Xuân Xa Lạ

Thơ Trần Quốc Bảo

Tôi đi lang thang

Trên đường phố lạ

Ở đây xuân về

Tuyết rơi trắng xóa

Đất trời che mặt ngủ yên

Nét chì xám hai hàng cây trụi lá

Vẽ đường vào công viên

Những hạt mưa bụi và những giọt sương

Đọng trên giây điện

Lấp lánh đèn vàng như xâu chuỗi kim cương

Miệng cống bốc hơi

Mái nhà quyện khói

Hàng xe phủ tuyết nằm bên đường

Riêng có con chim cardinal đỏ chói

Đậu trên vai tượng đá

Chia lạnh xẻ buồn với kẻ tha hương

Gió hun hút từng cơn buốt giá

Đem xuân đi khắp nẻo đường

Trải rét mướt trên mặt hồ đông đá

Ẩn mơ hồ trong tơ khói vấn vương

Xuân về đây – không hoa không lá

Vạn vật thờ ơ

Xuân xa lạ

Khách phong sương chợt thấy dạ bồi hồi

Xuân ơi !  xuân

Từ lâu đã mất xuân rồi

Bao giờ xuân thắm quê tôi trở về?

Trần Quốc Bảo

Kinh Tế Việt Nam 2018 và Căn Nguyên Trở Lực Tồn Tại

Nguyễn Bá Lộc

Dự án Tuyến Đường Sắt Cao Tốc Cát Linh – Hà Đông

Theo tin tức từ cơ quan chánh thức của VN thì năm 2018 kinh tế VN phát triển tốt hơn năm rồi. Thậm chí tốt hơn Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn phiến diện hay không thật đúng từ phía chánh quyền, và thường là thế.  Dù có tiến bộ, nhưng nếu đi sâu vào thực chất và thực tế, kinh tế VN chưa bước qua được  giai đoạn hứa hẹn là sẽ đạt được sự bền vững, và có đủ sức tự lực vươn ra thế giới cách bình thường, có thể cải tiến thực sự mức sống của đa số người nghèo khó.

Cho tới nay, sau 40 năm đổi mới, những trở lực lớn có căn nguyên sâu xa vẫn tồn tại. Những trở ngại nầy là những bức tường ngăn cản, là phong ba tàn phá những cố gắng của toàn dân hầu xây dựng một Việt Nam khá hơn về nhiều phương diện.

I. TÓM LƯỢC KINH TẾ VN NĂM 2018

Toàn cảnh nền kinh tế VN 2018:

Chánh quyền đưa ra những con số mà họ cho rằng kinh tế có tiến bộ. Cứ tạm nhận các thống kê đó. Song, bên cạnh cái tổng quát đó, có những tiêu cực kèm theo trong mọi lãnh vực kinh tế.

Tỷ suất phát triển đạt 7.08%, cao nhứt trong 10 năm qua. Năm 2017 là 6.8%. Nhưng theo World Bank thì tỷ lệ nầy vào khoảng 6.7%.

Nếu thực sự có đạt mức nầy thì kinh tế VN là khá hơn các nước Đông nam Á, kể cả Trung Quốc. Năm rồi TQ bị nhiều khó khăn hơn, theo ước lượng của các chuyên gia quốc tế, chỉ đạt 6.5%.

Vì kinh tế nội thuộc rất tệ hại, VN chỉ còn con đường duy nhứt là đẩy mạnh kinh tế đối ngoại. Đó là đầu tư ngoại quốc và xuất cảng, hai lãnh vực VN có nhiều lợi thế nhứt làm tăng trưởng kinh tế chung.

Đầu tư ngoại quốc (FDI) tăng khá hơn, trên doanh số $35.5 tỷ mk, tăng 12% so với năm qua. FDI chiếm hơn 30% tổng số đầu tư.  Mặt khác, năm qua, TQ gia tăng đầu tư ở VN trong mục tiêu xâm chiếm kinh tế, tiến hành dự án Belt & Road, và né tránh chiến tranh mậu dịch với Hoa kỳ.

Theo các nhà nghiên cứu, cho tới nay thì nhân công rẻ vẫn còn là yếu tố thu hút mạnh nhứt FDI (giá nhân công VN nay bằng 50% TQ, và 40% Thái Lan). Tuy nhiên năng xuất công nhân VN hãy còn quá thấp, nhứt là trong lãnh vực công nghệ cao.

Xuất nhập cảng: Xuất cảng tăng 16% so với 2017. Hàng xuất cảng từ các công ty ngoại quốc chiếm khoảng 25% GDP, tỷ lệ rất cao so với nhiều nước ở Á châu.

Các hàng hóa xuất cảng chánh yếu là:  Linh kiện điện tử , quần áo may mặc, giầy dép. Hai thị trường lớn của xuất cảng VN là US (tăng 12.5%) và TQ đều tăng (7%). Trong đó cá basa qua Mỹ, dù tăng, nhưng nay sẽ gặp khó khăn hơn vì US có đạo luật mới chuyển sự kiểm soát cá từ FDA qua cho Bộ Canh nông.

Nhập cảng cũng tăng. Do đó nhập siêu vẫn tăng tại một số thị trường quan trọng như Hoa kỳ. Mặc dù nhập siêu với TQ có giảm, hàng TQ vào VN chiếm vị trí thứ nhứt, với đủ thứ, chưa kể hàng lậu từ biên giới ước lượng 20 tỷ mk / năm.

Nông nghiệp không có tiến bộ lạc quan. Giá cả nông sản vẫn không ổn định. Vùng đồng bằng sông Cửu long gặp khó khăn vì các đập thủy điện bên Lào do TQ xây cất. Và bảo lụt lớn ở miền Trung. Hàng lậu hàng giả TQ tràn qua.

Về hạ tầng cơ sở vẫn còn nghịch lý to lớn là chánh quyền với những dự án rất lớn hàng tỷ mỹ kim xây các đường cao tốc, trong lúc đó ngay tại Saigon và Hà nội rất nhiều con đường bị bể bị nghẻn bị nước ngập tại các khu nghèo, hàng chục năm rồi vẫn thế.

Một nghịch lý khác về đầu tư phát triển gia cư. VN có nhiều khu gia cư cao tầng, khu nghỉ dưỡng sang trọng cho người giàu có bất thường, và người Tàu mới di cư tới. Trong khi đó có rất nhiều nhà ổ chuột ở thành phố của công nhân, và nhà lá rách nát của nông dân, đáng lý phải có chương trình gia cư xây nhà rẻ bán góp cho cho những người dân nghèo khỗ nầy.

Dầu khí sản xuất bị giảm, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngoại tệ. Các công ty quốc tế khai thác dầu lo ngại về sự căng thẳng thêm ở biển đông.

Tổng quát chỉ số giá cả tăng 3.6% so với năm trước (theo báo Nhân Dân Online). Chánh yếu do tăng giá xăng .

Mặt khác, chỉ số tiêu thụ của giới có lợi tức trung bình tăng. Điều nầy làm cho một số nước có xuất cảng mạnh có hy vọng hơn về thị trường VN, như Hoa kỳ , Âu châu , Nhựt, Đại hàn, Trung quốc. Các món hàng có triển vọng nhập cảng tăng như hàng tiêu xài cao cấp, thuốc men, máy móc, xe hơi (gia tăng 27% năm qua) và cả sản phẩm quốc phòng.

Tài chánh/ngân hàng: Nợ công rất cao, không giải quyết nổi. Tỷ lệ nợ công thực tế lên tới 210%/GDP. Vì khu vực quốc doanh vẫn lỗ nặng . Chánh phủ vay thêm nợ mới phần lớn chỉ để trả nợ cũ. Do đó nợ xấu rất cao 15 % tổng số tín dụng, (theo Lowy Institute), các nước Á châu chỉ vào khoảng 3-5%.  75% nợ xấu là thuộc quốc doanh.

Tính đến cuối quí ba năm2018 có 13 ngân hàng trong 17 ngân hàng lớn báo cáo là có nợ xấu gia tăng. Ngân hàng quốc doanh lớn là VietinBank có nợ xấu tăng 34.5% so với năm trước. Ngân hàng quân đội có nợ xấu tăng 45%. (Theo VN Express)

Về hội nhập toàn cầu:  Trở lực quan trọng là VN chưa được Hoa kỳ và một số nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Khi chưa là nền kinh tế thị trường thì các nước nầy có thể đánh thuế phá giá hay hạn chế nhập cảng mặc dầu VN là thành viên WTO.

Hoa kỳ rút ra khỏi TPP và chưa tái gia nhập. Năm qua, Hiệp định TPP với 11 nước có tên CPTPP và VN đã chánh thức là thành viên.

Về Hiệp định Mậu dịch tự do VN – Âu châu (EVFTA) chỉ xong ở giai đoạn một hồi tháng 10/2018. Nhưng  phải qua quyết định chung cuộc vào đầu năm 2019.

(Chi tiết về mậu dịch quốc tế của VN sẽ được trình bày ở phần dưới bài nầy.)

Nói tóm lại, tình hình kinh tế VN 2018 có một số tiến triển. Nhưng bên cạnh đó còn quá nhiều khó khăn như nói ở trên.

Và nếu đi sâu vào thực trạng kinh tế chánh trị, tương lai nền kinh tế vẫn bị vướn kẹt những trở lực nghiêm trọng có căn nguyên rất sâu xa, được tóm tắt dưới đây.

II.TRỞ LỰC KINH TẾ SÂU XA TỒN TẠI

1. Trở lực do bản thể chế độ và cơ cấu kinh tế

Vì là chế độ độc tài, không dân chủ tự do về chánh trị, nên khi có chuyển đổi qua phần nào kinh tế thị trường, nền kinh tế chung vẫn đi cách khập khểnh và nhiều mâu thuẩn .

Mô hình “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, trên thực tế là một mô hình lưỡng thể. Nó vừa là sự hòa hợp vừa tương tác, vừa thuận lợi vừa đối nghịch.

Các năm qua, chánh quyền chỉ cởi trói các lãnh vực nhỏ, và tới nay chánh quyền vẫn nắm chặt các bộ phận cốt lõi và quan trọng. Đường hướng đó vừa có tánh tản quyền vừa tập quyển.  Vì thế có nhiều áp bức, nhiều va chạm, vừa siết vừa buông.

Trong một guồng máy công quyền như vậy, hầu hết cán bộ viên chức, ngày này qua ngày nọ, đầu óc luôn chỉ suy nghĩ, tính toán kiếm tiền vừa trả “hụi chết”, vừa tạo cuộc sống thật giàu có cho gia đình. Những suy tư cho công ích cho tiến bộ đất nước chỉ là phụ. Đó là một trong các trở ngại của bộ máy nhà nước .

Các trở lực đó kéo dài vì bản thể chánh trị không thay đổi nên các hình thái kinh tế vĩ mô không thay đổi.

Triết lý và nguyên tắc căn bản của hành chánh công, mà chánh quyền CSVN đã thể hiện với  nhiều sai lạc, qua các công đoạn của một tiến trình quản lý hành chánh công:

Về xác định đúng nhu cầu đất nước: Mục tiêu sau cùng của VN là Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) như CSVN từng tuyên bố ‘Mục đích sau cùng là XHCN”, nên vẫn phải giữ “quốc doanh là chủ đạo” . Ngay bước đầu tiên là một bức tường chắn rồi. Như vậy rất khó có nền kinh tế thị trường thực sự. Hiện nay, chánh yếu phải dựa vào kinh tế đối ngoại, tức là dựa vào kinh tế các nước tự do dân chủ, đó là cái sân chơi quốc tế. Nên mâu thuẩn và cản trở đương nhiên phải có. Mặt khác, sự lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế TQ cũng là một sai lầm và nguy hiểm cho sự phát triển bền vững và tự chủ.

Về xác định và chọn lựa mục tiêu ưu tiên: VN tiến hành gần như trái ngược. Có những mục tiêu không ưu tiên thì làm trước. Công việc làm và sửa chửa đường và cống rảnh bị bể nát , bị ngập nước trong thành phố đáng lẽ phải là ưu tiên hơn làm dự án rất tốn kém như dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên với chi phí trên 2 tỷ mỹ kim. Dự án cao tốc Cát Linh – Hà Đông tốn gần một tỷ mỹ kim. Cả hai dự án sau 4-5 năm nay vẫn chưa xong.

Sài Gòn chưa mưa đã lụt….

Về quyền chuẩn phê dự án:  Ở VN sau khi đổi mới, hệ thống đảng và chánh quyền có sự tản quyền từ trung ương xuống địa phương. Điều nầy đúng vì làm cho công vụ nhanh hơn hữu hiệu hơn. Nhưng thực tế, Bộ Chánh Trị và chánh quyền trung ương dành lại quyền tuyệt đối nắm cái cốt lõi, và không có thể thống đứng đắn trong chọn lựa và chuẩn phê dự án. Như việc trung ương nắm hết viện trợ, địa phương nào biết điều thì được phân bổ. Nguyên tắc của VN là nếu dự án trị giá từ 10.000 tỷ đồng (độ $500 triệu mỹ kim) trở lên phải qua Quốc hội cứu xét. Thực tế không có. Như dự án Cát Linh-Đông Hà, dự án Nhiệt điện Duyên Hải, dự án Thủ Thiêm, dự án Bauxite… Các đại dự án do Bộ Chánh Trị quyết định, gần đây như dự án “Ba đặc khu Hành chánh kinh tế” năm qua. Dù Quốc hội hoãn biểu quyết luật, nhưng Bộ Chánh Trị đã quyết định và chỉ thị thực hiện từ 2017. Quốc hội chỉ để trang trí thôi.

Về hoạch định dự án phải tương đối chính xác về hai mặt kỹ thuật và tài chánh. Về kỹ thuật không thể có quá nhiều sai trái lệch lạc. VN thì làm kế hoạch nhiều sai trái. Giữa giai đoạn thi công phải thay đổi kỹ thuật, chậm trễ thời gian dài gấp đôi. Điểm thứ hai là phải tính toán kỹ càng chi phí. Nếu công trình phải làm lâu ba bốn năm, trên nguyên tắc, chi phí có thể phải điều chỉnh, vì vật giá gia tăng. Nhưng thông thường không quá 10-20%. Đằng nầy các dự án của VN thường đội vốn tức tăng chi phí lên từ 50-100% sau khoản ba năm thi công. Ví dụ như dự án cao tốc Cát Linh – Đông Hà đội vốn thêm lên 60 %. Hoặc nhiều công trình bị hư hỏng quá sớm  trước thời hạn, như đập thủy điện Sông Đà. Tài chánh chi phí thì rất quan trọng, nhứt là trong nước nghèo, ngân sách luôn thiếu hụt. VN không coi trọng nguyên tắc “tối thiểu phí tổn tối đa lợi ích”. Tiền nhà nước là tiền chùa. Dự án nào cũng bị cướp mất độ 30% vào túi viên chức liên hệ. Có nhiều lắm, từ trung ương tới địa phương, từ cầu cống , xa lộ, bến cảng, phi trường, các đoàn kinh tế, hầu hết giao thầu nhứt là giao cho TQ, thay vì cho đấu thầu thì tiết kiệm nhiều tiền công quỹ (mỗi năm đầu tư công của VN từ 10-20 tỷ mỹ kim).

Về cơ cấu quyền lực: Năm 2018 có sự thay đổi quan trọng về hình thức, nhưng trên thực tế không gì quan trọng. Đó là “nhứt thể hóa” Tổng Bí Thư Đảng và kiêm Chủ Tịch Nước. Vẫn có hai bộ phận hai văn phòng với ngân sách to lớn và mức độ độc tài mạnh hơn. Khâu thanh tra kiểm soát các công trình nguyên tắc rất quan trọng. Nhưng VN coi thường khâu nầy cách cố ý. Vì vậy hầu hết các công trình rất sai sót, và khi sử dụng bị hư hỏng thì mới lòi ra.  Thanh tra chánh phủ không có quyền đề nghị biện pháp chế tài cho các viên chức cấp từ Bộ trưởng, Phó Bí Thư, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh, thành phố trở lên nếu chưa có ý kiến của Ban Thanh Tra đảng. Đó là nơi  “chủ đạo” của đại tham nhũng.

Nguyên tắc tôn trọng luật lệ là một trong những nguyên tắc chánh của một nước theo pháp trị. Ở VN thì luật pháp và công lý không phải bảo vệ dân mà chỉ là bảo vệ đảng. Khi vào quốc tế, VN  phải tôn trọng luật lệ quốc tế, không thể gian dối, như luật lao động phải theo luật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhưng tới nay VN chưa hoàn tất. Trong lúc đó thì VN lại ban hành nhanh chóng luật có hại như luật an ninh mạng. Theo các nhà đầu tư ngoại quốc thì luật nầy có tác dụng bất lợi cho kinh tế.

Về mô thức kết hợp công tư: Hầu hết các quốc gia đều có sự kết hợp khu vực công và tư trong một số công tác.  Ở VN khi theo mô hình kinh tế thị trường, thì phải có thành phần kinh tế tư doanh. Nhưng VN tạo dựng doanh nhân tư như là bàn tay nối dài của chánh quyền. Tại VN có hai loại tư doanh. Loại nhỏ, hay rất nhỏ thì độc lập hay nằm ngoài quỹ đạo chánh quyền. Còn loại tư doanh lớn, có bà con bạn bè với đảng viên, thì nằm trong quỹ đạo của chánh quyền, đó là bọn tư sản đỏ. Khi quốc doanh còn chủ đạo bắt buộc phải có tư sản đỏ để cùng viên chức đảng viên hợp tác, chia sẻ chiếm đoạt bóc lột tài sản công. Tình trạng nầy thật khủng khiếp, không tưởng tượng nỗi, chỉ có ở nước XHCN.

2. Trở lực do bộ máy công quyền và sự cấu kết cướp đoạt tài sản

Tệ hại của bộ máy quản lý kinh tế: Bộ máy hành chánh của VN quá kém, quá xấu về nhiều phương diện. Trong bài nầy, tôi chỉ nêu hai điểm liên hệ là: Thứ nhứt chính bộ máy đó là một cản trở cho phát triển. Thứ hai chính viên chức trong guồng máy đó cấu kết tạo nhũng lạm.

Thứ nhứt, bộ máy công quyền là một cản trở cho phát triển.

Nguyên tắc thông thường bộ máy công quyền có nhiệm vụ chánh là thi hành các mục tiêu của quốc gia. Nước nào cũng phải có bộ máy đó. Phải có khối người làm việc trong bộ máy đó. Bộ máy đó phải giúp dân, phải làm cho tốt, phải phục vụ dân và xây dựng đất nước. Đó là “bổn phận” chứ không phải “quyền”. Ở VN  bộ máy đó cản trở con đường đi tới của dân bằng luật lệ và bằng cơ quan nhà nước các cấp như:

Luật đất đai: Quyền sở hữu bị tước đoạt. Quyền tư hữu là một kích thích sự gia tăng hiệu quả lao động. Chánh quyền làm trung gian thu hồi đất trả giá thấp bán lại cho công ty gấp chục lần cao hơn đưa tới hai hệ quả: người bán đất bị thiệt mất một số tiền, đáng lẽ họ phải có, để họ có thể dùng cho công việc làm ăn hay ruộng vườn nơi cư trú mới, hầu gia tăng phát triển thêm. Mặt khác, công ty kinh doanh bị cơ quan đứng giữa với giá quá cao, làm cho chi phí kinh doanh cao, giá thành phẩm hay dịch vụ cao, hạn chế phát triển kinh tế.

Việc thiết lập dự án và thực hiện dự án tốn kém quá nhiều vì qua nhiều cơ quan, nhiều viên chức, và kéo dài thời gian. Có rất nhiều dự án đã làm như vậy. Chẳng hạn dự án Đô Thị Mới Thủ Thiêm, dự án đường cao tốc Cát linh-Đông hà. Cùng một phương cách làm việc, con đường ấy đi vòng vo , từ Trung ương đảng, Bộ chánh trị , Ban cán sự Trung ương đảng , Ban cán sự đảng cấp Bộ , hay Tỉnh. Bộ phận nhận lịnh của Bộ (hay Tỉnh) phải hội thảo lấy ý kiến các Bộ , cơ quan khác. Mời cơ quan tư vấn. Đi ngoại quốc nghiên cứu thực tế. Lên kế hoạch chi tiết trình cơ quan bên Chánh phủ. Rồi trình lên văn phòng đảng lấy sự chấp thuận. Đến giai đoạn giao thầu (không đấu thầu là sai nguyên tắc) cho tư doanh lại phải tìm “phe ta” hay công ty nào “lợi quả” cao nhứt. Thường các dự án lớn phải điều chỉnh nhiều lần trong giai đoạn thi công. Thì phải qua nhiều trạm gần như trước. Mỗi lần nhờ một cơ quan để xin ý kiến là phải biết điều. Chưa kể các Ban Kiểm Tra. Như vậy khi đầu tư dự án lớn, trên vài trăm triệu mỹ kim thường phải tăng chi phí gấp từ 50-100% và thời gian thực hiện cũng gấp đôi là chuyện thường tình ở VN. Chi loại không chánh thức quá nhiều. Thời gian kéo dài thêm làm tăng tiền lãi các món nợ và thì giờ làm việc. Hệ quả là thiệt hại cho mức độ và chất lượng phát triển, nghĩa là thiệt hại cho ngân sách và cho nền kinh tế chung.

Thứ hai, bộ máy công quyền chủ mưu tạo ra tham nhũng.

Tham nhũng ở VN là quốc nạn, ai cũng biết. Trên thế giới có nhiều quốc gia có nạn tham nhũng. Nhưng ở VN thì chính các bộ phận của đảng và chánh phủ trực tiếp với đa số tuyệt đối viên chức của các bộ máy đó. Cho nên có thể nói cách tổng quát chính bộ máy lưỡng thể đó là chủ mưu trực tiếp tham nhũng trong các vụ lớn, và gián tiếp trong các vụ nhỏ. Viện chức trong bộ máy đó cấu kết hàng ngang và hàng dọc tạo ra sự cướp đoạt nhiều loại tài sản công và tư.

Cho nên đánh tham nhũng là tự đảng CS đánh “đảng ta”. Nếu đánh hết thì còn ai làm việc, toàn bộ máy chánh quyền bị đóng cửa.

Trong năm qua, chiến dịch đánh tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khá “hấp dẫn, khá vui”. Đây là lần đầu tiên đảng đánh đảng, lớn và nhiều. Nhiều đảng viên lớn, bị vào tù. Trong đó có thể kể các vụ:  Petro VN với Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, sơ khởi thiệt hại cho công quỹ vài trăm triệu đô. Vụ công ty Mobifone , gần 500 triệu đô, vụ bán đất quận 2, đất Thủ Thiêm, đất Nhà Bè của TP HCM có lẽ cả tỷ mk, vì nội vụ chưa xong. Vụ công trình đường cao tốc Cát Linh- Đông Hà, Metro Bến Thành-Suối Tiên mất mát nhiều trăm triệu đô. Vụ Vũ Nhôm Đà Nẵng tóm thu nhiều khu nhà đất quí ở Đà Nẵng không qua đấu thầu, rồi bán lại cho tư doanh giá gấp vài chục lần cao hơn, thiệt hại ngân quỹ nhà nước nhiều trăm triệu Mỹ kim.  Vụ các ngân hàng Agribank, BIDV, Ocean Bank, ngân hàng Đông Á,.. vi phạm luật lệ, cấu kết tư sản đỏ lấy tiền ngân hàng đầu tư nhà đất và bị mất gần hết. Và còn rất nhiều vụ nữa xẩy ra hầu hết trên cả nước cũng có cái kiểu gần như vậy.

Đinh La Thăng hầu tòa

Các vụ tham nhũng to lớn đó rõ ràng cho thấy tình trạng tham nhũng ở VN là có kế hoạch, đúng qui trình, có tham dự của viên chức cao cấp, và thiệt hại quá lớn. Trong các vụ tham nhũng lớn như vậy, người dân thường không dính vào, chỉ có loại “công dân đặc biệt” là “tư sản đỏ” mới dính vào, mới được chia lợi.

Sự cấu kết giữa viên chức với tư bản đỏ là một hình thái đặc biệt của VN và TQ. Lợi dụng nền kinh tế đa thành phần và mục tiêu làm giàu của đảng viên, sự kết hợp công (tư sản nhà nước) và tư (tư bản đỏ) là công thức tốt nhứt cho đảng . Nhà nước có nhiệm vụ huy động tiền bất cứ từ nguồn nào. Bộ chánh trị và các bộ của chánh phủ nghĩ ra các mục tiêu (không cần đúng với nhu cầu đất nước). Lập ra hay thảo luận với nhóm tư sản đỏ, là bà con hay bạn bè đảng viên cao cấp, từ Tổng bí thư, Thủ tướng, Bộ trưởng, Tướng lãnh. Giao các dự án hay nhà đất công sản cho “công ty tư sản đỏ” số 1. Công ty số 1 nầy giao lại cho công ty số 2 với chia chác tiền thầu. Nhiều công trình lớn đều làm như vậy. Cứ như thế “công tư hợp tác lưỡng lợi”. Đất nước thiệt . Đảng viên giàu lên. Tỷ phú VN nẩy nở thêm.

3.Trở lực do lệ thuộc kinh tế TQ và Hội nhập toàn cầu

Chủ trương của VN là mở rộng mậu dịch quốc tế càng nhiều càng tốt. Đó là vấn đề sanh tử cho kinh tế VN. Mặc dù có kết quả tốt. Nhưng tới năm qua, khó khăn lớn vẫn còn . Ở đây tôi chỉ nói tới hai thị trường lớn là Trung quốc và Âu Mỹ.

Việt Nam và Trung Quốc . Trên bình diện kinh tế đối ngoại, VN vừa bị TQ ép, VN vừa tự muốn gia tăng hợp tác kinh tế với TQ. Cả hai mặt, VN đều có những khó khăn to lớn, tôi xin tóm tắt:

Mậu dịch hai chiều.  Tiếp tục gia tăng. Mặc dù có chút cải thiện là xuất cảng hàng VN qua TQ gia tăng tỷ lệ cao hơn gia tăng hàng nhập từ TQ.

Trong 9 tháng đầu năm 2018 VN nhập của TQ $47.26 tỷ hàng hóa, và xuất sang TQ $28.8 tỷ.

Công ty truyền thông VN xử dụng đa số sản phẩm của công ty Huawei và ZTE, hai công ty bị US chế tài, và nhiều nước tẩy chay. Đây là ví dụ về sự áp đặt rõ ràng và tệ hại.

VN tiến hành nhanh chóng dự án “Hai hành lang một con đường” với TQ. Đó còn là một nguy hiểm về an ninh. Sức ép tiếp tục ngày càng nặng thêm. Đặc biệt VN cho phép chánh thức xài tiền TQ (yuan) tại 7 tỉnh biên giới. Một hình thức mất chủ quyền quốc gia.

Viện trợ :  TQ với dự trù chi $1,000 tỷ mk cho đại dự án Belt & Road, nên tung tiền ra nhiều cho các nước kể cả VN với tiến trình thực hiện mục tiêu “Giấc mộng Trung hoa”. Tiền vay có hai bước. Lần đầu lãi suất ưu đãi, sau đi nữa chừng vay với lãi suất cao. Không trả nợ được sẽ bị sai áp đất đai, cảng, phi trường.

Người Tàu du lịch qua VN nhiều hơn (tăng 50% năm qua). Tương lai sẽ có những khu nghỉ dưỡng cho họ.

Ba Đặc khu Hành chánh – kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc: Trung ương đảng và Bộ chánh trị đã quyết định hồi năm 2017. Và  đưa dự luật qua Quốc hội biểu quyết cho có hình thức hồi tháng 6/2018. Nhưng bị dân chúng chống đối mạnh mẽ, Quốc hội cho hoãn lại. Về hình thức lẫn nội dung, ba Đặc khu nầy gần như là VN lập ra theo như kế hoạch của TQ trong Belt & Road, nhứt là các điểm vô lý và nguy hiểm như cho thuê đất 99 năm, vay số tiền rất lớn TQ (nhiều tỷ mk) cho hạ tầng, đầu tư casino, đầu tư nhà đất kể cả khu nghỉ dưỡng.

Đọc thêm…

Wabi Sabi – Triết Lý Của Sự Bất Toàn

Phổ Lập Mai Thanh Truyết

Kính dâng và tưởng nhớ GS Nguyễn Văn Trường, người luôn luôn tôn trọng và chấp nhận tất cả những bất toàn trong cuộc sống của người viết…

Wabi sabi là một triết lý thẩm mỹ cổ xưa bắt nguồn từ Thiền tông, đặc biệt là trà đạo, một nghi lễ thuần khiết và đơn giản, trong đó các bậc thầy được đánh giá cao cái chén được làm thủ công và hình dạng bất thường, với men không đồng đều, vết nứt, và vẻ đẹp hư hỏng trong sự không hoàn hảo có chủ ý của của người tạo ra cái chén.
Triết lý Nhật Bản tôn vinh vẻ đẹp trong những gì là tự nhiên, sai sót và tất cả những gì không hoàn chỉnh.
Các chén cổ trong phòng khách của bạn được đánh giá cao vì những vết nứt và sứt mẻ của nó?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta học cách “phát giải thưởng” những bất toàn, vết nứt trong long và những khiếm khuyết trong cuộc sống lộn xộn của chúng ta?
Khái niệm về Wabi-Sabi – Tại sao sự hoàn hảo là mục tiêu sai lầm
Wabi-Sabi (侘 寂) là một thuật ngữ Nhật Bản có thể hiểu là sự chấp nhận tính phù du (transience) và sự không hoàn hảo. Đây là một phong cách sống giúp chúng ta cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, không vĩnh viễn, không trọn vẹn và từ những thứ khiếm khuyết nầy, một thứ tưởng chừng vô dụng, xấu xí lại có vẻ đẹp tiềm ẩn đến bất ngờ.

Nếu sự luôn đổi mới là trò chơi của suốt cuộc đời bạn, việc theo đuổi sự hoàn hảo không phải là cách để đạt được điều đó. Chúng ta hãy xem xét vẻ đẹp của một cái chén bị móp méo rồi từ đó chúng ta sẽ nghiệm ra…cái đẹp!
Khi con người chúng ta nhận định những “cái nhứt” như: cà phê tốt nhứt, xe tốt nhứt, điện thoại tốt nhứt, ứng dụng tốt nhứt, trường học tốt nhứt, bác sĩ giỏi nhứt, đầu bếp giỏi nhứt, công ty tốt nhứt, CEO giỏi nhứt, lực sĩ giỏi nhứt, huấn luyện viên giỏi nhứt, các nhà thiết kế tốt nhứt, diễn viên xuất sắc nhứt, phim hay nhứt, trang phục đẹp nhứt, nhà thiết kế tốt nhứt của trang phục đẹp nhứt, đạo diễn xuất sắc nhứt của những nữ diễn viên xuất sắc nhứt mặc trang phục đẹp nhứt và danh mục bắt mắt nhứt.v.v…
Để làm nổi bật sự ngưỡng mộ của chúng ta về các sự “nhứt” trên, chúng ta tạo ra danh sách, viết lên banner và làm các nghi lễ để tưởng thưởng. v.v… như: trải thảm đỏ, chuẩn bị giải thưởng và danh hiệu sáng bóng, làm giấy chứng nhận.

Thực sự, những cái nhứt trên đã là “nhứt” chưa?
Do đó, sẽ còn những cái nhứt tiếp theo khi có sự đổi mới do con người tạo ra.
Tuy nhiên, nơi hoàn hảo nhứt đối với sự đổi mới là gì?
Trong một thế giới hoàn hảo, những ý tưởng hay nhứt sẽ thu hút những người tốt nhứt. Nhưng, trong thực tế, chúng ta hiếm khi nghĩ những ý tưởng tốt nhứt đưa ta đến thành công. Thường xuyên hơn, sự đổi mới bắt đầu với những ý tưởng không hoàn hảo được kết hợp với nhau bởi một nhóm ý tưởng không giống nhau và đồng dạng; tất cả có thể đưa đến cơ hội không hoàn hảo!
Nếu chúng ta có một ý tưởng tuyệt vời – nhưng cần phải mất một thập kỷ để ý tưởng đó được chú ý đến. Đó là không hoàn hảo. Đổi mới không phải là một khoa học hoàn hảo và do đó không nên được thực hiện để hành động như thể nó là hoàn hảo.
Chúng ta cần các số liệu mới, các quy trình mới và các ưu đãi mới để khuyến khích việc theo đuổi và công nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống thực tế. Nhưng trước khi chúng ta bắt đầu xây dựng các căn bản hạ tầng để hỗ trợ sự đổi mới, trước hết chúng ta phải thay đổi thế giới quan của mình. Chúng ta không chỉ phải thay đổi cách chúng ta nghĩ, mà là những gì chúng ta tin. Chúng ta phải học cách chấp nhận sự không hoàn hảo như một tài sản trong quá trình đổi mới trong ta.
Vài ý nghĩa của wabi sabi
Lối sống wabi sabi là gì?
Nguồn gốc của wabi-sabi xuất phát từ Thiền tông, có nghĩa là có một khía cạnh tâm linh quan trọng đối với nó. Wabi xuất phát từ gốc “wa” có nghĩa là hòa hợp, hòa bình, yên bình và cân bằng. “Sabi” có nghĩa là “sự nở rộ của thời gian”.

Nghệ thuật nhiếp ảnh wabi sabi là gì?
Wabi-Sabi dành cho nhiếp ảnh gia. … Đơn giản chỉ cần đặt: “wabi-sabi” là thẩm mỹ Nhật Bản/ Zen về vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, vô thường, và tự nhiên”. Nếu bạn có một chiếc quần jean yêu thích đã “dính” vào cơ thể của bạn trong những năm dài đằng đẵng, đó là “wabi-sabi”.

Thẩm mỹ Nhật Bản là gì?
Thẩm mỹ Nhật Bản là một tập hợp các lý tưởng cổ xưa bao gồm wabi (vẻ đẹp thoáng qua và rõ rệt), sabi (vẻ đẹp của sự tự nhiên và thời gian), và yūgen (ân sủng sâu sắc và tinh tế). Những ý tưởng này, và những ý tưởng khác, nhấn mạnh đến nhiều tiêu chuẩn văn hóa và thẩm mỹ của Nhật Bản về những gì được coi là trang nhã và ôn nhu.
Phong cách wabi sabi là gì?
Trong tính thẩm mỹ truyền thống của Nhật Bản, wabi-sabi (侘 寂) là quan điểm của thế giới tập trung vào việc chấp nhận sự thoáng qua và không hoàn hảo. Thẩm mỹ đôi khi được mô tả là một trong những vẻ đẹp “không hoàn hảo, vô thường và không đầy đủ”.

Hãy rời xa “hoàn hảo”

Các bạn hình dung trong một thời điểm nào đó, khi con cái của bạn còn trong thời kỳ tuổi thơ, chập chững trong các lớp thời tiểu học. Mỗi lần tan trường về, chúng lượm những lá cây khô, một vài hòn sỏi có góc cạnh “đẹp đẹp”. Đối với chúng, những vật thể trên rất quý giá, được chúng nâng niu, ít nhứt là trong một khoảnh khắc nào đó. Từ đó, bạn có thể nghĩ là, đó là những kho báu của chúng qua những kết cấu, hình dạng và màu sắc đặc biệt của các vật thể trên, mỗi thứ độc đáo mỗi vẽ. Vì vậy, điều kỳ diệu chỉ là cung cách chúng đang có, chỉ vậy thôi!
Trong cuộc sống và văn hóa Nhựt, “sự đơn giản” thường là hình thức bề ngoài cho một cuộc sống đã được tổ chức tỉ mỉ, tính toán cho sự hoàn hảo. Người Nhựt thường được dạy từ nhỏ trong gia đình, là cố gắng tối đa để làm cho tốt nhất, sáng nhất, và phi thường nhất.
Nhưng cái gì có thể nguyên thủy đơn giản hơn là chấp nhận? (But what could be more radically simple than acceptance?)
Richard Powell, tác giả của “Wabi Sabi Simple” nhận định: “Chấp nhận thế giới là không hoàn hảo, chưa hoàn thành, và thoáng qua, và sau đó đi sâu hơn và tung hê thực tế đó, là điều giống như tự do.” (“Accepting the world as imperfect, unfinished, and transient, and then going deeper and celebrating that reality, is something not unlike freedom”).
Do đó, ý tưởng từ bỏ “hoàn hảo” và thậm chí “đủ tốt” (good enough) không thể cưỡng lại sự hấp dẫn trong cuộc sống, thí dụ như các dấu vân tay, vết sẹo trên thân thể và những đường “xếp” trên mặt khi chúng ta cười. Tất cả hoàn toàn không hoàn hảo, và mỗi người trong chúng ta đều có thể ngắm lấy vẻ đẹp không hoàn hảo trong đó.
Nhìn về phương Đông
Để tìm hiểu thêm về sự bất toàn, hãy nhìn về phía Đông.
Wabi-sabi đại diện cho sự chấp nhận sự bất toàn (imperfection). Khái niệm này có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo và bao gồm việc công nhận sự bất đối xứng, bất thường, và khiêm tốn như các thuộc tính của sắc đẹp tùy theo nhãn quan của mỗi người.
Trong một ý nghĩa rất thực tế, ý tưởng của wabi-sabi mời gọi người xem xét sự không hoàn hảo – một vết lõm trong một cái chén đồng hoặc một vết nứt trong một bình thủy tinh – hay những nét đổ nát qua thời gian của bức tượng Phật.

Tất cả như là một vật thể có giá trị.
Ý tưởng ôm lấy sự không hoàn hảo hoàn toàn là cái nhìn ngược lại của chúng ta có trong thế giới Tây phương.
Và như vậy, khi bạn chiêm nghiệm để tạo ra một nền văn hóa của sự đổi mới – để truyền cảm hứng cho những người tốt nhất và sáng nhất của bạn để đổi mới – biết rằng trước tiên bạn phải khuyến khích việc theo đuổi sự không hoàn hảo. Điều này không có nghĩa là chấp nhận thất bại. Nó có nghĩa là để nắm bắt học tập. Các nhà sáng tạo không có ý định thất bại từ ban đầu. Họ quyết định học hỏi, tìm tòi. Họ sử dụng sự không hoàn hảo như một phương tiện để kiểm tra các giả định của họ về những gì có thể. Và một ngày nào đó, họ sẽ có một sản phẩm hoàn hảo vào thời điểm đó.
Robabi Griggs Lawrence, tác giả của cuốn sách “Bất toàn đơn giản: Xem xét lại ngôi nhà Wabi-Sabi” (Simply Imperfect: Revisiting the Wabi-Sabi House), trong đó, nếu một cái rương cũ có ý nghĩa với bạn, hay một ngăn kéo của bàn viết của bạn bị mất đi, thì những điều đó không nhất thiết phải là một chướng mắt. Nó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy các mãnh (có vết tích trên) đã được sử dụng và rất được ưa thích. Utsukushii, một từ ngữ tiếng Nhật có ý nghĩa là cho “đẹp”, đã xuất phát từ ý nghĩa ban đầu là “được yêu.”
Hãy suy nghĩ về màu sắc có trong tự nhiên: xanh, xám, tông màu đất và rỉ sét. Điều này tạo ra một bầu không khí yên bình và hài hòa. Wabi sabi không có nghĩa là ôm lấy sự lộn xộn, mà là “có suy nghĩ và làm việc đằng sau nó, không bỏ bê.” Một ấm trà tinh tế không thể tỏa sáng nếu nó được nằm trong một tủ chất chứa đầy nghẹt những những vật thể khác; mà là bạn phải cần chuẩn bị một không gian để bạn có thể cho nó đứng riêng và thực sự đánh giá cao nó mỗi khi bạn đi qua đi lại.

Mọi đồ vật trong nhà bạn phải đẹp, hữu ích, hoặc cả hai trong cái nghĩa wabi sabi của bạn!
Sự chào đón sự không hoàn hảo này trong cuộc sống của bạn là trọng tâm của khái niệm wabi-sabi của Nhật Bản, có nghĩa là “vô thường, không hoàn hảo và không đầy đủ.” Từ này xuất phát từ hai từ riêng biệt. “Wabi” mô tả sự sáng tạo của vẻ đẹp hoàn hảo thông qua việc bao gồm các loại hoàn hảo đúng, chẳng hạn như một bất đối xứng trong một chén sứ thủ công (tương phản với độ chính xác của chén làm bằng máy). “Sabi” phản ánh loại vẻ đẹp phát triển theo độ tuổi, chẳng hạn như sự xuất hiện của quá trình oxy hóa bề mặt của một bức tượng đồng.
Thông thường, wabi-sabi được áp dụng cho các nguyên tắc thiết kế, chẳng hạn như tạo không gian sống để tránh các phòng khách trùng hợp với nhau vào những năm 1940 hoặc ’50. Điều này bao gồm tập trung vào các loại không đối xứng bạn sẽ tìm thấy trong tự nhiên – ghế bằng gỗ thủ công, sự rủ xuống tự nhiên của một cánh hoa khô trong một chiếc bình hoặc một chiếc túi da mòn đã được đi theo bạn trong suốt một thời gian dài.
Nhưng không phải tất cả wabi-sabi đều có chủ ý. Thiên nhiên là nguồn tốt nhất của thẩm mỹ wabi-sabi. Và khi bạn hòa hợp với thế giới bên ngoài, bạn bắt đầu thấy wabi-sabi ở những nơi khó xảy ra nhất. Đó là:
Các vết nứt trong vỏ cây, một dấu hiệu của sự trưởng thành khỏe mạnh;
Hoặc các vết nứt cằn cỗi trên khuôn mặt của chúng ta khi chúng ta già đi;
Hoặc nét mặt rám nắng, tự tin khi chúng ta đạt được sự khôn ngoan trên suốt quảng đường dài;
Và, Krishnamurti đi sâu hơn, nói rằng linh hồn chúng ta đều được cấu thành bằng cùng một loại giấy báo, xuất phát từ các nếp gấp trong bài báo và qua thời gian từ từ được gấp lại thành những nếp và khi mở ra, thì đó là những trải nghiệm của chính bạn.

 Rốt ráo lại:

Hãy rung những chuông vẫn còn có thể rung
Hãy quên đi lời đón mời hoàn hảo của bạn
Trong mọi thứ đều có vết rạn nứt
Đó là cách ánh sáng len vào”
Leonard Cohen

(Ring the bells that still can ring
Forget your perfect offering
There’s a crack in everything
That’s how the light gets in.
Leonard Cohen)

Hiện tại
Kết luận trong đời thường là:
Ngày hôm nay chúng ta không còn thấy cần thiết phải lấy tư tưởng về giáo dục, luân lý, những lời giảng dạy của Khổng Tử làm mẩu mực trong cuộc sống nữa;
Cũng không còn là lúc bình luận chiến lược, chiến thuật …đánh nhau qua các thế trận của …Binh pháp Tôn Tử nữa!
Chính vì vậy mà con người và Đất Nước Việt phải chịu sự trì trệ biết bao thế hệ, đặc biệt 43 năm qua.
Vì vậy,
Chúng ta cần phải áp dụng ý tưởng dân tộc từ tiền nhân để lại cộng thêm chiều hướng đổi mới của dòng lịch sử dân tộc để tiến đến sự toàn hảo trong cái bất toàn của trời đất.
Xin hãy chấp nhận sự bất toàn của dân tộc để làm kim chỉ nam cho những hướng mới trong việc mưu tìm sự toàn bích trong cái bất toàn…

Phổ Lập Mai Thanh Truyết
Trên bước đường Đoạn Ái 15/8/2018

Lời Chúc Đầu Năm

Thơ Trần Quốc Bảo

Mỗi Năm, thêm một tuổi đời
Thời gian là lượng của Trời ban cho
Tết về chúc các Bé Thơ
Trọn niềm hạnh phúc ước mơ gia đình
Miệng cười em bé thật xinh
Ngoan ăn, chóng lớn, thông minh rạng ngời

Mỗi Năm, thêm một tuổi đời
Thời gian là lượng của Trời ban riêng
Chúc mừng nam nữ Thiếu Niên
Hồn nhiên vui tuổi thần tiên ngọc ngà
Vươn lên như những cánh hoa
Là nguồn hy vọng chan hòa tương lai

Mỗi Năm, thêm một tuổi đời
Thời gian là lượng của Trời thiêng liêng
Xuân về, chúc bạn Tráng Niên
Niềm mơ lý tưởng trung kiên đạt thành
Thỏa lòng thăng tiến tài danh
Thanh niên gốc Việt, tiếng lành khắp nơi

Mỗi Năm, thêm một tuổi đời
Thời gian là lượng của Trời cho ta
Tân Niên, kính chúc Bạn Già
Dồi dào sức khỏe, mặn mà Thơ Văn
Tình đời, rũ hết băn khoăn
Chuyện đời buông bỏ, vui thanh thỏa đời !

Mỗi Năm, thêm một tuổi đời
Thời gian là lượng của Trời ban ra
Hướng về Đất Tổ Quê Cha
Nguyện cầu lịch sử Nước nhà sang trang
Việt Nam sạch bóng sài lang
Toàn dân hạnh phúc, xóm làng yên vui

Trần Quốc Bảo

Phát Súng Năm Xưa

Truyện Ngắn 

Sơn Tùng

Cảm hứng từ câu chuyện có thật của một cựu trung tá Không Lực VNCH

Hôm nay mùng ba, Tết đã nhạt. Với chàng “Long Trời” thì Tết chẳng những nhạt mà còn có vị đắng. Đắng và cay. Hắn không có cái gì để yêu hay luyến tiếc trên đời này. Tất cả những gì hắn có là một thân xác già nua tàn tạ với những cơn đau hành hạ hắn từng giây từng phút, và một căn nhà lợp tôn ọp ẹp trong một con hẻm giữa cái thành phố mang tên một kẻ mà hắn thù ghét. Dĩ vãng của hắn thật dài cùng với cuộc chiến tranh khởi đầu từ khi hắn còn thơ ấu. Và tương lai thì hắn chỉ mong chấm dứt sớm phút nào hay phút ấy.

Hắn được gọi là “Long Trời” vì những năm khoác áo bay trong binh chủng Không Quân hắn đã thực hiện nhiều phi vụ cực kỳ nguy hiểm và táo bạo, tạo nên những chiến công long trời lở đất. Bây giờ, muốn di chuyển từ nhà bếp lên giường có khi phải lết mười lăm phút với những khớp xương co quắp nóng bỏng như lửa đốt. Hắn còn sống được là nhờ có vài người bạn, thỉnh thoảng ghé thăm, cho ít đồ ăn và thuốc men, hay vài chục đô-la từ nước ngoài.

Ba ngày Tết trong nhà cũng có khá nhiều đồ ăn, quà cáp do bạn bè đưa tới. Họ lưu lại năm mười phút, nắm tay nhau, nhìn nhau ngậm ngùi rồi ra đi. Họ còn cuộc đời của họ, gia đình họ. Trưa nay, Thùy Trang đem đến cho một hộp thịt kho và dưa giá. Nàng cầm tay hắn, mỉm cười nhưng mắt long lanh lệ rồi quay mặt bước nhanh ra cửa. Hắn nhìn theo và nước mắt cũng lưng tròng, miệng thốt nhỏ như nói với chính mình: “Thời đại gì ai cũng khổ đau…”

Thùy Trang là vợ cũ của một đồng đội với Long. Nhan sắc từng một thời làm điêu đứng nhiều anh hùng. Nàng có hai con khi chồng đi tù cải tạo. Ngày chồng về thì nàng đã có thêm đứa con trai với một kẻ ở bên kia chiến tuyến. Một kẻ thù của chồng. Anh chồng nói với Long: “Nếu nó đừng có con và muốn trở lại, mình sẵn sàng bỏ qua. Khó ai biết được phải làm gì trong cuộc đổi đời khốn nạn này!” Và anh ta đem hai con sang Mỹ trong Chương trình HO. Một lần, Thùy Trang tới thăm Long, nàng gục đầu vào vai hắn và khóc: “Ai cũng khinh em, kể cả chính em. Nhưng hình như anh hiểu em…” Từ đó, thỉnh thoảng nàng ghé qua, đưa ít đồ ăn, nhìn Long hồi lâu, không nói gì rồi lặng lẽ ra đi.

Mấy ngày Tết những cơn đau của Long tăng lên nhiều, có lẽ vì tiết trời trở lạnh. Chiều sắp tàn. Căn nhà nhỏ thêm nhiều bóng tối. Long bật đèn và cố di chuyển, bày món thịt kho của Thùy Trang ra bàn cùng với vài miếng bánh chưng và một đĩa dưa giá, ngồi ăn một mình. Hắn vẫn tự cho là mình còn “hạnh phúc” hơn nhiều người trên đất nước được mệnh danh là “độc lập, tự do, hạnh phúc” này. Ít nhất thì hắn cũng còn cái hạnh phúc cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp nhất của tình bạn trong những ngày tháng đen tối của đời mình.

Có tiếng gõ cửa, trước còn rụt rè, nhè nhẹ, rồi mạnh dần. Long nghiêng đầu nghe.

– Ông ơi! Tôi đói…
– …
– Ông ơi! Cho xin chén cơm ăn làm phước…
– Ông ơi! Tôi là người lương thiện, … không phải kẻ gian…

Tiếng một người đàn ông đứt quãng, run rẩy. Long suy nghĩ vài giây rồi quyết định men theo vách tường, vừa đi vừa nhăn nhó, vì đau, để ra mở cửa. Trước mặt hắn là một ông già gầy ốm, tiều tụy, quần áo hôi hám, với chiếc mũ phở sùm sụp trên đầu. Lão khúm núm chắp tay van xin:

– Tôi ở tù mới ra. Đói quá. Xin ông cái gì ăn đỡ lòng.

Lão liếc nhìn vào chiếc bàn bên trong với những thức ăn ngày Tết. Trong đầu Long có nhiều câu hỏi về ông già xa lạ này, nhưng hắn nghĩ ông ta đang cần được ăn. Hắn lưỡng lự rồi nói:

– Như ông thấy đó, tôi đang không được khoẻ để có thể giúp gì cho ông, nhưng ông có thể bước vào nhà và ăn bất cứ cái gì trên bàn.

Ông già bước vội vào nhà và ngồi vào bàn, để chiếc mũ phở trên ghế, ăn ngấu ăn nghiến. Trong khi ăn, lão đưa mắt nhìn trộm Long nhiều lần, và Long cũng có dịp nhìn kỹ ông ta dưới ánh đèn. Có lẽ ông ta không già như cái bề ngoài do sự đói khổ tạo ra.

Ăn lưng bụng, ông già bắt đầu nói:

– Chắc là ông ngạc nhiên tại sao tôi lại biết có một mình ông trong căn nhà này và có nhiều đồ ăn? Tôi đã quanh quẩn ngoài kia suốt mấy ngày Tết và thấy những người vào đây với các món ăn. Khi người ta đói thì nhân cách chỉ là đồ xa xí vô dụng. Ông có thể khinh tôi, nhưng cái bao tử của tôi lúc này quan trọng hơn mọi thứ. Ông có thể cho tôi là một thằng điên, nhưng khi cả nước này đều điên thì khó mà biết ai điên ai tỉnh.

Ông già ngưng nói để tiếp tục ăn. Long nhìn người khách lạ trong nhà, khó hiểu.
Vài tràng pháo nổ ran bên ngoài. Người khách lạ cũng vừa ăn xong. Ông ta nghiêng đầu lắng nghe, gương mặt căng ra với râu ria lởm chởm, và bỗng ngẩng đầu lên nhìn Long đăm đăm, rồi nói với giọng khản đặc:

– Hừ, những tiếng pháo Tết… Hơn bốn mươi năm rồi… Dĩ nhiên là ông không còn nhớ tôi, và không biết tôi là ai. Nhưng tôi đã nhận ra ông. Đôi mắt của ông. Đôi mắt của người đã chĩa súng vào đầu tôi và bóp cò. Chúng in mãi trong óc tôi như một tấm ảnh không phai mờ. Nếu khi ấy ông bắn vào óc tôi thì đời tôi đã chấm dứt vào lúc hai mươi tuổi với một lý tưởng tuyệt vời trong đầu, và không khốn khổ như ngày nay…

Long kinh ngạc nghe những lời thốt ra từ cái mồm hôi hám của người khách lạ. Quả thật Long không nhận ra lão là ai, nhưng một vài lời y vừa hé lộ đã làm loé lên trong óc hắn một ký ức đã xa xưa lắm rồi. Long chưa kịp nói gì thì ông già lại tiếp tục:

– Thế đấy, tuổi đôi mươi lý tưởng và bồng bột, những mưu mô phỉnh gạt…Hừ. Vì ông không bắn vào óc tôi nên tôi đã phải kéo dài cuộc đời cho đến hôm nay… với những hối tiếc, những dày vò của lương tâm, những bất mãn, những phản kháng, và tù đày…

Ông già đứng lên, chụp chiếc mũ phở lên đầu, gằn giọng: “Tôi ghét ông.” Và y bước ra cửa.

Tiếng pháo vẫn nổ rền bên ngoài. Long đưa hai bàn tay ôm đầu, nhắm mắt. Tiếng pháo giống như tiếng pháo ngày Tết Mậu Thân hơn bốn mươi năm trước. Rồi thì súng nổ rền khắp nơi, người chết, nhà cháy, máu loang trên đường phố và thây người trong ngõ hẻm. Long như sống lại dĩ vãng. Chiều mùng 3 Tết năm ấy, Long lái chiếc Vespa chở Dạ Thảo từ Phi trường Tân Sơn Nhất về nhà nàng. Đường phố vắng tanh đến rợn người. Long vẫn mặc bộ đồ bay với khẩu P.38 dắt bên hông. Thảo nép sát người sau lưng Long, vòng hai tay ôm chặt lấy bụng hắn. Long nghĩ có lẽ tâm hồn nàng đang tan nát, rối bời. Hắn vừa đưa xác vị hôn phu của nàng từ Bình Long về căn cứ Tân Sơn Nhất trong một phi vụ hết sức mạo hiểm. Nàng đã ôm xác người yêu và ngất đi. Mấy ngày qua, từ khi được tin Thanh, một đồng đội của Long, bị bắn rơi và tử nạn, Thảo như kẻ mất hồn. Long khuyên nàng nên về nhà và đã bất chấp tình trạng giới nghiêm, chở nàng qua những đường phố không bóng người.

Dường như cả Long và Thảo đều không còn biết sợ nữa. Sự khổ đau và uất ức đã khiến họ trở nên gan lì. Xe chạy trên đường Lê Văn Duyệt gần đến ngã tư Phan Đình Phùng, tiếng súng bỗng nổ ran dữ dội từ hai dãy phố đối diện. Long vội thắng xe gấp, định núp vào sau gốc một cây me, nhưng đã quá muộn. Long thấy vòng tay Thảo quanh lưng hắn lỏng ra và nàng ngã xuống đường. Khi Long dừng được xe, đỡ Thảo lên thì nàng ngước nhìn hắn, lắp bắp nói: “Cám… ơn anh…” Và tắt thở. Long vuốt mắt Thảo, rút khẩu súng lục ra, nép sát vào gốc me, nhận định tình thế.

Cuộc giao tranh không kéo dài. Chỉ sau vài phút, tiếng súng im bặt. Có tiếng la hét từ trong một căn phố rồi một trung sĩ Biệt Động Quân bước ra, tay trái nắm cổ áo một thanh niên mặc thường phục, tay phải cầm khẩu M16 dí vào hông hắn. Long rời gốc me chạy ra. Viên trung sĩ đẩy gã thanh niên tới trước mặt Long, nói lớn:

– Chính thằng này đã bắn vào xe thiếu tá. Ông xử nó đi!

Máu nóng bốc lên mặt, hai mắt đỏ ngầu, Long dí khẩu P.38 vào đầu kẻ thù và nhìn vào mặt hắn. Hắn còn quá trẻ với đôi mắt đầy sợ hãi. Trong một giây ngắn ngủi, Long chùn tay. Thay vì bắn vỡ sọ tên đã giết Thảo, hắn hướng chệch nòng súng lên trời và bóp cò. Tiếng nổ từ khẩu súng nhỏ vang lên, Long nghe như tiếng đại bác phá tan lồng ngực hắn, vang rền trong đầu hắn, vang rền khắp bầu trời trên đất nước đau thương này. Hắn đẩy tên tù binh chưa hết run rẩy trả cho viên trung sĩ Biệt Động Quân. Sau đó, Long được biết tên này là một sinh viên nằm vùng trong một trường đại học ở Sài Gòn.

Bây giờ, hơn bốn mươi năm sau, hắn hiện ra trước mắt Long với thân xác già nua, tiều tụy, và một tâm trạng nửa điên nửa khùng.

Ngoài kia, tiếng pháo vẫn nổ rền từ những dinh cơ huy hoàng của giai cấp thống trị mới.

Long bỗng thấy buồn nôn và khạc nhổ không ngừng. Bên tai dường như nghe thấy tiếng súng từ năm xưa vang vọng về.

Sơn Tùng

Tống Táo Thi

Đỗ Chiêu Đức

DCD_LOtan3.jpg

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thì dân Việt Nam ta có tục lệ cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người Hoa thì cúng vào đêm 24. Theo câu nói của dân gian là ” Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ “, có nghĩa là : Làm quan thì đưa ông Táo ngày 23, dân thì đưa ngày 24, còn những người đi ghe theo cuộc sống thương hồ thì đưa ông Táo ngày 25.


Bỏ qua về xuất xứ của tục lệ nầy, chỉ xét về phần cúng tế. Người Việt và người Hoa ở Việt Nam thường cúng tiễn Táo Quân bằng ” thèo lèo “, bánh mức, chè Ỷ… hương hoa trà nước… và giấy tiền vàng bạc kèm theo các hình cò bay ngựa chạy. Ý là để cho ông Táo cởi ngựa cởi cò về trời ( trong văn học thì cho là cởi cá Chép ), còn ” thèo lèo ” bánh mức… là để ăn cho ngọt miệng đặng báo cáo cho ngọt cho tốt với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tình trạng gia đình nơi mà ông Táo đang cư ngụ….    

DCD_Totan4.jpg

Nhớ lúc nhỏ, khi gần Tết , tôi đã đọc được một bài thơ ” Tống Táo Thi ” 送 竈 詩  trên báo để tiễn đưa ông Táo như sau :

      送 竈 詩                      TỐNG TÁO THI
麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

 

 CHÚ THÍCH :
1. Đường Bỉnh : là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng có
 nghĩa là Kẹo nữa.
2. Dương : là Giả đò.Tác : là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
3. Si: là Ngây, là Dại.  Lung: là Điếc.
4. Nhất ban: là Mạo từ ( Article ) chỉ: Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên: là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT
 NĂM.

DỊCH NGHĨA :
Mạch nha, Kẹo, bánh… đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho ( đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi ). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là…. Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy?!

DIỄN NÔM :

                 THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc dùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng !
                      Đỗ Chiêu Đức.

 TÁI BÚT :

dcd_Lotan5.jpg

 Xin được nói thêm về 2 chữ THÈO LÈO.
THÈO LÈO là phát theo âm Triều Châu của 2 chữ TRÀ LIỆU 茶料 : là Những Vật Liệu dùng để Uống Trà. VẬT LIỆU ở đây là chỉ những món đồ ngọt như : Kẹo Đậu Phọng, Kẹo mè đen, mè trắng, cốm, và những viên đậu phọng được áo một lớp đường màu trắng mà ta quen gọi là ” Cứt Chuột “.
” Thèo Lèo Cứt Chuột  ” là món ngon dùng để uống trà và là món không thể thiếu khi cúng ông Táo ở quê tôi: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền…

        Nhân nói đến thơ đưa Ông Táo, ta không thể không nhắc đến bài ” Tống Táo Thi ” của Lữ Mông Chính, người mà trong ” Hàn Nho Phong Vị Phú ” Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy :   

       …. Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa  cởi dù che. …

 Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !…


呂蒙正(944或946-1011),字聖功,河南洛陽人,977年宋太宗丁丑科狀元。呂蒙正中狀元後,曾任將作監丞、通判、著作郎、左補闕、參知政事等官銜。988年,呂蒙正出任宰相,病逝於大中祥符四年(1011年),享年67歲 .
LỮ MÔNG CHÍNH ( 944 & 946- 1011 ), Tự là Thánh Công, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 ( 1011 ), hưởng thọ 67 tuổi.

Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi . Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.
Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, thiên kim tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu tiểu thơ ném từ trên lầu xuống….

         Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.
Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân : ” Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu ?!”. Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về !. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi.

         Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây :

      一柱清香一縷煙,    Nhất trụ thanh hương nhất lũ yên,
灶君今日上朝天;    Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
玉皇若問人間事,    Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。    Vị đạo văn chương bất trị tiền ! 

 DỊCH NGHĨA :
Một nén nhang thanh thanh tỏa ra một làn khói nhẹ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả !

DIỄN NÔM :
Một nén nhang thanh làn khói nhẹ,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền !
                           Đỗ Chiêu Đức. 

Câu chót của bài thơ làm ta nhớ đến câu thơ lên Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
” Văn chương hạ giới rẻ như bèo! “….

Trở lại chuyện của Lữ Mông Chính, theo truyền thuyết dân gian thì….
….Năm đó, sau khi Táo của các nhà đã báo cáo xong, mà đợi mãi vẫn không thấy Táo của lò gạch nơi Lữ cư ngụ. Mọi người đang nóng ruột, thì thấy Táo của Lữ Mông Chính mặt mà xanh lè, đi cà lếch cà lếch vào chầu. Ngọc Hoàng phán hỏi tại sao, thì được trả lời rằng: ” Thần chỉ uống có một tô nước thịt luộc dở dang chưa chín, đã đói lại còn bị… chột bụng nên đi không nổi. “, đoạn trình bài thơ của Lữ lên cho Ngọc Hoàng xem. Ngọc Hoàng phán rằng, số của Lữ sẽ đậu Trạng Nguyên vào khoa sau, đừng lo lắng quá ! Thần Táo mới năn nỉ rằng: ” Anh ta đói quá, sợ sống không nổi đến khoa sau đâu, thôi thì trước sau gì cũng đậu, xin Ngọc Hoàng thương tình.  Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào đem sổ sửa lại cho Lữ đậu ngay khoa nầy, vì thế mà Lữ Mông Chính mới đậu được Trạng Nguyên của khoa Đinh Sửu 977 là vậy !

… Trên đây là theo truyền thuyết dân gian, chớ thực sự thì… Đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng của một người đàn bà, còn ở đây, đằng sau sự đậu đạt của Lữ Mông Chính, có tới  bóng dáng của 2 người đàn bà lận: một là Lưu tiểu thơ, 2 là bà Tể Tướng phu nhân, vì thương con gái mà lén chu cấp đầy đủ vật chất cho con và rể sinh sống, vì vậy Lữ mới yên tâm mà dùi mài kinh sử… chứ đói meo thì làm sao đủ sức mà học hành để đậu Trạng Nguyên cho được !

Đây là ông Tể Tướng xuất thân từ khất cái (ăn mày)  duy nhất của lịch sử Trung Hoa : Lữ Mông Chính.


Nói đến thơ đưa tiễn Ông Táo thì cũng không thể không nhắc tới…

        LA ẨN 羅隱(833-909 ),Tự là Chiêu Gián, người đất Tân Thành ( thuộc trấn Tân Đăng, thành phố Phú Dương, tỉnh Chiết Giang ngày nay ). Ông vốn tên là HOÀNH 橫, vì từ năm 20 tuổi bắt đầu đi thi Tiến Sĩ, nhưng 10 lần vẫn không đậu, nên mới đổi tên là LA ẨN và đi tu theo đạo Lão, là một học giả thuộc Đạo Gia ở cuối đời Đường đầu đời Ngũ Đại. Thơ ông thường mang tính hiện thực, bất cần đời, nổi tiếng với các câu như :

dcd_Lotan6.jpg

             

          今朝有酒今朝醉,   Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,
明日愁來明日憂。   Minh nhựt sầu lai minh nhựt ưu.

 Có nghĩa :
Hôm nay có rượu thì hôm nay say,
Ngày mai sầu đến thì ngày mai hãy ưu sầu!


Ông cũng có một bài Tống Táo Thi giống như là của LÃ MÔNG CHÍNH đã nêu ở trên, như sau :

dcd_lotan7.jpg

          

     一盞清茶一縷煙,    Nhất trản thanh trà nhất lũ yên,
灶君皇帝上青天。  Táo quân hoàng đế thượng thanh thiên.
玉皇若問人間事,  Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。  Vị đạo văn chương bất trị tiền ! 


CHÚ THÍCH :
NHẤT TRẢN : là Một Chung. TRẢN là Ly, Chén nhỏ.
TÁO QUÂN HOÀNG ĐẾ : Là Ông Hoàng Đế ở trong Bếp mà ta quen gọi là VUA BẾP.( Xuất xứ của từ VUA BẾP là do câu thơ nầy mà ra ).

DIỄN NÔM :
Một chén trà thơm làn khói nhẹ,
Chầu Trời Vua Bếp đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền !

       Ta thấy, chỉ có 2 câu đầu là hơi khác, còn 2 câu sau của bài thơ thì giống y chang như là bài Tống Táo Thi của Lữ Mông Chính, và không cần phải nói ta cũng biết là Lữ đã mượn thơ của La Ẩn để cảm khái cho hoàn cảnh của mình, vì LA lớn hơn LỮ đến 111 tuổi lận, LA ở cuối đời Đường còn LỮ ở đầu đời Tống.

       Để kết thúc bài viết nầy, xin mời cùng đọc câu đối hay và nổi tiếng thường thấy dán cho bàn thờ TÁO QUÂN như sau :

                   有德能司火,   Hữu đức năng ty hỏa,
無私可達天。   Vô tư khả đạt thiên.

Có nghĩa :
Có ĐỨC thì mới có thể trông coi việc củi lửa bếp nút được.
Phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ thì mới được lên chầu trời ( để trình tấu mọi việc ).

dcd_lotan8.jpg

       Như vậy là cái TIÊU CHUẨN để được làm ông Táo đâu phải dễ! 

Năm mới vui xuân, mong rằng mọi người rán tích đức để tương lai đều được lên CHẦU TRỜI như ông TÁO vậy !

Đỗ Chiêu Đức

Hội Người Việt Cao Niên Hoa Thịnh Đốn: Họp mặt mừng năm mới

Đỗ Hiếu

Theo thông lệ vào mỗi thứ bảy đầu tháng, hôm nay thứ bảy 5 tháng giêng năm 2019, Hội Người Việt Cao Niên Hoa Thịnh Đốn tổ chức tiệc mừng quý hội viên có sinh nhật trong tháng giêng, tại trụ sở Hội trong Trung Tâm Đa Văn Hóa, gần thương xá Eden, thành phố Falls Church, VA.

Như thường lệ, ông Đào Hiếu Thảo bắt đầu chương trình với lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và phút mặc niệm.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Hội Trưởng chào mừng quan khách, hội viên và chúc một năm mới, an khang, thịnh vượng, hạnh phúc, dồi dào sức khỏe đến mọi người.

Tiến Sĩ Hồ Văn Di Hấn, Tổng Thư Ký kiêm Tổng Thủ Quỹ báo cáo về tài chánh, tính đến ngày 15 tháng 12, 2018, quỹ điều hành của Hội có 8014 mỹ kim, quỹ nghĩa trang 13074 mỹ kim.

Dược Sĩ Nguyễn Mậu Trinh, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, trình bày  sinh hoạt của Hội trong những ngày tới, trong đó có Chợ Tết Hội Cao Niên Xuân Kỷ Hợi, được tổ chức vào ngày thứ bảy 2 tháng hai, 2019, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại Justice High School (Trường Jeb Stuart cũ gần Eden Center, 7 Corners). Ông kêu gọi hội viên và thân hữu tiếp tay với Hội Cao Niên để chương trình mừng Xuân, đón Tết được thành công như ý.

Tiếp theo là tiệc trà mừng quý hội viên có sinh nhật tháng này, sau phần giới thiệu danh tánh, toàn thể hội trường đồng ca “Happy Birth Day To You” và cùng thưởng thức miếng bánh sinh nhật ngọt ngào.

Giáo Sư Phạm Trọng Lệ được Hội cử, chúc mừng quý hội viên có sinh nhật, vạn sự may mắn, vui vẻ, gia quyến hạnh phúc, thành đạt.

Cụ Nguyễn Thị Huệ, 93 tuổi, thay mặt các hội viên có sinh nhật tháng giêng, cám ơn Hội Cao Niên từ suốt 42 năm qua, luôn tổ chức long trọng, chu đáo các sinh hoạt theo truyền thống của người Việt và mang lại niềm vui, sự thân thiết cho tất cả đồng hương.

Trong buổi tiệc mừng năm mới 2019, diễn giả được mời đến nói chuyện là Giáo Sư Anh Ngữ Phạm Trọng Lệ, từng giảng dạy ở các trường trung học, đại học ở Việt Nam.  Tại Hoa Kỳ, từ 1985 đến 2013, phụ trách chương trình Anh Ngữ Sinh Động trên đài VOA.

Ông trình bày đề tài : “ Thử Bàn Về Mấy Ngộ Nhận Về Con Heo qua Ca Dao và Tục Ngữ”

Theo ông, tục ngữ và ca dao về heo, vè ru em tiếng Việt lẫn tiếng Anh hay Pháp đều cho những nhận xét đôi khi bất công về con heo. Chớ cho heo là con vật lười biếng, heo không bẩn, không ngu.

Thật sự, con heo là vật dễ nuôi, mang lại nhiều lợi tức cho nhà nông. Heo đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tập tục, tín ngưỡng của người Việt Nam. Thịt heo được dùng làm đủ món ăn ngon từ giò heo, lòng heo, làm thành bánh canh giò heo, bún chả, nem chua, chả lụa, thịt kho…Không thể kể hết hàng trăm món làm bằng thịt heo qua tài nấu ăn tuyệt vời của quý bà, quý cô, quý ông vào những ngày lễ hội thanh lịch, giỗ Tết nhộn nhịp, họp mặt tưng bừng.

Qua phần vui hát, Ban Văn Nghệ Hội Cao Niên hợp ca bài “Ly Rượu Mừng” của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, kế đó là các nhạc phẩm mừng Xuân, tình tự quê hương, do các hội viên và thân hữu đóng góp. Tiệc vui đầu tháng giêng 2019 của Hội Người Việt Cao Niên Hoa Thịnh Đốn chia tay lúc 2 giờ trưa, với tiết trời nắng đẹp, ấm áp, và sự hân hoan của quý bà, con, cô bác.

Đầu năm 2019, góp nhặt trong giai phẩm Xuân Đời Nay, những lời chúc mừng Tết Nguyên Đán sắp đến,  xin chia sẻ cùng quý vị độc giả, quý đồng hương:

“Chúc năm Kỷ Hợi ai cũng giàu to

Sức khỏe chẳng lo, buồn bực xếp xó

Khó khăn chuyện nhỏ, việc chạy ro ro

Không còn nhăn nhó, muốn gì được đó

Tình yêu thỏa chí, luôn cười hí hí

Vạn sự như ý, chúc luôn hoan hỉ

Suốt năm may mắn”.

Xin thông báo đến quý vị:

Trụ sở hội  và hộp thư: 

6131 Willston Drive, Suite 107 (P.O. Box 4283) Falls Church, VA 22044

Đ/t liên lạc:  Ông Hội Trưởng Nguyễn Văn Đặng 571-236-1908

Website : WWW.CAONIENDC.COM

Lê Văn Khoa, một đời không phải chỉ cho nghệ thuật

Sơn Tùng

Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”, là tên của một phim tài liệu do Việt Nam Film Club vừa thực hiện và ra mắt ngày 22.7. 2018 tại Virginia, Vùng Hoa-Thịnh-Đốn. Sau đó, đã ra mắt tại nhiều nơi khác.
Nhan đề ấy đã nói lên tất cả về nội dung của cuốn phim mà nhóm sản xuất cho biết đã “được thực hiện công phu nhất từ trước đến nay của Vietnam Film Club, với phần phỏng vấn 22 nhân vật Việt Nam và ngoại quốc nhận định về sự nghiệp 65 năm đóng góp cho đất nước Việt Nam của nghệ sĩ Lê Văn Khoa trong lãnh vực giáo dục, nhiếp ảnh và âm nhạc”.
Thật vậy, nhận định về sự nghiệp của Lê Văn Khoa là điều rất khó. Sự nghiệp ấy đã khởi đầu cùng một lúc với việc thành lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam và đã đơm hoa kết trái cùng với đời sống tự do, ấm no, an hòa của người dân miền Nam cho đến khi VNCH bị đột tử năm 1975 thì sự nghiệp của Lê Văn Khoa vẫn tiếp tục thăng hoa, mang hình ảnh tươi đẹp của miền Nam Việt Nam tự do tới khắp các miền đất lạ trên thế giới, trong đó quan trọng nhất là qua âm nhạc.
Năm 1995, Lê Văn Khoa viết xong bản hợp tấu “Symphony Vietnam 1975”, hay “Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975”, và được trình tấu lần đầu tại California. Viết về buổi hòa nhạc này, Quỳnh Giao đã ghi nhận như sau: “Hồi tưởng lại sự cảm nhận của mình khi nghe hòa nhạc chúng tôi thấy rằng, quả Lê Văn Khoa đã chọn cho ông con đường khó. Ông đã lấy biến cố lớn lao của đất nước làm cảm hứng sáng tác sau 20 năm tưởng như đã lắng đọng. Nhưng dù 20 năm đã qua, biến cố ấy vẫn còn bừng bừng trong tâm tư của chúng ta. Lê Văn Khoa lại chọn một thể loại trừu tượng và cầu toàn nhất là nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về một biến cố chỉ riêng người Việt Nam mới thấm thía tới tâm can. Nhưng khác một số nghệ sĩ sáng tác Việt Nam, ông không đi thẳng vào thế giới âm nhạc không lời hiện vẫn là vùng ngự trị của nhạc cổ điển Tây phương, tức là viết một tác phẩm mang nhiều âm sắc Tây phương. Ông ngoái nhìn lại và cố bắt một nhịp cầu dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu đã quen tai văng vẳng có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ hơn. Ông cố hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới. Lê Văn Khoa cũng cố tình viết từng cảnh thu nhỏ và sắc nét được minh họa bằng dân ca quen thuộc để người nghe dễ tiếp nhận một tác phẩm diễn tả những biến cố đau thương của đất nước bằng ngôn ngữ toàn cầu là nhạc…”
Lý do viết nhạc giao hưởng, Lê Văn Khoa giải thích như sau trong một buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ở Orange County, Nam California, vào năm 2007:
“Thực ra, ý tưởng dùng nét nhạc dân tộc trong tác phẩm mình không phải là mới mẻ. Đã có rất nhiều tên tuổi âm nhạc lớn quay về cội nguồn quê hương, đưa bản sắc dân tộc vào nhạc của họ, như Chopin, Liszt, Tchaikovsky, Dvorak…
“Tôi muốn viết nhạc làm sao để đưa dân nhạc ra khỏi biên cương Việt Nam. Viết cho những nhạc cụ phổ thông thế giới để người ta chơi được thì mình phải mất đi một phần tinh túy của nét nhạc mình…
“Viết trên nền nhạc dân tộc không phải là chuyện dễ vì nét nhạc gò bó. Nhưng mình cũng phải viết vì không làm thì không có. Điệu nhạc Bình Bán Vắn mình nghe hoài, thấy rất tầm thường. Nhưng khi nó được tấu lên bằng dàn nhạc giao hưởng thì khác hẳn. Nó sáng rực lên, khác nào Cinderella được bà tiên hóa phép cho mặc bộ áo dạ hội lộng lẫy.”
Trong buổi ra mắt “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật” tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, Lê Văn Khoa cũng nói về nhu cầu phải viết nhạc giao hưởng nếu muốn đem âm nhạc Việt Nam ra với thế giới. Ông nói năm 1973 ông từng có nhiều buổi nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, một chuyên gia về cổ nhạc Việt Nam, và đã không đồng ý với nhau. Ông Ba muốn nhạc cổ truyền của mình phải chơi bằng nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, lục huyền cầm hay đàn bầu…
Theo ông Lê Văn Khoa thì chưa chắc mấy nhạc cụ đó đã là của Việt Nam, trong khi muốn người ta chơi nhạc của mình thì mình phải làm sao viết cho họ chơi được bằng nhạc cụ của họ. Ông đã nói về cây đàn Bandura, một nhạc cụ nhiều dây cổ truyền tuyệt vời của Ukraine, nhưng rất khó viết nhạc cho cây đàn này, với cả nhạc sĩ Ukraine. Nhưng Lê Văn Khoa đã say mê Bandura và đã đưa những bài dân ca Việt Nam như Lý‎ Ngựa Ô, Se Chỉ Luồn Kim, Trống Cơm vào những bản hợp tấu viết cho nhạc cụ này.
Những nhạc sĩ người Ukraine đã rất hãnh diện được trình tấu nhạc Việt Nam với cây đàn Bandura và mê nhạc cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên họ được dùng nhạc cụ này để chơi một bản nhạc ngoại quốc, và những bản hòa tấu này như một sứ giả “đã nối liền hai nền văn hóa rất xa nhau về địa lý nhưng lại rất gần trong tim và tinh thần”, như phát biểu của một nữ nhạc sĩ người Ukraine.
Nhưng, đã nói về “Symphony Vietnam 1975” thì không thể không nói tới “Ca Ngợi Tự Do”, hành âm cuối cùng này của “Symphony Vietnam 1975” đã xác lập tài nghệ âm nhạc của Lê Văn Khoa trên sân khấu quốc tế, đồng thời cũng làm nổi bật sứ mạng của một chiến sĩ văn hóa mà ông đã tự nhận lãnh từ khi dấn thân vào thế giới nghệ thuật muôn màu, muôn vẻ 65 năm trước, khi vừa 20 tuổi đời.
Giờ đây, đã 85 tuổi, mái tóc đã bạc trắng trên đầu, và lưng đã còng sâu xuống, dáng đứng của người chiến sĩ văn hóa ấy đã không hề thay đổi. Vẫn hiên ngang, hào hùng, vẫn lạc quan, và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng của Lý tưởng Tự Do trên quê cũ và ước hẹn một ngày về trong vinh quang.
Nhưng, Lê Văn Khoa không phải chỉ mang một sứ mạng cao cả trong phạm vi âm nhạc. Ông còn là một khuôn mặt lớn trong thế giới nhiếp ảnh mà ông khiêm tốn tự gọi mình là “một người chụp hình”.
Tại buổi ra mắt ngày 22 tháng 7 ở Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, trong phần “mạn đàm”, đáp câu hỏi “là một nghệ sĩ ông đã có những hoạt động gì để phục vụ quê hương, đất nước Việt Nam Cộng Hòa”, Lê Văn Khoa nói rằng bất cứ ai cũng có thể phục vụ quê hương bằng nhiều cách. Riêng ông, là “một người chụp hình”, không dám nhận là một nhiếp ảnh gia vì “chưa đủ tư cách”, dù ông đã có vài giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, ông đã dùng hình ảnh  để làm đẹp quê hương miền Nam. Ông nhận thấy muốn làm cho thế giới ủng hộ mình thì phải cho họ biết về đất nước mình, cho họ thấy những hình ảnh đẹp của quê hương mình. Về mặt này, gọi là tuyên truyền, thì mình quá yếu, trong khi đó thì cộng sản tuyên truyền rất mạnh. Họ mở những cuộc triển lãm ở ngoại quốc với những hình ảnh rất đẹp, rất sạch sẽ và an bình ở miền Bắc, còn hình ảnh trong Nam thì toàn những cảnh xấu xa, dơ bẩn, với những cô gái gần như không có quần áo gì cả, ngồi trên đùi mấy ông Mỹ đen và để cho bàn tay của những người này thám hiểm khắp nơi trên thân thể.
Trước tình thế ấy, ông Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Giáo Dục VNCH có mời ông Lê Văn Khoa tới để hỏi ý kiến, ông đề nghị nên thực hiện một bộ hình ảnh đẹp của Nam Việt Nam để đưa ra ngoại quốc triển lãm. Ông tổng trưởng đồng ý và ông Lê Văn Khoa, với sự hợp tác của nhiều nhà nhiếp ảnh, đã thực hiện bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam”, nhưng chỉ triển lãm được một lần ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Rồi ông tổng trưởng Ngoại giao cũng mời ông Lê Văn Khoa tới hỏi ý kiến và ông đề nghị nên gửi bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tới các nhiệm sở ngoại giao của VNCH trên thế giới để triển lãm. Bộ Ngoại giao đồng ý, sau đó ông có nhận được bản sao một văn thư mà Bộ Ngoại giao đã gửi cho tất cả nhiệm sở ngoại giao. Kết quả, chỉ một nơi nhận lời là lãnh sự VNCH tại Ấn Độ!
Lê Văn Khoa nói trong những nước Bắc Âu lúc ấy, ủng hộ CSBV mạnh nhất và chống VNCH dữ nhất là Thụy Điển, nhưng ông đã liên lạc được với một nhóm sinh viên bằng lòng giúp ông mở một cuộc triển lãm “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tại Stockholm. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc làm của một người, một cá nhân, để phục vụ quê hương, không phải của bộ nào hay cơ quan, tổ chức nào.
Nhưng, hôm khai mạc cuộc triển lãm có vài người đã lợi dụng lúc nghỉ trưa dùng búa, dao đập phá và xé nát những bức ảnh chưng bày trong phòng. Những kẻ phá hoại đã chạy thoát trước khi cảnh sát đến.
Ông Lê Văn Khoa nói: “Nếu tất cả nhiệm sở ngoại giao VNCH đều mở những cuộc triển lãm ‘Hình ảnh đẹp Việt Nam’ thì đã không có ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Có lẽ ông muốn nói, qua hành động đập phá cuộc triển lãm của ông tại Thụy Điển, cho thấy phe cộng sản đã đặt nặng chiến thuật tuyên truyền dối trá tới đâu và rất sợ sư thật.
Nghe vụ này, tôi nhớ tới câu chuyện ông Trần Văn Ân, phụ tá chính trị của TT Nguyễn Văn Thiệu, đã nói với tôi khi ông trở về sau một chuyến đi Thụy Điển và mấy nước Bắc Âu với sứ mạng “giải độc” vào năm 1972. Tôi tới thăm ông tại tư gia ở Sài-Gòn, ông buồn rầu cho biết mấy nước này đã bị tuyên truyền của Việt cộng đầu độc nặng. Ông nói: “Họ ác cảm và lạnh nhạt với mình ra mặt. Tới đâu cũng nghe họ nói chính phủ VNCH là bù nhìn của Mỹ với những ông tướng thối nát.” Không có cách nào để “giải độc”, ông Trần Văn Ân đành phải nói nếu cho rằng xã hội miền Nam VN thối nát thì trong vũng bùn ấy cũng còn có những đóa sen đẹp, còn xã hội miền Bắc dưới chế độ độc tài sắt máu của cộng sản chỉ là một khối băng giá lạnh và buồn thảm, không một loài hoa nào có thể bám rễ nảy mầm.
Lại nghĩ đến xã hội Việt Nam ngày nay để thấy thương ông Trần Văn Ân và cả ông…Lê Văn Khoa! Những đóa hoa sen trong bùn?
Trở lại với buổi ra mắt “Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”. Trả lời một câu hỏi khác, một câu hỏi rất cần đặt ra cho những văn nghệ sĩ ở hải ngoại: CSVN có tìm cách dụ dỗ hay mua chuộc ông không, Lê Văn Khoa nói: “Cũng không thể tránh khỏi”.
Ông Lê Văn Khoa cho biết năm 2001, sáu năm sau ngày cha ông qua đời (1985) ông mới trở lại Sài-Gòn vì bổn phận làm con. Trong dịp này, ông có gặp người nhạc trưởng ban nhạc giao hưởng thành phố, người này đề nghị giúp ông tổ chức một buổi hòa nhạc và ông đã từ chối. Bí thư thành ủy cũng có gặp ông và đề nghị ông trở về Việt Nam sinh sống, ông Lê Văn Khoa trả lời: “Không thể được.”
Bí thư thành ủy Việt cộng: “Tại sao không được? Tôi sẽ giúp làm mọi giấy tờ cho anh.”
Lê Văn Khoa: “Tôi mà ở lại đây thì không thể trở lại Mỹ.”
Bí thư thành ủy: “Tại sao?”
Lê Văn Khoa: “Đồng bào bên đó sẽ chửi rủa tôi. Không phải chửi một mình tôi, mà chửi cả ba bốn đời nhà tôi. Và khi ấy tôi cũng không thể sống ở Việt Nam”.
Thành ủy VC: “Vì sao?”
Lê Văn Khoa: “Các ông có để cho tôi sống không?”
Ông Lê Văn Khoa cho biết viên thành ủy suy nghĩ một phút, rồi trả lời thẳng thừng: “Chỉ có chết!”
“Chỉ có chết”, nhưng nhiều người trong giới ca nhạc ở hải ngoại đã về Việt Nam sinh sống, ca hát, và đã trở thành những con cừu giả dối, sau khi đã tự trút bỏ nhân cách, nhân quyền, nhân phẩm, và để cho CSVN dùng họ vào mục đích tuyền truyền cố hữu, đánh bóng, tô màu cho cái chế độ gian ác.
Thế còn những ca nhạc sĩ ở lại ngoài này và tương lai nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại?
Ông Lê Văn Khoa cho rằng đang “đi vào ngõ bí”. Ông nói rằng ở hải ngoại nhiều người viết nhạc nhưng không biết nhạc. Họ chỉ hát vào máy cát-xét rồi nhờ ngừơi khác chỉnh lại và cho phổ biến, trình diễn, nhưng những ban nhạc hòa tấu không thể chơi được. Tóm lại là mình chỉ thưởng thức với nhau trong cộng đồng!
Nhiều người không hiểu biết âm nhạc chắc phải kinh sợ trước sự thật này.
Lê Văn Khoa là con người lặng lẽ, nhưng sống rất nhiều, làm việc rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho xã hội và quê hương đất nước, trong đó ông đã dành rất nhiều tình yêu và thì giờ cho trẻ thơ, từ đứa bé bụi đời cho tới những em sớm bước chân vào thế giới âm thanh.
Khởi đầu với chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài truyền hình Sài-Gòn khi còn là một chàng trai ở tuổi thanh xuân cho tới hôm nay với 85 tuổi đời chồng chất, Lê Văn Khoa chưa bao giờ ngừng nghỉ phục vụ xã hội và quê hương, qua nghệ thuật, và bằng nghệ thuật.
Việt Nam đã may mắn có Lê Văn Khoa.

Sơn Tùng

Virginia, cuối tháng 8, 2018