Khía Cạnh Pháp Lý Của Phỉ Báng và Vu Khống

LS Ngô Tằng Giao 

phibang va vu khong image
1.  Hiện tượng phỉ báng mạ lỵ trong lịch sử Anh-Mỹ

Vào năm 1637, một cây viết người Anh tên là William Prynne đã phạm một lỗi lầm rất lớn khi viết một cuốn sách trong đó chỉ trích Nữ Hoàng.  Bị đưa ra xét xử trước tòa án anh chàng Prynne xui xẻo đó bị đoàn thẩm phán kết cho tội phỉ báng (libel) với bản án tù chung thân.  Ngoài ra, bị cáo còn bị thêm một hình phạt phụ nữa là bị xẻo tai trước khi bị tống vào nhà giam.

Thời thuộc địa, cho tới năm 1734, việc phỉ báng quan chức, dù nội dung có đúng hay không, đều bị coi là phạm tội. Nếu cây viết Prynne này mà sống trong thế giới tân tiến Hoa Kỳ vào thời buổi này thì có thể phóng bút thật là thỏa chí, tự do mà viết lách, muốn phê bình ai cũng được, dù là Nữ Hoàng hay là Tổng Thống mà chẳng sợ bị xẻo tai hay ở tù.

Nhưng từ năm 1734, khi Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh, đã có một vụ án lịch sử, đó là vụ Zenger. John Peter Zenger là một chủ nhiệm báo tại tiểu bang New York, ông đã đăng tin trên tờ New York Weekly Journal của mình chỉ trích vị thống đốc hoàng gia Anh tiểu bang này là bất tài và nhận hối lộ. Ông bị kiện ra tòa và đã phải vào tù về tội phỉ báng và mạ lỵ. Nhưng luật sư Andrew Hamilton bào chữa cho Zenger đã tạo nên một bước ngoặt về pháp lý. Luật sư đã thắng kiện (1735) khi nêu ra được sự thật rằng những điều chỉ trích là đúng và do đó làm chứng cứ miễn trách hoàn toàn cho Zenger về tội trên. Tòa án tuyên bố Zenger vô tội.

Tại Hoa Kỳ trước năm 1964, các tiểu bang thường quyết định rằng phỉ báng và mạ lỵ không được Tu Chính Án Số Một (First Amendment) của Hiến Pháp bảo vệ. Các nhà báo tuyệt đối chịu trách nhiệm về bài viết của mình, cứ chỉ trích là bị tội, dù đó là sự thật. Toà án không phân biệt nội dung của sự phỉ báng mạ lỵ là đúng hay sai.

Phải đợi tới khi Tối Cao Pháp Viện, vào năm 1964, trong vụ án “New York Times vs Sullivan” mới thẩm định rằng các nhân vật được xếp vào thành phần “chính khách, viên chức” (public official), nếu muốn thắng kiện phải chứng minh rằng tin tức phổ biến là thất thiệt, có tính cách phỉ báng, mạ lỵ và bị đơn (người phổ biến) có manh tâm ác ý, biết rõ đó là tin thất thiệt mà vẫn phổ biến gây phương hại cho nguyên đơn.

Vụ án “New York Times vs Sullivan” xuất phát từ một trang quảng cáo đăng trên tờ New York Times của một số mục sư nhằm quyên tiền để bào chữa cho mục sư Martin Luther King là nhà hoạt động nhân quyền lừng danh nước Mỹ, sau khi ông mục sư này bị bắt giam. L.B Sullivan, người phụ trách sở cảnh sát thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama, cho rằng nội dung quảng cáo đã nói không đúng về các hành vi của lực lượng cảnh sát và phỉ báng mình, nên đã kiện New York Times và các mục sư ra tòa án. Xét thấy nội dung quảng cáo có một số thông tin không đúng, tòa án đã quyết định cho Sullivan thắng kiện, buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông này 500 ngàn USD.

New York Times và các mục sư đã kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện. Tòa tối cao cho rằng không thể áp đặt hình phạt đối với việc phê phán hành vi ứng xử của các công chức. Tòa cho rằng, những công chức Nhà nước muốn thắng kiện trong trường hợp này không những phải chứng minh những nội dung được đăng tải là sai mà còn phải chứng minh những người đăng tải nội dung này là “có ác ý”. Trong vụ kiện trên tòa nhận thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ tờ New York Times và các mục sư đã “có ác ý” khi đăng nội dung đó vì vậy, tòa phán quyết New York Times và các mục sư thắng kiện.

Từ thời điểm này án lệ trên được áp dụng cho tất cả các vụ kiện về tội phỉ báng: một nguyên đơn là quan chức Nhà nước muốn thắng kiện nhất thiết phải chứng minh rằng những lời phỉ báng của bị đơn là sai, đồng thời phải chứng minh được cái sai đó là “có ác ý”.

 Tối Cao Pháp Viện còn mở rộng tầm ảnh hưởng của án lệ “Sullivan” nói trên không chỉ dành cho các quan chức nhà nước mà và áp dụng cả với thành phần những “người của công chúng” (public figure), đó là những người “thường xuyên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông”, các nhân vật có tiếng tăm như nhà kinh doanh, nhà tài phiệt hoặc các cây viết nổi tiếng, các nhà thể thao và ngôi sao giải trí, tài tử màn bạc được ưa chuộng v.v…. hoặc một người nổi danh, giữ địa vị quan trọng trong cộng đồng. Khi nguyên đơn là người của công chúng, nếu muốn thắng kiện thì chính nguyên đơn không những phải chứng minh những lời phỉ báng sai sự thật, mà còn phải chứng minh là bị đơn có ác ý, vì biết là sai mà vẫn nói, lại thiếu thận trọng không phân biệt được thế nào là giả, thế nào là thật, kết quả của sự “cẩu thả, coi thường sự thật” (reckless disregard of the truth).

Còn nguyên đơn, nếu là “dân thường”, là “tư nhân” (private figure), để thắng kiện, chỉ cần chứng minh trước tòa án là lời phỉ báng do chính bị đơn loan truyền và bị đơn không chứng minh được lời đó đúng sự thật mà chỉ có tính cách vu khống, thất thiệt là đủ yếu tố tội phạm của tội phỉ báng và mạ lỵ. Nguyên đơn không cần chứng minh thêm sự manh tâm ác ý của người đã loan tin đó. Nguyên đơn cũng không có trách nhiệm phải chứng minh ngược lại những điều bị đơn nói về mình.

2.  Tu Chính Án Thứ Nhất

Hoa Kỳ không có đạo luật nào về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Quyền này chỉ được ghi cùng với các quyền khác trong một điều khoản đó là “Tu Chính Án Thứ Nhất” của Hiến Pháp (The First Amendment to the United States Constitution). Toàn văn của Tu Chính Án này như sau: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances” (Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình).

Lời văn trong điều khoản này cho thấy không có sự quy định là người dân có quyền tự do ngôn luận hay báo chí, nó chỉ ngăn chặn nhà nước ra các đạo luật làm hạn chế quyền này mà thôi. Đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai đủ tư cách ban phát, Hiến Pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy. Tu Chính Án Thứ Nhất được ban hành có vẻ là để nhắm tới chính quyền, chứ không phải nhắm vào người dân hay báo chí.

Tự do ngôn luận là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Thuật ngữ đồng nghĩa với tự do diễn đạt hoặc tự do thể hiện, biểu lộ (freedom of expression) Tuy nhiên luật pháp Hoa Kỳ cũng bảo vệ mạnh mẽ chống lại những sự vu khống làm thiệt hại đến thanh danh của người khác. Tại Hoa Kỳ, tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm, và cũng là niềm hãnh diện của người dân ở đất nước có tự do dân chủ. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể nói bất cứ điều gì họ muốn. Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một lời vu khống, một lời tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và cuộc sống của một công dân.

Quyền tự do ngôn luận cũng được thừa nhận như là một quyền con người trong Điều 19 Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền và được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR).

3.  Tinh thần “McCarthy”

Thời đại McCarthy là tên gọi thời thập niên 1950, khi Joe McCarthy thúc đẩy một loạt các cuộc điều trần tại Quốc Hội, tố cáo người này người kia là cộng sản, là tay sai Liên Xô, làm cả nước Mỹ nóng lên với cơn sốt chống cộng, chỉ để dẫn tới nhiều người bị chụp mũ và cũng nhiều người khác chán nản bỏ nước Mỹ mà đi.

Joseph Raymond “Joe” McCarthy (1908-1957) là một chính trị gia người Mỹ, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa tiểu bang Wisconsin từ 1947 cho đến khi qua đời năm 1957. Từ 1950, McCarthy đã trở thành gương mặt công chúng tiêu biểu nhất ở giai đoạn mà những căng thẳng của chiến tranh lạnh càng khiến gia tăng nỗi sợ về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ nghĩa cộng sản. Ông nổi tiếng vì đưa ra những lời tuyên bố rằng đang có khá đông người cộng sản và các điệp viên Xô Viết cũng như những người có cảm tình với Liên Xô bên trong chính quyền liên bang Mỹ và những nơi khác. Rốt cuộc, thượng viện Hoa Kỳ đã chỉ trích những sách lược của ông cũng như sự bất lực của ông trong việc chứng minh những tuyên bố của mình.

Thuật ngữ chủ nghĩa McCarthy ra đời năm 1950 thoạt tiên đã sớm được áp dụng cho những hoạt động chống cộng. Ngày nay, thuật ngữ này được dùng theo nghĩa rộng hơn liên quan đến những lời buộc tội mị dân, thiếu suy nghĩ và vô căn cứ, cũng như công kích công khai nhằm vào tính cách hoặc lòng yêu nước của các đối thủ chính trị.

4.  Tội phỉ báng và vu khống

     Trong tiếng Anh phỉ báng là “defamation”. Trong tiếng Pháp là “diffamation” và trong Tự Điển Pháp Luật Pháp Việt giáo sư Vũ Văn Mẫu dịch là “phỉ báng, hủy báng”.

     Về phương diện pháp luật thời “phỉ báng” muốn cấu thành một tội phạm thì phải được hội đủ những yếu tố sau:

     1- Phỉ báng là hành động phổ biến những tin tức, nói ra những điều không đúng sự thật và giả dối về một người khác (the act of making untrue, false statements about another).

     2- Lời nói xuyên tạc sự thật đó làm tổn hại thanh danh, uy tín người khác (which damages his/her reputation).

     3- Đặc biệt là những hành động và lời nói bịa đặt đó được loan truyền, được phổ biến ra công chúng một cách công khai khiến người thứ ba nghe được (particularly when the false statement is published).

     Hành động phổ biến có hai hình thức, hoặc là bằng lời nói (slander) hay là bằng chữ viết (libel):

     1- Sự phỉ báng, mạ lỵ (slander): Phỉ báng, mạ lỵ là việc thể hiện hành vi thường là bằng lời nói với những người khác về một nhân vật nào đó nhưng không đúng sự thật (making false statements in a non-print format, usually statements that are spoken to others).

    2- Sự vu khống, vu cáo (libel): Vu khống, vu cáo là lời phát biểu sai quấy được viết ra trên giấy, chẳng hạn viết trên những nhật báo và tạp chí, viết trên trang báo mạng (Internet online), media, hoặc bản in, hoặc tranh ảnh, hình vẽ hoặc bằng hình thức nào đó mà người ta có thể nhìn thấy được, đọc được (the issuance of false statements in print, like newspapers and magazines, even in their online formats).

     Nói chung các hành vi phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo là bày tỏ công khai bằng lời nói, hay bằng cách viết, hoặc bản in, tranh vẽ nhằm ý đồ triệt hạ người khác một cách bất chính, nhằm làm tổn hại thanh danh, danh dự (reputation), uy tín (credibility) của người khác hoặc tổn hại cho công việc, công tác của người ta dưới bất cứ khía cạnh nào đó.

     Nhưng xét kỹ ra thì vào thời buổi này cái khái niệm pháp lý về sự khác biệt giữa phỉ báng và vu cáo, giữa “slander và libel” hầu như đã không còn tồn tại nữa vì sự phát triển lớn lao của các hệ thống truyền thông thời buổi điện tử. Thí dụ như các mạng lưới truyền hình Hoa Kỳ đôi khi bị kiện cáo về tội “libel” mặc dù chẳng có lời lẽ nào được viết ra trên giấy trắng mực đen. Trái lại những phóng viên, nhà báo, bình luận gia, chủ bút, cơ sở truyền thông… đã chỉ “nói”, chỉ “phát ngôn” những lời lẽ của họ cho các khán thính giả ngồi nhà vừa “nghe” vừa “nhìn” chứ không ngồi “đọc” chi cả.

5.  Một số vụ án về phỉ báng và vu khống trong cộng đồng người Việt

Xin liệt kê một số vụ đã bị toà án xử phạt về tội phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ:

     1- Năm 2003, bồi thẩm đoàn thuộc tòa án quận Denver, tiểu bang Colorado kết tội nhà sư Lê Kim Cương và ban quản trị chùa Như Lai tại Colorado là đã mạ lỵ, phỉ báng và vu khống hai chị em cô Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là cộng sản sau khi họ tố cáo một nhà sư của chùa này có hành vi tình dục bất chánh. Hai cô này thắng kiện và tòa xử cho được bồi thường $4.8 triệu.

     2- Năm 2006, tại Saint Paul, Minnesota, ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và là chủ nhân ngôi chợ Capital Market, thắng kiện và được bồi thường $693,000 thiệt hại vì một số người Việt ở đây đã chụp mũ ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và vi phạm 18 tội mà họ liệt kê ra. Nhưng các người này không chứng minh được tội nào cả. Sự vu cáo này gây nhiều tổn thất về cả tinh thần và kinh tế cho ông và gia đình.

     3- Năm 2009, ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, cựu trung úy QLVNCH bị chụp mũ là cộng sản. Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang Washington phán quyết năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông.

      4- Năm 2011, ông Hoài Thanh dựa trên chứng cớ cho rằng bà Ngô Thị Hiền (thuộc Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam) và người em là Ngô Ngọc Hùng (đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại Vietnamese Public Radio) ở Maryland, đã dùng hệ thống truyền thông của mình để chụp mũ ông là cộng sản. Tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Maryland đã ra lệnh cho bà Ngô Thị Hiền và ông Ngô Ngọc Hùng phải bồi thường $1 triệu đô la cho ông Hoài Thanh (cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland).            

      5- Năm 2011, ông Michael Do, tức Đỗ Văn Phúc (một doanh nhân ở vùng Austin) đã phổ biến những bài viết có tính cách “phỉ báng, mạ lỵ, vu khống, gây tổn hại tinh thần và vật chất” cho Bà Nancy Bui (hội trưởng của Vietnamese American Heritage Foundation). Bà Nancy Bui (tức ký giả Triều Giang) bị vu là cộng sản hay thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt cộng. Tòa án của quận Travis thuộc tiểu bang Texas đã phán quyết ông Phúc phải bồi thường cho bà Nancy $1.9 triệu. Trong đó $800,000 là  tiền bồi thường thiệt hại, và $1,100,000 là tiền phạt để làm gương, gọi là “exemplary damages”.

     6- Năm 2013 thì chấm dứt một vụ kiện khởi sự từ năm 2003. Trong vụ này ba ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Đạt Hồ và hai bà Nhàn Trần và Nga Phạm đã bị ông Tân Thục Đức, hiệu trưởng Trường Việt Ngữ ở Thurston County, kiện về tội họ đã chụp mũ cho ông là cộng sản. Họ công khai tố cáo ông Đức là một nhân viên bí mật của Việt cộng (undercover Viet Cong agent). Vụ kiện kéo dài đến tháng 4 năm 2009 thì Tòa Superior Court ở Thurston County, Washington State, mới xử và tuyên phạt những người này phải bồi thường cho ông Đức một số tiền là $310.000. Các bên tranh tụng đã kháng cáo bản án lên Tòa Phúc Thẩm rồi sau đó thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Washington State. Kết quả là vào ngày 9.5.2013 Tối Cao Pháp Viện đã y án Tòa Thurston County.

     7- Năm 2014 trong một bài báo bà Hoàng Dược Thảo, bút hiệu Ðào Nương, viết rằng cộng sản Việt Nam đã mua nhật báo Người Việt và để cho ông Phan Huy Ðạt đứng tên làm chủ nhân (The Vietnamese communistes bought the Nguoi Viet Daily News and asked Dat Huy Phan act as owner for them) và ông Phan Huy Đạt đã dối trá khi nộp đơn xin giấy phép hành nghề. Cũng trong bài viết ấy, bà loan tin đồn về đời tư của bà Vĩnh Hoàng (phụ tá tổng giám đốc, phụ trách thương vụ), rằng bà này không có khả năng trí tuệ, đã có chồng mà có nhiều tai tiếng xấu về tình ái, một phụ nữ thiếu trong trắng (an unchaste woman who is unqualified for her profession and known to have many scandalous affairs).

Tại Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, Quận Cam, ba nguyên đơn gồm công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Vĩnh Hoàng, thắng vụ kiện hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhân hệ thống này về các tội phỉ báng và vu khống. Bồi thẩm đoàn 12 người cùng bỏ phiếu thuận, xác định mức bồi thường cho các nguyên đơn $3,000,000, để đền bù các tổn hại về danh dự, uy tín, và tinh thần. Thêm vào đó, 10 bồi thẩm viên cũng bỏ phiếu xác định mức phạt thêm bị cáo $1,500,000 để làm gương (punitive damage), vì hành xử bị cho là có ác ý. Tổng số tiền bồi thường và phạt là $4.5 triệu.  Ngoài ra bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu tuần báo Saigon Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn.

Trong các vụ điển hình vừa thuật lại ở trên, chúng ta thấy chỉ có vụ thứ 6 (vụ ba ông và hai bà bị ông Tân Thục Đức kiện về tội chụp nón cối) là vừa kháng cáo sau đó lại thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện tiểu bang. Nhưng trong phán quyết ngày 9.5.2013. Tối Cao Pháp Viện đã quyết định với tỉ số 6-1, y án tòa nguyên thẩm và minh định: “Không có sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất đối với những hình thức tuyên bố sai sự thật và gây thiệt hại; quả thật, mục đích của luật về phỉ báng chính là để trừng phạt những lời phát biểu như thế” (There is no First Amendment protection for the type of false, damaging statements; indeed, the purpose of the law of defamation is to punish such statements).

6. Bồi thường thiệt hại

Sau khi đã chứng minh được là bị đơn phỉ báng và vu khống cho mình, nguyên đơn thắng kiện có thể được bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại đó gồm có các loại sau:

     1- Loại thứ nhất là “thiệt hại đặc biệt” (special damage), còn gọi là thiệt hại kinh tế, nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể mà nguyên đơn đã phải chi ra, thí dụ như tiền chi trả cho luật sư của mình, tiền khám bệnh trả cho bác sĩ, tiền mua thuốc men, tiền lương bị khấu trừ trong thời gian phải tạm nghỉ làm việc v.v…

     2- Loại thứ nhì là “thiệt hại hiện thực” (actual damage) nhưng có tính cách “tổng quát” (general damage), chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại tới uy tín, tới cương vị của nguyên đơn trong cộng đồng… Tuy không nhất thiết phải đưa ra một con số thiệt hại cụ thể nhưng các nguyên đơn vẫn phải chứng minh là mình đã chịu những thiệt hại này.

     3- Loại thiệt hại thứ ba là “thiệt hại phỏng đoán” (presumed damage). Theo luật hiện hành, mọi lời phỉ báng được phỏng đoán là đương nhiên gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dù rằng nguyên đơn có thể không có chứng cớ gì cụ thể hoặc không biết là đã  phải gánh chịu những thiệt hại đó. Bồi thẩm đoàn có toàn quyền ấn định số thiệt hại này.

     4- Loại thiệt hại thứ tư là “thiệt hại trừng phạt” (punitive damage) hay “thiệt hại làm gương” (exemplary damage) trong trường hợp nguyên đơn có thể chứng minh được ác ý của bị đơn. Chứng minh rằng bị đơn, dù biết hành động của mình là sai trái, là sai sự thật mà vẫn nhất định cố tình làm để gây tổn hại cho nguyên đơn. Theo luật pháp Hoa Kỳ, khoản tiền phạt này đồng thời nhắm mục đích làm gương, ngăn ngừa người khác phạm những vi phạm tương tự. Tiền phạt làm gương có khi cao hơn tiền bồi thường thiệt hại. Mặc dù mục đích của tiền phạt làm gương không phải là bồi thường cho nguyên đơn, nhưng trên thực tế, nguyên đơn sẽ nhận được toàn phần hay một phần của tiền phạt này.

7.  Ý kiến hay sự kiện

Trong những vụ kiện về phỉ báng, mạ lỵ, và vu khống, tòa án phân biệt lời phát biểu của bị đơn khi nói về người khác thuộc dạng lời nói “bày tỏ ý kiến” (statements of opinion) hay “phát biểu về sự kiện” (statements of fact). Quyền tự do ngôn luận cho phép người ta tự do bày tỏ ý kiến mà không phạm tội phỉ báng. Ý kiến là một câu nói không thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người “thiếu thông minh” thì đó là một “ý kiến” (opinion). Ngược lại, “sự kiện” (fact) là điều có thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người là “cộng sản” tức là đang nói về “sự kiện.” Tuy thế sự phân biệt giữa “ý kiến” và “sự kiện” không luôn luôn rõ ràng. Thông thường một từ ngữ miêu tả (descriptive word) ám chỉ dữ kiện và một từ ngữ thẩm định (evaluative word) ám chỉ quan điểm.

     1- Opinion: Khi bạn đưa ra cái nhận xét, cái đánh giá của bạn về một sự vật, về một con người, hay một hành động thì đó được gọi là “opinion”. Thí dụ một nhân vật trong cộng đồng được nhiều người biết đến. Có người ca tụng ông ta là một nhân vật giỏi giang và khiêm tốn. Nhưng lại có người nói rằng ông ta là người tầm thường và hám danh. Rõ ràng, cảm nhận hay lời bày tỏ ý kiến của hai người trên hoàn toàn khác nhau. Hay nói cách khác opinion đối lập tùy từng người. Tự do ngôn luận cho phép người ta phát biểu “ý kiến” mà không bị kết tội phỉ báng. Ý kiến là một điều không dễ chứng minh được là đúng hoặc sai.

     Hoặc khi một người nói “Cô ấy là ca sĩ có giọng ca hay nhất” thì câu này thuộc dạng bày tỏ ý kiến (statement of opinion). Câu nói thuộc loại này thường gây tranh luận, người thì thấy cô ta hát hay thật, người khác thì lại thấy cô ta hát không hay, chỉ chuyên ăn mặc hở hang uốn éo khêu gợi mà thôi. Khó phán đoán ai đúng ai sai.

     Ý kiến dù không đúng hay quá đáng cũng có thể được miễn trách, nếu không nêu lên các sự kiện thất thiệt khác. Như thí dụ ở trên, nói cô ca sĩ ăn mặc hở hang có vẻ “khiêu dâm” thì tạm được miễn trách nếu không có ác ý. Nhưng nếu nói thêm là đương sự đã từng bị bắt về tội “bán dâm” thì câu này mang tính chất bôi nhọ (defamation) và dâm tục (obscenity) tất nhiên người phát biểu câu đó có thể bị coi là đã phạm tội phỉ báng, vu cáo nếu không có bằng chứng cụ thể.

     2- Fact: là khái niệm về một sự thật, một điều có thật và có thể chứng mình được. Thí dụ một người đi kiếm việc làm tự giới thiệu là có bằng tốt nghiệp ở một trường Đại Học và đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc cho một công ty nào trước đó. Đây là một câu nói thuộc dạng “statement of fact”, một lời phát biểu về sự kiện. Cả hai thông tin này đều có thể kiểm chứng được nhờ vào việc xuất trình bằng cấp và hợp đồng lao động với công ty cũ đó. Tuy câu nói thuộc dạng này có thể đúng và cũng có thể không đúng, nhưng đó là loại câu nói mà tòa án có thể tìm hiểu một cách dễ dàng để xác định đúng hay sai, căn cứ vào những dữ kiện (fact) là bằng cấp (của trường Đại Học) và  hợp đồng (với công ty cũ).

8.  Tin đồn

Một lời tuyên bố sai sự thật được tòa án coi là phỉ báng, dù lời tuyên bố này là sự lập lại của tin đồn đãi, truyền miệng, rỉ tai…. Nói cách khác, người lập lại và loan truyền tin đồn thất thiệt có tính phỉ báng mạ lỵ cũng phải chịu trách nhiệm về tội phỉ báng mạ lỵ, y như người đầu tiên tung ra tin đồn này.

Án lệ toà án Hoa Kỳ từng tuyên phán: “Một người lặp đi lặp lại lời mạ lỵ phỉ báng của một người khác vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc tái phổ biến đó, ngay cả nếu người tái phổ biến quy lời tuyên bố phỉ báng cho người phổ biến gốc.” (Vụ Moritz v. Kansas City Star Co., 258 S.W.2d 583 tuyên ngày June 8, 1953 bởi Supreme Court of Missouri).

Đây cũng là trường hợp bà Hoàng Vĩnh kiện bà Hoàng Dược Thảo trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ. Bà Hoàng Dược Thảo trong một bài báo viết rằng “Bà (Hoàng Vĩnh) lại là một người nhiều tai tiếng về tình ái”. Bà kết luận như vậy vì bà khai trước tòa rằng “bà phỏng vấn nhiều người trong cộng đồng, nhiều người trong nhà thờ, và trong nhiều tổ chức từ thiện, những người này xác nhận rằng những lời đồn này là sự thật”. Rất tiếc vì toàn là những tin đồn nên Bà Hoàng Dược Thảo sau khi lặp lại mà không đưa ra được một bằng chứng nào cả và do đó đích thân chịu trách nhiệm về lời tuyên bố công khai này.

9.  Phỉ báng và vu khống có là một tội hình sự hay không?

Tội phỉ báng hay vu cáo theo luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là một tội hình sự. Một người bị truy tố về tội phỉ báng hay vu cáo, nếu bị tòa xử có tội, có thể bị phạt vạ (tiền) hay phạt tù. Nhưng về bồi thường thiệt hại thì người đi kiện thường chỉ được bồi thường $1 danh dự (tượng trưng) mà thôi.

Tại Hoa Kỳ kể từ khi có án lệ Zenger (1735) với tài hùng biện của luật sư Andrew Hamilton (như đã tường thuật ở phần đầu bài viết này), phỉ báng và vu khống không còn là một tội về hình sự (criminal) nữa, mà được thụ lý như một vụ hộ (civil case). Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định về nội vụ và cấp bồi thường thiệt hại dân sự, dưới sự hướng dẫn về mặt pháp lý của thẩm phán chủ tọa xét xử.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, ở cấp Liên Bang, phỉ báng và vu khống không phải là tội hình sự. Nhưng tính tới nay hơn một nửa con số tiểu bang lại xếp tội này vào loại hình sự. Nếu vi phạm luật phỉ báng và vu khống sẽ bị xếp vào tội hình sự và hình phạt sẽ nặng hơn, ngoài việc phải nộp tiền phạt, bị can có thể đi tù (imprisonment) hoặc bị làm việc nặng (hard labor).

Một tài liệu ghi rằng tại Hoa Kỳ từ năm 1992 tới tháng 8 năm 2005 đã có 41 vụ án hình sự về tội nhục mạ được tòa thụ lý, trong đó 6 bị cáo đã bị kết tội. Từ 1965 tới 2004 có 16 vụ đã bị xét xử chung thẩm, trong đó có 9 vụ bị tuyên phán tù ở (jail sentences), trung bình là 173 ngày tù. Tổng cộng những vụ hình sự khác còn lại thời đi tới kết quả là bị phạt tiền (fines) trung bình là $1,700, bị phạt hình phạt thử thách (probation) trung bình là 547 ngày, bị phạt phải làm công tác cộng đồng (community service) trung bình là 120 giờ, hay phải viết thư xin lỗi.

California và Texas không xem vi phạm luật vu khống và phỉ báng là tội hình sự. District of Columbia bãi bỏ luật hình về vu khống và phỉ báng vào năm 2001. Virginia vẫn duy trì luật này. Điều § 18.2-209 của Bộ Luật Virginia nói như sau: “Bất cứ ai hiểu biết và cố ý tuyên bố, phân phát hay loan truyền bằng bất cứ phương tiện nào đến bất cứ một nhà xuất bản hay nhân viên của nhà xuất bản, bất cứ tờ báo, tạp chí, hay ấn phẩm, hay bất cứ chủ nhân hay nhân viên của một đài phát thanh, một đài truyền hình, hãng tin hay dịch vụ truyền thông dây cáp, bất cứ lời tuyên bố sai trái và không đúng sự thật, biết rõ rằng điều này sai trái và không đúng sự thật, liên quan đến bất cứ người nào hay một đoàn thể nào, với mục đích rằng lời tuyên bố này sẽ được phổ biến, phát thanh, hay loan truyền, sẽ bị coi là phạm tội cấp 3 (class 3 misdemeanor)”.

Tại Hoa Kỳ, “misdemeanor” là một tội phải gánh chịu hình phạt tù giam tối đa tới 1 năm (a misdemeanor is a crime that is punishable with jail time of up to 1 year). Có 3 loại misdemeanor: Loại 1 là nghiêm trọng nhất. Loại 3 thời ít nghiêm trọng hơn và hình phạt tối đa cho Loại 3 này là phạt tiền tới $500 và 30 ngày nằm nhà đá (the maximum punishment for Class 3 misdemeanor is fine of up to $500 and 30 days in jail).

10. Gọi một người là cộng sản có phạm tội phỉ báng và vu khống hay không?

Nếu trong một đám đông ai đó gọi một người Mỹ là “cộng sản” thì điều này rất bình thường. Lý do là ngoài hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại nước Mỹ này còn có cả đảng Cộng Sản nữa. Nếu người được gọi tên đó là ông John Bachtell thì chắc ông ta vui lắm và sẽ “welcome” ngay vì ông ta chính là Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ.

     Được biết Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ (tiếng Anh là Communist Party of the United States of AmericaCommunist Party USA, viết tắt là CPUSA) là một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx-Lenin ở Hoa Kỳ. Trong nửa đầu thế kỷ 20, đây đã là đảng cộng sản lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Hoa Kỳ và có một vai trò nổi bật trong phong trào lao động từ thập niên 1920 đến 1940, thành lập phần lớn các nghiệp đoàn công nghiệp chính của Hoa Kỳ. Đến thập niên 1950, ảnh hưởng của đảng này bị giảm đi đáng kể và từ đó không còn là một thế lực hoạt động đáng kể trong chính trường Hoa Kỳ.

Trái lại nếu trong đám đông đó ta gọi một người Việt Nam là “cộng sản” thì chắc sẽ gặp nhiều rắc rối. Chúng ta là người “tỵ nạn cộng sản” trên đất nước này. Hai chữ cộng sản gợi lại bao cảnh xấu xa đầy thương đau: người chết chóc, kẻ bị hành hạ tù đày, người mất nhà mất tài sản, kẻ mất mạng trên biển Đông, rồi thảm sát Mậu Thân ở Huế, pháo kích bừa bãi trong thành phố v.v… Bên trong nước Việt hiện nay mấy từ ngữ “độc lập, tự do, hạnh phúc” chỉ là một cái bánh vẽ lừa bịp người dân. Gọi ai là “cộng sản” tức là chụp mũ xấu xa cho họ, chụp cái nón cối lên đầu họ khiến mọi người chung quanh khinh ghét, căm thù! Nếu lời nói đó vừa không đúng sự thật lại hàm chứa nhiều ác ý thì đã đủ yếu tố cấu thành một tội hình sự rồi, đó là tội “phỉ báng và vu khống”!

Nên hiểu rằng các từ ngữ như: cộng sản, Việt cộng, Việt gian, thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt cộng v.v… đều bị coi như lời “phỉ báng”. Lại thêm từ ngữ “quốc doanh” cũng vậy. Từ điển Việt cộng định nghĩa “quốc doanh” là “do nhà nước đứng ra kinh doanh” (state-run; state-managed). Nhà nước đây tức là cộng sản Việt Nam. Vậy phải được hiều rằng từ ngữ này tương đồng với từ ngữ “cộng sản”. Viết báo, viết sách, phổ biến e-mail, đăng trên facebook, tuyên bố nơi công cộng v.v… để chụp mũ ai là “cộng sản” hay “quốc doanh” mà không có bằng cớ rõ rệt để minh chứng điều đó là sự thật đều có thể bị kết vào tội phỉ báng và vu khống! Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ 7 vụ án đã bị toà án xử phạt về tội phỉ báng và vu khống như được tường thuật ở phần trên bài này chắc đã đủ để minh chứng điều đó!:

Cũng cần lưu ý thêm là kẻ xấu muốn “ném đá giấu tay” mà chỉ nói rằng mình “nghe nói” điều đó thì người nhắc lại “tin đồn” có tính cách phỉ báng, mạ ly, vu cáo với ác ý này cũng vẫn phải chịu trách nhiệm như “chính danh thủ phạm”. Các vụ án “Moritz v. Kansas City Star Co.,” và vụ “Người Việt v. Saigon Nhỏ” như đã đề cập ở phần trên bài này cũng đã minh chứng điều đó!.

Bà Nancy Bui (tức ký giả Triều Giang) nói trong vụ kiện Đỗ Văn Phúc: “Mạo danh lý tưởng chống cộng cao đẹp để chụp mũ người quốc gia là cộng sản là một trọng tội đối với đất nước, dân tộc. Vì việc làm này gây chia rẽ, hoang mang, nghi kỵ trong cộng đồng. Từ đó, nó làm giảm tiềm năng đấu tranh của người Việt tự do của chúng ta, và nó làm người trẻ chán ngán, xa lánh sinh hoạt cộng đồng.”

Một người bên ngoài cộng đồng, cũng nghĩ vậy, và so sánh nạn chụp mũ trong cộng đồng với thời đại “McCarthy” của nước Mỹ thập niên 1950, khi nhiều người Mỹ cũng bị chụp mũ cộng sản. Người đó là bà Toalson, chủ tọa bồi thẩm đoàn. Bà nói với báo Người Việt: “Hai cộng đồng chúng ta (Mỹ và Việt) thật ra có nhiều điểm giống nhau hơn là khác nhau. Trong suốt thời gian tham dự phiên tòa, tôi không khỏi liên tưởng tới những gì mà người Mỹ chúng tôi đã trải qua trong thời đại McCarthy.”

***

Vượt ra ngoài phạm vi pháp lý có lẽ tôn giáo nào cũng dạy con người phải nói lời chân thật, tránh dối trá. Những lời nói dịu dàng làm đẹp lòng người nghe là những điều rất cần thiết để tô hồng cuộc sống trong cái cõi ta bà này.

Trong Phật giáo các từ ngữ như “chánh ngữ” và “ái ngữ” luôn luôn được đề cập tới để khuyên dạy các Phật tử. Chánh ngữ (Samma vaca) là: “1. Không dối trá; 2. không nói lời mắng nhiếc mạ lỵ khiến người khác đau lòng hay tổn thương; 3. không thêu dệt thêm bớt để chia rẽ hay đả phá; 4. không nói lời nhảm nhí vô ích”. Chúng ta cũng cần lưu ý lời nói khủng bố tinh thần (abusive speech, terrorist words) thì được gọi là “ác ngữ” cách nói mà người con Phật chân chánh cũng nên tránh.

phibang end image

ÁI HỮU LUẬT KHOA CALIFORNIA
LS NGÔ TẰNG GIAO
(Virginia Feb. 2016)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *