Khát Vọng Của Con Người Thời Đại: Người Làm Đầu Phải Hầu Thiên Hạ

Nguyên Ty

Lãnh đạo là vấn đề rất cũ và cũng rất mới. Cũ, vì ngay từ thuở con người có mặt trên trái đất có nhu cầu kết hợp vì bất cứ lý do nào, dù ở một đơn vị thật nhỏ chỉ gồm hai ba người thì lãnh đạo xuất hiện. Mới, vì ở mỗi thời đại luôn luôn có nhu cầu đi tìm một đường hướng lãnh đạo hữu hiệu phù hợp với nhân tính, khát vọng và sự hiểu biết của con người thời đại đó.

Qua dòng lịch sử, tựu trung có ba phương cách lãnh đạo: độc tài, buông thả, và dân chủ. Dưới các chế độ độc tài, quyền hành tập trung cao độ; con người bị tha hóa, người dân phải tuyệt đối vâng phục, chấp hành mệnh lệnh, không có quyền tự do lựa chọn.  Ở các quốc gia Tây Phương với thể chế dân chủ tự do, phương thức lãnh đạo dân chủ là nền tảng của mọi sinh hoạt xã hội.

Hiện nay, ngay ở các quốc gia dân chủ tự do thật sự, đặc biệt ở Hoa Kỳ, người ta vẫn thấy có sự khủng hoảng lãnh đạo. Những định chế, tổ chức lớn như chính quyền, doanh nghiệp, nghiệp đoàn, tôn giáo, các trường đại học… vẫn chưa làm tròn chức năng phục vụ thành viên của mình. Phương cách lãnh đạo trong những tổ chức này vẫn còn chú trọng nhiều đến quyền hành, và trong nhiều trường hợp đưa đến sự lạm quyền, chỉ nhằm phục vụ danh tiếng cá nhân hay quyền lợi của một thiểu số. Sự thờ ơ của quần chúng đối với những lời kêu gọi của chánh quyền, tổ chức nghiệp đoàn, tôn giáo đối với các chương trình cải tiến dân sinh,  sự trống vắng các buổi lễ ở nhà thờ trong các ngày Chúa Nhật… phải chăng đã nói lên sự thất bại lãnh đạo nơi các tổ chức này?

Hơn bốn thập niên qua, một cuộc cách mạng về phương thức lãnh đạo diễn ra ở Hoa Kỳ, khởi từ năm 1970 với ý tưởng “lãnh đạo phục vụ” (servant-leadership).

Greenleaf newRobert K. Greenleaf (1904-1990), cha đẻ của cuộc cách mạng này, lần đầu tiên dùng từ “servant-leadership” trong bài viết The Servant as Leader, sau này được khai triển thành sách. Ý tưởng này, theo Greenleaf, khởi nguồn từ cuốn tiểu thuyết ông đọc được của Hermann Hesse, Journey to the East. Cuốn tiểu thuyết giả tưởng kể lại cụộc hành trình kỳ bí của một đoàn người.  Leo, nhân vật chánh của câu chuyện, đi theo đoàn với tư cách một người phục vụ (servant), nhưng đồng thời cũng chính anh gây hứng khởi cho cả đoàn bằng tinh thần lạc quan với lời ca giọng hát.  Sự hiện diện của anh Leo trong đoàn thật khác thường. Mọi việc đều tốt đẹp cho đến khi Leo biến mất. Sau đó, đoàn người phân tán, bỏ cuộc, và cuộc hành trình trở nên dang dở. Người trưởng đoàn sau nhiều năm đi đây đó đã tìm gặp lại Leo và được anh đưa về viếng Hội Kín (“the League”) đã bảo trợ cho cuộc hành trình khi trước. Chính nơi đây, ông mới khám phá ra rằng Leo, người mà trước đây ông nghĩ chỉ là người phục vụ trung thành, chính thật là người đứng đầu của hội, linh hồn hướng dẫn, là người lãnh đạo tài ba, phong cách của tổ chức.

Từ đó, Greenleaf kết luận ý nghĩa cốt yếu của câu chuyện là người lãnh đạo lỗi lạc thoạt đầu được nhìn như người phục vụ kẻ khác và sự kiện đơn giản này chính là chìa khóa mang lại thành công. Người lãnh đạo phục vụ (servant-leader) là người phục vụ trưc nht.

(phương thức lãnh đạo phục vụ) khởi đầu bằng cảm nghĩ tự nhiên, người muốn phục vụ thực hành điều này trước. Sau đó, ý thức lựa chọn đưa dần người đó tới vai trò lãnh đạo. Điều này khác hẳn với trường hợp một người bắt đầu bằng vai trò lãnh đạo trước, có lẽ chỉ nhằm để thỏa mãn nhu cầu quyền bính hay thụ đắc của cải vật chất.“ (The Servant as Leader.)

Từ lúc được Robert Greenleaf khai sinh, phương thức lãnh đạo bằng phục vụ được xem như một mô hình lãnh đạo mẫu mực cho thế kỷ 21. Nó gây hứng khởi cho nhiều học giả, giáo sư đại học, chuyên viên nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp cũng như hành chánh công quyền. Hàng trăm quyển sách, luận văn, bài viết, tài liệu nghiên cứu được xuất bản. Nhiều trường đại học cấp chứng chỉ hay văn bằng chuyên về “lãnh đạo phục vụ.” Viện đại học công giáo St. Thomas ở St. Paul, MN có cả học trình Cao Hoc (Master’s degree) về chuyên ngành này. Nhiều công ty lớn trong danh sách “The 100 Best Companies To Work For” do tạp chí Fortune xuất bản hàng năm đã hội nhập phương cách lãnh đạo phục vụ vào nền văn hóa của công ty.

Điều thật ngạc nhiên là phải chờ đến gần cuối thế kỷ 20 đường lối lãnh đạo phục vụ mới được ghi nhận là đáp số cho các vấn đề xã hội, tôn giáo, kinh tế, chính trị… của thời đại. Gần 2000 năm trước, Đức Kitô đã dạy các môn đệ theo Người phương thức lãnh đạo này:  Ai làm lớn phải phục vụ!

Ai muốn làm lớn giữa anh em phải làm người phục vụ anh em.

Và ai muốn làm đầu anh em phải làm đầy tớ anh em.

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,

nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân.

Mt 20:26-28; Mc 9:35; Lc 9:48; Lc 14:11

Chẳng những là Thầy dạy, Đức Kitô còn là người thực hành những gì Người dạy các môn đệ. Các môn đệ thật ái ngại khi thấy Đức Kitô cởi áo ngoài, lấy khăn, đổ nước vào chậu rửa chân cho từng người và lau khô:

Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em

thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.

Thầy đã nêu gương cho anh em

để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Yn 13:14-15

Vậy, trước nhất và hơn ai hết, giáo hội của Đức Kitô phải là tổ chức tiên phong trong việc ứng dụng đường lối lãnh đạo phục vụ này.

Nhưng thực tế lại khác hẳn. Từ khi được hoàng đế La Mã Constantine công nhận là quốc giáo năm 325 và ban cho một số đặc quyền, nói chung, giáo hội mất dần tính cách phục vụ, và trở nên một tổ chức quyền hành. Nhìn những Vương cung Thánh Đường, đền thờ lộng lẫy được xây cất hiến dâng cho Thiên Chúa hay những nghi thức lễ lạc, sinh hoạt tốn kém, người tín hữu Kitô không thể không tự hỏi: cho Thiên Chúa hay cho con người? Chúa đến thế gian để phục vụ, không phải để được phục vụ. Vậy câu trả lời là… cho con người và vì con người! Nhưng “con người” có phải là bất cứ ai hay quảng đại tín hữu thuộc về giáo hội hay không? Danh Chúa hay tiếng ta?

Điều trùng hợp lạ lùng, ngẫu nhiên hay do bàn tay Quan Phòng mầu nhiệm, là trong khi phương thức lãnh đạo phục vụ hiện nay được nghiên cứu, bàn thảo, giảng dạy, và áp dụng ngoài đời trong lãnh vực quản trị ở các công ty lớn, các trường đại học, thì cũng có một số giáo sĩ lên tiếng cổ súy cho đường lối lãnh đạo này trong các giáo hội ở Hoa Kỳ, tuy ở phạm vi nhỏ hẹp hơn. Sự song hành kỳ diệu này phải chăng là khát vọng của con người thời đại hôm nay đối với phương thức lãnh đạo mới trong mọi lãnh vực hoạt động đời cũng như đạo, lãnh đạo vì người, không phải vì mình, lãnh đạo để phục vụ, không phải để được phục vụ?

Trong quyển “In the Name of Jesus: Reflections on Christian Leadership”, (1989), linh mục Henri J.M. Nouwen (1932-1996) thẳng thắn nhìn vào trọng tâm phương cách lãnh đạo của giáo hội công giáo hiện nay. Theo nhận xét của Nouwen, những người theo Đức Kitô thường bị quyến rủ bởi quyền tước và áp dụng đường lối lãnh đạo không giống Chúa:

“Tưởng mình là Chúa dễ dàng hơn yêu mến Chúa; kiểm soát tha nhân dễ dàng hơn yêu mến tha nhân; làm chủ đời sống dễ dàng hơn yêu quí đời sống…”

  “Nhiều người ở vai trò lãnh đạo không biết cách phát triển những liên hệ thân thiết và lành mạnh nên phải dùng đến quyền bính và kiểm soát. Nhiều người xây dựng Nước Chúa nhưng không có khả năng cho đi và nhận lãnh tình yêu…”

Linh mục mời gọi những người lãnh đạo Kitô hữu, gồm cả chính bản thân mình, hãy chống lại những cơn cám dỗ, lối sống khoa trương, nổi tiếng, quyền hành, và trở về với căn bản đường lối lãnh đạo phục vụ của Đức Kitô 2000 năm trước. Là môn đệ hèn mọn theo bước chân Đức Kitô, linh mục Nouwen nhìn sự lãnh đạo từ góc cạnh thần thiêng, không phải để sử dụng quyền hành mà để gần Chúa hơn. Thầy Kitô vốn thân phận Thiên Chúa, xuống thế gian làm người để phục vụ và hiến dâng mạng sống để cứu chuộc tội lỗi con người, lãnh đạo bằng lối đi xuống, thì trò Nouwen đi con đường cũng gần giống như vậy.

Năm 1983, đang là giáo sư thần học nổi tiếng ở Harward, Nouwen đi thăm cộng đồng L’Arche ở Trosly, Pháp, nơi dành chăm sóc người khuyết tật và bịnh tâm thần. Sau chuyến đi này, ông cảm thấy bị thôi thúc bởi “hướng đi xuống” (downward mobility) để sống với người nghèo khó, bất hạnh thay vì “hướng đi lên” (upward mobility) trong thế giới khoa bảng đại học. Lần đầu tiên, Nouwen cảm thấy đây mới là ơn gọi đích thực của mình từ sau ngày thụ phong linh mục.

henri nouwel new

Là một giáo sư được nhiều viện đại học danh tiếng mời đón, tác giả hơn 40 quyển sách, nhiều quyển thuộc loại “best seller,” linh mục Henri Nouwen, sau 20 năm làm giáo sư ở Notre Dame, Yale, Harward quyết định từ bỏ thế giới đại học khoa bảng, đi coi giúp mục vụ những người bịnh tâm thần ở cộng đồng L’Arche Daybreak, ở Toronto, Canada năm 1986 và ở lại đây đến khi mất, năm 1996. Sống giữa những người không biết linh mục là ai, chưa từng nghe tiếng hay đọc sách do linh mục viết, Nouwen học hỏi rất nhiều nơi họ. Qua các bịnh nhân này Nouwen khám phá ra cái tôi đích thực của mình, của một linh mục của Đức Kitô: phục vụ. Điều quan trọng đối với các bịnh nhân nơi đây không phải là những quyển sách nổi tiếng, những bài giảng văn hoa, sâu sắc mà chính là tình yêu: linh mục có thương mến họ không, và “tối nay có mặt ở với họ không.” Họ chính là thầy dạy của Nouwen và linh mục có trách nhiệm truyền đạt những thông điệp của họ đến người tín hữu Kitô. Nouwen đã đi con đường ngược chiu, t giảng dạy đến học hỏi, t dn dt đến được dn dt, t ni danh đến vô danh…

Con có yêu mến Thầy không?” Nouwen tin rằng Đức Kitô khi hỏi Phêrô ba lần là muốn nói lên tầm quan trọng của sự sẵn sàng, ý chí quyết tâm, và khả năng ở cùng Người, muốn hành động giống Người, trước khi giao trách nhiệm  “Hãy chăn chiên của Thầy.” Chúa biết đây là một trách nhiệm nặng nề, chỉ những người có một tấm lòng yêu thương tha nhân thật sự và quyết tâm mới có thể đảm nhận.

Nouwen mời gọi hàng giáo sĩ hãy chấp nhận tình trạng sống như người bị thương tổn, mình trần, trắng tay, không quyền hành để phục vụ thay vì lãnh đạo! Và chỉ bằng tình yêu thương, chân thành phục vụ, người có trách nhiệm mới thật sự chuyển hóa, cải thiện môi trường, làm cho đời sống trở nên tốt lành, thánh thiện hơn. Điều này không những có thể thực hiện được mà còn đáng mong ước, không chỉ hữu ích mà còn cần thiết cho giáo hội. Mẹ Têrêsa Calcutta đã thực hành điều này.

Số kiếp con người, ngoài những sinh, bịnh, lão, tử gắn liền, còn có những thương tổn không ai tránh khỏi do cuộc đời dâu bể mang lại — thất bại, chia tay, bất công xã hội, bị ruồng bỏ, khước từ, áp bức… — mà chỉ có tình yêu chân thành mới hàn gắn, chữa lành được.  Chính những thương tổn này đã làm tan vỡ tinh thần và tâm thần khiến cá nhân mất hết niềm tin cậy nơi người khác. Một trong những sức mạnh to lớn của phương thức lãnh đạo phục vụ là khả năng chữa lành thương tích tinh thần của cá nhân cũng như hàn gắn lại liên hệ tin yêu với người khác, cho người phục vụ cũng như người được phục vụ. Người lãnh đạo không có ưu tiên riêng của cá nhân mà chỉ có ưu tiên của tập thể hay của người cần được phục vụ nhất.  Do đó, không có việc đi tìm sự sáng giá, nổi bậc, danh tiếng, khoa trương, đánh bóng cá nhân mà chỉ là sự cống hiến chính con người mỏng dòn đã bị thương tổn của mình cho tập thể.

Vấn đề thường được nêu lên và có lẽ là vấn nạn quan trọng nhất cho đường lối lãnh đạo phục vụ. Liệu những người được phục vụ có lớn lên, phát triển như con người bình thường?  Trong khi được phục vụ, họ có trở nên lành mạnh, khôn ngoan hơn, tự do, tự chủ hơn, và chính họ muốn trở thành người phục vụ?

Robert Greenleaf, trong quyển sách quan trọng nhất của ông, “Servant Leadership” (1977), đã trả lời cho câu hỏi này: Nhu cầu của người theo (followers) có tính cách thánh thiêng và sự sử dụng hợp pháp của quyền hành khởi xuất từ sự ưng thuận của người theo. Như Đức Kitô đã dạy gần 2000 năm trước, “Ngày Sabbath được lập ra cho con người, không phải con người được tạo nên cho ngày Sabbath” (Mc 2:27), Greenleaf xác định, tin tưởng rằng tổ chức phải phục vụ con người; không phải con người phục vụ tổ chức.

quote lanh dao phucvu

Đường lối lãnh đạo độc đoán, quyền hành đã gây nhiều thảm họa cho nhân loại, đi ngược với bản tính con người khi được Thượng Đế tạo dựng nên: có lý trí để suy nghĩ, rồi lựa chọn tự do. Phương thức lãnh đạo dân chủ tuy vượt xa đường lối độc tài trong việc mang lại nhiều phúc lợi cho con người, vẫn chưa phải là phương thức lý tưởng. Luật chơi dân chủ là đa số thắng thiểu số, do đó, có một thiểu số bị lãng quên, thường khi lại là một thiểu số rất lớn không xa cách đa số bao nhiêu; và vẫn có trường hợp đa số nhưng không đúng, chỉ nhờ biết lèo lái, áp lực, rành “luật chơi” mà thắng. Lãnh đạo phục vụ, trái lại, không loại bỏ bất cứ ai, nhất là những người cần được chăm sóc, phục vụ nhiều nhất.

 Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ” phải là phương châm của những ai thật sự muốn sống đời phục vụ và xem lãnh đạo như là phương tiện phục vụ.

Nguyên Ty

Ghi Chú: Bài viết này đã được đăng trên Tập San Hành Chánh Miền Đông số 20, và Website qghcmiendong.com do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông Hoa Kỳ chủ trương. 
Chúng tôi được phép đăng tải lại bài viết này và mong được phổ biến rộng rãi đến những người quan tâm đến vấn đề tổ chức và lãnh đạo. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *