Lê Văn Khoa, một đời không phải chỉ cho nghệ thuật

Sơn Tùng

Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”, là tên của một phim tài liệu do Việt Nam Film Club vừa thực hiện và ra mắt ngày 22.7. 2018 tại Virginia, Vùng Hoa-Thịnh-Đốn. Sau đó, đã ra mắt tại nhiều nơi khác.
Nhan đề ấy đã nói lên tất cả về nội dung của cuốn phim mà nhóm sản xuất cho biết đã “được thực hiện công phu nhất từ trước đến nay của Vietnam Film Club, với phần phỏng vấn 22 nhân vật Việt Nam và ngoại quốc nhận định về sự nghiệp 65 năm đóng góp cho đất nước Việt Nam của nghệ sĩ Lê Văn Khoa trong lãnh vực giáo dục, nhiếp ảnh và âm nhạc”.
Thật vậy, nhận định về sự nghiệp của Lê Văn Khoa là điều rất khó. Sự nghiệp ấy đã khởi đầu cùng một lúc với việc thành lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam và đã đơm hoa kết trái cùng với đời sống tự do, ấm no, an hòa của người dân miền Nam cho đến khi VNCH bị đột tử năm 1975 thì sự nghiệp của Lê Văn Khoa vẫn tiếp tục thăng hoa, mang hình ảnh tươi đẹp của miền Nam Việt Nam tự do tới khắp các miền đất lạ trên thế giới, trong đó quan trọng nhất là qua âm nhạc.
Năm 1995, Lê Văn Khoa viết xong bản hợp tấu “Symphony Vietnam 1975”, hay “Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975”, và được trình tấu lần đầu tại California. Viết về buổi hòa nhạc này, Quỳnh Giao đã ghi nhận như sau: “Hồi tưởng lại sự cảm nhận của mình khi nghe hòa nhạc chúng tôi thấy rằng, quả Lê Văn Khoa đã chọn cho ông con đường khó. Ông đã lấy biến cố lớn lao của đất nước làm cảm hứng sáng tác sau 20 năm tưởng như đã lắng đọng. Nhưng dù 20 năm đã qua, biến cố ấy vẫn còn bừng bừng trong tâm tư của chúng ta. Lê Văn Khoa lại chọn một thể loại trừu tượng và cầu toàn nhất là nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về một biến cố chỉ riêng người Việt Nam mới thấm thía tới tâm can. Nhưng khác một số nghệ sĩ sáng tác Việt Nam, ông không đi thẳng vào thế giới âm nhạc không lời hiện vẫn là vùng ngự trị của nhạc cổ điển Tây phương, tức là viết một tác phẩm mang nhiều âm sắc Tây phương. Ông ngoái nhìn lại và cố bắt một nhịp cầu dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu đã quen tai văng vẳng có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ hơn. Ông cố hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới. Lê Văn Khoa cũng cố tình viết từng cảnh thu nhỏ và sắc nét được minh họa bằng dân ca quen thuộc để người nghe dễ tiếp nhận một tác phẩm diễn tả những biến cố đau thương của đất nước bằng ngôn ngữ toàn cầu là nhạc…”
Lý do viết nhạc giao hưởng, Lê Văn Khoa giải thích như sau trong một buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ở Orange County, Nam California, vào năm 2007:
“Thực ra, ý tưởng dùng nét nhạc dân tộc trong tác phẩm mình không phải là mới mẻ. Đã có rất nhiều tên tuổi âm nhạc lớn quay về cội nguồn quê hương, đưa bản sắc dân tộc vào nhạc của họ, như Chopin, Liszt, Tchaikovsky, Dvorak…
“Tôi muốn viết nhạc làm sao để đưa dân nhạc ra khỏi biên cương Việt Nam. Viết cho những nhạc cụ phổ thông thế giới để người ta chơi được thì mình phải mất đi một phần tinh túy của nét nhạc mình…
“Viết trên nền nhạc dân tộc không phải là chuyện dễ vì nét nhạc gò bó. Nhưng mình cũng phải viết vì không làm thì không có. Điệu nhạc Bình Bán Vắn mình nghe hoài, thấy rất tầm thường. Nhưng khi nó được tấu lên bằng dàn nhạc giao hưởng thì khác hẳn. Nó sáng rực lên, khác nào Cinderella được bà tiên hóa phép cho mặc bộ áo dạ hội lộng lẫy.”
Trong buổi ra mắt “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật” tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, Lê Văn Khoa cũng nói về nhu cầu phải viết nhạc giao hưởng nếu muốn đem âm nhạc Việt Nam ra với thế giới. Ông nói năm 1973 ông từng có nhiều buổi nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, một chuyên gia về cổ nhạc Việt Nam, và đã không đồng ý với nhau. Ông Ba muốn nhạc cổ truyền của mình phải chơi bằng nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, lục huyền cầm hay đàn bầu…
Theo ông Lê Văn Khoa thì chưa chắc mấy nhạc cụ đó đã là của Việt Nam, trong khi muốn người ta chơi nhạc của mình thì mình phải làm sao viết cho họ chơi được bằng nhạc cụ của họ. Ông đã nói về cây đàn Bandura, một nhạc cụ nhiều dây cổ truyền tuyệt vời của Ukraine, nhưng rất khó viết nhạc cho cây đàn này, với cả nhạc sĩ Ukraine. Nhưng Lê Văn Khoa đã say mê Bandura và đã đưa những bài dân ca Việt Nam như Lý‎ Ngựa Ô, Se Chỉ Luồn Kim, Trống Cơm vào những bản hợp tấu viết cho nhạc cụ này.
Những nhạc sĩ người Ukraine đã rất hãnh diện được trình tấu nhạc Việt Nam với cây đàn Bandura và mê nhạc cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên họ được dùng nhạc cụ này để chơi một bản nhạc ngoại quốc, và những bản hòa tấu này như một sứ giả “đã nối liền hai nền văn hóa rất xa nhau về địa lý nhưng lại rất gần trong tim và tinh thần”, như phát biểu của một nữ nhạc sĩ người Ukraine.
Nhưng, đã nói về “Symphony Vietnam 1975” thì không thể không nói tới “Ca Ngợi Tự Do”, hành âm cuối cùng này của “Symphony Vietnam 1975” đã xác lập tài nghệ âm nhạc của Lê Văn Khoa trên sân khấu quốc tế, đồng thời cũng làm nổi bật sứ mạng của một chiến sĩ văn hóa mà ông đã tự nhận lãnh từ khi dấn thân vào thế giới nghệ thuật muôn màu, muôn vẻ 65 năm trước, khi vừa 20 tuổi đời.
Giờ đây, đã 85 tuổi, mái tóc đã bạc trắng trên đầu, và lưng đã còng sâu xuống, dáng đứng của người chiến sĩ văn hóa ấy đã không hề thay đổi. Vẫn hiên ngang, hào hùng, vẫn lạc quan, và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng của Lý tưởng Tự Do trên quê cũ và ước hẹn một ngày về trong vinh quang.
Nhưng, Lê Văn Khoa không phải chỉ mang một sứ mạng cao cả trong phạm vi âm nhạc. Ông còn là một khuôn mặt lớn trong thế giới nhiếp ảnh mà ông khiêm tốn tự gọi mình là “một người chụp hình”.
Tại buổi ra mắt ngày 22 tháng 7 ở Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, trong phần “mạn đàm”, đáp câu hỏi “là một nghệ sĩ ông đã có những hoạt động gì để phục vụ quê hương, đất nước Việt Nam Cộng Hòa”, Lê Văn Khoa nói rằng bất cứ ai cũng có thể phục vụ quê hương bằng nhiều cách. Riêng ông, là “một người chụp hình”, không dám nhận là một nhiếp ảnh gia vì “chưa đủ tư cách”, dù ông đã có vài giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, ông đã dùng hình ảnh  để làm đẹp quê hương miền Nam. Ông nhận thấy muốn làm cho thế giới ủng hộ mình thì phải cho họ biết về đất nước mình, cho họ thấy những hình ảnh đẹp của quê hương mình. Về mặt này, gọi là tuyên truyền, thì mình quá yếu, trong khi đó thì cộng sản tuyên truyền rất mạnh. Họ mở những cuộc triển lãm ở ngoại quốc với những hình ảnh rất đẹp, rất sạch sẽ và an bình ở miền Bắc, còn hình ảnh trong Nam thì toàn những cảnh xấu xa, dơ bẩn, với những cô gái gần như không có quần áo gì cả, ngồi trên đùi mấy ông Mỹ đen và để cho bàn tay của những người này thám hiểm khắp nơi trên thân thể.
Trước tình thế ấy, ông Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Giáo Dục VNCH có mời ông Lê Văn Khoa tới để hỏi ý kiến, ông đề nghị nên thực hiện một bộ hình ảnh đẹp của Nam Việt Nam để đưa ra ngoại quốc triển lãm. Ông tổng trưởng đồng ý và ông Lê Văn Khoa, với sự hợp tác của nhiều nhà nhiếp ảnh, đã thực hiện bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam”, nhưng chỉ triển lãm được một lần ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Rồi ông tổng trưởng Ngoại giao cũng mời ông Lê Văn Khoa tới hỏi ý kiến và ông đề nghị nên gửi bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tới các nhiệm sở ngoại giao của VNCH trên thế giới để triển lãm. Bộ Ngoại giao đồng ý, sau đó ông có nhận được bản sao một văn thư mà Bộ Ngoại giao đã gửi cho tất cả nhiệm sở ngoại giao. Kết quả, chỉ một nơi nhận lời là lãnh sự VNCH tại Ấn Độ!
Lê Văn Khoa nói trong những nước Bắc Âu lúc ấy, ủng hộ CSBV mạnh nhất và chống VNCH dữ nhất là Thụy Điển, nhưng ông đã liên lạc được với một nhóm sinh viên bằng lòng giúp ông mở một cuộc triển lãm “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tại Stockholm. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc làm của một người, một cá nhân, để phục vụ quê hương, không phải của bộ nào hay cơ quan, tổ chức nào.
Nhưng, hôm khai mạc cuộc triển lãm có vài người đã lợi dụng lúc nghỉ trưa dùng búa, dao đập phá và xé nát những bức ảnh chưng bày trong phòng. Những kẻ phá hoại đã chạy thoát trước khi cảnh sát đến.
Ông Lê Văn Khoa nói: “Nếu tất cả nhiệm sở ngoại giao VNCH đều mở những cuộc triển lãm ‘Hình ảnh đẹp Việt Nam’ thì đã không có ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Có lẽ ông muốn nói, qua hành động đập phá cuộc triển lãm của ông tại Thụy Điển, cho thấy phe cộng sản đã đặt nặng chiến thuật tuyên truyền dối trá tới đâu và rất sợ sư thật.
Nghe vụ này, tôi nhớ tới câu chuyện ông Trần Văn Ân, phụ tá chính trị của TT Nguyễn Văn Thiệu, đã nói với tôi khi ông trở về sau một chuyến đi Thụy Điển và mấy nước Bắc Âu với sứ mạng “giải độc” vào năm 1972. Tôi tới thăm ông tại tư gia ở Sài-Gòn, ông buồn rầu cho biết mấy nước này đã bị tuyên truyền của Việt cộng đầu độc nặng. Ông nói: “Họ ác cảm và lạnh nhạt với mình ra mặt. Tới đâu cũng nghe họ nói chính phủ VNCH là bù nhìn của Mỹ với những ông tướng thối nát.” Không có cách nào để “giải độc”, ông Trần Văn Ân đành phải nói nếu cho rằng xã hội miền Nam VN thối nát thì trong vũng bùn ấy cũng còn có những đóa sen đẹp, còn xã hội miền Bắc dưới chế độ độc tài sắt máu của cộng sản chỉ là một khối băng giá lạnh và buồn thảm, không một loài hoa nào có thể bám rễ nảy mầm.
Lại nghĩ đến xã hội Việt Nam ngày nay để thấy thương ông Trần Văn Ân và cả ông…Lê Văn Khoa! Những đóa hoa sen trong bùn?
Trở lại với buổi ra mắt “Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”. Trả lời một câu hỏi khác, một câu hỏi rất cần đặt ra cho những văn nghệ sĩ ở hải ngoại: CSVN có tìm cách dụ dỗ hay mua chuộc ông không, Lê Văn Khoa nói: “Cũng không thể tránh khỏi”.
Ông Lê Văn Khoa cho biết năm 2001, sáu năm sau ngày cha ông qua đời (1985) ông mới trở lại Sài-Gòn vì bổn phận làm con. Trong dịp này, ông có gặp người nhạc trưởng ban nhạc giao hưởng thành phố, người này đề nghị giúp ông tổ chức một buổi hòa nhạc và ông đã từ chối. Bí thư thành ủy cũng có gặp ông và đề nghị ông trở về Việt Nam sinh sống, ông Lê Văn Khoa trả lời: “Không thể được.”
Bí thư thành ủy Việt cộng: “Tại sao không được? Tôi sẽ giúp làm mọi giấy tờ cho anh.”
Lê Văn Khoa: “Tôi mà ở lại đây thì không thể trở lại Mỹ.”
Bí thư thành ủy: “Tại sao?”
Lê Văn Khoa: “Đồng bào bên đó sẽ chửi rủa tôi. Không phải chửi một mình tôi, mà chửi cả ba bốn đời nhà tôi. Và khi ấy tôi cũng không thể sống ở Việt Nam”.
Thành ủy VC: “Vì sao?”
Lê Văn Khoa: “Các ông có để cho tôi sống không?”
Ông Lê Văn Khoa cho biết viên thành ủy suy nghĩ một phút, rồi trả lời thẳng thừng: “Chỉ có chết!”
“Chỉ có chết”, nhưng nhiều người trong giới ca nhạc ở hải ngoại đã về Việt Nam sinh sống, ca hát, và đã trở thành những con cừu giả dối, sau khi đã tự trút bỏ nhân cách, nhân quyền, nhân phẩm, và để cho CSVN dùng họ vào mục đích tuyền truyền cố hữu, đánh bóng, tô màu cho cái chế độ gian ác.
Thế còn những ca nhạc sĩ ở lại ngoài này và tương lai nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại?
Ông Lê Văn Khoa cho rằng đang “đi vào ngõ bí”. Ông nói rằng ở hải ngoại nhiều người viết nhạc nhưng không biết nhạc. Họ chỉ hát vào máy cát-xét rồi nhờ ngừơi khác chỉnh lại và cho phổ biến, trình diễn, nhưng những ban nhạc hòa tấu không thể chơi được. Tóm lại là mình chỉ thưởng thức với nhau trong cộng đồng!
Nhiều người không hiểu biết âm nhạc chắc phải kinh sợ trước sự thật này.
Lê Văn Khoa là con người lặng lẽ, nhưng sống rất nhiều, làm việc rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho xã hội và quê hương đất nước, trong đó ông đã dành rất nhiều tình yêu và thì giờ cho trẻ thơ, từ đứa bé bụi đời cho tới những em sớm bước chân vào thế giới âm thanh.
Khởi đầu với chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài truyền hình Sài-Gòn khi còn là một chàng trai ở tuổi thanh xuân cho tới hôm nay với 85 tuổi đời chồng chất, Lê Văn Khoa chưa bao giờ ngừng nghỉ phục vụ xã hội và quê hương, qua nghệ thuật, và bằng nghệ thuật.
Việt Nam đã may mắn có Lê Văn Khoa.

Sơn Tùng

Virginia, cuối tháng 8, 2018

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *