi còn bối rối
như thuở anh vừa dạm hỏi trầu cau!

Cao Nguyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *