Nguyễn Văn Thành
Phần nhiều văn bản pháp lý có những từ chuyên môn khó hiểu và đôi khi còn tối nghĩa do sự cần thiết phải dùng thuật ngữ (terminology) để diễn đạt một chủ đề nào đó và chỉ có ích lợi cho các luật gia mà thôi. Tuy nhiên, luật pháp đề cập tới mọi khía cạnh của đời sống để giải quyết những vấn đề tương tranh cá nhân và tập thể đã tạo ra một kho tàng văn học mà ít người để ý đến.
Thông thường những người không chuyên môn về luật cho rằng luật pháp như có một điều gì khó hiểu đã hoàn toàn vượt ra khỏi sự hiểu biết bình thường của con người. Như vậy, ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa chuyên gia và không chuyên gia về khoa luật học.
Ðể rút ngắn khoảng cách nói trên từ nhiều thế kỷ đã qua cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đề ra hai giải pháp:
1- Phổ biến những tác phẩm nổi tiếng liên quan tới luật pháp qua nhiều đề tài với đủ thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản, triết học, luận án, biện hộ và buộc tội, tường thuật phiên tòa, hồi ức, nhật ký, phê bình, thi ca…
Xin đơn cử một vài tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như “Vụ Cain và Abel” (trong Kinh Thánh) của David Werner Amram, “Socrates bị kết án tử hình” (Socrates is condemned to death) của Plato, “Kẻ sát nhân” (The assassin) của Guy de Maupassant, “Vụ Crainquebille” (Jérôme Crainquebille “phỉ báng một cảnh sát viên”) của Anatole France, “Ngày mai” (Tomorrow) của William Faulkner, “Hồi ức về máy chém Guillotine” (Reflections on the Guillotine) của Albert Camus, “Nhật ký phiên Tòa Nuremberg” (Nuremberg Diary) của G. M. Gilbert, “Luật pháp giống như tình yêu” (Law Like Love) trích trong thi ca pháp lý, tác giả W.H. Auden và còn nhiều nữa.
2- Những sách báo khảo luật cũng cần được phổ biến rộng rãi như tập san khảo luật (Pháp Lý Tập San) được các nhà sử luật coi không những là kho tàng vĩ đại của luật pháp mà còn là kho tàng đồ sộ của văn học vậy (The Law Reports are not only a great treasure of law but they are a great treasure of literature) (1).
Về nghệ thuật, luật pháp đã thu hút nhiều nghệ sĩ danh tiếng, qua các thời đại cho đến nay, đã đóng góp nhiều kiệt tác nằm trong chủ đề pháp lý vào kho tàng nghệ thuật như Giotti, Michelangelo, Tintoretto, Rubens, và Doré, chưa kể nhiều nghệ sĩ ẩn danh. Các tác phẩm vừa đề cập trưng bày tại Viện Bảo Tàng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt đối với những quốc gia chịu ảnh hưởng luật pháp Hồng Mao (Anglo- Saxon) và luật La-Hy (Greco-Roman), gọi chung là luật Tây Phương (Western law), trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã áp dụng Bộ Hình Luật Canh Cải, Bộ Hình Sự Tố Tụng do người Pháp du nhập vào nước ta khi Pháp cai trị Ðông Dương.
Thật là một điều thiếu sót nếu người viết không đề cập tới một bộ sách quý mang tựa đề “Luật Pháp: một Kho Tàng của Nghệ Thuật và Văn Học” (Law: A Treasure of Art and Literature edited by Sara Robbins). Cuốn sách khổ 33x 25cm, 376 trang trong đó có 198 tác phẩm của các nhà hội họa, điêu khắc. Quý vị độc giả nào thích sưu tầm và yêu nghệ thuật có thể đến Thư Viện Quốc Hội, Washington D.C. để nghiên cứu.
Qua sự trình bày các mục ở trên, ta thấy luật pháp rất gần gũi với văn học và không có sự ngăn cách nào giữa hai lãnh vực đó. Theo Lord Birkett, luật gia lỗi lạc và còn là một nhà văn đã nhận xét như sau: luật pháp và văn học đã có từ lâu và kết hợp chặt chẽ (law and literature have been long and closely associated) (2).
Ði theo chiều hướng vừa đề cập, người viết trích và phỏng dịch câu chuyện nằm trong bi kịch của luật pháp về một nghệ sĩ xiếc đã giết chết người vợ trẻ, xinh đẹp trong màn biểu diễn phóng dao.
TỘI PHẠM CỦA HAN (3)
Tác giả: SHIGA NAOYA
Một nghệ sĩ xiệc Trung Hoa tên là Han, trong một màn biểu diễn thông thường, đã phóng một trong những con dao lớn cắt đứt mạch máu chính ở cổ (carotid artery) của người vợ trước sự kinh ngạc của tất cả khán giả (hai mạch máu gọi là động mạch cảnh “carotid arteries“ nằm hai bên phía trước cổ dẫn máu từ tim lên nuôi não bộ). Người vợ của nghệ sĩ xiếc chết tại chỗ. Han bị bắt ngay.
Sự kiện xẩy ra tại hiện trường trước sự hiện diện của ông Giám Ðốc nhà hát, người phụ tá cho Han, người giới thiệu chương trình và hơn 300 khán giả. Ngoài ra, còn có một cảnh sát viên đứng sau sân khấu. Mặc dầu có sự chứng kiến của tất cả các nhân chứng ấy, vẫn có sự bí ẩn vì không biết có phải là vụ giết người có chủ tâm hay chỉ là một tai nạn.
Màn biểu diễn của Han diễn tiến như sau: vợ Han đứng trước một tấm gỗ kích thước như cánh cửa với khoảng cách gần 4 yards, Han phải ném những con dao lớn, mỗi con cách nhau 2 inches chung quanh thân thể người vợ. Cứ mỗi lần con dao rời khỏi tay, Han hét lên một tiếng để gây thêm phần hào hứng cho cuộc biểu diễn.
LỜI KHAI CỦA CÁC NHÂN CHỨNG.
Ông Dự Thẩm (le Juge d’instruction) hỏi cung các nhân chứng sau:
1- Ông Giám Ðốc nhà hát.
“Nhân chứng có thấy đó là một màn trình diễn rất khó không?”
“Không, thưa Ngài Dự Thẩm, không có gì khó khăn đối với người biểu diễn có kinh nghiệm. Nhưng biểu diễn màn đó cho đúng cách, người trình diễn cần có thần kinh thật vững vàng và phải tập trung tư tưởng trọn vẹn.”
“Tôi hiểu. Nếu sự việc xảy ra như một tai nạn, loại tai nạn này thật hiếm thấy xảy ra có phải thế không?”
“Quả đúng như vậy, thưa Ngài. Nếu những tai nạn có thể xảy ra giống như vậy, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho biểu diễn màn đó trong nhà hát của tôi.”
“Vậy thì nhân chứng có coi sự việc xảy ra được thực hiện với sự cố ý?”
“Không, thưa Ngài, tôi không nghĩ như thế. Và đây là lý do: một hành động như vậy trong màn biểu diễn với khoảng cách 12 feet không những đòi hỏi tài nghệ mà còn phải có trực giác hoàn hảo. Sự thực tất cả chúng tôi đều nghĩ không có một lỗi lầm nào trong màn trình diễn này. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi phải thừa nhận lỗi lầm có thể xảy ra trong bất cứ trường hợp nào.”
“Vậy thời nhân chứng nghĩ thế nào. Ðó là lỗi lầm hay có chủ tâm?”
“Tôi không thể trả lời một cách đơn giản được, thưa Ngài.”
Ông Dự Thẩm cảm thấy khó xử. Ðây rõ ràng là một vụ cố sát (a case of homicide) dù cho đó là một kẻ sát nhân hay kẻ giết người có dự mưu đi chăng nữa cũng khó có thể nói ra cho hết mọi chuyện được. Nếu là kẻ sát nhân thì quả thật là một kẻ rất tài giỏi, ông Dự Thẩm nghĩ như vậy.
2- Người phụ tá cho Han.
Tiếp đến, ông Dự Thẩm cho đòi người phụ tá Trung Hoa đã làm việc với Han trong nhiều năm để chấp cung.
“Cách cư xử bình thường của Han ra sao?” Ông Dự Thẩm hỏi.
“Han lúc nào cũng rất chững chạc, thưa Ngài; Han không đánh bạc, không rượu chè hay chạy theo đàn bà. Ngoài ra, năm vừa qua, Han theo Ky Tô Giáo. Ðương sự học Anh Văn và những lúc rảnh rỗi dường như làm ra vẻ chăm chú đọc những sưu tầm về những bài thuyết giáo, Kinh Thánh hoặc những sách thuộc vấn đề đó.”
“Thế còn vợ Han ra sao?”
“Bà ta cũng vậy, rất đứng đắn, thưa Ngài. Như Ngài đã rõ những diễn viên xiếc sống nay đây mai đó không phải luôn luôn là những người có đức hạnh nhất. Bà Han là một phụ nữ nhỏ nhắn và xinh đẹp. Có một số đàn ông thường đưa ra những đề nghị với bà, nhưng bà không hề mảy may để ý tới các loại chuyện như thế.”
“Và tính tình của cặp vợ chồng đó ra sao?”
“Thưa Ngài, luôn luôn tử tế và hòa nhã. Họ rất tốt với tất cả bạn hữu và những người quen thuộc và không bao giờ cãi nhau với ai cả. Nhưng…” Người phụ tá bỗng ngưng và suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục.
“Thưa Ngài, tôi sợ rằng khai với Ngài điều này e có thể hại cho Han. Phải thành thật mà nói, cặp vợ chồng này hiền lành và có lòng vị tha nhưng mà lạ thay cuộc chung sống giữa hai người thật đau khổ…”
“Tại sao vậy?”
“Tôi không rõ, thưa Ngài.”
“Phải chăng nhân chứng biết tình trạng của cặp vợ chồng này mới đây?”
“Không, thưa Ngài. Cách đây khoảng hai năm, bà Han có thai. Ðứa trẻ đẻ non và khoảng chừng ba ngày thì chết. Sự việc đó đánh dấu sự thay đổi quan hệ giữa hai người. Họ bắt đầu cãi vã với nhau về những chuyện rất nhỏ nhặt, và lúc đó mặt Han thường trở nên tái mét. Han chấm dứt cuộc cãi nhau bằng cách đột ngột giữ thái độ nín lặng. Han chưa bao giờ nổi giận hoặc có cử chỉ gì thô bạo đối với vợ. Tôi cho rằng hành vi đó đi trái với những nguyên tắc của Han. Nhưng mà, thưa Ngài, khi nhìn Han, Ngài có thể thấy sự tức giận khủng khiếp trong đôi mắt của Han! Ðôi khi làm ta khiếp sợ.”
“Có một ngày, nhìn thấy sự bất hạnh giữa cặp vợ chồng đó, tôi hỏi Han tại sao không xin ly thân. Rồi Han kể cho tôi nghe Han không có lý do gì để xin ly dị cả, cho dù tình yêu đối với vợ đã chết. Thực tình, nàng cũng cảm thấy và dần dần không còn thương yêu tôi nữa. Han đã tự kể tất cả cho tôi nghe như vậy. Tôi nghĩ rằng lý do thúc đẩy Han bắt đầu đọc Kinh Thánh và những thuyết giáo sưu tầm được chỉ muốn làm dịu đi sự hung bạo trong trái tim và kìm hãm sự căm ghét vợ, mà thực ra cũng chẳng có lý do gì để ghét bỏ vợ cả. Bà Han là một người đàn bà đáng thương hại. Bà ta chung sống với Han gần ba năm và đi theo Han biểu diễn khắp mọi nơi. Nếu bà ta vì lý do gì bỏ Han và trở về nhà, tôi không nghĩ bà Han sẽ dễ dàng làm lại cuộc đời. Hỏi có người đàn ông nào có thể tin tưởng một người đàn bà sống lang thang suốt gần ba năm như vậy? Tôi đoán chừng đó là lý do tại sao bà Han phải ở lại với Han, dù hai người chung sống với nhau thật khổ sở.”
“Vậy nhân chứng thực tình nghĩ sao về vụ giết người này?”
“Ngài muốn nói, thưa ông Dự thẩm, tôi nghĩ đó là là một tai nạn hay thực hiện với chủ tâm?”
“Ðúng như vậy.”
“Ðược ạ, thưa Ngài, tôi đã từng suy nghĩ vụ đó qua mọi khía cạnh từ ngày xảy ra tại sân khấu. Tôi càng nghĩ nhiều bao nhiêu, tôi càng khó hiểu bấy nhiêu. Tôi đã kể chuyện đó với người giới thiệu chương trình và người này cũng nói là không thể hiểu được việc gì đã xẩy ra.”
“Tốt lắm. Nhưng hãy kể cho tôi điều này: ngay đúng lúc sự việc xảy ra tại sân khấu, nhân chứng có thấy điều gì làm nhân chứng thắc mắc tự hỏi không biết có phải là một tại nạn hay thực hiện với sự cố ý?”
“Thưa Ngài, có, đúng như vậy. Tôi đã nghĩ… Tôi đã nghĩ, ‘Han mất trí rồi và đã giết vợ’ ”
“Với sự cố ý, nhân chứng muốn nói như vậy?”
“Ðúng, thưa Ngài. Tuy nhiên người giới thiệu chương trình nói là ông ta đã nghĩ, ‘Han đã lỡ tuột tay’ ”
“Ðúng, nhưng người giới thiệu chương trình đã không hiểu rõ các mối quan hệ giữa cặp vợ chồng đó như nhân chứng đã kể cho tôi nghe.”
“Có thể như thế, thưa Ngài. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết có phải vì tôi hiểu rõ tất cả các mối quan hệ đó mà tôi đã nghĩ, ‘Han đã giết vợ’ ”
“Phản ứng của Han ra sao vào lúc đó?”
“Han la lên, ‘Ha!’ Vừa nghe thấy tiếng la lúc đó, tôi ngước mắt lên và nhìn thấy máu ở cổ bà Han phun ra. Bà Han còn đứng được vài giây tại chỗ, rồi hai đầu gối như muốn qụy xuống dưới sức nặng của thân thể và toàn thân bà đu đưa. Khi con dao rơi ra ngoài, bà Han ngã gục xuống sàn, co quắp, tất cả chỉ còn là một đống thịt. Dĩ nhiên không một người nào trong chúng tôi có thể làm được việc gì cả, chúng tôi ngồi đấy quá khiếp sợ, chăm chăm nhìn bà Han.
Còn về phần Han, tôi thực tình không tả được phản ứng của Han bởi vì tôi không nhìn anh ta. Chỉ khi ý nghĩ ‘Han hoàn toàn mất trí và đã giết vợ’, đập vào trí óc tôi, lúc bấy giờ tôi mới liếc nhìn Han. Mặt Han tái mét và hai mắt nhắm lại. Người quản lý sân khấu hạ màn. Mọi người xúm lại nâng cơ thể bà Han lên nhưng bà ta đã chết rồi. Han qùy xuống, và cầu nguyện trong yên lặng một lúc khá lâu.”
“Han có tỏ vẻ bối rối không?”
“Vâng, thưa Ngài, Han khá bối rối.”
“Ðược lắm. Nếu tôi cần hỏi thêm nhân chứng điều gì, tôi sẽ mời nhân chứng sau.”
LỜI KHAI CỦA BỊ CÁO
Ông Dự Thẩm cho người phụ tá về và bây giờ cho đòi bị cáo để chấp cung. Bộ mặt thông minh của Han trông xanh xao và mệt mỏi; có thể nhận thấy ngay bị cáo ở trong tình trạng suy nhược thần kinh.
“Tôi đã hỏi cung ông Giám Ðốc nhà hát và ông phụ tá.” Ông dự Thẩm nói khi Han đã ngồi ở phòng dành riêng cho nhân chứng.
“Bây giờ tôi đề nghị hỏi cung bị cáo”
Han cúi đầu.
“Hãy kể cho tôi nghe,” Ông Dự Thẩm nói, “Bất cứ lúc nào, bị cáo cũng yêu thương vợ có phải không? ”
“Từ ngày kết hôn cho đến ngày đứa bé ra đời, tôi đã yêu vợ tôi với tất cả trái tim.”
“Thế tại sao khi đứa bé ra đời thì mọi việc lại thay đổi?”
“Bởi vì tôi biết đứa bé không phải là con của tôi.”
“Vậy bị cáo có biết ai là cha của đứa bé?”
“Tôi nắm được vấn đề rất rõ ràng. Tôi nghĩ đó là anh họ của vợ tôi.”
“Bị cáo biết đích thân người đó?”
“Người đó là bạn thân của tôi. Chính người đó đầu tiên đã gợi ý cho chúng tôi lấy nhau. Chính người đó đã thuyết phục tôi cưới nàng.”
“Tôi ức đoán sự quan hệ giữa hai người xảy ra trước đám cưới của bị cáo.”
“Thưa đúng. Ðứa bé ra đời sau khi chúng tôi kết hôn được tám tháng.”
“Theo ông phụ tá, đứa bé bị đẻ non.”
“Ðó là điều mà tôi đã kể với tất cả mọi người như vậy.”
“Ðứa bé chết sau khi sanh được ít ngày, có phải vậy không? Lý do nào gây ra cái chết đó?”
“Ðứa bé chết ngạt ở vú mẹ.”
“Có phải vợ bị cáo cố ý giết đứa bé?”
“Vợ tôi nói đó là một tai nạn.”
Ông Dự Thẩm yên lặng chăm chú nhìn diện mạo của Han. Bị cáo ngửng đầu lên nhưng hai mắt nhìn xuống như đợi câu hỏi tiếp theo. Ông Dự Thẩm tiếp tục.
“Vợ bị cáo có thú nhận đã có sự quan hệ đó với người anh họ không?”
“Vợ tôi không thú nhận mà tôi cũng chẳng bao giờ hỏi vợ tôi về vấn đề đó. Cái chết của đứa bé tựa như một sự trừng phạt cho mọi điều và tôi quyết định sẽ tỏ ra cao thượng được chừng nào hay chừng ấy, nhưng…”
“Nhưng cuối cùng, bị cáo không thể tỏ ra cao thượng được, có phải vậy không?”
“Quả đúng như vậy. Tôi không thể không suy nghĩ về cái chết của đứa bé vì sự trừng phạt vẫn chưa đủ. Khi vợ tôi không ở cạnh tôi, tôi có khả năng suy xét thật bình tĩnh, nhưng vừa trông thấy vợ tôi, tựa như có một điều gì đó xảy ra trong nội tâm của tôi. Khi tôi nhìn thấy thân hình của vợ tôi, cơn giận dữ bắt đầu trổi dậy.”
“Có bao giờ bị cáo nghĩ đến chuyện li dị không?”
“Tôi thường nghĩ tôi phải xin li dị, nhưng tôi không nói cho vợ tôi biết. Vợ tôi cũng hay nói nếu tôi bỏ vợ tôi thì vợ tôi cũng chẳng còn muốn sống nữa.”
“Vợ bị cáo có yêu bị cáo không?”
“Vợ tôi không yêu tôi.”
“Tại sao bà ta lại nói những điều như vậy?”
“Tôi nghĩ vợ tôi muốn nhắc đến những phương tiện vật chất để sinh sống. Nhà cửa của vợ tôi bị người anh cả làm tan nát, và vợ tôi hiểu rất rõ không có người đàn ông đứng đắn nào lại muốn cưới một người đàn bà từng là vợ của một người biểu diễn phóng dao sống lang thang như tôi. Ngoài ra, chân của vợ tôi quá nhỏ đối với vợ tôi để làm bất cứ công việc bình thường nào.”
“Thế mối quan hệ về thể xác ra sao?”
“Tôi tưởng cũng giống như phần đông các cặp vợ chồng khác.”
“Vợ bị cáo có ưa bị cáo chút nào không?”
“Tôi nghĩ vợ tôi thực tình không ưa tôi. Sự thật, tôi nghĩ vợ tôi vô cùng đau khổ phải chung sống với tôi như người vợ. Thậm chí cam chịu sự đau đớn, chịu đựng một cách thật kiên nhẫn hầu như không có người đàn ông nào tưởng tượng nổi. Vợ tôi thường quan sát tôi với đôi mắt lạnh lùng và độc ác, lúc đó tôi tưởng cuộc đời tôi tan vỡ ra từng mảnh. Vợ tôi không bao giờ biểu lộ chút thương cảm nào khi thấy tôi vật lộn với nỗi đớn đau tột độ để thoát ra khỏi cảnh khổ cực đi tìm một cuộc sống đích thực hơn, tốt đẹp hơn.”
“Tại sao bị cáo không quyết định dứt khoát hoặc sống xa vợ hay ngay cả bỏ vợ nếu thấy cần thiết?”
“Bởi vì tâm trí tôi đầy rẫy những tư tưởng đủ loại.”
“Những tư tưởng gì vậy?”
“Tôi muốn cư xử với vợ tôi theo chiều hướng là không có một sự sai trái nào về phía tôi cả. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể thực hiện được.”
“Bị cáo không bao giờ nghĩ đến chuyện giết vợ?”
Han không trả lời và ông Dự Thẩm nhắc lại. Sau một lúc khá lâu, Han trả lời, “Trước khi ý nghĩ giết vợ nẩy ra trong đầu tôi, tôi thường nghĩ thật là một điều tốt nếu vợ tôi chết.”
“Ðược, vào trường hợp đó, nếu không có điều gì là trái luật cả, bị cáo có nghĩ phải giết vợ không?”
“Tôi không nghĩ tới những điều khoản ngăn cấm của luật pháp, thưa Ngài. Ðiều đó cũng không thể ngăn cản được tôi. Ðúng ra tôi quá yếu đuối. Vào lúc đó, tôi lại say mê mong muốn đi tìm một lối sống đích thực hơn.”
“Ấy thế mà bị cáo đã nghĩ đến giết vợ, có hay không, tôi muốn nói vào giai đoạn sau này? ”
“Tôi không bao giờ có ý nghĩ giết vợ tôi. Nhưng đúng ra, đã có một lần, tôi đã nghĩ đến vấn đề đó.”
“Ðã bao lâu, trước khi xảy ra biến cố đó?”
“Ðêm hôm trước… Hay có lẽ ngay vào buổi sáng đó.”
“Bị cáo đã cãi nhau với vợ?”
“Thưa Ngài đúng như vậy.”
“Về vấn đề gì?”
“Về chuyện quá nhỏ nhặt không đáng nói ra.”
“Hãy cố gắng kể lại việc đó.”
“Ðó là vấn đề ăn uống. Một đôi khi tôi hay cáu giận khi chưa ăn. Vâng, vào buổi tối đó, vợ tôi quá chậm chạp không sửa soạn kịp bữa ăn tối mà đáng lẽ phải làm xong rồi. Tôi rất tức giận.”
“Bị cáo có giận dữ hơn mọi lần không?”
“Thưa không, nhưng mà sau đó tôi hãy còn thấy bị kích động, đó là một điều khác thường. Tôi cho rằng vì tôi bối rối quá nhiều trong mấy tuần lễ vừa qua muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân tôi, và nhận ra rằng tôi không sao thực hiện được ý định đó. Tôi đi ngủ nhưng không sao chợp mắt được. Biết bao nỗi lo lắng và bối rối xâm nhập tâm trí tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy cho dù cố gắng xoay sở cách gì đi nữa, tôi cũng không bao giờ có thể thực hiện được những điều thực sự tôi mong muốn. Dù cố gắng vượt mọi trở ngại, tôi sẽ không bao giờ thoát được những cảnh đáng ghét trong đời sống hiện tại của tôi. Tình trạng buồn và vô vọng của những chuyện xảy ra tựa hồ như có dính dấp tới cuộc hôn nhân của tôi. Tôi tuyệt vọng đi tìm một tia sáng lọt qua kẽ hở dẫn dắt tôi ra khỏi nơi tăm tối, nhưng ngay cả điều mong ước đó cũng dần dần tiêu tan. Hy vọng trốn chạy cuộc sống đáng ghét đó hãy còn le lói và lôi cuốn tôi, và tôi hiểu rằng nếu không sao thoát ra cảnh sống đó, thực tế tôi như người đã chết. Và rồi ý nghĩ đen tối dập dờn trong đầu óc tôi, nếu mà nàng chết! Phải chi nàng chết!
Tại sao tôi không giết nàng? Hậu quả về hành động giết người như vậy chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi cả. Không còn nghi ngờ gì nữa tôi sẽ vào tù, nhưng mà đời sống trong nhà giam chắc cũng không đến nỗi tồi tệ, có thể còn khá hơn cuộc sống hiện nay của tôi. Và không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng giết vợ tôi cũng chẳng giải quyết được việc gì cả. Mà né tránh không giải quyết được vấn đề giữa hai chúng tôi cũng chẳng khác gì như cuộc tự sát. Tôi chịu đau đớn từng ngày kể từ khi đứa trẻ sơ sinh chết, tôi tự nhủ; không còn con đường nào để vượt thoát ra cảnh sống đó. Cuộc đời đích thực của tôi: cam chịu đau khổ.
Tâm trí tôi cứ chạy theo những con đường đó, tôi gần như quên hết duyên cớ của sự đau khổ trong lòng tôi. Quá kiệt sức, tôi nằm đấy nhưng không sao ngủ được. Tôi rơi vào tình trạng hoàn toàn như u mê, và tâm trí tôi bị dày vò trở nên tê liệt, ý nghĩ giết vợ tôi mờ nhạt dần. Rồi cảm giác trống rỗng buồn tẻ xâm chiếm tâm hồn tôi, đưa tôi vào cơn ác mộng. Tôi đã nghĩ tới mọi giải pháp hay nhất để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, và nhận ra rằng tôi quá nhu nhược không sao đạt được mục đích đó. Khi trời rạng đông, tôi nhìn thấy vợ tôi, cũng như tôi, không ngủ được…”
“Khi bị cáo thức dậy, hai người có cư xử với nhau một cách bình thường không?”
“Chúng tôi không nói với nhau một lời.”
“Nhưng mà tại sao bị cáo không nghĩ tới phải rời xa vợ, khi sự việc xảy ra như thế?”
“Ngài muốn nói, thưa ông Dự Thẩm, đó là cách giải quyết vấn đề của tôi? Không, không, như vậy cũng như lẩn trốn chẳng giải quyết được việc gì cả giữa chúng tôi. Như tôi đã từng thưa với Ngài là tôi đã xác định phải cư xử với vợ tôi làm sao không có một sự sai trái nào về phía tôi cả.”
Han nhìn chăm chăm ông Dự Thẩm, thấy ông gật đầu như ra hiệu cho Han tiếp tục nói.
“Hôm sau tôi kiệt lực và thần kinh tôi căng thẳng trở nên lộn xộn. Tôi cảm thấy đau đớn đến cực độ để cố giữ cho được bình thản, và vừa bận quần áo xong, tôi rời khỏi nhà rồi đi lang thang vào vùng vắng vẻ của thị trấn. Suy nghĩ liên miên đeo đuổi tôi như nhắc nhở tôi phải làm một cái gì để giải quyết cuộc đời của tôi, nhưng ý nghĩ giết vợ tôi không còn trong đầu óc tôi nữa. Sự thật có sự ngăn cách giữa ý tưởng sát nhân đêm hôm trước và bất cứ quyết định hiện tại nào để phạm trọng tội! Quả thật, tôi cũng không bao giờ nghĩ tới cuộc biểu diễn vào tối hôm đó. Nếu tôi đã nghĩ tới, tôi chắc chắn quyết định bỏ mục phóng dao. Có hàng tá mục biểu diễn khác để thay thế.
Vâng, vào buổi biểu diễn tối hôm đó, và cuối cùng đến lượt tôi xuất hiện trên sân khấu. Tôi không có một tý chút linh cảm nào báo hiệu sẽ có một sự bất bình thường xảy ra. Như thường lệ tôi chứng minh cho khán giả thấy những con dao sắc bén của tôi có thể cắt giấy ra từng mảnh vụn và phóng một vài con dao trên tấm gỗ. Ngay lúc đó, vợ tôi xuất hiện tô son trát phấn kỹ càng và bận bộ áo Trung Hoa trau chuốt; sau khi cúi đầu chào khán giả với nụ cười thật duyên dáng, vợ tôi ra đứng trước tấm bảng gỗ. Tôi rút ra một trong những con dao và đứng xa vợ tôi vào một vị trí đã định sẵn.
Ðó mới là lúc mắt chúng tôi nhìn nhau lần đầu tiên từ đêm hôm trước. Ngay lập tức tôi hiểu có một sự rủi ro khi chọn lựa tiết mục đặc biệt này trong màn biểu diễn tối nay! Rõ ràng tôi phải làm chủ bộ thần kinh, nhưng sự mệt nhọc cùng cực đã thấm vào tận xương tủy ngăn cản tôi làm việc đó. Tôi nhận thấy không còn có thể tin cậy chính cánh tay của tôi nữa. Tôi cố trấn tĩnh và nhắm mắt lại trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy toàn thân tôi run rẩy.”
Thời điểm trình diễn bắt đầu! Tôi nhắm phóng con dao đầu tiên ở trên đầu vợ tôi; con dao cắm trúng mục tiêu, cao hơn đầu đúng một inch như thường lệ. Vợ tôi giơ hai cánh tay lên và tôi sửa soạn phóng hai con dao kế tiếp, mỗi con ở dưới mỗi cánh tay. Con dao vừa rời khỏi những ngón tay của tôi, tôi có cảm giác tựa hồ như có cái gì đó như muốn giữ con dao đó lại; tôi không còn có khả năng xác định được mục tiêu chính xác nữa. Bây giờ thực ra chỉ còn là vấn đề may rủi nếu con dao trúng điểm đã định, mỗi một cử động của tôi trở nên thận trọng và ngượng ngập.
Tôi phóng một con dao phía bên trái cổ của vợ tôi và tôi sắp sửa ném con dao khác vào bên phải thì tôi nhìn thấy trong đôi mắt của vợ tôi, sự biểu lộ tình cảm kỳ lạ như bất thần sợ hãi sắp có chuyện gì xảy ra! Phải chăng vợ tôi có linh tính con dao này, chỉ trong vài giây đồng hồ nữa thôi, sẽ găm vào cổ họng của vợ tôi? Tôi cảm thấy choáng váng tựa như muốn ngất. Ráng sức phóng con dao ra khỏi tay, cố nhắm sao cho trúng đích.”
Ông Dự Thẩm yên lặng chăm chú nhìn Han.
“Ngay lúc đó, bỗng một ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi, ‘tôi đã giết nàng’” Han nói một cách đột ngột.
“Có sự cố ý, bị cáo muốn nói như vậy có phải không?”
“Thưa đúng. Bất thần tôi cảm thấy đã hành động với sự cố ý.”
“Sau đó, tôi biết bị cáo quỳ xuống bên xác vợ và cầu nguyện trong yên lặng.”
“Ðúng như vậy, thưa Ngài. Ðó chỉ là mưu mẹo chợt nảy ra trong đầu óc tôi do sự thôi thúc của tình thế lúc bấy giờ. Tôi nhận thấy mọi người biết tôi là con chiên ngoan đạo, cho nên tôi giả bộ cầu kinh, thật ra tôi đang tính toán kỹ lưỡng chọn một thái độ nào đó cho hợp lý.”
“Như vậy, bị cáo hoàn toàn tin tưởng tất cả những điều gì đã thực hiện đều có chủ tâm?”
“Thưa đúng. Nhưng tôi lại nhận thức ngay tôi có thể nêu ra chuyện đó như một tai nạn.”
“Thế tại sao bị cáo lại nghĩ đã thực hiện với chủ tâm?”
“Thưa tôi mất tất cả khả năng xét đoán.”
“Bị cáo có nghĩ rằng bị cáo đã thành công làm cho mọi người có cảm tưởng đó chỉ là một tai nạn hay không?”
“Thưa đúng, sau này mỗi khi nghĩ tới việc đó còn làm tôi rùng mình. Tôi giả bộ thuyết phục mọi người là tôi kiệt sức vì quá đau buồn nhưng nếu một người thật tinh ý có thể nhận thấy ngay tôi đang diễn xuất đó thôi. Vâng, đúng ra vào tối hôm đó, tôi đã nhận thấy không có lập luận nào vững chắc cả thì tại sao tôi lại không được tha bổng? Tôi tự nhủ thầm một cách bình tĩnh bởi vì chẳng có chút bằng chứng xác đáng nào bất lợi cho tôi cả. Chắc chắn nhiều người đều biết tôi đau khổ biết chừng nào khi tôi phải chung sống hòa thuận với vợ tôi, nhưng nếu tôi cứ khăng khăng một mực nói đó chỉ là một tai nạn, không một ai có thể chứng minh ngược lại điều đó. Nhìn lại mọi việc đã xảy ra, tôi thấy cái chết của vợ tôi có thể giải thích rất hợp lý giống như một tai nạn vậy.
Và rồi thì một câu hỏi kỳ lạ thâm nhập tâm trí tôi: Tại sao chính tôi cũng tin chuyện này không phải là một tai nạn? Ðêm hôm trước, tôi đã nghĩ tới việc giết vợ tôi, không biết có phải chính ý nghĩ đó là duyên cớ khiến tôi có hành động với chủ tâm chăng? Dần dần tôi nhận xét ra rằng chính tôi cũng không hiểu thực sự việc gì đã xảy ra? Khi đó, tôi cảm thấy thật sung sướng không thể tưởng tượng được, tôi muốn hét lên cho vỡ tung buồng phổi.”
“Bởi vì bị cáo đã xem vụ đó như một tai nạn?”
“Thưa không, tôi không thể nói như vậy được: vì tôi không còn ý tưởng nào là tôi có chủ tâm hay không. Do đó, tôi quyết tâm tìm con đường tốt nhất để được tha tội là nên thú hết mọi tội lỗi (to make a clean breast of everything). Thay vì nói đó là một tai nạn để tự lừa dối mình và những người khác thì tại sao tôi đã không thành thật nói rằng tôi đã không biết việc gì đã xảy ra. Mà sự thật, tôi có thể tự bào chữa là tôi không ‘có tội’ mà cũng chẳng ‘vô tội’.”
LỜI NÓI CUỐI CÙNG
Han ngưng nói. Ông Dự Thẩm giữ im lặng một hồi lâu, trước khi nói một cách nhẹ nhàng và cân nhắc:
“Tôi tin những điều mà bị cáo khai với tôi là sự thật. Còn một câu hỏi nữa thôi: bị cáo không cảm thấy tí chút đau buồn nào về cái chết của vợ bị cáo?”
“Không có chút nào cả! Ngay khi tôi ghét vợ tôi một cách cay đắng nhất trong quá khứ tôi cũng không bao giờ có thể tưởng tượng cảm thấy sung sướng như thế này khi nói tới cái chết của vợ tôi.”
“Thôi được,” Ông dự Thẩm nói. “Bị cáo có thể lui ra.”
Han yên lặng cúi đầu và rời khỏi phòng thẩm vấn.
Ông Dự Thẩm, xúc động một cách kỳ lạ, với tay lấy quản bút và chậm rãi hạ bút xuống tập hồ sơ để trên bàn giấy, phê, “Vô tội” (Not guilty).
Trích: “LUẬT PHÁP VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT”
Của soạn giả: TP. Nguyễn Văn Thành (1923)
___________________________
Chú Thích:
(1, 2) The Law as Literature Selected and Introduced by Louis Blom-Cooper.
(3) The World of Law edited by Ephraim London I The Law in Literature.