Đến Hẹn Lại Lên

Nguyễn Hiền

Cuối cùng thì vợ chồng ông Lân cũng về tới nhà. Đã quá nửa đêm. Sự căng thẳng suốt hơn tiếng đồng hồ giúp ông tỉnh ngủ trên khúc đường về, nhưng bây giờ, khi chiếc xe đã nằm yên chỗ, ông bỗng cảm thấy rời rã. Tuy thế, ông biết, nếu có đặt lưng xuống giường ông lại mở mắt trao tráo. Vài năm nay ông bị chứng mất ngủ vô thời khắc. Giờ người ta ngủ, ông thức. Giờ thiên hạ thức, ông chập chờn. Bác sĩ khuyên ông không nên xem computer giấc khuya, nhưng vô hiệu. Thói quen xem phim bộ như có một người tình thủ thỉ bên tai tới khi ngủ thiếp đã thấm vào tận những mao quản li ti trong người ông. Bên cạnh, vợ ông giật mình, dụi mắt. Ông khẽ nói:

“Đến nhà rồi. Em vô thay đồ, đi ngủ đi, để anh mang đồ đạc vô.”

Vợ ông bước xuống xe, nói không quay lại:

“Mệt quá đi. Em nói rồi đó. Lần sau có đi thì anh đi một mình thôi đấy nghe.”

Ông không biết câu nói lần này là thực hay do giận lẫy, vì đã bao lần vợ ông nói như vậy, rồi cuối cùng vẫn lại ngồi lên xe cùng ông đến nơi họp mặt. Như một chứng tỏ cho mọi người thấy có chồng có vợ cạnh nhau. Hay để kiểm soát lời ăn tiếng nói của ông giữa chốn bạn bè, có trời mới biết. Lần này có hơi khác, ông linh cảm vậy. Đúng hơn, tai ông dường như bắt được những cảm nhận của người mấy chục năm đầu gối tay ấp. Trên đường về nhà, bà than hai ba bận:

“Đám bạn anh tụ họp lần nào cũng bằng ấy chuyện, nói tới nói lui hoài. Chán thấy mồ.”

Ông chặc lưỡi, tuồng đồng ý, và tự bào chữa là tật nói đi nói lại dằng dai một chuyện một là tật cố hữu của nhiều người khi đã vào tuổi mặt trời xế bóng trong cuộc đời. Bởi họ không có cơ hội gặp cái mới, và cũng chẳng có nhu cầu tìm biết thêm. Còn riêng trong đầu, ông cũng nghĩ đến chuyện chắc phải chấm dứt tham dự những cuộc họp như thế này thôi. Càng ngày, dường như chúng càng trở nên nhạt nhẽo. Đó là chưa kể tới những xui xẻo. Như tối này.

Ông đang nghĩ tới quãng đường về và cố tìm lời giải đáp. Chục phút sau khi ông bà rời trạm xăng, chiếc xe cà tàng chợt dở chứng, khục khặc ho hen… Ông vội tấp vào lề. Hai bên đường chỉ có đồng cỏ trống trơn, không nhà cửa, cũng chẳng có ngọn đèn đường. Bà vợ choàng tỉnh, hỏi dồn:

“Gì vậy anh?”

“Không biết, sao nó không chịu chạy nữa.”

“Kỳ vậy, mình mới đổ xăng mà. Hay hồi nãy anh đổ lộn dầu rồi đó?”

Ông thấy nhói trong tim, nhưng may còn nhớ ra:

“Đổ đúng xăng mà, anh nhớ là anh còn coi cái giá mỗi lít trước khi bơm mà em.”

Ông vặn chìa khóa. Máy xe khục khặc giận dỗi. Nghĩ máy ngộp, ngồi định thần một lát, ông tiếp tục đề. Chẳng khá hơn. Ông bắt đầu run. Bà cũng quýnh, khi chợt thấy bó bông đã héo úa nằm dọc lề đường bên kia, cách đó không xa:

“Anh xuống coi sao…”

Ông khoác áo, bước xuống, mở nắp ca-bô lục lọi bới tìm. Mọi thứ đều có vẻ bình thường. Bình điện, nước nôi… Bà hỏi với ra:

“Có thấy gì không anh?”

“Không thấy có gì trục trặc hết.”

Ông lên xe, mở công tắc, trên bảng báo chẳng có dấu hiệu gì khác lạ, xăng đầy, nước ấm vừa đủ. Ngộp xăng thì chắc chắn là không, bởi xe đang chạy ngon trớn trên con đường liên tỉnh. Nhưng giờ thì cỗ máy vẫn đình công, kêu ặc ặc, dấu hiệu sắp hết bình vì bị đề liên tục.

“Điệu này chắc chỉ còn cách kêu họ tới sửa. Mà khuya quá rồi, không biết chừng nào họ mới tới đây.”

“Hồi nãy kêu anh về sớm mà anh cứ ngồi chết đó, nói chuyện gì đâu không”, bà bắt đầu nổi quạu. “Hồi đó anh sửa xe hay lắm mà, giờ cái xe mới chết máy mà đã đầu hàng.”

Mặc bà khích, ông dịu giọng:

“Hồi xưa ở Việt Nam khác. Xe cộ bây giờ toàn đồ điện tử không, hư là chỉ có nước kêu hãng bảo trì họ tới, có máy đo. Mình đâu có mấy cái đồ nghề đó.”

Bà chịu thua, hối ông kêu cho hãng bảo hiểm. Hai vợ chồng ngồi chết trân trên xe. Ông toát mồ hôi cùng mình mặc dầu trong xe khí lạnh bắt đầu thấm, còn bà liên tục bắt ấn, niệm Phật và ngó chằm chằm bó bông, sợ mắc chứng nó nhỏm dậy. Hơn nửa tiếng sau, chiếc xe vàng cứu tinh xịch đến. Ông lắp bắp giải thích – thực ra chẳng cần dài dòng, xe không chạy là không chạy, chỉ có việc coi lại ba thứ: xăng, nước, điện, ông rành sáu câu. Ông vốn dân Quân Vận, nhờ tài sửa xe Honda cho cả gia đình nhà vợ mà ông bà đã nên đôi. Chuyện dễ như ăn cơm sườn mà giờ đây ông đành bó tay, làm ông cũng bực, coi như mất điểm thêm qua cú này. Người thợ rê đèn soi một lượt, bàn tay thành thạo lắc chỗ này, móc chỗ nọ. Ông đứng cạnh dòm theo nhưng chẳng học lóm được thêm gì.

Vậy là anh ta chui vào xe. Mở công tắc, liếc qua dãy đồng hồ và đèn báo, vặn chìa. Máy phát nổ ròn tan như chế nhạo sự kinh ngạc của ông già. Anh ngó ông Lân, có vẻ hơi bực. Hai vợ chồng tròn mắt ngó lại.

“Ủa! Có gì trục trặc đâu!”

“Nãy giờ tôi… tôi đề… đề cả chục lần…”, ông lắp bắp, trời tối không ai thấy mặt ông đỏ cỡ nào. May là mấy ly rượu đã tan gần hết, không thì… Ông cố vớt vát:

“Nếu không có chuyện gì thì tôi đâu mắc công kêu anh…”

Nhưng anh thợ không để ý chuyện này. Móc điện thoại báo về tổng đài, ngoáy mấy chữ vào tờ tường trình công việc đưa cho ông ký, xong anh ta nhảy phóc lên xe phóng đi, sau khi dặn dò:

“Ông chạy cẩn thận, có ngừng xe dọc đường nhớ đừng tắt máy. Tốt hơn là mai ông mang xe ra ga-ra cho họ rà lại toàn bộ một lần cho chắc. Chúc ông bà may mắn.”

Dĩ nhiên là sau đó ông lái xe rất chậm rãi, hồi hộp vì sợ xe dở chứng nữa thì ít, mà nghĩ về một “oan hồn” nào đó có thể đang luẩn quẩn nơi khúc đường gặp nạn thì nhiều. Ngồi cạnh, bà Lân chốc chốc niệm Phật. Chẳng ai dám nói ra ý nghĩ của mình về chuyện vừa xảy ra, có lẽ chúng cũng giống nhau thôi. Bất giác ông liếc nhanh vô kiếng chiếu hậu, biết đâu “nó” đang ngồi trên băng sau thì chắc cả người cả xe xuống ruộng…

Và cho tới bây giờ ông vẫn chưa hoàn hồn. Vợ ông đã lên lầu từ lâu, chỉ còn ông dưới nhà, căn nhà lạnh ngắt. Nhưng ông không vội. Thời giờ với ông như tiền của đại gia. Hai vợ chồng từ lâu đã ngủ riêng. Nếu người ngoài thắc mắc, ông nói vì ông có tật ngáy ồn ào sợ phá giấc ngủ của bà. Bà bảo là ông ghiền coi sách truyện, phim bộ cho nên ngủ riêng để coi cho mãn nhãn. Sự thực không hẳn thế. Cái giao ước sẽ nằm bên nhau tới mãn đời mà họ thủ thỉ với nhau trong chuỗi ngày thần tiên sau tiệc cưới là một giao ước hoàn toàn dựa trên tin cậy, không có những điều kiện “phải” hay “không được”. Dần dà, cả hai cùng nhận ra có những lần mình không tuân thủ những điều kiện “bất thành văn” này, và không biết tự khi nào – hình như từ khi căn nhà đã trở nên quá rộng và im vắng sau khi đứa con cuối cùng đã ra ở riêng vài năm – hai người đã tự nguyện chọn cuộc sống chung mà riêng này. Những tháng đầu, nhiều đêm ông còn nằm trăn trở lắng nghe tiếng động từ phòng bên, thỉnh thoảng nghe tiếng bà ngáy ro ro, ho hen, tiếng dép lê loạt soạt từ phòng ngủ ra phòng tắm hay xuống nhà dưới… thì đoán bà đang làm gì, còn bà thì mỗi lần đi ngang phòng ông, thấy ánh sáng lọt qua ngạch cửa và tiếng léo nhéo thì nghĩ là ông còn thức, vậy thôi. Có lần ông vào phòng bà, và hoàn toàn cảm thấy lạc lõng trước khung cảnh lạ lẫm khác hẳn trước đây khi hai người còn ngủ chung. Gần như mọi thứ đều thay đổi vị trí, trừ mấy cái tủ quần áo. Ông nhận thấy rõ ràng đây là giang sơn của riêng một người nào đó, không có ông trong đó. Rồi ông trở về phòng, để cũng nhận ra nơi này cũng là một lãnh địa riêng. Mọi thứ ông cần đều nằm trong tầm tay với. Sách và băng đĩa nằm theo một trật tự chỉ có mình ông biết. Dường như bà cũng chẳng thèm bước vô nơi đây, bởi dưới sàn đóng bụi còn thấy mấy mảnh giấy vụn vương vãi tự thuở nào ông chẳng nhớ. Ông thấy nhói trong tim một chút, nhưng rồi cuối cùng nhận ra là con đường một khi đã dẫn tới nơi này rồi thì khó mà quay lại…

“Mình phải pha một bình trà…”, ông tự nhủ, phải ngẫm lại xem coi có mối liên lạc nào giữa những sự kiện ngày hôm nay. Chẳng lẽ một điềm gở?

Nhóm bạn tụ họp tán dóc của ông thời cực thịnh có sáu gia đình, nhà họ không quá cách xa nhau. Mỗi tháng họ tụ nhau một lần, xoay tua. Lần lần, con số tụt xuống. Người này thoái thác bận coi nhiều cháu. Người kia bịnh. Người nọ dọn nhà. Người khác nằm xuống… Những cuộc họp mặt theo năm tháng cũng dần thưa đi, và chuyển đổi, rồi lại phải có lý do, không có hú suông như trước. Hồi đó… hồi đó còn ăn nhậu tưng bừng, bia khui không kịp, Tết ngủ lại bài bạc. Mấy bà động dao động thớt, chiên món này xào món nọ, nói chuyện rân trời. Rồi tới thời gian chuyển từ bia sang rượu, ngồi khề khà nhâm nhi và hát karaoke, thì lượng đồ ăn đã giảm xuống. Tới chừng có một số lâm bịnh mãn tính, hơn nửa số đã bỏ thuốc và rồi rượu uống có cữ, những thú vật chất đã dần vơi, thì chỉ còn ngồi tán dóc với nhau là chính. Chuyện vui buồn trong công việc làm ít còn nhắc. Chỉ còn những chuyện than thở bệnh tật, con cháu, để rồi trước sau cũng lại quay về những chuyện thời quá khứ vàng son, rồi chuyện tù tội cải tạo, chuyện lập nghiệp nơi đất mới… Ông thích ngồi nghe họ tán tụng nhau, nhất là nghe những chuyện vui ông Sinh mang ra kể cho đám tiệc. Ông Sinh trước kia ở cùng xóm, bốn năm trước, khi bà mất, ông dọn về nhà đứa con gái, để có người khuây khỏa, coi mấy đứa cháu cho hai vợ chồng nó đi làm… và sướng nhất – ông cười hì hì – đỡ khoản tiền mướn nhà.

Nhưng lần họp mặt cuối cùng, trong dịp nghỉ cuối năm ngoái, ông Sinh mời cả đám tới để thông báo chính thức là vài tháng nữa sẽ ăn cái Tết cuối cùng ở đây, và sau đó về Việt Nam ở luôn, coi như đây là buổi tiệc chia tay. Thằng em bên đó nài nỉ ông hoài, còn ông càng ngày càng thấm sự dằn vặt của nỗi nhớ quê, khi ông nhận ra vốn tiếng ngoại quốc của ông, vốn đã ít ỏi, nay lại bay dần. Mà ở tuổi ông, một khi chữ tây chữ u đã bay thì nó sẽ bay luôn, không bao giờ trở lại.

Vì thế, lần này ông Lân có cảm giác thật lẻ loi, mất đi người bạn thân. Và cũng vì thế mà câu chuyện trong buổi họp mặt đi ngay vào vấn đề xoay 180 độ của ông Sinh, một người ngang tàng nhiều năm hăng hái hoạt động nay bỗng dưng xếp giáp quy hàng. “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”, đúng vậy, nhưng có một nhà văn nào đó đã viết là “lòng hoài hương có sức mạnh đốn quỵ cả những người gai góc nhất”. Chắc chắn phải có lý do nào đó khiến ông Sinh một sớm một chiều bỏ cả mọi chuyện để nắm lấy lưỡi dao. Vì thế cả đám xoay qua truy ông Lân về chuyện này và hỏi thăm ông về tin tức người bỏ cuộc, đúng hơn là phản bội, từ cờ vàng nhảy sang cờ đỏ. Ông ừ à nói vẫn thế thôi, thằng Sinh nó khoe nuôi mấy con gà đá, chim chóc, phân gà phân chim thì đem bón vườn rau sạch cho cả nhà ăn trên sân thượng… Còn chuyện thiên hạ thắc mắc “có bà này bà kia hay không”, ông nói chắc nịch:

“Làm gì có chuyện đó. ‘Chị Năm’ còn chê nó, trâu này rụng hết răng rồi, cỏ non có dâng tận miệng mấy cũng chẳng cạp được.”

Dĩ nhiên người ta không tin, nhất là mấy bà, đang nháy nhó nhau và liếc mấy ông. Nhưng không thể tra hỏi thêm, chỉ để bụng. Quả thực, chỉ có mình ông Lân là biết rành rẽ ngọn nguồn. Thằng con rể của ông Sinh hai năm trước mất việc, vợ chồng nó xoay qua mở tiệm ăn, và thế là dần dần nó cần chỗ chứa đồ và nấu nướng những thứ có thể làm trước. Con gái ông đề nghị xây cho ông căn nhà chòi bằng cây phía sau, còn gian nhà phụ kế bên bếp nó sẽ dùng làm nhà kho. Nói là đề nghị, nhưng chúng nó đã đặt mua vật liệu từ lúc nào ông chẳng biết. Ông càm ràm, than căn nhà chòi lạnh lẽo, và cằn nhằn là nếu muốn nấu ấm nước cũng phải bước qua khoảng sân rộng, tức là lại phải trùm áo lạnh. Hai đứa làm luôn cho ông cái bếp đơn sơ trong đó, đúng ra là một cái lò điện gắn dính vô chiếc bàn có bánh xe đẩy tới đẩy lui, chỉ đủ chỗ nấu trà và làm mì gói. Ông tủi thân, thấy mình vừa mới bị đẩy ra ngoài xã hội, giờ như từ từ bị đuổi khỏi gia đình. Chỉ vì hiện giờ chúng nó ở nhà suốt, con cái lớn rồi, không cần người coi trẻ thường trực nữa nên mới nên chuyện. Những ấm ức đó đương nhiên ông trải lòng với ông Lân, người bạn tâm đầu, qua điện thoại. Một hôm quá bực ông buột miệng:

“Đm. Con với cái. Mình chắt bóp để dành được mấy chục ngàn cho tụi nó để chúng sang cửa tiệm mà giờ nó chơi kiểu này thì anh nói không ức sao được.”

Ông Lân phì cười:

“Anh đụ mẹ nó cả mấy ngàn lần rồi mà giờ còn chửi thề…”

Tưởng là hạ hỏa, ai dè lửa có thêm dầu:

“Đm. nó chứ, giận ơi là giận, không ói máu là may. Tui bỏ luôn xứ này về Việt Nam chết mẹ nó cho rồi. Nuôi chúng nó bao nhiêu năm mà giờ chúng nó trả ơn như vậy hả?”

Vì thế ông Lân mới biết là ông em của ông bạn rủ ông anh về cùng vui tuổi già. Và ông đã làm thật. Lại làm quá nhanh như cố trốn chạy sự thực phũ phàng. Nhưng giữa bàn tiệc hôm nay thì ông không nói, vì ông nghĩ tới hoàn cảnh của ông. Thật là trái ngược. Mấy năm trước ông đã có ý định chân trong chân ngoài, mùa hè ở bên nây, mùa đông ở bên nớ. Kỳ về thăm nhà mới đây nhân dịp đám cưới đứa cháu gái, ông ướm lời người em dành căn phòng trống đó cho ông. Vợ chồng nó đẩy đưa lấy cớ này cớ nọ. Ông mượn rượu để nổi sùng và bảo thẳng:

“Hồi đó vợ chồng tao bỏ tiền cho tụi bây sửa nhà sửa cửa giờ vợ chồng tụi bây chơi vậy đâu có đẹp.”

“Anh đâu biết, kỳ anh đi vượt biên đó, tụi em ở nhà xất bất xang bang với mấy thằng công an, hết phường tới quận đến nhà tra hỏi. Kế tới xin đi làm không ai dám mướn, mấy đứa con đi học cũng bị làm khó dễ,” thằng em đốp lại.

Hai vợ chồng nó mặt xưng mày xỉa, ông biết đã thua đậm keo này, và biết từ giờ có về thăm quê hương cũng khó ở trọ nhà chúng nó. Ông chôn nỗi buồn và sự căm giận xuống đáy lòng, sống để bụng chết mang theo. Với mọi người, ngay cả với bà vợ, ông tuyên bố ngon ơ:

“Giờ về bên đó nắng nôi bụi bậm quá, đồ ăn thì dơ dáy, chỗ nào cũng thấy bất công. Ngoài đường thì không có an ninh, xe cán chết người hà rầm. Tui hổng thèm về nữa. Chết bên này cho rồi.”

Ông không ngờ câu tuyên bố đó của ông đã nhanh chóng chuyển đổi đề tài tranh luận trong bàn nhậu trưa nay thành cuộc tranh cãi về chuyện hồi hương và đương nhiên kèm theo đó là lập trường chính trị. Dĩ nhiên, có sự giống nhau giữa những bạn nhậu trên bàn tiệc và các chính trị gia trong chính trường, là những cuộc tranh luận lúc nào cũng nẹt lửa để rồi rốt cục lại chẳng đưa ra một kết luận gì ra hồn. Còn đằng sau, rất có thể ẩn náu những động lực khác. Như giờ đây, những người đã chắt mót mua được một miếng đất hay một căn chung cư ở quê nhà đứng về một phe. Còn lại phe kia là những người đương nhiên chống lại. Nhất là họ vừa nói với nhau về một ông nào đó sau chuyến về thăm nhà đã phải vô ngay bệnh viện vì họ phát hiện ung thư bao tử. “Hóa chất tụi Trung Cộng đầu độc dân mình chứ còn ai vào đây nữa.”. Mọi người xô vào phê phán, người kết tội, kẻ chống chế, ngoại trừ ông, bất đắc dĩ phải đứng về phe chống vì đã lỡ cương bậy, giờ chỉ đành ngồi nghe và nuốt hận. Ông chợt nghiệm ra nhân tình thế thái. Người nào cũng cố bảo vệ con đường mình theo với viện dẫn một cách rất ruồi bu. Người có học thầm khinh miệt hạng có tiền là không có danh giá, lừa lọc mánh mung. Người trọng kim tiền vênh váo đã có được cuộc sống vật chất sung túc, và khi mũ áo vào thì danh vọng nào có kém ai.

Thời may, cuộc đấu khẩu hùng hổ chợt chuyển hướng khi có ai đó bỗng dưng nhảy sang chuyện trong trại cải tạo, và cũng như mọi lần, mọi người tìm được sự đồng thuận trong việc nhắc lại những kỷ niệm vui buồn khoảng thời gian đó. Những chuyện họ trao đổi với nhau ông Sinh đã nghe đầy lỗ tai, vì thực ra cũng chỉ mấy chuyện đó thôi. Không còn tù nữa thì làm sao có chuyện mới để kể. Mà chuyện cải tạo với ông như chuyện ở thế giới khác. Ông chẳng bị tù tội ngày nào. Ba ngày học tập cho ông thấy được số may mắn của mình. May mắn chưa đụng trận lớn ngày nào, nhờ tài sửa xe thần sầu lúc nào ông cũng loanh quanh luẩn quẩn trong bộ tư lịnh. May mắn có nghề mọn nuôi thân và nuôi được cả gia đình sau cuộc đổi đời. Nhưng những lúc như bây giờ ông cảm thấy cô đơn lạ kỳ, vì không góp được gì cho những cuộc vui sau bữa tiệc. Chẳng lẽ lại đem những chuyện khuất tất trong quân đội ông đã làm ra kể cho chúng khi dễ, mặc dầu trong những năm khoác bộ treillis ông đã thấy thiếu gì những tên lon lá cùng mình mà cũng tệ hại chẳng kém gì ông. Bởi thế, ông chỉ ngồi nghe và thấy nhớ ông Sinh vô hạn. Chắc phải về thăm nó một chuyến, ông tự nhủ. Nhưng biết đâu chừng ông bạn Sinh này cũng đổi khác, ông sợ vậy. Thú thực nghe ông Sinh nói chuyện mà phát nản, chim chóc gà qué vườn tược không làm ông phấn khởi chút nào.

Cảm giác xa lạ trước đám bạn nhậu làm ông Lân thấy như mình bị vây quanh bởi những bức tường vô hình, và khổ thay, mỗi ngày chúng như xiết chặt hơn. Người ngồi đối diện ông bỗng nhắc lại một chuyện khôi hài mà ông đã từng nghe nhiều lần:

“Mẹ bà nó. Đi lao động cả ngày mệt thấy mồ mà buổi tối nó còn kêu lên hội trường coi phim. Nghe cái tựa thì hấp dẫn. “Mười Một Niềm Hy Vọng”, tưởng là phim tình cảm gì đó cho mình nuôi chút hy vọng có ngày về chớ, ai dè chỉ có chuyện đá banh. Rồi “Đến Hẹn Lại Lên” chẳng thấy hẹn hò gì hết, chỉ có mấy thằng mấy con bộ đội hát quan họ với nhau…”

“Anh nói vậy chớ bây giờ coi lại và xét về mặt nghệ thuật thì nó cũng hay lắm chứ,” người khác cãi. “Nhất là Như Quỳnh đóng hay không tưởng…”

“Lại một tên ăn phải bả,” – bây giờ đúng là rượu nói rồi.

Cảm thấy không khí sẽ trở nên gay cấn sau lời nhận xét này, ông Lân vội bấm bà vợ cáo từ ra về. Họ được chủ nhân dúi cho một túi mấy món đồ ăn còn dư. “Hẹn lần sau gặp,” ông nói, trong khi thầm nghĩ sẽ chẳng có lần nào nữa đâu. Vả lại thâm tâm ông cũng muốn chạy ngay về nhà để xem Như Quỳnh đóng phim ra sao.

Nhớ tới đây, ngó lại ấm trà đã cạn, ông lên phòng, chui vào trong chăn và mở computer kiếm tìm. Đây rồi. Chưa được mười phút, ông chợt nhớ ra: “Chẳng phải con Như Quỳnh ca sĩ…” Nhưng ông không tắt máy mà nằm suy tư. “Đến Hẹn Lại Lên”, ông mỉm cười. Cái tựa hay đấy chứ. Lần sau đám bạn ông có hú nhau tới nhậu nhẹt chắc mình cũng đi thôi. Cho nó bớt buồn. Bà có đi theo hay không cũng mặc. Ở nhà điệu này hoài chắc khùng luôn…

Mãi miên man chạy theo mạch suy tưởng, ông đi vào giấc ngủ khi nào không biết, với màn hình còn sáng.

Nguyễn Hiền

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *