Tưởng Niệm Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung

Nhân Ngày Giỗ Thứ Năm  (24/4/2012 - 24/4/2017)

 

TIỂU SỬ TÓM LƯỢC VỀ NHÀ THƠ, NHÀ VĂN HÀ BỈNH TRUNG

                             
                                                      
1/ Họ và tên: Hà Bỉnh Trung 
    Ngày tháng năm sinh: 15 tháng 9 năm 1922
    Các bút hiệu: Hà Bỉnh Trung, Hoa Nguyên, Hồng Bảo.

2/ Học vấn, nghề nghiệp và hội đoàn:

Dạy học: Anh văn và Pháp văn

Quân đội: Sĩ Quan trừ bị, Nha Báo Chí Phủ Quốc Trưởng và Phủ Tổng Thống VNCH.

Văn học: Viết văn, làm thơ, viết kịch thơ, làm việc tại vài tòa soạn nhật báo, tạp chí.
- Hội Nhà Văn Việt Nam (Société des Hommes de Lettres, Saigon 1963)
- Hội viên Văn Bút Việt Nam: P.E.N.Vietnam (Saigon, 1964)
- Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ (2 nhiệm kỳ 1997-99 và 2001-2003)
- Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (2001-2007)

- Hội trưởng Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn (2 nhiệm kỳ 2003-2005 và 2005-2007)
- Cố Vấn Sáng Lập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới

3/ Các tác phẩm đã xuất bản:

a- Truyện dài:  
- Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình (1952, Hà Nội)
- Những Ngả Đường (1972, Saigon)
- Chỉ Hồng (1998, Hoa Kỳ)
- Dốc Nửa Chừng (1998, Hoa Kỳ)
- Thuở Trời Đất Nổi Cơn Gió Bụi (Truyện Dài, 2004, Hoa Kỳ)

b- Truyện Ngắn:
- Theo Nhịp Dòng Đời (1993, Hoa Kỳ)
- Rừng Thiêng (1994, Hoa Kỳ)
- Hồn Thu Thảo (Dã Sử, 1998, Hoa Kỳ)
- Hoa Đào Năm Ngoái (2000, Hoa Kỳ)
- Hình Ảnh Cũ (2004, Hoa Kỳ)

c- Thơ:
- Khói Lửa (1987, Hoa Kỳ)
- Yêu Mãi Ngàn Năm (1991, Hoa Kỳ) 
- Dấu Chân Viễn Khách (1995, Hoa Kỳ)
- Cánh Thời Gian (1997, Hoa Kỳ)
- Ngàn Dặm Thương Yêu (1999, Hoa Kỳ)
- Vẫn Mãi Yêu Em (2000, Hoa Kỳ)
- Thuyền Trăng (2001, Hoa Kỳ)
- Một Ánh Sao Băng (2004, Hoa Kỳ)
- Thuở Ấy Yêu Nhau (2007, Hoa Kỳ)
- Tâm Sự (2007, Hoa Kỳ).

d- Kịch Thơ: - Kịch Thơ (1994, Hoa Kỳ)

e- Thơ Dịch:  
- Hoa Thơm (Pháp Việt đối chiếu, 1952, Hà Nội)
- Anh Hoa (Anh Việt đối chiếu, 1967, Saigon; tái bản 2005, VA, Hoa Kỳ)
- Thơ Lý Bạch (Thơ dịch Hán Việt đối chiếu, 2005, Hoa Kỳ)

f- Thơ Anh Ngữ: - Mars & Venus (2001, Hoa Kỳ).

4/ Các tác phẩm sau này:
- Fleurs d’Automne (Thơ Pháp Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- In Harmony (Thơ Anh Ngữ, 2008, Hoa Kỳ)
- Nhạc Thơ Giao Cảm (2008, Hoa Kỳ).
- Tập Thơ phổ Nhạc (2008, Hoa Kỳ)
- Chuyến Bay Đêm (Truyện Ngắn)
- Những Nàng Thơ (Thơ, Tập 11)
- Tình Yêu Cuối Đời (Thơ, Tập 12)
- Văn Học Bốn Phương (Tạp Văn)
- Hồi Ký Văn Nghệ.
- Ngôn Ngữ VN. Từ Điển và Mẹo phân biệt dấu Hỏi Ngã.

5/ Các thành tích văn học hay các giải thưởng:
Tác Phẩm Anh Hoa (Thơ dịch Anh Việt đối chiếu) đoạt Giải Thưởng Văn Học, Bộ Môn Dịch Thuật, năm 1965 của Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa tại Saigon.

6/ Đã cộng tác với các báo:
Tại Hà Nội: Ngày Mai, Chính Đạo, Thời Luận, Quê Hương.
Tại Đà Lạt: Đà Lạt Tiến.
Tại Sài Gòn: Ánh Sáng, Chỉ Đạo, Thời Luận, Tự Do, Thi Văn Tao Đàn, Phụng Sự (QĐ), Tiền Tuyến (QĐ).
Tại Hoa Kỳ: Diễn Đàn Tự Do (VA), Hoa Thịnh Đốn (VA), Đời Nay (VA), Văn Nghệ (VA), Tiểu Thuyết Nguyệt San (VA), Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm (VA), Nguyệt San Văn Phong (VA), Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới (VA)

(Nhà Văn Phạm Văn Tuấn biên soạn)

 

TƯỞNG NIỆM VĂN THI SĨ HÀ BỈNH TRUNG

Kính thưa toàn thể quý vị,

Để tưởng niệm đến văn thi sĩ HÀ BỈNH TRUNG tất nhiên là chúng ta phải đề cập tới những tác phẩm của Cụ. Đây là một kho tàng rất đồ sộ. Tất cả gồm 5 tập Truyện dài, 6 tập Truyện ngắn. 12 tập Thơ sáng tác. 3 tập Thơ dịch từ tiếng Anh, Pháp, Hoa sang tiếng Việt và 2 tập thơ sáng tác bằng Anh ngữ.

Truyện dài và truyện ngắn nói chung đều mang một triết lý nhân sinh. Truyện khi thì ghi lại các biến động về chiến tranh, khi thì mô tả tình yêu đôi lứa, gia đình, lúc thì nói về quân đội, quê hương v.v… Truyện cũng bàn về luân lý và các truyền thống văn hóa cao đẹp của thời xưa cũ, đôi khi so sánh với cuộc sống tha hương hiện tại. Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không thể trình bày chi tiết hơn cho nên chỉ xin nói về thơ.

Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung gồm hầu như đủ mọi “thể loại thơ”. Tổng cộng có lẽ cả hơn ngàn bài. Không kể những bài đăng rải rác trên các báo chí và các bài chưa được xuất bản. Người ta thường xưng tụng thi sĩ là “Nhà thơ của tình yêu.” Cũng như buổi tưởng niệm hôm nay được đặt tên là “Yêu mãi ngàn năm”. Có lẽ cũng không sai. Thi sĩ từng viết:

“Yêu đến bao giờ mới hết yêu?
Ngàn năm? nào đã được bao nhiêu?
Ngàn năm chưa đủ cho dòng máu
Chảy khắp con tim suốt mọi chiều!"…

Nổi bật là Tình yêu nam nữ:

Tình Yêu khởi đầu từ tuổi học trò.
“Hai mươi, rạo rực khi đi học,
Thấy áo em bay phía cuối đường,
Nán bước chờ em, lòng hớn hở
Để cùng trao ánh mắt yêu đương”

Với tâm hồn lãng mạn tình yêu kéo dài tới hồi trai trẻ:

"Người nằm xa lạ trong mơ
Tỏa thơm mùi tóc vàng tơ gối đầu.
Môi nào tìm lại môi nhau,
Sáng ra tỉnh giấc còn đâu dáng hồng"…

Tất nhiên sẽ có men rượu, có khói thuốc, có cả lời ca, tiếng nhạc…:

“Em mời ta chén rượu cay
Để thương nhớ mãi đêm này gặp nhau.
Môi mềm nhắp chén tê đau
Mắt đen trĩu nặng ý sầu từ ly.”…   

Có chia ly nơi bến thuyền, ga vắng, phi trường:

“Tàu đi, ga vắng một người,
Mây trôi lãng đãng chân trời nhớ nhung”…                

Có hôn nhân đôi lứa kết thúc cuộc tình đẹp:

“Ngày mai, anh đón em, em nhé!
Lộng lẫy xe hoa kết pháo hồng”…

Tình yêu kéo dài cho đến tuổi già:

“Khi yêu, yêu đến bạc đầu,
Thời gian không hẹn phai màu tóc xanh”…

Thật ra Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung không chỉ giới hạn trong vòng lãng mạng nam nữ thường tình mà còn trải rộng ra nhiều lãnh vực cao cả hơn.

Chúng ta được đọc những lời thơ nói lên Tình yêu trong gia đình:

Thi sĩ từng bày tỏ lòng kính yêu với Song Thân mình:

“Thương cha mẹ đã qua đời
Lại thương ngàn dặm xa vời nước non”…

Lòng yêu thương Con Cháu:

“Con mở mắt chào đời. Thương biết mấy!
Ngọc lưu ly màu tinh khiết trắng ngần.
Trán con sáng như khoảng trời nắng dậy
Một màu xanh không gợn chút phù vân”…

Lòng thương tưởng người Vợ hiền đã xa lìa cõi tục 8 năm trước đó:

“Tôi, một bóng sống cô đơn
Sáng, chờ đợi ánh bình minh tha thiết
Trưa, chán ngán nắng vàng tăng lửa nhiệt
Chiều lặng buồn, ra tiễn bóng hoàng hôn”…

Thi sĩ còn bộc lộ  Tình yêu đối với đồng bào:

Thương sót đồng bào ruột thịt trong Nạn đói năm 1945 thi sĩ viết:

“Suối mồ hôi tràn mặt
Mắt sâu trũng niềm đau
Thân khô như bó củi
Nâng đỡ bộ xương đầu”…

Sót thương nạn nhân Chiến tranh thi sĩ viết:

 “Vợ gánh đôi con dại,
Chồng quẩy gạo, nồi niêu,
Bỏ ruộng không, nhà trống,
Như một vùng hoang liêu”…

Và lời thơ thương cảm đời Nông dân cực khổ:

“Thương thay số phận dân lành,
Rẻ hơn cỏ rác, ai đành làm ngơ?”…

Đã từng khoác chiến y, thi sĩ bộc lộ Tình yêu đồng đội khi viết những lời thơ ai điếu:

“…Thu qua, lá đổ vàng rơi
Anh đi một giấc ngủ vùi ngàn thu!”…
…Có hai người bạn ngồi canh xác
Đêm lạnh gai người lúc nửa khuya!"”…

Tất nhiên trong thơ còn có Tình yêu quý tự do. Khi viếng tượng Nữ Thần Tự Do thi sĩ viết:

“Quê ta ngập lửa chiến tranh
Nông thôn nghèo khó, thị thành tham ô.
Xin em một chút tự do,
Gửi thương gửi nhớ về cho quê nhà.”…

Có ước vọng Yêu thương hòa bình:

“Bao giờ đất nước thanh bình lại,
Chim hót, hoa ngàn nở thắm tươi?
Bao giờ cây lại thu thành trái,
Làng mạc vang vang rộn tiếng cười?”…                                                                                     

Tràn trể tình Yêu đất nước, quê hương:

“…Hôm nay trông cảnh xứ người,
Lòng dưng dưng thấy ngậm ngùi nhớ quê,”…                                            

“…Quê hương xa cách nghìn trùng
Càng xa càng thấy vô cùng nhớ thương”…

Để rồi ước mơ quê hương tươi sáng, khắp nơi phô sắc ngọn cờ vàng:

“Nhớ thuở đầu xanh vượt núi rừng
Lòng trai mơ một giấc mơ chung
Gươm mài bóng nguyệt, nghe hồn nước
Vàng ánh cờ bay đẹp núi sông.”…

Và cũng như các thi sĩ khác ai nấy đều Yêu thiên nhiên với phong cảnh hữu tình gợi ý thơ:

“Sương thu ướt lạnh trăng thanh
Chiến y nặng trĩu màu xanh lá rừng.
Người đi, chân bước ngập ngừng
Núi cao chất ngất lưng chừng sương sa”…

Nói tóm lại, Thơ của thi sĩ Hà Bỉnh Trung đã không chỉ đề cập tới Tình Yêu nam nữ đơn thuần mà còn phô ra những tình cảm da diết chân thành đối với Gia đình, Đồng bào, Đồng đội, đề cao Tự do, ước vọng Hòa bình và lòng yêu Quê hương, Tổ quốc. Lời thơ chau chuốt, điêu luyện. Ý thơ trong sáng. Cụ Hà Bỉnh Trung suốt cả một cuộc đời cầm bút, miệt mài, chân thành, chúng tôi không dám nói Vườn Văn Thơ của Cụ Hà là một cõi Thiên Thai. Nhưng có một điều chắc chắn đó là một nơi đầy kỳ hoa dị thảo và sẽ được đón nhận nồng nhiệt vì đáp ứng đúng nhịp đập con tim của người đọc. Chẳng thế mà thơ của Cụ đã được 16 nhạc sĩ tâm đắc phổ nhạc. Chúng tôi thiết nghĩ nhà văn, nhà thơ Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.

Kính thưa toàn thể quý vị,
Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc nhở tới những giòng thơ đầy ắp Đạo Vị của thi sĩ Hà Bỉnh Trung. Thi sĩ đã cảm nhận đươc rằng sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên tác hợp, không có gì là có tự thể, thường hằng nên cuộc sống con người chỉ là tạm bợ. Thi sĩ viết:

“Dù bạo chúa một ngày nào cũng chết
Ai trường sinh? Ai bất tử bao giờ?”…                                          

Trong ánh Đạo vàng rực rỡ giải thoát, thi sĩ chiêm nghiệm ra cái "sắc sắc, không không" của nhà Phật:

“…Con người là của sắc không
Đảo điên giữa chốn bụi hồng chơi vơi”…                                                          …“Đế-cung, vương điện tan tành,
Sắc không còn lại bức thành nằm trơ!”…

Trong bài “Kinh Nguyện Cầu” tưởng niệm hiền thê đã khuất núi 8 năm trước đó, thi sĩ viết:

 “Kinh cầu nguyện vang vang từ bốn cõi
Tiễn người đi về đất Phật Đại Từ
Tôi lặng lẽ cúi đầu nghe tiếng nói
Những điều hay, lẽ phải của Thiền Sư”…

Cụ Hà Bỉnh Trung đã quy y Tam Bảo với Pháp Danh “Nguyên Chí”. Vì lẽ đó để chấm dứt bài tưởng niệm này tôi xin dâng lời Cầu Nguyện cho Phật Tử NGUYÊN CHÍ HÀ BỈNH TRUNG, sau khi đã nhẹ nhàng thanh thản lìa bỏ xác tục trong có một hai ngày, Người lại sẽ thong dong tự tại ra đi vào cõi tịnh, sẽ vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

NGÔ TẰNG GIAO

(Bài đọc ở Lễ Tưởng Niệm văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung,
April 29. 2012, Virginia, USA)

 

VĂN THI HỮU VIẾT VỀ HÀ BỈNH TRUNG

     Nhận định về các hoạt động văn học và các tác phẩm Văn cũng như Thơ của cố văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhiều cây viết thân hữu của ông đã lên tiếng trong thời gian qua và được lần lượt ghi lại trong cuốn HÀ BỈNH TRUNG TUYỂN TẬP do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn xuất bản vào năm 2013 được trích dẫn như sau đây.

     Mở đầu tuyển tập luật sư NGÔ TẰNG GIAO cho rằng: “Thi sĩ Hà Bỉnh Trung thường được giới văn thơ mệnh danh là thi sĩ của tình yêu. Quả thật đúng vậy vì tình yêu trong thơ ông lúc nào cũng ‘chất ngất lên ngôi’ và trải rộng bao la trong nhiều lãnh vực. Thơ diễn tả đủ mọi trạng thái, mọi khía cạnh đời sống, cũng như mọi ý nghĩ, rung cảm sát với tình người.”… “Với một số lượng tác phẩm đồ sộ gồm cả Văn lẫn Thơ hoàn tất trong suốt cả một đời cầm bút miệt mài và chân thành chúng tôi thiết nghĩ cây bút Hà Bỉnh Trung phải được dành một chỗ xứng đáng trong Văn Học Sử của nước Việt ta.”

     Tiếp theo là biên khảo gia giáo sư PHẠM VĂN TUẤN phát biểu: “Tác giả Hà Bỉnh Trung là một nhà văn đã may mắn sống và làm nhân chứng trước các biến đổi thời cuộc trong hai thế kỷ, từ thời cực hữu phong kiến và quân chủ, qua thời cực tả cộng sản, và cũng là người được đào tạo theo căn bản quốc học cổ điển với nền triết lý đông phương, trải qua con đường đạo đức của một gia đình lớn, nho học và khoa bảng, hấp thụ nền tân học tây phương với nhiều năm sinh sống tại thủ đô Paris của nước Pháp. Cho nên những gì nhà văn Hà Bỉnh Trung viết ra, thường là những diễn tả các cảnh vật cũ, phong tục xưa mà tác giả cho là đẹp, là mang dấu ấn thời gian, mang màu sắc Phật Lão, Khổng Mạnh, lại lồng vào bên trong vài ý nghĩ phóng khoáng của phương tây.”… “Không kể tài năng về văn chương, bác Hà Bỉnh Trung còn là một văn nhân rất trầm tính, ôn hòa với mọi người, chỉ nói tốt cho người khác, đã giúp đỡ nhiều người mà không hề kể công, vì vậy tôi đã gọi Bác Hà Bỉnh Trung là ‘Người Quân Tử Cuối Cùng’, bởi vì vào thời gian này, rất khó mà kiếm ra được một ‘nhân vật’ tiếp theo.”

     Nhà văn nhà báo UYÊN THAO kế tiếp đó nói: “Thế giới văn chương Hà Bỉnh Trung là những cảnh đời của mọi thời đại, của con người dưới tác động thời gian và các biến cố lúc nào cũng có thể xảy ra, trong khi các nhân vật không dừng lại ở cảnh đời đang gặp mà tiếp tục sống với nỗ lực vươn tới”… “Hà Bỉnh Trung dấn bước vào những cảnh đời khó khăn để nhận diện nhiều trạng thái tâm tư, đồng thời để tìm câu trả lời chuẩn xác cho nỗi mong mỏi xây dựng một tương lai không còn sóng gió. Câu trả lời mà Hà Bỉnh Trung muốn đưa lại đã tạo nên màu sắc đặc thù cho nhân vật văn chương của ông…”

     Nhà thơ NHẤT TUẤN nhận định riêng về tập thơ “Khói Lửa”: “…điều đặc biệt mà tôi tìm thấy ở Hà Bỉnh Trung là thơ ông tràn đầy Tình Nhân Loại với tất cả sự rung động xót xa tột cùng của một trái tim thi sĩ mỗi khi ông đề cập đến đời sống hiền hòa của người vô tội, và Tình Yêu Của Tuổi Trẻ, những người đã bị mất mát và thiệt thòi quá nhiều trong cuộc chiến bao năm qua tại quê nhà và hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.”

     Cây viết LÊ VIẾT TRÂN, một chiến hữu, giới thiệu Hà Bỉnh Trung như một “người thơ võ bị” qua thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm”: “Về những nơi chốn mà tác giả đã đặt chân tới, thì trong suốt tập thơ, tác giả đã chứng tỏ cho người đọc là thơ đã được viết khắp cùng thiên hạ, từ trong đất nước Việt Nam đến những địa danh trên thế giới, trong cuộc hành trình của đời quân ngũ của ông. Ở đâu ông dừng chân là ở đó có thơ, đặc biệt là thơ yêu.”… “Một niên trưởng sau những quá khứ chiến chinh ngày xưa, giờ đây ngồi ôn lại những quãng đời yêu đương thơ mộng của mình để giãi bày những tâm sự chứa chan lãng mạn của một người chiến sĩ về hưu, dành lại những hăng hái ngày xưa cho thế hệ mai sau.”   

     Tiếp đó Giáo sư NGUYỄN NGỌC BÍCH khi đề cập tới thi tập “Yêu Mãi Ngàn Năm” cũng nói: “…ta có thể khẳng định mà không sợ nhầm lắm rằng thơ Hà Bỉnh Trung nằm trong ‘vũ trụ thơ tiền chiến’. Nhưng có lẽ vì anh may mắn nên ta ít thấy thơ của anh dày vò chung quanh những nét ‘ghen, hờn, giận’ mấy! Có lẽ nhờ vậy mà đọc thơ anh, ta không có cảm tưởng ‘ngộp thở u uất’ hay gặp một ‘loại tháp ngà lạnh buốt’ như chữ của Mai Thảo. Ta thấy nhẹ nhõm hơn vì có lẽ tình của anh, những mối tình của anh, đơn sơ hơn, bình dị hơn, không hề quằn quại, đau thương mấy.”… “Cũng giống thơ Xuân Diệu phần nào, thơ tình Hà Bỉnh Trung cũng có chất nhục tính, chất ‘sensualité’ - một khám phá lớn của thơ tình Việt Nam ở thế kỷ 20, một tính cách gần như không có trong thơ tình Việt Nam của những thế kỷ trước”… “Mặc dầu anh có, anh nhận được ra cái nhiệt tình, cái nồng độ của tình yêu trai gái, anh vẫn không dám - ít nhất trong thơ anh - đi xa hơn cái lễ nghi cho phép.”

     Nhà văn SƠN TÙNG khi đề cập tới thi phẩm “Yêu Mãi Ngàn Năm” thời cho rằng: “Có lẽ ‘tình yêu làm cho con người trẻ lâu’ thật nên nhà thơ Hà Bỉnh Trung năm nay đã 70 tuổi, mái tóc bạc trắng như tơ, nhưng dáng dấp vẫn như một người trung niên, và lái xe thể thao sang số tay.”... “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung đã làm thơ tình nửa thế kỷ trước đây, nay vẫn còn làm thơ tình và xuất bản thơ tình.”... “Tập thơ ‘Yêu Mãi Ngàn Năm’ cùa Hà Bỉnh Trung cũng chứng minh rằng trái tim thi nhân không bị già cỗi và chết ngộp trong sức ép của đời sống tôn thờ vật chất.”

     Chủ nhiệm nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là nhà văn LÊ THỊ NHỊ đưa ra những nhận xét: “Trong lúc sinh hoạt với nhà thơ Hà Bỉnh Trung, tôi nhận thấy ở ông có nhiều đức tính mà tôi rất khâm phục. Ông là một người lạc quan, hòa nhã, không bao giờ biết hờn giận ai, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác, dù người đó chỉ ở hàng con cháu của ông”... “Có thể nói, nhà thơ Hà Bỉnh Trung là một người rất có lòng với văn chương chữ nghĩa và các sinh hoạt của cộng đồng. Ông không chỉ nói suông, mà ông đã thể hiện tấm lòng đó bằng những hành động cụ thể. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung viết và làm thơ không ngừng nghỉ! Ông khuyến khích những người mới viết và coi mọi người như bạn.”… “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung cũng có cái may mắn là những việc ông làm, ông được sự yểm trợ đắc lực của hiền thê và các con của ông.”

     Nhà văn LÊ MỘNG HOÀNG cũng bộc lộ tình cảm mình và góp ý: “Tin bác từ trần như một cơn bão dữ thổi qua khu vườn Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật, ban biên tập Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, đặc san Cỏ Thơm, và trong cộng đồng Việt Nam đặc biệt là các cụ Hội Cao Niên đã từng sinh hoạt với bác 4 năm liên tục lúc bác giữ chức vụ Hội Trưởng Hội Cao Niên.”… “Suốt mấy năm sinh hoạt với các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hà Bỉnh Trung, con chưa lần nào nghe bác to tiếng hoặc chỉ trích phê bình ai, lúc nào bác cũng từ tốn, nhỏ nhẹ, hoà nhã.”

     Nhà văn nhà thơ HỒNG THỦY nhận định: “Tuy bác lớn tuổi nhưng bác rất khoẻ, lưng vẫn thẳng băng, bước đi nhanh nhẹn. Dáng dấp hào hoa và quần áo lúc nào cũng đẹp đẽ chải chuốt. Tính tình bác rất trẻ trung, bác luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người”... “Tôi rất cảm phục bác vì tính bác rất rộng lượng, không hay chấp nhất. Bác luôn cho đám hậu sinh chúng tôi những lời khen thưởng khuyến khích, ít khi bác chê bai hay làm mất long ai”... “Bác là người thơ có trái tim trẻ mãi không già”... “Tình yêu thơ văn của bác gắn liền với tình yêu quê hương Việt Nam. Bác luôn luôn muốn bảo tồn văn hóa Việt. Bác đã thành lập Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn và sau đó có sáng kiến thành lập Nhà Việt Nam để làm trung tâm sinh hoạt cho người Việt Quốc gia ở vùng Thủ đô Hoa Kỳ.”

     Chủ bút nguyệt san Kỷ Nguyên Mới là LINH VANG tâm sự: “Bác quý mến người cầm bút, không phân biệt già trẻ, bác ăn ở hiền hậu đúng là văn nhân thi sĩ chính hiệu. Bác đứng ra ngoài mọi phe nhóm dùng chữ nghĩa đánh phá nhau. Bác hay nói với tôi, đã bảo văn thơ là thú vui tao nhã, ai lại dùng để chửi nhau. Tôi chịu ảnh hưởng văn thơ của bác nên văn chương chữ nghĩa của tôi cũng rất hiền, hiền kiểu Đôi bạn, Hồn Bướm Mơ Tiên”... “Điều làm tôi cảm động và kính mến bác nhất là bác luôn luôn đối xử với tôi như là một bạn văn, dù tôi kém tuổi hơn bác rất nhiều, dù sự nghiệp viết lách của tôi cũng còn non trẻ, thua bác xa lắc.”

     Cuối cùng là nhà thơ ĐĂNG NGUYÊN (nay là Chủ Tịch Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ) nói: “Nhà thơ Hà Bỉnh Trung rất yêu đời. Cụ có cuộc sống giản dị, thanh thản, hài hòa với mọi người, nên được nhiều người yêu mến”... “Cụ nhìn đời khá lạc quan”... “Giữa mùa Xuân hải ngoại, nhiều người nhìn đời u ám, nhìn mùa Xuân bi thương, nhìn tình yêu đầy trắc trở, bội bạc, thì cụ Hà với tuổi bát tuần vẫn yêu Xuân, yêu đời, yêu người tha thiết như tuổi đôi mươi”... “Hình ảnh Cố Chủ Tịch Hà Bỉnh Trung vẫn còn mãi mãi trong lòng hội viên Hội Cao Niên và các thi văn hữu trong vùng Hoa Thịnh Đốn.”

     Hai người cháu ruột cao niên của văn thi sĩ Hà Bỉnh Trung cũng góp mặt trong cuối phần 1 Tuyển Tập. Nhà thơ ĐỖ LANG (Đỗ Hữu Tước) ghi mấy vần thơ nhân kỷ niệm sinh hoạt 60 năm của chú mình:

     ...“Thi tứ mượt mà tình với lụy

         Văn chương chải chuốt mộng cùng mơ

         Da mồi nhưng trí còn minh mẫn

         Tóc bạc mà lòng vẫn ngẩn ngơ”...

     Nhà văn ĐIỀN HƯƠNG (Đỗ Tài Trường) khi nhớ về những kỷ niệm với cậu ruột thân yêu của mình đã phát biểu: “Ở tuổi cửu tuần tuy chưa tới bách tuế nhưng nếu người còn ở lại tôi tin rằng sẽ còn nhiều thơ sáng tác có giá trị thêm nữa, nhưng dù sao cũng tự an ủi là cậu đã ra đi rất nhẹ nhàng không hề vướng bận cho con cháu và người thân.”... “...tưởng nhớ người cậu hiền hòa kiến thức rộng rãi, ôn tồn với mọi người, một con người nhân hậu đáng trân quý không còn trên thế gian.”

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, tháng 4 năm 2014)

 

THƠ HÀ BỈNH TRUNG

FAREWELL, MY LOVE!

To My Beloved Departed Wife

 

You’ve gone! The sky is dark and dreary

You’ve really gone! The snow is all over.

The wet wind’s weeping for a grey winter

Is it really weeping or taking pity on me?

 

Where are you going from your deathbed

And leaving me in deep sorrow

Life’s still intact, though winter is dead,

The sky is quite high, and the earth’s quite low.

 

My eyes are dried ‘cause my tears ran dry

Since I spend time to weep.

Although in life there are changes and a good cry

Permanent our love is still deep.

 

Why were they so fleeting the days we were lovers?

You leaned on my shoulder and read poetry.

We, on the beach, were counting over and over

Waves, clouds, stars, and even trees.

 

Time’s gone by, our love followed its way

For two centuries (*) without being distorted.

I know that our love will remain always

Noble and long although life is short.

 

You’ve really gone with a smile of bliss.

I’m weeping when looking at you.

Farewell, my love! Have a parting kiss

Go, go your way! Make your life anew.

 

February 3, 2004

 

(*) From 1944 (Twentieth Century)

to 2004 (Twenty-first Century)

Ha Binh Trung

VĨNH BIỆT, TÌNH ANH!

 Tặng Hiền Thê Đã Qua Đời

 

Em đi! Sầu thảm đất trời

Em đi, đi thật! Tuyết rơi khắp vùng

Gió mưa than vãn lạnh lùng

Khóc Đông u ám hay thương thân này?

 

Em đi về chốn nào đây

Để anh buồn tủi dâng đầy tim côi

Đông tàn, đời vẫn lặng trôi

Trời cao, cao vút, đất thời thẳm sâu.

 

Mắt anh khô cạn dòng châu

Sau bao ngày nhỏ lệ sầu chứa chan

Dù đời xáo trộn, khóc than

Tình ta vẫn mãi vô vàn thiết tha.

 

Ngày âu yếm sao sớm qua?

Đọc thơ, em khẽ dựa bờ vai anh.

Mình từng trên biển đếm quanh

Mây trôi, sao lạc, sóng xanh, cây ngàn.

 

Tình ta theo với thời gian

Qua hai thế kỷ (*) vẹn toàn yêu thương

Luôn cao quý, mãi ngát hương

Đời dù ngắn ngủi, tình trường không phai.

 

Em đi! Thanh thản nụ cười

Nhìn em anh ứa lệ nơi mắt buồn

Vĩnh biệt Em! Gửi nụ hôn

Em qua đời mới. Linh hồn thảnh thơi!

 

Tháng Hai 3, 2004

 

(*) Từ 1944 (Thế Kỷ Hai Mươi)

tới 2004 (Thế Kỷ Hai Mươi Mốt)

Ngô Tằng Giao

chuyển ngữ

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *