Cho Ngày Tháng Qua Đi

Lê Trần

Ông  già ngồi lọt thỏm trong cái ghế bành nâu. Nắng buổi sáng từ cửa sổ chiếu vào những sợi tóc muối tiêu, nhẩy múa trên những chậu cây kiểng trong căn phòng khách rộng. Gió bên ngoài làm đong đưa những tàng lá dogwood lai trước cửa, vẽ trên tường những bức tranh linh động, luôn luôn biến đổi , với những nét chấm phá lạ kỳ. Người đàn bà gánh trái cây,  trong bức tranh thêu treo trên tường,  y như bị những vệt nắng đẩy ra khỏi khung gỗ, chân bước nhịp nhàng theo tà áo bay bay,  nghiêng nghiêng dưới sức nặng của mấy thúng cam quit chin vàng.  Căn phòng đầy ánh sáng và thinh lặng,  như tâm hồn của người già đang ngồi kia, đã hết hệ lụy của trần gian bon chen, bình thản nhìn thời gian tí tách rơi.

tranh veÔng Trần yêu những buổi sáng như vậy, trong cái ghế bành thân yêu ,  trong căn phòng thân quen với những bàn ghế và vật dụng đã dùng từ bao nhiêu năm.  Ông lắng nghe tiếng chim kêu , tiếng trẻ con hàng xóm reo đùa trước ngõ, tiếng nhạc của xe kem ngoài phố, tiếng ầm ì của xe cộ từ xa vọng lại.  Hình như,  khi sức khỏe chỉ còn như ngọn đèn leo lét gần hết dầu,  những  tiếng động của cuộc đời bên ngoài làm cho mình cảm thấy sự sống hãy còn ấm nóng trong cái thân đã tàn nguội, và sự hãy còn hiện hữu của mình trong thế giới này như một phép lạ thật nhiệm mầu.

Mùa xuân năm 2008,  ông đúng 83 tuổi.  Ngày tháng như thoi đưa.  Khi còn trẻ , cứ nghĩ đến tuổi bẩy mươi đã là già lắm rồi, đủ thọ để đi chầu ông bà.  Thế mà đã sống được thêm hơn mười năm.  Ăn vẫn thấy ngon nhưng không được nhiều, ngủ vẫn còn say nhưng cũng nhiều khi chập chờn mộng mị.

Tất cà tứ chi và khí huyết cứ như tiêu mòn dần,  cử động mỗi ngày một  chậm chạp và yếu đuối thêm.  Nhưng cũng may, ông còn tự lo được cho mình, không phải phụ thuộc vào người khác trong việc ăn uống hay vệ sinh.  Vẫn chậm chậm chống gây leo thang lên lầu buổi tối để đi ngủ, chỉ những khi nào quá đau chân, ông mới để bà dìu đỡ. Ai cũng bảo thế là có phước,  mà ông có than khổ bao giờ đâu.

Tính ra,  hai vợ chồng già sống với nhau đã được gần năm mươi năm.  Các cô con gái đã thành những thiếu phụ trung niên, và mấy đứa cháu ngoại ngấp nghé trở thành thiếu nữ, chả mấy chốc lên đại học . Thời gian đi nhanh đến giật mình !

Bà cũng về hưu đã được gần sáu năm . Làm việc đến sáu mươi tám tuổi mà lúc ra đi hãy còn luyến tiếc.  Mấy tháng đầu ở nhà, bà thấy hụt hẫng , chả biết làm gì cho hết thời giờ. Bà nhớ  hùi hụi những quyển sách bà làm hàng ngày, thơm phức mùi mực mới,  mỗi quyển là một kho tàng phong phú chứa đầy bí mật của trời đất và con người. Bà nhớ da diết những người bạn cùng sở, sau hai mươi năm làm việc với nhau, đã trở thành thân thiết như một gia đình nhỏ. Bà nhớ khuôn viên đại học Georgetown, nơi bà đã san sẻ với bao nhiêu thế hệ sinh viên những vui buồn của học hành thi cử, những thăng trầm trong cuộc đời lao động của bà.

Nhưng chẳng nhẽ đi làm đến bao giờ ? Đã có nhiều lúc bà thấy thấm mệt , lái xe nhiều khi muốn ngủ gục sau một ngày dài cặm cụi với đống sách. Thề là bà về hưu …. Và thích ứng gì, chứ thích ứng với ngày nào cũng là thứ bẩy thì cũng dễ thôi.

Tiếng khua đũa bát trong bếp làm ông giật mình bừng tỉnh giác ngủ ngày. Bà ơi, sắp cơm tối hay cơm trưa đây nhỉ ?  Cơm trưa, khổ lắm, sao ông ngủ nhiều thế ? Dậy đi bộ quanh xóm cho khoẻ rồi về ăn cơm là vừa.  Tai ông càng ngày càng nghễnh ngãng,  nói với ông cứ phải nói to, nhắc đi nhắc lại, nhiều khi bà phát cáu. Bà cáu thì ông lại dỗi !  Ấy, thế giới của người già cứ lẩm cẩm như thế ! Khi nào trời nắng đẹp, dục ông đi bộ, thì bao giờ ông cũng cằn nhằn : biết rồi, khổ lắm, nói mãi ! Mà không dục thì ông cứ năm ì  cả ngày trong cái ghế bành trong phòng khách. Nằm nhiều quá gân cốt cứng lại, đứng lên ngồi xuống càng khó khăn thêm, và lại càng không muốn ra khỏi cái ghế.  Cứ  như vậy mà sức khỏe suy kém dần. Và sức khỏe suy kém cũng một phần là do từ trẻ đã có bệnh lười không chịu hoạt động cất nhắc ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất. Ối thôi, kể tôi lười thì ông nhiều lắm ! Bây giờ yếu đuối thì còn có cớ để khỏi phải động ngón tay, nhưng ngay cả khi ông còn khoẻ, ông cũng nhất định không mó tay làm một việc gì hết. Mỗi lần nghe mấy bà bạn kể ông chồng này rửa bát, đi chợ, ông kia lo giặt ủi, ông nọ lo làm vườn, bà cũng tủi thân… buồn năm phút. Nhưng biết làm sao … dậy chồng đáng nhẽ phải từ thuở lon ton mới về ! bây giờ đành chịu kiếp chị sen, anh bồi và bác làm vườn vậy.

Thật ra cũng có một việc mà ông thích làm, còn mau mắn là đắng khác, đó là lâu lâu dịch cho cô Hoa. Chắc ông nghĩ, bà đoán vậy, công việc này vừa cho óc làm việc, vừa lâu lâu có chút tiền còm đút lót cho bà già trầu.

Ngày tháng cứ nhẩn nha trôi. Sáng nào hai ông bà cũng ngồi ở cái bàn trong bếp, uống cà phê, ăn điểm tâm, đọc báo lai rai cho đến hơn mười giờ. Don dẹp loanh quoanh một chút, lại đến giờ ăn trưa . Giang sơn của ông bà ban ngày là cái bếp và phòng khách với cái ti vi và máy vi tính. Đủ cho ông giải trí  khi sự xê dịch bắt đầu khó khăn và  sự sống bắt đầu thu hẹp.  Cái bếp như một ẩn náu ấm cúng, có ảnh con cháu treo đầy tường và bàn thờ tổ tiên đủ cả các cụ bên nội và bên ngoại.  Hai người già ngồi đó mỗi ngày, chia vui sẻ buồn với quá khứ  và tương lai. Đôi khi ông nhớ lại những chuyện từ ngày xửa ngày xưa, những ngày còn thanh niên ở Hà Nội đi học trường Albert Sarraut, nhũng lúc đi bát phố ngắm những tà áo bay bên bờ hồ Hoàn Kiếm, những ngày còn bé về  quê ngoại ở Hữu, hay quê nội ở làng Từ Ô. Thân sinh của ông hiền hòa nhìn từ trên cao, từ chiếc ảnh thờ,  xuống người con trai tuổi đã xế chiều, đang kể lại những chuyện xẩy ra năm sáu mưoi năm trước,  ở những nơi chốn xa lắc xa lơ, y như thuộc một tiền kiếp nào. Người ta bảo người già sống nhiếu với quá khứ hơn hiện tại. Nhất là khi hiện tại chỉ là một chuỗi ngày dài bệnh tật và đau yếu. Nhớ lại dĩ vãng là một vượt thoát tuyệt vời cho tâm trí không còn đủ minh mẫn để đối phó với thực tế  mỗi ngày .  Chỉ mới có hơn mười năm thôi chứ mấy, hai ông bà còn đi xe điện ngầm lên Hoa Thịnh Đốn xem triển lãm tranh,  tản bộ ngắm hoa anh đào quanh hồ Tidal Basin, tà tà ghé tiệm cà phê Starbuck nhâm nhi tách expresso.  Lúc đó chân hãy còn như có cánh  (tuy rằng cánh có trụi ít lông rồi !) và lòng còn tràn đầy mộng hải hồ .

Cái bàn trong bếp cũng là nơi độc nhất hai ông bà ngồi bàn truyện gia đình hay thế sự. Kinh tế khủng hoảng, chiến tranh khủng bố, đạo lý suy đồi. Con nào mất việc thì buồn, con nào còn việc thì vui. Các cháu nhớn lên như măng mọc, như gió cuốn trong một thế giới tranh đua, mỗi ngày một khó khăn.

Cứ thế, ngày ba bữa, hai người già ngồi với nhau trong bếp, cho ngày tháng qua đi…..  Cơm xong, ông lại trở về cái ghế bành thân yêu,  với cái tăm và chén trà nóng, ti vi làm nhạc đệm.

Sáng nay tỉnh dậy thấy tuyết đầy ngõ. Những cành cây khẳng khiu đã được trang điểm bằng những chùm hoa trắng. Trận tuyết đầu tiên của mùa đông 2010.

Bà Lê nằm yên trong giường, nghe ngóng những tiếng động ở giường bên, nhưng chỉ thấy im vắng tứ bề. Chiếc giường của ông không còn ở đó nữa, vì ông đã đi rồi …Ấy thế mà đêm đêm bà vẫn mơ hồ như còn nghe thấy bước chân ông chập choạng theo tiếng gậy lọc cọc vào phòng tắm, tiếng ông ho khan từng hồi, tiếng khạc nhổ và sau đó là luc đục tìm nước uống.

Ông ra đi vào mùa hè năm 2009, sau gần một năm chiến đấu với bệnh tật và đau đớn. Tất cả tim phổi thận và máu huyết y như bùng lên một lúc, tàn phá cái thân đã sẵn yếu đuối. Trong những ngày cuối cuộc đời, chất độc trong máu thấm vào óc, làm ông nhiều đêm có những giấc mộng kỳ lạ hãi hùng . Và ông kêu thét lên, sợ hãi, vung chân tay chống trả như bị ai đánh đập. Cứ nằm ngủ là ác mộng, đến nỗi ông sợ không dám nằm  Ông sợ ông mất trí. Cứ thế mà ngồi khòm khọm cả đêm làm bà cũng xót xa ngồi luôn với ông,  cùng thức với nhau. Rồi có khi thức cũng mê hoảng, thấy trong phòng đầy người lô nhô như đón chờ. Người ta bảo khi nào mình gần chết thì những linh hồn bà con đã qua đời hiện ra như muốn lôi kéo mình đi. Có lần ông đang ngủ ngon thì bà đánh thức dậy để đưa đi bác sĩ. Ông bảo : sao đánh thức làm gì, ông đang ở nhà thờ vui lắm, mọi người đang chờ để đưa ông đi.

Những ngày tháng cuối cùng của ông là một chuỗi bất tận còi hụ cấp cứu,  những ngày nằm liệt giường ở nhà thương , thân gầy trơ xương lô nhô dăm bẩy loại dây dợ cắm vào người,  bằm tím thịt da. Lâu lâu mới có những phút ông được ở nhà bình yên,  được khoan khoái nằm trong cái ghế thân yêu, nhắm mắt ngủ trong cái không gian quen thuộc của mình.  Đó là khoảng thời gian hiếm hoi giữa những buổi lọc máu, nếu không phải đi bác sĩ. Những lúc đó, nếu ông cảm thấy dễ chịu, ăn ngon miệng, chân không đau, thì hai ông bà lại kéo dài bữa ăn sáng ở trong bếp, đọc báo và nói truyện nhát gừng với nhau, lòng tràn đầy tri ân đấng Tối Cao và dâng lời cảm tạ.  Hôm nào trời nắng đẹp, và ông cảm thấy khỏe, ông đòi bà đưa ra sân sau đi bộ sưởi nắng. Hít một hơi dài không khí trong mát bên ngoài, nhìn lên bầu trời trong xanh, nắng ấm làm máu  chạy khắp chân thân,  ngạc nhiên thấy mình còn sống,  còn biết yêu và thưởng thức vạn vật tươi đẹp chung quanh, có cảm giác như nắm được trong khoảng khắc một thoáng  thiên đường.

Bây giờ thì ông đã  thật ở một cõi khác rồi, rất bình yên, hết đau hết khổ. Có thể đang ở thiên đường sau khi đã làm hòa với Chúa. Chỉ biết là khi thở hơi cuối cùng, mặt ông thanh thản hồng hào. Ra đi không cần trăn trối, vì sống với nhau hơn 48 năm, có cần gì để nói khi đã san sẻ với nhau cả một cuộc đời dài nửa thế kỷ ….

chairCái ghế bành da nâu vẫn còn đó trong phòng khách như rộng hơn…. Nắng vẫn chiếu vào người đàn bà gánh trái cây và gió làm rung rinh những vết chấm phá in hình cây lá bên ngoài trên thảm. Đôi khi giật mình tưởng như ông hãy còn ngồi đó, đang chữa bài cho ông Tấn hay xem lại bài dịch cho cô Hoa.

Tuy vẫn biết là có sinh có tử, nhưng sinh ly tử biệt vẫn buồn quá đi thôi.. vẫn có vị đắng … khi một phần đời của mình cũng theo người đi mà chết .  Phần còn lại vẫn phải sống, nhưng đôi khi thấy nhạt nhẽo vô vị làm sao !  Người ta bảo thời gian sẽ từ từ xóa hết nhớ thương.

Thôi thì cứ chờ xem sao …

 

Lê Trần

Fairfax, tháng tư 2010

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *