Category Archives: SINH HOẠT HỘI
Bài nói chuyện của LS Ngô Tằng Giao nhân Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 2017
Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương hay gọi là Lễ Hội Đền Hùng từ xa xưa đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam nên đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của nước Việt ta. Đây là một ngày hội truyền thống để nhớ về nguồn, để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Tổ Tiên có công dựng nước thì gọi là Quốc Tổ chứ không phải là niên hiệu của một triều đại nào cả vì thế Giỗ Tổ mang bản sắc của dân tộc Việt chứ tuyệt nhiên không mang tính chất thiên về tôn giáo hay mê tín dị đoan.
Nghi lễ truyền thống Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh ở Lâm Thao, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ðền Hùng Vương được coi là cội nguồn, là biểu tượng tôn kính của dân tộc. Từ thời xa xưa, việc quản lý, cúng bái và làm Giỗ Tổ tại Đền Hùng được giao thẳng cho người dân tại địa phương đảm trách. Đổi lại dân tại đây được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và khỏi phải sung vào lính.
Sang thế kỷ 20, vào năm 1917 dưới triều vua Khải Định, theo lệnh của Bộ Lễ thời chính thức quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ phải cử hành quốc lễ này. Các quan phải mặc phẩm phục, lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế, làm lễ dâng hương. Đúng như tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại đền Hùng:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà,
Non nước vẫn quy về đất Tổ,
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc,
Giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.”
Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng Hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975. Ngày lễ này được long trọng tổ chức không phải chỉ là một buổi lễ để thể hiện lòng thành kính tri ân công lao tạo dựng nước của các vua Hùng, mà còn để tri ân các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, ghi ơn tất cả những anh hùng liệt sĩ đã xả thân chống ngoại xâm, bảo vệ non sông trong suốt chiều dài lịch sử VN. Ngày lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con dân người Việt.
Ca dao trong dân gian Việt Nam có nhưng câu lưu truyền từ xa xưa:
Như câu:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Dù ai đi gần về xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười.”
Hoặc câu:
“Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ ngày Giỗ Tổ rủ nhau ta về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Ba tế Tổ ta về cho đông.”
Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của dân tộc Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, là di sản văn hoá thế giới. Sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá cao, sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại. đồng thời thừa nhận đời sống tâm linh vốn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.
Trong nhiều thập niên, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã bị nhà nước cộng sản VN bỏ bê. Mãi đến tháng 4 năm 2007, quốc hội của cộng sản VN mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nhưng trong thực tế cộng sản VN có bản chất “hèn với giặc” khi phản bội những sự hy sinh của tiền nhân, đã tốn biết bao nhiêu xương máu, để giữ gìn và bảo vệ bờ cõi. CSVN đang từ từ bán rẻ đất nước cho Tầu cộng, từ đất liền cho đến biển và đảo thân yêu:
Ở vùng biên giới, Tầu cộng đã chiếm cứ hàng ngàn cây số nào là Ải Nam Quan, nào là Thác Bản Giốc v.v… Các quần đảo và biển của VN như Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn Biển Đông đều bị Tầu cộng chiếm lấy hoặc tuyên bố chủ quyền rồi xây dựng thêm đảo nhân tạo cùng thiết đặt khí cụ quân sự.
Người Tầu đã có mặt trên toàn cõi VN. Chúng chiếm đóng các vị trí chiến lược. Các đặc khu Tầu mọc lên như nấm. Nào là khu phố Tầu Bình Dương mang tên Trung Tâm Thương Mại Đông Đô mà nhân viên công lực VN không được vào kiểm tra; nào là một nghĩa trang dành riêng cho người Tầu ở tỉnh này với khoảng 20 ngàn ngôi mộ được gọi là “Lãnh sự quán âm phủ” của Trung cộng. Và còn nhiều nơi khác nữa ở rải rác trên đất Việt… Dân Tầu vào VN không cần Visa nhập cảnh và hầu như tự do đi lại trên khắp đất nước.
Việt Nam thời nay còn lệ thuộc về kinh tế, chính trị và văn hoá Trung cộng. Về đầu tư xây dựng nhà thầu Trung cộng hầu như thắng thầu hầu hết những công trình quan trọng. Trung cộng chiếm lĩnh thị trường VN.
Đảng cộng sản VN vẫn không dám nhắc đến và không dám làm lễ tưởng niệm 2 cuộc chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa vào các năm 1974 và 1988, nơi người quân nhân VN tuy của hai miền khác nhau, đã phải hy sinh thân xác trong sứ mạng thiêng liêng chung là phục vụ quốc gia dân tộc, bảo quốc an dân.
Lại còn chuyện về lá “cờ sáu ngôi sao”. Cờ sáu ngôi sao xuất hiện công khai ở Trung cộng trong khi cờ chính thức Trung cộng là cờ 5 ngôi sao. Đó là kết quả của việc cộng sản VN xin gia nhập vào làm một khu tự trị của Trung cộng. Cờ 6 sao xuất hiện công khai ba lần ở VN: Lần 1 năm 2010, tại Lễ hội Ẩm thực Quốc tế tại Vũng Tàu. Lần 2 năm 2011, trên đài truyền hình VN. Lần 3 năm 2011, các em bé VN phải vẫy cờ 6 sao để chào mừng Tập Cận Bình.
Cộng sản VN còn là một ngụy quyền với bản chất “ác với dân”. Đáng lẽ phải tập trung tổng lực dân tộc để đối phó với ngoại bang theo truyền thống Phù Đổng thời Hùng Vương, nhà nước lại quay qua đàn áp dã man các nhà tranh đấu dân chủ trong nước, bắt giam và khủng bố những người yêu nước dù người dân chỉ biểu tình ôn hòa, không bạo động. Cộng sản VN trấn áp các cuộc biểu tình yêu nước của sinh viên. Cấm người dân bày tỏ phản đối chống lại những hành động xâm lăng của Trung cộng. Cấm những bài viết kêu gọi chống ngoại xâm. Cộng sản VN đã làm tê liệt sức đối kháng, làm thui chột lòng yêu nước của toàn dân ở trong nước.
Thật đáng buồn vì khi thành lập đảng cộng sản VN năm 1930, Hồ Chí Minh xác định: ”Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một nền văn hóa. Một phong tục…” Sau này văn nô Tố Hữu cũng đã thêm hai câu thơ: “Bên này biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương”. Nguyễn Văn Linh cũng từng nổi tiếng với câu nói để đời: ”Tôi biết rằng đi với Trung Quốc là mất nước nhưng thà mất nước còn hơn mất Đảng!”
Đất nước Việt Nam ta đã từng bị trải qua “1000 năm nô lệ giặc Tầu” trong 4 thời kỳ Bắc thuộc. Thế kỷ 21 này Việt Nam không thể nào để tái diễn nạn “Bắc thuộc” một lần thứ năm như thế nữa. Đó là bổn phận của toàn dân
Sau 30.4.1975 người Việt chúng ta ra đi ở rải rác khắp năm châu không chỉ mang theo niềm nhung nhớ quê hương mà còn mang theo cả truyền thống sinh tồn của dân tộc và sinh hoạt của người Việt vẫn giữ những nét đặc thù. Chúng ta cùng đồng bào ở trong nước đều kỷ niệm Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương coi như một ngày lễ lớn, một quốc lễ trọng đại vì bao hàm cả Tổ Quốc và luôn cả Tổ Tiên. Mong ước tiếp nối truyền thống cho các thế hệ mai sau:
“Vạn nẻo giòng Nam tìm đến gốc
Ngàn phương giống Việt trở về nguồn.”
Đối với người Việt tha hương nói chung thì tất cả các ngày Lễ Dân Tộc ở nước ngoài còn quan trọng hơn khi còn ở quê nhà. Trong những ngày đại lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta mới có cơ hội nhắc nhở con cháu và đồng hương nhớ về cội nguồn, chớ quên phong tục tập quán của người Việt. Dân tộc Việt đã trải qua bao thời kỳ hưng vong, nhưng vẫn tồn tại chính là nhờ ở truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
Chúng ta còn tạo ra cơ hội cho giới trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người biết dù ở phương trời nào mình cũng vẫn là người Việt, “con Rồng cháu Tiên”, biết về niềm tự hào văn hóa của dân tộc Việt, học hỏi về phong tục cổ truyền của dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước rất anh hùng của cha ông mà nhận lãnh sứ mạng tiếp nối những truyền thống cao đẹp do ông cha để lại, tương lai sẽ là những người kế thừa các bậc cha anh.
Các nước ở Đông Nam Á thường thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ. Việc thờ Quốc Tổ làm cho tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua. Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại có bổn phận thiêng liêng cùng với đồng bào cả nước, góp phần đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Việt Nam, và khỏi hổ thẹn với những vị Vua Hùng, những tiền nhân đã sáng lập ra đất nước Việt, để không phụ ơn vong linh người xưa. Luôn nêu cao tình thần đoàn kết của người Việt trong cộng đồng thế giới.
Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương chúng ta cùng cầu nguyện mong đảng cộng sản bán nước phải bị giải thể, cho đêm đen đọa đầy ở quê nhà sớm trôi qua. Chúng ta kính cẩn dâng nén tâm hương lên bàn thờ Tổ, xin Quốc Tổ Anh Linh Phù Trợ Cho Quốc Gia Việt Nam được toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, người dân Việt được thật sự hòa bình và độc lập, tự do, hạnh phúc!
(Bài nói chuyện của LS. Ngô Tằng Giao trong Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương
tại Luther Jackson Middle School, Falls Church, VA, ngày 1 tháng 4 năm 2017)
Bài diễn văn của Nữ sĩ Trương Anh Thụy nhân ngày Lễ Tưởng Niệm Nhị Vị Trưng Vương
Kính thưa quý trưởng thượng
Kính thưa quý quan khách
Kính thưa các chị em phụ nữ,
Năm nay là năm thứ 42 kể từ cuộc di tản 1975. Riêng ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tôi được biết chính xác là cộng đồng chúng ta đã tổ chức lễ tưởng niệm Nhị Vị Trưng Vương tới 40 lần, tức là kể từ năm 1978 khi người Việt tỵ nạn còn chưa hẳn đã an cư lạc nghiệp.
Buổi lễ kỷ niệm Hai Bà lần đầu tiên tại vùng Hoa Thịnh Ðốn đã được tổ chức trọng thể tại Trung Tâm Cộng Ðồng Việt Nam, lúc bấy giờ tọa lạc nơi khuôn viên trường tiểu học Page thuộc quận Arlington do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sáng lập. Thấy người Việt quần áo chỉnh tề, nhất là các phụ nữ thướt tha trong áo dài muôn sắc, hớn hở rủ nhau về dự lễ, báo chí Mỹ trong vùng không khỏi lấy làm lạ là cộng đồng chúng ta thời ấy còn phải vật lộn với hoàn cảnh khó khăn trên vùng đất mới, mà đã nghĩ ngay đến việc bảo tồn những mỹ tục như ngày Tết, lễ Hai Bà… Ngày hôm sau buổi Lễ Hai Bà năm đó, đã có ngay một bài dài trên báo Washington Post hết mức ca tụng một sinh hoạt văn hóa phong phú của người Việt.
Ký giả bài báo ngạc nhiên được biết là chuyện Hai Bà đã xẩy ra cách đấy gần 2000 năm, mà những ông già bà cả hãy còn giảng dạy cho con cháu mình nghe như chuyện mới xảy ra và đã có tập tục này tự hàng bao thế kỷ, có lẽ cũng từ ngày chúng ta lấy lại được độc lập từ tay người Tầu. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cũng lấy ngày lễ đó làm “Ngày Phụ Nữ Việt Nam.” Một ngày lễ dành riêng cho phụ nữ như thế đã không có trong nước Trung Hoa phong kiến khi họ còn đặt nặng vấn đề trọng nam khinh nữ. Về phương diện này, không những ta đi trước Trung Hoa, mà nếu tôi không lầm, ta còn đi trước cả các nước Tây phương hàng thế kỷ. “Women’s Day” ở Mỹ mới có từ năm 1909, và Hội nghị Thế Giới Phụ Nữ lần thứ năm mới chỉ xẩy ra vào mùa thu năm 1995 ở Bắc Kinh.
Người Mỹ đã học được ở buổi Lễ tưởng niện Hai Bà những gì?
– Thứ nhất là địa vị rõ ràng bình đẳng của phụ nữ trong truyền thống Việt Nam.
– Thứ hai là việc duy trì truyền thống tôn vinh các vị anh thư, anh hùng của chúng ta đã giúp cho dân tộc Việt Nam là một dân tộc sống có ơn có nghĩa, biết ngọn, biết nguồn, để còn truyền dòng máu đó từ thế hệ này đến thế hệ khác, tự ngàn xưa cho đến ngàn sau.
Riêng chúng ta nhớ được gì về Hai Bà?
Nhiều người và cũng có một số sử gia, nghĩ là công trạng hai Bà chỉ có mỗi điều đáng nhớ, đó là đuổi được quân nhà Hán ra khỏi bờ cõi nước ta để dựng một cơ đồ kéo dài không đầy ba năm trời. Song nếu một cuộc kháng chiến kéo dài có ba năm mà không để lại một dấu ấn hào hùng làm gương sáng cho hậu thế thì chưa chắc đã dài lâu đủ để có thể ghi vào tâm khảm của người dân, so với những cuộc kháng chiến bền bỉ hơn thế nhiều, như các cuộc kháng chiến chống Tầu thời Nhà Lê hay ngay như của Hoàng Hoa Thám–Con Hùm Xám Yên Thế–chống Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 chẳng hạn…
Thực vậy, trường hợp Hai Bà đặc biệt ở chỗ là chỉ trong vòng không đầy nửa năm mà Hai Bà đã thu phục được 65 thành trì trên toàn cõi đất nước thu cả giang sơn về một mối, gieo khiếp đảm vào trong lòng những binh lính chuyên nghiệp, hung hãn của nhà Hán. Điều đó chứng tỏ rằng, người Việt thời bấy giờ đã nhìn ra rất rõ bản sắc dân tộc của chính mình để mà vùng lên lấy lại chủ quyền quốc gia dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà. Lịch sử đã chứng minh được rằng trong những người theo về với Hai Bà không những chỉ có đàn ông dũng tướng mà còn không thiếu những gương phụ nữ sau này lừng danh cho đến nghìn năm sau để giờ đây còn được thờ phượng không những ở các vùng đồng bằng miền Bắc mà còn ở các miền Trung du. Theo nhà văn Trần Ðại Sỹ, người đã từng đi khảo sát trên thực địa ở miền Nam Trung Hoa thì Hai Bà còn được thờ tận gần Ðộng Ðình Hồ, bên Tầu. (Xin xem bộ Anh Hùng Lĩnh Nam của Yên Tử Cư Sĩ.)
Sau khi đuổi được quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, Hai Bà đã dựng lên một triều đình ở Mê Linh, mà cái lạ lùng nhất, có lẽ không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, là chị em đã cùng lên ngôi Nữ Vương, đồng trị vì đất nước.
Sở dĩ Hai Bà đạt được những kết quả to lớn trên, là do Hai Bà có được một nhân cách lớn, một tâm hồn dũng liệt của bậc cân quắc anh hùng. Hai Bà đã vượt được lên trên cái “Nữ nhi thường tình”, không chỉ trau dồi “Công, dung, ngôn, hạnh” mà còn lo toan mưu đồ việc lớn vì quan niệm việc cứu dân cứu nước ra khỏi ách cai trị của ngoại bang là việc chung, trai cũng như gái. Ở đây tôi phải xin mở một dấu ngoặc: “Các câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các nữ tướng khác được một số sử gia trích dẫn để làm bằng chứng cho luận điểm rằng xã hội Việt Nam trước khi bị Hán hóa là một xã hội mẫu hệ (hay còn gọi là chế độ mẫu hệ), trong đó phụ nữ có thể giữ vai trò lãnh đạo một cách rất tự nhiên mà không gặp một trở ngại nào.
Chúng ta sẽ đừng bao giờ để bất cứ ai, kể cả các sử gia, nhà văn, nhà thơ, nhà báo nhà giáo… nói rằng Hai Bà nổi lên đánh đuổi quân Tầu là để trả thù cho chồng bà Trưng Trắc là ông Thi Sách bị Tô Ðịnh, tên thái thú Tầu gian ác giết đi. Hãy đừng bị choáng ngợp bởi các sử gia tiền bối như sử gia Lê Ngô Cát từ thời vua Tự Đức (cuối thế kỷ18) viết về Hai Bà trong cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca với những câu như:
“Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi chống với anh hùng được nao.”
Thật là sặc mùi trọng nam khinh nữ đến độ coi cả giặc là anh hùng, coi Hai Bà chỉ là “nữ nhi.”
Chúng ta đừng quên Hai Bà là con gái quan Lạc Tướng. Từ thuở nhỏ, nào đã biết ông Thi Sách là ai, Hai Bà đã được thân phụ huấn luyện binh khí để nối dõi binh nghiệp của cha. Nếu không phải vì lòng yêu nước, nếu không phải vì ôm ấp lý tưởng sẽ có một ngày đánh đuổi quân Tầu xâm lược để giải cứu quê hương thì tại sao Hai Bà lại chịu khó tập luyện để rồi khi có biến là Hai Bà đã sẵn sàng nổi dậy trong chớp nhoáng. Rõ ràng là việc ông Thi Sách bị giết chỉ là một cái cớ, một cao điểm, khiến Hai Bà không còn phải chần chờ gì nữa mà quyết định dấy binh vào ngay lúc đó.
Bài học cho chúng ta ngày hôm nay là gì?
Nhìn lại 42 năm về trước, sau “cơn sóng thần” năm 1975 trên đất nước chúng ta, tất cả mọi sự đều đảo lộn ập xuống đầu mọi người con dân Việt, khiến cho người ra đi, kẻ ở lại đều xếch vếnh sang vang như nhau, mà trong đó giới phụ nữ vốn chân yếu tay mềm bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Kẻ ở lại thì trực diện cảnh trả thù đê tiện của “bên thắng cuộc”, lặn lội núi cao rừng sâu đi tìm chồng tù tội, nuôi mẹ già, con dại trong cảnh kỳ thị o ép… Kẻ ra đi đến được thế giới tự do thì cũng phải trải qua bao nhiêu thử thách, cấp tốc thích nghi với đời sống mới, văn hóa mới, ngôn ngữ mới… cố gắng học được một tay nghề, dù có nhiều trường hợp chẳng cả hợp với khả năng của mình, miễn sao có tiền nuôi con cho ăn học. Có khi còn làm ngày làm đêm để có thêm tiền gửi về bên nhà nuôi chồng, nếu còn ở trong tù, nuôi mẹ, anh chị em nếu còn bị kẹt ở lại!
Vậy mà chỉ chưa đầy 5 năm, 10 năm, 20 năm… cho đến nay là hơn 40 năm nhìn lại, chúng ta thấy gì? Thế giới thấy gì? Không còn nghi ngờ gì nữa, các mầm non mà chúng ta mang ra với thế giới bên ngoài đại đa số là những phần tử ưu tú. Có biết bao nhiêu con em chúng ta nổi bật giữa giới trẻ bản xứ ở mọi ngành nghề, văn chương, nghệ thuật, y khoa, dược khoa, luật khoa, kinh tế, chính trị… thậm chí đến cả thể thao, quân sự, khoa học… Hai mươi, ba mươi năm trước khi có dịp nói đến tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại tôi còn kê ra được một danh sách dài, tới nay thì vô phương, không nhẽ tôi đứng đây suốt buổi để nêu danh các cô cậu Việt Nam xuất sắc, mà vẫn lo rằng còn có thể thiếu sót!
Nói đến phụ nữ Việt Nam mà không nói gì đến phụ nữ Việt Nam bên nhà thì thật là một thiếu sót lớn. Nhưng nếu phụ nữ hải ngoại tạo được những thành tựu lẫy lừng làm vẻ vang dân Việt thì ở bên nhà sau hơn 40 năm cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, đã đưa cả nước vào cảnh bần cùng khốn khó thì phụ nữ bên nhà trong cái guồng máy khổng lồ đó gánh chịu hậu quả thê thảm hơn so với nam giới nhiều lắm, thế mà trong cái tình trạng tuột dốc chóng mặt đó, vẫn có những phụ nữ, những em gái, cháu gái ở cả lứa tuổi rất trẻ đã ý thức được trách nhiệm của một công dân trong cơn “sơn hà nguy biến”, đã can trường đứng lên ngay giữa lòng địch, bất chấp sự đàn áp dã man, vô nhân tính của cộng sản để mà kịch liệt phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc và sự bán nước của tập đoàn lãnh đạo. Người bị tù đầy với những bản án rất nặng, người bị đánh đập dã man trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Cũng có những bà mẹ tự thiêu để phản đối việc con gái bà bị tù đầy oan khuất. Có những phụ nữ kiên trì hết năm này đến năm khác, làm dân oan khiếu kiện đòi đất, đòi nhà… Có các nữ công nhân quả cảm tổ chức và tham gia biểu tình, đình công… phản đối sự bất công, bóc lột của chủ ngoại quốc và sự đồng lõa bao che của chính quyền mình. Cái danh sách của các vị anh thư này cũng lại quá dài khiến tôi không thể kê hết ra ở đây được.
Tất cả những tinh thần cầu tiến, những tinh thần bất khuất đó ở đâu mà ra nếu không phải là do tinh thần Hai Bà tác động lên mỗi người con dân Việt? Nếu có dịp thử DNA tôi tin dám có thể mỗi chúng ta đều có DNA của Hai Bà!
Kính thưa quý vị,
Hôm nay là ngày mùng 4 tháng 2 tại đây, nhưng là mùng 5 tháng 2 tại quê nhà. Ngày hôm nay, cùng giờ này, tại quốc nội đang có cuộc biểu tình ôn hòa, đồng khởi từ Nam ra Bắc của những người con dân Việt yêu nước, của các nhà dân chủ tranh đấu phản đối quân tham tàn Trung Cộng đang manh tâm dần dần thôn tính nước ta, với sự đồng lõa, hèn với giặc ác với dân, của đảng cộng sản Việt Nam bán nước, đang tâm đàn áp dân mình để tiếp tay cho các hành vi bất chính của giặc.
Cuộc chiến không cân sức, lấy trứng trọi đá này của đồng bào quốc nội thật là cam go, thật là nguy khốn, nhưng với lòng yêu nước sôi sục, với ý chí quật cường được hun đúc bởi các anh hùng liệt nữ như Hai Bà Trưng, bà Triệu, như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, như Cô Giang, Cô Bắc thời nay…v…v… thì chúng ta hãy tin là cuộc chiến này cũng sẽ phải đem đến thành công.
Hôm nay nhân ngày Lễ Hai Bà, xin quý vị hãy cùng chúng tôi hướng về Quê Hương Việt Nam yêu dấu, thành tâm cầu nguyện Hai Bà phù hộ cho các Con Cháu chân cứng đá mềm để cuộc chiến trường kỳ này và đặc biệt cuộc biểu tình toàn quốc đang diễn ra tại đây mang được cái tinh thần, cái hào khí của một Hội Nghị Diên Hồng, một vùng Mê Linh ngời sáng, một Trận Đống Đa, một trận Bạch Đằng…vv… để giải thể được đảng cộng sản bán nước, và đuổi được bọn Trung Cộng tham tàn độc ác ra khỏi lãnh thổ của Tổ Tiên để lại, hầu cứu được toàn dân thoát khỏi ách Bắc thuộc một lần nữa./.
TRƯƠNG ANH THỤY
Tiểu sử Trương Anh Thụy:
Sinh tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, học trường nữ trung học Trưng Vương 54-56, du học tại Hoa Kỳ 1961, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ với chồng và con. Có một thời gian dài được sống với thân phụ là họa gia thủy mạc Tá Chi Trương Cam Khải và thân mẫu, nữ sĩ Kim Y Phạm Lệ Oanh. Cả hai cụ đã khuất núi từ cuối thế kỷ XX.
Được huấn luyện trong ngành sư phạm, bà đã theo đuổi trong nghề dạy học cho đến ngày về hưu. Bên cạnh đó, bà đã đóng góp, từ trước 1975, vào các công tác từ thiện, xã hội trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Đồng sáng lập hội từ thiện Vietnam Refugee Fund, Inc. (1975). Chủ tịch chi nhánh vùng Hoa Thịnh Đốn của Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat Poeple S.O.S. Committee), trụ sở chính ở San Diego (California); tiếp nối là một trong những người sáng lập Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS, Inc., Virginia), tại đây bà làm Chủ tịch Ban Quản Trị đầu tiên trong nhiều năm.
Trương Anh Thụy lập ra nhà xuất bản Cành Nam năm 1984. Năm sau cùng với Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ và Nhóm Xác Định lập Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ. Cơ sở xb này còn hoạt động cho đến ngày hôm nay (2014).
Bà cộng tác với nhiều báo chí ở hải ngoại và đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhiệm kỳ 1991-1993, thời nhà văn/nhà thơ Trang Châu làm Chủ tịch.
Thơ của Trương Anh Thụy đã được dịch sang tiếng Anh do GS. Nguyễn Ngọc Bích (trong War & Exile, A Vietnamese Anthology, Vietnamese P.E.N., East Coast U.S.A., 1989; Trường Ca Lời Mẹ Ru – A Mother’s Lullaby, Cành Nam, 1989) và GS. Huỳnh Sanh Thông (An Anthology of Vietnamese Poem, New Haven: Yale University Press, 1996). Bà được giới thiệu trong tuyển tập “20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” (Đại Nam xb 1995), cũng như trong từ điển Tác Giả Việt Nam / Vietnamese Authors do Lê Bảo Hoàng sưu tập (Sóng Văn, 2005). GS. Nguyễn Đình Hòa cũng đã điểm sách cuốn “Trạm Nghỉ Chân” trong World Literature Today của Đại Học Oklahoma (1994).
Nhiều bài thơ của Trương Anh Thụy đã được Nguyễn Ngọc Bích phổ nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành cũng đã phổ bài “Đêm mơ thấy Hai Bà mắng” và “Hình ai” trong <danchuca.org>.
Sự nghiệp văn học của Trương Anh Thụy được nhắc đến trong The Oxford Companion to Women’s Writing in the United States (Oxford University Press, 1995), và được giới thiệu trên những diễn đàn như tạp chí Indochina Chronology (tháng 7-9, 1990) cũng như tại hội nghị quốc tế hằng niên của Hội Á Đông Học (Association of Asian Studies, 25-28 tháng 3, 1993).
Tác phẩm đã xuất bản:
Của Mưa Gửi Nắng (Thơ, 1984), Trường Ca Lời Mẹ Ru (Kèm theo bản dịch Anh ngữ của Nguyễn Ngọc Bích và 30 bức minh họa của hoạ sĩ Võ Đình, 1989), Trạm Nghỉ Chân (tập 1 trong trường giang Chuyển Mùa, 2004), Ánh Mắt (tập truyện, 1998), Chuyển Mùa (bộ trường giang tiểu thuyết) đã đoạt Giải Văn Học 2004 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do