Nguyễn Anh Văn
Nhuận sắc: Bác Sĩ Nguyễn Lương Tuyền
Người viết đồng thời là người bệnh. Mục đích đi tìm hiểu căn bệnh là để giúp cho những người đồng bệnh hiểu rõ và bàn thảo với các vị lương y về bệnh lý một cách hữu hiệu hơn. Thế giới Y Khoa thay đổi liên tục, trong đó, nghiên cứu về các loại thuốc và phương pháp trị liệu thay đổi luôn. Người viết, người nhuận sắc đã cố gắng cung cấp những tin tức mới, chính xác nhất và thường được chấp nhận rộng rãi theo tiêu chuẩn Y Khoa hiện đại. Tuy nhiên, người viết và những người liên quan đến việc soạn thảo tài liệu này hoàn toàn không chịu trách nhiệm về sự thiếu sót hay sai lầm về nội dung hoặc hậu quả của việc dùng các tin tức này. Độc giả được khuyến cáo là nên kiểm chứng bài viết với các nguồn tư liệu khác trước khi dùng. Danh sách của một số các cơ quan nghiên cứu về viêm khớp và các tổ chức hỗ trợ về dụng cụ, sản phẩm được liệt kê ở cuối bài để quí vị tùy nghi.
KHÁI NIỆM VỀ BỆNH ĐAU KHỚP XƯƠNG:
Gout (Thống Phong) hay chứng sưng khớp xương được Y Khoa nhận định là căn bệnh lâu năm nhất của nhân loại và được người Hy Lạp xưa mô tả lần đầutiên . Từ ngữ này (Gout) do tiếng Hy Lạp ‘gutta-for drop-from’ xuất xứ từ luận cứ “hoạt kê tồi” ném xuống khớp xương cơ thể tạo nên sự khốn khổ. Giới Dược Khoa lưu dụng ngôn từ này là ‘gtt’ , theo tốc ký Y Khoa, có nghĩa là liệng ra một toa thuốc.(1)
Gout là căn bệnh phức tạp thường xảy ra dưới hình thức của bệnh Viêm Khớp (Arthritis) và cũng tương tự như bệnh Phong Thấp Khớp Cấp(Rheumatoid Arthritis). Rheumatism là từ ngữ ám chỉ bất cứ căn bệnh nào gây ra sự đau nhức ở các khớp xương.
Arthritis có nghĩa là sự nóng bỏng ở các khớp xương.
Gout được Lowenhook mô tả vào năm 1600 và cho đến năm 1848 mới được Sir Alfred Garrod minh chứng là bệnh có liên hệ với Uric Acid thặng dư.
Nhưng phải đợi cho đến năm 1962, Gout mới được các chuyên gia về bệnh lý học mô tả đầy đủ. Kể từ đó, những nguyên nhân gây ra các bệnh đau khớp chẳng hạn như Viêm Khớp Đơn(MonoArthritis), Ngụy Viêm Khớp(Pseudo-Arthritis), Phong Thấp Khớp
Cấp(Rheumatoid Arthritis), Thoái Biến Viêm Khớp(OsteoArthritis hay Degenerative Arthritis) được phân định như là một căn bệnh riêng, có liên quan đến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, biến thái của bệnh, tuổi già và vết thương gây ra do tai nạn hay giải
phẫu.(2)
Ở Hoa Kỳ, ước lượng có 2 triệu 2 trường hợp bịnh hoạn được báo cáo vào năm 1986 và tường trình của năm 1991 đã ước tính người Mỹ thiệt hại vào khoảng 37 triệu ngày làm việc mỗi năm cho bệnh đau khớp xương. Thống kê cũng cho biết đàn ông Mỹ trong lứa tuổi từ 30-60 và đàn bà Mỹ từ 50-65 mắc bệnh viêm khớp. Trong số bệnh nhân, đàn ông chiếm 90% tổng số và đàn bà chỉ có 5% nhiễm bệnh sau thời kỳ tắt kinh.
Những người mập, những người bị áp huyết cao, những người uống quá nhiều rượu (bia, rượu chát, rượu mạnh), ăn quá mức những thức ăn có nhiều chất thịt và béo (các loại thịt, nước cốt thị, óc bò, óc heo, cá mòi, cá đối, sò, hến, gan, thận, bánh mì ngọt…), ăn kiêng sái phép, bị thương ở khớp xương, bị giải phẫu hoặc trị bệnh bằng phương tiện hoá học đều là những động lực thúc đẩy cho căn bệnh phát tác thường xuyên hơn. Những cơ quan nghiên cứu đã minh chứng là rượu gia tăng dung lượng của Acid Uric bằng cách tạo thêm nguồn cung cấp cho hoá chất Purines, nâng cao mức độ sản xuất Uric Acid của cơ thể và ngăn cản khả năng bài tiết chất Uric Acid của thận. Trong số những danh nhân bị mắc bệnh có thể kể tới Alexander the Great, Kublai Khan, Michelangelo, Martin Luther, Isaac Newton, Henry VIII, John Wesley, Francis Bacon, Benjamin Franklin v…v…
Vì nếp sống xa hoa của các vị vua chúa thời xưa cho nên dư luận phổ thông trong giới Y Khoa tin tưởng viêm khớp là “Bệnh của vua chúa” và là “Chúa của các loại bệnh”. Ở xã hội Việt Nam, người ta còn gọi là “Bệnh của người giàu có “. Tuy nhiên, cũng có những nguồn dư luận khác bác bỏ lập luận cho rằng nếp sống cao là căn nguyên chính của bệnh. Mặc dù những người đang bị đau khớp ăn nhiều chất béo, uống rượu quá mức chắc chắn sẽ rút ngắn chu kỳ phát tác của căn bệnh; nhưng bệnh mập và áp huyết cao mới quả thực có liên quan đến viêm khớp. Kể từ khi viêm khớp được phát hiện cho tới nay, Y-Khoa vẫn tiến triển không ngừng với những phát minh mới về thuốc và những phương pháp trị liệu tân kỳ nhưng đối với viêm khớp trị bịnh có nghĩa là làm giảm sự đau nhức khi bệnh bộc phát và ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách uống thuốc ngừa. Có lẽ vì vậy mà đau khớp vẫn còn là chúa của các loại bệnh?(3)
Trong những thập niên vừa qua, căn bệnh này gia tăng ở Hoa Kỳ và ở cả những nước đang trên đà phát triển, có thể vì cách thức ăn uống, thay đổi nếp sống, và sử dụng dược thảo nhiều hơn trước.
TRIỆU CHỨNG:
Viêm Khớp (Gout hay Gouty Arthritis) bộc phát bất ngờ và thường hay xảy ra vào nửa đêm về sáng. Viêm Khớp tạo ra sự đau nhức khủng khiếp, thông thường, ở khớp xương của ngón chân cái (Podagra) ; đôi khi ở những khớp xương khác, kể cả mắt cá chân, đầu gối, dưới lưng, khuỷu tay, hông, ngón tay cái, ngón tay, vai, cổ hay bất cứ khớp xương nào của thân thể. Chỗ khớp xương bị sưng, nóng đỏ và trong vài trường hợp, người bệnh bị nóng lạnh thái quá. Bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào nhưng triệu chứng thường chỉ kéo dài khoảng một tuần lễ.
NGUYÊN NHÂN:
Viêm Khớp được xếp loại I hoặc II tuỳ thuộc vào nguyên nhân liên quan đến số lượng Uric Acid thặng dư trong máu do tinh thể muối(Monosodium Urate Monohydrate Cystals) hoặc tinh thể vôi(Calcium Pyrophosphate Crystals) vô cơ tích tụ chung quanh
các khớp xương.
Ở loại I, dung lượng Uric acid trong máu cao dần là do huyết thống gia đình hoặc khi sinh trưởng đã mắc những căn bệnh di truyền khiến cho cơ thể sản xuất thừa thãi Uric acid trong máu hoặc là do bài tiết quá ít qua nước tiểu vì hoạt động kém hữu hiệu của thận. Uric Acid phát xuất từ Purines và hoá chất này(Purines) là một phần của Proteins và cả hai đều được dùng và sản xuất bởi cơ thể. Purines bắt nguồn từ thực phẩm do chúng ta ăn hàng ngày đã được bộ phận tiêu hoá biến thể để vào máu và theo dòng máu xuống gan để được tiếp tục chế biến và phân ly thêm. Purines được hình thành vào chặng cuối của sự phân ly các mô tế bào như là một phần trong thủ tục tái tạo tự nhiên. Qua nhiều biến thái, Uric Acid là sản phẩm cuối cùng của Purines hay nói một cách khác, Purines,sau cùng, tự nó là Uric Acid. Phần lớn Uric acid được chuyển qua thận và bài tiết ra ngoài do đường tiểu; phần còn lại tích tụ trong ngũ tạng và bị vi trùng oxy hóa. Kết quả sự bồi đắp của Uric Acid trong nhiều năm sẽ tạo ra tinh thể muối vô cơ hoặc tinh thể vôi vô cơ có hình thể giống như cây kim ứ đọng ở chung quanh các khớp xương. Bạch huyết cầu thuộc hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể nhận dạng tinh thể muối, vôi vô cơ như là “hoá chất lạ xâm lăng” và tấn công. Sự công kích này khiến cho vùng da ở trên khớp xương bị kéo mỏng, khô và nóng bỏng. Sự nóng bỏng như thiêu đốt này tác động dây thần kinh cảm giác ở cuối khớp xương tạo ra đau nhức kinh khủng cho bệnh nhân.
Thông thường sự tập trung của Uric Acid trong huyết thanh thường ở dưới 7.0 mg/dl. Ở trên mức độ này được coi là tình trạng thặng dư chất Uric Acid và khiến cho bệnh viêm khớp có cơ nẩy sinh. Tuy nhiên, có đến 99% trường hợp lâm bệnh loại I vẫn không giải thích được nguyên do gây ra dư lượng Uric Acid và hiện nay vẫn còn là một đề tài tranh luận giữa các Khoa Học Gia.(4) Những trường hợp còn lại có thể theo dõi được là sự thiếu hụt diếu tố (Enzymes) có ảnh hưởng đến sự kết hợp chất Purines trong các hạch tế bào của cơ thể.
Dư lượng Uric Acid ở loại II gây ra bởi dược thảo trị liệu và tình trạng sức khỏe. Một số những loại thuốc dùng để chữa trị những căn bệnh khác có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho bệnh đau khớp chẳng hạn như thuốc Thiazide diuretics dùng cho chứng cao áp huyết(Hypertension), Pyrazinamide dùng để trị bệnh lao(Tuberculosis) hoặc thuốc Cyclosporine dùng ngăn ngừa phản ứng của cơ thể bệnh nhân trong các cuộc giải phẫu ghép thận v…v… đều có thể làm giảm mức độ bài tiết của thận. Ngoài ra, đau thận và nhiễm độc chất chì cũng đều có thể gây ra bệnh viêm khớp.
NHỮNG LOẠI VIÊM KHỚP THƯỜNG GẶP:
Các nhà chuyên môn về bệnh lý học và bệnh nghiệm học xếp loại viêm khớp(Arthritis) và những căn bệnh đau khớp (Rheumatism) khác cùng loại vì tác dụng của các căn bệnh này tạo ra ở các khớp xương(5). Căn cứ vào bệnh trạng, nguyên nhân và phân tích để định bệnh, những chứng đau quanh khớp xương thường gặp có thể tạm thời liệt kê như sau với những nét đặc
thù tóm lược của vài căn bệnh:
VIÊM KHỚP ĐƠN(Monarticular Arthritis):
Sự tích tụ của các tinh thể muối vô cơ (Monosodium Urate Monohydrate Crystals) ở khoảng cách giữa khớp xương khiến cho bệnh nhân bị sưng, nóng bỏng và đỏ bầm, thông thường là ngón chân cái(Podagra). Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37 độ C. Ở những khớp xương khác chẳng hạn như đầu gối, mắt cá chân, nhiệt độ thường ở dưới 29 độ và tinh thể muối vô cơ có thể tập trung ở một nhiệt độ thấp hơn. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao khớp xương ngón chân cái thường bị tấn công trước.
VIÊM KHỚP KINH NIÊN(Chronic Gout):
Kể từ khi viêm khớp tác hại lần đầu, căn bệnh có thể tái phát tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu không được chữa trị, người bệnh sẽ bị hành hạ thường xuyên hơn và chu kỳ phát tác sẽ càng ngày càng bị rút ngắn hơn. Sau một thời gian dài, khoảng trên 10 năm, kể từ ngày bệnh bộc phát, một bướu nhỏ như màu phấn trắng vàng có thể nhận diện được ở trên vành tai hoặc khuỷu tay của bệnh nhân do tinh thể muối vô cơ tạo thành. Những cơn đau nhẹ liên tục, sự nóng bỏng của nhiều khớp xương khiến cho sụn, xương bị biến dạng, bị mất dần cử động và cuối cùng khớp xương bị hủy hoại
NGỤY VIÊM KHỚP(Pseudogout):
Sự tích tụ của các tinh thể vôi vô cơ (Calcium Pyrophosphate Crystals) ở khoảng cách giữa khớp xương khiến cho bệnh nhân bị sưng, nóng bỏng và đỏ bầm. Những khớp xương thường gặp nạn là đầu gối, cổ tay và vai. Mặc dù Viêm Khớp và Ngụy Viêm Khớp
rất khó phân biệt, nhưng căn cứ trên bối cảnh Y học thực nghiệm, triệu chứng viêm khớp có khuynh hướng phát triển nội trong vài giờ trong khi ngụy viêm khớp có thể kéo dài nhiều ngày. Kể từ năm 1962, Ngụy Viêm Khớp được hoàn toàn công nhận là một căn bệnh riêng. Theo thống kê, cứ 1000 người lớn thì có 1.3 người bị bệnh này.
PHONG THẤP KHỚP CẤP(Acute Rheumatoid Arthritis):
Một căn bệnh lâu đời khiến cho khớp xương cổ tay, khớp xương lớn, chỗ ngón tay nối liền với phần còn lại của bàn tay bệnh nhân bị sưng, nóng bỏng và đỏ bầm. Triệu chứng này dẫn tới sự đau nhức , cứng đơ và có thể mất cơ năng hoạt động. Đầu gối, khớp
xương bánh chè của chân và nhiều khớp xương khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong trường hợp thông thường, chứng sưng và nóng đỏ có thể kiểm soát và tự hạn chế được. Tuy nhiên, triệu chứng này vẫn tiếp diễn đối với những người mang bệnh viêm khớp là do huyết thống. Nếu bệnh trạng này kéo dài, khoảng cách của khớp xương sẽ bị thu hẹp, sụn và xương sẽ từ từ bị hủy hoại.
Theo thống kê, cứ mỗi triệu dân số, có 750 trường hợp bị nhiễm bệnh hàng năm. Bệnh nhân phái nữ nhiều hơn bệnh nhân phái
nam từ hai tới ba lần.
THOÁI BIẾN VIÊM KHỚP(OsteoArthritis hay Degenerative Arthritis):
Một cổ bệnh gây ra bởi sự thoái hoá của khớp xương. Sở dĩ sự thoái hoá xảy ra là vì sự cọ xát của mặt khớp xương tạo ra sự soi mòn và tách rời khỏi các mô tế bào. Bệnh mập, chân vòng kiềng, sụn bị hư hại hoặc xương hông bị trật đều là những yếu tố khiến cho sự thoái hoá gia tăng nhanh chóng. Những khớp xương thông thường bị ảnh hưởng là đầu gối, dưới lưng, cổ, khớp xương nhỏ ở gần móng tay của bàn tay. Mặc dù những cơn đau tăng dần từng chập ở khớp xương bị tác dụng và sự di chuyển bị hạn chế,
nhưng căn bệnh này không gây ra sự nóng bỏng, thiêu đốt như các bệnh viêm khớp khác.
THỦ TỤC CHẨN BỆNH:
Các vị bác sĩ cũng như các bác sĩ chuyên môn về viêm khớp sẽ đặt những câu hỏi về hồ sơ y khoa của bệnh nhân và chẩn bịnh để loại bỏ những triệu chứng tương tự. Thông thường, thử máu được áp dụng để tìm dung lượng Uric Acid ngõ hầu phòng ngừa bệnh
tái phát. Đồng thời, bệnh nhân có thể được chỉ định tới một phòng thí nghiệm để thử nước tiểu đã bài tiết trong vòng 24 giờ. Sự phân tích sẽ cho biết nguyên nhân gây ra dư lượng Uric Acid và nếu dung lượng cao hơn mức độ bình thường, bệnh nhân có nguy cơ phát triển sạn thận. Dựa vào kết quả của cuộc thí nghiệm, các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc và phương pháp trị bệnh. Ngoài ra, chụp quang quyến X chỗ khớp xương bị đau hoặc rút hoạt dịch (synovial fluid) từ khớp xương bị tác dụng của bệnh nhân đều là những
cách phân tích cần thiết để định bệnh.
HƯỚNG DẪN TRỊ LIỆU TỔNG QUÁT:
Sau thời gian định bệnh, phân tích để tìm nguyên do gây ra bệnh căn cứ vào kết quả của các cuộc thí nghiệm, các vị Bác Sĩ sẽ quyết định phương pháp trị liệu cấp thời hay trường kỳ tùy thuộc vào trường hợp của mỗi bệnh nhân và căn bệnh. Thông dụng nhất trong các phương pháp trị liệu vẫn là cách dùng thuốc. Lẽ dĩ nhiên khi cấp phát toa thuốc, Bác sĩ đã có sự lựa chọn những loại thuốc có công hiệu, nhưng trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể bị dị ứng, bị thuốc công phạt hoặc không thích hợp với một loại thuốc nào đó vì cơ thể đã có những căn bệnh khác ngoài viêm khớp. Cho nên, việc tìm hiểu thuốc được áp dụng cho những căn bệnh nêu trên là điều cần thiết.
Một số những loại thuốc thường được dùng để chống lại những cơn đau nhức và có tính cách cấp thời trong khi bệnh bộc phát có thể kể tới:
THUỐC TRỊ LIỆU NGẮN HẠN:
Colchicine được dùng để thuyên giảm sự đau nhức và đồng thời chống lại sự bồi đắp của tinh thể Uric Acid ở khớp xương bị tác hại cũng như làm giảm dung lượng của Uric Acid trong máu. Loại thuốc này được áp dụng ngắn hạn cho viêm khớp đơn, ngụy viêm khớp và phải ngưng khi sự tấn công của căn bệnh đã qua và số lượng thuốc đã dùng tới mức tối đa hoặc có dấu hiệu cho thấy ruột bị nhiễm độc. Thuốc này thường dùng cho những bệnh nhân mang chứng suy nhược về thận, gan và mục xương. Nhược điểm của loại thuốc này là buồn mửa, tiêu chảy và đau thắt bao tử. Trong thời gian uống Colchicine, bệnh nhân thường được
khuyến cáo là phải ngưng sử dụng thuốc Aspirin đã được dùng cho bệnh trạng khác vì thuốc này làm giảm sự bài tiết Uric Acid. Ngoài ra, các viện nghiên cứu đã căn cứ vào hậu quả của thuốc uống để dẫn chứng và xếp loại yếu tố rủi ro từ tối thiểu đến tối đa những thứ thuốc được dùng có thể gây ra triệu chứng bao tử rướm máu. Relafen, Lodine và Clinori được cho là ít rủi ro nhất. Những loại thuốc có mức độ rủi ro trung bình có thể kể tới Motrin, Advil, Nuprin, Rufen, Aleve, Naprosyn, Naprelan và Anaprox. Mặc dù được liệt kê ở mức độ rủi ro trung bình, thuốc Actron, Orudis và Oruvail có thể khiến cho bệnh nhân phải vào bệnh viện vì ruột bị rướm máu dù chỉ uống loại thuốc này với một số lượng nhỏ trong vòng một tuần lễ. Celebrex, Feldene, Indocin, Meclomen và Daypro là những thứ thuốc có sự rủi ro cao khi sử dụng(6). Một số những loại thuốc khác thiếu an toàn khi dùng trong lúc thai nghén, chẳng hạn như Indomethacin, Naproxen, Ibuprofen, Colchicine v…v…
THUỐC TRỊ LIỆU TRƯỜNG KỲ :
Thông dụng nhất trong các thứ thuốc được dùng hàng ngày để chuyên trị viêm khớp trong thời hạn dài là Allopurinoll(Lopurin, Zyloprim) và Probenecid(Benemid, Parbenem, Probalan), áp dụng cho viêm khớp kinh niên. Thuốc Allopurinol có công
dụng hạ thấp sự sản xuất Uric Acid của cơ thể và thận của bệnh nhân có dấu hiệu làm việc kém hữu hiệu.
Kinh nghiệm cho biết thuốc có thể gây chứng ban, làm giảm bạch huyết cầu, tiêu chảy, nhức đầu và sốt. Thông thường Probenecid được cấp phát để giảm dung lượng Uric Acid xuống mức độ từ 5-6 milligrams và áp dụng cho bệnh nhân dưới 60 tuổi, có thận hoạt động bình thường và Uric Acid bài tiết ở duới mực độ 800-1000 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu dùng lâu,
thuốc có thể gây chứng ban, đau bụng, nhức đầu và buồn mửa. Vì vậy các bác sĩ thường do dự và không cấp thuốc cho đến khi bệnh nhân bị trở bệnh vài lần.(7)
Trong trường hợp bệnh nhân không thích hợp với loại thuốc được dùng hoặc không thể dùng thuốc uống, các vị bác sĩ thường thay thế bằng một loại thuốc khác có công dụng tương tự hay chuyển từ thuốc uống sang thuốc chích.
Những loại thuốc mang hợp chất steroids thường dùng cho Ngụy Viêm Khớp có thể kể tới: Triamcinolone, Pednisone và Corticostreoids. Thuốc dùng cho Viêm Khớp Kinh Niên là Allopurinoll và Probenecid. Một loại thuốc dùng để chống bệnh ung
thư là Rheumatrex được chọn lựa để trị Phong Thấp Khớp Cấp vào giai đoạn bệnh mới phát khởi. Bệnh nhân của Thoái Biến Viêm Khớp thường quen thuộc với thuốc Feldene, Clinoril, Indocin, và Ibuprofen.
Ngoài ra thuốc đa dụng để chữa bệnh thường được nhắc nhở tới là Colchicine và Allopurinoll.
Nhận định về hiệu quả của các loại thuốc được đặc chế cho Ngụy Viêm Khớp và hiện lưu dụng trên thị trường, Bác Sĩ Mark A. Graber thuộc viện đại học Iowa cho rằng”Không có loại thuốc nào là thượng thặng. Có thể theo lớp lang thứ tự như cách thức của
bệnh viêm khớp”.
TRỊ LIỆU BẰNG CÁCH ĂN KIÊNG:
Mặc dù trị liệu bằng cách ăn kiêng không đóng một vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa đau khớp, nhưng hoá chất purines hình thành là do biến thái của cơ thể và do nguồn cung cấp từ thực phẩm; cho nên kiêng cữ những thực phẩm giàu chất purines quả thật có lợi cho những người mang bệnh viêm khớp, đặc biệt là những người quá mập.
Bệnh mập có liên hệ trực tiếp đến dư lượng Uric Acid trong máu. Nếu trọng lượng cơ thể vượt quá mức trung bình về cân đo, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ để lập một chương trình giảm cân hoặc ăn kiêng.
Thông thường, bệnh nhân có thể ăn những thức ăn hợp khẩu vị trong giới hạn đã được ấn định với thực phẩm không làm cho căn bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Nếu bị sạn thận, người bệnh nên tránh hoặc hạn chế những thức ăn có thể nâng cao dung lượng Uric Acid và uống nhiều nước tinh khiết để cơ thể dễ dàng bài tiết.(8)
TRỊ LIỆU BẰNG CÁCH DINH DƯỠNG:
Nếu ăn kiêng có lợi cho những người mang bệnh viêm khớp thì việc dùng sinh tố và sinh tố tươi lấy ra từ trái cây và rau tươi để bồi dưỡng cho cơ thể hẳn không phải là một việc làm vô bổ. Các chuyên gia về dinh dưỡng đã đề nghị dùng các loại sinh tố để dung hoà lượng purines trong cơ thể bằng:
1/ Sinh tố B complex để tránh số lượng cao của niacin
2/ Sinh tố B5 để chống chứng cao áp huyết.
3/ Sinh tố C và rong biển để giảm lượng Uric Acid.
4/ Sinh tố E để gia tăng sự tuần hoàn.
5/ Germanium để giảm đau nhức và sưng.
6/ Zinc quan trọng cho sự biến thái của protein và tu
bổ mô tế bào.(9)
Ngoài những loại thuốc bổ nêu trên, người bệnh nên ăn trái cây tươi và những loại rau có lá màu xanh ngoại trừ rau mồng tơi(Spinach) vì loại rau này có chứa Oxalic Acid khiến cho việc bài tiết của thận bị cản trở. Theo James A. Duke, Ph.D.(tác giả của trên 20 cuốn sách về dinh dưỡng), trái anh đào(Cherry), trái dâu dung hoà lượng Uric Acid. Rễ và thân cần Tây chứa trên một tá những hợp chất chống chứng sưng và nóng bỏng. Cho nên nếu được ép để lấy nước sinh tố tươi nguyên chất, các loại trái cây và rau này trở thành loại thuốc thiên nhiên mang nhiều diếu tố. Hiện nay, các loại máy này có bán trên thị trường và các chuyên gia về dinh dưỡng có thể giúp quí vị lựa chọn những loại trái cây cũng như rau thích hợp cho từng trường hợp.
TRỊ LIỆU BĂNG CÁCH TẬP THỂ DỤC:
Vận động ở dưới nước, đặc biệt là ở hồ bơi, các cử động sẽ dễ tập và nhẹ hơn nhiều, nếu so với các động tác khi tập thể dục trên mặt đất bằng. Cách thức tập sau đây sẽ giúp người bệnh đi đứng dễ dàng hơn:
a) Tập chân:
Đứng thẳng, hông trái sát thành hồ bơi. Giữ cơ thể từ bụng trở lên thẳng đứng. Trong khi tay trái vịn thành hồ bơi làm điểm tựa, nâng chân phải về phía trước đến độ cao có thể làm được. Sau đó, nâng chân phải về phía sau đến độ cao như mới vừa thực hiện. Tập động tác này 10 lần. Sau đó, xoay người ngược hướng, tay phải vịn thành hồ để tập chân trái.
b) Tập đầu gối:
Đứng thẳng, hông trái sát thành hồ bơi. Gập đầu gối bên phải lại, giữ cho thẳng và sau đó nâng chân phải lên cho đùi ở vị trí song song với mặt nước. Vận động 10 lần. Sau đó, đổi bên để tập nâng đầu gối của chân bên trái.
c) Tập cánh tay:
Đưa hai tay ra phía trước, giữ khủyu tay thẳng và nâng lên cách mặt nước chừng 4 inches. Xoay hai cánh tay để vẽ những vòng tròn trong nước từ nhỏ (3 inches) tới lớn (10 inches) và xoay từ trong ra ngòai và ngược lại từ ngòai vào trong với điều kiện là hai tay đừng chạm vào nhau.
ĐỀ NGHỊ :
1/ Bệnh nhân nên khám sức khỏe định kỳ, tối thiểu một năm hai lần.
2/ Xin Bác sĩ điều trị thử nghiệm để tiên đoán căn bệnh tái phát và xin thuốc phòng hờ khi hữu sự.
3/ Chuẩn bị sẵn Lavender, Rosemary oils để ngâm hoặc đắp với nước ấm khi cần. Bịch cao su đựng đá cũng cần được dự trữ để đắp lên chỗ bị sưng.
4/ Uống nước sinh tố tươi(Anh đào, dâu, cần Tây) từ 8-16 oz mỗi ngày và 2-3 lít nước tinh khiết hàng ngày để giữ cho lượng Uric Acid ở mức độ bình thường.
5/ Ăn kiêng và cữ rượu.
6/ Vận động mỗi ngày hoặc tập thể dục.
7/ Ngăn ngừa bệnh tái phát và đề phòng khớp xương bị hủy hoại.
8/ Thảo luận với Bác sĩ nếu khớp xương không thể cứu vãn và cần giải phẫu
9/ Tránh lo nghĩ, buồn phiền bởi vì sự lo âu làm cho các bắp thịt co lại khiến cho cơn đau gia tăng và vì vậy chu kỳ của sự phiền não gia tăng theo.
Nhìn tổng quát và khách quan mà nói, viêm khớp hay đau khớp quả là căn bệnh phức tạp và thuốc trị liệu không đáp ứng được kết quả mong muốn. Phương pháp điều trị hầu như được tập trung vào việc xoa dịu những cơn đau của bệnh nhân và phòng bệnh với những lời khuyên hữu ích về ăn kiêng và thể dục. Nếu sự thay đổi nếp sống, thói quen về ăn uống và những loại thuốc ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến tình trạng sức khỏe thì lý do nào khiến chúng ta không quay trở lại với những loại thực phẩm thiên nhiên có chọn lựa?
Xin mượn lời của tổ sư Y-Khoa ở thế kỷ thứ 5, HIPPOCRATES thay cho lời kết:
“Hãy lấy thực phẩm của bạn làm thuốc và thuốc của bạn làm thực phẩm”
Tài Liệu Tham Khảo:
Joseph J, McGrath H: Gout or ‘Pseudogout’: How to differentiate crystal-induce arthoaties Geriatrics, 1995.
Becker MA, Tate G, Schumaker HR, Primer on Rheumatic disease, Ch 47. 9th edition; Gout 1998
Tan N., Lartranakul Y, Barr WG: Acute Gouty Arthritis. Modern approaches to an ancient disease. Postgraduate Medicine 1993.
Wise CM, Agudelo CA: Gouty Arthritis and Uric Acid Metabolism. Current Opinion in Rheumatology 1996.
What would be your diagnosis, Prof. D.Wessinghage, MD
Ghi Chú:
1- Druginfonet.com/faq
2- John Murtag, Professor of General Practice, Monash Univ., Melbourne, Australia.
3- Univ. of Texas, Lifetime Health Letter 6, 1996.
4- MIT & Harvard Medical School, General Hospital, Massachusetts
5- Hendler P, St. Francis Memorial Hospital, S.F. 1998
6- MIT & Harvard Medical School, General Hospital, Massachusetts.
7- MIT & Harvard Medical School, General Hospital, Massachusetts.
8- Louis A. Healey, Jr., MD & Herbert S. Diamond, MD, Univ. Washington, Seattle
9- Michael T. Murray, ND
Danh Sách Các Cơ Quan và Tổ Chức Liên Hệ đến Viêm Khớp:
–The Arthritis Foundation
1330 West Peach St.,Atlanta, GA 30309.
Đây là nguồn cung cấp cho rất nhiều dịch vụ. Cơ quan này tài trợ nghiên cứu và cung cấp sách chỉ dẫn, băng ảnh, chương trình thể dục và giới thiệu các bác sĩ chuyên môn. Cơ quan này có chi nhánh trên toàn quốc và cung cấp những dịch vụ khác nhau. Một số hỗ trợ nhóm. Một số đặt trọng tâm về thí nghiệm, một số khác lưu tâm đến việc giúp các bệnh nhân Thoái Biến Viêm Khớp. Có mở lớp học 12 giờ để giúp bệnh nhân Phong Thấp Khớp Cấp.
–The National Institute of Athritis and Musculoskeletal Skin Diseases(NIAMS),
One AMS circle, Bethesda, MD 20892-3675.
Tel:(301) 495-4484.
Viện này cung cấp sách chỉ dẫn và hai tài nguyên thư khố, một cho giới Y Tế chuyên nghiệp, một cho bệnh nhân Thoái Biến Viêm Khớp.
–American Academy of Orthopedic Surgeons
PO Box 2058, Des Plaines, IL 60017.
Cơ quan này sẽ gửi tài liệu về Viêm Khớp nếu người xin tự cung cấp phong bì có dán tem và điạ chỉ hồi âm.
–Aids for Arthritis, Inc., Tel:(609) 654-6918
–Enrichments, Tel: 1-800-323-5547.
Cả hai hãng này có dịch vụ về dụng cụ hỗ trợ và sản phẩm cho bệnh nhân Viêm Khớp.
–American Orthotic and Prosthetic Association Orthotic Patient Education,
1650 King St., Suite 500, Alexandria, VA 22314.
–American College of Rheumatology,
60, Executive Park South, Ste., 150, Atlanta, GA 30329.
Tel:(404)633-3777.