Vài Khía Cạnh Pháp Luật Trong Truyện Kiều

LS. Ngô Tằng Giao

NÀNG THÚY KIỀU ĐÓNG VAI BỊ CÁO

Trước hết phải kể đến vụ xử án khá đặc biệt mà nàng Thúy Kiều phải đóng vai bị cáo. Trong vụ án này là lúc chàng Thúc Sinh rước Thúy Kiều về làm vợ được nửa năm trời thì ông thân sinh ra chàng bấy lâu vắng nhà, vừa về. Ông cụ nổi giận bắt hai người phải xa nhau. Thúc Sinh không tuân lệnh “Ôm cầm ai nỡ rứt dây cho đành”. Thúc Ông đành phải nhờ đến “ba tòa quan lớn” xét xử hộ.
Quan tòa cho trát về đòi Thúc Sinh và Kiều lên công đường. Hai người vào hầu tòa và ngước nhìn thấy quan tòa “Trông lên mặt sắt đen sì”. Chàng và nàng là bị cáo. Tòa cho rằng hai người không thể yên ổn lấy nhau được vì chàng Thúc Sinh đã có bà “vợ cả” rồi và bên nguyên đơn là Thúc Ông lại không ưng cho chàng lấy Kiều:

“Suy trong tình trạng bên nguyên
Bề nào thì cũng chưa yên bề nào”

Quan Phủ cứ chiếu vào pháp luật mà xử rằng Kiều phải chọn một trong hai cách xử đoán: hoặc là chịu hình phạt hoặc là bị trả về lầu xanh “Phép công chiếu án luận vào”:

“Một là: cứ pháp gia hình
Hai là lại cứ lầu xanh phó về”

Nàng Thúy Kiều đã quyết một bề lấy chồng, dù phải chịu tội trước công đường chứ không muốn trở lại chốn lầu xanh. Thế là nàng bị đem ra làm tội. Bị đánh đòn tơi bời, cắn răng chịu vậy “Đào hoen quyện má, liễu tan tác mày”. Thúc Sinh trông thấy cảnh này, xót xa, vừa khóc vừa khẽ than thầm là “oan khốc vì ta”, tự nhận lấy trách nhiệm làm Kiều phải tội. Quan Phủ nghe lời than nên động lòng hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện của Kiều. Nhờ đó mà Thúc Sinh có cơ hội kể hết tự sự đầu đuôi cho quan Phủ nghe. Chàng còn nhân dịp này khoe thêm tài năng của Kiều, thổ lộ là Kiều cũng có biết làm văn, làm thơ nên xin quan xét thương cho. Thời đó đàn bà như vậy là chuyện hiếm có.
Quan ra đầu đề thơ và Kiều lập tức vâng lời tay cầm bút đề thơ. Quan khen thơ rất hay. Lại khen hai người tốt đôi vừa lứa. Quan khuyên Thúc Ông không nên rẽ duyên đôi lứa Thúc Sinh và Kiều. Quan xử theo tình cảm chứ không theo pháp lý:

“Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý, song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong”

Sau đó quan truyền sắm sửa làm lễ thành hôn chính thức cho Thúc Sinh và Thúy Kiều lấy nhau. Như vậy Kiều được “tha bổng”. Thúc Sinh ngẫu nhiên đóng vai một “thầy kiện” giỏi mồm mép và khéo léo biện hộ cho Kiều. Thúc Ông thua kiện nhưng “Thúc Ông thôi cũng giẹp lời phong ba”. Thế là êm đẹp cả đôi bên. Quan xét xử vụ kiện này thật là lạ, nhưng thời xưa ông quan là phụ mẫu của dân, thay mặt Vua, nên quyền hành rất rộng.

NÀNG THÚY KIỀU ĐÓNG VAI QUAN TÒA

– Thêm một vụ án nữa là kể từ khi nàng Thúy Kiều về làm vợ của tướng Từ Hải thời mỗi ngày vợ chồng lại càng yêu nhau thêm. “Trong quân có lúc vui vầy” nàng Kiều “Thong dong mới kể sự ngày hàn vi”. Từ Hải nghe chuyện cũ trong cuộc đời gian truân của vợ thì nổi giận đùng đùng như sấm như xét liền ra lệnh nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng để đi tóm cổ những kẻ đã lừa đảo hãm hại đời nàng Kiều trước kia và lôi về trừng phạt. Cả đám những kẻ đã từng hại Kiều thời gian trước dù ở xa xôi khắp nơi cũng vẫn bị quân lính của Từ hải ầm ầm tìm tới tận nơi bắt về “Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào” và chờ bị xử tội. Tướng Từ Hải để toàn quyền cho nàng Thúy Kiều đóng vai ngồi làm “quan tòa” xét xử:

“Từ rằng: ‘Ân, oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”

Nàng Kiều lên tiếng nhắc đến lý công bằng và nguyên nhân tội ác của bọn tội phạm rồi phán nếu các ngươi không làm hại ai thì khi nào lại bị trình diện ở đây mà lãnh hình phạt. Danh sách các bị can khá xôm tụ:

“Trước là Bạc Hạnh, Bạc Hà
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh,
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh”

Tuy rằng việc xử đoán do nàng Kiều chủ tọa song mọi mệnh lệnh đều do Từ Hải theo ý Kiều mà truyền ra cho nên khi Kiều phán là các bị can này có tội thời lập tức đội quân đao phủ tâm phúc của chủ tướng Từ Hải ra tay thi hành án ngay. Tất cả nhóm bị can này đều bị chém đầu:

“Các tên tội ấy đáng tình còn sao?
Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình,
Máu rơi thịt nát tan tành”

Nàng Thúy Kiều đóng vai… quan tòa trong vụ xử án này thật quả là không danh chính ngôn thuận và trái với nguyên tắc tố tụng. Thường thì trước “vành móng ngựa” thoạt tiên một bên là phía công tố phải đưa ra bằng chứng rồi lên tiếng buộc tội. Kế đó, ngược lại, bên bị can có quyền lên tiếng biện bạch về tội trạng của mình hay nhờ một ông “thầy kiện” cãi giùm. Quan tòa ngồi giữa nghe lập luận của đôi bên xem phải trái đúng sai ra sao rồi mới xét xử và tuyên án.
Đằng này nàng Thúy Kiều vừa đóng vai công tố, tố cáo, buộc tội người ta rồi lại tự mình đóng vai quan tòa xét xử, tuyên án. Khác gì lời bà con ta thường chê một kẻ vừa tham gia trong trò chơi thể thao lại vừa đóng vai trọng tài “vừa đá banh vừa thổi còi”! Còn đâu sự vô tư nữa?
Như vậy phải gọi vụ xử án này chỉ là một cuộc báo thù mà thôi. Đúng như lời Kiều nói với mụ quản gia nhà Hoạn Thư và sư trưởng Giác Duyên rằng xin hãy dốn ngồi: “Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!” Đã gọi là trả hận như “Việc nàng báo phục vừa rồi,” thì luật pháp chỉ còn đóng vai trò phụ thuộc. Án tuyên ra hầu như để thoả mãn tình cảm cá nhân riêng tư… và trả mối hận thù.

HOẠN THƯ VÀ QUYỀN BÀO CHỮA

Mặt khác riêng trường hợp Hoạn Thư được lên tiếng giãi bày tâm can kể lể chuyện xưa tích cũ để tự bênh vực cho mình. Chính danh thủ phạm còn được quyền bào chữa cho mình thì tại sao trong vụ xử án này cả đám bị can còn lại chẳng ai được phân trần câu nào, không được lên tiếng cãi một tiếng nào và đều bị hình phạt… tử hình mà không phân biệt tình tiết nặng nhẹ khác nhau.
Trong đám bị cáo đó thấy có hai tên Ưng và Khuyển không đáng tội chết. Ưng và Khuyển là đầy tớ nhà Hoạn Thư và tất nhiên chỉ hành động theo mệnh lệnh sai bảo của chủ nhân chúng mà thôi, như Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy. Chủ mưu việc bắt cóc Kiều là Hoạn Thư và bà mẹ Hoạn Thư. Vậy mà trong khi chính danh thủ phạm là Hoạn Thư được tha bổng thời hai tên tay sai đồng lõa lại bị tử hình.
Trong tác phẩm truyện Kiều cũng đã tạo ra một nhân vật có tài bào chữa ngang tài cãi cọ của một trạng sư lành nghề, đó là nàng Hoạn Thư. Câu chuyện như sau: Nàng Thúy Kiều kể chuyện hồi trước mình bị một số người lừa đảo và hãm hại rất khổ sở. Từ Hải liền ra lệnh cho quân lính dưới trướng đi bắt những kẻ này về để xử tội. Trong đó có “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Dù sao thì Hoạn Thư cũng chỉ là một người vợ cả bị anh chồng Thúc Sinh lừa dối và giấu quanh nên phẫn uất mà đánh ghen với Kiều là vợ lẽ mà thôi chứ bản tâm nàng không muốn thế. Bị cáo Hoạn Thư khấu đầu trước mặt Kiều lúc đó là… quan tòa và lên tiếng tự biện hộ cho mình:

“Rằng: ‘Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình’ ”

Rồi Hoạn Thư lẻo mép kể lể những việc mình đối xử trước kia với Kiều không đến nỗi xấu xa tệ hại quá mức. Nào là khi bắt gặp quả tang Thúc Sinh đang tình tự với Kiều ở Quan Âm Các mà nàng không hề nói năng giận dữ gì trái lại nàng đã ngợi khen Kiều hết lời. Nào là sau khi Kiều trốn khỏi Quan Âm Các nàng cố ý bỏ qua chuyện đó không cho người đuổi theo bắt bớ. Nàng muốn chứng tỏ rằng ngoài việc chồng chung ra nàng không thù ghét gì Kiều:

“Lòng riêng riêng những kính yêu;
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai
Trót lòng, gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

Trong lời kêu ca Hoạn Thư không hề nhận là có tội. Nàng đã tự bào chữa và viện cớ để chứng minh rằng nàng vẫn kính yêu Kiều. Thật là đủ cả tình cả lý! Nói năng lễ độ mà đanh thép! Thúy Kiều bèn phán: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” và tuyên án tha bổng cho bà vợ cả này:

“Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”

Xét kỹ ra thì bị cáo Hoạn Thư này mới chính là thủ phạm đầu xỏ đã “đạo diễn” ra bao màn kịch phạm pháp và ra lệnh cho những người dưới quyền mình theo đó mà thi hành. Trong khi các bị cáo khác không được “quan tòa” Kiều cho phép tự lên tiếng “thanh minh thanh nga” bào chữa cho tội trạng của mình để rồi bị “Máu rơi thịt nát tan tành”.

THÚY KIỀU ĐỆ TỬ LƯU LINH

Nói chuyện rượu cũng không nên quên mà không nhắc tới một nhân vật nữ nổi tiếng trong văn học đó chính là nàng Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du. Nàng còn trong tuổi “vị thành niên” tức là nàng mới chỉ gần 15 tuổi :

“Xuân xanh sấp sỉ tới tuần cập kê”

Thế mà “ngày vừa sinh nhật ngoại gia” tức là vừa gặp ngày bên họ ngoại ở xa có tiệc mừng sinh nhật, cha mẹ và hai em đều sắm sửa một chút lễ vật để cùng lên đường đem dâng biếu, chỉ riêng nàng ở nhà. Trong cảnh “nhà lan thanh vắng một mình” và buồn tình nên nàng đã lén qua nhà hàng xóm tìm anh Kim Trọng để trút bầu tâm sự. Hai anh chị cùng uống rượu nhậu nhẹt với nhau đã say say:
“Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.”

Và cảm thấy thời giờ đi mau quá, tưởng như ngày ngắn không đầy gang tay “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang” Muốn kéo dài mãi thời gian để trò chuyện với nhau. Trông ra “Ác đã ngậm gương non đoài”, mặt trời lặn rồi, sắp tối rồi đấy. Kiều vội nói: “Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai” và từ biệt Kim Trọng để quay về. (Gớm! Nàng ngồi lì nhậu nhẹt cả ngày còn vẽ vời mà nói là không tiện ngồi dai, ngồi lâu. Cái nàng Kiều này thật là vớ vẩn!).
Quay về nhà thấy cha mẹ và hai em đi chưa về: “Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về” thế là nàng lại vội vàng quay lại, “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (with a quick step, she rushed out and crossed the garden) mò qua nhà chàng. Khuya rồi đấy nhé! Thật là táo tợn quá! Anh chị cùng nhau thề thốt ghi trên giấy. Kiều lấy dao cắt một món tóc để thề. Rồi hai anh chị lại nhậu tiếp:

“Chén hà sánh giọng quỳnh tương.”

Vừa mới uống rượu say tàng tàng với nhau ban chiều, đêm lại uống rượu nữa. Sự đó đối với chàng Kim Trọng đa tình có lẽ không chi lạ, nhưng đối với nàng Thúy Kiều thì cái vụ chè rượu của nàng khiến chúng ta thấy dễ nể! Hai anh chị thức thâu đêm suốt sáng truyện trò nhậu nhẹt. Các cụ cao niên mô phạm mắng cho là… đồ gái hư! Hư thật đấy! Vừa hư vừa… vi phạm pháp luật vì chưa tới tuổi được phép uống rượu (under age)! Trong những giai đoạn về sau này trong cuộc đời nàng Thúy Kiều đã không còn là… vị thành niên nữa thì OK! Nàng có quyền lai rai ba sợi. Kiều lúc ở lầu xanh uống rượu với khách. Khi say sưa thì không nghĩ ngợi gì. Nhưng khi tỉnh rượu và khi tàn canh, trời sáng, khách ra về thì nàng lại giật mình trơ trọi nên nghĩ ngợi, sợ hãi và thương xót cho thân mình:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”

Khi thì Kiều uống rượu với Thúc Sinh, cùng nhau vui miệng uống nhiều rượu mà không say, tưởng như là rượu tiên, chàng và nàng vừa đối ẩm chuốc rượu mời nhau nhậu nhẹt vừa ngâm thơ nối liền câu thơ với nhau theo phong cách chơi thơ của thi nhân thời xưa:

“Khi gió mát, khi trăng thanh
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.”

Khi bị Thúc ông cản trở hôn nhân và đưa hai anh chị ra tòa nhưng được tòa không những tha bổng mà còn kết hợp cho lấy nhau, hai anh chị xum họp vui vẻ trong cảnh phong lưu nhàn nhã lại có màn nhậu rượu, nhậu từ sáng sớm mới đáng nể chứ, đến tận trưa mới chuyển qua uống trà:

“Mảng vui rượu sớm trà trưa
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.”

Sau một năm chung chạ với Thúc Sinh, nàng “vợ lẽ” Thúy Kiều tỏ ra cũng biết điều hay lẽ phải nên tỉ tê khuyên chàng nên quay về nhà thăm bà “vợ cả” cho phải phép. Thế là lại có màn uống rượu tiễn nhau lên đường:

…“Tiễn đưa một chén quan hà”…
…“Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời”…
…“Chén đưa nhớ bữa hôm nay”…

Gần cuối truyện, nàng Kiều gặp lại chàng Kim Trọng. Khi mới gặp nhau Kiều và Kim Trọng đã có lần uống rượu với nhau suốt ngày suốt đêm. Lần này tái ngộ hai người lại một đêm bầy trò nhậu nhẹt với nhau. Hai anh chị thức rất khuya, nến đã gần cháy hết và hương trong bình đã tàn. Phải nối thêm nến và thắp thêm hương vào bình hương:

“Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

Cuộc rượu lại được dịp kéo dài! Thúy Kiều quả thật đáng được liệt vào hàng… cao thủ, đệ tử ruột của Lưu Linh. Nàng không thua kém một đấng mày râu nào khác!

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(Trích: “Chuyện Phiếm Pháp Luật”)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *