Cuối Năm Nhớ Quê Xưa

Những vần thơ nhung nhớ quê hương
của một số nhà thơ vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
anh-hoa-mai-ngay-tet-14

Sống xa quê hương ai cũng có ḷòng tưởng vọng về chốn cũ. Riêng đối với các nhà thơ, nỗi lòng nhung nhớ đó được giàn trải thành những vần thơ dâng đầy sầu cảm:

       “Xót xa thân phận ly hương
        Tạm dung đất khách chán chường người ơi!
        Sầu nghiêng cuối nét lệ rơi
        Năm châu lê bước! Chơi vơi nỗi buồn”
       (Vũ Hối)

      “Ta từ lưu lạc quê người
        Thân nương đất khách gượng cười tháng năm
        Quê ta muôn dậm xa xăm…”
       (Quỳnh Anh)

Quê nhà cách xa cách mịt mù, sóng trùng dương mãi vỗ điệu thảm sầu như gợi thêm lòng nhung nhớ cho thân phận kẻ lạc lõng nơi quê người:

       “Như loài cá mỗi năm về cội cũ
        Ta cũng mỗi năm quê cũ kêu thầm
        Sóng vẫn vỗ theo nhịp hồn ủ rũ
        Đời vẫn mơ sao trời chẳng hồi âm”
        (Nguyễn Thị Thanh Bình)

       “Nơi đây đất nước quê người,
        Xót thân lạc lõng, ngậm ngùi quạnh hiu”
       (Anh Độ)        

       “Nhớ thương biết gửi về đâu
        Hoàng hôn ngả bóng một màu hoang vu
        Quê ta xa cách mịt mù
        Trùng dương sóng vỗ phù du bập bềnh”
       (Quỳnh Anh)

Hình bóng quê hương ám ảnh trong tâm tư đến nỗi nhà thơ đặt chân tới đâu cũng phảng phất thấy phong cảnh quê người giống quê mình:

      “Cảnh đâu lại giống quê mình nhỉ?
        Dễ gợi buồn thương với ước mong”
      (Hà Bỉnh Trung)

Những con sông quanh co uốn khúc của miền Nam nước Việt cuồn cuộn dâng trào kỷ niệm thơ ấu vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm tư:

      “Những nhánh sông tôi nhớ
        Đày ắp màu tuổi thơ
        Theo tôi vòng thế giới
        Nuôi lớn hồn nước non.”
      (Nghiêu Minh)

Những cây trái vườn xưa quá thân thương in đậm hình ảnh trong tâm hồn kẻ ly hương, vào sâu trong tiềm thức:

       “Mẹ ơi! mấy mùa bông bí nở,
        Là đã mấy mùa con tái tê!
        Chẳng tròn giấc ngủ, nghìn đêm nhớ
        Tình con thắm thiết mãi hương quê!”
       (Vũ Hối)

       “Ở phương xa nhớ về vườn mía
        Lóng mía mật vàng ngọt sắt son
        Ôi nhớ quá hương trời cố xứ
        Mía vườn nuôi ngọt cả hồn con!”
       (Giang Hữu Tuyên)

Hương thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi và ướp mãi trong trái tim người xa xứ:

       “Lưu lạc bao năm đất nước người
        Hướng về quê mẹ vạn trùng khơi
        Nhớ sao những buổi chiều êm vắng
        Ngào ngạt hương ngâu tỏa khắp trời”
       (Trương Anh Thụy)    

Trong xã hội đầy tiện nghi vật chất của nền văn minh tân tiến nước người nhà thơ vẫn khó quên được những âm thanh quê nghèo cũ:

       “Tiếng thầm
        có phải mưa không?
        nửa đêm
        thèm bếp lửa hồng quê hương!
        để nghe tiếng củi
        reo giòn
        để nghe mưa giọt giọt buồn hiên tranh”
       (Vi Khuê)

Tuy đã biết “gió mưa là bệnh của trời” nhưng sao tiếng mưa gió tại quê người vẫn có vẻ buồn hơn thế nhỉ?:

       “Tí tách… trạnh lòng người viễn xứ
        Rì rào… thêm gợi mối tình quê
        Lao xao gió, lá, mưa hòa điệu
        Nhạc khúc ly hương dạo não nề”
       (Trương Anh Thụy)  

       “Nơi đây mưa nắng thất thường
        Cúi đầu mơ bóng cố hương ngút ngàn”
        (Anh Độ)

Đại dương mênh mông chia cách đất khách với quê xưa, vẳng trong tiếng sóng biển dào dạt bản tình ca bất tận giữa đất trời nhà thơ tưởng như biển cũng có thể chuyên chở được chút hơi hướng về quê mẹ:

       “Mỗi khi nhớ đến quê hương cũ
        Xuống biển tìm hơi hướng đất xưa
        Sông núi hỡi ơi! Tình ấp ủ
        Còn dâng con sóng đến bao giờ?”
        (Hà Bỉnh Trung)

Nhà thơ đôi khi thoáng chút e ngại. Sợ rằng khi có dịp trở về thăm nơi cũ thời chắc mái tóc đã bị nhuộm trắng vì thời gian, vì suy tư và mình bị ngỡ ngàng trước cảnh xưa:

      “Mai về tóc bạc đìu hiu
        lạ quê lạ cảnh nắng chiều cũng quên
        hồn ta phong rủ miếu đền
        Vườn hoang trái dại lộn tên đổi hình”
      (Nghiêu Minh) 

Trong tình hoài hương không phải chỉ nhớ “cảnh” mà còn cả nỗi nhớ “người” nữa, nhất là nhớ những người còn ở lại, những bà con thân nhân ruột thịt:

       “Thâm tình cốt nhục chia đôi ngả
       Tin nhạn luôn luôn mỏi mắt chờ”
      (Kim Y)

        “Tôi nhớ quê, và tôi nhớ người
       Mênh mang trời biển cách xa xôi
       Đâu đây còn chút hơi trong sóng
       Hơi của non sông, của giống nòi”
       (Hà Bỉnh Trung)   

Người đây có thể chỉ là những bạn cũ, những kẻ tri âm đồng điệu:

        “Bạn bè phía bển đông vui nhỉ
       Miệt này chóc ngóc một mình tôi”
      (Trần Quốc Bảo)

        “Tôi vẫn biết quê nhà còn bạn cũ
       Tình cố nhân ngùn ngụt ấm tâm can”
(Hà Bỉnh Trung)

Trong cái ồn ào náo nhiệt của đời sống đô hội xô bồ tại nước ngoài lòng nhà thơ có lúc trùng xuống, nhớ lại những buổi trưa hè êm ả tại quê xưa nơi vẳng lên âm thanh tha thiết thân thương và bình dị, tiếng Bà ru cháu:

       “Trên cánh thời gian chợt trở về
       Tiếng bà ru cháu… tưởng vừa nghe
       Tình quê thành đỉnh trầm thao thức
       Luôn ngát dù hương gió cuốn đi”
      (Nguyễn Đức Vinh)

Đôi khi tri kỷ hầu vắng bóng, nhà thơ đành kết bạn với vầng trăng viễn xứ:

       “Vời tổ quốc, ngẩng đầu vướng núi,
        Mở mắt rồi lại cúi nhìn sông
        Trăng cao bóng nước mây lồng,
        Mang sầu vong quốc thả dòng nước trôi”
       (Anh Độ)

Nhà thơ như muốn nhờ mặt trăng trên cao làm trạm chuyển tiếp đưa lòng nhung nhớ về chốn cũ:

       “Sông dài, trời rộng, núi cao
       Trăng khuya vời vợi dạt dào tình quê”
       (Vũ Hối)

        “Lặng nhìn trăng biển về Tây,
        Nhớ quê cách nửa vòng quay địa cầu”
       (Hà Bỉnh Trung)

Lòng hoang vắng, kẻ ly hương thấy trăng cũng có vẻ đồng điệu, đôi lúc cũng đi hoang như người:

       “Hồn ta lạc lõng nơi đây
       Nhìn trăng trăng cũng đếm ngày đi hoang”
      (Nghiêu Minh)

Cuộc sống xa xứ cũng đã đủ khiến lòng người lạnh lẽo, nhà thơ lại thấm lạnh thêm vì ngoại cảnh. Tuy thế tuyết lạnh bên ngoài có lẽ cũng không so sánh được với cái buốt giá trong tâm hồn con người:

      “Bao la đất khách một trời sương
       Tuyết trắng phau phau lạnh nẻo đường”
      (Anh Độ)

        “Tuyết trắng ngoài kia, trời đất não nùng,
       Và băng giá trong lòng người xa xứ”
       (Lê Thị Ý)

Đôi khi bão tuyết mịt mùng, chôn lấp cảnh vật, chôn sâu thêm nỗi niềm nhung nhớ. Trong cái màn sương tuyết phủ trắng đất trời đó bóng người chập chờn mờ mờ, ảo ảo, như thực, như hư:

      “Ngoài kia tuyết trắng ngập đầy
       Vùi sâu nỗi nhớ những ngày ly hương”
      (Hà Bỉnh Trung)

      “Tuyết rơi phủ trắng nẻo đường,
        Bóng người như thể chập chờn bóng mây”
       (Anh Độ)

Khi cả một bàu trời tuyết bay trắng xóa lòng người cũng lạnh trắng vì kỷ niệm xưa. Trong nhung nhớ nhà lại mượn ruợu giải sầu:

       “Uống đi rượu đã rót rồi
       Cạn ly để nhớ một thời ly hương”
       (Lê thị Ý)

      “Những khi tuyết rụng tơi bời
       Rượu năm bảy chén chưa nguôi dạ sầu”

     (Anh Độ)

Sầu vì nhớ quê, sầu vì nhớ bạn. Vắng bóng kẻ tâm đầu, ý hợp nhà thơ đành uống rượu một mình. Hình bóng tri kỷ hầu như thấp thoáng ẩn hiện dưới đáy ly:

       “Mơ nhìn tri kỷ trong ly rượu
       Lúc này: mưa tuyết: một mình ta”
       (Anh Độ)

Dưới đáy ly đọng muôn vàn nỗi nhớ! Hãy cạn ly để vơi đi nỗi sầu:

      “Quê hương bỏ lại từ lâu
       Người ơi xin cạn chén sầu cùng ta
       Chiều nay chợt thấy nhớ nhà
       Vườn sau cỏ cháy, lệ sa giọt dài”
      (Lê Thị Ý)

Hãy cạn ly! Hãy say đi để khỏi suy tư thêm nữa:

      “Thà say ngủ tít quên đời
       Còn hơn khi tỉnh nhớ người quê xa”
                                                           (Hà Bỉnh Trung)                                                     

Được lòng hoài hương gợi hứng nhà thơ đem cả tâm tình gửi vào những vần điệu. Những vần thơ đầy cảm xúc, đầy nhạc tính, nghe thân thương âm hưởng ca dao đất Mẹ:

       “Cố hương xa mấy trường đình
        Xin đem gởi trọn tâm tình vào thơ”…
      “Thơ vần lục bát đôi câu
        Cùng ngâm cho nhẹ nỗi sầu ly hương”…
                                                           (Anh Độ)                                                      

Dù nơi đất khách phong cảnh có đẹp đến thế nào chăng nữa cũng không làm nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà:

      “Trời Hoa Thịnh Đốn giăng hoa
       Lòng người tỵ nạn vẫn da diết sầu”
      (Lê Thị Ý)

       “Này quê hương mới, quê hương tạm
        Ta chỉ dừng chân quên nỗi đau
        Em kiêu sa quá làm ta nhớ
        Vườn cũ quê nhà ngát hương cau”
      (Quỳnh Anh)

       “Mỗi buổi sáng
       Thức dậy ngỡ ngàng với sự hiện diện của mình
       ở miền đất tạm dung
       Thủ đô xứ người, kiến trúc đồ sộ, ánh sáng chói chang,
       âm thanh xa lạ
       Tất cả không quen thuộc, không luyến thương
       Chỉ thấy thờ ơ lạnh nhạt”
       (Trần Quốc Bảo)

Saigon, thủ đô miền Nam cũ, nơi biểu tượng của đất nước, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm vui buồn. Thành phố nay tuy mang tên lạ nhưng vẫn gây nỗi nhớ chập chờn trong lòng người:

       “Anh ôm hôn cả Saigon
        Nghiêng vai nghe thoáng chiều thơm Thị Nghè
        Hôn ngàn khơi cánh chim xa
        Cho nguôi phút nhớ quê nhà Á Châu”
       (Nguyễn Đức Vinh)    

        “Saigon ta đã mất người
        Saigon nay đã đổi đời thay da
        Ngẩn ngơ giữa xứ cờ hoa
        Xé tờ lịch biết đã qua một tuần”
       (Lê Thị Ý)

Nhớ thương chồng chất, tuy “xa mặt nhưng chẳng cách lòng”, ngàn đời những nơi cũ, những địa danh một thời biểu tượng cho quê hương đất nước vẫn tồn tại trong tâm hồn ly khách:

       “Ngàn năm Gia Định vẫn còn
        Ngàn năm không mất Saigon người ơi
        Tánh danh là tánh danh rồi
        Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh”
                                                                 (Nguyễn Đức Liêm)                                                        

      Đồng đất nước người với tình trạng kinh tế khắp nơi nói chung tạm coi là khá giả sung túc, nhà thơ chạnh lòng nghĩ đến bao nỗi khốn khó tại quê nhà:

       “Mỗi lần nhớ đến quê nghèo khó
        Là mỗi lần nghe tiếng thở dài”
       (Hà Bỉnh Trung)

      “Thương về quê mẹ dạ nao nao
       Tuởng tượng tình dân khổ biết bao”
       (Kim Y)

Mường tượng ra cuộc sống người dân Việt trên quê hương phải đổ mồ hôi pha lẫn nước mắt nhiều khi loang thắm thêm cả máu hồng:

       “Kìa Anh! Sao chửa hết mơ màng?
       Nhìn sắc thu hồng ngờ máu loang
       Của cả toàn dân trên đất Việt
       Đang dần nhuộm thắm khắp giang san”
                                                                  (Trương Anh Thụy)                                                       

Tuy phải bỏ xứ ra đi nhà thơ vẫn luôn luôn coi mình là dân Việt. Thân xác này và cả tâm hồn này vẫn có nguồn gốc Việt, gió bụi cuộc đời khó vùi dập:

       “Tôi đi như thể tôi còn sống
        Về đến nơi nào hỏi nắng mưa
        Rằng xác thân tôi thì đã Việt
        Hồn tôi mấy gió bụi cho vừa”
       (Nguyễn Đức Liêm)

Dù phải hội nhập với xã hội mới nhà thơ vẫn hoài niệm đến những gì thuộc về quá khứ, nặng dân tộc tính:

       “Tôi từ thay vạt áo dài
        Tôi là tôi rất quái thai khó nhìn”…
       “Một sớm nào đây thành công dân Mỹ
        Vẫn da vàng, rau muống mẹ Việt Nam”…
       (Lê Thị Ý)

Nhà thơ khuyên các thế hệ con cháu đừng quên đi nguồn gốc của mình và vững tin ở một tương lai rực ánh vừng dương:

       “Đừng cúi mặt tủi phận màu da
       Một mai chim rồi quen tiếng hót
       Ở nơi nào cũng đánh thức bình minh
       Hót đi con giọng điệu thanh bình”
                                                             (Nguyễn Thị Thanh Bình)                                                      

Kẻ ly hương tự cảm như bèo trôi bồng bềnh trên sóng nước và mong có dịp được trở về bến cũ, hay như cánh chim lạc đàn mong có ngày về tổ ấm nơi quê mẹ:

       “Bèo trôi trôi mãi có ai ngờ
        Chớp mắt qua rồi mấy chục thu!
        Nước có bao giờ xoay ngược hướng
        Đưa bèo trở lại bến đò xưa?”
       (Kim Y)

       “Bao giờ chim lạc bay về tổ
        Dưới mái tranh xưa ngẫm chuyện đời”
       (Trương Anh Thụy)

       “Xa tít nơi kia cõi khác đời
        Tận chân trời mộng vắng mây tôi
        Bao giờ mọc cánh bay về được
        Cho hết bây giờ tê-tái-tôi”
       (Nguyễn Đức Liêm)      

Tình hoài hương ấp ủ trong tim, vương vấn trong lòng người và càng mãnh liệt hơn với tuổi tác thêm cao, với tháng ngày chồng chất:

       “Tuổi hạc hằng mong được trở về
        Bên bờ Tô Lịch viếng thăm quê
        Từ đường chùa miếu, lăng tiên tổ
        Ngắm lại đồng xanh, ngắm lũy tre”
       (Tô Giang Tử)

Mai đây con người phải trở về với cát bụi mất rồi, sợ thời gian chẳng dừng cánh đợi chờ, ly khách đành gửi cả tâm sự mình vào trong sách với niềm hy vọng bừng lên rực rỡ tin vào sự đổi thay khắp nơi:

       “Quê hương ừ đã rất xa
        Một mai tro bụi trải ra xứ người”…
        Một buổi nào đây thế giới chuyển mình
       Về quê cũ vòng tay đầy hạnh phúc”…
       (Lê Thị Ý)

       “Gởi hồn theo sách về thăm nước
        Cát bụi thân mình lại xót xa
        Giá có hồn thiêng sông núi thực
        Ngày nào ta trở lại quê nhà”
       (Vi Khuê)

Nhà thơ mường tượng ra ngày về, cảnh ngoài rực rỡ, tình trong đậm đà, lòng người thêm phấn khởi:

      “Saigon, tôi thú thương đau
       Saigon tôi thích cái màu tươi xưa
       Tôi về lặng lẽ hơn mơ
       Tôi về vang dội trên bờ Đồng Nai
       Tôi đem giấy ngắn, tình dài     
       Tôi đem bĩ cực, thái lai Saigon”
       (Nguyễn Đức Liêm)

Chỉ cần tưởng tượng ra cái cảnh hồi hương cũng đã đủ làm nhà thơ dâng hoài cảm, xúc động:

       “Bỗng liên tưởng đứng kề bến cũ
        Bắc, Trung, Nam nhớ đủ biển, khơi.
        Hồn thiêng sông núi vẫy mời,
        Đàn con di tản khắp nơi sớm về”
       (Tô Giang Tử)

Trong khi chờ đợi một ngày về nguồn đầy vinh quang sáng lạn, nhà thơ nhắc nhở đồng bào:

       “Đừng quên nguồn gốc Việt nam
        Giữ thơm nòi giống, bảo toàn quê hương
        Mai này lịch sử sang trương
        Chen vai sát cánh Nam phương tiến về”
       (Trương Anh Thụy)

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Virginia, USA, tháng 12 năm 2015

“Người Thơ Chỉ Có Tuổi Đôi Mươi. “

Ngô Tằng Giao

     Nhà văn, nhà thơ HÀ BỈNH TRUNG lại ra mắt sách một lần nữa. Kỳ này hầu như để đánh dấu hơn 60 năm cầm bút của mình. Tác giả từng là chủ bút, chủ biên… của nhiều báo chí, đặc san từ năm 1951 ở Hà Nội kéo dài cho tới ngày nay nhưng sức sáng tác vẫn bền bỉ. Gia tài văn học tính tới nay khá đồ sộ: 12 tập truyện (dài có, ngắn có). 16 tập thơ (kể cả sáng tác lẫn dịch thuật, thơ tiếng Anh và kịch thơ) v.v… Hiện nay tác giả là chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn. Trong buôỉ ra mắt sách ngày hôm nay tất cả có 3 tác phẩm được mang trình làng: một tập truyện ngắn và hai tập thơ.*

Tập truyện “MỘT CHUYẾN ĐI” gồm 8 truyện ngắn sáng tác và 6 truyện dịch.

Truyện dịch được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của hai tác giả là Charles Baudelaire và Guy de Maupassant. Truyện chỉ có mục đích để độc giả có dịp so sánh cách viết truyện của người Việt mình với người ngoại quốc mà thôi.

     Nói chung thời các nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Hà Bỉnh Trung dễ dàng gặp nhau, quen nhau rồi yêu nhau. Khi thì gặp gỡ bên bờ sông lúc câu cá. Khi thì cận kề trong phòng đợi ở một phi trường. Có lúc lại bất ngờ gặp nhau trên một chuyến tàu đi du lịch ngoài biển khơi…

Đặc biệt là một nữ sinh viên văn khoa yêu thơ, rồi yêu người làm thơ khi khám phá ra đó là ông Thầy dạy mình. Dù Thầy trò tuổi tác cách nhau đến cả 2 con giáp nhưng tiếng sét ái tình của cả đôi bên đã bùng nổ quá nhanh chóng vì chỉ diễn ra trong một buổi tan học…

Để phát biểu về những sự kiện quá đặc biệt này tác giả ghi lại rằng mình muốn: “Lớp người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 ở Mỹ thay đổi về cách sống và cách suy nghĩ. Xa dần ý niệm bảo thủ. Chấp nhận lối sống phóng khoáng và tự do trong đời sống và tình yêu.”

Tác giả đưa ra một quan niệm khá độc đáo về sự phân biệt tuổi trẻ với tuổi già: “Còn những người trên 65 dù lên tới 75, 85 hay hơn nữa mà vẫn hăng hái hoạt động trong cộng đồng, trong xã hội, trong các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thì người ấy vẫn còn trẻ.   

*

     Hai tập thơ mang tên “TÂM SỰ” gồm 90 bài thơ và “NHỮNG NÀNG THƠ” gồm 115 bài.

Thơ của nhà thơ Hà Bỉnh Trung từ mấy chục năm nay gần như điêu luyện với đủ thể loại. Còn đề tài thời rất đa dạng. Nhưng hầu như đa số là ngả về Tình Yêu. Chính vì thế trong 2 tác phẩm thơ mới này Tình Yêu cũng “chất ngất lên ngôi.”

Nói tới Tình Yêu tất nhiên phải có chuyện hẹn hò, rồi tặng hoa, đôi khi ôm ấp và khi xa cách thì nhung nhớ v.v… Đối tượng thường là người đẹp, từ cổ chí kim vẫn vậy. Chỉ cần ghi lại tên mấy bài thơ của tác giả cũng đủ thấy, nào là “Vọng mỹ nhân”, “Em đi, ai sẽ là hoa hậu” và  “Nàng thơ hoa hậu” v.v…

Khi yêu thời chỉ cần một cái “nhìn” đưa tình cũng đủ làm rung động lòng người:

          “Chỉ một buổi gần nhau, đời cũng đẹp
          Chỉ nhìn nhau cũng nhịp loạn con tim.”

Rồi đến “cặp mắt”, rồi đến “vành môi”. Khi thì đẹp như hoa:

          “Tâm tình em rộng mở
          Qua đôi mắt đen trong
          Một bông hồng chớm nở
          Trên đôi môi em hồng”

Khi thì nóng bỏng khiến cho cơn sóng tình dào dạt:

          “Môi em đỏ nét son còn nóng
          Và mắt huyền em chợt gợi tình.”

Tất nhiên không thể thiếu một nụ hôn khi những lời yêu đương được thốt ra:

         “Anh sẽ nói yêu em
          Em không tin, em hỏi
          Một nụ hôn êm đềm
          Thay những gì anh nói.”

Lại còn phải kể đến “cặp má” nữa chứ:

       “Má hồng thắm, mảnh mai thân dáng liễu
        Không một ai tả được vẻ yêu kiều”

Và còn mái tóc, làn da, giọng nói, dáng người v.v… thôi thì đủ cả mọi nét diễm kiều của con người đẹp luôn luôn được các thi nhân phong lên ngôi vị hoa hậu.

Tình Yêu phát xuất từ hồi còn trẻ, tâm hồn còn ngây thơ nhưng vẫn say đắm và bồng bột:

          “Nhớ ngày ấy, ta hãy còn thơ dại
          Vừa gặp nhau ta đã vội yêu ngay
          Yêu mê đắm như người yêu thuốc sái
          Mê rượu men, nồng tinh chất dễ say.”

Tình Yêu kéo dài tới tuổi già mặc cho thời gian trôi qua:

          “Cuối đời càng thấy yêu nhau
          Thời gian trôi chảy ngàn sau vẫn còn”

Tình Yêu tồn tại đến tận cuối con đường trần thế dù cho có bị cách trở chia xa:

          “Cuối đời càng thấy yêu đời
          Cách xa càng thấy yêu người cách xa.”…

Tình Yêu kéo dài tới tận cả kiếp sau nữa họa chăng mới đủ:

          “Một đời không đủ để yêu nhau
          Thì hẹn cùng em cả kiếp sau.”

Tình Yêu vẫn dạt dào nổi sóng trong biển tình dù đã biết cuộc đời là giả tạm, là “vô thường”:

          “Thế gian một cõi vô thường
          Nhân gian còn lắm đoạn đường mộng hoa
          Mai đây dù có chia xa
          Biển tình em, sóng tình ta vẫn còn”

Tình Yêu vẫn tồn tại đến vô cùng dù đã biết cuộc đời là ảo ảnh, là “sắc-không”:

          “Nếu ‘Không là sắc, sắc là không’
          Ta có còn chi để ngóng trông?
          Ta chỉ còn em, dù ảo ảnh
          Để yêu thương mãi đến vô cùng.”

Tình Yêu thúc đẩy con người lại ước muốn quay về tìm nhau chứ không mong thoát khỏi vòng “luân hồi” như tư tưởng Phật giáo:

          “Vòng luân hồi đã chứng minh
          Dòng đời theo với vòng tình yêu đương
          Ta yêu, yêu hết đoạn đường
          Lại quay về nẻo vô thường tìm nhau.”

Tình Yêu trong thơ của nhà thơ Hà Bỉnh Trung quả thật là cuồng nhiệt và mãnh liệt như thế nên nhiều khi độc giả phải thắc mắc rằng Nàng Thơ sắc nước hương trời trong những dòng thơ này là có thật hay chỉ là một nhân vật tưởng tượng được nêu ra làm đề tài hầu gợi hứng làm thơ cho thi nhân?

Nhà thơ tác giả của chúng ta lên tiếng về điểm này: “ngầm hiểu đó là một thiếu nữ hay phụ nữ mà người làm thơ có lòng yêu thích, thì nữ nhân đó là Nàng Thơ của người thơ đó.”  Tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng Nàng Thơ: “có nghĩa là cảm hứng thi ca, nguồn cảm hứng làm thơ”:

          “Trời đất bắt thi nhân giàu tưởng tượng
          Để làm thơ trong thế giới yêu đương
          Thơ ca tụng những cuộc tình không tưởng
          Những cuộc tình lớn đẹp khắp mười phương.”

Nhưng đôi khi lãng đãng trong những dòng thơ khác tác giả lại cho thấy xuất hiện một nhân vật dường như rất hiện thực và trần tục:

          “Nhiều đêm anh viết thơ cho em
          Em ngủ say sưa nằm cạnh bên”

Hiện thực đến nỗi có cả chuyện tình yêu trắc trở vì “em lên xe hoa” với người khác:

          “Vu quy nhật! nàng đã qua nhà khác
           Tôi không còn có dịp được gần nhau.

Thôi thì xin người đọc có lẽ tùy theo con tim của chính mình mà tự rút ra kết luận về điểm này!

HBT1
Nhà văn, nhà thơ Hà Bỉnh Trung từng là Hội Trưởng Hội Cao Niên, với tuổi đời gần chín chục nhưng thơ vẫn chất ngất Tình Yêu. Trong những tác phẩm của mình tác giả đã có hai thi phẩm mang tên là “Yêu mãi ngàn năm” và “Vẫn mãi yêu em.” Bởi thế trong giới văn học nghệ thuật vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn tác giả vẫn thường được mệnh danh là “Nhà Thơ của Tình Yêu.”

Tác giả Hà Bỉnh Trung từng kể lại rằng: “Có bạn hỏi tôi đã lớn tuổi rồi mà vẫn làm thơ tình vậy sao?” Tác giả chỉ cười và đọc mấy vần thơ của mình:

“Ai hỏi xuân xanh? Ta chỉ cười
Người thơ chỉ có tuổi đôi mưoi
Tim non sống trẻ và mơ trẻ
Giữ mãi tình yêu đẹp suốt đời.”

Tác giả luôn tuyên bố rằng: “Thơ tôi viết đa số là về tình yêu. Có lẽ tôi nghĩ chì có tình yêu mới là con đường đi chung của nhân loại. Chỉ riêng tình yêu mới làm rung động được tiếng nhạc lòng của con người…” Tác giả tâm sự: “Về phần tôi, ơn Trời Phật độ ban cho có tuổi thọ, tôi muốn theo đuổi viết những bài thơ tình mãi mãi chừng nào còn trí nhớ và minh mẫn, chừng nào còn cảm thấy rung động yêu đời thực tâm và tha thiết, để nói lên cho hậu thế biết tình yêu là thiêng liêng, là bất diệt và không bị hạn chế với thời gian.”

Con tim có những lý lẽ riêng của nó. Khó mà lý giải theo suy nghĩ thường tình. Xin mời quý độc giả yêu thơ văn hãy vào nhàn lãm trong khu vườn văn và thơ của nhà văn nhà thơ Hà Bỉnh Trung để có dịp cùng chung nhịp đập con tim tươi mát và trẻ trung với tác giả. Chắc chắn quý vị sẽ được hưởng những hương thơm ngan ngát của tình yêu trong một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ.

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(tóm tắt bài nói chuyện ngày 29-11-2011
nhân dịp giới thiệu 3 tác phẩm mới
của nhà văn nhà thơ Hà Bỉnh Trung)

HBT2

Văn Minh Da Vàng

Cao Nguyên

 

World_Peace_we_can_do_it

 

 

 

 

 

 

 

khi những ngón tay da vàng 
nhón chiếc kẹo chocolate màu đen 
trên bàn tiệc của người da trắng 
ánh sáng văn minh tràn vào Phương Đông 
thế kỷ hai mươi viết lời nhân bản 
bằng máu hồng trên bán đảo Đông Dương

khi những bàn tay da vàng 
gom những đồng dollar màu xanh 
trên cánh đồng tư bản bỏ vào túi riêng 
ánh sáng văn minh vụt tắt 
bởi lũ quạ đen che khuất mặt trời 
theo bản ngã sinh tồn của loài ác điểu

khi những đóa hoa anh đào 
nở thắm trong ký ức người da vàng lưu vong 
sự khát khao tự do bùng cháy 
cùng lúc tiếng chuông đảnh lễ giao thừa 
vang theo lời nguyện cầu quốc thái dân an 
nền văn mình phương đông tái hiện 
trong tim hằng triệu người dân Việt

khi những bàn tay da vàng hân hoan siết chặc 
ngọn lửa nhân quyền đốt cháy mọi nhà tù 
xây trong triều đại quyền lực quỉ ám 
ánh sáng văn minh tràn qua mọi ngõ ngách 
lũ người vong bản lộ diện và sám hối 
tòa án lương tri phán quyết: 
tất cả những ai phản bội tổ quốc quê hương 
sẽ chịu án chung thân trong nỗi đau dân tộc!

Cao Nguyên
Virginia 12/2015

Tạ Ơn

Cao Nguyên
 image
Tạ Ơn đời xóa căm hờn
Gieo hoa nhân ái ngát vườn nhân sinh
 
Tạ Ơn cha mẹ sinh thành
nuôi con lớn giữa ngọn ngành quê hương
 
Tạ Ơn người gởi yêu thương
trong dòng ân nghĩa trên đường tình đi
 
Tạ Ơn dòng thác lương tri
vẫn nồng nhịp chảy giữa nghi vấn đời
 
Tạ Ơn bằng hữu quanh tôi
chung chia vinh nhục buồn vui cõi người
 
Tạ Ơn đất, Tạ Ơn trời
cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay .
 
Cao Nguyên

Paris, Cuộc Tình Nồng

Bùi Thanh Tiên

Chiều xuống chậm trên công viên, tượng đá
Lá rơi vàng ngập lối vườn Lục Xâm
Dáng ai ngồi ghế nhỏ, nhớ xa xăm
Sương lành lạnh, nghe tiếng thu man mác.

Thu Paris, buồn tuôn giòng nước mắt
Vòng tay nào ôm chặt nỗi tha hương
Ga Lyon nghẹn ngào, vẫy tay dường tan tác
Tháp Eiffel cao vời, còn đứng mãi cô đơn…

Ánh nắng lên, Sacré Coeur rộn rã dập dồn
Khu Montmartre mang mang tình nghệ sĩ
Quán vỉa hè réo gọi bến năm xưa
Vòng tay chặt, vừa lòng nhau em nhỉ?

Moulin Rouge, đêm sâu vùng suy nghĩ
Ðôi mắt bồ câu đen láy, ngõ đi về
Sao em khóc khi dòng Seine xanh mãi?
Môi em mềm mật đắng cõi đam mê…

Paris ơi, đây buổi chiều vàng tuyệt thế
Nét hương yêu quay theo điệu valse gầy
Tay trong tay hoa bướm ngất ngây say
Ðời phiêu lãng, cuộc tình nồng bất tận…

Ivry-Sur-Seine, ngày 30-8-05.
Kỷ Niệm Mùa Thu Paris.

paris

Thu

BÀI XƯỚNG:

THU
Thấm thoắt hè qua lại tới thu,
Thu về bao cảnh gợi hồn thơ.
Trời cao thăm thẳm mây bay nhẹ,
Hồ rộng mông mênh nước lặng tờ.
Lá đã biến màu xanh đổi tía,
Trăng vừa rửa mặt tỏ thay mờ.
Hồn quê vướng vít năm canh mộng,
Nghe gió heo may luống thẫn thờ.
KIM Y PHẠM LỆ OANH
(1913-1999)

BÀI HỌA:

THU
Lá vàng phô sắc dệt rừng thu,
Ly khách lâng lâng với hứng thơ
Bao ý khơi nhanh vào mấy vận
Từng dòng ươm vội xuống đôi tờ
Thương về làng cũ: mây u ám
Nhớ đến quê xưa: gió mịt mờ
Bốn chục thu vàng thân lữ thứ
Linh hồn nước Việt mãi tôn thờ.
TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(Kính họa, Thu 2015)

Thu Cảm Nơi Đất Khách – Màu Thời Gian

tho NTG photo

Bài xướng:

THU CẢM NƠI ĐẤT KHÁCH

Thu về lã chã lá vàng rơi,
Đầm ấm ngày vui sắp hết rồi.
Cát chuyển, mây bay, mù mịt đất,
Mưa rền, sấm động, ủ ê trời.
Quê người khó kiếm đài sen nở,
Đất khách khôn trông mộng trúc chồi.
Giá lạnh, thu phong, buồn thấm thía,
Bâng khuâng chạnh nhớ nước xa vời!

TÔ GIANG TỬ (1908-1994)
(VA, Thu 1986)

Bài họa:

MÀU THỜI GIAN

Xào xạc ngoài song tiếng lá rơi,
Gió thu lành lạnh thoảng qua rồi.
Bồng bềnh mây tụ ven đầu núi,
Lờ lững nhạn chao khuất cuối trời.
Hoa úa, nụ non đua hé nhụy,
Tre già, măng nõn vội đâm chồi.
Màu thời gian ướp vàng muôn lá
Trong nhịp đời trôi mãi tuyệt vời!

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(VA, Thu 1996)