“Người Thơ Chỉ Có Tuổi Đôi Mươi. “

Ngô Tằng Giao

     Nhà văn, nhà thơ HÀ BỈNH TRUNG lại ra mắt sách một lần nữa. Kỳ này hầu như để đánh dấu hơn 60 năm cầm bút của mình. Tác giả từng là chủ bút, chủ biên… của nhiều báo chí, đặc san từ năm 1951 ở Hà Nội kéo dài cho tới ngày nay nhưng sức sáng tác vẫn bền bỉ. Gia tài văn học tính tới nay khá đồ sộ: 12 tập truyện (dài có, ngắn có). 16 tập thơ (kể cả sáng tác lẫn dịch thuật, thơ tiếng Anh và kịch thơ) v.v… Hiện nay tác giả là chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn. Trong buôỉ ra mắt sách ngày hôm nay tất cả có 3 tác phẩm được mang trình làng: một tập truyện ngắn và hai tập thơ.*

Tập truyện “MỘT CHUYẾN ĐI” gồm 8 truyện ngắn sáng tác và 6 truyện dịch.

Truyện dịch được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của hai tác giả là Charles Baudelaire và Guy de Maupassant. Truyện chỉ có mục đích để độc giả có dịp so sánh cách viết truyện của người Việt mình với người ngoại quốc mà thôi.

     Nói chung thời các nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Hà Bỉnh Trung dễ dàng gặp nhau, quen nhau rồi yêu nhau. Khi thì gặp gỡ bên bờ sông lúc câu cá. Khi thì cận kề trong phòng đợi ở một phi trường. Có lúc lại bất ngờ gặp nhau trên một chuyến tàu đi du lịch ngoài biển khơi…

Đặc biệt là một nữ sinh viên văn khoa yêu thơ, rồi yêu người làm thơ khi khám phá ra đó là ông Thầy dạy mình. Dù Thầy trò tuổi tác cách nhau đến cả 2 con giáp nhưng tiếng sét ái tình của cả đôi bên đã bùng nổ quá nhanh chóng vì chỉ diễn ra trong một buổi tan học…

Để phát biểu về những sự kiện quá đặc biệt này tác giả ghi lại rằng mình muốn: “Lớp người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 ở Mỹ thay đổi về cách sống và cách suy nghĩ. Xa dần ý niệm bảo thủ. Chấp nhận lối sống phóng khoáng và tự do trong đời sống và tình yêu.”

Tác giả đưa ra một quan niệm khá độc đáo về sự phân biệt tuổi trẻ với tuổi già: “Còn những người trên 65 dù lên tới 75, 85 hay hơn nữa mà vẫn hăng hái hoạt động trong cộng đồng, trong xã hội, trong các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thì người ấy vẫn còn trẻ.   

*

     Hai tập thơ mang tên “TÂM SỰ” gồm 90 bài thơ và “NHỮNG NÀNG THƠ” gồm 115 bài.

Thơ của nhà thơ Hà Bỉnh Trung từ mấy chục năm nay gần như điêu luyện với đủ thể loại. Còn đề tài thời rất đa dạng. Nhưng hầu như đa số là ngả về Tình Yêu. Chính vì thế trong 2 tác phẩm thơ mới này Tình Yêu cũng “chất ngất lên ngôi.”

Nói tới Tình Yêu tất nhiên phải có chuyện hẹn hò, rồi tặng hoa, đôi khi ôm ấp và khi xa cách thì nhung nhớ v.v… Đối tượng thường là người đẹp, từ cổ chí kim vẫn vậy. Chỉ cần ghi lại tên mấy bài thơ của tác giả cũng đủ thấy, nào là “Vọng mỹ nhân”, “Em đi, ai sẽ là hoa hậu” và  “Nàng thơ hoa hậu” v.v…

Khi yêu thời chỉ cần một cái “nhìn” đưa tình cũng đủ làm rung động lòng người:

          “Chỉ một buổi gần nhau, đời cũng đẹp
          Chỉ nhìn nhau cũng nhịp loạn con tim.”

Rồi đến “cặp mắt”, rồi đến “vành môi”. Khi thì đẹp như hoa:

          “Tâm tình em rộng mở
          Qua đôi mắt đen trong
          Một bông hồng chớm nở
          Trên đôi môi em hồng”

Khi thì nóng bỏng khiến cho cơn sóng tình dào dạt:

          “Môi em đỏ nét son còn nóng
          Và mắt huyền em chợt gợi tình.”

Tất nhiên không thể thiếu một nụ hôn khi những lời yêu đương được thốt ra:

         “Anh sẽ nói yêu em
          Em không tin, em hỏi
          Một nụ hôn êm đềm
          Thay những gì anh nói.”

Lại còn phải kể đến “cặp má” nữa chứ:

       “Má hồng thắm, mảnh mai thân dáng liễu
        Không một ai tả được vẻ yêu kiều”

Và còn mái tóc, làn da, giọng nói, dáng người v.v… thôi thì đủ cả mọi nét diễm kiều của con người đẹp luôn luôn được các thi nhân phong lên ngôi vị hoa hậu.

Tình Yêu phát xuất từ hồi còn trẻ, tâm hồn còn ngây thơ nhưng vẫn say đắm và bồng bột:

          “Nhớ ngày ấy, ta hãy còn thơ dại
          Vừa gặp nhau ta đã vội yêu ngay
          Yêu mê đắm như người yêu thuốc sái
          Mê rượu men, nồng tinh chất dễ say.”

Tình Yêu kéo dài tới tuổi già mặc cho thời gian trôi qua:

          “Cuối đời càng thấy yêu nhau
          Thời gian trôi chảy ngàn sau vẫn còn”

Tình Yêu tồn tại đến tận cuối con đường trần thế dù cho có bị cách trở chia xa:

          “Cuối đời càng thấy yêu đời
          Cách xa càng thấy yêu người cách xa.”…

Tình Yêu kéo dài tới tận cả kiếp sau nữa họa chăng mới đủ:

          “Một đời không đủ để yêu nhau
          Thì hẹn cùng em cả kiếp sau.”

Tình Yêu vẫn dạt dào nổi sóng trong biển tình dù đã biết cuộc đời là giả tạm, là “vô thường”:

          “Thế gian một cõi vô thường
          Nhân gian còn lắm đoạn đường mộng hoa
          Mai đây dù có chia xa
          Biển tình em, sóng tình ta vẫn còn”

Tình Yêu vẫn tồn tại đến vô cùng dù đã biết cuộc đời là ảo ảnh, là “sắc-không”:

          “Nếu ‘Không là sắc, sắc là không’
          Ta có còn chi để ngóng trông?
          Ta chỉ còn em, dù ảo ảnh
          Để yêu thương mãi đến vô cùng.”

Tình Yêu thúc đẩy con người lại ước muốn quay về tìm nhau chứ không mong thoát khỏi vòng “luân hồi” như tư tưởng Phật giáo:

          “Vòng luân hồi đã chứng minh
          Dòng đời theo với vòng tình yêu đương
          Ta yêu, yêu hết đoạn đường
          Lại quay về nẻo vô thường tìm nhau.”

Tình Yêu trong thơ của nhà thơ Hà Bỉnh Trung quả thật là cuồng nhiệt và mãnh liệt như thế nên nhiều khi độc giả phải thắc mắc rằng Nàng Thơ sắc nước hương trời trong những dòng thơ này là có thật hay chỉ là một nhân vật tưởng tượng được nêu ra làm đề tài hầu gợi hứng làm thơ cho thi nhân?

Nhà thơ tác giả của chúng ta lên tiếng về điểm này: “ngầm hiểu đó là một thiếu nữ hay phụ nữ mà người làm thơ có lòng yêu thích, thì nữ nhân đó là Nàng Thơ của người thơ đó.”  Tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng Nàng Thơ: “có nghĩa là cảm hứng thi ca, nguồn cảm hứng làm thơ”:

          “Trời đất bắt thi nhân giàu tưởng tượng
          Để làm thơ trong thế giới yêu đương
          Thơ ca tụng những cuộc tình không tưởng
          Những cuộc tình lớn đẹp khắp mười phương.”

Nhưng đôi khi lãng đãng trong những dòng thơ khác tác giả lại cho thấy xuất hiện một nhân vật dường như rất hiện thực và trần tục:

          “Nhiều đêm anh viết thơ cho em
          Em ngủ say sưa nằm cạnh bên”

Hiện thực đến nỗi có cả chuyện tình yêu trắc trở vì “em lên xe hoa” với người khác:

          “Vu quy nhật! nàng đã qua nhà khác
           Tôi không còn có dịp được gần nhau.

Thôi thì xin người đọc có lẽ tùy theo con tim của chính mình mà tự rút ra kết luận về điểm này!

HBT1
Nhà văn, nhà thơ Hà Bỉnh Trung từng là Hội Trưởng Hội Cao Niên, với tuổi đời gần chín chục nhưng thơ vẫn chất ngất Tình Yêu. Trong những tác phẩm của mình tác giả đã có hai thi phẩm mang tên là “Yêu mãi ngàn năm” và “Vẫn mãi yêu em.” Bởi thế trong giới văn học nghệ thuật vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn tác giả vẫn thường được mệnh danh là “Nhà Thơ của Tình Yêu.”

Tác giả Hà Bỉnh Trung từng kể lại rằng: “Có bạn hỏi tôi đã lớn tuổi rồi mà vẫn làm thơ tình vậy sao?” Tác giả chỉ cười và đọc mấy vần thơ của mình:

“Ai hỏi xuân xanh? Ta chỉ cười
Người thơ chỉ có tuổi đôi mưoi
Tim non sống trẻ và mơ trẻ
Giữ mãi tình yêu đẹp suốt đời.”

Tác giả luôn tuyên bố rằng: “Thơ tôi viết đa số là về tình yêu. Có lẽ tôi nghĩ chì có tình yêu mới là con đường đi chung của nhân loại. Chỉ riêng tình yêu mới làm rung động được tiếng nhạc lòng của con người…” Tác giả tâm sự: “Về phần tôi, ơn Trời Phật độ ban cho có tuổi thọ, tôi muốn theo đuổi viết những bài thơ tình mãi mãi chừng nào còn trí nhớ và minh mẫn, chừng nào còn cảm thấy rung động yêu đời thực tâm và tha thiết, để nói lên cho hậu thế biết tình yêu là thiêng liêng, là bất diệt và không bị hạn chế với thời gian.”

Con tim có những lý lẽ riêng của nó. Khó mà lý giải theo suy nghĩ thường tình. Xin mời quý độc giả yêu thơ văn hãy vào nhàn lãm trong khu vườn văn và thơ của nhà văn nhà thơ Hà Bỉnh Trung để có dịp cùng chung nhịp đập con tim tươi mát và trẻ trung với tác giả. Chắc chắn quý vị sẽ được hưởng những hương thơm ngan ngát của tình yêu trong một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ.

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(tóm tắt bài nói chuyện ngày 29-11-2011
nhân dịp giới thiệu 3 tác phẩm mới
của nhà văn nhà thơ Hà Bỉnh Trung)

HBT2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *