Bài Nói Chuyện Của Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh: Tại Sao Phải Học Việt Ngữ?

Lời BBT: Chúng tôi được phép trích đăng dưới đây, với sự chấp thuận của GS Nguyễn Lâm Kim Oanh, bài nói chuyện của GS tại Đêm Xuân Quảng Đà được tổ chức tại Falls Church Virginia vào ngày 19 tháng 3 năm 2016.  

Nguồn: https://vietbao.com/p112a251071/bai-noi-chuyen-cua-giao-su-nguyen-lam-kim-oanh-tai-sao-phai-hoc-viet-ngu-

nguyen-lam-kim-oanh newerBà Mộng Hoa giới thiệu về tiến sĩ giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, bà là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ cao cấp trong Bộ Giáo Dục của chính phủ Obama. Từ 2014 đến nay tiến sĩ Kim Oanh là “cố vấn cao cấp về chương trình và chính sách cho vị phụ tá Bộ trưởng Bộ Giáo Dục (undersecretary of education) ” . Thêm vào đó bà là giám đốc chương trình ngoại ngữ cho Bộ Giáo Dục Liên Bang Hoa Kỳ. Trước đây 2011-2014, bà tòng sự tại Tổng Nha Đại Học -Office of Post-Secondary Education – IFLE (International and Foreign Language Education) – Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế

________________________________________________________________________

Kính thưa Quý Vị

1. Ai là những người đang học Việt ngữ trên đất Mỹ?

Ngoài các em học sinh Mỹ gốc Việt đang theo học tại các trường/trung tâm Việt Ngữ, con có một số học sinh tại các trường Trung Học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, các trường cao đẳng cộng đồng (community colleges) và một số đại học. Đặc biệt là một số các đại học danh tiếng như Berkeley, Harvard, Cornell, Yale đều có chương trình Việt Ngữ không những là đầy đủ cấp lớp mà họ dạy lên tới trình độ chuyên môn để sinh viên có thể đọc sách tiếng Việt và làm các nghiên cứu về các đề tài liên quan tới Việt Nam. Tôi biết điều này vì chính văn phòng tôi làm việc trong Bộ Giáo Dục HK là nơi cung cấp ngân khoản cho những đại học này. (Grants) các tài trợ cho những đại học hàng năm từ vài trăm ngàn lên tới vài triệu để phát triển các chương trình ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Ngoài ra có những chương trình trang trải chi phí cho sinh viên làm (research studies) các công trình nghiên cứu tại Việt Nam từ những người nghiên cứu về môi sinh, mực nước ở sông Cửu Long, mức độ phù sa tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, …đến các học giả, nghiên cứu về đền đài lăng tẩm ở VN để so sánh với các nền văn minh khác, có người thì tìm hiểu về văn thơ Việt Nam, không những chỉ thông dịch chuyển ngữ mà còn giảng giải bình luận các bài thơ của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được thông dịch chuyển ngữ và giảng giải bình luận.

Trở lại các trường và trung tâm dạy Việt Ngữ – đa số do hoàn cảnh khó khăn thời gian eo hẹp, nên không thể nào tạo cho các em một nền tảng Việt Ngữ đủ để đọc báo đọc sách tiếng Việt. Chính vì vậy các em, nhất là khi biết tự suy nghĩ, thường cưỡng lại việc đến trường Việt Ngữ – các em có khi hỏi ngược lại cha mẹ:
Tại sao phải học Việt Ngữ? Để làm gì? Lợi ích gì trong khi các em có quá nhiều bài vở.
Lý do để duy trì văn hóa thì quá mơ hồ.
Lý do để giữ liên lạc với gia đình thì không còn chính xác –
Đa số cha mẹ các em lứa tuổi đến trường như con cái quý vị hiện diện ở đây, đa số là những người đã sống trên đất Mỹ nhiều năm, thuộc giới chuyên gia, đi làm, hòa đồng vào đời sống và xã hội HK, hoàn toàn không còn trở ngại nên Cha Mẹ nhiều khi cũng xuôi tay.

2. Học Việt văn để làm gì?

Học tiếng Việt có lợi điểm gì? – Vậy thì hôm nay, chúng tôi xin được hỏi quý ông bà anh chị cũng hai câu này – Học Việt Văn để làm gì? Học Việt ngữ thì lợi ích gì?

Tôi xin chia sẽ vài mẩu chuyện về các em Mỹ gốc Việt mà tôi đã gặp trong các trường lớp ở HK.

– Có một thời kỳ, tôi làm công việc đi giám sát các sinh viên đang thực tập dạy học (student teachers supervisor) tại các trường trong các học khu ở California.
Một hôm nọ, tôi vào lớp một cô giáo thực tập tạo khả năng song ngữ –Anh Việt – cô giáo Theresa Thảo Ly.
Trong thời gian đầu thực tập thì khô khan lắm vì bà giáo chính giao việc gì thì làm việc đó và đa số là công việc như chấm bài, kèm học sinh kém, canh học sinh giờ ra chơi – ít khi nào được làm việc trực tiếp với các học sinh – vậy mà hồi ấy, tôi thấy cô giáo này đang ngồi tại một bàn tròn và một số học sinh bao quanh, nói cười tíu tít rất vui nhộn. Trường học này trong quận Cam (Orange County) nên có một vài học sinh gốc Việt. Hôm ấy là gần ngày Lễ Mothers Day – ngày Từ Mẫu – các em làm các tấm thiếp thật đẹp và viết những lời chúc văn vẻ – có em thì làm các bài thơ ngắn, lời lẽ dễ thương. Khi biết cô Theresa Thao biết tiếng Việt, các em học sinh gốc Việt đem thiệp tới nhờ cô giáo giúp các em viết những lời thơ này qua tiếng Việt và tập cho các em đọc để các em có thể tặng cho mẹ các em

*** Thế thì đối với các em lớp 3 này – mới khoảng chừng 10 tuổi, các em ý thức được rằng có những khi sự biểu lộ tình cảm đậm đà sâu sắc ân tình nhất là qua các ngôn từ mẹ đẻ của mình – Các em phân biệt được khi các em nói, “I love you Mom with all my heart and all my soul” – có thể là mẹ các em sẽ không cảm động bằng khi em nói lên được bằng tiếng Việt: “Mẹ ơi con yêu Mẹ bằng cả trái tim con, Mẹ ơi con yêu Mẹ bằng cả tấm lòng son”……

– Ngoài việc diễn tả tình cảm trọn vẹn, tiếng Việt còn phản ảnh văn hóa Á Đông – kính trên, nhường dưới – lớp lang –Khi đứa bé nói với ông mà gọi ông là “you” và xưng là “me” ( ví dụ như là “Ong Noi, can you read me a story?” thì ông cháu đều ngang nhau hết – Ngược lại khi đứa bé nói, “Ông Nội ơi, ông đọc truyện này cho cháu nghe đi ông? “ thì không những văn hóa VN được duy trì, mà tình cảm liên hệ giữa ông và cháu được liên kết mạnh hơn.. Khi đứa bé biết xưng cháu hoặc con và biết dạ biết thưa “gọi dạ bảo vâng” khi nói chuyện với người trên, hoặc khi biết phân biệt lúc nào thì gọi bác, chú, cậu, dượng, dì, cô, thím vv thì đứa bé hiểu vị trí trong đại gia đình của nó và ngôn ngữ giúp cho nó thể hiện đuoc lễ, nghĩa. Mà trong xã hội bây giờ, khi mình biết xác định vị trí của mình trong việc giao tiếp với xã hội và hành xử đúng với sự lễ phép là chìa khóa mở cửa cho sự thành công.

– Một lần khác tôi đến thăm một trường trung học ở San Jose Eastside Union HS District trường nầy vừa xin được ngân khoản của Bộ Giáo Dục HK để mở chương trình Việt Ngữ cho các học sinh trung học vào khoảng 15 năm trước – chương trình rất khả quan vì có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, có đại học San Jose State University tạo điều kiện giúp một số các cựu giáo chức VN lấy bằng chính thức dạy học tại HK mà không phải học lại từ đầu. Các thầy cô giáo này vững vàng tiếng Việt lại hấp thụ phương pháp dạy ngôn ngữ mới nên lớp học rất sống động và hứng thú. Khi đi thăm lớp, tôi tới từng bàn học và lắng nghe các em đọc tiếng Việt hoặc xem những gì các em đang viết trong tập. Tôi thấy một em đang lẩm nhấm đọc vài câu thơ mà mắt có về đăm chiêu, tôi hỏi em đang làm gì thì em nói em đang học thuộc lòng hai câu thơ mà thầy mới dạy để chiều nầy em gặp cô bạn gái em sẽ đọc cho cô ta nghe. Em cho tôi xem tấm thiệp em làm, có hình trái tim bị nứt ( a broken heart) – và hai câu thơ em chép nắn nót bằng tiếng Việt. Tôi nói, “bây giờ em thực tập đi, đọc cho cô nghe thử xem cô có hiểu không để chiều nay gặp bạn gái đọc cho hay. Em nói ” cô bạn gái này gia đình sắp dọn đi tiểu bang khác nên em rất buồn”. Lúc đó chưa có email, tex, facebook như bây giờ. Gia đình dọn đi thì khó giữ liên lạc với nhau – chắc vì vậy em này sợ cô bạn gái sẽ “Xa Mặt, Cách Lòng” cho nên em mới chuẩn bị nói những lời từ giã ướt át như thế. Em cầm tấm thiệp đứng lên trao cho tôi mở ra và em đọc với một giọng chậm và buồn:

Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Xong em chớp chớp mắt muốn khóc làm tôi cũng cảm động hết sức. Quý vị có thấy không? Đối với em trung học mới 16-17 tuổi này, em đã hiểu được cái phong phú của tiếng Việt – em biết câu tiếng Anh em đã viết – My heart is broken when you leave – làm sao diễn tả hết cái tình cảm sâu đậm của em, trích ra trong bài thơ Những Giọt Lệ – thi sĩ Hàn Mặc Tử –

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

(có từ 15-20 trường trung học HK có môn Việt Ngữ trong chương trình Foreign Languages của trường.)

– Một câu truyện khác – Mới gần đây nhất, khoảng năm ngoái, tôi tham dự một buổi Federal International Job Fair, đại diện cho văn phòng tôi để tìm hiểu về tình hình và nhu cầu ngoại ngữ của các cơ quan khác trong chính phủ liên bang (federal agencies & departments). Tôi thấy một em mang bảng tên Jonathan Tran – tôi hỏi em có tìm được công việc nào thích hợp không. Em buồn bã nhìn tôi nói – Có một cái job đúng như em mơ tưởng – được ra nước ngoài làm việc nghiên cứu về môi trường – đó là ngành học của em – Environmental Studies – khi em đưa resume ra thì họ rất thích vì em đủ khả năng chuyên môn. Rồi họ hỏi em có khả năng ngoại ngữ không – em trả lời là có – em thông thạo tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Họ nói họ cần một người biết ngôn ngữ của một xứ Đông Nam Á – Họ nhìn bảng tên em và hỏi em có biết tiếng Việt không? Em nói em hiểu nhưng không nói, đọc và viết được. Họ giải thích là họ đang tuyển người nghiên cứu về môi trường Sông Cửu Long và họ cần nhân viên có thể làm survey với dân địa phương dọc sông Mekong. Em nói với tôi là phải chi em nghe lời cha mẹ tiếp tục học tiếng Việt lúc nhỏ.

– Điều này làm tôi cho nhớ cô con gái của cô bạn tôi ở Cali – cháu học rất giỏi, ra trường Berkeley magna cum laude về ngành báo chí và truyền thống – journalism and broadcasting – cháu được công việc tại một đài TV local. Sau hai năm có thành tích khá, cháu có cơ hội đi interview cho một chức vụ cao hơn tại một đài truyền hinh lớn – CBS – Mẹ cháu nói cháu rất háo hức vì xét thấy đủ kinh nghiệm và khả năng như trong cái job description miêu tả. Trước khi ra khỏi nhà đi đến chỗ phỏng vấn, cháu còn hôn mẹ và nói tối này sẽ đãi mẹ đi ăn mừng job mới. Hai tiếng đồng hồ sau, Mẹ cháu nhận được cái phone của cháu, cháu nghẹn ngào hỏi Mẹ:
–” Mẹ, Tại sao hồi đó Mẹ không bắt con học tiếng Việt!?” –

Mẹ cháu ngơ ngác không hiểu chuyện gì cho tới khi cháu về nhà, ngồi bịch xuống và nói với Mẹ là đài truyền hình chọn một cô Á Châu, bằng cấp và kinh nghiệm cũng ngang ngửa nhưng có đặc điểm hơn là cô ta nói được tiếng Hàn rất trôi chảy, còn khi họ hỏi cháu có biết tiếng Việt không thì cháu nói là thông thạo ở mực độ trung bình Tuy là đài truyền hình HK nhưng họ nói mỗi khi có tai biến lớn thì họ muốn có những người có khả năng interview để lấy ý kiến và quan điểm của những người từ nhiều nhóm dân và sắc tộc khác nhau. Họ nói bình thường ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng khi có tai biến thì đa số các người lớn vì xúc động nên chỉ trả lời được bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà thôi. Và có những người không trả lời khi một người lạ mặt hỏi nhưng sẵn sàng phát biểu khi thấy người phỏng vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình. Thế là vì không biết tiếng Việt mà tương lai sự nghiệp của cô bé phóng viên truyền hình Chritina Lê đang trên đà đi lên bị chận đứng.

– Ai trong chúng ta mà không muốn con cháu và các thế hệ sau duy trì được tiếng Việt. Nhưng khi con cháu đặt vấn đề, “tại sao phải học tiếng Việt?” “tai sao không bỏ thời gian học một ngôn ngữ nào hoặc một bộ môn nào mà có giá trị thực tế ngay?” tôi mong quý vị có đủ dữ kiện và lập trường phân tích cho các em thấy rõ 3 điều:

o Điểm Thứ Nhất: Tiếng Việt phong phú, súc tích và chứa đựng một kho tàng văn hóa; văn chương chữ nghĩa mà khi các em khám phá, đời sống các em sẽ có ý nghĩa thêm rất nhiều. Tiếng Việt là chiếc cầu nối giúp các em nối kết với nguồn gốc gia đình và tạo cho các em một sự tự hào và lòng biết ơn sâu xa. Cá em sẽ có cơ hội trao đổi và chia sẻ với bộ mẹ, ông bà, quyến thuộc những gì em học và em sẽ đủ khả năng hấp thụ những gì mà ông bà cha mẹ cô dì chú bác trao truyền cho các em trong các câu truyện mà lời nói yêu thương chỉ diễn tả đầy đủ súc tích nhất bằng tiếng Việt.

o Điểm Thứ Hai: Thông thạo thêm một ngôn ngữ là một yếu tố để cạnh tranh thi đua và tiến thân trong nền kinh tế toàn cầu. Tiếng Việt là một sinh ngữ gần 100 triệu dân sinh sống không những tai VN mà còn trong nhiều quốc gia khác. Khả năng Việt Ngữ là một chìa khóa mở nhiều cánh cửa nghề nghiệp cho con em chúng ta khi ra đời. Khi biết hai ngôn ngữ, việc học và hấp thụ thêm các ngoại ngữ kế tiếp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và điều nay đã được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng.

o Điểm Thứ Ba, học ngoại ngữ làm cho bộ óc con người mở mang hơn và thông minh hơn. Thật vậy, hiện tại có rất nhiều các nghiên cứu về sự phát triển của óc não – họ đã chụp hình theo dõi và chứng mình được là khi một đứa bé bắt đầu hấp thụ hai ngôn ngữ từ nhỏ thì óc nó có sự phát triển nhạy bén hơn các em lớn lên trong gia đình chỉ sinh hoạt qua một ngôn ngữ. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy các em học sinh trung học có điểm SAT cao hơn khi thông thạo một ngoại ngữ mặc dầu trên phương diện khác, các em có sức học tương tự với nhau. Và hiện tại, các nhà khoa học vẫn khuyến khích các bậc cao niên hoc âm nhạc hoặc một ngoại ngữ mới vì điều nầy chống bộ óc bị lão hóa. Các điều nầy nói lên lợi điểm của việc học ngoại ngữ nói chung và Việt Ngữ nói riêng.

– Nói tóm lại, nếu học ngoại ngữ giúp các em thông minh hơn, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thì tại sao không học Việt Ngữ như một ngoại ngữ? Các em học sinh gốc Việt học Việt Ngữ trong các trường trung học HK sẽ có điểm khá hơn vì các em sẽ được dịp thực tập nghe, nói, đọc, viết, trong gia đình hàng ngày!

Vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đặt ra là một khi chúng ta xác định lợi ích của việc các em học sinh Mỹ gốc Việt, con cháu chúng ta khi học tiếng Việt, làm sao để thực hiện việc nầy?

Như đã nói trên, môi trường học Việt Ngữ tại các trường và trung tâm Việt Ngữ là một động lực giúp các gia đình VN khuyến khích con em duy trì tiếng Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn xa hơn và làm việc khôn khéo hơn. Việc học có kết quả nhất vẫn là phải đưa môn Việt Ngữ vào dòng chính. Một số các học khu tại các tiểu bang khác đã làm và đã thành công. Tại vùng này, mùa khai trường năm ngoái, tiếng Việt đã được đưa vào Fairfax County Public School District tại Falls Church HS. Thành quả này do nhiều quý vị trong cộng đồng người Việt vùng HTĐ, VA, MD vận động mà người năng nổ nhất là cô Ngoc Giao.

Là một người luôn luôn hỗ trợ các trường và trung tâm Việt Ngữ – đã lập ra chương trình tu nghiệp sư phạm hàng năm ở CA hội tụ trên 300 giáo viên Việt ngữ về từ nhiều vùng và tiểu bang, là người đem phương pháp dạy Việt Ngữ theo lối sư phạm HK vào các trường Việt Ngữ và là người soạn thảo các bộ sách dạy Việt Ngữ cho các trung tâm và trường, tôi vẫn chủ trương việc đưa Việt Ngữ vào dòng chánh là cách tốt nhất để đem đến kết quả thật sự trong việc học Việt Ngữ.

Quý vị hãy tiếp tục đẩy mạnh Việt Ngữ vào các trường trung học trong vùng mình ở. Tiếng Việt không chỉ cho các học sinh gốc Việt mà cho tất cả học sinh muốn được chuẩn bị vào ” the global market or diverse America” – thị trường kinh tế toàn cầu hoặc một quốc gia Hoa Kỳ đa sắc và đa văn hoá – Có một phong trào đã thực hiện ở nhiều tiểu bang là khi học sinh ra trường trung học, nếu chứng minh được là các em thông thạo Anh Ngữ và bất kỳ một ngoại ngữ nào khác, bằng trung học các em sẽ có thêm một dấu ấn Song Ngữ – Seal of Biliteracy – và em được đeo vào một cái mề đay chứng nhận em có khả năng song ngữ. Khi lên đại học, các em được credit cho các trình độ học sơ khởi (beginning level) của ngôn ngữ này và có thể vào các cấp intermediate hoặc advanced level nếu đủ sức.

Quý vị cần vận động để tiếng Việt không những được dạy ở cấp Trung Học mà còn được dạy ở cấp tiểu học. Hiện tại, một số các trường trong các vùng có mức lợi tức cao có các chương trình song ngữ hai chiều – Dual Immersion Language- Học sinh học các môn toán, khoa học, và thể thao bằng một ngoại ngữ và các môn như Văn Chương, Sử, và tập đọc tập viết bằng Tiếng Anh. Các gia đình này ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ. Họ sẵn sàng có mặt tại các buổi họp của Ban Quản Trị Học Khu – (School Board meetings) để phát biểu ý kiến, yêu cầu, chia sẻ, liên kết với các phụ huynh khác cùng đồng quan điểm để vận động cho các chương trình này thành hình. Hiện tại một số các học khu tiểu học vùng HTD/VA/MD có các chương trình song ngữ hai chiều tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Hoa.

Tôi mong trong tương lai gần đây sẽ có chương trình song ngữ -Dual Immersion bằng Tiếng Việt-. Tất cả tuỳ thuộc vào sự quan tâm và nỗ lực của quý vị. Tôi sẵn sàng tư vấn và hổ trợ trong tất cả các phuơng diện chuyên môn như tôi đã từng làm với các học khu ở California, Oregon và Washington State là nơi đã có các chương trình này rồi.

Xin chân thành cảm ơn quý vi đã cho tôi được dip chia sẻ một vấn đề mà rất gần với trái tim tôi – Tôi xin cảm ơn Cô Lê Tống Mộng Hoa và quý vị trong ban Tổ Chức Quảng Đả – và xin kính chúc toàn thể quý vị một buổi tiệc thật là đầm ấm với tình đồng hương và bằng hữu trong dịp đầu Xuân.

Xin kính chào.

 GS Nguyễn Lâm Kim Oanh

Cao Niên, Tháng Hai – Mùa Lễ Tết

Ban Báo Chí tường trình

Mồng một Tết Bính Thân ở Hoa Kỳ nhằm ngày thứ hai, 8 tháng 2 năm 2016.

Đón Tết trong cái không khí lạnh lẽo của mùa Đông ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm nhiều người bỗng nhớ cái khung cảnh ấm áp và chộn rộn lo mua sắm Tết vào dịp cuối năm ở quê nhà Việt Nam giờ đã xa tít mù xa. Trong truyền thống đó,  năm nào cũng vậy, Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn  tổ chức một ngày Hội chợ Tết cuối năm để bà con người mình đến mua sắm hàng tết, hoa quả, bánh chưng, bánh tét, cây mai cành đào… và có dịp gặp gỡ người quen đón Tết tha hương. Và  nhân dịp đầu năm mới, Hội cũng tổ chức ngày Lễ Tổ Tiên và mừng thọ quý vị cao niên 70, 80, 90 và 100 tuổi. Các sinh hoạt trong dịp đầu năm mới này vẫn luôn được duy trì trong suốt hơn 30 năm hoạt động của  Hội Người  Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn. Xin mời theo dõi bài tường trình  Cao Niên, tháng hai –  mùa Lễ Tết:

new slide 1

Chợ Tết Cao Niên:

Năm nay Chợ Tết Cao Niên được tổ chức vào ngày thứ bảy 6 tháng 2 tại trường Trung Học Jeb Stuart, ở Falls Church, Virginia, gần trung tâm thương mãi Eden. Và năm nào cũng vậy, ban tổ chức thường căng thẳng theo dõi tin tức  tiên đoán thời tiết cho  ngày chợ tết . Trước đó hai tuần, cơn bão Jonas đã trút xuống vùng thủ đô hơn một mét tuyết, có ai biết trước được mưa bão của mùa đông sẽ không rơi vào ngày chợ Tết?  Năm nào tuyết rơi trắng xóa, phải hủy bỏ chợ Tết thì người tổ chức ôm đầu than thở…”người tính không bằng trời tính” hay nếu là một ngày đẹp trời, tuy lạnh nhưng không đến nỗi cắt da, như ngày chợ Tết Bính Thân năm nay thì Ban tổ chức bèn phấn khởi …tuyên bố: “Trời thương!”. Vậy mới biết người Việt mình vốn tin và  kính trọng “ông Trời”, sống sao cho “ông Trời” thương là được. Vậy thì năm nay, Trời “thương” Hội Cao Niên nên đã ban cho một ngày trời xanh mây trắng để làm Chợ  Tết.

Từ 7 giờ sáng người bán hàng đã tấp nập đưa hàng hóa vào địa điểm chợ tết. Ai cũng có phận sự phải lo. Người trong ban tổ chức thì lo treo biểu ngữ “chào mừng quan khách” ngoài cổng vào trường học. Bên trong chợ là một  khung cảnh rộn rịp của ban tổ chức đang lo treo biểu ngữ, lập bàn thờ tổ tiên và của người bán hàng đang chuẩn bị treo bảng hiệu, bày hàng bán tết.

Đến 9 giờ sáng thì mọi gian hàng đã bắt đầu tương đối ổn định, tươm tất, chuẩn bị sẵn sàng đón chào  đồng hương ghé thăm mua sắm Tết. Tết năm nay, chợ Tết Cao Niên có rất nhiều gian hàng tham dự. Theo con số của Ban Tổ Chức có hơn 60 bàn được sắp xếp trong khuôn vi của hội trường Trung Học Jeb Stuart. Ngoài đủ loại các gian hàng bày bán các mặt hàng mùa tết, người ta còn thấy các gian hàng văn hóa phẩm của Hội Văn Hóa Bắc Mỹ, các tác phẩm nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh VNPS, tranh sơn mài và ngay cả các bàn của Hội Thánh Báp tít Phục Hưng, Hội Thánh Báp tít Hy Vọng, đó là chưa kể các gian hàng của nhiều hội đoàn mà tên tuổi rất quen thuộc với cộng đồng người Việt Thủ đô như Hội Gia Long, Hội Trưng Vương, Hội Võ Trường Toản, Liên Đoàn Hướng Đạo Hùng Vương, Nhà Việt Nam vv… Thêm vào đó, năm nay Hội Y Tế Miền Đông Bắc Hoa Kỳ còn cung cấp dịch vụ khám sức khỏe miễn phí cho quý đồng hương tham dự chợ Tết.

chotet2016 1

Từ 10:30 sáng đến 11:30 sáng đã có tấp nập người vào ghé thăm chợ Tết Cao Niên. Đến 12 giờ thì chợ Tết tạm ngưng cho nghi lễ chào cờ và khai mạc. Liên Đoàn Hướng Đạo Thăng Long đã  nghiêm chỉnh rước cờ Hoa Kỳ và cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Quốc Gia vào trước bàn thờ tổ tiên. Quốc Ca Hoa Kỳ được trỗi lên qua giọng ca của Cựu Hoa Hậu Cao Niên Debbi Miller và tiếp theo đó  mọi người trong hội trường cùng hát bài quốc ca VNCH. Sau phút mặc niệm, ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh đã đôi lời khai mạc chợ Tết Cao Niên. Cũng trong dịp này, ông Chủ Tịch Cộng đồng Người Việt vùng Thủ đô Đoàn Hữu Định cũng gởi lời chúc Tết đến quý đồng hương trong vùng.

Ban tổ chức còn có hoạt cảnh Sớ Táo Quân do ông Phó Hội trưởng Nguyễn Văn Đặng thủ vai Ông Táo, Bà Kiều Nga trong vai  Bà Táo, Nghệ sĩ  Trường Tương Tư trong vai Ngọc Hoàng, Bà  Tuyết Ngọc là người soạn Sớ Táo Quân cùng GS Kim Oanh đánh trống và gõ phách phụ diễn rất điệu nghệ.

Không khí sau đó  bỗng trở nên vui nhộn với tiếng trống, phèn la khi đội múa lân mừng Tết nhập cuộc. Hội trường chợ Tết trở lại náo nhiệt như cũ. Càng lúc số người tham dự càng đông. Tính đến cuối ngày con số người tham dự (với giá “vé vào cửa ủng hộ ” là $3)  lên tới gần 1400 người. Có nhiều lúc hội trường không còn chỗ chen chân. Nhiều đồng hương và người bán hàng đề nghị với Ban tổ chức có lẽ năm sau cần tìm một chỗ rộng rãi hơn để tổ chức chợ tết, vì như vậy sẽ có khu vực để trình diễn các tiết mục mang tính văn hóa đặc thù  của người Việt đón Tết như cách trang hoàng nhà cửa, lì xì và chúc tết, áo dài ngày Tết vv..

IMG_0193

Chợ Tết Cao Niên đã bế mạc vào lúc 4 giờ chiều như chương trình dự trù.

Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ

Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ Bính Thân  được Hội Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức tại trụ sở Hội vào ngày 20 tháng 2 năm 2016 cùng với phiên Họp Hội Đồng Cao Niên tháng 2. Một lần nữa Trời “ thương”,  ban cho một ngày mùa đông “ấm áp” nhất. Có rất đông đảo  hội viên, quan khách,  thân hữu đến tham dự, chật cả phòng hội.

letotien 1

Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng nghiêm chỉnh và trang trọng với hàng chữ lớn  Lễ Tổ Tiên. Trên bàn thờ là lư hương  đèn, các lễ vật xôi trái cây hoa quả vv…và có cả một con heo quay do chủ nhân nhà hàng XO tặng Hội Cao Niên trong dịp lễ Tổ Tiên đầu năm nay. Hai bên bàn thờ là ba vị cao niên phụ tế với áo dài khăn đóng cổ truyền. Sau nghi thức chào cờ mặc niệm, cụ Chủ tế Nguyễn Đình Kỳ trong áo dài khăn đóng màu đỏ cùng với ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Cộng Đồng và ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh đã tiến lên dâng hương trước bàn thờ Tổ Tiên. Sau nghi lễ dâng hương, ông Hội trưởng Nguyễn Mậu Trinh và Chủ Tịch Đoàn Hữu Định phát biểu vắn tắt về ý nghĩa Lễ Tỗ Tiên và tán dương truyền thống chúc thọ cao niên đầu năm mới.

mung tho 100 newest

mung tho 90 newmung tho 80Năm nay trong lễ mừng thọ, Hội Cao Niên chúc mừng hai cụ Bà trên 100 tuổi là cụ bà Phùng Thị Nhật và cụ Bà Nguyễn Thị Vân.  Hội cũng chúc mừng 8 Cụ Hội  viên 90 tuổi và 11 vị 80 tuổi. Có 5 vị tuổi đã thất tuần, theo người xưa thường hay nói “thất thập cổ lai hy”, nhưng bây giờ ở hội trường này thì những vị thất tuần này không có vẻ “cổ lai hy” chút nào mà trái lại được xem là những người “trẻ tuổi” rất năng động của Hội Cao Niên.  Điển hình là anh chị Đào Hiếu Thảo và Vũ Thuận, hai khuôn mặt quen thuộc trong giới Truyền thông vùng thủ đô và chị Trúc Nương Brown, một thành viên Hội đồng quản trị Hội Cao Niên. Mỗi hội viên khi được chúc mừng thọ đều nhận một khuôn hình với tên họ và lời chúc thọ của Hội cùng với một món quà đặc biệt từ Ông Bà Phó Hội Trưởng Dương Hòa Hiệp, đó là một cái khăn len choàng cổ màu vàng với ba sọc đỏ, do chính tay bà Hiệp thực hiện, rất đẹp và tinh xảo. (Rất tiếc là ông bà Hiệp bận tiệc cưới cháu ngoại không đến dự Lễ Tỗ Tiên năm nay.)

mung tho 70

Sau buổi lễ, mọi người tham dự cùng thọ lộc đầu năm, ăn trưa trò chuyện và sau đó Hội cũng tổ chức văn nghệ, cắt bánh mừng sinh nhật chung cho quý vị hội viên có ngày sinh trong tháng 2.

Lễ Tổ tiên và Chúc thọ đã chấm dứt vào 1:30 trưa  trong không khí vui vẻ thoải mái đầu năm mới.

Ghi nhận:

Ban Báo chí Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn chân thành cảm ơn quý cơ quan truyền thông SBTN, VIETV, Truyền Hình Việt Nam Vùng HTĐ đã đến tham dự và thực hiện các phóng sự truyền hình để phổ biến các hoạt động của Hội Người Việt Cao Niên vùng HTĐ đến với đồng hương khắp nơi.

Xin đặc biệt cảm ơn Anh Đào Hiếu Thảo và Ban Quản Trị VIETV đã cho phép chúng tôi sử dụng các phóng sự truyền hình trong bài tường trình này cũng như trên Trang Nhà của Hội Cao Niên.

Cũng xin chân thành cảm ơn Nhiếp ảnh gia Nhất Hùng đã cho phép chúng tôi sử dụng các hình ảnh sinh hoạt của Hội Người Việt Cao Niên nói riêng và của cộng đồng người Việt Thủ Đô nói chung, do anh đã  tốn rất nhiều công sức để ghi nhận lại qua ống kính chuyên nghiệp của anh trong nhiều năm qua.

Ban Báo Chí 
Tháng 2/2016

Người Cao Niên ở Hoa Kỳ

Ngọc Hạnhdt4

Sáng nay nắng vàng rực rỡ, cảnh vật vui tươi so với hôm qua âm u, mưa rỉ rả cả ngày. Chị Hồng Ngọc, Anh Thư và tôi 3 người cùng nhau đến Chung Cư Người Cao Niên vùng Arlington thăm anh chị Nguyễn. Đến nơi phải ghi tên nơi phòng tiếp tân, số phòng và tên họ người được viếng thăm. Nơi này mới được tân trang xinh đẹp rộng rãi hơn xưa. Anh chị được 2 phòng ngủ to, nhà bếp tiện nghi, phòng khách và phòng ăn chung.  Trên tường treo đầy tranh ảnh vui mắt. Anh Nguyễn, cựu Chánh án tòa án quân sự Saigon trước 1975 xem hai chị như người trong gia đình. Do quen biết các cô em, anh chị Nguyễn cũng xem tôi như chỗ thân tình. Anh thích đọc sách, viết những bài biên khảo, cộng tác với báo địa phương và  thường gởi các bài viết cho tôi xem. Các truyện anh viết hấp dẫn, mạch lạc, kết cuộc bất ngờ, có khi tưởng như bị kết án lại được tha bổng và ngược lại… Chuyện luật pháp nước nhà, chuyện ngoại quốc xưa và nay tưởng như khô khan, khó tiêu thụ nhưng được anh ghi lại với lời văn khi nghiêm trang, khi vui tươi dí dỏm nên hấp dẫn người đọc.

Trước kia chị Nguyễn cũng thường kể chuyện đời xưa với tôi. Chị có 8 con đều nuôi bằng sữa mẹ. Bốn con lớn du học ngoại quốc trước khi mất nước, một mình chị vượt biên mang theo 4 con nhỏ, nuôi các con thành tài. Khi các con có gia đình, chị trở về Viêt  Nam lo giấy tờ bảo lãnh anh sang Hoa kỳ. Chị bảo cũng vất vả nhiêu khê, mất thì giờ lắm. Chị được cấp căn nhà trong chung cư trước khi đón anh sang Hoa kỳ.  Ở Hoa kỳ dù con cái giàu có, bố mẹ muốn ở riêng vẫn có thể xin thuê một căn nơi chung cư với tiền thuê  hình như 1/3 lợi tức hàng tháng.

Tôi không rõ nguyên nhân nào anh ở lại sau 30/4/75 để bị tù 13 năm, thêm 3 năm quản chế. Khi sang Hoa kỳ anh gầy gò, nhiều bệnh tật nhưng nặng nhất là bệnh đau bụng, ăn ít ăn nhiều chi  cũng đau. Đưa đi bác sĩ khám phá ra anh bị ung thư bao tử, phải giải phẫu may ra còn hy vọng. Anh chị đồng ý để bác sĩ cắt một phần bao tử, chịu  ăn uống theo, thức ăn, giờ giấc đặc biệt như ăn ít ít và nhiều lần trong ngày. Sức khỏe anh dần dần tốt hơn. Anh có thể đi lại, cùng chị tham gia các sinh hoạt cộng đồng, dự tiệc, gặp gỡ bà con thân hữu…

Lúc anh hồi phục sức khỏe, trí nhớ chị từ từ kém đi. Chị không nhớ mình đã ăn chưa, không thể tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân được. Anh là người chăm chút từng bửa ăn, cho chị uống thuốc, giúp chị ăn mặc tử tế xinh đẹp mỗi khi ra ngoài hay dự tiệc. Chị vẫn thích làm đẹp nhưng không tự mình trang điểm được. Anh là người kẻ chân mày, bôi kem, đánh phấn cho chị, kiên nhẫn trả lời dịu dàng những câu hỏi lập đi lập lại của chị, dạy chị hát những bài hát xưa. Ban đêm anh đưa chị đi phòng tắm 3, 4 lần. Chị em chị Hồng Ngọc cho anh là người chồng tốt nhất trên cõi đời, tôi cũng đồng ý với hai chị, ít có người nào chăm sóc bạn đời tốt như anh. Anh đưa chị dự tiệc cho chị vui. Ngày thường anh lái xe đưa chị đến thương xá gần để chị đi tản bộ, xem hàng hóa và người đi lại, hay ra ngoài thưởng thức cảnh vật thiên nhiên, cỏ hoa, trời trong gió mát…

Một hôm vào mùa Đông anh vừa vào nhà trong trở ra không thấy chị đâu. Ra khỏi nhà già tìm sân trước sân sau cũng không thấy. Tuyết rơi mấy hôm trước, đường có nơi chưa tan đá. Anh lo quá gọi các con đến chia nhau tìm các con đường chung quanh cũng không kết quả nên phải nhờ cảnh sát. Sau cùng vị bạn dân này tìm thấy  chị đứng tần ngần trên đường đến thương xá cách nhà già khoảng gần 1 dặm, nơi anh thường đưa chị đi qua bằng xe nhà. Sở xã hội quận Arlington cấp cho chị người trông nom, lúc đầu 5 ngày, sau lên 7 ngày 1 tuần.

Năm vừa qua anh té và dùng tay chống đở, đầu không chạm vào đâu hết. Đưa đi nhà thương chiếu điện, thấy  xương tay bị rạn nứt. Anh phải mang cái khăn (sling) để giữ tay nằm yên một chỗ, giúp xương mau lành. Ba tháng sau ngày té, một hôm  tự nhiên anh không nói được, không phát âm thành tiếng, cảm thấy người khác lạ, không bình thường. Gia đình đưa đi phòng cứu cấp. Thì ra anh bị chảy máu não, môt bên não máu đã đông lại, môt bên còn đang chảy từ các mạch máu nhỏ. Sau khi làm thủ tục, ký giấy cam kết, anh được giải phẫu. Anh bảo các bác sĩ tài lắm. Họ lật da đầu sang một bên, chỉ cưa sọ rút máu xong đóng lại, phủ da đầu có cả tóc lên, hay chưa? Anh ở lại  bệnh viện 2 tuần xong về nhà tiếp tục vật lý trị liệu (physical therapy), giúp cơ thể thăng bằng  đi đứng vững vàng…

Anh được sở Xã hội cho người  giúp anh tuần lễ 7 ngày. Như thế mỗi ngày anh chị có 2 người giúp việc nhưng ban đêm phải tự lo lấy.

Thưa quý vị theo tôi người già ở Hoa kỳ không  phải nhờ cậy vào con cháu nhiều. Quý Cụ được chánh phủ cho thuê nhà tiện nghi, có bãi đậu xe rộng rãi với giá hạ, còn có thể được cấp phiếu mua thực phẩm. Ngân phiếu tiền già đến đều đặn mỗi tháng, dù có vị trước đó không làm việc ngày nào ở Hoa kỳ vì thiếu sức khỏe, cao tuổi, không chuyên môn… Đau ốm đi bác sĩ, mua thuốc, nằm bệnh viện hay giải phẫu  gần như miễn phí. Ngoài ra còn được nhà nước  cho người đến giúp việc nhà, nuôi bệnh như anh chị Nguyễn. Trường hợp 2 lần giải phẫu như anh, người trung lưu dù được sở làm trả giúp một phần lớn, vẫn phải bỏ tiền túi trả nợ nhà thương số tiền sai biệt. Một người bạn tôi nói  “ai định cư xứ Hoa kỳ là có tu 10 kiếp chứ không phải 1 kiếp”, cái xứ đối xử với quý cụ cao niên hay người bệnh tật như nhau, không phân biệt chủng tộc, giàu nghèo. Với tiền già, các cụ khỏe mạnh có thể dành dụm giúp con cháu ở quê nhà vì các cụ  tiêu pha không bao nhiêu nếu ở chung với con cháu. Vậy xin quý cụ hãy giữ gìn sức khỏe để hưởng  tiện nghi xứ tự do dành cho người cao niên, không phải  quốc gia nào cũng cung cấp được.

Tôi được nghe người già ở Hoa kỳ  được chăm sóc  tốt hơn nhiều quốc gia khác. Khi đọc bài tùy bút kể chuyện có người cao niên ở Cali cô đơn trong viện dưỡng lão, không con cháu thăm viếng, mọi sự nhờ nhân viên viện, thật là buồn. Hôm đến thăm anh chị Nguyễn tôi gặp giáo sư Kim và mẹ chị, bà cụ 102 tuổi ở phòng tiếp tân chung cư. Trông cụ hồng hào khỏe mạnh. Chị Kim  cho biết chị  thăm cụ hằng ngày và thường đưa Cụ dự tiệc ban đêm, ban ngày vì Cụ thích được ra ngoài. Dù tuổi cao Cụ  còn minh mẫn, vui tươi. Có lẽ nhờ Cụ hay tiếp xúc với con cháu, đồng bào chăng?

Nhân dịp Xuân sắp về tôi xin chúc anh chị Nguyễn và tất cả các vị cao niên luôn khỏe mạnh, vui tươi trong NĂM MỚI và những ngày vàng còn lại cho gia đình con cháu được hưởng phước lành .

Ngọc  Hạnh
Hội Viên Hội Người Việt Cao Niên Vùng HTĐ
Ngày 12/1/16

Liên Lạc Cao Niên tháng 12/2015

Nguyễn Mậu Trinh

Kính thưa Qúy Cụ, cô bác, anh chị em:

(Hơi gấp : Thứ Năm này, Cộng Đồng có xe buýt đi New York biểu-tình trước Liên Hiệp Quốc, phản-đối Hà-nội đã vi-phạm, nhân dịp đánh dấu Tuyên Ngôn Quốc Tế về  Nhân-quyền. Xin liên-lạc với ông Đặng ở số 571-236-1908)

Phân Ưu: Hay tin muộn cụ bà Nguyễn thị Tuyết-Nghi là phu-nhân cụ Nguyễn Đức Đạt vừa quá vãng, hưởng thọ 83 tuổi. Xin thành-thật chia buồn cùng Cụ và tang-quyến.
Nguyện-cầu hương-linh Cụ Bà sớm bước vào cõi Tịnh Độ.

Thế là chúng ta bước vào tháng cuối của năm 2015.

December15
Phiên hội gặp ngày nắng ấm, nhiều khách mới, cũ từ xa ghé thăm như nhà báo Phạm Bá Vinh đã di-chuyển xuống Dallas lâu rồi. Ông bà La Trung Chánh, “hội-viên viễn-cư” cũng ở đó.
Hay không xa lắm như ông bà Hoàng Đ. Bình, nhà thơ Cao Nguyên từ Maryland.
Hội-viên mới tháng này là ông chủ mới của nhà hàng X.O. bên kia đường, đã mang đến thực-phẩm làm phần ăn trưa thêm ngon và phong-phú.
Ông Nguyễn Đức Trọng, một lần nữa, trình-bày về ích lợi của thể-dục, đặc-biệt 10 động-tác do BS Trần Đại Sỹ kết-hợp, dễ làm và không mất nhiều thì-giờ.
Xin hẹn gặp tại trụ-sở Hội vào (trước) 11 giờ sáng Thứ Tư này, để được hướng-dẫn.
Lại cám ơn ông Nguyễn Văn Đặng đã cho ngay hình :

https://goo.gl/photos/e3bFAY1Xs6wPhDqAA

Dù Tổng-thống Obama từ Bạch Ốc chỉ chúc Happy Holiday, nhưng chúng ta cũng mừng Giáng Sinh. Với truyền-thống tốt đẹp cuối năm, qua việc trao đổi quà, tượng-trưng cho tình thân, từ trong gia-đình đến ngoài xã-hội. Cũng chỉ tượng-trưng, Hội có chút quà mọn gửi đến ông Phó-hội-trưởng Nội-Vụ. Thật ra, với người lớn tuổi không biết trả lời ra sao khi con cháu hỏi muốn quà gì. Ăn mặc không thiếu, nhưng cũng nói để khỏi phụ lòng người thân.Vứt bỏ bớt áo quần cũ, không để dành áo quần tốt làm gì -một bộ là đủ. Xin lập lại lời năm ngoái : iPad, hay tablet để liên-lạc với bạn bè qua Internet. Dễ dùng và Hội luôn có người hướng-dẫn.

Cuối tuần này, Hội-đồng Cao Niên Quận Fairfax, có sinh-hoạt cuối năm. Chúng ta luôn có đại-diện tham-dự -cũng như các phiên họp cuối tháng.
Bước sang năm mới, liên tiếp nhiều sinh-hoạt ngay trong mấy tháng đầu, ông Phó-hội-trưởng Dương Hòa Hiệp sẽ phải bận rộn nhiều :
Lịch sinh-hoạt của Hội Cao Niên trong năm 2016
(có thể thay đổi tùy nhà trường) :
-Chợ Tết Cao Niên : Sat. 6 Feb.(28/12) tại trường Jeb Stuart.
-Lễ Tổ Tiên : Sat. 13 Feb. (6/1) tại Willston Center.
-Lễ Hai Bà Trưng : Sat. 12 Mar (4/2) tại trường Luther Jackson.
-Lễ Quốc Tổ Hùng Vương : Sat. 16 Apr (10/3) tại trường Luther Jackson.
-Lễ Thanh Minh : Sat. 23 Apr (17/3) tại Lạc Cảnh Viên.
-Đại-hội Thường-niên : Sat. 4 June tại trụ-sở Hội.
-Lễ Đức Thánh Trần : Sat. 17 Sept (17/8) tại trường Luther Jackson.
-Dạ Tiệc mừng 39 năm : Sunday 2 October tại Fortune.​
Chờ đến khi gặp lại, xin cẩn-thận giữ-gìn an toàn.

**************

Thứ Bảy đầu tháng 1/2016 nhằm ngày 2, Trung-tâm Willston còn nghỉ lễ Tết nên chúng ta sẽ dời phiên họp vào ngày 9. Xin ghi nhớ.

Phân Ưu: Xin thành-thật chia buồn cùng Thiếu-tướng Lê Minh Đảo và gia-đình. Tháng trước với sự ra đi đột ngột của trưởng nam Lê Minh Đạm, 58 tuổi, nay con trai một của anh Đạm cũng bất ngờ qua đời mới 37 tuổi.
Xin góp lời cầu-nguyện cho người quá vãng sớm về cõi Vĩnh Hằng.

Sức-khỏe tuổi vàng: Cám ơn tân-hội-viên Nguyễn Đức Trọng đã bỏ thì-giờ hướng-dẫn phương-pháp thể-dục nhẹ-nhàng cho người lớn tuổi.
Chỉ 10 phút sáng sớm khi còn nằm trên giường, hay trong ngày ngồi hay đứng, và buổi tối giúp đi vào giấc ngủ êm thắm qua đêm.
Với các vị không tiện đến hôm Thứ Tư vừa rồi, anh Trọng sẽ trở lại nữa vào 11 giờ sáng Thứ Tư ngày 23 này. Xin mời.

Cũng Thứ Tư 23 này: xin mời quý hội-viên muốn góp sức đến họp để thành-lập Ban Tổ-chức Chợ Tết Cao Niên ngày 6 tháng 2, 2016 tại trường Jeb Stuart.

“Nhà Việt Nam” với các em Kết Đoàn đã có sinh-hoạt cuối năm với các cụ ở nhà Woodland Hill trưa Chủ Nhật, mang lại không-khí ấm cúng cho tuổi già lạnh lẽo. Hội Cao Niên và Cộng Đồng sẽ đến thăm và có tiệc Tân Niên vào dịp Tết âm-lịch.

Nhà gần rồi: cụ Phạm Ngọc Lũy đã dời từ Woodbridge đến với con ở vùng McLean. Tiện cho chúng ta ghé thăm hay đón đến tham-dự sinh-hoạt đầu tháng của Hội. Cụ vẫn theo dõi sinh-hoạt qua email.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã 67 bảy năm: Cộng Đồng có xe buýt lên New York tham-gia biểu-tình phản-đối những vi-phạm của Việt-cộng trước trụ-sở Liên-hiệp-quốc. Bên Cali, Mạng Lưới Nhân Quyền trao giải cho ba khôi-nguyên nhân-quyền trong nước là Thượng-tọa Thích Không Tánh, hai bà Nguyễn thị Minh-Hằng và Hồ thị Bích-Khương.

Chúc Mừng: “Liên Hội Cựu-chiến-sĩ” bầu ông Nguyễn Văn Tần, từng làm chủ-tịch Cộng Đồng, thay tiến-sĩ Tạ Cự Hải, vào chức-vụ Chủ-tịch Liên Hội trong nhiệm-kỳ sắp tới.

Cũng Mừng: Nhạc-sĩ Việt Khang mãn hạn tù, về lại trong vòng tay yêu thương của gia-đình. Không biết sẽ ra sao, vì còn bị quản-chế, chẳng làm ăn gì được, như Lê Công Định, Lê Quốc Quân …
Anh Là Ai ? Việt Nam Tôi Đâu ?

VK1

Cũng thương: nhiều người bất-hạnh, kém may-mắn.
Thỉnh-thoảng, Hội được mời gọi đóng góp vào việc gây quỹ, công-tác từ-thiện, nơi đây và bên nhà. Xin cho biết ý-kiến.
Ngay trong nhà : một cụ bà hội-viên, cần chỗ ở thuận-tiện, trong khi chờ đời chương-trình housing của sở xã-hội, hồi này khá lâu.

Luôn cần: Xin giới-thiệu Bản Tin của Hội đến bà con trong gia-đình, cũng như thân-hữu. Quảng-cáo khổ nhỏ, giá phải chăng. Vừa đủ để trang trải ấn phí, tem thư. Xin đừng vứt bỏ, mà chuyền tay đến bạn bè,
Góp một tay vào công việc Hội luôn là điều mong muốn, cần-thiết.
(không có anh Dũng, lấy ai in Bản Tin cho mình đọc)

**************

Chuyện khẩn bên nhà : ký tên đòi trả tự-do cho luật-sư Nguyễn Văn Đài, bị ngụy-quyền cọng-sản VN bắt giữ vô cớ, e sẽ ghép tội ngụy tạo để nhốt tù nhiều năm, bóp chết mọi vận-động nâng cao dân trí, thay đổi xã-hội.

Có thể ghi tên nơi đây :

https://www.change.org/p/free-human-rights-lawyer-nguyen-van-dai

Hay gửi email trước ngày 23 về freenguyenvandai2015@gmail.com

http://haedc.org/2015/12/16/tuan-le-van-dong-tra-tu-do-cho-luat-su-nguyen-van-dai-16-23122015/

​​Ngay ở đây : có chị Trúc Nương giúp một tay, nhiều người đã dự ăn trưa với những người cao-niên quận Fairfax. (cám ơn phóng-viên Nam Anh).

https://www.youtube.com/watch?v=29RCV5Xs05I

Còn nữa :​ bà Quận Trưởng mời tân niên…

“​Chairman Sharon Bulova invites you to the January 13, 2016 (Wednesday) Chairman’s New Year Reception

from 4:30PM – 6:30PM at Fairfax County Government Center Forum

12000 Government Center Parkway, Fairfax, VA  22035

http://events.r20.constantcontact.com/register/event?llr=vwznmgkab&oeidk=a07ebyo7f6c2da13788
Please register and feel free to bring non-perishable food items for local charities.

This celebration is Sharon’s special “thank you” NOT funded via County tax dollars.”

Mới đây: Được tin ông Nguyễn Văn Đoàn, vừa qua đời.

Có thời ông là Đồng-chủ-tịch Cộng Đồng, đại-diện DC -nên ít người ở MD với VA biết.

​Cầu-nguyện hương-linh người quá cố chóng về cõi Vĩnh Hằng.​

​Vui/buồn tức thì, tức mình:  Hoa Hậu Hòan Vũ 2015 có nêu tên thí-sinh Huong Pham từ Việt Nam.

Cái anh Steve Harvey được thuê làm MC cuộc thi. Ban Giám-khảo trao miếng giấy ghi tên Philippines là Hoa Hậu mà lại đọc là Á-hậu. Làm cô Columbia được đội vương-miện vài phút rồi trả lại.

Steve xin lỗi là xong !?

Và nhắc nhớ : cũng vì  tân niên, trung-tâm Willston đóng cửa, phiên hội đầu năm 2016 sẽ vào Thứ Bảy ngày 9.

Hy-vọng Đặc San Xuận Bính Thân được in xong để phân-phối.​

Thứ ​ Tư 23 này, lúc 11 giờ, anh Nguyễn Đức Trọng sẽ đến hướng-dẫn cách thể-dục nhẹ-nhàng cho người lớn tuổi, dễ thực-hiện ở nhà. ​

Kết-thúc năm cũ 2015 : cần mọi người góp ý để sinh-hoạt Hội được khởi sắc hơn, thích-hợp với hoàn-cảnh và điều-kiện luôn thay đổi.​

Gặ​p mặt, điện-thoại, text, email, bưu-điện, riêng tư hay tại phiên hội.

​Ngoại trừ nền tảng, nòng cốt, là căn-cước của Hội, đã được những vị tiên-phong sáng-lập : hội của những người tỵ-nạn Cộng-sản.

​Một lần nữa, xin mong chúc tất cả chúng ta, một mùa Giáng Sinh vui-vẻ và Năm Mới dồi-dào sức-khỏe, gia-đình đầm-ấm sum vầy, vui sống bên nhau.

Nguyễn-mậu Trinh

Liên Lạc Cao Niên tháng 11-2015

Ngày 6 tháng 11 năm 2015

Kính thưa Quý Cụ, cô bác, anh chị em :

Giờ này thì Bản Tin đã được bưu-điện trao vào thùng thư rồi – cám ơn anh Dũng.
Và cũng cám ơn anh Dũng nữa : website của Hội đã thành-hình, xin đóng góp kỷ-niệm, kinh-nghiệm sống, chia xẻ kiến-thức.
Xin vào đây, và giữ địa-chỉ này : http://caoniendc.com/
Cũng để biết các sinh-hoạt trong cộng-đồng.
Mọi đóng góp ý-kiến, tin-tức, bài vở, xin gửi về Trưởng-ban Thông-tin Báo-chí hoicaonienttbc@gmail.com
(bên dưới có ghi lại)

Hội Y-tế với “Hội Chợ Sức Khỏe” Thứ Bảy vừa qua, tại trụ-sở Hội đã diễn ra tốt đẹp. Những bàn tay “từ mẫu” giúp nhiều người biết hơn về tình-trạng sức-khỏe của mình, với chích ngừa, khám răng, thử máu, đo tim …
Mấy ngày nóng lạnh vừa qua làm không ít người bị cảm ho, ấm đầu.
Mong là chỉ thoáng qua.

Đau quá : luật-sư Chương nhà mình (48%) thua phiếu bầu chỉ chút xíu (50%) hụt làm đại-biểu tiểu-bang Virginia.
(đồng-hương nào ở trong đơn-vị đó mà không đi bầu sẽ ân-hận)

Chúng ta cố-gắng kiếm dịp thăm viếng những vị lớn tuổi, phải ngồi xe lăn, ở nhà hay viện dưỡng-lão, không còn đi ra ngoài được nữa.

Nếu còn có thể, xin hẹn gặp nhau trong phiên hội đầu tháng :
Thứ Bảy này, ngày 7, nhiều đề-tài liên-hệ sẽ được trình-bày.
(di-chuyển cho người già, vén khéo tài-chánh, chọn bảo-hiểm sức-khỏe …)

Nguyễn-mậu Trinh

Ngày 13 tháng 11 năm 2015

Kính thưa Quý Cụ, cô bác, anh chị em :

TIN BUỒN : Hòa-thượng Thích Tâm Tho, Trụ-trì chùa Giác Hoàng, đã viên-tịch. Bao năm qua, Thầy vẫn làm lễ tại nghĩa-trang Lạc-Cảnh-Viên của Hội, trong dịp Thanh-Minh tảo mộ.

HT Tam Tho

 

 

Đại-diện Hội sẽ viếng tang vào 11 giờ sáng Thứ Hai 16, tại National Memorial Home, trên đường Lee Highway, Falls Church, VA.​ (không nhận tràng hoa)
​Cầu-nguyện giác-linh Hòa-thượng vãng sinh nước Cực Lạc.
Xin chia xẻ mất mát to lớn này đến Phật-tử chùa Giác Hoàng.

​Thứ Bảy vừa qua, nhiều người đã không quản ngại trời mưa lạnh, đến dự phiên hội đầu tháng 11.
Sau lời chào mừng của Hội-trưởng, anh Đào Hiếu Thảo trình-bày một số sinh-hoạt trong cộng-đồng. Anh Nguyễn Quang Dũng giới-thiệu và mời gọi mọi người đóng góp vào trang nhà trên mạng của Hội Người Việt Cao Niên.
http://caoniendc.com/
Để mở rộng hợp-tác phục-vụ chung, trang nhà mạng, cũng như Đặc San, Bản Tin, Hội sẵn lòng chia xẻ “không-gian” cho Cộng Đồng và các hội-đoàn bạn.

Nhiều hội-viên có sinh-nhật trong tháng đã hiện-diện để được chúc mừng.

LLCN-THANG-11

​Cùng với những lời ca vui tươi trong lúc dùng bữa trưa.
Lại cám ơn ông Đặng những hình ảnh sống động.

https://plus.google.com/u/0/photos/116760988778272852998/albums/6215575448830979441
Chào mừng hội-viên mới : đại-tá Phạm Ngọc Thiệp, 86 tuổi mà rất khỏe mạnh, còn ham câu cá, nhà xa mà vẫn lái xe vững-vàng.

Ông đã chia xẻ vấn-đề khó-khăn tài-chánh mà người già phải đối-phó, như trường-hợp người phối-ngẫu bị đột quỵ, phí tổn điều-dưỡng y-tế rất cao. Cũng xin cám ơn chi-phiếu rất nặng ủng-hộ Hội.

Tiếp theo về y-tế, bà Harris từ Kaiser Permanente trình-bày những thay đổi về medicaire trong năm tới 2016 với lệ-phí cao hơn và quyền-lợi có thể khác.

Cũng về cao-niên, bà Trúc-Nương cho biết về trung-tâm Sheph​er​d​ có thể giúp di-chuyển, cùng với FastTrans và phiếu taxi. Riêng cá-nhân bà cũng có thể giúp vài ba người đi cùng xe đến dự phiên hội hàng tháng.

​Nguyễn-mậu Trinh​

​TB – có người Việt tỵ-nạn nào mà không khó chịu về bức tranh vẽ trên báo Orange Couny Weekly ? Lá cờ vàng, biểu-tượng truyền-thống yêu chuộng tự-do, bị ám chỉ bao che khủng-bố, bạo-lực.
Muốn phản-đối ?
https://www.change.org/p/michael-getler-pbs-ombudsman-investigate-frontline-s-terror-in-little-saigon
e9b726fa-fe16-4c1e-b4e5-abbe2c9486a9

 

Liên Lạc Cao Niên tháng 10-2015

Ngày 29 tháng 10 năm 2015 
Kính thưa Quý Cụ, cô bác, anh chị em :

Thứ Bảy này, ngay tại trung-tâm Willston, nơi trụ-sở Hội chúng ta.
Từ 9am đến 2pm : khám sức-khỏe, thử máu, chích ngừa, chữa răng …
2pm có chương-trình nhạc “Thu Hát Tình Ca” tại James Lee Community Center, trên đường Annandale.
Do nhóm từ-thiện Từ Bi Phụng Sự thực-hiện, vào cửa tự-do.
Sau đó là đêm vui của các em nhỏ xin kẹo trong dịp vui ma quỷ Halloween, đồng hồ được vặn lui một giờ, là giờ đúng.
Chủ Nhật : một chương-trình âm-nhạc khác.
          ” Nói Với Mùa Thu” do 3 nhóm nhạc thực-hiện, hôm Chúa Nhật, 1 tháng 11, 2015,
           tại Mason District  Park Amphitheater ở Annandale,
           do Hoàng Cung Fa và Nguyễn Tự Tín chủ xướng.
Thứ Tư  11/4: xin mời quý vị Cố Vấn, Quản-trị, Chấp-hành họp lúc 10:30am .
Nhiều sinh-hoạt sắp đến cần bàn thảo để xúc-tiến tốt đẹp : Chợ Tết, lễ Tổ Tiên, lễ Hai Bà Trưng, lễ Quốc Tổ …
Thứ Bảy 11/7 : phiên hội đầu tháng 11 – xin mời tham-dự đông-đảo.
Nhiều đề-tài ích-lợi sẽ được trình-bày.​
​Trong thòi-gian qua, nhiều sinh-hoạt trong cộng-đồng người Việt, nhiều vị cao-niên đã hăng-hái tham-dự và tham-gia.
-Chủ Nhật tuần qua, sách “the Lotus and the Storm” đã ra mắt thành-công tại Jewish Community Center.​
​Tác-giả Lan Cao là ái-nữ của Đại-tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng-tham-mưu-trưởng Quân Lực VNCH.
Nhiều hình ảnh đẹp ở đây:​  http://tinyurl.com/LOTUSandSTORM
-Trước đó, Thứ Bảy, giải “Em Viết Tiếng Việt” được trao đến các em nhỏ xuất-sắc.
​-Các buổi trình-chiếu phim vượt biển của võ-sư Hóa cũng đông khách.
   (thêm nhiều câu chuyện tỵ-nạn cần được kể ra, không chỉ với nhau mà với người ngoài)
Sau đó, trong tháng 11, nhiều tiệc tùng, gây quỹ công ích, hay vui chơi riêng tư.
Sức Hội có hạn : là thành-viên của Cộng Đồng thì ưu-tiên là Cộng Đồng, ngoài ra thì tùy từng việc, không thể đóng góp nhiều hơn được.
Nhưng những sinh-hoạt đảng phái, Dân Chủ ​hay Cộng Hòa thì chỉ là cá-nhân, dễ gây tranh cãi.
Nguyễn-mậu Trinh

Tang Lễ Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thọ

ThichTamTho

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Tâm Thọ

(1938-2015)

A. Thân thế

Hòa thượng Họ Lê, húy Bá Nhẫn là đệ tử của Hòa thượng Thích Bửu Ngươn Chùa Sắc Tứ Thập Phương tại Rạch Giá Việt Nam, pháp danh Tâm Thọ, tự Nhựt Hậu, hiệu Nhuận Vân, sinh năm 1938 (Mậu Dần) tại Rạch Giá, Việt-Nam.

Thân phụ là cụ ông Lê Văn Dầy và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đủ. Gia đình Hòa thượng có 8 người anh em, Hòa thượng là con trai thứ bảy trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình ba đời là Phật tử thuần thành, và nhờ ảnh hưởng sâu đậm nền giáo dục của gia đình từ nhỏ, vì vậy, Hòa thượng căn lành phát triển rất sớm, lúc 7 tuổi năm 1945, đã xuất gia với ông Cậu là Hòa thượng Thích Bửu Ngươn. Ngài đã vào ở hẳn trong chùa và thực tập nếp sống Thiền môn như điệu chúng trong Chùa Sắc Tứ Thập Phương tại Rạch Giá, Việt Nam. Hòa thượng Thích Bửu Ngươn ban cho pháp danh Tâm Thọ, tự Nhựt Hậu, hiệu Nhuận Vân.

B. Thời kỳ Xuất gia học Đạo

Xuất gia tu học:

Trong thời gian tu học tại Chùa Sắc Tứ Thập Phương, Hòa thượng đã học hỏi và thâm hiểu giáo lý Đại thừa từ Hòa thượng Thích Bửu Ngươn và Quý vị Tôn túc trong Chùa Sắc Tứ Thập Phương tại Rạch Giá Việt Nam.Trải qua những tháng ngày hầu Thầy và tu học tại Tổ đình Sắc Tứ Thập Phương, Hòa thượng rất siêng năng cần mẫn. Ngài được Hòa thượng Trụ trì gửi đi tham học với chư vị Tôn túc danh tiếng tại các chùa tại Tân Châu, Hồng Ngự, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.

Năm 1960 Ngài từ Rạch Giá lên Sài-Gòn tu học tại chùa Hưng Thạnh tại Hàng Xanh

Năm 1961 Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Sóc Trăng do Hoà Thượng Thích Thiện Hoà làm Đàn đầu Hòa thượng.

Năm 1963 lúc Phật-Giáo gặp pháp nạn, Ngài tham dự các cuộc biểu tình tại Sài-Gòn . Sau đó bị chính quyền đương thời truy lùng, Ngài lánh về chùa Trường Thạnh với Hoà Thượng Hành Trụ ở Khu Ký Con, Cầu Muối Sài-Gòn và sau đó lui về Rạch Giá,

Năm 1964-1968 Ngài nhập chúng tu học tại Phật-Học Viện Huệ-Nghiêm tại An Lạc Bình Chánh Sài Gòn. Ngài được cử chức vụ Liên-Đoàn Trưởng.

Năm 1966 Ngài được đề cử chức vụ Liên-Chúng Trưởng. Vài tháng sau Ngài được đề cử chức-vụ Giám-Trai Ngoại, lo việc ẩm-thực cho có lúc lên đến 400 Tăng sinh và Ban Giám-Đốc Phật-Học Viện Huệ-Nghiêm.

Ngài tiếp tục việc tu học tại trường Đại-Học Vạn-Hạnh phân-khoa Phật-Học.

C. Thời kỳ hành đạo:

I. Công tác hoằng pháp trong nước

– Năm 1968 Ngài tốt nghiệp và được lưu lại làm việc cho Phật-Học Viện Huệ-Nghiêm với chức vụ Giám Trai cho đến khi sang Mỹ năm 1979.

II. Công tác hoằng pháp tại hải ngoại.

Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương sáng về phụng sự Phật pháp và bổn đạo.

Sau khi định cư tại vùng Washington DC, Ngài chung sức với chư Tôn đức như Cố Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Thanh Đạm, Pháp-sư Niên-Trưởng Thích Giác-Đức, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng-Thủ GHPGVNTTG Thích Tâm Châu cùng chư vị Phật-tử xây dựng chùa Giác-Hoàng.

Ngài không quản gian nan vì đường xá xa xôi đã chung sức với chư Tôn đức và Phật tử khai sơn tạo tự các chùa ở Philadelphia và vùng phụ cận như chùa Giác Lâm, Bồ-Đề, Pháp Hoa và góp phần xây dựng chùa Liên Hoa ở North Carolina.

Riêng chùa Pháp Hoa ở Lancaster, ngài đã tạo mãi và khai sơn và gắn bó với ngôi Phạm- vũ này suốt 19 năm cho đến tháng 2 năm 2012. Sau khi Cố Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Thanh Đạm, viên tịch, Ngài được cung thỉnh làm Trụ-trì chùa Giáo-Hoàng cho đến lúc thu thần thị tịch.

Ngài còn là Tổng-Vụ Trưởng Tổng-Vụ Thanh-Niên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới phụ trách Tổ chức Giáo dục Thanh thiếu niên Gia đình Phật tử Thiện Sinh của GHPGVNTTG. Hòa thượng để lại cảm tình đặc biệt trong lòng Phật tử các nơi Ngài đã phụng sự.

Những tháng ngày cuối cùng

77 năm hiện diện ở cõi Ta bà, hơn 54 năm hạ lạp, Hòa thượng Thích Tâm Thọ phụng sự cho Đạo pháp không ngưng nghỉ với phương châm Phụng Sự Để Hoàn Toàn, Hoàn Toàn Để Phụng Sự.

Hôm nay, mặc dù Hòa thượng cao đăng Cực Lạc Quốc như cánh nhạn cao bay, không lưu lại dấu tích, nhưng gương sáng trí tuệ và tinh thần phụng sự cho Tăng, Ni, Phật tử, và Đạo pháp suốt đời của Ngài vẫn còn mãi mãi trong tâm trí của các môn đồ Pháp lữ và Phật tử tại các chùa.

Nam mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Thế, Giác Hoàng Tự Trú Trì, Húy thượng Tâm hạ Thọ, Tự Nhựt Hậu, hiệu Nhuận Vân, Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.