Người Bắt Rắn

Hà Bỉnh Trung

Câu chuyện tôi kể sau đây đã xảy ra tại tỉnh lỵ Phúc Yên 60 năm về trước. Ðó là một tỉnh nhỏ chỉ gồm có hai phủ là Ða Phúc và Yên Lãng, và hai huyện là Ðông Anh và Kim Anh. Tỉnh lỵ cách Hà Nội 43 cây số. Sau năm 1945, nó đã được sát nhập với tỉnh Vĩnh Yên và mang tên là Vĩnh Phúc. Không lâu, chính tỉnh Vĩnh Yên sau đó lại hợp với tỉnh Phú Thọ và trở thành Vĩnh Phú. Không biết cái tỉnh lỵ Phúc Yên của tôi ngày xưa nay nằm trong ranh giới thành phố Hà Nội, hay đã thuộc về Vĩnh Phú?

     Những người thuộc thế hệ chúng tôi phần lớn đều đi học rất trễ. Người thì khai tâm bằng chữ nho hai ba năm mới vào Tiểu học Pháp Việt, người thì ở nhà giúp việc gia đình đến ngoài 10 tuổi mới cắp sách đi trường. Cho nên học trò thời ấy đa số đều lớn, 15, 16 tuổi mới học đến lớp Nhất. Thậm chí có người đã có vợ nữa.

     Nhà chúng tôi ở phố Dinh Tuần Phủ nên hôm nào đi học cũng phải qua con đường «rặng me» thẳng lên đến gần dốc nhà giây thép (tức là Bưu điện bây giờ). Con đường này chỉ ngắn độ vài trăm thước, hai bên là đồng trống và dọc lề đường có những cây me thật lớn, cành lá xum xuê mọc chùm lên nhau thành như một cái mái. Mùa hè, hoa nở đỏ rực trông rất đẹp mắt, gió từ cánh đồng lướt qua mát rượi. Nhưng đến mùa đông thì trái lại, đi qua quãng đường này là một cực hình đối với dân nghèo thiếu áo ấm.

     Tỉnh nhỏ chẳng có gì để giải trí, ngày nghỉ chúng tôi chỉ có cách thuê xe đạp chạy quanh xóm nhà, hoặc ra cánh đồng trống thả diều thi đua với chúng bạn. Buổi trưa nắng ra vườn bắt chuồn chuồn cho cắn rốn (để chóng biết bơi lội), bắt bươm bướm ép vào sách, bắt châu chấu để nuôi chim yến, chim sáo, hoặc tinh nghịch hơn, lấy súng cao su bắn chim sẻ. Ngoài ra, trong dịp nghỉ hè, cứ vào khoảng một giờ trưa, ngày nào chúng tôi cũng ra cửa để chờ đón anh Nhu. Nhu là người bán kẹo kéo, vừa đi vừa lắc chuông thay tiếng rao hàng. Thấy chúng tôi là anh cứ luôn mồm hát:

«Kẹo kéo vừa dẻo vừa ngon

Bà gọi con bà ra mà quay số»

     Trẻ con quanh xóm bu lại. Anh luôn tay kéo dài miếng kẹo ra, rồi gấp lại, rồi lại kéo ra nhiều lần cho đến khi nhỏ tơi ra như sợi cước. Nhu rất khéo chiều khách hàng nhỏ tuổi của anh. Anh thay đổi mặt hàng mỗi ngày, khi thì ô mai chanh, ruốc bò khô, kẹo bạc hà, khi thì lại bày trò quay xổ số lấy kẹo bánh. Nhu khoảng độ 30 tuổi, người nhỏ bé gầy guộc, da xạm nắng. Có lẽ hai anh em tôi là khách hàng «xộp» nhất, nên đối với chúng tôi anh đã đối xử thật đặc biệt. Nhiều khi mua kẹo, anh hay cho thêm và nói:

     – Ðây biếu hai cậu thêm mỗi cậu một hộp ô mai trần bì lấy may. Trong này có hình vẽ các nhân vật Tam Quốc đấy, mở ra mà coi.

     Thực vậy, trong mỗi hộp (nhỏ bằng bao diêm quẹt) đều có một tấm hình vẽ Quan Vũ, Trương Liêu hoặc Lưu Bị, Tào Tháo vân vân…, thành ra anh Nhu đã gián tiếp quảng cáo chiêu hàng, khiến chúng tôi cứ phải mua mỗi ngày một hai hộp ô mai trần bì, để lấy ảnh góp lại cho đủ bộ danh nhân thời Tam Quốc.

     Thời gian trôi thực mau. Nghỉ hè đã hết và mùa thu bắt đầu. Tuy nhiên ngày chủ nhật chúng tôi vẫn có ý chờ anh Nhu, nhưng không thấy anh tới nữa.

     Qua mùa gặt tháng tám, cánh đồng chung quanh tỉnh lỵ đã khô dần. Qua đầu tháng mười một trời đã bắt đầu trở lạnh.

     Hôm đó, chúng tôi đang phóng xe đạp xuống con đường dốc cạnh dinh Tuần Phủ, thì thấy anh Nhu vác trên vai một cây gậy ở đầu có treo lủng lẳng một cái rọ bằng tre, tay cầm một cái móc sắt dài độ 8 tấc, lững thững đi ra phía ruộng. Mừng quá, chúng tôi lên tiếng gọi:

     – Anh Nhu! lâu quá không thấy anh. Anh đi đâu thế này?

     Nhu tươi cười:

     – Chào hai cậu. Tôi đi bắt rắn.

     – Thế anh không bán kẹo nữa hay sao? Em tôi hỏi.

     – Tôi chỉ bán kẹo vào mùa hè thôi. Nghề chính của tôi là đi bắt rắn.

     Tôi hỏi:
– Bắt rắn ở đâu, anh Nhu?
– Ở ngoài ruộng kia kìa. Chỗ nào có thì bắt.
– Cho tụi em đi theo anh, xem bắt rắn được không?

     Nhu cười khà:
– Ðược chứ! muốn đi thì đi.

Mừng quá, tôi vội bảo anh:
– Ðể tụi em đi trả xe đạp đã. Gần đây thôi. Anh chờ em nhé.

Nhu gật đầu:
– Ðược rồi. Tôi chờ các cậu ở đây. Lẹ lên nghe!

Một lát sau, ba chúng tôi đã đi sâu vào đồng nội. Ðất ruộng nứt nẻ, khô cứng. Ðó đây còn lác đác những cuống rạ chưa cắt hết. Cỏ bên bờ ruộng hơi vàng úa. Băng qua một ngọn đồi trọc, chúng tôi đi xuống gần một lạch nước cạn. Nhu đứng lại, chỉ vào một cái lỗ nhỏ độ chừng 5 phân tây đường kính. Anh nói:
– Kia rồi. Thế nào cũng có một con đang ngủ.
– Sao anh biết nó ngủ?
– Mùa đông, trời lạnh. Phần lớn các sinh vật đều trốn lạnh ở trong hang, trong ổ. Nhu trả lời.
– Anh bắt rắn về làm gì, anh Nhu?

Nhu cười nhẹ:
– Chắc các cậu không hay đi Hà Nội nên không biết. Ở hiệu ăn Tàu như Mỹ Kinh hàng buồm, và Siêu Nhiên hàng bông họ bán thịt rắn về mùa này thiếu gì.
– Thiệt hả?
– Nó có món thịt rắn nấu với thịt mèo, và một vài vị thuốc Bắc, đặt tên là «long hổ hội», ý muốn nói con rắn là rồng, con mèo là hổ. Lại còn món nấu ba loại rắn lẫn với nhau gọi là «tam xà đại hội».

Tôi nêu thắc mắc:
– Ăn có ngon không anh Nhu? Lỡ có nọc độc thì sao?

Nhu cười xòa:
– Làm gì có nọc độc nữa. Nọc rắn nó chỉ có ở trong một cái túi, gọi là hạch có lẽ đúng hơn, nằm ở cạnh hàm rắn. Khi nó mổ ai thì hai cái nanh của nó chích vào máu nạn nhân. Khi làm thịt, người ta phải bỏ hết phần đầu đi. Thịt nó ăn cũng tương tự như lươn vậy thôi, có phần dai hơn một chút.
– Ăn thế cũng đâu có lợi gì? Mình vẫn cảm thấy e dè khi nghĩ đến con rắn. Thiên hạ nhiều người cũng liều thật!

Nhu tròn mắt nói:
– Ấy, ăn bổ lắm chứ. Các cậu không thấy người ta ngâm rượu để bán hay sao?

Thấy chúng tôi lắc đầu, Nhu tiếp:
– Chiều nay về, tôi đưa hai cậu lại hiệu thuốc ông lang Phục các cậu sẽ thấy.

Vừa nói, anh Nhu vừa lấy cái móc sắt luồn vào ổ rắn. Anh xoay tay một vòng và nhanh nhẹn kéo cái móc ra. Một con rắn khá dài nằm đờ ngay miệng lỗ. Nhu lấy tay trái nắm đầu con rắn, bóp cho nó há miệng ra, rồi tay phải anh cầm con dao nhỏ cạo cạo vào nanh rắn. Xong anh bỏ ngay con rắn vào trong rọ tre đậy nắp lại.
– Rắn hổ mang đó. Ai vô phúc bị nó mổ là chỉ mươi phút sau hết cựa.

Tôi vội hỏi:
– Thế lỡ anh bị nó đớp thì sao?

Nhu cười:
– Mình có thuốc trừ chứ.

Vừa nói anh vừa móc túi lấy ra một cái lọ nhỏ có bột thuốc màu xám:
– Ðây này, lúc nào cũng phải sẵn sàng để phòng thân chứ.
– Thế anh bắt rắn về bán cho tiệm ăn ở Hà Nội à?

Nhu lắc đầu:
– Tôi bán hết cho ông lang Phục. Ông giữ một số để ngâm rượu làm thuốc, còn lại ông bán thịt.
– Chắc đắt tiền lắm anh nhỉ?

Nhu cười:
– Cũng phải theo giá chợ thôi. Nghề của tôi ít người học nên cũng kiếm được kha khá.

Chúng tôi cứ men bờ ruộng mà đi. Thỉnh thoảng lại băng qua một khu rừng nhỏ, lúc qua đồi. Tôi nhận thấy mỗi khi anh Nhu chỉ ổ rắn nào, nó cũng nằm ở cạnh bờ bụi, chứ không ở ngay giữa ruộng. Chúng tôi đi như thế, chỉ vào khoảng từ sáng đến xế trưa anh Nhu đã bắt được hai chục con rắn bỏ đầy rọ.

Khi về, đúng như lời hứa, anh đã đưa chúng tôi đến tiệm ông lang Phục, để giao hàng, và cho chúng tôi xem những chiếc vại lớn có nắp, đựng đầy rắn. Trông những hũ rượu bằng thủy tinh, có ngâm lẫn lộn ba con rắn và dăm vị thuốc bắc, tôi vẫn có cảm giác ghê sợ. Nếu ông lang Phục có hào phóng cho tôi nếm thử một ly, chắc tôi cũng phải cám ơn từ chối, bổ béo ra sao tôi cũng không cần biết.

Ở nhà ông lang Phục ra, anh Nhu còn cố kéo chúng tôi về nhà anh, một căn nhà nhỏ xinh xắn, ở gần rặng me, để biết chỗ anh ở, và để giới thiệu chúng tôi với vợ anh là chị Lụa.

Gặp chị, tôi rất ngạc nhiên, vì so với anh Nhu, quả thực hai vợ chồng không xứng đôi chút nào. Chồng thì đen đủi, gầy gò, xấu xí, còn vợ thì thật trắng trẻo, lẳn người, mặt mũi rất xinh đẹp. Thấy chồng về, chị cũng không vồn vã đón mừng. Gặp chúng tôi, chị cũng làm như lạnh nhạt, hời hợt. Tôi thầm nghĩ tại sao anh Nhu lại có thể kén được chị Lụa làm vợ mà có được hạnh phúc với nhau.

Một tháng sau. Hôm ấy đã 26 tháng Chạp. Còn bốn ngày nữa là Tết. Trường tỉnh đã đóng cửa cho học trò nghỉ. Chúng tôi lại theo anh Nhu đi bắt rắn. Khi lên hết ngọn đồi, anh ôm vai tôi kể chuyện:
– Này cậu, bữa nọ, tôi suýt bị nguy. Ai lại trước khi đi, tôi thay áo, rồi lơ đãng quên khuấy lọ thuốc trừ nọc trong túi không đem theo. Ðên khi nhớ ra mới hết hồn, phải quay về ngay. May mà không gặp con rắn nào, chứ không là chết. Từ đấy bữa nào ra cửa tôi cũng phải kiểm lại món ấy trước hết. Ðây này, lọ thuốc mới lấy ở tiệm ông lang Phục sáng nay. Tốt ghê lắm cậu ạ! Chỉ cần rắc một chút bột lên vết rắn đớp hai phút sau là hết bầm tím. Làm nghề này tôi đã bị hai lần rắn mổ rồi đấy.

Tôi vội hỏi:
– Tại sao anh cứ chộp đầu rắn bằng tay không cho nguy hiểm? Tại sao anh không lấy bao bố cắt ra làm bao tay, có phải đỡ hơn không?

Nhu cười:
– Cậu nói có lý. Nhưng đeo bao tay nó vướng lắm. Hơn nữa, mình cũng ỷ y có thuốc hiệu nghiệm thành ra thấy không cần.

Không biết có phải tại anh Nhu linh cảm bữa nay anh sẽ gặp xui hay không, mà chỉ 30 phút sau khi nói chuyện, anh bị một con rắn hổ khá lớn mổ vào cổ tay bên phải hai vết răng rớm máu. Tôi cũng hết vía khi con rắn vọt về phía tôi, cách khoảng chừng nửa thước chạy thoát vào trong bụi.

Anh Nhu bình tỉnh, ghé miệng hút máu độc ra nhổ đi, rối lấy lọ thuốc đổ bột vào vết thương. Thấy anh em tôi có vẻ luống cuống, anh cười nói:
– Hai cậu thấy chưa? mình vừa nói đến chuyện rắn mổ, thì y như rằng chuyện xui xảy tới. Nhưng không sao đâu, hai cậu đừng sợ, chỉ vài phút nữa là vết độc hết bầm ngay.

Thời gian trôi qua thật nặng nề. Chúng tôi vô cùng bối rối thấy vết độc ở cổ tay anh Nhu càng xưng to và tím ngắt. Hình như anh định nói điều gì, nhưng chỉ thấy há miệng ú ớ không ra tiếng. Anh nằm vật xuống quằn quại, mắt trợn ngược, xùi bọt mép và tắt thở. Chúng tôi sợ quá, đành chỉ biết chạy vội về tỉnh báo tin cho chị Lụa biết, để gọi cáng đưa xác anh Nhu về.

Tội nghiệp chị Lụa! người vợ trẻ khóc lóc thảm thiết. Chị kêu gào lăn lộn ngoài ruộng, ôm chặt anh Nhu. khiến quần áo lấm bê bết. Tội nghiệp người đàn bà trẻ đẹp xấu số, mới ra đời đã bị vùi dập, nửa đường đứt gánh.

Ông lang Phục đã giúp chị Lụa một số tiền để lo việc ma chay cho anh Nhu, gọi là đền đáp công khó của anh. Còn chúng tôi dĩ nhiên cũng đã đến nhà anh Nhu, chia buồn cùng chị Lụa và đưa đám người xấu số.

Năm sau, chúng tôi đậu bằng Tiểu học và lên Hà Nội theo học trường Sư phạm. Tôi đã 17 tuổi và em tôi 16. Nghỉ hè trở về nhà nghe thiên hạ xì xầm chị Lụa đã tằng tịu với ông lang Phục, có thể nói chị đã thành như vợ bé của ông lang giàu có rồi. Do đó, lại có lời đồn đại là ông lang đã âm mưu tráo thuốc giả trừ nọc rắn để mưu hại anh Nhu hòng cướp vợ của người bắt rắn.

Nghe chuyện, tôi chẳng thế nào tin nổi. Tôi muốn tìm biết sự thật, nên một hôm, một mình tôi ghé lại nhà anh Nhu, để thăm dò thái độ của chị Lụa. Thấy tôi, chị tỏ vẻ vui mừng như người thân lâu ngày mới gặp. Chị reo lên:
– Ô kìa, em đã về nghỉ hè rồi hả? Vào chơi đi.

Chị kéo chiếc ghế ra:
– Ngồi đây đi em. Ðể chị đi đun nước uống.

Chị vào nhà trong độ một phút, lại quay ra ngồi xuống chiếc ghế sát bên tôi. Tôi nhìn chị nói:
– Em đến thăm chị thôi, vì nhớ và thương anh ấy quá.

Lụa thản nhiên:
– Sinh nghề tử nghiệp mà em, làm sao được bây giờ?

Tôi lại nhìn chị Lụa, thấy chị thật đẹp:
– Trông chị vẫn như trước. Có phần chị…

Lụa ngắt lời:
– Chị mập ra một chút em ạ. Còn em, trông cao lớn hẳn lên nhỉ. Trông bảnh trai lắm rồi. Cao hơn chị một đầu rồi còn gì!

Vừa nói chị vừa bóp cánh tay tôi:
– Úi chà! tay em rắn chắc quá nhỉ, chắc em tập thể thao nhiều?

Tôi lí nhí đáp:
– Vâng, em phải tập thể dục và thể thao ở trường mỗi ngày.

Lụa đưa tay lên vai tôi, rồi lại sẽ vuốt sau lưng, khiến tôi cảm thấy mặt nóng bừng bừng. Tôi không có phản ứng, vì thú thật tôi cũng cảm thấy êm ái khi một bàn tay mềm mại đụng chạm vào người tôi, một thằng con trai mới lớn.

– Chị buồn lắm. Thỉnh thoảng em đến chơi thế này thật là quý hóa.

Tôi im lặng sẽ gật đầu. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi như thôi miên, hai mắt sáng ngời, tình tứ, như ướt lệ, long lanh. Tôi cảm thấy thực yếu đuối. Tôi sắp bị sa ngã. Tôi chắc tôi sẽ bị khuất phục trước sức quyến rủ của một người đàn bà đẹp như chị Lụa nếu tình trạng này kéo dài. Nhưng, may quá, vừa lúc ấy có tiếng người gọi bên ngoài. Chị Lụa như thức tỉnh, bước ra mở cửa. Thì ra em tôi đến tìm tôi về ăn cơm. Nhờ vậy tôi đã không bị mắc vào vòng tội lỗi.

Từ hôm đó, tôi tin chắc lời đồn đại không sai. Anh Nhu đã bị ám sát, và người chủ mưu chính là ông lang Phục. Nhưng chứng cớ đâu mà buộc tội được ai? Sự thực rõ ràng là anh Nhu đã bị rắn độc mổ chết, vì liều thuốc trị nọc đã vô hiệu có chúng tôi chứng kiến. Còn chị Lụa có đồng lõa trong âm mưu đen tối này không? Không ai dám cả quyết. Nhưng riêng tôi thấy chị Lụa chỉ là một người đàn bà trắc nết, trẻ đẹp, dâm dục, thích mới lạ, thích tiền. Vậy thôi.

Thời gian vẫn trôi qua nhanh chóng. Vừa mãn tang anh Nhu vào dịp Tết, chúng tôi về thăm nhà lần này lại được nghe một tin động trời, khó hiểu: ông lang Phục và chị Lụa đã cùng chết trong một đêm hoan lạc. Hai người nằm sùi bọt mép, mắt trợn ngược, người tím bầm, vì ngộ độc. Có kẻ nói hai người đã dùng rượu rắn cho khỏe nên đã bị trúng nọc. Nhưng có người xấu miệng hơn lại nói chị Lục có thể bị trúng độc thực đấy, chứ ông lang Phục thì chắc đã chết vì chứng thượng mã phong.

Tôi nghĩ đây có thể là chuyện oan oan tương báo, hay là, biết đâu, lại không phải là chuyện rắn báo thù?

Hà Bỉnh Trung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *