Những bài học gà

Đinh Từ Thức

 Trong mười hai con giáp, hay mười hai con vật biểu tượng cho địa chi, gà với chó là hai con vật gần gũi nhất với người. Tuy nhiên, có thể nói, gà chiếm địa vị độc tôn, cao hơn chó, vì gà được dùng làm biểu tượng của quốc gia, hay tôn giáo, trong khi chó chỉ là hình ảnh của một con vật trung thành.

Gà được nói tới trong Thánh Kinh Tân Ước. Tiếng gà gáy đã nhắc Thánh Phê Rô nhớ tới tội chối Chúa của mình. Gà được coi như hình ảnh nhắc nhở tội lỗi và ăn năn. Nước Pháp từng được coi là con cả của Hội Thánh, với biểu tượng là con gà trống. Tất nhiên không phải gà trống thiến, các vị nguyên thủ quốc gia Pháp thường bị tai tiếng về tình ái lăng nhăng. Thành phố Đà Lạt của Việt Nam cũng có ngôi nhà thờ nổi tiếng với con gà trên nóc, được gọi Nhà thờ Con gà.

Con gà trống chiếm địa vị cao nhất tại cổng Điện Elysée, Paris. Tháng 9, 2015 (Hình Winfried R)

Gà đẻ trứng vàng

Nổi tiếng thế giới là bài học gà đẻ trứng vàng, hầu như ai cũng biết, răn dậy người đời trước những hành động ngu xuẩn vì lòng tham làm mờ mắt. Đi tìm tông tích, được biết đây là câu truyện đã ra đời từ hai ngàn năm trăm năm trước, tác giả được cho là một người Hy Lạp, tên Aesop (Aisopos), sống vào thế kỷ thứ Sáu trước Thiên Chúa Giáng Sinh (Công nguyên). Aesop được coi là tác giả của hàng trăm truyện ngụ ngôn, nhằm mục đích răn dậy người đời về luân lý. Như mọi loại truyện cổ khác, ngụ ngôn của Aesop lúc đầu là truyện kể, và thường bị thay đổi, thêm bớt mỗi khi kể lại. Rất lâu sau khi tác giả qua đời, người sau mới góp nhặt lại. Khởi đầu là chép tay, phổ biến bằng tiếng Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ bốn trước Công Nguyên, rồi được dịch sang tiếng Latin, phổ biến rộng thời cực thịnh của Đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Khi máy in được phát minh thời Trung Cổ, kho tàng truyện cổ tích của Aesop lan rộng khắp châu Âu. Sau đó, các truyện này theo chân các nhà truyền giáo du nhập vào châu Á, như Nhật Bản, Trung Hoa.

Câu truyện ngày nay nhiều người biết qua tên “Gà đẻ trứng vàng” còn mang tên “Ngỗng đẻ trứng vàng”, và có rất nhiều phiên bản khác nhau về tiểu tiết. Câu truyện được kể đi kể lại ở rất nhiều nước. “Con gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam, “La Poule aux oeufs d’or” được nhà thơ nổi tiếng Jean de la Fontaine kể bằng thơ ngụ ngôn ở Pháp, và “The Golden Egg” ở Anh, Mỹ… . Ngày nay có thể dễ dàng xem trên YouTube những phiên bản hoạt hoạ về truyện này nói đủ thứ tiếng, kể cả tiếng Tầu và tiếng Việt.

Trong số hàng trăm truyện ngụ ngôn của Aesop, mà vai chính có cả người và đủ thứ con vật, phần nhiều là con vật, không phải chỉ có một truyện liên hệ tới gà. Theo danh sách lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ và Đại Học Harvard, chỉ có phiên bản “Ngỗng để trứng vàng” (The Goose With the Golden Egg).

The Goose That Laid the Golden Eggs (Con Ngỗng Đẻ Trứng Vàng) Hình minh hoạ của Milo Winter cho lần xuất bản năm 1919.

Trong Thư Khố cổ điển về giáo dục tại MIT (classics.mit.edu/Aesop/fab), do George Fyler Townsend dịch, trong số các truyện ngụ ngôn của Aesop, có tới mười truyện liên hệ tới gà. Truyện “Con Gà đẻ Trứng Vàng” bằng tiếng Anh như sau:

 The Hen and the Golden Eggs

A cottager and his wife had a Hen that laid a golden egg every day. They supposed that the Hen must contain a great lump of gold in its inside, and in order to get the gold they killed it. Having done so, they found to their surprise that the Hen differed in no respect from their other hens. The foolish pair, thus hoping to become rich all at once, deprived themselves of the gain of which they were assured day by day.

 Tạm dịch: Cặp vợ chồng ở nông thôn có một con gà mái mỗi ngày nó đẻ một trứng vàng. Họ cho rằng trong bụng con gà phải có cả mớ vàng, và để lấy vàng, họ đã giết nó. Làm vậy rồi, họ ngạc nhiên thấy con gà này chẳng có gì khác những con gà khác. Cặp vợ chồng khùng này, vì hy vọng trở thành giầu ngay, đã tự làm mất những gì chắc chắn có được hàng ngày.

Trong những truyện về gà của Aesop, có truyện rất ý nghĩa, như Những Kẻ Trộm và con Gà Trống  (The Thieves and the Cock). Truyện kể vài tên trộm đột nhập một căn nhà, chẳng kiếm được gì, ngoài một con gà trống, bèn mang về làm thịt. Trước khi chết, con gà van xin; “Hãy tha mạng tôi, vì tôi rất ích lợi cho loài người. Hàng đêm, tôi đánh thức họ dậy để đi làm”. “Đó chính là lý do tụi tao càng cần phải giết mày”, bọn trộm nói; “mày đánh thức người ta dậy thì tụi tao hết đường làm ăn”. Giá trị luân lý ở đây là, những việc làm tốt, đáng quý với người tốt, nhưng tối kỵ với bọn xấu. Tuy là câu truyện từ hai mươi lăm thế kỷ trước, vẫn còn đúng với ngày nay. Nhiều bạn trẻ, cất tiếng như những con gà trống, làm công việc chính đáng và hữu ích, đánh thức người dân về ý niệm tự do dân chủ và nhân quyền, nhưng bị bọn xấu tìm mọi cách để tiêu diệt.

Con gà trên đỉnh tháp tại First Presbyterian Church ở 125 S. Third Street, Wilmington, North Carolina (Hình: StarNews). Theo Mục Sư Chánh xứ (pastor), Tiến Sĩ Ernest Thompson: Tại châu Âu, các nhà thờ Tin Lành thường có con gà trên đỉnh tháp, đề phân biệt với nhà thờ Công Giáo thường có thánh giá. Theo ông, con gà, ngoài sự tích liên hệ tới Thánh Phê Rô, còn báo hiệu bình minh của một ngày mới.

Truyện hay như thế, nhưng không được biết tới nhiều. Ngụ ngôn Gà đẻ Trứng Vàng, mới đọc qua, các tình tiết có vẻ vô lý. Trộm bắt gà, không hiếm trong đời thường, nhưng gà đẻ trứng vàng, không bao giờ có trong thực tế. Rồi người dân nông thôn, ai cũng biết, khi giết gà, dù trong thời kỳ đẻ trứng, trong bụng nó cũng chỉ có một chùm trứng non, không cái nào lớn bằng trứng đã đẻ ra. Truyện gà đẻ trứng vàng nổi hơn các ngụ ngôn gà khác, có lẽ chính nhờ những chi tiết có vẻ vô lý này. Nó nhấn mạnh vào điểm lòng tham làm cho người ta mù quáng, bất chấp phải trái và đạo lý.

“Trứng vàng” ở đây là kết qủa đem lại từ công trình của một cá nhân, hay một tập thể, ở mức vượt trội về giá trị so với bình thường. Vào thập kỷ đầu sau “Cách Mạng Mùa Thu”, bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) là con gà đẻ trứng vàng đầu tiên đã bị chủ nông trại họ Hồ ra lệnh giết. Ngoài mục đích lấy ngay được tất cả số vàng thuộc về gà, còn hy vọng nhận được sự giúp đỡ quý hơn vàng của đại huynh phương Bắc.

Gần đây hơn, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, được huyện Tiên Lãng trao cho hơn 40 ha đất bồi ở bờ biển để khai thác. Sau hàng chục năm cực nhọc trả bằng giá đắt, gồm cả mạng sống của đứa con gái đầu lòng, anh đã tạo dựng được một cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đồ sộ. Nếu mọi chuyện êm đẹp, với tiền thuế từ số hoa lợi thu hoạch hàng ngày, đối với công quỹ, chẳng khác gì gà đẻ trứng vàng. Thay vì tạo điều kiện thuận lợi đề con gà ĐVV tiếp tục đẻ trứng vàng, do lòng tham làm mờ mắt, nhà cầm quyền địa phương đã giết cơ sở làm ăn của anh Vươn, với hy vọng nắm trong tay mớ vàng lớn hơn quả trứng mỗi ngày. Kết quả ra sao, mọi người đã biết.

Với cà phê, trà, hồ tiêu… ngày càng được xuất cảng nhiều đi khắp thế giới, đất đai mầu mỡ miền Tây Nguyên Việt Nam không phải chỉ là con gà, mà là con ngỗng đẻ trứng vàng. Lòng tham của tập đoàn cầm quyền đã khiến con ngỗng bị mổ bụng thê thảm, để lại bùn đỏ loang lổ, như những vũng máu khổng lồ.

Còn nữa. Hà Tĩnh, thoát đi từ ngư nghiệp với phương tiện thô sơ, nhờ kỹ thuật hiện đại như điện thoại di động, GPS, tiên đoán chính xác về thời tiết cũng như địa điểm cá tập trung, kết quả thu hoạch của ngư dân hàng ngày từ biển cả, cộng với dịch vụ du lịch của những người không đi biển, lợi tức đem lại từ vùng này quý như những quả trứng vàng. Nhưng lợi tức bảo đảm của người dân không hấp dẫn bằng triển vọng ngoại quốc bỏ ra hàng chục tỉ đô la xây nhà máy thép. Gà đẻ trứng vàng là mấy trăm cây số bờ biển đã chết, vì lòng tham làm mờ mắt băng đảng cầm quyền.

Câu truyện ngụ ngôn từ hơn hai chục thế kỷ trước, ngày nay vẫn có người chưa chịu học.

Gà Nguyễn Mạnh Tường

Luật sư, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, như nhiều người từng biết, là một nhân vật nổi tiếng vào thế kỷ trước. Ông nổi tiếng tuổi trẻ tài cao, đậu hai bằng tiến sĩ văn chương và luật tại Pháp ở tuổi 22. Ông nổi tiếng là một luật sư có tài hùng biện. Ông nổi tiếng là người yêu nước đã tặng tài sản cho nhà nước và theo Kháng Chiến lên Việt Bắc chống Pháp. Ông nổi tiếng tại Đại Hội Luật gia Dân chủ ở Bỉ năm 1956, nhờ vận động thành công sự ủng hộ của quốc tế đối với chủ trương thống nhất đất nước bẳng quân sự. Ông nổi tiếng qua việc nhà cầm quyền Cộng Sản đền ơn bằng cách trao cho ông hàng chục chức vụ quan trọng,  chức nào cũng đứng đầu bằng chữ “phó”. Ông tiếp tục nổi tiếng qua việc công khai chỉ ra những sai trái về phương diện luật pháp của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Và khi bị trừng phạt, ông nổi tiếng qua thành tích sợ hãi quá mức, đến nỗi không chu toàn được nhiệm vụ đối với vợ con và bản thân mình.

Cộng Sản đã không bỏ tù ông, mà trừng phạt gia đình ông một cách dã man, quỷ quyệt hơn, là cắt hộ khẩu. Trong một chế độ mọi người sống nhờ hộ khẩu, mà bị cắt hộ khẩu, sống cũng như chết. Chết dã man, chết từ từ. Cuối cùng, gia đình ông đã thoát chết, một phần, nhờ một con gà. Con gà đẻ trứng thường, nhưng với gia đình ông, trong hoàn cảnh khốn cùng, mỗi cái trứng của nó, đúng là trứng vàng.

Tuy không có bằng tiến sĩ chăn nuôi, ông Nguyễn Mạnh Tường đã biết nuôi gà  đúng nguyên tắc. Trong cuốn hồi ký Un Excommunié do QM xuất bản năm 1992, chỉ trong vỏn vẹn nửa trang sách (trang 256), ông đã mô tả đầy đủ về con gà cứu tinh của gia đình mình. Qua đó, có thể rút được vài bài học quý.

Trước hết, muốn cho gà đẻ trứng, phải cho nó ăn. Người không có gạo ăn, lấy gì cho gà ăn? Mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Mạnh Tường làm như nhàn du tản bộ ra chợ, lén nhặt những lá rau rơi rụng, kín đáo mang về cho gà. Nhờ thế, gà đẻ trứng đều đặn, đẻ hoài.

Trên hai chục năm trước, vào thời Việt Nam mới mở cửa, người viết biết một vài viên chức làm cho xí nghệp lớn của Mỹ, đi VN thăm dò cơ hội đem vốn tới đầu tư. Sau một vài chuyến đi về, hỏi thăm triển vọng làm ăn, được trả lời: “Họ ngu quá, không làm ăn được”. Hỏi tại sao, tham nhũng hả? Đáp: Tham nhũng ở đâu chả có. Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương… đều có tham nhũng. Nguyên tắc cơ bản người cầm quyền ở VN không biết, là muốn tham nhũng, trước hết, phải cho xí nghiệp cơ hội sống. Không cho gà ăn mà chỉ đòi trứng, kiếm đâu ra trứng?

Thứ nhì, con gà chỉ có thể làm những gì theo khả năng bẩm sinh. Gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường gồm ba người, hai ông bà và cô con gái. Con gà cứu tinh chỉ có thể đẻ mỗi ngày một trứng. Hoặc trứng dầm nước mắm cả nhà ăn chung với rau luộc, hoặc luân phiên, cứ ba ngày một người được nguyên quả trứng. Không thể ép gà đẻ mỗi ngày hai hay ba trứng, để ai cũng có phần. Dù Mẹ Âu Cơ, có khả năng đẻ trăm trứng, nhưng hàng ngàn cán bộ, ai cũng đòi phần trứng của mình, Mẹ cũng đành chạy ra biển thoát thân.

Nếu ví toàn dân như con gà đẻ trứng, Gà Việt Nam đã và đang bị cưỡng bách đẻ mỗi ngày ít nhất hai trứng, một trứng nuôi Đảng, một trứng nuôi Nhà Nước; hai hệ thống cầm quyền song hành, cùng được cung phụng bằng tiền thuế của dân đóng cho ngân quỹ quốc gia.

Gà Key West

Tranh gà rất thịnh hành tại Key West

  Trong một dịp đi chơi với con cháu tại Key West, hòn đảo tận cùng của tiểu bang Florida, cũng là điểm tận cùng cuả nước Mỹ, được nối với đất liền bằng chiếc cầu —  một trong những kỳ công của thế giới — và đường xe hơi, người viết đã có cơ hội biết thêm về gà. Ngụ tại hotel Hyatt ngay bờ biển, sáng dậy xem mặt trời mọc. Nghe tiếng gà gáy vang, tưởng khách sạn phát tiếng gà để đánh thức khách. Bèn tìm hiểu, hoá ra tiếng gà gáy thật. Key West có rất nhiều gà, không phải gà nuôi trong chuồng, hay trại gà, mà sống chung với người. Dân số Key West cỡ ba chục ngàn, tổng số gà ở đây khoảng một ngàn rưởi.

Key West chỉ cách Cuba 90 dặm. Vào thế kỷ 19, gà là nghiệp vụ quan trọng tại Cuba. Các nhà gây giống mua gà gốc Philippines từ Spain, đem về pha giống với gà gốc châu Âu, tạo ra một giống gà rất hung hãn, để làm gà chọi, đặt tên là Cubalaya. (Thử tưởng tượng ngày nay, có ai pha giống Duterte với Trump, sẽ tạo ra dòng nguyên thủ quốc gia như thế nào. Mang danh Philusa?).

Sau Thập Niên Chiến tranh (Ten Year’s War: 1868-1878), nhiều người Cuba bỏ nước tới Key West, mang theo cả gà chọi lẫn gà thường. Rồi người nọ theo người kia, vào thập niên cuối thế kỷ 19, quá nửa dân Key West là người Cuba. Chọi gà trở thành môn “thể thao” phổ thông hàng đầu. Ngay cả giới thượng lưu cũng đầu tư vào trò chơi này. Tiếc cho Tướng Kỳ tới Mỹ trễ khoảng một vài thập niên, nếu không, ông đã tìm thấy thiên đàng, đúng như tên gọi ngày nay của Key West, là Đảo Thiên Đàng (Paradise Island).

Vào thập niên 70 thế kỷ trước, trò chơi chọi gà bị luật cấm. Cùng lúc, gà công nghiệp cùng với trứng rẻ rề, nuôi gà ăn thịt hay để lấy trứng không bõ công. Thế là gà được phóng sinh, tự do lang thang kiếm ăn trên đường phố. Những chàng Cubalaya phong độ, được mặc tình giao du với những nàng gà tơ óng mượt, thế là những gia đình nho nhỏ tự nhiên thành hình, cùng nhau tự lực cánh sinh. Chúng lai vãng tới bất cứ chỗ nào có cái ăn, từ thực phẩm rơi rụng của người, đến sâu bọ tại bụi cây, vườn tược. Nhiều vườn rau organic đem chúng về bắt sâu, thay cho thuốc sát trùng. Từ gà chuồng, bỗng chuyển sang gà hoang, được luật pháp bảo vệ, xã hội gà phát triển nhanh chóng.

Cùng với tự do kiếm ăn, chúng cũng tự do phóng uế, khiến người dân phải quan tâm, và gây tranh cãi. Khách du lịch từ phương xa tới, thấy những con gà trống sặc sỡ thỉnh thoảng gân cổ gáy, hay gà mẹ dẫn một đàn con xinh xắn lang thang trên lối đi hay qua đường, khiến xe cộ ngừng lại nhường lối, trông thật dễ thương. Một cơ hội hiếm có để chụp hình. Nhường bước trước gà, cũng còn là cơ hội tỏ ra mình là người văn minh. Nhưng với cư dân sống thường trực tại đây, nạn phân gà và nước bị ô nhiễm, khiến họ muốn tiêu diệt xã hội gà đi bộ này. Trên lối đi vào những căn biệt thự hàng triệu đô, thỉnh thoảng điểm một vài đống phân gà, hay hai ba giờ sáng bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, thật bất tiện.

“Vấn đề gà” đã trở thành sôi nổi tại Key West, chẳng kém gì vấn để di dân trên toàn nước Mỹ trước Năm Con Gà. Một nửa dân muốn gà ở lại, nửa kia muốn gà biến đi. Phát sinh “Cuộc chiến gà” tại Key West (The Key West “Chicken War”).

Một “sử gia” tại Key West là Whitfield Jack đã mô tả một cảnh khá sống động cuộc chiến gà này:

“Ôi! Không thể tưởng tượng được. Thật là ngoài sức tưởng tượng!” một nữ du khách từ New York kêu lên trong ngày đầu tiên tới Key West. Bà mới nhìn thấy một con gà đi qua phố chính. Đúng ra, đó là cả một gia đình gà: một gà mẹ với bộ lông lốm đốm, một gà cha khệnh khạng, và ba gà con yên lành đi trên vỉa hè Đường Duval, dọc theo bức tường gạch phía trước toà nhà băng cổ kính nhất Key West.

 Một ông có xe bán hot dog bên lề đường nhún vai, than: “Chắc lần đầu tiên nhìn thấy gà, phải không?” Ông ta nói với bà, vẫn tỏ ra thân thiện, nhưng không giấu được vẻ bực tức. “Chúng chưa bị tuyệt chủng đâu”.

 “Nhưng người ta không thấy chúng đi trên đường phố. Chắc chắn ông không thể thấy cảnh này trên Đại lộ Số Năm”, bà ta nói với vẻ phấn khởi, trong lúc giơ máy ảnh lên chụp đàn gà.

Gia đình gà tại Key West. Hình của Marc Averette

  Gữa lúc bà bấm máy, ông nhảy ra từ phía sau xe hot dog, úp chụp xuống trọn gia đình gà bằng chiếc vợt khổng lồ. Cảnh đàn gà hỗn loạn, dẫy dụa, chân đạp, cánh vẫy, lông lá tơi bời, được thu hết qua ống kính.

 “Đồ dã man!” Bà la lên. “Tội nghiệp những con gà!”

 “Con trống này chuyên phóng uế trên cái dù của tôi”, ông bán hot dog với cây vợt trong tay, vừa lẩm bẩm, vừa chỉ vào cây dù che xe hot dog đầy vết bẩn, vừa chỉ lên cành cây phía trên xe hot dog, nơi con gà trống vẫn ngự trị canh giữ giang sơn của mình.

 “Ông sẽ làm gì với chúng”, bà du khách hỏi, đau khổ như sắp khóc. Ông bán hot dog liếc nhìn về phía con chó lớn mầu đen đang nằm dài dưới xe hot dog. Với cái lưỡi dài thoòng, nó liếm qua liếm lại quanh mép, ánh mắt nhìn về phía cái vợt với nhiều hứa hẹn.

“Đưa cái vợt cho tôi”, bà nói như ra lệnh, và cảm xúc làm mất tự chủ, bà giằng cái vợt khỏi tay ông hot dog. Rồi lật ngửa nó lên, lắc mạnh.

Gia đình gà phóng ra tứ phía, lông lá tả tơi, bụi mù, tản mát trong nháy mắt. Con trống phóng ngay lên cành cây, xù lông, lấy hơi, gáy một tràng muốn thủng lỗ nhĩ. Gà mẹ và các con chạy vào cái cửa mở của một quán rượu bên cạnh, chẳng ai thèm để ý.

 Con gà trống trên cành cây nhìn xuống, vỗ cánh, (như cử chỉ dũ áo phủi bụi để tỏ sự bất bình Chúa khuyên các thánh tông đồ khi xưa nên làm, mỗi khi không được dành cho nơi tạm trú). Một cái lông đỏ rớt xuống, chao qua đảo lại trong không khí, trước khi đáp nhẹ xuống vệ đường. Bà du khách, mắt lưng tròng, nhặt lấy như một chiến tích. Từ vị trí ngay trên đầu ông hot dog, con gà trống lấy thế, cong đuôi, rướn người, nhắm mắt. “Ôi, bọn trời đánh”, ông nhìn lên. Nhưng quá muộn. Một trái bom loãng đã rơi trúng đầu ông, tung toé, chảy xuống cả mớ tóc đuôi ngựa buộc sau gáy.

 Bà du khách thích thú, nhắm máy hình vào đầu ông, bấm lia lịa.

 “Tôi sẽ kiện bà”, ông gầm lên, cùng lúc dứ nắm tay đe doạ, trong khi bà chạy về phía cuối phố, một tay cầm máy ảnh, tay kia cầm chiếc lông đỏ thắm. Tối hôm đó, bà trông tuyệt vời với kỷ vật cuộc chiến giắt trên đai mũ, ngồi nhâm nhi một ly Margarita tại quán rượu trên bờ biển, hãnh diện kể lại câu truyện cho một đám đông bạn bè.

 Truyện chưa chấm dứt ở đây. Whitfield Jack kể thêm:

Với tất cả sự kính trọng dành cho ông bán hot dog, tưởng cũng nên ghi nhận rằng, vài tuần sau, ông đã có một quyết định rất sáng suốt về mặt kinh doanh. Ông đã di chuyển xe hot dog chừng vài mét xuống phía cuối phố, để tránh tầm oanh tạc của con gà trống từ cành cây. Và cũng khám phá ra rằng, sự hiện diện của gia đình gà đã giúp doanh nghiệp của ông phát triển đáng kể. Người ta thường nhìn thấy ông xé bánh kẹp hot dog cũ ném cho mẹ con nhà gà. Và (giống trường hợp Tướng Khánh đã cạo nhẵn bộ râu dê), để đánh dấu việc đoạn tuyệt với quá khứ, ông cắt bỏ chòm tóc đuôi ngựa của mình.

 Về phần con chó mực khổng lồ, nó cảm thấy sung sướng như trên chín tầng mây, từ khi khám phá ra rằng, cứ nằm bất động một lúc, những con gà nhỏ xíu sẽ nhảy lên lưng nó, chân bới, mỏ mổ, vừa gãi ngứa, vừa nhặt từng con bọ ẩn náu trong bộ lông dầy của nó. Nhìn cặp mắt lim dim mơ màng, và cái đuôi thỉnh thoảng nhẹ đong đưa, đủ biết nó tận hưởng hạnh phúc như thế nào.

Ai được ai thua trong cuộc chiến gà, hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Có những tình huống tưởng kẻ trong cuộc không thể đội trời chung, nhưng chỉ thay đổi một chút, trong ý nghĩ hay cuộc sống, mọi việc thành tốt đẹp lạ thường. Cũng nên ghi nhận thêm, những con gà theo chân người Cuba tới Key West, chỉ là công cụ giải trí, hay một thứ thực phẩm tươi dự trữ. Nhờ sống trong một xã hội có kỷ cương, luật pháp được tôn trọng, gà Cuba tại đất mới đã được giải phóng trước người Cuba ở quê nhà.

Sau hết, nhiều người vẫn tưởng gà chỉ gáy khi trời gần sáng, là sai lầm. Gà Key West gáy bất cứ lúc nào, khi có ánh đèn xe, khi có tiếng chó xủa, nhất là khi có ai dại dột bào nó câm miệng. Có lẽ, vì sống chung với người, chúng bị lây bệnh từ người, nhất là giới mới tập tễnh làm chính trị. Hễ thấy ánh đèn truyền thông là cất tiếng gáy. Và nếu có ai bảo “shut up”, lại càng gáy to.

***

Trước thềm năm Gà, mấy trăm triệu dân Mỹ đã bị đặt trước một quyết định vô cùng khó khăn. Làm giám khảo cho một trận thư hùng chưa từng có trong lịch sử: Chọn bên thắng trong trận đấu giữa hai con gà, một mái, một trống. Cuối cùng, con trống đã hơn điểm, gây cảnh phản đối ồn ào.

Trận đấu gây chấn động dư luận, vì cả hai con gà đều thuộc loại bất thường, nổi đình đám vì tiếng gáy inh tai nhức óc. Gà trống gáy là chuyện thường. Nhưng con này có tật gáy bừa, gáy nhảm, gáy thô tục, vô nguyên tắc, thuộc loại “gáy càn”. Thiến, là biện pháp thông thường dân gian đối phó với loại gà này. Gà mái gáy là chuyện lạ, thỉnh thoảng mới xuất hiện trên giang hồ. Người đời gọi là “gáy gở”, thường báo hiệu một điềm không hay, khiến người mê tín lo sợ, tìm cách loại bỏ hầu tránh tai hoạ.

Gáy gở hay gáy càn, đều mất vệ sinh. Hy vọng đó là chuyện năm cũ, và mọi sự sẽ tốt đẹp bằng năm bằng mười trong năm mới.

Đinh Từ Thức

“Tự sướng” trên lịch sử

Đinh Từ Thức

Chỉ còn mấy ngày nữa, Donald Trump sẽ tuyên thệ chính thức trở thành Tồng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Tuy là một nước dân chủ liên tục có truyền thống lâu đời và sự chuyển quyền giữa các tổng thống diễn ra trật tự nhịp nhàng nhất thế giới, đôi khi cũng không tránh khỏi những trục trặc nhỏ giữa kẻ mới, người cũ.

Tổng Thống tân cử Donald Trump (trái), Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-GA)

 Tổng Thống thứ nhì John Adams đã một mình lên xe ngựa, âm thầm rời Nhà Trắng lúc 4 giờ sáng, tránh gặp mặt Tổng Thống tân cử Thomas Jefferson, cũng là Phó Tổng Thống và đối thủ của mình, vào ngày Lễ Tuyên Thệ của ông, mùng 4 tháng Ba năm 1801. Tổng Thống tân cử thứ 34, Dwight Eisenhower (Cộng Hòa) đã khinh thường Tổng Thống mãn nhiệm Harry Truman (Dân Chủ), vốn là cấp trên của mình, qua hành động không vào Nhà Trắng, ngồi trong xe đậu ngoài cửa, đợi Tổng Thống Truman ra rồi cùng lên Quốc Hội dự lễ tuyên thệ, ngày 20 tháng 01, 1953.

Năm nay, không đến nỗi như thế. Tuy Tổng Thống Obama từng nói thẳng ông Donald Trump không thích hợp cho chức vụ tổng thống, nhưng đó là chuyện khi tranh cử. Ba trong bốn cựu tổng thống, cả ông bà Clinton, cùng với ông bà Obama, chắc không vui trong lòng, ít ra cũng dành cho tân Tổng Thống Donald Trump cách đối xử lịch sự tối thiểu.

Tuy nhiên, Dân Biểu John Lewis từ tiểu bang Georgia, nhân vật nổi tiếng từng đồng hành với Mục Sư Martin Luther King trong cuộc tranh đấu nhân quyền từ thập niên 60 thế kỷ trước đã khơi mào cuộc tẩy chay một tuần trước Lễ Tuyên Thệ. Ông nói với NBC rằng ông Trump không phải là tổng thống hợp pháp, và ông sẽ không tham dự Lễ Tuyên Thệ. Trong khi Phó Tổng Thống tân cử Mike Pence đề nghị ông Lewis nghĩ lại, ông Trump đả kích trên Twitter rằng ông Lewis chỉ nói mà chẳng làm gì cả, nên giúp đỡ đơn vị mình hơn là than phiền về vai trò của nước Nga. Cho đến ngày 15 tháng 01, ít nhất 25 dân biểu đã theo chân ông Lewis, tẩy chay Lễ Tuyên Thệ của ông Trump.

Người viết từng trực tiếp theo dõi mười cuộc bầu cử và lễ tuyên thệ tổng thống Mỹ, không thấy lần nào có những chuyện khác thường như lần thứ mười một này.

Thông thường, dư luận nhắc nhở người mới đắc cử sớm thực nhiện những lời hứa của mình khi tranh cử. Với ông Trump, dư luận có vẻ nhẹ nhõm thấy ông từ bỏ một số lời hứa trước bầu cử. Trong cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 11 với hãng tin AP, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ lạc quan nhận xét rằng ông Trump “đang có những dấu hiệu thay đổi so với những gì ông đã tuyên bố”. Ông Obama cũng hy vọng khi chính thức làm tổng thống, ông Trump sẽ làm khác những gì đã nói khi tranh cử. Điều này mang ý nghĩa ông Trump thắng cử nhờ những tuyên bố không nên thực hiện, hoặc nếu cố thực hiện, sẽ là nỗi thất vọng của nhiều người.

Kết quả bầu cử vào sáng 09 tháng 11 nổi lên như một làn ranh chia đôi nước Mỹ. Kết quả chính thức cuộc bầu cử được Quốc Hội phê chuẩn ngày 19 tháng 12, 2016, cho biết ông Trump bỏ xa bà Clinton về phiếu cử tri đoàn, 304 trên 227, nhưng bà Clinton hơn ông Trump gần ba triệu phiếu cử tri đại chúng. Ông Trump nói mà không nêu bằng chứng rằng, đáng lẽ ông cũng hơn bà Clinton cả về phiếu đại chúng, nếu trừ đi hàng triệu phiếu bất hợp lệ đã bỏ cho bà. Cùng trong một cuộc bầu cử, nếu hàng triệu phiếu bầu cho bà Clinton bị coi là không hợp lệ, những phiếu bầu cho ông Trump giá trị thế nào? Không thể chối cãi ông Trump đã đắc cử theo hiến pháp liên bang. Cũng không thể chối cãi, số người chấp nhận ông ít hơn số người ủng hộ bà Clinton. Nói khác đi, người chống ông đông hơn người ủng hộ ông. Khó thực hiện ý muốn làm tổng thống của mọi người, khi chỉ được sự ủng hộ của thiểu số. Ngoài ra, ông Trump còn ở vị trí giữa hai làn đạn. Không thực hiện được những lời hứa khi tranh cử, sẽ bị những người bỏ phiếu cho ông chống đối vì thất hứa. Cố gắng thực hiện những lời hứa, sẽ bị phía chống đối coi ông như kẻ thù.

Người dân Mỹ ở nhiều nơi xuống đường phản đối ông Donald Trump như cuộc biểu tình này ở Florida hôm 16/11 (Hình Reuters. Trên BBC Nov. 17, 2016)

Trong diễn từ ngay sau khi biết kết quả đắc cử, ông Trump tuyên bố “tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ”. Ước vọng của ông đã được trả lời bằng những cuộc biểu tình của những người chống đối diễn ra tại nhiều nơi, trong cả tuần lễ. Chiều Thứ Năm, 10 tháng 11, lúc 6:19 phút, trên Twitter, ông gọi những người biểu tình là bọn chống đối chuyên nghiệp, bị truyền thông xúi bẩy (professional protesters, incited by the media, are protesting). Chỉ sau một đêm, sáng Thứ Sáu, lúc 6:14 phút, ông đổi giọng, nói ông yêu sự kiện có một nhóm nhỏ người chống đối đã có tình yêu nồng nàn đối với đất nước vĩ đại của chúng ta (Love the fact that the small groups of protesters last night have passion for our great country). Sự thay đổi cái nhìn của ông về những người biểu tình không làm họ thay đổi. Họ vẫn thế, vẫn chống ông, dù ông có cái nhìn khác về họ.

Chưa cần biết ông Trump làm gì hay sẽ làm được gì, nửa nước bỏ phiếu cho ông đã có thể thoả mãn. Thái độ bất mãn của những người phản kháng đã gây được tiếng vang, và bà Clinton đã bị chặn. Nửa nước tin tưởng bà Clinton, hay muốn dùng bà để chặn ông Trump, bị thất vọng ê chề. Họ không thù hằn gì ông Trump, nếu ông không ứng cử và đắc cử. Vì ông nên họ bị thất vọng. Họ sẽ chống ông, chừng nào ông vẫn là tổng thống.

Ông Trump là một nhà kinh doanh giầu nhất so với những người đắc cử tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ. Hiến pháp và luật pháp không bắt buộc tổng thống từ bỏ công việc kinh doanh của mình trong thời gian tại chức. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn theo lệ tạm thời bỏ việc kinh doanh riêng để có thể dành toàn thời gian và khả năng của mình cho việc công, đồng thời, tránh việc xung đột lợi ích giữa công và tư. Ba tuần sau khi đắc cử, ông Trump cho biết ông sẽ cùng lúc điều hành cả việc tư lẫn việc công, vì ông có thể làm tốt cả hai việc. Chỉ mấy ngày sau, ông lại thay đổi, nói ông sẽ từ bỏ hết việc riêng để chỉ lo việc công. Một lời nói, một việc làm của Tổng Thống Mỹ, không chỉ có ảnh hưởng toàn nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng trên thế giới. Một người lái tầu đổi hướng từng ngày, sẽ đưa con tầu đi tới đâu?

Việc chọn lựa thành phần chính phủ mới của ông Trump cũng gây nhiều tranh cãi, ngay cả trong số những người thân cận của ông, ví dụ sự lựa chọn người vào ghế Ngoại Trưởng. Đến khi danh sách chọn lựa của ông được gửi cho Thượng Viện phê chuẩn, qua các cuộc điều trần, nhiều nhân vật do ông chọn đã phát biểu không giống hay trái ngược hẳn những gì ông từng tuyên bố. Khi có người thắc mắc, ông trả lời trên Twitter rằng họ đều là những người tốt, họ nói ra suy nghĩ của họ, không phải suy nghĩ của ông. Nếu họ được chấp nhận là thành viên của chính phủ mới, ý kiến của họ hay của ông sẽ được thi hành?

Ngoài những xung khắc quyền lợi về tài chánh, ông Trump còn chính thức chọn con rể Jared Kushner, 35 tuổi, làm cố vấn đặc biệt của Tổng Thống. Khi Tổng Thống thứ 35 John Kennedy chọn em ruột mình là Robert Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp, dư luận đã bất bình, tuy rằng chức vụ này được Thượng Viện Quốc Hội chấp thuận. Chức Cố Vấn của Kushner không cần Quốc Hội chấp thuận, lại càng dễ gây dị nghị về gia đình trị.

Bên cạnh những chống đối về đường lối chia rẽ, về xung khắc quyền lợi gia đình, nếp sống cá nhân của ông Trump còn bị nhiều dị nghị hơn nữa. Nhiều người, kể cả những nhân vật nổi tiếng đạo đức, có một hay nhiều bộ xương trong tủ áo của mình (skeleton in the closet). Nếu chỉ là người thường, chẳng ai biết trong tủ áo của họ có gì. Nhưng khi thành tổng thống, dưới ánh sáng của những ngọn đèn truyền thông và tình báo của cả bạn lẫn thù, mọi sự thật trần trụi đều không thể che dấu. Tiền bán thế kỷ 20,Tổng Thống thứ 32, Franklin Roosevelt giấu được hình ảnh tê liệt của mình trước mắt công chúng trong hàng chục năm, nhờ được báo chí và cơ quan an ninh hợp tác, không phổ biến những hình ảnh Tổng Thống ngồi xe lăn. Thời đại Internet đã khác xa. Những phủ nhận tức thời trên Twitter đều vô dụng nếu quả thật có những bộ xương trong tủ áo, nhất là khi ông Trump đẩy giới truyển thông và tình báo vào hàng ngũ kẻ thù.

Thành công của ông Trump không do kinh nghiệm chính trị, tài năng chuyên môn hay đạo đức nổi bật. Ông thành công nhờ huy động được sức mạnh nhất thời, như lực sĩ cử tạ nâng được một khối nặng kỷ lục trước sự kinh ngạc của mọi người. Nhưng thành công này không phải ở chỗ có thể giữ mãi khối nặng đó trong tay, mà chỉ giữ một thời gian ngắn vừa đủ, trước khi buông nó một cách an toàn. Đắc cử, ông Trump đã đạt thành tích kỳ diệu, nâng được nỗi bất mãn của trên sáu chục triệu cử tri lên trước công luận. Phần tiếp theo, ông cần buông khối nặng của mình đúng lúc, nếu không, chính cái khối đó sẽ làm ông bị thương tổn. Nhất là khi lực sĩ bị tai tiếng thành công nhờ thuốc tăng lực từ nước ngoài.

Càng gần Lễ Tuyên Thệ nhậm chức của ông Trump, người viết càng cố nghĩ ra một lối thoát có thể tạo đoàn kết, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, mọi phía:

Trưa ngày 20 tháng 01, 2017. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng Thống, rồi Tổng Thống, diễn ra như thường lệ. Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên sau khi tuyên thệ, Tổng Thống Donald Trump nói với toàn dân Mỹ tất cả những sai trái cần sửa chữa, như sự ích kỷ và quá tham lam của những người giầu có, chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng… , chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình mà bỏ rơi tầng lớp lao động, công nhân viên thuộc thành phần thấp của giai cấp trung lưu. Ông cũng nói cho thế giới biết rằng, trong tình trạng kỹ thuật tiến nhanh chóng mặt như hiện nay, toàn cầu hoá là điều không thể tránh. Nhưng điều này không có nghĩa các nước mặc sức áp dụng những mưu mô không ngay thẳng, như ép công nhân làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt, hay trợ cấp xuất cảng hoặc định giá hối xuất thấp, gây thiệt hại cho các nước khác. Đồng thời, cũng nói với các tôn giáo lớn phải chịu trách nhiệm về những phe nhóm quá khích, cực đoan. Không thể làm ngơ trước các chủ trương hay hành vi dã man, bạo ngược của họ. Nhất là những quốc gia nhận một tôn giáo là quốc giáo, càng cần phải có trách nhiệm diệt trừ tận gốc những chủ trương và hành vi tàn ác, vô nhân đạo, núp dưới vỏ bọc tôn giáo.

Cuối diễn văn, ông có thể kết luận, đại ý:

Lịch sử đã chứng minh, chúng ta có thể phục vụ đất nước bằng nhiều cách. Có khi chiến đấu ngoài mặt trận, có khi dấn thân trên chính trường, hay cả khi từ chối một địa vị cao cả, cũng là một cách phục vụ hữu hiệu. George Washington đã phục vụ bằng cả ba cách vừa kể. Sau khi lãnh đạo thành công cuộc chiến dành độc lập, ông đã không quản ngại dấn thân trên chính trường. Cuối cùng, nếu muốn, ông có thể làm vua, hay tổng thống mãn đời. Nhưng ông đã không làm như vậy. Quyết định cuối cùng này đã giúp nước Mỹ trẻ trung trở thành quốc gia già nhất về truyền thống dân chủ trên thế giới. Tôi kính cẩn biết ơn các thế hệ nối tiếp nhau đã và đang chiến đấu dưới quốc kỳ Sao Sọc để bảo vệ lãnh thổ, quyền lợi và các giá trị tinh thần của nước Mỹ tại khắp nơi trên thế giới, tuy tôi chưa hề có cơ hội làm công việc vinh dự này. Ở tuổi đáng lẽ nên nghỉ hưu, trước những nghịch cảnh, bất công và sa sút của xã hội, tôi đã quyết định dấn thân về chính trị, cương quyết làm cho nước Mỹ giầu mạnh trở lại. Với sự giúp sức của hàng triệu, hàng chục triệu người, kết quả là hôm nay, như mọi người đang chứng kiến. Tôi cũng đã chọn xong thành phần cho tân chính phủ, để bắt đầu thực hiện những cam kết mới.

 Tuy nhiên, như đã nói tại Cleveland hồi tháng Bảy, “chỉ mình tôi” có thể giải quyết nổi những vấn nạn của đất nước hôm nay. Sau khi ý thức được toàn thể gánh nặng trên vai, sau khi nhận biết một tình trạng chia rẽ đang manh nha có thể nguy hại cho quyền lợi quốc gia, sau khi cân nhắc giữa quyền lợi chung và lợi ích riêng, để tạo đoàn kết thực sự trong toàn dân, tôi quyết định từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ, từ bỏ một chức vụ cao quý và quan trọng nhất hành tinh mà tôi vừa hân hạnh tuyên thệ nhậm chức. Người đồng hành với tôi là Phó Tổng Thống Pence sẽ thay tôi thực hiện các cam kết mới. Tôi đề nghị người kế vị tôi sớm chọn một phụ nữ để Quốc Hội chấp thuận đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thống theo quy định của Tu Chính Hiến Pháp thứ 25. Quyết định từ chức của tôi có hiệu lực tức thì.

 Xin mời Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên thệ nhậm chức Tồng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

 Xin Chúa phù hộ nước Mỹ, phù hộ Tân Tổng Thống Pence, và tất cả chúng ta.

Quyết định từ chức của ông Trump, nếu đạt được, sẽ là một thắng lợi vô cùng to lớn cho cả nước Mỹ, cá nhân và gia đình ông.

Trước hết, cả thế giới, bạn cũng như thù, sẽ kính phục nước Mỹ đã tạo cơ hội cho người dân thực sự thi hành quyền làm chủ của mình, cơ hội thực sự quyết định vận mạng của đất nước, và người dấn thân làm việc nước, không phải do yếu tố quyền lợi hay địa vị cá nhân, mà hoàn toàn vì lợi ích quốc gia; sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho triển vọng đoàn kết quốc gia. Một đất nước như thế, không có loại võ khí hay sức mạnh nào có thể chống lại được. Sự kiện này sẽ hữu hiệu hơn bất cứ tài liệu tuyên truyền nào nước Mỹ có thể làm được, dù tốn kém tới đâu, để chinh phục dư luận thế giới.

Khi ông Trump thắng cử, nửa nước thoả mãn, nửa nước thất vọng. Khi ông Trump từ chức, cả nước thoả mãn. Những người bầu bà Clinton đề chặn ông sẽ  thoả mãn, vì ông không còn là tổng thống. Những người muốn có một nữ tổng thống, sẽ sớm có một nữ phó tổng thống, bước đầu để hoàn thành ước mong.

Về cá nhân, là tổng thống giầu nhất, quyền lợi vật chất do chức tổng thống đem lại không đáng kể. Ông đã từ chối lương tổng thống 400.000 USD một năm, khu gia cư ở Nhà Trắng không sang bằng cư sở hiện tại của ông. Hơn nữa, chỉ có 6% dân Thủ Đô Washington bỏ phiếu cho ông, trong khi 93% bầu cho Bà Clinton. Sống giữa một nơi hầu hết mọi người không ưa mình, Bạch Ốc, thay vì là “Ngôi Nhà của Dân” (People House), có khác gì nhà tù giữa nhân dân? Từ chức, ông Trump và gia đình thoát được cảnh tù túng này. Không là tổng thống của mọi người, ông trở thành cựu tổng thống của cả nước. Tuy chỉ giữ chức vụ trong thời gian đọc diễn văn nhậm chức, ông vẫn là Tổng Thống thứ 45 trong lịch sử, vẫn được gọi là tổng thống đến hết đời, và được kính trọng như bậc trưởng thượng của quốc gia ở địa vị cựu tổng thống, một địa vị mà tám tổng thống trong lịch sử, kể cả các tổng thống nổi tiếng như Lincoln, Roosevelt, và Kennedy đã không đạt được. Ngoài ra, ông có toàn thời gian cho việc kinh doanh cá nhân, và tweets vô giới hạn. Chủ trương và chính sách ông đã đề ra cho tân chính phủ thực hiện, nếu thành công, là do ông. Nếu thất bại, ông không chịu trách nhiệm.

Học sinh trung học ở thủ đô Washington D.C. biểu tình chống tổng thống đắc cử Donald Trump, cuộc tuần hành bắt đầu từ khách sạn Trump International đến Tòa án Tối cao ngày 15/11/2016 (Hình trên VOA Nov. 16, 2016).

Trên đây là kịch bản tối ưu. Nếu không đủ bản lãnh thực hiện, ông Trump vẫn còn cơ hội với kịch bản thứ nhì: Sau Lễ Tuyên Thệ, theo đúng truyền thống, ông Trump vào Nhà Trắng, bắt đầu thực hiện những điều đã cam kết sẽ làm trong một trăm ngày đầu nhiệm kỳ. Sau ba tháng, qua Thông Điệp về Tình Trạng Liên Bang đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội, ông thẳng thắn cho quốc dân biết ông đã hứa những gì, đã làm được những gì, đã gặp những khó khăn nào, và chủ trương sẽ làm gì trong tương lai. Không còn là những tuyên bố huyênh hoang, bốc đồng, hay khích động của những ngày vận động tranh cử, mà là chủ trương và chính sách khả thi, có thể tạo đồng thuận để cùng nhau thực hiện. Đồng thời, ông cũng nói cho toàn dân biết rằng, ông chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ, nếu thực sự được chấp thuận của đa số. Để biết rõ lòng dân, Chính Phủ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý qua Internet (mở đầu một kỷ nguyên mới), kéo dài một tuần lễ cuối cùng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Tất cả mọi người dân đủ tuổi đi bầu đều có thể trả lời “YES” hay “NO”, để bầy tỏ ý kiến chấp thuận hay phủ nhận chủ trương và chính sách của ông. Mỗi người có thể dùng computer tại nhà mình, hay tới thư viện hoặc trường học để trả lời, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Nếu đa số YES, ông tiếp tục cầm quyền với tư thế mới, thực sự là tổng thống được đa số dân chúng uỷ nhiệm cho một sứ mạng. Nếu đa số NO, ông từ chức ngay, như Charles de Gaulle đã làm năm 1969. Làm được như vậy, trong cả hai trường hợp, đều có lợi cho nước Mỹ, nhờ tạo được đoàn kết trong toàn dân, trong khi ông Trump được kính trọng hơn, và chẳng mất gì.

Từ sau khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần khoe ông thắng lớn, và thắng dễ dàng. Nhưng từ chức ngay sau khi nhậm chức là điều khó hơn, vì đắc cử là thắng ngừơi khác, từ chức là thắng chính mình.Thắng mình khó hơn thắng người.

Nếu kịch bản một và hai không thực hiện được, kịch bản ba có thể cứu đảng Cộng Hoà, nhưng không tốt cho ông Trump. Một người thiếu kinh nghiệm về chính trị, không có thói quen tôn trọng các nguyên tắc đạo lý và luật pháp, không theo quy tắc của kinh tế tự do; ông Trump còn là người hay thay đổi ý định, rất dễ phạm những sai lầm nghiêm trọng. Khi đó, đảng Cộng Hoà, nếu không muốn trôi theo cùng với ông Trump, sẽ phải ra tay tự cứu mình. Thích đánh bóng tên tuổi cá nhân như ông Trump, là người thuộc loại “da mỏng” (thin skin), dễ giận dữ nóng nảy, nhưng cũng dễ nhượng bộ. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, nếu ông Trump có sai lầm nghiêm trọng, đảng Cộng Hoà, không nên ỷ thế đa số tại cả hai viện, làm ngơ hay bao che cho ông. Ngược lại, cần làm áp lực để ông từ chức, và nếu cần, tiến hảnh thủ tục bãi nhiệm (impeachment). Hãy áp dụng câu nói cửa miệng của ông Trump trong “The Apprentice” cho chính ông: “You’re Fired!” Nếu không, đảng Dân Chủ sẽ có cơ hội chiếm đa số trong kỳ bầu cử năm 2018, làm cho triển vọng phục hưng đảng Cộng Hoà thêm xa vời.

***

Những biến chuyển thời cuộc bất thường bỗng nhiên biến Donald Trump thành một khách lữ hành dạo chơi trên khu vườn lịch sử. Với chiếc cell phone trong tay, cùng với thói quen tweets liên hồi, ông, và chỉ mình ông có thể chọn cho mình một vị trí, chụp hình “tự sướng” (selfies) với George Washington (kịch bản một), với Charles de Gaulle (kịch bản hai), hay với Richard Nixon (kịch bản ba).

Đinh Từ Thức

 

Từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, GS. Trần Quang Quyến nhìn về tương lai qua tướng pháp Ngô Hùng Diễn

Sơn Tùng & Bích Hải

tqq3

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ kéo dài hơn một năm với nhiều ồn ào, sôi nổi đã kết thúc vào ngày mồng 8 tháng 11, 2016 mà trước đó hầu hết những nhà quan sát chính trị, báo chí, truyền thông, kể cả các chiêm tinh gia trong và ngoài nước Mỹ đều tiên đoán bà Hillary sẽ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhưng kết quả đã trái ngược hẳn trước sự sững sờ ngạc nhiên của mọi người. Trong khi đó GS. Trần Quang Quyến, một người nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã thấy trước là ứng cử viên Donald Trump sẽ đắc cử.
Qua sự nghiên cứu theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn dựa trên tướng mạo và thần khí của hai ứng cử viên, ông Trần Quang Quyến đã nhìn thấy không những kết quả của bầu cử mà còn tiên đoán về những gì sẽ xảy ra trên chính trường nước Mỹ và tình hình thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump.
Những điều này đã được ông Trần Quang Quyến nghiên cứu và phát biểu với một số thân hữu, đồng thời có ghi lại trong cuốn sách của ông hai tháng trước ngày bầu cử.
Việc ông Trần Quang Quyến tiên đoán đúng kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi điện thư chúc mừng của bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Võ Thành Nhân (giám đốc đài SBTN/DC) và nhiều bạn hữu khác tới GS. Quyến ngay vào sáng sớm ngày mồng 9 tháng 11, 2016. Điều này không làm nhiều người ngạc nhiên vì GS. Trần Quang Quyến đã được biết đến như một nhà nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong hơn 60 năm nay. Ông đã xuất bản hai cuốn sách: “Tướng pháp Ngô Hùng Diễn” (*) (dày ngót 300 trang khổ lớn, bìa cứng, phát hành năm 2010, tái bản năm 2016) và cuốn tiếng Anh “Physiognomy: The Art of Reading People” (**) (ngót 600 trang, do Amazon ấn hành tháng 9 năm 2016). Qua hai tác phẩm này, tác giả đã có dịp nghiên cứu về tướng mệnh của nhiều người trong giới chính trị tại Mỹ và thế giới trong đó có Tổng thống Obama, Công chúa Diana, Tổng thống Clinton cùng phu nhân, bà Hillary Clinton, và tân Tổng thống Donald Trump. Việc này đã đưa đến lời tiên đoán về sự đắc cử của ông Donald Trump.

tqq-2-books
Chúng tôi đã đọc hai tác phẩm của GS. Quyến cũng như theo dõi và nhận định về những hoạt động của ông nên trong dịp này đã tiếp xúc với ông để được nghe giải thích thêm về áp dụng tướng pháp Ngô Hùng Diễn vào từng nhân vật.
GS. Quyến là học trò đắc ý của cụ Ngô Hùng Diễn. Ông là người đã tiên đoán rằng những việc làm và thành quả của Tổng thống Obama trong 8 năm lãnh đạo đất nước được thực hiện giống như một vở kịch mà ông Obama là người đóng vai chính. Khi màn hạ xuống là mọi việc sẽ chấm dứt, không để lại thành tích hay di sản gì đáng kể. Trước đó, GS. Quyến cũng là người đã tiên đoán công chúa Diana sẽ không bao giờ trở thành hoàng hậu ngay khi lễ cưới của công nương đang diễn ra. Và ông cũng tiên đoán vợ chồng nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Lê Uyên và Phương, sẽ ly dị trong thời gian ngắn sau khi đặt chân lên nước Mỹ tị nạn.

hillary
Về bà Hillary Clinton, trong giai đoạn tranh cử, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn (TP NHD) được thấy như sau: các bộ vị tướng của bà đều có hình tròn và thần tròn, thần khí bà suy yếu. Xét về tính cách “đi bộ”, theo quan niệm “chủ – khách”, việc tranh cử của bà không thuận lợi lắm vì chủ thì yếu, khách thì đông và hỗn tạp. Nói rõ ra, theo quan niệm “chủ – khách” trong TP NHD thì bà Hillary là chủ, những người phụ tá cho bà được coi là “khách”. Vì hình tròn và thần tròn, cho nên khi gặp những cản trở trên đường tranh cử, bà Hillary không giải quyết một cách triệt để được. Người gần gũi nhất là chồng bà thì thần khí rối loạn và suy thoái, nên không những không giúp được cho bà mà còn gây khó khăn thêm cho bà. Cũng như vậy, những phụ tá thân thiết của bà cũng gây nhiều khó khăn cho bà. Đứng về lý mà nói, sự thất bại của bà là do bà hai phần và phụ tá của bà ba phần. Thần khí suy đồi còn là một yếu tố quan trọng liên quan tới sự sáng suốt và khả năng chống cự bệnh tật của cơ thể. Điều này nhận thấy qua thái độ bơ thờ của bà và sự thiếu minh mẫn của trí óc.
Cuộc đua vào toà Bạch Ốc ví như một cuộc đua ngựa. Bất kỳ yếu tố nhỏ nào gây ra sự chậm chạp cũng dẫn đến sự thất bại. Còn một yếu tố tối quan trọng nữa theo quan niệm TP NHD là bà đã phạm một lỗi lầm trầm trọng cho dù vô tình hay hữu ý cũng do thiếu tâm tướng, khi bà đã làm ngơ hơn 600 lời cầu cứu mạng của cố Đại sứ Christopher Steven và 3 nhân viên của ông tại Benghazi, Libya, vào tháng 9, 2012.
Ngoài ra cũng nên nhắc lại một yếu tố thất bại của bà Hillary Clinton mà GS. Quyến đã tiên đoán từ mùa thu năm 2009 khi bà mới làm ngoại trưởng được 9 tháng, là nếu bà làm ngoại trưởng hơn 2 năm thì công danh của bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể tới mức độ thân bại danh liệt. Ông cũng đã nói chồng bà không giúp ích gì được cho bà.

Về phần tỷ phú Donald Trump, theo TP NHD, ông có tướng cầm thú hoà hợp giữa tướng rồng, tướng sư tử và một phần không nhỏ của chó sói. Khi ông quyết định ra khỏi “khu rừng” của ông để tranh đấu với “loài người” thì ông sẽ bị đuổi giết từ cả bốn phía. Nếu ông tiếp tục ở trong “rừng” của ông, thì ông dễ dàng sống trên 100 tuổi, tài sản sẽ kếch xù hơn, con cái thành đạt, hạnh phúc cho tới chết. Nhưng ông có trán vuông, mặt vuông, thân hình vuông, da sáng, deo dai, mắt nhỏ và ẩn sâu vào xương chân mày, vùng quyền vuông vắn, đầy đặn và rắn chắc. Người như vậy là có tướng anh hùng, gặp thời loạn không dửng dưng hưởng thụ cho cá nhân mình được. Vì hình vuông, thần vuông nên khi gặp tấn công, người này phải đứng dậy chống đỡ kịch liệt chứ không lẩn trốn được.

donald-trump-2
Trong suốt thời gian tranh cử, ông đã luôn đứng lên mãnh liệt, mặt đối mặt với đối phương. Nếu đối phương không giết được ông thì kết quả ông sẽ thắng cuộc. Tướng ông ở cuối tai, có một phần trông mọng như túi mật. Theo TP NHD, những năm sau cùng của ông, ông sẽ đạt được một thành công về sự nghiệp lớn lao nhất trong đời. Nhưng sau phần tai nổi bật đó, tai lại thu nhỏ lại, theo TP NHD là hoạ sẽ đi theo sau mỗi thành công của ông. Tóm tắt, nếu ông không bị đối phương ám hại, hay là chết do tai nạn thì ông có thể sẽ là một vị tổng thống thành công thứ nhì sau tổng thống George Washington.
Theo các nhà phân tích chính trị và các chiêm tinh gia trên thế giới thì sự đắc cử của ông Donald Trump sẽ đưa tới những rối loạn cho nước Mỹ và thế giới, sẽ làm cho vị trí của nước Mỹ sau này không còn là một cường quốc đàn anh. Nhiều người cho rằng những vấn đề ông Donald Trump muốn giải quyết trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức sẽ không đủ điều kiện để giải quyết được. Theo TP NHD, để biết những kết quả việc làm của ông trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức đòi hỏi một sự quan sát tỉ mỉ của sắc tướng, thanh tướng và thần tướng không những của ông Donald Trump mà còn của những người chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết vấn đề đó, cũng như của những người chống đối việc giải quyết vấn đề đó theo chiều hướng của ông Trump.
Dựa vào sự nghiên cứu của GS Quyến hiện nay thì những khó khăn hay những công việc có tính chất trung và dài hạn chắc chắn sẽ được giải quyết thuận lợi vì thần khí của ông Trump rất sung mãn. Vận số của một nước còn tùy thuộc vào phong thủy và phong thái các thế hệ tương lai. Phong thủy nước Mỹ còn rất tốt, chẳng hạn như vượng khí của toà Bạch ốc còn mạnh và sung mãn. Giới trẻ Mỹ phong thái càng ngày càng đẹp nói lên đất nước này còn thịnh trị trong nhiều thế kỷ. ISIS sẽ bị triệt tiêu, thế giới sẽ yên bình, cộng tác hài hoà trong tiến trình phát triển.
Trung Quốc sẽ suy thoái nếu những nhà lãnh tụ của họ dùng cường lực với lòng tham lam và độc ác để thôn tính những nước nhỏ láng giềng. Mỹ sẽ không bỏ rơi vùng biển Nam Hải và Việt Nam sẽ có cơ hội khôi phục về quân sự, chính trị và kinh tế trong một thể chế dân chủ và tiến bộ.
Tất cả những tiên đoán ở trên sẽ diễn tiến một cách thuận lợi tùy theo “THIỆN TÂM” hay “ÁC TÂM” của những nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là một thế giới tiến bộ. Tổng thống Donald Trump sẽ là người khai sáng một kỷ nguyên mới cho thế giới.
Những tiên đoán của GS Trần Quang Quyến, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã hé mở cánh cửa bí mật để nhìn vào vận mệnh của một con người, một quốc gia, và của nhân loại. Vận mệnh ấy có thể thay đổi khi con người nhận ra rằng “tướng tùy tâm”, như câu thơ bất hủ của Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Yêu ông Trump hay ghét ông Trump, không ai có thể chối cãi việc thắng cử của ông ta đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, và sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt thế giới trong nhiều năm tới. Có những thay đổi sẽ diễn ra, tốt hay xấu, có thể nhìn thấy qua hình tướng, sắc tướng, thanh tướng và thần tướng của ông cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới vào một thời điểm mà bất cứ nơi nào cũng có thể bùng nổ do sự xuẩn động của một vài người nắm quyền.

Sơn Tùng và Bích Hải
Virginia, 14.11.2016

(*): https://www.amazon.com/Tuong-Phap-Hung-Dien-Vietnamese/dp/1537636413/ref=pd_sbs_14_1?_encoding=UTF8&pd_rd_i=1537636413&pd_rd_r=N013PFSY8FF5BK3M978H&pd_rd_w=SMhkI&pd_rd_wg=zmtZ8&psc=1&refRID=N013PFSY8FF5BK3M978H

(**): https://www.amazon.com/PHYSIOGNOMY-Reading-Quyen-Quang-Tran/dp/1537570935/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1479165211&sr=1-1&keywords=physiognomy+the+art+of+reading+people

Vừa bầu vừa bực

Đinh Từ Thức

h1

Cổ nhân nói “gừng càng già càng cay”, hàm ý người càng già càng khôn ngoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều thuộc vào hàng những ứng viên già nhất, tiếc thay, cả hai đều vào hàng tệ nhất. Sống tại Mỹ trên bốn thập niên, trải qua mười cuộc tổng tuyển cử, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào lạ lùng và gây bực mình như năm nay.

Vai chính bất xứng

Trong một nước dân chủ, mỗi dịp bầu cử là cơ hội để người dân được quyền chọn lựa người xứng đáng thay mình đảm đang việc nước. Trong một hệ thống bầu cử với kinh nghiệm và truyền thống lâu đời liên tục duy nhất trên thế giới từ hơn hai thế kỷ, sau nhiều lọc lựa từ sơ bộ đến chung cuộc, từ đảng cử đến dân bầu, cuối cùng cử tri thường có quyền sảng khoái chọn lựa trước một danh sách gồm những người tài đức và những người tài đức hơn. Giống như người ra đời vào ngày 29 tháng 2, cứ bốn năm vào dịp sinh nhật được tới một nhà hàng trưng bầy toàn sản phẩm chọn lọc, được quyền lựa cho mình món giá trị nhất. Người hưởng đặc quyền đó sẽ vô cùng thất vọng và bực mình, khi phải đối diện với các món hàng được bầy ra đề lựa chọn đều là thứ quá tệ, không đủ tiêu chuẩn bình thường.

Đó là cảm nghĩ chán nản của các cử tri bình thường, không thuộc phe đảng nào. Với những người có thói quen bầu theo đảng, sự chọn lựa của họ thường dễ dàng hơn: ứng viên đại diện đảng mình là nhất, những ứng viên khác là đồ bỏ. Trong cuộc bầu cử năm nay, cả hai ứng viên chính đều khó chấp nhận, khiến “phe ta” cũng phải ngập ngừng, lưỡng lự, không tránh khỏi bực mình.

Đó không phải là suy đoán chủ quan của người viết, hay dư luận tầm phào, mà dựa trên phát biểu của người có uy tín. Ví dụ tiêu biểu, trong các điện thư viết cho người thân cận vào mùa Hè vừa qua, cựu Ngoại Trưởng Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Đại  Tướng Colin Powell, một nhân vật được báo chí coi là “Người Mỹ hợp lý cuối cùng” (The Last Rationale American, The Last Reasonable Man) nhận xét rằng, ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng Hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia và là kẻ bị quốc tế khinh bỉ. Ông ta không biết xấu hổ” (national disgrace and an international pariah. He has no sense of shame). Về ứng viên đại diện đảng Dân Chủ Hillary Clinton, cựu Ngoại Trưởng Powell nhận xét vào năm 2015: Mọi sự Hillary Clinton đụng tới bà ấy đều làm hư với sự ngạo mạn (Everything HRC touches she kind of screws up with hubris). Ông còn nói bà ấy là người tham lam, lố bịch (greedy, foolish).

Dù là nhân vật uy tín, nhận xét của Tướng Powell cũng chỉ là quan điểm của một người. Cần phải căn cứ vào những sự kiện cụ thể hơn, để đánh giá từng ứng cử viên.

*

h2

Nói nhiều, tin được bao nhiêu?

Bà  Hillary Clinton có nhiều điều đáng chê trách, do tự bà nói ra. Điểm đáng ngại nhất đối với ứng viên này là sự thiếu thành thật. Không thành thật đồng nghĩa với nói sai sự thật, không tôn trọng sự thật. Hành vi “nói sai sự thực” có mức độ trầm trọng khác nhau. Trước hết là nói gian, nói sai sự thực để đổ lỗi cho người khác. Thứ nhì là nói dối, biết rõ sự thật nhưng không nhận, sợ có hại cho mình. Cuối cùng là nói ẩu, không căn cứ trên sự thật, hay chỉ dựa vào một phần sự thật, “có ít xít ra nhiều”…

Trong ba dạng không tôn trọng sự thật vừa kể, có thể liệt bà Hillary Clinton vào dạng vừa gian vừa dối. Khi bị chỉ trích về việc dùng email tư cho việc công thời làm Ngoại Trưởng, Bà đổ gian cho một người tiền nhiệm là Ngoại Trưởng Colin Powell. Bà nói đã hỏi ông Powell, và được trả lời ông cũng làm như vậy, nên bà làm theo. Sự thật ông Powell viết cho bà Hillary là khi mới làm Ngoại Trưởng, ông có sử dụng email tư, nhưng khi được các chyên viên lưu ý rằng làm thế có thể phạm luật, ông đã thôi ngay. Bà Hillary biết vậy mà cứ làm, rồi sau lại tuyên bố là làm theo ông Powell. Rõ ràng là nói gian, cố tình làm bậy rồi đến khi vỡ lở, đổ vấy cho người khác.

Có nhiều chuyện đáng chê về bà Clinton, nhưng vụ emails là chuyện đáng ngại nhất.Theo ghi nhận của FBI: “17.448 email không được bàn giao cho tổng thanh tra. Ngoài ra còn có 33.000 email đã bị xóa”. Ông Nixon đã bị mất chức vì xóa băng ghi âm, chẳng lẽ nước Mỹ nên bầu một tổng thống khác có thói quen xóa emails?

“Theo những ghi chú của FBI, bà Clinton nói bà không hề biết một số email bà nhận được chứa thông tin bảo mật bởi vì bà không biết rằng ký hiệu “C” có nghĩa là “Classified” (bảo mật)”. Ngay cả người dân vô học cũng không thể nại cớ trước tòa để chạy tội rằng mình không biết luật. Nếu làm tổng thống, bà Hillary rất có thể sẽ vô tư bấm vào cái nút hộp đựng mật hiệu bom nguyên tử, tưởng là cái nút mở hộp kẹo xúc cù là.

Không phải khi tranh cử tổng thống bà Hillary mới có những lời phát biểu không đáng tin cậy. Từ hai chục năm trước, khi còn là Đệ Nhất Phu Nhân, cố nhà báo nổi tiếng hàng đầu của tờ New York Times là William Safire đã gọi bà là người nói dối bẩm sinh (congenital liar). Một người có tật nói dối bẩm sinh, nói dối khi là vợ tổng thống, nói dối khi tranh cử tổng thống, không hy vọng người đó sẽ hết nói dối khi thành tổng thống. Không ai cộng tác, hay mượn một người giúp việc, nếu nghi ngờ rằng họ thiếu thành thật. Ai là cử tri có trách nhiệm bầu một người gian dối làm tổng thống?

Trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ làm ứng viên tranh cử tổng thống, bà Hillary chỉ trích đối thủ của mình là ông Donald Trump: “Hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Bầu Dục (Văn phòng Tổng Thống Mỹ) trước một biến động thực sự. Một người bạn có thể khiêu khích bằng một cú tweet không phải là người chúng ta có thể tin tưởng với võ khí nguyên tử” (Imagine him in the Oval Office facing a real crisis. A man you can bait with a tweet is not a man we can trust with nuclear weapons). Không cần phải tưởng tượng, sự thật là bà Hillary đã nói câu này chẳng bao lâu sau khi Giám Đốc FBI James Comey đã chính thức phê phán bà Hillary là người “cực kỳ bất cẩn” (“extremely careless”). Trao võ khí nguyên tử vào tay một người có thành tích cực kỳ bất cẩn, có đáng sợ không?

Ngoài ra, bà Hillary Clinton còn nêu cao chủ trương bảo vệ và phát huy dân chủ, trong khi bà mạ lỵ những người ủng hộ ông Trump. Bà nói: “bạn có thể bỏ một nửa những người ủng hộ Trump vào cái tôi gọi là một giỏ tồi tệ”(you can put half of Trump supporters into what I call the basket of deplorable). Bà còn nói thêm họ là những người không thể cúu vớt và không phải là Mỹ (“irredeemable” and “not America”). Đã gọi là dân chủ thì phải biết tôn trọng những ý kiến khác biệt, kể cả những người chống lại mình. Bà Hillary đã mau chóng xin lỗi, nhưng bầu tổng thống là chọn người  sáng suốt lãnh đạo đất nước, không phải chọn người chuyên nói càn rồi xin lỗi.

*

Những người theo dõi sát cuộc bầu cử chỉ ra rằng ông Trump nói sai sự thật nhiều quá gấp đôi bà Clinton. Nhưng nếu phân loại, ông Trump nói ẩu, nói càn, nói tục nhiều hơn nói gian, nói dối. Kết thúc cuộc tranh luận tay đôi lần đầu giữa hai ứng cử viên, ông Trump chê bà Clinton không đủ bản lãnh (stamina) để làm tổng thống. Nhưng về phần ông Trump, ngay giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Hòa, như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, sau khi gượng ép ủng hộ lúc đầu, cuối cùng cũng chạy dài, từ chối hậu thuẫn cho ứng viên chính thức của đảng mình. Điều này chứng tỏ ông Trump là người không xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống.

h3

Donald Trump đi với Pam Bondi (Hình: Damon Winter/NYT)

Sau khi được tin Florida “duyệt xét những cáo buộc”(reviewing the allegations) một vụ kiện tại New York chống Trump University, ông Trump dùng tiền từ quỹ từ thiện của gia đình, ủng hộ 25.000 đô la cho quỹ tranh cử của bà Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Florida. Bà này đã không có hành động nào chống lại Trump University, và ông Trump chịu nộp phạt 2.500 đô vì đã phạm luật, dùng quỹ từ thiện cho mục tiêu chính trị.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump là người không xứng đáng. Nói càn, nói ẩu, đối với ông Trump như là một thói quen, một nếp sống. Mỗi khi bị bắt quả tang nói bậy, ông thường tỉnh bơ đáp lại “who care?” (ai cần?). Chẳng ai cần bận tâm một người có thói quen nói năng bừa bãi, nếu đó là người thường. Lời nói của một tổng thống thì khác, ai cũng “care”. Nhất là Tổng Thống Mỹ, ngoài dân Mỹ, dân nước khác cũng “care” luôn. Bầu cho một người không thận trọng lời nói của mình, không chỉ riêng đương sự, cử tri cũng bị nhục lây, và liên đới trách nhiệm.

Tại Đại hội đảng Cộng Hòa, trong phần mở đầu diễn văn quan trọng nhất của mình, ông Trump tuyên bố “chúng ta sẽ đưa đất nước trở lại an ninh, thịnh vượng và hòa bình. Chúng ta sẽ là một đất nước của bao dung và nhiệt tình. Nhưng chúng ta cũng là một nước của luật pháp và trật tự” (we will lead our country back to safety, prosperity and peace. We will be a country of generosity and warmth. But we will also be a country of law and order). Chỉ với mấy chục chữ này, đủ để chứng tỏ ông Trump là một người ba xạo:

– Cùng trong bài diễn văn, ông khoe đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sớm của National Rifle Associationn (NRA) – một hội rất mạnh, cương quyết bảo vệ quyền có súng của mọi người (I received the early and strong endorsement of the National Rifle Assn). Nỗi bất an chính trong xã hội Mỹ hiện nay là quá nhiều người có súng. Làm thế nào đem lại sự bình an khi được National Rifle Association ủng hộ mạnh mẽ?

– Ông Trump hứa làm cho đất nước thịnh vượng và hòa bình, trong khi thú nhận chính mình là người đã góp phần làm cho đất nước bị nhũng loạn, đổ vỡ. Trong cuộc vận động sơ bộ, ông nói: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng chế độ của chúng ta đã đổ vỡ. Tôi đã cho rất nhiều người… Tôi cho mọi người. Khi họ gọi, tôi cho. Và bạn biết không? Vài ba năm sau, khi tôi cần điều gì từ họ, tôi gọi, và họ sẵn sàng giúp tôi” (I will tell you that our system is broken. I gave to many people, I give to everybody. When they call, I give. And do you know what? When I need something from them two years later, three years later, I call them, they are there for me). Ông còn nói rõ rằng những người nhận tiền rồi đáp lại bằng việc làm, “không nhất thiết họ làm những gì đúng cho đất nước. Họ sẽ làm những gì phù họp với quyền lợi đặc biệt của họ, của người cho tiền, của các nhà vận động… . Không tốt cho đất nước” (They won’t necessarily do what’s right for the country. They’ll do what’s right for their special interests, their donor, their lobbyists, et cetera. Not good for the country). Trong cuộc vận động tại Iowa vào đầu năm 2016, ông Trump nói thẳng: “Tôi phải cho họ, vì khi tôi cần gì, tôi sẽ đạt được. Khi tôi gọi, họ hôn đít tôi (“I’ve got to give to them, because when I want something, I get it. When I call, they kiss my ass”).

Nói vậy rồi ông Trump vỗ ngực tự khoe: “Không ai biết rõ chế độ hơn tôi, đó là điều tại sao chỉ mình tôi có thể sửa chữa nó” (Nobody knows the system better than me, which is why I alone can fix it). Một người chủ động góp phần vào việc làm cho chế độ và xã hội băng hoại, rồi tự phụ chỉ có mình sửa được những sai lầm đó, khác gì một kẻ cướp yêu cầu mọi người chọn mình làm lãnh chứa, vì chỉ có mình biết được cách đem lại an bình thịnh vượng.

– Ông Trump hứa hẹn một đất nước bao dung và nhiệt tình, trong khi ông hô hào cấm cửa dân di cư, không chỉ cấm bằng luật pháp, mà cụ thể bằng cách xây tường ngăn cách. Ngoài ra, ông tuyên chiến với nhiều thành phần, cả người cùng đảng, và dọa bỏ tù cả đối thủ của mình. Ông nói về bà Clinton: “Giam mụ ấy lại là đúng. Mụ ấy phải vào tù” (“Lock her up is right”. “She has to go to jail”). Dân chủ, bao dung và nhiệt tình không phải là nhốt đối thủ vào tù.

– Qua các phát biểu vận động, cũng như qua diễn văn chính tại Đại Hội đảng Cộng Hòa, ông Trump luôn nhắc tới luật pháp và trật tự. Ông tự xác nhận là ứng cử viên luật pháp và trật tự trong cuộc đua vào Nhà Trắng (In this race for the White House, I am the law-and-order candidate). Có nhiều người đã tố ông Trump xàm xỡ với phụ nữ, hay hàng chục năm không đóng thuế. Tuy ông Trump chưa bị xử về tội xàm xỡ với phụ nữ hay chuyện tránh thuế, đã có bằng chứng rõ ràng ông coi thường luật lệ. Riêng tại tiểu bang Florida, cũng có vàì vụ. Việc dùng quỹ từ thiện ủng hộ quỹ tranh cử của bà Pam Bondi là một. Ông làm chủ một câu lạc bộ nổi tiếng sang trọng – Mar-a-Lago Club — ở Palm Beach, Florida. Cách đây đúng 10 năm, tháng 10, 2006, ông cho dựng tại đây một cột cờ cao tới 24 mét, trong khi luật định giới hạn của vùng này chỉ có 13 mét, để treo lá cờ lớn 6.1×9.1 mét. Hội Đồng Thành Phố đã phạt ông mỗi ngày 1.250 đô la, cho đến khi nội vụ được giải quyết.

h4

Cột cờ và quốc kỳ ngoại khổ tại Mar-a-Lago

Ngoài ra, qua những tài liệu được tiết lộ gần đây mà chính ông Trump đã phải xin lỗi, ông đã có những phát biểu và cử chỉ qúa tục tỉu, không thể chấp nhận đối với một kẻ phàm phu tục tử, huống chi là một nguyên thủ quốc gia. Nhà truyền thông Billy Bush nghe ông nói bậy hơn mười năm trước mà không tỏ thái độ, đã bị cách chức. Chỉ nghe ông nói bậy đã đáng bị mất chức, còn kẻ nói bậy là ông, sẽ thành tổng thống? Trên mạng internet có lưu truyền lời kêu gọi của những người xưng là Công Giáo, hô hào bỏ phiếu cho Trump, vì bỏ phiếu cho Hillary có thể bị sa Địa Ngục. Nếu trên Thiên Đàng có mặt những người như Trump, với bàn tay bạch tuộc, thật đáng ngại cho các Thánh Nữ. Cũng trên mạng phát tán lời ca tụng Trump là người trung thành, không bao giờ bỏ ai (ngoài hai người vợ đầu). Cách đây tám năm, Trump đã ủng hộ tiền cho bà Hillary tranh cử chống lại Obama, khen bà là người rất tài năng và thông minh. Hơn nữa, nếu chỉ cần trung thành để làm tổng thống, tốt hơn, nên bầu cho một con chó.

Vai phụ chọc giận

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ngoài vai chính là cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều khó chấp nhận, những vai phụ chung quanh cuộc bầu cử cũng đóng góp vào việc khiến dư luận bực mình.

Đầu tiên là phía tư pháp, theo truyền thống phân quyền của Mỹ, tư pháp không xía vào công việc của hành pháp, trừ khi được yêu cầu phân xử như trong cuộc bầu cử năm 2000. Năm nay, gần nửa năm trước cuộc bầu cử, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Ginsburg nói với báo New York Times và hãng thông tấn AP rằng bà “rất, rất, rất không muốn thấy Donald Trump đắc cử tổng thống”. Còn nhớ, vào cuối tháng Giêng năm 2010, trong Thông Điệp Liên Bang trước Quốc Hội, Tổng Thống Obama đã chỉ trích Tối Cao Pháp Viện về một phán quyết trước đó có liên hệ tới quỹ vận động tranh cử, một trong các Thẩm Phán TCPV hiện diện là Samuel Alito đã tỏ vẻ khó chịu, miệng lẩm bẩm điều gì, không ai nghe rõ. Các hãng truyền thông ngay sau đấy đã phóng lớn hình ảnh và âm thanh, đoán rằng ông đã nói “not true”, chỉ trích Tổng Thống nói không đúng sự thật. Dư luận đã bàn tán sôi nổi vể vụ này, chỉ trích cả Tổng Thống và Thẩm Phán Tối Cao. Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch chê Tổng Thống “lỗ mãng” (rude), trong khi Nghị Sĩ Dân Chủ Russel Feingold chê Thẩm Phán TC “vô lối” (inappropriate). So với vụ này, phát biểu của bà Ginsburg phải nói là vừa lỗ mãng, vừa rất, rất, rất vô lối. Do đó, trước dư luận sôi nổi, Bà đã phải mau mắn công khai xin lỗi, thú nhận hối tiếc về phát biểu thiếu suy nghĩ của mình. Khi một TPTC thú nhận phát biểu của mình thiếu suy nghĩ chín chắn, không tránh được nhiều người tự hỏi, thế còn ý kiến của bà trong những phán quyết quan trọng hàng đầu, thì sao? Nếu trong cuộc bầu cử này có chuyện kiện tụng trước TCPV giữa hai phía Trump và Clinton, sẽ có vấn đề bà Ginsburg phải hồi tị (không tham dự xét xử), vì bà đã từng công khai bầy tỏ ác cảm với Trump, ý kiến của bà sẽ thiếu vô tư. Điều này có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.

Tổng Thống Obama cũng có lời lẽ gây bực mình. Trong diễn văn vận động cho Hillary Clinton tại Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia cuối tháng Bảy, Obama tuyên bố “Tôi có thể nói với tin tưởng rằng đã không hề có một người nam hay nữ — không phải tôi, không phải Bill, không phải bất cứ ai – có khả năng hơn Hillary Clinton để phục vụ ở địa vị tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ” (I can say with confidence there has never been a man or a woman — not me, not Bill, nobody — more qualified than Hillary Clinton to serve as president of the United States of America). Bất cứ ai khác cũng có thể tâng bốc như vậy, trừ Obama. Trong cuộc vận động tranh cử 8 năm trước, Hillary từng là đối thủ nghiêng ngửa của Obama. Chính Obama đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông ta xứng đáng làm tổng thống hơn Hillary. Bây giờ, sau khi làm tổng thống gần hết hai nhiệm kỳ, ông nói ngược lại, cả quyết rằng Hillary xứng đáng hơn ông, và bất cứ ai. Vậy, một là cử tri mù quáng đã chọn lầm người, hai là ông thuộc loại ba xạo.

Nhân vật thứ ba gây bực mình là ông chồng của bà Hillary, cựu Tổng Thống Bill Clinton. Khen vợ trong cuộc vận động tranh cử, nhất là khi vợ đóng vai chính, là điều bắt buộc. Nhưng khen phải cho đúng, hay đừng quá lộ liễu trái ngược với thực tế. Cũng tại Đại Hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia, với tài ăn nói đáng giá hàng trăm ngàn hay có khi hàng triệu đô la mỗi bài nói truyện, ông Clinton đã thu hút được rất nhiều người nghe. Trong phần sau bài ca tụng vợ vào ngày thứ nhì Đại Hội, ông nói Hillary là người phụ nữ không bao giờ thỏa mãn với bất cứ thứ gì của hiện trạng. Bà ấy luôn muốn mang trái banh về phía trước. Và ở cuối bài diễn văn, ông cả quyết: “Hillary là người duy nhất đủ khả năng để nắm lấy cơ hội và giảm thiểu những rủi ro đối diện chúng ta. Và bà ấy là người tạo thay đổi (change-maker) tốt nhất mà tôi từng biết”. Cùng lúc. Rất nhiều thành viên tham dự Đại Hội đã giơ cao tấm biển in sẵn hai chữ “Change Maker”. Không riêng nước Mỹ, cả thế giới đều biết, một thay đổi rất cần thiết mà bà không làm được, đó là thay đổi ông chồng nổi tiếng bê bối của mình. Thế mà mang danh “change-maker”. Có thể áp dụng cả cho ông bà Clinton nhận xét Tướng Powell đã dành cho Trump: No sense of shame! Không biết xấu hổ!

Tại Đại Hội đảng Cộng Hòa trước đó, cũng có nhiều vai phụ gây chuyện bực mình. Hillary Clinton đã bị đối xử như một tội phạm, với khẩu hiệu “Lock her up” (Nhốt nó lại), cùng với hình một cũi sắt, bên trong nhốt Hillary mặc áo tù.

h5

Hình bà Hillary Clinton bị giam trong cũi đặt gần Đại Hội đảng Cộng Hòa ở Cleveland, Ohio, 20 July, 2016. (Reuters/Shannon Stapleton)

Với việc lẫn lộn công tư khi xử dụng email thời làm Ngoại Trưởng, bà Hillary có thể coi là phạm luật, và đáng bị truy tố. Nhưng theo đề nghị của Giám Đốc FBI, Bộ Tư Pháp đã không truy tố. Rất có thể đã có thiên vị về phía đảng Dân Chủ đương quyền, đó là trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Theo truyền thống trọng luật của Hoa Kỳ, không thể đối xử với người chưa bị truy tố như nghi phạm, và đối xử với người chưa có án như phạm nhân.

Tệ hơn nữa, ông Chris Christie, Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang New Jersey, vốn xuất thân là một công tố, đã biến Đại Hội thành một thứ giống như tòa án nhân dân, trên diễn đàn, ông kể ra vô số tội của bà Clinton, sau mỗi tội ông hỏi “có tội hay vô tội?” và mọi người đáp lại “có tội”.

Vì đâu nên nỗi?

Lý do nào đã khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay quá tồi tệ?

Trước hết, có thể coi đây là trào lưu chung của thời đại. Không phải riêng tại Mỹ, mà phong trào bất mãn nổi dậy từ Âu tới Mỹ. Tại Anh, dân chúng bỏ phiếu rút khỏi Cộng Đồng Âu Châu (Brexit). Phong trào Quốc gia tại Pháp mạnh lên với Marine Le Pen chủ trương cực hữu. Lãnh tụ cực hữu Norbert Hofer dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống rắc rối tại Áo. Lãnh tụ cực hữu Geert Wilders, người ủng hộ Trump, có thể trở thành Thủ Tướng Hòa Lan. Phó Thủ Tướng Hungary Viktor Orban chủ trương cấm di dân, tuyên bố “Donald Trump is better for Europe” (Donald Trump tốt hơn cho châu Âu).

Trong vài ba thập niên gần đây, mọi sự thay đổi quá nhanh. Một số người may mắn nắm được cơ hội, dễ dàng trở thành triệu phú, tỉ phú. Những ai không theo kịp đà tiến, bị đào thải, cuộc sống trở thành bấp bênh. Họ quy trách cho chính phủ, đổ lỗi cho người nước ngoài, và nổi loạn, muốn thay đổi tất cả để cuộc sống khá hơn. Những thương hiệu của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vào thế kỷ trước như General Motors (GM), Ford, Sears, Kodak, RCA, Xerox… không những có thể bảo đảm công việc cả đời cho công nhân, có khi nhiều thế hệ trong một gia đình cùng làm cho một công ty. Điều này không còn nữa. Xí nghiệp xe hơi khổng lồ GM suýt phá sản mươi năm trước, nếu không được công qũy cứu vãn bằng hàng tỉ đô la. Sản phẩm phim ảnh Kodak có thể tìm thấy khắp thế giới, bây giờ còn ai cần? Sears từng bán mọi sản phẩm cần thiết cho một đời người, từ căn nhà làm sẵn tới cây kim sợi chỉ, bây giờ còn mấy ai bén mảng?

Trong lãnh vực truyền thông, việc đưa tin bằng chân người, vó ngựa, tồn tại hàng ngàn năm, rồi đưa tin nhờ máy xe, máy tầu, máy bay, cũng tồn tại được vài thế kỷ. Điện thoại, điện tín, cũng sống được hàng thế kỷ. Trên ba chục năm trước, cái máy fax thần kỳ khai tử điện tín, rồi chẳng được bao lâu, chính nó cũng bị internet thay thế. Trên hai chục năm trước, cái cell phone Nokia của Phần Lan làm bá chủ, bây giờ dễ tìm nó trong viện bảo tàng hơn là ngoài đời. Mới trên chục năm, cái Blackberry là thứ không thể thiếu đối với các viên chức từ chính quyền tới dân sự, bây giờ, nó đã bị ngừng chế tạo, nhường chỗ cho Iphone, Ipad. Ngay cả máy tính để bàn và để đùi, mới tung hoành được vài thập niên, đã bắt đầu đi xuống.

Mỗi ngành sản xuất quan trọng bị thay đổi hay đào thải, kéo theo sự bất hạnh của hàng triệu người liên hệ. Đang trong cảnh thất nghiệp hay cuộc sống khó khăn, lại gặp lúc những người quá khích Hồi Giáo gây cảnh chém giết và bất an tại nhiều nơi, bỗng có người đứng lên hô hào đem lại giầu mạnh cho đất nước, ổn định xã hội, thì nhiều người theo, bị lôi cuốn tới mức không cần biết người đó làm thế nào để thực hiện lời hứa của mình.

Cả hai chính đảng lớn của Mỹ, tại sao không cử được người khá hơn?

Về phía Dân Chủ, bà Hillary là người nhiều tham vọng. Từ một phần tư thế kỷ, cùng với ông chồng tổng thống, họ đã tạo được bệ phóng vững chãi về thanh thế, truyền thông, nhân sự và tài chánh, quyết tâm đạt thành tích là tổng thống nữ giới đầu tiên trong lịch sử. Ngay cả ông Joe Biden, Phó Tổng Thống đương nhiệm, cùng đảng, cũng đành phải nhường bước, không tranh cử với bà, nại lý do con trai mới qua đời. Bernie Sanders, đối thủ của bà ở cấp sơ bộ là người khá, nhưng không có bệ phóng vững chãi như bà, đành cay đắng chịu thua.

Về phía Cộng Hòa, lợi thế đầu tiên của ông Trump là đánh trúng tâm lý những người bất mãn. Là người nói bừa, ông hứa bừa, hấp dẫn hơn phát ngôn của hàng chục ứng viên thận trọng khác. Lợi thế thứ nhì, ông là tỉ phú, giầu vào hàng nhất so với các ứng viên trong lịch sử, không thể cầm chân ông bằng tài chánh. Nếu làm quá, ông có thể ứng cử với tư cách độc lập, diễn lại kịch bản hãi hùng cuộc bầu cử năm 1992. Năm ấy, tỉ phú Ross Perot là ứng viên độc lập đã chia phiếu Cộng Hòa, khiến ông Bush Bố thất cử, dù mới đại thắng Iraq năm trước, giúp Bill Clinton đắc cử. Cộng Hòa sợ nếu Trump ứng cử độc lập năm nay, chắc chắn ghế tổng thống vào tay một Clinton khác. Chẳng đặng đừng, Cộng Hòa đành để Trump cầm cờ Đảng trong cuộc chạy đua, với hy vọng mong manh dành lại Nhà Trắng sau tám năm trong tay da đen.

Sứ mạng và bài học

Bầu cho ai, khi cả hai ứng viên đều bất xứng?

Người viết đã được nghe nhiều phản ứng khác nhau. Có người chủ trương không đi bầu. Có người nói không thể bầu Trump nên sẽ bỏ phiếu cho Hillary. Người khác nói bầu Trump để chặn Hillary.

Thiết nghĩ, tất cả các dự tính trên đầu không nên thực hiện.

Trước hết, không đi bầu là thiếu trách nhiệm công dân. Nhất là những ai vẫn lớn tiếng đòi quyền bầu cử cho người Việt trong nước, trong khi không thực hiện quyền này có sẵn trong tay mình, là điều khó hiểu. Thứ nhì, chọn một người bất xứng để ngăn một người bất xứng tương tự, là điều nguy hiểm, vì rút cục, vẫn là chọn một người bất xứng. Ngoài ra, chỉ vì ghét người này mà bầu cho người kia, kẻ đáng ghét ít hơn sẽ đắc cử với tỷ lệ cao, họ có ảo tưởng được cử tri trao cho một sứ mệnh, tiếp tục gian dối hay làm bậy. Thay vì thế, hãy cho họ một bài học. Một trong hai người sẽ đắc cử, với tỷ lệ thấp, họ biết thân phận mình, một là sẽ không dám làm bậy, hai là hy vọng họ sẽ tự sửa mình, trở thành khá hơn.

Giải pháp nên thực hiện là, vẫn đi bầu. Nếu thấy cả hai người đứng đầu hai liên danh đều bất xứng thì quên họ đi. Hãy bầu cho liên danh nào có ứng viên phó tổng thống khá hơn, hy vọng người này sẽ có cơ hội lên thay người bất xứng, hay ít nhất, cũng ngăn người bất xứng làm bậy. Nếu ứng viên cả hai liên danh, vai chính lẫn vai phụ đều bất xứng, hãy quên tất cả họ đi, không bầu cho ai. Kế tiếp, hãy bầu cho những người xứng đáng vào các chức vụ nghị sĩ và dân biểu. Theo hiến định, những người này sẽ có quyền truất phế những kẻ bất xứng ở địa vị cao.

***

Vừa bầu vừa bực, nhưng không đến nỗi quá thất vọng. Là một nước dân chủ hàng đầu, guồng máy cai trị đã thành nền nếp, mọi cấp bậc trong guồng máy cai trị làm việc theo luật, không chỉ theo lệnh, địa vị Tổng Thống Mỹ không quá quan trọng như tại các nước độc tài. Gorbachev lên làm thay đổi hẳn Liên Bang Xô Viết, Đặng Tiểu Bình làm thay đổi nước Tầu, nhưng Truman thay Roosevelt hay Ford thay Nixon, nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Hillary Clinton hay Donald Trump vào Nhà Trắng, bực thì vẫn bực, nhưng chưa phải là ngày tận thế của nước Mỹ.

Đinh Từ Thức

 

Dấu Ấn Sinh Thái – Giảm thiểu Tác hại của Con người lên Trái đất

Mai Thanh Truyết

ef image

Bắt đầu từ những năm 1970, nhân loại đã làm đảo lộn hệ sinh thái toàn cầu hàng năm vì tài nguyên thiên nhiên đã bị tận dụng và vượt quá những gì trái đất có thể tái tạo mỗi năm. Theo ước tính hiện tại, trái đất cần 1,5 năm để tái tạo lại những gì con người tiêu thụ tài nguyên trong một năm.

Sự suy thoái môi trường trên thế giới ngày nay đang diễn ra dưới hai dạng, khách quan do thiên nhiên, hay chủ quan là do con người. Thiên nhiên qua thiên tai như hạn hán, lụt lội, động đất, sóng thần v.v…Tuy nhiên, những tác động trên chỉ là một sự suy thoái có tầm ngắn hạn, hoặc có tính cách nhất thời và sẽ được con người điều chỉnh lại ngay sau đó. Còn sự suy thoái có nguyên nhân là con người sẽ làm cho môi trường chung ngày càng thoái hóa và đang tiếp tục diễn ra hàng ngày, cũng như chưa có chỉ dấu nào báo hiệu cho thấy tình trạng trên sẽ chấm dứt.

ef image 2

Đó là những sự kiện xảy ra trên khắp quả địa cầu hàng ngày, có tính liên tục và ngày càng có chiều hướng xấu đi theo thời gian, mặc dù hiện tại trên thế giới có vô số cơ quan NGO và LHQ cố gắng cổ súy và kêu gọi bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.

Có thể nói, vào năm 1992, Gs William Rees là người đầu tiên nêu lên vấn đề “dấu ấn sinh thái” (ecological footprint) của trái đất. Khái niệm về dấu ấn sinh thái và phương pháp tính toán đã được khai triển trong luận án Tiến sĩ của Mathis Waskernagel, do Gs Rees đở đầu tại đại học British of Columbia, Vancouver, Canada vào năm 1994. Và đến năm 1996, quyển sách “Dấu ấn sinh thái của chúng ta: Giảm thiểu tác hại của con người lên Trái đất” (Our Ecological Footprint: Reducing Human Impact on the Earth).

Dấu ấn sinh thái gồm những thống kê và khảo sát về các biến đổi của Carbon, Thực phẩm, Nhà ở, Vật dụng cùng Dịch vụ … có nghĩa là tất cả nhu cầu của con người cần có để thích ứng với mức độ tiêu thụ và sự gia tăng dân số. Các tiếp cận trên được ví tương đương với việc phân giải chu kỳ đời sống (life-style analysis) trong việc tiêu thụ năng lượng, sinh khối (biomass), nhu cầu xây dựng, và những nguồn tài nguyên khác. Tất cả được định định lượng và đo đạt trong từng vùng đất, và có tên gọi là “hectare toàn cầu” (global hectare-gha).

Khả năng sinh học (Biocapacity) có thể được so sánh với nhu cầu của nhân loại theo tính chất của dấu ấn sinh thái của chúng ta. Dấu ấn sinh thái đại diện cho khu vực sản xuất cần thiết để cung cấp các nguồn tài nguyên tái tạo nhân loại đang sử dụng và hấp thu chất thải của chúng.

ef image 3Dấu ấn sinh thái (EF), hoặc “phân giải dấu chân sinh thái” (Ecological footprint Analysis-EFA), là một phương tiện để so sánh mức tiêu thụ và lối sống, cũng như kiểm tra lại khả năng đối nghịch với thiên nhiên của con người trong việc cung cấp cho mức tiêu thụ này.

Từ việc phá rừng đến việc khai thác quá độ đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, tất cả là cội nguồn cốt lõi cho sự suy thoái môi trường. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng góp phần vào sự suy thoái trên cần được mổ xẻ, đó là sự gia tăng dân số toàn cầu. Đây cũng là một vấn đề sống còn của nhân loại, vì hiện nay, trái đất ngày càng hẹp do sự gia tăng dân số và nhiều vấn nạn đang xảy ra như nguồn thực phẩm, nước ngọt, tài nguyên thiên nhiên v.v… sẽ không còn đủ để cung ứng cho việc dân số tăng trưởng nhanh chóng.

Quan điểm “Đóng” và “Mở”

Có quan điểm khác biệt dựa theo hai hướng suy nghĩ đối cực của con người:

1- Suy nghĩ của nhóm bảo thủ hoặc “đóng” (conservative),

2- Và suy nghĩ của những người theo khuynh hướng tự do hoặc “mở” (liberal).

Thông thường, đối với người mang định hướng “đóng” (closed-minded), một khi có một hay nhiều ý kiến khác biệt với quan điểm của mình, phần đông những người theo định hướng nầy thường bảo vệ quan điểm của mình hơn là lắng nghe và tiếp nhận cách nhìn khác nghiêm chỉnh hơn. Sự định hướng đóng đó (closed-mindedness) thường xảy ra cho người thuộc nhóm bảo thủ. Chủ nghĩa bảo thủ theo quan niệm cố hữu, đều có khuynh hướng giữ mọi sự, mọi việc tự nhiên đã có sẳn, đã xảy ra từ lâu đời. Do đó, những người theo chủ nghĩa nầy luôn bảo vệ những điều mà họ tin tưởng trên căn bản là đúng.

Ngược lại, đối với những người thuộc nhóm “mở” cho rằng sự định hướng đóng là một điều kiện không tự nhiên (un-natural) trong việc nhận định mọi sự việc xảy ra trên thế giới. Do đó, những người theo khuynh hướng mở thường dễ chấp nhận những khác biệt về ý kiến, tư tưởng, và việc chấp nhận ấy xảy ra một cách tự nhiên, không cần một cố gắng nào khác để lắng nghe những khác biệt ý kiến đó. Và, đi xa hơn nữa, những người theo khuynh hướng mở luôn cổ động và tin tưởng từ những ý kiến khác biệt trên sẽ chuyển tải những điền kiện và phương cách giải quyết tốt hơn cho cuộc sống.

Nhưng tiếc thay, quan niệm mở cho đến hôm nay, đối với đa số người tự nhận là có khuynh hướng mở nầy, lại bị gò bó trong hình thức của một loại khuynh hướng “đóng mở” hay còn gọi là “chính trị đúng đắn” (politically correct) đối với nhiều vấn đề lớn trên quả địa cầu nầy. Một trong những vấn đề lớn đó là nạn suy thoái môi trường.

Từ hai suy nghĩ trên, chúng ta thấy rõ ràng rằng, cả hai khuynh hướng đóng và mở đều có những nhược điểm và thường đi đến những cực đoan khó hàn gắn, tạm gọi là cực tả hay cực hữu trước tình trạng suy thoái môi trường toàn cầu và sự gia tăng dân số.

Thế giới đang có nạn nhân mãn hay không?

ef image 4

Thế giới hiện tại chứa khoảng trên 7 tỷ con người. Vấn đề môi trường hiện nay được đặt ra là ảnh hưởng tương tác của sự gia tăng dân số và sinh khối (biomass) toàn cầu. Trên căn bản, vấn đề cũng được suy diễn một cách khác biệt như:

– Khuynh hướng đóng vẫn luôn luôn cho rằng sinh khối toàn cầu sẽ tự nhiên điều tiết để thích ứng với sự gia tăng dân số (trời sinh voi sinh cỏ);

– Ngược laị, khuynh hướng mở qua những nhà môi trường mở quy trách nhiệm vào con người trong việc xuống cấp của môi trường chung.

Nhưng, dựa theo tiêu chuẩn nào để kết luận là địa cầu đã chứa quá đông người rồi?

Chúng ta thử hình dung một giả thiết sau đây: mời gọi tất cả dân chúng trên thế giới từ già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà, trẻ con, tổng cộng 7 tỷ người tham dự Hội nghị toàn cầu trên cùng một địa điểm. Giả sử mỗi cá nhân có được một diện tích là 35m2 dùng cho bàn làm việc và tham khảo, dụng cụ cùng tài liệu cá nhân cho Hội nghị. Kết quả là địa điểm cần thiết cần có không lớn hơn tiểu bang nhỏ bé Kansas của Hoa Kỳ cũng có thể được dùng cho Hội nghị trong điều kiện trên.

Từ đây, một câu hỏi khác biệt được đặt thêm ra là, nếu số lượng con người trên trái đất không là một vấn nạn cho sự suy thoái môi trường, thì những gì khác đã xảy ra cho quả địa cầu nầy?

Có nhiều yếu tố khác đưa ra để trả lời hay bình giảng câu hỏi trên, tựu trung có ba yếu tố chính yếu tương đối ảnh hưởng nhiều đến sự suy thoái môi trường. Đó là:

· 1- Mật độ dân chúng phân bổ trên địa cầu

· 2- Điều kiện chính trị

· 3- Sự lựa chọn cá nhân

1- Mật độ dân số và điều kiện chính trị

Nếu tính về mật độ dân số, mật độ ở Bangladesh tương đương với mật độ dân số ở Fresno, California. Tuy nhiên điều kiện sống của dân chúng ở hai nơi hoàn toàn khác biệt nhau. Như vậy vấn đề nằm ở nơi đâu? Tại sao lại có nhận định rằng con người ở Bangladesh chen nhau mà sống vì nạn nhân mãn, còn ở Fresno thì không? Chưa nói đến mật độ dân chúng ở Los Angeles và Orange County còn cao hơn ở Bangladesh nhiều.

Chính vì điều kiện thiên nhiên và không khí chính trị làm cho hai nhóm dân có đời sống khác biệt dù có cùng chung một mật độ dân số, hay diện tích đất sống trên đầu người giống nhau. Điều kiện thiên nhiên như đất đai, khí hậu không thích hợp cho người dân ở Bangladesh có một đời sống tương đương như ở Fresno. Tuy nhiên điều kiện thiên nhiên chưa phải là một yếu tố quyết định. Như điều kiện thiên nhiên ở Phoenix, Arizona, Nevada, New Mexico còn khắc nghiệt hơn nhiều, tại sao con người ở đây vẫn có đời sống thoải mái hơn? Do đó điều kiện kinh tế và chính trị mới dự phần chính và ảnh hưởng lớn lên cuộc sống của con người.

2- Sự lựa chọn cá nhân

Có thể xem yếu tố nầy là quan trọng nhất trong vấn đề suy thoái môi trường trên thế giới. Chỉ cần một ý kiến rồ dại của một người, như bật một que diêm quẹt, có thể tàn phá hàng trăm ngàn mẫu rừng trong mùa khô. Hay một sự chọn lựa lầm lẫn của một nhóm người CS Bắc Việt trong chính sách phát triển của Việt Nam đã làm băng hoại tòan cõi đất nước trong suốt trên 40 năm qua.

Do đó và sau cùng, yếu tố cá nhân có thể được nhìn dưới một nhãn quan khác và đây là nhân tố quyết định tất cả. Qua cuộc nghiên cứu về ecological footprint, xin tạm dịch là dấu ấn sinh thái của Raven và Berg vào năm 2004, giả sử mỗi người đang sống trên thế giới có cùng một nhu cầu và điều kiện sống như một người Mỹ trung bình, thì trái đất phải phình ra gấp 5 lần mới có đủ điều kiện phục vụ cho hơn 7 tỷ nhân khẩu hiện tại. Điều đó có nghĩa là dấu ấn sinh thái của từng dân tộc khác nhau trong điều kiện của mỗi quốc gia. Cũng theo sự tính toán của Raven và Berg, thì dấu ấn sinh thái của người Mỹ cao gấp 10 lần dấu ấn sinh thái của một người Ấn, dựa theo những điều kiện sống, môi trường, điều kiện khách quan và chủ quan của hai dân tộc.

Do đó để kết luận, tầm nhìn tích cực cho môi trường chung là làm thế nào để tìm một giải pháp tốt nhất cho những vấn nạn môi trường xảy ra trên thế giới. Sự quy kết theo quan điểm đóng hay mở sẽ không giải quyết vấn đề mà nhiều khi có thể làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm mà thôi. Và việc làm tốt môi trường chỉ có thể tiến hành nhuần nhuyễn và mau chóng nếu hai khuynh hướng bảo thủ và tự do chịu kết hợp và hành xử chung với nhau. Mỗi khuynh hướng riêng rẽ cần phải:

· Định danh rõ ràng những thử thách môi trường qua sự thoái hóa của hệ sinh thái cả về phẩm lẫn lượng;

· Thiết lập những biện pháp ưu tiên cho việc cải sửa và hạn chế thiệt hại;

· Và sau cùng, thực hiện những đề án thực tiễn giải quyết theo phương cách tối ưu.

Muốn làm được việc giải quyết vấn nạn môi trường toàn cầu cần phải có những khối óc “tự do chân chính” (liberal genuine) hay “thông minh mở”, đến từ hai khuynh hướng bảo thủ và tự do.

Tiến trình toàn cầu hóa hiện đang được thực hiện bằng những khối óc “thông minh mở” dựa trên phương hướng giải quyết chung có lợi cho tòan cầu, mà không dựa theo những kết luận của khuynh hướng “xanh” và cũng không chọn lựa theo cung cách hành xử qua tầm nhìn của những nhà hoặc nhóm phát triển đặt quyền lợi lên trên tất cả.

Dấu ấn sinh thái tính trên mỗi người– Ecological Footprint Per Capita – EFPC

ef Footprint_world

Với một vài trường hợp ngoại lệ (đặc biệt là New Zealand, Úc và Greenland), trên bình diện thế giới, các quốc gia ở Bắc bán cầu có dấu ấn sinh thái lớn hơn, trong khi các nước ở Nam bán cầu, nhỏ hơn, nghĩa là dân chúng ở Bắc bán cầu giàu hơn dân ở Nam bán cầu. Chỉ số EFPC trung bình của tất cả các nước là 1,47. Ecuador cao hơn một chút so với trung bình là 1,77. Hoa Kỳ có chỉ số EFPC lớn nhất thế giới 9,57, tiếp theo là United Arab Emirates 8,97, Canada 8.56, Na Uy 8.17, và New Zealand 8.01.

Điều này cho chúng ta thấy một khác biệt rất lớn giữa giá trị trung bình và EFPCs tối đa và trên thực tế chỉ số EFPC trung bình chỉ 0,85, có nghĩa là một nửa số người trên thế giới có một dấu ấn sinh thái thậm chí còn nhỏ hơn chỉ số nêu trên này. Chênh lệch lớn trong phạm vi của dấu ấn sinh thái rất có thể là một sự phản ánh lên sự phân bố không đồng đều của sự giàu có trên toàn cầu.

Trách nhiệm của các quốc gia giàu có

Trong vài năm qua, vấn đề bất bình đẳng đã được nêu lên trong nhiều chương trình nghị sự toàn cầu. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và hậu quả tiếp theo đã làm nổi bật tính cách dã man về khoảng cách giữa quốc gia giàu và nghèo. Dự đoán của NGO Oxfam rằng:”trên toàn cầu, nếu kết hợp sự giàu có của số người giàu nhất chiếm 1% tổng dân số trên thế giới, tích sản nầy sẽ vượt qua tích sản của 99% dân số còn lại vào năm 2016″.

Đây là mối liên quan thực sự giữa sự bất bình đẳng và sự thiếu bền vững của tiêu thụ. Điều này được minh họa rõ ràng nhất là những người giàu nhất là người có nhiều cơ hội để tiêu thụ thái quá (overconsumed).

Như vậy, dấu ấn sinh thái của những người giàu nhất là gì?

Người giàu nhất có thể có thêm nguồn tài nguyên để thích ứng và cách ly mình khỏi những tác động của biến đổi khí hậu, có nghĩa là họ có thể không lưu tâm đến mối liên quan giữa sự tiêu dùng thái quá của họ và khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Ngay cả khi người giàu nhận thức được về sự biến đổi khí hậu và các loài tuyệt chủng, họ ít có khả năng nhìn thấy sự tàn phá của môi trường và ô nhiễm có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Bão tố, lũ lụt, sóng thần, sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân trong số 99% còn lại và họ dễ bị tổn thương nhất vì không có phương tiện khắc phục những hậu quả kể trên.

Hiện có rất nhiều nỗ lực đang diễn ra trên thế giới nhằm mục đích cố gắng làm cho việc tiêu thụ bền vững hơn trong toàn xã hội đối với tất cả mọi người trên thế giới.

Nhưng chắc chắn những nỗ lực trên chỉ là KHÔNG TƯỞNG mà thôi!

Từ đó, chúng ta có thể đúc kết rằng:

• Sự bất bình đẳng và sự tiêu dùng thái quá của người giàu cần phải được hạn chế.

• Cố gắng giảm thiểu các dấu ấn sinh thái của những người giàu nhất (trong tổng số 1%) để làm tăng trưởng dấu ấn sinh thái của 99% dân số toàn cầu còn lại.

12 phương cách hạn chế “dấu ấn sinh thái”

Dùng phương châm Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse), Tái chế (Recycle) để bạn có thể thực hiện một phương cách bền vững đơn giản để giúp gia đình bạn ít gây ra tác động môi trường của rác thải trên trái đất.

Mỗi ngày chúng ta có những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta có ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu và các loài khác.

1. Thiết lập kế hoạch bữa ăn của bạn: Việc lập kế hoạch bữa ăn trước thời hạn không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền và còn ngăn chặn được thức ăn thừa. Lên kế hoạch cho một tuần hoặc cho xa ra như là một tháng.

2. Hãy nghĩ hai lần trước khi đi mua sắm.ef image 5

3. Mặc quần áo nhiều hơn một lần.

4. Phơi quần áo thay vì cho vào máy sấy.

5. Cố gắng hạn chế mức phế thải trong nhà (hạn chế rác).

6. Hãy tiết kiệm nước.

7. Hạn chế sử dụng xe hơi tối đa.

8. Sử dụng các loại túi “tái sử dụng”.

9. Sử dụng năng lượng tái tạo

10. Lựa chọn để có một ngôi nhà nhỏ vừa đủ tiện nghi tối thiểu cho gia đình

11. Trong mùa đông, mặc áo ấm dày để hạn chế máy sưởi.

12. Sử dụng tiếng nói và lá phiếu của bạn.

Đó là những phương cách căn bản làm thế nào bạn đã làm giảm dấu chân sinh thái của gia đình bạn!

Vấn đề Việt Nam

Còn vị trí của Việt Nam thì sao? Những người có trách nhiệm ở Việt Nam chẳng những không có não trạng của khuynh hướng đóng, hay chỉ để cho thiên nhiên tự điều tiết và giải quyết vấn đề suy thoái môi trường, cũng như không có những suy tư mở để nhìn trọn vẹn vấn đề hơn.

Làm sao họ có thể động não để giải quyết vấn đề một khi não trạng chứa một “tư duy” không thay đổi từ ngày thành lập đảng cho đến ngày nay. Đó là cơ chế chuyên chính vô sản áp dụng trong việc quản lý Đất và Nước.

Do đó, sẽ không bao giờ có thể xuất hiện được những khối óc mở thông minh như đã trình bày trên giữa hai khuynh hướng, ít nhất trong khoảng thời gian có sự áp đặt của đảng CS sau Đại hội XII. Môi trường Việt Nam ngày càng đi vào bế tắt là lẽ tất nhiên.

Mai Thanh Truyết
Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam
6/2016

_____________________________________
Nguồn: http://maithanhtruyet.blogspot.com/

Nói truyện cờ nhân 100 năm Ngày Cờ Mỹ

Đinh Từ Thức

h1

Ngày Thứ Sáu, 13 tháng Sáu 1975, tôi rời trại Indiantown Gap, PA, tới Washington D.C. Đại Tá Richard Manion, sĩ quan biệt phái làm việc tại Bộ Ngoại Giao, một thành viên của Ban bảo trợ gia đình tôi thuộc Giáo Xứ Blessed Sacrament ở Alexandria, VA, đón tôi tại trạm xe bus ở Đường 14, đối diện Washington Monument.

Vừa bước ra khỏi xe bus, Đại Tá Manion hỏi ngay:

– Cảm tưởng của anh thế nào khi đặt chân xuống Thủ Đô Hoa Kỳ?

Tôi trả lời:

– Quang cảnh nơi đây quá khác biệt với nơi tôi mới rời bỏ. Đường phố Sài Gòn đầy giây kẽm gai, trong khi ở đây cờ xí rợp trời. Sao nhiều cờ vậy?

– Người ta trương cờ để đón anh đấy!

Biết ông Manion nói đùa, nhưng thuộc loại phản ứng chậm, tôi chỉ đực mặt, không biết nói sao. Đến khi vào xe, bắt đầu lái đi, ĐT Manion mới giải thích: Ngày mai, 14 tháng Sáu, là “Flag Day”, người ta trưng cờ để vinh danh Quốc Kỳ. Trước khi biết nhà mình ở đâu, tôi biết nước Mỹ có Ngày Quốc Kỳ, điều mà ở Việt Nam không có.

Ngày quốc kỳ Mỹ

Tên chính thức là Flag Day, hay đầy đủ hơn, National Flag Day, là ngày 14 tháng 6 hàng năm được nước Mỹ dành ra để vinh danh quốc kỳ. Đó cũng là ngày quốc kỳ Mỹ đầu tiên được chấp thuận năm 1777.  Sau nhiều vận động phát xuất từ nhiều nơi, kéo dài cả thế kỷ, đến 1916, cách đây đúng một trăm năm, Tổng Thống Woodrow Wilson công bố 14 tháng 6 chính thức là Ngày Quốc Kỳ, và mãi đến năm 1949, Quốc Hội Mỹ mới quyết định vĩnh viễn ngày này là National Flag Day. Trừ tiểu bang Pennsylvania, Ngày Quốc Kỳ không phải là ngày lễ nghỉ của liên bang. Mỗi năm, vào tuần lễ 14 tháng 6, Tổng Thống Mỹ đều có thông điệp nói về Tuần Lễ Quốc Kỳ (National Flag Week), và khuyến khích toàn dân treo cờ trong suốt tuần lễ.

h2

Tháng 7 năm 1969, cờ Mỹ được phóng lên không gian, và Neil Armstrong cắm trên mặt trăng. Sáu phi thuyền thuộc chương trình Apollo đáp xuống mặt trăng, mỗi phi thuyền cắm một lá cờ.

Một điều khá đặc biệt, hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có người Tầu và người Việt, đã gọi tên nước Mỹ qua cờ Mỹ. Năm 1785, con tầu buôn Empress of China (Hoàng hậu Trung Hoa) trương cờ Mỹ ghé bến Quảng Đông (Canton). Tin tức loan truyền, dân chúng tò mò tới xem một con tầu lạ đến từ bên kia thế giới, treo lá cờ đẹp như hoa, gồm những ngôi sao trắng trên nền xanh ở góc trên phía trái, và những sọc ngang trắng đỏ. Họ gọi lá cờ lạ này là “Cờ hoa”, chữ nho là 花旗, phiên âm theo tiếng Quảng Đông là huãqí (Hoa Kỳ) hay kwa kee, và nước Mỹ được người Tầu lấy cờ đặt tên là Hoa Kỳ quốc kwa kee kwoh, người Mỹ là kwa kee kwoh yin 花旗國人(Hoa Kỳ quốc nhân). Người Việt bắt chước Tầu, cũng gọi là nước Hoa Kỳ. Nhưng người Hoa Kỳ thì gọi theo cách riêng của người Việt,  là “thằng Mỹ” hay “con Mỹ”.

Trung Quốc ngày nay thường gọi United States là Mỹ Quốc美國, phiên âm theo tiếng Quan Thoại là Měiguó. Chữ Mỹ (Měi) viết tắt từ âm Měilìjiān người Tầu dùng để chuyển âm chữ [A]merica.

Trong Tuần lễ Quốc kỳ, tổng thống Mỹ kêu gọi treo cờ, tuy nhiên, ai treo thì treo, chẳng bao giờ có cảnh công an hay dân phòng đi từng nhà dân gõ cửa, bắt phải treo cờ. Nhưng chào cờ, hay đọc lời tuyên thệ trung thành với quốc kỳ đã có thời là chuyện bắt buộc ở nhà trường. Vì thế, đã gây nhiều tranh cãi, nhiều lần cần tới sự phân xử của Tối Cao Pháp Viện. Chính nhờ những tranh cãi và phân xử này, người ta được biết rõ hơn về vai trò của quốc kỳ, về giới hạn của chính quyền, về pháp trị, về an ninh bản thân và nhân quyền, trước thế lực áp đảo của đa số trong một nước dân chủ.

Từ đốt cờ…

h3

Cảnh đốt cờ Mỹ tại Burlingame, CA, ngày 2 tháng 5, 2016, để phản đối ứng cử viên tổng thống Donald Trump. (Ảnh Jimmy Camp)

Tranh tụng về cờ đã nhiều lần được phân xử tại Tối Cao Pháp Viện, có mấy vụ nổi tiếng hơn cả:

Năm 1984, trước trung tâm hội nghị Dallas, Texas, nơi diễn ra Đại hội Đảng Cộng Hoà, Gregory Lee Johnson đốt một lá cờ Mỹ để phản đối chính sách của Tổng Thống Ronald Reagan. Johnson bị bắt và bị truy tố theo luật tiểu bang Texas, cấm xúc phạm tới các vật thể tôn kính, gồm cả quốc kỳ Mỹ, nếu việc làm này khiến người khác giận dữ. Ra toà, Johnson bị xử một năm tù, và phạt 2.000 US$. Bị can kháng cáo, toà trên giữ nguyên bản án của toà dưới. Tiếp theo, toà phúc thẩm cao nhất của Texas huỷ án xử Johnson. Chính quyền Texas kiện lên Tối Cao Pháp Viện. Phán quyết năm 1989 với đa số 5 trên 4, TCPV xử Johnson thắng, với lý do đốt cờ là một hình thức phát biểu, được Tu chính Hiến pháp Thứ Nhất bảo đảm qua quyền tự do ngôn luận (freedom of speech).

Kết quả trên đã vô hiệu hoá luật cấm xúc phạm quốc kỳ của 48 trên 50 tiểu bang. Ngay lập tức, Quốc Hội làm Luật Bảo vệ Quốc kỳ (Flag Protection Act), quy định hành vi xúc phạm quốc kỳ là phạm luật liên bang. Luật mới này cũng mau chóng bị TCPV xử vi hiến vào năm 1990, với cùng một đa số gồm các thẩm phán đã xử cho Johnson thắng.

Quốc Hội phản ứng bằng cách vội vàng làm Tu Chính Hiến Pháp, hy vọng bảo vệ cờ ở mức cao hơn (Flag Desecration Amendment). Cố gắng này qua được cửa Hạ Viện, nhưng không qua nổi Thượng Viện.

Quốc kỳ là biểu tượng đáng tôn kính. Đốt cờ là hành vi chẳng những không được hoan nghênh, còn đáng khinh bỉ. Dầu sao, không thể cấm cản người dân làm việc này, như là cách để phát biểu quan điểm của họ một cách mạnh mẽ.

… đến từ chối chào cờ …

Bốn thập niên trước vụ kẻ đốt cờ thắng kiện là hai vụ án về cưỡng bách chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ.

Năm 1933, Adolf Hitler ra lệnh cấm đạo “Chứng nhân Jehovah” (Jehovah’s Witnesse) vì tín đồ tôn giáo này không chịu chào cờ Quốc Xã. Mười ngàn tín hữu bị bắt vào trại tập trung. Lãnh đạo tôn giáo này tại Mỹ kêu gọi tín đồ chống lại luật buộc chào quốc kỳ tại Mỹ, và từ chối chào cờ Mỹ.

Năm 1935, hai chị em học sinh lớp 7 và lớp 5, Lilian và William Gobitas, thuộc một gia đình theo đạo Jehovah, sinh sống tại một cộng đồng đa số theo đạo Công Giáo ở Minersville, Pennsylvania, quyết định làm theo lời kêu gọi chống chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ Mỹ tại nhà trường.

Hội Đồng Giáo Dục (Board of Education) Minersville ra quyết nghị bắt tất cả học sinh phải chào cờ hàng ngày, ai không làm việc này bị coi như bất phục tùng và phải bị trừng phạt. Chị em Gobitas bị đuổi, phải đi học trường tư. Ông Gobitas, đại diện các con đi kiện, thắng tại nhiều toà dưới. Học Khu Minersville chống án lên TCPV.

Năm 1940 TCPV đồng ý xử nội vụ. Kết quả: Học Khu thắng với quyết định của đa số tuyệt đối 8 trên 1. Thẩm phán Frankfurter, một trong những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ đại diện đa số viết lý đoán cho phán quyết. Theo đó, tuy hiến pháp đã long trọng bảo vệ quyền của người dân, nhưng quyền không tuyệt đối, vì “đoàn kết quốc gia là căn bản của an ninh quốc gia”. Do đó, tiểu bang có quyền hiến định để “chọn những phương cách thích hợp hầu phát huy sự đoàn kết đó – dù đôi khi thiệt hại cho tự do cá nhân”. Frankfurter tuyên bố: “Chúng ta sống bằng biểu tượng. Cờ là biểu tượng của đoàn kết quốc gia”. Theo ông, tiểu bang có lý khi cho rằng để học sinh từ chối chào cờ là gây ảnh hưởng tiêu cực tới đồng bạn về lòng ái quốc.

(Vì thư ký tại TCPV ghi lầm tên Gobitas thành Gobitis, vụ này được ghi trong hồ sơ TCPV là “Minersville School District v. Gobitis”)

Kết quả vụ trên đây đã đưa tới nhiều hậu quả tai hai: Hàng trăm vụ bạo động tấn công vào cá nhân hoặc cơ sở Jehovah’s Witnesses đã diễn ra trên khắp nước. Tin tức về những vụ bạo động này đã gây phản cảm trong dư luận. Chỉ ba năm sau, phán quyết trên đã bị chính TCPV lật ngược trong một vụ tương tự.

và không chịu trung thành với quốc kỳ

h4

Học sinh đọc lời tuyên thệ trung thành với quốc kỳ tại nhà trường.

Năm 1942, Hoa Kỳ mới nhảy vào Đệ Nhị Thế Chiến sau khi bị Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Trước cảnh không khí chiến tranh sôi sục, lòng ái quốc cần được đề cao, Hội Đồng Giáo Dục Tiểu bang West Virginia (West Virginia State Board of Education) ra lệnh bắt buộc tất cả thầy cô giáo và học sinh tại các trường công lập ngày nào cũng phải đọc lời thuyên thệ trung thành với quốc kỳ (pledge allegiance the United States flag). Ai không tuân bị đuổi khỏi trường. Thời gian bị đuổi coi như vắng mặt trái phép. Cha mẹ bị phạt mỗi ngày 50US$, và có thể bị án tù không quá 30 ngày.

Học sinh Barnette, theo đạo Chứng nhân Jehovah xin được miễn đọc lời tuyên thệ, vì trái với giáo lý của Đạo, là chỉ trung thành với một đấng Jehovah mà thôi. Yêu cầu không được chấp thuận, Barnette bị đuổi, vụ kiện lên TCPV. Qua phán quyết vào đúng Ngày Quốc Kỳ 14 tháng Sáu 1943, TCPV xử Barnette thắng, vì quan niệm rằng “quyền không nói” cũng được bảo vệ tương tự như quyền phát biểu qua Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất về tự do ngôn luận.

Đại diện cho đa số 5 trên 4, Thẩm phán Tối cao Robert Jackson đã hùng hồn bảo vệ quyền của thiểu số không được ưa thích trong một xã hội được cai trị bởi đa số. Theo ông, đa số cai trị phải bị giới hạn bởi luật pháp do hiến pháp của toàn dân quy định để bảo vệ quyền lợi của mọi người, kể cả những “thiểu số đáng ghét” (disliked minorities).

Như là trực tiếp phản bác quan điểm cần tạo đồng thuận trong dân chúng vì lý do an ninh quốc gia của Thẩm phán Frankfurter qua phán quyết 1940, Thẩm phán Jackson nói: “Compulsory unification of opinions achieves only the unanimity of the graveyard” (Cưỡng bách đồng nhất quan điểm chỉ đạt được sự nhất trí tại nghĩa trang). Về nhà cầm quyền tiểu bang đối với quan điểm của dân chúng, ông nói: “Authority here is to be controlled by public opinion, not public opinion by authority” (Nhà cầm quyền ở đây bị kiểm soát bởi dư luận quần chúng, không phải dư luận quần chúng bị kiểm soát bởi nhà cầm quyền).

Về quyền được tự do bầy tỏ sự khác biệt, Thẩm phán Jackson nói, nó không giới hạn trong những thứ không đáng kể, vì như vậy chỉ là cái bóng của tự do. Thử nghiệm về thực chất của quyền được khác biệt phải được áp dụng trên những thứ có thể gây xúc động trái tim của trật tự hiện hữu (như từ chối chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ). ([F]reedom to differ is not limited to things that do not matter much. That would be a mere shadow of freedom. The test of its substance is the right to differ as to things that touch the heart of the existing order).

Cuối cùng, phán quyết nghĩ rằng “hành động của nhà cầm quyền địa phương bắt buộc chào cờ và tuyên thệ vượt quá giới hạn hiến định về quyền hạn của họ và xâm phạm lãnh vực trí tuệ và tinh thần là mục tiêu bảo vệ của Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất để phòng bị giới cầm quyền kiểm soát”.

Phán quyết này phủ nhận phán quyết Minersville School District v. Gobitis.

Từ cờ Mỹ đến cờ Việt

h5

Người Mỹ gốc Việt diễn hành với cờ vàng tại San Jose trong Tết Kỷ Sửu 2009 (Hình Wikipedia)

Ở đây xin miễn nói đến những điều hầu như ai cũng đã biết, như lịch sử quốc kỳ Việt, và lý do tại sao phải tôn trọng quốc kỳ nói chung.

Nếu những vụ tranh cãi về quốc kỳ Mỹ đã được phân xử tại các toà án thường và cao nhất là TCPV Liên Bang, thì những vụ tranh cãi về cờ Việt, nói rõ hơn là  cờ vàng ba sọc đỏ, hầu như chưa bao giờ được phân xử tại toà án quốc gia, nhưng vẫn thường được xét xử bởi “toà án cá nhân”. Mỗi người là một quan toà, tự do xử và buộc tội người khác theo quan điểm của mình, liên quan đến lá cờ. Tội danh thông thường là “Việt gian” hay “tay sai Cộng sản”, vì “bị can” không tôn trọng đúng mức, hay giống cách của mình đối với lá cờ mình vẫn trân trọng.

Trước ngày 30 tháng Tư, 1975, hầu như chỉ có những người cầm quyền chú trọng tới vai trò của lá cờ. Vì quá chú trọng tới cờ, cả một chế độ vững vàng đã bị xụp đổ, làm thay đổi lịch sử của cả một dân tộc, với sự hy sinh mạng sống một cách vô ích của hàng triệu người.

Sau khi Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà hạ xuống lần cuối cùng trên các chiến hạm ở ngoài khơi Philippines chiều ngày 7 tháng 5, 1975, tập thể người Việt tị nạn tự mình đảm nhiệm vai trò chiến sĩ cầm cờ, đem cờ vàng đi khắp năm châu bốn bể. Quốc kỳ cũ là hành trang trên đường dài lưu vong, là tài sản của quá khứ, là hy vọng vào tương lai. Họ phải sống với nó, cố gìn giữ và bảo vệ nó, như bảo vệ sinh mạng và tài sản của chính mình. Mất nó, là trắng tay!

Trong một bài mang tựa đề “Đừng giữ một giấc mơ đã chết, hãy tập trung vào hiện tại” trên Facebook của mình vào ngày 16 tháng 5, 2013, Giáo sư Jonathan London viết: “Tôi thấy khó hiểu khi một số người ủng hộ cải cách ở Việt Nam nhưng lại muốn vẫy lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà. Cho dù tôi có thể hiểu được vài người ở hải ngoại vẫn giữ cách nhìn cũ và những mối quan hệ cũ với chế độ (mà lá cờ được coi là biểu trưng)”. Ông London khó hiểu, cũng là điều dễ hiểu, vì ông là người Mỹ gốc Mỹ, không phải gốc VNCH.

h6

Nối dài hay làm sống lại Việt Nam Cộng Hoà?

Trong một đám biểu tình trên đất Mỹ, không cần cầm cờ, người ta có thể phỏng đoán ngay ông London là người Mỹ, tiêu biểu cho giá trị Mỹ, tranh đấu cho những gì người Mỹ trân trọng. Nhưng với người Việt tị nạn cộng sản, thiếu lá cờ vàng ba sọc đỏ, ai biết họ là ai? Họ trông giống người Tầu, người Triều Tiên, người Nhật, người Thái, người Căm Bốt, người Lào, người Phi Luật Tân, người Mã Lai, người Singapore …, chưa kể cán bộ từ Hà Nội có thể chụp hình đăng báo với chú thích xuyên tạc: “Việt Kiều yêu nước tập trung hoan hô Bác và Đảng”.

text boxVậy, đối với tập thể người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, việc duy trì quốc kỳ cũ của VNCH là điều cần thiết. Nó không phải hành vi nối dài một chế độ đã chết, không phải chủ trương lập lại quá khứ, mà như một căn cước, một biểu tượng cho lập trường chính trị, ý chí đấu tranh mà mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do dân chủ cho toàn thể dân tộc Việt Nam, từ Nam đến Bắc. Tuy nhiên, cần thiết và lạm dụng là hai điều khác nhau. Việc trưng cờ phải luôn được diễn ra đúng cách, đúng chỗ, và đúng lý. Dầu sao, như đã trình bầy, vì thiếu những luật lệ và án lệ liên quan tới quốc kỳ cũ của VNCH, và càng thiếu những chỉ dẫn cụ thể về lá cờ này từ khi được người Việt lưu vong mang đi khắp thế giới. Vì thế, những ý kiến sau đây chỉ là những nhận xét, được nêu ra như một gợi ý cá nhân của người viết, không phải là những khẳng định đâu là đúng, đâu là sai.

Thế nào là trưng cờ đúng cách?

Vì thiếu chỉ dẫn riêng cho mình, đành phải tìm hiểu nơi nước người. Chỉ cách Việt Nam vài giờ bay, Singapore là nước có quy định rất rõ về việc treo cờ. Trước đây, ngoài công sở, người dân chỉ được quyền treo cờ vào những ngày quốc lễ. Theo luật mới từ 2007, việc dân chúng treo cờ được khuyến khích vào thời gian mừng kỷ niệm độc lập, từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, cờ bị cấm xử dụng vì mục đích thương mại; quảng cáo; trên đồ dùng, trang trí; tại tang lễ tư nhân; trên xe tư nhân; mặc như quần áo hay trang phục.

Từ 41 năm qua, người Việt tị nạn có vẻ ngày càng có nhiều sáng kiến độc đáo trong việc nêu cao mầu cờ của mình. Từ cà vạt mầu cờ cho nam giới đến giây đeo, khăn và áo dài mầu cờ cho quý vị nữ lưu. Việc này rõ ràng trái với luật cờ của Singapore, nhưng điều đó không quan trọng. Không phải cái gì Singapore cũng đúng, và ông Lý Quang Diệu cũng chết rồi. Điều quan trọng là hãy tự đặt câu hỏi: Thắt cà vạt và mặc áo mầu cờ, nói chung, làm tăng thêm hay giảm đi giá trị và sự kính trọng đối với lá cờ? Nếu nghĩ là làm tăng thêm, tại sao không có quý vị ngoan đạo Công Giáo nào đeo cà vạt và mặc áo mầu cờ Vatican, và cũng chẳng có quý vị Phật tử sùng đạo nào làm như vậy với cờ Phật Giáo?

Ở đâu là đúng chỗ?

Trước hết, là biểu tượng của quốc gia, quốc kỳ được trưng ở nơi công sở, là đúng chỗ. Là căn cước của một quốc gia trên trường quốc tế, cờ được trưng ở các cơ sở ngoại giao, ở hội nghị quốc tế, là đúng chỗ. Là biểu tượng cho căn cước, cho tinh thần tranh đấu của một tập thể, phất cờ ở đám biểu tình là đúng chỗ. Là biểu tượng cho quyền sở hữu một lãnh thổ, cắm cờ để chứng tỏ lãnh thổ đó thuộc về mình, là đúng chỗ (trong tinh thần này, thay vì cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa, lại cắm tràn ngập ở Anh Pháp Mỹ Đức Úc Canada…, e rằng không đúng chỗ). Quân nhân hy sinh mạng sống mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, được trưng cờ nơi nghĩa trang hay phần mộ, như một hình thức Tổ Quốc ghi ân, đồng thời, để thân xác họ được gần gũi với mục tiêu cao cả họ đã hy sinh, qua biểu tượng lá cờ.

Sau năm 1975, trong nhiều trường hợp, quốc kỳ cũ của VNCH đã không được trưng bày đúng chỗ; nơi cần có nhất, vẫn không có; và xuất hiện tại nơi không nên có. Trường hợp đầu, nơi sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ vô cùng cần thiết là tại các nghĩa trang quân đội ở trong nước. Trong bốn thập niên, thay vì cố gắng đòi hỏi, tranh đấu, hay nghiêm chỉnh công khai thương thuyết, với sự giúp đỡ của chính quyền các nước ngoài, để cờ VNCH trược treo tại các nghĩa trang quân đội VNCH, tập thể cựu chiến sĩ cũng như tập thể người tị nạn nói chung, đã dốc toàn lực vào việc trương cờ VNCH ở… nước ngoài! Để làm gì? Để tự hào chúc tụng nhau đã tạo được những thành tích rực rỡ, có thể chụp hình đăng báo hay lên mạng. Trong khi ấy, mồ mả của những người đã anh dũng hy sinh dưới cờ vẫn vắng bóng lá cờ thân yêu.

h7

Nghĩa trang quân đội Biên Hoà cũ, 29-04, 2016. (Ảnh Thu Hà/VNNet.) Nơi cần cờ thì không có…

 

Trong khi ấy, trường hợp thứ nhì, nơi không thích hợp cho sự hiện diện cờ VNCH, đã có người mang cờ đến cắm.

h8

Một người chạy bộ buổi sáng, dừng chân trước nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nổ tại Boston Marathon. Hình Reuters/Jim Bourg, 21-04, 2013. … Nơi có cờ thì không cần!

Bọn khủng bố đã cho nổ bom tại cuộc thi chạy đường trường Boston Marathon vào ngày 15 tháng 4, 2013, làm thiệt mạng ba người, và bị thương 170 người. Trong số ba người thiệt mạng, hai người Mỹ và một người Tầu. Như thường lệ, một nơi tưởng niệm tạm thời đã thành hình. Người Mỹ tử nạn, cờ Mỹ được đem tới, dễ hiểu. Không có người Việt tử nạn, một lá cờ VNCH khá lớn, át cả cờ Mỹ, đã được đem tới cắm ở đây. Có phải là chỗ thích hợp?

Làm sao cho đúng lý?

Cuối tháng Hai 2016, tại một nhà hàng seafood ở San Jose, CA, có bữa tiệc để bà Dân Biểu Loretta Sanchez gây quỹ tranh cử nghị sĩ liên bang. Tuy vai chính không phải người gốc Việt, trưng cờ VNCH ở đây coi như hợp lý, vì khách tham dự hầu hết là gốc Việt, và bữa tiệc là một sinh hoạt chính trị, mang tính đại chúng, không thuộc phạm vi công quyền.

Sáng Thứ Tư, 13 tháng Tư, tại hội trường Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, một cuộc họp báo đã diễn ra, chủ trì là hai nhân vật dân cử thuộc chính quyền California: Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Janet Nguyễn, và Chánh Biện Lý Quận Cam Tony Rackauckas.

Theo tường thuật của báo NV, mục đích cuộc họp báo đã được ông Chánh Biện Lý mô tả: “Chúng tôi hiện diện hôm nay có liên quan đến trường hợp của Minh Béo. Với những vụ án như Minh Béo, thông thường tiền tại ngoại hậu tra vào khoảng $100 ngàn. Tuy nhiên, với trường hợp này thì chúng tôi đề nghị mức tiền tại ngoại cao hơn, lên đến $1 triệu, cho những người từ nơi khác đến, có nhiều cơ hội trốn thoát khỏi Mỹ”. Theo ông, “Luật hiện hành tại California không cho phép từ chối đóng tiền tại ngoại, California chưa có dự luật nào để giữ nghi can ở lại nước Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã nói với TNS Janet Nguyễn cần có một dự luật giữ các nghi can ở lại đây để ra tòa chịu xét xử.”

Đáng ghi nhận ở đây, cuộc họp báo tuy diễn ra tại một cơ sở tư nhân là báo NV, nhưng mang tính chính thức. Chủ trì là hai giới chức đương nhiệm, trước mặt có gắn huy hiệu chính thức của Thượng Viện Tiểu Bang California, thảo luận về một dự luật sửa đổi hiến pháp tiểu bang, ngồi trước ba lá cờ Liên Bang, Tiểu Bang, và Quốc Kỳ VNCH. Sự hiện diện của lá cờ VNCH ở đây, là hợp lý hay đã bị lạm dụng nhằm một mục tiêu nào đó?

h9

TSN Janet Nguyễn (phải), và Chánh Biện Lý Quận Cam Tony Rackauckas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt).

Đây không phải một cuộc gây quỹ, mà là sinh hoạt chính thức thuộc phạm vi chính quyền tiểu bang, về lãnh vực lập pháp và tư pháp. Bà Janet Nguyễn gốc Việt, nhưng nội dung cuộc họp báo chỉ liên quan tới luật pháp nước Mỹ, không có gì liên hệ tới gốc Việt. Luật pháp VNCH không được áp dụng ở đây, bà Janet Nguyễn là một nhà lập pháp đại diện cho dân Mỹ, không đại diện cho VNCH. Nếu việc trưng bầy Quốc Kỳ VNCH ở đây nhằm mục đích thầm kín là kiếm phiếu, e rằng các vị dân cử này quá coi thường cử tri gốc Việt. Những ai có thể lạm dụng biểu tượng trân quý của một tập thể để mưu lợi cá nhân, tất nhiên cũng có thể lạm dụng chức vụ mình vào những lợi ích riêng.

Ngoài ra, đem cờ VNCH gắn liền với vụ Minh Béo còn có thể đưa tới hậu quả tai hại khác. Rõ ràng cờ VNCH đã được xử dụng trong một vụ án nhắm thẳng vào nghi phạm Minh Béo, một công dân của Việt Nam Cộng Sản. Từ nhiều năm qua, quốc kỳ cũ của VNCH đã là biểu tượng quen thuộc tại Quận Cam. Cũng tại nơi đây, đã có nhiều nghị quyết chống lại các giới chức Cộng Sản VN. Minh Béo tới từ Việt Nam Cộng Sản, sau khi bị bắt, hai giới chức dân cử Mỹ vội vàng vận động và họp báo với sự hiện diện của quốc kỳ VNCH, đưa ra dự luật nhằm mục tiêu đẩy nghi phạm vào tình huống khó khăn hơn. Lý do đưa ra nói việc làm này chỉ nhằm mục đích chặn đường nghi phạm từ xa đến bỏ trốn. Nhưng trước khi Minh Béo bị bắt, ở đơn vị bà Janet Nguyễn đại diện, thiếu gì nghi phạm từ xa đến đã bị bắt và có thể trốn về quê dễ dàng hơn (chỉ cần đi bộ qua biên giới phía Nam Cali), sao không thấy bà Nghị Sĩ làm luật ngăn chặn? Nghi phạm Minh Béo cách quê nhà cả một đại dương, tại sao bà phải vội vàng ra tay, rủ người cộng tác là ông Chánh Biện Lý, và “võ trang” bằng Quốc kỳ VNCH?

Trương cờ VNCH tại địa phương biểu tượng này được đặc biệt trân quý, nhắm đánh vào một nghi phạm bị lựa chọn, có thể đưa tới hậu quả nhũng loạn nền tư pháp Hoa Kỳ. Một vụ án hình sự “Hoa Kỳ chống Minh Béo” (Minh Béo là nghi phạm) đã bị âm mưu biến thành một vụ án chính trị “(Cố)VNCH chống Việt Cộng” (Minh Béo là nạn nhân). Trong nền tư pháp dân chủ pháp trị, dù Minh Béo hay kể cả Minh Râu bị điệu ra toà, y can vẫn có quyền được đối xử vô tư và công bằng. Trước việc đem cờ VNCH vào một vụ án, nếu luật sư của Minh Béo yêu cầu toà bãi nại, vì nội vụ đã bị “chính trị hoá”, vụ án đã có tì vết trước khi xử, hậu quả sẽ ra sao? Dù chánh thẩm không cho bãi nại, sự việc này ít ra cũng có thể tạo mối nghi ngờ trong tâm trí bồi thẩm đoàn, và kết quả vụ án có thể bị sai lạc. Những ai vẫn trân quý và cố gắng bảo vệ Quốc kỳ VNCH, có thể làm ngơ khi kỷ vật thiêng liêng này bị lạm dụng như vậy không?

***

Hầu như một nghịch lý: Quốc Kỳ tượng trưng cho lòng ái quốc, nhưng các chế độ đề cao quốc kỳ, cưỡng bách dân chào cờ, và chào nhiều, thường chết yểu. Trong khi chế độ cho dân đốt cờ, hoặc từ chối biểu lộ lòng trung thành với quốc kỳ, thường sống lâu, và sống mạnh.

Đức Quốc Xã của Hitler, không ngại bỏ tù cả chục ngàn người vì tội không chịu chào cờ, chỉ tồn tại được trên mười năm. Đệ Nhất Cộng Hoà của Ngô Tổng Thống, ngoài việc bắt chào cờ tại công sở và trường học, những ai nghiền xi nê, phải chào cờ nhiều hơn cơm bữa; đầu phim nào cũng chào cờ. Trên hình cờ bay phấp phới còn có cả ảnh Ngô Tổng Thống trong khung bầu dục ở chính giữa, trông rất cảm động. Thế mà cả Tổng Thống và chế độ chỉ tồn tại được chín năm. Hoa Kỳ trẻ trung, đôi khi có vẻ nham nhở, ngoài bãi biển mùa Hè, đàn ông, đàn bà con gái tênh hênh phơi bầy đồ lót mang mầu cờ. Còn anh nào cảm thấy “bức xúc”, cứ việc đốt cờ phản đối, vậy mà Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới trong cả thế kỷ qua.

Như thế, sức mạnh và sự thịnh vượng quốc gia nằm ở đâu? Ở chỗ mọi người bắt buộc phải chào cờ và suy tôn lãnh tụ, hay ở chỗ người dân có quyền đốt cờ để phản đối?

Đinh Từ Thức

 

Sài Gòn, Hòn Ngọc Bị Đập Nát

Ngô Thị Kim Cúc

Lời BBT: Xin mạn phép được đăng lại và phổ biến rộng rãi bài viết rất quan trọng này của Ngô Thị Kim Cúc, một người Việt Nam ở Sài Gòn. Rất quan trọng vì những gì cô chia sẻ trên trang mạng Facebook của cô  là tiếng nói của lương tâm, nước mắt và niềm-tin-không-lay-chuyển-được của nhiều người Việt Nam trong nước, không phân biệt giới tính hay tuổi tác; đó là: Không một bạo quyền nào có thể ngăn cản được tiếng nói của những người dân Việt yêu quê hương, đang đứng lên đòi được quyền sống trong một đất nước Việt Nam dân chủ,  tự do, công lý, nhân nghĩa và hòa bình.

kimcuc 1

Hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên bị công an đàn áp thô bạo

Sáng chủ nhật 8 tháng 5…

Sài Gòn trung tâm giống như thiết quân luật. Từ khu vực quảng trường Quách Thị Trang đã dày đặc đồng phục các loại. Góc đường nào cũng có một toán người nhà nước đứng cạnh những rào cản sắt gắn kẽm gai, sẵn sàng để bao vây, bịt kín… Không khi căng thẳng này chứa đựng điều gì đó rất không bình thường trong một ngày lẽ ra bình thường.

Đoạn Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến nhà hát Thành Phố khá vắng. Đường Pasteur một chiều qua các ngả tư cũng tràn ngập đồng phục. Những chiếc gậy trên tay họ chỉ ra một hướng di chuyển duy nhứt. Rất đông người ngồi trên xe bốn bánh và xe hai bánh nhìn quanh quất, để chỉ thấy hai bên đường toàn những bộ đồng phục các màu, các kiểu giống nhau… Có một số người không mặc đồng phục nhưng rõ ràng họ không phải là dân.

Từ ngả tư Pasteur- Nguyễn Du tới ngả tư Nguyễn Du- Trương Định vẫn chỉ một chiều di chuyển. Sang Nguyễn Thị Minh Khai đã hai chiều nhưng không khí vẫn chẳng giống ngày thường. Từ phía đường Hai Bà Trưng nhìn vào Đường Sách thấy vắng tanh. Tất cả hàng quán trên khu vực bị phong tỏa đều không hoạt động.

Sài Gòn trung tâm thiết quân luật vào sáng chủ nhật. Thiết quân luật dành cho người biểu tình.

Công viên 30 tháng tư đã bị cắt khỏi tầm nhìn và mọi liên kết với phần còn lại của thành phố. Nghĩa là, sẽ không có nhà báo, không có đông người dân chứng kiến những gì xảy ra ở công viên 30 tháng Tư sáng nay. Không ai thấy được cả người biểu tình lẫn người nhà nước đối mặt nhau thế nào trong buổi sáng 8 tháng 5 nắng nóng nứt cả da đầu này…

Nếu Không Có Facebook…

Nếu không có Facebook thì mọi chuyện có thể sẽ xảy ra như vậy.

Nhưng từ những tường thuật bằng hình ảnh và clip tự quay của người biểu tình, sự ngăn cắt của nhà nước đã không còn tác dụng. Những người Sài Gòn ngoài công viên 30 tháng Tư vẫn nhìn thấy những gì xảy ra. Và tất cả người Việt trên khắp hành tinh đang nối kết qua mạng internet đế ngóng về Việt Nam cũng đã thấy…

kimcuc 2

Sáng 8 tháng 5, những cảnh đánh/bắt người tàn khốc hơn hẳn lần biểu tình ngày 1 tháng 5. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt/hốt về sân vận động Hoa Lư quận I. Nhiều người đã bị đánh với thương tích nặng nề. Nhưng chạm vào trái tim người xem khiến nó đau đớn nhứt chính là hình ảnh hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên: người mẹ trẻ với gương mặt bầm dập đang hoảng hốt ôm chặt con gái trong đôi tay gầy, với sự che đỡ của những người biểu tình khác chung quanh.

Hoàng Mỹ Uyên sau đó đã kể lại sự việc trong một clip. Chị cho biết khi việc đàn áp xảy ra, những người biểu tình đã ngồi xuống để khẳng định thái độ bất bạo động. Thế nhưng nhân viên an ninh thường phục đã chen vào giữa đoàn biểu tình, chỉ vài người biểu tình đã có một an ninh. Chị đã bị xô đẩy về phía trước và bị ngã, bị những người mặc đồng phục xanh đạp vào đầu vào mặt, cố dứt chị ra khỏi con gái. Nhờ người biểu tình dồn đến và lập thành một vòng rào che chở nên mẹ con chị đã thoát được. Tuy nhiên, những vết thương ở mặt và tay chân cho thấy chị đã bị đánh khá đau. Hoàng Mỹ Uyên cũng cho biết con gái chị đã tự mình đọc tin tức về vụ Formosa trên điện thoại và từng hỏi mẹ, nếu ở trường (bữa ăn) có cá, mực… thì nên làm thế nào. Cô con gái nhỏ đã muốn được đi cùng với mẹ, và hẳn cả hai mẹ con đều nghĩ rằng, việc tuần hành ôn hòa với mong muốn bảo vệ môi trường chẳng có lý do gì để bị đàn áp, đánh đập thô bạo.

Đào Nguyên Anh đang được những người biểu tình khác giúp rửa mắt sau khi bị xịt hơi cay.

Đào Nguyên Anh đang được những người biểu tình khác giúp rửa mắt sau khi bị xịt hơi cay.

Một khác biệt nữa trong đàn áp biểu tình ngày 8 tháng 5: xịt hơi cay vào mắt. Nạn nhân có hình ảnh đưa lên FB là một học sinh mười sáu tuổi: Đào Nguyên Anh, cháu nội Phó Giáo sư Đào Công Tiến (người đã có các bài viết về dân chủ). Nguyên Anh đã được những người biểu tình khác chăm sóc, rửa mắt bằng những chai nước uống mang theo. Sau đó em đã bị công an bắt đi khiến gia đình phải đi tìm để bảo lãnh.

Lúc trở về nhà, cậu học trò mười sáu tuổi đã viết một statut ngắn gọn nhưng cũng đủ để nói lên tất cả những gì cậu đã suy nghĩ và gởi gắm cho mọi người:

Chào mẹ, gia đình và bạn bè gần xa đã lo lắng cho con (mình).
Nghe tiếng mẹ khóc, con thấy mình khốn nạn quá, con cũng trách mình k ở bên mẹ nhiều hơn, k làm mẹ vui hơn, trước mẹ con yếu đuối và bé nhỏ.
Giờ con đã hiểu cảm giác đó, cảm giác của A Lầu bị bắt rồi bị đánh. Con hiểu cảm giác của anh Trương Minh Tam, của bác Điếu Cày, và những người đã sẵn sàng hy sinh, Chúa ơi, quá nhiều thứ vì mong muốn.
Ngày hôm nay, con thấy họ lôi đồng bào ra, 10 người đánh một, con thành người Việt Nam.
Ngày hôm nay, con thấy nước mắt mẹ chảy và lòng gia đình bạn bè con lo, cũng thành kẻ có tội.
Ngày hôm nay, con thấy những gương mặt đau đớn, và vẻ mặt hả hê của đầy tớ nhân dân, và tiếng xúc phạm danh dự nhân phẩm của các anh trị an, con thành người Việt Nam.
Con tự hào biết bao, và cũng đớn đau biết bao khi biết cái giá con phải trả không chỉ là mạng sống và tương lai con, mà còn là trái tim mẹ và gia đình.
Một bên con bất hiếu không chăm lo cho mẹ được hết, một bên con khao khát hòa chung với ước ao của dân tộc, lạy Chúa, là chúng con được nhìn nhau cười vui, quên đi những cú đánh căm hận đó.
Sáng danh Chúa, những lúc bần cùng, là lúc tỏ mọi sự, con, một thân phận yếu hèn hòa chung vào bản hòa ca của đời này, cho những gì đáng để tin và đáng để hy sinh, có phải đó là hy sinh?
Con đang cố gắng đánh đổi, vi một xã hội yên ấm hơn, con cũng nghĩ tới mọi người gia đình, bạn bè anh chị em, mà cũng như con đang mất tất cả.
Con đã không đổ một giọt nước mắt trước những cây gậy, trước những người vô cảm sẵn sàng làm đủ thứ, nhưng con sẽ đau khổ vì những gì con phải trả giá”.

Những người đã xịt hơi cay vào mắt cậu học trò chỉ bằng tuổi con em mình, hẳn họ đã nghĩ rằng sẽ khiến cậu phải đau đớn và khiếp sợ. Nhưng thực tế đã trả lời. Hành động độc ác phi nhân văn của họ chỉ tạo ra tác dụng ngược.

Sài Gòn, Hòn Ngọc Bị Đập Nát

Bí thư Đinh La Thăng từng nói rằng ông mong sẽ sống lại một Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông ở thành phố mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng thật ra ông Thăng vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động kinh tế, về phần trăm đóng góp cho trung ương của thành phố Sài Gòn.

Ông quên mất phần quan trọng mà nhờ đó Sài Gòn ngày trước đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông: Văn hóa.

Để có thể là một đại đô thị thứ thiệt, ngoài những công trình xây dựng lớn, những hoạt động kinh tế quy mô lớn, còn rất cần một thứ tạo nên hồn vía thật sự cho một nơi để sống của con người: Văn hóa- tinh thần. Sài Gòn ngày xưa được mặc nhiên thừa nhận là đại đô thị, bởi trong phần hồn của Sài Gòn đã sẵn có một tinh thần dung nạp rộng mở. Sài Gòn cho phép những người có tài năng sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình. Sài Gòn khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Tôi từng nghe chủ nhiệm- chủ bút tạp chí Bách Khoa, bác Lê Ngộ Châu vui vẻ kể rằng, hai nhà văn Võ Phiến và Vũ Hạnh ngược nhau như nước với lửa trong thái độ chính trị, nhưng khi bước vào tòa soạn Bách Khoa thì hai ông vẫn xử sự hòa nhã như với tất cả đồng nghiệp khác. Khi bị chủ bút buộc phải ngồi tại chỗ viết bài cho kịp lịch xếp chữ, hai ông lại mỗi người một ghế ngồi cạnh nhau trong cái tòa soạn chật cứng, để hí hoáy viết những bài mà có thể nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.

Sau tháng tư năm 1975, rất nhiều các thầy tôi ở Đại học Khoa Học Sài Gòn, những giáo sư- tiến sĩ được đào tạo ở Âu Mỹ, đã chọn việc ở lại, với hy vọng là làm khoa học tự nhiên, họ sẽ được tiếp tục dạy học và cống hiến cho đất nước- dân tộc trong hòa bình, như họ từng mơ ước suốt mấy chục năm chiến tranh. Nhưng sự thật phũ phàng sau đó đã cho thấy họ không được tin cậy, không được sử dụng chuyên môn đúng như mong muốn, và cuối cùng nhiều người đã phải ra đi…

Sài Gòn cho đến nay vẫn là lựa chọn ngay cả của những người dân Hà Nội đã không còn muốn tiếp tục sống ở thủ đô. Còn với dân các tỉnh nhỏ cả nước thì, Sài Gòn đúng là miền đất hứa. Rất nhiều sinh viên tỉnh nhỏ tốt nghiệp đại học đã không về quê mà ở lại Sài Gòn, chấp nhận những công việc lương thấp không đúng với chuyên môn được học, chỉ bởi hy vọng một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ cho mình một cơ hội.

Sài Gòn đủ rộng và đủ cả sự độ lượng cho những khác biệt về mọi mặt. có đủ chỗ cho cả người giàu hưởng thụ lẫn người nghèo nhặt nhạnh. Thành phần nghèo đói nhứt, những người buôn gánh bán bưng mỗi ngày bỏ ra 20.000 đồng cho một chỗ ngả lưng ban đêm vẫn thấy Sài Gòn đã mở rộng vòng tay với họ, cho họ một thu nhập dù tối thiểu nhưng vẫn có cái để họ gởi về quê nghèo nuôi cha mẹ, vợ/chồng con.

Nhưng Sài Gòn trong các cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8 tháng 5 đã thật sự bị chà đạp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

kimcuc 4

“Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai? “

Khi nhìn thấy hình ảnh cô gái trẻ Lê Vi đầu tóc dã dượi gương mặt uất ức đang khóc một cách đau đớn trong chiếc áo dài trắng lấm lem nhàu nát sau khi bị đánh, người xem FB cảm thấy nghẹt thở, như chính mình bị đánh. Càng không thể chịu đựng khi biết cô đã bị những gã đàn ông đá đạp vào bụng, cho đến khi những người biểu tình khác phải (nghĩ ra cách để) la lên là cô đang có mang thì những kẻ kia mới chịu buông tha cô.

kimcuc 9

Cũng như vậy, gương mặt thất thần kinh hoảng của Hoàng Mỹ Uyên và những vết thương cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục đã hành hung chị bằng tất cả sự thù hận có thật. Sự thù hận đó tới từ đâu? Nếu người đàn ông đạp vào đầu vào mặt Mỹ Uyên biết chị là người đã cho đặt trước nhà mình thùng bánh mì miễn phí dành cho những người nghèo đỡ bữa, anh ta có đánh chị như đánh kẻ tử thù? Khi đánh một người phụ nữ với sự tàn bạo như vậy, anh ta đã nghĩ gì? Thù hận trong đầu anh ta bắt nguồn từ cái gì?

Sài Gòn sáng ngày 8 tháng 5 thật sự là một hòn ngọc bị đập nát. Sự đàn áp thô bạo dành cho người biểu tình là điều mà những con người bình thường còn đủ lương tri không bao giờ hiểu nổi, không bao giờ chấp nhận.

kimcuc 8

Vì sao người dân lại bị đối xử như vậy? Việc bày tỏ ý muốn được sống trong một môi trường trong lành với thực phẩm sạch có gì sai trái? Đó là một cái tội đáng bị trừng phạt thật sao?

Biển Chết Năm 2016 – Bố Đã Làm Gì?

Tôi yêu những khẩu hiệu rất phong phú mà người biểu tình đã cầm nó trên tay, chúng là những phát biểu cực kỳ sát sườn và hiểu biết. “Biển chết năm 2016- Bố đã làm gì?”. Đó là câu cật vấn mà năm, mười năm nữa, những đứa con hôm nay còn bé bỏng sẽ buộc người cha thờ ơ vô trách nhiệm của chúng phải trả lời. Nếu anh ta không có được giải đáp hợp lý, anh ta sẽ mất những đứa con. Tôi nghĩ đây là một trong những khẩu hiệu hay nhứt trong cuộc biểu tình của người Sài Gòn sáng 8 tháng 5.

Những khẩu hiệu rất hay của người dân Sài Gòn sáng 8 tháng 5

Những khẩu hiệu rất hay của người dân Sài Gòn sáng 8 tháng 5

“Minh bạch thông tin- Bảo vệ môi trường- Cứu dân miền Trung”. Người dân Sài Gòn đã không vô cảm trước hoạn nạn của ngư dân miền trung, mà thật ra cũng là của chính mình, của tất cả những người Việt Nam có lương tri khác. “Con tôi cần nước Sạch- Không khí Sạch- Thực phẩm Sạch- Chính quyền Sạch”. Đó là lời giải thích cho việc có mặt trong đoàn biểu tình của một trong hàng ngàn hàng triệu những người mẹ yêu con một cách có trách nhiệm…

“Stand up for our survival”. “Biển chết thì con người cũng chết”. “Stop Formosa- Stop killing nature”. “SOS, Our sea has died”. “Việt Nam khủng hoảng môi trường sống”. “Polluters are Criminals”. “Save Our Seas”.. “Vì môi trường trong sạch cho Việt Nam”. “Môi trường là lẽ sống”. “Bảo vệ biển và ngư dân”. “Biển sẽ xanh khi chúng ta sạch”. “Bảo vệ môi trường- Bảo vệ sự sống”…

kimcuc 6

Ai đã cam tâm đui điếc để tung tin người dân đi biểu tình là do được thuê tiền? Đó là một sự xúc phạm sâu sắc và vô liêm sỉ.

Ai dám nói là người dân không am hiểu điều họ đang làm, không biết vì sao họ phải ra đường để đối đầu với các hiểm nguy đang chờ chực. Họ thông thái hơn rất nhiều những “nhà khoa học” hư danh, những chức danh bằng cấp hợm hĩnh in đầy trên danh thiếp để tự sướng, những chức vị dài thượt bắt dân nghe đến nhàm tai những khi có các loại lễ lạc dông dài đến vô tận…

Sao có thể thẳng tay đàn áp những công dân ưu tú như vậy? Chính quyền phải tự giáo dục lại nhân viên của mình chớ không phải cứ quen miệng đòi “giáo dục nhân dân” một cách hết sức vô nghĩa và hỗn xược.

Các nhà chính trị hãy cố thực thi tài kinh bang tế thế của mình nhưng hãy để yên nhân dân sống bên nhau không bị lừa dối và đầu độc. Hãy bắt những kẻ hủy diệt môi trường phải trả giá bằng pháp luật, bằng bản án kinh tế để không chỉ một Formosa Vũng Áng mà những Formosa dự bị của tương lai, trước khi hành động phi nhân vì lòng tham, sẽ e ngại sự trừng phạt mà kịp thời ngưng lại.

Hãy để Sài Gòn và những thành phố, làng xã khác khắp cả nước không tái diễn cảnh đánh đập, xúc phạm những trái tim đầy yêu thương người dân dành cho nhau… Hãy trả lại cho Sài Gòn sức mạnh mà Hòn Ngọc Viễn Đông từng có được.

Đó là lòng tin vào điều lành, cái tốt, có được nhờ những giá trị tâm linh sâu sắc, khiến người dân luôn làm việc lành một cách bản năng chớ không phải làm việc ác một cách mù quáng như những gì đang thấy.

Đó là, tinh thần dung nạp rộng mở, để những người có tài năng được sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình, khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Đó là, để người dân được nói đúng tiếng nói của mình, được tôn trọng và tin cậy dù điều họ nghĩ và nói khác với những gì nhà cầm quyền mong muốn. Hãy biết lắng nghe dân, để tạo nên những thay đổi không chỉ tốt cho người dân mà chính là tốt hơn cho cho những người đang có trách nhiệm cầm quyền.

Chỉ như thế thì Hòn Ngọc Viễn Đông mới có hy vọng tái sinh…

Ngô Thị Kim Cúc
https://www.facebook.com/kim.ngo.7739/posts/1190036931008130

Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần II)

Đinh Từ Thức

(tiếp theo từ phần I)

Francis trong chuyến đi lịch sử

Chính trong chuyến đi Mỹ, được gọi là chuyến đi lịch sử vào cuối tháng 9, 2015, dư luận đã thấy rõ chiều hướng Phúc Âm hoá của Giáo Hoàng Francis, mà theo Ngài, đó là lý do tồn tại của Giáo Hội. Từ những lời phát biểu và cách cư xử của Ngài trong chuyến đi, không phản ảnh hào quang của các Giáo Hoàng trong quá khứ, mà rất gần với tinh thần Phúc Âm, tiêu biểu là thái độ của Ngài đối với trẻ em, với người nghèo, với các nạn nhân, những người tù tội, với những tôn giáo khác, và cả với những người làm chính trị.

h9

Với trẻ em: Theo dõi những cuộc tiếp xúc với dân chúng của Giáo Hoàng Francis, ai cũng thấy, từ khi lên ngôi, tại bất cứ đâu, Ngài cũng rất gần gũi với trẻ em. Trong chuyến thăm nước Mỹ, từ Washington, New York và Philadelphia, ở đâu Ngài cũng ân cần, ôm hôn, xoa đầu hàng chục trẻ em. Điều này, đúng như Phúc Âm kể lại thái độ của Đức Giê Su từ hai ngàn năm trước: “Rồi người ta mang những trẻ nhỏ đến để Người đặt tay lên chúng mà cầu nguyện; và các tông đồ ngăn cản chúng. Nhưng Đức Giê Su nói, hãy để chúng đến với ta, đừng ngăn cấm, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay lên chúng, rồi đi khỏi (Mt19, 13-15; Mc10, 13-16; Lc18, 15-17). Trong một dịp khác, khi các tông đồ thắc mắc về ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Đức Giê Su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, rồi nói: “Ta bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. (Mt18, 1-4; Mc9, 33-37; Lc9, 46-48).

Với người nghèo và tù nhân: Cùng với nếp sống giản dị, Giáo Hoàng Francis đã đặc biệt gần gũi với người nghèo. Điều này cũng theo sát tinh thần Phúc Âm, qua đó, Đức Giê Su dậy rằng bất cứ ai làm điều gì dù nhỏ nhặt để giúp đỡ người nghèo, tù đầy, bệnh tật hay không nơi nương tựa là đã giúp chính Người và đáng được hưởng phúc trên Nước Trời (Mt25, 40).

h10

Sau khi đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội sáng 24 tháng 9, Giáo Hoàng đã từ chối dùng bữa trưa với các nhà lập pháp Mỹ, thay vào đó, Ngài tới nhà ăn miễn phí của một tổ chức từ thiện dành cho người nghèo, đi tới từng bàn, thăm hỏi trò truyện với nhiều người.

Khi xưa, Đức Giê Su tới nhà và ăn uống với những người tội lỗi. Những người đạo đức giả hỏi các môn đệ của Người: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”. Người nghe thấy, bèn trả lời: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” ((Mt9, 10-13; Mc2, 15-17; Lc5, 29-32). Cũng trong tinh thần này, Giáo Hoàng Francis đã tới thăm các tù nhân tại trại giam Curran-Fromhold ở Philadelphia hôm 27 tháng 9. Ngài đã nói với các tù nhân về ý nghĩa việc Đức Giê Su rửa chân cho các tông đồ: “Cuộc đời là một chuyến đi, theo những con đường khác nhau, lối đi khác nhau, để lại dấu vết trên chúng ta. Tất cả chúng ta đều có chút gì đó cần phải gột rửa, thanh tẩy”. Và Ngài nói thêm, “Tôi là người đầu tiên trong số đó”.

Vào Mùa Phục Sinh đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo Hoàng tháng Ba năm 2013, Giáo Hoàng Francis nói về biểu tượng lễ rửa chân theo một ý hướng khác. Ngài nói: Chúa quan trọng nhất và Chúa rửa chân cho người khác, vì ai là người có địa vị cao nhất trong chúng ta phải là người phục vụ những người khác. Rửa chân cho người khác là nói rằng “Tôi là kẻ phục vụ”.

Tuy nhiên, mỗi người phục vụ một cách khác. Giáo Hoàng Benedict XVI cũng rửa chân, nhưng người được rửa chân là các đấng nam nhi, mặc áo giám mục hay linh mục, ngồi trên bệ cao như loại ghế đánh giầy ở nhà ga hay phi trường, rồi Giáo Hoàng đứng mà rửa, như hình sau đây vào tháng 04, 2012.

h11

 (Hình St. Peter’s List: 2012-04-05  • http://spl.link/6epr5)

Trong khi ấy, Giáo Hoàng Francis rửa chân cho các tù nhân, cho di dân, đàn ông và đàn bà, thuộc về những tôn giáo khác nhau, cả người nghèo ăn mặc rách rưới. Ngài không đứng, mà quỳ xuống đất, rửa và hôn chân từng người, cẩn trọng như người giúp việc trung thành phục vụ chủ nhân, như hình dưới đây:

h12

Vào Thứ Năm Tuần Thánh 24 tháng Ba 2016, Giáo Hoàng Francis đã quỳ xuống, rửa và hôn chân tám người nam và bốn người nữ là di dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau: Ba người theo Hồi giáo, ba người theo Thiên Chúa giáo Coptic, một người theo Ấn giáo. Ngài nói: “Chúng ta có văn hoá và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta là anh em, và chúng ta muốn sống trong hoà bình” (Hình AP)

 (Không thể tránh liên tưởng tới Đảng Cộng Sản Việt Nam: Ra đời từ bảy tám chục năm trước, lê lết từ Cải Cách Ruộng Đất ở đồng bằng tới vượt Trường Sơn vô Nam, chân bê bết bùn đất, dính cả máu đồng chí và máu đồng bào, nhưng cương quyết không chịu nhìn nhận chân mình dơ bẩn, cần rửa. Hãy tưởng tượng, một người từ lúc sinh ra đến khi 80 tuổi, chỉ quen đi đất và dép râu mà chưa bao giờ chịu rửa chân. Kỷ lục dể sợ!)

– Có thể nói lời phát biểu đáng ghi nhất của Giáo Hoàng Francis là tại Bảo Tàng Tưởng Niệm 11 tháng Chín (Sept. 11 Memorial Museum) ở New York. Phần chính Đài Tưởng Niệm là hồ nước chảy vào nền toà tháp đôi đã bị phá huỷ ngày 11 tháng 9, 2001, gây thiệt mạng gần ba ngàn người. Mấy đoạn trích dịch lời của Ngài vào sáng 25 tháng 9:

Làn nước chảy này cũng còn là biểu tượng của nước mắt chúng ta, nước mắt tại nơi quá nhiều tàn phá huỷ hoại, quá khứ và hiện tại. Đây là nơi chúng ta chảy nước mắt, chúng ta khóc cho sự bất lực đối diện với bất công, giết hại và sự thất bại của dàn xếp qua đối thoại. Tại đây chúng ta để tang cho sự mất mát sai lầm và vô lý tính mạng của những người vô tội vì không tìm được giải pháp cho sự tôn trọng giá trị tốt đẹp chung. Làn nước chảy này nhắc nhở chúng ta nước mắt của hôm qua, nhưng cũng là tất cả nước mắt còn chảy hôm nay.

 Ít phút trước đây tôi đã gặp một số người là thành viên gia đình của những người cấp cứu đầu tiên đã thiệt mạng. Gặp họ khiến tôi thấy một lần nữa là những hành động phá hoại không bao giờ vô danh, trừu tượng, hay chỉ là vật chất. Chúng luôn có diện mạo, một câu truyện cụ thể, tên tuổi. Qua những thành phần gia đình này, chúng ta nhìn thấy bộ mặt của đau khổ, một sự đau khổ vẫn còn khiến chúng ta xúc động và kêu thấu trời cao. Cùng lúc ấy, những thành viên gia đình này cho chúng ta thấy bộ mặt khác của cuộc tấn công, bộ mặt khác sự tang tóc của họ: Sức mạnh của tình thương và niềm nhớ. Một niềm nhớ không để chúng ta trống vắng và co cụm. Tên của rất nhiều người yêu dấu đã được khắc nơi trước đây là các chân tháp. Chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta có thể sờ được, và chúng ta không bao giờ quên chúng…

 Nơi tử địa này cũng đã trở thành một sinh địa, một nơi đã cứu được nhiều mạng sống, một thánh ca cho khải hoàn của sự sống trên những tiên tri của huỷ hoại và sự chết, cho sự tốt lành trên ma quỷ, cho hoà giải và đoàn kết trên thù hận và chia rẽ.

(Lại không thể tránh liên tưởng tới thác nước mắt khác, khóc cho những người khác, ở nơi khác: Oriana Falaci, nữ ký giả người Ý đã phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào tháng Hai 1969, theo đó, tại trận Điện Biên Phủ, Pháp thiệt hại 12 ngàn binh sĩ, trong khi thiệt hại về phía Việt Minh là 45 ngàn. Tướng Giáp đã nói tới chuyện này như một người ngoài cuộc, hoàn toàn không ưu tư, trắc ẩn. Ông nhận xét: “Mỗi hai phút, có ba trăm ngàn người chết trên trái đất này. Bốn mươi lăm ngàn cho một trận đánh là cái gì? Chết không kể trong chiến tranh”. Nước mắt cũng chảy cho cả người chỉ biết tới con số, không biết tới nước mắt.)

– Nhiều người đã nói về tự do tôn giáo, nhưng được nghe một Giáo Hoàng nói về tự do tôn giáo, là cơ hội đáng chú ý. Trong bài giảng trước các Giám Mục và giáo sĩ tại Vương Cung Thánh Đường Phê Rô Phao Lồ ở Philadelphia trong thánh lễ trưa 26 tháng 9, Giáo Hoàng Francis mở đầu: “Sáng nay tôi đã được biết vài điều về lịch sử của ngôi Thánh Đường đẹp đẽ này: Câu truyện đằng sau những bức tường cao và cửa sổ. Tuy nhiên, tôi muốn nghĩ rằng, lịch sử của Giáo Hội tại thành phố và tiểu bang này thật ra không phải là việc xây cất những bức tường, mà về sự phá đổ chúng. Đó là câu truyện về thế hệ này sang thế hệ khác của những người Công Giáo tận tâm đã đi tới những vùng ngoại vi, và xây dựng những cộng đồng thờ phụng, giáo dục, bác ái và phục vụ cho xã hội lớn hơn”.

Cathedral Basilica of Saints Peter and Paul là nhà thờ hàng đầu ở Phila, được xây cất trong 18 năm theo kiểu mẫu Roma, hoàn tất năm 1864. Giáo Hoàng nói tới những bức tường và cửa sổ cao, vì nhà thờ bắt đầu xây hai năm sau cuộc nổi loạn của người bản địa (Nativist Riots), là những người di dân theo đạo Tin Lành, chống lại những di dân tới sau theo Công Giáo. Vì sợ bị phá, kiến trúc sư đã phải cho người ném đá lên cao, để định vị trí các cửa sổ ở mức cao hơn tầm có thể bị ném. Ý của Giáo Hoàng đã rõ, khi Ngài nghĩ rằng, việc xây những bức tường cao để bảo vệ Giáo Hội không quan trọng bằng việc phá bỏ những bức tường ngăn cách để xây dựng những cơ sở giáo dục, bác ái, phục vụ mọi người trong xã hội.

Sau đó, vào buổi chiều 26 tháng 9, tại Independence Hall, nơi đã khai sinh ra nước Mỹ, Giáo Hoàng Francis nói:

“Tại nơi chốn biểu tượng cho lối sống Mỹ này, tôi muốn cùng các bạn suy nghĩ về quyền tự do tín ngưỡng. Đó là một quyền căn bản định hình cho cách thức chúng ta cư xử với nhau trong xã hội, hay riêng cá nhân với những láng giềng; dẫu cái nhìn về tôn giáo có khác biệt với nhau.

 … Do đó tôn giáo có quyền và có bổn phận phải làm sáng tỏ rằng có thể xây dựng một xã hội đa tôn giáo lành mạnh trong đó các tôn giáo tôn trọng khác biệt và giá trị của nhau, và là một đồng minh quý giá trong sự cam kết bảo vệ phẩm giá con người… và một lối đi đến hoà bình trong thế giới bất ổn của chúng ta”.

So với chủ trương Giáo Hội độc tôn thời Trung Cổ, quan điểm về tự do tôn giáo của Giáo Hoàng Francis đã khác xa.

Thời Trung Cổ, các Giáo Hoàng đã dùng thế quyền để phục vụ thần quyền. Bây giờ, nhà cầm quyền cộng sản làm ngược lại, dùng thần quyền như công cụ để phục vụ thế quyền. Ngày xưa, vua chúa tùng phục Giáo Hội và được Giáo Hoàng tấn phong. Bây giờ, trong hệ thống Đảng và Nhà Nước, từ trung ương tới địa phương, đều có ban tôn giáo, hoạt động bằng ngân sách quốc gia; tôn giáo phải đăng ký và được chấp thuận mới có thể hoạt động hợp pháp. Bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền. Dùng thế quyền phục vụ thần quyền, tuy không hay như lịch sử đã chứng minh, nhưng ít nhất, vẫn có hướng đi lên. Trong khi ấy, dùng thần quyền phục vụ thế quyền, là theo hướng đi xuống, làm hư hỏng những giá trị tinh thần.

– Mặc dầu lần đầu tiên trong lịch sử, một vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo có cơ hội đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ là do lời mời từ Chủ Tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hoà, nhưng thông điệp của Giáo Hoàng Francis không thiên về đảng nào. Ngài kêu gọi cả hai đảng, đôi khi chống nhau kịch liệt về ngân sách, về dùng súng, về phá thai, về hôn nhân đồng tính…cần hợp tác với nhau: “Chúng ta phải cùng nhau tiến tới, như một, trong sự làm mới tinh thần thân hữu và đoàn kết, rộng lượng hợp tác vì lợi ích chung… Những thử thách chúng ta phải đối diện hôm nay gồm có việc làm mới tinh thần hợp tác, điều này đã đạt được rất nhiều tốt đẹp trải qua lịch sử của Hoa Kỳ”.

Giáo Hoàng cũng nhắc nhở các nhà lập pháp Mỹ rằng đất nước này vốn là nơi tập hợp của những di dân, “Nên chúng ta hãy nhớ tới một khuôn vàng thước ngọc. ‘Hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình’” (Mt7, 12). Sau khi trích Phúc Âm, Ngài còn diễn đạt thêm: “Cái thước để ta đo người khác, sẽ là cái thước có lúc sẽ dùng cho chính mình”.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đã lau nước mắt trước lời lẽ của Giáo Hoàng. Có lẽ, ông thấy Ngài nói đúng, nhưng biết mình không thể thực hiện được, nên đã quyết định từ chức trong cùng ngày.

Chính thống và ngụy Giáo Hoàng

Trong hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội Công Giáo La Mã đã có ít nhất 40 ngụy giáo hoàng (antipope). Gọi là “ít nhất”, vì con số này vẫn còn tranh cãi, ví dụ Nguỵ Giáo Hoàng đầu tiên là Hyppolitus (217-235), tuy không được bầu chọn theo đúng thủ tục Giáo luật, nhưng sau vẫn được phong thánh. Ngay cả người lên ngôi đúng theo Giáo luật, như Giáo Hoàng Paul VI năm 1963, cũng bị một nguồn dư luận chống đối gọi là “nguỵ giáo hoàng”, vì Ngài đã thực hiện những thay đổi mà phe bảo thủ không thích. Ví dụ, chưa đầy hai tháng sau khi khai mạc khoá thứ nhì Công Đồng Vatican II, trong một thánh lễ vào tháng 11, 1963 tại Đền Thánh Phê Rô, Ngài đã bỏ triều thiên ba tầng (triregnum) trên bàn thờ chính, như cử chỉ khiêm nhường, từ bỏ biểu tượng quyền bính trên thế quyền, và không bao giờ đội lại triều thiên này nữa. Phe bảo thủ cho rằng triều thiên ba tầng là biểu tượng quyền uy chính thống của Giáo Hoàng từ hàng ngàn năm. Giáo hoàng từ bỏ biểu tượng chính thống, là phi chính thống, là “nguỵ giáo hoàng”.

Từ bỏ triều thiên ba tầng chỉ là việc làm có tính biểu tượng của Giáo Hoàng Paul VI. Thực tế, Ngài đã có những thay đổi quan trọng hơn nhiều, như là giáo hoàng đầu tiên du hành tới khắp châu lục trên thế giới, đối thoại với các tôn giáo khác; tháo gỡ thù hận với Do Thái và thân thiện với những anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa Giáo. Quan trọng hơn cả là những thay đổi trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, như tăng thêm sự quan trọng của giám mục; từ vai trò viên chức cao cấp chỉ hành động theo lệnh Toà Thánh, tới địa vị đại diện địa phương mình tham gia vào việc hoạch định đường lối chung của Giáo Hội; và đổi mới về phụng vụ, “địa phương hoá” về ngôn ngữ, bỏ kiêng thịt ngày Thứ Sáu hàng tuần, cho tín hữu kết hôn với người theo tôn giáo khác…

Nhưng tất cả những thay đổi ngoạn mục của hai đời Giáo Hoàng John XXIII và Paul VI trong 20 năm đều đứng lại trong gần 40 năm dưới hai đời Giáo Hoàng John Paul II và Benedict XVI. Không phải hai Giáo Hoàng trước đã thay đổi đủ rồi, các Giáo Hoàng sau không cần thay đổi thêm nữa, mà vì người sau đã chận lại đà tiến của Giáo Hội.

Gần 40 năm “dậm chân tại chỗ” là khoảng thời gian vô cùng quý báu bị đánh mất, khiến Giáo Hội lâm vào tình trạng lạc hậu, bị hụt hơi trước đà tiến chóng mặt của xã hội. Giáo Hoàng John Paul II là một nhân vật xuất chúng. Về đạo đức, Ngài đã được phong thánh năm 2014. Về chính trị, Ngài đã đóng góp đáng kể vào tiến trình kết liễu Chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng với Giáo Hội, Ngài chỉ giữ nguyên trạng, trong khi Giáo Hội cần thay đổi.

Thay vì mở rộng, thay vì lắng nghe, Giáo Hội vẫn khép kín như thời Trung Cổ, khiến tiếng than của những đứa trẻ và gia đình nạn nhân ấu dâm không thấu tai Giáo Hội, làm cho Giáo Hội mang tiếng bao che tội phạm kinh tởm. Uy tín quá lớn của Giáo Hoàng John Paul II đủ khả năng chặn đứng mọi than phiền hay mầm mống chống đối, nhất là từ hàng giáo sĩ và giáo dân. Đến nỗi, người ta kính sợ Ngài, thế giới lắng nghe mỗi khi Ngài lên tiếng, nhưng chẳng mấy ai làm theo lời Ngài. Thí dụ rõ ràng nhất là lệnh cấm ngừa thai của Toà Thánh. Trước khi thành Giáo Hoàng John Paul II, từ hậu trường, chính Ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lệnh cấm ngừa thai. Chuyện này đã gây khó khăn cho Giáo Hoàng Paul VI từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trái với sự mong đợi của dư luận, qua sứ điệp Humanae Vitae (Về đời sống con người) ngày 24 tháng 7, 1968, Giáo Hoàng Paul VI đã không theo đề nghị của một uỷ ban do Giáo Hoàng tiền nhiệm John XXIII thành lập, Ngài vẫn cấm ngừa thai nhân tạo. Biện pháp này làm hài lòng những người theo khuynh hướng bảo thủ, vì bảo vệ được tính thánh thiện trong sự truyền giống. Nhưng với những người khác, nó chứng tỏ Giáo Hội chỉ khăng khăng giữ vững những nguyên tắc cứng nhắc thiếu thực tế của mình, không cần biết tới nhu cầu và hạnh phúc lứa đôi, cũng như nạn nhân mãn tại những xã hội quá nghèo nàn. Kết quả là giáo dân bất chấp những điều cấm kỵ của Giáo Hội. Bằng chứng là vào thời người Việt tị nạn tới Mỹ, có gia đình Công Giáo đông con được Giáo Xứ bảo trợ, trong món quà cứu trợ đầu tiên, ngoài gạo và nước mắm, còn cả “bao cao su”.

Ngay từ khi còn trẻ ở tuổi 40, Giám Mục Karol Wojtyla (sau là Giáo Hoàng John Paul II) đã viết một cuốn sách về “Tình yêu và Trách nhiệm” (Love & Responsibility), qua đó, Ngài khẳng định tình yêu đích thực phải nhằm mục tiêu sáng tạo, là tạo ra đứa con. Yêu đương chỉ để thoả mãn thôi thúc của dục vọng là không phải tình yêu đích thực. Ngừa thai nhân tạo là hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, là biến phụ nữ thành phương tiện để thoả mãn đòi hỏi của nam giới. Tuy công nhận Ngài là một người cực kỳ khôn ngoan lanh lợi mới có thể làm Hồng Y dưới chế độ Cộng Sản Ba Lan, nhưng một người bạn phái nữ chí thân của ngài, Tiến sĩ Giáo Sư triết Anna-Teresa Tymieniecka nhận xét Ngài là một người rất ngây thơ về phương diện tình dục, cả trong cách cư xử cũng như trong nội dung cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Theo Carl Bernstein và Marco Politi ghi lại trong cuốn “His Holiness” (trang 135), Tiến sĩ Tymieniecka nhận xét rằng “Tôi thật ngạc nhiên khi đọc cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Tôi nghĩ rõ ràng là ngài không biết ngài đang nói về cái gì. Làm thế nào ngài có thể viết những chuyện như thế? Câu trả lời là ngài không có kinh nghiệm về chuyện ấy”. Không cần biết rõ về tình dục để được phong thánh, nhưng ở cương vị Giáo Hoàng, có thể ban hành chỉ thị hướng dẫn hay cấm cản những việc liên hệ tới tình dục, mà không biết rõ về lãnh vực này, là điều vô cùng hệ trọng, vì có liên hệ tới hạnh phúc hay đau khổ của hàng tỉ người. Một điều hầu như Ngài không biết, nhưng có lẽ ai cũng biết: Nam giới mua “bao cao su” cho mình, nhưng khách hàng mua những viên thuốc mầu hồng, một phát minh kỳ diệu vào giữa thế kỷ 20, là nữ giới. Theo Thánh Kinh, cơ thể họ cũng do Chúa tạo ra, như nam giới. Nếu Chúa đã cho nam giới được có chút thú vui trong sứ mạng truyền gống, tất nhiên, Chúa cũng không hẹp hòi chuyện này với nữ giới. Chẳng lẽ Chúa chỉ tạo ra người nữ như cái máy đẻ?

h13

Thánh Giáo Hoàng John Paul II và người bạn phái nữ của Ngài, TS Anna-Teresa Tymieniecka. (Hình Bill & Jadwiga Smith, New York Times 16/02/2016)

Khói Satan trong Đền Thánh

Sự khó khăn trong giai đoạn chuyển mùa của Giáo Hội không phải bây giờ mới lộ diện. Chính Giáo Hoàng Paul VI đã thấy từ trên 40 năm trước.

Qua bài giảng quan trọng vào ngày 29 tháng 6 năm 1972, nhân lễ kính các thánh Phê Rô và Phao Lồ, cũng là kỷ niệm chín năm lên ngôi và bắt đầu năm thứ mười triều đại của mình, trước những người hiện diện gồm Chức sắc Toà Thánh, trên ba chục vị trong Hồng Y Đoàn và nhiều đại diện ngoại giao từ các nước trên thế giới, Giáo Hoàng Paul VI nói về tình trạng đáng lo ngại của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II. Không có nguyên văn toàn thể bài giảng của Ngài. Theo bản ghi lại nội dung bài giảng này do văn phòng Toà Thánh công bố, có những chỗ đáng chú ý như sau:

Nói về tình hình Giáo Hội hôm nay, Đức Thánh Cha xác nhận ngài đã cảm thấy rằng “từ một vài chỗ nứt, khói của Satan đã lọt vào đền thờ Chúa”. Có sự nghi ngờ, lưỡng lự, mơ hồ, băn khoăn, bất mãn, đương đầu. Đã không còn sự tin tưởng vào Giáo Hội; họ tin tưởng vào nhà tiên tri trần tục đầu tiên phát biểu trên vài tờ báo hay vài phong trào xã hội, và họ chạy theo anh ta và hỏi xem anh ta có cách thức nào cho cuộc sống thực sự. Và chúng ta không tỉnh táo trước sự kiện rằng chúng ta đã có và biết cách làm gì cho cuộc sống thực sự. Nghi ngờ đã đột nhập lương tâm của chúng ta, và nó đã vào qua cửa sổ đáng lẽ mở ra cho ánh sáng. Khoa học tồn tại để cho chúng ta những sự thật không phải để tách khỏi Thiên Chúa, nhưng để chúng ta tìm kiếm người nhiều hơn và ca ngợi người mãnh liệt hơn; thay vào đó, khoa học cho chúng ta chỉ trích và nghi ngờ. Khoa học gia là những người suy tư nhiều hơn và cực khổ nhiều trong việc sử dụng trí óc của họ. Nhưng cuối cùng họ dậy chúng ta: “Tôi không biết, chúng tôi không biết, chúng tôi không thể biết”. Trường học trở thành vận động trường của sự hỗn tạp và nhiều khi của sự mâu thuẫn vô lý. Tiến bộ được ca ngợi, rồi chỉ để phá đi bằng những cuộc cách mạng cấp tiến hơn và lạ lùng hơn, cũng như phủ nhận tất cả những gì đã được hoàn thành và bỏ đi như thuở ban sơ sau khi đã đề cao những tiến bộ của thế giới tân tiến.

Tình trạng bất ổn này gây lay chuyển ngay cả trong Giáo Hội. Chúng ta đã tưởng rằng sau Công Đồng sẽ là một ngày tràn ngập ánh sáng trong lịch sử Giáo Hội. Nhưng thay vào đó đã là sự xuất hiện của một ngày mây mù, bão táp, tăm tối, tìm kiếm, bất định. Chúng ta rao giảng toàn cầu nhưng chúng ta luôn luôn tự tách biệt chúng ta với người khác. Chúng ta tìm cách đào vực sâu thay vì lấp đầy chúng (1)

h14

 Giáo Hoàng Paul VI trước khi từ bỏ đi kiệu và đội mũ ba tầng

 Thật lạ lùng, một người có đầu óc tiến bộ, và từng dấn thân theo chiều hướng thay đổi của vị tiền nhiệm là John XXIII như Giáo Hoàng Paul VI đã tỏ ra thiếu bình tĩnh trước những phản ứng không thuận lợi phát sinh từ sự thay đổi. Lạ lùng nữa, Giáo Hội Công Giáo là sức mạnh chống Cộng hàng đầu, nhưng về phương diện đối phó với những nguồn dư luận chống đối, nhà lãnh đạo Giáo Hội và lãnh đạo Đảng có thái độ giống nhau. Giáo Hội cho là bị ma quỷ (Satan) quấy phá, trong khi Đảng đổ tội cho “thế lực thù địch”.

Dù bị đặt tên khác nhau, dù bị coi là “khói Satan” hay “lực phản động”, chống đối thật ra chỉ phát sinh từ những cọ sát là lực đẩy cần thiết để tiến bộ. Và cũng lạ khi một nhà thông thái như Giáo Hoàng Paul VI, vào hậu bán thế kỷ 20 mà vẫn còn tầm nhìn hẹp hòi về vai trò của khoa học. Đúng ra, khoa học đã phục vụ nhiều cho tôn giáo. Từ chỗ Lời Chúa đến với con người qua một bụi gai bên lề đường, hay từ một đám mây, khoa học đã có thể đưa Lời Chúa tức thì đến với mọi người tại khắp nơi trên thế giới chỉ bằng một cái nhấn chuột. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giê Su sai tông đồ đi mượn tạm một con lừa của nông dân làm phương tiện di chuyển tiến vào thành Jerusalem, giữa thập niên 60 thế kỷ trước, Giáo Hoàng Paul VI cưỡi máy bay tới nói chuyện với các nhà lãnh đạo khăp thế giới tại Liên Hiệp Quốc. Đó là sự phục vụ cụ thể của khoa học cho Giáo Hội. Còn việc củng cố đức tin, là nhiệm vụ của các nhà truyền giáo, không phải của các nhà khoa học. Nếu có những khám phá khoa học khiến đức tin bị lung lay, như chứng minh được trái đất quay quanh mặt trời, thay vì ngược lại, đó không phải lỗi của khoa học.

Hơn nữa, đời sống tinh thần của con người cũng thay đổi. Khi còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, dễ tin vào chuyện thần tiên, như Ông Già Noel chui lò sưởi mang đồ chơi tới vào dịp Giáng Sinh, con cò bay qua nhà để rơi cái bọc có em bé trước cửa… Nhưng một thiếu niên tới tuổi lái xe viết thư cho Ông Già Noel xin một cái xe, hay một thiếu nữ 17 tuổi tối tối quỳ gối cầu xin thần tiên sai khiến con cò mang tới cho một em bé để bế, đó không phải là chuyện bình thường, mà là dấu hiệu đáng lo, có vấn đề.

Hình ảnh nổi bật xưa nay diễn tả mối tương quan giữa tín hữu và người lãnh đạo là đàn cừu với người chăn cừu. Thay vì nhìn mối tương quan này đề định rõ trách nhiệm của người chăn cừu, lại thường được hiểu như tín hữu có bổn phận tuân phục người chăn như một đàn cừu. Phúc Âm dậy rằng, mọi việc dù nhỏ như cái tóc trên đầu, cũng đều do Chúa định. Nếu chỉ muốn có loài cừu, hà tất Chúa mất công tạo ra loài người và cho nó bộ óc thông minh hơn loài cừu. Chúa ban cho bộ óc người, mà chỉ xử dụng nó như bộ óc cừu, là làm hư một công trình sáng tạo của Chúa. Vận hành nó đúng theo khả năng Chúa đã tạo ra, chẳng lẽ là do quỷ Satan xui khiến?

Sức nặng của Thánh Giá

Những gì tồn đọng trong thời kỳ dậm chân tại chỗ bây giờ là sức nặng của Thánh Giá do Giáo Hoàng Francis gánh vác. Liệu Ngài có đủ sức, và còn đủ thời gian? Chỉ có Thiên Chúa biết rõ.

Điều người thường có thể thấy được là về mặt nổi, Ngài được dư luận khắp nơi ca tụng. Nhưng bên trong, Ngài đang, và sẽ còn bị chống đối từ nhiều phía, cả tả lẫn hữu. Phe hữu cho rằng Ngài theo chủ trương quá cấp tiến, từ bỏ hết những truyền thống và giá trị cao đẹp của Giáo Hội gìn giữ từ hàng ngàn năm. Có người đã gọi Ngài là “Nguỵ Giáo Hoàng”, hoặc “Giáo Hoàng Cộng Sản”, vì Ngài chỉ trích sự bất công của nền kinh tế tư bản, và bênh vực người nghèo. Trong khi ấy, phe tả cho rằng Ngài vẫn còn quá bảo thủ, vẫn chưa dám mạnh tay làm những thay đổi cần phải có. Cấm phá thai, có thể hiểu được, vì giết một bào thai, cũng như giết một mạng người. Cấm linh mục lấy vợ, cũng có thể hiểu được. Bốn tông đồ đầu tiên đã bỏ gia đình đi theo Chúa, nếu cho linh mục lập gia đình, chẳng hoá ra đi ngược lại chủ trương ban đầu của người lập ra Giáo Hội. Hơn nữa, nhiệm vụ người cha trong gia đình và cha linh hồn quan trọng ngang nhau, một sứ mạng cần toàn thời gian phục vụ. Một người kiêm hai việc, sẽ không đầy đủ bổn phận đối với cả hai; chỉ có thể phục vụ bán thời gian cho một nhiệm vụ cần toàn thời gian.

Nhưng, bây giờ còn cấm ngừa thai, không thể hiểu được. Ngoài ra, nữ nhà báo nổi tiếng từng được giải Pulitzer của New York Times là Maureen Dowd viết rằng Francis là Giáo Hoàng hoàn hảo cho Thế Kỷ 19, vì khi được hỏi về vấn đề phụ nữ làm linh mục, Ngài nói “Giáo Hội đã lên tiếng về chuyện này và nói không”, và thêm “Cánh cửa này đã đóng rồi”. Cùng với những vấn đề nổi cộm như cấm ngừa thai và không cho phụ nữ làm linh mục, cấm ly dị cũng là một vấn đề gai góc.

Thật ra, con đường Giáo Hoàng Francis theo đuổi còn cũ hơn Thế Kỷ 19 ít nhất 1500 năm, là con đường do Phúc Âm chỉ dẫn. Bởi vì, từ Thế Kỷ thứ Bốn, Giáo Hội không còn theo sát Phúc Âm nữa. Hoàng Đế Constantine, sau khi nhập đạo, đã trộn lẫn thế quyền với thần quyền, trong khi theo Phúc Âm, trả lời câu hỏi của Tổng Trấn Phi-la-tô về việc làm của mình, Đức Giê Su nói rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga18, 36). Nếu Nước của Đức Giê Su là Nước Trời, “không thuộc chốn này”, tại sao Giáo Hội của Người can thiệp quá sâu đậm vào sinh hoạt trần thế của loài người, từ khi thụ thai đến khi nằm sâu dưới lòng đất? Ở một chỗ khác trong Phúc Âm, Đức Giê Su nói rằng “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc20, 34-35). Như vậy, rõ ràng trên Nước Trời không có chuyện hôn nhân, vợ chồng. Đó là chuyện của cõi thế, do luật pháp thế gian quy định. Giáo Hội áp đặt thêm luật lệ nghiêm ngặt về hôn nhân, về thụ thai, về sự chết… Phải chăng là một sự lạm dụng quyền bính, trái tinh thần Phúc Âm? Nếu chỉ lo những gì có liên hệ tới “Nước Trời”, còn những gì thuộc về xã hội trần thế như kết hôn, sinh con… hãy để cho cõi thế lo, Giáo Hội sẽ nhẹ gánh hơn nhiều, và cuộc sống con người cũng thảnh thơi hơn.

***

Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu chuyển mùa từ năm 1958 khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi, và cuộc chuyển đổi đã gặp khó khăn ngay từ thời Giáo Hoàng Paul VI, vào thập niên 60-70. Trước những chống đối, chính Ngài đã nói tới chuyện từ chức, nhưng do bản tính thiếu dứt khoát, Ngài đã ở lại đến khi từ trần. Giáo Hoàng Benedict XVI, không nói trước chuyện từ chức, nhưng khi gặp chống đối ngay trong giới thân cận, Ngài đã bất ngờ từ chức, khi tự biết mình không thể vượt qua được những khó khăn. Trong dịp kỷ niệm hai năm nhậm chức vào Mùa Xuân 2015, đương kim Giáo Hoàng Francis cũng đã nói tới chuyện từ chức, mặc dầu Ngài tỏ ra là một người can đảm. Nhưng can đảm chỉ giúp vượt qua sợ hãi. Chưa nghe nói có ai kéo dài được tuổi thọ nhờ can đảm. Tháng 12, 2015, Ngài đã ở tuổi 79. Cuối năm 2016, Ngài sẽ vượt qua tuổi có thể bầu giáo hoàng. Không còn khả năng bầu giáo hoàng mà vẫn làm giáo hoàng, liệu Ngài có đủ sức vượt qua những khó khăn để hoàn tất cuộc chuyển mùa của Giáo Hội? Trong những ngày tháng còn lại, liệu Ngài có chọn đủ một Hồng Y Đoàn chắc chắn sẽ bầu ra vị Giáo Hoàng kế tiếp sẽ theo bước đi của Ngài? Hay một lần nữa lại trải qua một thời kỳ “gió chướng” hoặc dậm chân tại chỗ?

Qua diễn từ đọc trước các giám mục tham dự Đại hội Thế giới về Gia đình (World Meeting of Families) nhân chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín 2015, Giáo Hoàng Francis nói: “Tín hữu Thiên Chúa Giáo không được miễn trừ trước các thay đổi trong thời đại của mình. Cho dẫu thế giới thực thể này có vô vàn những vấn nạn và tiềm năng, nó vẫn chính là nơi chúng ta đang phải sống, phải giữ niềm tin và tuyên xưng đức tin” (2). Không được miễn trừ trước các thay đổi của thời đại, nghĩa là Giáo Hội cũng phải thay đổi cho hợp thời. Không thay đổi kịp, sẽ lâm vào tình trạng lạc hậu, trước khi bị đào thải.

Đinh Từ Thức

—————

1- http://www.catholicstand.com/109/

2-  “Christians are not immune to the changes of their times,” Francis said. “This concrete world, with all its many problems and possibilities, is where we must live, believe, and proclaim.”

Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần I)

Đinh Từ Thức

h1
Giáo Hoàng Francis, hình vẽ trên tường (graffiti image) tại Saint-Romain-au-Mont-d’Or, France.
h2

Chuyến thăm nước Mỹ của Giáo Hoàng Francis vào cuối tháng 9, 2015, đã được coi là chuyến đi lịch sử. Tuy lãnh đạo hơn một tỉ giáo dân, còn kém số dân Tầu dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi của nhà lãnh đạo thần quyền đã che lấp chuyến đi của nhà lãnh đạo thế quyền, cùng đến Mỹ trong một tuần. Truyền thông Mỹ và thế giới đã bình luận sôi nổi, loan tin và theo dõi sát từng bước đi, từng cử chỉ và lời nói của Giáo Hoàng. Người ta đã gọi Ngài là Giáo Hoàng Nhân Dân, Giáo Hoàng Cách Mạng, Giáo Hoàng Cấp Tiến, thậm chí, có người còn chụp cho Ngài cái mũ là Giáo Hoàng Cộng Sản.

Thật ra, nếu theo dõi kỹ, sẽ thấy Giáo Hoàng Francis không phù hợp với bất cứ nhãn hiệu nào vừa kể. Ngài là Giáo Hoàng trở về nguồn, “phúc âm hoá” (evangelization). Ngài là vị Giáo Hoàng Thứ Sáu vào thời kỳ Giáo Hội đang chuyển mùa. Chuyển từ thời đại xa rời Phúc Âm, trở lại con đường Phúc Âm.

Những ai sống ở miền ôn đới, khí hậu mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, đều thấy vào thời gian từ mùa nọ sang mùa kia, gọi là chuyển mùa, nhiệt độ trồi sụt bất thường. Ví dụ từ Hạ sang Thu năm 2015, ngày chính thức đổi mùa là 23 tháng 9, nhưng không phải chỉ qua một đêm, cái nóng nực mùa Hạ bỗng chuyển qua mát mẻ của mùa Thu. Kinh nghiệm cho thấy, nhiệt độ thường thay đổi từ từ, mát dần, có khi đột biến nóng trở lại trong vài ngày, rồi lại mát, lên xuống nhiều lần, trước khi ổn định. Thời gian chuyển mùa này thường kéo dài nhiều ngày, có khi vài ba tuần.

Một năm có bốn mùa, mỗi mùa dài ba tháng, nếu chuyển mùa trung bình lâu ba tuần, là thời gian chuyển mùa chiếm khoảng 25 phần trăm thời gian toàn mùa. Giáo Hội Công Giáo đã tồn tại hai ngàn năm, thời gian mỗi mùa không bằng nhau, mỗi lần chuyển mùa ắt phải kéo dài trong nhiều thập kỷ, hay hàng thế kỷ. Nếu mùa Xuân của Giáo Hội xây dựng trên Phúc Âm là lời dậy của Đức Giê Su vào Thế Kỷ thứ 1, mùa Hạ từ thời Constanstine ở Thế Kỷ thứ 4 mở Nước Chúa bằng binh đao, mùa Thu từ Thế Kỷ 19 thoả hiệp với thế quyền để sống còn, thì Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển từ Thu sang Đông, bắt đầu từ khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi vào tháng 10, 1958.

Từ John XXIII tới Benedict XVI

Sau mấy thế kỷ bị bách hại ban đầu, tiếp theo là nhiều thế kỷ Giáo Hội phát triển và tự bảo vệ bằng binh đao và toà án, quyền bính bao trùm cả thần và thế quyền, từ cuối thế kỷ 18 Giáo Hội bắt đầu gặp khó khăn từ các phong trào giải phóng, thế quyền nổi dậy ngay từ các vùng vốn là con cưng của Giáo Hội như Pháp và Ý, khiến lãnh thổ và quyền bính của Giáo Hội bị thu hẹp dần. Tuy số tín hữu thần phục Giáo Hội trên thế giới vẫn tăng, đạt con số hàng tỉ người vào cuối Thiên niên kỷ thứ Hai, nhưng sau Đại chiến thứ Nhất vào đầu thế kỷ 20, lãnh thổ mênh mông dưới quyền của Giáo Hoàng (Papal states) trước kia chỉ còn lại một khu rộng chưa tới một nửa cây số vuông, với “dân số” chưa tới một ngàn người, hầu hết thuộc nam giới, là Vatican City ngày nay.

Trước những điều kiện thực tế thay đổi khiến Giáo Hội phải thay đổi. Giáo Hoàng John XXIII kế vị Giáo Hoàng Pius XII vào tháng 10, 1958. Lên ngôi ở tuổi 77, dư luận không trông đợi tân Giáo Hoàng có những thay đổi lớn, nhưng chính Ngài đã mở đầu giai đoạn chuyển mùa bằng nhiều quyết định quan trọng. Tuy bề ngoài, Ngài vẫn giữ những hình thức cũ, vẫn đội vương miện ba tầng (triregnum) và đi kiệu (Sedia Gestatoria) vào ngày lễ đăng quang, mặc lễ phục rực rỡ như các Giáo Hoàng từ hàng nghìn năm trước. Nhưng sau khi lên ngôi, Ngài đã có nhiều thay đổi táo bạo, đáng kể hàng đầu là việc triệu tập Công Đồng Vatican II vào tháng 10, 1962. Tuy thời gian trị vì của Ngài chỉ có 5 năm, Công Đồng Vatican II chưa kết thúc, nhưng nhờ người kế vị Ngài vào năm 1963 là Giáo Hoàng Paul VI, thay vì những dự án riêng, đã tiếp tục hoàn tất công việc của người đi trước.

h3
Giáo Hoàng John XXIII được phong thánh cùng với Giáo Hoàng John Paul II vào tháng 4/2014

Với thời gian trị vì lâu gấp ba lần người tiền nhiệm, Giáo Hoàng Paul VI, mặc dầu trước nhiều chống đối ngay trong nội bộ Giáo Hội từ những người không muốn thay đổi, đã can đảm làm nốt những gì Giáo Hoàng John XXIII đã khởi sự. Ngoài ra, Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, đã mở những cuộc du hành xa tới 6 lục địa, tới Thánh Địa và Ấn Độ vào năm 1964, tới Liên Hiệp Quốc vào năm 1965, đồng thời, mở đối thoại với Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Phương Đông, và Anh Giáo. Về hình thức, Ngài vẫn giữ lễ đăng quang, đi kiệu và đội mũ ba tầng, nhưng chỉ một thời gian sau, qua cử chỉ bầy tỏ sự khiêm nhường để phù hợp với tinh thần thay đổi của Công đồng Vatican II, Ngài đã chính thức từ bỏ việc đội mũ ba tầng, mang ý nghĩa “cha của các hoàng tử và hoàng đế; người cai trị thế giới; và đại diện Chúa Giê Su dưới thế” (patrem principum et regum, rectorem orbis in terra vicarium Salvatoris nostri Jesu Christi).

Hồng Y Albino Luciani, tuy ít được biết tới ngoài nước Ý, nhưng Ngài đắc cử ngay vòng bỏ phiếu thứ ba vào ngày đầu mật nghị bầu người kế vị Giáo Hoàng Paul VI vào tháng 8, 1978. Ngài đột ngột từ trần vào cuối tháng 9, ở ngôi vị Giáo Hoàng có 33 ngày, chưa làm được điều gì cụ thể. Tuy nhiên, là người đầu tiên chọn danh hiệu Giáo Hoàng gồm tên của hai vị tiền nhiệm ghép lại, John Paul I, điều này chứng tỏ Ngài muốn tiếp tục công cuộc thay đổi của hai vị đi trước. Ngài cũng bỏ lễ đăng quang theo truyền thống, thay bằng lễ nhậm chức giản dị hơn.

Một trong những thay đổi có ảnh hưởng nhiều sau này của Giáo Hoàng Paul VI là vào năm 1970, Ngài định tuổi hưu trí của linh mục và giám mục là 75, và đến tuổi 80, Hồng Y không còn tham dự vào công việc của giáo triều nữa. Khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, tổng số Hồng Y chỉ có 80, nhưng đến năm 1976, Hồng y đoàn lên tới 138, gồm nhiều người được chọn từ thế giới thứ ba, khiến số Hồng Y người Ý chỉ còn là thiểu số. Tuy vậy, Giáo Hoàng John Paul I được bầu mau lẹ, vì ngài từng là một trong hai Hồng Y được cố Giáo Hoàng Paul VI đặc biệt chú ý như những người sẽ kế vị Ngài. Người kia là Hồng Y trẻ Wojtyla, người Ba Lan, mới nổi nhờ những đóng góp cho Công Đồng Vatican II.

Ở mật nghị bầu giáo hoàng vào tháng 10, 1978, sau vài vòng phiếu đầu, vài ba Hồng Y người Ý nổi bật đã chia phiếu, không ai có hy vọng chiếm đủ đa số đắc cử. Trong khi ấy, Hồng Y trẻ người Ba Lan, Karol Wojtyla 58 tuổi, như ngôi sao đang lên, đã mau chóng được các Hồng Y cử tri không phải người Ý dồn phiếu cho, đắc cử ở vòng bầu thứ tám, với tỷ lệ tuyệt đối 103 trên 109 phiếu (có tài liệu ghi là 99 trên 108 phiếu), nối tiếp danh hiệu của vị tiền nhiệm đoản mệnh: John Paul II.

h4

Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1991 – Hình L’Osservatore Romano

Là Giáo Hoàng đầu tiên ngoài nước Ý từ trên 400 năm, và cũng là Giáo Hoàng đầu tiên từ một nước cộng sản, ưu tiên của tân Giáo Hoàng là giải thoát Giáo Hội khỏi sự bức hại của cộng sản vô thần, đồng thời cũng góp phần giải phóng quê hương mình. Tuy còn trẻ, Ngài theo khuynh hướng bảo thủ; sống dưới chế động Cộng Sản, bị tấn công liên tục, bám vào những giá trị cổ truyền để bảo vệ Giáo Hội, đó là chọn lựa tự nhiên. Hơn nữa, xuất thân từ Ba Lan và với những kinh nghiệm sống từ Ba Lan, có lẽ, đối với Ngài, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cũng giống như một phóng ảnh của Giáo Hội Ba Lan. Do đó, trong suốt hơn 26 năm trị vì, Giáo Hoàng John Paul II lo củng cố, hơn là thay đổi Giáo Hội. Về hình thức, Ngài cũng theo đường lối giản dị của vị tiền nhiệm, bỏ lễ đăng quang rườm rà, tất nhiên cũng bỏ luôn việc đội vương miện ba tầng và đi kiệu. Nhưng về nội dung, Ngài vẫn theo đường lối bảo thủ. Trong khi Ngài bôn ba, du hành khắp các lục địa trên thế giới, công việc giữ gìn kỷ cương của Giáo Hội được trao cho Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger, một nhà thông thái về thần học và giáo sử có khuynh hướng bảo thủ giống ngài, đứng đầu Thánh bộ Giáo lý và Đức tin.

Trong gần ba thập niên thời đại John Paul II, Giáo Hội chẳng những không có thay đổi quan trọng nào có thể sánh với thời John XXIII và Paul VI, mà còn có chiều hướng muốn sửa lại những thay đổi từ Công Đồng Vatican II.

Sau thời gian đứng đầu Giáo Hội lâu gần đạt kỷ lục, và những thành quả vang dội liên hệ tới chính trị và ngoại giao thế giới của Giáo Hoàng John Paul II, không ai nổi bật là người có thể kế vị Ngài bằng chính cánh tay mặt của Ngài trong gần một phần tư thế kỷ, là Hồng Y Ratzinger. Tuy đã 78 tuổi, vị Hồng Y bảo thủ này đã được bầu làm Giáo Hoàng, với danh hiệu Benedict XVI, ở vòng phiếu thứ 5, mật nghị 2005. Tuy Giáo Hoàng là người ngoài nước Ý, nhưng cũng như vị tiền nhiệm, vẫn là người châu Âu.

Thoát khỏi bóng cả của Giáo Hoàng tiền nhiệm, tân Giáo Hoàng có toàn quyền theo đường lối bảo thủ của mình. Về hình thức, tuy Ngài cũng bỏ lễ đăng quang, không đội vương miện ba tầng do Công giáo Đức tặng, nhưng ngay từ đầu, Ngài đã chọn y phục, từ mũ áo đến giầy, chỉ dành riêng cho Giáo Hoàng từ hàng chục thế kỷ trước. Ngài làm sống lại nhiều trang phục rực rỡ từ lâu vắng bóng, đến nỗi tạp chí Esquire đã tặng Ngài danh hiệu “Accessorizer of the year” năm 2007. Trong khi ấy, dưới triều đại của Ngài, có những dấu hiệu chuẩn bị phục hồi những thay đổi sau Công Đồng Vatican II. Ví dụ, về phụng vụ, khuyến khích việc cử hành trở lại thánh lễ bằng tiếng Latin.

Cũng như với thiên nhiên, nếu có những người dị ứng với khí hậu chuyển mùa, thì cũng có nhiều người muốn thời gian thay đổi sớm hoàn tất để dễ thở hơn. Nếu uy tín lớn của Giáo Hoàng John Paul II có thể chặn được những chống đối công khai hay ngấm ngầm thì người kế vị là Giáo Hoàng Benedict không có may mắn này. Những thay đổi cần thiết được mong đợi, chẳng những không sẩy ra, còn có cơ nguy bị lật ngược. Sự chia rẽ đã thành hình, ngay trong nội bộ giáo triều, bao gồm cả âm mưu chống đối. Cụ thể là những tin tức thuộc loại thâm cung bí sử được tiết lộ cho báo chí bên ngoài, kể cả vụ trộm tài liệu mật ngay từ văn phòng Giáo Hoàng. Cảm thấy không thể tiếp tục sứ mạng cao cả, Giáo Hoàng Benedict XVI đã bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 11 tháng 2, 2013, một việc chưa hề diễn ra trong hơn 800 năm, từ thời Giáo Hoàng Celestine V, từ nhiệm ngày 13 tháng 12, 1294.

h5-6

          Giáo Hoàng từ nhiệm Benedict XVI…..  và Giáo Hoàng kế nhiệm Francis

Francis, mục tử khó nghèo

“Từ khi Ngài bước vào ban công sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, sự việc đã khác. Mặc chiếc áo trắng giản dị, Ngài yêu cầu những người hành hương cầu nguyện cho mình và tự tới khách sạn trả tiền phòng. Sự khiêm nhường và thân thiện của Giáo Hoàng Francis đã chiếm được trái tim của hàng triệu người”. Đó là nhận xét của bà Meghan J. Clark, một học giả và tác giả viết về Đức Giáo Hoàng Francis trên New York Times, trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Ngài.

Thật ra, không phải chỉ có thế, và không cần đợi tới khi Ngài bước lên ban công ra mắt và ban phép lành đầu tiên theo truyền thống, người ta mới thấy sự khác biệt giữa vị Giáo Hoàng mới và các bậc tiền nhiệm. Sự khác biệt đã diễn ra ngay trong mật nghị (conclave) ở nhà nguyện Sistine, nơi 115 Hồng Y họp mật bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 12 tháng 3, 2013, và kết thúc vào hôm sau.

Bắt đầu mật nghị, các Hồng Y phải đặt tay vào Kinh Thánh thề không được tiết lộ bí mật, nhưng có một cặp vợ chồng ký giả, Elisabetta Piqué và chồng là Gerry, nhờ làm việc lâu năm tại Roma, và quen biết hầu hết các Hồng Y, đã biết được nhiều chuyện mật trong mật nghị. Elisabetta là ký giả duy nhất trên thế giới đã viết trên báo La Nación ở Buenos Aires vào hôm trước ngày mật nghị kết thúc là Jorge Bergoglio, một Hồng Y người Argentina gốc Ý dư luận ít biết tới, có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Cuốn tiểu sử Life and revolution FRANCIS của Elisabetta Piqué cho biết rõ về cuộc đời và hướng đi của Giáo Hoàng.

Trước mật nghị 2013, không có ai nổi bật như Hồng Y Ratzinger năm 2005. Bầu cử Giáo Hoàng không có ứng cử, không có vận động tranh cử. Trên lý thuyết, cử tri bầu chọn theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, sau buổi lễ cầu nguyện chung mấy ngày trước khi mật nghị khai mạc, các Hồng Y cũng có ít phút trình bầy quan điểm của mình. Ngày 7 tháng 3, năm ngày trước mật nghị, chỉ trong hơn ba phút, Tổng Giám Mục Buenos Aires đã được nhiều bạn đồng liêu, cả bảo thủ và cấp tiến, chú ý và khen ngợi về quan điểm rõ ràng của mình đối với tương lai Giáo Hội. Elisabetta ghi lại lời kể của Hồng Y nổi tiếng người Cuba là Jaime Ortega, rằng: Hồng Y Jorge Bergoglio đã nói về phúc âm hoá, là lý do tồn tại của Giáo Hội. Theo Ngài, Giáo Hội phải tự lột xác, ra khỏi vỏ bọc của mình để đến với tầng lớp ngoại vi, những người thuộc thành phần tội lỗi, đau khổ, chịu bất công, thiếu hiểu biết, thiếu đức tin, nghèo khó dưới mọi hình thức. Ngài chỉ trích một Giáo Hội chỉ biết có mình, tự ái, làm nẩy sinh những tư tưởng thế tục xấu xa và sống để ca tụng lẫn nhau. Theo Ngài, “Có hai hình ảnh của Giáo Hội: Giáo Hội phúc âm hoá, tự ra khỏi mình, Giáo Hội của lời Chúa, trung thành nghe và rao giảng lời Chúa; và Giáo Hội thế tục, sống cho mình, bởi mình và vì mình. Nhận thức này nên soi sáng cho những thay đổi và cải tổ để hoàn thành việc cứu rỗi các linh hồn”.

Cần 77 trên 115 phiếu để đắc cử. Tại vòng bỏ phiếu thứ sáu – cũng có thể gọi là thứ năm, vì vòng thứ năm bị huỷ, do một phiếu không hợp lệ — Hồng Y Bergoglio được gần 90 phiếu, trở thành Giáo Hoàng thứ 266, nối ngôi Thánh Phê Rô.

Khác với các Giáo Hoàng trước, phần đông chọn danh hiệu là tên các vị tiền nhiệm danh tiếng, như Pius, Paul, John, Benedict… , tân Giáo Hoàng khiến nhiều người ngạc nhiên khi Ngài chọn Francis. Khởi đầu, người ta tưởng Ngài chọn Francis Xavier, là nhà truyền giáo nổi tiếng, đồng sáng lập Dòng Jesuit, là dòng tu của Ngài. Nhưng Ngài chọn Francis của vùng Assisi, một vị thánh người Ý con nhà giầu, bỏ hết của cải, chỉ trích sự giầu có, chuyên giúp người nghèo, hoà mình với thiên nhiên, làm bạn với chim muông, cầm thú; yêu sự nghèo hèn đến nỗi mong được chết không một mảnh vải che thân, để giống với hình ảnh Chúa trên thập giá.

Hình ảnh tương phản giữa hai Giáo Hội đã thể hiện qua bề ngoài của hai người ngay sau khi vừa được chọn làm chủ chăn: Benedict XVI mặc bộ phẩm phục vương giả, rực rỡ, dành cho Giáo Hoàng theo truyền thống từ hàng ngàn năm trước; ngay cả những bộ phận không còn dùng nữa hay đã cải tiến giản dị từ thời Giáo Hoàng Paul VI, như áo khoác ngắn đến khửu tay bằng nhung đỏ viền lông chồn trắng (mozzetta), dải biểu tượng quyền bính (pallium) to bản và dài đến chân theo mẫu từ thế kỷ 11, đôi giầy đặc biệt bằng da đỏ…Ngược lại, Francis chỉ mặc bộ đồ giản dị toàn trắng, không thêu thùa mầu sắc rực rỡ, từ chối đeo giây, tượng, và nhẫn vàng dành cho Giáo Hoàng, vẫn dùng giây đeo thánh giá và nhẫn bạc, cả đôi giầy đen cũ của mình. Tại ban công Đền Thánh Phê Rô, Benedict rạng rỡ mở đầu thời đại của mình bằng Phép Lành Toà Thánh ban cho mọi người, Francis khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho mình.

Người con xa tìm về nguồn

Trên nguyên tắc, Giáo Hội được xây dựng và mở mang dựa trên lời dậy của Đức Giê Su, được gọi là Tin Mừng, hay Phúc Âm. Như vậy, sao lại có chuyện “Phúc Âm hoá”? Có thể dùng ngay ví dụ trong lịch sử gần đây của Việt Nam để hiểu điều này. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam, đã có “Việt Nam hoá”. Bởi vì, do thời cuộc đưa đẩy, từ năm 1965, cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ VNCH đã bị “Mỹ hoá” thời Tổng Thống Johnson. Rồi lại do thời cuộc đưa đẩy, đến khi không thể tiếp tục đường lối Mỹ hoá, Tổng Thống Nixon đành phải Việt Nam hoá cuộc chiến, bắt đầu từ năm 1969.

Giáo Hội Thiên Chúa cố gắng lớn lên theo Phúc Âm trong ba thế kỷ đầu. Cuối thế kỷ thứ ba, Giáo Hội đang trong hoàn cảnh bị bách hại, bỗng có biến cố lớn vào đầu thế kỷ thứ bốn: Năm 312, trong nỗ lực thống nhất sơn hà, Hoàng Đế La Mã Constantine cho biết, trước trận đánh quan trọng tại cầu Milvian trên sông Tiber ở Roma, ông đã thấy biểu tượng đạo Chúa là cây Thánh Giá hiện ra trước ánh mặt trời sáng chói, điều này khiến ông tin tưởng và quân sĩ nức lòng. Ông tiến về hướng hình ảnh Thánh Giá và đánh tan kẻ thù. Thay vì cấm đạo như các Hoàng Đế tiền nhiệm, ông quyết định theo đạo. Giáo Hội, đang trong tư thế bị bách hại, bỗng nhiên trở thành thế lực tinh thần, là đồng minh của bên chiến thắng.

Hoàng Đế tân tòng, tuy chưa rửa tội cho tới ít lâu trước khi qua đời vào năm 337, Constantine dành cho Giáo Hội nhiều ưu đãi. Giáo hữu được miễn dịch, phục vụ tôn giáo cũng được kể như phục vụ tổ quốc. Giáo Hội được cấp đất, cấp tiền xây những nhà thờ đồ sộ, làm chứng cho sự phát triển của tôn giáo, và sự thịnh vượng của triều đại. Đền Thánh Phê Rô đầu tiên được xây cất thời kỳ này. Việc đạo và việc nước pha trộn với nhau. Sau khi Constantine mất, chiến tranh, xáo trộn kéo dài một phần tư thế kỷ. Năm 361, cháu Constantine là Julian lên ngôi, phủ nhận đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ cai trị được hai năm, không ngăn nổi sức phát triển đã có đà của tôn giáo này. Đây cũng có thể coi như thời kỳ chuyển mùa đầu tiên, từ mùa Xuân của Giáo Hội theo Phúc Âm, sang mùa Hạ của Giáo Hội Đế Chế hoá, xa rời Phúc Âm, phát triển và tổ chức như một đế quốc.

Trong hơn mười thế kỷ, Phúc Âm vẫn được rao giảng, nhưng không được thể hiện hoàn toàn đúng trên thực tế. Có rất nhiều thí dụ về việc này:

h7

Đức Giê Su cưỡi lừa vào Thành Jerusalem

– Vào một ngày quan trọng hàng đầu trong cuộc đời giảng đạo, Đức Giê Su và các môn đệ tiến vào thành Jerusalem, trước sự tung hô của dân chúng (được kỷ niệm bằng Chủ Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh, mùa Phục Sinh). Dịp này, Ngài cưỡi một con lừa mượn tạm của dân làng (Mt 21, 1-10; Mc 11, 1-11; Lc 19, 28-38; Ga 12, 12-16). Đây là dịp duy nhất Ngài không di chuyển bằng đôi chân của mình.

Nhưng qua hàng ngàn năm, mãi đến 1978, trong những dịp trọng thể, các vị Giáo Hoàng vẫn ngồi trên kiệu (sedia gestoria) như vua chúa, do 12 người khiêng. Cho đến Giáo Hoàng Benedict XVI, con lừa của các vị thay mặt Thiên Chúa ở thế gian là những chiếc xe Mercedes sang trọng hàng đầu và đắt tiền. Mãi đến Giáo Hoàng Francis, con lừa của Ngài mới là chiếc xe con cóc Fiat 500 nhỏ xíu, rẻ tiền.

h8

Một Giáo Hoàng trên kiệu giống như Hoàng Đế Ai Cập

Về trang phục, Đức Giê Su bảo: “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, ta bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon trong vinh quang tột bậc cũng không đẹp đẽ được như một trong những bông hoa ấy. Bởi đó, với những bông hoa nay còn mai huỷ mà Chúa còn cho mặc đẹp như vậy, chẳng lẽ Ngài không lo cho anh em nhiều hơn về chuyện mặc. Sao yếu đức tin thế? (Mt 6, 28-30; LC 12, 27-28). Phúc Âm đã nói rõ như vậy, nhưng từ khi Giáo Hoàng, chẳng những được coi ngang Hoàng Đế, mà còn trở thành “Siêu Hoàng Đế”, vua của các Hoàng Tử và Hoàng Đế, phẩm phục của các ngài còn rực rỡ hơn cả cẩm bào của Hoàng Đế. Hãy so sánh phẩm phục của Giáo Hoàng Benedict XVI với bộ áo của Giáo Hoàng Francis, sẽ thấy rõ Ngài Phúc Âm hoá như thế nào.

– Khi sai các tông đồ đi giảng đạo, Đức Giê Su chỉ thị cho các ông, ngoài cây gậy, đôi dép và bộ quần áo trên người, không được mang theo lương thực, tiền nong (Mt 10, 5-15; Mc 6, 8-9; Lc 9, 1-6). Đến đâu, ai cho ăn thì ăn, cho ở thì ở. Khi người ta không cho ăn ở nữa, thì đi chỗ khác. Người lập ra Giáo Hội dậy như thế, nhưng khi Giáo Hội giầu mạnh, các đấng thay mặt Chúa ở thế gian cư ngụ trong những cung điện nguy nga tráng lệ. Mới cách đây hơn hai năm, vào cuối năm 2013, một trong những việc bận tâm của tân Giáo Hoàng Francis là cách chức Giám Mục Franz Peter Tebartz van Elst thuộc Địa Phận Limburg (Đức), vì ông này đã chi trên 40 triệu đô la để tân trang tư dinh của mình, trong đó trên một triệu dành cho vườn cảnh, và riêng chiếc bồn tắm giá 20 ngàn đô la.

– Ham mê tiền của cũng là một thứ nô lệ tai hại như nô lệ ma quỷ. Cho nên, Phúc Âm ghi lại lời Chúa dậy rằng “anh em không thể vừa là tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được ((Mt 6, 24; Lc 16, 13), và “anh em đừng tích trữ kho tàng dưới đất (Mt 6, 19-20; Lc 12, 33-34). Ngài còn nói rõ hơn: “người giầu vào nước Thiên Đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (Mt 19, 23-26; Mc 10, 23-25; Lc 18, 24-27). Nhưng trong hàng chục thế kỷ, Giáo Hội đã rất giầu có. Của nổi của chìm mỗi địa phận ít “đại gia” nào sánh bằng, và người giầu đã từng có địa vị đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Bao nhiêu Giáo Hoàng từng xuất thân từ những dòng họ giầu sang như Borgia, Medici, hoặc từ những vùng giầu có như Florence, Venice và Milan.

Chiều tối Chủ Nhật 27 tháng 9, 2015, trong Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Francis cử hành ở Philadelphia trước khi Ngài về lại Roma, bài Thánh Thư thứ nhì do nữ tu Hồng Quế đến từ Việt Nam đọc, không phải là bài đọc đặc biệt riêng cho Thánh Lễ này, đó là lời trong thư của Thánh Gia Cô Bê Tông Đồ (St. James), đã được đọc trên khắp thế giới vào cùng ngày, và từng được đọc đi đọc lại từ hai ngàn năm. Bài đọc không dài, có thể ghi lại đầy đủ như sau:

Giờ đây, những kẻ giầu có, các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã bị hư hại, quần áo của các người đã bị mối xông. Vàng bạc của các người đã bị han rỉ, và chính rỉ sét ấy là bằng chứng chống lại các người, và sẽ thiêu huỷ xác thịt các người như lửa đốt. Các người đã thu góp tài sản cho những ngày cuối cùng. Các người đã gian lận ăn bớt tiền lương của những người thợ gặt khiến họ kêu khóc, và những tiếng kêu đã thấu tai Thiên Chúa. Các người đã sống khoái lạc và buông thả trên mặt đất này, các người đã được hả dạ trong ngày sát sinh. Các người đã kết án và giết hại người công chính; và họ đã chẳng hề cưỡng lại.

Từ các bậc trưởng thượng trong Giáo Hội đến hàng tỉ giáo dân, vẫn đọc, vẫn nghe nhắc đi nhắc lại như trên từ hai ngàn năm nay, nhưng đã có bao nhiêu người xa lánh sự giầu có? Ngay trong thánh lễ đọc Thánh Thư trên, rất có thể, vẫn có người cầu xin cho mình trúng số, buôn bán phát tài, làm ăn trúng mối, một vốn mười lời. Năm 1963, đang khi đất nước trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục nâng lễ Ngân Khánh của mình ngang tầm quốc lễ, để Chủ Tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ làm trưởng ban tổ chức, cử hành lưu động khắp Trung Nam. Có người bênh vực: “Đức Tổng làm vậy để lấy tiền giúp Địa Phận, cho Đại Học Đà Lạt, đâu phải cho cá nhân Ngài”. Cho việc riêng hay cho việc chung, cũng là mù quáng chạy theo tiền tài. Mà, một khi chạy theo của cải, như Thánh Gia Cô Bê đã nói, “các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người”.

– Theo tinh thần Phúc Âm, việc Nước và việc Đạo tách rời nhau. Khi có người hỏi có phải đóng thuế cho Caesar không, Chúa trả lời: “Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa ((Mt 22, 15-22; Mc 12, 17; LC 20, 20-26). Từ thời Constantine, việc nước đã nhập chung với việc đạo, rồi quyền bính giữa đạo và đời gắn bó với nhau. Thời Giáo Hoàng Gregory I (590-604), người đứng đầu Giáo Hội kiêm cả việc trị nước; tự mình thương thảo về hiệp ước, chọn tướng lãnh và trả lương cho binh sĩ.

Sự lạm dụng quyền bính của Giáo Hoàng đã lên tới cao độ, tạo tì vết trong lịch sử Giáo Hội, mang nhiều tiếng xấu khiến các Giáo Hoàng ngày nay vẫn còn phải xin lỗi, ví dụ những việc làm thời Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216). Nhiều vương quốc thời này như Bulgaria, Poland, Portugal… đã phải quy phục Giáo Hoàng, trở thành lãnh địa của Toà Thánh. Văn kiện nhân quyền đầu tiên của thế giới Magna Carta do vua John nước Anh ban hành năm 1215 bị huỷ bỏ, với lý do các bá tước áp lực nhà vua ký mà không có sự chấp thuận của Giáo Hoàng.

Vạ tuyệt thông (Excommunication) và Toà án dị giáo (Inquisition) cũng được thiết lập thời kỳ này, dưới quyền Giáo Hoàng Gregory IX (1227-1241) để trừng phạt những kẻ không tuân lệnh Giáo Hội, kể cả Hoàng Đế từng là bạn và được Giáo Hoàng gửi vương miện tấn phong, như Frederick II. Điều đặc biệt, chính Giáo Hoàng Gregory IX từng là bạn của Francis ở Assisi (Thánh danh của Giáo Hoàng hiện tại) và phong thánh cho Ngài năm 1228, chỉ hai năm sau khi Ngài qua đời, nhanh kỷ lục.

Đáng nói hơn nữa, mặc dầu theo Phúc Âm, Chúa đã cấm việc xử dụng vũ khí, “kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52; Mc 14, 43-50; Lc 22, 47-53; Ga 18, 3-11), Giáo Hoàng Urban II (1088-1099), đã khởi sự cuộc Thánh Chiến Thứ Nhất (First Crusade – 1096), coi bạo lực là việc làm thiêng liêng để bảo vệ nước Chúa; quân sĩ đeo Thánh Giá, được gọi là “Thập Tự quân”. Và đúng như lời Chúa, sau hai thế kỷ, – từ 11 đến 13 – và chín cuộc Thánh Chiến lớn, lãnh thổ của Giáo Hội ngày càng thu hẹp. Tuy không còn Thánh Chiến, tinh thần hiếu chiến trong đạo, được biểu lộ dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại đến thời hiện đại. Trẻ con các xứ đạo được tổ chức thành đoàn ngũ gọi là “Nghĩa binh Thánh Thể”, những giáo hữu nam nữ họp lại chỉ để cầu nguyện và làm việc thiện, được gọi là “Đạo binh Đức Mẹ”, quý vị nam giới đã trưởng thành được mời tham gia các tổ chức “Hiệp Sĩ”, mặc y phục như các hiệp sĩ đời xưa, tuốt gươm sáng ngời trong nhà thờ vào các dịp lễ trọng.

Thời Trung cổ, dù các cuộc Thánh Chiến lớn đã chấm dứt, Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303) vẫn mặc phẩm phục như Hoàng Đế, tự cho mình vừa là Giáo Hoàng, vừa là Hoàng Đế, công bố giáo chỉ (bull) “Unam sanctam” khẳng định mọi tạo vật cần phải quy phục Giáo Hoàng La Mã là điều cần thiết cho công trình cứu chuộc. Và, cũng chính vị Giáo Hoàng này phán rằng “Chúa đã đặt chúng tôi trên các vua chúa và các vương quốc”.

Chỉ qua một số dẫn chứng trên cũng đủ thấy Giáo Hội, trong hơn một ngàn năm, đã đi xa tinh thần Phúc Âm như thế nào.

Giáo Hoàng Benedict XVI, tựa như một Hồng Y sống vào thế kỷ 13, được Thánh Nicholas, (Santa Claus – Ông Già Noel) cõng về Bắc Cực, làm đông lạnh, rồi gần một ngàn năm sau cho ấm lại, mang về Roma lên ngôi Giáo Hoàng năm 2005. Nhờ trí tuệ còn tốt, và nhờ Thánh Thần soi sáng, Ngài biết cơ thể mình từng đông lại ở mùa Hạ, không thể thích hợp với mùa Đông, bèn từ chức. (Nhà lãnh đạo thần quyền, dầu sao cũng sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo thế quyền, thường bị mù quáng bởi tiền của và địa vị, dù trần truồng tồng ngồng trước mắt thiên hạ mà vẫn tưởng mình được che phủ bởi vương phục rực rỡ, chỉ biết tại chức hay thăng chức, không bao giờ biết từ chức).

Trong khi ấy, vào cùng thời kỳ cuối thế kỷ 12, đầu 13, chán cảnh Giáo Hoàng và Giám Mục chỉ lo bảo vệ quyền lực và của cải trần thế, tại vùng Assisi nước Ý, một người con nhà giầu mang tên Francis, đi ngược trào lưu thời đại, bỏ hết của cải, lập dòng tu, phục vụ người nghèo, chăm lo cho tạo vật, sống đời khó nghèo theo gương Chúa, được Chúa cho mang năm Dấu Thánh, và cũng là người đã viết ra “Kinh Hoà bình” rất gần với tinh thần “Bài giảng trên núi” của Chúa. Linh hồn Francis thoát xác năm 1226. Là tinh thần, linh hồn không bị đông lạnh hay bốc hơi, vẫn còn nguyên vẹn những đức tính khó khăn, khiêm nhường, yêu người, yêu vật, chu du khắp nơi trong gần mười thế kỷ, đã nhập vào một Giám Mục có lối sống gần với mình, coi thường địa vị và của cải, ở chung cư, đi xe buýt, từng xin về hưu khi được 75 tuổi ở tận Nam bán cầu, trở thành Giáo Hoàng Francis, nối ngôi Benedict XVI, cố đem Giáo Hội trở lại với tinh thần Phúc Âm.

(Xem tiếp phần II)

Bính Thân nói chuyện Mậu Thân ở Sài Gòn (phần II)

Đinh Từ Thức

(Tiếp theo từ phần I)

Trận đánh tại toà đại sứ theo ký giả ABC và NBC

 Theo Hugh Lunn, VC đã vào trong toà nhà chính của Đại Sứ Quán, và đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng. Nhưng theo hai ký giả khác, một người là Don North làm cho ABC và NBC, và người kia là Peter Arnett làm cho AP, cũng có mặt tại chỗ, đã nghe Quân Cảnh Mỹ nói với nhau qua radio là VC đã chỉ vào được tầng dưới cùng. Sau đây là lời kể của Don North (1)

Là một ký giả của ABC và NBC News ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến Tết và phần lớn những trận đánh, từ Khe Sanh ngày 30 tháng 1 đến Huế ngày 25 tháng 2 khi Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ cửa đông nam vào Thành nội, chấm dứt cuộc bao vây Huế. Nhưng chính trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ sáng sớm 31 tháng 1 là vụ quan trọng nhất đã sẩy ra trong toàn cuộc chiến.

Tại một tiệm sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 Phan Thanh Giản, ngay trước khi VC tấn công Sài Gòn, 19 công binh VC lên một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ hiệu Peugeot và một xe taxi bắt đầu một chuyến đi ngắn tới địa điểm là Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Mặc quần áo mầu đen, đeo băng đỏ, họ là một phần của thành phần chọn lọc gồm 250 người thuộc tiểu đoàn công binh C-10. Hầu hết họ sinh ra tại Sài Gòn và biết rõ đường phố của một thành phố đông dân.

Hai ngày trước, những xà-cạp nặng, thường dùng đựng cà chua, cũng như những thúng đựng gạo, đã được đem đến căn nhà cạnh tiệm sửa xe. Chúng chứa đầy AK-47, B-40 hoả tiễn phóng lựu và mìn bộc phá để 19 người sẽ dùng vào chiều hôm đó. Sau nửa đêm, các chiến binh được cho biết lần đầu mục tiêu của họ là Toà Đại Sứ Mỹ. Không có mô hình mẫu địa điểm, không có chỉ thị sẽ làm gì sau khi đột nhập cơ sở, không nói gì tới cứu viện hay đường tháo lui, cũng không xác nhận đây có phải là một vụ cảm tử.

(Phần chữ nghiêng trên đây, Don North viết trong bài có tựa đề “An American Reporter Witnessed the VC Assault on the U.S. Embassy During the Vietnam War” – Một phóng viên Mỹ chứng kiến VC tấn công vào Đại Sứ Quán Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam – vào tháng Hai năm 2001, cho Vietnam eContent Feature, đăng trên Vietnam magazine. Bảy năm sau, trong một bài mang tựa đề “Tet Plus 40: US-Vietnam Turning Point” – Tết cộng 40: Khúc quanh Mỹ-Việt Nam – viết cho consortiumnews.com, đăng ngày 30 tháng 01 năm 2008 như một tường trình đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm vụ tấn công Tết Mậu Thân, tác giả vẫn giữ nguyên cả bài như cũ, nhưng phần trên đây được thay đổi như sau):

Vào nửa đêm, tiến tới ngày định mệnh 31 tháng 01, 1968, 15 Việt Cộng tụ tập tại một gara sửa xe đầy dầu mỡ ở 59 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn.

Mặc pydama đen và đeo băng tay đỏ, họ là một phần của nhóm 250 người khoẻ mạnh chọn lọc của Đơn vị Biệt động J-9, trước kia được biết như là tiểu đoàn công binh C-10. Phần lớn họ sinh ra tại Sài Gòn và biết đường lối trong môt thành phố đông đúc.

Chỉ có tám trong số được huấn luyện về công binh, chuyên viên đặt và gỡ mìn và chất nổ. Bảy người khác là thư ký hay đầu bếp đã gia nhập một sứ mạng nguy hiểm chỉ vì muốn thoát khỏi sự khổ cực của cuộc sống trong rừng.

Họ sẽ được giúp bởi bốn người Việt khác, là nhân viên dân sự tại toà đại sứ, kể cả một trong những tài xế của Đại Sứ Ellsworth Bunker.

Nguyen Van Giang, được gọi là Đại Uý Ba Den, là sĩ quan chỉ huy của đơn vị J-9, đã được chỉ định hướng dẫn toán đặc công. Vào buổi sáng hôm trước cuộc tấn công, Ba Den gặp Nguyen Van De, tài xế của ông đại sứ, người này chở Ba Den trên một xe Hoa Kỳ loại station wagon đi qua toà đại sứ, chỉ cho biết đó là mục tiêu bí mật cho cuộc tấn công Tết.

Biết rõ mục tiêu, Đại Uý Ba Den bị tràn ngập bởi nhận thức là hầu như chắc chắn anh ta sẽ không thoát chết vào hôm sau.

Suy nghĩ về cái chết của mình – và vì đó là chiều ba mươi Tết – Ba Den đã uống vài chai Bia 33 tại Chợ Sài Gòn và mua một tràng pháo, như anh ta đã làm mỗi dịp Tết từ khi còn nhỏ.

Rồi Ba Den đi qua đường Trần Quý Cáp, tìm căn nhà nơi anh ta đã sống với vợ và các con sáu năm trước.

Khuya đêm ấy, anh ta nhập với đồng bọn tấn công khác tại đường Phan Thanh Giản.

Đại Uý niên trưởng Bay Tuyen trình bầy cho họ về sứ mạng và phân phát võ khí. Các công binh được chỉ thị giết bất cứ ai chống cự nhưng bắt làm tù binh bất cứ ai đầu hàng. Điềm gở là họ đã không được cho biết đường thối lui (2).

Vụ tấn công toà đại sứ có thể chỉ là một phần của tiểu đoàn công binh được chỉ định mở đầu cuộc tấn công Sài Gòn, được hậu thuẫn bởi 11 tiểu đoàn khác, tổng cộng khoàng 4.000 người. Đã có ít thời gian để thực tập. Những gì họ thiếu sót trong kế hoạch sẽ được bù đắp bởi sự khẩn trương, mục đích và sự liều mạng của cuộc tấn công.

Nhiệm vụ của tiểu đoàn sáng hôm đó là chiếm sáu mục tiêu: Đại Sứ Quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh quôc gia, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Liên Quân VNCH tại Tân Sơn Nhất, và Toà Đại Sứ Phi Luật Tân. Quân tấn công sẽ giữ các mục tiêu này trong 48 giờ cho đến khi các tiểu đoàn VC vào thành phố thay thế. Những người thoát chết được thăng thưởng ngay.

Trong tất cả các mục tiêu, sự quan trọng hàng đầu của Toà Đại Sứ Mỹ là điều hiển nhiên. Mới hoàn thành ba tháng trước với phí tổn 2.6 triệu đô la, và toà nhà sáu tầng sừng sững ở Sài Gòn như một pháo đài bất khả nhập. Nó nhắc nhở sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ, uy tín và sức mạnh. Không cần để ý tới Nha Trang, Ban Mê Thuật hay Biên Hoà cũng bị tấn công sáng hôm đó. Hầu hết người Mỹ đọc tên những nơi này còn chưa được, nói chi đến sự quan trọng của chúng. Nhưng Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn? Với nhiều người Mỹ, đây là trận đánh đầu tiên của chiến tranh Việt Nam mà họ biết.

Trên đường tới toà đại sứ Mỹ, một cảnh sát dân sự người Việt nhìn thấy đám công binh này đi xe không bật đèn. Nhân viên cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Nam Việt Nam này, vốn được gọi là chuột bạch, đã tránh phiền phức bằng cách lui vào bóng tối khi chiếc xe vận tải và taxi đi qua. Các lính công binh này cũng gặp may mắn tương tự khi đương đầu hàng phòng thủ đầu tiên tại toà đại sứ. Khi nghẹo vào Đại Lộ Thống Nhất họ chạm trán bốn cảnh sát, nhưng các vị này đã bỏ chạy không bắn một phát.

Lúc 2:45 sáng, đám lính công binh đến trước cổng chính Toà Đại Sứ, bắn súng liên thanh AK-47 và phóng lưu B-40. Bên ngoài lối vào toà đại sứ, hai Quân Cảnh Mỹ thuộc Tiểu Đoàn 716 — Spc. 4 Charles Daniel, 23 tuổi, ở Durham, N.C., và Pfc Bill Sebast, 20, ở Albany, N.Y. — bắn trả trong khi lui vào bên trong cửa thép nặng nề và khoá lại. Lúc 2:47, qua radio, họ phát đi tín hiệu 300 – mật hiệu của Quân Cảnh báo khi địch tấn công. Một tiếng nổ rung chuyển cả khu nhà khi lính công bình dùng mìn phá một lỗ khoảng một mét ở chân tường rào. Daniel nói vào radio Quân Cảnh, Tụi nó đang tới – giúp tôi! Rồi radio im bặt.

Hai lính công binh đầu tiên của Tiểu Đoàn C-10 chui qua lỗ được coi là hai thành viên cao cấp, Bay Tuyen và Ut Nho. Họ và hai Quân Cảnh Mỹ đều thiệt mạng trong cuộc cận chiến. Đám công binh còn lại có tới 40 pounds chất nổ plastic C-4, thừa đủ để phá đường vào toà nhà chính. Thiếu chỉ thị rõ ràng từ cấp chỉ huy đã bị giết, họ chốt tại các vị trí đằng sau những bồn hoa lớn hình tròn ở vườn cỏ toà đại sứ và bắn lại các lực lượng ngày càng đông bắn vào họ từ các nóc nhà bên ngoài toà đại sứ…

Lúc 3:30 sáng 31 tháng 1, chúng tôi ra khỏi Hotel Caravelle trên chiếc xe Jeep của ABC News. Mới ra khỏi đường Tự Do, cách toà đại sứ ba khu phố, ai đó, VC, quân VNCH, cảnh sát hay Quân Cảnh Mỹ, chúng tôi không rõ – đã nã một tràng liên thanh vào chúng tôi. Một vài viên đạn xuyên qua mui xe Jeep. Tôi vội tắt đèn quay xe lại khỏi tầm bắn, trở về văn phòng ABC chờ sáng.

Khi trời sáng khoảng 6 giờ, chúng tôi đi bộ tới toà đại sứ. Khi gần tới, chúng tôi có thể nghe tiếng súng liên hồi, với những vệt đạn xanh hay đỏ vẽ trên nền trời hồng.

Gần toà đại sứ, chúng tôi nhập bọn với một nhóm Quân Cảnh Mỹ đang đi về hướng cổng chính toà đại sứ. Tôi mở máy thu âm cho ABC radio trong khi Quân Cảnh chửi thề là đáng lẽ quân đội VNCH phải bảo đảm an ninh cho toà đại sứ. Quân Cảnh nói rằng phía Việt Nam đã bỏ chạy ngay sau phát súng đầu tiên.

Vệt đạn mầu xanh của VC đi ra từ khu toà đại sứ và từ tầng trên của những toà nhà bên kia đường. Vệt đạn đỏ bắn lại từ bên kia đường. Chúng tôi ở giữa hai làn đạn…

Nằm sát với các Quân Cảnh dưới máng xối sáng hôm đó, Arnett (hãng AP) và tôi đã không biết đám VC tấn công đóng ở đâu hay bắn ra từ đâu. Nhưng chúng tôi biết đó là chuyện lớn…

Nhiều Quân Cảnh chạy qua, một trong số họ cõng một tên VC. Tên này bị thương và đang chảy máu. Hắn ta mặc pydama mầu đen, và lạ thay, đeo một nhẫn hồng ngọc cỡ bự. Tôi phỏng vấn các Quân Cảnh và thu cuộc nói truyện qua radio của họ với đồng đội bên trong cổng toà đại sứ. Các Quân Cảnh nghĩ rằng VC đã đột nhập vào trong toà nhà chính, một cảm nhận sau này chứng tỏ là sai. Peter Arnett bò đi kiếm điện thoại gọi về văn phòng báo tin về nội dung cuộc đối thoại của Quân Cảnh. Lúc 7:25, căn cứ vào tin Arnett gọi về từ hiện trường, hãng AP đầu tiên phát đi bản tin nói rằng VC đã ở trong toà nhà chính. Bản tin nói rằng: “Việt Cộng tấn công Sài Gòn hôm Thứ Tư và đã chiếm một phần Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. Quân Cảnh Mỹ tại chỗ nói họ tin rằng khoảng 20 Việt Cộng trong đội cảm tử đã ở trong Đại Sứ Quán và giữ một phần tầng một Toà Đại Sứ”.

Vấn đề liệu Việt Cộng đã ở trong toà nhà chính (chancery building) hay mới chỉ ở khuôn viên (compound) đóng vai quan trọng về biểu tượng. Tôi cho chạy lại cuốn băng hôm ấy vào năm 1968, và chắc chắn Quân Cảnh tin là VC đã trong toà nhà chính.

Một trực thăng đáp trên nóc toà đại sứ, và quân sĩ bắt đầu xuống các tầng dưới. Quân Cảnh Dave Lamborn nhận chỉ thị qua radio từ một sĩ quan trong khuôn viên: Đây là Waco. Bạn có thể vào cổng bây giờ không? Mang một lực lượng vào đó và thanh toán toà đại sứ, bây giờ. Sẽ có trực thăng trên nóc nhà và binh sĩ kéo xuống. Cẩn thận đừng bắn người nhà…

Tôi dẵm lên tấm huy hiệu Hoa Kỳ, đã bị bắn tung khỏi tường toà đại sứ gần lối vào bên cạnh. Chúng tôi chạy qua cửa chính vào trong vườn, nơi đã diễn ra một trận đẫm máu.

Trong khi các trực thăng tiếp tục đổ quân trên nóc nhà, chúng tôi ngồi với một nhóm Quân Cảnh trên bãi cỏ. Họ bắn về phía một biệt thự nhỏ trong khuôn viên toà đại sứ nơi họ nói là ổ VC cầm cự cuối cùng. Những bình hơi cay được ném qua cửa sổ nhưng hơi ga dội lại ra vườn. Đại Tá George Jacobson, phối hợp viên của phái bộ, cư ngụ ở biệt thự đó, và bất thình lình xuất hiện nơi cửa sổ ở lầu nhì. Một Quân Cảnh tung lên cho ông mặt nạ tránh ga, và một khẩu súng ngắn .45. Ba VC được cho là đang ở tầng một và sẽ phóng lên lầu để tránh hơi cay.

Tôi tiếp tục mô tả mọi sự chứng kiến vào trong máy thu âm, thỉnh thoảng khựng lại vì hơi cay. Tôi có thể đọc thẻ ID do toà đại sứ cấp trong ví của Nguyen Van De mà xác hắn nằm xõng xoài ngay cạnh tôi trên bãi cỏ. Nguyen sau này đã được nhận diện là một tài xế của toà đại sứ, thỉnh thoảng lái xe cho Đại Sứ Mỹ và từng làm tài xế tới 16 năm. Quân Cảnh nói với tôi là Nguyen Van De đã bắn họ lúc khởi đầu trận đánh và có thể hắn ta là nội tuyến cho đám tấn công.

Giữa lúc căng thẳng, tôi đã bị chia trí bởi một con cóc to, nhảy qua và làm tung toé những vũng máu đặc trên cỏ. Đó là một trong những hình ảnh không bao giờ đi khỏi và cứ trở lại bất ngờ.

Một tràng súng liên thanh khiến tôi bừng tỉnh. Tên VC cuối cùng còn hoạt động phóng lên lầu, nã súng vào Đại Tá Jacobson, nhưng bắn trật.

Sau này vị đại tá nói với tôi: Cả hai chúng tôi nhìn thấy nhau cùng lúc. Hắn bắn trật, tôi bắn thẳng vào hắn bằng một phát .45. Sau này Jacobson thú nhận rằng cô bạn gái Sài Gòn đã ở cạnh ông, và chứng kiến mọi chuyện từ đầu dưới tấm khăn trải gường.

Số thiệt mạng trong trận đánh toà đại sứ gồm có năm quân nhân Mỹ cùng với 17 trong số 19 công binh VC. Hai công binh thoát chết nhưng bị thương về sau được thẩm vấn và chuyển giao cho quân đội VNCH.

Trận đánh toà đại sứ Mỹ kể từ bên trong

Theo ký giả Reuter Hugh Lunn, vào sáng sớm Mùng Hai Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã chiếm năm tầng dưới trong sáu tầng toà nhà chính (chancery building) Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn. Theo ký giả Don North của ABC và NBC News, và Peter Arnett của AP, nghe qua đối thoại của Quân Cảnh trong lúc đang đánh nhau, họ nghĩ rằng VC đã vào được tầng dưới cùng của toà nhà chính. Trong khi ấy, theo báo cáo của một viên chức ngoại giao trực đêm trong toà nhà chính, VC đã không hề có mặt bên trong toà nhà này (3).

Báo cáo của ông E. Allan Wendt, một viên chức ngoại giao (Foreign Service officer) đã được viết rất chi tiết ngay sau vụ tấn công, nhưng bị xếp vào loại tài liệu mật, mãi đến ngày 04 tháng 03 năm 1981 mới được công bố lần đầu tiên bởi báo The Wall Street Journal. Sau đây là những điểm đáng chú ý trích dịch từ báo cáo của ông E. Allan Wendt:

Tôi đã ngủ trong phòng 433, khu dành cho viên chức trực, khi toà nhà rung chuyển vì một tiếng nổ lớn ngay trước 3 giờ sáng. Tôi lăn khỏi giường và chộp  điện thoại. Tiếng súng máy rền vang. Tôi gọi ông Calhoun tại nhà ổng. [John A. Calhoun là giới chức phụ trách chính trị của toà đại sứ]. Trong khi tôi đang nói, một tiếng nổ khác bung vào toà nhà. Nhớ ra cần phải núp để tránh mảnh vụn trong trường hợp có bom nổ, tôi bò vào dưới gầm giường trong khi nói với ông Calhoun.

Tôi chui ra khỏi gầm gường giữa lúc [James A.] Griffin, người trực về truyền tin, đi vào và hỏi chuyện gì đang sẩy ra. Tôi nói không biết chắc, nhưng tôi nghĩ rằng toà đại sứ đang bị tấn công. Tôi vội mặc quần áo, thu góp vài vật dụng cá nhân của tôi, rồi rút lui vào phòng truyền tin bên cạnh, nơi đó an toàn hơn phòng trực và có nhiều điện thoại hơn. Chẳng ai trong chúng tôi biết rõ về cuộc tấn công hay Việt Cộng đã vào trong toà nhà chưa. Vì thế, một trong những phản ứng đầu tiên của chúng tôi là đóng cánh cửa vòm vào phòng truyền tin.

Tôi gọi nhà ông Calhoun, và đến giờ đó ông [David J.] Carpenter thuộc khối chính trị và ông [Gilbert H.] Sheinbaum, phụ tá ông Đại Sứ đã tới đấy và thiết lập bộ chỉ huy. Tôi báo cáo rằng tôi đã chuyển sang phòng truyền tin và có thể gọi tôi qua các số phụ 321 hay 322…

Súng tự động tiếp tục bắn, thỉnh thoảng xen kẽ bởi những tiếng nổ lớn mà chúng tôi nghĩ là hoả tiễn hay moọc chê. Tất cả tiếng súng và tiếng nổ có vẻ như rất gần, đến nỗi chúng tôi sợ rằng chẳng những không tránh được chuyện toà đại sứ bị đột nhập mà ngay tính mạng của chúng tôi cũng rất nguy hiểm. Thật vậy, chúng tôi nghĩ hy vọng duy nhất của chúng tôi là đóng chặt cửa vòm vào phòng mật mã rồi ở trong đó. Chúng tôi biết rằng phải có sức công phá mạnh để phá bung cửa đó, nhưng chúng tôi không loại bỏ khả thể là Việt Cộng có thể làm chuyện đó.

Sau đó chúng tôi gọi cho Thuỷ Quân Lục Chiến gác dưới tầng trệt bên trong toà đại sứ. Chính tôi nghĩ rằng có thể anh đã chết. Tôi ngạc nhiên khi anh trả lời, và rõ ràng trong tình trạng rất bối rối, anh nói rất mạch lạc. Đây là lần đầu trong rất nhiều lần đối thoại với Trung Sĩ [Ronald W.] Harper, người mà trong tình trạng khó khăn, vẫn tồn tại như là nguồn tin duy nhất của chúng tôi về những gì đang sẩy ra trong khuôn viên.

Harper nói với chúng tôi là VC đã ở trong khuôn viên nhưng không ở trong toà nhà chính của toà đại sứ. Ảnh nói anh có thể nghe chúng nói chuyện bên ngoài toà nhà. Anh không biết chúng có bao nhiêu người. Vài phút sau, Harper nói với chúng tôi anh có một Thuỷ Quân Lục Chiến bị thương ở dưới tầng trệt. Ảnh yêu cầu chúng tôi xuống mang anh thương binh lên.

Chúng tôi thận trọng xuống tầng trệt bằng thang máy. Với sự giúp sức của Trung Sĩ Harper, tôi mang anh thương binh TQLC vào thang máy. Rồi Griffin xuống giúp tôi mang anh lên tầng bốn. (Và rồi sau đó, chúng tôi luôn khoá thang máy tại chỗ, để nếu VC có vào trong toà nhà, thì không thể bấm nút cho xuống được). Một thoáng nhìn với sợ hãi vào tầng trệt, thấy rõ nhiều thiệt hại đáng kể đã sẩy ra. Tình trạng với chỉ một TQLC còn lại có vẻ hoang vắng. Chúng tôi khiêng anh thương binh vào lầu bốn. Chân anh có vẻ bị gẫy, và rõ ràng anh đang bị sốc…

Đến giờ này, theo sự hiểu biết của tôi, sau đây là những người có mặt trong toà nhà: Tôi, Griffin, Trung sĩ Harper, Fisher [một nhân viên truyền tin của Bộ Binh] và ba nhân viên truyền tin của OSA – Office of Special Assistant, tên của CIA ở Việt Nam, tất cả là 7 người, không kể anh thương binh TQLC…

Vào 4 giờ sáng, Thiếu tá Hudson gọi. Chúng tôi cho ông biết về những gì chúng tôi đã thấy. Ông đã được biết về một TQLC bị thương và nói một trực thăng tải thương sẽ đến chở anh đi.Chúng tôi phải mang anh lên mái nhà để chờ trực thăng. Tuy nhiên, chỉ có anh TQLC gác dưới trầng trệt có chìa khoá mở hai cửa để từ tầng sáu lên nóc nhà. Chúng tôi gọi Harper là chúng tôi cần chìa khoá. Anh bảo ai đó dùng thang máy xuống, đứng ở góc để tránh đường bắn, anh sẽ ném chìa khoá vào cho. Fisher đã làm chuyện này trong vài phút…

Thiếu tá Hudson nói trực thăng sẽ đến trong 15 phút. Sau nửa giờ, chúng tôi gọi Hudson, ổng nói trực thăng tới nhưng đã phải bỏ đi, vì trúng đạn địch. Chuyện này sẩy ra vào lúc 5:30 sáng, và đó là lần đầu trực thăng định đáp…

Một trong nhiều chuyến lên mái nhà – vào khoảng 6:15 – tôi thấy một TQLC võ trang gác ở tầng lầu dưới mái nhà, bò quanh với một khẩu súng trường. Tôi hỏi làm cách nào anh tới đây được, vì tôi tưởng chỉ có một TQLC gác trong toà nhà, là người dưới tầng trệt. Ảnh nói anh vẫn ở đó… Nửa giờ sau, trở lại mái nhà, tôi được biết trực thăng đã tới, tiếp tế đạn M6, và mang anh thương binh đi… Tôi vô cùng kinh ngạc khi được biết anh TQLC và anh lính Bộ Binh đã lên trực thăng ra đi…

Trong thời gian này đã có nhiều người gọi tới toà đại sứ. Ông Philip Habib [lúc ấy là phụ tá Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ] gọi hai lần từ Phòng Tình Hình toà Bạch Ốc. Một người từ cảnh sát Việt Nam muốn nói truyện với một trong các nhân viên OSA…

Một nhân viên người Việt bị bỏ lại ở phòng truyền tin không mật dưới tầng trệt gọi và xin phép được về nhà. Ông nói đã làm việc trong nhiều giờ và mệt. Tôi nói với ông ta là tôi rất buồn nhưng ông phải ở lại tại chỗ cho đến khi ngừng bắn.

Giữa khoảng 6:30 và 7 giờ. Thiếu tá Hudson gọi để nói rằng không có hạ cánh trước khi trời sáng, vì không nhìn rõ, mặc dầu có đèn trên mái nhà.

Cuối cùng, rạng đông ló dạng. Thiếu tá Hudson nói tình trạng đã trở thành nguy kịch. Chúng tôi đồng ý. Ông ấy nói kế hoạch cuối cùng là xịt hơi cay vào Việt Cộng trong khuôn viên rồi hạ binh sĩ từ mái nhà xuống. Trực thăng chở hơi cay sẽ bay đi ngay. Chúng tôi gọi ngay Trung Sĩ Harper nói cho anh biết kế hoạch này. Anh nói hãy ngừng ngay việc dùng hơi cay, vì bây giờ (khoảng 7:30) Quân Cảnh Mỹ đang đánh mở đường tiến vào khuôn viên. Có thể chúng ta sẽ xịt ga vào người của mình. Tôi gọi ngay lại cho Thiếu Tá Hudson. Sau 15 phút chậm trễ, ông ấy nói có thể vẫn dùng hơi ga. Có một lúc, ông ấy nói đừng lo vì kỵ binh đang tới. Tôi đã từng nghe nhiều về không kỵ làm tôi nghĩ rằng ông ấy nói chuyện nghiêm chỉnh.

Thiếu tá Hudson, có lẽ căn cứ vào những cuộc nói truyện với Trung Sĩ Harper, đã thảo một kế hoạch cho trận đánh mà ông ấy nói chúng tôi phải gặp người chỉ huy trung đội ngay sau khi binh sĩ tới nóc nhà.

Theo kế hoạch, binh sĩ sẽ kéo xuống bằng cầu thang ở hai bên toà nhà, thay vì xuống bằng thang máy, vì ngay trong đường bắn. Khi tới tầng trệt, họ sẽ dùng các lối đi bên hông để vào khuôn viên. Những cửa này khoá đối với bên ngoài, nhưng có thể đẩy mở ra từ bên trong.

Không khí tại phòng mật mã nói chung rất nghẹt thở, pha trộn với bực bội và thất vọng. Thỉnh thoảng, mức căng thẳng giảm bớt, nhưng đôi khi, một hoả tiễn nữa lại đụng tường, khiến chúng tôi trở lại với cảnh ngộ của mình. Thỉnh thoảng tiếng súng cũng thưa thớt, nhưng chẳng bao giờ được lâu.

Sau khi trời đã sáng bảnh, những chuyến lên mái nhà cho thấy nhiều trực thăng bay lượn, tuy nhiên, chẳng thấy cái nào định đáp xuống. Chúng tôi chờ đợi, luôn thắc mắc tại sao không có cái nào đáp. Khoảng 8:15, tôi trở lại mái nhà. Nhân viên truyền tin của OSA đã trở lại phòng mật mã, khiến trên mái nhà không có ai. Khi bước ra khỏi thang máy ở tầng sáu, tôi đối diện một khung cảnh lạ. Trước mặt tôi là năm binh sĩ nhảy dù trong binh phục dã chiến, thuộc sư đoàn dù 101. Họ mang súng M-16, M-79 phóng lựu, lựu đạn và dao găm. Tôi hỏi vị chỉ huy trung đội. Thiếu tá [Hillel] Schwartz tiến lên, tự giới thiệu với ông tôi là viên chức trực. Ông đưa tôi một trái lựu đạn, tôi từ chối. Ông nói có thêm 30 người nữa sẽ đáp xuống trong chốc lát. Tôi giải thích là tôi biết không có VC trong toà nhà. Trong khi vị thiếu tá ghi chép, tôi vắn tắt mô tả toà nhà, nhắc lại chỉ thị dàn quân của MACV, và nói cho ông biết về tình trạng của Đại Tá Jacobson ở phía sau khuôn viên. Tôi cũng lưu ý ông trông chừng cho một nhân viên người Việt ở tầng trệt. Thiếu tá Schwartz sợ rằng thực sự có VC trong toà nhà, đã dàn quân của ông kiểm soát từng tầng một, bắt đầu từ lầu sáu.

Tôi đưa Schwartz tới tầng bốn để ông có thể gọi TQLC gác ở tầng trệt để có những tin tức mới nhất. Sau đó, ông nhập bọn với người của ông…

Rồi tôi lên mái nhà nhiều lần để đón thêm binh sĩ nhảy dù. Khoảng 45 phút sau khi Thiếu tá Schwartz tới, tôi xuống tầng trệt. Lúc ấy tiếng súng đã ngừng được một lúc.

Tôi được cho biết có 19 VC đã chết. Tôi lên lầu chuyển tin này cho Carpenter. Rồi tôi xuống nhà trở lại.

Trong khi tôi đang quan sát những tổn thất ở tầng trệt, ai đó nói Tướng [William C.] Westmoreland  [Tư Lệnh quân đội Mỹ ở VN] muốn gặp tôi ở phòng gác TQLC. Tôi tới đó, và Tướng Westmoreland nói ý kiến của ông là dọn sạch toà đại sứ càng sớm càng tốt, và nhân viên trở lại làm việc vào buổi trưa. Rồi cho biết ông muốn nói chuyện với ông Habib…

Đồng nghề, dị mộng

 Trở lại với câu truyện của Hugh Lunn và Phạm Ngọc Đình, theo lời kể của Hugh trong VIETNAM: A Reporter’s War. Vụ tấn công Tết Mậu Thân sẩy ra chỉ ba ngày trước khi Hugh hết hạn một năm làm việc ở Việt Nam. Vụ này khiến ngày rời Sài Gòn của anh bị trễ. Anh vui vẻ, như thoát nạn ra đi hai tuần sau Tết, trở về quê hương của mình là nước Úc, trước khi trở lại làm cho Reuters ở Singapore.

Đình ở lại, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên sau Tết. Nhờ quen nhiều, được việc tốt. Trong thư gửi cho Hugh Lunn, dĩ nhiên viết bằng Dinglish, đề ngày 10 tháng 7 năm 1968, anh mở đầu:

Dear Gunsmoke.

           Private Dinh say helo gunsmoke, I hope you are ok. After you left saigon office one month, 1 has draft military service by our government. Three months in training near Saigon 1 work secretary for battalion headquarter. every weekend returning Saigon with 24 hour holiday. Mr. Pringle and Bruce Pigott worry when 1 left office. James go to defense ministry with his application spy war. Propaganda for 1 and he very to request 1 get job defense ministry.

          You know what my job. Defense ministry reporter political and war stories. 1 would like sent letter to say thanks James but 1 d’ont know where he address now, If you know, please write to me letter…

“Thân chào Gunsmoke,

Binh nhì Đình có lời thăm Gunsmoke, hy vọng anh vẫn bằng an. Một tháng sau khi anh rời Sài Gòn, tôi đã nhập ngũ theo lệnh động viên của chính phủ. Ba tháng huấn luyện gần Sài Gòn tôi làm thư ký tại bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mỗi cuối tuần đều về Sài Gòn với 24 giờ nghỉ. Ông Pringle và Bruce Pigott lo ngại khi tôi rời văn phòng. James tới Bộ Quốc Phòng với đơn xin việc tâm lý chiến. Vận động cho tôi và cố yêu cầu cho tôi được việc tại Bộ Quốc Phòng.

Anh biết công việc của tôi là gì không? Phóng viên chính trị và phóng sự chiến trường của Bộ Quốc Phòng. Tôi muốn gửi thư để cảm ơn James nhưng tôi không biết địa chỉ ông ấy bây giờ ở đâu, nếu anh biết, làm ơn viết thư cho tôi…”baiong thuc h7

Lá thư Đình viết cho Hugh Lunn bằng Dinglish, chụp lại từ Vietnam: A Reporter’s War

Trong vụ Việt Cộng tấn công đợt hai vào tháng Năm, 1968, Đình thoát chết. Đáng lẽ đi với đám ký giả Anh, Mỹ và Úc vào Chợ Lớn săn tin, nhưng phút chót, trưởng phòng Reuters Tony Baker muốn anh đi cùng lên phía xa lộ Biên Hoà. Khi trở về, anh được tin bốn trong năm ký giả trên chiếc xe của báo TIME bị VC bắn chết ở Chợ Lớn, trong đó có hai người làm cho Reuters, bạn anh. Bất chấp nguy hiểm, qua mặt cả Việt Cộng, Đình tìm tới tận chiếc xe bị bắn, tự tay sờ ngực các nạn nhân, xem nếu họ chưa chết, chỉ bị thương, thì tìm cách cấp cứu. Ban quản trị Reuters đã ca tụng Đình về hành động can đảm này.

Trước tình hình cực kỳ đen tối vào tháng Tư 1975, Reuters đề nghị đưa ký giả yêu quý này rời khỏi Việt Nam. Chỉ đồng ý cho vợ con ra đi, Đình quyết định ở lại, vì theo anh “If a journalist see the beginning he must see the end”, nếu một nhà báo nhìn thấy khởi đầu, cũng phải nhìn thấy kết thúc.

Ngày 30 tháng Tư, Việt Cộng tới cửa ngõ Sài Gòn, Đình quyết định “Time go, war finished”, Đến lúc đi, chiến tranh đã chấm dứt. Tại JUSPAO, sáu xe buýt chở người Mỹ và những người Việt được Mỹ cho đi ra phi trường. Đình cố lên chiếc xe thứ nhì, nhưng Quân Cảnh Mỹ đẩy anh xuống chiếc thứ bốn. Không may là chỉ có hai chiếc đầu vào được bên trong phi trường. Theo Đình, tài xế bốn chiếc xe phía sau là Việt Cộng, cố tình làm cho hành khách lỡ chuyến đi. Anh mắc kẹt ở Sài Gòn.

Hôm sau ngày Sài Gòn đầu hàng, Đình trở lại văn phòng, thấy VC đặt súng trấn giữ trước cửa, Đình nói “Đây là văn phòng Reuter”, họ nói “Không, đây là văn phòng CIA”. Đình phải trải qua một tháng cải tạo, và tiếp tục tư cách phóng viên Reuter, nhưng mọi điều anh viết đều phải nộp để kiểm duyệt. Năm 1976, VN chính thức thống nhất, văn phòng Reuter phải ở Hà Nội, Đình được chỉ định ra Hà Nội, nhưng nhà cầm quyền cộng sản từ chối. Sau, Reuters lại chỉ định anh sang Singapore, rồi Bangkok, cũng đều bị từ chối.

Trong bốn năm, từ 1975 đến 1979, ngoài việc vẫn gửi tiền, Reuters tìm đủ cách để giúp Đình, nhưng cuộc sống của anh ngày càng khó khăn. Năm 1979, Bộ Trưởng Di Trú Úc viết cho Reuters, nói đã chấp thuận cho Đình sang Úc, như một trường hợp đặc biệt, vì anh đã làm một việc phi thường đối vói các ký giả Úc trong vụ tấn công 1968 ở Sài Gòn. Trước khi được rời Sài Gòn đi Bangkok vào tháng Năm 1980, anh còn bị công an vặn hỏi “Đã làm gì cho Úc, tại sao được đối xử đặc biệt?” Từ Bangkok đến Sydney, Đình đã được sứ quán Úc và các đồng nghiệp cũ ở Reuters đón tiếp và giúp đỡ tận tình, kể cả kiếm việc cho anh ở Úc. Anh ghi nhận: “Dinh and family born again second time by Reuter in Australia”, Đình và gia đình đã tái sinh lần thứ nhì bởi Reuter tại Úc.

Hugh Lunn viết trong VIETNAM: A Reporter’s War: Khi tôi gặp Đình ở Sydney, có một câu mà tôi muốn hỏi anh đến chết được: Làm thế nào anh đã biết vụ tấn công Tết sẽ khởi sự vào đêm tháng Giêng đó năm 1968? Anh trả lời rằng nguồn tin đó từ một nhà báo Việt Nam làm cho một tuần báo lớn nhất của Mỹ. Ông ta và Đình thường hay nói truyện trên lối đi bên ngoài Reuters.

Đình nhớ lại là đã được biết chỉ mấy giờ trước khi vụ tấn công bắt đầu. “Ông ta nhìn thấy tôi lúc 7 giờ chiều trên đường phố và nói: ‘Này Đình, có chuyện cho tin lớn sẩy ra đêm nay. Anh sẵn sàng chưa? Và tôi tin ông ta vì tôi biết ông ta có nguồn VC tốt. Ổng nói sẩy ra sau nửa đêm và chỉ có Việt Cộng đánh ở Sài Gòn. Tôi nói: ‘Khủng bố, bom, hoả tiễn?’ và ổng nói: ‘Không, hơn thế nữa’, rồi bước đi.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình biết được tại sao bạn anh biết nhiều thế, và tại sao đã biết chính xác như thế. Ông ta sinh ra ở miền nam và sống ở đó, mặc dầu cha ông ta đã chọn tập kết ra Bắc khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954 thành hai vùng cộng sản và không cộng sản; một chỉ dấu đáng lẽ CIA phải biết. Người bạn của Đình khởi đầu làm cho cơ quan thông tấn nhà nước VTX, ở đấy ông ta làm việc rất khá nên được gửi sang Mỹ học đại học về báo chí. Năm 1960 trở về làm phóng viên cho Reuters, rồi chẳng bao lâu được tiếng là người rất có khả năng. Chính ông ta đã dậy Đình nghề làm báo, bấy giờ, Đình khởi sự công việc ở văn phòng như một người đưa thư.

Năm 1965, trong khi Đình trở thành một nhà báo giỏi, một trưởng phòng Reuter cho người bạn của anh nghỉ việc, nói rằng bài viết của ông ta đọc rất giống Radio Hà Nội. Dầu sao, nhờ tiếng tốt, người ký giả này vẫn làm ăn khá như một phóng viên tự do, cho đến khi kiếm được việc tại tạp chí Mỹ. Ông ta nổi tiếng vì những hiểu biết về chính trị và quân sự, và có nguồn tốt. Đình thường than phiền, có lẽ với một chút ganh tị, là những ký giả ghé qua thường tạt vào văn phòng Reuter hỏi anh xem có biết người ký giả kia ở đâu không. Họ nói: “Tôi muốn ăn tối với ông ta”. “Hầu hết ký giả lớn của Mỹ phụ trách về chiến tranh trong thập niên 1960 biết rõ về ông ta”, theo Đình.

Ký giả này còn rất thân thiết với Tướng Ngô Du, tổng quản trị hành quân của Bộ Tham Mưu Liên Quân và là bạn thân của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, cơ quan tình bào trung ương Việt Nam.

“Tất cả tướng lãnh quân lực VNCH đều là bạn ông ta”, Đình nói, giận dữ đập tay lên bàn. “Tất cả các tư lệnh quân đoàn, tổng tham mưu liên quân, ông ta biết mọi chuyện. Ngay cả toà đại sứ Mỹ. Ông ta có thể tới đó rất nhanh nếu muốn, bất cứ lúc nào. Ông ta gặp các tướng bất cứ giờ nào ông muốn. Và một số tướng lãnh Việt Nam, kể cả tư lệnh hành quân cấp cao, có thể gọi ông ta để hỏi ý kiến: ‘Quân ta di chuyển theo hướng này, bản đồ này, cái này và cái này’. Và ông ta có thể tới tổng tham mưu liên quân”.

Đình nói sĩ quan quân lực VNCH muốn giúp ký giả này vì họ làm việc cho Hoa Kỳ và muốn “vận động tốt” ở phía Hoa Kỳ.

Khoảng một năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, Đình gặp người bạn này trong một tiệm uống cà phê ở Sài Gòn. Đình ngạc nhiên gặp ông ta vì một tháng trước đó, vợ và bốn con ông ta đã được tờ báo ông ta làm việc cho di tản sang Mỹ. Tuy nhiên, họ đã trở lại Sài Gòn trong vòng sáu tháng. Ông ta nói với Đình là ông đã cho gia đình sang Mỹ vì “lo trúng đạn pháo kích ở Sài Gòn”, nhưng Đình cảm thấy là ông ta đã “chơi game” với CIA. Anh nói, họ đã trở về qua ngả Moscow, Bắc Kinh, và Hà Nội. Hỏi tại sao đã cho vợ con trở về trong khi rất nhiều người muốn ra đi, ông đã trả lời: “Tôi không muốn bọn trẻ trở thành Mỹ Con”.

Rồi Đình hỏi thẳng có phải ông ta là Việt Cộng trong thời gian chiến tranh. Ông đã không trả lời trực tiếp, nói rằng: “À, vài người cũng nói với tôi như thế, anh nghĩ thế nào?” và Đình nói, “Đương nhiên anh là một Việt Cộng”. Và bạn anh cười.

Sau đó, ông ta mời Đình tới nhà ông ở Sài Gòn, và Đình ngạc nhiên được biết đó là một căn nhà sang trọng từng là nhà của toà đại sứ Anh. Bây giờ Đình biết rằng anh đang cùng với một nhân vật rất quan trọng.

Ông ta nói với Đình: “Rất nhiều tin đồn nói tôi là Việt Cộng. Tôi không bao giờ chối hay nhận điều đó. Bây giờ tôi cho anh xem một tạp chí”. Rồi ông ta mở két bằng một chìa khoá, khiến Đình không bao giờ hết ngạc nhiên, đưa ra một tấm hình ông ta trong một tạp chí miền Bắc – chụp với Hồ Chí Minh. Chú thích viết: “Đồng chí [tên ông ta] với Bác Hồ”. Thời gian là 1969, năm sau cuộc tấn công Tết, trong khi ông ta vẫn làm việc như một phóng viên ở Sài Gòn.

“Vậy là ông ta đã xác nhận ông là Việt Cộng với quân hàm đại tá”, Đình nói. “Tôi ngạc nhiên. Và cũng ngạc nhiên là người phụ nữ nhiều lần tới kiếm ông ta tại văn phòng là thiếu tá Việt Cộng, ổng nói “sĩ quan liên lạc” của ông.

Với ánh mắt bỗng nhiên bốc lửa, Đình nói: “Làm thế nào Mỹ có thể thắng trận? Làm thế nào quân lực VNCH thắng trận? CIA đã làm gì? Một vài chuyện tham nhũng, chợ đen? Ông ta là người vô cùng quan trọng trong chiến tranh cho VC. Bất cứ chuyện gì ông ta có, tất cả thông tin ông ta đều có thể cho VC, nhưng, quan trọng hơn, ông ta có thể cung cấp thông tin cho những ký giả Mỹ chống chiến tranh Việt Nam”.

Đình nói rằng chắc chắn ông ta đã cung cấp tin tức cho Đại Sứ Quán Mỹ, “và không phải là tin tốt”.

Chỉ có một lý do khả dĩ tại sao người bạn của Đình đã đồng ý cho vợ con di tản sang Mỹ trước khi Sài Gòn sụp đổ là “để bỉ mặt (bullshit) CIA – ngoài ra tại sao Việt Cộng muốn đi Mỹ?”

Có lẽ điều nói nhiều về sự nhiêu khê của chiến tranh Việt Nam là, cuối cùng, không phải chính quyền Úc hay ảnh hưởng của Reuters đã đem người ký giả trung thành tên Đình ra khỏi Việt Nam mà là đại tá Việt Cộng này, người đã “bảo đảm” cho bạn và cũng là một học trò báo chí của ông ta, và dùng ảnh hưởng của mình để kiếm cho anh được hộ chiếu. Đình nhận định, Vì ông ta làm việc với tôi đã lâu, ông biết tôi không thân Mỹ, không thân cộng. Tôi chỉ tường trình. Tôi không làm gì trong chiến tranh”. Vì sự giúp đỡ này, Đình muốn không nêu rõ tên của ký giả này cũng như tạp chí của ông ta.

Gần ba chục năm sau, trong Website chính thức của mình, Hugh Lunn tiết lộ như dưới đây:

Bí mật về điệp viên Việt Nam từ 1980 bây giờ được tiết lộ năm 2014

 Cuốn sách của tôi Vietnam: A Reporter’s War (xuất bản lần đầu năm 1985 và vẫn còn đang được ấn hành) kể một câu truyện về tôi và người bạn Phạm Ngọc Đình. Trong cuốn sách Đình tiết lộ rằng người bạn nhà báo tại Sài Gòn của anh là Phạm Xuân Ẩn, một thông tín viên cho Tạp chí TIME từ 1966 đến hết Chiến Tranh năm 1975, toàn thời gian này là một Đại Tá Việt Cộng (sau chiến tranh ông ta đã được thăng Tướng). Ẩn đã tự tiết lộ cho Đình biết ông ta là một điệp viên vào hôm trước ngày Đình rời khỏi Việt Nam (với sự giúp đỡ của Ẩn) vào năm 1980 – và Đình đã nói tất cả với tôi để tôi viết sách. Nhưng anh đã yêu cầu tôi giữ lại một phần bí mật của cuộc phỏng vấn cho đến sau cái chết của anh và của Đại Tá Ẩn. Vì thế, đây là điều không có trong sách của tôi:

Đình nói Đại Tá Ẩn đã mời Đình tới nhà của ông vào một hôm năm 1980 (năm năm sau khi Chiến Tranh chấm dứt) để xin giúp đỡ. Ẩn nói với Đình: “Khi ra khỏi nước anh cố gắng liên lạc với Robert Shaplen của báo New Yorker; Beverly Deepe của Newsweek; Anthony Lawrence của BBC, và nhà báo Mỹ Neil Sheehan và yêu cầu họ tìm ra một cách để mang tôi và gia đình ra đi”. Đình hỏi làm cách nào họ có thể làm điều đó và Ẩn trả lời: “Gặp tôi trên biển”.

** FILE ** Pham Xuan An holds up his press card from 1965 at his home in Ho Chi Minh City, Vietnam, in this April 26, 2000 file photo. Pham Xuan An, a Vietnamese who led a remarkable and perilous double life as a communist spy and a respected reporter for western news organizations during the Vietnam War, has died at a military hospital Wednesday, Sept. 20, 2006 in Ho Chi Minh City, his son said. An, 79, suffered from emphysema. (AP Photo/Charles Dharapak, File)

Nhà báo – Gián điệp Việt cộng Phạm Xuân Ẩn, ảnh chụp tại nhà riêng của Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn năm 2000, do  Charles Dharapak — Associated Press) 

Đình nói anh suy đoán rằng Ẩn đã đau khổ vì thiếu thực phẩm và trường học cho các con ông ta “và ông ta cảm thấy có lỗi vì đã mang trở về vợ và bốn con đã được tạp chí TIME lo cho di tản từ Sài Gòn sang New York năm tháng trước”. Đình nói: “Ẩn là người đã bảo đảm cho tôi rời Việt Nam. Ông ta chứng tỏ ông có thể bảo đảm cho tôi đi và bây giờ ông ấy chờ đợi tôi trả ơn”. Nhưng Đình quyết định không hành động như một tay sai của Đại Tá Ẩn và nói anh không bao giờ liên lạc với các ký giả đó trong khi anh và hai con trai nhỏ muốn bắt đầu trở lại ở Úc. Anh ta lo “từ cả hai phía” – “Cộng Sản Việt Nam hay CIA” (4).

baiong thuc h8  ***

Từ những gì đã trình bầy trong cả phần I và phần II, có thể đi tới vài ba nhận xét  thú vị:

Trước hết, tìm bắt sự thật là điều rất khó. Ngay cả nhân chứng có mặt khi sự việc sẩy ra, cũng không biết tất cả sự thật. Hugh Lunn nói Việt Cộng chiếm năm trong sáu tầng toà đại sứ. Don North và Peter Arnett nói VC chiếm tầng dưới cùng. E. Allan Wendt ở bên trong toà nhà từ đầu đến cuối, nói VC chỉ ở ngoài khuôn viên, không tên nào vào được toà nhà chính. Người mù sờ voi, dĩ nhiên chỉ biết được một phần. Người sáng xem voi cũng chưa chắc đã nhìn thấy tất cả.

Thứ nhì là cuộc đời hai người họ Phạm: Hai người cùng họ, cùng là công dân VNCH, cùng làm với ký giả ngoại quốc, cùng được đồng nghiệp quý mến, cùng một thời làm cho Reuters, cùng quen biết nhiều trong chính quyền, cùng rất yêu nghề làm báo, cùng cho vợ con đi trước vào tháng Tư 1975. Khác biệt rõ ràng: Một người ít học, kém ngoại ngữ, “number one anti-communist”, thi hành nhiệm vụ quân dịch với cấp bậc binh nhì; một người học cao hơn, giỏi ngoại ngữ, làm gián điệp cho cộng sản, mang quân hàm đại tá rồi lên tướng. Đầu đời, người ít học học người học cao. Cả đời người học cao làm tay sai cho cộng sản, luôn sống thấp thỏm sợ bị bắt, hành động theo chỉ thị trên, chấp hành cả những quyết định đưa tới thiệt hại nhân mạng và tài sản cho dân, trong khi người ít học sống thẳng thắn, không sợ hiểm nguy, hành động theo lương tâm mình. Cuối đời người học cao cầu cứu người ít học; đã một lần phản bội miền Nam theo miền Bắc, giờ lại định phản bội miền Bắc ra đi, nhưng người ít học không chịu làm trái lương tâm. Giữa hai cách lựa chọn lối sống của mình, ai sáng dạ hơn ai?

Thứ ba, năm Mậu Thân, 17 trong số 19 đặc công VC tấn công Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã thiệt mạng, 2 người bị bắt làm tù bình. Trước Tết Bính Thân, Tổng Bí Thư mới được tái cử Nguyễn Phú Trọng, sinh năm Giáp Thân (1944), trong dịp gặp các nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ dịp tất niên, đã khoe thành tích lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN, khoe ông được Tổng Thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng. Đồng thời, tiệm ăn nhanh McDonald của Mỹ mở thêm nhà hàng thứ tám tại Sài Gòn. Trong khi ấy, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sắm Tết và chúc Tết bằng tiếng Việt, tuyên bố ăn Tết tại quê hương thứ nhì của ông là Hà Nội. Thân nhân của những người hy sinh năm Mậu Thân nghĩ gì về những cái chết này?

baiong thuc h11VC hy sinh trong vụ tấn công Đại Sứ Quán Mỹ – TBT Trọng được tiếp tại Bạch Ốc

 Đinh Từ Thức

———————-

  1. http://www.historynet.com/don-north-an-american-reporter-witnessed-the-vc-assault-on-the-us-embassy-during-the-vietnam-war.htm
  2. https://consortiumnews.com/Print/2008/012908a.html
  3. http://adst.org/2013/07/viet-cong-invade-american-embassy-the-1968-tet-offensive/
  4. http://www.hughlunn.com.au/general/vietnam-spy-secret-from-1980-told-now-in-2014/