Những vần thơ nhung nhớ quê hương
của một số nhà thơ vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Sống xa quê hương ai cũng có ḷòng tưởng vọng về chốn cũ. Riêng đối với các nhà thơ, nỗi lòng nhung nhớ đó được giàn trải thành những vần thơ dâng đầy sầu cảm:
“Xót xa thân phận ly hương
Tạm dung đất khách chán chường người ơi!
Sầu nghiêng cuối nét lệ rơi
Năm châu lê bước! Chơi vơi nỗi buồn”
(Vũ Hối)
“Ta từ lưu lạc quê người
Thân nương đất khách gượng cười tháng năm
Quê ta muôn dậm xa xăm…”
(Quỳnh Anh)
Quê nhà cách xa cách mịt mù, sóng trùng dương mãi vỗ điệu thảm sầu như gợi thêm lòng nhung nhớ cho thân phận kẻ lạc lõng nơi quê người:
“Như loài cá mỗi năm về cội cũ
Ta cũng mỗi năm quê cũ kêu thầm
Sóng vẫn vỗ theo nhịp hồn ủ rũ
Đời vẫn mơ sao trời chẳng hồi âm”
(Nguyễn Thị Thanh Bình)
“Nơi đây đất nước quê người,
Xót thân lạc lõng, ngậm ngùi quạnh hiu”
(Anh Độ)
“Nhớ thương biết gửi về đâu
Hoàng hôn ngả bóng một màu hoang vu
Quê ta xa cách mịt mù
Trùng dương sóng vỗ phù du bập bềnh”
(Quỳnh Anh)
Hình bóng quê hương ám ảnh trong tâm tư đến nỗi nhà thơ đặt chân tới đâu cũng phảng phất thấy phong cảnh quê người giống quê mình:
“Cảnh đâu lại giống quê mình nhỉ?
Dễ gợi buồn thương với ước mong”
(Hà Bỉnh Trung)
Những con sông quanh co uốn khúc của miền Nam nước Việt cuồn cuộn dâng trào kỷ niệm thơ ấu vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm tư:
“Những nhánh sông tôi nhớ
Đày ắp màu tuổi thơ
Theo tôi vòng thế giới
Nuôi lớn hồn nước non.”
(Nghiêu Minh)
Những cây trái vườn xưa quá thân thương in đậm hình ảnh trong tâm hồn kẻ ly hương, vào sâu trong tiềm thức:
“Mẹ ơi! mấy mùa bông bí nở,
Là đã mấy mùa con tái tê!
Chẳng tròn giấc ngủ, nghìn đêm nhớ
Tình con thắm thiết mãi hương quê!”
(Vũ Hối)
“Ở phương xa nhớ về vườn mía
Lóng mía mật vàng ngọt sắt son
Ôi nhớ quá hương trời cố xứ
Mía vườn nuôi ngọt cả hồn con!”
(Giang Hữu Tuyên)
Hương thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi và ướp mãi trong trái tim người xa xứ:
“Lưu lạc bao năm đất nước người
Hướng về quê mẹ vạn trùng khơi
Nhớ sao những buổi chiều êm vắng
Ngào ngạt hương ngâu tỏa khắp trời”
(Trương Anh Thụy)
Trong xã hội đầy tiện nghi vật chất của nền văn minh tân tiến nước người nhà thơ vẫn khó quên được những âm thanh quê nghèo cũ:
“Tiếng thầm
có phải mưa không?
nửa đêm
thèm bếp lửa hồng quê hương!
để nghe tiếng củi
reo giòn
để nghe mưa giọt giọt buồn hiên tranh”
(Vi Khuê)
Tuy đã biết “gió mưa là bệnh của trời” nhưng sao tiếng mưa gió tại quê người vẫn có vẻ buồn hơn thế nhỉ?:
“Tí tách… trạnh lòng người viễn xứ
Rì rào… thêm gợi mối tình quê
Lao xao gió, lá, mưa hòa điệu
Nhạc khúc ly hương dạo não nề”
(Trương Anh Thụy)
“Nơi đây mưa nắng thất thường
Cúi đầu mơ bóng cố hương ngút ngàn”
(Anh Độ)
Đại dương mênh mông chia cách đất khách với quê xưa, vẳng trong tiếng sóng biển dào dạt bản tình ca bất tận giữa đất trời nhà thơ tưởng như biển cũng có thể chuyên chở được chút hơi hướng về quê mẹ:
“Mỗi khi nhớ đến quê hương cũ
Xuống biển tìm hơi hướng đất xưa
Sông núi hỡi ơi! Tình ấp ủ
Còn dâng con sóng đến bao giờ?”
(Hà Bỉnh Trung)
Nhà thơ đôi khi thoáng chút e ngại. Sợ rằng khi có dịp trở về thăm nơi cũ thời chắc mái tóc đã bị nhuộm trắng vì thời gian, vì suy tư và mình bị ngỡ ngàng trước cảnh xưa:
“Mai về tóc bạc đìu hiu
lạ quê lạ cảnh nắng chiều cũng quên
hồn ta phong rủ miếu đền
Vườn hoang trái dại lộn tên đổi hình”
(Nghiêu Minh)
Trong tình hoài hương không phải chỉ nhớ “cảnh” mà còn cả nỗi nhớ “người” nữa, nhất là nhớ những người còn ở lại, những bà con thân nhân ruột thịt:
“Thâm tình cốt nhục chia đôi ngả
Tin nhạn luôn luôn mỏi mắt chờ”
(Kim Y)
“Tôi nhớ quê, và tôi nhớ người
Mênh mang trời biển cách xa xôi
Đâu đây còn chút hơi trong sóng
Hơi của non sông, của giống nòi”
(Hà Bỉnh Trung)
Người đây có thể chỉ là những bạn cũ, những kẻ tri âm đồng điệu:
“Bạn bè phía bển đông vui nhỉ
Miệt này chóc ngóc một mình tôi”
(Trần Quốc Bảo)
“Tôi vẫn biết quê nhà còn bạn cũ
Tình cố nhân ngùn ngụt ấm tâm can”
(Hà Bỉnh Trung)
Trong cái ồn ào náo nhiệt của đời sống đô hội xô bồ tại nước ngoài lòng nhà thơ có lúc trùng xuống, nhớ lại những buổi trưa hè êm ả tại quê xưa nơi vẳng lên âm thanh tha thiết thân thương và bình dị, tiếng Bà ru cháu:
“Trên cánh thời gian chợt trở về
Tiếng bà ru cháu… tưởng vừa nghe
Tình quê thành đỉnh trầm thao thức
Luôn ngát dù hương gió cuốn đi”
(Nguyễn Đức Vinh)
Đôi khi tri kỷ hầu vắng bóng, nhà thơ đành kết bạn với vầng trăng viễn xứ:
“Vời tổ quốc, ngẩng đầu vướng núi,
Mở mắt rồi lại cúi nhìn sông
Trăng cao bóng nước mây lồng,
Mang sầu vong quốc thả dòng nước trôi”
(Anh Độ)
Nhà thơ như muốn nhờ mặt trăng trên cao làm trạm chuyển tiếp đưa lòng nhung nhớ về chốn cũ:
“Sông dài, trời rộng, núi cao
Trăng khuya vời vợi dạt dào tình quê”
(Vũ Hối)
“Lặng nhìn trăng biển về Tây,
Nhớ quê cách nửa vòng quay địa cầu”
(Hà Bỉnh Trung)
Lòng hoang vắng, kẻ ly hương thấy trăng cũng có vẻ đồng điệu, đôi lúc cũng đi hoang như người:
“Hồn ta lạc lõng nơi đây
Nhìn trăng trăng cũng đếm ngày đi hoang”
(Nghiêu Minh)
Cuộc sống xa xứ cũng đã đủ khiến lòng người lạnh lẽo, nhà thơ lại thấm lạnh thêm vì ngoại cảnh. Tuy thế tuyết lạnh bên ngoài có lẽ cũng không so sánh được với cái buốt giá trong tâm hồn con người:
“Bao la đất khách một trời sương
Tuyết trắng phau phau lạnh nẻo đường”
(Anh Độ)
“Tuyết trắng ngoài kia, trời đất não nùng,
Và băng giá trong lòng người xa xứ”
(Lê Thị Ý)
Đôi khi bão tuyết mịt mùng, chôn lấp cảnh vật, chôn sâu thêm nỗi niềm nhung nhớ. Trong cái màn sương tuyết phủ trắng đất trời đó bóng người chập chờn mờ mờ, ảo ảo, như thực, như hư:
“Ngoài kia tuyết trắng ngập đầy
Vùi sâu nỗi nhớ những ngày ly hương”
(Hà Bỉnh Trung)
“Tuyết rơi phủ trắng nẻo đường,
Bóng người như thể chập chờn bóng mây”
(Anh Độ)
Khi cả một bàu trời tuyết bay trắng xóa lòng người cũng lạnh trắng vì kỷ niệm xưa. Trong nhung nhớ nhà lại mượn ruợu giải sầu:
“Uống đi rượu đã rót rồi
Cạn ly để nhớ một thời ly hương”
(Lê thị Ý)
“Những khi tuyết rụng tơi bời
Rượu năm bảy chén chưa nguôi dạ sầu”
(Anh Độ)
Sầu vì nhớ quê, sầu vì nhớ bạn. Vắng bóng kẻ tâm đầu, ý hợp nhà thơ đành uống rượu một mình. Hình bóng tri kỷ hầu như thấp thoáng ẩn hiện dưới đáy ly:
“Mơ nhìn tri kỷ trong ly rượu
Lúc này: mưa tuyết: một mình ta”
(Anh Độ)
Dưới đáy ly đọng muôn vàn nỗi nhớ! Hãy cạn ly để vơi đi nỗi sầu:
“Quê hương bỏ lại từ lâu
Người ơi xin cạn chén sầu cùng ta
Chiều nay chợt thấy nhớ nhà
Vườn sau cỏ cháy, lệ sa giọt dài”
(Lê Thị Ý)
Hãy cạn ly! Hãy say đi để khỏi suy tư thêm nữa:
“Thà say ngủ tít quên đời
Còn hơn khi tỉnh nhớ người quê xa”
(Hà Bỉnh Trung)
Được lòng hoài hương gợi hứng nhà thơ đem cả tâm tình gửi vào những vần điệu. Những vần thơ đầy cảm xúc, đầy nhạc tính, nghe thân thương âm hưởng ca dao đất Mẹ:
“Cố hương xa mấy trường đình
Xin đem gởi trọn tâm tình vào thơ”…
“Thơ vần lục bát đôi câu
Cùng ngâm cho nhẹ nỗi sầu ly hương”…
(Anh Độ)
Dù nơi đất khách phong cảnh có đẹp đến thế nào chăng nữa cũng không làm nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà:
“Trời Hoa Thịnh Đốn giăng hoa
Lòng người tỵ nạn vẫn da diết sầu”
(Lê Thị Ý)
“Này quê hương mới, quê hương tạm
Ta chỉ dừng chân quên nỗi đau
Em kiêu sa quá làm ta nhớ
Vườn cũ quê nhà ngát hương cau”
(Quỳnh Anh)
“Mỗi buổi sáng
Thức dậy ngỡ ngàng với sự hiện diện của mình
ở miền đất tạm dung
Thủ đô xứ người, kiến trúc đồ sộ, ánh sáng chói chang,
âm thanh xa lạ
Tất cả không quen thuộc, không luyến thương
Chỉ thấy thờ ơ lạnh nhạt”
(Trần Quốc Bảo)
Saigon, thủ đô miền Nam cũ, nơi biểu tượng của đất nước, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm vui buồn. Thành phố nay tuy mang tên lạ nhưng vẫn gây nỗi nhớ chập chờn trong lòng người:
“Anh ôm hôn cả Saigon
Nghiêng vai nghe thoáng chiều thơm Thị Nghè
Hôn ngàn khơi cánh chim xa
Cho nguôi phút nhớ quê nhà Á Châu”
(Nguyễn Đức Vinh)
“Saigon ta đã mất người
Saigon nay đã đổi đời thay da
Ngẩn ngơ giữa xứ cờ hoa
Xé tờ lịch biết đã qua một tuần”
(Lê Thị Ý)
Nhớ thương chồng chất, tuy “xa mặt nhưng chẳng cách lòng”, ngàn đời những nơi cũ, những địa danh một thời biểu tượng cho quê hương đất nước vẫn tồn tại trong tâm hồn ly khách:
“Ngàn năm Gia Định vẫn còn
Ngàn năm không mất Saigon người ơi
Tánh danh là tánh danh rồi
Ai thay đặng tánh, ai dời đặng danh”
(Nguyễn Đức Liêm)
Đồng đất nước người với tình trạng kinh tế khắp nơi nói chung tạm coi là khá giả sung túc, nhà thơ chạnh lòng nghĩ đến bao nỗi khốn khó tại quê nhà:
“Mỗi lần nhớ đến quê nghèo khó
Là mỗi lần nghe tiếng thở dài”
(Hà Bỉnh Trung)
“Thương về quê mẹ dạ nao nao
Tuởng tượng tình dân khổ biết bao”
(Kim Y)
Mường tượng ra cuộc sống người dân Việt trên quê hương phải đổ mồ hôi pha lẫn nước mắt nhiều khi loang thắm thêm cả máu hồng:
“Kìa Anh! Sao chửa hết mơ màng?
Nhìn sắc thu hồng ngờ máu loang
Của cả toàn dân trên đất Việt
Đang dần nhuộm thắm khắp giang san”
(Trương Anh Thụy)
Tuy phải bỏ xứ ra đi nhà thơ vẫn luôn luôn coi mình là dân Việt. Thân xác này và cả tâm hồn này vẫn có nguồn gốc Việt, gió bụi cuộc đời khó vùi dập:
“Tôi đi như thể tôi còn sống
Về đến nơi nào hỏi nắng mưa
Rằng xác thân tôi thì đã Việt
Hồn tôi mấy gió bụi cho vừa”
(Nguyễn Đức Liêm)
Dù phải hội nhập với xã hội mới nhà thơ vẫn hoài niệm đến những gì thuộc về quá khứ, nặng dân tộc tính:
“Tôi từ thay vạt áo dài
Tôi là tôi rất quái thai khó nhìn”…
“Một sớm nào đây thành công dân Mỹ
Vẫn da vàng, rau muống mẹ Việt Nam”…
(Lê Thị Ý)
Nhà thơ khuyên các thế hệ con cháu đừng quên đi nguồn gốc của mình và vững tin ở một tương lai rực ánh vừng dương:
“Đừng cúi mặt tủi phận màu da
Một mai chim rồi quen tiếng hót
Ở nơi nào cũng đánh thức bình minh
Hót đi con giọng điệu thanh bình”
(Nguyễn Thị Thanh Bình)
Kẻ ly hương tự cảm như bèo trôi bồng bềnh trên sóng nước và mong có dịp được trở về bến cũ, hay như cánh chim lạc đàn mong có ngày về tổ ấm nơi quê mẹ:
“Bèo trôi trôi mãi có ai ngờ
Chớp mắt qua rồi mấy chục thu!
Nước có bao giờ xoay ngược hướng
Đưa bèo trở lại bến đò xưa?”
(Kim Y)
“Bao giờ chim lạc bay về tổ
Dưới mái tranh xưa ngẫm chuyện đời”
(Trương Anh Thụy)
“Xa tít nơi kia cõi khác đời
Tận chân trời mộng vắng mây tôi
Bao giờ mọc cánh bay về được
Cho hết bây giờ tê-tái-tôi”
(Nguyễn Đức Liêm)
Tình hoài hương ấp ủ trong tim, vương vấn trong lòng người và càng mãnh liệt hơn với tuổi tác thêm cao, với tháng ngày chồng chất:
“Tuổi hạc hằng mong được trở về
Bên bờ Tô Lịch viếng thăm quê
Từ đường chùa miếu, lăng tiên tổ
Ngắm lại đồng xanh, ngắm lũy tre”
(Tô Giang Tử)
Mai đây con người phải trở về với cát bụi mất rồi, sợ thời gian chẳng dừng cánh đợi chờ, ly khách đành gửi cả tâm sự mình vào trong sách với niềm hy vọng bừng lên rực rỡ tin vào sự đổi thay khắp nơi:
“Quê hương ừ đã rất xa
Một mai tro bụi trải ra xứ người”…
Một buổi nào đây thế giới chuyển mình
Về quê cũ vòng tay đầy hạnh phúc”…
(Lê Thị Ý)
“Gởi hồn theo sách về thăm nước
Cát bụi thân mình lại xót xa
Giá có hồn thiêng sông núi thực
Ngày nào ta trở lại quê nhà”
(Vi Khuê)
Nhà thơ mường tượng ra ngày về, cảnh ngoài rực rỡ, tình trong đậm đà, lòng người thêm phấn khởi:
“Saigon, tôi thú thương đau
Saigon tôi thích cái màu tươi xưa
Tôi về lặng lẽ hơn mơ
Tôi về vang dội trên bờ Đồng Nai
Tôi đem giấy ngắn, tình dài
Tôi đem bĩ cực, thái lai Saigon”
(Nguyễn Đức Liêm)
Chỉ cần tưởng tượng ra cái cảnh hồi hương cũng đã đủ làm nhà thơ dâng hoài cảm, xúc động:
“Bỗng liên tưởng đứng kề bến cũ
Bắc, Trung, Nam nhớ đủ biển, khơi.
Hồn thiêng sông núi vẫy mời,
Đàn con di tản khắp nơi sớm về”
(Tô Giang Tử)
Trong khi chờ đợi một ngày về nguồn đầy vinh quang sáng lạn, nhà thơ nhắc nhở đồng bào:
“Đừng quên nguồn gốc Việt nam
Giữ thơm nòi giống, bảo toàn quê hương
Mai này lịch sử sang trương
Chen vai sát cánh Nam phương tiến về”
(Trương Anh Thụy)
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Virginia, USA, tháng 12 năm 2015