Nói truyện cờ nhân 100 năm Ngày Cờ Mỹ

Đinh Từ Thức

h1

Ngày Thứ Sáu, 13 tháng Sáu 1975, tôi rời trại Indiantown Gap, PA, tới Washington D.C. Đại Tá Richard Manion, sĩ quan biệt phái làm việc tại Bộ Ngoại Giao, một thành viên của Ban bảo trợ gia đình tôi thuộc Giáo Xứ Blessed Sacrament ở Alexandria, VA, đón tôi tại trạm xe bus ở Đường 14, đối diện Washington Monument.

Vừa bước ra khỏi xe bus, Đại Tá Manion hỏi ngay:

– Cảm tưởng của anh thế nào khi đặt chân xuống Thủ Đô Hoa Kỳ?

Tôi trả lời:

– Quang cảnh nơi đây quá khác biệt với nơi tôi mới rời bỏ. Đường phố Sài Gòn đầy giây kẽm gai, trong khi ở đây cờ xí rợp trời. Sao nhiều cờ vậy?

– Người ta trương cờ để đón anh đấy!

Biết ông Manion nói đùa, nhưng thuộc loại phản ứng chậm, tôi chỉ đực mặt, không biết nói sao. Đến khi vào xe, bắt đầu lái đi, ĐT Manion mới giải thích: Ngày mai, 14 tháng Sáu, là “Flag Day”, người ta trưng cờ để vinh danh Quốc Kỳ. Trước khi biết nhà mình ở đâu, tôi biết nước Mỹ có Ngày Quốc Kỳ, điều mà ở Việt Nam không có.

Ngày quốc kỳ Mỹ

Tên chính thức là Flag Day, hay đầy đủ hơn, National Flag Day, là ngày 14 tháng 6 hàng năm được nước Mỹ dành ra để vinh danh quốc kỳ. Đó cũng là ngày quốc kỳ Mỹ đầu tiên được chấp thuận năm 1777.  Sau nhiều vận động phát xuất từ nhiều nơi, kéo dài cả thế kỷ, đến 1916, cách đây đúng một trăm năm, Tổng Thống Woodrow Wilson công bố 14 tháng 6 chính thức là Ngày Quốc Kỳ, và mãi đến năm 1949, Quốc Hội Mỹ mới quyết định vĩnh viễn ngày này là National Flag Day. Trừ tiểu bang Pennsylvania, Ngày Quốc Kỳ không phải là ngày lễ nghỉ của liên bang. Mỗi năm, vào tuần lễ 14 tháng 6, Tổng Thống Mỹ đều có thông điệp nói về Tuần Lễ Quốc Kỳ (National Flag Week), và khuyến khích toàn dân treo cờ trong suốt tuần lễ.

h2

Tháng 7 năm 1969, cờ Mỹ được phóng lên không gian, và Neil Armstrong cắm trên mặt trăng. Sáu phi thuyền thuộc chương trình Apollo đáp xuống mặt trăng, mỗi phi thuyền cắm một lá cờ.

Một điều khá đặc biệt, hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có người Tầu và người Việt, đã gọi tên nước Mỹ qua cờ Mỹ. Năm 1785, con tầu buôn Empress of China (Hoàng hậu Trung Hoa) trương cờ Mỹ ghé bến Quảng Đông (Canton). Tin tức loan truyền, dân chúng tò mò tới xem một con tầu lạ đến từ bên kia thế giới, treo lá cờ đẹp như hoa, gồm những ngôi sao trắng trên nền xanh ở góc trên phía trái, và những sọc ngang trắng đỏ. Họ gọi lá cờ lạ này là “Cờ hoa”, chữ nho là 花旗, phiên âm theo tiếng Quảng Đông là huãqí (Hoa Kỳ) hay kwa kee, và nước Mỹ được người Tầu lấy cờ đặt tên là Hoa Kỳ quốc kwa kee kwoh, người Mỹ là kwa kee kwoh yin 花旗國人(Hoa Kỳ quốc nhân). Người Việt bắt chước Tầu, cũng gọi là nước Hoa Kỳ. Nhưng người Hoa Kỳ thì gọi theo cách riêng của người Việt,  là “thằng Mỹ” hay “con Mỹ”.

Trung Quốc ngày nay thường gọi United States là Mỹ Quốc美國, phiên âm theo tiếng Quan Thoại là Měiguó. Chữ Mỹ (Měi) viết tắt từ âm Měilìjiān người Tầu dùng để chuyển âm chữ [A]merica.

Trong Tuần lễ Quốc kỳ, tổng thống Mỹ kêu gọi treo cờ, tuy nhiên, ai treo thì treo, chẳng bao giờ có cảnh công an hay dân phòng đi từng nhà dân gõ cửa, bắt phải treo cờ. Nhưng chào cờ, hay đọc lời tuyên thệ trung thành với quốc kỳ đã có thời là chuyện bắt buộc ở nhà trường. Vì thế, đã gây nhiều tranh cãi, nhiều lần cần tới sự phân xử của Tối Cao Pháp Viện. Chính nhờ những tranh cãi và phân xử này, người ta được biết rõ hơn về vai trò của quốc kỳ, về giới hạn của chính quyền, về pháp trị, về an ninh bản thân và nhân quyền, trước thế lực áp đảo của đa số trong một nước dân chủ.

Từ đốt cờ…

h3

Cảnh đốt cờ Mỹ tại Burlingame, CA, ngày 2 tháng 5, 2016, để phản đối ứng cử viên tổng thống Donald Trump. (Ảnh Jimmy Camp)

Tranh tụng về cờ đã nhiều lần được phân xử tại Tối Cao Pháp Viện, có mấy vụ nổi tiếng hơn cả:

Năm 1984, trước trung tâm hội nghị Dallas, Texas, nơi diễn ra Đại hội Đảng Cộng Hoà, Gregory Lee Johnson đốt một lá cờ Mỹ để phản đối chính sách của Tổng Thống Ronald Reagan. Johnson bị bắt và bị truy tố theo luật tiểu bang Texas, cấm xúc phạm tới các vật thể tôn kính, gồm cả quốc kỳ Mỹ, nếu việc làm này khiến người khác giận dữ. Ra toà, Johnson bị xử một năm tù, và phạt 2.000 US$. Bị can kháng cáo, toà trên giữ nguyên bản án của toà dưới. Tiếp theo, toà phúc thẩm cao nhất của Texas huỷ án xử Johnson. Chính quyền Texas kiện lên Tối Cao Pháp Viện. Phán quyết năm 1989 với đa số 5 trên 4, TCPV xử Johnson thắng, với lý do đốt cờ là một hình thức phát biểu, được Tu chính Hiến pháp Thứ Nhất bảo đảm qua quyền tự do ngôn luận (freedom of speech).

Kết quả trên đã vô hiệu hoá luật cấm xúc phạm quốc kỳ của 48 trên 50 tiểu bang. Ngay lập tức, Quốc Hội làm Luật Bảo vệ Quốc kỳ (Flag Protection Act), quy định hành vi xúc phạm quốc kỳ là phạm luật liên bang. Luật mới này cũng mau chóng bị TCPV xử vi hiến vào năm 1990, với cùng một đa số gồm các thẩm phán đã xử cho Johnson thắng.

Quốc Hội phản ứng bằng cách vội vàng làm Tu Chính Hiến Pháp, hy vọng bảo vệ cờ ở mức cao hơn (Flag Desecration Amendment). Cố gắng này qua được cửa Hạ Viện, nhưng không qua nổi Thượng Viện.

Quốc kỳ là biểu tượng đáng tôn kính. Đốt cờ là hành vi chẳng những không được hoan nghênh, còn đáng khinh bỉ. Dầu sao, không thể cấm cản người dân làm việc này, như là cách để phát biểu quan điểm của họ một cách mạnh mẽ.

… đến từ chối chào cờ …

Bốn thập niên trước vụ kẻ đốt cờ thắng kiện là hai vụ án về cưỡng bách chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ.

Năm 1933, Adolf Hitler ra lệnh cấm đạo “Chứng nhân Jehovah” (Jehovah’s Witnesse) vì tín đồ tôn giáo này không chịu chào cờ Quốc Xã. Mười ngàn tín hữu bị bắt vào trại tập trung. Lãnh đạo tôn giáo này tại Mỹ kêu gọi tín đồ chống lại luật buộc chào quốc kỳ tại Mỹ, và từ chối chào cờ Mỹ.

Năm 1935, hai chị em học sinh lớp 7 và lớp 5, Lilian và William Gobitas, thuộc một gia đình theo đạo Jehovah, sinh sống tại một cộng đồng đa số theo đạo Công Giáo ở Minersville, Pennsylvania, quyết định làm theo lời kêu gọi chống chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ Mỹ tại nhà trường.

Hội Đồng Giáo Dục (Board of Education) Minersville ra quyết nghị bắt tất cả học sinh phải chào cờ hàng ngày, ai không làm việc này bị coi như bất phục tùng và phải bị trừng phạt. Chị em Gobitas bị đuổi, phải đi học trường tư. Ông Gobitas, đại diện các con đi kiện, thắng tại nhiều toà dưới. Học Khu Minersville chống án lên TCPV.

Năm 1940 TCPV đồng ý xử nội vụ. Kết quả: Học Khu thắng với quyết định của đa số tuyệt đối 8 trên 1. Thẩm phán Frankfurter, một trong những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ đại diện đa số viết lý đoán cho phán quyết. Theo đó, tuy hiến pháp đã long trọng bảo vệ quyền của người dân, nhưng quyền không tuyệt đối, vì “đoàn kết quốc gia là căn bản của an ninh quốc gia”. Do đó, tiểu bang có quyền hiến định để “chọn những phương cách thích hợp hầu phát huy sự đoàn kết đó – dù đôi khi thiệt hại cho tự do cá nhân”. Frankfurter tuyên bố: “Chúng ta sống bằng biểu tượng. Cờ là biểu tượng của đoàn kết quốc gia”. Theo ông, tiểu bang có lý khi cho rằng để học sinh từ chối chào cờ là gây ảnh hưởng tiêu cực tới đồng bạn về lòng ái quốc.

(Vì thư ký tại TCPV ghi lầm tên Gobitas thành Gobitis, vụ này được ghi trong hồ sơ TCPV là “Minersville School District v. Gobitis”)

Kết quả vụ trên đây đã đưa tới nhiều hậu quả tai hai: Hàng trăm vụ bạo động tấn công vào cá nhân hoặc cơ sở Jehovah’s Witnesses đã diễn ra trên khắp nước. Tin tức về những vụ bạo động này đã gây phản cảm trong dư luận. Chỉ ba năm sau, phán quyết trên đã bị chính TCPV lật ngược trong một vụ tương tự.

và không chịu trung thành với quốc kỳ

h4

Học sinh đọc lời tuyên thệ trung thành với quốc kỳ tại nhà trường.

Năm 1942, Hoa Kỳ mới nhảy vào Đệ Nhị Thế Chiến sau khi bị Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Trước cảnh không khí chiến tranh sôi sục, lòng ái quốc cần được đề cao, Hội Đồng Giáo Dục Tiểu bang West Virginia (West Virginia State Board of Education) ra lệnh bắt buộc tất cả thầy cô giáo và học sinh tại các trường công lập ngày nào cũng phải đọc lời thuyên thệ trung thành với quốc kỳ (pledge allegiance the United States flag). Ai không tuân bị đuổi khỏi trường. Thời gian bị đuổi coi như vắng mặt trái phép. Cha mẹ bị phạt mỗi ngày 50US$, và có thể bị án tù không quá 30 ngày.

Học sinh Barnette, theo đạo Chứng nhân Jehovah xin được miễn đọc lời tuyên thệ, vì trái với giáo lý của Đạo, là chỉ trung thành với một đấng Jehovah mà thôi. Yêu cầu không được chấp thuận, Barnette bị đuổi, vụ kiện lên TCPV. Qua phán quyết vào đúng Ngày Quốc Kỳ 14 tháng Sáu 1943, TCPV xử Barnette thắng, vì quan niệm rằng “quyền không nói” cũng được bảo vệ tương tự như quyền phát biểu qua Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất về tự do ngôn luận.

Đại diện cho đa số 5 trên 4, Thẩm phán Tối cao Robert Jackson đã hùng hồn bảo vệ quyền của thiểu số không được ưa thích trong một xã hội được cai trị bởi đa số. Theo ông, đa số cai trị phải bị giới hạn bởi luật pháp do hiến pháp của toàn dân quy định để bảo vệ quyền lợi của mọi người, kể cả những “thiểu số đáng ghét” (disliked minorities).

Như là trực tiếp phản bác quan điểm cần tạo đồng thuận trong dân chúng vì lý do an ninh quốc gia của Thẩm phán Frankfurter qua phán quyết 1940, Thẩm phán Jackson nói: “Compulsory unification of opinions achieves only the unanimity of the graveyard” (Cưỡng bách đồng nhất quan điểm chỉ đạt được sự nhất trí tại nghĩa trang). Về nhà cầm quyền tiểu bang đối với quan điểm của dân chúng, ông nói: “Authority here is to be controlled by public opinion, not public opinion by authority” (Nhà cầm quyền ở đây bị kiểm soát bởi dư luận quần chúng, không phải dư luận quần chúng bị kiểm soát bởi nhà cầm quyền).

Về quyền được tự do bầy tỏ sự khác biệt, Thẩm phán Jackson nói, nó không giới hạn trong những thứ không đáng kể, vì như vậy chỉ là cái bóng của tự do. Thử nghiệm về thực chất của quyền được khác biệt phải được áp dụng trên những thứ có thể gây xúc động trái tim của trật tự hiện hữu (như từ chối chào cờ và tuyên thệ trung thành với quốc kỳ). ([F]reedom to differ is not limited to things that do not matter much. That would be a mere shadow of freedom. The test of its substance is the right to differ as to things that touch the heart of the existing order).

Cuối cùng, phán quyết nghĩ rằng “hành động của nhà cầm quyền địa phương bắt buộc chào cờ và tuyên thệ vượt quá giới hạn hiến định về quyền hạn của họ và xâm phạm lãnh vực trí tuệ và tinh thần là mục tiêu bảo vệ của Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất để phòng bị giới cầm quyền kiểm soát”.

Phán quyết này phủ nhận phán quyết Minersville School District v. Gobitis.

Từ cờ Mỹ đến cờ Việt

h5

Người Mỹ gốc Việt diễn hành với cờ vàng tại San Jose trong Tết Kỷ Sửu 2009 (Hình Wikipedia)

Ở đây xin miễn nói đến những điều hầu như ai cũng đã biết, như lịch sử quốc kỳ Việt, và lý do tại sao phải tôn trọng quốc kỳ nói chung.

Nếu những vụ tranh cãi về quốc kỳ Mỹ đã được phân xử tại các toà án thường và cao nhất là TCPV Liên Bang, thì những vụ tranh cãi về cờ Việt, nói rõ hơn là  cờ vàng ba sọc đỏ, hầu như chưa bao giờ được phân xử tại toà án quốc gia, nhưng vẫn thường được xét xử bởi “toà án cá nhân”. Mỗi người là một quan toà, tự do xử và buộc tội người khác theo quan điểm của mình, liên quan đến lá cờ. Tội danh thông thường là “Việt gian” hay “tay sai Cộng sản”, vì “bị can” không tôn trọng đúng mức, hay giống cách của mình đối với lá cờ mình vẫn trân trọng.

Trước ngày 30 tháng Tư, 1975, hầu như chỉ có những người cầm quyền chú trọng tới vai trò của lá cờ. Vì quá chú trọng tới cờ, cả một chế độ vững vàng đã bị xụp đổ, làm thay đổi lịch sử của cả một dân tộc, với sự hy sinh mạng sống một cách vô ích của hàng triệu người.

Sau khi Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà hạ xuống lần cuối cùng trên các chiến hạm ở ngoài khơi Philippines chiều ngày 7 tháng 5, 1975, tập thể người Việt tị nạn tự mình đảm nhiệm vai trò chiến sĩ cầm cờ, đem cờ vàng đi khắp năm châu bốn bể. Quốc kỳ cũ là hành trang trên đường dài lưu vong, là tài sản của quá khứ, là hy vọng vào tương lai. Họ phải sống với nó, cố gìn giữ và bảo vệ nó, như bảo vệ sinh mạng và tài sản của chính mình. Mất nó, là trắng tay!

Trong một bài mang tựa đề “Đừng giữ một giấc mơ đã chết, hãy tập trung vào hiện tại” trên Facebook của mình vào ngày 16 tháng 5, 2013, Giáo sư Jonathan London viết: “Tôi thấy khó hiểu khi một số người ủng hộ cải cách ở Việt Nam nhưng lại muốn vẫy lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà. Cho dù tôi có thể hiểu được vài người ở hải ngoại vẫn giữ cách nhìn cũ và những mối quan hệ cũ với chế độ (mà lá cờ được coi là biểu trưng)”. Ông London khó hiểu, cũng là điều dễ hiểu, vì ông là người Mỹ gốc Mỹ, không phải gốc VNCH.

h6

Nối dài hay làm sống lại Việt Nam Cộng Hoà?

Trong một đám biểu tình trên đất Mỹ, không cần cầm cờ, người ta có thể phỏng đoán ngay ông London là người Mỹ, tiêu biểu cho giá trị Mỹ, tranh đấu cho những gì người Mỹ trân trọng. Nhưng với người Việt tị nạn cộng sản, thiếu lá cờ vàng ba sọc đỏ, ai biết họ là ai? Họ trông giống người Tầu, người Triều Tiên, người Nhật, người Thái, người Căm Bốt, người Lào, người Phi Luật Tân, người Mã Lai, người Singapore …, chưa kể cán bộ từ Hà Nội có thể chụp hình đăng báo với chú thích xuyên tạc: “Việt Kiều yêu nước tập trung hoan hô Bác và Đảng”.

text boxVậy, đối với tập thể người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, việc duy trì quốc kỳ cũ của VNCH là điều cần thiết. Nó không phải hành vi nối dài một chế độ đã chết, không phải chủ trương lập lại quá khứ, mà như một căn cước, một biểu tượng cho lập trường chính trị, ý chí đấu tranh mà mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do dân chủ cho toàn thể dân tộc Việt Nam, từ Nam đến Bắc. Tuy nhiên, cần thiết và lạm dụng là hai điều khác nhau. Việc trưng cờ phải luôn được diễn ra đúng cách, đúng chỗ, và đúng lý. Dầu sao, như đã trình bầy, vì thiếu những luật lệ và án lệ liên quan tới quốc kỳ cũ của VNCH, và càng thiếu những chỉ dẫn cụ thể về lá cờ này từ khi được người Việt lưu vong mang đi khắp thế giới. Vì thế, những ý kiến sau đây chỉ là những nhận xét, được nêu ra như một gợi ý cá nhân của người viết, không phải là những khẳng định đâu là đúng, đâu là sai.

Thế nào là trưng cờ đúng cách?

Vì thiếu chỉ dẫn riêng cho mình, đành phải tìm hiểu nơi nước người. Chỉ cách Việt Nam vài giờ bay, Singapore là nước có quy định rất rõ về việc treo cờ. Trước đây, ngoài công sở, người dân chỉ được quyền treo cờ vào những ngày quốc lễ. Theo luật mới từ 2007, việc dân chúng treo cờ được khuyến khích vào thời gian mừng kỷ niệm độc lập, từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, cờ bị cấm xử dụng vì mục đích thương mại; quảng cáo; trên đồ dùng, trang trí; tại tang lễ tư nhân; trên xe tư nhân; mặc như quần áo hay trang phục.

Từ 41 năm qua, người Việt tị nạn có vẻ ngày càng có nhiều sáng kiến độc đáo trong việc nêu cao mầu cờ của mình. Từ cà vạt mầu cờ cho nam giới đến giây đeo, khăn và áo dài mầu cờ cho quý vị nữ lưu. Việc này rõ ràng trái với luật cờ của Singapore, nhưng điều đó không quan trọng. Không phải cái gì Singapore cũng đúng, và ông Lý Quang Diệu cũng chết rồi. Điều quan trọng là hãy tự đặt câu hỏi: Thắt cà vạt và mặc áo mầu cờ, nói chung, làm tăng thêm hay giảm đi giá trị và sự kính trọng đối với lá cờ? Nếu nghĩ là làm tăng thêm, tại sao không có quý vị ngoan đạo Công Giáo nào đeo cà vạt và mặc áo mầu cờ Vatican, và cũng chẳng có quý vị Phật tử sùng đạo nào làm như vậy với cờ Phật Giáo?

Ở đâu là đúng chỗ?

Trước hết, là biểu tượng của quốc gia, quốc kỳ được trưng ở nơi công sở, là đúng chỗ. Là căn cước của một quốc gia trên trường quốc tế, cờ được trưng ở các cơ sở ngoại giao, ở hội nghị quốc tế, là đúng chỗ. Là biểu tượng cho căn cước, cho tinh thần tranh đấu của một tập thể, phất cờ ở đám biểu tình là đúng chỗ. Là biểu tượng cho quyền sở hữu một lãnh thổ, cắm cờ để chứng tỏ lãnh thổ đó thuộc về mình, là đúng chỗ (trong tinh thần này, thay vì cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa, lại cắm tràn ngập ở Anh Pháp Mỹ Đức Úc Canada…, e rằng không đúng chỗ). Quân nhân hy sinh mạng sống mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, được trưng cờ nơi nghĩa trang hay phần mộ, như một hình thức Tổ Quốc ghi ân, đồng thời, để thân xác họ được gần gũi với mục tiêu cao cả họ đã hy sinh, qua biểu tượng lá cờ.

Sau năm 1975, trong nhiều trường hợp, quốc kỳ cũ của VNCH đã không được trưng bày đúng chỗ; nơi cần có nhất, vẫn không có; và xuất hiện tại nơi không nên có. Trường hợp đầu, nơi sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ vô cùng cần thiết là tại các nghĩa trang quân đội ở trong nước. Trong bốn thập niên, thay vì cố gắng đòi hỏi, tranh đấu, hay nghiêm chỉnh công khai thương thuyết, với sự giúp đỡ của chính quyền các nước ngoài, để cờ VNCH trược treo tại các nghĩa trang quân đội VNCH, tập thể cựu chiến sĩ cũng như tập thể người tị nạn nói chung, đã dốc toàn lực vào việc trương cờ VNCH ở… nước ngoài! Để làm gì? Để tự hào chúc tụng nhau đã tạo được những thành tích rực rỡ, có thể chụp hình đăng báo hay lên mạng. Trong khi ấy, mồ mả của những người đã anh dũng hy sinh dưới cờ vẫn vắng bóng lá cờ thân yêu.

h7

Nghĩa trang quân đội Biên Hoà cũ, 29-04, 2016. (Ảnh Thu Hà/VNNet.) Nơi cần cờ thì không có…

 

Trong khi ấy, trường hợp thứ nhì, nơi không thích hợp cho sự hiện diện cờ VNCH, đã có người mang cờ đến cắm.

h8

Một người chạy bộ buổi sáng, dừng chân trước nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nổ tại Boston Marathon. Hình Reuters/Jim Bourg, 21-04, 2013. … Nơi có cờ thì không cần!

Bọn khủng bố đã cho nổ bom tại cuộc thi chạy đường trường Boston Marathon vào ngày 15 tháng 4, 2013, làm thiệt mạng ba người, và bị thương 170 người. Trong số ba người thiệt mạng, hai người Mỹ và một người Tầu. Như thường lệ, một nơi tưởng niệm tạm thời đã thành hình. Người Mỹ tử nạn, cờ Mỹ được đem tới, dễ hiểu. Không có người Việt tử nạn, một lá cờ VNCH khá lớn, át cả cờ Mỹ, đã được đem tới cắm ở đây. Có phải là chỗ thích hợp?

Làm sao cho đúng lý?

Cuối tháng Hai 2016, tại một nhà hàng seafood ở San Jose, CA, có bữa tiệc để bà Dân Biểu Loretta Sanchez gây quỹ tranh cử nghị sĩ liên bang. Tuy vai chính không phải người gốc Việt, trưng cờ VNCH ở đây coi như hợp lý, vì khách tham dự hầu hết là gốc Việt, và bữa tiệc là một sinh hoạt chính trị, mang tính đại chúng, không thuộc phạm vi công quyền.

Sáng Thứ Tư, 13 tháng Tư, tại hội trường Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, một cuộc họp báo đã diễn ra, chủ trì là hai nhân vật dân cử thuộc chính quyền California: Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Janet Nguyễn, và Chánh Biện Lý Quận Cam Tony Rackauckas.

Theo tường thuật của báo NV, mục đích cuộc họp báo đã được ông Chánh Biện Lý mô tả: “Chúng tôi hiện diện hôm nay có liên quan đến trường hợp của Minh Béo. Với những vụ án như Minh Béo, thông thường tiền tại ngoại hậu tra vào khoảng $100 ngàn. Tuy nhiên, với trường hợp này thì chúng tôi đề nghị mức tiền tại ngoại cao hơn, lên đến $1 triệu, cho những người từ nơi khác đến, có nhiều cơ hội trốn thoát khỏi Mỹ”. Theo ông, “Luật hiện hành tại California không cho phép từ chối đóng tiền tại ngoại, California chưa có dự luật nào để giữ nghi can ở lại nước Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã nói với TNS Janet Nguyễn cần có một dự luật giữ các nghi can ở lại đây để ra tòa chịu xét xử.”

Đáng ghi nhận ở đây, cuộc họp báo tuy diễn ra tại một cơ sở tư nhân là báo NV, nhưng mang tính chính thức. Chủ trì là hai giới chức đương nhiệm, trước mặt có gắn huy hiệu chính thức của Thượng Viện Tiểu Bang California, thảo luận về một dự luật sửa đổi hiến pháp tiểu bang, ngồi trước ba lá cờ Liên Bang, Tiểu Bang, và Quốc Kỳ VNCH. Sự hiện diện của lá cờ VNCH ở đây, là hợp lý hay đã bị lạm dụng nhằm một mục tiêu nào đó?

h9

TSN Janet Nguyễn (phải), và Chánh Biện Lý Quận Cam Tony Rackauckas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt).

Đây không phải một cuộc gây quỹ, mà là sinh hoạt chính thức thuộc phạm vi chính quyền tiểu bang, về lãnh vực lập pháp và tư pháp. Bà Janet Nguyễn gốc Việt, nhưng nội dung cuộc họp báo chỉ liên quan tới luật pháp nước Mỹ, không có gì liên hệ tới gốc Việt. Luật pháp VNCH không được áp dụng ở đây, bà Janet Nguyễn là một nhà lập pháp đại diện cho dân Mỹ, không đại diện cho VNCH. Nếu việc trưng bầy Quốc Kỳ VNCH ở đây nhằm mục đích thầm kín là kiếm phiếu, e rằng các vị dân cử này quá coi thường cử tri gốc Việt. Những ai có thể lạm dụng biểu tượng trân quý của một tập thể để mưu lợi cá nhân, tất nhiên cũng có thể lạm dụng chức vụ mình vào những lợi ích riêng.

Ngoài ra, đem cờ VNCH gắn liền với vụ Minh Béo còn có thể đưa tới hậu quả tai hại khác. Rõ ràng cờ VNCH đã được xử dụng trong một vụ án nhắm thẳng vào nghi phạm Minh Béo, một công dân của Việt Nam Cộng Sản. Từ nhiều năm qua, quốc kỳ cũ của VNCH đã là biểu tượng quen thuộc tại Quận Cam. Cũng tại nơi đây, đã có nhiều nghị quyết chống lại các giới chức Cộng Sản VN. Minh Béo tới từ Việt Nam Cộng Sản, sau khi bị bắt, hai giới chức dân cử Mỹ vội vàng vận động và họp báo với sự hiện diện của quốc kỳ VNCH, đưa ra dự luật nhằm mục tiêu đẩy nghi phạm vào tình huống khó khăn hơn. Lý do đưa ra nói việc làm này chỉ nhằm mục đích chặn đường nghi phạm từ xa đến bỏ trốn. Nhưng trước khi Minh Béo bị bắt, ở đơn vị bà Janet Nguyễn đại diện, thiếu gì nghi phạm từ xa đến đã bị bắt và có thể trốn về quê dễ dàng hơn (chỉ cần đi bộ qua biên giới phía Nam Cali), sao không thấy bà Nghị Sĩ làm luật ngăn chặn? Nghi phạm Minh Béo cách quê nhà cả một đại dương, tại sao bà phải vội vàng ra tay, rủ người cộng tác là ông Chánh Biện Lý, và “võ trang” bằng Quốc kỳ VNCH?

Trương cờ VNCH tại địa phương biểu tượng này được đặc biệt trân quý, nhắm đánh vào một nghi phạm bị lựa chọn, có thể đưa tới hậu quả nhũng loạn nền tư pháp Hoa Kỳ. Một vụ án hình sự “Hoa Kỳ chống Minh Béo” (Minh Béo là nghi phạm) đã bị âm mưu biến thành một vụ án chính trị “(Cố)VNCH chống Việt Cộng” (Minh Béo là nạn nhân). Trong nền tư pháp dân chủ pháp trị, dù Minh Béo hay kể cả Minh Râu bị điệu ra toà, y can vẫn có quyền được đối xử vô tư và công bằng. Trước việc đem cờ VNCH vào một vụ án, nếu luật sư của Minh Béo yêu cầu toà bãi nại, vì nội vụ đã bị “chính trị hoá”, vụ án đã có tì vết trước khi xử, hậu quả sẽ ra sao? Dù chánh thẩm không cho bãi nại, sự việc này ít ra cũng có thể tạo mối nghi ngờ trong tâm trí bồi thẩm đoàn, và kết quả vụ án có thể bị sai lạc. Những ai vẫn trân quý và cố gắng bảo vệ Quốc kỳ VNCH, có thể làm ngơ khi kỷ vật thiêng liêng này bị lạm dụng như vậy không?

***

Hầu như một nghịch lý: Quốc Kỳ tượng trưng cho lòng ái quốc, nhưng các chế độ đề cao quốc kỳ, cưỡng bách dân chào cờ, và chào nhiều, thường chết yểu. Trong khi chế độ cho dân đốt cờ, hoặc từ chối biểu lộ lòng trung thành với quốc kỳ, thường sống lâu, và sống mạnh.

Đức Quốc Xã của Hitler, không ngại bỏ tù cả chục ngàn người vì tội không chịu chào cờ, chỉ tồn tại được trên mười năm. Đệ Nhất Cộng Hoà của Ngô Tổng Thống, ngoài việc bắt chào cờ tại công sở và trường học, những ai nghiền xi nê, phải chào cờ nhiều hơn cơm bữa; đầu phim nào cũng chào cờ. Trên hình cờ bay phấp phới còn có cả ảnh Ngô Tổng Thống trong khung bầu dục ở chính giữa, trông rất cảm động. Thế mà cả Tổng Thống và chế độ chỉ tồn tại được chín năm. Hoa Kỳ trẻ trung, đôi khi có vẻ nham nhở, ngoài bãi biển mùa Hè, đàn ông, đàn bà con gái tênh hênh phơi bầy đồ lót mang mầu cờ. Còn anh nào cảm thấy “bức xúc”, cứ việc đốt cờ phản đối, vậy mà Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới trong cả thế kỷ qua.

Như thế, sức mạnh và sự thịnh vượng quốc gia nằm ở đâu? Ở chỗ mọi người bắt buộc phải chào cờ và suy tôn lãnh tụ, hay ở chỗ người dân có quyền đốt cờ để phản đối?

Đinh Từ Thức

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *