Cao Tuấn
Đoạn kết của chiến tranh A Phú Hãn tháng 8/ 2021 giống như đoạn kết của chiến tranh Việt Nam tháng 4/ 1975. Người Mỹ tháo chạy trong hỗn loạn, không xứng đáng là đệ nhất siêu cường. Cùng lúc, chính quyền Kabul giống như chính quyền VNCH, được Mỹ ủng hộ trên dưới 20 năm, sụp đổ tan hoang.
Tuy nhiên nhìn kỹ hơn thì cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến tranh A Phú Hãn khác nhau về nhiều mặt.
Một:
Chiến tranh Việt Nam là sự đụng độ giữa Mỹ và cả khối Cộng Sản, lúc đầu chính yếu là Cộng Sản Tầu, Cộng Sản Việt nhưng sau gồm cả Liên Xô, Bắc Hàn, Cu Ba, các nước Cộng Sản Đông Âu. Mỹ kéo được một số đồng minh Á Châu tham chiến như Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân nhưng các đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở trong Nato lại chọn đứng ngoài. Dù sao, chiến tranh Việt Nam cũng là cuộc xung đột dữ dội nhất, nóng nhất , dai dẳng nhất của thời kỳ chiến tranh lạnh giữa 2 phe Cộng Sản và Tư Bản, một thứ thế chiến thu gọn trên chiến trường Đông Dương.
Mỹ ở thế “thắng rất khó” mà “thua thì hiểu được” vì khối Cộng Sản lúc đó rất mạnh và dốc toàn lực dù bề ngoài là chỉ có Cộng Sản Việt Nam đánh nhau với Mỹ. Nhờ sự chống lưng vô giới hạn của Trung Cộng, Bắc Việt không cần chia quân lo phòng thủ vì biết trước Mỹ, sau kinh nghiệm xương máu trong chiến tranh Triều Tiên, không muốn hoặc không dám đụng độ trực tiếp với một biển quân Tầu thêm lần nữa, nên chắc chắn sẽ không vượt sông Bến Hải tiến binh ra Bắc. Trong khi đó thì Bắc Việt cứ tự do hàng hàng lớp lớp theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đổ quân vào Nam.
Bắc Việt cũng không cần làm kinh tế sản xuất vì lương thực, súng đạn đã được đàn anh cung cấp đủ. Không còn là một quốc gia bình thường, phe Cộng Sản đã biến Bắc Việt thành một trại lính – chỉ ăn, ngủ, huấn luyện ngắn ngủi rồi lên đường “chống Mỹ, cứu nước”, “sinh Bắc, tử Nam” nghĩa là đánh cho tới chết, đánh đến người Việt Nam cuối cùng. (Ngay cả người Việt chết hết, Mỹ vẫn còn đối phó với một tỉ người Tầu thù nghịch…)
Chiến tranh A Phú Hãn ngược lại. Tương quan lực lượng hoàn toàn chênh lệch. Lợi cho Mỹ và bất lợi cho Taliban. Trước sau chỉ đơn độc Taliban đối đầu với Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ gồm cả quân đội của chính quyền Kabul do Mỹ dựng lên cộng với quân đội trong khối NATO như của Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Spain, Portugal, Norway, Canada …Thế mà cuộc chiến 20 năm kết thúc với Taliban toàn thắng mặc dù sự giúp đỡ từ bên ngoài mà Taliban nhận được rất không đáng kể. Đó là một điều rất đáng ngạc nhiên: Tại sao người khổng lồ và “bè đảng” lại thua một chú bé con một cách thảm thương như vậy!? Không những Mỹ là cọp giấy- như Mao Trạch Đông từng nói – mà cả NATO cũng là cọp giấy luôn, ít nhất trong trường hợp này.
Hai:
Mỹ tốn phí khoảng 1,000 đến 2,000 tỉ đô la cho chiến tranh A Phú Hãn, tuỳ theo cách tính. Có thể là ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn chi phí của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tính theo thời giá hiện hành. Mặt khác, cường độ và qui mô của chiến tranh A Phú Hãn lại chỉ bằng 1/10 hay 1/20 chiến tranh Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam ước lượng Mỹ chết 58 ngàn, phe Quốc Gia VN chết trận 250 ngàn, phe Cộng Sản VN chết 1 triệu. Số bị thương gấp mấy lần số chết. Thường dân chết vì bom đạn cũng thêm cả triệu. Trong chiến tranh A Phu Hãn, Mỹ chết khoảng tổng cộng 6 ngàn (cả quân sự, dân sự); quân đội và cảnh sát của chính quyền Kabul chết khoảng 70 ngàn; Taliban chết 60 ngàn; thường dân chết vì bom đạn cũng khoảng 70 ngàn. Tại cao điểm của chiến tranh Việt Nam, quân Mỹ hiện diện là hơn nửa triệu so với 100 ngàn tại cao điểm chiến tranh A Phú Hãn. Toàn bộ chiến tranh Việt Nam lấy đi ít nhất 3 triệu sinh mạng so với hơn 200 ngàn chết trong toàn bộ chiến tranh A Phú Hãn.
Chiến tranh A Phú Hãn căn bản là đánh du kích và phản du kích không có những trận đại chiến “long trời, lở đất” cấp sư đoàn như ở Việt Nam. Các trận đánh Tết Mậu Thân, Lam Sơn 719, Bình Long, Kontum, Quảng Trị, Ban Mê Thuật, Long Khánh…đều đáng ghi vào quân sử thế giới.
Có thắng, có bại nhưng thực tế đã chứng tỏ quân đội của phe quốc gia Việt Nam thiện chiến và rất anh dũng dù sự lãnh đạo chính trị ở tầm mức quốc gia thì kém cỏi. Con số tử sĩ 250 ngàn cũng chứng tỏ chính đạo quân 1 triệu người này – trải qua hàng ngàn trận chiến lớn, nhỏ – mới là chủ lực ngày đêm bảo vệ cái thực thể Việt Nam Cộng Hoà suốt 20 năm chứ không phải quân viễn chinh của nước Mỹ, trông cậy quá nhiều vào hoả lực áp đảo và thường “vồ hụt” địch quân.
Đạo quân người Việt này đã bị “bức tử” một cách vội vã, hết sức thiếu công bằng trong năm cuối cùng của cuộc chiến. Giữa lúc đối phương mang toàn lực tấn công, viện trợ không được gia tăng mà còn bị cắt tàn nhẫn – đột ngột và toàn diện – cho nên không sụp đổ mới là chuyện lạ.
Nếu Liên Xô, Trung Cộng cũng cúp lương thực, cúp xăng dầu, cúp đạn, cúp pháo, cúp tăng…đối với Bắc Việt y chang như Mỹ đã làm đối với đồng minh Nam Việt thì chắc chắn không bao giờ có biến cố lịch sử tháng 4/1975!
Chiến tranh Việt Nam cũng làm đảo điên nước Mỹ trong nhiều năm. Phong trào chống chiến tranh lan tràn khắp nước Mỹ và khắp thế giới. Hội thảo, biểu tình liên tục. Trốn lính, bắt lính. Vừa đánh, vừa đàm. Leo thang, xuống thang. Nước Mỹ mất ăn, mất ngủ vì số thương vong quá cao được công bố mỗi ngày. Ngược lại, chẳng mấy ai lưu tâm đến chiến tranh A Phú Hãn, ngoại trừ biến cố trùm khủng bố Bin Laden bị giết hoặc khi các chính trị gia Mỹ nêu vấn đề “rút hay không rút” vào lúc tranh cử.
Nói một cách khác, chiến tranh Việt Nam “sôi nổi, lôi cuốn” bao nhiêu thì chiến tranh A Phú Hãn lại “bình thường, tẻ nhạt” bấy nhiêu – tất nhiên là đối với công luận quốc tế, công luận Mỹ chứ không phải đối với hàng chục triệu dân A Phú Hãn phải hứng chịu tai hoạ chiến tranh mỗi ngày, không phải đối với mấy triệu người A Phú Hãn sống vất vưởng ở các trại tị nạn ở các vùng biên giới.
Ba:
Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ 1954, nếu Mỹ phủi tay, quay lưng luôn thì Miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ mất vào tay Cộng sản rất sớm, cùng lúc với Lào và Cao Miên. Kế tiếp là các nước Đông Nam Á, nghèo nàn, bất ổn và đã nhen nhúm hoạt động cộng sản “Mao Ít” như Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân… cũng sẽ lần lượt rơi rụng đúng như các quân cờ Domino.
Mỹ can thiệp vào chuyện Việt Nam và lập Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) để ngăn chặn phong trào cộng sản quốc tế đang bành trướng mạnh, vì thế, là chuyện phải làm, là chuyện chẳng đặng đừng. Hành động ngăn chặn, “be bờ” của Mỹ tại Việt Nam (1954-1975 ) có tích cách phòng thủ chứ không phải có mục đích tấn công, không khác gì Mỹ đã hành động tại Tây Âu và thiết lập NATO sau khi các nước Đông Âu lần lượt bị cộng sản hoá trong tay của Stalin. Mỹ không xâm lăng Việt Nam như Cộng Sản vu cáo. Nỗ lực của Mỹ là giữ cho miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á không bị cộng sản tràn ngập.
Cuối cùng, khác với trường hợp Nam Hàn, Việt Nam Cộng Hoà đã bị hy sinh nhưng phần lớn các nước Đông Nam Á khác đã được cứu rỗi. “Chiến tranh Việt Nam của nước Mỹ” đã trực tiếp và gián tiếp giúp Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indonesia, Phi Luật Tân có đủ thì giờ củng cố, phát triển tương đối vững mạnh để thoát khỏi mối nguy “bị cộng sản hoá cách này hay cách khác”. Đông Nam Á có ngày nay là nhờ chiến tranh Việt Nam, nhờ sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam trong 20 năm ấy. Đó chính là nhận xét của thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Chiến tranh Việt Nam cũng mang đến một kết quả khá lạ lùng: Mỹ “xuống nước” bắt tay với Trung Cộng để cùng chống Liên Xô và Liên Xô đã sụp đổ chỉ 15 năm sau khi được coi là thắng Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Sáng kiến của Kissinger/ Nixon có thể là thảm hoạ cho nước Mỹ tính về lâu dài nhưng ít nhất, Mỹ cũng được coi là bá chủ thế giới hay “siêu cường duy nhất” trong 2 thập niên kế tiếp cho đến khi nước Tầu Cộng Sản của Tập Cận Bình ra mặt thách thức Mỹ.
Trong khi chiến tranh Việt Nam đối với nước Mỹ, như vậy, là sự cần thiết. Cuộc chiến 20 năm tại A Phú Hãn, đối với nước Mỹ, trái lại, là một sự phí phạm vô ích, một sự sai lầm gần như hoàn toàn.
Ngoài trừ việc săn đuổi và giết Bin Laden, hành động của Mỹ ở A Phú Hãn, về mọi phương diện, khó có thể biện minh.
Mỹ có quyền trừng phạt Taliban đã giúp đỡ và dung dưỡng Bin Laden và Al Qaeda tấn công nước Mỹ trong vụ 9/11 giết gần 3 ngàn người nhưng chiếm đóng A Phú Hãn và ngang dọc tự tung, tự tác là một sự xâm lăng. Dù nhân danh sứ mệnh “giải phóng” hay “khai hoá” xã hội A Phú Hãn. Dù có giúp thiết lập một chính quyền thân Mỹ và “tự do, dân chủ” theo kiểu Tây Phương. Dù có giúp cải thiện đời sống vật chất và cả tinh thần của một thiểu số khá lớn người bản xứ sống trong các thành phố. Dù có cổ võ chuyện giải phóng phụ nữ và nam nữ bình quyền…
“Khai hoá” trong trường hợp này là một sự “áp đặt văn hoá” bằng võ lực vừa có tính cách tự tôn, ngạo mạn vừa làm dấy lên sự ngờ vực “khai hoá” chỉ là chiêu bài không khác chiêu bài của nước Anh khi mang hạm đội đến “khai hoá” Ấn Độ, của Hoà Lan “khai hoá” Indonesia, của Pháp khai hoá “Việt Nam”, của Tây Ban Nha “khai hoá” Phi Luật Tân trong các thế kỷ trước.
Chính Pakistan đã chứa chấp Bin Laden, tại sao Mỹ không đánh, chiếm Pakistan và lập chính quyền “tự do, dân chủ” thân Tây Phương? Còn bao nhiêu nước Hồi Giáo khắc nghiệt, vi phạm nhân quyền liên tục như Iran, Saudi Arabia… tại sao Mỹ và Nato làm ngơ? Hàng chục nước Phi Châu độc tài, áp bức, lạc hậu, nghèo đói…tại sao Mỹ và Nato không mang binh lực đến giải phóng, khai hoá? Tại sao lại chọn A Phú Hãn?
Người ta có quyền suy luận Mỹ dám mang lực lượng đến lật đổ chính quyền Taliban năm 2001 và dựng lên một nước A Phú Hãn mới vì lúc ấy chính quyền của tổng thống Bush (con) tự tin nước Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, muốn làm gì thì làm, không ai có thể ngăn cản. Chẳng hạn, nước Nga vẫn chưa đứng vững trên đống tro tàn của đế quốc Liên Xô. Nước Tầu với qui mô kinh tế GDP nhỏ bằng 1/4 hay 1/5 của Mỹ còn đang rất nhũn nhặn với Mỹ theo lời căn dặn “dấu mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Các nước Nato thì sẵn lòng sắp hàng theo gậy chỉ huy của Mỹ. Hơn thế nữa, chính quyền Taliban đơn độc không có đồng minh. Nước A Phú Hãn, nghèo nàn, lạc hậu “dường như” là một mục tiêu dễ dàng…
Người ta cũng có quyền suy luận Bin Laden, Al Qaeda, Taliban chỉ là cái cớ, tiềm năng quặng mỏ phong phú và nhất là vị trí chiến lược của A Phú Hãn ở Trung Á án ngữ con đường nối Âu, Á và Trung Đông, lại nằm sát Nga, Tầu, Ấn Độ, Iran, Pakistan mới là lý do thực sự Mỹ đến A Phu Hãn và muốn ở lại đây. “Lý tưởng” là một nước A Phú Hãn “tân tiến” khác hẳn các nước Hồi Giáo khác – thân Mỹ, có hiệp ước an ninh với Mỹ, chấp nhận sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ, cho Mỹ bố trí hoả tiễn mang đầu đạn hạt nhân trên những vùng cao nguyên chót vót có khả năng khống chế toàn vùng… Mỹ sẽ giữ được ngôi vị bá chủ lâu dài trên toàn thế giới…
Tuy nhiên, tất cả đã là “lâu đài xây trên cát”.
Nhân danh việc tìm công lý cho gần 3 ngàn người chết oan trong vụ khủng bố 9/11 nước Mỹ đã ném mình vào một cuộc chiến tranh sai lầm và không cần thiết khiến có thêm hơn 200 ngàn người nữa chết oan, chưa kể 2000 tỉ đô la ném xuống sông, xuống biển trong khi số tiền khổng lồ này đáng lẽ có thể dùng để tăng cường nước Mỹ về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc thư hùng không tránh được với nước Tầu cộng sản.
“America first” cũng được đi, nhưng đến bao giờ thì các chính trị gia và cả các chiến lược gia của nước Mỹ mới hết chủ quan, mới hết “ngây thơ vô… số tội”?!
Cao Tuấn
(24/ 8/2021)