Đinh Từ Thức
Cổ nhân nói “gừng càng già càng cay”, hàm ý người càng già càng khôn ngoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều thuộc vào hàng những ứng viên già nhất, tiếc thay, cả hai đều vào hàng tệ nhất. Sống tại Mỹ trên bốn thập niên, trải qua mười cuộc tổng tuyển cử, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào lạ lùng và gây bực mình như năm nay.
Vai chính bất xứng
Trong một nước dân chủ, mỗi dịp bầu cử là cơ hội để người dân được quyền chọn lựa người xứng đáng thay mình đảm đang việc nước. Trong một hệ thống bầu cử với kinh nghiệm và truyền thống lâu đời liên tục duy nhất trên thế giới từ hơn hai thế kỷ, sau nhiều lọc lựa từ sơ bộ đến chung cuộc, từ đảng cử đến dân bầu, cuối cùng cử tri thường có quyền sảng khoái chọn lựa trước một danh sách gồm những người tài đức và những người tài đức hơn. Giống như người ra đời vào ngày 29 tháng 2, cứ bốn năm vào dịp sinh nhật được tới một nhà hàng trưng bầy toàn sản phẩm chọn lọc, được quyền lựa cho mình món giá trị nhất. Người hưởng đặc quyền đó sẽ vô cùng thất vọng và bực mình, khi phải đối diện với các món hàng được bầy ra đề lựa chọn đều là thứ quá tệ, không đủ tiêu chuẩn bình thường.
Đó là cảm nghĩ chán nản của các cử tri bình thường, không thuộc phe đảng nào. Với những người có thói quen bầu theo đảng, sự chọn lựa của họ thường dễ dàng hơn: ứng viên đại diện đảng mình là nhất, những ứng viên khác là đồ bỏ. Trong cuộc bầu cử năm nay, cả hai ứng viên chính đều khó chấp nhận, khiến “phe ta” cũng phải ngập ngừng, lưỡng lự, không tránh khỏi bực mình.
Đó không phải là suy đoán chủ quan của người viết, hay dư luận tầm phào, mà dựa trên phát biểu của người có uy tín. Ví dụ tiêu biểu, trong các điện thư viết cho người thân cận vào mùa Hè vừa qua, cựu Ngoại Trưởng Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Đại Tướng Colin Powell, một nhân vật được báo chí coi là “Người Mỹ hợp lý cuối cùng” (The Last Rationale American, The Last Reasonable Man) nhận xét rằng, ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng Hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia và là kẻ bị quốc tế khinh bỉ. Ông ta không biết xấu hổ” (national disgrace and an international pariah. He has no sense of shame). Về ứng viên đại diện đảng Dân Chủ Hillary Clinton, cựu Ngoại Trưởng Powell nhận xét vào năm 2015: Mọi sự Hillary Clinton đụng tới bà ấy đều làm hư với sự ngạo mạn (Everything HRC touches she kind of screws up with hubris). Ông còn nói bà ấy là người tham lam, lố bịch (greedy, foolish).
Dù là nhân vật uy tín, nhận xét của Tướng Powell cũng chỉ là quan điểm của một người. Cần phải căn cứ vào những sự kiện cụ thể hơn, để đánh giá từng ứng cử viên.
*
Bà Hillary Clinton có nhiều điều đáng chê trách, do tự bà nói ra. Điểm đáng ngại nhất đối với ứng viên này là sự thiếu thành thật. Không thành thật đồng nghĩa với nói sai sự thật, không tôn trọng sự thật. Hành vi “nói sai sự thực” có mức độ trầm trọng khác nhau. Trước hết là nói gian, nói sai sự thực để đổ lỗi cho người khác. Thứ nhì là nói dối, biết rõ sự thật nhưng không nhận, sợ có hại cho mình. Cuối cùng là nói ẩu, không căn cứ trên sự thật, hay chỉ dựa vào một phần sự thật, “có ít xít ra nhiều”…
Trong ba dạng không tôn trọng sự thật vừa kể, có thể liệt bà Hillary Clinton vào dạng vừa gian vừa dối. Khi bị chỉ trích về việc dùng email tư cho việc công thời làm Ngoại Trưởng, Bà đổ gian cho một người tiền nhiệm là Ngoại Trưởng Colin Powell. Bà nói đã hỏi ông Powell, và được trả lời ông cũng làm như vậy, nên bà làm theo. Sự thật ông Powell viết cho bà Hillary là khi mới làm Ngoại Trưởng, ông có sử dụng email tư, nhưng khi được các chyên viên lưu ý rằng làm thế có thể phạm luật, ông đã thôi ngay. Bà Hillary biết vậy mà cứ làm, rồi sau lại tuyên bố là làm theo ông Powell. Rõ ràng là nói gian, cố tình làm bậy rồi đến khi vỡ lở, đổ vấy cho người khác.
Có nhiều chuyện đáng chê về bà Clinton, nhưng vụ emails là chuyện đáng ngại nhất.Theo ghi nhận của FBI: “17.448 email không được bàn giao cho tổng thanh tra. Ngoài ra còn có 33.000 email đã bị xóa”. Ông Nixon đã bị mất chức vì xóa băng ghi âm, chẳng lẽ nước Mỹ nên bầu một tổng thống khác có thói quen xóa emails?
“Theo những ghi chú của FBI, bà Clinton nói bà không hề biết một số email bà nhận được chứa thông tin bảo mật bởi vì bà không biết rằng ký hiệu “C” có nghĩa là “Classified” (bảo mật)”. Ngay cả người dân vô học cũng không thể nại cớ trước tòa để chạy tội rằng mình không biết luật. Nếu làm tổng thống, bà Hillary rất có thể sẽ vô tư bấm vào cái nút hộp đựng mật hiệu bom nguyên tử, tưởng là cái nút mở hộp kẹo xúc cù là.
Không phải khi tranh cử tổng thống bà Hillary mới có những lời phát biểu không đáng tin cậy. Từ hai chục năm trước, khi còn là Đệ Nhất Phu Nhân, cố nhà báo nổi tiếng hàng đầu của tờ New York Times là William Safire đã gọi bà là người nói dối bẩm sinh (congenital liar). Một người có tật nói dối bẩm sinh, nói dối khi là vợ tổng thống, nói dối khi tranh cử tổng thống, không hy vọng người đó sẽ hết nói dối khi thành tổng thống. Không ai cộng tác, hay mượn một người giúp việc, nếu nghi ngờ rằng họ thiếu thành thật. Ai là cử tri có trách nhiệm bầu một người gian dối làm tổng thống?
Trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ làm ứng viên tranh cử tổng thống, bà Hillary chỉ trích đối thủ của mình là ông Donald Trump: “Hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Bầu Dục (Văn phòng Tổng Thống Mỹ) trước một biến động thực sự. Một người bạn có thể khiêu khích bằng một cú tweet không phải là người chúng ta có thể tin tưởng với võ khí nguyên tử” (Imagine him in the Oval Office facing a real crisis. A man you can bait with a tweet is not a man we can trust with nuclear weapons). Không cần phải tưởng tượng, sự thật là bà Hillary đã nói câu này chẳng bao lâu sau khi Giám Đốc FBI James Comey đã chính thức phê phán bà Hillary là người “cực kỳ bất cẩn” (“extremely careless”). Trao võ khí nguyên tử vào tay một người có thành tích cực kỳ bất cẩn, có đáng sợ không?
Ngoài ra, bà Hillary Clinton còn nêu cao chủ trương bảo vệ và phát huy dân chủ, trong khi bà mạ lỵ những người ủng hộ ông Trump. Bà nói: “bạn có thể bỏ một nửa những người ủng hộ Trump vào cái tôi gọi là một giỏ tồi tệ”(you can put half of Trump supporters into what I call the basket of deplorable). Bà còn nói thêm họ là những người không thể cúu vớt và không phải là Mỹ (“irredeemable” and “not America”). Đã gọi là dân chủ thì phải biết tôn trọng những ý kiến khác biệt, kể cả những người chống lại mình. Bà Hillary đã mau chóng xin lỗi, nhưng bầu tổng thống là chọn người sáng suốt lãnh đạo đất nước, không phải chọn người chuyên nói càn rồi xin lỗi.
*
Những người theo dõi sát cuộc bầu cử chỉ ra rằng ông Trump nói sai sự thật nhiều quá gấp đôi bà Clinton. Nhưng nếu phân loại, ông Trump nói ẩu, nói càn, nói tục nhiều hơn nói gian, nói dối. Kết thúc cuộc tranh luận tay đôi lần đầu giữa hai ứng cử viên, ông Trump chê bà Clinton không đủ bản lãnh (stamina) để làm tổng thống. Nhưng về phần ông Trump, ngay giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Hòa, như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, sau khi gượng ép ủng hộ lúc đầu, cuối cùng cũng chạy dài, từ chối hậu thuẫn cho ứng viên chính thức của đảng mình. Điều này chứng tỏ ông Trump là người không xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống.
Sau khi được tin Florida “duyệt xét những cáo buộc”(reviewing the allegations) một vụ kiện tại New York chống Trump University, ông Trump dùng tiền từ quỹ từ thiện của gia đình, ủng hộ 25.000 đô la cho quỹ tranh cử của bà Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Florida. Bà này đã không có hành động nào chống lại Trump University, và ông Trump chịu nộp phạt 2.500 đô vì đã phạm luật, dùng quỹ từ thiện cho mục tiêu chính trị.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump là người không xứng đáng. Nói càn, nói ẩu, đối với ông Trump như là một thói quen, một nếp sống. Mỗi khi bị bắt quả tang nói bậy, ông thường tỉnh bơ đáp lại “who care?” (ai cần?). Chẳng ai cần bận tâm một người có thói quen nói năng bừa bãi, nếu đó là người thường. Lời nói của một tổng thống thì khác, ai cũng “care”. Nhất là Tổng Thống Mỹ, ngoài dân Mỹ, dân nước khác cũng “care” luôn. Bầu cho một người không thận trọng lời nói của mình, không chỉ riêng đương sự, cử tri cũng bị nhục lây, và liên đới trách nhiệm.
Tại Đại hội đảng Cộng Hòa, trong phần mở đầu diễn văn quan trọng nhất của mình, ông Trump tuyên bố “chúng ta sẽ đưa đất nước trở lại an ninh, thịnh vượng và hòa bình. Chúng ta sẽ là một đất nước của bao dung và nhiệt tình. Nhưng chúng ta cũng là một nước của luật pháp và trật tự” (we will lead our country back to safety, prosperity and peace. We will be a country of generosity and warmth. But we will also be a country of law and order). Chỉ với mấy chục chữ này, đủ để chứng tỏ ông Trump là một người ba xạo:
– Cùng trong bài diễn văn, ông khoe đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sớm của National Rifle Associationn (NRA) – một hội rất mạnh, cương quyết bảo vệ quyền có súng của mọi người (I received the early and strong endorsement of the National Rifle Assn). Nỗi bất an chính trong xã hội Mỹ hiện nay là quá nhiều người có súng. Làm thế nào đem lại sự bình an khi được National Rifle Association ủng hộ mạnh mẽ?
– Ông Trump hứa làm cho đất nước thịnh vượng và hòa bình, trong khi thú nhận chính mình là người đã góp phần làm cho đất nước bị nhũng loạn, đổ vỡ. Trong cuộc vận động sơ bộ, ông nói: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng chế độ của chúng ta đã đổ vỡ. Tôi đã cho rất nhiều người… Tôi cho mọi người. Khi họ gọi, tôi cho. Và bạn biết không? Vài ba năm sau, khi tôi cần điều gì từ họ, tôi gọi, và họ sẵn sàng giúp tôi” (I will tell you that our system is broken. I gave to many people, I give to everybody. When they call, I give. And do you know what? When I need something from them two years later, three years later, I call them, they are there for me). Ông còn nói rõ rằng những người nhận tiền rồi đáp lại bằng việc làm, “không nhất thiết họ làm những gì đúng cho đất nước. Họ sẽ làm những gì phù họp với quyền lợi đặc biệt của họ, của người cho tiền, của các nhà vận động… . Không tốt cho đất nước” (They won’t necessarily do what’s right for the country. They’ll do what’s right for their special interests, their donor, their lobbyists, et cetera. Not good for the country). Trong cuộc vận động tại Iowa vào đầu năm 2016, ông Trump nói thẳng: “Tôi phải cho họ, vì khi tôi cần gì, tôi sẽ đạt được. Khi tôi gọi, họ hôn đít tôi (“I’ve got to give to them, because when I want something, I get it. When I call, they kiss my ass”).
Nói vậy rồi ông Trump vỗ ngực tự khoe: “Không ai biết rõ chế độ hơn tôi, đó là điều tại sao chỉ mình tôi có thể sửa chữa nó” (Nobody knows the system better than me, which is why I alone can fix it). Một người chủ động góp phần vào việc làm cho chế độ và xã hội băng hoại, rồi tự phụ chỉ có mình sửa được những sai lầm đó, khác gì một kẻ cướp yêu cầu mọi người chọn mình làm lãnh chứa, vì chỉ có mình biết được cách đem lại an bình thịnh vượng.
– Ông Trump hứa hẹn một đất nước bao dung và nhiệt tình, trong khi ông hô hào cấm cửa dân di cư, không chỉ cấm bằng luật pháp, mà cụ thể bằng cách xây tường ngăn cách. Ngoài ra, ông tuyên chiến với nhiều thành phần, cả người cùng đảng, và dọa bỏ tù cả đối thủ của mình. Ông nói về bà Clinton: “Giam mụ ấy lại là đúng. Mụ ấy phải vào tù” (“Lock her up is right”. “She has to go to jail”). Dân chủ, bao dung và nhiệt tình không phải là nhốt đối thủ vào tù.
– Qua các phát biểu vận động, cũng như qua diễn văn chính tại Đại Hội đảng Cộng Hòa, ông Trump luôn nhắc tới luật pháp và trật tự. Ông tự xác nhận là ứng cử viên luật pháp và trật tự trong cuộc đua vào Nhà Trắng (In this race for the White House, I am the law-and-order candidate). Có nhiều người đã tố ông Trump xàm xỡ với phụ nữ, hay hàng chục năm không đóng thuế. Tuy ông Trump chưa bị xử về tội xàm xỡ với phụ nữ hay chuyện tránh thuế, đã có bằng chứng rõ ràng ông coi thường luật lệ. Riêng tại tiểu bang Florida, cũng có vàì vụ. Việc dùng quỹ từ thiện ủng hộ quỹ tranh cử của bà Pam Bondi là một. Ông làm chủ một câu lạc bộ nổi tiếng sang trọng – Mar-a-Lago Club — ở Palm Beach, Florida. Cách đây đúng 10 năm, tháng 10, 2006, ông cho dựng tại đây một cột cờ cao tới 24 mét, trong khi luật định giới hạn của vùng này chỉ có 13 mét, để treo lá cờ lớn 6.1×9.1 mét. Hội Đồng Thành Phố đã phạt ông mỗi ngày 1.250 đô la, cho đến khi nội vụ được giải quyết.
Ngoài ra, qua những tài liệu được tiết lộ gần đây mà chính ông Trump đã phải xin lỗi, ông đã có những phát biểu và cử chỉ qúa tục tỉu, không thể chấp nhận đối với một kẻ phàm phu tục tử, huống chi là một nguyên thủ quốc gia. Nhà truyền thông Billy Bush nghe ông nói bậy hơn mười năm trước mà không tỏ thái độ, đã bị cách chức. Chỉ nghe ông nói bậy đã đáng bị mất chức, còn kẻ nói bậy là ông, sẽ thành tổng thống? Trên mạng internet có lưu truyền lời kêu gọi của những người xưng là Công Giáo, hô hào bỏ phiếu cho Trump, vì bỏ phiếu cho Hillary có thể bị sa Địa Ngục. Nếu trên Thiên Đàng có mặt những người như Trump, với bàn tay bạch tuộc, thật đáng ngại cho các Thánh Nữ. Cũng trên mạng phát tán lời ca tụng Trump là người trung thành, không bao giờ bỏ ai (ngoài hai người vợ đầu). Cách đây tám năm, Trump đã ủng hộ tiền cho bà Hillary tranh cử chống lại Obama, khen bà là người rất tài năng và thông minh. Hơn nữa, nếu chỉ cần trung thành để làm tổng thống, tốt hơn, nên bầu cho một con chó.
Vai phụ chọc giận
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ngoài vai chính là cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều khó chấp nhận, những vai phụ chung quanh cuộc bầu cử cũng đóng góp vào việc khiến dư luận bực mình.
Đầu tiên là phía tư pháp, theo truyền thống phân quyền của Mỹ, tư pháp không xía vào công việc của hành pháp, trừ khi được yêu cầu phân xử như trong cuộc bầu cử năm 2000. Năm nay, gần nửa năm trước cuộc bầu cử, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Ginsburg nói với báo New York Times và hãng thông tấn AP rằng bà “rất, rất, rất không muốn thấy Donald Trump đắc cử tổng thống”. Còn nhớ, vào cuối tháng Giêng năm 2010, trong Thông Điệp Liên Bang trước Quốc Hội, Tổng Thống Obama đã chỉ trích Tối Cao Pháp Viện về một phán quyết trước đó có liên hệ tới quỹ vận động tranh cử, một trong các Thẩm Phán TCPV hiện diện là Samuel Alito đã tỏ vẻ khó chịu, miệng lẩm bẩm điều gì, không ai nghe rõ. Các hãng truyền thông ngay sau đấy đã phóng lớn hình ảnh và âm thanh, đoán rằng ông đã nói “not true”, chỉ trích Tổng Thống nói không đúng sự thật. Dư luận đã bàn tán sôi nổi vể vụ này, chỉ trích cả Tổng Thống và Thẩm Phán Tối Cao. Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch chê Tổng Thống “lỗ mãng” (rude), trong khi Nghị Sĩ Dân Chủ Russel Feingold chê Thẩm Phán TC “vô lối” (inappropriate). So với vụ này, phát biểu của bà Ginsburg phải nói là vừa lỗ mãng, vừa rất, rất, rất vô lối. Do đó, trước dư luận sôi nổi, Bà đã phải mau mắn công khai xin lỗi, thú nhận hối tiếc về phát biểu thiếu suy nghĩ của mình. Khi một TPTC thú nhận phát biểu của mình thiếu suy nghĩ chín chắn, không tránh được nhiều người tự hỏi, thế còn ý kiến của bà trong những phán quyết quan trọng hàng đầu, thì sao? Nếu trong cuộc bầu cử này có chuyện kiện tụng trước TCPV giữa hai phía Trump và Clinton, sẽ có vấn đề bà Ginsburg phải hồi tị (không tham dự xét xử), vì bà đã từng công khai bầy tỏ ác cảm với Trump, ý kiến của bà sẽ thiếu vô tư. Điều này có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.
Tổng Thống Obama cũng có lời lẽ gây bực mình. Trong diễn văn vận động cho Hillary Clinton tại Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia cuối tháng Bảy, Obama tuyên bố “Tôi có thể nói với tin tưởng rằng đã không hề có một người nam hay nữ — không phải tôi, không phải Bill, không phải bất cứ ai – có khả năng hơn Hillary Clinton để phục vụ ở địa vị tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ” (I can say with confidence there has never been a man or a woman — not me, not Bill, nobody — more qualified than Hillary Clinton to serve as president of the United States of America). Bất cứ ai khác cũng có thể tâng bốc như vậy, trừ Obama. Trong cuộc vận động tranh cử 8 năm trước, Hillary từng là đối thủ nghiêng ngửa của Obama. Chính Obama đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông ta xứng đáng làm tổng thống hơn Hillary. Bây giờ, sau khi làm tổng thống gần hết hai nhiệm kỳ, ông nói ngược lại, cả quyết rằng Hillary xứng đáng hơn ông, và bất cứ ai. Vậy, một là cử tri mù quáng đã chọn lầm người, hai là ông thuộc loại ba xạo.
Nhân vật thứ ba gây bực mình là ông chồng của bà Hillary, cựu Tổng Thống Bill Clinton. Khen vợ trong cuộc vận động tranh cử, nhất là khi vợ đóng vai chính, là điều bắt buộc. Nhưng khen phải cho đúng, hay đừng quá lộ liễu trái ngược với thực tế. Cũng tại Đại Hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia, với tài ăn nói đáng giá hàng trăm ngàn hay có khi hàng triệu đô la mỗi bài nói truyện, ông Clinton đã thu hút được rất nhiều người nghe. Trong phần sau bài ca tụng vợ vào ngày thứ nhì Đại Hội, ông nói Hillary là người phụ nữ không bao giờ thỏa mãn với bất cứ thứ gì của hiện trạng. Bà ấy luôn muốn mang trái banh về phía trước. Và ở cuối bài diễn văn, ông cả quyết: “Hillary là người duy nhất đủ khả năng để nắm lấy cơ hội và giảm thiểu những rủi ro đối diện chúng ta. Và bà ấy là người tạo thay đổi (change-maker) tốt nhất mà tôi từng biết”. Cùng lúc. Rất nhiều thành viên tham dự Đại Hội đã giơ cao tấm biển in sẵn hai chữ “Change Maker”. Không riêng nước Mỹ, cả thế giới đều biết, một thay đổi rất cần thiết mà bà không làm được, đó là thay đổi ông chồng nổi tiếng bê bối của mình. Thế mà mang danh “change-maker”. Có thể áp dụng cả cho ông bà Clinton nhận xét Tướng Powell đã dành cho Trump: No sense of shame! Không biết xấu hổ!
Tại Đại Hội đảng Cộng Hòa trước đó, cũng có nhiều vai phụ gây chuyện bực mình. Hillary Clinton đã bị đối xử như một tội phạm, với khẩu hiệu “Lock her up” (Nhốt nó lại), cùng với hình một cũi sắt, bên trong nhốt Hillary mặc áo tù.
Với việc lẫn lộn công tư khi xử dụng email thời làm Ngoại Trưởng, bà Hillary có thể coi là phạm luật, và đáng bị truy tố. Nhưng theo đề nghị của Giám Đốc FBI, Bộ Tư Pháp đã không truy tố. Rất có thể đã có thiên vị về phía đảng Dân Chủ đương quyền, đó là trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Theo truyền thống trọng luật của Hoa Kỳ, không thể đối xử với người chưa bị truy tố như nghi phạm, và đối xử với người chưa có án như phạm nhân.
Tệ hơn nữa, ông Chris Christie, Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang New Jersey, vốn xuất thân là một công tố, đã biến Đại Hội thành một thứ giống như tòa án nhân dân, trên diễn đàn, ông kể ra vô số tội của bà Clinton, sau mỗi tội ông hỏi “có tội hay vô tội?” và mọi người đáp lại “có tội”.
Vì đâu nên nỗi?
Lý do nào đã khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay quá tồi tệ?
Trước hết, có thể coi đây là trào lưu chung của thời đại. Không phải riêng tại Mỹ, mà phong trào bất mãn nổi dậy từ Âu tới Mỹ. Tại Anh, dân chúng bỏ phiếu rút khỏi Cộng Đồng Âu Châu (Brexit). Phong trào Quốc gia tại Pháp mạnh lên với Marine Le Pen chủ trương cực hữu. Lãnh tụ cực hữu Norbert Hofer dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống rắc rối tại Áo. Lãnh tụ cực hữu Geert Wilders, người ủng hộ Trump, có thể trở thành Thủ Tướng Hòa Lan. Phó Thủ Tướng Hungary Viktor Orban chủ trương cấm di dân, tuyên bố “Donald Trump is better for Europe” (Donald Trump tốt hơn cho châu Âu).
Trong vài ba thập niên gần đây, mọi sự thay đổi quá nhanh. Một số người may mắn nắm được cơ hội, dễ dàng trở thành triệu phú, tỉ phú. Những ai không theo kịp đà tiến, bị đào thải, cuộc sống trở thành bấp bênh. Họ quy trách cho chính phủ, đổ lỗi cho người nước ngoài, và nổi loạn, muốn thay đổi tất cả để cuộc sống khá hơn. Những thương hiệu của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vào thế kỷ trước như General Motors (GM), Ford, Sears, Kodak, RCA, Xerox… không những có thể bảo đảm công việc cả đời cho công nhân, có khi nhiều thế hệ trong một gia đình cùng làm cho một công ty. Điều này không còn nữa. Xí nghiệp xe hơi khổng lồ GM suýt phá sản mươi năm trước, nếu không được công qũy cứu vãn bằng hàng tỉ đô la. Sản phẩm phim ảnh Kodak có thể tìm thấy khắp thế giới, bây giờ còn ai cần? Sears từng bán mọi sản phẩm cần thiết cho một đời người, từ căn nhà làm sẵn tới cây kim sợi chỉ, bây giờ còn mấy ai bén mảng?
Trong lãnh vực truyền thông, việc đưa tin bằng chân người, vó ngựa, tồn tại hàng ngàn năm, rồi đưa tin nhờ máy xe, máy tầu, máy bay, cũng tồn tại được vài thế kỷ. Điện thoại, điện tín, cũng sống được hàng thế kỷ. Trên ba chục năm trước, cái máy fax thần kỳ khai tử điện tín, rồi chẳng được bao lâu, chính nó cũng bị internet thay thế. Trên hai chục năm trước, cái cell phone Nokia của Phần Lan làm bá chủ, bây giờ dễ tìm nó trong viện bảo tàng hơn là ngoài đời. Mới trên chục năm, cái Blackberry là thứ không thể thiếu đối với các viên chức từ chính quyền tới dân sự, bây giờ, nó đã bị ngừng chế tạo, nhường chỗ cho Iphone, Ipad. Ngay cả máy tính để bàn và để đùi, mới tung hoành được vài thập niên, đã bắt đầu đi xuống.
Mỗi ngành sản xuất quan trọng bị thay đổi hay đào thải, kéo theo sự bất hạnh của hàng triệu người liên hệ. Đang trong cảnh thất nghiệp hay cuộc sống khó khăn, lại gặp lúc những người quá khích Hồi Giáo gây cảnh chém giết và bất an tại nhiều nơi, bỗng có người đứng lên hô hào đem lại giầu mạnh cho đất nước, ổn định xã hội, thì nhiều người theo, bị lôi cuốn tới mức không cần biết người đó làm thế nào để thực hiện lời hứa của mình.
Cả hai chính đảng lớn của Mỹ, tại sao không cử được người khá hơn?
Về phía Dân Chủ, bà Hillary là người nhiều tham vọng. Từ một phần tư thế kỷ, cùng với ông chồng tổng thống, họ đã tạo được bệ phóng vững chãi về thanh thế, truyền thông, nhân sự và tài chánh, quyết tâm đạt thành tích là tổng thống nữ giới đầu tiên trong lịch sử. Ngay cả ông Joe Biden, Phó Tổng Thống đương nhiệm, cùng đảng, cũng đành phải nhường bước, không tranh cử với bà, nại lý do con trai mới qua đời. Bernie Sanders, đối thủ của bà ở cấp sơ bộ là người khá, nhưng không có bệ phóng vững chãi như bà, đành cay đắng chịu thua.
Về phía Cộng Hòa, lợi thế đầu tiên của ông Trump là đánh trúng tâm lý những người bất mãn. Là người nói bừa, ông hứa bừa, hấp dẫn hơn phát ngôn của hàng chục ứng viên thận trọng khác. Lợi thế thứ nhì, ông là tỉ phú, giầu vào hàng nhất so với các ứng viên trong lịch sử, không thể cầm chân ông bằng tài chánh. Nếu làm quá, ông có thể ứng cử với tư cách độc lập, diễn lại kịch bản hãi hùng cuộc bầu cử năm 1992. Năm ấy, tỉ phú Ross Perot là ứng viên độc lập đã chia phiếu Cộng Hòa, khiến ông Bush Bố thất cử, dù mới đại thắng Iraq năm trước, giúp Bill Clinton đắc cử. Cộng Hòa sợ nếu Trump ứng cử độc lập năm nay, chắc chắn ghế tổng thống vào tay một Clinton khác. Chẳng đặng đừng, Cộng Hòa đành để Trump cầm cờ Đảng trong cuộc chạy đua, với hy vọng mong manh dành lại Nhà Trắng sau tám năm trong tay da đen.
Sứ mạng và bài học
Bầu cho ai, khi cả hai ứng viên đều bất xứng?
Người viết đã được nghe nhiều phản ứng khác nhau. Có người chủ trương không đi bầu. Có người nói không thể bầu Trump nên sẽ bỏ phiếu cho Hillary. Người khác nói bầu Trump để chặn Hillary.
Thiết nghĩ, tất cả các dự tính trên đầu không nên thực hiện.
Trước hết, không đi bầu là thiếu trách nhiệm công dân. Nhất là những ai vẫn lớn tiếng đòi quyền bầu cử cho người Việt trong nước, trong khi không thực hiện quyền này có sẵn trong tay mình, là điều khó hiểu. Thứ nhì, chọn một người bất xứng để ngăn một người bất xứng tương tự, là điều nguy hiểm, vì rút cục, vẫn là chọn một người bất xứng. Ngoài ra, chỉ vì ghét người này mà bầu cho người kia, kẻ đáng ghét ít hơn sẽ đắc cử với tỷ lệ cao, họ có ảo tưởng được cử tri trao cho một sứ mệnh, tiếp tục gian dối hay làm bậy. Thay vì thế, hãy cho họ một bài học. Một trong hai người sẽ đắc cử, với tỷ lệ thấp, họ biết thân phận mình, một là sẽ không dám làm bậy, hai là hy vọng họ sẽ tự sửa mình, trở thành khá hơn.
Giải pháp nên thực hiện là, vẫn đi bầu. Nếu thấy cả hai người đứng đầu hai liên danh đều bất xứng thì quên họ đi. Hãy bầu cho liên danh nào có ứng viên phó tổng thống khá hơn, hy vọng người này sẽ có cơ hội lên thay người bất xứng, hay ít nhất, cũng ngăn người bất xứng làm bậy. Nếu ứng viên cả hai liên danh, vai chính lẫn vai phụ đều bất xứng, hãy quên tất cả họ đi, không bầu cho ai. Kế tiếp, hãy bầu cho những người xứng đáng vào các chức vụ nghị sĩ và dân biểu. Theo hiến định, những người này sẽ có quyền truất phế những kẻ bất xứng ở địa vị cao.
***
Vừa bầu vừa bực, nhưng không đến nỗi quá thất vọng. Là một nước dân chủ hàng đầu, guồng máy cai trị đã thành nền nếp, mọi cấp bậc trong guồng máy cai trị làm việc theo luật, không chỉ theo lệnh, địa vị Tổng Thống Mỹ không quá quan trọng như tại các nước độc tài. Gorbachev lên làm thay đổi hẳn Liên Bang Xô Viết, Đặng Tiểu Bình làm thay đổi nước Tầu, nhưng Truman thay Roosevelt hay Ford thay Nixon, nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Hillary Clinton hay Donald Trump vào Nhà Trắng, bực thì vẫn bực, nhưng chưa phải là ngày tận thế của nước Mỹ.