Tản Mạn Chuyện Chữ Hán-Việt

Trịnh Bình An

hanviet tu dien

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích và giỏi chữ Hán-Việt.

Tôi gọi người không thích là “Anti-HV”, còn người thích là “Pro-HV”.

Anti-HV không thích chữ Hán-Việt tới mức hễ cứ đụng tới chữ Hán-Việt là anh lại loay hoay dịch nó ra chữ thuần Việt cho bằng được.

Như có một lần tôi dùng chữ “thậm chí” trong câu “Công an lấy đất của dân, thậm chí người có công với ‘cách mạng’…” Thế là Anti-HV gạch đánh xoẹt chữ thậm chí, bảo tại sao không viết cho dễ hiểu hơn như: “Công an lấy đất của dân, ngay cả người có công với ‘cách mạng’…”.

Tôi trả lời rằng “ngay cả” không sai nhưng nghe không mạnh bằng “thậm chí”. Chữ “thậm” dấu nặng nên nghe như cái búa của ông quan tòa giáng xuống một cái đùng, nghe đanh thép hơn chứ.

Anti-HV nhất định không chịu thua, bảo mình có tiếng mình thì dùng, mắc gì dùng chữ người. Tôi cười xòa, không cãi nữa nhưng tự nhủ cái bệnh dị ứng chữ Hán-Việt của gã này đã đến độ “thậm chí … nguy”.

Mà cái sự ở đời nó lạ lắm, khi mình ghét cái gì thì mình sẽ lại chú ý tới cái đó hơn, hơn cả những cái mình ưa thích nữa, nên Anti-HV từ khi treo bảng “Nói Không với chữ Hán-Việt” thì đâm ra phải tìm hiểu chữ Hán-Việt tỉ mỉ hơn để hòng cãi lại người thường dùng chữ Hán-Việt là tôi.

Lần khác, tôi viết chữ “bao tử”, Anti-HV không chịu, bảo phải gọi là “dạ dày” vì chữ “bao tử” có chữ “bao” nghĩa là “bọc” và chử “tử” nghĩa là “con”, vậy “bao tử” nghĩa là “bọc lấy con”. Anti-HV còn bảo rằng chữ “bao tử” vẫn được dùng để chỉ động vật còn là thai trong bụng mẹ như “heo bao tử” hoặc trái cây còn rất non như “mướp bao tử”. Kết luận, “bao tử” đúng ra phải là “dạ con”.

Tôi bèn vào tự điển tìm, chỉ thấy chữ “vị” là chữ Hán-Việt chỉ dạ dày, như trong câu “ăn cháo nấm hương để bổ tỳ vị” (lá lách, dạ dày) mà thôi, không thấy chữ “bao tử”.

Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát, cãi rằng người mình quen dùng chữ “bao tử” rồi, dù có sai cũng rất khó sửa lại, như chữ “cải lương” trước kia vẫn được dùng với nghĩa tốt là “thay đổi [cải] cho tốt hơn [lương]”, thế nên mới có bộ môn nghệ thuật hát Cải Lương,

Nhưng bây giờ thì ai cũng dùng chữ “cải lương” với ý chê bai là “(ăn mặc) lòe loẹt sặc sỡ (như đào kép hát Cải Lương)”. Bây giờ có ai dám dùng chữ “cải lương” theo nghĩa ban đầu nữa đâu? Cũng thế, “dạ dày” là “bao tử”, còn “dạ con” là “tử cung”, xài lẫn lộn thiên hạ lại bảo rằng mình hâm.

Gần đây nhất, tôi dùng chữ “vô song” trong câu “sức mạnh vô song”, thế là người yêng hùng chống (giặc) Hán hùng dũng diệt ngay chữ “vô song” tội nghiệp của tôi và sửa thành… “sức mạnh không hai”.

Tôi đọc lại, cười muốn té ghế. Vừa phải thôi, “vô song” mà đổi thành “không hai” thì nghe có khác gì “máy bay trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”. Nhưng Anti-HV cứ cãi, cho rằng “vô” là không, “song” là hai (như “song sinh” là hai đứa bé cùng sinh ra), vậy “vô song” là “không hai” chứ gì nữa.

Tôi thuộc loại chữ Việt chưa đầy lá mít, chữ Hán-Việt chưa đủ lá me nhưng nhất định không chấp nhận cái “zero two” này, bởi lẽ, “vô song” đi kèm với chữ “sức mạnh” chỉ có nghĩa bóng là “mạnh ghê lắm” chứ không theo nghĩa đen là “không ai sánh bằng”.

Ngoài ra người ta thường nói “Có một–Không hai” để dịch câu “Độc nhất–Vô nhị”, nếu như dùng chữ “không hai” cụt ngủn thì thế nào người đọc cũng bảo người viết dốt thành ngữ.

Kể ra lỳ lợm như Anti-HV cũng là “có một, không hai”. Thôi, một cũng đủ chết cha người ta.

May sao anh bạn kia, Pro-HV, là kẻ “cùng phe” với tôi.

Pro-HV vốn là dân Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975 với cử nhân Việt Hán hẳn hoi. Chính vì rành chữ Hán hơn người bình thường nên Pro-HV cứ phom phom viết những chữ Hán-Việt lạ hoắc như “thống hợp”, “ố kỵ”, “xung tranh”,… rồi tưởng ai đọc cũng hiểu như mình..

Nói của đáng tội, có được người bạn biết chữ Tàu là may cho tôi, ví như có cuốn tự điển Hán Nôm biết nói, lại biết tra cứu giùm mình, thật tiện lợi trăm bề. Ví dụ những cái tên Trung Hoa, Pro-HV có thể phiên âm chớp nhoáng. Gì chứ tôi không thể nghe vô mấy chữ phiên âm tiếng Tàu pinyin (1).

Nghĩ mà xem, khi trong bài viết có một đống tên Tàu mà nếu cứ để y sì chữ pinyin thì đọc lên sẽ ra thế nào? Thay vì Lưu Hiểu Ba thì là Liu Xiaobo, Mao Trạch Đông thì là Mao Tse-tung (hay Mao Zedong), còn Lý Bạch sẽ ra Li Po (hay Li Bai), v.v. Vậy là thay vào những âm thanh mềm mại dễ thương của tiếng Hán Việt sẽ là một mớ tiếng động loảng xoảng chát chúa “tchùng, tchéng, tchỏng”, “xằng, xáo, xẻng”, “pạch, pỉn, páo”… Ôi thôi, nghe điếc cái lỗ tai!

Nhờ có Pro-HV, tôi còn hiểu thêm nhiều điều thú vị về chữ Hán-Việt mà chỉ có dân “pro” mới biết. Như ba chữ Hán-Việt “vô”, “phi” và “bất” đều mang nghĩa Việt là “không” (như  trong “không có, không còn”).

Pro-HV nói:

– Còn điều này nên biết thêm. Theo văn phạm tiếng Tàu, đi sau chữ “VÔ” và chữ “PHI” phải là Danh Từ, như trong “vô lý, vô danh, vô đạo đức” và trong “phi nhân, phi pháp, phi chính phủ” ; nhưng sau chữ “BẤT” lại phải là Động Từ, như trong “bất bạo động, bất tòng tâm, bất biến, bất thành nhân dạng”, v.v.

– Thật không, tôi vẫn thấy chữ “bất” đi chung với danh từ nhiều lắm, như câu “Vô độc bất trượng phu”?

– Câu “Không độc địa không là đàn ông”? Tôi nghĩ động tự “là” (“thị” trong chữ Hán-Việt) có thể đã được bỏ ra ngoài, được hiểu ngầm, giống như ta vẫn bỏ qua những chữ “thì, là, mà, rằng” để câu văn bớt nặng nề. (4)

– Vậy “bất lực” thì sao? “Bất lực” nghĩa là “không đủ sức”, như “Nhà cầm quyền bất lực trước nạn tham nhũng”. Chữ “lực” là danh từ kia mà?

– Trong tiếng Tàu làm gì có chữ “bất lực”, chỉ có chữ “vô năng” thôi. “Năng” là danh từ nên đi kèm với “vô”.

– “Vô năng”? Chữ gì lạ hoắc, chưa nghe qua.

– À, thì mình là người Việt chứ có phải người Tàu đâu mà chữ nào của Tàu mình cũng xài.

Câu chuyện của hai chúng tôi dừng tại đây. Bẵng đi mấy ngày, bỗng tôi nhận được email của Pro-HV, anh cho biết:

– Tôi đi tìm lại chữ “bất lực”, tình cờ tìm ra website này “Trung Hoa Tự Điển Từ Điển” (http://dict.zwbk.org/index.aspx) để tra song song với “Hán Việt Từ Điển” của cụ Đào Duy Anh. Kết quả, thấy rằng cái nguyên tắc “chữ ‘bất’ không đi trước danh từ” mình vẫn tưởng là đúng, nhưng thật ra có nhiều ngoại lệ quá: “bất nghĩa”, “bất nhã”, “bất nhân”, “bất nhất” (tiền hậu bất nhất)…

  • Ngay cả “bất lực” 不力 cũng có trong từ điển Tàu, với nghĩa “ineffective”. Trong Trung Hoa Tự Điển cũng còn ghi luôn cả thành ngữ “lãnh đạo bất lực” 領導不力 (ineffective leadership) nữa chứ. Đồng thời cũng có cả chữ “vô năng” 無能 được dùng để dịch nghĩa “powerless”; những người không ưa ông Tổng Thống Mã Anh Cửu của Đài Loan đang xài chữ này để chỉ trích ổng trên Net.

– Nhưng tôi dám cá, người mình chỉ nói “đàn ông bất lực”, chả ai nói “đàn ông vô năng” đâu.

– Ấy, không, không, cái này lại khác nữa.  Nói chữ “bất lực” ở đây là ý gì? Là “công không ngủ” đó hả? Không được, vì cả từ điển Tàu và từ điển Hán-Việt đều không ghi “bất lực” với nghĩa “sexually impotent”, không hiểu tại sao lại thành như thế . Nhưng theo tôi nghĩ đây có lẽ là một hình thức biến thể của chữ Hán-Việt : mượn nghĩa trừu tượng của chữ “bất lực” để mô tả một trạng thái cụ thể về sinh lý, rồi vì được dùng quen lâu ngày trở thành một nghĩa mới chăng? Nhưng người Tàu dùng chữ khác cơ …

– Vậy à, chữ gì?

– “Liệt dương”, “tánh vô năng” hay “dương nuy”. Nhưng về cái vụ “này” thì phải dùng chữ của Yên Tử Cư Sỹ mới tuyệt chính xác.

– Yên Tử Cư Sỹ – Trần Đại Sỹ phải không? Ổng nói cái gì?

– “Dương bất cử – Cử bất kiên”

– Hà, để đoán thử coi: “dương bất cử” thì “cử” nghĩa là “đưa lên”, như trong “cử tạ”. Vậy “dương bất cử” nghĩa là cái “dương” nó không đưa lên được. Còn “cử bất kiên” thì chịu, không đoán được.

– “Kiên” là “giữ được lâu” như trong “kiên trì” ấy mà.

– Hahaha, thì ra là vậy, “cử bất kiên” nghĩa là “ngóc lên nổi nhưng dek giữ được lâu”.

– Chính thế. Thành ra nếu muốn nói đến chứng “bất lực” thì phải gồm đủ cả hai trạng thái nguy nan là “không lên và không lâu”, tức là anh nhỏ không chịu ngỏng lên cho, mà dù ảnh có ngỏng lên thì cũng không chịu bền cho.

– Ầy, cái vụ “bất cử-bất kiên” này đúng là “bất trị” đấy!

– Đừng có “bất mãn” chứ. Báo tin vui, có bài thuốc hay, uống vào sẽ “bất tri lao”.

– Vậy sao? Tiên dược nào đây?

– Thì cứ hỏi tiên sinh Trần Đại Sỹ khắc rõ.

Bạn đọc muốn biết thêm về “Dương bất cử – Cử bất kiên”, xin mời đọc “Điều Trị Chứng Bất Lực Sinh Lý” của bác sĩ Trần Đại Sỹ .

http://text.123doc.org/document/2357998-dieu-tri-chung-bat-luc-sinh-ly-bac-sy-tran-dai-sy.htm

Công bằng mà nói hai anh bạn của tôi đều giúp tôi rất nhiều, một người giúp tôi hiểu thêm cái hay của chữ Hán-Việt, còn một người giúp tôi tìm ra cái hay của chữ thuần Việt, đàng nào cũng cần nếu muốn viết đúng tiếng Việt.

Tôi vào Net tìm đọc những bài viết về chữ Hán-Việt và tóm tắt một số ý kiến như sau:

Nên dùng chữ Hán-Việt trong các trường hợp dưới đây:

1 – Để tỏ lòng kính trọng, như trong các danh xưng ta gọi “người quá cố” thay cho “người đã chết”, “nhạc phụ (mẫu)” thay cho “cha (mẹ) vợ” khi ta nói trước đám đông.

2 – Để tránh những hình ảnh sống sượng hay ghê tởm: giao hoan (làm tình), xuất huyết (chảy máu), hoại thư (thịt thối), đại tiện (đi ỉa), v.v.

3 – Làm ngắn gọn một câu dài: vô song (không ai sánh được), khả thi (có thể làm được), tòng phạm (kẻ hùa theo cùng làm ác), tư cách (cách cư xử của một người), v.v.

4 – Dùng cho trong chuyên môn để không lẫn lộn với đời thường, như trong ngành xây dựng gọi “trắc địa” thay vì “đo đất”; trong vật lý “quán tính” chỉ “sức ỳ” của vật, “mã lực” là đơn vị đo lực chứ không là “sức ngựa”; trong báo chí “tốc ký” là một phương pháp “viết nhanh”; trong ngoại giao, hai quốc gia “đối thoại” với nhau chứ không “nói chuyện”, trong tôn giáo “tịnh xá” của tu sĩ không thể gọi là “nhà yên (lặng)”, v.v…

5 – Cách xưng hô của những nhân vật thời cổ. Dù ta không biết những người thời xưa gọi nhau như thế nào, nhưng để tạo không khí cổ kính cho câu chuyện, ta cần dùng những danh xưng Hán-Việt như: huynh đài, các hạ, tiểu thư, hàn sĩ, phu nhân, v.v.

Một nhận xét cũng đáng để ý là chữ Hán-Việt thường ít cụ thể hơn chữ Nôm, nhưng chính nhờ tính ít cụ thể đó mà chữ Hán-Việt mang cho ta một cảm giác lãng đãng, mênh mang; ví dụ những chữ “thuyền viễn xứ”, “khách tha phương”, người “đồng hương”, lời “ly biệt”, cho ta cái cảm giác bàng bạc dạt dào mà sẽ không thể có được nếu dùng chữ thuần Việt tương đương là “thuyền xa bến”, “khách xa nhà”, người “cùng quê”, lời “chia tay”.

Tức nhiên tiếng Việt (và tiếng Hán-Việt) không đơn giản như thế, nhưng ít ra, từ nay tôi có một cái khung khá rõ ràng để phân biệt. Mỗi lần tôi tính dùng một chữ Hán-Việt tôi sẽ xét xem nó có rơi vào một trong sáu trường hợp kể trên hay không, nếu không thì tôi sẽ cố tìm ra chữ thuần Việt tương đương. Như bây giờ, khi muốn viết chữ “thậm chí” tôi sẽ dừng lại, tìm chữ Nôm thay thế, như câu “thậm chí  bạn bè thân cũng ghét” nếu viết “đến nỗi cả bạn bè thân cũng ghét” sẽ nghe dễ hiểu hơn chứ?

Điều cần tránh nhất là dùng chữ Hán-Việt bừa bãi như nhiều quan chức trong nước. Như khi nói về việc đường sắt Việt Nam lúc gần đây có nhiều tai nạn hơn, câu trả lời của ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia) được phóng viên đài Á Châu Tự Do ghi lại như sau (2):

“Theo nhận định của ông Hiệp thì đây là một điều bất thường và ông cho rằng tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông.”

Tại sao phải dùng đám chữ cồng kềnh “người tham gia giao thông” trong khi từ trước tới nay ta vẫn gọi đó là “người đi đường”. Hẳn ông Phó Hiệp muốn chứng tỏ mình là người lịch sự nên phải dùng chữ Hán- Việt cho nó sang, cho ra vẻ quan cách. Cứ cái đà này thì tới khi cần nói “thiến heo” chắc ông Phó nhà ta sẽ trịnh trọng bảo rằng đấy là “tham gia giải phẫu heo”!

Cái này không được gọi là chữ Hán-Việt.

Cái này phải gọi là chữ “Hán-Vẹm”!

Trịnh Bình An

Ghi Chú:

  • Pinyin – bính âm: Phương án phát âm tiếng Hán; Hán Việt: Hán ngữ bính âm phương án; bính âm là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc. Bính âm được phê chuẩn năm 1958 và được thi hành năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống phiên âm Bưu điện, và thay thế hệ thống Chú âm trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Hoa lục địa. (Wikipedia.org)
  • “Vì sao tai nạn đường sắt gia tăng?” Hòa Ái, RFA, 02/16/2012
  • Có người giải thích câu “Vô Độc Bất Trượng Phu” là “Không biết sống một mình (mà lúc nào cũng cần có đàn bà bên cạnh) thì không thành đàn ông thật sự” – với chữ “Độc” có nghĩa “Cô Độc”. Xin tùy “độc” giả suy xét.
  • Bài viết này đã được đăng năm 2012 dưới một bút hiệu khác.

 

Hạnh Phúc Bất Chợt

Cao Nguyên

ride the thunder

Cảnh trong phim “Ride the Thunder” Ảnh: http://www.ridethethundermovie.com/photos/

Có những mắc xích lịch sử đau thương đan xen nhau trong cùng một thời điểm làm tâm trí mình giao động chông chênh qua từng cảm xúc và sự kiện. Hôm qua đi xem phim “Ride the Thunder” và hôm nay đi diễn hành nhân ngày chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ (Memorial Day). Những hình ảnh về chiến tranh và hòa bình tạo nên những xung đột qua cảm xúc từ an tới nguy, từ nhân bản đến tội ác. Nhân Bản là nguyên ủy của sự sống, Tội Ác phát sinh từ sự sống, một luân chuyển nhịp nhàng nhưng đối nghịch. Mức độ tội ác trong chiến tranh cũng nẩy sinh khác biệt giữa một xã hội quyền sống của con người được minh định và bảo vệ bởi luật pháp như Hoa Kỳ, khác với tội ác trong chiến tranh được khởi xướng bởi chủ nghĩa tàn bạo được xác mình trong chủ thuyết của đảng cộng sản “thà giết lầm hơn bỏ sót” bất cứ ai có thể gây hại đến hệ thống đảng trị và nhân sự điều hành guồng máy chiến tranh.

Trong cuộc chiến 20 năm tại Việt Nam vừa qua (1954 – 1975) cộng sản đã giết hằng triệu người dân vô tội dưới đủ mọi hình thức. Số lượng người dân bị giết chết qua thống kê không còn lạ với tầm nhìn và ý nghĩ của nhân loại trên khắp địa cầu.

Riêng với phim “Ride the Thunder” ngoài tính chất ác liệt của cuộc chiến, người xem càng thấy rõ hơn sự bạo tàn của chủ nghĩa cộng sản đối với những người của “bên thua cuộc” (theo cách nói của cộng sản). Chúng bất chấp qui ước về tù binh chiến tranh của Liên Hiệp Quốc, tàn bạo vượt quá sức tưởng tượng ngay khi người xem liên tưởng và so sánh với tội ác chiến tranh của Đức quốc xã.

Phim diễn đạt từ truyện, truyện diễn tả thực trạng của các nhân vật trong mỗi sự kiện với sự dẫn trình của các nhân chứng còn hiện hữu. Ai đã từng bị giam trong các nhà tù cộng sản hẳn đã phải chịu sự khổ nhục. lắm lúc muốn tự hủy mình vì danh dự của một người chiến binh và nhân cách của một con người, nhưng đồng thời luôn nhắc nhủ mình cần phải sống. Sống để chống lại sự tàn ác, sống để còn cơ hội gặp lại những thân thương của gia đình và bằng hữu đã bị bức bách chia xa.

Tình cảm gia đình đã dìu người tù binh gượng dậy với ý chí kiên trì sống vượt qua sự khổ nhục để khỏi phụ lòng mong đợi của người thân. Đúng là người tù binh phải “cỡi ngọn sấm” (tựa của bản dịch Việt ngữ) để sống còn.

Tù "cải tạo" trong phim 'Ride the Thunder - ảnh: http://www.ridethethundermovie.com/photos/

Tù “cải tạo” (cảnh trong phim “Ride the Thunder”)  –  Ảnh: http://www.ridethethundermovie.com/photos/

Bối cảnh chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1970 qua sách và qua phim “Ride the Thunder” với tôi là rất thực. Bởi tôi vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đau thương đó. Thực trạng của mỗi sự kiện tôi đều đã trải qua, nên sự xúc động càng dấy lên mạnh hơn với cảnh người tù binh quay lưng bước trở vào phòng giam theo lệnh, cũng là lúc hai dòng nước mắt của người vợ vỡ òa qua rèm mi vừa chớp. Nước mắt được nén lại trong đôi mắt khổ đau đến cùng tận khi nhìn thấy thân thể chồng mình quá đỗi suy nhược. Sự xúc động lắng trong tôi làm loạn nhịp thở, tay tôi bấu vào mép ghế ngồi chạm phải tay người Mỹ ngồi bên cạnh. Chúng tôi nhìn nhau như có cùng một luồng cảm xúc. Qua va chạm bất thường và qua chuyện trao đổi, tôi biết người Mỹ là hậu duệ của một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

caonguyenThêm một kỷ niệm đáng nhớ trong buổi xem phim là sau khi rồi phòng chiếu ra về. Đến cầu thang tôi gặp thêm một hậu duệ chiến binh Mỹ khác đang đứng nói chuyện với 2 cháu nhỏ mặc quân phục thủy quân lục chiến Mỹ. Tôi dừng lại gợi chuyện và muốn được chụp một tấm hình kỷ niệm với hai cháu bé đẹp và dễ thương. Lời yêu cầu của tôi được chấp thuận và chính người mẹ của hai cháu chụp cho chúng tôi tấm hình kỷ niệm. Tôi bắt tay tạm biệt hai cháu với lời cảm ơn, tiếng cười phả lấp nỗi buồn còn tồn động trong tôi từ cảm xúc của phim.

Không hiểu tôi có gì hấp dẫn khi nói chuyện với các cháu trẻ, mà cháu nào cũng vui vẻ và thân thiện với tôi. Như hôm nay đi diễn hành, tôi cũng được làm quen thêm vài cháu nữa. Và lại có thêm vài tấm hình kỷ niệm với hậu duệ của hậu duệ chiến binh Mỹ. Cuộc sống được những niềm vui bất chợt cũng tạo nên hạnh phúc.

Cảm ơn đời, cảm ơn tình thân mến người với người trao nhau.

Cao Nguyên
Washington D.C. – 30/5/2016

 

Người Con Gái Ngoan Cường

Cao Nguyên
(tâm thư gởi Nancy Nguyễn)

nancy nguyen

Nancy Nguyễn –  Ảnh:https://www.facebook.com/banh.ngot.319

Có đi mới biết
Có tiếc mới thương
Có kinh địa ngục
Có phục thiên đường!

Sau khi nghe em kể chuyện trên băng truyền thông RFA về chuyến đi Việt Nam. Anh muốn viết đôi dòng gởi đến em với niềm vui lòng cầu mong được hồi báo: Em đã trở về bình an sau gần một tuần mất tích.
Em nói đi để biết thế nào là trại giam và cách hành xử của những người đại diện cho chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay. Anh nghĩ em đã chọn một hành động táo bạo và rất nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi là trước khi đi, em báo cho người thân biết về mục đích của mình và công khai phổ biến hình của em tại Dòng Chúa Cứu Thế khi vừa đến Sài Gòn.

Đây không phải là cảm nghĩ riêng anh mà của những người thân và đồng bạn rất lo cho sự an toàn của em. Bởi tính chất chuyến đi em đã nói rõ trong thư em gởi cho gia đình. Nên chuyến đi trở thành sự thách thức từ một người trẻ yêu đồng bào và quê hương với chính quyền cộng sản.

Tuy nhiên, qua giải bày của em trên đường trở về Mỹ đã cho người nghe thấm hơn về chủ trương của một chính quyền chỉ thấy cái bóng của tự do dân chủ là hoảng sợ. Sự hoảng sợ đến mất lý trí, nên ra lệnh bắt khẩn cấp người mà chúng cho là có thể tạo ra nguy cơ làm bùng phát phong trào đấu tranh đòi dân chủ, tạo ra tiền đề làm sụp đổ chế độ và dìm chết luôn hàng ngũ cầm quyền vốn chỉ coi nhân dân là phương tiện phục vụ lợi ích của đảng và tập đoàn lãnh đạo.

Nghĩ mà thương một người con gái dám từ bỏ cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình, vượt nửa vòng trái đất để học hỏi kinh nghiệm sống và chiến đấu chống những cái ác bẩm sinh đang phá hủy và tiêu diệt sức sống của một dân tộc.
Em không học để biết cho riêng em mà giúp những người cùng đồng hành với em trên hành trình tranh đấu biết được phương cách ứng xử khi giáp mặt với lực lượng thi hành pháp luật không có luật.

Những người thân và bạn đồng hành qua một tuần lễ mong ngóng tin em, càng sốt ruột càng thương em. Nên không thể trách có người nghĩ đến những điều không may em phải gánh chịu mà tiếc cho một một người thân, một chiến hữu ra đi không thể trở về. Tâm trạng này giống như khi anh ngồi ở hậu cứ thấp thỏm lo về sinh mạng của các chiến hữu đang thâm nhập vào vùng đất địch để gom tin phục vụ cho kế hoạch hành quân. Đã biết đi vào chiến trường là chấp nhận sự hy sinh khi mình đã xác định được trách nhiệm của một người chiến sĩ bảo quốc, an dân. Nhưng mà lo vẫn lo. Mạng sống mỗi con người luôn quí trọng, sinh lực của một lực lượng cần được bảo toàn.

Em đã trở về từ quê hương mang nỗi đau là đất của ngục tù. Không như quê hương xưa, toàn Miền Nam trong cuộc sống của đồng bào không nghe ai nói đến những chữ: tù, đày, giam, nhốt, chém và giết. Bởi vì trại giam và nhà tù không có trong ngôn ngữ của người dân lành yêu cuộc sống và chân lý trong một thể chế tự do, dân chủ. Hoàn toàn khác với một thể chế độc đảng toàn trị luôn xây dựng trại giam và nhà tù vừa để răn đe, vừa để khống chế người dân yêu nước thương nòi muốn vùng lên phản kháng sự áp bức và bất công. Mọi phản kháng của người dân đều được ghép vào tội “chống phá nhà nước”. Riêng bốn chữ “chống phá nhà nước” cần phải làm rõ hơn trong cái luật rừng u tối của cộng sản Việt Nam.
Thông thường và trên căn bản dân sinh dân chủ, nhà nước thỏa mãn quyền lợi của nhân dân thì còn ai có ý nghĩ chống và phá với nhà nước. Song phương phục vụ lẫn nhàu đều tốt thì không cần có sự răn đe trên bình diện tinh thần và thể chất .

Tuy em rất sáng suốt, kiên cường và không kinh hãi khi bước vào và bước ra khỏi địa ngục. Nhưng những ấn tượng về răn đe, khống chế đã tạo một áp lực không nhỏ trong tinh thần của em. Những ám ảnh của bạo lực trong bóng tối cần có thời gian để xóa nhòa nhờ ý thức kiên định lập trường tranh đấu chống mọi sự bất công trong xã hội, tranh đấu cho sự sinh tồn bản thân và đồng chủng.

Viết về địa ngục không thể không nghĩ đến thiên đường nơi chúng ta đang sống. Trên mỗi vùng đất tự do, mỗi con người được thụ hưởng một suộc sống do mình chọn lựa trong tất cả các sinh hoạt thường ngày. Không bị hoảng sợ bởi một thế lực nào, vì đời sống của mỗi người luôn được luật pháp bảo vệ. Đó là thiên đường có thật, đơn giản nhưng đầy đủ trong tình người với người thương yêu nhau dù khác màu da và ngôn ngữ.
Tự mình ngưỡng phục thiên đường mình đang sống đã nẩy ra ý niệm được chia sẻ phần nào những tích lũy sinh tồn và vươn lên của chính mình với người khác đang còn chịu đựng sự khổ cực và áp bức. Đó là sự thiết tha trong khao khát của một cuộc đời luôn quí trọng ánh sáng của ba chiều Chân Thiện Mỹ hội tụ.

Từ lúc nhận được tin báo an của em trên đường bay từ địa ngục về thiên đường, anh chấp tay tạ ơn Đấng đã cưu mang em giữa cuộc đời luôn tìm ẩn sự bất trắc, cho dù em muốn thử sức mình trong sự bất trắc đó để kiểm nghiệm và định vị khả năng trưởng thành của mình. Sự vui mừng của mọi người hòa vào niềm vui của em từ khẳng định bản thân được trui rèn thêm qua thử thách.

Chỉ vậy thôi em cũng đủ tư cách đứng lên trên những nghi hoặc và nghị luận. Đôi chân tuổi trẻ trên hành trinh nhân ái được hướng dẫn từ Tâm, thì còn điều gì làm em chùng bước.

Những người trong thế hệ của anh không thiếu những băn khoăn khi ngoái nhìn quá khứ, vẫn còn muốn điều chỉnh những sai lầm để gom sinh lực của lý tưởng quốc gia dân tộc tiếp truyền vào thế hệ của em. Với niềm mong ước duy nhất quê hương mình rồi sẽ đẹp. Ánh sáng thiên đường sẽ tràn qua mọi ngõ ngách của địa ngục, hủy diệt mọi sự tàn ác. Nhân dân được sống bình đẳng trong một thể chế tự do dân chủ.

Xin được gởi niềm mong ước này vào những người bạn trẻ như em đang quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng nhân bản trên quê hương mình. Hy vọng và niềm tin đang bừng lên theo lời hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”:
“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam”

Anh gởi lời chào quí mến và trân trọng đến em – người con gái ngoan cường của Mẹ Việt Nam. Mong em luôn an vui và thành công trong chí hướng phục vụ Dân Sinh và Dân Chủ.

Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ 27/5/2016 .

 ——————————
Trang facebook của Nancy Nguyễn:

Nhìn Việt Nam nhớ Doãn Quốc Sỹ

Trịnh Bình An

doanquocsyTôi không biết nhiều về Doãn Quốc Sỹ.

Nhưng tôi thường nghĩ về ông qua truyện cổ tích Hồ Thùy Dương.

Đó là năm tôi lên 10. Trong nhà, có thấy vài cuốn tạp chí Sáng Tạo không biết của ba hay các anh chị mua về. Tiếng Việt dễ học quá nên con nít cũng có thể đọc ké sách người lớn. Nhưng dĩ nhiên, đọc mà không hiểu gì hết.

Tôi nhớ mình cũng đọc truyện kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền. Cũng không hiểu, chỉ cảm thấy một không khí rờn rợn âm u khá… hấp dẫn.

Nhưng Hồ Thùy Dương thì nhớ khá kỹ.

Chỉ vì đó là truyện cổ tích, mà đứa con nít nào lại chẳng mê truyện cổ tích.

Tôi đọc truyện, biết ngay con cáo trong truyện là Hồ Chí Minh.

Con nít gì mà lanh dữ vậy?

Dạ, có gì quá khó đâu, chữ “hồ” nghĩa là “con cáo”. Đó có lẽ là một trong những chữ Hán Việt mà con nít miền Nam học được sớm nhất.

Tôi nhớ những cuốn tập viết thời đó, trang bìa sau có in những câu truyện bằng tranh. Những bức tranh bé xíu chỉ bằng bao quẹt, mực in xanh đỏ có khi lem nhem, vậy mà đã khắc vào trí não tôi thật rõ. Một trong những truyện tranh ấy là mối tình Tô Đắc Kỷ – Bá Ấp Khảo. Hai người yêu nhau nhưng Đắc Kỷ bị tiến cung cho Trụ Vương. Chính nhờ Tô Đắc Kỷ lén giúp đỡ nên Bá Ấp Khảo và cha là Chu Văn Vương mới trốn thoát được để về sau đem quân chinh phạt vua Trụ.

Nhưng trong truyện Phong Thần thì Đắc Kỷ lại là một con cáo thành tinh có chín cái đuôi, nên còn được gọi là Cửu Vỹ Hồ Ly.

Truyện Đắc Kỷ hồ ly độc ác lóc thịt Bá Ấp Khảo có lẽ hấp dẫn hơn truyện Đắc Kỷ tiểu thư hiền lành cứu thoát người yêu, nên cải lương, hát bội đều khai thác sự tích hồ ly tinh. Và đứa nhỏ mê coi hát tuồng như tôi, vì thế, không thể không biết con cáo chính là con “hồ”.

Vào những năm 1970 thì mấy ai có họ “Hồ” ngoài… Hồ Chí Minh?

doanquocsy 2Con cáo trong Hồ Thùy Dương chắc phải là nam, bởi vì mấy lần biến dạng thành người nó đều đội lốt ông đạo sĩ. Thế nhưng, dù tu luyện cỡ nào nó cũng không thể làm biến mất cái đuôi cáo lùm xùm, nên nó phải mặc áo rộng lụng thụng để che đi cái đuôi.

Con cáo biết được nơi ẩn dấu một cây đũa thần. Nhưng nó không thể đụng tới nếu không có chín giọt máu người. Và nó nghĩ ra một âm mưu tàn ác. Nó hiện thành đạo sĩ, dụ dỗ ba người đàn ông ra tay sát hại người thân của họ với lời hứa họ sẽ làm chủ được đũa thần, sẽ dùng đũa thần cứu sống người thân trở lại và rồi sẽ đạt được mọi điều mong muốn khác.

Than ôi!

 Ba con người mê muội ấy sau khi đã nhẫn tâm hạ sát người thân thì hăm hở đưa tay định cầm lấy đũa thần. Nhưng cây đũa đang tỏa sáng hào quang bỗng vụt trở nên xám xịt, lạnh ngắt. Chẳng có quyền năng huyền diệu nào bằng lòng phục vụ cho những kẻ tham lam và ngu si. Cả ba tuyệt vọng và tự sát.

Chỉ có con cáo giảo quyệt, cuối cùng, đạt được tham vọng. Sau khi uống chín giọt máu người, nó vận công khiến cái đuôi cáo thụt hẳn vào trong, tan biến… Nhưng, nó không ngờ rằng cái đuôi tan vào máu lại khiến cho hơi thở trở nên vô cùng tanh hôi. Và mỗi khi nó thở ra thì khí độc tàn phá hết mọi loài cây cỏ, khiến cho chung quanh nó chỉ còn là một vùng đất chết.

 Giờ đây, khi thấy không còn cách gì sở hữu đũa thần huyền nhiệm lại còn bị gạt ra khỏi sự sống, con cáo càng trở nên độc ác, nó trút hết thù hận lên loài người. Nó tìm cách bắt loài người phải trở thành nô lệ của nó.

Với tà thuật, con cáo nhìn thấu mọi tâm tư và dục vọng của con người. Ai muốn quyền chức, nó cho họ quyền chức; Ai muốn bạc tiền, nó cho bạc tiền; Ai muốn nữ sắc, nó cho nữ sắc. Vì vậy, chẳng mấy chốc nó tạo ra cả một triều đình với đám quân thần bu quanh, sẵn sàng làm tất cả những điều hồ ly sai bảo.

Chưa thỏa lòng tham, con cáo còn nghĩ ra cách đoạt lấy những đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng từ khi vừa mới lọt lòng. Đám nhi đồng này được nuôi dưỡng ở nơi riêng biệt và không biết tới ai ngoài con cáo là vị “cha già” độc nhất.

Mãi về sau, tôi mới nhìn ra sự thật trong những giòng chữ cổ tích. Sự thật làm rùng mình ớn lạnh.

Cho đến ngày nay, thủ đoạn nham hiểm của cáo “Hồ” vẫn còn được đồng bọn áp dụng triệt để: mọi ham muốn tục tằn nhất của con người đều được thỏa mãn miễn họ đừng lên tiếng đòi đa nguyên, đa đảng, tự do, nhân quyền, và chống Tàu.

Nhà thơ Lý Đợi gọi đó là “luộc”.

Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mỹ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…

 Còn đám con nít, thiếu nhi Khăn Quàng Đỏ, thì học được cái gì?

Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta“. Vậy mà giờ đây các em cứ lơ mơ không rõ Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai cha con hay là hai anh em!

Tôi thật phục Doãn Quốc Sĩ, viết một câu chuyện ảo mà lại thành quá thực. Thế nhưng, những mưu mô hung hiểm của cộng sản không chỉ có thế…

Hãy nhìn về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Sau khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã phá hủy tất cả các nghĩa trang quân đội, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vì có quy mô quá to lớn nên cộng sản không làm gì được. Trải qua hàng chục năm, các công trình trong Nghĩa Trang như Cổng Tam Quan, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài cùng với 16.000 ngôi mộ vẫn còn đó.

Nhưng, với dã tâm thâm độc, cộng sản đã thi hành một thủ đoạn hết sức tinh vi và tàn ác, đó là chúng cho trồng những loại cây to lớn ngay sát cạnh các mộ phần của người lính Cộng Hòa.

doanquocsy 3Sau hơn 13 năm (từ 2003 đến 2016) cây mọc ngày càng cao. Những cái cây lừng lững ấy thoạt nhìn ngỡ đem lại bóng mát êm đềm cho nghĩa trang, nhưng càng nghĩ thêm càng thấy rùng mình ghê sợ. Thử hỏi đám rễ cái rễ con của chúng đang… ăn vào đâu?

Trong quan niệm phong thủy mồ mả của người Á Đông, ngôi mộ còn được gọi là Âm Trạch, nghĩa là nhà ở dưới âm phủ, là nơi an nghỉ của những người đã khuất. Phong thủy trong mồ mả có liên hệ mật thiết với những người đang sống. Một gia đình có thể bị xào xáo, thậm chí lụn bại khi mồ mả của cha ông bị “động”.

Đứng hàng đầu trong các trường hợp xấu nhất về “động mồ”, “động mả” là “Mộ chôn gần cây cổ thụ, để rễ cây đâm vào hài cốt thì con cháu bị mổ xẻ, bại liệt, đui mù, câm điếc, giảm thọ.

Và như thế, thân nhân chỉ còn có một cách duy nhất là đút lót để cải táng hài cốt. Dần dà, mọi ngôi mộ đều phải “ra đi”. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, và rồi trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu thương mại hay du lịch nào đó.

Câu chuyện Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ tuy có thực, có rùng rợn cách mấy cũng không thực, không rùng rợn bằng câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Con cáo trong Hồ Thùy Dương tuy tàn nhẫn nhưng ít ra nó chỉ làm hại người sống.  Còn những con cáo “thành Hồ” ngày nay, táng tận lương tâm đến mức người chết chúng cũng không tha.

Nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ Doãn Quốc Sỹ, vì ông đã nghĩ ra một đoạn kết thật tuyệt vời cho câu chuyện tưởng chừng vô vọng.

Có một vị vua rất nhân từ đã tìm cách trừ khử con cáo tinh. Ông biết không thể xử dụng người lớn trong chiến đấu vì họ đều bị con cáo dùng tà thuật mê hoặc. Nhà vua bèn nảy ra sáng kiến lập một đội chiến sĩ tí hon. Đó là những em nhỏ mà vũ khí của các em chỉ là sự hồn nhiên, trong sáng và nhiệt tâm. Đúng như vị vua tiên đoán, con cáo vì không mua chuộc được các em nên cuối cùng đã phải thảm bại.

Ngày nay, tuy những bộ mặt thô bỉ của bọn quan tham vẫn phủ trùm ma quái trên đất nước, nhưng đây đó đã lóe lên những khuôn mặt khả ái, tươi sáng của những khuôn mặt đấu tranh thật trẻ – các em chính là đạo quân thiên thần mà hơn 50 năm trước Doãn Quốc Sỹ đã từng nghĩ tới với tất cả hy vọng.

Xin được mượn lời của nhà văn Hoàng Khởi Phong:

Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc. (trích “Thay Lời Tựa dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ” – Hoàng Khởi Phong).

Xin cảm tạ nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã cho ra đời Hồ Thùy Dương để nói lên những nỗi đau mà dân tộc đang phải gánh chịu, nhưng đồng thời mở lối một tương lai mới cho con người và đất nước Việt Nam.

Trịnh Bình An

Ngày Của Mẹ

Cao Nguyên

ngay cua me

Ngày Của Mẹ hằng năm, tôi thường gởi email đến các con của tôi bài thơ “Nhớ Đông Xưa”, như một lần nhắc lại các con phải luôn ghi nhớ về người Mẹ của mình trên hành trình đi bên cạnh người Cha suốt quãng đời chồng chất những khó khăn gian khổ.
Có thể đây cũng là một điển hình của một người đàn bà Việt Nam có chồng là một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời kỳ chiến tranh, người vợ thường sống bên chồng trên những vùng đất tiếp cận với chiến trường đầy những nỗi lo khi người chồng đang trực tiếp hành quân chống quân phương Bắc xâm chiếm miền Nam.
Những nỗi lo càng tăng lên sau chiến tranh, khi người chiến binh trở thành người tù binh, có những khoảng thời gian biệt tích trong các trại tù cộng sản. Khi nhận được tin chồng đang sống trong một trại tù nào đó, ngoài nỗi lo về sinh mạng người chồng trước sự ngược đãi khắc nghiệt của kẻ thù hung bạo. Người vợ còn phải lo làm việc vượt sức của mình, mong gom góp được chút tiền mua lương thực và vật dụng, thuốc chữa bệnh cần thiết để đi thăm nuôi chồng.
Mỗi lần vợ tôi đi thăm tôi ở những trại tù từ miền Nam ra miền Bắc, đều dẫn theo 2 đứa con gái, vừa để các con được gặp lại người cha, vừa để mẹ con chăm sóc lẫn nhau.
Bài thơ “Nhớ Đông Xưa” tôi viết trong mùa Đông 1978, sau khi vợ con đến thăm tôi tại trại tù Lào Cai sát biên giới Trung Quốc.
“gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau”
Trong thời điểm mọi người dân Việt Nam phải sống trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, ăn đủ no mặc đủ ấm đã là hạnh phúc. Thì việc phải chia sự ấm no đó cho người chồng ở trong tù, người vợ nào không cùng tâm trạng gian nan và tủi nhục đó.
“hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục”
Sự thăm nuôi, tiếp tế thức ăn, thuốc uống là sự duy trì cần thiết cho sự sống của người chồng. Bởi trong hoàn cảnh thù hận và khắc nghiệt của bọn cai tù, người chồng có thể gục chết bất cứ lúc nào. Người vợ đến thăm nuôi như một cứu tinh, đập vỡ quan tài để đưa chồng từ hỏa ngục trở về với cuộc sống.
Các con tôi, các con của những người tù binh như tôi trong những hoàn cảnh ấy, cần phải nhớ ơn người Mẹ của mình . Người Mẹ đã suốt đời vào sinh ra tử cùng chồng.
Tôi cũng muốn các con tôi hiểu thấu ý nghĩa của bài thơ, để thấm từng dòng tâm tư của Cha gởi cho Mẹ, mà cùng tri ân Mẹ của mình đã sống vì chồng con dẫu phải vượt qua bao đắng cay chua xót của một người đàn bà Việt Nam hiện hữu trong một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam sau khi bị cộng sản phương Bắc cưỡng chiếm miền Nam.
Nhân Ngày Của Mẹ, tôi xin chia xẻ cùng các bạn tâm trạng của tôi về một mùa Đông xưa.
“thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!”
Tôi cũng không quên chúc các bà vợ của các chiến hữu luôn được an vui sau những tháng năm tủi buồn và đau khổ cả tâm trí và thân xác.
Thân mến,
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ – May 10, 2016

Nhớ Đông Xưa

đang ở giữa những ngày Đông lướt qua
trời buốt lạnh lại nhớ mùa cơ cực
mắt muốn ngủ mà trái tim vẫn thức
canh chừng em trên bờ vực lầm than
gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!
thắp sáng tin yêu trong huyệt sầu hun hút
hai tay em đập vỡ vụn quan tài
anh lại vào đời từ nơi hoả ngục
hăm hở đi, quên tiếng nấc bi ai!
nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!
em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con – Thế gới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
*
Xuân lại đến, cuộc đời đi cũng vội
mừng tuổi mình, tóc bạc lại trao nhau
nụ hôn quen sao mãi còn bối rối
như thuở anh vừa dạm hỏi trầu cau!

Cao Nguyên

Những Ngày Tháng Không Quên

Cao Nguyên

image1

41 năm về trước: Ngày 23 tháng 4 năm 1975 khoảng 7 giờ chiều, chiếc chinook cấp cứu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bốc gia đình tôi từ một đỉnh đồi tranh bên tả ngạn sông Ba đưa về Tuy Hòa / Phú Yên. Nơi tập trung sơ khởi để các đơn vị quân nhân và gia đình kiểm điểm quân số và người thân trong cuộc triệt thoái từ Tây Nguyên về Duyên Hải, xuyên qua tỉnh lộ số 7 thuộc tỉnh Phú Bổn.

Đoạn đường từ Pleiku đến tả ngạn sông Ba không dài lắm, thế mà chúng tôi đã đi suốt một tuần lễ, bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng 4 theo lệnh triệt thoái của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một cuộc triệt thoái không có báo trước, dù quân dân trên khắp miền Tây Nguyên đang hoang mang bởi áp lực của Cộng quân dọc biên giới, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.

Sáng hôm nay, ngày 23 tháng 4 năm 2016, tôi đã đến Eden Center / Virgnia để cùng các thân hữu thuộc cộng đồng người Việt và các chiến hữu thuộc Liên Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, làm lễ kéo cờ rũ để tưởng niệm 41 năm ngày Quốc Hận: 30/4/1975 – 30/4/2016.

Bốn mươi năm – hơn mười nghìn đêm mất ngủ 
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta 
những người đã sống hơn bốn, năm thập kỷ 
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài! 
(Trường Ca Bi Tráng)

Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.

Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?

Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân quen!

Thưở mình đi ngược gió 
Quê Hương ở đằng sau! 
(tình khúc Sơn Hà)

Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tộc. Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.

Dường như có giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ đang được kéo xuống của một lễ tang quốc gia.
Khi lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!

image2

Cao Nguyên 
Washington D.C. – 23/4/2016

Chẳng Lẽ

Cao Nguyên

chang-le

Vào mỗi Tháng Tư, tôi lại dựng lên cột mốc thời gian 1975 và cộng thêm vào từng khoảng đời lưu vong đáng nhớ. Đánh dấu chuỗi dài bi thảm của Việt Nam, quê hương tôi.

Cả bi và thảm đều chứa nhiều nước mắt của hằng triệu người Việt sống lưu vong, hay đang sống tại quê nhà!
Tháng Tư 2016, cột mốc thời gian khắc dấu ấn 41 năm. Nhìn về trước và sau dấu ấn này, trên tầng tầng lớp lớp máu xương của sự hy sinh vì tự do dân chủ của một quốc gia, vẫn chổi lên mầm đau thương do nước mắt tưới vào. Nghiệt ngã thân phận của đời người, của đất nước chạy buốt theo tiếng thở dài gần như chỉ để mặc niệm từ hồi tưởng.

Mặc niệm với những anh hùng đã vì nước hy sinh! Hồi tưởng những đắng cay và tức tưởi của một đoàn quân quyết chiến mà thất bại. Một thất bại nhục nhã bởi sự phản bội của đồng minh và nội thù dân tộc.
Chẳng lẽ đây là thời kỳ nhiễu nhương nhất của dòng lịch sử cận đại do nội thù khuynh đảo trong hàng ngủ nhân thân? Chủ nghĩa cá nhân nẩy lòng phản trắc, mài sắt ngôn từ để triệt hạ nhau, bất chấp chân lý và công đạo! Lừa bịp cả thế nhân bằng những chiếc áo ngụy tạo hữu thần. Lợi dụng đức tin để lập đền tôn sùng lãnh tụ! Tệ hại hơn là vinh danh chính mình trên bản ngã tự tôn, tự mãn!!

Chẳng lẽ những ngọn bút tiên phong đã chùn tâm ráo mực? Chỉ phóng lên trời những dấu chấm than! Mặc thế gian hứng những dòng lệ đỏ bi thương trên màu da vàng chủng tộc? Cái cơ hội dùng bút thay súng để chiến đấu vì độc lập tự do và dân chủ cho quê hương, cũng vuột mất khỏi tầm tay của những người lính già đã từng thề vì nước hy sinh? Chẳng lẽ lời thề vệ quốc đã bị màu danh lợi phủ chụp lên cái thân phận vốn quen trò đón gió, trở cờ?

Chẳng lẽ chữ nghĩa và trí tuệ chỉ để dùng cho những dằng vặt lòng nhau, khơi niềm đau từ những đố kỵ để thỏa mãn sự riêng tư danh phận một đời người? Bất chấp lương tri của người cầm bút vì nghĩa diệt thân, chỉ vì lẽ phải khuất lấp dưới tầm nhìn, chỉ thấy cái “tôi” sáng lên trong niềm thù hận. Hả hê đập phá lẽ phải bằng ngôn từ bất xứng với đại từ Văn Hóa. Làm dấy lên lớp bụi mù che lấp con đường chân thiện mỹ được tiền nhân xây đắp suốt mấy nghìn năm!

Còn bao điều chẳng lẽ đóng vào tâm trí và tự mình rịt lại những thương đau bằng niềm tin vào lương tri của những cây bút vẫn miệt mài viết tiếp những trang sử dẫu bi hay tráng cũng mang hồn dân tộc và tổ quốc mình đã cưu mang. Lịch sử vẫn còn đó, lương tâm đồng chủng sẽ minh bạch mọi điều.

Thế hệ tiếp sau sẽ đi vào chính sử với ánh sáng chân lý được dẫn soi bởi hồn thiêng dân tộc. Lướt qua sự hỗn tạp của hiện cảnh quê hương ảm đạm, để vạch lên con đường hướng tới tương lai tươi sáng thật không dễ. Nhưng chẳng lẽ mãi lặng lẽ ngồi nghe những niệm khúc u buồn cho tới lúc tàn hơi?

Chẳng lẽ chữ nghĩa cứ bị dồn nén trong khung cửa ký ức, mỗi khi thời gian chạm vào, những giọt nghĩ mới vỡ ra chảy theo dòng trầm mặc?

Không! Phải dựng chữ nghĩa đứng lên, vượt bóng đêm, xuyên qua đố kỵ và nghi hoặc, phóng vào vách thời gian những dấu ấn đẹp của văn hóa dấn thân vì sự sinh tồn của chính mình với lương tri của một người cầm bút. Để còn thấy tự hào khi nắm tay những người bạn trẻ trên hành trình hướng tới ngày mai. Để khỏi thẹn với chính mình từ lời tim ghi khắc và nhắc nhớ: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Cao Nguyên 
Washington D.C. – 1/4/ 2016

Còn Gì Để Lại

Nguyễn Quang Dũng

congidelai-nnb-image

 

1.  Những tấm hình gần nhất trước ngày D…

Ngày chủ nhật 7 tháng 2, 2016 tôi gặp Thầy Nguyễn Ngọc Bích và Cô Đào Thị Hợi tại Chợ Tết Cộng Đồng Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn. (Tôi gọi GS Nguyễn Ngọc Bích là Thầy vì Thầy Bích có thời gian giảng dạy ở Đại Học George Mason, Virginia:  Thầy phụ trách giảng dạy  lớp  Truyện Kiều, bằng tiếng Việt, tiếng của người mình).  Thầy Bích đang lui hui bày những cuốn sách của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ trên bàn. Tôi đến chào Thầy và lấy xuống xem một cuốn sách sử ký của sử gia Lê Mạnh Hùng mà Thầy trưng bày ở chổ cao nhất trên giá đựng sách. Chắc Thầy nghĩ tôi chỉ đến xem cho vui, hay mua một cuốn “ủng hộ” gian hàng sách của  Thầy. Nhưng khi tôi thưa với thầy là tôi muốn mua trọn bộ 5 quyển “Nhìn Lại Sử Việt”  thì Thầy vui lắm. Thầy nói với tôi: “Lẽ ra trọn bộ giá $133, nhưng tôi sẽ “discount” cho anh và chỉ lấy $100”. Thầy cho 5 cuốn sách vào túi nylon xong thì tôi xin chụp Thầy và Cô một tấm hình kỷ niệm dưới đây:

DSC01095

Ngày thứ hai 8 tháng hai, 2016, mồng một Tết Bính Thân, tôi gặp lại Thầy Bích trong bộ quốc phục cổ truyền , áo dài, khăn đóng, với khăn quàng cổ màu vàng  ba sọc đỏ. Thầy cười vui trong buổi lễ Chào Cờ đầu năm mới  Bính Thân 2016 do Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức. Tôi đang đứng cạnh anh Nguyễn Kim Hương Hỏa, Hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông nên mời Thầy chụp chung một tấm hình với anh Hương Hỏa.  Thầy và Hội Hành Chánh vốn thân thiết với nhau đã lâu, năm nào Thầy Bích và Cô Hợi cũng là khách mời danh dự của buổi tiệc Hội Ngộ Tân Niên Quốc Gia Hành Chánh  đầu năm dương lịch.

DSC01309

Trong tấm hình tôi chụp hôm đó, Thầy Bích cười, tươi tắn.  Và sau này tôi nhận ra trên nhiều tấm hình chụp, Thầy lúc nào cũng có nụ cười hiền hòa cố hữu đó.

Ngày thứ bảy 20 tháng hai, 2016. Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức Lễ Tổ tiên và Chúc Thọ năm Bính Thân 2016. Buổi tối thứ sáu, tôi lo trình bày, in và chuẩn bị nhiều khung hình chúc thọ cho các vị Hội viên cao niên với tuổi thọ từ 70, 80, 90 đến 100. Ở xứ Hoa Kỳ này, tôi thấy các “cụ” 70 hay 80 của Hội Cao Niên vùng này rất mạnh khỏe và năng động. Bảy mươi như anh chị phóng viên Đào Hiếu Thảo thì không thể gọi là người “già” mà phải gọi là người trẻ của Hội Cao Niên. Tôi biết rất nhiều vị trên 70 từ chối gia nhập Hội “Cao Niên” chỉ vì họ nghĩ là họ chưa …già. Cho nên trên bản tin Cao niên tháng hai, 2016 tôi không “dám “ gọi các cụ 80 mà dùng chữ “quý vị 80”. Quả vậy, trong số các “cụ” 80  Hội Cao Niên chúc thọ năm nay, có GS Kim Oanh,  Bà Tuyết Ngọc…những vị cao niên năng động  này không thể gọi là người già được. Tôi  có thấy tên GS Nguyễn Ngọc  Bích trong số các “cụ” 80 (tính theo tuổi ta). Tôi nghĩ đến  Thầy Bích và nụ cười của Thầy trong Lễ Chúc Thọ vào ngày mai.congidelai-nnb-chuctho80

Tiếc thay thứ bảy hôm sau đó, Thầy và Cô Hợi bận lễ chùa nên đến trễ;  Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ đã xong, Nhưng Thầy cũng tham dự Lễ mừng sinh nhật chung, Thầy tham gia sinh hoạt văn nghệ. Anh Nguyễn Văn Đặng chụp tấm hình dưới đây, lúc Thầy Bích đang hát:

DSC01310

Ngày 2 tháng 3, 2016, giờ Hoa Thịnh Đốn,  sáng vào mở email từ anh Bùi Mạnh Hùng, tôi biết tin Thầy Nguyễn Ngọc Bích mất trên chuyến bay đến Manila, Phi Luật Tân dự Hội nghị về Biển Đông.  Trên vùng trời cách không xa lắm quê hương Việt Nam yêu dấu, lúc đó là ngày 3 tháng 3,  Thầy Bích bị nghẽn mạch máu cơ tim.  Theo lời Cô Hợi kể lại: Thầy nói với Cô Hợi là Thầy mệt lắm chưa bao giờ mệt như vậy. Và chỉ như vậy, Thầy đi.

Tin Thầy Bích mất làm tôi lặng người.  Mới vừa đây, hai tuần trước, Thầy còn đó.

Sống và Chết, quả tình chỉ cách nhau một hơi thở – tôi còn nhớ nhiều Phật tử thường hay nhắc nhau câu nói này. Từ lâu,  tôi cũng như nhiều người khác thường hay nghĩ rằng đời sống của mình hãy còn ngày rộng tháng dài. Rằng  mình – mới 60, 70 hay dầu đã 80- vẫn còn khỏe. Cái chết  là chuyện xa vời, không ai màng nghĩ  đến. Trong lúc,  thực ra, nỗi chết rình rập mọi lúc, mọi nơi và không kể trẻ hay già.

Sáng nay, tôi phải tự nhắc để tôi nhớ,  đừng quên, không được quên điều này: Chuyện gì làm được,  đừng chờ đến ngày D. vì đến lúc đó có hối tiếc thì mọi sự đã muộn màng.

Ngày Đi hay viết tắt là ngày D, chữ tôi dùng cho ngày chết, hay nói cho có vẻ văn chương chữ nghĩa hơn – ngày vĩnh biệt cõi đời, là cái ngày mà tôi và vài ông bạn già rất thân thiết – như  Cụ Hà Bỉnh Trung (đã đi) hay anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao (đã trên 70, vẫn còn nhất định chưa chịu nhận là mình già) -vẫn thường cười cười nói với nhau khi có dịp gặp mặt: “ Đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng, khi nào có “vé” là lập tức  lên đường “. Anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao còn chu đáo hơn nữa, anh sáng tác rất nhiều thơ lục bát về Phật giáo, in thành sách hơn mấy chục tập và biếu không đến người đọc. Anh nói, ” Tôi làm vậy là để có “quỹ” mua vé trước nên tôi biết tôi sẽ “đi” về đâu.”

2. Cơ Hội Không Còn…

Tôi vẫn tự trách tôi hoài, về cái tính lần lửa không kết thúc nhiều việc, nhiều chuyện có thể kết thúc được. Việc tôi tự trách tôi lần này khi biết tin Thầy Bích vĩnh viễn vắng bóng liên quan đến công việc tôi đang góp tay với Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh miền Đông Hoa Kỳ. Tôi thiết kế hay nói nôm na là “dựng lên” hai cái website ( tiếng Việt mình chưa có nhiều chữ diễn tả cho đúng quá nhiều thuật ngữ kỹ thuật của thế kỷ 21 nên tạm thời có nhiều chỗ tôi phải để nguyên chữ tiếng Anh ở đây.) Ở hai website này, ban chủ trương vẫn mong thực hiện được việc chia sẻ đến người đọc khắp nơi những tin tức, kiến thức, kinh nghiệm hay sáng tác từ những người viết tài tử hay chuyên nghiệp với điều kiện là những bài viết này là những bài viết nguyên thủy từ những người viết mà ban biên tập website biết được tác giả là ai. Nói khác đi, những người trong ban chủ trương muốn thực hiện một  website không cóp nhặt, sao chép tùy tiện.

Tháng trước, tôi có đọc mấy bài viết của Thầy Nguyễn Ngọc Bích, ký tên dưới bút hiệu Tâm Việt.  Và tôi vẫn thường hay gặp Thầy trong những buổi hội hàng tháng của Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn, mà Thầy Bích là Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ của Hội. Tôi tự nhủ không có cơ hội nào tốt hơn nữa là gặp Thầy vào phiên hội đầu tháng tới; mời Thầy tham gia, giúp tay, và sau đó được phép chuyển tải các bài viết của Thầy lên  website caoniendc.com hay website quocgiahanhchanhmd.com và thử bàn với thầy về một hướng hợp tác giữa  nhà in của tôi và  Tổ hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ do Thầy chủ trương, nhất là tìm một giải pháp mới cho tình trạng bế tắc về việc phát hành sách báo tiếng Việt tại hải ngoại.

Vậy mà tất cả các dự trù, cơ hội và cái “lợi thế” thiên thời, địa lợi và nhân hòa để có sự hợp tác và giúp tay của Thầy Bích với Hội Cao Niên và Hội Hành Chánh về mặt báo chí và website bỗng nhiên tan biến trong chớp mắt.

Lúc đọc lại  tiểu sử của Thầy Bích về những trách vụ Thầy từng đảm trách lúc sinh tiền, tôi chợt nhớ ra rằng tôi đang đứng trước một  Thái Sơn của làng thông tin báo chí.

Từ 1971 đến 1975, Thầy Nguyễn Ngọc Bích từng là Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi, Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, sáng lập viên Viện Đại Học Cửu Long và là sứ giả đặc trách của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu trong cuộc vận động sau cùng với Quốc Hội Hoa Kỳ về viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam.

Năm 1975, Thầy Bích trở lại Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của Thầy, từ đó mở ra  chuỗi dài của những hoạt động không ngưng nghỉ trong đủ mọi lĩnh vực  xã hội, chính trị, giáo dục, nhân quyền, dịch thuật, biên khảo, bảo tồn văn hóa Việt ở xứ người. Thầy Bích đã từng nắm giữ những trách vụ cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ như Phó và sau đó Quyền Giám đốc Office of Bilingual Education and Minority Languages Affairs thuộc Bộ Giáo Dục Liên Bang dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Giám Đốc Ban Việt Ngữ  Đài Á Châu Tự Do (RFA)  từ  năm 1997 đến 2003.

3. Còn Gì Để Lại …

Quan trọng hơn hết là tinh thần dấn thân của Thầy Nguyễn Ngọc Bích trong rất nhiều công việc liên quan đến cộng đồng Người Việt hải ngoại và những công cuộc đấu tranh hướng về một nước Việt Nam tự do,  dân chủ và tiến bộ.  Người khen, kẻ chê Thầy cũng nhiều, nhưng không ai có thể phủ nhận được tấm lòng và tinh thần làm việc hướng về lợi ích chung cho cộng đồng người Việt của Thầy.

Dấn thân và phục vụ là hai nhân tố căn bản và trọng yếu nhất thể hiện trong đời sống của Thầy Bích. Cũng có thể vì cái gì Thầy cũng muốn làm, chỗ nào Thầy cũng tình nguyện, cho nên những công việc và mục tiêu Thầy theo đuổi cũng trải rộng và do vậy khó lòng nhìn thấy hay lượng định hết những thành tựu hay kết quả đạt tới. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong cộng đồng người Việt Hải ngoại đến tuổi 80 còn có được khả năng, sức làm việc và tinh thần hoạt động không ngừng nghỉ cho cộng đồng người Việt như Thầy Bích?

Đối với tôi, Thầy Bích lúc nào vẫn là một người Việt Nam khả kính, đa năng  và đáng quý. Thầy Bích dạy tôi được một bài học căn bản xuyên suốt qua đời sống phục vụ của Thầy cho đến hơi thở cuối cùng  là: Hãy sống bằng trái tim Việt Nam với tất cả tấm lòng dâng hiến.

Xin cảm ơn và vĩnh biệt Thầy Nguyễn Ngọc Bích.

Nguyễn Quang Dũng
Ban Thông Tin và Báo Chí Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn
VA Tháng 3/2016

(Xin bấm vào hình để xem hình ảnh tang lễ GS Nguyễn Ngọc Bích do Phóng Viên Quân Đội Trần Bửu Khánh ghi lại)

nnb-phuco-web