Lái Xe An Toàn

Phạm Văn Tuấn

car driving3

I/ Hệ thống giao thông.

Khi một người được cấp “bằng lái xe”, người này đã được phép tham gia vào một phạm vi hoạt động mới, đó là hệ thống giao thông và bằng lái xe tượng trưng cho nhiều trách nhiệm mới.

Hệ thống giao thông gồm ba phần, là con người, xe cộ và đường lộ. Mục đích của hệ thống giao thông là di chuyển nhiều người từ một nơi này tới một nơi khác trong các điều kiện an toàn, tiết kiệm và hữu hiệu. Đây là một tổ chức rất phức tạp gồm các người đi bộ, đi xe đạp, các người lái hay ngồi trên xe gắn máy và xe hơi… Những loại người này đã không được huấn luyện kỹ càng như trong phạm vi thuộc các hệ thống vận chuyển khác, chẳng hạn như các phi công lái máy bay.

a/ Người dùng giao thông: loại người này gồm người đi bộ, ngồi trên các loại xe cộ hay tự lái xe, nhưng phần lớn họ là các người lái xe tự động. Họ di chuyển tới trường học, cơ sở làm việc hay đi du lịch. Họ gồm nhiều người thuộc mọi lứa tuổi từ các em tiểu học tới các vị cao niên. Các tình trạng thể chất, tinh thần, cảm xúc… của họ rất khác nhau, từ rất tốt tới rất xấu.

Nhiều người đi đường cũng như lái xe thường xuyên biết trách nhiệm và biết cộng tác với các người khác, nhưng có khi họ lại thiếu kỷ luật, hay đãng trí do các vấn đề cá nhân. Có nhiều người mệt mỏi, đau bệnh hay say rượu, say thuốc… Vì thế bổn phận của người lái xe là phải học cách điều khiển xe cộ an toàn, để đối phó với các trường hợp gặp các người khác, dù đi bộ hay đi xe, đã không duy trì được cách an toàn và không biết trách nhiệm.

b/ Xe cộ: Chúng ta hãy quan tâm tới số lượng và các loại xe cộ dùng trong hệ thống giao thông. Loại xe nhỏ nhất và ít được bảo vệ nhất là xe đạp. Loại xe lớn nhất là xe tải chở hàng, chở nặng tới vài tấn. Giữa hai loại xe này là xe gắn máy, xe du lịch, xe buýt, xe cắm trại, xe vận tải chở đồ vật kiến trúc… Nhiều xe thuộc loại cũ đã chạy trên 100, 200 ngàn dặm, các xe khác là các kiểu mới, bóng láng hay mới từ cơ xưởng sản xuất. Các xe cộ cũng được trang bị các hệ thống tay lái, tăng giảm tốc độ và thắng ngừng khác nhau cùng với các phụ tùng về an toàn. Các tình trạng vận chuyển của xe cộ cũng thay đổi tốt xấu tùy theo cách bảo trì của mỗi xe.

c/ Đường lộ: Đường lộ giao thông bao gồm nhiều loại, từ đường đất tới xa lộ siêu tốc, giữa hai giới hạn này là đường phố đông người, xa lộ chạy qua vùng nông thôn, các đường núi với dốc cao và các khúc quanh nguy hiểm. Việc kiểm soát và điều hành đường lộ thay đổi từ tình trạng rất tốt tới không có gì. Các hoàn cảnh giao thông cũng gồm nhiều trường hợp bất lợi như bóng tối, mưa và tuyết, sương mù và gió lớn, và các ổ gà, hố rãnh, tất cả làm khó khăn cho việc lái xe. Vì vậy kỹ thuật lái xe và sự hiểu biết trách nhiệm của người tài xế rất quan trọng khi càng có đông người cùng xử dụng đường lộ làm phương tiện giao thông.

Khi lái xe hay xử dụng hệ thống giao thông, yếu tố quan trọng nhất là người tài xế phải “nghiêm chỉnh tuân theo các luật lệ giao thông”. Quyền được phép lái xe là một “quyền lợi do Tiểu Bang cấp ra” qua giấy phép lái xe. Khi một người đã đậu kỳ thi lý thuyết và thực hành về lái xe và đã nhận bằng lái xe, người đó nhận lãnh trách nhiệm phải tuân theo các luật lệ về giao thông.

Chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật An Toàn Xa Lộ Quốc Gia (the National Highway Safety Act), đây là một bộ điều lệ quy định về an toàn giao thông. Cũng có nhiều cơ quan và văn phòng thuộc Liên Bang, Tiểu Bang và địa phương giúp công vào việc điều hành hệ thống giao thông này.     Theo dõi hệ thống giao thông là các cơ quan lập pháp Liên Bang và Tiểu Bang với các đạo luật tạo nên quy luật giao thông (vehicle code). Cơ quan Cảnh Sát Tiểu Bang và địa phương điều hành việc tuân theo các luật lệ này của người lái xe. Nha Lộ Vận DMV (the Department of Motor Vehicles) đặt ra các quy luật để kiểm soát xe cộ và người lái xe. Các tòa án xét xử khi người lái xe vi phạm luật giao thông và các kỹ sư, công nhân công chánh thuộc Sở Xa Lộ Liên Bang, Tiểu Bang và đường lộ địa phương lo việc bảo trì, kiểm soát cũng như mở mang các đường lộ.

II/ Nhiệm vụ của người lái xe.

Nhiệm vụ của người lái xe bao gồm các hành động khéo léo để lái chiếc xe an toàn. Muốn đạt được điều này, người lái xe cần phải:
a) dùng khả năng nhìn rõ và hiểu biết hoàn cảnh giao thông trước mắt
b) nhận biết được tình trạng giao thông và phản ứng kịp thời,
c) xét đoán sự liên hệ giữa thời gian và khoảng cách, một dữ kiện luôn luôn thay đổi,
d) phối hợp tay, chân và mắt cũng như các giác quan khác để điều khiển chiếc xe,
e) hiểu rõ khả năng và giới hạn cùng tình trạng kỹ thuật của chiếc xe đang lái,
f) tuân theo các luật lệ, các bảng chỉ dẫn và các tín hiệu giao thông.

1/ Kỹ năng xã hội: Lái xe là một bổn phận xã hội. Việc lái xe đòi hỏi sự tương tác (interacting) và cộng tác với các người khác trong đó “phép lịch sự” là một phần quan trọng. Người lái xe lịch sự sẵn sàng tuân theo luật lệ giao thông và nghĩ tới các người khác đang dùng đường lộ. Nếu không có sự cộng tác và tính lịch sự, cách di chuyển an toàn và hữu hiệu của các loại xe cộ không được bảo đảm.

Các khách bộ hành hay các người lái các xe cộ khác đều là những người xa lạ đối với chúng ta. Họ có nhiều vấn đề lo lắng, thuộc nhiều mức độ phản ứng. Có người đãng trí, có người nóng giận, có người mệt mỏi, có người đang say sưa nhất là vào lúc ban đêm. Vì thế kỹ năng xã hội của người lái xe là phải quan sát cách hành xử (behavior) của các người khác đang dùng hệ thống giao thông và tránh né các nhầm lẫn của nhiều người khác.

2/ Kỹ năng thể chất: Việc lái xe an toàn đòi hỏi cách điều kiển nhịp nhàng của mắt và tay chân, tất cả đều chịu sự hướng dẫn từ bộ óc. Người lái xe chắc chắn cần phải khéo léo xoay trở bánh xe nhưng cũng cần tới các kỹ năng xã hội và cách quyết định nhanh chóng. Các kỹ năng thể chất phối hợp với bộ óc trong việc điều khiển chiếc xe tự động dần dần trở thành một thói quen hàng ngày.

3/ Kỹ năng quyết định: Lái xe an toàn là một công việc tinh thần, liên quan đến cách quyết định nhanh chóng và đúng lúc. Người lái xe phải có kiến thức khi nào nên thắng lại, khi nào nên tăng thêm tốc độ, hay trong trường hợp nào bẻ lái sang một bên. Những kỹ năng quyết định này khiến cho tiến trình suy nghĩ có tổ chức, vừa đúng theo các quy luật, vừa thích hợp với các hoàn cảnh trên đường lộ.

Khi phối hợp cả ba kỹ năng kể trên, người lái xe thường theo một tiến trình 4 bước như sau:
(a) nhận định các tin tức trước mắt, chẳng hạn các nguy hiểm có thể xẩy ra,
(b) tiên đoán các tương khắc (conflicts) vì khi làm theo sự kiện này thì sẽ gặp các sự kiện bất lợi khác,
(c) quyết định nhanh chóng và sáng suốt để có hành động khi nào, ở đâu… ngõ hầu tránh các tương khắc,
(d) thi hành quyết định theo hoàn cảnh đòi hỏi.

car driving 2

Bốn bước trong tiến trình lái xe kể trên dần dần trở nên một thói quen giúp ích vào việc bảo vệ người lái xe tránh né được các tương khắc nguy hiểm. Muốn thế, người lái xe nên:
a) tiên đoán trước các trắc trở do hành động của các người trên đường lộ, dù là khách bộ hành hay các tài xế xe khác,
b) tránh các tương khắc trước khi chúng xẩy ra,
c) lái xe một cách thích nghi với các tình trạng về thời tiết và đường lộ.

Khi một công dân được cấp bằng lái xe, các tiểu bang đã không phân biệt người này là tài xế mới biết lái hay một người đã từng lái xe trong nhiều năm. Mỗi người lái xe đều phải tuân theo các luật lệ và tránh các tương khắc.

Việc cho phép lái xe cũng đòi hỏi trách nhiệm về an toàn. Đây là cách bảo vệ các người cùng ngồi trên xe của chúng ta khi chính ta cầm tay lái, và cũng là cách bảo vệ những người đi đường hay ngồi trong các xe cộ khác.

1/ Thái độ: Thái độ trong cách lái xe thể hiện qua các thói quen về an toàn. Người lái xe nên tỏ thái độ “trưởng thành, lịch sự và biết trách nhiệm”. Thí dụ: việc ngừng xe tại bảng “Stop”. Chính vì Tiểu Bang và các người xử dụng đường lộ khác đã tin tưởng vào trách nhiệm và sự thi hành đúng đắn luật lệ giao thông mà chúng ta được “tự do” trong việc điều khiển loại xe tự động.

2/ Trách nhiệm tài chính: Việc lái xe trên đường lộ đòi hỏi chúng ta phải mua nhiên liệu, bảo trì xe cộ đều đặn và mua bảo hiểm để phòng xa các bất trắc. Chúng ta chịu trách nhiệm tài chính trước Tiểu Bang về những thiệt hại gây ra cho người khác, kể cả tài sản của họ.

Tai nạn xẩy ra khi một xe cộ đụng vào một vật khác. Nếu lái xe với tốc độ nhanh thì tai nạn còn thảm khốc hơn. Mọi tai nạn xe cộ đều có nguyên nhân. Nguyên nhân chính của tai nạn là do “lầm lỗi của người lái”. Thông thường nhất, các lầm lỗi do bởi người lái xe đã “vi phạm luật lệ giao thông”. Các lý do khác có thể là thời tiết xấu, xe bị hư hỏng hay đường lộ có khuyết điểm.

Một tai nạn có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn một xe hơi chạy nhanh đụng vào một bức tường. Con đường cong và trơn có thể là một lý do. Thiếu bảng hiệu giao thông cảnh cáo người lái xe rằng đường trơn khi trời mưa, cũng là một khuyết điểm. Thắng của xe không tốt, các bánh xe không bám đường cũng là một trở ngại… nhưng lý do chính của các tai nạn giao thông vẫn là “lái xe quá nhanh”.

Các tai nạn giao thông đã mang lại nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản, với tổn hại mỗi năm vào khoảng 45 tỉ Mỹ kim chưa kể các tổn thất tinh thần. Tai nạn xe cộ là lý do chính gây tử vong cho giới trẻ, tuổi từ 16 tới 19, lớp người này chiếm 10 % dân số Hoa Kỳ nhưng đã chịu tỉ lệ tử vong là 17 %. Họ vừa thiếu kinh nghiệm về lái xe, lại thường hay lái xe về ban đêm, ưa dùng rượu hoặc các loại thuốc say trước khi lái xe và đôi khi họ quá mệt mỏi mà vẫn ngồi vào bánh lái.

Việc lái xe an toàn đòi hỏi sự hiểu biết, thái độ và các kỹ năng của người lái xe. Mọi người lái xe phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình, cộng tác và vui vẻ chia xẻ hệ thống đường lộ với các người khác./.

Phạm Văn Tuấn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *