Trương Anh Thụy
Câu hỏi này, hay các câu tương tự đã được hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong giới báo chí, văn học, hay ngay cả những nơi tụ họp trà dư tửu hậu của giới cầm bút. Người ta cũng trả lời dễ dàng, nhanh chóng, nhưng thử hỏi mấy ai đã thật sự hài lòng về câu trả lời cuả mình? Đa số có cớ rất chính đáng là trong một câu trả lời vắn tắt, không thể nói hết ý được. Trong bài này tôi cũng không có tham vọng làm được việc đó một cách đầy đủ hay chính xác… chỉ dám thử nhìn vào chính mình, phân tích chính lòng mình xem tại sao mình viết? Viết để làm gì?
Viết để làm gì?
Nhu cầu muôn thuở của con người là chia sẻ. Một người ích kỷ nhất trên đời cũng có nhu cầu chia sẻ, nhưng có thể trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn như chỉ ở trong gia đình, bà con, bạn bè họ… chẳng hạn.
Bill Gates và bà vợ Melinda đang và sẽ chia sẻ phần lớn gia tài của họ cho xã hội, nhân quần. Ông chủ Domino’s Pizza, Tom Monagham, tuyên bố : “I will die broke” (Tôi sẽ chết không còn đồng xu nào.) Ông Milton S. Hershey, người sáng lập hãng kẹo chocholate Hershey đã bỏ ra hàng tỷ đô-la xây trường nuôi dậy trẻ mồ côi. Có không ít các em xuất thân từ các trường này ra đời rất thành công, có địa vị cao trọng trong xã hội… cùng với bao nhiêu nhà tỷ phú khác trong nước Mỹ, trên thế giới đang làm những chuyện tương tự. Còn thiếu gì những người kiếm chỉ đủ sống mà cũng chia sẻ cho người thiếu thốn hơn mình trong khả năng của họ, mà thành phần làm việc âm thầm này lại nhiều vô kể. Sẽ có người cho rằng đây chỉ là vấn đề “nhân đạo.” Song tên gọi là gì thì cũng vẫn phải phát xuất từ tấm lòng muốn chia sẻ, muốn chia sẻ nẩy sinh hành động nhân đạo.
Từ cái nhu cầu chia sẻ bẩm sinh đó, với tâm hồn nhà văn vốn đa tình, đa cảm… thì tâm tư, tình cảm họ hẳn lúc nào cũng chan chứa trong lòng… làm sao họ có thể giữ mãi bên trong mà không bằng cách này hay cách khác chia sẻ ra với những người cảm thông được với họ. Viết là cách thông thường nhất.
Vì nhu cầu chia sẻ thôi thúc, con người đi tìm đối tượng để chia sẻ. Người trí thức đi tìm người có trình độ có thể hiểu được mình để trao đổi kiến thức đầy một bộ óc; đôi bạn gái có tâm sự đầy ắp lồng ngực tưởng như sắp muốn nổ, cần được thổ lộ ra, để cùng khóc, cười hay buồn, giận… Nếu ở đời có một Bá Nha mà lại gặp được một Tử Kỳ thì thật là quý hiếm! Những người đó người ta gọi là tri âm, tri kỷ.
Đó là các trường hợp cá nhân, nhỏ hẹp. Trong một quy mô rộng lớn hơn, ở tầm mức quốc gia, xã hội, thế giới, nhân loại… thì nhu cầu chia sẻ vẫn còn đấy. Chia sẻ cái gì? Chia sẻ niềm đau mất nước, sự bất bình trước bất công xã hội… hay sự hoang mang trước viễn ảnh địa cầu đang bị hâm nóng, sự đổi thay đến chóng mặt của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Hoặc giả chia sẻ cái cảm xúc của mình trước một nghĩa cử cao thượng nào đó, hay một cảnh thiên nhiên hùng vĩ đến lạnh người… Văn chương nẩy sinh từ đấy.
Trong quốc nạn 30 tháng Tư, cảnh xẩy đàn tan nghé, cảnh trả thù tàn bạo cuả “bên thắng cuộc”, cảnh thuyền nhân, nạn hải tặc… gây xúc động đến cả những con tim bình thản nhất, những con người ù lỳ nhất, từ đó đã khơi dậy biết bao nhiêu nghĩa cử nhân đạo… Nếu không có chuyện gì xẩy ra thì chưa chắc mấy người này đã xuất hiện. Hay chính những người đó cũng không biết, không ngờ là mình biết làm gì, mình sẽ phản ứng thế nào cho đến khi có tai họa giáng xuống đầu họ hay họ là chứng nhân, do đó ngẫu nhiên sản sinh biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ… bất đắc dĩ. Rõ ràng là một sự ngẫu nhiên, không chọn lựa, nhưng họ có nhu cầu chia sẻ và đã để lại không thiếu những tác phẩm để đời.
Tại sao viết?
Ở đầu sách của cuốn tiểu thuyết Chuyển Mùa, tôi đề tặng và cám ơn song thân, trong đó có câu: “… Người đã dạy con làm thơ, viết văn và biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực.”
Nghe lạ! Có người sẽ hỏi tại sao phải được dạy mới “biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực”? Dạ đúng vậy. Sinh ra trong một gia đình có những người luôn “phẫn nộ trước bất công và bạo lực”, một trẻ thơ không thể không bị ảnh hưởng trong cái không khí, môi trường đó. Đừng nghĩ phải có bài có vở, có các buổi thuyết trình hay trường ốc hẳn hoi, một đứa trẻ chỉ cần nhìn thấy người lớn chung quanh mình làm gì, tốt cũng như xấu, sẽ tiêm nhiễm… rồi hành động giống như vậy. Gia đình đóng vai trò giáo dục con em mình chẳng kém học đường, có khi còn quan trọng hơn. Đứa trẻ được dạy trong trường có bốn, năm tiếng đồng hồ một ngày, trong khi ở với gia đình tất cả số giờ còn lại.
Từ được chứng kiến những cảnh bạo lực, bất công đến rúng động thế giới như vụ 9.11 ở Nữu ước năm 2001, đến việc ở tầm mức quốc gia, cục bộ như chuyện nhà nước cộng sản Việt Nam cướp nhà cướp đất của dân đen khiến biết bao nhiêu dân oan không nhà không cửa, kéo nhau lên thành phố khiếu kiện năm này qua năm khác mà chẳng được giải quyết, gây uất ức đưa đến các vụ tự thiêu, tự tử… Rồi những cảnh công an, “đầy tớ cuả dân” mà lại được nhà nước nuôi dưỡng như những ông Trời con, thả cửa đánh đập tàn nhẫn những con dân yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược… Tôi thấy như tôi đang đứng trước mấy vụ cướp ngày trên quê hương tôi, mà lại thiếu vắng một Lục Vân Tiên:
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
“Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
(Trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, có nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm là không phải anh hùng.)
Và Đông (Lục Vân Tiên 1822-1888) – Tây gặp nhau ở chỗ này: “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything.” Albert Einstein (1879-1955)
(Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.)
Tôi, một khúc gậy của Lục Vân Tiên cũng không có, nói gì đến súng đạn, thì ngòi bút của tôi sẽ làm công việc không chỉ “đứng nhìn”, mà tả thật, tả chân những điều nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… Ngòi bút của tôi chạy theo cảm xúc tôi, lương tâm tôi… “Sản phẩm” cuối cùng có được việc gì hay không, có thắp sáng thiên lương những con quỷ nằm trong xác người phần nào hay không, tôi không dự kiến trước. Kết qủa ra sao thì cũng hoàn toàn tự nhiên như gieo hạt nào thì hái qủa đó.
Tôi không tự khoác lên mình một sứ mệnh. Tôi cũng sẽ không dám nhận nếu ai đó khoác lên tôi một sứ mệnh, tôi sợ nếu tôi lách ngòi bút theo một “sứ mệnh” tôi sẽ hết tự do và thành thật. Đứng trước một hoàn cảnh ngang trái, chẳng đặng đừng tôi phản ứng theo bản năng tự nhiên, không đắn đo suy nghĩ, không cân đong kết quả, hậu quả… , cho nên không ít người dựa trên tác phẩm tiểu thuyết Chuyển Mùa của tôi để bảo rằng tôi là một tác giả “can đảm, dám nhẩy vào đề tài nhậy cảm”. Chả biết thế là khen hay chê, nhưng có một điều chắc chắn là việc làm của tôi có rất ít chọn lựa.
Sống và được chiêm nghiệm biết bao chuyện chướng tai gai mắt…, người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, cầm micro (ca sĩ)… đều đã nhiều lần, vô tình hay hữu ý, làm công việc “tâm công” của cụ Nguyễn Trãi.* “Tâm công” là lấy lòng mình mà tấn công vào lòng quân địch. “Quân địch” đây không nhất thiết chỉ là “phía bên kia” trong một mặt trận, có lính tráng, tầu bay, tầu bò… mà còn là “phía bên kia” cuả cái thiện, cái đẹp, cái tự nhiên của một tâm hồn đẹp… Bạo lực luôn luôn là võ khí của kẻ yếu. “Tâm công” là võ khí của người đạo đức, tài năng, của các nghệ sĩ, của người cầm bút… Người ta trải lòng trên ngọn bút chứ không trải lòng trên họng súng!
Người ta đâu chỉ cầm bút khi có chuyện cần phải “nổi dóa”? Người ta cũng “cầm bút để làm đẹp cho đời” như nhiều người đã nói, và nhiều nhà phê bình văn học đã bảo thế. Thế nhưng tôi xin hỏi, khi người ta đặt bút xuống ca ngợi một bông hoa đang hé nở trong nắng sớm… với tất cả cảm xúc thành thật của mình, người đó có cùng một lúc nghĩ mình đang “làm đẹp cho đời” không? Hay cứ viết, cứ vẽ, cứ làm nhạc… rồi… từ một tài năng nằm trong một “tâm hồn đẹp” đã phục sẵn trong cốt tủy, nó sẽ thăng hoa thành một sản phẩm gồm đủ CHÂN, THIỆN, MỸ? Sản phẩm đó làm đẹp cho đời mà không có sự cố ý, cố nặn, “đo may” (to tailor) nào… của người nghệ sĩ. Tự nhiên, ngẫu nghiên… là ở chỗ đó.
Nhà văn Hồ Trường An viết trong một cuốn biên khảo văn học rằng “những bài thơ ngắn của Trương Anh Thụy có thiền phong thiền vị.” Khi có dịp gặp mặt tôi cãi chối chết là tôi có biết thiền là cái gì đâu! Anh lại bảo “Ấy không biết thiền là gì nhưng nếu làm thơ với tâm thiền thì cái thiền phong thiền vị nó tự tỏa ra nườm nượp. Có những bài thơ đầy những chữ trong kinh kệ mà vẫn chẳng thấy thiền ở đâu cả.” Nói vậy thì biết vậy, tôi vẫn chỉ làm thơ theo cảm hứng bất chợt. Còn như thơ, văn tôi thuộc trường phái nào thì đấy là công việc của các nhà phê bình văn học.
Sau khi phân tích lòng mình để trả lời hai câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Tại sao viết?” liệu tôi có thể từ đó rút ra cho mình một “Sứ mệnh cuả người cầm bút” hay không?
Hình như vẫn là “không”!
Sứ mệnh của người cầm bút
Thú thật, nhân được xem đám tang cuả nhà văn Jean d’ Ormesson (mùng 8 tháng 12, 2017) vừa qua trên màn ảnh, tôi mới nẩy ra ý định viết bài này. Hình ảnh trên màn hình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cúi khom người đặt một chiếc bút chì lên quan tài ông trong một buổi lễ quốc táng đã khơi dậy trí tò mò của tôi khiến tôi tìm hiểu về ông và được biết ông là giám đốc của nhật báo Le Figaro từ năm 1974 cho đến ngày ông mất, mùng 5 tháng 12, 2017. Ông cũng là viện trưởng của Viện Hàn Lâm Pháp (Académie Française), tác giả của hơn 40 tác phẩm gồm nhiều loại: tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo… Ông là một nhà văn thuộc dòng dõi quý tộc, thuộc giới trí thức hàng đầu của nước Pháp . Tuy nhiên, theo tôi, tất cả các sự kiện đó không phải là lý do để tổng thống Pháp phải làm quốc táng cho ông, mà vì ông là một nhà văn nhân bản, những gì ông viết ra là những vấn đề của đời thường, ông là người bạn tâm giao đồng cảm, xuyên xuốt nỗi thống khổ và khát vọng ngàn đời của mọi tầng lớp xã hội. Nước Pháp muốn nói lên rằng mọi thành phần dân Pháp đang để tang ông, và nước Pháp muốn chia sẻ cái tang này với cả thế giới. Sự mất mát to lớn này thuộc về cả nhân loại chớ không phải chỉ của riêng nước Pháp.
Do một bài tường thuật/biên khảo của nhà văn Từ Thức (bên Pháp), tôi được đọc những câu trích dẫn từ nhà văn D’ Ormesson như sau: ‘’Có hai cái hầu như không thể đạt được, là sự thực (la vérité) và sự công bằng, công lý (la justice). Tôi ghét hai loại người: những người nghĩ mình nắm sự thực và công lý trong tay; và những người nghĩ không nên bận tâm bởi vì sự thực và công lý sẽ không bao giờ có trên đời. Không, biết là không làm được, nhưng vẫn phải tranh đấu đi tới.‘’ Nhà văn Từ Thức thêm: Không xa tư tưởng của Scott Fitzgerald mà ông (D’ Ormesson-chữ thêm của người viết) ngưỡng mộ: ‘’Hãy ý thức rằng tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng vẫn phải hành động để thay đổi. » **
Ôi! Mục tiêu của hai nhà văn trên vĩ đại quá ! Cao thượng quá! Hèn chi các nhà phê bình văn học chẳng, bằng một cử chỉ ưu ái, khoác lên nhà văn một sứ mệnh to tát: Làm thay đổi nhãn quan, định kiến, tâm địa…vv…và vv… của con người, của cả một xã hội, rồi đến cả nhân loại… Các nhà biên khảo phê bình văn học rất có lý, vì trước mắt họ còn vô số những đầu óc vĩ đại khác như Balzac, Camus, Enxa Triôlê, Thạch lam, Nam Cao… kể sao cho hết! Những nhà văn này xứng đáng được mệnh danh là những thiên thần, là những vị thánh cứu nhân độ thế, là những sứ giả mang một sứ mệnh Trời trao…
Dù cho thế đi nữa, con đường văn mà nhà văn đi tới, theo tôi, vẫn là có nhiều ngả. Một nhà văn ngẫu nhiên “Gặp một chuyện hay, nghe một chuyện cảm động, lại thấy chuyện bất bình hay chứng kiến một cảnh dởm, trưởng giả học làm sang, người viết truyện nếu thật với mình sẽ ghi nhận, để cho câu chuyện nung nấu trong đầu, trong óc, trong tâm can, rồi một ngày nào đó, câu chuyện chín muồi đem trải ra mặt giấy… thành ‘truyện’.” (“Vào Tập” của tập truyện Ánh Mắt-1998.) Quá trình dựng truyện như thế thiết tưởng cũng nhiều nhà văn đã làm, chẳng có gì đặc biệt,đặc biệt chăng là ở mức độ tài năng của nhà văn, ở khả năng biết nhận diện cái “thiện” để mà đề cao, cái “ác” để mà tiêu diệt, và ở tâm hồn đẹp luôn hướng thiện, hướng thượng… Có được các đặc tính đó rồi thì tự nhiên sản phẩm của họ sẽ đem lại kết quả ĐẸP. Vậy thì cái gì đến trước? Cứ viết đi, rồi vì văn tài, vì những rung cảm tự nhiên, không làm dáng, không biếm họa… nhà văn sẽ tạo ra được một tác phẩm đẹp, hay, khoác lên mình một sứ mệnh rồi viết ra một tác phẩm đẹp? Tinh thần Lục Vân Tiên chắc cũng không xa quan niệm này. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.” (LVT.) Chí ít cũng phải “giữa đường thấy chuyện bất bình” (ngẫu nhiên, không chọn lựa) rồi mới “chẳng tha” (kết quả tất yếu).
Qua lối suy nghĩ rất cô đơn này, tôi ý thức được rằng tôi đang lội ngược dòng, đang xâm nhập vào một lãnh vực nhậy cảm, một thành trì kiên cố của đại đa số những người có thẩm quyền hơn tôi! Tuy nhiên tôi nghĩ không có gì buồn nản bằng điều mình nói ra được mọi người đồng ý hết, như vậy là mình chẳng học được điều gì mới lạ, hay còn tệ hơn nữa là mọi người thờ ơ với đề tài nhàm chán này.
Tôi rất mong được đón nhận những ý kiến, đồng tình hay phản biện xây dựng và tương kính của các thi, văn, nhạc, họa sĩ, các nhà biên khảo, các độc giả… hầu làm sáng tỏ một vấn đề mà vẫn còn có người cầm bút trong chúng ta đang loay hoay, trăn trở tìm câu trả lời mà chưa có./.
Trương Anh Thụy
Chú thích:
* “Tâm công” nghĩa là “đánh vào lòng người”, là một chiến lược cơ bản trong Bình Ngô Đại Cáo, cuốn sách mà cụ Nguyễn Trãi là tác giả, đệ trình lên vua Lê Lợi dùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. “Đánh vào lòng địch” là chính sách mà vua Lê Lợi và cụ Nguyễn Trãi đã xử dụng để kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao… chủ đích là dùng tâm lý, đạo lý dụ các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân về hàng. Khi thì dùng hòa đàm, tạm thời hòa hoãn với địch để đợi thời cơ, khi ưu thế thuộc về mình thì dùng lý lẽ cảm hóa, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch, làm chúng nao núng không còn ý chí chiến đấu.
** “One should be able to see things as hopeless and yet be determined to make them otherwise.”
F. Scott Fitzgerald (Mỹ) – (Nguồn:Từ Thức)