Cuộc hành trình về “Xứ Phật”

Sơn Tùng

Một ngôi chùa tại Tỉnh Udon, Thái Lan, nơi có nhiều người Việt
Một ngôi chùa tại Tỉnh Udon, Thái Lan, nơi có nhiều người Việt

 

Đầu tháng 11 vừa qua tôi đã làm một chuyến đi về phương đông. Lần đầu tiên sau chuyến đi về phương tây 32 năm trước.

Cuối tháng 4 năm 1982, tôi đã ra đi trong đêm tối cùng với 46 người khác trên một chiếc tàu gỗ nhỏ hướng vào biển đen mịt mùng trong nỗi lo sợ từng giây từng phút không rời: sợ gặp biên phòng, sợ sóng bão, sợ đi lạc, nhất là sợ gặp hải tặc Thái Lan… và đi vào một nơi vô định với hy vọng mong manh tới một bến bờ tự do nào đó hay gặp một chiếc tàu cứu vớt.

Tờ “chứng minh nhân dân” với ngôi sao vàng trên cái bìa đỏ máu đã được tôi ném xuống biển khi mặt trời chói lọi ló lên ở phương đông, nơi có Việt Nam mà tôi đã bỏ lại sau lưng.

Hôm nay, như một du khách phong lưu, tôi trở lại phương đông với sổ thông hành của công dân Hoa Kỳ, trên chiếc phản lực cơ khổng lồ chở khách của hãng Hàng Không Nhật All Nippon Airways có những cô tiếp viên xinh đẹp, miệng luôn tươi cười và lễ phép phục vụ.

Nơi đến: Bangkok, kinh đô “Xứ Phật”, với rất nhiều ngôi chùa mái nhọn dát vàng lộng lẫy khắp nơi và đại đa số dân Thái là tìn đồ Phật giáo.

Vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Bangkok, du khách có ấn tượng ngay về màu sắc Phật giáo trên xứ Thái: được chào đón bằng những cái chắp tay và cúi đầu rất cung kính. Nhưng với tôi, một cựu thuyền nhân lần đầu tiên trở lại phương đông, tôi không tránh khỏi hồi tưởng lại  khi đặt chân lên bờ biển Trenganu, Malaysia, 32 năm trước và được dân địa phương dàn chào với gậy gộc trên tay.

Một cuộc hành trình dài sau đó, trước khi tôi trở thành công dân Mỹ, với sổ thông hành Hoa Kỳ trên tay, đô-la trong túi và được cung kính chào đón. Với công việc viết lách, tôi đã tự đặt mình vào bên này lằn ranh trong một mặt trận mới, không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt và như vậy, dĩ nhiên tôi không nghĩ đến việc về (hay đi) Việt Nam, cho đến khi cuộc chiến ‎ý thức hệ ngả ngũ: ai thắng ai?

Lần này, tôi đi Thái Lan vì có chuyện gia đình cần giải quyết với vài thân nhân ở Việt Namnên đã dùng xứ Thái làm điểm hẹn. Một cuộc gặp gỡ của nhiều thế hệ, nhiều tâm thức trong một đại gia đình. Có người hiểu con đường mà tôi đã chọn, có người tỏ ra tiếc cho tôi đã không trở về Việt Nam như bao nhiêu người khác chỉ vì “còn nghi ngờ những thay đổi đã diễn ra sâu sắc trong cuộc sống tại Việt Nam”.

Một cô cháu đến từ Nam Định nhẹ nhàng nói với tôi:

– Chính sách nhà nước đã thay đổi nhiều, bác cứ về chơi đi, không sao cả. Về vấn đề dân chủ và nhân quyền, người dân Việt Nam hiện nay chưa thể có nhiều tự do như người dân bên Mỹ nhưng cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình mà không bị làm khó khăn, bắt bớ hay tù tội gì cả. Bác cứ về chơi. Ông Thiệu mà còn về cũng chẳng sao đấy thôi.

Tôi nhắc cô cháu về sự lầm lẫn của cô giữa “ông Thiệu” và “ông Kỳ” rồi nói:

– Ông Kỳ đã về Việt Nam nhưng ông Kỳ sau này không còn phải là ông Kỳ ngày trước. Ông Kỳ đòi “Bắc tiến” ngày xưa nay đã “đổi mới” cho hợp thời rồi. Ông Kỳ về, hay đi Việt Nam chẳng những không sao mà còn có lợi cho cả hai đàng. Còn cái chuyện dân chủ và nhân quyền thì ở mỗi nơi thi hành một khác. Trên thế giới có bao nhiêu thể chế khác nhau nhưng ý niệm về nhân quyền chỉ có một, trừ những nước cộng sản. Ngay tại những nước còn giữ các thể chế “lạc hậu”, như nước Nhật, nước Anh, và cả nước Thái này, vẫn có vua, có nữ hoàng, nhưng có nhiều đảng chính trị cho dân lựa chọn, và người dân cũng có đủ mọi thứ tự do khác mà ở Việt Nam ngày nay, tự nhận là “cách mạng” là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, không có. Tại Việt Nam ngày nay, nếu chỉ làm những công việc không liên quan gì tới chính trị và đừng làm gì hay nói gì liên quan tới chính trị, nhất là chính trị không do đảng cộng sản lãnh đạo, thì chắc là có thể sống yên, nhưng với những người như tôi, đang làm những công việc không thể không liên quan đến chính trị, như viết văn làm báo, mà lại nghĩ đến chuyện “đi” chơi hay “về” Việt Nam sống thì cô có thể bảo đảm sẽ được hoan nghênh như… ông Kỳ không?

Cô cháu lặng thinh và chuyển đề tài.

Thái Lan là một trường hợp đặc biệt tại Đông Nam Á, đã không bị thực dân Tây phương chiếm làm thuộc địa và vẫn còn duy trị chế độ quân chủ, và uyển chuyển tránh được những cuộc chiến tranh do các thế lực ngoại bang gây ra. Tuy không chung biên giới với Việt Nam, Thái Lan là một nước láng giềng đã có nhiều liên hệ trực tiếp đến những biến động tại Việt Nam từ ba thế kỷ nay.

Ngay từ năm 1785, Thái Lan (sử sách VN gọi là “Tiêm-la”) đã can thiệp vào nội tình Việt Nam, ủng hộ Vua Nguyễn Ánh, bị quân Nguyễn Huệ đánh tan ở Mỹ Tho khiến Nguyễn Ánh phải chạy sang Thái tá túc trong hai năm, và đã giúp Thái đánh lại quân Diến Điện ở phái bắc và quân Mã Lai ở phía nam.

Theo lời đồn, Hồ Chí Minh cũng có lúc đã ẩn náu tại Thái Lan trong những năm bôn ba “tìm đường hại nước”. Nghe nói tại Noong Ổn, một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Udon, có một “chuồng gà bác Hồ” (khi ấy mang bí danh “Thầu Chín”) được giữ làm di tích.

Thái Lan thực sự liên hệ nhiều tới Việt Nam từ năm 1946, khi hàng trăm ngàn người Việt sinh sống ở Lào, do Việt Minh tuyên truyền và tổ chức, đã vượt sông Mekong sang Thái tị nạn, chống lại âm mưu của người Pháp trở lại tái lập chế độ thuộc địa tại ba nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

Sau khi Hiệp Định Genève được ký kết năm 1955, phần lớn Việt kiều ở Thái đã hồi hương, về miền Bắc hay miền Nam. Những người ở lại đã nhập tịch dân Thái, khá thành công trên “Xứ Phật”.

Năm 1965, Chiến tranh VN leo thang và Mỹ Hóa, phi trường Utapao trở thành căn cứ của “pháo đài bay” B-52, từ đó bay đi oanh tạc Bắc Việt hay trải thảm đường mòn HCM.  Thái Lan gửi Sư đoàn King Cobra (mãng xà vương) sang VN tham chiến cùng với Mỹ, trong lúc Bangkok trở thành một trong những trung tâm nghỉ dưỡng của Quân đội Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Tháng 4, 1975 Chiến tranh VN chấm dứt. Hàng triệu người ồ ạt bỏ nước, vượt rừng, vượt biển đi tị nạn cộng sản, tràn ngập bờ biển các nước Đông Nam Á và biên giới Thái Lan. Trong khi người tị nạn Việt Nam được tiếp nhận và đối xử nhân đạo tại nhiều nước, từ Malaysia, Indonesia, Philippines, Hong Kong…thì Thái Lan đã đối xử rất tàn tệ với các người Việt Nam vượt rừng tới tá túc tại nước họ qua biên giới Thái-Miên. Bao nhiêu tội ác đã xảy ra tại Trại Kao I Dang mà những phái đoàn của Cao ủy Tị Nạn LHQ, các Hội Từ Thiện và phóng viên báo chí Tây phương đã ghi nhận.

Kinh hoàng hơn nữa, người Việt trong cơn hoạn nạn đã không được người Thái, những đồng Minh cũ, cứu giúp mà còn bị những chiếc tàu đánh cá của Thái Lan biến thành hải tặc  chặn đường, cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ. Rõ ràng đây là những tội ác chống nhân loại đã diễn ra liên tục trong hàng chục năm mà Quốc Vương và chính quyền “Xứ Phật” đã không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn hay trừng phạt những kẻ phạm tội.

Họ làm như những tội ác kinh tởm ấy không hề xảy ra, hay những con ác quỷ mặt người trong Vịnh Thái Lan không phải là người Thái, không phải là Phật tử của những ngôi chùa nguy nga trên khắp “Xứ Phật”.

Mặt khác, trong khi người tị nạn Việt Nam bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp và giết chết trên đường đi tìm tự do thì thực phẩm và hàng hóa Thái Lan ùn ùn xuất cảng sang Mỹ và các nước Tây phương bán cho những người sống sót, làm giàu!

Thái Lan còn xứng đáng với danh xưng “Xứ Phật” chăng? Và tại sao gần nửa thế kỷ đã trôi qua, Công Lý không hề đến với oan hồn của hàng trăm ngàn nạn nhân của hải tặc Thái Lan?

Trong mấy ngày lưu lại Thái Lan, tôi không tránh khỏi bị những câu hỏi trên đây ám ảnh khiến đôi lúc muốn hét to lên và rời khỏi “Xứ Phật” ngay.

Cuối cùng tôi cũng đã thoát khỏi cuộc tra tấn lương tri và trở về Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Hình ảnh tôi mang theo là gương mặt rạng rỡ niềm tin của một đứa cháu từ Sài-Gòn sang. Nó sinh năm 1986, chín năm sau cái chết của Tự Do tại Nam Việt Nam, và đang chờ một ngày lịch sử để đứng lên.

 Sơn Tùng

Virginia, 12.11.2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *