Về miền Tây

Sơn Tùng

Tháng 1 năm 1983, tôi từ Trại Tị nạn Bataan, Philippines, được người thân bảo lãnh sang Mỹ. Nơi đến: Santa Clara, miền Bắc California. Vài tháng sau, tôi di chuyển sang Orange County, miền Nam Califonia.

Orange County được người Việt tị nạn gọi là “Quận Cam”, bao gồm ba thành phố: Santa Anna, Westminster và Garden Grove nên được gọi là “khu tam tỉnh”, hay “Little Saigon”, hay oai hơn: “Thủ đô Tị nạn”.

Hai năm sau, tôi lại di chuyển sang Virginia, thuộc Vùng Hoa-Thịnh-Đốn (Washington Area), ở miền Đông nước Mỹ, cho tới ngày nay, và không có mấy dịp trở lại miền Tây. Lần chót tôi đi California cách đây sáu năm.

Ngày 9.6.2017, Nhà văn Nguyễn Quang từ miền Tây gọi điện thoại cho tôi báo tin chị Minh Đức Hoài Trinh, người bạn đời của anh, từ trần. Tôi cảm thấy như vừa mất một người thân trong gia đình.

Tôi đã đọc Minh Đức Hoài Trinh hơn 60 năm nhưng mới quen biết chị khoảng 20 năm nay, khi có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mà tôi đang là người đứng mũi chịu sào trước cơn mưa to gió lớn.

Trong cái rủi đã có cái may. Vì vài kẻ làm loạn trong Văn Bút, tôi đã có dịp gặp Minh Đức Hoài Trinh, một người cầm bút với nhân cách tuyệt vời hiếm có, khác hẳn với một số nhà văn, giáo sư, bác sĩ, luật sư…mà tôi đã biết.

Bản tính hiền hòa, nhưng trong cuộc sống, khi phải chọn lựa, chị luôn luôn dứt khoát đứng về phía lẽ phải và chân l‎ý. Không mập mờ, không ngả nghiêng, không chao đảo, không đứng giữa, không đứng ngoài, đứng bên…

Trước đây ba năm, năm 2014, cuốn “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” được xuất bản dày ngót 400 trang gồm bài viết của nhiều tác giả ở nhiều nơi, thuộc những thế hệ khác nhau, đã khẳng định một điều: Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút dấn thân và có một sứ mạng.

Chị đã dùng hai chữ Minh Đức ghép vào tên làm thành bút hiệu đã thể hiện đúng con đường mà chị đã đi trong hơn 60 năm cầm bút.

Được anh Nguyễn Quang cho biết Minh Đức Hoài Trinh đã rời khỏi trần thế  một cách nhẹ nhàng, thanh thản, với gương mặt vui tươi. Tôi nghĩ vì chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã làm những gì chị muốn làm và có thể làm, cho mình và cho mọi người, bằng tình thương yêu mọi người và cũng được mọi người yêu thương.

Khi được tin chị Minh Đức Hoài Trinh mất, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là phải sang Cali tiễn đưa chị, trong khi tôi chưa bao giờ sang miền Tây để dự tang lễ của ai, dù cũng có vài người thân và rất thân đã ra đi.

Tôi không thích những cảnh buồn, không thích nhìn những cảnh buồn, và rất ngại đi xa, nhất là trong thời buổi khám xét cực kỳ gắt gao tại phi trường vì nạn khủng bố khắp nơi trên mặt đất này.

Nhưng, cuối cùng tôi cũng lên máy bay sang Cali để tiễn đưa chị Minh Đức Hoài Trinh. Anh Nguyễn Quang cảm động lắm, anh nói: “Minh Đức luôn nhắc tới anh với một cảm tình đặc biệt.”

Tôi cũng cảm nhận điều ấy trong những lần sang “thủ đô của người Việt tị nạn” trước đây,  chị Minh Đức Hoài Trinh đều “giành quyền” thù tiếp tôi trong khi tôi có khá nhiều bạn và bà con ở miền Tây.

Sang đây lần này, không còn chị. Tôi ngủ hai đêm trong căn nhà xinh xắn ở Midway City đầy những sách và hình bóng của chị. Anh Nguyễn Quang đi quanh quẩn trong nhà như tìm kiếm một báu vật đã mất. Tôi nói chuyện bình thường, hy vọng giúp anh khuây khỏa.

Có người hỏi tôi đám tang Minh Đức Hoài Trinh có lớn không? Tôi không biết trả lời thế nào. Và thế nào là “lớn”? Có đông người tới phúng điếu? Có nhiều người nổi danh, nhiều chức tước tới đọc điếu văn tán dương công đức? Có nhiều vòng hoa? Có làm lễ phủ cờ?

Nếu như thế thì tang lễ Minh Đức Hoài Trinh không “lớn”. Chắc tang gia và chính người đã ra đi cũng không mong muốn có một tang lễ như vậy, dù tôi cũng thấy có nhiều vòng hoa đẹp, cũng có những khuôn mặt nổi danh tới viếng, kể cả Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí.

Thị trưởng Tạ Đức Trí chia buồn với tang gia

 Có nhiều điều đáng nói về sự hiện diện của ông Tạ Đức Trí. Ông thị trưởng trông rất trẻ và nhã nhặn nhưng phong thái tỏa ra cái uy của một quan chức chính quyền. Nhìn ông thị trưởng tiếp xúc với cư dân đồng hương của ông, tôi liên tưởng tới những cảnh thường ngày thời Việt Nam Cộng Hòa khi ông tỉnh, ông quận “thăm dân cho biết sự tình”, và không thể không nghĩ đến thực trạng vùng “Quận Cam” ở miền Nam California hiện nay. Dân Việt Nam tại đây đã chiếm đại đa số và có quốc tịch Mỹ, có lá phiếu đi bầu và cũng có quyền ứng cử. Vì vậy ngày nay vùng này đã có người Việt làm thị trưởng, và dân biểu, nghị viên, công chức các cấp. “Little Saigon” đã trở thành một phần của “Sài-gòn hoa lệ” năm xưa trên đất Mỹ!

Và, vì là một phần của Sài-gòn hoa lệ nên cũng có những lề thói của dân Sài-Gòn năm xưa, như ồn ào, chia rẽ, ham danh, thích khoa trương, chơi nổi, thích nhậu nhẹt…Trở về miền Tây nước Mỹ tôi nghe lòng ấm áp như được sống lại với “Sài-Gòn của tôi” năm xưa khi gặp lại bạn bè, bà con, được đón tiếp đầy thân tình.

Nói tới Sài-Gòn năm xưa trên đất Mỹ ở “Quận Cam” trong chuyến về miền Tây vừa qua, tôi không thể không nói tới Nhạc sĩ Lam Phương. Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn trong nhiều thập niên.

Thật vậy, nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của Sài-Gòn qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, hay từ các cô gánh nước mướn nơi những xóm nghèo ở ngoại ô. Đến nay, Lam Phương đã sáng tác trên 200 bản nhạc.

Thăm Nhạc sĩ Lam Phương

Sau tang lễ chị Minh Đức Hoài Trinh, còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười:

–         Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…

–         Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?

–         Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.

–         Thế chúng nó có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?

–         Có chứ! Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.

–         Chúng nó không dùng tiền mua chuộc ông à?

–         Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.

–         Ông tin không?

–         Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi thì biết ngỏ nào ra?

Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký‎ kết, chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.

Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau.Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những  lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ. Và họ đã nhận được sự phỉ nhổ của công luận.

Được biết tháng mười tới đây một nhạc hội sẽ được tổ chức tại Virginia để vinh danh Lam Phương. Đồng hương và những người ái mộ ông tại Vùng thủ đô nước Mỹ chờ đợi để được đón tiếp người nhạc sĩ quốc gia tị nạn cộng sản đích thực đến từ “thủ đô tị nạn Quận Cam” ở miền Tây.

Sau năm ngày ở California, tôi sửa soạn trở về Virginia thì được tin lại có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khi người khai sinh ra nó vừa nằm xuống.

Diễn đàn “Nhịp cầu Văn hữu” của hội viên Văn Bút trên Internet đã biến thành chiến trường để các “văn hữu” trao đổi hỏa lực với những loại văn chương bị tố giác là (nguyên văn) “ tiếp tục gắp lửa bỏ tay người, dùng loại văn chương rác rưởi đối với tập thể cầm bút; dùng danh vị luật sư để hăm doạ người khác; dùng mớ kiến thức bùi nhùi, hổ lốn đối với những ai chống đối… một con người có đầy đủ những tố chất mưu mô, quỷ quyệt, gian hùng, xảo ngôn, lật lọng, điên khùng, háo danh…”

Cuộc chiến này chưa biết sẽ đưa VBVNHN đến đâu khi cuộc bầu cử ban chấp hành mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Thưa chị Minh Đức Hoài Trinh, chị đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với gương mặt vui tươi, xin chị cũng đừng phiền muộn vì những gì đang diễn ra trong VBVNHN, cái hội mà chị đã mang nặng đẻ đau với bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cao đẹp.

Sơn Tùng

 

Tiếng Khóc Muộn Màng

Nguyễn Văn Sâm

1.

Nhiều xe Cảnh Sát Dã Chiến phóng mau tới hiện trường. Họ lục đục xuống, bắc loa kêu gọi ‘Xin anh em hãy giải tán! Xin anh em hãy giải tán….’. Một số tham dự biểu tình lật đật chạy vô đứng lẫn lộn với bạn hàng trong chợ. Vài ba thanh niên cuốn vội những tấm biểu ngữ nhét vô chỗ nào đó khuất khuất rồi trở lại nhập vô đám đông đứng dưới những tấm biểu ngữ còn chưa nghiêng ngửa. Nhóm người nầy mỗi lúc một đông, toàn là thanh niên thiếu nữ trong tuổi đôi mươi, áo quần tươm tất, sơ-mi bỏ vô quần, áo dài thướt tha, giơ tay cao la hét những khẩu hiệu cáo buộc người cầm quyền đã được viết trên biểu ngữ. Họ có xao động đôi chút khi nhân viên công lực tiến tới gần. Hai bên đứng chỉ cách nhau chừng 2 thước, bên nầy hô to khẩu hiệu bên kia kêu gọi giải tán. Những chiếc dùi cui có đưa ra nhưng với mục đích hổ trợ vài ba người muốn rời khỏi tay níu kéo của đồng bọn hơn là đánh đập hay cố ý bắt hốt. Tiếng loa phóng thanh kêu gọi ồn ào hơn. Đoàn biểu tình lần lần bị tách rời với những người hiếu kỳ. Họ, lực lượng áo trắng, tay không, lúc nầy còn không có bao nhiêu, dầu vậy tiếng la hét đả đảo, kể tội Tổng Thống tham nhũng vẫn còn vang vội, và những tấm biểu ngữ còn lại vẫn hiên ngang đứng vững.

Tiếng loa kêu gọi: ‘Chúng tôi lập lại lần chót: Anh em hãy giải tán.’ Lần nầy âm độ lớn tới điếc tai. Vòng vây khép kín hơn với sự tiếp viện của ba bốn xe đóng lưới bít bùng vừa mới tới. Những trái lựu đạn cay cùng lựu đạn khói được tung ra khi nhiều nhân viên thường phục được điều động tới xua đuổi người hiếu kỳ.

Phóng viên ngoại quốc hơn chục người, mang máy ảnh cồng kềnh chạy lăng xăng, chụp hình cho nghiệp vụ mà không ai cản ngăn hay chú ý. Những người bán hàng đem tới bánh mì, nước uống và chanh xắt sẵn, một số phân phát được cho người nhận, một số khác bị đuổi xô ra khỏi vòng, cười cười bẽn lẽn phân bua. Khói lựu đạn xịt những lằn ngoằn ngoèo sát mặt đất, lần lần phủ màu vàng lan tỏa một khu không gian rộng lớn đang có tác dụng làm thối chí những ai chưa có điều kiện che mặt, xát chanh.

Lực lượng biểu tình tan lần lần như chợ bắt đầu chiều, nhiều người cầm biểu ngữ bị kè đẩy lên xe cây. Mấy chục tấm biểu ngữ bị vung vãi dưới đất đương bị dày xéo. Một vài viên Cảnh Sát Dã Chiến nhẩn nha lượm, cuốn lại đặt lên trên xe Jeep. Họ làm việc cần mẫn, ít nói chuyện dầu rằng vẻ hằn học sắt máu không thấy trên gương mặt ai.

Nhóm bám trụ còn lại ít ỏi, chừng hơn hai chục người. Mặt trời đã lên cao. Hai bên đều mồ hôi nhuễ nhoãi, đứng ‘kênh’ nhau, một bên bằng khiên thiếc và dùi cui cây, một bên bằng biểu ngữ và lòng cương quyết…

Tuấn kéo tay Ánh Thu theo đoàn người bỏ cuộc, lách mình qua nhóm Cảnh Sát Dã Chiến  đứng làm hàng rào, băng qua đường hướng về một con hẻm. Anh nói bên tai người con gái:

‘Hẻm nầy trổ ra đườngTrương Tấn Bửu. Mình về! Cay mắt quá, với lại kéo dài lâu dễ bị hốt. Họ chỉ nhân nhượng tới lúc nào đó thôi. Lâu quá họ đổ quạu mạnh tay…’

Người con gái chạy theo sức lôi của bạn, bỗng vấp hụt chưn té xụm vì đôi guốc Dakao kiểu dáng hơi nặng, may mà gượng dậy được, lếch thếch theo.

‘Ánh Thu mà té xuống người ta đạp lên không chết cũng què tay què chưn.’ Tuấn nói bằng giọng săn sóc, lo âu, rồi thêm: ‘Lần sau nên đi giày, gót cao vừa phải.’

Thu không nói gì, cũng chẳng muốn gỡ tay Tuấn ra, lúc nầy còn giữ thế làm gì nữa! Cô, tay kia ôm gọn hai vạt áo dài, chạy theo sức kéo của Tuấn, bây giờ lại mạnh hơn, quyết liệt hơn. Hai người lách đám đông tò mò đương lố nhố đứng che gần hết con hẻm, rẽ vô trong sâu. Khói lựu đạn cay phía nầy không nhiều, nhưng cũng đủ đuổi theo làm mọi người nước mắt nước mũi ràn rụa. Vài người dân núp trong cửa nhà mình vói tay ra trao những bụm chanh cắt sẵn. Thu mau tay nhận, chia cho Tuấn chà chà vô mặt, vô mắt. Ngoài kia những người hùng còn mang biểu ngữ đương giằng giựt với cảnh sát. Nhiều khi có cuộc xô đẩy nhưng phần nhiều người có trách nhiệm rất nương tay, họ cố giải tán đám biểu tình hơn là trừng phạt đánh đấm cho sướng tay hả giận.

Tuấn nói:

‘Có thể là nhờ bóng hồng của Thu nên mình thoát ra dễ dàng, không thôi bị lùa lên xe cây, sưu tra hai ba bữa mới được về. Hổng bị đánh đập gì nhưng mất thời giờ.’

Thu đứng lại thở, lúc nầy tay Tuấn đã buông khỏi tay Thu từ lâu, anh nói:

‘Qua vòng vây của họ rồi! Mình đứng đây coi diễn tiến ra sao. Họ giàn giá như vậy nhưng không dám làm mạnh đâu. Họ sợ mang tiếng vì có báo chí và phóng viên ngoại quốc quá nhiều.’

Cả hai bây giờ làm người vô can đứng dòm qua bên chợ. Một số nhân viên mặc thường phục đẩy vài ba sinh viên ngổ ngáo còn sót lại lên xe. Tiếng hô đả đảo đã hết, chỉ còn những tiếng rè rè của những bộ đàm trao đổi giữa người có trách nhiệm giải tán đoàn biểu tình với cấp trên. Xe cộ đã được phép lưu thông trở lại. Chỗ hiện trường mấy chục phút trước ồn ào náo nhiệt giờ trở lại với cuộc sống bình thường, ‘hiền như ma sơ khi đọc kinh cầu nguyện.’….

Khu chợ trở mình, xóa tan dấu vết của một cuộc biểu tình sôi động, đông ken vừa mới xảy ra. Bên kia đường, biển vàng Viện Đại Học Vạn Hạnh vẫn đứng im như lúc nào…

2.

Tôi thích nói chuyện bâng quơ với người lối xóm. La cà nghe hóng chuyện nọ kia khi tuổi già có cái lợi thư giãn và biết được tâm tình thầm kín của nhiều người. Nghe thiệt bình thản, không luận thuyết, tiếp nhận chuyện hay dở đều cười mín chi thông cảm, làm thân. Nhờ vậy mà tôi được coi như người địa phương mặc dầu cái bộ mặt trắng trẻo của tôi lúc mới tới ai cũng ngó lom lom, dè chừng, xa cách. Thằng Hùng khùng thì khỏi nói, đi tới đầu hàng rào bông bụp nhà tôi thì mười lần như một, lúc nào tay cũng ngắt một bông, bứt ra từng cánh đỏ, phũ phàng liệng xuống đất, vừa đi vừa se se phần còn lại làm chong chóng, mắt chăm chú quan sát như nhà thực vật học yêu nghề, miệng lầm bầm những gì không ai biết. Sau cùng thế nào nó cũng lắc lắc cửa cổng réo kêu mở để nó chắp tay sau đít đi tới lui như người trên trung ương về thị sát một xóm ấp nhỏ xa xôi.Từ cây khế đầu cổng tới cái hồ sen gần cửa ra vô nhà chánh, nó ngắm hết chỗ nầy rồi nghía chỗ kia. Chán chê thì bỏ đi ra, không thèm nói gì với ai, như là việc thị sát của nó đã xong, cả nhà cứ tự nhiên làm công chuyện bỏ dở dang nãy giờ.

Còn nhiều nhơn vật khác nữa: Bảy Cu ưa cự nự với vợ nhưng thích la cà với thầy giáo để học hỏi chuyện đời. Thằng Út-Mót-thầy-chạy nổi tiếng trong xóm với câu tuyên bố xanh dờn: Ba cái c.c., chia gia tài hổng công bằng, đứa nhiều đứa ít. Vậy mà gặp tôi lúc nào nó cũng chào thân thiện bằng câu kinh điển: ‘Thầy giáo mạnh khỏe?’Rồi buông một câu tình cảm hết sức nói: ‘Bữa nào huỡn hưỡn thầy giáo qua bên tui, mình làm vài xị lai rai…’ Thấy tôi ngần ngừ thì nó thêm: ‘Không uống nhiều thì uống ít, không ai ép thầy giáo đâu mà ngại. Rượu bất khả ép mà!’

Bà Sáu Bướu với con chó trung thành thì chỉ khi nào tay cầm cái bao xốp với vài ổ bánh mì ế độ mới tới trước cửa rào, đứng lớ ngớ một chập hèn lâu, đợi tôi ra chào hỏi cho có lệ rồi nhìn nhìn xuống mấy ổ bánh mì tỏ vẻ đau khổ. Tôi lần nào cũng mua trọn gói, mua rồi thì đãi những đứa trẻ trong vùng ăn thoải mái. ‘Ông mua cho tụi bây đó, tự nhiên đi mấy cháu!’

Bữa nay bà Sáu bỗng nhiên ngồi xà xuống trước cổng khi tôi đứng đó đương quơ tay quơ chưn làm cử chỉ vận động buổi sang mong chận lại vài ba phút bước tiến lấn chiếm của tuổi già.Cách ngồi của bà trong tư thế bất cần đời.Thả mình đánh phịch đít xuống đất, bất câu cát đá, bật ngửa ra, hai tay chống về phía sau. Cái quần đen ống hơi rộng, một bên tuột lên khỏi đầu gối đưa ra bắp chuối teo cơ, nhăn nheo, cũng không được chủ nhơn để ý. Cục bướu ở dưới càm, che khuất hết đằng trước cổ như lớn nặng hơn ngày thường, kéo trì xuống đụng ngực, những lằn gân đỏ trong đó hiện hình lưới nhiều nhánh rõ hơn, phập phồng theo từng hơi thở của người mang tội nghiệp. Con chó Vàng hưởi hưởi chưn chủ rồi đi lãng vãng vô mấy buội rậm rượt đuổi đám cắc kè rắn mối với tất cả sự hăng say của mình.

‘Khỏe không bà Sáu?’

‘Chào thầy giáo! Khỏe sao được mà khỏe, bịnh nầy chắc như bắp sẽ mang nó theo về bển, cùng đi chung xuồng về Bến Giác!’

Tiếng bển của người nói trầm xuống như đánh dấu than. Bến giác, chữ nghĩa bác học đi vào quần chúng bình dân, phát ra từ người đàn bà nầy nghe còn thảm thê hơn tiếng thở dài bất lực trước số phận. Bà Sáu ở trong tư thế bất cần đời vẫn ngước mặt lên, ngó xa xăm.

Tôi không biết bắt đầu chuyện từ đâu, đành trầm ngâm ngó buội tre trước mặt đã đời rồi bâng quơ nhìn trời mây qua mấy hàng dây điện chằng chịt. Một lúc hèn lâu mới vô đề được:

‘Mấy lúc gần đây không thấy ba thằng Hùng đi ngang đây nữa ha!’

‘Ổng còn bết bát hơn tui nữa! Đi đâu? Hai tháng nay rồi bộ thầy giáo không hay sao?’

Tôi chống chế chạy tội:

‘Ờ! Thời gian qua mau quá. Mới đó mà hai tháng rồi! Lần ổng đi nhà thương bằng xe ôm, gặp, tôi có chào hỏi, ổng nói đỡ đỡ mà mặt coi bộ buồn hiu!’

‘Ổng bị chứng thống phong, uống nước nấu cải bẹ xanh chừng tháng là hết chứ gì nhưng bả ỷ mình tanh tanh tiền, đâu có chịu, cứ nghe mấy cha nội thầy Tàu xí gạt, uống thuốc lọc máu, bổ gan, mát thận…. Tới bây giờ gần như nằm bẹp luôn. Đâu có đi đâu ra khỏi nhà, lúc nào cũng than đau nhức từ tuốt trong xương.’

‘Ủa? Nghe nói chạy thuốc sáng nhà sáng cửa mà! Bộ bết bát lắm sao?’

‘Ừ! bịnh chứng thì không thấy gì đáng sợ, nhưng bịnh tình thì ghê gớm…!’

Tôi thiệt tình bối rối trước câu nói của người đàn bà nầy, một người bị đời gạc xuống tận cùng của xã hội ai cũng tưởng rằng phải sống với ngôn ngữ bình thường lè tè mặt đất, đâu ngờ có thể nói một câu sách vở như vậy. Bà cúi xuống ngó mấy cái lá mình mới tướt bứt liệng xuống đất, thêm:

‘Tâm bịnh mà, nặng hơn thì có, bớt sao được, thuốc tiên cũng chịu thôi!’

‘Tâm bịnh?’

‘Thầy giáo biết đó, sống với người không thương!’ Ngừng một chút hèn lâu: ‘Xin cho hưu non, trên đồng ý nhưng không được hưởng chế độ. Chuyện nầy kia, ba ve dồn một hũ‘tâm bịnh’ là chuyện đương nhiên.’

Người đàn bà tội nghiệp nầy đưa nhận xét làm tôi ngạc nhiên. Cách nói của bà cũng văn hoa bóng bẩy, khác xa với bộ quần áo cháo lòng đương khoác trên mình bà.

Không biết nói gì hơn tôi đứng ngu ngơ ngó chung quanh, cũng là cách tránh nhìn ánh mắt buồn thảm của bà Sáu và cục bướu nặng nợ của bà. Một con chim lẻ đàn bay vút qua bầu trời xanh thẵm xa xa.

Người đàn bà chồm tới lượm một que khô ngoài tầm tay, vẽ những hình thù vô nghĩa trên mặt đất:

‘Tôi không tiếc cho tuổi trẻ của tôi đi trật đường, cũng không tiếc mình bị đá đít bỏ rơi. Chỉ tức là không nghe cha mẹ nên mắc vô sai lầm chết người. Không lo học hành, chỉ chạy theo tranh đấu, xuống đường, xuống điết. Tin ở con tim của mình tới chừng bị quăng đi như cái bị rách thì …’

Bà Sáu không nói hết câu, trầm ngâm hèn lâu với tiếng thở dài.

‘Ờ! Mà nói thì nói vậy chứ tức giận gì cho bị tai biến khổ thân. Nghĩ tới chuyện xưa, bực mình đập tay xuống bàn rủi đứt mạch máu não thì hại mình chứ hại ai!’

Con Vàng như là thuộc lòng tình trạng nầy của chủ, quay lại đứng kế bên, ủi ủi cái mỏ ướt của nó vô chưn bà…

Tôi theo thói quen cố hữu gợi lý lịch trích ngang của bàng dân thiên hạ:

‘Nghe nói bà Sáu lúc trước học Văn Khoa, vậy sao không xin đi làm gì đó ở văn phòng, bán cháo lòng bình đân ở nhà quê nầy làm sao đủ sống?’

‘Vậy mới nói! Trước kia ghi danh cho có chưn chứ học hành bao nhiêu. Nghe lời ổng đi biểu tình, đi tuyệt thực, thét rồi không biết mặt thầy, nói gì tới biết bài học…’

‘Biểu tình hoài, có lúc nào bị bắt không?’

‘Tôi thì chỉ bị một lần, cũng hơi ớn. Ổng bị đâu ba bốn lần gì đó. Nói nào ngay, họ không đánh đập gì, chỉ sưu tra, không có gì thì vài bữa thả.’

‘Vậy sao? Sao dễ như chơi vậy?’

‘Xưa là vậy đó! Khác với bây giờ! Xưa họ không có kinh nghiệm về mặt giữ gìn chánh quyền.’

Biết bà ta bị ảnh hưởng nào đó trong lời phát biểu nầy, tôi chỉ nhỏ nhẹ để không mở ra cuộc tranh luận không cần thiết:

‘Xưa người ta tôn trọng quyền lên tiếng của đối lập.’ Thấy bà Sáu trầm ngâm một lúc hơi lâu, hình như muốn chống đối, tôi chuyển hướng đề tài:

‘Tuổi trẻ ai cũng có lý tưởng, chỉ có điều là đúng hay sai thôi.’

Người đàn bà xì tiếng thiệt lớn:

‘Theo ổng chớ theo lý tưởng gì. Tức mình là sau nầy, tin lời bày vẽ của ổng, xin về đây làm cán bộ ấp, ấp Phú Hoà, xã Phú Hòa Đông mình chứ đâu xa. Ổng nói cưới, mà cứ cù nhầy, nhùn nha nhùn nhằn hoài, khi thấy tôi nổi cục bướu nầy lên thì ổng chạy làng. Lấy bà nầy ở B về. Ổng lúc đó có quyền thế trong huyện mà làm ngơ tui. Không giúp đỡ trị bịnh, cũng không cho ơn huệ gì. Bao nhiêu tiền cha mẹ cho bỏ vô tiết kiệm Tín Nghĩa Ngân Hàng không lấy ra được một cắc…Nghèo mạt rệp luôn. Khi cục bướu lớn thì còn tệ hơn: Kiết xác ngóc đầu lên không nổi.’

Bà Sáu nói một lèo như sợ ngừng thì sẽ không đủ can đảm nói hết lòng mình. Bà chấm dứt bằng những hơi thở mệt. Con Vàng tới gần, bà vuốt đầu nó nói nho nhỏ:

‘Gia tài bây giờ chỉ còn con chó trung thành nầy thôi. Bị sa thải, cùng mạt kiếp, sống lây lất nhờ nồi cháo lòng mỗi ngày. … Mà thôi! Mình làm thì mình chịu, trách ai bây giờ đây!…’

3.

Tôi như bị trói chặt chân tay, không thể giúp Ánh Thu những gì mà tôi muốn, đành giúp bằng những ánh mắt thương cảm mỗi khi Thu đi qua ngang đây. Cục bướu Thu mang trên người tôi cho đó là nỗi uất ức một đời lỡ làng vì tin tưởng vào lời hứa. Tôi bội ước do nhiều nguyên nhân trong đó tham vọng là chánh khi quơ đại quơ đùa tính làm diều bay lên…Ai dè! Cuối cùng thì sống trong tiếng ngầy ngà liên tục suốt đời.

Ông già bịnh hoạn kể lể trong tiếng nấc nghẹn.  Ngoài đường lũ trẻ ồn ào chen lấn bên dàn kẹo kéo nghèo nàn để nghe người bán kẹo hát những bài  tình cảm mấy chục năm nay bị cấm đoán. Tiếng hát, tiếng bàn tán phê bình vọng vô tới căn phòng đóng cửa âm u chúng tôi đương ngồi.

Tôi an ủi mà coi hình như chẳng thấm thía gì đối với nỗi tình đau của bịnh nhơn đương ngồi cú sụ lọt thỏm vô cái ghế bành:

‘Đời người ai cũng có những lỗi lầm. Cái lỗi của anh với bà Sáu dầu sao cũng về mặt tình cảm, dính đáng chỉ riêng một cá nhân.’ Tôi muốn nói thêm, biết bao nhiêu người khác có lỗi với muôn người… nhưng thấy mình nên ngừng tại chỗ đáng ngừng, nói ra cũng chẳng ích lợi gì. Với lại biết đâu ông ta sẽ cho tôi là chạm điện?

Chúng tôi im lặng thiệt lâu. Không gian lắng đọng có thể người nầy nghe được tiếng thở và nhịp tim của người kia. Hình như có tiếng càu nhàu của bà vợ ông ta ngoài vườn. Tiếng càu nhàu mà những lần trước ông khôi hài với tôi rằng lại mở dàn loa phường làm khổ lỗ tay thiên hạ..

Tôi chồm tới vịn vai ông, nói nhỏ báo tin bà Sáu đã được giới thiệu đi mổ cục bướu hôm qua. Chưa biết chuyện ra sao. Hình như bà rất yếu, mổ thành công chưa chắc đời sống kéo dài thêm được bao nhiêu vì chỗ mổ dính dáng tới yết hầu. Nghe xong, ông nói như mếu:

‘Cũng cầu cho ca mổ thành công. Sống thêm được ngày nào thì mừng ngày nấy. Cắt bỏ chứ mang như bây giờ thì ngất ngư quá.’

Lại chắt lưỡi:

‘Ngày đó tôi có quyền thế mà không dám nói lời gì để yêu cầu họ giúp Ánh Thu, sợ cái của nợ kia nghe được thì làm ồn ào, lớn chuyện. Miệng lưỡi Ánh Thu làm sao qua được miệng lưỡi cái loa phường đó.  Vậy mới hèn!’

4.

Cũng gương mặt đó, gương mặt héo hắt của người bịnh hoạn thân xác và đau đớn mặc cảm đương kệ cho những giọt nước mắt muộn màng tuông rơi. Để mặc ông ta nấc nấc cho đã cơn, tôi theo dõi những giọt nước mắt lăn dài trên hai đường rãnh bên mép, rơi từng giọt lên cái gối ôm đã ngả qua màu vàng hột gà… Tiếng rơi nhẹ nhàng, mơ hồ như tiếng dộng chuông báo cho người tình bị bỏ quên lâu nay nỗi lòng bi thiết của người ân hận. Từng giọt nước tỏa rộng trên mặt gối, giống như nụ cười mãn nguyện của người tình ông thời trẻ, người tình trước khi chết đã lãng mạn năn nỉ tôi lén báo tin để coi ổng có chăng nhỏ xuống những giọt nước mắt tiếc thương.

Trên trần nhà, hai ba con thằn lằn đồng thanh chắt lưỡi, không biết đó phải chăng là tiếng báo mãn nguyện của người phụ nữ hơn nữa đời chờ đợi sự ăn năn của người tình phụ?

Và tôi thấy tội nghiệp cho bà Sáu Bướu khi nhớ lại một lần bà bẽn lẽn thú nhận:

‘Phút thần tiên ngày xưa là sau khi biểu tình xong, ổng chở tôi trên chiếc Honda dame tình tứ tới trước cửa Bưu Điện Sàigòn, ăn một bữa bò bía trừ cơm. Giờ chuyện đó bay xa như từ muôn kiếp nào trong huyền thoại…’

Bà Sáu Thu! Mong tiếng khóc muộn màng của ổng hóa giải được nỗi buồn đeo đẳng bà bao nhiêu năm nay.

 

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA. Tuần lễ Tình Nhơn 2017)

Trống Một Chỗ Ngồi

Nguyễn Văn Sâm

Nhiều lần khách ghé vô địa chỉ thâm tình đó, nơi có ngôi nhà ấm cúng trên một con đường gần khu đô hội Bolsa nhưng khuất sau một ngõ cụt như lánh mình khỏi đám đông thế tục. Chủ nhơn, một người to lớn, có giọng nói vui vẻ, sau khi mời khách vào, đóng cửa lại, giới thiệu khách với vợ, quay về ngồi sau bàn viết xong xuôi mới bắt đầu câu chuyện. Phu nhân ông, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nhỏ thó thu gọn người trong cái ghế bành rộng thinh thường mỉm cười thân thiện, bắt tay khách. Khách nam thì là câu thường nghe: Lúc này khỏe không. Khách nữ là câu: Đẹp quá, đẹp quá! Chào xong, chị vẫn giữ nguyên nụ cười trẻ con cố hữu, hai tay xoa xoa nhau, chờ đợi khách nói, nói gì thì chị cũng chỉ mỉm cười, không bao giờ góp ý. Người văn sĩ lừng danh một thời bây giờ như thế đó, có mặt nhưng đứng ngoài cuộc đời, tiếp xúc nhưng xa cách với nhân gian. Thân tình trong nụ cười, trong ánh mắt, trong cái bắt tay, dầu thường là nhẹ và mềm, nhưng khách không dám quyết chắc chị nhớ mình là ai.

Chủ với khách nam nói chuyện gì chị như không cần biết, chỉ cười thân thiện với khách nữ khi người nầy nắm tay chị. Khách nhắc tới một sinh hoạt xưa của chị và ngợi khen, hỏi chị nhớ không, chị lần nào cũng trả lời rất hồn nhiên: Quên rồi. Xong, chị trở về trạng thái bình thường cố hữu, như là không muốn nghe tiếp, ánh mắt chị không chút tò mò nào để khách đủ hứng khởi kể rõ hơn về một kỷ niệm mà khách nghĩ rằng đáng nhớ.

Khách chuyển đề tài, báo với gia chủ rằng đầu thập niên 70 thường đọc và thích thú loạt bài Lá Thư Pháp Quốc của chị từ bên trời Âu gởi về cho bán nguyệt san Bách Khoa kể về những sinh hoạt văn hóa và chánh trị bên đó, những sinh hoạt bổ ích kiến thức mà bên nhà rất ít người được biết, chị cũng hồn nhiên cười : Quên rồi.

Nhân nhắc đến chuyện nầy, lần nào chủ nhân cũng than rằng phải chi có phương tiện chụp lại và đánh máy cho vào toàn tập Minh Đức Hoài Trinh lưu thế. Nghe người ta nói về mình chị đưa ánh mắt mơ hồ như họ đương nói về ai khác, về một nhân vật nào đó xa xưa trong quá khứ.

Cái ghế bành bự xộn chị ngồi lọt thỏm trong đó, tấm chăn mỏng được anh đắp che phần dưới của đôi chân gầy guộc mà anh nói sợ bả lạnh tội nghiệp. Khách chủ có thể nói bất cứ chuyện gì, chị lơ đãng ngó quanh, tới lúc nào đó chị than lạnh, khách biết là lúc phải về để chủ nhơn có thời giờ săn sóc vợ. Cáo từ, bao lần lòng khách bâng khuâng, xót xa cho một người tài hoa, đẹp xinh ngày nào bây giờ tất cả đều bay vào miên viễn hư vô. Con Tạo ‘đành hanh quá ngán’ đã dùng phép mầu thời gian xóa bỏ những gì Con Tạo muốn. Biết như vậy nhưng mấy ai chẳng ngậm ngùi cho sự biến thiên!

*

* *

Hình ảnh đầu tiên tôi gặp nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh là hình ảnh một phụ nữ đẹp, thon thả, mảnh mai nhưng rắn chắc và năng nổ. Đã tròn nửa thế kỷ qua (1967-2017) tôi vẫn nhớ như mới hôm nào. Chiếc máy bay chở phái đoàn Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến (1966-67) đi thăm chiến trường Quảng Trị và thăm dân chúng ở vùng hỏa tuyến nầy sau một thời gian hai bên giằng co ở đây. Máy bay cỡ nhỏ trên đó có chừng một chục dân biểu với vài ký giả ngoại quốc. Minh Đức Hoài Trinh là người nữ duy nhứt trên chiếc phi cơ, chị theo đoàn của một cơ quan truyền thông nào đó của Pháp.

Khi máy bay ngừng, chúng tôi mới chú ý rằng trên chuyến bay có người phóng viên đặc biệt nầy. Chị mạnh mẽ, quyết đoán, mang xách ba lô kềnh càng nặng trĩu một mình, từ chối sự giúp đỡ của bất kỳ ai.

Chị đi thoăn thoắt xuống cầu thang, ba lô trên lưng, lỉnh kỉnh dụng cụ trên hai vai. Xuống trước chị đứng đợi nơi tập họp với nụ cười của một phụ nữ lịch sự chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương. Lúc đó, máy bay nhỏ lớn gì cũng đậu gần phi đạo, rất xa phòng khách của phi trường, trong khi ai cũng mệt mỏi vì cái nắng chói chang buổi trưa hè thì nụ cười thân thiện của người nữ ký giả có dáng dấp rất Tây này lại có sức cuốn hút kỳ lạ. Lúc vị sĩ quan liên lạc của ông tướng Vùng báo với phái đoàn rằng đường bộ từ Phú Bài ra Quảng Trị tuy đã được rà soát cẩn thận từ mấy ngày trước, an ninh được bố trí đâu đó xong xuôi, nhưng không chắc rằng con đường sẽ không có nguy hiểm. Vị sĩ quan nhấn mạnh: Xin báo như thế để tùy từng vị dân biểu quyết định ở lại Huế hay ra thăm Quảng Trị.

Tôi quan sát chị, thấy chị trả lời liền bằng tiếng Việt rằng dầu nguy hiểm chị cũng sẽ đi, đã nhận công tác rồi thì sẽ đi đến nơi đến chốn. Rồi quay sang người bạn phóng viên ngoại quốc chị nói bằng tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp giọng Paris chuẩn. Anh ta gật gật đầu đồng ý. Tôi đánh giá đây là một phụ nữ cứng cỏi, biết mình sẽ làm gì. Phái đoàn dân biểu có vài ba vị cũng đồng ý tiếp tục cuộc hành trình, tất cả trước khi vô Quốc Hội đều là quân nhân cao cấp…

Bốn mươi lăm năm sau (2012) chúng tôi cùng đi chung xe với anh Quang và chị lên San Jose nhân dịp trình làng quyển sách về cuộc đời của chị. Người phụ nữ năng nổ, quyết liệt ngày xưa đã thụt lui vào dĩ vãng, còn lại nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nhỏ bé mòn mỏi với tuổi già hơn tám mươi, cách chừng năm phút là đặt câu hỏi: Mình đi đâu đây anh? Phu quân của chị lần nào cũng trả lời dịu dàng bằng câu giống nhau: Mình đi San José ra mắt sách. Tôi đọc được sự kiên nhẫn vô bờ và tình yêu thương tuyệt cùng trong câu nói của anh.

Người nữ sĩ nổi danh với nhiều bài thơ bất hủ được phổ nhạc và 24 tác phẩm được in thành sách đáng được một tình yêu như vậy, tôi nói thầm.

*

* *

Tin nhà văn Minh Đức Hoài Trinh ra đi khách tiếc thương nhưng không ngỡ ngàng, sửng sốt. Người đàn bà có thân hình nhỏ bé đó đã hoàn thành nhiều công trình lớn lao cho văn hóa, cho cộng đồng Việt ngoài nước. Với tuổi đời xấp xỉ chín mươi, chị về Trời là chuyện tính ngày tính giờ. Những người làm văn hóa nghệ thuật, đã có đóng góp giá trị trong thời sung mãn thì khi có tuổi, họ mãn nguyện và thấy mình chẳng cần phải níu kéo những ngày tàn. ‘Bà sau khi từ bịnh viện về mười ngày trước, tưởng là khỏe nhưng vài bữa sau thì bị khó thở lại, chở vô bịnh viện bả không chịu ăn uống trong mấy ngày, lịm dần rồi ra đi thiệt thanh thản.’ Chủ nhơn nói với khách, miệng cố tỏa ra nụ cười nhưng đôi mắt đỏ hoe và rướm lệ. Tiếng bả khách không thấy chút tầm thường trần tục của ngôn từ bình dân, tiếng bả ở đây thân thiết, gần gũi vô cùng để nói về người vợ vừa mới ra đi vào cõi vô cùng.

Khách nhìn lên câu đối tặng nhà thơ nhân ngày sinh nhựt đâu 4, 5 năm về trước được treo trong phòng, câu đối gợi hứng từ sách Đại học mà khách biết rằng trước đây nhà thơ có dịp thâm cứu và tâm đắc rút ra những chữ quan trọng để tạo nên một thành phần của bút danh: (Đại học chi đạo tại minh minh đức….)

Minh tâm minh tuệ, minh lý con người nhiều điểm sáng,

Đức hạnh, đức khiêm, đức độ, nữ sĩ lắm hạnh lành.’

Vâng nhà thơ đã có nhiều đức tính người đời ai cũng thán phục và yêu thương lúc sống. Chị ra đi rồi, chỗ ngồi trong cái ghế bành ở căn nhà thân thiết nầy từ nay sẽ vắng. Cái ghế nếu có hồn chắc là sẽ buồn hắt hiu. Những tiếng chào hồn nhiên ‘Khỏe không? Đẹp quá!’ rất đặc trưng sẽ không được phát ra nữa. Nhưng chỗ ngồi của chị trong lòng người mộ điệu chắc rằng khó ai thay thế được. Ai có cái dũng đi vào chỗ khó như tranh đấu để phục hoạt Văn Bút Việt Nam trong khi bên phe kia có cả một chánh quyền phía sau, và biết đâu đã có những vận động, tiêu lòn từ trước? Ai có được những vần thơ, dầu rằng được người phổ nhạc tài danh điểm xuyết, đi vào lòng người bằng những giai điệu da diết đến buốt giá con tim? Ai đủ kiên nhẫn viết lách không ngừng nghỉ từ lúc ra trường đến lúc không còn sinh lực để gõ những con chữ trên máy computer? Ai hoạt động đa dạng từ thơ văn, báo chí, đến âm nhạc dân tộc mà trong lãnh vực nào cũng nổi bật? Ai bao năm từng lê gót khắp năm châu bốn biển vừa hoạt động nghề nghiệp vừa chắt lọc những điều hữu ích để cống hiến cho kiến thức dân Việt?

“Đừng bỏ em một mình, trời lạnh lắm, trời lạnh lắm..” bài thơ phổ nhạc của chị nghe trong giờ phút này sao đau nhói trong tim người ở lại, chị đã bỏ mọi người ra đi mãi mãi…

Người nữ Việt viết văn từ dòng chính (bằng chữ Việt) tiến ra ngoài cộng đồng Việt góp mặt với thế giới mà không có sự thôi thúc của chính tác giả, không nhiều. Gần đây có nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh (Thương Về Hà nội?) in trong Elements of Literature, Holt, Rinehart & Winston, có nhà văn Nhã Ca với Giải Khăn Sô cho Huế (Mourning Headband Hue)…. Chắc chắn rằng với thời gian, những bài thơ tình cảm hay thân phận ngục tù của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh sẽ được bay ra tới đọc giả năm châu vì tính chất nhân bản của tác phẩm.

Chỗ ngồi xứng đáng dầu nhà thơ không mong đợi nhưng chuyện phải đến sẽ đến.

Trên đường về, hình ảnh cái ghế bành trống chỗ trong căn nhà thâm tình lãng đãng trong trí, khách nghĩ đến chuyện ‘oán hồng nhan’, mấy câu thơ xưa chợt tới:

Vô đoan thiên địa oán hồng nhan,

Đã đắc hoa nhan kỷ độ tàn.

Cổ kim phi tận tài hoa khách…

Vâng, trời đất ‘vô duyên’ xưa nay vẫn thế, khách tài hoa bị trù dập đến tận cùng, nhưng thưa nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, chị đã sống đúng đời mình nên trong lòng người Việt hôm nay hình ảnh chị luôn luôn hiện diện, tỏa sáng…

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA đêm 22-06-17

Vô Tình

Phạm Thành Châu

Ðây là chuyện kể về một người đàn ông chán chường với đàn bà và một cô gái lớn tuổi nhưng cô đơn. Lần đầu, gặp người đàn ông đó, từ tiểu bang khác đến, cô đã xao xuyến. Tình cảm bất chợt bao giờ cũng rất mãnh liệt và khó quên. Cô tìm mọi cách cho người vô tâm kia hiểu được cô và đáp lại tình cảm của cô. Vì mỗi năm chỉ có thể gặp một lần nên cô phải bạo dạn nhưng ông ta vẫn vô tình!

Ông Tâm, tuổi trên năm mươi, vóc dáng, gương mặt không có gì đáng để phái nữ chú ý. Ông Tâm nghỉ phép thường niên (vacation), từ miền đông Hoa Kỳ qua Texas, thăm các bạn. Ông có nhiều bạn ở các tiểu bang Texas, California. Ông đến bạn nầy vài hôm, qua bạn khác vài hôm. Ở Mỹ, nhà nào cũng có nhiều phòng cho con cái. Khi chúng lớn, như những con chim rời tổ, chúng có gia đình, ở nhà riêng. Thành thử, nhà bố mẹ có những phòng trống, dành cho bà con, bạn bè đến thăm, ở lại. Ông Tâm cũng biết, đến nhà người ta, dù bạn thân cũng làm xáo trộn nếp sống thường ngày của gia chủ, nên ông thường ở motel, bạn đến mời về nhà ăn bữa cơm gia đình hoặc đưa đi thăm viếng địa phương. Ðôi khi, bạn thật tình, khẩn khoản lắm, ông cũng chỉ ở vài ngày là tối đa. Khi người trong nhà đi làm thì ông lang thang ngoài đường một mình, ngắm cảnh hoặc vào siêu thị nhìn thiên hạ. Ở Texas và California, nhiều người Việt nên ông cảm tưởng như đang ở quê nhà thời trước. Một buổi trưa, đi mỏi chân, ông vào tiệm McDonald, sắp hàng mua bánh. Vào giờ đông khách, ông Tâm đứng cuối một dãy dài. Ðang nhìn vơ vẩn, ông thấy một cô, (ông đoán là người Việt) bước vào, đứng sau lưng ông. Ông bước lùi lại, nhường chỗ “Mời cô!” Cô bước tới, nói nhỏ “Cám ơn chú!” rồi ngước nhìn ông Tâm, nhoẻn miệng cười. Cô đứng gần đến độ hai người như muốn chạm nhau. Bỗng cô quay lại, nhìn sửng ông, ánh mắt sáng lên, như vui mừng được gặp lại bạn thân, rồi cô lại cười. Tự nhiên, ông Tâm cũng vui lây với cô. Niềm vui bất chợt và đơn giản mà ông chưa hề cảm nhận được lần nào trong đời. Hình như cô đang thở mạnh. Ông nói “Cô cho tôi được mời cô, nghe!” Cô không quay lại “Cám ơn chú!” Tuổi cô chưa đến bốn mươi nhưng cô gọi ông bằng chú, có lẽ để khỏi ngại ngùng.

Hai người ngồi ăn cùng bàn. Chuyện trò cũng chỉ mưa nắng, những nhận xét về cộng đồng người Việt, về thời sự. Cả hai, đôi khi có nói về mình như một cách tự giới thiệu. Ông Tâm cho biết. Ông làm việc ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Nghỉ vacation hai tuần. Ông cũng được biết cô tên Trang, có một tiệm buôn nhỏ ở thành phố Austin, về Houston mua hàng “Từ Austin, cháu về đây hết mấy giờ lái xe. Cháu lái xe chậm lắm. Chú có biết Austin không?” “Tôi chưa đến, có thể tôi sẽ đến đó cho biết” “Khi nào chú đến Austin, nhớ gọi cho cháu. Cháu sẽ đến thăm chú”  “Tôi sẽ gọi cô. Tôi có vài người bạn ở đó” Cô ngạc nhiên “Sao ở đâu chú cũng có bạn cả?” Ông Tâm cười “Bạn văn, thơ, báo chí với nhau. Có người chưa hề gặp mặt mà thân nhau lắm. Gặp nhau trên email, trên điện thoại thôi. Nhưng cuối tuần nầy tôi qua San Antonio rồi” “Nếu thấy tiện, khi đến San Antonio, chú gọi cháu. Cháu cũng định ít hôm nữa về đó mua một ít hàng hóa” “Tôi sẽ gọi cô trước khi đi San Antonio. Sao hôm nay cô không đi San Antonio mua hàng cho gần?” “Cháu có bạn ở đây. Về thăm bạn. Ở Austin ít người Việt, cháu chỉ có người quen chứ không có bạn ở đó” Ăn xong, ông Tâm đem giấy, ly bỏ vào thùng rác. Lúc quay lại, thấy cô Trang ngồi nhìn vào khoảng không, vẻ bồn chồn. Ðột nhiên cô gọi “Chú!” rồi cúi xuống, không nhìn ông Tâm. Ông Tâm nói “Vì chuyện trò với tôi mà cô trễ hẹn với bạn, phải không? Tôi xin lỗi” Cô ngước lên, lắc đầu “Không có đâu! Giờ cháu phải lái xe về Austin. Cháu ngại quá. Ðường xa quá!” “Sao phải vội? Ở lại với bạn vài hôm cho vui” “Cháu cũng định như vậy. Nhưng bạn cháu ngày mai phải đi làm. Cháu chỉ một mình ở đây” “Cứ ở lại với bạn. Sáng mai mát trời, chạy xe thong thả, thoải mái hơn. Sáng mai tôi mời cô với bạn cô đi ăn điểm tâm trước khi bạn cô đi làm. Ðược không?” Cô cười vui vẻ “Cho cháu mời chú. Chú định đến tiệm ăn nào?” “Tôi chẳng biết tiệm nào ăn được. Tùy cô” “Sáng mai, nếu bạn cháu phải đi làm sớm thì cháu đến đón. Chú cho cháu số điện thoại…” “Tôi cũng cần số điện thoại của cô để sau nầy còn có thể gọi hỏi thăm nhau.  Ðến nơi lạ mà có người quen cũng đỡ lẻ loi” “Chú có cần cháu đưa chú về nhà bạn chú không?” “Nhà ở gần đây. Với lại, cô cần đi gấp, không dám làm phiền cô” “Chú bảo cháu ở lại, sáng mai hãy đi nên cháu không vội” “Vậy thì mình ngồi nói chuyện một lúc nữa” Cô lại cười “Cháu cũng định nói như thế” Chuyện trò cũng chỉ quanh quẩn, linh tinh, không đầu không đuôi nhưng cả hai đã qua khỏi giây phút e ngại, trở nên thân mật. Ông nhận thấy cô Trang thông minh, dịu dàng và rất dễ mến. Cô thường lắng nghe và khuyến khích ông nói tiếp “Rồi sao nữa chú?” Ông Tâm kể về bạn bè, về thời còn đi học, về công việc  của mình. Ông thường thêm thắc vào những chuyện vui khiến cô Trang thích lắm, ngồi cười mãi “Chú kể tiếp đi!” Hai người chuyện trò đến gần hai giờ chiều mới đứng lên. Cô Trang đưa ông Tâm về. Sáng hôm sau, ông Tâm báo với bạn “Bữa nay tôi có bạn đến đón đi ăn điểm tâm” Người bạn cười đoán chừng “Bạn gái phải không? Tay nầy giỏi thiệt! Tôi ở đây bao nhiêu năm mà vẫn cô đơn. Thấy ông dậy sớm, định rủ ông đi điểm tâm. Nay có người khác mời thì thôi. Làm li cà phê nầy cho sáng suốt tâm trí mà tán tỉnh người đẹp” Vừa lúc có chiếc xe dừng lại trước nhà, ông Tâm vội vã đi ra. Ông thấy cô Trang hơi lạ và đẹp hơn hôm qua. Một chút phấn hồng, đôi mắt viền đen, chiếc áo điểm hoa trang nhã nhưng sang trọng. Cô nhìn phía trước như chăm chú lái xe vì biết ông đang ngắm cô. Ông Tâm nói “Ðến nơi lạ, tôi khó ngủ, bây giờ hơi mệt” “Cháu cũng vậy. Lạ chỗ. Cháu thức trắng đêm” Ông Tâm cười nói “Ðồng bệnh tương lân” “Nghĩa là sao, chú?” “Cùng có bêïnh giống nhau nên dễ thân nhau” “Nhưng cháu chỉ không ngủ được đêm vừa rồi thôi mà” “Thì tôi cũng vậy” Cô quay nhìn ông Tâm cười “Chú ghê thật!” Ông trả lời “Có được người bạn thông minh, thích lắm” “Cháu ngu lắm. Người thông minh bao giờ cũng biết giữ bí mật những ý nghĩ của mình” “Vậy là tôi cũng chẳng thông minh gì” Cô liếc nhìn ông Tâm “Chú… tức cười quá! Gì cũng giống cháu” Ðến tiệm ăn, hai người lại chuyện trò quên cả thời gian. Họ đã trở nên đôi bạn thân nhưng luôn giữ ý để khỏi bị hiểu lầm.

     Mấy hôm sau, ông Tâm qua San Antonio. Hai người lại gặp nhau. Cô Trang lộ vẻ mừng rỡ, nói cười tíu tít. Lúc ngồi trong tiệm ăn, cô nói “Bữa trước, cháu bị sét đánh gần chết” Ông Tâm ngạc nhiên “Cả tuần nay, trời nắng, đâu có mưa gió gì mà có sét đánh?” “Cháu không biết. Bạn cháu nói cháu bị sét đánh” “Cô làm gì đến nỗi ông trời chỉ sét đánh một mình cô? Sự việc xảy ra như thế nào? Cô có thể kể cho tôi nghe, được không?” Cô cúi xuống, không nhìn ông Tâm, giọng ngập ngừng “Buổi sáng mà cháu từ biệt chú về Austin, cháu bị mất ngủ. Cháu gọi người bạn ở Houston tâm sự linh tinh. Bạn cháu nghe giọng mệt mỏi, tưởng cháu bịnh, hỏi người thấy ra sao? Nếu cần phải đi bác sĩ ngay. Cháu bảo không sao cả, chỉ mất ngủ thôi. Bạn cháu hỏi có chuyện gì xảy ra không? Cháu kể chuyện cháu về Houston mua hàng, gặp chú, chuyện trò mấy lần. Không hiểu sao về ngủ không được! Bạn cháu nghe xong, nói với cháu rằng “Bà bị sét đánh rồi!” Cháu không hiểu, tại sao mình bị sét đánh?” Ông Tâm chỉ đoán lờ mờ nhưng cảm động “Bạn cô hiểu lầm tâm trạng của cô nên nói vậy. Ðúng ra phải nói là bị “tiếng sét ái tình” Có thể cô bất ngờ gặp anh chàng nào, bị xúc động nên không ngủ được” Cô ngẩn lên nhìn ông Tâm “Tiếng sét ái tình là sao chú? Từ bữa đó đến nay, cháu có gặp ai đâu? Cũng chẳng bị ai đánh cả!” “Người ta bảo “Mới thấy đối tượng lần đầu đã yêu ngay là bị tiếng sét ái tình” “Chú giải thích cho cháu nghe xem có phải cháu bị sét đánh không?” “Tôi phải giải thích dài dòng, nghe cho vui chứ chẳng có căn cứ khoa  học nào chứng minh cả” Cô Trang không nhìn ông Tâm “Cháu gặp chú là để nghe chú nói chuyện. Chú nói càng nhiều cháu càng cám ơn chú. Cháu thích nghe chú nói” “Có thể như thế nầy. “Tiếng sét ái tình” do chính mình tự đánh mình chứ chẳng phải ông trời hay “đối tượng” nào đánh cả. Nguyên nhân thì, có thể là. Thứ nhất là người kia có gương mặt giống mình. Ngày nào cũng soi gương, thấy mãi mặt mình, nay bất ngờ thấy đối tượng có gương mặt, đôi mắt, miệng cười… (giống mình mà không biết) thấy “quen quen, thân thiết, đâu như từ kiếp trước”. Vậy là yêu. Hai người yêu nhau lâu bền, đa số có khuôn mặt giống nhau. Một giải thích khác, đó là sự cộng hưởng của tần số giao động sinh lý. Mỗi người có một tần số sinh lý riêng. Khi hai người có cùng tần số giao động giống nhau thì cộng hưởng và tác động mạnh lên tâm sinh lý của cả hai. Giống như radio (máy thu thanh) hay TV, nếu ta điều chỉnh máy thu của ta cùng tần số với đài phát thì ta có hai tần số (giống nhau) cộng hưởng  để cho ta hình ảnh, âm thanh. Ðôi mắt không chỉ tiếp nhận ánh sáng mà còn là cửa sổ của tâm hồn. Chỉ thoáng nhìn thấy nhau mà đã rung động cả thần trí thì có thể gọi đó là “tiếng sét ái tình”. Người vợ hay chồng ở nơi xa, gặp chuyện không may, người phối ngẫu tự nhiên thấy lo lắng, bất an. Ðó gọi là linh cảm. Có những người con chết ngoài mặt trận, báo mộng cho mẹ biết ngay, là thần giao cách cảm” “Nghe chú giải thích cháu mới hiểu. Vậy là không phải cháu bị chú “sét đánh” vì chú với cháu chẳng có tần số dao động nào cả. Cháu mừng lắm. Cháu chỉ sợ thương chú thình lình… thì khổ cháu. Chú thì ở xa… lại chẳng biết gia đình chú ra sao?” “Cô yên tâm. Tôi xem cô như bạn chứ không có tình cảm gì khác. Chuyện mất ngủ, ai cũng có, ít bữa sau ngủ bù. Cũng có thể vì công việc buôn bán, làm cô suy nghĩ, tính toán nên không ngủ được” Cô gật đầu “Chú nói đúng. Mấy bữa nay, cháu cứ nôn nao, muốn về đây mua hàng. Cứ tính mình sẽ mua những gì. Nhưng lại quên. Viết vào tờ giấy rồi cũng bỏ đâu mất tiêu. Cháu lái xe mà hồn vía để đâu đâu. Khi chạy nhanh, khi chạy chậm. Cháu nghĩ, có lẽ mình có hẹn với chú nên mong được gặp chú. Nhưng khi ngồi với chú, cháu chỉ thấy vui thôi chứ không rung động, hồi hộp gì cả” “Cô đừng lo. Người đàng hoàng như cô, vì đã hẹn gặp tôi nên bồn chồn vậy thôi. Tôi hẹn đi uống cà phê với bạn cũng vậy, cứ nhìn chừng đồng hồ mãi. Mà dù cô có xao xuyến, rung động vì người nào đó cũng chẳng tội lỗi gì. Chỉ như một kỷ niệm đẹp để trang trí cuộc đời,  một chút vui, một chút buồn, một chút nhớ nhung, đau khổ… như ăn tô phở phải có chút ớt cay, chanh chua, miễn sau đó thì quên đi cho đỡ rắc rối” “Khi về bên đó, chú nhớ gọi cháu kẻo cháu trông nghe! Nếu chú không gọi thì cháu gọi chú. Có trở ngại gì không chú?” “Giờ làm việc thì hơi bận, nhưng buổi chiều hay tối, cô gọi giờ nào cũng được. Tôi sống một mình, được cô gọi để chuyện trò thì thích hơn mấy ông bạn. Giọng cô dịu dàng, đối đáp thông minh. Cám ơn cô rất nhiều” Cô cười vui “Chú khen cháu, cháu mừng lắm!”

     Thời khoa học tân tiến, chỉ với chiếc điện thoại nhỏ là có thể chuyện trò với bất cứ người nào, nơi nào. Ông Tâm về lại miền đông Hoa Kỳ, thỉnh thoảng hai người gọi hỏi thăm nhau. Cô tâm sự “Không hiểu sao, lối rày cháu thích nghe những bản tình ca. Bây giờ mới thấy hay chứ trước đây cháu ghét lắm” Ông Tâm cười “Chúc mừng cô đã yêu một người nào đó” Cô Trang bảo “Chú tài thật. Cháu đang yêu. Nhưng không phải yêu chú đâu. Chú đừng vội mừng” Cô tỉ tê “Hơn mười năm, cháu lo buôn bán, bòn mót từng đồng, gửi về cho gia đình, cha mẹ, anh chị em. Khi cuộc sống của người thân ở Việt Nam ổn định thì cháu nhìn lại mình mới biết tuổi xuân đã đi qua. Cháu già quá rồi! Lại suốt ngày lẩn quẩn trong tiệm buôn. Mà có ra đường, cũng chẳng ai thèm nhìn. Cháu buồn lắm, nhiều lúc tủi thân, nằm khóc một mình” Ông Tâm an ủi “Sống một mình cũng có cái thú của nó. Không làm phiền ai mà cũng chẳng ai làm phiền mình. Muốn ăn, ngủ, đi chơi đây đó… tự nhiên, thoải mái. Xứ Mỹ nầy, rất nhiều người thích sống độc thân, khi già thì có nhà dưỡng lão lo. Tôi định, khi mình về hưu, sẽ đến thành phố của cô xin vào viện dưỡng lão chờ đến khi cô thành bà lão thì vào ở chung với tôi” Cô cười như reo lên nhưng làm bộ cự nự “Chú đừng hi vọng. Sau nầy, cháu có vào nhà già thì mỗi người một phòng riêng, cháu sẽ không qua phòng chú. Cháu cũng không cho chú vào phòng cháu đâu. Chỉ gọi điện thoại thôi. Nam nữ thọ thọ bất thân mà chú!” “Cô đang cười, chứng tỏ cô không còn buồn nữa. Khi cô vui vẻ thì tôi cũng vui lây. Cô dễ thương lắm!” Cô yên lặng, rồi ngập ngừng như muốn nói điều gì, nhưng cô lại tắt điện thoại, không trả lời.

“A lô! Tôi đang ở thành phố của cô Trang đây” “Chú đến lúc nào vậy?” “Sáng nay đến Austin thăm một người bạn, hiện giờ ghé điểm tâm ở Round Rock. Cô biết tiệm ăn Á Ðông ở đó không? Mời cô đến điểm tâm với tụi tôi” “Cháu có biết tiệm đó. Mươi phút nữa cháu sẽ đến. Gặp chú rồi cháu phải về tiệm ngay. Chú đứng trước cửa nhà hàng đón cháu nghe”.

Cô Trang đậu xe trước tiệm ăn, mở cửa bước ra, dáo dác nhìn quanh. Ông Tâm tiến đến “Trang. Tôi đây nè!” Cô Trang quay lại, lấy tay đè lên ngực “Cháu muốn bể tim vì hồi hộp. Cháu mừng quá! Cả năm mới được gặp lại chú”. “Mời cô vào với tụi tôi” “Cám ơn chú. Cháu không vào đâu. Cháu ngại gặp nhiều người. Bây giờ cháu phải về” “Ủa, gặp nhau, nói mấy câu là hết sao?” “Cháu ước được gặp lại chú. Bây giờ gặp rồi. Chú vào với các bạn chú đi” “Nói với nhau vài câu nữa, không được sao?” Cô Trang mở cửa xe, tần ngần một lúc rồi nói “Chiều nay, lúc bảy giờ, cháu đóng cửa tiệm, sẽ gặp chú ở quán cà phê đằng kia. Một mình chú thôi. Cháu không thích đông người” “Cám ơn cô”.

Ông Tâm nhờ bạn đưa đến tiệm cà phê Starbucks,  bước vào đã thấy cô Trang ngồi trong đó “Cô chờ tôi có lâu không?” Cô lắc đầu “Cháu mới vào. Chú uống gì?” “Cho tôi ly cà phê nóng” Cô đứng lên, đi lấy hai ly cà phê “Chú uống cà phê có bị mất ngủ không?” “Tôi nằm xuống là ngủ liền, nhưng tối nay phải thức để trò chuyện với bạn bè” “Những người dễ ngủ thường vô tâm. Cháu mà được vô tâm như chú thì cháu không đến nỗi già như thế nầy. Cháu già lắm phải không chú?” “Trẻ hơn trước” “Cháu biết chú nói lấy lòng cháu. Ðố chú, cháu có gì lạ không?” “Cô vừa có bồ nên trông tươi tỉnh, vui vẻ” “Chú sai rồi. Cháu mập hơn trước” Ông Tâm tấm tắc “Hèn chi chân tay tròn vo, mặt cũng tròn như của Thúy Vân. Gương trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Cô đẹp như Thúy Vân” Cô lắc đầu, phụng phịu “Chú nói cho cháu vui. Cứ đem Thúy Vân ra so sánh là xong. Nhưng Thúy Vân đâu có đẹp!” Ông Tâm chăm chú nhìn cô rồi nhíu mày, làm như suy tư “Bây giờ cô đứng lên, xoay người để tôi so sánh cô với Thúy Vân, xem ai đẹp hơn”. Cô Trang đứng lên. Cô đánh phấn hồng, môi son nhạt, mắt viền đen. Cô mặc áo pull màu nâu hồng nhạt, bó sát thân hình thon gọn với hai đồi ngực thanh tân, nhỏ như hai quả cam. Quần jean xanh đậm. Hai đùi tròn lẳn, đôi mông tròn, đẹp tinh khiết. Cô yểu điệu quay người một vòng rồi ngồi xuống, đôi mắt long lanh ngước nhìn ông Tâm, chờ đợi. Ông Tâm gục gặc đầu “Mới gặp Thúy Vân, tôi tưởng Thúy Vân đẹp nhất trên đời. Bây giờ gặp cô thì hóa ra cô đẹp gấp đôi Thúy Vân. Thúy Vân mà đứng cạnh cô, mắc cỡ không biết để đâu cho hết”. Cô Trang làm nghiêm “Chú gặp Thúy Vân ở đâu? Lâu chưa?” “Mới đây thôi. Gặp ở quận Cam, bên Cali., Cô ta và Thúy Kiều đi ăn phở với Nguyễn Du, có cả Vương Quan với Kim Trọng nữa. Lâu ngày gặp nhau, chúng tôi mừng lắm!” “Bộ chú cũng quen với Nguyễn Du nữa à?” “Bạn thân mà! Tay bắt mặt mừng đàng hoàng” Cô Trang cố mím môi để khỏi bật cười, mắt đăm đăm nhìn ông Tâm “Chú!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô định nói gì?” “Cháu muốn xô chú ngã xuống đất quá!” “Coi bộ ghét hay giận tôi điều gì?” Cô lắc đầu “Chú làm cháu vui quá, thích quá! Cháu không biết nói thế nào cho chú biết rằng cháu chưa bao giờ được vui như lúc nầy. Cám ơn chú. Chỉ nghe giọng chú nói là cháu đã vui sướng rồi. Từ khi quen chú đến nay, chú đã cho cháu biết bao niềm vui” “Tôi lúc nào cũng cầu mong cho những người thân yêu của mình vui vẻ, hạnh phúc” Tiệm cà phê vắng khách, yên tĩnh, cả hai cảm thấy thoải mái. Cô thu ngân ngồi ở quầy tính tiền thỉnh thoảng nhìn hai người rồi tủm tỉm cười. Cô Trang hỏi chuyện đi đường, chuyện thăm viếng bạn bè của ông Tâm. Hai người mãi chuyện trò, quên cả thời gian. Rồi cô nhìn đồng hồ, thở dài, đứng lên “Cháu phải về”.

Hai người bước ra, đứng trước tiệm cà phê. Ông Tâm nói “Tôi thấy ở đây yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Ông bạn rủ tôi ở chơi đến cuối tuần hãy đi” Cô lắc đầu “Không được! Chú không được ở đây. Cháu… sợ lắm!” Ông Tâm ngạc nhiên “Cô sợ gì?” “Cháu không biết. Cháu sợ chú” Cô yên lặng một lúc rồi ngước nhìn ông Tâm, đôi mắt long lanh nước mắt. Cô mím môi “Mai chú đi rồi, phải không? Chúc chú đi bình an, vui vẻ” Giọng cô run run “Từ nay chú đừng gọi cháu nữa. Cháu cũng không gọi chú. Chú hứa đi! Không gọi cháu nữa” Ông Tâm bối rối “Tôi xin lỗi cô. Tôi không hiểu mình đã nói gì mà thình lình cô giận tôi? Hay là cô giận ai?” Cô cúi đầu, yên lặng. Chợt cô ngước lên “Chú ngốc lắm!” rồi cô bước nhanh ra xe. Ông Tâm đứng sửng “Tôi xin lỗi cô. Chiều mai tôi mới lên đường. Sáng mai mời cô đi ăn điểm tâm. Nhớ nghe! Tôi sẽ gọi cô”. Cô lắc đầu, vào xe, lái đi.

Cô Trang cho xe ra đường mà không biết mình đang đi đâu. Tiếng ca nhạc trong xe vang lên nho nhỏ “… Dù tình yêu đã quá xa tầm tay với. Dù mai kia bước chân nầy rã lụi. Thành tượng đá bơ vơ phương trời…”  Nước mắt cô lại ứa ra. Mùa hè, trời vẫn còn sáng nhưng nước mắt làm nhạt nhòa con đường trước mặt. Không thấy rõ đường, cô phải tấp xe vào một công viên, tắt máy, ngồi lặng người. Rồi cô khóc òa, khóc nức nở. Cô nghẹn ngào lí nhí gì đó, như nói với một người vô hình… Một lúc sau cô hết khóc. Cô ngạc nhiên thấy mình sao dễ khóc đến như vậy? Lòng cô đã yên tĩnh trở lại. Cô nhìn vào khoảng không và thở dài… Bóng tối đã tràn ngập công viên, chỉ còn lại chút ánh sáng mơ hồ trên các ngọn cây. Bỗõng nhiên, tâm trí cô lại rộn ràng niềm vui lẫn háo hức. Cô lấy điện thoại. Bấm số, áp vào tai. Nghe bên kia chuông reo, cô lại bấm tắt. Và cứ áp điện thoại vào tai, cô thì thầm “Chú ngốc quá! Chú từng viết “Hạnh phúc của anh là khi em đang rơi nước mắt” Thấy cháu khóc mà chú chẳng hiểu gì cháu cả. Sáng mai gặp chú, cháu sẽ trách chú vô tình…”. Ngước nhìn hàng cây phía xa trong công viên, cô tươi cười như đang nói với ông Tâm” Cháu cho phép chú ở đây. Ở đây với cháu. Ðến khi nào chú chán, thì… đi đâu tùy ý”.

Phạm Thành Châu

 

Ngày Của Cha– FATHER’S DAY – Chủ Nhật 18/6/2017

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu chính là đạo con

Hải Bằng  HDB

*
Trên toàn quốc Hoa Kỳ, ngày vinh danh người cha là ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ 3 trong tháng Sáu.  
Tại sao vinh danh người cha?  Ai là người có ý nghĩ đầu tiên về Ngày Của Cha?  Con cái cũng như người phối ngẫu, nên làm gì để Ngày Của Cha có ý nghĩa đậm đà hơn hết?
 
Cô Sonora Dodd gốc ở Washington là người đầu tiên có ý nghĩ vận động cha Ngày Của Cha khi cô lắng nghe lời thuyết giảng về Ngày của Mẹ vào năm 1909 và cô tự hỏi tại sao lại không có một ngày tương tự cho người cha?
   Nguyên cha của cô là ông William Smart, một cựu chiến binh của Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, đã ở vậy nuôi con khi vợ của ông qua đời lúc bà sinh hạ người con thứ sáu trong một trại miền quê ở miền đông Washington.  Khi trưởng thành, cô Sonora cảm thông sâu xa về lòng vị tha của cha trong hoàn cảnh gà trống nuôi con.  Cô nghĩ cha cô đã phải là người hết lòng tận tụy và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của các con.  Cha cô qua đời vào tháng Sáu, vì vậy cô chọn cử hành Ngày Của Cha đầu tiên tại Spokane, Washington vào ngày 19 tháng 6, 1910.  Và cuộc vận động cho Ngày Của Cha bắt đầu từ năm đó.
   
Ngày vinh danh người cha được nhìn nhận muộn màng so với ngày vinh danh người mẹ. 
Ngày Của Mẹ được nhìn nhận vào năm 1914, còn Ngày Của Cha được Tổng Thống Lyndon Johnson ký nhìn nhận vào năm 1968 tuy Tổng Thống Calvin Coolidge đã ủng hộ ý kiến nhìn nhận Ngày Của Cha từ năm 1924.  Có lẽ vì người Mỹ thường quá bận rộn nên việc này phải chờ lâu mới dược giải quyết chăng?
*
Nhân loại hầu hết khởi sự cuộc sống theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là, con cái chỉ biết có mẹ mà không biết tới cha là ai.  Chẳng bao lâu sau đó, với trí khôn bén nhậy hơn, cả người nam và người nữ cùng cảm thấy sự gắn bó yêu thương đặc biệt với nhau bắt đầu nẩy nở và người nữ cần có sự che chở trung thành của người nam nên dần dần chế độ mẫu hệ chấm dứt nhường chỗ cho chế độ phụ hệ ra đời và cuộc sống có phân công rõ rệt: đàn ông lo săn bắt, đàn bà hái quả và trông nom con cái.  Từ đó, địa vị đầu đàn của người đàn ông càng ngày càng được củng cố thêm.
 
Chế độ phụ hệ hình thành là một bước tiến dài trong cuộc sống của nhân loại.  Con cái được bảo vệ và chăm lo đầy đủ và chu đáo hơn.  Trách nhiệm của người đàn ông, người cha nặng nề hơn, tình yêu thương trong bầy từ đó nẩy nở, gắn bó hơn, và cuộc sống trở nên vui tươi hơn.  Do đó có câu tục ngữ “đàn ông làm nhà, đàn bà tạo tổ ấm” (man makes a house, woman makes a home).   
 
Tình cha con cũng như tình mẹ con là thiêng liêng phát xuất từ máu mủ nên trong lương tâm của cha mẹ cũng như con cái đều có tiếng gọi thiết tha của yêu thương và của nhu cầu tìm đến nhau để chia xẻ.  Do đó, cha mẹ nào cũng hết lòng lo cho con, nhưng mỗi người chăm sóc và tỏ tình yêu thương một khác.  Người mẹ ngọt ngào và khéo léo hơn trong việc cho con ăn uống; người cha ít ngọt ngào nhưng khôn ngoan hơn trong việc dạy bảo con.  Con cái sẽ không thể nào quên được những tình thương trọn vẹn của cả cha lẫn mẹ.  Lúc còn trẻ dại, chúng cảm thấy cha mẹ là nơi nương tựa, là lá chắn, là quê hương của chúng. 
*
Người Việt chúng ta có tục thờ cúng tổ tiên, ông bà để tỏ lòng nhớ ơn.  Ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu chính là đạo con
 
Ðạo Phật và Ðạo Khổng sau này du nhập nước ta giúp những tình cảm thiêng liêng và những giá trị đạo đức xã hội căn bản được phát huy sâu rộng hơn.  Ðây là một vài tư tưởng của cổ nhân đáng suy ngẫm. 
 
Khổng Tử nêu lên đạo làm cha: “Cha mẹ nuôi con mà không dạy là không yêu con.  Dạy mà không nghiêm cũng là không yêu con vậy.  Cho nên nuôi con thì phải dạy; dạy thì phải nghiêm; nghiêm thì phải siêng; siêng thì tất làm nên được.” 
 
Như vậy, phải nên hiểu nghiêm là gì?  Có lẽ nên hiểu nghiêm là nghiêm cả với chính mình chứ không chỉ nghiêm với con.  Nghiêm với chính mình tức là mình phải làm gương tốt trước.  Cũng trong ý nghĩa đó, người Mỹ có câu “Ðừng lo con cái không nghe lời mà hãy coi chừng chúng đang nhìn những điều mình làm.”  
 
Tư Mã Ôn nói: “Nuôi con không dạy là lỗi của người cha.  Dạy dỗ không nghiêm là lỗi của thày học.  Cha dạy, thày nghiêm mà học hỏi không nên người là lỗi của người con.”
Mạnh Tử nói: “Người xưa dạy con đổi cho nhau, vì chỗ cha con không trách thiện.  Trách thiện thì xa nhau. Xa nhau thì không gì bất tường hơn.”
Lã Vinh nói: “Trong không cha, anh hiền; ngoài không thầy, bạn tốt mà nên người được thì ít có lắm vậy.” 
Tóm lại, người cha được coi là chủ gia đình và có trách nhiệm dạy con.  Dạy con thì phải nghiêm bao hàm ý nghĩa là chính mình phải nêu gương đạo đức như “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, chứ không phải là nghiêm khắc với con.  Những giá trị đạo đức này, người Mỹ đều nhìn nhận và phát huy chặt chẽ. 
*
Nhà thơ Khiết Châu Nguyễn Huy Hùng ở Cali (cựu Đại Tá Sĩ Quan Truyền Tin/QLVNCH) có bài thơ Ngày Của Cha như sau: 
 
Ngày của Cha: Father’s Day
 
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Hàng năm, tháng Sáu, trẻ bên già
Chia nhau chiếc bánh mừng thương bố
Sương gió, bụi đời xám nếp da
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Vì dân, vì nước phải bôn ba
Ðêm ngày gian khổ không sờn chí
Tóc bạc, răng long vẫn diệt tà
 
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Canh khuya thao thức vọng quê nhà
Chiến binh hoài bão còn giang dở
Vững chí đường dài chẳng ngại xa
 
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Gương trong: Thành, Tín, Lễ, Trung, Hòa
Ðuốc ngời: Hiếu, Nghĩa, Nhân, Liêm, Dũng
Con cháu nhờ ơn phước Bố Già
*
Người Mỹ cũng đề cao vai trò người cha và con cái nên phải vinh danh người cha
Có những câu đáng suy ngẫm như sau: 
 
·         Cha tôi là ai; điều đó không quan trọng.  Ðiều quan trọng tôi nhớ cha tôi là ai. (Anne Sexton)
·         Một người cha hơn cả trăm thầy giáo (tục ngữ Anh)
·         Con ngoan biết làm cha vui (A wise son maketh a glad father, Old Testament)
·         Người con nào biết vinh danh cha sẽ sống thọ (he that honoureth his father shall have a long life)
·         Một nhu cầu lúc còn nhỏ thật vô cùng cần thiết cho tôi là sự che chở của một người cha (Sigmund Freud).
 
Có mười điều răn đối với một người cha Mỹ là: 
 
1.    Cố gắng làm gương tốt (Strive to be a good example)
2.    Yêu thương con cái (Love your children)
3.    Yêu vợ (Love your wife)
4.    Có sáng tạo (Be creative)
5.    Dạy con cái biết tách rời bạn (Raise your children to leave you)
6.    Dành thì giờ vui với con cái (Spend time with your children)
7.    Nói chuyện với con cái (Communicate with your children)
8.    Kỷ luật các con đúng mức (Discipline your children properly)
9.    Phát triển óc hài hước (Develop a sense of humor)
10. Thích thú được là người cha (Enjoy being a father)
          Ðối với sự tận tụy của người cha như vậy, con cái phải đền đáp lại như thế nào cho phải lẽ?
 
Các nhà hiền triết thuở trước bày tỏ những ý đáng suy ngẫm như sau:
  
Thiên Khúc Lễ viết:
          Hễ làm con thì khi đi phải cho cha mẹ biết; lúc về phải cho cha mẹ hay; chơi phải có chỗ; nói năng chớ bảo cha mẹ là già. [góp ý]
         
Khổng Tử nói:
          Cha còn sống, xem khí cha; cha mất, xem nết cha.  Ba năm không thay đổi đạo cha, khá gọi là hiếu.
          Tuổi cha mẹ không thể không biết.  Biết để mà mừng và biết để mà lo.
         
Thái Công nói:
          Mình hiếu với cha mẹ, con mình cũng sẽ hiếu với mình.  Còn mình không hiếu, hỏi sao con hiếu được.  Hiếu thuận sinh con hiếu thuận; ngỗ nghịch sinh con ngỗ nghịch.  Chẳng tin, hãy xem nước mái nhà: giọt trước nhỏ sao, giọt sau nhỏ vậy.
  
Tăng Tử nói:
          Cha mẹ yêu thì mừng và không quên ơn.  Cha mẹ ghét thì mệt mà không oán.  Cha mẹ có lỗi thì can mà không làm phật ý. [góp ý]
  
Mạnh Tử kể 5 tội bất hiếu:
          (1) Chân tay lười biếng không làm nuôi cha mẹ.  (2) Say mê cờ bạc, rượu trà, không nghĩ đến cha mẹ.  (3) Ham tiền của, chỉ lo cho vợ con, chẳng đoái hoài tới cha mẹ.  (4) Làm cho vui tai, sướng mắt và mang nhục cho cha mẹ.  (5) Ham sức mạnh, thích đánh nhau để cha mẹ liên lụy.
  
Tăng Tử nói:
          Hiếu là nết đứng đầu trăm nết.  Hiếu cảm đến trời thì gió mưa hòa thuận.  Hiếu cảm đến đất thì cây cỏ tốt tươi.  Hiếu cảm đến người thì phúc, lộc, thịnh vượng.
*
          Thời buổi nay ở Mỹ, cha mẹ thường không phải nhờ vả vào con cái nhiều như trước mà chỉ mong con cái biết nghĩ đến mình: 
 
Một Tấm Lòng
Tôi chẳng cần chi – chỉ tấm lòng
Tấm lòng ưu ái nghĩ về nhau
Dòng thư thăm biết cha còn khỏe?
Cú điện hỏi xem mẹ có đau?
Quân tử xa xôi luôn nhớ bạn
Tiểu nhân kề cận vẫn quên bầu
Thần giao cách cảm vô biên giới
Quên mất, nhớ còn, rất nhiệm mầu
Hải Bằng HDB

Những Ca Khúc Về Cha

Vũ Quang Miên Trường

 

Ca khúc về Cha được ưa thích nhất có lẽ là “Papa” của Paul Anka.

Bài hát kể về một người đàn ông có vợ mất sớm nhưng vẫn ở vậy nuôi con tới khôn lớn . Đến khi già, người cha khuyến khích con ra đi xây dựng tương lai thay vì phải làm nghĩa vụ nuôi nấng ông . Với giai điệu trầm buồn dù tiết điệu nhanh, “Papa” luôn làm người nghe xúc động vì tình yêu và sự hy sinh của người cha .

Một bài hát khác cho Cha là “Song For Dad” của Keith Urban

Người con trai khi lớn khôn rồi, nghĩ lại, mới thấy thấm thía tình yêu của cha đối với gia đình dù khi nhỏ anh thường trách cha quá nghiêm khắc .

A Song For Dad – Keith Urban
http://www.azlyrics.com/lyrics/keithurban/songfordad.html
Với người Việt, các bài hát về Cha rất ít so với các bài hát về Mẹ .

Những ai yêu mến nghệ thuật Cải Lương hẳn không quên tuồng hát “Tiếng Hạc Trong Trăng” của soạn giả Loan Châu  diễn tả tình phụ tử cao quý .

Vở hát này đã làm nổi danh hai tên tuổi Thành Được và Thanh Nga .

Xuyên Lan là con của tướng cướp Thy Đằng bị thất lạc từ nhỏ, nên khi phát hiện được Xuyên Lan là con của mình thì Thy Đằng đã hy sinh đôi mắt.

Bài vọng cổ “Tìm Cha Nơi Đâu” diễn tả nỗi thương nhớ sâu xa của người con mất cha.

Tình Cha trong tôn giáo luôn là tình yêu bao la, sâu đậm .

Linh mục Tiến Linh có những bài hát về tình Cha cao vời của Đức Jesu Kitô

Đức Phật là người cha bao dung nhất, nhưng Người không chỉ đem lại tình thương mà còn đưa ánh sáng của sự minh triết như trong ca khúc “Phật Đang Trong Ta”.

Tình Cha luôn luôn hiện diện dù ở bất cứ phương trời nào Tây hay Đông .

Nhưng với Việt Nam, mảnh đất đầy bất ổn, người Cha phải chịu cực khổ hơn, vất vả hơn , như được mô tả trong ca khúc “Cha” , đặc biệt được phổ theo thể nhạc Rap .

Làn da cháy nắng, vai còng nhấp nhô,

cuống đôi chân, ông đạp qua bao phố phường.

Giọt mồ hôi rơi, cho con lớn khôn, bữa cơm no,

chiếc áo mới đến trường.

Đứa con nào đâu thèm nghĩ suy,

ngày qua chỉ trách cha cơ hàn,…

Vũ Quang Miên Trường

Chiếc Ba Lô Để Lại

Nguyễn Văn Sâm

1.

Sau cơn mưa, đường ngập linh láng như biển. Chiếc xe 14 chỗ ngồi của chúng tôi vừa lội vừa thở phì phò, xém tắt thở nhiều lần mới thoát được vùng ‘biển hồ’ Minh Phụng để quẹo vô đường 3 Tháng Hai. Khúc nầy tương đối ít ngập, chỉ tới nửa bánh, xe cộ vì vậy cũng nhiều hơn. Nước không còn tạt vũ bão ra hai bên hông như trước mà phóng ra với vẽ hiền thục dễ thương. Sau thời gian đụt mưa thiên hạ gấp về, nhiều anh vọt lẹ, lắm khi xẹt qua đầu xe lớn đương ngon trớn mà coi như không, khiến anh tài xế lâu lâu lại chắc lưỡi lắc đầu.

Bỗng nhiên có tiếng thắng mạnh.Mọi người bị giựt ngược, tỉnh ngủ. Tài xế mím môi, la lớn:

‘Khiến!’

Rồi anh xuống giọng như nói với mình:

‘Không mau chưn mau cẳng thì bà hú nó rồi!’

Hành khách trong xe nhớn nhác ngó nhau. Hai ba người đàn bà đưa tay vuốt ngực.

Chiếc xe gia tốc, chồm tới, cố gắng bắt kịp người thanh niên phóng bạt mạng kia. Đèn đường bật lên đỏ. Cả hai đậu song song chờ. Tài xế quay cửa kiếng xuống, chồm đầu ra ngoài, phun nước miếng cái phẹt xuống đường, nói lớn với kẻ làm anh giựt mình hồi nảy:

‘Mầy đứng lại cho tao lạy mầy mấy cái chớ mầy chạy kiểu đó chắc tao chết vì đứng tim. Mầy tội nghiệp tao với chớ! Tao đâu có muốn vô tù đâu!’

Người thanh niên nhăn răng cười rồi chỉ chờ đèn đường bên kia vừa bật qua màu vàng là phóng thẳng bất kể những chiếc chót của làn lưu thông ngược chiều chưa qua hết khoảng đường trước mặt.

Tôi cười thầm. Anh tài xế nầy nói chuyện có văn hóa giao thông ghê. Chẳng bù với tháng trước tôi ngồi trên xe buýt, cũng trường hợp tương tợ, tên nhóc tì phụ xế kiêm bán vé đã ló đầu ra ĐM lia chia rồi tuyên bố một câu xanh dờn:

‘Mấy muốn tự tử thì về nhà mà tự tử, ngon thì vô đồn công an mà tự tử. Mầy nên nhớ mạng mầy chỉ có ba chục triệu thôi không hơn đâu.’

Không khí im lặng nảy giờ trở nên sôi động bằng những lời bàn tán chung quanh chuyện chạy ẩu của xe nầy xe kia. Anh tài xế nói lớn:

‘Làm nghề nầy thấy cái chết của thiên hạ quá thường nên nhàm luôn, trở thành vô cảm trước máu me. Chết vì chạy ẩu xị, chết vì do xe lớn lấn đường, do tài xế mệt mỏi, xỉn xay, ngáo đá, hay do đường xá xấu hư làm lạc tay lái… Muôn ngàn lý do, kề tới mai chưa hêt!.’

Tôi lên tiếng cho vui:

‘Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn…. chuyện nầy xảy ra hà rầm.’

Anh tài xế dễ thương tuy nghe nói đụng chạm tới giới của mình nhưng vẫn làm thinh.

Tiếng ai đó, giọng của người đứng tuổi:

‘Thét rồi hết muốn ra đường. Sợ quá! Những cái chết nát thây không báo trước. Còn hơn là ngày xưa đi hành quân hay nhảy toán. Đời sống bây giờ thiệt là bất an!’

Không khí trong xe tới đây thì lắng xuống, ai nấy theo đuổi tư tưởng mình.

Khi xe quẹo vô đường Nguyễn Kim thì người bạn tôi nói vọng ra sau:

‘Nếu chừng mờ mờ sang đi tới đây, góc Nhật Tảo và Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng đơn vị của tôi ở Pleiku. Anh ta tên Thanh, bị lựu nổ mất nửa bàn tay mặt, đương chờ giải ngũ thì đứt phim. Lãnh lịch hết gần chục có đầu. Nay gặp lại bạn bè xưa nhiều khi anh làm lơ hay ngồi cho có mặt, thường ngó mông lung. Lạ lắm!’

Tôi ngạc nhiên hỏi lại vì cái chép miệng sau khi xuống giọng của bạn:

‘Chục có đầu sao không đi H.O. mà ở lại cho cực thân.’

‘Vậy đó!’

Tôi không biết gì thêm từ hai tiếng trả lời gọn lỏn kiểu miền Tây của bạn nhưng biết chắc chắn rằng người đàn ông phụ vợ bán bánh kia là người đặc biệt. Và tôi thấy mình cần phải tìm hiểu anh ta.

Vậy mà sau gần cả tháng tôi mới làm thân được với Thanh. Cũng nên kể ra đây lần gặp gỡ của tôi với Thanh.

2.

Sáu giờ sang trời còn lờ mờ nhưng thành phố đã thức. Những người lớn tuổi đi bán giấy số bắt đầu đổ xô ra đường. Mấy chiếc xe bán thức ăn nầy nọ đã được đẩy ra vị trí và đốt lò. Tôi thay quần sọt ra đi tới chỗ người bạn tôi chỉ hôm nọ và ngồi xuống một cái ghế nhỏ không thể nhỏ hơn để kế bên hai xửng bánh bao bánh giò của cặp vợ chồng nầy. Người vợ luôn tay lấy bánh bỏ vô bao xốp trao cho khác với nụ cười giao tế. Người chồng lãnh nhiệm vụ thâu tiền. Nụ cười cũng có trao đổi với khách nhưng hơi gượng gạo. Tiếng cám ơn luôn luôn thốt ra mỗi khi anh hoàn thành một dịch vụ.

Ngồi câu giờ cố ăn hết một cái bánh bao và một cái bánh giò nóng, tôi liếc chừng chừng quan sát con người đặc biệt kia.

Hình như anh ta cũng bắt thóp được ý định của tôi nên thỉnh thoảng đưa mắt ngó. Tôi phóng ra con bài ngoại giao bằng nụ cười và cả cái nheo mắt nhưng anh cố tình làm lơ. Ăn xong ý chừng đã ngồi hơi lâu tôi mua thêm một cặp bánh nữa và đưa cho anh tờ giấy nửa triệu, với câu nói nhỏ:

‘Anh khỏi thối, mình xin phép được chia sẻ với anh.’

Tôi nhận được câu trả lời lạnh băng như là người đối thoại cố tình làm cho mình tức giận:

‘Chúng tôi buôn bán, không ăn xin! Anh cầm tiền thối.’

Tôi vớt vát:

‘Mình cùng cảnh ngộ ngày trước’, tôi thấy mình hay ho tận mạng khi đem ra xài mấy chữ nầy, vừa nói vừa ren rén ngó mau về bàn tay phân nửa của anh ám hiệu rằng cùng là cựu quân nhân.‘Bây giờ khá hơn anh nên xin chia sẻ. Anh nhận để mua quà cho các cháu.’

Người bán hàng đẩy mạnh tay tôi ra với số tiền thối lại, quyết liệt:

‘Chúng tôi không có con. Xin lỗi anh. Anh cầm. Tôi còn phải thối tiền các khách khác.’

Thế mà tôi vẫn kiên nhẫn lập lại lời yêu cầu nầy hai lần tới sau đó nữa. Lần thứ ba thì anh chắc lưỡi, bỏ tiền thối vô xấp tiền anh cầm. Chắc là lần nầy nhờ tôi nhắc tên người bạn chung. Tôi ngồi nán lại để anh dãn khách, nói vài ba câu vô thưởng vô phạt rồi ra về. Hai bên nói chuyện tâm tình bên mấy ly trà nóng một cách tự nhiên những lần sau đó…

3.

Tôi ra trường với lon Thiếu Úy lúc 24 tuổi, tình nguyện vô binh chủng cọp ba đầu rằn.Thời chiến chinh, mỗi người làm hết bổn phận mình trong chức vụ mà xã hội phân công, cách nầy hay cách khác, đó là điều bắt buộc. Cam đảm hay hèn nhát gì cũng không bằng hên xui: bà độ hay bà xô vô chỗ tử. Phải giữ vững tinh thần, lương thiện và không nghĩ đến cái chết mới sống đúng nghĩa người trai. Hơn một năm sau khi ra trường tôi về tiểu đoàn sau khi lên Trung Úy.

Những lúc rảnh rỗi, ngó lại anh em dưới quyền trong đơn vị, so sánh với cuộc sống lạc điệu của hậu phương, tôi cũng văng tục thầm. Mẹ ơi, hậu phương làm mình giận muốn nổi cơn điên. Cho nên binh sĩ dưới quyền, tôi thương hết biết. Nhiều đứa đi phép về trễ vài ba ngày tôi cũng nạt nộ để tụi nó không lờn nhưng báo cáo hay làm gì đó nặng hơn thì không.

Cầm đầu phải làm gương, tôi xông vô nguy hiểm coi như đạn có bổn phận tránh mình. Cũng làm thơ hào hùng kiểu Hồ trường: Ta xông pha hề, trận mạc. Coi tử sinh hề, cỏ rác dưới chân. Thỉnh thoảng hớp ngụm rượu của đàn em rồi sảng khoái ngâm nga tử sinh hề, cỏ rác… vui đời lính, thương đồng đội, quên mình đương ở tuổi cần có bên mình một bóng hồng…

Trong trận Hạ Lào năm đó, Tiểu đoàn tụi tôi bị tụi nó cầm chưn. Được bỏ thêm để giải vây cho đồng đội, nhưng chúng tôi bị lún. Chúng pháo kích ngày đêm nhưng tấn công lần nào cũng bị tiêu diệt trọn. Bên mình cũng hao bộn do mỗi lần một ít. Tôi được lịnh là sáng mai lúc trời hơi tan sương mù thì trực thăng bốc, ưu tiên thương binh.

Vậy mà chuyện đau lòng xảy ra đêm đó.

Thằng Tánh trung sĩ thường trực, đệ tử ruột của tôi bị nạn. Cái thằng cũng trí thức lắm, nó rớt Tú Tài nên đi Trung sĩ. Khuya tôi đương thiu thiu ngủ sau ba ngày trắng dờ con mắt thì nghe báo cáo Tánh bị đạn nặng lắm. Tôi nói nó ngủ trong hầm mà bị đạn cái củ c. gì. Nãy giờ có trái nào nổ gần đâu.

Thiệt ra thì khuya thằng con bò ra ngoài đi tiểu. Miểng nhỏ pháo kích từ đâu bay ra cắt đứt mạch máu chủ ở háng.

Tôi tới thì anh em đương xúm bên nó, lo lắng. Quân y cố hết sức cầm máu. Thằng Tánh thấy tôi thì mắt sáng lên nói thiệt lẹ, rõ ràng:

‘Em không sao đâu Trung Úy. Chuyện nhỏ! Sẵn dịp lên trực thăng về thăm vợ luôn. Con vợ em đương có bầu ba tháng. Chắc nó cũng nhớ em.’

Tôi đuổi mấy đứa không có phận sự ra chỗ khác. An ủi nó. Nó cứ lập đi lập lại hoài điệp khúc ‘không sao đâu là không sao đâu’. Bác sĩ Quân Y ngó tôi với cặp mắt buồn, nói thiệt nhỏ trong khi thằng Tánh vẫn nói không sao đâu:

‘Không xong, máu ra nhiều quá, vết thương lớn không bịt được.’

Nó thấy mặt tôi buồn chắc là hiểu được điều chúng tôi trao đổi nên trở giọng:

‘Em lạnh quá Trung Úy! Có bề gì thì Trung Úy mang ba-lô em về cho bà xã em. Bả tên Trinh, địa chỉ ở trong đó. Tiền lương tháng nầy với phần còn lại từ trước cũng mấy ngàn. Nó cấn thai được ba tháng. Trung Úy giúp đỡ nó với con em giùm. Tụi em đồng ý đặt tên con là Trần Trinh Thảo Tánh. T tứ thừa đó Trung Úy. Cái tên tụi em nghĩ nát óc mới đặt được đó Trung Úy.’

Thằng Thạch Buôn, từ xa diễu dở bằng mấy tiếng ‘Nôm luôn! Hốt hụi chót!’ Tôi đứng rột dậy, lên cò súng quát lớn: ‘Mầy nói lại một lần nữa đi!’

Thạch Buôn lạy như tế sao rồi chuồn thẳng.

Tôi cởi áo trận đắp cho Tánh. Nó run lập cập than lạnh liên hồi. Hai tay tôi nắm hai bàn tay lạnh ngắt của nó nói: Không sao đâu để anh đem ba-lô về cho. Mà chắc không cần nữa, em lo được chuyện đó. Dễ mà! Nó nhắm mắt thì thào: ‘Coi tử sinh cỏ rác dưới chân…’ Tôi vuốt mắt nó, đứng dậy chùi nước mắt của mình. Chúng tôi ở kế nhau cũng hơn một năm. Mến tay mến chưn. Nó đoán biết ý của tôi, không bao giờ làm trái, cũng không sa đà trong chuyện cờ bạc, gái gú mỗi khi ra thị xã…

Đạn trung liên của địch bắn liên hồi nhưng chiếc trực thăng bốc quân điêu luyện luồn lách cũng hạ xuống an toàn. Chừng chục thương binh được di chuyển lên sàn phi cơ lẹ làng không thể tưởng. Viên Trung Úy trách nhiệm ra lịnh cho những ai lên trước lên sau sắp hàng thứ tự. Cuối cùng khi phi cơ vừa nhấc mình lên thì cũng là lúc ông chạy ra cố gắng cho phần mình.

Cái ba lô nặng làm ông chạy chậm, gió phần phật từ cánh quạt gần như đuổi ông ra xa. Cuối cùng trong lúc gần hụt thì hai tay giơ lên của ông được hai binh sĩ nào đó trên phi cơ chụp dính.

Phi cơ bốc lên cao, khỏi ngọn cây. Đạn bắn chéo chéo bên tai và gió thổi vù vù. Viên Trung Úy thấy mình càng lúc càng tuột ra khỏi tay người nắm. Cái chết đã cận kề. Bỗng nhiên ông thấy mình được nắm vững, thân mình ông với cái ba lô trên vai treo tòn teng song song với càng trực thăng. Một người thương binh nào đó đã cố nhoài mình ra nắm được hai cái quai đeo của ba lô. Chắc chắn.

Mọi người reo hò khi viên Trung Úy được kéo lọt vô sàn. Bên ngoài đạn vẫn vẽ những lằn đỏ cong cong. Tiếng người phi công nói:

‘Anh may mắn cùng mình, những trường hợp như vừa rồi một trăm phần trăm là rớt xuống.’

Viên Trung Úy lột ba lô ra, cúi xuống vỗ vỗ, nói trong sự ngạc nhiên của những người không biết chuyện Trung sĩ Tánh:

‘Cám ơn em đã cứu anh, anh sẽ làm tròn lời hứa…chắc chắn như đinh đóng cột.’

Tôi không thể nào chịu nổi cảnh người vợ khóc chồng. Cô ta ngã xuống như cái bị rách ai đó liệng xuống đất, đầu úp lên cái ba-lô, hai tay ôm choàng như ôm người tình.

Đau lòng như xé ruột tôi muốn bỏ đi nhưng nhà cô ta đơn chiếc quá, chỉ có một mẹ già, bà đương đứng xơ rớ với cặp mắt đỏ hoe, không biết thương cho số phần con cháu mình hay thương thằng rể vắn số. Chừng một giờ sau tôi kiếu, đi chập chạng như về từ đám tang người em ruột thịt của mình, không còn nhớ mình lang thang ngoài đường đã bao lâu.

4.

Tôi trở lại căn nhà đó chừng năm lần nữa mỗi khi về phép. Lần nào cũng vậy, tôi cố tình ngồi lại trong thời gian thiệt ngắn. Tôi sợ tình cảm trai gái nẩy nở. Mọi chuyện rồi không biết sẽ về đâu. Đúng hay sai. Con bé T tứ thừa học càng ngày càng giỏi. Mẹ bé cho biết cha bé ngày trước đùa là nếu anh hy sinh thì bất cứ giá nào em cũng xin cho bé vô trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Tôi có đến đó hỏi thì được biết phải chờ cho bé xong Tiểu Học mới được. Trường chỉ bắt đầu bằng lớp Sáu thôi.

Rồi tôi bị thương ở bàn tay nầy. Chưa kịp báo tin cho ai thì phải đi gỡ lịch. Trong thời gian dài tôi tập sinh tồn bằng cách quên hết mọi chuyện bên ngoài, nhắm mắt trước những bất công và vô lý, tập quên mình là ai.

Khi được thả ra thì biết bao nhiêu chuyện đổi thay đã ụp xuống vùng đất thua trận. Nhà cô ta đã đổi chủ hai ba lần. Không ai biết cái gia đình ba người đàn bà ba thế hệ đó trôi dạt về đâu. Ai  cô thế mà ở yên được với chánh sách dãn dân vô lý trong thập niên đầu họ từ rừng chui ra?

Nhiều khi ngủ tôi chiêm bao thấy lại cảnh thằng Tánh nói ‘Em lạnh quá’ rồi i ỉ ngâm nga ‘Coi tử sanh hề, cỏ rác dưới chân. Cảnh nầy đan chéo với cảnh cái bàn thờ đơn sơ có tấm hình nó cười, dưới chưn bàn thờ là người đàn bà tóc tai rũ rượi ngồi khóc, kế bên bàn thờ là cái ghế cao cẳng có đặt đứng cái ba lô của nó. Cái ba lô đã cứu mạng tôi. Cái ba lô tượng trưng cho tình yêu của nó và gợi cho mặc cảm của tôi về sự không làm tròn lời hứa. Tôi thấy mình như có lỗi với Tánh và với con bé T tứ thừa.

Đó cũng là một lý do khiến tôi không góp đơn ra đi theo dạng H. O. Lý do khác là tôi muốn chứng kiến tận mắt coi người ta đọa đày đất nước nầy tới nước nào. Tôi không phải là người được đào tạo để làm theo cách thế của bất kỳ ai khác dầu cho họ là đám đông khôn khéo tới mức nào, tôi có hệ thống giá trị của riêng mình. Và tôi theo nó tận cùng…

Nguyễn Văn Sâm

(San Diego, CA, 30-04-2017)

Người Bắt Rắn

Hà Bỉnh Trung

Câu chuyện tôi kể sau đây đã xảy ra tại tỉnh lỵ Phúc Yên 60 năm về trước. Ðó là một tỉnh nhỏ chỉ gồm có hai phủ là Ða Phúc và Yên Lãng, và hai huyện là Ðông Anh và Kim Anh. Tỉnh lỵ cách Hà Nội 43 cây số. Sau năm 1945, nó đã được sát nhập với tỉnh Vĩnh Yên và mang tên là Vĩnh Phúc. Không lâu, chính tỉnh Vĩnh Yên sau đó lại hợp với tỉnh Phú Thọ và trở thành Vĩnh Phú. Không biết cái tỉnh lỵ Phúc Yên của tôi ngày xưa nay nằm trong ranh giới thành phố Hà Nội, hay đã thuộc về Vĩnh Phú?

     Những người thuộc thế hệ chúng tôi phần lớn đều đi học rất trễ. Người thì khai tâm bằng chữ nho hai ba năm mới vào Tiểu học Pháp Việt, người thì ở nhà giúp việc gia đình đến ngoài 10 tuổi mới cắp sách đi trường. Cho nên học trò thời ấy đa số đều lớn, 15, 16 tuổi mới học đến lớp Nhất. Thậm chí có người đã có vợ nữa.

     Nhà chúng tôi ở phố Dinh Tuần Phủ nên hôm nào đi học cũng phải qua con đường «rặng me» thẳng lên đến gần dốc nhà giây thép (tức là Bưu điện bây giờ). Con đường này chỉ ngắn độ vài trăm thước, hai bên là đồng trống và dọc lề đường có những cây me thật lớn, cành lá xum xuê mọc chùm lên nhau thành như một cái mái. Mùa hè, hoa nở đỏ rực trông rất đẹp mắt, gió từ cánh đồng lướt qua mát rượi. Nhưng đến mùa đông thì trái lại, đi qua quãng đường này là một cực hình đối với dân nghèo thiếu áo ấm.

     Tỉnh nhỏ chẳng có gì để giải trí, ngày nghỉ chúng tôi chỉ có cách thuê xe đạp chạy quanh xóm nhà, hoặc ra cánh đồng trống thả diều thi đua với chúng bạn. Buổi trưa nắng ra vườn bắt chuồn chuồn cho cắn rốn (để chóng biết bơi lội), bắt bươm bướm ép vào sách, bắt châu chấu để nuôi chim yến, chim sáo, hoặc tinh nghịch hơn, lấy súng cao su bắn chim sẻ. Ngoài ra, trong dịp nghỉ hè, cứ vào khoảng một giờ trưa, ngày nào chúng tôi cũng ra cửa để chờ đón anh Nhu. Nhu là người bán kẹo kéo, vừa đi vừa lắc chuông thay tiếng rao hàng. Thấy chúng tôi là anh cứ luôn mồm hát:

«Kẹo kéo vừa dẻo vừa ngon

Bà gọi con bà ra mà quay số»

     Trẻ con quanh xóm bu lại. Anh luôn tay kéo dài miếng kẹo ra, rồi gấp lại, rồi lại kéo ra nhiều lần cho đến khi nhỏ tơi ra như sợi cước. Nhu rất khéo chiều khách hàng nhỏ tuổi của anh. Anh thay đổi mặt hàng mỗi ngày, khi thì ô mai chanh, ruốc bò khô, kẹo bạc hà, khi thì lại bày trò quay xổ số lấy kẹo bánh. Nhu khoảng độ 30 tuổi, người nhỏ bé gầy guộc, da xạm nắng. Có lẽ hai anh em tôi là khách hàng «xộp» nhất, nên đối với chúng tôi anh đã đối xử thật đặc biệt. Nhiều khi mua kẹo, anh hay cho thêm và nói:

     – Ðây biếu hai cậu thêm mỗi cậu một hộp ô mai trần bì lấy may. Trong này có hình vẽ các nhân vật Tam Quốc đấy, mở ra mà coi.

     Thực vậy, trong mỗi hộp (nhỏ bằng bao diêm quẹt) đều có một tấm hình vẽ Quan Vũ, Trương Liêu hoặc Lưu Bị, Tào Tháo vân vân…, thành ra anh Nhu đã gián tiếp quảng cáo chiêu hàng, khiến chúng tôi cứ phải mua mỗi ngày một hai hộp ô mai trần bì, để lấy ảnh góp lại cho đủ bộ danh nhân thời Tam Quốc.

     Thời gian trôi thực mau. Nghỉ hè đã hết và mùa thu bắt đầu. Tuy nhiên ngày chủ nhật chúng tôi vẫn có ý chờ anh Nhu, nhưng không thấy anh tới nữa.

     Qua mùa gặt tháng tám, cánh đồng chung quanh tỉnh lỵ đã khô dần. Qua đầu tháng mười một trời đã bắt đầu trở lạnh.

     Hôm đó, chúng tôi đang phóng xe đạp xuống con đường dốc cạnh dinh Tuần Phủ, thì thấy anh Nhu vác trên vai một cây gậy ở đầu có treo lủng lẳng một cái rọ bằng tre, tay cầm một cái móc sắt dài độ 8 tấc, lững thững đi ra phía ruộng. Mừng quá, chúng tôi lên tiếng gọi:

     – Anh Nhu! lâu quá không thấy anh. Anh đi đâu thế này?

     Nhu tươi cười:

     – Chào hai cậu. Tôi đi bắt rắn.

     – Thế anh không bán kẹo nữa hay sao? Em tôi hỏi.

     – Tôi chỉ bán kẹo vào mùa hè thôi. Nghề chính của tôi là đi bắt rắn.

     Tôi hỏi:
– Bắt rắn ở đâu, anh Nhu?
– Ở ngoài ruộng kia kìa. Chỗ nào có thì bắt.
– Cho tụi em đi theo anh, xem bắt rắn được không?

     Nhu cười khà:
– Ðược chứ! muốn đi thì đi.

Mừng quá, tôi vội bảo anh:
– Ðể tụi em đi trả xe đạp đã. Gần đây thôi. Anh chờ em nhé.

Nhu gật đầu:
– Ðược rồi. Tôi chờ các cậu ở đây. Lẹ lên nghe!

Một lát sau, ba chúng tôi đã đi sâu vào đồng nội. Ðất ruộng nứt nẻ, khô cứng. Ðó đây còn lác đác những cuống rạ chưa cắt hết. Cỏ bên bờ ruộng hơi vàng úa. Băng qua một ngọn đồi trọc, chúng tôi đi xuống gần một lạch nước cạn. Nhu đứng lại, chỉ vào một cái lỗ nhỏ độ chừng 5 phân tây đường kính. Anh nói:
– Kia rồi. Thế nào cũng có một con đang ngủ.
– Sao anh biết nó ngủ?
– Mùa đông, trời lạnh. Phần lớn các sinh vật đều trốn lạnh ở trong hang, trong ổ. Nhu trả lời.
– Anh bắt rắn về làm gì, anh Nhu?

Nhu cười nhẹ:
– Chắc các cậu không hay đi Hà Nội nên không biết. Ở hiệu ăn Tàu như Mỹ Kinh hàng buồm, và Siêu Nhiên hàng bông họ bán thịt rắn về mùa này thiếu gì.
– Thiệt hả?
– Nó có món thịt rắn nấu với thịt mèo, và một vài vị thuốc Bắc, đặt tên là «long hổ hội», ý muốn nói con rắn là rồng, con mèo là hổ. Lại còn món nấu ba loại rắn lẫn với nhau gọi là «tam xà đại hội».

Tôi nêu thắc mắc:
– Ăn có ngon không anh Nhu? Lỡ có nọc độc thì sao?

Nhu cười xòa:
– Làm gì có nọc độc nữa. Nọc rắn nó chỉ có ở trong một cái túi, gọi là hạch có lẽ đúng hơn, nằm ở cạnh hàm rắn. Khi nó mổ ai thì hai cái nanh của nó chích vào máu nạn nhân. Khi làm thịt, người ta phải bỏ hết phần đầu đi. Thịt nó ăn cũng tương tự như lươn vậy thôi, có phần dai hơn một chút.
– Ăn thế cũng đâu có lợi gì? Mình vẫn cảm thấy e dè khi nghĩ đến con rắn. Thiên hạ nhiều người cũng liều thật!

Nhu tròn mắt nói:
– Ấy, ăn bổ lắm chứ. Các cậu không thấy người ta ngâm rượu để bán hay sao?

Thấy chúng tôi lắc đầu, Nhu tiếp:
– Chiều nay về, tôi đưa hai cậu lại hiệu thuốc ông lang Phục các cậu sẽ thấy.

Vừa nói, anh Nhu vừa lấy cái móc sắt luồn vào ổ rắn. Anh xoay tay một vòng và nhanh nhẹn kéo cái móc ra. Một con rắn khá dài nằm đờ ngay miệng lỗ. Nhu lấy tay trái nắm đầu con rắn, bóp cho nó há miệng ra, rồi tay phải anh cầm con dao nhỏ cạo cạo vào nanh rắn. Xong anh bỏ ngay con rắn vào trong rọ tre đậy nắp lại.
– Rắn hổ mang đó. Ai vô phúc bị nó mổ là chỉ mươi phút sau hết cựa.

Tôi vội hỏi:
– Thế lỡ anh bị nó đớp thì sao?

Nhu cười:
– Mình có thuốc trừ chứ.

Vừa nói anh vừa móc túi lấy ra một cái lọ nhỏ có bột thuốc màu xám:
– Ðây này, lúc nào cũng phải sẵn sàng để phòng thân chứ.
– Thế anh bắt rắn về bán cho tiệm ăn ở Hà Nội à?

Nhu lắc đầu:
– Tôi bán hết cho ông lang Phục. Ông giữ một số để ngâm rượu làm thuốc, còn lại ông bán thịt.
– Chắc đắt tiền lắm anh nhỉ?

Nhu cười:
– Cũng phải theo giá chợ thôi. Nghề của tôi ít người học nên cũng kiếm được kha khá.

Chúng tôi cứ men bờ ruộng mà đi. Thỉnh thoảng lại băng qua một khu rừng nhỏ, lúc qua đồi. Tôi nhận thấy mỗi khi anh Nhu chỉ ổ rắn nào, nó cũng nằm ở cạnh bờ bụi, chứ không ở ngay giữa ruộng. Chúng tôi đi như thế, chỉ vào khoảng từ sáng đến xế trưa anh Nhu đã bắt được hai chục con rắn bỏ đầy rọ.

Khi về, đúng như lời hứa, anh đã đưa chúng tôi đến tiệm ông lang Phục, để giao hàng, và cho chúng tôi xem những chiếc vại lớn có nắp, đựng đầy rắn. Trông những hũ rượu bằng thủy tinh, có ngâm lẫn lộn ba con rắn và dăm vị thuốc bắc, tôi vẫn có cảm giác ghê sợ. Nếu ông lang Phục có hào phóng cho tôi nếm thử một ly, chắc tôi cũng phải cám ơn từ chối, bổ béo ra sao tôi cũng không cần biết.

Ở nhà ông lang Phục ra, anh Nhu còn cố kéo chúng tôi về nhà anh, một căn nhà nhỏ xinh xắn, ở gần rặng me, để biết chỗ anh ở, và để giới thiệu chúng tôi với vợ anh là chị Lụa.

Gặp chị, tôi rất ngạc nhiên, vì so với anh Nhu, quả thực hai vợ chồng không xứng đôi chút nào. Chồng thì đen đủi, gầy gò, xấu xí, còn vợ thì thật trắng trẻo, lẳn người, mặt mũi rất xinh đẹp. Thấy chồng về, chị cũng không vồn vã đón mừng. Gặp chúng tôi, chị cũng làm như lạnh nhạt, hời hợt. Tôi thầm nghĩ tại sao anh Nhu lại có thể kén được chị Lụa làm vợ mà có được hạnh phúc với nhau.

Một tháng sau. Hôm ấy đã 26 tháng Chạp. Còn bốn ngày nữa là Tết. Trường tỉnh đã đóng cửa cho học trò nghỉ. Chúng tôi lại theo anh Nhu đi bắt rắn. Khi lên hết ngọn đồi, anh ôm vai tôi kể chuyện:
– Này cậu, bữa nọ, tôi suýt bị nguy. Ai lại trước khi đi, tôi thay áo, rồi lơ đãng quên khuấy lọ thuốc trừ nọc trong túi không đem theo. Ðên khi nhớ ra mới hết hồn, phải quay về ngay. May mà không gặp con rắn nào, chứ không là chết. Từ đấy bữa nào ra cửa tôi cũng phải kiểm lại món ấy trước hết. Ðây này, lọ thuốc mới lấy ở tiệm ông lang Phục sáng nay. Tốt ghê lắm cậu ạ! Chỉ cần rắc một chút bột lên vết rắn đớp hai phút sau là hết bầm tím. Làm nghề này tôi đã bị hai lần rắn mổ rồi đấy.

Tôi vội hỏi:
– Tại sao anh cứ chộp đầu rắn bằng tay không cho nguy hiểm? Tại sao anh không lấy bao bố cắt ra làm bao tay, có phải đỡ hơn không?

Nhu cười:
– Cậu nói có lý. Nhưng đeo bao tay nó vướng lắm. Hơn nữa, mình cũng ỷ y có thuốc hiệu nghiệm thành ra thấy không cần.

Không biết có phải tại anh Nhu linh cảm bữa nay anh sẽ gặp xui hay không, mà chỉ 30 phút sau khi nói chuyện, anh bị một con rắn hổ khá lớn mổ vào cổ tay bên phải hai vết răng rớm máu. Tôi cũng hết vía khi con rắn vọt về phía tôi, cách khoảng chừng nửa thước chạy thoát vào trong bụi.

Anh Nhu bình tỉnh, ghé miệng hút máu độc ra nhổ đi, rối lấy lọ thuốc đổ bột vào vết thương. Thấy anh em tôi có vẻ luống cuống, anh cười nói:
– Hai cậu thấy chưa? mình vừa nói đến chuyện rắn mổ, thì y như rằng chuyện xui xảy tới. Nhưng không sao đâu, hai cậu đừng sợ, chỉ vài phút nữa là vết độc hết bầm ngay.

Thời gian trôi qua thật nặng nề. Chúng tôi vô cùng bối rối thấy vết độc ở cổ tay anh Nhu càng xưng to và tím ngắt. Hình như anh định nói điều gì, nhưng chỉ thấy há miệng ú ớ không ra tiếng. Anh nằm vật xuống quằn quại, mắt trợn ngược, xùi bọt mép và tắt thở. Chúng tôi sợ quá, đành chỉ biết chạy vội về tỉnh báo tin cho chị Lụa biết, để gọi cáng đưa xác anh Nhu về.

Tội nghiệp chị Lụa! người vợ trẻ khóc lóc thảm thiết. Chị kêu gào lăn lộn ngoài ruộng, ôm chặt anh Nhu. khiến quần áo lấm bê bết. Tội nghiệp người đàn bà trẻ đẹp xấu số, mới ra đời đã bị vùi dập, nửa đường đứt gánh.

Ông lang Phục đã giúp chị Lụa một số tiền để lo việc ma chay cho anh Nhu, gọi là đền đáp công khó của anh. Còn chúng tôi dĩ nhiên cũng đã đến nhà anh Nhu, chia buồn cùng chị Lụa và đưa đám người xấu số.

Năm sau, chúng tôi đậu bằng Tiểu học và lên Hà Nội theo học trường Sư phạm. Tôi đã 17 tuổi và em tôi 16. Nghỉ hè trở về nhà nghe thiên hạ xì xầm chị Lụa đã tằng tịu với ông lang Phục, có thể nói chị đã thành như vợ bé của ông lang giàu có rồi. Do đó, lại có lời đồn đại là ông lang đã âm mưu tráo thuốc giả trừ nọc rắn để mưu hại anh Nhu hòng cướp vợ của người bắt rắn.

Nghe chuyện, tôi chẳng thế nào tin nổi. Tôi muốn tìm biết sự thật, nên một hôm, một mình tôi ghé lại nhà anh Nhu, để thăm dò thái độ của chị Lụa. Thấy tôi, chị tỏ vẻ vui mừng như người thân lâu ngày mới gặp. Chị reo lên:
– Ô kìa, em đã về nghỉ hè rồi hả? Vào chơi đi.

Chị kéo chiếc ghế ra:
– Ngồi đây đi em. Ðể chị đi đun nước uống.

Chị vào nhà trong độ một phút, lại quay ra ngồi xuống chiếc ghế sát bên tôi. Tôi nhìn chị nói:
– Em đến thăm chị thôi, vì nhớ và thương anh ấy quá.

Lụa thản nhiên:
– Sinh nghề tử nghiệp mà em, làm sao được bây giờ?

Tôi lại nhìn chị Lụa, thấy chị thật đẹp:
– Trông chị vẫn như trước. Có phần chị…

Lụa ngắt lời:
– Chị mập ra một chút em ạ. Còn em, trông cao lớn hẳn lên nhỉ. Trông bảnh trai lắm rồi. Cao hơn chị một đầu rồi còn gì!

Vừa nói chị vừa bóp cánh tay tôi:
– Úi chà! tay em rắn chắc quá nhỉ, chắc em tập thể thao nhiều?

Tôi lí nhí đáp:
– Vâng, em phải tập thể dục và thể thao ở trường mỗi ngày.

Lụa đưa tay lên vai tôi, rồi lại sẽ vuốt sau lưng, khiến tôi cảm thấy mặt nóng bừng bừng. Tôi không có phản ứng, vì thú thật tôi cũng cảm thấy êm ái khi một bàn tay mềm mại đụng chạm vào người tôi, một thằng con trai mới lớn.

– Chị buồn lắm. Thỉnh thoảng em đến chơi thế này thật là quý hóa.

Tôi im lặng sẽ gật đầu. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi như thôi miên, hai mắt sáng ngời, tình tứ, như ướt lệ, long lanh. Tôi cảm thấy thực yếu đuối. Tôi sắp bị sa ngã. Tôi chắc tôi sẽ bị khuất phục trước sức quyến rủ của một người đàn bà đẹp như chị Lụa nếu tình trạng này kéo dài. Nhưng, may quá, vừa lúc ấy có tiếng người gọi bên ngoài. Chị Lụa như thức tỉnh, bước ra mở cửa. Thì ra em tôi đến tìm tôi về ăn cơm. Nhờ vậy tôi đã không bị mắc vào vòng tội lỗi.

Từ hôm đó, tôi tin chắc lời đồn đại không sai. Anh Nhu đã bị ám sát, và người chủ mưu chính là ông lang Phục. Nhưng chứng cớ đâu mà buộc tội được ai? Sự thực rõ ràng là anh Nhu đã bị rắn độc mổ chết, vì liều thuốc trị nọc đã vô hiệu có chúng tôi chứng kiến. Còn chị Lụa có đồng lõa trong âm mưu đen tối này không? Không ai dám cả quyết. Nhưng riêng tôi thấy chị Lụa chỉ là một người đàn bà trắc nết, trẻ đẹp, dâm dục, thích mới lạ, thích tiền. Vậy thôi.

Thời gian vẫn trôi qua nhanh chóng. Vừa mãn tang anh Nhu vào dịp Tết, chúng tôi về thăm nhà lần này lại được nghe một tin động trời, khó hiểu: ông lang Phục và chị Lụa đã cùng chết trong một đêm hoan lạc. Hai người nằm sùi bọt mép, mắt trợn ngược, người tím bầm, vì ngộ độc. Có kẻ nói hai người đã dùng rượu rắn cho khỏe nên đã bị trúng nọc. Nhưng có người xấu miệng hơn lại nói chị Lục có thể bị trúng độc thực đấy, chứ ông lang Phục thì chắc đã chết vì chứng thượng mã phong.

Tôi nghĩ đây có thể là chuyện oan oan tương báo, hay là, biết đâu, lại không phải là chuyện rắn báo thù?

Hà Bỉnh Trung

Tưởng Niệm Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung

Nhân Ngày Giỗ Thứ Năm  (24/4/2012 - 24/4/2017)

 

TIỂU SỬ TÓM LƯỢC VỀ NHÀ THƠ, NHÀ VĂN HÀ BỈNH TRUNG

                             
                                                      
1/ Họ và tên: Hà Bỉnh Trung 
    Ngày tháng năm sinh: 15 tháng 9 năm 1922
    Các bút hiệu: Hà Bỉnh Trung, Hoa Nguyên, Hồng Bảo.

2/ Học vấn, nghề nghiệp và hội đoàn:

Dạy học: Anh văn và Pháp văn

Quân đội: Sĩ Quan trừ bị, Nha Báo Chí Phủ Quốc Trưởng và Phủ Tổng Thống VNCH.

Văn học: Viết văn, làm thơ, viết kịch thơ, làm việc tại vài tòa soạn nhật báo, tạp chí.
- Hội Nhà Văn Việt Nam (Société des Hommes de Lettres, Saigon 1963)
- Hội viên Văn Bút Việt Nam: P.E.N.Vietnam (Saigon, 1964)
- Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ (2 nhiệm kỳ 1997-99 và 2001-2003)
- Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (2001-2007)

- Hội trưởng Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn (2 nhiệm kỳ 2003-2005 và 2005-2007)
- Cố Vấn Sáng Lập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới

3/ Các tác phẩm đã xuất bản:

a- Truyện dài:  
- Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình (1952, Hà Nội)
- Những Ngả Đường (1972, Saigon)
- Chỉ Hồng (1998, Hoa Kỳ)
- Dốc Nửa Chừng (1998, Hoa Kỳ)
- Thuở Trời Đất Nổi Cơn Gió Bụi (Truyện Dài, 2004, Hoa Kỳ)

b- Truyện Ngắn:
- Theo Nhịp Dòng Đời (1993, Hoa Kỳ)
- Rừng Thiêng (1994, Hoa Kỳ)
- Hồn Thu Thảo (Dã Sử, 1998, Hoa Kỳ)
- Hoa Đào Năm Ngoái (2000, Hoa Kỳ)
- Hình Ảnh Cũ (2004, Hoa Kỳ)

c- Thơ:
- Khói Lửa (1987, Hoa Kỳ)
- Yêu Mãi Ngàn Năm (1991, Hoa Kỳ) 
- Dấu Chân Viễn Khách (1995, Hoa Kỳ)
- Cánh Thời Gian (1997, Hoa Kỳ)
- Ngàn Dặm Thương Yêu (1999, Hoa Kỳ)
- Vẫn Mãi Yêu Em (2000, Hoa Kỳ)
- Thuyền Trăng (2001, Hoa Kỳ)
- Một Ánh Sao Băng (2004, Hoa Kỳ)
- Thuở Ấy Yêu Nhau (2007, Hoa Kỳ)
- Tâm Sự (2007, Hoa Kỳ).

d- Kịch Thơ: - Kịch Thơ (1994, Hoa Kỳ)

e- Thơ Dịch:  
- Hoa Thơm (Pháp Việt đối chiếu, 1952, Hà Nội)
- Anh Hoa (Anh Việt đối chiếu, 1967, Saigon; tái bản 2005, VA, Hoa Kỳ)
- Thơ Lý Bạch (Thơ dịch Hán Việt đối chiếu, 2005, Hoa Kỳ)

f- Thơ Anh Ngữ: - Mars & Venus (2001, Hoa Kỳ).

4/ Các tác phẩm sau này:
- Fleurs d’Automne (Thơ Pháp Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- In Harmony (Thơ Anh Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- Nhạc Thơ Giao Cảm (2008, Hoa Kỳ).
- Tập Thơ phổ Nhạc (2008, Hoa Kỳ)
- Chuyến Bay Đêm (Truyện Ngắn)
- Những Nàng Thơ (Thơ, Tập 11)
- Tình Yêu Cuối Đời (Thơ, Tập 12)
- Văn Học Bốn Phương (Tạp Văn)
- Hồi Ký Văn Nghệ.
- Ngôn Ngữ VN. Từ Điển và Mẹo phân biệt dấu Hỏi Ngã.

5/ Các thành tích văn học hay các giải thưởng:
Tác Phẩm Anh Hoa (Thơ dịch Anh Việt đối chiếu) đoạt Giải Thưởng Văn Học, Bộ Môn Dịch Thuật, năm 1965 của Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa tại Saigon.

6/ Đã cộng tác với các báo:
Tại Hà Nội: Ngày Mai, Chính Đạo, Thời Luận, Quê Hương.
Tại Đà Lạt: Đà Lạt Tiến.
Tại Sài Gòn: Ánh Sáng, Chỉ Đạo, Thời Luận, Tự Do, Thi Văn Tao Đàn, Phụng Sự (QĐ), Tiền Tuyến (QĐ).
Tại Hoa Kỳ: Diễn Đàn Tự Do (VA), Hoa Thịnh Đốn (VA), Đời Nay (VA), Văn Nghệ (VA), Tiểu Thuyết Nguyệt San (VA), Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm (VA), Nguyệt San Văn Phong (VA), Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới (VA)

(Nhà Văn Phạm Văn Tuấn biên soạn)

 

TƯỞNG NIỆM VĂN THI SĨ HÀ BỈNH TRUNG

Kính thưa toàn thể quý vị,

Để tưởng niệm đến văn thi sĩ HÀ BỈNH TRUNG tất nhiên là chúng ta phải đề cập tới những tác phẩm của Cụ. Đây là một kho tàng rất đồ sộ. Tất cả gồm 5 tập Truyện dài, 6 tập Truyện ngắn. 12 tập Thơ sáng tác. 3 tập Thơ dịch từ tiếng Anh, Pháp, Hoa sang tiếng Việt và 2 tập thơ sáng tác bằng Anh ngữ.

Truyện dài và truyện ngắn nói chung đều mang một triết lý nhân sinh. Truyện khi thì ghi lại các biến động về chiến tranh, khi thì mô tả tình yêu đôi lứa, gia đình, lúc thì nói về quân đội, quê hương v.v… Truyện cũng bàn về luân lý và các truyền thống văn hóa cao đẹp của thời xưa cũ, đôi khi so sánh với cuộc sống tha hương hiện tại. Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không thể trình bày chi tiết hơn cho nên chỉ xin nói về thơ.

Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung gồm hầu như đủ mọi “thể loại thơ”. Tổng cộng có lẽ cả hơn ngàn bài. Không kể những bài đăng rải rác trên các báo chí và các bài chưa được xuất bản. Người ta thường xưng tụng thi sĩ là “Nhà thơ của tình yêu.” Cũng như buổi tưởng niệm hôm nay được đặt tên là “Yêu mãi ngàn năm”. Có lẽ cũng không sai. Thi sĩ từng viết:

“Yêu đến bao giờ mới hết yêu?
Ngàn năm? nào đã được bao nhiêu?
Ngàn năm chưa đủ cho dòng máu
Chảy khắp con tim suốt mọi chiều!"…

Nổi bật là Tình yêu nam nữ:

Tình Yêu khởi đầu từ tuổi học trò.
“Hai mươi, rạo rực khi đi học,
Thấy áo em bay phía cuối đường,
Nán bước chờ em, lòng hớn hở
Để cùng trao ánh mắt yêu đương”

Với tâm hồn lãng mạn tình yêu kéo dài tới hồi trai trẻ:

"Người nằm xa lạ trong mơ
Tỏa thơm mùi tóc vàng tơ gối đầu.
Môi nào tìm lại môi nhau,
Sáng ra tỉnh giấc còn đâu dáng hồng"…

Tất nhiên sẽ có men rượu, có khói thuốc, có cả lời ca, tiếng nhạc…:

“Em mời ta chén rượu cay
Để thương nhớ mãi đêm này gặp nhau.
Môi mềm nhắp chén tê đau
Mắt đen trĩu nặng ý sầu từ ly.”…   

Có chia ly nơi bến thuyền, ga vắng, phi trường:

“Tàu đi, ga vắng một người,
Mây trôi lãng đãng chân trời nhớ nhung”…                

Có hôn nhân đôi lứa kết thúc cuộc tình đẹp:

“Ngày mai, anh đón em, em nhé!
Lộng lẫy xe hoa kết pháo hồng”…

Tình yêu kéo dài cho đến tuổi già:

“Khi yêu, yêu đến bạc đầu,
Thời gian không hẹn phai màu tóc xanh”…

Thật ra Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung không chỉ giới hạn trong vòng lãng mạng nam nữ thường tình mà còn trải rộng ra nhiều lãnh vực cao cả hơn.

Chúng ta được đọc những lời thơ nói lên Tình yêu trong gia đình:

Thi sĩ từng bày tỏ lòng kính yêu với Song Thân mình:

“Thương cha mẹ đã qua đời
Lại thương ngàn dặm xa vời nước non”…

Lòng yêu thương Con Cháu:

“Con mở mắt chào đời. Thương biết mấy!
Ngọc lưu ly màu tinh khiết trắng ngần.
Trán con sáng như khoảng trời nắng dậy
Một màu xanh không gợn chút phù vân”…

Lòng thương tưởng người Vợ hiền đã xa lìa cõi tục 8 năm trước đó:

“Tôi, một bóng sống cô đơn
Sáng, chờ đợi ánh bình minh tha thiết
Trưa, chán ngán nắng vàng tăng lửa nhiệt
Chiều lặng buồn, ra tiễn bóng hoàng hôn”…

Thi sĩ còn bộc lộ  Tình yêu đối với đồng bào:

Thương sót đồng bào ruột thịt trong Nạn đói năm 1945 thi sĩ viết:

“Suối mồ hôi tràn mặt
Mắt sâu trũng niềm đau
Thân khô như bó củi
Nâng đỡ bộ xương đầu”…

Sót thương nạn nhân Chiến tranh thi sĩ viết:

 “Vợ gánh đôi con dại,
Chồng quẩy gạo, nồi niêu,
Bỏ ruộng không, nhà trống,
Như một vùng hoang liêu”…

Và lời thơ thương cảm đời Nông dân cực khổ:

“Thương thay số phận dân lành,
Rẻ hơn cỏ rác, ai đành làm ngơ?”…

Đã từng khoác chiến y, thi sĩ bộc lộ Tình yêu đồng đội khi viết những lời thơ ai điếu:

“…Thu qua, lá đổ vàng rơi
Anh đi một giấc ngủ vùi ngàn thu!”…
…Có hai người bạn ngồi canh xác
Đêm lạnh gai người lúc nửa khuya!"”…

Tất nhiên trong thơ còn có Tình yêu quý tự do. Khi viếng tượng Nữ Thần Tự Do thi sĩ viết:

“Quê ta ngập lửa chiến tranh
Nông thôn nghèo khó, thị thành tham ô.
Xin em một chút tự do,
Gửi thương gửi nhớ về cho quê nhà.”…

Có ước vọng Yêu thương hòa bình:

“Bao giờ đất nước thanh bình lại,
Chim hót, hoa ngàn nở thắm tươi?
Bao giờ cây lại thu thành trái,
Làng mạc vang vang rộn tiếng cười?”…                                                                                     

Tràn trể tình Yêu đất nước, quê hương:

“…Hôm nay trông cảnh xứ người,
Lòng dưng dưng thấy ngậm ngùi nhớ quê,”…                                            

“…Quê hương xa cách nghìn trùng
Càng xa càng thấy vô cùng nhớ thương”…

Để rồi ước mơ quê hương tươi sáng, khắp nơi phô sắc ngọn cờ vàng:

“Nhớ thuở đầu xanh vượt núi rừng
Lòng trai mơ một giấc mơ chung
Gươm mài bóng nguyệt, nghe hồn nước
Vàng ánh cờ bay đẹp núi sông.”…

Và cũng như các thi sĩ khác ai nấy đều Yêu thiên nhiên với phong cảnh hữu tình gợi ý thơ:

“Sương thu ướt lạnh trăng thanh
Chiến y nặng trĩu màu xanh lá rừng.
Người đi, chân bước ngập ngừng
Núi cao chất ngất lưng chừng sương sa”…

Nói tóm lại, Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung đã không chỉ đề cập tới Tình Yêu nam nữ đơn thuần mà còn phô ra những tình cảm da diết chân thành đối với Gia đình, Đồng bào, Đồng đội, đề cao Tự do, ước vọng Hòa bình và lòng yêu Quê hương, Tổ quốc. Lời thơ chau chuốt, điêu luyện. Ý thơ trong sáng. Cụ Hà Bỉnh Trung suốt cả một cuộc đời cầm bút, miệt mài, chân thành, chúng tôi không dám nói Vườn Văn Thơ của Cụ Hà là một cõi Thiên Thai. Nhưng có một điều chắc chắn đó là một nơi đầy kỳ hoa dị thảo và sẽ được đón nhận nồng nhiệt vì đáp ứng đúng nhịp đập con tim của người đọc. Chẳng thế mà thơ của Cụ đã được 16 nhạc sĩ tâm đắc phổ nhạc. Chúng tôi thiết nghĩ nhà văn, nhà thơ Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.

Kính thưa toàn thể quý vị,
Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc nhở tới những giòng thơ đầy ắp Đạo Vị của thi sĩ Hà Bỉnh Trung. Thi sĩ đã cảm nhận đươc rằng sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên tác hợp, không có gì là có tự thể, thường hằng nên cuộc sống con người chỉ là tạm bợ. Thi sĩ viết:

“Dù bạo chúa một ngày nào cũng chết
Ai trường sinh? Ai bất tử bao giờ?”…                                          

Trong ánh Đạo vàng rực rỡ giải thoát, thi sĩ chiêm nghiệm ra cái "sắc sắc, không không" của nhà Phật:

“…Con người là của sắc không
Đảo điên giữa chốn bụi hồng chơi vơi”…                                                          …“Đế-cung, vương điện tan tành,
Sắc không còn lại bức thành nằm trơ!”…

Trong bài “Kinh Nguyện Cầu” tưởng niệm hiền thê đã khuất núi 8 năm trước đó, thi sĩ viết:

 “Kinh cầu nguyện vang vang từ bốn cõi
Tiễn người đi về đất Phật Đại Từ
Tôi lặng lẽ cúi đầu nghe tiếng nói
Những điều hay, lẽ phải của Thiền Sư”…

Cụ Hà Bỉnh Trung đã quy y Tam Bảo với Pháp Danh “Nguyên Chí”. Vì lẽ đó để chấm dứt bài tưởng niệm này tôi xin dâng lời Cầu Nguyện cho Phật Tử NGUYÊN CHÍ HÀ BỈNH TRUNG, sau khi đã nhẹ nhàng thanh thản lìa bỏ xác tục trong có một hai ngày, Người lại sẽ thong dong tự tại ra đi vào cõi tịnh, sẽ vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

NGÔ TẰNG GIAO

(Bài đọc ở Lễ Tưởng Niệm văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung,
April 29. 2012, Virginia, USA)

 

VĂN THI HỮU VIẾT VỀ HÀ BỈNH TRUNG

     Nhận định về các hoạt động văn học và các tác phẩm Văn cũng như Thơ của cố văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhiều cây viết thân hữu của ông đã lên tiếng trong thời gian qua và được lần lượt ghi lại trong cuốn HÀ BỈNH TRUNG TUYỂN TẬP do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn xuất bản vào năm 2013 được trích dẫn như sau đây.

     Mở đầu tuyển tập luật sư NGÔ TẰNG GIAO cho rằng: “Thi sĩ Hà Bỉnh Trung thường được giới văn thơ mệnh danh là thi sĩ của tình yêu. Quả thật đúng vậy vì tình yêu trong thơ ông lúc nào cũng ‘chất ngất lên ngôi’ và trải rộng bao la trong nhiều lãnh vực. Thơ diễn tả đủ mọi trạng thái, mọi khía cạnh đời sống, cũng như mọi ý nghĩ, rung cảm sát với tình người.”… “Với một số lượng tác phẩm đồ sộ gồm cả Văn lẫn Thơ hoàn tất trong suốt cả một đời cầm bút miệt mài và chân thành chúng tôi thiết nghĩ cây bút Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.”

     Tiếp theo là biên khảo gia giáo sư PHẠM VĂN TUẤN phát biểu: “Tác giả Hà Bỉnh Trung là một nhà văn đã may mắn sống và làm nhân chứng trước các biến đổi thời cuộc trong hai thế kỷ, từ thời cực hữu phong kiến và quân chủ, qua thời cực tả cộng sản, và cũng là người được đào tạo theo căn bản quốc học cổ điển với nền triết lý đông phương, trải qua con đường đạo đức của một gia đình lớn, nho học và khoa bảng, hấp thụ nền tân học tây phương với nhiều năm sinh sống tại thủ đô Paris của nước Pháp. Cho nên những gì nhà văn Hà Bỉnh Trung viết ra, thường là những diễn tả các cảnh vật cũ, phong tục xưa mà tác giả cho là đẹp, là mang dấu ấn thời gian, mang màu sắc Phật Lão, Khổng Mạnh, lại lồng vào bên trong vài ý nghĩ phóng khoáng của phương tây.”… “Không kể tài năng về văn chương, bác Hà Bỉnh Trung còn là một văn nhân rất trầm tính, ôn hòa với mọi người, chỉ nói tốt cho người khác, đã giúp đỡ nhiều người mà không hề kể công, vì vậy tôi đã gọi Bác Hà Bỉnh Trung là ‘Người Quân Tử Cuối Cùng’, bởi vì vào thời gian này, rất khó mà kiếm ra được một ‘nhân vật’ tiếp theo.”

     Nhà văn nhà báo UYÊN THAO kế tiếp đó nói: “Thế giới văn chương Hà Bỉnh Trung là những cảnh đời của mọi thời đại, của con người dưới tác động thời gian và các biến cố lúc nào cũng có thể xảy ra, trong khi các nhân vật không dừng lại ở cảnh đời đang gặp mà tiếp tục sống với nỗ lực vươn tới”… “Hà Bỉnh Trung dấn bước vào những cảnh đời khó khăn để nhận diện nhiều trạng thái tâm tư, đồng thời để tìm câu trả lời chuẩn xác cho nỗi mong mỏi xây dựng một tương lai không còn sóng gió. Câu trả lời mà Hà Bỉnh Trung muốn đưa lại đã tạo nên màu sắc đặc thù cho nhân vật văn chương của ông…”

     Nhà thơ NHẤT TUẤN nhận định riêng về tập thơ “Khói Lửa”: “…điều đặc biệt mà tôi tìm thấy ở Hà Bỉnh Trung là thơ ông tràn đầy Tình Nhân Loại với tất cả sự rung động xót xa tột cùng của một trái tim thi sĩ mỗi khi ông đề cập đến đời sống hiền hòa của người vô tội, và Tình Yêu Của Tuổi Trẻ, những người đã bị mất mát và thiệt thòi quá nhiều trong cuộc chiến bao năm qua tại quê nhà và hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.”

     Cây viết LÊ VIẾT TRÂN, một chiến hữu, giới thiệu Hà Bỉnh Trung như một “người thơ võ bị” qua thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm”: “Về những nơi chốn mà tác giả đã đặt chân tới, thì trong suốt tập thơ, tác giả đã chứng tỏ cho người đọc là thơ đã được viết khắp cùng thiên hạ, từ trong đất nước Việt Nam đến những địa danh trên thế giới, trong cuộc hành trình của đời quân ngũ của ông. Ở đâu ông dừng chân là ở đó có thơ, đặc biệt là thơ yêu.”… “Một niên trưởng sau những quá khứ chiến chinh ngày xưa, giờ đây ngồi ôn lại những quãng đời yêu đương thơ mộng của mình để giãi bày những tâm sự chứa chan lãng mạn của một người chiến sĩ về hưu, dành lại những hăng hái ngày xưa cho thế hệ mai sau.”   

     Tiếp đó Giáo sư NGUYỄN NGỌC BÍCH khi đề cập tới thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm” cũng nói: “…ta có thể khẳng định mà không sợ nhầm lắm rằng thơ Hà Bỉnh Trung nằm trong ‘vũ trụ thơ tiền chiến’. Nhưng có lẽ vì anh may mắn nên ta ít thấy thơ của anh dày vò chung quanh những nét ‘ghen, hờn, giận’ mấy! Có lẽ nhờ vậy mà đọc thơ anh, ta không có cảm tưởng ‘ngộp thở u uất’ hay gặp một ‘loại tháp ngà lạnh buốt’ như chữ của Mai Thảo. Ta thấy nhẹ nhõm hơn vì có lẽ tình của anh, những mối tình của anh, đơn sơ hơn, bình dị hơn, không hề quằn quại, đau thương mấy.”… “Cũng giống thơ Xuân Diệu phần nào, thơ tình Hà Bỉnh Trung cũng có chất nhục tính, chất ‘sensualité’ - một khám phá lớn của thơ tình Việt Nam ở thế kỷ 20, một tính cách gần như không có trong thơ tình Việt Nam của những thế kỷ trước”… “Mặc dầu anh có, anh nhận được ra cái nhiệt tình, cái nồng độ của tình yêu trai gái, anh vẫn không dám - ít nhất trong thơ anh - đi xa hơn cái lễ nghi cho phép.”

     Nhà văn SƠN TÙNG khi đề cập tới thi phẩm “Yêu Mãi Ngàn Năm” thời cho rằng: “Có lẽ ‘tình yêu làm cho con người trẻ lâu’ thật nên nhà thơ Hà Bỉnh Trung năm nay đã 70 tuổi, mái tóc bạc trắng như tơ, nhưng dáng dấp vẫn như một người trung niên, và lái xe thể thao sang số tay.”... “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung đã làm thơ tình nửa thế kỷ trước đây, nay vẫn còn làm thơ tình và xuất bản thơ tình.”... “Tập thơ ‘Yêu Mãi Ngàn Năm’ cùa Hà Bỉnh Trung cũng chứng minh rằng trái tim thi nhân không bị già cỗi và chết ngộp trong sức ép của đời sống tôn thờ vật chất.”

     Chủ nhiệm nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là nhà văn LÊ THỊ NHỊ đưa ra những nhận xét: “Trong lúc sinh hoạt với nhà thơ Hà Bỉnh Trung, tôi nhận thấy ở ông có nhiều đức tính mà tôi rất khâm phục. Ông là một người lạc quan, hòa nhã, không bao giờ biết hờn giận ai, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác, dù người đó chỉ ở hàng con cháu của ông”... “Có thể nói, nhà thơ Hà Bỉnh Trung là một người rất có lòng với văn chương chữ nghĩa và các sinh hoạt của cộng đồng. Ông không chỉ nói suông, mà ông đã thể hiện tấm lòng đó bằng những hành động cụ thể. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung viết và làm thơ không ngừng nghỉ! Ông khuyến khích những người mới viết và coi mọi người như bạn.”… “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung cũng có cái may mắn là những việc ông làm, ông được sự yểm trợ đắc lực của hiền thê và các con của ông.”

     Nhà văn LÊ MỘNG HOÀNG cũng bộc lộ tình cảm mình và góp ý: “Tin bác từ trần như một cơn bão dữ thổi qua khu vườn Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật, ban biên tập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, đặc san Cỏ Thơm, và trong cộng đồng Việt Nam đặc biệt là các cụ Hội Cao Niên đã từng sinh hoạt với bác 4 năm liên tục lúc bác giữ chức vụ Hội Trưởng Hội Cao Niên.”… “Suốt mấy năm sinh hoạt với các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hà Bỉnh Trung, con chưa lần nào nghe bác to tiếng hoặc chỉ trích phê bình ai, lúc nào bác cũng từ tốn, nhỏ nhẹ, hoà nhã.”

     Nhà văn nhà thơ HỒNG THỦY nhận định: “Tuy bác lớn tuổi nhưng bác rất khoẻ, lưng vẫn thẳng băng, bước đi nhanh nhẹn. Dáng dấp hào hoa và quần áo lúc nào cũng đẹp đẽ chải chuốt. Tính tình bác rất trẻ trung, bác luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người”... “Tôi rất cảm phục bác vì tính bác rất rộng lượng, không hay chấp nhất. Bác luôn cho đám hậu sinh chúng tôi những lời khen thưởng khuyến khích, ít khi bác chê bai hay làm mất long ai”... “Bác là người thơ có trái tim trẻ mãi không già”... “Tình yêu thơ văn của bác gắn liền với tình yêu quê hương Việt Nam. Bác luôn luôn muốn bảo tồn văn hóa Việt. Bác đã thành lập Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn và sau đó có sáng kiến thành lập Nhà Việt Nam để làm trung tâm sinh hoạt cho người Việt Quốc gia ở vùng Thủ đô Hoa Kỳ.”

     Chủ bút nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là LINH VANG tâm sự: “Bác quý mến người cầm bút, không phân biệt già trẻ, bác ăn ở hiền hậu đúng là văn nhân thi sĩ chính hiệu. Bác đứng ra ngoài mọi phe nhóm dùng chữ nghĩa đánh phá nhau. Bác hay nói với tôi, đã bảo văn thơ là thú vui tao nhã, ai lại dùng để chửi nhau. Tôi chịu ảnh hưởng văn thơ của bác nên văn chương chữ nghĩa của tôi cũng rất hiền, hiền kiểu Đôi bạn, Hồn Bướm Mơ Tiên”... “Điều làm tôi cảm động và kính mến bác nhất là bác luôn luôn đối xử với tôi như là một bạn văn, dù tôi kém tuổi hơn bác rất nhiều, dù sự nghiệp viết lách của tôi cũng còn non trẻ, thua bác xa lắc.”

     Cuối cùng là nhà thơ ĐĂNG NGUYÊN (nay là Chủ Tịch Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ) nói: “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung rất yêu đời. Cụ có cuộc sống giản dị, thanh thản, hài hòa với mọi người, nên được nhiều người yêu mến”... “Cụ nhìn đời khá lạc quan”... “Giữa mùa Xuân hải ngoại, nhiều người nhìn đời u ám, nhìn mùa Xuân bi thương, nhìn tình yêu đầy trắc trở, bội bạc, thì cụ Hà với tuổi bát tuần vẫn yêu Xuân, yêu đời, yêu người tha thiết như tuổi đôi mươi”... “Hình ảnh Cố Chủ Tịch Hà Bỉnh Trung vẫn còn mãi mãi trong lòng hội viên Hội Cao Niên và các thi văn hữu trong vùng Hoa Thịnh Đốn.”

     Hai người cháu ruột cao niên của văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung cũng góp mặt trong cuối phần 1 Tuyển Tập. Nhà thơ ĐỖ LANG (Đỗ Hữu Tước) ghi mấy vần thơ nhân kỷ niệm sinh hoạt 60 năm của chú mình:

     ...“Thi tứ mượt mà tình với lụy

         Văn chương chải chuốt mộng cùng mơ

         Da mồi nhưng trí còn minh mẫn

         Tóc bạc mà lòng vẫn ngẩn ngơ”...

     Nhà văn ĐIỀN HƯƠNG (Đỗ Tài Trường) khi nhớ về những kỷ niệm với cậu ruột thân yêu của mình đã phát biểu: “Ở tuổi cửu tuần tuy chưa tới bách tuế nhưng nếu người còn ở lại tôi tin rằng sẽ còn nhiều thơ sáng tác có giá trị thêm nữa, nhưng dù sao cũng tự an ủi là cậu đã ra đi rất nhẹ nhàng không hề vướng bận cho con cháu và người thân.”... “...tưởng nhớ người cậu hiền hòa kiến thức rộng rãi, ôn tồn với mọi người, một con người nhân hậu đáng trân quý không còn trên thế gian.”

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, tháng 4 năm 2014)

 

THƠ HÀ BỈNH TRUNG

FAREWELL, MY LOVE!

To My Beloved Departed Wife

 

You’ve gone! The sky is dark and dreary

You’ve really gone! The snow is all over.

The wet wind’s weeping for a grey winter

Is it really weeping or taking pity on me?

 

Where are you going from your deathbed

And leaving me in deep sorrow

Life’s still intact, though winter is dead,

The sky is quite high, and the earth’s quite low.

 

My eyes are dried ‘cause my tears ran dry

Since I spend time to weep.

Although in life there are changes and a good cry

Permanent our love is still deep.

 

Why were they so fleeting the days we were lovers?

You leaned on my shoulder and read poetry.

We, on the beach, were counting over and over

Waves, clouds, stars, and even trees.

 

Time’s gone by, our love followed its way

For two centuries (*) without being distorted.

I know that our love will remain always

Noble and long although life is short.

 

You’ve really gone with a smile of bliss.

I’m weeping when looking at you.

Farewell, my love! Have a parting kiss

Go, go your way! Make your life anew.

 

February 3, 2004

 

(*) From 1944 (Twentieth Century)

to 2004 (Twenty-first Century)

Ha Binh Trung

VĨNH BIỆT, TÌNH ANH!

 Tặng Hiền Thê Đã Qua Đời

 

Em đi! Sầu thảm đất trời

Em đi, đi thật! Tuyết rơi khắp vùng

Gió mưa than vãn lạnh lùng

Khóc Đông u ám hay thương thân này?

 

Em đi về chốn nào đây

Để anh buồn tủi dâng đầy tim côi

Đông tàn, đời vẫn lặng trôi

Trời cao, cao vút, đất thời thẳm sâu.

 

Mắt anh khô cạn dòng châu

Sau bao ngày nhỏ lệ sầu chứa chan

Dù đời xáo trộn, khóc than

Tình ta vẫn mãi vô vàn thiết tha.

 

Ngày âu yếm sao sớm qua?

Đọc thơ, em khẽ dựa bờ vai anh.

Mình từng trên biển đếm quanh

Mây trôi, sao lạc, sóng xanh, cây ngàn.

 

Tình ta theo với thời gian

Qua hai thế kỷ (*) vẹn toàn yêu thương

Luôn cao quý, mãi ngát hương

Đời dù ngắn ngủi, tình trường không phai.

 

Em đi! Thanh thản nụ cười

Nhìn em anh ứa lệ nơi mắt buồn

Vĩnh biệt Em! Gửi nụ hôn

Em qua đời mới. Linh hồn thảnh thơi!

 

Tháng Hai 3, 2004

 

(*) Từ 1944 (Thế Kỷ Hai Mươi)

tới 2004 (Thế Kỷ Hai Mươi Mốt)

Ngô Tằng Giao

chuyển ngữ

 

Trầm Luân

Nguyễn Hiền

Dằng dai đến tháng thứ sáu thì vợ chồng Thuận đã mất kiên nhẫn và cùng đi đến quyết định là phải chỉnh đốn lại bàn thờ. Chỉnh đốn hiểu theo nghĩa của hai vợ chồng là thay pho tượng Phật trên bàn thờ bằng một pho tượng khác hợp thời trang hơn. Chỉ khổ cho pho tượng, nếu gỗ đá cũng có linh hồn thì hẳn nó cũng đang lo cho số phận mình, chẳng biết sẽ đi về đâu.

Nếu nói là cả hai cùng đi đến quyết định thì cũng không đúng lắm. Thực ra là vợ Thuận quyết định, như đã từng quyết định những chuyện quan trọng hàng ngày. Thuận chỉ có một việc là chiều theo. Quyết định quan trọng độc nhất trong đời Thuận có lẽ là quyết định lấy Diễm làm vợ. Ðây có lẽ cũng là quyết định quan trọng cuối cùng, bởi theo như miệng lưỡi người đời là vợ con chỉ làm hèn đi chí nam nhi. Có lẽ cũng vì cớ ấy, cho đến bây giờ, mọi chuyện trong nhà nhất nhất đều trông cậy vào hai tay và một miệng Diễm.

Nói đúng ra, việc ‘chỉnh đốn’ lại bàn thờ không phải hoàn toàn không có ý kiến của Thuận. Thực ra anh cũng thấy có cái gì đó không ổn, không hài hòa ở đám đồ vật chung quanh anh, theo ngày tháng, đã dần trở thành thân quen. Hôm đám cưới, dì Ba của Diễm mang từ trong nước ra cho hai người một pho tượng Phật làm quà. Pho tượng là nguyên một khối gỗ nâu sậm, được thợ khéo ra công chuốt, đánh bằng lá mít đến nhẵn bóng (dì bảo vậy), lại còn đính thêm một vòng hào quang có những bóng điện tí hon vàng và đỏ thay phiên nhau chớp tắt. ‘Ðồ này hiện đang mốt ở Việt Nam đó, dì cho hai cháu để bàn thờ, chưng vừa đẹp, vừa có Phật phù hộ hai cháu làm ăn phát đạt. Dì đã lên chùa thỉnh thầy Trí Huệ xin Phật gia ân rồi, tượng bán ngoài chợ có khi ma quỉ ám vô không tốt đâu cháu.’ Có lẽ Phật phù hộ hai vợ chồng mới cưới thực, nên chỉ vài tháng sau Thuận đã xin được chỗ làm tốt hơn. Diễm cũng ra được cửa hàng bán đồ ăn dặm. Hai vợ chồng tậu xe, mua nhà, chỉ trong vòng bốn năm nhìn lại đã thấy bạn bè mình ở tuốt dưới xa ngước lên thèm thuồng.

*

Nhưng cũng chính vì vậy mà mới đâm ra cớ sự. Một tối, sau khi đã bật nhang và đèn cầy điện trên bàn thờ, đặt lên đó một dĩa trái cây mới mua ngoài chợ theo thói quen, Diễm bỗng buột miệng:

‘Anh à! Mình để hoài bức tượng đó coi quê quá đi.’

Khi người ta buột miệng nói một điều gì, thì điều ấy luôn từ tiềm thức trồi lên, không gạn lọc, không sửa chữa. Nhưng vì vậy, thường làm người khác mích lòng.

Thuận cũng không thoát khỏi những qui luật trần tục như thế. Anh đỏ mặt nạt ngang:

‘Bậy nào! Tượng để bàn thờ đâu có phải muốn thay là thay như thay áo được đâu.’

‘Hôm qua con Hồng nó sang đây chơi, nó nói với em: trong nhà mày cái gì cũng xịn, chỉ có cái bàn thờ là đồ mã.’

‘Em mà nghe nó có ngày bán lúa giống mà ăn. Con quỉ ấy lúc nào cũng muốn kê mỏ vô chuyện người khác.’

‘Thì em đã nói với nó là thời này ai cũng chơi nhang điện, đèn cầy điện hết. Bên nhà con Bé Tư chồng nó còn mua thêm cái timer có vô chương trình sẵn, tới mồng một và rằm là tự động bật đúng từ sáu giờ sáng đến chín giờ khuya, em thấy nó cũng tiện. Hay là mình mua một cái để khỏi mất công coi ngày…’

‘Anh thì anh để nhang đèn tối ngày sáng đêm hoài, khỏi mất công tắt.’

‘Ðể như vậy nó giống nhà Tàu lắm. Mà coi nó u ám làm sao ấy. Nhưng thôi. Con Hồng nó nói với em là mày có cái nhà đẹp, đồ chưng toàn thứ xịn, chỉ có cái bàn Phật chớp đèn xanh đỏ là không giống ai.’

Cũng bằng chừng đó ý, nhưng lời nói được thêm mắm dặm muối đã trôi được một nửa. Thuận buông xuôi:

‘Vậy em tính làm sao?’

‘Em đã nói với con Hồng thấy có tiệm nào bán tượng lớn mà đẹp thì kêu mình đi coi. Không chừng để hè này mình về nhờ dì Ba dỉ coi mua giùm cho mình, bằng không mình ghé Hồng Kông hay Ðài Loan gì đó mua một cái. Tượng Phật mà mua tận gốc chắc chắn phải đẹp hơn đồ nhái lại anh há.’…

*

Thế là một ngày kia, sau khi bức tượng Phật mới đã được thỉnh lên bàn thờ cùng một bữa cỗ chay mời bạn bè, vợ chồng Thuận và Diễm trịnh trọng mang bức tượng có phần số hẩm hiu đến gặp thầy trụ trì ngôi chùa hai người thỉnh thoảng vẫn đến thăm vào những ngày rằm chính.

Diễm bàn với chồng:

‘Ðể lần này em cúng trước một trăm đồng thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, đầu xuôi rồi thì đuôi lọt được ngay.’

Thuận tiếp bằng bản nhạc ruột:

‘Ừ thì em muốn làm gì đó thì làm.’

‘Nhưng anh phải cất cái bản mặt hâm của anh đi, ra đường họ thấy họ lại nói em ăn hiếp chồng.’

‘Ừ thì em tính làm sao đó thì tính, miễn là đừng để mình phải mang cái tượng về thì không ra cái gì cả.’

Anh chàng bồi thêm một phát: ‘Sao em không xem bạn bè ai cần thì cho họ, khỏi phải mất công tính tới tính lui xem cúng một trăm hay cúng năm chục như mọi lần.’

‘Em đã hỏi mấy con bạn rồi. Nhưng đứa nào cũng có bàn thờ, không thờ Phật thì thờ Chúa. Ai mà vượt biên lọt cũng phải vội vàng lập bàn thờ tạ ơn. Còn mấy gia đình bên Tiệp mới chạy sang tị nạn thì em không biết, nhưng anh đừng có láng cháng qua bên đó, mấy đứa bạn anh họ thấy họ đồn tùm lum lên thì tiệm mình có nước dẹp.’

Vợ chồng anh tiếp tục lái xe, không nhìn lại phía sau. Trên băng nệm pho tượng nằm lăn lóc. Nếu tình cờ ngoái lại, may ra họ chỉ thấy pho tượng tủi thân chảy nước mắt. Ðọc tới đây có lẽ bạn sẽ nghĩ như vậy, nhưng từ xưa tới nay người ta chỉ thấy tượng Mẹ Maria chảy nước mắt. Bằng nước mắt, nỗi đau của con người được cất đi. Nhưng nỗi đau trần thế cũng giảm khi con người biết mang nụ cười vào đời. Pho tượng Phật tắt hào quang néon thấm tư tưởng này, đã mỉm cười ở yên trong tư thế tòa sen trên suốt khoảng đường dài, mặc cho xe dằn, bỏ ngoài tai những lời toan tính trần tục.

*

Cũng may mọi sự xảy ra dễ dàng hơn hai vợ chồng đã nghĩ. Thầy trụ trì nhìn hai vợ chồng trẻ rón rén đặt pho tượng lên bàn, nhỏ nhẹ nói:

‘Con đừng nên câu nệ tượng lớn tượng nhỏ. Phật ở trong tâm. Tượng chỉ là phương tiện, là một phần nhỏ trong Tam Bảo…’

‘Nhưng thầy nghĩ coi. Chúng con ở căn nhà rộng rinh, tượng nầy nhỏ quá để trên bàn thờ huốt trong một góc không ai thấy hết. Thầy tính coi,’ chị van nài. ‘Nếu thầy để bức tượng nhỏ chút xíu trên bàn thờ trong chánh điện thì nó chướng mắt lắm, mà người ta thấy tượng nhỏ họ lại nói tới nói lui…’

Phải nói miệng lưỡi đàn bà… Chỉ một câu từ tốn đã dồn vị tăng mười mấy năm tu luyện đến một tình thế khó xử. Hoặc giả trên con đường tu tập không có những khóa học dậy cách đối phó với những mánh khóe điên đảo ngoài đời. Thầy ngần ngừ trước một tình thế nan giải, trước một nan đề chưa ai đặt ra với thầy. Bởi vì, khi mới nghe ban trị sự bắn tin khởi công khơi mở lại cảnh chùa lớn hơn và có ngăn nắp hơn, một Phật tử mộ đạo đã khẩn khoản xin thỉnh cả một bộ ba tượng cũ của chùa, Phật Thích Ca, Quan Âm và Địa Tạng, để mang về giữ làm kỷ niệm. Ðổi lại, gia đình đó đã chịu một nửa kinh phí mua và chở bộ tượng mới, thếp kim nhũ, đặt thợ làm từ Hồng Kông, chưa kể một mâm sen Bạch Ngọc đem thả xuống hồ.

Tội nghiệp cho Thuận và Diễm. Họ chưa có gì để nổi tiếng ngoài mấy món đồ ăn vặt bán cho một dúm khách bụng bự quen ăn quà chợ. Bức tượng của họ, vì thế, giá cũng chẳng hơn được lũ tượng đất nung sờn sứt bày ngoài chợ đồ cũ bao nhiêu.

Cũng may bác Thọ, ông già lụm cụm, người giữ việc coi sóc ngôi chùa, làm những chuyện lặt vặt tình nguyện như nhổ cỏ, thổi cơm… đang ngồi tiếp nước, đã nhanh trí đỡ lời:
‘Thôi nếu hai cháu đã thỉnh tượng mới rồi thì cứ để Phật ở đây,’ bác nói một cách thành kính như sợ phạm thượng. ‘Ðể bác hỏi những người mới đến quy y, thế nào cũng có người cần.’

Vợ chồng mừng rỡ cám ơn, ríu rít dắt nhau ra về. Xe chưa khuất, thầy trụ trì đã cau mặt nhìn bác quản chùa:

‘Bác nhận như vậy rồi cất chỗ nào đây?’

Thầy đang nghĩ đến chuyện trong tương lai không khéo Phật tử khi nghe chuyện này đồn ra, họ sẽ dùng ngôi chùa làm chỗ tống khứ đồ tế tự thì thật phiền. Bác Thọ đoán được ý thầy, thưa:

‘Chuyện đó để con tính. Thầy khỏi lo. Con cất nó dưới nhà hậu, chừng có dịp tuần chay thế nào cũng có người hỏi…’

*

Tuy thế bức tượng để trong nhà kho chùa đã trải qua mấy mùa Phật Ðản, Vu Lan, rồi mấy bận rằm tháng giêng, tháng mười trôi qua không ai thăm nom đến. Cho tới một hôm, tình cờ trong câu chuyện sau buổi lễ cầu siêu, các bà từ chuyện đạo nhảy sang chuyện đời, so sánh đạo Phật với đạo Thiên Chúa. Một bà hỏi bác Thọ vì sao thầy không làm phép hôn phối như cha sở nhà thờ. Nghe bác hỏi tới, bà kể:

‘Tôi mới làm đám hỏi cho con bé nhà tôi, bên đàng trai họ tính năm tới thì rước dâu. Tôi chỉ muốn chúng nó cưới sớm chừng nào hay chừng nấy. Nếu bên Phật mà mấy thầy cũng chịu đi làm phép cưới, tụng kinh cho bọn trẻ thì nói gì nó chẳng nghe. Tôi chỉ sợ chúng nó hư, thời này mới nứt mắt chưa gì đã ngủ với nhau.’

‘Nhưng còn hơn để thằng rể tương lai của bà đi ngủ lang rồi sau này đổ bệnh cho con vợ nó,’ bà bạn ngắt lời.

Bác Thọ bỗng trực nhớ ra pho tượng Phật bỏ lăn trong hậu liêu. Ðược dịp, bác nói:

‘Trong chùa có cái tượng Phật của một Phật tử để lại cho chùa giữ. Chị có muốn thỉnh thì nói với thầy một tiếng.’

Bác dắt bà tín chủ xuống gian nhà ngang cất bên hông chùa, bên trong lỉnh kỉnh đồ làm vườn chung lộn với đồ nấu tiệc. Chiếc hộp carton được mang xuống, nét chữ bằng mực bút nỉ bên ngoài còn nguyên như mới: ‘Tượng Phật.’ Bác mở hộp, kính cẩn lấy pho tượng ra, se sẽ thổi bụi và đưa cho bà nọ:

‘Bà về lấy nước chùi lại là nó sạch bóng như mới liền. Của hai vợ chồng ông đó, nhờ có bức tượng mà họ ăn nên làm ra…’

‘Sao họ không giữ mà lại cho đi?’ bà kia ngần ngại hỏi.

‘Họ không ở đây nữa,’ bác Thọ nói, dường như vì thấy kết quả sắp tới bác đã quên cả giới thứ tư. ‘Mà thường thì khi người ta thành công rồi lại hay quên ơn người đã giúp. Ðời mà chị.’

*

Thế là pho tượng đã có chủ mới. Thùng phước sương cũng được lót thêm ít tờ bạc. Bác Thọ mừng rỡ. Chiều đó bác định làm một món gì ngon dâng thầy, nhưng cả đời bác chỉ quay trong vòng dăm bảy món: hết đậu hũ kho tương chung với cà rốt, mì căn xào măng thì tới canh trái su bắp cải. Ðồ chay khó làm tiệc hơn đồ mặn. Thế là bác đành quay lại bản cũ: một đĩa gỏi chay, một tô canh cà rốt củ cải và một ơ nhỏ dăm miếng tàu hũ chiên, kho với đu đủ xanh xắt quân cờ. Hai thầy trò im lặng ăn, mùi hương phảng phất từ chánh điện đưa xuống dẫn cả hai tâm hồn theo ngõ của ý. Bác Thọ tưởng đến nét hớn hở của bà khách khi mang bức tượng đến nhà cậu con rể tương lai, như một thứ bùa trấn yểm, để những chuyện bậy bạ ngoài ý muốn của bà sẽ không xảy ra. Còn vị đại đức. Ông đang suy tư về những hệ lụy giữa đạo và đời, hai phạm trù cần nương tựa vào nhau, không thể tách lìa. Cũng như ông và bác Thọ. Cả hai đều cần đến nhau. Không có ông, chắc bác Thọ giờ này đang quay cuồng theo những toan tính người trần. Không có bác Thọ, chắc giờ ông cũng vẫn còn tiếp tục ngồi thiền trên căn gác nhỏ, cả chuông lẫn mõ đều phải ngậm giẻ tránh làm phiền hàng xóm. Chân lý mầu nhiệm nhưng đơn giản ấy, giờ như mới thấm vào tâm của vị sư già.

Chỉ riêng pho tượng trên đường về chỗ mới vẫn nguyên vẻ hồn nhiên, nụ cười muôn thuở vẫn như dạo nào, không thay đổi, dù chỉ một nét nhỏ.

Nguyễn Hiền