Vụ Cain Giết Abel

Nguyễn Văn Thành
abel-2

(Cain và Abel mang lễ vật dâng Chúa. Khắc trên ngọc)

Có lẽ vụ sát nhân nổi tiếng nhất trong nền văn minh Tây Phương là vụ anh em giết nhau được thuật trong Sách thứ Nhất của Môi-Se (Moses), Chương 4, đoạn 1-16 (Book of Genesis, 4:1-16). Các sự kiện như duyên cớ, phiên xử và bản án gồm những câu ngắn gọn đủ giúp chúng ta có thể, không khó khăn lắm, diễn lại đủ sự việc xẩy ra tại hiện trường.

Vụ sát nhân diễn tiến như sau:

Cain và Abel là anh em, con của ông Adam và bà Ê-Va. Cain làm nghề nông, còn Abel chăn cừu. Hai anh em mang lễ vật dâng Chúa. Cain dâng trái cây và Abel dâng chiên đầu đàn và mỡ của nó. Không rõ vì lý do gì, Chúa nhận lễ vật của Abel và không đoái tới lễ vật của Cain. Cain tức giận không còn giữ được sự bình tĩnh nữa. Cain cúi gầm mặt xuống tỏ vẻ ghen tị với người em mặc dầu Chúa đã cảnh cáo y không được có thái độ như vậy đối với em. Không nghe theo tiếng gọi của lương tâm, Cain chờ cơ hội thuận tiện khi hai anh em ở cánh đồng vắng, Cain nổi giận xông tới giết chết em.

Những chi tiết ghi trong hồ sơ vụ án thật giản dị; một tội phạm nghiêm trọng thông thường luôn luôn xảy ra do sự ghen tị, căm ghét và giận dữ. Có hai sự kiện chính được coi như bằng chứng để buộc tội Cain: người ta đã trông thấy Cain và Abel cùng đi ra cánh đồng nhưng khi trở về chỉ thấy có một mình Cain thôi. Máu của người em bị giết đổ ra trên đất kêu gào sự báo thù thấu tới Chúa. Cuộc điều tra bắt đầu.

Chúa cho đòi Cain tới để phán xét. Chúa hỏi: “Em ngươi ở đâu?”. Cain trả lời: “Thưa, tôi không biết. Tôi là người giữ em tôi sao?”. Câu trả lời càng tăng thêm sự nghi ngờ. Một người vô tội bị buộc tội giết em không bao giờ trả lời như vậy. Cuối cùng Cain giữ im lặng coi như là biện pháp hay nhất để tự biện hộ vì không có một nhân chứng nào chứng kiến vụ án mạng đó. Cain đã quên có một nhân chứng, máu của người em, đã tố giác hành vi sát nhân của y trong câu hỏi sau “Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng máu của em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta.”

Theo thủ tục cổ xưa, cuộc thẩm vấn tại Tòa thật sơ sài nhưng cũng có đủ bằng chứng cho rằng Cain có tội. Bị can không bị kết án tử hình nhưng bị hình phạt lưu đầy.

Quy chế đầu tiên liên quan tới vấn đề sát nhân được quy định như sau trong Sách IX, chương 6 “Kẻ nào làm đổ máu của người khác sẽ thấy máu của mình đổ ra như thế.” (Who so sheddeth man’s blood, by man shall his blood be shed). Cain sợ chết, thưa, “Chúa đuổi tôi ra khỏi đất này, khi sống lưu lạc e có người gặp tôi, họ sẽ giết tôi.” Bởi cứ ấy, Chúa phán, “Nếu ai giết Cain thì sẽ bị báo thù bẩy lần.” Chúa đóng dấu trên mình Cain để cho mọi người biết không được giết Cain.

Phạm nhân Cain bị xua đuổi khỏi khu dân cư đông đúc, bị lưu đầy vào chốn hoang vu tại xứ Nod về phía Đông Eden, nơi đó không có gia đình, luật pháp và Thượng Đế che chở cho y.

abel

 (The Death of Abel. From La Sainte Bible 1866. Engraving. Họa Sĩ Pháp Gustave Doré tả vụ cố sát Abel. Bức tranh in từ bản khắc trong Thánh Thư. 1866)

Nhận xét về vụ án

Ðề cập vụ án Cain giết Abel, học giả David Werner Amram đã sử dụng nhiều từ chuyên môn pháp lý quen thuộc ở Tòa án như Chúa ban trát đòi Cain tới hầu Chúa, mở cuộc điều tra, Cain phải qua cuộc đối chất, bản án của Tòa đã tuyên…

Nhưng có một điểm pháp lý từ xưa cho tới nay đều áp dụng giống nhau. Ðó là động cơ thúc đẩy sự phạm pháp vì lý do nhân đạo hay ghen tị không ảnh hưởng tới sự trừng phạt.

Người viết xin tạm dịch một vài đoạn trong tác phẩm của học giả Amram để đóng góp vào sự thâm cứu vụ Cain.

“Ðề nghị, lấy ra từ trường hợp Adam và Eve, cho rằng quan niệm dân gian về sự ban phát công lý của Thượng Ðế theo cung cách tộc trưởng thời bấy giờ, cũng áp dụng cho trường hợp phạm pháp này. Truyền thuyết cũng không đưa ra một lý do nào cho biết tại sao lễ vật của Abel đã được nhận còn lễ vật của Cain bị từ chối, và cho rằng không đủ lý do chính đáng để biện giải cho sự phạm pháp. Cho dù đưa ra bất cứ lý do gì về việc Chúa không đoái hoài tới lễ vật của Cain, thật khó cho rằng sự việc đó ảnh hưởng tới khía cạnh pháp lý của vụ án cố sát. Xã hội học đối chiếu và văn hóa dân gian đề ra nhiều lý do khác nhau mà vào thời đại ngày nay chúng ta không còn quan tâm tới nữa…

Thật khó có thể nói rằng Cain đã được xét xử theo đúng tội phạm của y, bởi vì phương pháp thẩm vấn đương sự đã hoàn toàn thô sơ để có thể quan niệm một tiến trình thứ tự trong thủ tục điều tra tư pháp về sau này. Và tội phạm của y đã được xác nhận thể theo hoàn cảnh của vụ phạm pháp, và ngoài sự chối cãi đơn thuần không nhận tội, can phạm đã không hề có một toan tính nào để tự bào chữa cho mình. Bản án đã được tuyên ngay sau đó. Hình phạt dành cho bị can không phải tử hình mà là án lưu đày.”

Và tác giả Amram kết luận:

Có lẽ vụ sát nhân nổi tiếng nhất trong nền văn minh Tây Phương là vụ anh em giết nhau được thuật trong Sách Thứ Nhất của Môi-Se (Moses), Chương 4, đoạn 1-16 (Book of Genesis,4:1-16)”

 Chú thích:

-David Werner Amram – From Leading cases in The Bible- “The Murder of Babel”- “The Judgement of Solomon”.

   – The Complete Bible Handbook by John Bowker-Lightning out of Israel-The Arab-Israel Conflict by the Associated Press- Commemorative Edition)

TP. Nguyễn Văn Thành 

(Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”, Cỏ Thơm xuất bản 2016 )

nguyenvanthanh-image

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *