Bách Việt
Chị Hai thương,
Lại một mùa thu nữa đến với chúng ta. Mùa thu ở Bắc Mỹ đẹp quá phải không chị? Em thích ngắm cây vàng lá đỏ trong những ngày nắng nhạt, trong khi chị phàn nàn vì phải lo hốt lá bỏ đi để chuẩn bị cho những ngày lạnh sắp tới. Em lại luôn nhớ những mùa thu đẹp lúc em còn ở Nhật với những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và các hàng cây ngân hạnh chung quanh nội trú em ở.
Đối với chị em mình, Hoa Kỳ là đất nước thứ ba. Đối với em nuớc Nhật như là một quê hương thứ hai, sau quê Cha đất Tổ của mình. Em rời nước Nhật cũng đã lâu, nhưng mặc dù luôn bận rộn với những sinh hoạt hàng ngày, thỉnh thoảng em cũng xem TV, các tài liệu hay các phim Nhật để khỏi quên tiếng Nhật. Mấy tuần qua em xem những phim tài liệu về lịch sử Nhật Bản từ thời cổ đại Nara trong thế kỷ thứ 8, thời đại Heian, thời trung cổ Kamakura, Muromachi, thời đại Edo và những cải cách của triều đại Minh Trị Thiên Hoàng, mở đầu cho những bước nhảy lớn về mặt kỹ thuật của những năm Taisho, Showa… cả đến sau khi Nhật bị bại trận trong Thế chiến thứ hai, và những sự canh tân của họ cho đến bây giờ.
Lúc theo chương trình của đại học Nhật, em đã không muốn học môn Sử học Nhật mà chọn môn khoa học nhân văn khác cho đỡ rắc rối, vả lại chuyên khoa của em cũng không phải là ban Văn chương.
Tại Hoa Kỳ em vẫn gặp những cộng đồng của họ ở khắp nơi. Em rất cảm kích khi thấy người Nhật cố gắng gìn giữ văn hóa của họ từ đời nọ đến đời kia. Ngoại trừ một số người Nhật di dân vi sinh kế trước thế chiến thứ hai, hầu hết những trẻ em Nhật sinh ra ở Hoa Kỳ đều được cho đi học và biết đọc biết viết tiếng Nhật. Dù cha hay mẹ các em thành hôn với người Mỹ hay một người ở nước nào khác, các em được gia đình cho về Nhật hàng năm vào dịp nghỉ hè, để học hiểu thêm về văn hóa của mình.
Em không phải chỉ biết ca tụng nước Nhật mà quên đi đất nước của mình. Quê hương Việt Nam của những thập niên 60, 70, vẫn luôn ở mãi trong lòng em, dù đã qua nhiều năm sau ngày em được gia đình cho đi du học.
Chị Hai, em muốn nói với chị, em có ấn tượng rất sâu sắc về văn hóa lịch sử của nước Nhật qua các thời đại. Dù đã trải qua hơn một ngàn năm, chiếc áo Kimono của họ vẫn còn giữ tinh thần dân tộc đất nước Phù Tang. Dù là quốc phục của vua chúa, sứ quân, các vương phi, công chúa, dù là trang phục của hoàng tộc, của giới Samurai hay của dân gian, dù là phẩm phục hay áo cưới, áo tang, chiếc áo Kimono vẫn không thay đổi mấy. Em muốn nhấn mạnh đến chiếc áo Kimono của phái nữ. Dĩ nhiên theo thời gian và với sự tiến bộ của kỹ thuật, áo Kimono mang màu sắc và may bằng các loại tơ lụa khác nhau nhưng những điểm chánh vẫn còn được gìn giữ: cổ áo, tay áo, chiếc Obi và sợi dây thắt lưng buộc chặt ngoài áo, lớp áo trong và các sợi dây thắt bên trong, đôi vớ Tabi và đôi guốc gỗ Geta, hay đôi hài Zori. Tóc các phụ nữ Nhật được búi cao kèm theo chiếc trâm cài, hay cái lược giắt. Phụ nữ Nhật ở các lứa tuổi khác nhau vẫn còn mặc y phục cổ truyền này khi tham dự các Lễ hội, ngày Tết, các dịp đặc biệt như Trà đạo, cắm hoa Ikebana, lễ tốt nghiệp, đám cưới, đám tang. Họ vẫn giữ được vẻ duyên dáng, kín đáo nhưng hoạt bát, khiêm tốn nhưng tự trọng, và họ rất hãnh diện về chiếc áo Kimono và văn hóa của họ.
Chị Hai, nói đến truyền thống của người, em không khỏi ngẫm nghĩ đến sự thay đổi của quê hương mình. Chỉ mới mấy mươi năm thôi mà hầu như đã có quá nhiều biến đổi. Bản đồ Việt Nam không còn giống như bản đồ chúng em học ở bậc tiểu học. Văn hóa của mình cũng khác xưa, mà nhất là chiếc áo dài Việt Namcủa mình. Còn nhớ ngày xưa các chị học trường Áo tím, đến khi em vào lớp Đệ thất thì màu áo đồng phục đã thành màu trắng. Chiếc áo dài trắng với phù hiệu gắn trên cổ áo là niềm tự hào và là khuôn mẫu, là nền nếp giữ gìn và nhắc nhở em luôn nhớ mình là thanh nữ Việt Nam, là con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, luôn cấp tiến để theo kịp với nền văn minh của thế giới, nhưng vẫn không quên những truyền thống của Tổ tiên mình để lai. Bây giờ mình đã là người Mỹ gốc Việt, nhưng em vẫn giữ mãi quan niệm nầy.
Em luôn ấp ủ trong lòng những ngày xưa khi còn là nữ sinh cắp sách đến trường, khi cha mẹ mình còn sống, khi mà tất cả chị em mình còn quây quần trong buổi cơm tối ở nhà. Bây giờ rất nhiều việc thay đổi. Khi về thăm quê hương, nhiều điều nghe, thấy và cảm nhận, nhiều việc thay đổi làm mình cứ ngỡ là đang ở nơi xứ lạ, mà ngỡ ngàng nhất là sự thay đổi của chiếc áo dài trong tâm tưởng của em.
Chỉ qua cách ăn mặc mà nói, phụ nữ bây giờ có nhiều chọn lựa hơn, văn minh hơn, họ có thể trông xinh đẹp hơn; nhưng cái vẻ thuy mị dễ thương, cái nét nhu mì kín đáo của phụ nữ Việt đã “phai đi ít nhiều”.
Em còn nhớ thời chúng mình còn đi học, nết na đức hạnh là điều phụ nữ phải có trong xã hội Việt Nam. Quần áo mặc phải vừa vặn, không được chật quá, không được mỏng quá. Những cô thiếu nữ có bộ ngực nẩy nở nhiều có khi còn phải nịt cho chặt để khỏi bị người ta phê bình. Áo dài ngày nay lại được thiết kế theo Âu Mỹ, khoét trước, hở sau, vai, bên hông cũng hở, có khi cho thấy cả đồ lót và da thịt bên trong. Nhiều khi em nghĩ theo tâm lý, cái gì kín đáo càng khiến cho người ta muốn tìm hiểu thêm, chứ bày ra hết rồi, còn gì để mà khám phá? Cách tân theo các nhà thiết kế y phục Âu Tây, riết rồi cái áo dài cũng bị bầm dập tơi tả, Âu không ra Âu, Á không ra Á. Có kiểu trông như là mode của Victoria Secret. Em còn nhớ mẹ của chúng ta đã tiên đoán khi xem các show nhạc trên TV mấy năm trước khi bà qua đời: “Trong tương lai mấy cô gái chắc chỉ còn bận áo nịt ngực và cái quần bikini khi ra đường!” Lời tiên đoán này đã trở nên thật rồi.
Lại còn biến thành áo kiểu Tàu nữa. Có kiểu áo đi với nón hoàng hậu, nhưng bên dưới lại không giống ai; Hoàng hậu Nam Phương còn sống cũng phải giật mình! Lại có bán áo trên mạng mời gọi người ta mua “Áo dài siêu mỏng”. Em nhớ khi em ghé Sài Gòn trên đường đi công vụ ở Á châu sau hơn hai mươi năm xa quê hương, em đã ở qua đêm ở một khách sạn 5 sao. Em rất ngạc nhiên khi thấy các cô tiếp tân mặc áo dài và quần bằng vải thật mỏng. Em lại tình cờ nghe các khách ngoại quốc phê bình là “Con gái ViệtNam mặc đồ sexy quá”. Không biết có ai nhận những lời này như một lời khen không, chứ lúc đó em thật buồn cho thân phận người phụ nữ.
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Chị Hai, em chấm dứt thư này với bài thơ “Chân quê” của thi sĩ Nguyễn Bính. Nàng chỉ làm dáng khi ra tỉnh về mà thi sĩ đã van xin đừng bỏ vẻ chơn chất mà chàng yêu quý. Chiếc áo dài đã bị cắt xén và trở nên méo mó nhiều cách đã đành, chỉ mong tinh thần bên trong của người mặc áo vẫn còn nguyên vẹn, trinh trong.
Áo dài mà tự nó nói được, chắc nó sẽ yêu cầu: “Làm ơn để cho tôi yên.”
Không biết áo dài của chúng ta sẽ đi đến đâu? Tương lai chiếc áo dài trong tâm tưởng và quê hương bị lấy mất của chị em mình sẽ đi đến đâu?
Đời của ta mà tâm tưởng cũng là ta
Sao người nỡ dang tay phá bỏ?
(Trích từ “Đời qua sông”, Bách Việt)
Không biết chiếc “áo dài thời trang” sẽ còn…thời trang đến đâu? Nghĩ đến chiếc Kimono của phụ nữ Nhật lòng em thật buồn. “Chiếc Áo dài truyền thống” bị mất, người phụ nữ Việt Nam còn lại cái gì để tự hào? Biết nói ra sẽ làm nhiều người không vui, và có thể đã quá trễ, nhưng thật “chẳng đặng đừng”.
Phải chăng chuyện chiếc Áo dài chỉ là “chuyện nhỏ” trong muôn vàn chuyện lớn đang cần phải làm lại của đất nước Việt Nam?
GL Bách Việt
Mùa Thu 2016