Trình diện nhân sự mới Hội Người Việt Cao Niên nhiệm kỳ 2019-2021

Đỗ Hiếu/ĐHT phóng viên Đời Nay

Phiên họp đầu tháng của Hội Người Việt Cao Niên Hoa Thịnh Đốn được tổ chức vào ngày thứ bảy 3 tháng 8 năm 2019 tại trụ sở Hội, trong Trung Tâm Đa Văn Hóa, thành phố Falls Church, Virginia.

Sinh hoạt bắt đầu với nghi thức chào quốc kỳ, phút mặc niệm do ông Đào Hiếu Thảo phụ trách. Ông Nguyễn Văn Đặng, Hội Trưởng lưu nhiệm chào mừng quan khách, cảm tạ các cộng tác viên và hội viên luôn giúp đỡ, tiếp tay với ông trong công việc điều hành Hội.

Tiến Sĩ Hồ Văn Di Hấn, Tổng Thư Ký kiêm Thủ Quỹ báo cáo về tình hình tài chánh của Hội, tính đến ngày 20 tháng bảy năm 2019, quỹ nghĩa trang có $ 13,092, quỹ điều hành còn  $6,163.27.

Trong đại hội vào ngày một tây tháng sáu năm 2019, Hội Cao Niên tiến hành bầu cử nhân sự mới cho nhiệm kỳ 2019-2021.

Thành viên Hội Đồng Chấp Hành nhiệm kỳ 2019-2021

Hội Đồng Chấp Hành được giới thiệu có:

Ông Nguyễn Văn Đặng, Hội Trưởng

Ông Cao Nguyên, Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ

Ông Dương Hòa Hiệp, Phó Hội Trưởng Nội Vụ

Giáo Sư Nguyễn Kim Oanh, Phó Hội Trưởng Văn Hóa, Xã Hội

Bà Lapha Hà Vân, Phụ Tá Phó Hội Trưởng Văn Hóa, Xã Hội

Tiến Sĩ Hồ Văn Di Hấn, Tổng Thư Ký kiêm Thủ Quỹ

Bà Phạm Kiều Nga, Trưởng Ban Văn Nghệ

 

 Thành viên Hội Đồng Quản Trị và Ban Cố Vấn

Hội Đồng Quản Trị được cử nhiệm có:

Ông Đào Hiếu Thảo, Chủ Tịch

Giáo Sư Nguyễn Kim Oanh, Phó Chủ Tịch

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Thành Viên

Bà Jackie Bông, Thành Viên

Ông Nguyễn Vân, Thành Viên

Hội Đồng Cố Vấn có quý thành viên:

Tiến Sĩ Đào Thị Hợi

Dược Sĩ Nguyễn Mậu Trinh

Ông Lê Hữu Em

Chúc mừng sinh nhật quý Hội Viên

Sau khi trình diện nhân sự nhiệm kỳ mới, trong phần góp ý cho sinh hoạt tương lai, toàn thể Hội Viên đồng ý tăng niên liễm từ $ 25 lên $ 30/ một người, hai vợ chồng tăng từ $ 40 lên $ 50. Tiền tồn quỹ của Hội được sử dụng trong các buổi lễ truyền thống hàng năm như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Hùng Vương, Lễ Giỗ Nhị Vị Trưng Nữ Vương, Lễ Tổ Tiên & Chúc Thọ, cung cấp ẩm thực cho phiên họp mỗi đầu tháng…

Tiếp nối chương trình, cựu Đại Tá Phạm Ngọc Thiệp thuyết trình đề tài thời sự “Trung Quốc chạy Marathon 100 năm để vượt Hoa Kỳ”. Bài thuyết trình được soạn thảo công phu với những hình ảnh màu minh họa cho câu chuyện đang được công luận đặc biệt quan tâm. Kết luận của câu chuyện thời sự là Trung Quốc, Trung Cộng hay Bắc Kinh đang lâm cảnh suy thoái trên các lãnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao, trong cuộc thương chiến với Hoa Kỳ và không thể nắm vai trò siêu cường thế giới trong vòng 20 năm nữa.

Kế đó là chúc mừng sinh nhật của các Hội Viên có ngày sinh trong tháng bảy và tháng tám: quý cụ bà, quý bà, Cung Thị Ba, Vũ Thị Tường Huệ, Nguyễn Huy Chiêm, khuê danh Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Bạch Mai, Nguyễn Thị Bùi, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Xuân Hương

Quý cụ ông, quý ông, Nguyễn Văn Phép, Dương Hòa Hiệp, Cao Nguyên, Phan Khâm, Nguyễn Văn Vững, Phan Phước Duệ.

Cụ ông Lê Văn Tảo, vừa mừng sinh nhật 100 tuổi, chúc mừng quý Hội Viên một lễ sinh nhật an vui, may mắn, dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, thành đạt.

Sau đó. đại gia đình Cao Niên dùng tiệc trà thân mật, thưởng thức bánh sinh nhật ngọt ngào và góp tiếng hát trong các tiết mục văn nghệ vui tươi. Buổi họp mặt kết thúc lúc 2 giờ.

Buổi sinh hoạt được Truyền Hình Việt Nam Hoa Thịnh Đốn trực tiếp phát hình đến quý đồng hương qua Facebook.

Vào ngày thứ ba 6 tháng 8 năm 2019 Hội Cao Niên Hoa Thịnh Đốn phối hợp với Hội Cao Niên Maryland (VASA) có tổ chức một buổi du ngoạn, picnic, tắm biển tại Sandy Point.

Trụ sở của Hội Cao Niên HTĐ: 6131 Willston Drive, Suite 107 (P.O BOX 4283) Falls Church. Điện thoại ông Hội Trưởng Nguyễn Văn Đặng 571 236 1908

 

 

 

 

Vi Phạm Nhân Quyền và Dân Quyền Tại Việt Nam Trong Lãnh Vực Kinh Tế

Nguyễn Bá Lộc

Chính quyền cộng sản cưỡng chế đất đai dân chúng khu đô thị mới Thủ Thiêm

1.Tổng quan

Luật quốc tế cũng như luật của nhiều nước tiến bộ đều có qui định về nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Tổng quát, đó là quyền sống của con người. Trong một quốc gia dân chủ pháp trị thì dân quyền là một mặt khác của nhân quyền. Người dân phải được luật pháp bảo vệ quyền tự do mưu cầu cuộc sống, tự do trong việc làm, quyền không bị bị kỳ thị hay ngược đãi nơi làm việc và trong kinh doanh, quyền được bảo vệ tài sản riêng và công sản quốc gia. Chẳng hạn trong bản liệt kê của cơ quan National Economic & Social Rights Initiatives (NESRI) có liệt kê hai quyền chánh yếu về mặt kinh tế là: Quyền Được Bảo Đảm Về Thực Phẩm (The Right to Food) và Quyền Lao Động (The Right to Work). Hoa kỳ và Âu châu có nhiều luật qui định về nhân quyền và dân quyền là một điều kiện trong mậu dịch quốc tế (U.S. trade law, free trade agreement, labor right litigation…)
Trên thực tế có nhiều quốc gia vi phạm các quyền trên, nhứt là tại các nước có chế độ độc tài trong đó có Việt Nam. Hậu quả các vi phạm đó là gây ra nhiều tai hại cho cá nhân nạn nhân và cả cho sự phát triển đất nước.
Mặt khác, trong hội nhập toàn cầu, một vấn đề tối sanh tử của Việt Nam, Việt Nam rất cần giao thương với nhiều nước, nhứt là các nước tư bản tự do. Và các nước nầy đều có qui định điều kiện nhân quyền trong sự hợp tác đầu tư ngoại quốc và trong ngoại thương. Trên thực tế, về kinh tế đối ngoại Việt Nam vi phạm nhiều điều luật quốc tế, từ nhiều năm qua cho tới bây giờ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cộng sản chẳng những không giảm bớt vi phạm nhân quyền mà còn gia tăng ở mức độ nghiêm trọng.
Tự do, Dân chủ và Nhân quyền là những nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển kinh tế bình thường và bền vững. Tại Việt Nam thì những nguyên tắc nầy bị xâm phạm và đưa đến những hậu quả tai hại về kinh tế và xã hội.
Trong bài nầy chúng tôi tóm tắt những vi phạm Nhân quyền và Dân quyền trên phương diện kinh tế, và xảy ra trong năm vừa qua, dưới các mục sau đây:

2. Sự cưỡng đoạt đất đai của dân

Cưỡng chế thu hồi đất của dân là một vi phạm nhân quyền trầm trọng nhứt tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Tình trạng nầy vẫn còn tiếp diễn trong năm qua. Về luật nhân quyền đó là “quyền sống” và “quyền sở hữu”.
Chánh quyền Việt Nam đã lạm dụng và lợi dụng nguyên tắc của Luật Đất Đai 1993 (và bổ sung 2013) , gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn dân khi bị di dời đến nơi định cư mới. Tình trạng nầy còn làm thiệt hại cho kinh tế chung.
Năm 2018 có nhiều vụ cưỡng chế lớn khắp mọi nơi. Có ba vụ lớn là:

Vụ cưỡng chế sai luật và lạm quyền tại khu đô thị mới Thủ Thiêm: Về phương diện nhân quyền các vi phạm là: Chánh quyền lấy đất của dân bồi thường giá rất thấp rồi bán lại cho công ty tư doanh với giá gấp nhiều chục lần cao hơn. Đó là hành động của chánh quyền cướp đoạt tài sản của dân, chánh quyền đoạt quyền thương lượng, quyền trực tiếp bán đất của người dân với người mua nhà đất là tư doanh. Đặt biệt trong đó có khoảng 160 hộ dân cư nằm ngoài khu vực đã được qui hoạch , nhưng chánh quyền thành phố HCM vẽ lại bản đồ, và thu hồi đất nầy. Chánh quyền không định cư đầy đủ cho người dân bị cưỡng chế, để cuộc sống của họ rất thảm thương trong thời gian dài. Dùng bạo lực thu hồi đất là vi phạm quyền sở hữu tư và xử dụng sai trái nguyên tắc công quyền. Chánh quyền làm sai nguyên tắc là: trưng thu đất tư là chỉ cho công ích. Trong đại dự án nầy có nhiều khu vực không nhằm cho công ích mà giao cho tư doanh xây nhà cao ốc, hay chánh quyền thực hiện dự án không cần thiết là Nhà Hát Giao Hưởng..

Một vụ vi phạm luật đất đai to lớn khác là vụ quân đội chiếm lấy một phần đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho tư doanh khai thác sân golf và nhà hàng, khách sạn. Công trình nầy không phải là công ích. Mà nhu cầu mở rộng phi trường rất khẩn thiết, rất quan trọng. Sự việc tới nay chưa giải quyết.

Vụ thứ ba tại Thành Phố HCM hồi đầu năm nay là chánh quyền cưỡng bức trắng trợn đất của khoảng 200 gia đình dân Lộc Hưng, quận Tân Bình. Đây là vụ điển hình của sự lấy quyền sống của dân, thể hiện tính hung bạo của cường quyền cộng sản, người dân không được lấy ý kiến, không được thông báo trước khi thi hành lịnh cưỡng chế. Dân chúng phản đối mãnh liệt. Đa số người định cư ở đây có từ hơn 60 năm từ Bắc di cư vào Nam, những gia đình nghèo, sống bằng nghề trồng rau. Nhu cầu công vụ để thu hồi đất của những người dân không thích hợp cho xây dựng công ích không quan trọng và không khẩn thiết. Xây một trường học có thể tìm một nơi khác không khó khăn. Cho nên chỉ xét sơ qua về nhu cầu và về cách cưỡng chế tàn nhẫn, không tuân thủ luật lệ của chánh quyền, làm cho nhiều người nghĩ tới bên sau vụ nầy có tư sản đỏ, như hàng ngàn vụ lấy đất dân đã xảy ra.

Vụ cưỡng chế đất đai người dân tại vườn rau Lộc Hưng , Tân Bình ngày 9/1/2019

3.Vi phạm quyền người lao động (Labor Rights)

Quyền của người lao động là một quyền quan trọng của nhân quyền. Quyền nầy được Công Ước Quốc Tế về nhân quyền công nhận và Tổ chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization) ghi rõ ràng. Trong đó có các quyền căn bản: được thành lập công đoàn độc lập, quyền thương lượng tập thể, quyền được làm việc nơi an toàn và có vệ sinh, quyền không bị kỳ thị. Việt Nam có ký công nhận luật quốc tế về người lao động, nhưng trên thực tế chánh quyền Việt Nam không thi hành.
Năm qua có hai sự việc liên quan đến quyền lao động là: Cộng Đồng Âu châu không phê chuẩn Hiệp ước thương mại với Việt Nam (EVFTA) hồi tháng 11/2018 vì cho rằng Việt Nam chưa làm đủ yêu cầu nhân quyền, nhứt là quyền người lao động. Sự việc thứ hai là Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại CPTTP với 11 thành viên, không có Hoa kỳ (tháng 11/2018). Trong Hiệp định nầy, đó có điều quan trọng buộc Việt Nam phải cải sửa Luật Lao Động theo như luật quốc tế, tức là Việt Nam phải cho công nhân được thành lập công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình. Việt Nam hứa nhưng chưa ban hành luật mới nầy. Từ trước tới nay, Công Đoàn của Việt Nam không độc lập, nó là một bộ phận của đảng.
Tuy nhiên với Hiệp định CPTPP 11 nước đã ký và Hiệp định Mậu Dịch Tự Do Âu châu – Việt Nam dù chưa chánh thức thì việc tranh đấu cho công đoàn độc lập và một số quyền khác, có cơ hội thuận lợi để công nhân và quần chúng tranh đấu bảo vệ nhân quyền.

4.Tình trạng tham nhũng

Trong năm qua nổi lên nhiều vụ tham nhũng kinh khủng. Các yếu tố tác động là do sự tranh đấu của dân, do chương trình đánh tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng, và do một phần áp lực quốc tế.
Ở Việt Nam tham nhũng là một đại họa. Nguyên nhân chánh là từ bản thể chế độ XHCN. Trong hai năm qua có các vụ tham nhũng lớn có thể tóm tắt như sau:
Vụ Tập Đoàn Dầu Hỏa VN (PVN): Tháng ba 2018, Đinh La Thăng và các viên chức lớn của PVN tiếp tục bị xử thêm tội đưa tiền gởi ở ngân hàng Ocean trái luật, gây thất thoát cho công quỹ ngàn tỷ đồng. Mới đây PVN bị đưa ra thêm một vụ rất to lớn nữa là Liên doanh khai thác dầu giữa Việt Nam và Venezuella. Việt Nam hùn với Venezuella khoảng 1,2 tỷ mỹ kim (40% vốn đầu tư). Sau 4 năm dự án nầy phá sản. Việt Nam mất tổng cộng gần một tỷ mỹ kim. Đây là trường hợp rất điển hình của đại tham nhũng cốt lõi quốc doanh và làm mất mát của công theo đúng qui trình và qui luật của chế độ XHCN.
Vụ Vũ nhôm (tên thật là Phan Anh Vũ) ở Đà Nẵng: Đây là vụ chiếm đoạt tài sản công qui mô tại Đà Nẵng và bị đưa ra xử trong năm qua. Vũ nhôm với danh nghĩa công ty địa ốc tư do các tướng Công an đứng phía sau, đã vừa móc ngoặc nhiều viên chức cao cấp của chánh quyền vừa ép buộc chánh quyền Đà Nẵng bán rất rẽ các lô đất công sản rất quí giá, không qua đấu thầu theo nguyên tắc. Sau đó đem bán lại cho tư nhân với giá rất cao, làm thiệt hại hàng trăm triệu mỹ kim công quĩ. Nội vụ chưa xong vì còn nhiều liên hệ đến một số viên chức khác, Vũ nhôm đang bị tù.
Vụ Mobifone: Là vụ đại tham nhũng do cấu kết giữa viên chức rất cao cấp của chánh quyền Việt Nam và tư sản đỏ. Công ty điện thoại di động của nhà nước Mobifone mua công ty AVG của tư nhân (2016) với giá 8,889 tỷ đồng ($391 triệu). Ngay việc công ty tư nhân đi bán cho quốc doanh là đi ngược chánh sách cổ phần hóa. Nhưng do sự cấu kết của viên chức cao cấp của Bộ Thông Tin, Công ty Mobifone (quốc doanh) mua công ty AVG (tư doanh) với giá cao 10 lần của giá thực tế. Sự cấu kết nầy làm thiệt hại công quỹ trên 300 triệu đô. Mặc dù khi đổ bể, AVG trả lại hợp đồng mua bán nầy. Dù vậy, đầu năm nay nội vụ bị đưa ra xử lý hình sự. Tổng Giám đốc và một số viên chức Mobifone và hai cựu Bộ trưởng Thông Tin, Trần Bắc Sơn và Trương minh Tuấn, bị bắt giam. Đây là vụ tham nhũng do lạm quyền và có cấu kết của các viên chức cao cấp nhứt, và là vi phạm lộ liễu nhứt.

Vụ tham nhũng Mobifone mua cổ phần tư doanh AVG. Mobifone là công ty viễn thông quốc doanh lớn thứ hai tại VN

Vụ bán công sản ở Thành phố HCM: TP/ HCM, một nơi coi như mỏ vàng của chánh quyền XHCN. Nên những vụ tham nhũng có thể nói to lớn nhất, kinh khủng nhất, vi phạm luật lệ và nhân quyền trắng trợn nhất, ngay từ khi CS chiếm miến Nam. Trong năm qua lòi ra các vụ viên chức chánh quyền bán nhà đất công sản không qua đấu giá, lớn nhất là khu đất vàng đường Lê Duẩn quận I, khu đất Nhà bè, khu đất giải tỏa trong đại dự án đô thị mới Thủ Thiêm.
Một vụ tham nhũng chỉ có ở nước Cộng Sản xảy ra trong năm qua là vụ hai tướng Công an tổ chức và bao che cho sòng bài qui mô hàng triệu đô la. Tổ chức đánh bạc ngay trên mạng CA, các viên chức lớn nầy lấy 20% tiền đánh bài. Hai tướng Phan văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị tù.
Tham nhũng là vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Tại Việt Nam thì nó quá kinh khủng. Nhờ một phần “chương trình đánh tham nhũng” của TBT Nguyễn Phú Trọng lòi ra nhiều vụ lớn và hoàn toàn do đảng viên cao cấp chủ mưu, cố ý và thiệt hại cho dân quá nhiều. Các nhóm đảng viên như loại siêu mafia thời XHCN. Dù việc triệt hạ nầy có tánh cách phe phái trong đảng đánh nhau để tranh giành quyền lợi.

5. Bước xâm lăng kinh tế Trung Quốc (TQ) tiến mạnh hơn

Trong năm qua TQ đẩy mạnh hơn nữa tiến bước xâm lăng kinh tế của TQ. Một tình trạng mà CSVN vừa bị ép buộc vừa tự cấu kết với TQ. Mức độ rất nguy hiểm và gây tai họa kinh tế cho mọi người dân. Các tiến bước cụ thể trong mấy năm vừa qua:
Sự thay đổi luật cư trú cho người ngoại quốc: Theo luật mới 2015 thì VN cho phép người ngoại quốc có Visa được quyền mua nhà ở, được cư ngụ 50 năm và sau đó có thể được gia hạn.Người TQ có thể mua nhà và ở Việt Nam dễ dàng. Giá nhà cửa tăng ngay. Người TQ mua nhà nhiều nhứt là tại TP/HCM, Nha Trang và Đà Nẵng.
Liên kết các tuyến giao thông mới: Các con đường bộ và đường xe lửa xuyên qua biên giới VN- TQ đã cải thiện và hoàn thành trong hai năm qua. Người TQ có thể qua lại dễ dàng.
Viet Jet Airline mở đường bay Đà Nẵng – Quảng Đông, 2017. Hãng Vietnam Airline cũng mở thêm các đường bay Nha Trang – Nam kinh, Quảng châu. Spring Airline của TQ mới mở thêm chuyến bay Shanghai- TP/HCM (2017).
Việt Nam cho Visa mới cho du khách TQ dễ dàng hơn. Du khách TQ tăng trung bình 51 % mỗi năm trong vài năm qua. Số người TQ tràn qua đông đảo như vậy làm nhiều xáo trộn cho dân chúng
Đầu tư TQ vào Việt Nam gia tăng nhanh từ hạng 9 (2014) lên hạng 3 (2017). TQ đầu tư đủ loại cạnh tranh với tư doanh Việt Nam.
Việt Nam cho phép xài tiền Yuan tại các tỉnh biên giới VN-TQ. Đó là sự vi phạm chủ quyền quốc gia.
VN- TQ cấu kết thành lập các Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc với nhiều ưu đãi về thời gian thuê đất, thời gian miễn thuế. Đặc biệt là cho mở casino và khu nghỉ dưỡng nhằm thu hút đầu tư TQ và di dân TQ.
Các liên kết với TQ nêu trên trực tiếp hay gián tiếp làm TQ xâm nhập vào VN và gây nhiều xáo trộn xã hội.

6. Nhận xét và đề nghị

Qua sự tóm tắt về những vi phạm nhân quyền trầm trọng xảy ra gần đây, chúng ta có thể có những nhận xét:
Tổng quát những vi phạm nhân quyền, nhứt là tham nhũng làm cho VN bị mất mát khoảng 25% tài sản kinh tế và làm gia tăng mức cách biệt giàu nghèo quá cao cách khác thường (58 lần, theo World Bank 2013). Phần lớn các nghiên cứu quốc tế về VN có nhận xét tham nhũng từ trong cơ quan cảnh sát, thuế vụ, giấy phép hành nghề, xin sổ nhà đất. Thực sự những vụ tham nhũng lớn là từ đảng viên rất cao, như Bộ Chánh Trị, Trung Ương đảng , Tỉnh ủy..
Căn nguyên chánh yếu của vi phạm nhân quyền trên mặt kinh tế là do bản chất chế độ XHCN. Chánh quyền dùng luật pháp và nguyên tắc Hành chánh, Tổ chức Hành chánh chính thức và bán chính thức, cán bộ đảng viên, cấu kết nhau thành hệ thống vi phạm nhân quyền có chủ đích .
Mức độ vi phạm rất cao và bền vững. Hậu quả là mất niềm tin của dân chúng và của quốc tế.
Cụ thể là qua những cuộc biểu tình phản đối trong nước trong năm qua và những chỉ trích VN mạnh mẽ trong các buổi họp quốc tế về nhân quyền hay mậu dịch .
Những vụ sai trái quá lớn được lòi ra do chương trình đánh tham nhũng của TBT Nguyễn phú Trọng chủ trương phần lớn là đánh diệt phe phái tranh giành quyền lợi. Đó chỉ đánh một số nhỏ cá nhân đảng viên chớ không thể diệt và cải thiện nhiều tệ trạng được nếu CS còn.
Những vụ tham nhũng lớn làm mất công quỹ hàng tỷ đô la một năm. Và chỉ thu hồi lại được qua các vụ xử lý chỉ khoảng 30% số cướp đoạt. Những vụ mà chánh quyền nêu ra chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng chục ngàn vụ không đem ra xử trị.
Chánh quyền cấu kết với tư sản đỏ qua nhóm lợi ích. Đó là sự cấu kết đương nhiên và phải có trong mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Có quá nhiều thí dụ từ các khu xây dựng cao cấp ở Hà nội , Saigon, Phú quốc , Vân đồn.. Các trạm thu phí BOT trên nhiều tuyến đường.
Sự lệ thuộc kinh tế TQ là một đại họa chỉ nhìn trên khía cạnh nhân quyền về mặt kinh tế. CSVN và CSTQ đã cấu kết nhau càng ngày càng nhiều lên. Từ mậu dịch quá bất quân bình, đến các vụ thầu to lớn, không qua đấu thầu công khai. Ví dụ cụ thể gần đây là đường xe hỏa cao tốc Cát Linh – Hà đông, các nhà máy điện ở Bình Thuận, Trà vinh.. Thiệt hại nhiều tỷ với công trình kém phẩm chất.

Đề nghị:

Vấn nạn tham nhũng tại VN sẽ tồn tại khi chế độ XHCN còn ngự trị. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay trong nước và quốc tế, nhứt là lợi dụng nhu cầu hội nhập thế giới của VN, phối hợp tranh đấu có hoạch định, có bài bản, hy vọng có thể cải tiến cuộc sống tệ hại của dân chúng.
Trong nước, dân chúng và những Hội đoàn dân sự tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, gồm trên mặt kinh tế, ít nhứt trên bốn lãnh vực:
Về sự cưỡng chế đất đai, trong nước cũng như quốc tế biết rất rõ những vụ nầy, cho nên sự kết hợp tranh đấu có kết quả ít nhiều.
Về quyền người Lao động: Dựa theo qui định của Hiệp định CPTPP và mậu dịch tự do của Âu châu, có thể tranh đấu thành lập Công đoàn độc lập.Vấn đề nầy có cơ sở luật lệ quốc tế và căn bản gốc quần chúng rộng rãi, chánh đáng. Cho nên cần khôn khéo tranh đấu . Cần sự trợ giúp của cộng đồng người Việt hải ngoại và các cơ quan quốc tế.
Về tham nhũng: Các Hội đoàn và dân chúng lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng của đảng nêu ra các vụ nghiêm trọng bị dấu nhẹm từ trước. Khi các phe phái đánh nhau sẽ bể ra nhiều vụ lớn nữa. Ít nhứt đảng viên có chút lo sợ phải “vào lò đốt”. Sự lộ ra những vụ tham nhũng lớn là cho các nước có đối tác mậu dịch hay đầu tư với VN sẽ có cớ ép VN dần đi theo luật lệ quốc tế.
Cách cụ thể là cố gắng phối hợp đưa một số vụ tham nhũng lớn cho Bộ ngoại giao Hoa kỳ và Canada áp dụng Luật Magnisky. Luật nầy chế tài viên chức tham nhũng lớn, vi phạm nhân quyền không được vào Hoa Kỳ và tài sản ở Hoa kỳ và Canada bị đóng băng. Năm qua Hoa kỳ đã áp dụng cho một số vụ xảy ra ở Yemen, Panama.
Các tổ chức người Việt ở ngoại quốc cần báo cáo đều đặn, và đầy đủ những vi phạm nhân quyền cho Liên Hiệp quốc và các cơ quan quốc tế khác và một số chánh phủ.
Về sự xâm lăng kinh tế TQ: Chỉ riêng vịệc cấu kết giữa VN – TQ về sự chiếm đoạt quá đáng tài sản, tài nguyên của nước VN và sự việc giao cho công ty TQ thi công nhiều công trình lớn là sự vi pham nhân quyền kinh tế. Dân chúng và các nhà trí thức đã phản đối và nên tiếp tục chống lại chánh quyền CS về các vụ giao thầu cho công ty TQ và vay quá lớn tiền viện trợ TQ.

Nguyễn Bá Lộc

Cali ngày 10 tháng tư – 2019

Sài Gòn bỏ ngỏ

Trọng Đạt

”…Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội nửa đêm 19-12-1946 là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đến trưa ngày 30-4-1975 là ngày kết thúc tính ra đã được ba mươi năm…”

Điện Biên Phủ năm 1954
dienbienphu01

Báo Pháp: Điện Biên thất thủ

Miền Nam Việt Nam và toàn cõi Đông Dương bị thất thủ vào tay Cộng Sản Bắc Việt cuối tháng 4-1975, nhiều người đổ lỗi cho Nixon, Kissinger, cho ông Nguyễn Văn Thiệu sai lầm làm mất miền Nam, hoặc tại Dương Văn Minh đầu hàng giặc. Thực ra nó bắt nguồn từ những sai lầm của Lyndon Johnson từ năm 1954 và sau này từ 1968, ông là chính khách quan trọng đã hai lần nắm giữ vận mạng Đông Dương và ảnh hưởng tới sự sống còn của mảnh đất này.(1)
Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt tháng 7-1953, Trung Cộng giúp Việt Minh nhiều hơn trước và Mỹ cũng tăng viện trợ cho Pháp tại chiến trường miền Bắc nhất là tại trận Điện Biên Phủ, từ 13-3-54 tới 7-5-1954
Việt Minh đưa gần hết các sư đoàn chính qui của họ vào trận đánh tại ĐBP tổng cộng 63,000 người (2). Pháp tổng cộng khoảng 16,000 người. Pháp phải đối đầu với một lực lượng đông gấp 4, 5 lần cộng với hỏa lực rất mạnh. Sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược. Không quân Pháp quá yếu, toàn bộ chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay. (3)
Kể từ sau ngày 26-3 số phận của Điện Biên Phủ coi như đã được quyết định rồi. Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên do Đô đốc Arthur Radford, Tham mưu trưởng liên quân (TMTLQ) đề nghị được Tổng thống Eisenhower (Cộng hòa), Phó Tổng thống Nixon, Bộ trưởng ngoại giao Foster Dulles ủng hộ, chấp thuận.
Đô đốc Radford phác họa tình hình nguy kịch tại Điện Biên Phủ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Dulles đồng ý hoàn toàn với Radford và nói mất ĐBP sẽ đưa tới thảm họa, Pháp sẽ rút hết và CS sẽ chiếm toàn cõi Đông Dương. Vòng đai phòng thủ Á châu của Mỹ bị đe dọa, nếu Đông Dương mất Đông nam Á, Nam Dương cũng sẽ mất theo. Để tránh thảm họa Dulles kêu gọi Quốc hội hãy yểm trợ Tổng thống để ông có thể xử dụng Không quân Hải quân trong vùng nếu cần thiết cho quyền lợi an ninh quốc gia. (Tổng thống có thể can thiệp không cần Quốc hội nhưng ông sợ trách nhiệm)
Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị đại diện Quốc hội được mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với các vị đại diện Hành pháp. Phía Quốc hội gồm Johnson, trưởng khối thiểu số Thượng viện (Texas, DC) và 7 vị chức sắc đai diện Quốc hội khác như TNS Russell (Georgia, DC), TNS Millikin (Colorado, CH)…  TNS Johnson đòi phải lập liên minh các nước nhất là Anh, ý kiến đòi này được các ông Chức sắc Quốc hội khác đồng ý. Dulles đáp không thể bảo đảm các nước khác tham dự vì chưa có chứng cớ ta đã can thiệp. Các đại diện Lập pháp nói điều kiện tiên quyết phải có các đồng minh tham gia.
Quốc hội đòi hỏi lập liên minh quân sự, trong đó phải có Anh đã khiến Hành pháp bị bó tay không thể cứu ĐBP được, yêu cầu Tổng Thống phải lập liên minh là ý kiến của Thượng nghị sĩ Lyndon Johnson (Texas) nên người ta coi như ông đóng vai chính trong việc ngăn cản chiến dịch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc.
Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc Radford, một số viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa. Giới quân sự chỉ có Đô đốc Radford vẫn ủng hộ hoàn toàn dù là can thiệp đơn phương (không cần Quốc hội) của Mỹ để cứu ĐBP. Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Carney và Tướng Twining, TMT không quân không nhiệt tâm với kế hoạch này. Tướng Ridway, TMT quân đội Mỹ chống đối hoàn toàn kế hoạch, cuối cùng TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp. ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954.
Chính phủ Mỹ có thể đơn phương can thiệp vào Đông dương, oanh tạc ĐBP mà không cần đưa ra Quốc hội nhưng tình hình năm 1954 người dân không muốn Mỹ vừa ra khỏi cuộc chiến Triều Tiên nay lại tham dự một mặt trận khác. TT Eisenhower không dám tự quyết định mà muốn Quốc hội chia xẻ một phần trách nhiệm với Hành pháp.
Hậu quả của việc Hoa Kỳ không thực hiện được kế hoạch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959 (4). Người Mỹ hối tiếc đã không thực hiện chiến dịch Kên Kên tiêu diệt hết chủ lực quân Việt Minh để rồi họ lớn mạnh. Phía CS thắng lớn thay đổi cả một khúc quành lịch sử.
Trong phần kết luận cuốn ĐBP, tác giả nổi tiếng Bernard Fall cho rằng Tây phương (Anh-Mỹ) tránh can thiệp vào Đông Dương năm 1954 (để tiêu diệt chủ lực quân VM) mà sau này họ phải can thiệp năm 1967 (VNCH). Nếu ĐBP không bị thất thủ năm 1954 có lẽ lịch sử VN sẽ ít phức tạp hơn (5), gần đây các nhà học giả nghiên cứ về chiến tranh Đông Dương như Logevall, Ted Morgan cũng đồng quan điểm trong hai cuốn sách lớn viết về ĐBP và cuộc chiến Đông Dương lần thứ I
Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai
lyndon_johnson_vietnam

Lyndon Johnson thăm binh sĩ tại Việt Nam


Nó thực sự bắt đầu từ khi TT Johnson lên cầm quyền từ giữa thập niên 60. Ông lên thay TT Kennedy bị ám sát tháng tháng 11-1963, một năm sau ông đắc cử TT nhiệm kỳ 1964-68, một sự tình cờ của lịch sử ý kiến của TNS Johnson trong phiên họp đã ngăn cản TT Eisenhower can thiệp vào ĐBP năm 1954 và bây giờ 10 năm sau (Việt Minh đã lớn mạnh) ông trở thành Tổng Thống lại gánh chịu hậu quả sự sai lầm của chính ông từ hồi 1954.

Năm 1964 CS Hà Nội gia tăng xâm nhập cán binh để chiếm miền Nam. Tại miền Bắc năm 1957 Lê Duẩn được Hồ Chí Minh điều ra Bắc và cất nhắc lên làm làm quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức vì cải cách ruộng đất năm 1956. Năm 1960 Ba Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương, Lê Duẩn vào bộ máy của đảng và dần dần Duẩn trở thành người có nhiều quyền lực nhất từ đầu thập niên 60. Lê Duẩn lại may mắn khi tình hình CS quốc tế đổi chiền, năm 1964 Nikita Khrushchev, Thủ tướng Nga bị lật đổ, chấm dứt thời kỳ chung sống hòa bình với Tây Phương, Leonid Brezhnev lên thay ủng hộ Lê Duẩn mở cuộc chiến tranh chống Mỹ
Bộ trưởng quốc phòng McNamara (6) nói:
Sáu tháng (28-1 tới 28- 7-1965) là giai đoạn quyết liệt trong 30 năm can thiệp, Tổng thống Johnson đã đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp vào VN ồ ạt về quân sự, đã đưa quân vào VNCH từ 23,000 người 1964 lên 185,00 năm 1965 và cuối cùng 530,000 năm 1968.”
Mặc dù đưa vào miền Nam VN nửa triệu quân nhưng Johnson đã thất bại vì phản chiến. Nói về những lý do đưa tới thất bại, các nhà học giả, sử gia về chiến tranh VN đã đưa ra nhiều nhận xét chỉ trích những sai lầm của Johnson.
TT Nixon nói:
“Khi một ông TT đưa quân Mỹ đi tham chiến, một cái đồng hồ vô hình bắt đầu chạy. Ông có một khoảng thời gian nhất định để thắng cuộc chiến trước khi người dân chán nản. Tháng 2 năm 1968, TT Johnson đã hết thời hạn của mình”. (7)
Vừa mở mặt trận oanh tạc BV, mặt trận đánh hao mòn địch tại miền Nam, TT Johnson cũng tạo ra cuộc chiến tại Ngũ Giác Đài những năm 1965, 1966, 1967 giữa hai phe dân sự, quân đội. Cuộc chiến này còn kéo dài cho tới đầu tháng 4-1969 khi nhiệm kỳ Johnson đã hết. Cựu Tư lệnh Thái bình dương Đô đốc Sharp và cựu Tư lệnh Westmoreland công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến VN. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách Chiến tranh hạn chế (Limited war) của Johnson-McNamara và lệnh cấm đánh qua Miên, Lào. Cuối tháng 4-1969 Đô đốc Sharp đăng báo công kích cựu Bộ trưởng McNamara không cho oanh tạc tiềm lực kinh tế BV mà chỉ cho ngăn chận xâm nhập khiến cho các cuộc oanh tạc hóa ra vô hiệu.
Chiến lược giới hạn không cho đánh qua miên, Lào là một khuyết điểm lớn, ông Cao Văn Viên (8) nói:
“Gần một phần tư thế kỷ …  CSVN  có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần – trong nội địa hay bên quốc gia lân cận – những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị quấy phá.”
Một mặt ông áp dụng chiến tranh hạn chế chậm như rùa trong khi phong trào phản chiến ngày càng nhanh như ngựa
Năm 1969 TT Johnson không tái tranh cử vì biết là sẽ không có ai bỏ phiếu cho mình, ông nhường cho Phó TT Humphrey. Ứng cử viên Nixon thuộc đảng Cộng Hòa thắng cử, GS Nguyễn Tiến Hưng và ông Trần Đông Phong có nhận định (trong tác phẩm) sở dĩ Nixon đắc cử là nhờ ông xúi dục TT Thiệu không tham dự (tẩy chay) họp hòa đàm Ba Lê hồi tháng 10 và 11-1968, trong phim The Vietnam War (2017) mới đây cũng có nói như vậy.
Nếu nói ông Thiệu khiến Nixon thắng cử chỉ là nói cho vui thôi. Cuộc tranh cử ngày 5-11-1968  Nixon (CH) được 301 phiếu Cử tri đoàn, phó TT Humphrey (DC) chỉ được 191 phiếu CTĐ. Người dân Mỹ không chấp nhận chủ trương của Humphrey, sẽ rút bỏ Đông Dương, cử tri không muốn Đông Dương hoặc miền Nam sụp đổ khi Hoa Kỳ rút bỏ mà họ muốn hòa bình trong danh dự nên đã bầu cho Nixon.
Người ta quá chán ngấy cuộc chiến sa lầy của Dân chủ, họ đã làm hai nhiệm kỳ, tính tới 1968 đã làm thiệt mạng 35,751 người lính Mỹ. Sự thiệt hai tăng dần năm 1965 có 1,863 lính Mỹ chết tại miền nam, từ 1965 tới 1968 có tất cả 35,751 người tử trận. Con số tử thương này đã khiến phong trào phản chiến càng lên cao hơn nên người ta bầu cho một đảng khác.
Cuối 1965 tỷ lệ số người ủng hộ chiến tranh VN khoảng 61% tới 1968 xuống còn khoảng 40%, tới 1971 còn khoảng dưới 30% (9). CS bị thảm bại Tết Mậu thân 1968, ta đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến, chống đối tại Mỹ lên cao, họ đòi chính phủ rút quân về nước. Sau trận Mậu Thân 1968 phong trào chống chiến tranh lên cao tột đỉnh mà không có gì ngăn cản nổi, người dân cương quyết đòi nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến
Tác giả George Donelson Moss (trong Vietnam, An American Ordeal) gọi cuộc chiến của Nixon là A War To End A War, một cuộc chiến để chấm dứt chiến tranh. Thời TT Nixon, biểu tình chống chiến tranh bạo động dữ hơn, có chết người (10).
Lê Duẩn phải đương đầu với một chính quyền cứng rắn, nhưng y vẫn thí quân điên cuồng, chấp nhận hy sinh 10 hay 16 thanh niên BV đổi một người lính Mỹ để đấy mạnh phong trào phản chiến, Duẩn tiếp tục đẩy thanh niên vào chỗ chết, lấy xương máu của thanh niên để đạt chiền thắng.
Sau 4 năm lãnh đạo cuộc chiến tranh chống CSBV ngày 7 tháng 11 năm 1972 Nixon thắng cử lớn nhất từ xưa đến nay: 96% phiếu Cử tri đoàn (520/17), thắng hết 49 tiểu bang, đối thủ McGovern (DC) chỉ được 17 phiếu tại một tiểu bang và DC, Nixon hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu. Người ta bầu cho ông vì đã đem quân về nước, thực hiện hòa bình trong danh dự, Đông Dương không sụp đổ trái với chủ trương bỏ chạy của Dân chủ.
Nixon thắng cử vì người dân nhớ ơn ông, người đã thực hiện hòa bình trong danh dự, đã đem quân về nước, cũng như đã hòa với Trung Cộng tháng 2-1972, với Nga tháng 5-1972. Thực ra phần thưởng này chỉ là cái bánh vẽ, quyền hành không có phải nghe theo đòi hỏi của Quốc hội Dân chủ, họ luôn nắm Quốc hội trong suốt thời kỳ có chiến tranh VN.
– 1960 Hạ viện Dân chủ 262 ghế (60%) Cộng hòa 175 ghế
– Thượng viện DC 64 (64%) , CH 36
– 1968 HV  DC 243 (64%)  CH 36
– TV DC 57  (57%) CH 43
– 1972 HV DC 242 (56%)  CH 192
– TV DC 57 (57%) CH 43
– 1974 HV DC 291 (57%) CH 144 (40%)
– TV DC 60 (60%) CH 38
Tháng 12 tại Paris, CSBV phá hòa đàm hy vọng Quốc hội mới sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh. Ngày 12-12 Lê Đức Thọ nói sẽ về Hà Nội, biết là hòa đàm vô vọng, Kissinger bèn (đánh điện) khuyên TT Nixon áp lực mạnh với BV vì họ ngoan cố. (11)
nixon_vietnam

Tổng thống Richard Nixon


Kissinger và Nixon tin là BV cố tình phá hòa đàm để hy vọng Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh. (12)

Kissnger biết là Thọ không muốn tiếp tục đàm phán phá hòa đàm chờ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh đầu năm 1973. TT Nixon gọi Kissinger về Mỹ ngày 13-12 và đánh một lá bài lớn, giải quyết bế tắc hòa đàm Paris bằng vũ lực. Nixon lo ngại Quốc hội có thể cắt ngân khoản quân sự, chấm dứt mọi xung đột và dành chiến thắng cho CS (13)
Nixon nghĩ chỉ còn cách oanh tạc BV rồi gọi Kissinger về, ông ta mở chiến dịch Linebacker II, oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng long trời lở đất cuối năm 1972 với 20,000 tấn bom, Nixon đã kéo BV lại bàn Hội nghị
Về điểm này nhiều tác giả cho biết Nixon lo ngại quyết định của Quốc hội sẽ khiến ông không thể cứu được đồng minh.
Tháng 1-1973, theo Mark Clodfelter (14) Quốc hội Mỹ phẫn nộ vì trận oanh tạc, nếu TT Thiệu bác bỏ ký kết Hiệp định thì việc cắt viện trợ bức tử VNCH chắc chắn là sẽ có (chứ không phải đe dọa).
Cuối cùng ông Thiệu không chống lại Hiệp định dù nó cho phép BV được đóng quân ở lại miền Nam và thuận ký kết Hiệp định ngày 27-1-1973 vì sợ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh chứ không phải ông sợ TT Nixon chặt đầu như người ta đồn. Khi Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh có nghĩa là Hành pháp phải tuân hành đem hết số quân còn lại (khoảng vài chục ngàn) về nước ngay, họ sẽ cắt hết mọi khoản viện trợ. Sự thực giữa hai cái chết, một cái chết ngay và một cái từ từ vài năm sau cũng chẳng khác nhau là mấy.
Nhiều người chỉ trích Kissinger ngu xuẩn ký Hiệp định cho phép BV còn đóng quân ở lại, sự thật thì Nixon còn chẳng có quyền huống hồ Kissinger. Cương vị Tổng thống ông luôn phải thỏa mãn yêu cầu của Quốc hội Dân chủ ở bàn Hội nghị, họ luôn đe dọa ra luật chấm dứt chiến tranh. Nhiều người xỉ vả Nixon-Kissinger làm mất miền Nam, họ cứ chửi cho sướng miệng mà không biết rằng Nixon phải tuân hành Quốc hội, Kissinger ba ngày phải báo cáo Tổng thống mọi việc đàm phán…
Miền Nam bỏ ngỏ
Sáu tháng sau khi ký Hiệp định Paris, Quốc hội Dân chủ ra luật cắt hết các ngân khoản dành cho Hành pháp để oanh tạc yểm trợ cho các nước Đông Dương. Khi họ ra luật cắt các khoản yểm trợ cho Đông Dương coi như số phận của giải đất này đã được quyết định rồi. Ông Cao Văn Viên đã nói trong cuốn Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh.
“Cuộc công kích của địch quân năm 1972 đã cho thấy nhược điểm của tiến trình Việt Nam hoá chiến tranh. Nếu không được sự yểm trợ của Mỹ về không lực và di động tính, QLVNCH khó có thể giữ được An Lộc, bảo vệ được Kontum và chiếm lại được Quảng Trị. Các phần đất này sẽ bị mất vĩnh viễn bởi vì chúng tôi không có đủ khả năng để chiếm lại. Tuy nhiên lúc nào còn không lực Mỹ thì cán cân lực lượng vẫn có thể được duy trì và VNCH vẫn còn có một cơ hội tốt để sống còn”.
Trong cuốn Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa (Bản dịch Nguyễn Kỳ Phong) trang 19 ông cũng nói như vậy:
“Cuộc tấn công của địch quân vào năm 1972 cho thấy sự yếu kém của kế hoạch Việt Nam hóa một cách thảm thương. Nếu không có sự yểm trợ về không lực và không vận của Hoa Kỳ quân đội ta khó giữ nổi An Lộc, chận đứng cuộc tấn công của Cộng quân vào Kontum, hay chiếm lại Quảng Trị. Sau cuộc tấn công năm 1972, những phần đất đã mất, chúng ta để mất luôn vì không còn khả năng đánh chiếm lại. Nói tóm lại, chúng ta giữ được cán cân quân sự đối với địch nếu có sự yểm trợ không lực của Hoa Kỳ. Và với không lực, VNCH có khả năng chống lại mọi cuộc tấn công của miến Bắc”.
Như chúng ta đều biết CSBV đã được cả Nga, Trung Cộng và CS Đông Âu viện trợ giúp đỡ trong khi Đông Dương chỉ có một mình Mỹ gánh vác với chia rẽ nội bộ trầm trọng, viện trợ quân sự thì khi có khi không.
Cuối tháng 6-1972, các vị dân cử đưa ra dự luật yêu cầu Tổng thống ký, Nixon phủ quyết (veto) nhưng các Thượng nghị sĩ, Dân biểu tức giận cho biết nếu ông Veto, họ sẽ cắt các khoản điều hành, chi tiêu của chính phủ nên Nixon miễn cưỡng ký thành Luật ngày 30-6, có hiệu lực từ 15-8-1973.
Tu chính án như sau:
“Từ nay không có ngân khoản nào được yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp cho các hoạt động quân sự cho quân đội Mỹ tại Miên, Lào hay Bắc Việt, Nam Việt hoặc ngoài khơi Miên, Lào, Bắc, Nam VN.và sau ngày 15-8 năm 1973, từ nay sẽ không có ngân khoản nào được xuất ngân cho mục đích này” (15).
TT Nixon nói luật đã khiến tôi không giữ được hòa bình nơi đây và cho phép các lãnh đạo BV tự do xâm chiếm miền Nam. Sau đó Quốc hội ra luật Wars Powers Act đòi hỏi Tổng thống có thể can thiệp trong 60 ngày mà không cần Quốc hội đồng ý và thêm 30 ngày nữa, sau đó ông phải đem quân về nước. Ngày 24-10-1973 Nixon phủ quyết đạo luật cho là vi hiến, nhưng ngày 7-11 Quốc hội đã phủ quyết veto của ông.
Sau khi ký Hiệp định khoảng một năm, Quốc hội Dân chủ Mỹ bắt đầu cắt giảm quân viện VNCH mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (16).
Từ tháng 6-1973 Quốc hội Dân Chủ ra luật hoặc quyết định cắt giảm xương tủy sự yểm trợ, giúp đỡ về quân sư cho Đông dương và VNCH, coi như họ đã mở cửa bỏ ngỏ miền Nam cho CSBV tự do tiến vào.
Quyết định cắt giảm Quốc hội đưa tới tình trạng thê thảm, theo tiết lộ của ông Cao Văn Viên (17) hậu quả là năm 1974 không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ.
Đạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 4 /1975, năm 1972 ta xử dụng trên 69 ngàn tấn đạn một tháng, từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975 ta chỉ còn xử dụng khoảng 19 ngàn tấn một tháng hoả lực giảm 70%. Tháng 2/1975 chỉ còn đủ đạn tất cả các loại súng cho 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh trong khoảng hai tuần (18).
Trong khi ấy theo Kissinger (19) Hà nội đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Tháng 12- 1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV gây hấn
Cuộc chiến VN là một cuộc chiến viện trợ tiếp liệu, hai bên đều tùy thuộc vào quân viện nước ngoài, bên nào nhiều tiếp liệu, vũ khí đạn dược thì bên đó thắng. Người ta cho là các Tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Phú và Ông Thiệu đã sai lầm để mất miền Trung. Sự thực với tình hình tiếp liệu đạn dược bị cắt giảm xương tủy, cái khó nó bó cái khôn cũng khó mà cứu vãn tình thế, ông Thiệu, các vị Tướng Trưởng, Tướng Phú chỉ là những giọt nước làm tràn ly.
Cuối tháng tư-1975, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn, Quân khu III VNCH tổ chức phòng thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính đồng thời bảo vệ các căn cứ quan trọng tại Biên Hoà, Củ chi, Lai Khê, Long Bình. (20)
Phía Tây Bắc là Tuyến Củ Chi với Sư đoàn 25 BB và hai Liên đoàn 8, 9 Biệt động quân. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc với Sư đoàn 5 BB. Tuyến Biên Hoà phía Đông Bắc với Sư đoàn 18 BB và lực lượng Xung kích Quân đoàn III. Tuyến Vũng tầu và Quốc lộ 15 do Lữ đoàn 1 Dù cùng với một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 BB và các đơn vị Thiết giáp, Địa phương quân, Nghĩa quân của Tiểu khu Phước Tuy phụ trách. Tuyến Long An phía Nam ngoài lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân cơ hữu còn có Sư đoàn 22 BB phụ trách cộng với sự tăng cường của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 BB, Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 BB và Liên đoàn 6 BĐQ.
Năm tuyến phòng thủ chính của VNCH cũng trùng với 5 hướng tấn công của năm Quân đoàn CSBV
Tác giả Nguyễn Đức Phương (Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập) đã nói:
“Về tương quan lực lượng giữa hai bên thì QLVNCH chỉ có 6 sư đoàn để bảo vệ thủ đô chống lại một lực lượng đông đảo với quân số gần 20 sư đoàn CSBV. Ba sư đoàn 7, 9 và 21 BB thuộc quân đoàn IV QLVNCH không thể dùng để tiếp ứng do điều kiện an ninh lãnh thổ của vùng đồng bằng sông Cửu Long”
BV có đầy đủ tiếp liệu đạn dược trong khi miền Nam đã kiệt quệ về đạn dược nhất là lính pháo binh phải đếm từng viên đạn. Sau khi đoàn quân di tản từ miền Trung kéo vào Nam, Bộ Tổng tham mưu đã mở kho vét hết súng đạn để tái trang bị. Ông Cao Văn Viên cho biết (Những Ngày Cuối VNCH trang 92) đạn dược chỉ đủ xử dụng trong khoảng hai tuần lễ. Lực lượng hai bên trên thực tế quá chênh lệch, ưu thế nghiêng hẳn về phía Cộng quân.
Khi hai ông Thiệu và Khiêm ra đi hôm 24-4-1975, quân dân hoàn toàn thất vọng, mấy hôm sau, Tổng Thống Trần Văn Hương hiệu triệu đồng bào về tình hình vô cùng bi đát của đất nước, ông đã khóc lóc trên đài phát thanh:
“Nay Vùng I và II miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng 4 có nhiếu sứt mẻ, tôi đã nghĩ tới cái viễn ảnh Sài gòn trở thành núi xương sông máu, hôm qua tôi có gặp anh Dương Văn Minh, tôi có nói với anh như zầy: Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng anh phải có cái giải pháp gì đem lại hòa bình cho đât nước, chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm cái gì?
Ngày 28-4 khi Dương Văn Minh đang làm lễ bàn giao thì đài BBC đã nói.
“Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử giữ chức vụ Quyền Tổng thống do ông Trần Văn Hương trao lại để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng
Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
“Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới”
Thực ra Saigon gần như bỏ ngỏ, tại Ban Mê Thuột Cộng quân không đánh theo lối bóc vỏ, chúng đánh thẳng vào thị xã rồi mới chiếm các quận xung quanh. Trái lại, tại Sài Gòn địch lại đánh theo lối bóc vỏ, khi 5 tuyến phòng thủ quanh Thủ đô sụp đổ thì Sai Gòn gần như bỏ ngỏ, các đơn vị VNCH chiến đấu anh dũng nhưng cũng không cứu vãn nổi tình thế.
Khi ông Dương Văn Minh vào Dinh Độc Lập ngày 28, sáng hôm sau quân thù đã tới Hàng Xanh và ngã tư Bẩy Hiền
Saigon thất thủ 30-4-75
Có năm vị Tướng Lãnh Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn tự sát, nhiều vị Sĩ quan và những người Lính vô danh cũng chết theo đất nước, những vị này xem ra không nhiều lắm nhưng cũng giữ được danh dự cho Quân đội VNCH.
saigon_thathu

Sàigòn di tản trên nóc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ 1975


Ngày 30-4-1945, Bá Linh thất thủ, Hitler tự sát, đô đốc Doenitz thay mặt nước Đức đầu hàng đồng minh. Ba mươi năm sau Dương Văn Minh cũng thay mặt miền Nam Việt Nam đầu hàng Cộng Sản. Cũng có người trách các ông Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh không tự sát khi đất nước lọt đã vào tay kẻ địch.
Lê Duẩn đã hy sinh hàng triệu thanh niên để đẩy mạnh phong trào chống đối, chiến dịch thí quân của y đã thành công lớn, phong trào phản chiến lên cao để rồi sau 1972 Mỹ phải rút bỏ Đông Dương, địch bất chiến tự nhiên thành.
phanchien_my

Nhóm sinh viên Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam


Nếu không nhờ phong trào phản chiến dù Lê Duẩn có đẩy thêm hàng triệu thanh niên vào tử địa cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích.
Phản chiến đã cứu sống hàng triệu thanh niên miền Bắc.
Kể từ ngày Cộng quân đánh chiếm quận Đức Lập ngày 9-3-1975 và Ban Mê Thuột ngày 10-3 để mở đầu cho cuộc Tổng tấn công cho tới ngày 30-4-1975, ngày kết thúc chỉ vỏn vẹn có năm mươi mấy ngày.
Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội nửa đêm 19-12-1946 là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đến trưa ngày 30-4-1975 là ngày kết thúc tính ra đã được ba mươi năm.
Ba mươi năm máu chảy thịt rơi, mấy chục năm tang thương đau khổ.
Những kẻ đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu sẽ phải đời đời đắc tội với Non sông và Lịch sử.

Trọng Đạt (CH3)

Ghi chú:
(1) Tôi đã viết trong bài Những Sai Lầm Của Lyndon Johnson Trong Chiến Tranh Việt Nam, đã phổ biến trên truyền thông
(2) Quân sử 4, Bộ TTM VNCH 1972 , trang 160
(3) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 230
(4) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 313
(5) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang trang 462
(6) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 169
(7) Richard Nixon: No More Vietnam trang 88
(8) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối của VNCH trang 282
(9) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(10) Richard Nixon :No More Vietnams trang 126
(11) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 182
(12) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 180
(13) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 366
(14) The Limits of Air Power trang 200, 201
(15) Richard Nixon: No more Vietnams  trang 179, 180, 181
(16) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
(17) Những Ngày Cuối Của VNCH trang 86, 87
(18) Sách đã dẫn trên trang 92
(19) Years of Renewal trang 481
(20) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 798-811

Tháng tư, bức tường đá đen *

Hoài Ziang Duy

Tôi đứng nhìn em

Người thiếu phụ đứng ở bức tường đá đen

Có chồng chết ở chiến trường Việt nam

Mấy chục năm qua như lời em kể

Mỗi năm tháng tư

Hoa đào mở hội

Trên mặt phẳng đá đen cuộc đời trơ trụi

Năm mươi bảy ngàn chiến binh, quan, quân ghi dấu

Thấy lại tên chồng

Hồi ức chuyện năm xưa

Mấy mươi năm qua, lịch sử nhục vinh còn đó

Tên kề tên không phân biệt chức danh

Khi chết đi thân người nằm xuống

Cũng cầm bằng

Một nghĩa như nhau

 

Em trở về, tôi tháng tư đen

Tìm lại tên ai trên bức tường hồi ức

Tôi bâng khuâng lòng đêm canh thức

Xương máu đồng bào

Đồng đội tôi

Người lính vô danh

 

Đâu có bức tường nào ghi đủ chiến cuộc Việt Nam

Cả triệu người nhà tan phận nát

Sau chiến tranh, chiến binh người lưu lạc

Có còn đâu tổ quốc quay về

Dẫu hôm nay, cho cùng màu da mẫu hệ

Thấy sống còn

Đâu có nghĩa như nhau

 

Hỡi cô gái ở bức tường đá đen

Em dò lấy tên người thân quá cố

Có thấy tôi, mang tên người chết trước

Sử xanh kia sao buông bỏ nửa chừng

 

Không biết em nghĩ gì ở tháng tư

Tôi đứng đây vịn cành đào trĩu nặng

Bức tường đen, đứng ngoài xa thầm lặng

Vẫn thấy gần nước mất với khăn tang.

 

*( Bức tường tưởng niệm chiến tranh VN tại Washington D.C.)

Hoài Ziang Duy

(trích trong thi tập “ĐỨNG TỰA BÊN ĐỜI”, xuất bản tháng 4-2019)

Vài Khía Cạnh Pháp Luật Trong Truyện Kiều

LS. Ngô Tằng Giao

NÀNG THÚY KIỀU ĐÓNG VAI BỊ CÁO

Trước hết phải kể đến vụ xử án khá đặc biệt mà nàng Thúy Kiều phải đóng vai bị cáo. Trong vụ án này là lúc chàng Thúc Sinh rước Thúy Kiều về làm vợ được nửa năm trời thì ông thân sinh ra chàng bấy lâu vắng nhà, vừa về. Ông cụ nổi giận bắt hai người phải xa nhau. Thúc Sinh không tuân lệnh “Ôm cầm ai nỡ rứt dây cho đành”. Thúc Ông đành phải nhờ đến “ba tòa quan lớn” xét xử hộ.
Quan tòa cho trát về đòi Thúc Sinh và Kiều lên công đường. Hai người vào hầu tòa và ngước nhìn thấy quan tòa “Trông lên mặt sắt đen sì”. Chàng và nàng là bị cáo. Tòa cho rằng hai người không thể yên ổn lấy nhau được vì chàng Thúc Sinh đã có bà “vợ cả” rồi và bên nguyên đơn là Thúc Ông lại không ưng cho chàng lấy Kiều:

“Suy trong tình trạng bên nguyên
Bề nào thì cũng chưa yên bề nào”

Quan Phủ cứ chiếu vào pháp luật mà xử rằng Kiều phải chọn một trong hai cách xử đoán: hoặc là chịu hình phạt hoặc là bị trả về lầu xanh “Phép công chiếu án luận vào”:

“Một là: cứ pháp gia hình
Hai là lại cứ lầu xanh phó về”

Nàng Thúy Kiều đã quyết một bề lấy chồng, dù phải chịu tội trước công đường chứ không muốn trở lại chốn lầu xanh. Thế là nàng bị đem ra làm tội. Bị đánh đòn tơi bời, cắn răng chịu vậy “Đào hoen quyện má, liễu tan tác mày”. Thúc Sinh trông thấy cảnh này, xót xa, vừa khóc vừa khẽ than thầm là “oan khốc vì ta”, tự nhận lấy trách nhiệm làm Kiều phải tội. Quan Phủ nghe lời than nên động lòng hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện của Kiều. Nhờ đó mà Thúc Sinh có cơ hội kể hết tự sự đầu đuôi cho quan Phủ nghe. Chàng còn nhân dịp này khoe thêm tài năng của Kiều, thổ lộ là Kiều cũng có biết làm văn, làm thơ nên xin quan xét thương cho. Thời đó đàn bà như vậy là chuyện hiếm có.
Quan ra đầu đề thơ và Kiều lập tức vâng lời tay cầm bút đề thơ. Quan khen thơ rất hay. Lại khen hai người tốt đôi vừa lứa. Quan khuyên Thúc Ông không nên rẽ duyên đôi lứa Thúc Sinh và Kiều. Quan xử theo tình cảm chứ không theo pháp lý:

“Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý, song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong”

Sau đó quan truyền sắm sửa làm lễ thành hôn chính thức cho Thúc Sinh và Thúy Kiều lấy nhau. Như vậy Kiều được “tha bổng”. Thúc Sinh ngẫu nhiên đóng vai một “thầy kiện” giỏi mồm mép và khéo léo biện hộ cho Kiều. Thúc Ông thua kiện nhưng “Thúc Ông thôi cũng giẹp lời phong ba”. Thế là êm đẹp cả đôi bên. Quan xét xử vụ kiện này thật là lạ, nhưng thời xưa ông quan là phụ mẫu của dân, thay mặt Vua, nên quyền hành rất rộng.

NÀNG THÚY KIỀU ĐÓNG VAI QUAN TÒA

– Thêm một vụ án nữa là kể từ khi nàng Thúy Kiều về làm vợ của tướng Từ Hải thời mỗi ngày vợ chồng lại càng yêu nhau thêm. “Trong quân có lúc vui vầy” nàng Kiều “Thong dong mới kể sự ngày hàn vi”. Từ Hải nghe chuyện cũ trong cuộc đời gian truân của vợ thì nổi giận đùng đùng như sấm như xét liền ra lệnh nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng để đi tóm cổ những kẻ đã lừa đảo hãm hại đời nàng Kiều trước kia và lôi về trừng phạt. Cả đám những kẻ đã từng hại Kiều thời gian trước dù ở xa xôi khắp nơi cũng vẫn bị quân lính của Từ hải ầm ầm tìm tới tận nơi bắt về “Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào” và chờ bị xử tội. Tướng Từ Hải để toàn quyền cho nàng Thúy Kiều đóng vai ngồi làm “quan tòa” xét xử:

“Từ rằng: ‘Ân, oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”

Nàng Kiều lên tiếng nhắc đến lý công bằng và nguyên nhân tội ác của bọn tội phạm rồi phán nếu các ngươi không làm hại ai thì khi nào lại bị trình diện ở đây mà lãnh hình phạt. Danh sách các bị can khá xôm tụ:

“Trước là Bạc Hạnh, Bạc Hà
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh,
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh”

Tuy rằng việc xử đoán do nàng Kiều chủ tọa song mọi mệnh lệnh đều do Từ Hải theo ý Kiều mà truyền ra cho nên khi Kiều phán là các bị can này có tội thời lập tức đội quân đao phủ tâm phúc của chủ tướng Từ Hải ra tay thi hành án ngay. Tất cả nhóm bị can này đều bị chém đầu:

“Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình,
Máu rơi thịt nát tan tành”

Nàng Thúy Kiều đóng vai… quan tòa trong vụ xử án này thật quả là không danh chính ngôn thuận và trái với nguyên tắc tố tụng. Thường thì trước “vành móng ngựa” thoạt tiên một bên là phía công tố phải đưa ra bằng chứng rồi lên tiếng buộc tội. Kế đó, ngược lại, bên bị can có quyền lên tiếng biện bạch về tội trạng của mình hay nhờ một ông “thầy kiện” cãi giùm. Quan tòa ngồi giữa nghe lập luận của đôi bên xem phải trái đúng sai ra sao rồi mới xét xử và tuyên án.
Đằng này nàng Thúy Kiều vừa đóng vai công tố, tố cáo, buộc tội người ta rồi lại tự mình đóng vai quan tòa xét xử, tuyên án. Khác gì lời bà con ta thường chê một kẻ vừa tham gia trong trò chơi thể thao lại vừa đóng vai trọng tài “vừa đá banh vừa thổi còi”! Còn đâu sự vô tư nữa?
Như vậy phải gọi vụ xử án này chỉ là một cuộc báo thù mà thôi. Đúng như lời Kiều nói với mụ quản gia nhà Hoạn Thư và sư trưởng Giác Duyên rằng xin hãy dốn ngồi: “Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!” Đã gọi là trả hận như “Việc nàng báo phục vừa rồi,” thì luật pháp chỉ còn đóng vai trò phụ thuộc. Án tuyên ra hầu như để thoả mãn tình cảm cá nhân riêng tư… và trả mối hận thù.

HOẠN THƯ VÀ QUYỀN BÀO CHỮA

Mặt khác riêng trường hợp Hoạn Thư được lên tiếng giãi bày tâm can kể lể chuyện xưa tích cũ để tự bênh vực cho mình. Chính danh thủ phạm còn được quyền bào chữa cho mình thì tại sao trong vụ xử án này cả đám bị can còn lại chẳng ai được phân trần câu nào, không được lên tiếng cãi một tiếng nào và đều bị hình phạt… tử hình mà không phân biệt tình tiết nặng nhẹ khác nhau.
Trong đám bị cáo đó thấy có hai tên Ưng và Khuyển không đáng tội chết. Ưng và Khuyển là đầy tớ nhà Hoạn Thư và tất nhiên chỉ hành động theo mệnh lệnh sai bảo của chủ nhân chúng mà thôi, như Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy. Chủ mưu việc bắt cóc Kiều là Hoạn Thư và bà mẹ Hoạn Thư. Vậy mà trong khi chính danh thủ phạm là Hoạn Thư được tha bổng thời hai tên tay sai đồng lõa lại bị tử hình.
Trong tác phẩm truyện Kiều cũng đã tạo ra một nhân vật có tài bào chữa ngang tài cãi cọ của một trạng sư lành nghề, đó là nàng Hoạn Thư. Câu chuyện như sau: Nàng Thúy Kiều kể chuyện hồi trước mình bị một số người lừa đảo và hãm hại rất khổ sở. Từ Hải liền ra lệnh cho quân lính dưới trướng đi bắt những kẻ này về để xử tội. Trong đó có “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Dù sao thì Hoạn Thư cũng chỉ là một người vợ cả bị anh chồng Thúc Sinh lừa dối và giấu quanh nên phẫn uất mà đánh ghen với Kiều là vợ lẽ mà thôi chứ bản tâm nàng không muốn thế. Bị cáo Hoạn Thư khấu đầu trước mặt Kiều lúc đó là… quan tòa và lên tiếng tự biện hộ cho mình:

“Rằng: ‘Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình’ ”

Rồi Hoạn Thư lẻo mép kể lể những việc mình đối xử trước kia với Kiều không đến nỗi xấu xa tệ hại quá mức. Nào là khi bắt gặp quả tang Thúc Sinh đang tình tự với Kiều ở Quan Âm Các mà nàng không hề nói năng giận dữ gì trái lại nàng đã ngợi khen Kiều hết lời. Nào là sau khi Kiều trốn khỏi Quan Âm Các nàng cố ý bỏ qua chuyện đó không cho người đuổi theo bắt bớ. Nàng muốn chứng tỏ rằng ngoài việc chồng chung ra nàng không thù ghét gì Kiều:

“Lòng riêng riêng những kính yêu;
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai
Trót lòng, gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

Trong lời kêu ca Hoạn Thư không hề nhận là có tội. Nàng đã tự bào chữa và viện cớ để chứng minh rằng nàng vẫn kính yêu Kiều. Thật là đủ cả tình cả lý! Nói năng lễ độ mà đanh thép! Thúy Kiều bèn phán: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” và tuyên án tha bổng cho bà vợ cả này:

“Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”

Xét kỹ ra thì bị cáo Hoạn Thư này mới chính là thủ phạm đầu xỏ đã “đạo diễn” ra bao màn kịch phạm pháp và ra lệnh cho những người dưới quyền mình theo đó mà thi hành. Trong khi các bị cáo khác không được “quan tòa” Kiều cho phép tự lên tiếng “thanh minh thanh nga” bào chữa cho tội trạng của mình để rồi bị “Máu rơi thịt nát tan tành”.

THÚY KIỀU ĐỆ TỬ LƯU LINH

Nói chuyện rượu cũng không nên quên mà không nhắc tới một nhân vật nữ nổi tiếng trong văn học đó chính là nàng Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du. Nàng còn trong tuổi “vị thành niên” tức là nàng mới chỉ gần 15 tuổi :

“Xuân xanh sấp sỉ tới tuần cập kê”

Thế mà “ngày vừa sinh nhật ngoại gia” tức là vừa gặp ngày bên họ ngoại ở xa có tiệc mừng sinh nhật, cha mẹ và hai em đều sắm sửa một chút lễ vật để cùng lên đường đem dâng biếu, chỉ riêng nàng ở nhà. Trong cảnh “nhà lan thanh vắng một mình” và buồn tình nên nàng đã lén qua nhà hàng xóm tìm anh Kim Trọng để trút bầu tâm sự. Hai anh chị cùng uống rượu nhậu nhẹt với nhau đã say say:
“Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.”

Và cảm thấy thời giờ đi mau quá, tưởng như ngày ngắn không đầy gang tay “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang” Muốn kéo dài mãi thời gian để trò chuyện với nhau. Trông ra “Ác đã ngậm gương non đoài”, mặt trời lặn rồi, sắp tối rồi đấy. Kiều vội nói: “Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai” và từ biệt Kim Trọng để quay về. (Gớm! Nàng ngồi lì nhậu nhẹt cả ngày còn vẽ vời mà nói là không tiện ngồi dai, ngồi lâu. Cái nàng Kiều này thật là vớ vẩn!).
Quay về nhà thấy cha mẹ và hai em đi chưa về: “Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về” thế là nàng lại vội vàng quay lại, “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (with a quick step, she rushed out and crossed the garden) mò qua nhà chàng. Khuya rồi đấy nhé! Thật là táo tợn quá! Anh chị cùng nhau thề thốt ghi trên giấy. Kiều lấy dao cắt một món tóc để thề. Rồi hai anh chị lại nhậu tiếp:

“Chén hà sánh giọng quỳnh tương.”

Vừa mới uống rượu say tàng tàng với nhau ban chiều, đêm lại uống rượu nữa. Sự đó đối với chàng Kim Trọng đa tình có lẽ không chi lạ, nhưng đối với nàng Thúy Kiều thì cái vụ chè rượu của nàng khiến chúng ta thấy dễ nể! Hai anh chị thức thâu đêm suốt sáng truyện trò nhậu nhẹt. Các cụ cao niên mô phạm mắng cho là… đồ gái hư! Hư thật đấy! Vừa hư vừa… vi phạm pháp luật vì chưa tới tuổi được phép uống rượu (under age)! Trong những giai đoạn về sau này trong cuộc đời nàng Thúy Kiều đã không còn là… vị thành niên nữa thì OK! Nàng có quyền lai rai ba sợi. Kiều lúc ở lầu xanh uống rượu với khách. Khi say sưa thì không nghĩ ngợi gì. Nhưng khi tỉnh rượu và khi tàn canh, trời sáng, khách ra về thì nàng lại giật mình trơ trọi nên nghĩ ngợi, sợ hãi và thương xót cho thân mình:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”

Khi thì Kiều uống rượu với Thúc Sinh, cùng nhau vui miệng uống nhiều rượu mà không say, tưởng như là rượu tiên, chàng và nàng vừa đối ẩm chuốc rượu mời nhau nhậu nhẹt vừa ngâm thơ nối liền câu thơ với nhau theo phong cách chơi thơ của thi nhân thời xưa:

“Khi gió mát, khi trăng thanh
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.”

Khi bị Thúc ông cản trở hôn nhân và đưa hai anh chị ra tòa nhưng được tòa không những tha bổng mà còn kết hợp cho lấy nhau, hai anh chị xum họp vui vẻ trong cảnh phong lưu nhàn nhã lại có màn nhậu rượu, nhậu từ sáng sớm mới đáng nể chứ, đến tận trưa mới chuyển qua uống trà:

“Mảng vui rượu sớm trà trưa
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.”

Sau một năm chung chạ với Thúc Sinh, nàng “vợ lẽ” Thúy Kiều tỏ ra cũng biết điều hay lẽ phải nên tỉ tê khuyên chàng nên quay về nhà thăm bà “vợ cả” cho phải phép. Thế là lại có màn uống rượu tiễn nhau lên đường:

…“Tiễn đưa một chén quan hà”…
…“Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời”…
…“Chén đưa nhớ bữa hôm nay”…

Gần cuối truyện, nàng Kiều gặp lại chàng Kim Trọng. Khi mới gặp nhau Kiều và Kim Trọng đã có lần uống rượu với nhau suốt ngày suốt đêm. Lần này tái ngộ hai người lại một đêm bầy trò nhậu nhẹt với nhau. Hai anh chị thức rất khuya, nến đã gần cháy hết và hương trong bình đã tàn. Phải nối thêm nến và thắp thêm hương vào bình hương:

“Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

Cuộc rượu lại được dịp kéo dài! Thúy Kiều quả thật đáng được liệt vào hàng… cao thủ, đệ tử ruột của Lưu Linh. Nàng không thua kém một đấng mày râu nào khác!

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(Trích: “Chuyện Phiếm Pháp Luật”)