Đỗ Quang Tỏa
Trong những năm gần đây, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt (CĐNV) đã bắt đầu chú ý rất nhiều đến tiến trình vận động chính trị tại Hoa Kỳ, nhất là những cuộc bầu cử Tổng Thống. CĐNV đã nhận thấy rằng sau 40 năm, chúng ta phải có tiếng nói trong chính trường Hoa Kỳ để đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài nhận định này, chúng tôi xin được chia ra làm hai phần. Phần một là quá trình tham gia vận động chính trị của CĐNV trong những cuộc bầu cử Tổng Thống và phần hai là những đề nghị cho cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.
Tiến Trình Vận Động Chính Trị của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt
Cho đến cuối thập niên 1980, người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ mới bắt đầu vô quốc tịch và bắt đầu đi bỏ phiếu, nhất là tại các cuộc bầu cử Tổng Thống. Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1980 và 1984, ứng cử viên Cộng Hoà Ronald Reagan đã đánh bại hai đối thủ đảng Dân Chủ là Carter (1980) và Walter Mondale (1984). Số người Việt đi bầu những năm 1984 và 1988 giữa ứng cử viên George Bush và Michael Dukakis (Dân Chủ) đã đa số bầu cho đảng Cộng Hòa vì cho là Đảng Cộng Hòa là chống Cộng và có một nền ngoại giao cứng rắn đối với các nước Cộng sản. Điển hình là vai trò của Tổng Thống Reagan đã đưa đến nền dân chủ ở Đông Âu và phá bỏ bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh.
Thập niên 1980 cũng cho thấy việc hình thành các tổ chức Người Việt với mục đích vận động chính trị tại Hoa Kỳ như Liên Đoàn Cử Tri người Mỹ gốc Việt, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (thành lập năm 1986) và một số tổ chức cộng đồng (TCCĐ) tại nhiều tiểu bang như Cộng Đồng Việt Nam tại vùng Washington D.C., MD & VA. Tất cả các tổ chức này đều có mục đích khuyến khích người Mỹ gốc Việt ghi danh cử tri (voter registration) và đi bầu. Dưới thời Tổng Thống George Bush (1988-1992) CĐNV vẫn tiếp tục ủng hộ Đảng Cộng Hoà và chỉ có một số ít ủng hộ Liên Danh Clinton-Gore trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1992. Tuy nhiên những năm sau đó dưới thời Tổng Thống Clinton, chương trình HO đưa các cựu tù nhân chính trị và gia đình qua định cư tại Hoa Kỳ, bỏ cấm vận (1994) và bình thường hóa bang giao với Việt Nam (1995) đã gây ra sự chú ý rất nhiều của CĐNV trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1986 giữa ông Bill Clinton và Thượng Nghị Sĩ Bob Dole.
Phải cho đến cuộc bầu cử năm 2000 giữa ứng cử viên Al Gore và George W. Bush, chúng ta mới thấy có sự thay đổi trong suy luận chính trị của CĐNV. Thay vì chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa vì chủ trương cứng rắn đối với các nước Cộng sản, CĐNV đã thấy cần phải suy xét thêm về các phúc lợi cho cộng đồng của mỗi đảng. Thêm vào đó, nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam cũng đã được tung ra cho thấy trên phương diện đối ngoại, nước Mỹ luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Những lá thơ cam kết của Tổng Thống Richard Nixon gởi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều không có giá trị gì nữa khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã thỏa hiệp với Chu Ân Lai mở cửa cho thương gia Mỹ vào thị trường Trung Cộng. Ông Al Gore đã thắng số phiếu phổ thông (Gore: 51,003,926 phiếu – Bush: 50,460,110 phiếu) nhưng đã thua số phiếu cử tri đoàn (Gore : 266 – Bush: 271).
Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2004, CĐNV cũng đã không mạnh mẽ ủng hộ ứng cử viên John Kerry vì cho là ông ta đã phản bội Việt Nam qua các hành động phản chiến của ông sau khi phục vụ tại Việt Nam.
Cuộc bầu cử năm 2008 lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của CĐNV. Tuy nhiên các cuộc nghiên cứu sau bầu cử (Exit Poll Survey) cho thấy Cộng Đồng Người Mỹ gốc Á Châu đã bỏ phiếu cho Ông Barack Obama (76%), trong đó CĐNV có số phiếu thấp nhất cho Ông Obama. Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa số thành phần trẻ (thế hệ thứ hai) trong CĐNV đã bầu cho Ông Obama, trong khi đó số người Việt lớn tuổi thì bỏ cho Ông John McCain như một lá phiếu “biết ơn” thời gian ông đã bị Cộng sản cầm tù tại Việt Nam. Cuộc bầu cử năm 2012 lần đầu tiên tất cả các cuộc nghiên cứu cho thấy CĐNV đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng Dân Chủ (61%) và lý do chính là những chương trình phúc lợi cho người có lợi tức thấp và người lớn tuổi. Trong cuộc bầu cử Thống Đốc Tiểu Bang Virginia vào ngày 5 tháng 11, 2013, 71% người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương đã bầu cho ứng cử viên Dân Chủ Terry McAuliffe, trong đó có 69% người Mỹ gốc Việt, 70% gốc Tàu và 83% gốc Ấn Độ.
Vài Nhận Xét và Đề Nghị về Bầu Cử Tổng Thống Năm 2016
Cộng Đồng Người Việt đã tiến những bước rất dài trong việc hội nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ qua việc đi bỏ phiếu, đóng góp tài chính, qua các tổ chức khác nhau. Tuy nhiên kết quả còn rất khiêm nhường. Số người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền rất ít hoặc không có so với các cộng đồng Á Châu khác. Thỉnh nguyện thư cho Tòa Bạch Ốc vào tháng 3, 2012 với trên 150 ngàn chữ ký, tuy gây tiếng vang trong CĐNV nhưng cũng đã không đưa đến một thay đổi quan trọng nào trong quan hệ Mỹ Việt, nhứt là không có sự cải thiện nào về nhân quyền cho Việt Nam.
Nhận Xét 1: Tiền
CĐNV vẫn chưa có tổ chức để đóng góp một cách đáng kể vào các vận động chính trị. Hầu hết các cộng đồng gốc Á Châu đều có các Ủy Ban Vận Động Chính Trị hay còn gọi là PAC (Political Action Committees) ở cấp liên bang (Federal PAC). Các Ủy Ban này có quyền đi quyên góp tài chánh và sau đó sẽ ủng hộ các ứng cử viên nào ủng hộ đường lối và chủ trương của họ. Năm 2012, CĐNV có một Federal PAC gọi là Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền cho Việt Nam (Human Rights For Viet Nam PAC) do luật sư Nguyễn Đỗ Phú tại Orange County thành lập. Theo báo cáo nộp cho cơ quan Bầu Cử Liên Bang, trong năm 2012, Human Rights For Viet Nam PAC thu được $110,720.00 và đã chi ra $26,683.00. Tiền còn lại là $91,201.00 tính đến ngày 30 tháng 6, 2013. Ủy ban Vận Động cho Obama của người Mỹ gốc Việt – Vietnamese Americans for Obama (VAFO) đã gây quỹ được hơn $200,000.00 trong cuộc bầu cử năm 2012. Tuy nhiên so với quỹ tranh cử lên đến 1 tỉ đô la, những số tiền này quá nhỏ để gây sự quan tâm của ứng cử viên. Trong khi đó , CĐNV có hơn 200.000 người làm thương mại và đã đóng góp hàng năm 28 tỉ đô vào nền kinh tế Hoa Kỳ (Thống kê của Nha Thống kê 2007), số tiền CĐNV gởi về Việt Nam hàng năm cũng cả tỉ đô la, nhưng việc đóng góp cho các cuộc vận động chính trị còn rất thấp vì nhiều lý do, đứng đầu là sự thiếu tín nhiệm vào các tổ chức vận động chính trị, cũng như ý tưởng là các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không có ảnh hưởng trực tiếp (dù có lợi hay hại) đến cá nhân hay gia đình. Do đó, vấn đề thiết lập các PAC (cho cả hai đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa) với những mục tiêu trong sáng, thành phần lãnh đạo trẻ trung và mở rộng là điều cần thiết để gây quỹ trong CĐNV.
Nhận Xét 2: Lá Phiếu
Thống kê dân số năm 2010 ước định dân số người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, đứng thứ ba của người Mỹ gốc Á ( Trung Hoa 3,347,229 người, Ấn Độ: 2,843,291 và Phi Luật Tân: 2,555,923). Người Mỹ gốc Việt ở đông nhứt tại 10 tiểu bang: Cali (581,000), Texas (210,000), Washington (67,000), Florida (58,000), Virginia (54,000), Georgia (45,000), Massachusetts (43,000), Pennsylvania (39,000), New York (29,0000) và Louisiana (28,000). Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á thì có khoảng 48% ghi tên đi bầu và từ 55% đến 71% cử tri đi bầu nhất là các cuộc bầu cử Tổng Thống. Do đó, với khoảng 300,000 đến 350,000 cử tri ở rải rác trong 10 tiểu bang, CĐNV không đủ số phiếu để làm thay đổi kết quả bầu cử Tổng Thống. Tuy nhiên, qua cuộc bầu cử năm 2000 (tiểu bang Florida đã là yếu tố quyết định thắng bại giữa Gore và Bush) và cuộc bầu cử năm 2008 (một số tiểu bang quyết định như Virginia và Florida), chúng ta phải biết cách vận động các tiểu bang “xôi đậu” (swing states) và dồn nổ lực cũng như tài chánh vào những tiểu bang đó. Một điểm quan trọng nữa là CĐNV phải tham gia thiệt sớm, ví dụ ngay từ bây giờ, cho cuộc bầu cử năm 2016. Bước đầu tiên là sửa soạn tham gia vào các cuộc bầu sơ bộ (Primary) nhất là các cử tri gốc Việt sinh sống tại tiểu bang Iowa hay New Hamshire, nơi đã đưa ra các ứng cử viên Tổng Thống cho cả hai Đảng. Số người tham dự các cuộc bầu cử sơ bộ thường rất nhỏ, nếu tham gia đông đảo vào các cuộc bầu sơ bộ, do đó dù có số ít cử tri, CĐNV vẫn có thể gây được nhiều sự chú ý.
Nhận Xét 3: Tổ Chức
Các ủy ban vận động của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ chú ý đến các tổ chức có tính cách toàn quốc (National Organizations), do đó tập thể CĐNV phải có những tổ chức toàn quốc để làm việc vận động cử tri và gây quỹ mới có thể gây chú ý, tiếng vang và hy vọng các Ủy ban Vận Động của cả hai đảng sẽ chú ý đến. Để đo lường mức độ thành công của các tổ chức CĐNV này, chúng ta có thể coi cả hai đảng có bỏ tiền vào quỹ vận động truyền thông của CĐNV hay không ? Quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha đã trở thành một điều kiện quan trọng trong tiến trình vận động của cả hai đảng. Một điều quan trọng nữa là những tổ chức CĐNV vận động chính trị phải có các thành phần trẻ tuổi tham dự và nắm vai trò trọng yếu. Thành phần trẻ (25-50 tuổi) thường có ba yếu tố quan trọng để thành công: (1) địa vị xã hội và khả năng tài chính, (2) các liên hệ cá nhân với các đoàn thể khác qua trường học, việc làm hay các tổ chức xã hội khác (social media network) và (3) khả năng sinh ngữ để có thể truyền đạt mục đích qua các giới truyền thông hay chính quyền Hoa Kỳ. Cả hai tổ chức VAFO và Human Rights For Vietnam PAC đều có thành phần trẻ này trong Hội Đồng Quản Trị .
Nhận Xét 4: Mục Đích
Có phiếu, có tiền và có tổ chức, chúng ta cần phải có một hay nhiều mục đích rõ rệt là chúng ta đòi hỏi điều gì? Sự đòi hỏi này có thiết thực và khả thi không? Và đây có phải là sự đòi hỏi của đa số tập thể CĐNV hay không? Thiếu một mục đích chung hay một mục đích được đa số chấp nhận sẽ lại dẫn đến sự chia rẽ, lủng củng nôi bộ và thất bại trong việc gây quỹ. Thêm vào đó, khi đã có mục đích, chúng ta phải biết cách đưa những thông tin này vào đúng chổ, thuyết phục đúng người và đúng lúc.
Có được như vậy, công cuộc vận động chính trị của CĐNV tại Hoa Kỳ sẽ sớm được thành công. Năm 2016 sẽ là một năm của thế hệ thứ hai trong CĐNV và họ sẽ nắm một vai trò quan trọng trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống năm 2016.
Phụ lục: Hỏi – Đáp về Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016
Hỏi: Tôi nghe nói người dân Hoa Kỳ KHÔNG trực tiếp bỏ phiếu bầu cho Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Có đúng không?
Đáp: Đúng, vì Tổng Thống và Phó Tổng Thống được bầu chọn bởi một Cử Tri Đoàn (Electoral College). Số cử tri đoàn và sự lựa chọn do luật lệ của mỗi tiểu bang quy định. Số cử tri đoàn trong mỗi tiểu bang sẽ bằng số đại diện dân cử (Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ).
Ví dụ, tiểu bang Virginia có 11 Dân Biểu Quốc Hội và 2 Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, tổng cộng là 13 người. Do đó, số cử tri đoàn của Virginia sẽ là 13 người. Tổng số Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ là 435 người, 100 Thượng Nghị Sĩ và Thủ Đô Washington, D.C. được quy định có 3 cử tri đoàn (dù là không có Dân Biểu Quốc Hội hay Thượng Nghị Sĩ nào). Do đó, tổng số cử tri đoàn trên toàn quốc sẽ là 538 người. Muốn trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ứng cử viên phải có ít nhất là 270 cử tri đoàn. Con số 270 này được gọi là “magic number”.
Hỏi: Vậy cử tri đoàn có phải là “người” thực sự không hay chỉ là một con số điển hình? Tại sao tôi không thấy tên của cử tri đoàn trên lá phiếu lúc tôi đi bầu?
Đáp: Cử tri (electors) trong Cử Tri Đoàn (Electoral College) là người thực sự. Họ thường được đề cử lên trong các đại hội Đảng ở cấp tiểu bang và sau đó do các vị lãnh đạo của các đảng có ứng cử viên ra tranh cử sẽ đề bạt lên Ủy Ban Bầu Cử Tiểu Bang (State Board of Election). Số cử tri (electors) được đề cử sẽ bằng số cử tri đoàn do luật tiểu bang ấn định. Xin xem thêm về phần lựa chọn cử tri đoàn vì rất phức tạp và tùy theo luật của mỗi tiểu bang.
Hỏi: Như vậy lá phiếu của tôi khi đi bầu Tổng Thống có giá trị gì không?
Đáp: Rất có giá trị vì số cử tri đoàn bầu cho một ứng cử viên nào sẽ tùy thuộc vào số phiếu bầu cho ứng cử viên đó trong tiểu bang. Đây là quy luật “Winner Takes All” hay “ Được Ăn Cả, Ngã Về Không”.
Ví dụ, ứng cử viên Obama đã thắng số phiếu bầu ở Tiểu Bang Virginia năm 2012, do đó toàn bộ 13 cử tri đoàn (electors) của Tiểu Bang Virginia đều về tay Obama. Nên nhớ dù chỉ thắng có 1 phiếu, ứng cử viên cũng sẽ lấy hết số cử tri đoàn (ngoại trừ trường hợp hai tiểu bang Maine và Nebraska là cho phép phân chia số cử tri đoàn theo số phiếu phổ thông). Do đó trên thực tế, chúng ta có thể coi là chúng ta được trực tiếp chọn lựa Tổng Thống và Phó Tổng Thống.
Hỏi: Nếu cử tri đoàn quyết định chính thức ai sẽ là Tổng Thống và Phó Tổng Thống, tại sao ngay sau khi bầu cử, họ đã tuyên bố ai đắc cử mà không chờ cử tri đoàn tuyên bố?
Đáp: Như đã nói ở trên, ai thắng số phiếu qua cuộc phổ thông đầu phiếu sẽ thắng tất cả cử tri đoàn của tiểu bang đó. Do đó sau khi số phiếu đã kiểm xong, ứng cử viên có thể tiên đoán là mình đắc cử dựa trên số phiếu tiểu bang. Ngoại trừ trường hợp năm 2000, giữa ứng cử viên Al Gore và George Bush. Ứng cử viên Gore đã thắng hơn 500 ngàn phiếu trên toàn quốc, nhưng lại thua số cử tri đoàn (Gore 267 electors – Bush 271) sau khi thua Florida nên G. Bush đã trở thành Tổng Thống.
Cử tri đoàn thường sẽ họp vào tuần lễ thứ nhất của tháng 1 sau ngày bầu cử vào tháng 11 năm trước. Dựa vào số phiếu trong tiểu bang, ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất sẽ được toàn thể cử tri đoàn dồn phiếu cho (trừ Maine và Nebraska). Sau khi kết quả cuộc bầu phiếu của cử tri đoàn được chứng nhận với tất cả chữ ký của cử tri đoàn, bản chính sẽ được Thống Đốc tiểu bang ký tên và chuyển cho Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ. Vị Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ sau đó sẽ triệu tập một phiên họp khoáng đại lưỡng viện để chứng nhận kết quả bầu cử. Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện sẽ là người nhận lời tuyên thệ của vị Tân Tổng Thống, năm nay sẽ vào ngày 27 tháng 1 năm 2017. Do đó, thủ tục bỏ phiếu của cử tri đoàn để lựa chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống thực ra cũng chỉ là hình thức thôi vì kết quả thực sự là dựa trên cuộc phổ thông đầu phiếu.
Hỏi: Năm 2016 tôi thấy Đảng Dân Chủ có 3 ứng cử viên và Đảng Cộng Hòa có hơn 10 người, vậy ai sẽ là ứng cử viên chính thức, dựa vào đâu và khi nào chúng ta sẽ biết?
Đáp: Sau cuộc bầu cử sơ khởi (primary election) tại các tiểu bang Iowa, New Hamsphire, South Carolina vào đầu tháng 2 và các tiểu bang khác sau đó (Virginia sẽ vào tháng 3), chúng ta sẽ có một ý niệm ai sẽ được Đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa đề cử.
Thông thường muốn trở thành ứng cử viên (nominee) của đảng, các ứng cử viên (candidate) phải thắng trong số mấy tiểu bang bầu thử trước này, vì dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử sơ khởi ở các tiểu bang này, số người ủng hộ tiền sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ có các cuộc họp (convention) ở cấp tiểu bang để lựa chọn đại biểu (delegate) và các đại biểu này sẽ lựa chọn ứng cử viên chính thức của Đảng tại đại hội đảng toàn quốc.
Năm nay Đại Hội Đảng Cộng Hòa sẽ họp vào trung tuần tháng 7 tại Cleveland, Ohio và Đảng Dân Chủ vào cuối tháng 7 tại Philadelphia, Pennsylvania. Thông thường vào khoảng tháng 6 của năm bầu cử, ai là ứng cử viên sẽ được biết trước ngày đại hội đảng cấp tiểu bang để ứng cử viên này có thì giờ đi vận động. Ví dụ, năm 2008, trước đại hội đảng Dân Chủ ở tiểu bang Virginia, có hai ứng cử viên là Bà Hillary Clinton và Ông Barack Obama. Trước đại hội Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Virginia vào tháng 6, 2008, tất cả các đại diện của Bà Hillary đã “được yêu cầu” chuyển qua cho Ông Obama. Do đó, tại Đại Hội Đảng Dân Chủ, ứng cử viên Obama đã được toàn thể đại biểu bầu lên để có sự thống nhất trong đảng. Năm nay, Bà Hillary có chiều hướng sẽ được đề cử. Ngược lại Đảng Cộng Hòa có thể sẽ không biết được ai là ứng cử viên, cho đến ngày Đại hội Đảng Cộng Hòa tại Cleveland. Lúc đó, các đại biểu mới tham dự cuộc bỏ phiếu và người nào nhiều phiếu nhất sẽ là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Sự lo ngại của Đảng Cộng Hòa là nếu ứng cử viên của Đảng được lựa chọn quá trễ, số tài nguyên và thì giờ đã bỏ phí vào chuyện nội bộ và có thể có sự chia rẽ nên khó thắng ở cuộc phổ thông đầu phiếu vào tháng 11. Do đó, hy vọng chúng ta sẽ biết ai là ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa vào tháng 6 năm 2016.
Hỏi: Tôi nghe nói có tiểu bang được coi là sẽ nghiêng hẵn về một đảng -Dân Chủ hay Cộng Hòa, và có một số tiểu bang có thể bầu cho đảng này hay đảng kia tùy theo ứng cử viên, những tiểu bang này được gọi là “swing states” có đúng không?
Đáp: Đúng như vậy. Danh từ “swing states” để chỉ những tiểu bang có thể bầu cho đảng này hoặc đảng kia và chữ này được các vận động viên hay các chiến lược gia của đảng phái chính trị xử dụng để họ có thể biết nên tập trung công cuộc vận động bầu cử vào tiểu bang nào.
Cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2012 cho thấy các tiểu bang Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania, Colorado và Nevada được coi như “swing states”, do đó rất nhiều sự đầu tư đã được dồn vào những tiểu bang này. Đây cũng là một điểm quan trọng CĐNV cần để ý đến vì chúng ta có nhiều phiếu nhất ở hai tiểu bang: California và Texas nhưng hai tiểu bang này được coi là “one-party state” nghĩa là California sẽ bầu cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ và Texas thì bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Do đó, số phiếu vài trăm ngàn của chúng ta ít được chú ý đến. Ngược lại, nếu CĐNV biết cách vận động, với số phiếu chỉ là hai ba ngàn nhưng ở tiểu bang “swing states” như Florida, Virginia, Ohio, Pennsylvania và Colorado thì rất là quan trọng. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đòi hỏi các ứng cử viên Tổng Thống phải chú ý đến các yêu cầu của chúng ta.
Kết luận: Chúng ta phải ghi danh đi bầu (registration), đi bầu (vote) và chọn lựa những ứng cử viên xứng đáng đại diện cho quyền lợi của chúng ta tại Hoa Kỳ.
Đỗ Quang Tỏa
Virginia, January 2016
Lời Ban Biên Tập:
Ông Đỗ Quang Tỏa tốt nghiệp Cao Học khóa 8, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn Việt Nam (trước 1975), hiện nay là Giám Đốc Business Development Assistance Group (BDAG) tại Virginia.
Bài viết này được đăng tải trên Website của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông (qghcmiendong.com) và chúng tôi được phép tác giả để phổ biến trên trang nhà của Hội Cao Niên Vùng HTĐ