Thư số 67b gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Phạm Bá Hoa

Trước khi vào chuyện.

Song song với các cơ quan hành chánh Hoa Kỳ và Australia công nhận quốc kỳ truyền thống Việt Nam chúng tôi trong Thư số 66b. Lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ chúng tôi cũng xuất hiện nhiều nơi trên thế giới trong những trường hợp khác nhau nhưng ý nghĩa vẫn là một: “Cùng dựng lại quốc kỳ truyền thống Việt Nam bằng những cách khác nhau trong Thư số 67a. Sau lá quốc kỳ truyền thống,  Thư số 67b này sẽ giúp Các Anh nhìn thấy sức mạnh tinh thần cũng là sức mạnh chính trị của Cộng Đồng Việt Nam chúng tôi, khi nhìn vào tội ác kinh hoàng của các nhóm lãnh đạo Việt Cộng từ sau tháng 4/1975 đến cuối thế kỷ 20, ngang qua những Tượng Đài Tượng Niệm Thuyền Nhân & Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân đã chết trong rừng sâu và trên biển cả, khi chấp nhận vượt lên sự chết để tìm sự sống cho chính mình và cho những thế hệ tương lai, dù sự sống rất mong manh trên hành trình chạy trốn! Nguyên nhân duy nhất, là: “Không thể sống dưới sự cai trị của lãnh đạo Việt Cộng với bản chất độc tài toàn trị, cộng thêm lòng thù hận, lại kèm theo lòng tham vô hạn của họ”.

Các Anh hãy nhớ rằng, chưa bao giờ trên thế giới có sự kiện người dân từ các quốc gia Dân Chủ Tự Do chạy sang các quốc gia cộng sản độc tài xin tị nạn chính trị, chỉ có người dân từ các quốc gia cộng sản độc tài ào ạt chạy sang các quốc gia Dân Chủ Tự Do xin tị nạn chính trị. Riêng tại Việt Nam:

Thứ nhất. Trong vòng 300 ngày từ khi Hiệp Định Đình Chiến 20/7/1954 có hiệu lực, đã có 868.672 người từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ào ạt chạy vào nước Việt Nam Cộng Hòa dân chủ tự do tị nạn. Từ năm 1954 đến năm 1956, có thêm 102.861 người trốn khỏi phần đất cộng sản vào phần đất tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi tị nạn. Cộng chung là 971.533 người. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 1 “bầu chọn” chế độ Dân Chủ Tự Do.

Thứ hai. Trong những ngày hỗn loạn cuối tháng 4 năm 1975, khoảng 150.000 người di tản  sang Hoa Kỳ tị nạn. Tiếp theo là tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc công bố năm 2000, theo đó thì trong vòng 20 năm kể từ sau khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975, đã có 839.200 người vượt biên vượt biển đến tị nạn chính trị tại 91 quốc gia tự do khắp Đông Tây Nam Bắc địa cầu, và Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng 400.000 đến 500.000 người đã chết mất xác trên biển và trong rừng, trên đường chạy trốn cộng sản! Lại cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 2 “bầu chọn” chế độ Dân Chủ Tự Do.

Và xin hiểu rằng, nhóm chữ “quốc kỳ truyền thống” hay quốc kỳ Việt Nam” hay “quốc kỳ chúng tôi” trong Thư này là quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ.

Phần một. Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân

Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, là biểu tượng góp phần lưu giữ chứng tích tội ác của lãnh đạo Việt Cộng tại hải ngoại, và khi triệt tiêu chế độ cộng sản (Việt Cộng) thì dân tộc Việt sẽ xây dựng nhiều tượng đài khác nhau, tiêu biểu nhiều góc cạnh tội ác khác nhau của họ trên quê hương Việt Nam.

  1. Tượng đài tại Ottawa, Canada.

Ngày 30/4/1995, Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Canada, đã long trọng khánh thành tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại Ottawa, với sự tham dự của rất đông đồng hương và nhiều nhân vật chánh quyền tại thủ đô Ottawa. Ngay sau bức tượng đồng Người Mẹ Bồng Con Thơ đang chạy trốn cộng sản, là những dòng chữ tưởng niệm, với bản đồ Việt Nam được bao tròn với nền vàng ba sọc đỏ.

Đại sứ Việt Cộng tại Canada đã phản đối mạnh mẽ ngay từ lúc Liên Hội Người Việt Canada bắt đầu. Đến những ngày trước khi Tượng Đài được khánh thành, họ vẫn liên tục vận động với Liên Hội Người Việt và Uỷ Ban Thực Hiện Tượng Đài, để xóa bỏ hình bản đồ Việt Nam được bao tròn bởi nền vàng ba sọc đỏ, đến những dòng chữ tưởng niệm, nhưng khi Tiến Sĩ Lê Duy Cấn yêu cầu viết thành văn những yêu cầu đó thì ông mới có yếu tố thảo luận, thì họ im lặng. Nghĩa là những viên chức trong tòa đại sứ Việt Cộng chỉ nói miệng chớ không dám dùng văn thư. Phía Ủy Ban Thực Hiện hoàn toàn giữ nguyên tất cả những gì ghi trong dự án. Liên Hội Người Việt và Ủy Ban Thực Hiện Tượng Đài, đã thắng một cách vẻ vang, trong khi Việt Cộng cố gắng vận động với chánh phủ Canada nhưng họ đã thất bại từ đầu đến cuối. Và sự kiện này đã dẫn đến tình trạng lạnh nhạt trong bang giao giữa Canada với Việt Cộng trong một thời gian.

  1. Tượng đài tại Melbourne, Australia.

Sau hơn hai năm vận động và thực hiện, ngày 21/6/2008, ”Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam” tổ chức lễ khánh thành “Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ & Thuyền Nhân Việt Nam”  tại công viên Jensen, Melbourne, tiểu bang Victoria, Australia. Vì không có bài viết nên nhìn vào những tấm hình ước lượng khoảng 300 đồng hương và áng chừng 30 quan khách Australia tham dự. Cũng nhìn vào hình, tượng đài có hai cánh gắn liền nhau như tượng trưng hai cánh buồm đặt trên nền có dạng chiếc ghe. Chi phí 70.000 Úc kim do đồng hương đóng góp (tôi có xin thêm tin tức, nhưng không nhận được gì thêm).

  1. Tượng đài tại Montréal, Canada.

Ngày 21/6/2008, Hội Bảo Vệ Di Sản Việt Nam và Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài đã tổ chức lễ khánh thành “Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ & Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam” tại Montréal, Canada, với khoảng 400 đồng hương và đại diện các cơ quan thuộc thành phố Montreal cùng quan khách tham dự. Bắt đầu với nghi thức rước quốc quân kỳ Việt Nam và quốc kỳ Canada. Sau lời tường trình của ông Ngô Anh Võ, Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Di Sản Việt Nam kiêm Trưởng Ban Xây Dựng Tượng Đài, Hòa Thượng Thích Tâm Châu và Đức Ông Pierre Vlanchard Giáo Phận Montreal, cùng kéo tấm vải phủ bên trên thì “Tượng Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ & Thuyền Nhân” từ từ hiện ra với sự xúc động của đồng hương hòa trong tiếng vỗ tay kéo dài của mọi người có mặt, làm cho rừng cờ vàng trên những cánh tay luôn luôn lay động. Tượng đài gồm 3 phần liền nhau: Bên trái là quốc kỳ Việt Nam, chính giữa là một Chiến Sĩ cầm súng với thế ngồi phảng phất Tượng Thương Tiếc Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, và phần bên phải có hình chiếc thuyền bé bỏng giữa biển khơi! Thời gian thực hiện tượng đài là 18 tháng kề từ buổi họp quyết định thực hiện công trình, với chi phí ước tính 75.000 gia-kim do đồng hương chung góp, nhưng khi hoàn tất lên đến 100.000 gia kim.

  1. Tượng đài tại Hamburg, Germany.

Ngày 12/09/2009, khoảng 1.200 người trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản từ Pháp, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, và từ nhiều thành phố trên lãnh thổ Cộng Hòa Liên Bang Đức đổ về hải cảng Hamburg, dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm Thuyền Nhân. Trong số đông quan khách Đức, có: Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Bang Wolfgang Schauble, ông Franz Muentefering, Chủ Tịch đảng đối lập. Ông chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội Đức. Đại diện của ông Arnold Vaatz, phó chủ tịch nhóm Dân Biểu hạ viện liên bang. Ông Barmberger, Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang Rheinland Pfalz. Bà Prof.Dr.Karin von Welck, Bộ Trưởng Văn Hóa tiểu bang Hamburg. Ông Freimut Duve, nguyên đặc trách viên cho Tự Do Truyền Thông. Đặc biệt, Bộ Trưởng Kinh Tế & Lao Động & Giao Thông tiểu bang Niedersachsen là người Đức gốc Việt, tiến sĩ Philipp Roesler, đại diện cho Thống Đốc tiểu bang, đã đọc diễn văn trong buổi lễ trang trọng này (Tháng sau đó, ông được cử giữ chức Bộ Trưởng Y Tế Đức Quốc).

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Hội Trưởng Hội Xây Dựng Tượng Đài, khởi sự từ 3 năm trước, nhưng  gặp khó khăn từ cơ quan chánh quyền buộc phải thay đổi hình thức tượng đài. Sau những lần vận động với các viên chức và trình bày những cố gắng tối đa của Cộng Đồng tị nạn, đã được chánh phủ Đức chấp thuận dự án nguyên thủy. Về tài chánh do Cộng Đồng tị nạn tại Đức chung góp, còn có danh sách ân nhân bên ngoài  Đức quốc, đặc biệt là nhóm thân hữu từ Hoa Kỳ do nhà văn Đào Vũ Anh Hùng đại diện chung góp. Ông Huân tâm sự: “Tôi rất cảm động về sự ủng hộ của nhiều nhà chính trị người Đức. Đây là công sức do tất cả bà con đóng góp. Rất nhiều bà con lái xe từ xa đến đây chiều hôm qua.

Tượng đài là quyển sách bằng đồng đặt trên trụ đá hoa cương trong khuôn viên rnột khu vườn nhỏ 7m x 5m tại hải cảng Hamburg (Ueberseebruecken). Bà Thủ Tướng Angela Merkel có thư vinh danh hoạt động của Ủy Ban Cap Anamur. “Tưởng niệm các đồng hương tị nạn cộng sản đã bỏ mình trên đường tìm tự do” là một phần trong nội dung Việt ngữ trên trang sách đang mở ra, viết bằng tiếng Việt, tiềng Đức, và tiềng Anh. Hàng chữ nổi tri ân Tiến Sĩ Rupert Neudeck, người sáng lập chương trình Cap Anamur và thuê 3 chiếc tàu vận tải từ tháng 09/1979 đến tháng 07/1987, đã vớt được 11.300 Thuyền Nhân Việt Nam và được chánh phủ Đức tiếp nhận định cư (trích e-mail từ địa chỉ <lochuong65…> ngày 16/09/2009).

Điều đáng chú ý là các viên chức cùng tên đại sứ Việt Cộng tại Berlin, Germany, nhân danh nhà ngoại giao đại diện cho chánh phủ của chúng, áp lực với Thống Đốc tiểu bang Hamburg đục bỏ nhóm chữ “tị nạn cộng sản” trên quyển sách bằng đồng. Nhờ có Tiến Sĩ Neudeck -ân nhân của Thuyền Nhân Việt Nam- can thiệp mạnh nên Việt Cộng thất bại hoàn toàn (trích e-mail ngày 25/10/2009 của Alpha Lê Thanh Tùng từ Germany).

  1. ợng đài tại Nam California, Hoa Kỳ.

Theo thông tín viên Hà Giang của đài RFA, với sự hiện diện của hơn 1.000 đồng hương và một số viên chức chánh quyền địa phương, tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được khánh thành trọng thể ngày 25/04/2009 trong khuôn viên nghĩa trang Westminster, Nam California. Theo ông Jeff Gibson, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Nghĩa Trang, khu đất dành cho tượng đài trị giá hơn 1.000.000 mỹ kim để bày tỏ lòng quí mến Cộng Đồng Việt Nam tại đây. Trước đó, Hội Đồng thành phố Westminster đã ra “Nghị Quyết 4228 công nhận tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân là biểu tượng tự do của Cộng Đồng Việt Nam và tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển”.

Tượng đài gồm 4 người trong một gia đình trên chiếc thuyền mong manh do điêu khắc gia Võ Hồng Kiệt thực hiện, đặt trên mặt hồ nước nhân tạo. Người Vợ với nét tuyệt vọng, quỳ gối, tay ôm đứa con thiêm thiếp, tay kia như đang tìm nơi bám víu trên khoảng không, trong khi người Chồng vừa cuối nhìn Vợ con vừa đưa tay đỡ lưng Mẹ già đang mệt lã, mặt ngửa lên không trung với đôi mắt nhắm nghiền như đang cầu nguyện. Chung quanh cụm tượng đồng là 54 phiến đá tượng trưng 54 chiếc thuyền đã tan biến trong lòng biển. Bề mặt các phiến đá có khắc tên hơn 6.000 nạn nhân, những người “trốn cộng sản độc tài bằng cách vượt biển tìm dân chủ tự do” đã chết trên biển cả mênh mông! (Tên các nạn nhân do thân nhân cung cấp).

Theo Ban Tổ Chức lễ khánh thành, tượng đài này là một công trình do nhà thơ nhà báo Thái Tú Hạp & Ái Cầm, tiêu biểu một gia đình Thuyền Nhân đã sống sót khi cái chết kề cận! Theo lời ông Hạp, sau khi ra khỏi trại tập trung của cộng sản vào năm 1980, ông đưa gia đình vượt biển. Khi tàu chạy gần đảo Hải Nam  bị cơn bão dữ dội đánh giạt vào một đảo hoang và tàu bị bễ, 13 người chết trong số hơn 200 người trên tàu. Với hình ảnh đó, ông bà Thái Tú Hạp và một số bạn đồng hành tâm nguyện, không bao giờ quên những người đã nằm lại nơi đây cũng như những nơi khác trên đường tìm tự do.

6 Tượng đài tại Pháp.

Ngày 12/9/2010, Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại Pháp đã khánh thành Tượng Đài “Niềm Ước Mơ Của Mẹ” tại Bussy Saint Georges, một thành phố cách Paris khoảng 30 cây số, dưới sự chủ toạ của ông Hugues Rondeau, Thị Trưởng thành phố Bussy Saint Goerges, và bà Nghị Sĩ Chantal Brunel, vùng Seine et Marne. Vị trị chính xác của tượng đài là ngã tư  trong trung tâm thành phố, có tên gọi là Rond Point de Saigon – Bùng Binh Sài Gòn-  Khoảng 300 bà con trong Cộng Đồng và quan khách người Pháp tham dự.

Tượng “Niềm Ước Mơ Của Mẹ”, là hình ảnh Người Mẹ với tà áo dài lộng gió, hai tay bồng con đưa lên cao với ý nghĩa  hướng về tương lai trong ánh sáng tự do, được nhà điêu khắc Vũ Ðình Lâm thực hiện, mang dáng vấp sự tích văn hóa Việt Nam. Bệ tượng đài có ghi dòng chữ trên trụ đá hoa cương::

En Hommage A La France,

Terre d’Asile Pays des Droits de l’Homme

En Mémoire Des Boat People Vietnamiens Depuis 1975
Được anh Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Paris, tạm dịch:

Ghi Ơn Nước Pháp, Xứ Đón Nhận Người Tị Nạn

Quốc Gia Của Nhân Quyền,

Tưởng Nhớ Các Thuyền Nhân Việt Nam Tử Nạn Từ 1975

  1. Tượng đài tại Brisbane, Australia.

Ngày 2/12/2012, khoảng 450 quan khách và đồng hương Việt Nam tị nạn cộng sản tham dự khánh thành tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại công viên Captain Burke, Kangaroo Point, Brisbane, Queensland, Australia. Trong số quan khách có 1 Thượng Nghị Sĩ, 1 Dân Biểu liên bang, 1 Dân Biểu tiểu bang, Thị Trưởng thành phố Brisbane, và 4 Nghị Viên. Theo Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch Cộng Đồng Queensland, thì công trình này dự trù từ năm 2005 và phải vượt nhiều khó khăn mãi đến hôm nay mới đạt mục đích. Nữ Nghị Viên Helen Abrahams, là người hỗ trợ mạnh mẽ nhất, và nơi đặt tượng đài cũng do ông đề nghị và xin phép.

Ông Nguyễn Kim Đỉnh, Trưởng Ban Xây Dựng Tượng Đài, tóm lược về diễn tiến cùng những khó khăn trong công tác xây dựng. Buổi lễ khánh thành rất trang trọng và thật ý nghĩa với lời phát biểu của những vị khách đã ít nhiều  góp phần vào sự kiện hôm nay (trích e-mail từ địa chỉ BạchPhượng NguyễnThị ngày 2/12/2012).

  1. Tượng đài tại Olso, thủ đô Norway.

Ngày 13/6/2015 lúc 3 giờ chiều, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài tổ chức lễ trao tặng “Tượng Đài Hoa Biển” cho chánh phủ và người dân Norway, nhất là  những vị Thuyền Trưởng đã từng vớt và giúp đỡ Thuyền Nhân Việt Nam. Tượng Đài Hoa Biển, do nhà điêu khắc Thor Sandborg thực hiện bằng loại thép đặc biệt, đặt trên chân đế giàn khoan dầu ngay trên mặt biển, trong khuôn viên Viện Bảo Tàng Hàng Hải Norway. Ông Đô Trưởng Olso FabianStang đến bằng chiếc xe đạp, bất chấp thư khiếu nại của tòa đại sứ Việt Cộng, ông tươi cười bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay của hơn 500 người tham dự. Sau khi chào quốc kỳ Norway và quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ, ông Đô Trưởng chánh thức nhận Tượng Đài Hoa Biển do Cộng Đồng Việt Nam tặng, ông đọc lời cầu nguyện và ném một cành hồng về hướng Tượng Đài Hoa Biển, để tưởng nhớ đến nhưng vong linh Thuyền Nhân đã không thể đến bến bờ Tự Do! Tiếp theo là cảnh mưa hoa xuống biển vô cùng xúc động! Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Hóa, thay mặt Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, cám ơn đại diện các Hội Đoàn từ khắp nơi trến đất nước Norway, và từ Australia, Pháp, và Bỉ, đến tham dự. Buổi lễ chấm dứt lúc gần 4 giờ chiều

Trước đó -ngày 20/5/2015- Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Việt Cộng tại Norway, gởi thư đến Thị Trưởng thủ đô Olso và các thành phố lớn của Norway, với lời lẽ không ngoại giao chút nào, và chẳng có chút thuyết phục nào cả:  (1) Phản đối dùng chữ “cộng sản” trong hàng chữ Việt trên bia Tượng Đài, vì chữ “cộng sản” hàm ý chính trị. (2) Thuyền Nhân trốn khỏi Việt Nam là trái phép để tìm cơ hội kinh tế, chớ chánh phủ chưa bao giờ đối xử tồi tệ với họ. Vậy là họ đã thất bại như đã từng thầt bại tại nhiều nơi khác. (trích trong e-mail <minh4639@yahoo.com> ngày 24/7/2015)

Phần hai. Bia tưởng niệm Thuyền Nhân

Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân, là biểu tượng góp phần lưu giữ chứng tích tội ác của lãnh đạo Việt Cộng tại hải ngoại, và khi triệt tiêu chế độ cộng sản (Việt Cộng) thì dân tộc Việt sẽ xây dựng nhiều Bia Tưởng Niệm khác nhau, tiêu biểu những góc cạnh tội ác khác nhau của họ trên quê hương Việt Nam

  1. Bia tưởng niệm trên đảo Galang và đảo Bidon.

Tháng 3 năm 2005, khoảng 150 đồng hương trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản từ Australia, Canada, Hoa Kỳ, và Thụy Sĩ, cùng hội ngộ tại Malaysia và Indonesia để thăm lại khoảng 300 ngôi mộ của những thân nhân hoặc bạn đồng hành đã vượt thoát chế độ cộng sản độc tài trên hành trình tìm tự do, nhưng đã nằm lại nơi đây! Cũng để cùng nhau dựng hai bia trên đảo Galang (Indonesia) bằng bê tông cốt sắt. Cao 1 thước, ngang 0.7 thước, và dầy 0.03 thước.

Bia màu trắng là “Bia Tri Ân” với dòng chữ: “In appreciation of the efforts of UNHCR, the Red Cross & Indonesian Red Crescent Society and other world relief organizations, the Indonesian Government and people as well as countries of first asylum and resettlement. We also express our gratitude to the thousands of individuals who worked hard in helping the Vietnamese refugees. OVERSEAS VIETNAMESE COMMUNITIES, 2005”. Tri ân những nỗ lực của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, của Hồng Thập Tự và Hội Hồng Nguyện Nam Dương, cùng các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, chánh phủ và nhân dân Nam Dương cũng như các quốc gia tạm dung và các quốc gia định cư. Chúng tôi cũng tri ân hằng ngàn người đã làm việc tận lực để giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI, 2005.

Bia màu đen là “Bia Tưởng Niệm” với dòng chữ: “In commemoration of the hundreds of thousands of Vietnamese people who perished on the way to Freedom 1975-1996. Though they died of hunger or thirst, of being raped, of exhaustion or of any other case, we pray that they may now enjoy lasting peace. Their sacrifice will never be forgotten. OVERSEAS VIETNAMESE COMMUNITIES, 2005”. Tưởng niệm hằng trăm ngàn người Việt Nam đã bỏ mình trên đường tìm tự do 1975-1996. Dù Họ chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì kiệt sức, hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta hãy cùng cầu nguyện để Họ được an nghỉ cõi vĩnh hằng. Sự hi sinh của Họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI, 2005.(trích bài của ông Nguyễn Duy An, 2008)

Một bia khác trên đảo Bidon (Malaysia) có kích thước: ngang 1.0 thước và cao 3.0 thước, do công ty Bold Express của Singapore làm trung gian và công ty Bida thực hiện.

Theo báo Jakarta Post ngày 20/6/2005 tại thủ đô Indonesia, ông Trần Đức Lương, Chủ Tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã yêu cầu Tổng Thống Indonesia (ông Susilo) khẩn cấp phá bỏ bia tưởng niệm trên đảo Pulau Galang vì đã xúc phạm đến Việt Nam. Nhân viên bảo trì công viên, ông Mursidi nói với phóng viên rằng: “Lệnh phá bỏ bia tưởng niệm phải thực hiện ngay tức khắc, đến mức phải dựng mái lều dưới cơn mưa trong đêm tối, để làm công việc đục bỏ phần có những hàng chữ trên bia.” Còn Anne Oh, người điều hợp công ty Bold Express cho biết: “Chánh phủ cộng sản Việt Nam không chỉ đòi phá bỏ bia tưởng niệm tại Galang, mà họ còn đòi phá bỏ bia trên đảo Bidong bên Malaysia nữa”.

Hành động của lãnh đạo Việt Cộng chứng tỏ họ rất sợ những chứng tích nói lên tội ác của họ, dù chứng tích đó thể hiện qua những hình tượng nào ở bất cứ nơi đâu, nhưng cả cái Bộ Chính Trị của Việt Cộng, không bao giờ và cũng không thể nào phá bỏ được những chứng tích tội ác của họ trong mỗi người Việt Nam không cộng sản. Hơn thế nữa, mỗi người Việt Nam tị nạn cộng sản là “tấm bia sống” tố giác vô vàn tội ác của nhóm lãnh đạo Việt Cộng!

  1. Bia tưởng niệm tại Genève, Thụy Sĩ.

Nguồn tin từ e-mail Diễn Đàn Nước Việt do Thanh Thảo tường trình. Ngày 9/2/2006, Cộng Đồng Viêt Nam ở Thụy Sĩ đã tập trung về thành phố Grand Saconnex, Genève, dự lễ khánh thành Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của bà Elizabeth Boehler, Thị Trưởng thành phố Grand  Saconnex, và là Phó Chủ Tịch đảng Parti Radical thành phố Genève. Bia Tưởng Niệm đặt trong khuôn viên Campagne du Château Pictet, một khung cảnh thanh tịnh, yên lành.

Nhà báo Thierry Oppikofer, Chủ Tịch Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam, đã ca ngợi sự hỗ trợ mạnh mẽ của ông Michel Rossetti cựu Thị Trưởng thành phố Genève, và ông Pierre Marti, cựu Chủ Tịch Hội Đồng thành phố Genève. Ông Trần Hữu Kinh, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa, thay mặt Cộng Đồng Việt Nam cảm tạ chánh quyền thành phố Genève đã nhiệt tình giúp đỡ Thuyền Nhân Việt Nam tị nạn cộng sản. Sự kiện đặt Bia Tưởng Niệm hôm nay, thể hiện lòng nhân ái của chánh quyền và nhân dân Thụy Sĩ đối với Cộng Đồng Việt Nam. Bà Thị Trưởng Elizabeth Boehler, bày tỏ lòng ngưỡng mộ những sự hi sinh của những người Việt Nam can đảm trên đường tìm tự do.

Sau phần nghi lễ, bà Thị Trưởng cùng ông Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam, kéo tấm màn phủ tấm Bia Tưởng Niệm. Do sự kiện Bia Tưởng Niệm tại Insonesia và Malaysia bị  phá bỏ theo yêu cầu của lãnh đạo Việt Cộng, nên Bia Tưởng Niệm này giữ theo hình thức của hai bia đó. Bia tưởng niệm và cây tùng được đặt trên một khung sỏi theo khung hình chiếc ghe. Những viên sỏi lớn tượng trưng cho sóng biển, tấm bia tượng trưng cho cánh buồm, cây tùng tượng trưng cho cột buồm. Cây tùng còn tượng trưng cho những người trẻ Việt Nam và Thụy Sĩ có gốc rễ ở nước này, sẽ mãi mãi không quên những người đã chết vì lý tưởng tự do, và thảm trạng này là khởi điểm của sự hình thành Cộng Đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Bia làm bằng đá cẩm thạch đen, một bên là Anh ngữ “In memory of the exodus of the Boat People through out the world 1975-2005. The Vietnamese refugees are grateful to Switzerland and to the host countries. We are happy  to live in a space of peace, freedom, and democracy. Vietnam, land of our ancestors, will forever be in our heart”. Và một bên là Pháp ngữ“En souvenir de l’ exode des boat-people dans la monde 1975-2006. Les réfugie’s Vietnamiens remercient Liège, la Belgique, et les pays d’accueil. Nous sommes heureux de vivre dans cet espace de paix, de liberté, et démocratie. Le Vietnam, pays de nos ancêtres, restera à jamais dans nos coeurs”. Được dịch ra Việt ngữ như sau: “Tưởng niệm cuộc ra đi của những Thuyền Nhân trên thế giới 1975 – 2005. Người Việt tị nạn chân thành cám ơn Thụy Sĩ và các nước tiếp cư, đã giúp cho chúng tôi được sống hạnh phúc trong hòa bình, tự do, và dân chủ. Chúng tôi sẽ mãi mãi không quên quê hương Việt Nam, mãnh đất ngàn đời của Tổ Tiên để lại”.

Viên chức tòa lãnh sự Việt Cộng tại đây đã can thiệp với chánh quyền Thụy Sĩ và thành phố Genève, nhưng tất cả sự can thiệp đều thất bại. Bia Tưởng Niệm này cách tòa lãnh sự của chúng chỉ 2 cây số, là cái gai trước mắt chúng nhưng chúng bó tay.

Sau lễ khánh thành, Bia Tưởng Niệm là món quà của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn tặng cho thành phố Genève, và do Hội Đồng thành phố quản trị (trích e-mail AirQ136817@aol.com).

  1. Bia tưởng niệm tại Liège, Bỉ.

Nguồn tin từ e-mail của <Nguyen le Nhan Quyen>. Ngày 30/6/2006, Cộng Đồng Việt Nam tị nạn tại Bỉ đã tập trung tại Công Viên D’Avroy, thành phố Liège, tham dự lễ khánh thành Bia Đá Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Công Viên D’ Avroy là nơi có “Monument de la Résistance” kỷ niệm những người Tây Ban Nha tị nạn Franco. Buổi lễ do thành phố Liège và Cộng Đồng Việt Nam tại Bỉ phối hợp tổ chức. Sau phần nghi lễ, ông Michel Firket Phó Thị Trưởng thành phố Liège, và ông Lê Hữu Đào Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam, cùng kéo quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ phủ tấm Bia Tưởng Niệm.

Tổng quát thì Bia Tưởng Niệm này tương tự như Bia Tưởng Niệm ở thành phố Genève (Thụy Sĩ) đã khánh thành ngày 9/2/2006. Trên bia đá là chiếc thuyền đầy ấp người đang chông chênh trên sóng biển, với dòng chữ Pháp như sau: “En souvenir de l’ exode des boat-people dans la monde 1975-2006. Les réfugie’s Vietnamiens remercient Liège, la Belgique, et les pays d’accueil. Nous sommes heureux de vivre dans cet espace de paix, de liberté, et démocratie. Le Vietnam, pays de nos ancêtres, restera à jamais dans nos coeurs”. Sau đó, ông Paul Allard, thuyền trưởng tàu dầu Maaskroon, đã xúc động khi tường thuật sự kiện ông và thủ thủy đoàn đã vớt được 61 “Thuyền Nhân Việt Nam” trên chiếc tàu mong manh.

Cũng như nhiều nơi khác, cơ quan ngoại giao của Việt Cộng tại Bỉ đã can thiệp với Bộ Ngoại Giao và thành phố Liège, nhưng họ đã thất bại như đã thất bại tại Genève (Thụy Sĩ), tại Ottawa (Canada), tại Đức, tại Westminster (California, Hoa Kỳ), ..v..v…

  1. Bia tưởng niệm tại Hamburg, Đức quốc.

Lúc 12 giờ trưa ngày 14/10/2006, Ban Tổ Chức đã cử hành lễ khánh thành Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại nghĩa trang Oejendorf thành phố Hamburg, Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hơn 200 quan khách Việt-Đức với sự có mặt của các vị Linh mục Andreas, Mục sư Nguyễn Văn Hiếu, các Sư cô Tuệ Đàm Hương, Tuệ Đàm Châu, Tuệ Đàm Giác, cùng đại diện các tổ chức  Đức và Việt: Các ông Carsten Siegfried, ông Braubach, ông Rehkopf, bà Winter, bà quả phụ Wangnik của Thuyền Trưởng Cap Anamur, ông Schwenke, ông Bekrater, ông Bùi Hoàng Thủy, ông Đặng Hữu Hào,  bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh, ông Phạm Công Hoàng, ông Nguyễn Thanh Văn, ông Trần Văn Các, ông Đinh Kim Tân, và đài truyền hình NDR.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Đức-Việt và phút mặc niệm, ông Quách Anh Trường, Chủ Tịch Hội Người Việt Nam tị nạn cộng sản tại Hamburg chào mừng quan khách, trình bày ý nghĩa Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân vì cộng sản tàn bạo độc ác mà bỏ mình trên biển cả, đồng thời cám ơn chánh phủ và nhân dân Đức cưu mang đùm bọc, vừa lưu lại chứng tích cho tuổi trẻ Việt Nam sinh sống nơi đây hiểu được nguyên nhân họ có mặt trên đất nước này. Sau nghi thức cắt băng khánh thành là nghi thức cầu nguyện của tôn giáo.

Ông Bà Ngũ Thời Trọng, được xem là người khai sinh công trình này, nhắc đến Ban Quản Trị Nghĩa trang Ohlsdorf và Oejendorf đã tặng 36 thước vuông đất trị giá 27.000 Euro. Nghệ nhân Hoàng Nhật Lục tác giả của tượng đài và điêu khắc trong 6 tuần lễ. Không thể không nhắc đến công sức của cựu Đại Tá Bùi Văn Mạnh và gia đình ông, và nhiều nhiều nữa. (trích e-mail buitrungturc87@yahoo.fr ngày 4 Nov 2006).

  1. Bia tưởng niệm tại San Jose, Hoa Kỳ.

Xóm chài Hải Nhuận, ven biển tỉnh Thừa Thiên với dân số khoảng 6.000 người, đã góp phần nhỏ nhoi vào con số khoảng 1.000.000 người Việt vượt biên đến định cư tại các quốc gia tự do, sau khi “để lại trên biển” khoảng 250.000 người. “Gia đình Hải Nhuận” nói chung, đang sống quây quần các thị xã Freemond, Hayward, phía bắc của San Jose, trong khi người dân đầu trên xóm dưới của Hải Nhuận định cự nhiều nơi trên thế giới, những vẫn giữ liên lạc thân tình với nhau, và xem Hải Nhuận San Jose như một trung tâm tại hải ngoại, và người phụ trách nhịp cầu liên lạc là ông Trương Công Thành, đã cùng gia đình 5 người vượt biển năm 1986. Câu chuyện Hải Nhuận trở thành bức tranh thu nhỏ của Cộng Đồng Người Việt hải ngoại. Vào thế kỷ 21, thế hệ thứ hai của Hải Nhuận đã trưởng thành tại các quốc gia tự do. Có những gia đình đoàn tụ. Có Boat People Hải Nhuận về kết hôn với người làng Hải Nhuận rồi đem nhau qua vùng đất tự do và có cả người Hải Nhuận qua du học được đón tiếp bởi người dân Hải Nhuận khắp thế giới. Cho đến 1 ngày…

Là ngày mà ông Trương công Thành và bà con Hải Nhuận muốn xây một mộ bia tưởng niệm cho chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, và thuyền nhân Hải Nhuận. Bà con có tấm lòng nhưng không nhiều kinh nghiệm. Nghề chài thì thông thạo, vượt biên thì có kinh nghiệm, nhưng việc dựng bia tưởng niệm thì còn phải học hỏi rất nhiều. Nhóm Đại Diện Hải Nhuận đến với văn phòng nhà quàn xin đất để dựng bia trong nghĩa trang. Tài liệu phác họa là bia đá đen chữ trắng có 2 cánh buồm như ghe thuyền Hải Nhuận. Có cờ Việt Nam nền vàng 3 sọc đỏ. Có tên tất cả thuyền nhân Hải Nhuận đã hy sinh. Thảo luận về cách thực hiện, và cuối cùng được Ban Quản Trị Nghĩa Trang bèn đồng ý bán cho Hải Nhuận 1 khu đất ngay cổng chính. Hải Nhuận San Jose gởi tài liệu về Hải Nhuận trong nước làm Bia Tưởng Niệm, có cờ vàng ba sọc đỏ, có họ tên người Hải Nhuận đã chết, và có dòng chữ tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Hải Nhuận trong nước cũng như Hải Nhuận hải ngoại đều phập phồng vì sợ Việt Cộng phát giác thì nguy to. Nhưng rồi tấm Bia Tưởng Niệm  lặng lẽ đến với Hải Nhuận San Jose trong niềm vui chung của Hải Nhuận khắp nơi..

Ngày 23/8/2015, buổi lễ khánh thành với hơn 200 người Hải Nhuận gồm hai ba thế hệ từ các nơi cùng đến San Jose tham dự. Nghi thức tôn giáo và nghi thức quân sự được thực hiện một cách trang trọng. Sự đoàn kết của thuyền nhân Hải Nhuận trên thế giới là tấm gương sáng. Tình quê hương của Hải Nhuận vượt Thái bình Dương là câu chuyện cần được kể lại. Điều quan trọng hơn hết là trong lòng người dân Hải Nhuận từ trong nước ra đến thế giới đều nhớ ngọn cờ vàng. Cờ của tự do. Tấm bia của họ hoàn tất trong nước gửi ra dựng tại hải ngoại, thực là một câu chuyện kỳ thú cần được biết đến. Rất có thể là lịch sử thuyền nhân suốt 20 năm khởi đi từ 1975 đến 1995, chưa có cộng đồng tị nạn nào quây quần dưới danh nghĩa một  làng mà thực hiện được công trình ý nghĩa như vậy. (trích bài viết của nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc. San Jose, California)

Phần kết

Các Anh hãy nhìn lại lịch sử thế giới, hầu như chưa có trường hợp nào tên của một quốc gia không tồn tại mà quốc kỳ của tên quốc gia đó vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ, tại những nơi có Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản trên thế giới, như quốc kỳ truyền thống Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ.

Với những Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và những Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân, là chứng tích mạnh mẽ về tội ác kinh hoàng của các nhóm lãnh đạo Việt Cộng, sau khi nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam hồi tháng 4/1975, đã đẩy người dân váo tình cảnh phải vượt lên sự chết đề tìm sự sống! Sau nhiều cuộc phỏng vấn tại các trại tạm cư, thì Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc kết luận rằng “Cứ mỗi hai người đến bến bờ tự do thì một người chết mất xác!”  Chính vì vậy mà những vị lãnh đạo tại các địa phương, chẳng những sẳn lòng cung cấp địa điểm mà còn hỗ trợ tài chánh để chúng tôi thực hiện những Tượng Đài hoặc Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam.

Các Anh đừng quên rằng, tác giả Stéphane Courtois, trong quyển “Livre Noir du Communisme” (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), có đoạn: “… Vượt trên mức độ tội ác cá nhân, các chế độ cộng sản củng cố quyền hành bằng cách nâng việc tàn sát quần chúng lên hàng chính sách cai trị…. Sau đó, sự đàn áp thường ngày, sự kiểm duyệt mọi trao đổi tin tức, kiểm soát xuất nhập biên giới, trục xuất người ly khai… những ký ức về khủng bố tiếp tục đặt người dân trong tình trạng sợ hãi. Các quốc gia cộng sản đều trong qui luật này”.

Cũng đừng quên rằng,  Đức Đạt Lại Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng nói rằng: “Người cộng sản làm cách mạng không phải đem lại hạnh phúc cho người dân, mà họ làm cách mạng để buộc người dân đem hạnh phúc lại cho họ”.

Và hãy nhớ, “Tự do không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.

Phạm Bá Hoa

Houston, tháng 5 năm 2017.

*******

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *