Phạm Văn Tuấn
Các lời giảng dạy của Đức Khổng Tử đã không gây được ảnh hưởng trong thời đại của ông song nhờ các môn đệ và các nhà trí thức theo Khổng Học, đạo Khổng đã trở nên một triết lý chính thức của Trung Hoa vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch và các sách vở viết về Khổng Học đã được coi là căn bản của nền giáo dục phổ thông của Trung Hoa từ thời đại đó.
Qua nhiều thế kỷ tại Trung Hoa, đạo Khổng đã được khai triển, sửa đổi tùy theo thời đại và theo nhận thức của mỗi học giả nhờ đó Khổng Học vẫn được duy trì, là triết lý sâu rộng nhất và cho tới thế kỷ 20, ảnh hưởng của Đạo Khổng đã lan rộng qua nhiều quốc gia tại Á châu.
Ngày nay tại Hoa Kỳ, các học sinh xuất sắc gốc Á châu thường có nguồn gốc từ 4 quốc gia là Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Nhiều người đặt câu hỏi nguyên nhân nào đã dẫn đến sự vươn lên của giới trẻ trong phạm vi học đường, từ tiểu học đến đại học? Các học sinh gốc Thái Lan, Căm Bốt… với nền căn bản Phật Giáo Tiểu Thừa, cho cuộc đời là vô thường, cũng như các học sinh Indonesia hay Mã Lai theo đạo Hồi, đã không dấn thân vào cộng đồng, không thấy rõ trách nhiệm của họ đối với gia đình và xã hội như những con em của các gia đình có căn bản về Khổng Giáo.
Sợi dây ràng buộc một cá nhân với gia đình, với cộng đồng, với xã hội của triết lý Khổng Học đã khiến cho cá nhân phải vượt trội. Cũng vì lợi ích của những điều giảng huấn Khổng Học mà tại Triều Tiên, Đài Loan và Nhật Bản, Khổng Giáo đã gây được các ảnh hưởng rất lớn lao và được áp dụng vào cách xử thế của mọi người. Nền văn minh “nhân bản”, đặt căn bản trên các giáo điều Khổng Học, đã làm đẹp con người, làm đẹp cách xử thế trong cộng đồng và xã hội, trong khi đó nền văn minh “cơ giới” dễ đưa lại các tiện nghi vật chất, các phương tiện để giải phóng con người khỏi những giới hạn về sức mạnh, năng lực… đối với không gian và thời gian. Như vậy Khổng Học đã được bắt đầu ra sao và Khổng Phu Tử đã sống và đã giảng dạy triết lý trong hoàn cảnh nào?
1/ Thời đại của Khổng Tử.
Nền văn minh của nhân loại khởi đầu từ lưu vực của hai giòng sông Nile bên Ai Cập và Hoàng Hà tại Trung Hoa. Lúc đầu tại châu Á, giống dân sống tại miền tây bắc Trung Hoa tràn xuống miền Hoàng Hà, đánh đuổi người Miêu tộc bản xứ mà chiếm lấy phần đất đai phì nhiêu. Vào thời đó, mọi khu vực được cai quản bởi một người tộc trưởng được gọi là “hậu“ hay là một ông vua nhỏ. Các ông hậu lại bầu ra một người có tài, có đức làm vua, gọi là “Đế” để cai trị tổng quát. Vị vua này tự xưng là “Thiên Tử” còn các ông hậu dưới quyền được gọi là “chư hầu”, có nhiệm vụ phục tùng mệnh lệnh của Thiên Tử, cai trị các nước nhỏ và hàng năm phải triều cống cho Thiên Tử.
Theo truyền thuyết, các vị vua có công mở mang cho dân tộc Trung Hoa bao gồm Vua Phục Hi (4480-4365 trước TL) đặt ra luật giá thú và 8 quẻ (bát quái) để cắt nghĩa sự biến hóa của trời đất, Vua Thần Nông (3220-3080 trước TL) dạy dân trồng ngũ cốc, Vua Hoàng Đế (2697-1597) nghĩ ra mũ áo, sai các quan đặt ra văn tự, định ra can chi, dùng tính toán và làm lịch. Vua Nghiêu (2357-2257) sai họ Hi, họ Hòa nghiên cứu cách vận chuyển của mặt trời, mặt trăng áp dụng vào cuộc sống để dạy cho người dân biết về mùa cấy, mùa gặt, lúc nào cần làm việc, lúc nào cần nghỉ ngơi.
Thời bấy giờ có ông Thuấn giúp vua Nghiêu đi tuần thú bốn phương, gặp gỡ các hậu (vua) của các nước nhỏ để rồi sau đó sửa đổi lịch cho đúng thời tiết, ấn định phép đo lường. Vua Nghiêu mất, nhường ngôi lại cho Vua Thuấn (2256-2208). Đây là vị vua đã đặt ra quan chế, biết dùng người tài giỏi giúp nước. Kế đó là Vua Vũ (2205-2197) đặt ra cửu trù để xác định chính trị và các mối luân thường. Các vị vua đạo đức kế tiếp là Vua Thang (1783-1754), Vua Văn Vương (1186-1135) và Vua Vũ Vương (1134-1116). Những vị vua này đã đặt ra các phép tắc để làm chuẩn mẫu cho nền văn hóa, chính trị, luân lý, học vấn, mở đầu cho Nho Học sau này.
Thời xưa, người theo đạo của Thánh Hiền được gọi là “Nho”. Theo triết tự Trung Hoa, chữ Nho được tạo bởi chữ “Nhân” là người, đứng bên chữ “Nhu” có nghĩa là cần dùng. Vậy Nho Gia là loại người cần dùng để giúp ích cho xã hội, cho mọi người biết cách cư xử, hành động, làm sao cho hợp với lẽ Trời, với tình Người. Chữ “Nhu”còn có nghĩa là “chờ đợi”, cho nên nho gia cũng là hạng người học giỏi, tài trí, chờ đợi thời cơ đến để mang tài năng của mình ra giúp đời. Người theo Nho Học có tính thực tế, muốn đảm nhận các trách nhiệm xã hội để làm “ích quốc lợi dân”. Đây cũng là lý do tại sao Khổng Phu Tử đã bỏ nhiều năm, đi chu du thiên hạ để cầu mong xuất chính, mang sở học của mình mà cải thiện xã hội, làm lợi ích cho đồng bào. Mục đích này được phát biểu qua lời của thầy Tử Lộ, học trò của Đức Khổng Tử: “Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã = người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy”.
Khi nghiên cứu lịch sử Cổ Trung Hoa, vài sử gia lại coi lịch sử này bắt đầu từ nhà Hạ (vào khoảng 1953-1576 trước TL), qua nhà Thang (khoảng 1570-1059) rồi tới nhà Chu (khoảng 1059-221 trước TL). Giai đoạn nhà Chu lại được chia ra làm 3 thời kỳ, từ năm 1052 tới năm 770 trước Tây Lịch là thời Tây Chu, từ năm 770 tới 481 là thời Xuân Thu và từ năm 403 tới 221 là thời Chiến Quốc. Chính vào thời Xuân Thu mà Đức Khổng Tử đã ra chào đời. Trong thời đại này, Thiên Tử nhà Chu không còn uy quyền nữa, nên đã phải dời kinh đô về Lạc Ấp và đã có tới 160 nước chư hầu tranh chấp nhau, gây ra các cuộc chiến tranh tàn phá, khiến cho đạo đức bị suy đồi, nhân dân đói khổ. Các nước mạnh thời đó là Tề, Tấn, Tống, Sở, Ngô, Việt… Trong thời Xuân Thu loạn lạc này, các nhà trí thức đã cố gắng tìm ra các học thuyết để dạy bảo dân chúng làm sao duy trì được các trật tự, kỷ cương trong xã hội. Đây là nguyên do đã khiến Khổng Phu Tử lập ra một hệ thống triết học để làm ổn định thiên hạ.
Qua nhiều thế kỷ, Khổng Phu Tử đã được coi là một vị Thánh của Trung Hoa, vì vậy cuộc đời của ông đã được mô tả, thêu dệt bằng nhiều chuyện kể, truyền thuyết, khiến cho rất khó mà tạo dựng lại tiểu sử một cách chính xác. Lời tường thuật có chi tiết nhất về cuộc đời của Khổng Phu Tử là trong sách Sử Ký (Shih-chi) của Tư Mã Thiên (Ssu-ma-Ch’ien), nhà sử học Trung Hoa đã sống từ năm 145 tới năm 86 trước Tây Lịch. Nhiều học giả thời nay đã không tin vào tiểu sử này, coi sử gia Tư Mã Thiên đã tiểu thuyết hóa tiểu sử của Khổng Phu Tử. Tuy nhiên, căn cứ vào các đàm thoại trong sách Luận Ngữ (Lun-yu) giữa Khổng Tử và các môn đệ, người ta có thể hiểu được quá trình gia đình và cuộc đời của nhà đại hiền triết đông phương này.
Ông tổ ba đời của Khổng Tử vốn gốc người nước Tống (Hà Nam), dời sang nước Lỗ (Sơn Đông). Thân phụ của Khổng Tử tên là Thúc Lương Ngột, làm quan võ, lấy bà vợ trước sinh được 9 người con gái. Bà vợ lẽ sinh được một người con trai có tật ở chân, đặt tên là Mạnh Bì. Khi đã về già, ông Thúc Lương Ngột mới lấy bà Nhan Thị và sinh ra Khổng Tử, vào mùa đông, tháng 10 năm Canh Tuất, năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Chu, tức năm 551 trước Tây Lịch. Chuyện kể rằng bà Nhan Thị có lên núi Ni Khâu để cầu tự, vì thế khi sinh ra, Khổng Tử được đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni (K’ung Chung-ni). Có sách lại chép rằng Khổng Tử có tên là Khâu vì trán cao và gồ lên như cái gò, vì khâu theo ý nghĩa chữ Trung Hoa là cái gò.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng trước khi Khổng Tử chào đời, bà Nhan Thị đã thấy một con kỳ lân nhả ra tờ ngọc thư trên đó có viết “Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương = con của Vua Thủy tinh, nối tiếp nhà Chu đã suy để làm Vua không ngai”. Bà Nhan Thị bèn lấy dây lụa, buộc sừng con kỳ lân. Vài ngày sau, con kỳ lân biến mất.
Khi Khổng Tử lên 3 tuổi, thân phụ mất. Sách Sử không nói rõ về tuổi trẻ của Khổng Tử mà chỉ ghi rằng phu tử hay cùng các bạn nhỏ tuổi bày đồ cúng tế, một điều tỏ rõ bản tính quý trọng các điều lễ nghĩa. Năm 19 tuổi, Khổng Tử lập gia đình và sau đó nhậm chức Ủy Lại với công việc là cai quản việc đong thóc ở kho, sau lại làm “Tu chức lại” coi việc nuôi bò, dê, để dùng vào việc cúng tế. Vào lúc này, Khổng Phu Tử đã nổi tiếng là một người tài giỏi vì vậy một vị quan nước Lỗ tên là Trọng Tôn Cồ đã cho hai người con theo học là Hà Kỵ và Nam Cung Quát.
Khổng Tử nghiên cứu về Nho Thuật nên rất chú ý đến các lễ nghi và phép tắc của các bậc đế vương đời trước và muốn tìm hiểu các bản văn, tài liệu, hình tượng liên hệ, thời đó đang được lưu trữ tại Lạc Dương (Loyang) là kinh đô của nhà Chu. Năm 28 hay 29 tuổi, Khổng Tử muốn đi Lạc Dương nhưng vì đường xa, lộ phí quá cao nên đã không thể đi được. Lúc bấy giờ người học trò cũ là Nam Cung Quát liền tâu với Lỗ Hầu và nhà vua đã cho Khổng Tử một cỗ xe hai con ngựa và vài người hầu hạ để ra đi.
Thời đó, người phụ trách tòa nhà lưu trữ các văn thư cổ ghi chép các biến cố từ thế kỷ thứ 23 trước Tây Lịch trở về sau là Lão Tử (Lao-tze). Các văn kiện của thời đại đó được khắc bằng chữ cổ lên trên ngói, tre hay mu rùa. Lão Tử đã giúp Khổng Tử xử dụng các văn khố, sao chép tài liệu để về sau này dùng làm căn bản cho việc san định sách. Khổng Tử cũng học về “Lễ” với Lão Tử và về “Nhạc” với Trành Hoằng.
Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đã chép rằng Khổng Tử đến hỏi Lão Tử về Lễ, Lão Tử đáp rằng: “Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì; người quân tử có đức tốt, coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn cùng cái sắc dục và dâm chí đi, những cái ấy đều vô ích cho ông”. Khổng Tử ra về, bảo các đệ tử rằng: “Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội, ta có thể chăng lưới mà bắt được, đến như con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy”. Có học giả cho rằng câu chuyện đề cao Lão Tử kể trên là do trường phái của đạo Lão đã đặt ra.
Sau khi ở Lạc Dương trở về, nền học vấn của Khổng Tử cũng được mở rộng hơn trước, học trò vì thế theo học rất đông. Ý muốn của Khổng Tử là mang sở học của mình ra trị dân, giúp nước, nhưng vua nước Lỗ không dùng ông. Khi nước Lỗ có loạn, Khổng Tử phải bỏ chạy sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề Hầu đã đón ông tới để hỏi ý kiến về các vấn đề chính trị và đã rất khâm phục, định dùng đất Ni Khê phong cho ông nhưng ý định đó đã bị quan đại phu là Án Anh ngăn cản. Buồn bã, Khổng Tử lại trở về nước Lỗ, nghiên cứu về đạo Thánh Hiền và mở trường dạy học. Không có tài liệu nào ghi chép về chương trình giảng huấn của Khổng Phu Tử song có lẽ nội dung giáo dục gồm Lễ, Nhạc, Sử và Văn Thơ.
Vào năm Khổng Tử 51 tuổi, vua nước Lỗ mời ông làm quan Trung Đô Tể tức là vị quan quản trị kinh thành rồi thăng lên cấp Đại Tư Khấu tức là Bộ Trưởng Tư Pháp ngày nay. Trong 4 năm đảm nhiệm chức vụ này, Khổng Tử đã đặt ra các phép tắc, đề ra việc cứu giúp các người nghèo khó, quy định việc chôn cất người chết… Nhờ luật lệ phân minh, mọi người dân được dạy bảo các điều lễ nghĩa, trai gái theo lễ giáo, kẻ gian phi không có. Sau đó, vua nước Lỗ lại cất nhắc Khổng Tử lên chức Nhiếp Tướng Sự, được quyền bàn việc nước. Chuyện còn kể rằng khi cầm quyền, Khổng Tử đã giết kẻ gian thần là Nhiếp Chính Mão và giúp nước Lỗ trở thành một miền đất thanh bình, thịnh trị.
Vua nước Tề bên cạnh bèn tìm cách hãm hại nước Lỗ bằng cách đưa qua tặng vua Lỗ 80 gái đẹp và 30 ngựa tốt, khiến cho vua Lỗ đam mê. Vì thế Khổng Tử đã từ chức, rồi rời qua nước Vệ cùng một số môn đệ trong đó có Tử Lộ (Tzu-lu) và Nhan Hồi (Yen Hui) là các người học trò giỏi. Sau khi ở nước Vệ 10 tháng mà không được vua nước này trọng dụng, Khổng Tử lại đi qua nước Trần và trên đường đi tại đất Khuông, ông bị nhầm lẫn là Dương Hổ (Yang Hu), một tên tàn bạo, nên bị quân lính vây hãm. Các môn đệ định xông ra chống cự nhưng Khổng Tử không cho phép và bảo thầy Tử Lộ đem đàn ra gẩy và chính mình hát theo, nhờ đó mới chứng tỏ được sự thực. Rồi trong thời gian ở nước Tống, Khổng Tử suýt bị ám hại bởi quan Tư Mã tên là Hoàn Khôi (Huan T’ui).
Sở dĩ Khổng Tử đi hết nước này qua nước kia vì chỉ muốn đem cái sở học của mình về trị dân để thuyết phục các bậc vua chúa nhưng vào thời kỳ loạn lạc đó, không bậc vương giả nào chú ý đến các điều lễ nghĩa của Khổng Tử. Có lẽ trong thời gian đi chu du thiên hạ này, trường phái Khổng Học đã được củng cố và số môn đệ theo học cũng gia tăng rất nhiều. Tính ra từ khi rời nước Lỗ, Khổng Tử đã đi qua tất cả 14 nước và trở về quê hương vào tuổi 68, có lẽ vào năm 484 trước Tây Lịch.
Không có văn bản nào ghi lại các năm cuối đời của Khổng Tử song chắc chắn ông đã dùng quãng thời gian cuối cùng này để dạy học trò, đọc lại tất cả các tài liệu thu thập được trong các chuyến đi và biên soạn các tác phẩm. Những năm cuối cùng cũng là giai đoạn bất hạnh đối với Khổng Tử vì người con trai độc nhất của ông qua đời, rồi tới lượt Nhan Hồi là môn đệ yêu quý. Năm 480, Tử Lộ cũng chết vì trận mạc. Khổng Tử mất vào năm 497, thọ 72 tuổi, mộ chôn tại Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ thuộc tỉnh Sơn Đông hai dậm. Các môn đệ rất thương tiếc vị Thầy nên họ đã làm nhà bên mộ và để tang trong nhiều năm.
2/ Các sách của Khổng Tử.
Khổng Tử được coi là một trong các nhà biên soạn một số sách cổ quan trọng nhất của Trung Hoa. Ông đã xếp đặt lại các văn thơ cổ trong cuốn Kinh Thi (the Book of Odes = Shih Ching). Đây là bộ sách chép các bài ca, bài dao từ thời thượng cổ tới đời vua Bình Vương nhà Chu. Bộ Kinh Thư (the Book of Documents = Shu Ching) của Khổng Tử là một bộ sử rất có giá trị, đã ghi chép các lời vua tôi khuyên bảo nhau, từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu. Bộ Kinh Dịch (the Book of Changes = I Ching) là bộ sách lý học, giải thích quan niệm của người Trung Hoa cổ xưa về cách biến hóa của trời đất, trong đó có cả cách bói toán để đoán trước điều lành dữ. Khổng Tử đã soạn lại sách này nhưng giảng rõ thêm về phần đạo lý khiến cho sau này, Kinh Dịch là một bộ sách trọng yếu của Nho Giáo.
Bộ sách thứ tư của Khổng Tử là Kinh Lễ (the Records of Rites = Li Chi). Đây là bộ sách ghi chép các lễ nghi để duy trì các tình cảm tốt, các phép tắc cư xử trong xã hội. Kinh Nhạc (the Book of Music = Yueh Ching) là bộ sách thứ năm, đã bị thiệt hại nhiều nhất do việc nhà Tần đốt sách.
Bộ sách quan trọng nhất và do chính Khổng Tử soạn ra là Kinh Xuân Thu (the Spring and Autumn Annals = Ch’un Ch’iu). Khổng Tử đã dùng lối viết sử để chép các chuyện về nước Lỗ, với đầy đủ niên biểu của 12 vị vua từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công, bắt đầu từ năm 722 tới năm 479 trước Tây Lịch. Đây là một bộ sách hàm chứa các triết lý về nền chính trị của nước Trung Hoa thời cổ.
Sau khi Khổng Tử đã qua đời, các môn đệ của ông đã biên soạn cuốn Luận Ngữ (the Analects = the Edited Conversations = Lun Yu) ghi chép các đàm thoại của Khổng Tử với các vua quan và các môn đệ. Cuốn sách này nhấn mạnh tới nền triết học chính trị (political philosophy) của Khổng Tử. Khổng Tử đã quan tâm tới sự vô đạo đức và thiếu đạo đức của các chính quyền thời đó và ông đã cố gắng tìm kiếm một vị vua chúa chấp nhận quan điểm của ông là phải dùng các tiêu chuẩn đạo đức làm nguyên tắc trong việc cai trị dân chúng.
Khổng Tử cho rằng việc chính trị trở nên tốt hay xấu là do “nhà cai trị” và người này phải mang lại hạnh phúc và an lạc cho người dân, muốn thế, bậc vua chuá phải làm gương tốt để ảnh hưởng đến hành động của những người khác. Khổng Tử bác bỏ cách dùng luật pháp nghiêm ngặt và tin rằng dùng các tập quán về luân lý và sự hợp lẽ (compliance) là cách hay nhất để duy trì trật tự trong xã hội. Tôn chỉ này của Khổng Tử được nói ra ở Kinh Xuân Thu với các ý nghĩa “chính danh và định phận”, và một nước được thịnh trị vì nơi đó “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Khi danh phận đã được định rõ thì mọi người đều có địa vị chính đáng của mình, trên ra trên, dưới ra dưới, tất cả đều có trật tự phân minh. Đây là chủ thuyết “Chính Danh” của Khổng Tử (the Rectification of Names = Cheng-minh). Khổng Tử coi những năm đầu của nhà Chu là có hình thức chính quyền tốt đẹp nhất.
Khổng Tử tự coi mình chỉ là người truyền lại các ý tưởng của Cổ Nhân đã có từ trước, tuy nhiên ông đã là nhà tư tưởng Trung Hoa đầu tiên đề cập tới các quan niệm căn bản không những của nền Khổng Học mà của nền Triết Học Trung Hoa. Năm điều căn bản này là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Khổng Tử tin rằng người “quân tử” không nhất thiết phải là một nhà quý tộc và người đó phải làm gương tốt về đạo đức cho các người khác noi theo.
Khổng Phu Tử quả là một nhà Nhân Bản, một trong các bậc Thầy vĩ đại của lịch sử Trung Hoa. Ảnh hưởng của ông đối với các môn đệ đương thời rất sâu rộng và những người này đã cắt nghĩa lý thuyết của Khổng Tử khiến cho tới đời nhà Tiền Hán (từ năm 206 trước Tây Lịch tới năm 8 sau TL), lý thuyết Khổng Giáo đã trở nên ý thức hệ của triều đại đó. Quan niệm về bản tính Thiện của con người cùng sự quan trọng của đức tính Nhân và lòng Nhân Đạo trong chính trị và trong đời sống hàng ngày đã được sau này Mạnh Tử (Mencius) khai triển và được Tuân Tử đưa vào thực tế.
Do các điều giảng dạy đạo làm người rất thực tế và đầy lòng Nhân, đạo Khổng vẫn tiếp tục được coi là một triết lý sống rất mạnh và phổ thông tại Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam./.
Phạm Văn Tuấn.